Xem ngày trước
BẢN TIN TỔNG HỢP
Xem ngày kế tiếp

Ngày 25 tháng 07 năm 2017
CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
TIÊU ĐIỂM
QUẢN LÝ
NHÂN SỰ MỚI
THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
KINH TẾ
MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
NHÌN RA THẾ GIỚI

CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản gấp 10 lần so với mức hiện nay.
Theo Nghị định số 178/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản. Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất tăng mức phạt này gấp 10 lần thành từ 3 – 5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về phạt tiền đối với hành vi đưa tạp chất vào thủy sản, thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh thủy sản có tạp chất. Cụ thể, bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản, kinh doanh thực phẩm thủy sản (thủy, hải sản bị biến đổi về màu sắc, mùi vị; cấp đông, không có bao gói; thủy sản khô, thủy sản hấp...) có chất bảo quản là hóa chất cấm sử dụng theo một trong các mức sau đây:
Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản, kinh doanh thực phẩm thủy sản (thủy, hải sản bị biến đổi về màu sắc, mùi vị; cấp đông, không có bao gói; thủy sản khô, thủy sản hấp...) có chất bảo quản là hóa chất cấm sử dụng mà sản phẩm thực phẩm vi phạm có giá trị dưới 10 triệu đồng. Trường hợp sản phẩm thực phẩm vi phạm có giá trị từ 10 – 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng.
Ngoài ra, một số mức phạt vẫn được Bộ Y tế đề xuất giữ nguyên như: Phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển thủy sản có tạp chất, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi thuê người khác vận chuyển thủy sản có tạp chất, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi thu gom, bảo quản, kinh doanh thủy sản có tạp chất do được đưa vào; phạt tiền từ 70 – 100 triệu đồng đối với hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản hoặc sơ chế, chế biến thủy sản có chứa tạp chất do được đưa vào. (Đấu Thầu 25/7) đầu trang(
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Bộ Lao động – Thương  binh và Xã hội cho biết, Luật An toàn, vệ sinh lao động được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Điểm c khoản 3 Điều 6 Luật an toàn, vệ sinh lao động quy định “Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định”; “Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, chính phủ quy định chi tiết về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện”.
“Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện” có thể tổ chức dưới 2 hình thức là bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thương mại. Hiện nay, Bảo hiểm thương mại về tai nạn lao động đã được các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cung cấp qua hình thức bảo hiểm sức khỏe, theo quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi năm 2010). Về chính sách này, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, do đây là bảo hiểm thương mại với mục tiêu lợi nhuận, nên có những hạn chế nhất định trong việc thực hiện chế độ bảo đảm an sinh cho người bị nạn và thân nhân của họ (như thiếu chế độ chi dài hạn để bù đắp tổn thất về thu nhập, hỗ trợ trong cuộc sống; người nghèo thường không tham gia...).
Việt Nam hiện chưa có bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động. Vì vậy, để triển khai Luật an toàn, vệ sinh lao động, nhằm đồng bộ các chính sách bảo đảm an sinh xã hội theo Điều 34, 59 của Hiến pháp năm 2013, việc ban hành Nghị định quy định bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là cần thiết.
Dự thảo đề xuất quy định 7 chế độ mà người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng. So với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì các chế độ của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động được kết cấu tương tự 4 chế độ, bổ sung mới 1 chế độ và sửa đổi 2 chế độ. Cụ thể là: 1. Giám định mức suy giảm khả năng lao động; 2. Trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ; 3. Hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; 4. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; 5. Dưỡng sức và phục hồi sức khỏe; 6. Hỗ trợ chi phí y tế; 7. Hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động. (Đấu Thầu 25/7) đầu trang(

TIÊU ĐIỂM
Theo lãnh đạo Cục Thẩm định và Đánh giá tác động Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc một số dự án thủy điện nhỏ thi công “vượt đèn đỏ” khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) như thủy điện Sông Lô 2 tại tỉnh Hà Giang, hay thủy điện Suối Mu ở Hòa Bình là việc làm trái luật.
Vậy những dự án thủy điện thi công trái luật trên sẽ phải xử lý ra sao? Trong việc này, chủ đầu tư đã nóng vội triển khai, hay cố tình lách luật? Liệu đây có phải là cách doanh nghiệp “làm khó” cơ quan chức năng địa phương, để cho qua những “chuyện đã xảy ra rồi?”
Như VietnamPlus đã phản ánh, gần đây, tình trạng doanh nghiệp thủy điện nhỏ “trốn” lập ĐTM - một quy định bắt buộc và là một trong những yếu tố quyết định dự án đó có được triển khai hay không đang khá phổ biến, mà nguyên do lại chính từ các văn bản chính sách lẫn việc thực thi.
Đơn cử như Dự án Thủy điện Sông Lô 2, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng từ năm 2015, tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Thế nhưng, hiện tại Dự án điều chỉnh thuộc đối tượng phải lập lại ĐTM (do nâng công suất lắp máy từ 21MW lên 28MW và điều chỉnh một số hạng mục) này vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ĐTM.
Nhìn nhận thực trạng nêu trên, ông Phạm Anh Dũng, Cục phó Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho biết: Sau khi nắm bắt được thông tin, ngay 23/6/2017, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường đã lập Hội đồng đi kiểm tra, thẩm định và đã yêu cầu Dự án thủy điện Sông Lô 2 tạm dừng triển khai thi công theo quy định.
“Lý do dừng là, dự án thủy điện Sông Lô 2 đã triển khai một số hạng mục như đê bao bờ trái và đê bao bờ phải, phần này chưa có trong ĐTM là sai, hay nói đúng hơn là dự án đã thi công 'vượt đèn đỏ,' vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường 2014. Trong việc này, có thể chủ đầu tư vô tình vi phạm, cũng có thể là cố tình vi phạm. Vì thế, chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay toàn bộ hoạt động thi công xây dựng dự án, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường,“ ông Dũng nói. Về hướng xử phạt, ông Dũng cho biết: “Sau khi tiến hành kiểm tra vào cuối tháng Sáu vừa qua, chúng tôi đã trình lên Thứ trưởng xem xét. Hiện văn bản đang nằm trên bàn Thứ trưởng, không rút ra được. Trong việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ra văn bản, nhưng thẩm quyền xử lý là do Ủy ban Nhân dân tỉnh. ”
Tương tự, đối với dự án thủy điện Suối Mu do Công ty Văn Hồng làm chủ đầu tư trên địa bản huyện Lạc Sơn đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cho phép thi công từ đầu năm 2016, không cần lập ĐTM. Sau đó hơn nửa năm, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hòa Bình mới xác nhận “Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Nhà máy thủy điện Suối Mu.”
Theo lý giải của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, Sở này ký Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng là bởi thủy điện Suối Mu có công suất 9 MW, nên chỉ cần làm “đăng ký kế hoạch.” Vậy, việc dự án này triển khai thi công sau hơn nửa năm mới có Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, liệu có gì “bất thường”?.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về sự việc trên, tiến sỹ Hoàng Hải - Trưởng phòng ĐTM, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho hay: “Đúng ra, khi đi kiểm tra, nếu phát hiện dự án không thuộc đối tượng ĐTM nhưng không có Giấy đăng ký xác nhận thì phải yêu cầu dừng, khi nào bổ sung mới được phép xây dựng.”
Về thẩm quyền thẩm định phê duyệt ĐTM, theo ông Hải, có hai trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Một là phải là đối tượng ĐTM, hai là từ dự án có công suất 2MW trở lên (theo Nghị định 201/2013/NĐ-CP) và một số quy định nữa. “Trường hợp thủy điện Suối Mu, chúng tôi có nhận được văn bản mà Hòa Bình giải thích, nhưng không biết thực tế đúng không,” ông Hải nói.
Vậy, việc thủy điện Suối Mu thi công “vượt đèn đỏ” cần phải xứ lý ra sao? Ông Hải cho hay: “Câu hỏi này với tôi thì khó, tất cả các thứ chỉ dám tư vấn, quyết định thế nào là ở Thứ trưởng (vì Văn bản tỉnh Hòa Bình gửi lên Bộ đã trình lên Thứ trưởng  Võ Tuấn Nhân xem xét), tôi đề xuất không phù hợp lắm. Tuy nhiên theo tôi, dù sự việc đã xảy ra rồi, nên địa phương cũng nên nhắc nhở doanh nghiệp, hoặc xử phạt theo quy định 155 về xử phạt hành chính.”
Về thông tin các địa phương phản ánh sự chồng chéo, chưa rõ ràng giữa các điều khoản hướng dẫn thủ tục lập ĐTM đối với các dự án thủy điện nhỏ, Trưởng phòng ĐTM - Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho rằng: Một số địa phương không để ý thì có nhầm lẫn, có rất nhiều quy định nếu để “lọt” một cái đã có chuyện để nói.
“Trong việc này, có thể địa phương họ nhầm lẫn. Sự chồng chéo tôi có biết, vì nhiều người đọc lướt qua nên không hiểu rõ được. Theo chỉ đạo, tới đây sẽ sửa Nghị định, thực ra bây giờ sắp lên xin ý kiến trên web. Chúng tôi cũng đã họp nhiều lần xin ý kiến, nhưng phải sửa cùng với nhiều Nghị định khác nữa,” ông Hải nói.
Ông Hải cũng lưu ý, việc sửa Nghị định là do Chính phủ quyết định. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề đạt và tham mưu sẽ sửa lại các Nghị định về luật bảo vệ môi trường, trong đó có Nghị định 18, do trong quá trình thực hiện phát hiện một số điểm không được rõ ràng. “Hiện tại, Thứ trưởng (Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân) đang chỉ đạo, nhưng có được hoàn thiện hay không phải qua rất nhiều cấp,” ông Hải khẳng định Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cũng đã trình nhiều phương án, nhưng bản chất là giải thích cho rõ.
“Riêng với văn bản hướng dẫn số 5657/BTNMT-TCMT (do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ký) gửi chung cho các tỉnh, nêu rõ thẩm quyền thẩm định và phê duyệt ĐTM của các dự án thủy điện, Thứ trưởng cũng đã có yêu cầu giải thích cho rõ ràng hơn. Ai hỏi ai nói thì giải trình, còn Bộ có giải trình hay không tôi không rõ,” ông Hải nói thêm.
Trước đó, chia sẻ với phóng viên VietnamPlus vào ngày 10/7, nguồn tin từ Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường tiết lộ, sau khi tập hợp ý kiến của các địa phương, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo đính chính lại văn bản hướng dẫn số 5657/BTNMT-TCMT, căn nguyên là do nội dung văn bản chưa rõ ràng, dẫn đến sự hiểu lầm ở cấp địa phương.
Còn ở góc độ chuyên gia, tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định đánh giá tác động môi trường-Tổng Cục môi trường, hiện là Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho rằng: Để giúp công tác thẩm định xử lý môi trường thuận lợi, đảm bảo môi sinh phát triển bền vững, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần điều chỉnh các văn bản, thống nhất quy định giữa Nghị định và Thông tư hướng dẫn càng sớm càng tốt.
Đồng thời có bổ sung, hướng dẫn biện pháp xử lý với các dự án đang thi công dở dang hoặc bắt đầu thi công (khi chưa có thông tư). Không nên để “lỗ hổng” kéo dài, có thể dẫn tới hiệu ứng dây chuyền “xập xí xập ngầu” đối với các dự án tương tự, gây khó khăn cho công tác thẩm định, xử lý các dự án thủy điện “trốn” ĐTM. (Vietnam + 25/7) đầu trang(
Sáng 24/7, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo Thành phố đã đến đặt vòng hoa, dâng hương kính viếng các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Mai Dịch.
Tại đây, đoàn đã thắp hương tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; dâng hương tưởng nhớ đến từng phần mộ các đồng chí lãnh đạo cách mạng Tiền bối, lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ.
Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017); thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, đồng thời, tri ân, trân trọng và đánh giá cao những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước vì nền hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc.
Cũng trong buổi sáng, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tổ chức dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Thành phố. Tại Đài tưởng niệm liệt sỹ thành phố, đồng chí Phan Lan Tú, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cùng toàn thể cán bộ, công chức trong Sở đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ đến công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương, dũng cảm chiến đấu, hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Sau phút tưởng niệm, đoàn đã đến thắp hương từng phần mộ liệt sỹ. Trước anh linh các anh hùng liệt sỹ, tập thể cán bộ, công chức, viên chức Sở Thông tin và Truyền thông nguyện phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, ra sức phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hà Nội tại Nhổn thuộc xã Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội hiện có hơn 2.000 phần mộ, là nơi yên nghỉ của nhiều thế hệ thanh niên, bộ đội anh dũng hi sinh trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và nhiều phần mộ của các bà mẹ Việt Nam anh hùng. (Infonet 25/7) đầu trang(

QUẢN LÝ
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo giải quyết phản ánh, kiến nghị của một số cán bộ chủ chốt Công ty CP Xà Phòng Hà Nội và Công ty CP nông nghiệp Hùng Hậu.
Trước đó, một số cán bộ chủ chốt của Công ty cổ phần Xà Phòng Hà Nội thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiều lần gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc bổ nhiệm ông Lê Hải Sơn, Kế toán trưởng làm Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xà Phòng Hà Nội.
Về việc này, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, xem xét, giải quyết nội dung phản ánh, kiến nghị của một số cán bộ chủ chốt của Công ty cổ phần Xà Phòng Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/10/2017.
Công ty cổ phần nông nghiệp Hùng Hậu có thư đề ngày 5/6/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh việc Công ty gặp nhiều hạn chế trong thực hiện các cơ hội kinh doanh do chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Phú Trung, chủ đầu tư Khu công nghiệp Sa Đéc chưa nộp đủ tiền thuê đất.
Về việc này, Phó Thủ tướng giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra thông tin Công ty cổ phần nông nghiệp Hùng Hậu phản ánh nêu trên. Nếu đúng, khẩn trương chấn chỉnh, xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có văn bản thông báo cho Công ty cổ phần nông nghiệp Hùng Hậu kết quả xử lý. (Đấu Thầu 24/7) đầu trang(
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về việc xem xét bổ sung huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.
Thông báo kết luận nêu rõ, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách giảm nghèo bền vững nói riêng là mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, chính sách giảm nghèo bền vững là một trong những chính sách cần được tập trung thực hiện trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Thời gian qua, việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, một số chính sách đầu tư còn dàn trải, phân tán; một bộ phận dân cư, chính quyền địa phương còn ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, ngân sách cấp trên; kinh phí đối với các huyện nghèo, huyện hưởng cơ chế, chính sách theo huyện nghèo còn tập trung nhiều vào cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến tạo sinh kế cho người dân; chưa khuyến khích và đánh giá cao người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Giai đoạn 2017 - 2020, trên cơ sở quy định tại Quyết định số 2115/QĐ-TTg ngày 7/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí huyện nghèo áp dụng cho giai đoạn 2017 - 2020, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ và các địa phương thực hiện rà soát, đánh giá lại toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 30a và các văn bản liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở đề xuất cho giai đoạn 2017 - 2020.
Các địa phương rà soát, báo cáo lại các tiêu chí quy định tại Quyết định số 2115/QĐ-TTg. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo.
Thành lập Hội đồng thẩm định gồm thành viên là đại diện các bộ, cơ quan nêu trên, mời Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tham gia để rà soát, đánh giá, đề xuất các huyện tiếp tục được thực hiện, các huyện đưa ra khỏi danh sách thực hiện Nghị quyết 30a; các huyện được hưởng một số cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2017 bảo đảm nguyên tắc phù hợp với quy định tại Quyết định số 2115/QĐ-TTg, có tính đến đặc thù vùng miền; công khai, minh bạch; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hơn vào hỗ trợ tạo sinh kế cho nhân dân; phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ và các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, huyện hưởng một số cơ chế, chính sách theo huyện nghèo giai đoạn 2017 - 2020. (Thời Báo Tài Chính Việt Nam 24/7) đầu trang(
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về giải pháp xử lý chống ngập dọc Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải lựa chọn những đoạn tuyến, điểm xung yếu nhất thường xuyên bị ngập lụt trên Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bạc Liêu, đề xuất sử dụng nguồn vốn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo nguyên tắc của Quốc hội tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3198/VPCP-QHĐP ngày 3/4/2017 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Giao thông vận tải rà soát, cập nhật quy hoạch giao thông trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có xét đến tình hình ngập lụt, úng, triều cường do ảnh hưởng biến đổi khí hậu theo Quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1397/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 và Chương trình đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang theo quy định tại Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát Quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng với kịch bản mới được cập nhật và điều kiện thực tế để có giải pháp tổng thể giải quyết tình trạng ngập lụt, úng, triều cường một cách đồng bộ cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và đời sống của nhân dân trong Vùng. (Xây Dựng 24/7) đầu trang(
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận Hội nghị thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Thông báo kết luận nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung phối hợp công tác với các cấp Tổng Liên đoàn trong việc thực hiện một số nội dung:
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia xây dựng thể chế, thực hiện phản biện xã hội đối với các chính sách liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, tạo nhiều việc làm cho xã hội.
Xây dựng đội ngũ công nhân, người lao động có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu của tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập quốc tế.
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; nâng cao hiệu quả công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động, đặc biệt về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; kịp thời kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, xử lý vi phạm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Phổ biến chính sách pháp luật, chủ động cung cấp thông tin liên quan cho người lao động nhằm đẩy lùi thông tin tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin của người lao động vào Đảng và Nhà nước, vào sự quản lý, điều hành của Chính phủ.
Tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, khích lệ, động viên người lao động hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đóng góp vào kết quả chung của đơn vị và của đất nước.
Tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với công nhân, người lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Tổ chức gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ và đại biểu tham dự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. (Giáo Dục Việt Nam 25/7) đầu trang(
Theo chinhphu.vn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Yêu cầu Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ liên quan khẩn trương xây dựng hệ thống thông tin hỏi-đáp về an toàn thực phẩm, đồng thời có văn bản chỉ đạo thực hiện việc bố trí phương tiện kiểm tra nhanh thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ cùng các bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương thống nhất phương án kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm hoạt động thực chất, hiệu quả, trong đó phải đổi mới cách thức làm việc, nhất là đối với bộ phận tổng hợp giúp việc ban chỉ đạo, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7-2017.
Được biết sáu tháng đầu năm, cả nước đã thành lập 23.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 443.178 cơ sở, phát hiện 81.115 cơ sở vi phạm, chiếm 21,6%. (Pháp Luật TP.HCM 25/7) đầu trang(

NHÂN SỰ MỚI
HĐND các tỉnh Tuyên Quang, Đắk Nông vừa tiến hành miễn nhiệm, bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh.
Trong phiên làm việc ngày 24/7, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên UBND tỉnh.
Theo đó, các ông: Trần Văn Chiến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Hà Kiên Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và ông Hứa Minh Dịch, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã được các đại biểu tín nhiệm, bầu bổ sung là thành viên UBND tỉnh.
Sáng cùng ngày (24/7), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông Nguyễn Bốn đã trao các quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các nhân sự chủ chốt của tỉnh.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Sở Tư pháp;
Ông Bùi Thanh Hà, Trưởng phòng Quy hoạch giao đất, Sở Tài nguyên và Môi trường được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường;
Ông Trương Trường Giang, Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Cát Tiên được bổ nhiệm chức Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Măng;
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công (Văn phòng UBND tỉnh) được bổ nhiệm chức Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên;
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) được bổ nhiệm chức Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Nung;
Ông Lương Sơn Bá, Phụ trách đường dây nóng, Ban Tiếp công dân (Văn phòng UBND tỉnh) được bổ nhiệm chức Phó Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh.
Đồng thời Chủ tịch tỉnh trao quyết định bổ nhiệm lại các ông: Trần Đình Vinh, Giám đốc Sở Tư pháp; Phạm Đắc Thành, Kiểm soát viên, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa III, nhiệm kỳ 2016 – 2021 (bế mạc ngày 21/7), các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết miễn nhiệm ủy viên UBND tỉnh khóa III (do chuyển công tác) đối với các ông, bà: Nguyễn Đức Nguyên, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ; Lê Khắc Ghi, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao-Du lịch và bà Hà Thị Hạnh, nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.
Đồng thời các đại biểu HĐND tỉnh Đắk Nông đã bầu bổ sung các ông: Đoàn Văn Quỳnh - Giám đốc Sở Nội vụ; Phan Đình Hiến, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh làm Ủy viên UBND tỉnh Đắk Nông khóa III. (Báo Chính Phủ 25/7) đầu trang(

THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
Ngày 24-7, tại TP Bắc Cạn, Ðoàn công tác số 4 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN) do đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN làm trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bắc Cạn để công bố kế hoạch, nội dung kiểm tra, giám sát tại tỉnh.
Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 5-8, Ðoàn công tác sẽ kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đối với các cơ quan: BTV Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, BTV Thành ủy Bắc Cạn, Cục Thi hành án tỉnh và các sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Uông Chu Lưu đánh giá, báo cáo của BTV Tỉnh ủy được chuẩn bị công phu, trách nhiệm, chủ động, kịp thời, giúp các thành viên trong Ðoàn nhận diện ban đầu về thực trạng, tình hình PCTN trên địa bàn. Ðồng chí yêu cầu các đơn vị, cơ quan được kiểm tra, giám sát chuẩn bị đủ hồ sơ, tư liệu, căn cứ, tạo điều kiện cho các thành viên trong Ðoàn thực hiện tốt công việc được giao...
Ðoàn công tác đã đến thăm Trung tâm Ðiều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Cạn; thăm gia đình bà Hoàng Thị Cam, mẹ liệt sĩ; gia đình ông Trần Văn Sinh, thương binh hạng 1/4 ở TP Bắc Cạn.
Ngày 24-7, Ðoàn công tác số 8 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, do đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN làm trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác PCTN.
Ðoàn công tác đã công bố Kế hoạch số 64 và Quyết định số 65, ngày 25-4-2017 của Ban Chỉ đạo T.Ư về kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Theo đó, từ ngày 14 đến 25-8, Ðoàn công tác sẽ kiểm tra, giám sát tại 14 cơ quan, đơn vị ở tỉnh Hà Giang nội dung tập trung vào các vấn đề như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về PCTN; phát hiện xử lý, thi hành án; phối hợp điều tra; việc tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; kiểm tra việc quán triệt, triển khai Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), nội dung về các biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống liên quan lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng.
Chiều cùng ngày, Ðoàn công tác số 8 của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN do đồng chí Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH làm trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang, triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh. (Nhân Dân 25/7) đầu trang(
Đây là nội dung được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 24/7/2017.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, sau 6 năm thi hành, về cơ bản Luật đã góp phần tạo khung pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả trong hoạt động thanh tra. Căn cứ vào các quy định của Luật Thanh tra 2010, Kế hoạch thanh tra hàng năm, các cơ quan thanh tra đã tiến hành thanh tra trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, thanh tra chuyên ngành và giải quyết khiếu nại tố cáo. Thông qua thanh tra đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nhiều vi phạm pháp luật, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tế đặt ra.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có rất nhiều hạn chế trong quá trình thi hành Luật này. Đó là, chức năng, nhiệm vụ lớn nhưng quyền được trao chưa tương xứng với chức năng nhiệm vụ của mình. Như: quyền xử lý vi phạm trong việc chây ỳ, không thực hiện kết luận thanh tra; quyền khởi tố vụ án, điều tra ban đầu. Thực tế hiện nay việc phối hợp chuyển hồ sơ cơ quan điều tra của thanh tra các cấp, các ngành còn nhiều bất cập; hiệu lực của kết luận, kiến nghị thanh tra ở một số điểm còn chưa rõ ràng.
Theo Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện, hiện nay tồn tại tới ba cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng là Ủy ban kiểm tra, Thanh tra và Kiểm toán, dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải phối hợp dẫn đến hiệu quả không cao, quyền lực tản mạn, bộ máy cồng kềnh.
Ngoài ra còn có một bất cập khác là, một số cuộc thanh tra kéo dài, thời gian ban hành kết luận chưa đảm bảo theo quy định, chưa đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý và ảnh hưởng đến hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan bị tiến hành thanh tra; khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thanh tra chỉ có quyền kiến nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý. Tuy nhiên, tỷ lệ khởi tố các vụ việc này còn thấp mà không có phản hồi lý do. Việc thực hiện các quy trình thanh tra chuyên ngành đối với hai cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành còn ít các hành vi vi phạm, mới dừng lại ở kiến nghị, đề xuất, rút kinh nghiệm, chưa có hình thức xử lý đối với những vi phạm.
Luật Thanh tra 2010 không phân định tổ chức cơ quan thanh tra nhà nước thành lập theo cấp hành chính và tổ chức cơ quan thanh tra nhà nước thành lập theo ngành, lĩnh vực và chỉ quy định về các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, bao gồm: cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan được giao nhiệm vụ chức năng thanh tra chuyên ngành. Luật cũng chưa quy định cụ thể một số lĩnh vực được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là một năm cần thực hiện ít nhất bao nhiêu cuộc thanh tra, dẫn đến một số đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng số lượng thanh tra quá ít, làm cho hoạt động này bị tản mạn.
Trên thực tế việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp cố ý hoặc trốn tránh việc thực hiện kết luận thanh tra nhưng chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh…
Báo cáo của Cơ quan thanh tra cũng chỉ ra, hiện nay hoạt động thanh tra vẫn còn sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa thanh tra bộ, thanh tra tỉnh và thanh tra sở. Trên thực tế những doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn địa phương vừa chịu sự kiểm tra, thanh tra của bộ quản lý chuyên ngành, vừa chịu sự kiểm tra, thanh tra của sở, tỉnh. Sự chồng chéo này cũng là những bất cập.
Là đơn vị được giao quản lý nhà nước tới 9 lĩnh vực như: luật sư, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản… Cục Bổ trợ tư pháp cũng được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trong 3 năm thực hiện chức năng này, Cục tiến hành được 7 cuộc thanh tra chuyên ngành.
Phó Cục trưởng Vũ Văn Đoàn nhận thấy đã có chuyển biến nhất định qua công tác thanh tra như các cơ quan, tổ chức được thanh tra và các cơ quan, tổ chức khác nghiêm túc hơn trong tuân thủ quy định pháp luật; cơ quan quản lý kịp thời phát hiện những bất cập trong các quy định pháp luật có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Đồng tình với ông Đoàn, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Thanh Hải - đơn vị thứ hai được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cũng cho biết: Qua công tác thanh tra chuyên ngành, Cục đã kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm của các đơn vị được thanh tra.
Ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước cho biết, 6 năm qua việc phối hợp thanh tra lĩnh vực bồi thường không nhiều nhưng vẫn có những vấn đề cần bàn đế. Luật TNBTNN đã giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho Chính phủ (trước đây do Tòa án, VKS làm) đây là vấn đề mới, vậy vai trò của thanh tra như thế nào? Cục BTNN không có vai trò này, vậy phải tính toán, Thanh tra Bộ có làm lĩnh vực này hay không, nếu không sẽ để trống, hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.
Các ý kiến cũng cho rằng, cần quy định cụ thể tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra; có chế tài cụ thể trong việc xử lý đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan đến kết luận thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận thanh tra.
Để tránh sự chồng chéo, cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra trên các lĩnh vực đảm bảo khách quan, công bằng và tiến hành kịp thời, nhanh gọn…không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tổ chức. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ; làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm minh những cá nhân sai phạm, thiếu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Kim, Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Thanh tra Chính phủ đánh giá: Việc tổng kết thi hành Luật là những nhiệm vụ quan trọng, các địa phương, bộ, ngành làm nghiêm túc. Nội dung bám sát chỉ đạo, báo cáo chi tiết cụ thể. Bên cạnh đó các ý kiến đóng góp nội dung đầy đủ. Thực hiện Luật Thanh tra 2010, các hoạt động thanh tra có nhiều đổi mới, trở thành công cụ thiết yếu trong công tác quản lý nhà nước hiện nay.
Đến nay, mô hình, hiệu quả hoạt động đang có nhiều bất cập, xã hội đòi hỏi phải hoàn thiện hơn, đặc biệt là mô hình tại các bộ, ngành. Có rất nhiều điểm vướng, cả trong Luật và cả trên thực tế nên cần phải hoàn thiện.
Hiện nay công tác thanh tra đang phụ thuộc vào cơ chế quản lý nên giữa cái cũ-mới đang đan xen. Các bộ, ngành chức năng vừa làm quản lý nhà nước vừa làm kinh tế, chính vì vậy có rất nhiều chi phối trong hoạt động thanh tra. Thực tế thanh tra bên ngoài rất tốt, nhưng trong chính ngành mình lại chưa được như mong muốn.
Sự chồng chéo giữa ngành thanh tra và kiểm toán là cái hiện hữu, chưa có lời giải và có ảnh hưởng đến chức năng tổ chức,  nhất là trong công tác phòng chống tham nhũng, hiện chưa rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính về thanh tra trong lĩnh vực này.
Ông Kim cũng đề nghị, các bộ ngành phải cụ thể hóa những vấn đề của ngành mình thành những quy định cụ thể. Những đề xuất chung, phía TTCP sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong thời gian tới và có những đề xuất sửa đổi cho phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng cho rằng, qua 6 năm thực hiện Luật cho thấy, cơ bản hoạt động thanh tra yêu cầu. Qua thanh tra phát hiện ra những sai phạm và chấn chỉnh. Sau thanh tra, hoạt động của các cơ quan đơn vị được tốt hơn…Những bất cập nêu ra trong tổng kết này là một thực tế. Như, địa vị pháp lý của thanh tra chuyên ngành chưa rõ; chưa có cơ chế để bao quát chung toàn ngành. Hiện chưa có mối quan hệ chặt chẽ giữa thanh tra bộ và thanh tra sở; những bất cập, chồng chéo về thẩm quyền thanh tra…Đồng thời yêu cầu thanh tra bộ phận chuyên môn có báo cáo gửi TTCP theo quy định.  (Công Lý 24/7) đầu trang(
Theo tính toán, mỗi năm hệ thống thu phí tiêu tốn khoảng 3.700 tỷ đồng, trong đó tiền in vé giấy khoảng 100 tỷ, lãng phí và gây ùn tắc giao thông.
Trong khi hầu hết các nước đã sử dụng hệ thống trạm thu phí tự động không dừng (ETC) trên quốc lộ thì nước ta vẫn tồn tại các trạm thu phí một dừng (MTC). Việc này không chỉ gây tốn kém thời gian của các chủ phương tiện lưu thông trên đường cũng như chi phí của các nhà quản lý  mà còn  gây ách tắc giao thông. Chính vì vậy,  khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định triển  khai hệ thống trạm thu phí tự động  không dừng cho giao thông đường bộ  đã khiến dư luận hoan nghênh.
Cả nước hiện có gần 100 trạm thu phí một dừng. Theo tính toán, mỗi năm hệ thống thu phí này tiêu tốn khoảng 3.700 tỷ đồng trong đó tiền in vé giấy khoảng 100 tỷ đồng, khoản chi phí nhiên liệu,  lượng hàng hóa lưu thông giảm do thời gian phải dừng chờ thu phí qui đổi ra tiền lên đến hàng trăm tỷ, chưa kể lượng khí thải ra môi trường, tai nạn giao thông ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống. Việc áp dụng hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ khắc phục tất cả những hạn chế đó và quan trọng  nhất là làm minh bạch các khoản thu, nguồn thu. Công ty cổ phần VETC là đơn vị được giao trách nhiệm đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng.
Ông Vũ Quang Lâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần  VETC cho biết: Cách vận hành của trạm thu phí tự động không dừng giống hệt một nhà  mạng di động trả trước, mỗi phương tiện  được dán thẻ định danh giống sim điện thoại, có 1 tài khoản giống như số điện thoại. Ở đó khách hàng sử dụng các kênh như điện thoại di động trả trước để nạp tiền vào tài khoản đó.
“Mỗi khi đi qua trạm thu phí như thực hiện 1 cuộc điện thoại.  Hệ thống tự động trừ tiền trong tài khoản theo mức phí từng trạm. Thay vì nhà đầu tư  BOT phải tổ chức bộ máy lớn thu phí thì chúng tôi sẽ làm giúp tất cả các việc ấy thay BOT”, ông Lâm nói.
Khi phương tiện đã được dán thẻ định danh E-Tag chạy trên làn thu phí tự động, công nghệ của hệ thống sẽ nhận diện xe và chuyển hình ảnh cùng  thông tin về trung tâm dữ liệu với  tốc độ xử lý nhanh. Sau khi kiểm tra nếu thông tin trên thẻ và số dư tài khoản của phương tiện hợp lệ, khi đó barrier sẽ mở đảm bảo xe qua trạm mà không phải dừng một giây nào theo đúng nghĩa. Việc thu phí sẽ được giám sát rộng rãi bằng  thiết bị điện tử, từ người điều khiển phương tiện đến các chủ đầu tư Trạm thu phí BOT, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận  tải, cơ quan an ninh.
Hệ thống thu phí tự động không dừng đã được ứng dụng hàng chục năm trước đây ở các nước phát triển và 10 năm trở lại đây tại nhiều nước châu Á. Ở Malaysia, nơi chúng tôi có dịp công tác tháng 4 vừa qua, công nghệ thu phí tự động không dừng đã góp phần giảm một nửa thời gian thu phí phương tiện. Ở Việt Nam có hàng triệu xe cơ giới đang lưu thông. Xe qua trạm thu phí phải mua vé và soát vé thủ công nên mất nhiều thời gian, gây ùn tắc cục bộ. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thu phí tự động không dừng vào giao thông là hết sức cần thiết.
Ngoài 8 trạm thu phí tự động không dừng đã vận hành thương mại ở miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên, trong tháng 7 này Công ty cổ phần VETC ký hợp đồng dịch vụ thu phí tự động với Trạm thu phí Đồng Nai. Đây là trạm thu phí đầu tiên của miền Nam xúc tiến công nghệ thu phí VETC.
Đến tháng 9, VETC sẽ triển khai công nghệ  thu phí tự động không dừng ở Trạm thu phí xa lộ Hà Nội, Trạm thu phí xa lộ Đại hàn và cầu Phú Mỹ thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. VETC đang phối hợp chặt chẽ với Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện việc dán thẻ định danh cho các phương tiện cơ giới.
Theo ông Trần Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-03V Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam, đơn vị  đã triển khai dịch vụ thu phí không dừng cho khách hàng, đến bây giờ  các dịch vụ này được công ty VETC cung cấp miễn phí. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 25/7) đầu trang(
Trong lúc rất nhiều cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang thiếu nhà ở trầm trọng thì Trung tâm Phát triển Quỹ nhà và đất Bạc Liêu quản lý 379 căn nhà, trong đó rất nhiều căn bỏ không, gây lãng phí lớn.
Kết luận của Thanh tra Nhà nước tỉnh Bạc Liêu đối với trung tâm này cho thấy, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang giải quyết khó khăn về nhà ở, tỉnh đã xuất ngân sách 11 tỉ đồng để mua 43 căn nhà tại đường số 15, khu dân cư Thiên Long, phường 5, thành phố Bạc Liêu.
Sau khi nhận bàn giao từ Cty Thiên Long, thay vì giải quyết cho các đối tượng khó khăn về nhà ở thì trung tâm chỉ cho mượn, cho thuê 6 căn, còn lại 37 căn bỏ trống, hiện xuống cấp trầm trọng.
Một cán bộ bức xúc: “Chúng tôi không có ở nhà phải thuê nhà trọ nhiều năm nay, hồ sơ nộp vào trung tâm xin được thuê nhà của Nhà nước nhưng không được giải quyết. Trung tâm trả lời hiện nay không có nhà để bố trí, vậy mà nơi đây bỏ không 37 căn mặc cho mưa gió”.
Trước thực trạng này, Thanh tra đề nghị Trung tâm sớm có phương án cho thuê để tránh lãng phí, đồng thời tiến hành kiểm điểm trách nhiệm một số cán bộ tại Trung tâm. (Lao Động 24/7) đầu trang(
Không chủ động được vốn dẫn đến dự án “siêu” bệnh viện chậm tiến độ, đội giá. Việc đội giá khiến tình trạng thiếu vốn lại càng trầm kha… Cứ thế, cái vòng luẩn quẩn “xây - chờ - xin” đẩy biết bao công trình sử dụng vốn ngân sách lâm cảnh sống dở chết dở, bỏ hoang hóa, xuống cấp, gây lãng phí, phẫn nộ trong công luận. Thế nhưng, thay vì phải giải quyết dứt điểm, thái độ thường thấy của các chủ đầu tư là… “né”. Sau đó, họ vẫn xin tiền trung ương hoặc chi tiền của địa phương để triển khai các dự án khác.
Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án Bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường tỉnh Nam Định (phường Lộc Hạ - TP. Nam Định) chỉ thiếu non vài tháng là tròn 10 năm “kỷ niệm” ngày khởi công. Tại lễ động thổ rực rỡ cờ hoa với đầy đủ ban bệ, một mốc thời gian chắc nịch đã được các bên trịnh trọng công bố, ngày 15.1.2011. Đó chính là thời điểm công trình trọng điểm này dự kiến được hoàn thành, sau đúng 1.140 ngày được các bên trúng thầu là Cty cổ phần xây dựng 504 - Vinaconex và TCty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cùng song song thi công.
Trên bản đồ quy hoạch, dự án bệnh viện tọa lạc có diện tích 9,3ha, được thiết kế hiện đại, quy mô lớn nhất cụm các tỉnh đồng bằng sông Hồng, bao gồm tổ hợp nhiều khu nhà cao tầng, có sân đỗ trực thăng trên nóc… Thế nhưng đã gần 1 thập kỷ trôi qua, những gì hiện hữu là một công trường dang dở, ngổn ngang các khối nhà rêu mốc; bêtông vứt chỏng chơ; khung cột thép để lộ thiên hoen rỉ, ngập bủm giữa ao tù nước đọng; lau lách mọc lút đầu người… xen lẫn đó thấy lác đác một vài công nhân làm việc cầm chừng.
Có mặt tại khu vực này những ngày tháng 7.2017, ngoài cơ sở hạ tầng của toàn khu đô thị đã tương đối hoàn thiện và đồng bộ, dự án “siêu” bệnh viện sừng sững như một điểm nhấn buồn của sự lãng phí bởi thép chờ rỉ sét, tường gạch xỉn màu rêu phong…
Một vài người dân địa phương cho biết, do công trình nằm xa khu dân cư nên trong nhiều năm trời, họ đã không ít lần chứng kiến nơi này trở thành tụ điểm náu mình cho đám hút chích, tệ nạn xã hội… Theo ông Quỳnh (tổ 12, phường Lộc Hạ): Nhà nước thu đất làm bệnh viện thì ai cũng vui. Thế nhưng họ chỉ làm ồ ạt được vài năm rồi bỏ bẵng đấy. Từ đầu năm rồi thì làm lại được một ít nhưng cũng cầm chừng, rất chậm.
Theo tài liệu PV Báo Lao Động tiếp cận được, Dự án bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường tỉnh Nam Định được trình xin ý kiến của Thủ tướng từ năm 2004. Ngày 25.4.2004, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm có văn bản đồng ý về chủ trương cho phép Nam Định thực hiện triển khai. Theo đó, dự án sẽ do UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư, ban đầu có giá trị 598,5 tỉ đồng nhưng đến cuối 2009 được điều chỉnh lên 850,8 tỉ đồng. Dự án thuộc đối tượng đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) theo Nghị quyết số 18/2008/NQ-QH12 của Quốc hội và Quyết định số 930/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, tại buổi làm việc với PV Bao Lao Động sáng 13.7, ông Vũ Khắc Đông - Phó trưởng Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định - giải thích ngắn gọn: “Do không có tiền”. Ông Đông khẳng định, mặc dù có tổng mức đầu tư “khủng”, nhưng trên thực tế, T.Ư mới chỉ “rót” về khoảng 265 tỉ đồng và suốt từ năm 2012 đến nay, không thêm một đồng vốn nào. Ông Đông tính toán theo thời giá hiện tại, có thể dự án đã “đội” thêm 60-70%, lên trên 1.300 tỉ đồng…
Cũng tại buổi làm việc, vị Phó trưởng Ban cung cấp cho PV một văn bản nêu rõ các mốc thời gian: Tính đến hết kế hoạch năm 2009, tổng vốn TPCP bố trí đối với dự án là 190 tỉ đồng. Trong kế hoạch vốn TPCP năm 2010, dự án không được bố trí vốn TPCP vì không thuộc danh mục đầu tư tại Nghị quyết số 881/NQUBTVQH 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau đó, dự án tiếp tục không đủ điều kiện để bố trí vốn TPCP giai đoạn 2012-2015.
“Đến nay dự án chưa được hoàn thành nên chưa khắc phục được những khó khăn về cơ sở vật chất trong công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận. Việc tiếp tục bố trí vốn giai đoạn 2016-2020 để dự án hoàn thành là cần thiết. Việc đầu tư cho dự án có thể xem xét nguồn vốn TPCP giai đoạn 2017-2020 và hoặc nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương, ngân sách địa phương” - văn bản kết luận.
Mặc dù khẳng định việc tiếp tục bố trí vốn là cần thiết song cũng theo văn bản này, đối với nguồn vốn TPCP giai đoạn 2017-2020, dự án trọng điểm này một lần nữa… “hụt” tiêu chuẩn. Còn đối với nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách T.Ư thuộc kế hoạch trung hạn 2016-2020, UBND tỉnh Nam Định dự kiến phân bổ cho hai dự án y tế khác là Bệnh viện cổ truyền tỉnh (giai đoạn 2) và Trung tâm da liễu nên không thu xếp vốn cho bệnh viện 700 giường… Điều này đồng nghĩa với việc tạm tính đến năm 2020, cơ hội về đích của công trình đầy kỳ vọng này vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Thế nhưng, dù trăm lần giãi bày, ngàn lần kêu than đi nữa thì vẫn có một sự thật tại dự án này vừa bị cơ quan thanh tra phanh phui. Đó chính là cách sử dụng và điều tiết nguồn vốn khó hiểu, để giờ đây chính chủ đầu tư lâm cảnh khốn khổ là “thả gà ra đuổi”… (Lao Động 24/7) đầu trang(

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Ngày 24/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Diễn đàn khoa học “Đánh giá kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016: Đo lường từ sự hài lòng của người dân”.
Theo TS Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, trong cải cách thủ tục hành chính hiện còn vấn đề do thiếu trách nhiệm, bắt người dân phải chứng minh đủ các loại giấy tờ, chưa kể đến việc công chức còn nhũng nhiễu, tiêu cực. TS Ngô Hải Phan đề nghị cần tăng cường dân chủ, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách.
TS Phan cho rằng, nếu chỉ làm thủ công, nặng về giấy tờ sẽ gây chậm trễ trong lề lối, phương thức làm việc, không kiểm soát được chi phí người dân và doanh nghiệp bỏ ra, không kiểm soát được hành vi, thái độ của cán bộ công chức. “Thông qua cơ chế một cửa phải tăng cường sự quản lý, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Nếu chưa làm tốt được việc này thì tiếng kêu của người dân sẽ vẫn còn”, ông Phan nói.
PGS.TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và tư vấn về phát triển, nhận định bộ máy hành chính của chúng ta hiện còn rất nhiều vấn đề, tuy cải cách nhưng thủ tục càng ngày càng nhiều hơn, dẫn đến tình trạng rối hơn. “Cái gì vượt ra ngoài quy chuẩn là rối ren, tùy tiện. Ngoài giải quyết bằng thủ tục, thì phong bì và tiền cũng giải quyết được rất nhiều việc. Có nhiều việc tưởng khó nhưng lại rất đơn giản, chỉ cần có phong bì là xong”, ông San nêu thực tế.
TS Phạm Bích San cho rằng, hiện nay số người đăng ký vào bộ máy nhà nước không những không giảm mà còn tăng rất nhiều. Theo ông San, cách đây khoảng 15 năm, một số giám đốc sở ở TPHCM bỏ nhà nước chuyển ra tư nhân làm, bây giờ nhiều người quay lại với nhà nước.
“Sức ép của thị trường lên bộ máy hành chính không còn nữa. Trước đây nhiều người bỏ nhà nước chuyển ra làm tư nhân, bây giờ nhiều người quay lại với nhà nước. Chính vì thế mới có tình trạng như ở một đơn vị cấp sở tại Hà Nội có 100 suất vào nhưng có đến 2.000 người chen nhau”, ông San dẫn chứng và đề nghị cần gia tăng sự giám sát của xã hội với bộ máy hành chính, đặc biệt cần đề cao vai trò của hệ thống facebook và mạng xã hội.
Với thực tế cải cách thủ tục hành chính hiện nay, ông San cho rằng, chỉ nhà nước hài lòng, còn thực tế người dân và doanh nghiệp vẫn “kêu trời”. Do vậy phải thay đổi căn bản nền hành chính mới tiến nhanh tiến mạnh được.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, cải cách sẽ động chạm tới toàn bộ mối quan hệ, nhưng cần thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, vấn đề này đã đề cập rất nhiều năm nay, vẫn khẩu hiệu “cải cách hành chính là khâu đột phá”, nhưng không biết đến bao giờ mới “phá” nổi?
Ông Phúc cho rằng, tâm lý bao biện, làm thay, sợ cơ sở không làm được vẫn còn nặng nề, thậm chí có tình trạng làm đẹp báo cáo. Nhà nước vẫn còn nợ dân, nợ doanh nghiệp nhiều lắm. Nếu không loại bỏ được những trì trệ, lạc hậu thì rất khó để hội nhập.
“Cải cách hành chính của chúng ta còn quá chậm. Bây giờ phải lấy thực tiễn làm trọng tâm, chứ văn bản thì nhiều lắm, mấy nghìn văn bản sẽ khiến chúng ta sẽ rơi vào ma trận, tự ta làm khó ta”, ông Phúc nói, đồng thời cho rằng, nhà nước chỉ cần làm đúng việc của mình, còn lại chuyển giao cho xã hội, như vậy bộ máy sẽ giảm cồng kềnh.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thủ tục hành chính càng đơn giản bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Chính vì thế, điều đầu tiên là cơ quan nhà nước phải giảm bớt cái gì không cần thiết phải “ôm”, thúc đẩy xã hội hóa, cái nào dân làm được để dân làm. Có như vậy bộ máy mới tinh gọn được, còn cái gì cũng “ôm đồm” thì rất khó.
Theo TS Ngô Hải Phan, hiện thủ tục hành chính kiểu “xin - cho” đã giảm và chuyển theo hướng phục vụ người dân, nhưng vẫn còn phiền hà, khó khăn trong cải cách hành chính. Hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn, nên đây mới chỉ là thành công bước đầu, còn nhiều việc phải làm mới có thể đáp ứng nguyện vọng của người dân. “Công cuộc cải cách còn rất khó khăn, đụng chạm, chông gai, nhưng nếu quyết tâm làm thì không khó”, TS. Phan nhìn nhận. (Tiền Phong 25/7) đầu trang(
Từ 1/7, Nghệ An được Cục Xuất nhập Cảnh triển khai thí điểm triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân Việt Nam.
Chiều 24/7, Đoàn công tác liên ngành về cải cách hành chính tỉnh Nghệ An có buổi làm việc với Phòng quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Nghệ An.
Thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ chiến sỹ; thái độ khi làm việc, tiếp xúc và giải quyết thủ tục cho công dân, người nước ngoài và cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, Phòng quản lý XNC (PA72) tiếp tục phối hợp với Bưu điện tỉnh Nghệ An hợp đồng với công dân chuyển phát nhanh hộ chiếu đến tận tay người nhận, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho công dân, đồng thời giảm  số lượng người đến nhận kết quả tại trụ sở đơn vị, hạn chế ùn tắc, quá tải,  tại trụ sở trong điều kiện khuôn viên chật hẹp.
Phòng đã làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam và nước ngoài; công tác xác minh phục vụ xét duyệt cấp các giấy tờ xuất nhập cảnh. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, đã tiếp nhận, xét  duyệt chuyển Cục xuất nhập cảnh Bộ Công an cấp 106.947 hộ chiếu; tiếp nhận hồ sơ, cấp 26.112 Giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào cho công dân Việt Nam. Tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt và cấp 34 thẻ tạm trú, 573 thị lực, 1.674 gia hạn tạm trú và 61 giấy phép vào khu vực cấm cho người nước ngoài.
Đối với chương trình khai báo, tiếp nhận, quản lý khai thác thông tin tạm trú của người nước ngoài, Phòng PA 72 đã thực hiện đơn giản hóa hình thức khai báo tạm trú cho người nước ngoài. Các cơ quan, doanh nghiệp có thể chủ động nhập dữ liệu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển trực tiếp dữ liệu về Phòng PA 72 mà không cần in danh sách và trực tiếp đến nộp tại công an, phường, xã.
Đồng thời thường xuyên cập nhật số liệu tạm trú của người nước ngoài đầy đủ, chính xác và kịp thời, phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động XNC và cư trú của người nước ngoài.
Đặc biệt, từ 1/7/2017, Nghệ An là địa phương thứ 3 cả nước sau Đà Nẵng và Hải Phòng được Cục Xuất nhập Cảnh triển khai thí điểm triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân Việt Nam.
Phòng PA 72 chủ động đề xuất với Công an tỉnh mua sắm máy tính, trang thiết bị phục vụ chương trình mới. Phòng PA 72 đã phối hợp với Cục PA 72 tổ chức Hội nghị tập huấn và triển khai chương trình; sắp xếp lại khu vực tiếp công dân, dành riêng một khu vực bố trí máy tính có kết nối internet để công dân nhập tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu.
Cử cán bộ hướng dẫn cho công dân nhập tờ khai điện tử và trực tiếp nhập tờ khai cho công dân thuộc vùng sâu, vùng dân tộc miền núi. Đồng thời phối hợp với cơ quan, đơn vị tuyên truyền cho người dân được biết và khai thác sử dụng hiệu quả chương trình này.
Chương trình mang lại nhiều tiện ích, giúp người dân có thể chủ động tờ khai tại nhà, hẹn thời gian có mặt tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để  nộp hồ sơ, giảm bớt thời gian chờ đợi nộp hồ sơ của người dân. Đồng thời mọi thông tin của người dân được chuẩn hóa, giảm thời gian xử lý hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu cho công dân, giảm áp lực cho cơ quan quản lý XNC.
Qua kiểm tra, Đoàn công tác đánh giá cao sự nỗ lực của Phòng PA 72 trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ chiến sỹ của Phòng PA 72 đã thực hiện tốt công tác CCHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Đoàn công tác đề nghị, trong thời gian tới, Phòng PA 72 rà soát, cập nhật hệ thống văn bản quản lý nhà nước. Làm tốt việc triển khai dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết và sử dụng hiệu quả Chương trình tiếp nhận, xử lý tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông… (Báo Nghệ An 24/7) đầu trang(

KINH TẾ
Ngày 24.7, Cục Quản lý cạnh tranh thông báo sau khi rà soát phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2754/QĐ-BCT loại bỏ Hồng Kông ra khỏi danh sách các nước và vùng lãnh thổ áp dụng.
Trước đó, biện pháp chống bán phá giá được VN công bố từ cuối tháng 3.2017 áp dụng cho sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc. Mức thuế chống bán phá giá dành cho các công ty liên quan từ 3,17 - 38,34% sau khi Bộ Công thương kết luận điều tra có hiện tượng bán phá giá sản phẩm này tại VN khiến ngành sản xuất trong nước chịu thiệt hại ở mức đáng kể. (Thanh Niên 25/7) đầu trang(
Việc thiếu bản chính Giấy đăng ký ô tô có khả năng bị phạt khiến các hãng xe 'méo mặt' vì thị trường ngưng trệ, ngân hàng thì đang tính chuyện thu hồi tiền vay.
Việc nhiều người lái ô tô bị cảnh sát giao thông xử phạt vì lỗi không có bản chính Giấy đăng ký xe (cà vẹt) khi đi đường khiến thị trường cho vay mua xe ô tô gần như ngưng trệ, các đại lý xe như ngồi trên đống lửa. Giám đốc một đại lý ô tô than từ đầu tháng 7, thời điểm “siết” phải có bản gốc cà vẹt xe, cửa hàng không bán được một chiếc xe nào cho người mua vay ngân hàng (NH).
“Toàn người tới ngắm xe rồi về tay không, không ai dám mua. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến các bên “mất cả chì lẫn chài”: người không mua được, kẻ không bán được, NH thì không cho vay được”, ông than. Chưa kể, ông dự báo tình hình này kéo dài, NH sẽ siết cho vay ô tô ngay, nợ xấu sẽ tăng lên, vì nhiều khả năng khách hàng sẽ bán xe chạy nợ. Việc này đã xảy ra nhiều nên NH mới đòi giữ bản chính giấy tờ.
Giám đốc một hãng ô tô cũng cho hay, các hãng xe đang lo lắng vì hiện nay người mua xe vay trả góp chiếm đến 70 - 80%, nên thị trường bị ảnh hưởng rất lớn. Những người mua xe trước đó để chạy Uber hay Grab sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc này, do đa số vay trả góp. Còn những người mua xe mới ngại ngần, dừng lại để nghe ngóng thị trường. “Người mua chần chừ, từ đầu tháng đến nay hàng bán chựng lại. Chúng tôi đang mong các bộ ngành có buổi gặp sớm, bắt tay nhau tháo gỡ vướng mắc”, ông nói.
Trong khi đó, các NH cũng đang lo sốt vó. Lãnh đạo ở một NH cho hay cho vay mua xe đang khựng lại, cũng như NH không có ý định trả bản gốc cà vẹt ra. “Trả thành ra vay tín chấp, không còn tài sản để giữ, người vay chạy mất luôn thì ai chịu trách nhiệm?”, ông đặt vấn đề. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc DongABank, thừa nhận NH đang đối mặt với 2 vấn đề. Thứ nhất, một khi người vay đã thế chấp cà vẹt xe thì NH không thể xuất trả được, bởi đây như một tài sản đảm bảo, giấy tờ có giá. Thứ hai, những người vay mới đang ngại, vì giao nộp bản chính cà vẹt thì không đi đường được. “Quan điểm của tôi đối với khoản tín dụng mới là ai đồng ý cho NH giữ bản chính thì mới cho vay, không thì thôi”, ông cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cho hay cách xử lý hiện nay là NH thương lượng, thỏa thuận với người vay. NH vẫn cho vay bình thường nếu khách hàng đồng ý đưa cà vẹt. Còn nếu không, NH sẽ xem xét kỹ khả năng trả nợ, lịch sử tín dụng, nếu tốt sẽ cho vay.
Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một NH TMCP cho hay khoảng một tháng nay, doanh số vay mua xe giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 10 - 15% so với mức bình thường. “Hiện tại, một số người vay bị phạt thì NH cầm bản chính cà vẹt cùng đến gặp cảnh sát giao thông để hỗ trợ giải quyết, chứ nếu đưa bản chính, khách hàng bán mất xe thì NH gặp rủi ro rất lớn”, ông nói.
Hiện nay, NH này đang có hướng xử lý với khoản vay cũ bằng cách yêu cầu người vay bổ sung tài sản thế chấp khác như nhà đất, sổ tiết kiệm… để lấy giấy tờ bản chính ra. Hoặc khách hàng phải rất “xịn”, có thu nhập rất cao, từ 60 triệu đồng/tháng trở lên, lịch sử tín dụng tốt thì mới cho rút giấy tờ ra cho vay tín chấp, nhưng đồng thời cũng điều chỉnh lãi suất cao hơn. Thứ hai, nếu người vay không có đủ tài sản đảm bảo khác, mà buộc phải có bản gốc giấy tờ, thì NH không có cách nào khác, phải yêu cầu khách hàng hợp tác bán xe, thu hồi tiền vay trở về. (Thanh Niên 25/7) đầu trang(
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Siêu thị Aeon Nhật Bản đã bán các sản phẩm cá tra của Việt Nam được chế biến và tẩm ướp theo gia vị truyền thống.
Đáng chú ý, sản phẩm cá tra của Việt Nam bày bán tại Siêu thị Aeon Nhật Bản được xếp vào danh sách các mặt hàng “Top Valu” - tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm hàng đầu bán tại các siêu thị Nhật Bản.
Tại Nhật Bản, những ngày này là thời điểm nóng nhất trong mùa hè. Do đó người dân Nhật Bản có truyền thống lựa chọn những loại thực phẩm mát để dùng, duy trì thể trạng. Thực phẩm truyền thống được ưa thích là các loại cá da trơn như cá tra hay lươn.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Nhật Bản đạt khoảng 14 triệu USD. Riêng trong năm tháng đầu năm 2017, kim ngạch mặt hàng thủy sản này đạt khoảng 7 triệu USD. (Pháp Luật TP.HCM 25/7) đầu trang(

MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
Hiện tại, thành phố Hà Nội có 1.401 làng văn hóa. Phong trào xây dựng làng văn hóa góp phần gìn giữ văn hóa Thăng Long - Hà Nội, văn hóa xứ Ðoài, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hiệu quả xây dựng mô hình làng văn hóa chưa cao. Cuộc giao lưu làng văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô năm 2017 cho thấy, cần kết hợp tốt giữa xây dựng làng văn hóa với xây dựng nông thôn mới, để diện mạo nông thôn thật sự khởi sắc.
Hiếm có cuộc giao lưu văn hóa cấp thôn, làng nào mà khán giả lại bị "giữ chân" đến tận phút cuối như Chương trình giao lưu làng văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô năm 2017 tổ chức mới đây. Chương trình khiến khán giả bất ngờ về kho tàng văn hóa do nhân dân lưu giữ, cũng như tình yêu nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống tại vùng ngoại thành. Một trong những tiết mục ấn tượng nhất là màn hát văn "Cô đôi thượng ngàn" của người dân thôn Lương Quy (xã Xuân Nộn, huyện Ðông Anh). Những nghệ sĩ nông dân nhập vai Cô đôi hết sức nhuần nhuyễn, giọng ca truyền cảm làm công chúng hiểu thêm về những giá trị âm nhạc của Di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu.
Khi được chọn là làng văn hóa tiêu biểu của huyện Ðông Anh đi dự liên hoan, trong đó có phần thi văn nghệ, người dân Lương Quy đã lúng túng không biết chọn thể loại gì để dự thi. Hiện tại, cùng lúc, thôn Lương Quy có nhiều câu lạc bộ văn hóa khác nhau: Tuồng cổ truyền, tuồng đồng ấu (dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng), hát dân ca, hát văn, múa lân sư rồng...; câu lạc bộ nào cũng mạnh.
Nghệ thuật tuồng có truyền thống nhất, đông người tham gia nhất nhưng khung thời gian cho phần thi tài năng chỉ có giới hạn, không đủ để diễn một trích đoạn tuồng, cho nên hát văn được chọn làm đại diện. Ở Lương Quy, nhiều gia đình có ba thế hệ đi diễn tuồng hoặc đều tham gia những câu lạc bộ khác nhau. Dịp hội hè, cả nhà cùng đi hát là chuyện thường tình.
Lương Quy là một trong 15 làng văn hóa tiêu biểu, đại diện cho 14 huyện ngoại thành Hà Nội tham dự cuộc giao lưu. Chỉ riêng với phần thi văn nghệ, các làng văn hóa tiêu biểu đã cho thấy sự giàu có của văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Thôn Khánh Vân (xã Khánh Hạ, Thường Tín) lại gây ấn tượng mạnh với màn trình diễn hát trống quân, một điệu hát đặc sắc ở Thường Tín, Phúc Thọ. Từng có thời gian tưởng chừng mai một, nhưng tiết mục hát trống quân của Khánh Vân được trình diễn bởi một dàn nghệ nhân "nhí" cho thấy loại hình nghệ thuật này không chỉ hồi sinh, mà đang có đà phát triển mạnh mẽ.
Ngoài ra, còn có các tiết mục văn nghệ truyền thống độc đáo như hát ống (thôn Cam Thịnh, xã Ðường Lâm, thị xã Sơn Tây), hát chèo (thôn Hoàng Dương, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa), múa cồng chiêng (thôn Thuổng, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất)... Mỗi địa phương đem đến những sắc màu văn hóa riêng, nhưng đều cho thấy nhờ xây dựng mô hình làng văn hóa, đời sống văn hóa của nhiều làng quê đã đổi thay; văn hóa, nghệ thuật truyền thống được bảo tồn, phát huy.
Cụ thể hóa các mục tiêu của Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020", thành phố đã xây dựng các mô hình làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa. Hiện nay, toàn thành phố có 1.401 làng văn hóa góp phần tích cực trong gìn giữ văn hóa Thăng Long - Hà Nội, văn hóa xứ Ðoài, tạo dựng môi trường văn hóa để phát triển con người, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Song, thực tế xây dựng các mô hình văn hóa cũng cho thấy những bất cập nhất định. Một số địa phương có truyền thống văn hóa, nhưng lại chưa phát triển kinh tế - xã hội. Xã Xuân Nộn là một thí dụ điển hình. Phong trào văn hóa phát triển ở đây đã nhiều năm, nhưng khi triển khai xây dựng nông thôn mới, chỉ đạt hai trong số 19 tiêu chí. "Khoảng cách" đến nông thôn mới khi ấy còn rất xa.
Từ khi xây dựng nông thôn mới, phương thức làm ăn được thay đổi, kinh tế đi lên, người dân không chỉ hiến đất làm đường mà còn đóng góp xây dựng đường bê-tông. Hiện, xã có 90% số hộ được công nhận gia đình văn hóa; đời sống người dân được cải thiện; số hộ giàu, khá tăng nhanh. Trong cuộc giao lưu làng Văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu Thủ đô 2017, kinh nghiệm nổi bật của các địa phương chính là ở nơi nào có sự kết hợp hiệu quả giữa xây dựng mô hình làng văn hóa với xây dựng nông thôn mới thì các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển toàn diện hơn.
Trường hợp thôn Yến Vỹ (xã Hương Sơn, Mỹ Ðức) là một thí dụ. Thông qua xây dựng nông thôn mới, thôn Yến Vỹ được đầu tư xây dựng một nhà văn hóa hai tầng khang trang, một phòng đọc sách với hơn 2.000 đầu sách; các di tích được tu bổ...; đây là nền tảng tốt để người dân xây dựng đời sống văn hóa, các hoạt động văn nghệ nhờ thế khởi sắc hơn.
Có thể thấy, việc xây dựng làng văn hóa đi liền với xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy đời sống kinh tế, xã hội phát triển, góp phần làm thay đổi chất lượng cuộc sống cũng như nâng cao nhận thức, lòng tự hào về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa ở khu vực nông thôn. (Nhân Dân 25/7) đầu trang(

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
Trên các kênh thông tin dày đặc hình ảnh hai người phụ nữ bị đánh hội đồng vì bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em ở Sóc Sơn, Hà Nội. Hai con người lương thiện đột nhiên trở thành “tội phạm”, một tập thể dân làng tự cho mình là hội đồng xét xử và cả quyền thi hành án.
Án phạt là một trận đòn thừa sống thiếu chết.
Trước đó, tại Hải Dương, hai người đàn ông bị đuổi đánh và bị đốt cháy xe ôtô vì bị nghi bắt cóc trẻ em. Trước đó nữa, tại Quảng Bình, hai người đàn ông bị đánh hội đồng thương tích nặng nề, cũng vì bị dân làng kết tội danh tương tự. Theo công an địa phương, bước đầu xác định thông tin hai người đàn ông này bắt cóc trẻ em là chưa chính xác.
Thử đặt mình vào trường hợp của những nạn nhân, sẽ thấy họ không chỉ đau đớn về thể xác, mà còn bị tổn thương tinh thần rất dữ dội. Bỗng dưng bị mọi người xông vào đánh, bị kết tội và không cho “bào chữa”. Các nạn nhân van xin hết mực, nhưng không ai nghe, không ai can ngăn, họ không còn có cách tự vệ nào khác ngoài chịu trận. Giả sử như nghi ngờ những người này bắt cóc trẻ em, người dân có thể bắt giữ, đưa đến công an. Pháp luật sẽ phân xử, nghi can có quyền tự được bào chữa, nếu như bị kết án thì họ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Xã hội văn minh không thể tồn tại cách “xử án” mông muội tăm tối như vậy.
Thử đặt ra tình huống nạn nhân bị đánh chết, sẽ rất khó truy cứu trách nhiệm hình sự kẻ gây án. Hàng trăm người xông vào đánh, mỗi người một đá, một đạp, biết ai để kết tội kẻ thủ ác. Trao đổi với Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hành vi gây thương tích cho người khác, tùy theo tính chất mức độ hành vi có thể bị xử lý hình sự, tuy nhiên trong những trường hợp đánh hội đồng, không thể khởi tố cả một tập thể gây ra hành vi này. Có lẽ người ta đã dựa vào kẽ hở này để tham gia đánh hội đồng, như những vụ đánh hội đồng người trộm chó đến chết.
Căn nguyên từ đâu con người có thể trở thành hung hãn đến như vậy? Thật không dễ dàng trả lời câu hỏi này. Con người VN vốn có truyền thống thương người, có tấm lòng nhân hậu, nhưng những vụ việc trên cho thấy có một bộ phận người dân không được như vậy. Trước khi bàn đến các vấn đề đạo đức xã hội, phải sử dụng quyền uy của pháp luật. Những kẻ tham gia đánh người phải bị xử lý, nếu pháp luật bất lực thì sẽ còn nhiều vụ tương tự xảy ra.
Không ai có quyền kết tội và định đoạt mạng sống người khác trừ pháp luật.
Xã hội văn minh không thể để tồn tại lối hành xử như vậy. (Lao Động 25/7) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Tối qua 24/7, Tân Hoa xã phát bản tin ngắn với 37 chữ: “Do đồng chí Tôn Chính Tài có dấu hiệu vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, Trung ương ĐCS Trung Quốc quyết định giao Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (UBKTKLTW) lập hồ sơ điều tra”.
Như vậy là sau một tuần, thông tin về việc Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh bị UBKTKLTW bắt giữ, điều tra đã được chính thức được xác nhận.
Thông tin chính thức về ông Tôn Chính Tài trên mạng thông tin của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết: Tôn Chính Tài người dân tộc Hán, sinh tháng 9/1963, người Vinh Thành, Sơn Đông, tham gia công tác tháng 5/1987, vào đảng 7/1988, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, Tiến sĩ Nông học, hiện đang là Ủy viên Bộ Chính trị.
Tiểu sử vắn tắt của Tôn Chính Tài trong hồ sơ ghi rõ: từ 1980 – 1984 học Học viện Nông nghiệp Lai Dương, Sơn Đông; từ 1984 – 1987 là nghiên cứu viên Thạc sĩ Đại học Nông nghiệp Bắc Kinh. Từ 1987 – 1993 là Phó chủ nhiệm Phòng nghiên cứu cây Ngô, Viện khoa học Nông lâm Bắc Kinh; từ 1993 – 1994 là Bí thư, Viện trưởng Đất trồng, Viện khoa học Nông Lâm Bắc Kinh; 1994 – 1995 là Viện phó Viện khoa học Nông lâm Bắc Kinh; từ 1995 – 1997 là Phó Bí thư, Viện phó thường trực, chủ trì công tác của Viện; 1997 đỗ bằng Tiến sĩ Nông học; 1997 – 1998 là Phó bí thư, rồi Huyện trưởng huyện Thuận Nghĩa, Bắc Kinh; 1998 – 2002 là Phó bí thư, quận trưởng Thuận Nghĩa; 2002 – 2006 là Ủy viên thường vụ thành ủy, Bí thư quận ủy Thuận Nghĩa, Tổng thư ký thành ủy; 2006 – 2009 là Bộ trưởng, Bí thư\ đảng đoàn Bộ Nông nghiệp; 2009 – 2010 là Bí thư tỉnh ủy Cát Lâm; 2010 – 2012 là Bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Cát Lâm; từ 2012 – 2017 là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh. Ông Tôn Chính Tài là Ủy viên trung ương các khóa 17, 18; Ủy viên Bộ Chính trị  khóa 18. Báo chí từng đưa tin Tôn Chính Tài và ông Hồ Xuân Hoa là hai người được chọn là nhân sự lãnh đạo “thế hệ thứ 6” của Trung Quốc vào năm 2022.
Ngày 15/11/2012, ông Tôn Chính Tài được bầu vào Bộ Chính trị tại Hội nghị trung ương lần thứ nhất khóa 18, trở thành ủy viên trẻ nhất; 5 ngày sau ông được đưa về Trùng Khánh giữ chức Bí thư thành phố có tới trên 30 triệu dân này thay thế ông Trương Đức Giang.
Năm 2016, ông Tập Cận Bình từng bắt tay, biểu dương Tôn Chính Tài về những thành tích tốt trong việc lãnh đạo Trùng Khánh phục hồi, phát triển sau thời kỳ Bạc Hy Lai làm mưa làm gió ở đây. Tuy nhiên, trước thềm Hội nghị Bắc Đới Hà, Tôn Chính Tài đột nhiên “biến mất” sau khi được thông báo rời khỏi chức Bí thư Trùng Khánh chỉ 5 ngày sau khi ông phát biểu ca ngợi “trí tuệ chính trị cao siêu” của ông Tập Cận Bình. Nguồn tin nội bộ cho biết, trước khi bị bãi chức Bí thư Trùng Khánh, Tôn Chính Tài đã bị điều tra trong đảng.
Việc Tôn Chính Tài bị bãi chức không được giải thích rõ lý do cụ thể, chỉ nói các nhân viên điều tra đã phát hiện ông có “hành vi vi phạm kỷ luật” – một cách nói khá hàm hồ ngầm chỉ người đó tham nhũng hoặc vi phạm quy định về chính trị.
Việc Bạc Hy Lai ngã ngựa ở Trùng Khánh đã đem lại cơ hội chính trị lớn cho Tôn Chính Tài, nhưng đồng thời cũng khiến cho ông ta thất bại. Ngày 15/7, Tân Hoa xã đưa tin: Trung ương đảng mới đây quyết định: Tôn Chính Tài thôi giữ các chức đảng ủy viên, ủy viên thường vụ, Bí thư thành ủy Trùng Khánh; các chức vụ nói trên do Trần Mẫn Nhĩ, Bí thư tỉnh ủy Quý Châu tiếp nhận; chức Bí thư tỉnh ủy Quý Châu sẽ do Phó Bí thư, tỉnh trưởng Tôn Chí Cương tiếp nhận.
Đáng chú ý, Tôn Chính Tài mới được bầu lại làm Bí thư Trùng Khánh hôm 24/5/2017; tại lễ công bố quyết đinh Trần Mẫn Nhĩ thay thế Tôn Chính Tài do Trưởng ban Tổ chức trung ương Triệu Lạc Tế chủ trì, ông Tôn Chính Tài đã không có mặt, điều này khác với tập quán thông thường khi điều động, bổ nhiệm nhân sự; mặt khác, trong tin của Tân Hoa xã cũng không nói Tôn Chính Tài “giữ chức vụ khác” hay chuyển đến đâu.
Hồi tháng 2/2017, Tổ tuần thị (thanh tra) trung ương đã về Trùng Khánh làm việc và phê phán lãnh đạo đảng, chính quyền Trùng Khánh “đề bạt cán bộ mang bệnh”, “lãnh đạo đảng yếu ớt, ý thức trách nhiệm không cao, không làm đủ mạnh trong việc thanh lọc tàn dư của Bạc (Hy Lai), Vương (Lập Quân)”.
Khi đó Tôn Chính Tài đã nói với các quan chức Trùng Khánh: “Họ (Tổ thanh tra) đã gióng hồi chuông báo động”. Sau đó Tôn Chính Tài đã hai lần bày tỏ cam kết tiếp thu ý kiến của Tổ tuần thị, thành lập tổ chuyên trách để cải thiện việc lãnh đạo điều hành.
Ngoài ra, trong bản tin trên Đài truyền hình trung ương (CCTV) hôm 15/7 đưa tin về Hội nghị công tác tài chính toàn quốc họp trong 2 ngày 13, 14/7, tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị khác (trừ hai người đi công tác nước ngoài) đều có mặt, nhưng không có hình ảnh của ông Tôn Chính Tài.
Tờ Minh Báo cho biết, Tôn Chính Tài có tham dự hội nghị, nhưng tối 14/7 bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (UBKTKLTW) thực hiện biện pháp “Song quy” (tạm giữ để cách ly điều tra) nên hình ảnh của ông ta đã bị CCTV cắt bỏ.
Nhật báo Quả Táo đưa tin: Nguyên nhân ông Tôn Chính Tài bị điều tra có thể liên quan đến vụ việc của bà vợ Hồ Dĩnh, người có quan hệ mật thiết với bà Cốc Lệ Bình, vợ ông Lệnh Kế Hoạch, hai bà đều là thành viên “Câu lạc bộ phu nhân – Ngân hàng Dân Sinh “ khét tiếng.
Ngay từ đầu năm 2015, khi giám đốc Ngân hàng Dân sinh Mao Hiểu Phong bị điều tra đã khai ra việc ngân hàng là “Câu lạc bộ” - nơi các quý phu nhân ngồi chơi lĩnh lương, trong đó có bà Hồ Dĩnh, vợ ông Tôn Chính Tài cùng với các bà vợ Phó chủ tịch Chính Hiệp Tô Vinh, vợ Bí thư trung ương Lệnh Kế Hoạch. Giữa lúc vụ việc đang được điều tra thì nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Dân Sinh Đổng Văn Tiêu lợi dụng việc đi họp để trốn sang Nhật ngày 26/9/2015 đến nay vẫn mất hút…
Hiện nay báo chí Trung Quốc chưa đề cập cụ thể đến mối liên quan giữa ông Tôn Chính Tài với các nhân vật “nặng ký” trong giới ngân hàng này, nhưng ngay từ năm 2013 đã lan truyền những thông tin ngoài lề về chuyện tham nhũng của ông ta như việc ông ta có hơn chục chiếc đồng hồ đeo tay loại cực đắt, giá cả triệu tệ; hay khi ông giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp thì con gái sang Mỹ du học ở trường Đại học Cornell với mức chi phí ít nhất 70 ngàn USD/năm… (Tiền Phong 25/7) đầu trang(
Tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định cuộc chiến chống ma túy sẽ không dừng lại cho tới khi làm sạch hoàn toàn đường phố Philippines bất chấp chỉ trích trong và ngoài nước.
Theo CNN, cảnh báo trên được Tổng thống Duterte đưa ra khi ông có bài phát biểu thường niên tại quốc hội Philippines hôm 24/7.
"Tôi sẽ không cho phép bọn tội phạm hủy hoại tuổi trẻ, làm tan vỡ các gia đình và làm suy thoái xã hội. Các người làm hại lũ trẻ, tôi sẽ săn đuổi các người tới tận cổng địa ngục", CNN dẫn lời Tổng thống Duterte cảnh báo tội phạm ma túy.
Ông Duterte cho biết cuộc chiến chống buôn bán ma túy sẽ tiếp tục cho tới khi nào còn cần thiết bởi ma túy là gốc rễ của tội ác và đau thương tại quốc gia này.
"Cuộc chiến này sẽ diễn ra tới khi nào những kẻ buôn bán ma túy hiểu rằng chúng phải dừng lại hoặc sẽ vào tù, hoặc tệ hơn, xuống địa ngục", ông Duterte khẳng định.
Tổng thống Philippines cũng cáo buộc truyền thông đã thổi phồng số liệu các nạn nhân của chiến dịch truy quét tội phạm ma túy. Theo ông, đây là vấn đề lợi ích quốc gia và hoàn toàn nằm trong quyền hạn của tổng thống
"Gửi tới những người chỉ trích, các người tốt nhất hãy sử dụng sức ảnh hưởng và khả năng của mình để giáo dục mọi người về tội ác của tội phạm ma túy thay vì lên án nhà chức trách một cách vô lý", ông Duterte nói.
CNN miêu tả bài phát biểu của ông Duterte đầy màu sắc và vô cùng bạo lực. Bên cạnh cuộc chiến ma túy, tổng thống Philippines đề cập tới nhiều vấn đề khác như cuộc chiến ở Marawi, tham nhũng, tranh chấp chủ quyền trên biển và các vấn đề kinh tế khác.
Cuộc chiến chống tội phạm ma túy là ưu tiên then chốt của ông Duterte trong chiến dịch tranh cử cũng như trong suốt thời gian đã qua của nhiệm kỳ tổng thống. Theo số liệu chính thức từ cảnh sát Philippines, có khoảng 3.200 phần tử tội phạm ma túy đã bị tiêu diệt cho tới ngày 20/6. (Zing News 25/7) đầu trang(./.