Xem ngày trước
BẢN TIN TỔNG HỢP
Xem ngày kế tiếp

Ngày 24 tháng 07 năm 2017
CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
TIÊU ĐIỂM
QUẢN LÝ
THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
KINH TẾ
MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
NHÌN RA THẾ GIỚI

CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 85/2017/NĐ-CP quy định cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thống kê tập trung và thống kê bộ, cơ quan ngang bộ.
Theo đó, hệ thống tổ chức thống kê tập trung gồm cơ quan thống kê trung ương và cơ quan thống kê địa phương. Cơ quan thống kê địa phương gồm cơ quan thống kê cấp tỉnh và cơ quan thống kê cấp huyện.
Hệ thống tổ chức thống kê tập trung có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện xây dựng, quản lý hệ thống thông tin thống kê quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện; hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và chương trình điều tra thống kê quốc gia; tổ chức, điều phối các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến; phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; kết nối, cung cấp dữ liệu, thông tin giữa các hệ thống thông tin thống kê nhà nước; tham khảo ý kiến người sử dụng thông tin thống kê và hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê nhà nước.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện các cuộc tổng điều tra và các cuộc điều tra thống kê khác; thực hiện quy chế phối hợp, quản lý, sử dụng dữ liệu hành chính vào hoạt động thống kê nhà nước; thực hiện chế độ báo cáo thống kê, biên soạn chỉ tiêu thống kê theo quy định của pháp luật; phân tích, dự báo và công bố thông tin thống kê kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật.
Thống kê bộ, cơ quan ngang bộ là tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước về thống kê, tổ chức hoạt động thống kê thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định của pháp luật. Thống kê bộ, cơ quan ngang bộ chịu sự hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ thống kê của cơ quan thống kê trung ương.
Thống kê bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị của bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về thống kê của cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thu thập, tổng hợp, biên soạn chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; phân tích, dự báo thống kê; biên soạn niên giám, ấn phẩm thống kê theo quy định của pháp luật; thu thập, tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra thống kê do bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện.
Ngoài ra, lập hồ sơ thẩm định về hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; phân loại thống kê ngành, lĩnh vực; phương án điều tra thống kê; chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành; số liệu thống kê của bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia gửi cơ quan thống kê trung ương thẩm định, công bố theo quy định; phối hợp với cơ quan thống kê trung ương kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã được cấp có thẩm quyền công bố....
Nghị định có hiệu lực từ 5/9/2017. (Xây Dựng 22/7) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về triển khai Nghị quyết số 35/2017/QH14 ngày 19/6/2017 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018.
Theo đó, tại kỳ họp thứ 5, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; tổng hợp, rà soát, chuẩn bị thông tin, tài liệu, báo cáo khi có yêu cầu tiến hành giám sát của Quốc hội về Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”.
Tại kỳ họp thứ 6, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; Thanh tra Chính phủ chuẩn bị báo cáo của Chính phủ về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; về công tác phòng, chống tham nhũng, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Bộ Tư pháp chuẩn bị báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Bộ Công an, Bộ Tư pháp chuẩn bị báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Thủ tướng Chính phủ giao bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những nội dung giám sát có liên quan; thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Tin Tức 22/7) đầu trang(
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN về việc thực hiện Nghị quyết số số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Tại Chỉ thị này, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo chức năng nhiệm vụ. Cụ thể, Cơ quan Thanh tra, giám sát xây dựng và trình Thống đốc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020; Chỉ đạo từng tổ chức tín dụng xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 – 2020 trình NHNN phê duyệt, trong đó có kế hoạch xử lý nợ xấu của từng năm và giám sát việc thực hiện kế hoạch của từng tổ chức tín dụng.
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tong đó có việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của TCTD; xây dựng và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 26/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngân hàng và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/6/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN trong quý III/2017.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém trên cơ sở tổng kết thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 cũng là một nội dung quan trọng của chỉ thị này.
Đối với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Thống đốc chỉ thị VAMC tổ chức quán triệt các quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14; Xây dựng và triển khai thực hiện phương án xử lý nợ xấu hằng năm và phương án mua, bán nợ xấu theo giá trị thị trường; Tổ chức áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được do VAMC đã mua, chưa xử lý; Báo cáo tình hình xử lý nợ xấu định kỳ hằng tháng…
Đối với các tổ chức tín dụng, Thống đốc chỉ thị các tổ chức tín dụng xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017-2020, trong đó bám sát việc triển khai các chính sách tại Nghị quyết 42/2017/QH14 và giải pháp tại Đề án 1058 trình NHNN phê duyệt; Tổ chức triển khai thực hiện phương án sau khi được phê duyệt, trong đó lưu ý tổ chức áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Các TCTD báo cáo tình hình xử lý nợ xấu định kỳ hằng tháng cho cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực quản trị nội bộ đặc biệt là quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác thẩm định cấp tín dụng, xử lý nợ.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật làm phát sinh nợ xấu tại từng tổ chức tín dụng. Định kỳ rà soát, thực hiện việc báo cáo về khách hàng, lãi dự thu thuộc đối tượng tại Điều 16 Nghị quyết 42/2017/QH14 theo văn bản hướng dẫn của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng… (Thời Báo Tài Chính Việt Nam 23/7) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 32/2017/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam ban hành kèm theo Quyết định số 24/2010/QĐ-TTg ngày 3/3/2010.
Theo đó, khu phi thuế quan thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai được bố trí tại xã Tam Quang và một phần xã Tam Nghĩa, có quy mô 1.012 ha gắn với sân bay Chu Lai.
Khu kinh tế mở Chu Lai bao gồm thị trấn Núi Thành và các xã: Tam Quang, Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam, Tam Tiến và một phần xã Tam Nghĩa thuộc huyện Núi Thành; các xã Tam Thanh, Tam Phú, một phần xã Tam Thăng và phường An Phú thuộc thành phố Tam Kỳ; các xã Bình Hải, Bình Sa, một phần xã Bình Nam, Bình Trung, Bình Tú, Bình Triều, Bình Minh, Bình Đào thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Theo quy định cũ tại Quyết định số 24/2010/QĐ-TTg ngày 3/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế hoạt động của khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế mở Chu Lai được bố trí tại xã Tam Quang, xã Tam Giang và một phần xã Tam Nghĩa, có quy mô khoảng 1.656 ha.
Trong khu phi thuế quan có khu thương mại tự do gắn với một phần cảng Kỳ Hà. Khu kinh tế mở Chu Lai bao gồm thị trấn Núi Thành và các xã: Tam Nghĩa, Tam Quang, Tam Hải, Tam Giang, Tam Hòa, Tam Hiệp, Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam, Tam Tiến, Tam Xuân 1 và Tam Xuân 2 thuộc huyện Núi Thành; các xã Tam Thanh, Tam Phú, Tam Thăng và phường An Phú thuộc thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. (Báo Chính Phủ 21/7) đầu trang(
Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ các chế độ, chính sách đối với lượng phòng cháy và chữa cháy khi tham gia cứu nạn, cứu hộ.
Theo Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, người được huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ, cán bộ, đội viên Đội dân phòng, Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và Đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành khi tham gia các hoạt động cứu nạn, cứu hộ thì được hưởng các chế độ, chính sách như khi tham gia chữa cháy quy định tại Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22/11/2013 và Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.
Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên, công nhân Công an thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngoài việc được hưởng chế độ, chính sách theo quy định đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân còn được hưởng các chế độ định lượng ăn cao, bồi dưỡng khi tập luyện, khi cứu nạn, cứu hộ; được hưởng các chế độ, chính sách như đối với người làm các ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại theo quy định của pháp luật.
Đối với người trực cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ trực ban đêm (bắt đầu từ 22 giờ) theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Nghị định cũng quy định chế độ đối với người được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Theo quy định, người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ theo mức hưởng quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 19 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP.
Người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, được thanh toán phụ cấp đi đường và tiền tàu xe, khi làm việc trong môi trường độc hại và nơi có phụ cấp khu vực, được hưởng theo chế độ hiện hành.
Nghị định quy định người tham gia cứu nạn, cứu hộ bị ốm đau, tai nạn trong các trường hợp sau đây thì được hưởng chế độ về ốm đau, tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động (từ khi được huy động, bắt đầu đi thực hiện nhiệm vụ đến khi hoàn thành, về đến nơi cư trú):
a- Bị ốm đau, tai nạn trong thực hiện nhiệm vụ tại nơi làm việc kể cả trong và ngoài giờ hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
b- Bị ốm đau, tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm nhiệm vụ khi có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú;
c- Không giải quyết chế độ ốm đau đối với trường hợp do tự hủy hoại sức khỏe, do sử dụng chất kích thích hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 và nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 9/12/2015.
Chế độ, chính sách đối với người bị ốm đau, tai nạn quy định ở trên được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP.
Nghị định cũng quy định người tham gia cứu nạn, cứu hộ khi làm nhiệm vụ cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân, nếu bị thương, hy sinh thì được xem xét để hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. (Báo Chính Phủ 21/7) đầu trang(

TIÊU ĐIỂM
Ngày 22/7, Bộ Công Thương cho biết, ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ đã bị tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm, làm rõ các vi phạm liên quan đến tư vấn cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 trong vụ xả 1,3 triệu m3 bùn thải ở Bình Thuận.
Theo Bộ Công Thương, thời gian gần đây, các cơ quan báo chí nêu nhiều thông tin xung quanh dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (dự án của nhà đầu tư Trung Quốc).
Trong đó, ông Hà Quốc Quân, hiện là Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam, là đơn vị tư vấn cho Dự án.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh nêu trên, Bộ Công Thương đã lập tổ công tác làm việc với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp để xác minh thông tin một số báo chí về việc ông Hà Quốc Quân tham gia điều hành doanh nghiệp trong thời gian trong khi đang là viên chức tại Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp.
Theo kết quả buổi làm việc sơ bộ của Tổ công tác, việc ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp, là viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp là Cty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam là vi phạm Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2012, Luật Viên chức. Theo đó, viên chức không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Bộ Công Thương chỉ đạo Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp yêu cầu ông Hà Quốc Quân có báo cáo làm rõ việc thành lập công ty; việc đưa tên các cán bộ đã nghỉ hưu của Bộ Công Thương là chuyên gia của công ty cũng như  việc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam tham gia tư vấn Dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 và các dự án khác có liên quan. Bộ Công Thương cũng yêu cầu Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp báo cáo, làm rõ các vấn đề về công tác quản lý cán bộ, viên chức của Viện.
Hiện Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp đã ban hành Quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Hà Quốc Quân để tập trung kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và sẽ xem xét xử lý kỷ luật ông Hà Quốc Quân theo đúng quy định.
“Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị trong bộ tiến hành kiểm tra, rà soát đồng thời tăng cường công tác quản lý cán bộ. Quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, Bộ Công Thương cho biết. (Tiền Phong 23/7) đầu trang(

QUẢN LÝ
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách, chế độ đối với các nghệ nhân dân gian.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận được Thư kiến nghị của ông Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội liên quan đến chế độ, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian và cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ đón tiếp khách trong nước và nước ngoài vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách, chế độ đối với các nghệ nhân dân gian, tạo điều kiện cho các nghệ nhân có điều kiện, môi trường phát huy hiệu quả các tri thức, thực hành di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng phương án bảo tồn, gìn giữ, phát triển nền văn hóa dân gian độc đáo. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2017.
Thủ tướng Chính phủ giao Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp tục cải tiến việc đón tiếp, hướng dẫn khách viếng Lăng và thăm quan di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo đảm văn minh, thuận tiện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ. (Thể Thao Và Văn Hóa 22/7) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ khẩn trương điều tra xác minh việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, trước hết là khu vực Tây Nguyên.
Theo đó, trong thông tin Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21-7 có nội dung: Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn tình trạng phân bón giả, kém chất lượng như Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ và giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin, tình trạng sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ khẩn trương điều tra xác minh việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, trước hết là khu vực Tây Nguyên, có kết luận rõ ràng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 1-10-2017.
Liên quan đến tình trạng kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, mới đây vào chiều ngày 10-7, Đội quản lý thị trường số 1 thuộc Chi Cục quản lý thị trường Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra một kho phân bón trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột và phát hiện gần 100 tấn phân bón loại NPK 8-2-8+TE được sản xuất tại Nhà máy phân bón Thiên Nông (TP. HCM) đã hết hạn sử dụng từ năm 2015.
Sau đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. (Công An TP.HCM 22/7) đầu trang(
Tỉnh Lâm Đồng cần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh du lịch, dịch vụ; phải có chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động có mục tiêu cụ thể để phát triển du lịch nhanh và bền vững (chú trọng phát triển hạ tầng du lịch, thu hút các doanh nghiệp du lịch, có các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, phù hợp với các đối tượng, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá...).
Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.
Cũng theo Thông báo này, Phó Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn Tỉnh; bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quy hoạch vùng; tăng cường liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa lợi thế của địa phương (trong đó chú trọng các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao; bảo vệ, phát triển rừng và bảo vệ các nguồn tài nguyên khác; du lịch, dịch vụ...).
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn, quản lý chặt chẽ nguồn thu; kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, đúng chế độ và tiết kiệm các khoản chi tiêu công; hạn chế đến mức thấp nhất các khoản chi phát sinh ngoài dự toán.
Tập trung đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực, uy tín đầu tư vào Tỉnh. Quan tâm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, bảo quản sau thu hoạch và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Tăng cường quản lý đầu tư; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các dự án trọng điểm; chuẩn bị điều kiện để triển khai các công trình, dự án ngay sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư và bố trí vốn.
Tỉnh Lâm Đồng cần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh thực hiện dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp. Thu hút doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung phát triển, tăng cường liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, gắn với xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế và sức cạnh tranh cao của tỉnh.
Tỉnh cũng cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 và các cơ chế, chính sách khác đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; chăm lo, thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân ở nông thôn.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng các cấp chính quyền liêm chính, năng động, sáng tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tháo gỡ rào cản gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp; cải thiện mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh. (VnMedia 22/7) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc liên quan việc thử nghiệm phương thức kinh doanh chở khách của Grab và Uber.
Trước đó, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã gửi đến lãnh đạo Chính phủ nội dung chất vấn về xe Grab, Uber.
Ông Dương Trung Quốc cho rằng chủ trương cho phép Grab, Uber thử nghiệm vở thời điểm sự phát triển của taxi truyền thống trên những đô thị quan trọng ở nước ta đã tới ngưỡng của sự cần thiết phải giới hạn về số lượng tương quan với nhu cầu và hạ tầng giao thông.
Với Grab, Uber được hoạt động thử nghiệm thì số lượng xe tham gia vận chuyển hành khách cả dưới dạng taxi truyền thống hay xe hợp đồng vận chuyển sẽ tăng lên gấp bội.
Từ đó nảy sinh xung đột lợi ích và nhất là xung đột với mục tiêu quản lý của nhà nước trên cơ sở quy hoạch về số lượng, sẽ làm trầm trọng hơn áp lực quá tải lên hạ tầng và ách tắc giao thông.
Do vậy càng thử nghiệm lâu thì sự tích tụ những hệ lụy càng lớn và khi đó trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành giao thông và Chính phủ sẽ phải gánh chịu và mục tiêu quản lý lĩnh vực giao thông quan trọng này ngày càng bế tắc.
Theo Thủ tướng, việc ứng dụng công nghệ đã và được các nước trên thế giới cũng như Việt Nam chú trọng phát triển trong các lĩnh vực kinh tế xã hội của đất nước.
Qua xem xét báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, sự phản ánh tích cực của các chuyên gia, của nhân dân và xu thế phát triển chung, Chính phủ đã đồng ý cho phép thí điểm áp dụng hợp đồng điện tử trong loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng. Thời gian thí điểm 2 năm, từ tháng 1-2016.
Thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử được Thủ tướng đồng ý cho phép áp dụng với tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với xe dưới 9 chỗ và các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ (hợp đồng điện tử) phối hợp với đơn vị vận tải.
Như vậy, việc thí điểm này không dành riêng cho Grab hay Uber mà được thực hiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi có sự phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng điện tử.
Cho đến nay, không chỉ có Grab, Uber mà đã có 7 đơn vị của Việt Nam tham gia cung ứng dịch vụ tương tự như của Grab và Uber, trong đó có cả các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh.
Cụ thể là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.Car), Công ty Cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (Thanh Cong Car), Công ty Cổ phần Sun Taxi (S.Car), Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car), Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển (Home Car), Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh (M.car), Công ty TNHH thương mại và dịch Linh Trang (Taxi Long Biên; LB.car).
Điều này cho thấy sự thay đổi tích cực trong các doanh nghiệp vận tải và công nghệ của Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc thí điểm được ứng dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng (mặc dù theo quy định hiện tại thì ngoài doanh nghiệp, hợp tác xã còn có các hộ kinh doanh vận tải theo hợp đồng, tuy nhiên trong thí điểm đã hạn chế chỉ áp dụng đến phạm vi đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đây là đề xuất phù hợp để đánh giá các hiệu quả và bảo đảm được mục tiêu quản lý trong quá trình thí điểm) và các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ.
Theo Thủ tướng, với thực tiễn đang diễn ra, việc phát triển của loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã phần nào tác động đến loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, đây là quy luật tất yếu nhưng mang tính tích cực theo hướng đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí cho các chuyến đi phù hợp hơn, lĩnh vực thuế được quan tâm và thực hiện sát sao hơn…
Tuy nhiên, ngoài những kết quả tích cực đã nêu trên thì cũng cần nhìn nhận hạn chế cần điều chỉnh như: Phải có sự phối hợp sát sao hơn và trách nhiệm hơn của các cơ quan từ trung ương đến địa phương; việc tổ chức giao thông cần phù hợp hơn, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ứng dụng mới; cần nhanh chóng bổ sung, hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp các quy định trong quản lý hoạt động vận tải, quản lý công nghệ, thuế…
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó bổ sung quy định quản lý phù hợp đối với xe hợp đồng và taxi, quản lý và áp dụng hợp đồng điện tử, kết nối quản lý thuế... (Tin Tức 21/7) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đầu tư Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 - 2020.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là đảm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy. Giữ vững kỷ cương pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, tôn trọng pháp luật của các cấp, các ngành và ý thức tự giác, chủ động phòng, chống các loại tội phạm và ma túy, vi phạm an toàn cháy, nổ, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Bảo đảm an ninh chính trị, tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội.
Cụ thể, sẽ tập trung giải quyết tình hình vi phạm hành lang an toàn giao thông ở một số tuyến đường trọng điểm; tình hình trật tự ở một số nhà ga trọng điểm, đoàn tàu trọng điểm, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường sắt, làm giảm tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Hằng năm giảm từ 05% - 10% so với năm trước về số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe mô tô.
Tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Xây dựng hoàn chỉnh mạng thông tin vô tuyến, hữu tuyến với đường điện thoại nội bộ của Bộ Công an, kết nối Cục Cảnh sát giao thông với tất cả các Phòng Cảnh sát giao thông địa phương, các Trạm, Đội Cảnh sát giao thông trên quốc lộ và Cảnh sát giao thông cấp huyện trong toàn quốc.
Xây dựng và hiện đại hóa 03 trung tâm thông tin chỉ huy cấp bộ và 15 trung tâm cấp tỉnh của lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy, trọng tâm là các hệ thống cơ sở dữ liệu về phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, về tai nạn giao thông đường bộ và xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) phục vụ chỉ huy, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Đầu tư phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tiên tiến, hiện đại; trang bị các trung tâm thông tin chỉ huy điều hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trọng điểm về kinh tế - xã hội, các khu kinh tế, các thị xã, quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh trọng điểm về phòng cháy, chữa cháy; phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mới thành lập.
Giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù xuống dưới 20%; 75% phạm nhân có đủ thời gian, sức khỏe, khả năng được học nghề trong trại giam; tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm cho 100% người chấp hành xong án phạt tù.
Hằng năm số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ của cả nước tăng từ 05% - 10% so với năm trước; phấn đấu triệt xóa từ 05% - 10% số điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy so với năm trước; phấn đấu đến năm 2020 không còn “điểm nóng” về ma túy trên toàn quốc; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp về ma túy; phát hiện, triệt phá 100% diện tích cây thuốc phiện và cây cần sa trồng trái phép; không để tồn tại hoạt động sản xuất trái phép chất ma túy. (Báo Chính Phủ 21/7) đầu trang(
Thủ tướng chính phủ vừa có công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ để đảm bảo tính mạng và tài sản.
Trước tình hình mưa lớn xảy ra liên tiếp trên diện rộng tại các tỉnh Bắc Bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ.
Thời gian qua, tại các tỉnh Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc đã liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn diện rộng (tổng lượng mưa tính từ giữa tháng 6 năm 2017 đến nay từ 300 - 700 mm, một số nơi trên 1.000 mm). Mưa lớn đã gây lũ lớn trên thượng nguồn sông Thao; lũ ống, lũ quét cục bộ, sạt lở đất, thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng tại một số địa phương; ngập úng ở đô thị; các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành cửa xả đáy điều tiết nước.
Hiện nay, đã bắt đầu thời kỳ mưa lũ chính vụ ở Bắc Bộ, đồng thời trên khu vực Bắc Biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến nước ta trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên, Môi trường chỉ đạo cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, đặc biệt là diễn biến của áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên biển Đông , bão và các hình thế thời tiết nguy hiểm có thể gây mưa lũ trên lưu vực sông Hồng.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó có hiệu quả, quyết định ban hành lệnh vận hành các hồ chứa thủy điện lớn, theo quy trình vận hành liên hồ chứa đã được phê duyệt.
Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các địa phương có các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại khi thiên tai xảy ra. Đặc biệt lưu ý kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ, nhất là qua các ngầm hoặc tràn. (Cafef 22/7) đầu trang(
Việc trông giữ xe trái phép, lấn chiếm lòng lề đường... sẽ bị xử lý nghiêm theo chỉ thị  mới ban hành.
Theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Giao thông được giao lập và triển khai kế hoạch tháng cao điểm thực hiện quy định pháp luật và xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Bộ Giao thông cũng có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương, Tổng cục Đường bộ, Cục Đường sắt và các Sở Giao thông thực hiện kế hoạch, trong đó tập trung xử lý: trông giữ xe trái phép, bán hàng, họp chợ trên lòng, lề đường; xây dựng lều quán, mái vẩy, lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt...
Các trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm đất bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt sẽ bị giải toả dứt điểm.
"Công an địa phương kiên quyết xử lý các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ trong lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ và trật tự lòng đường, vỉa hè", Chỉ thị nêu.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh, thành vào cuộc, vận động người dân tự giác tháo dỡ, khắc phục vi phạm hành lang, lòng đường, vỉa hè trước; sau đó chỉ đạo đồng loạt các cấp ra quân, triển khai đến tất cả các hệ thống đường bộ (kể cả giao thông nông thôn); thực hiện theo phương châm bình đẳng, không có vùng cấm.
Sau đợt cao điểm, các tỉnh, thành được yêu cầu duy trì kiểm tra để ngăn chặn vi phạm tái diễn.
Trước đó, chiến dịch chấn chỉnh trật tự đô thị, đảm bảo mỹ quan trung tâm thành phố được quận 1 khởi xướng từ đầu năm 2017. Đoàn liên ngành quận đã xử lý hàng nghìn vi phạm, cho đập nhiều hạng mục của cơ quan Nhà nước, khách sạn 5 sao... lấn vỉa hè; cẩu hàng chục xe biển xanh vi phạm. Phong trào dọn dẹp vỉa hè sau đó lan tỏa khắp 24 quận huyện TP HCM và nhiều tỉnh thành của cả nước. (VnExpress 22/7) đầu trang(

THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
Hình thức đầu tư BT (xây dựng-chuyển giao) đổi đất lấy hạ tầng không còn là mới ở Việt Nam. Tuy nhiên hơn chục năm qua, thể chế và những quy định pháp lý cho hình thức đầu tư này vẫn đang tồn tại nhiều lỗ hổng, thậm chí khá tù mù.
Một trong những kẽ hở lớn nhất trong thực hiện chính sách này là thiếu quy định về điều kiện thanh toán dự án BT, bao gồm từ cách thức xác định chất lượng, giá trị dự án, tới phương pháp xác định giá đất và đặc biệt là thời điểm để được giao đất đối ứng…
Tại thời điểm hình thức đầu tư BT nở rộ những năm 2009-2011, do không có quy định cụ thể, nên hầu hết dự án được giao đất đối ứng song song, nghĩa là nhà đầu tư được “thanh toán” bằng đất ngay khi bắt đầu triển khai hạ tầng. Trong khi đó, phần lớn các dự án đầu tư BT đổi đất lấy hạ tầng được nhà đầu tư chọn làm hạ tầng phục vụ dự án của mình như dự án khu đô thị Dương Nội, khu đô thị Thanh Hà A, B và Mỹ Hưng... Vì thế, chênh lệch địa tô gấp nhiều lần định giá sau đầu tư Nhà nước gần như không được hưởng mà vào túi nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cơ chế định giá tù mù cả với dự án hạ tầng lẫn dự án đất đối ứng, trong đó phần thiệt thòi thường rơi vào phía Nhà nước, thể hiện qua giá trị hạ tầng nhận lại đa phần thấp hơn nhiều so với giá trị đất giao cho nhà đầu tư.
Đáng lưu ý, các dự án đầu tư BT đổi đất lấy hạ tầng của các tỉnh, thành phố lâu nay phần lớn được chỉ định thầu. Và hiện tình trạng này đang tiếp tục diễn ra khá phổ biến.
Cơ chế tù mù đồng thời là môi trường dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Người dân có quyền nghi ngờ rằng, giá trị đổi chác trên thực tế có thể khác với đổi trên giấy tờ, nghĩa là ngoài những thoả thuận trong hợp đồng rất có thể còn có những thoả thuận “dưới gầm bàn”. Từ đó, một nguồn lực lớn thuộc sở hữu toàn dân là đất đai bị thất thoát vào tay doanh nghiệp và một số ít người được giao nhiệm vụ quản lý, phát triển chính nguồn lực đó.
Và hàng loạt sai phạm trong tổ chức triển khai, quản lý các dự án BT bị các cơ quan có trách nhiệm phát hiện vừa qua cho thấy nghi ngờ của người dân không phải thiếu cơ sở.
Để bịt những lỗ hổng trong hình thức đầu tư này, Chính phủ, Quốc hội cần sớm xây dựng luật về lĩnh vực đầu tư BT đổi đất lấy hạ tầng. Và trong khi chưa có luật, cần áp dụng ngay cơ chế đấu thầu thực hiện các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng. Chỉ có như vậy mới ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này. (Giao Thông 24/7) đầu trang(
Trong 6 tháng đầu năm, lượng tiền thi hành án mới chỉ đạt 23%, trong đó, bế tắc tập trung nhiều ở các tội phạm tham nhũng. Đơn cử cựu  Chủ tịch HĐQT Vinashin – Phạm Thanh Bình, ông này bị cho đã “đút túi” gần 500 tỷ đồng, nhưng đến nay, số tiền thi hành án là một con số  vô cùng "ấn tượng": Không đồng.
Thống kê của Bộ Tư pháp cho hay, tính đến tháng 7.2017, công tác thi hành án dân sự (THADS), về vụ việc, đã giải quyết xong 314.000 việc, đạt tỷ lệ trên 59%, tuy vậy, về tiền, đã thu hồi hơn 21.400 tỷ đồng, nhưng chỉ đạt tỷ lệ 21%. Theo Bộ Tư pháp, toàn hệ thống THADS đã tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, liên quan đến tín dụng, ngân hàng, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Tuy công tác THADS được cho đã có những chuyển biến tích cực, ấy vậy, khi nhìn vào các vụ án tham nhũng, con số này gần như “án binh bất động”.
Vụ "đại án" được dư luận hết sức quan tâm, đó chính là cựu Cục trưởng Hàng hải Việt Nam – Dương Chí Dũng và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) – Phạm Thanh Bình.
Theo bản án, Dương Chí Dũng phải bồi hoàn cho Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam số tiền 110 tỷ đồng. Nhưng, với vài căn nhà nhỏ được cơ quan chức năng kê biên, ông Dũng vẫn còn khoản tiền hơn 88 tỷ đồng phải thi hành án, và một điều rất rõ là, cựu Cục trưởng Hàng hải không còn khoản tài chính nào để thi hành.
Trường hợp Dương Chí Dũng xem ra còn đỡ hơn rất nhiều so với Phạm Thanh Bình. Khi bản án có hiệu lực, ông Bình bị cáo buộc phải bồi hoàn gần 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 7.2017, số tiền mà cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin đã thi hành án là một con số ấn tượng: “Không đồng”. Qua công tác xác minh của cơ quan chức năng, ông Bình đang thụ án dài hạn và không có tài sản để thi hành án.
Trước đó, hồi giữa năm 2016, khi tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, cơ quan chức năng đã đưa ra con số rất đáng suy ngẫm: 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Qua 10 năm, số tiền bị tham nhũng qua các vụ án được xác định hơn 59.000 tỷ đồng, nhưng thu hồi chỉ vỏn vẹn 7,8%.
Lý giải nguyên nhân cho những con số “không đồng” khi thi hành án tội phạm tham nhũng, phía Cục THADS thành phố Hà Nội nhận định, người phạm tội ngay từ thời điểm đầu tiên đã chủ ý không đứng tên sở hữu tài sản, không kê khai, có hành vi tẩu tán hoặc che giấu rất tinh vi, do đó, việc xác minh tài sản gặp vô vàn khó khăn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, công tác thi hành án không đảm bảo tính khả thi.
Nhìn nhận vấn đề này, các chuyên gia pháp lý phân tích, các vụ án tham nhũng hầu hết được phát hiện rất chậm, phát hiện ra lại chậm xử lý, chậm kết luận, do vậy, công tác giám định, xác minh, điều tra gặp nhiều trở ngại.
“Họ tham nhũng, họ chuyển hoá tài sản cho hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai (vợ, chồng, con cái, bố mẹ - PV), rồi sau cả chục năm mới bị phát hiện, khi ấy, tài sản đã được di chuyển, còn, mất, sang tên người này, người khác, hoặc đã được hợp thức nguồn, vậy, làm sao có thể thu hồi” – luật sư Hằng Nga, Trưởng văn phòng luật sư Hằng Nga, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đưa quan điểm.
Có thêm lý do để các tội phạm tham nhũng “có cửa sống” chính là tập quán giao dịch kinh tế, dân sự của đại bộ phận người dân được thực hiện bằng tiền mặt. Với tập quán này, tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp nhìn nhận, sẽ rất khó cho công tác giám sát. “Mỗi năm, hàng chục, hàng trăm tấn vàng trên thị trường được tiêu thụ, hàng triệu giao dịch được tiến hành, nhưng, không thể kiểm soát, nắm bắt được số tiền, số vàng này đi đâu,về đâu. Đây chính là một trong những lý do, tội phạm tham nhũng có điều kiện ẩn khuất, che giấu” – ông Thiệp nói thêm. (Lao Động 22/7) đầu trang(

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Chiều 21-7, Phó chủ tịch UBND huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) Huỳnh Hùng Em, cho biết: Ban lãnh đạo Phòng kinh tế và hạ tầng huyện đang xem xét trách nhiệm để có hình thức kỷ luật tương xứng đối với ông Lê Trọng Phúc do vi phạm các quy định về cải cách hành chính và xử lý thủ tục hành chính...
Trước đó, vào ngày 18-5, ông Nguyễn Hoàng Tịnh (ngụ khóm 3, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước) gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện (thường gọi bộ phận một cửa). Ngày 24-5, ông Lê Trọng Phúc (chuyên viên của phòng kinh tế và hạ tầng) đến vị trí nhà ông Tịnh xây dựng để kiểm tra thực địa. Một ngày sau, ông Phúc tự ý ký công văn gửi bộ phận một cửa của huyện, yêu cầu ông Tịnh điều chỉnh hồ sơ.
Sau khi điều chỉnh, ông Tịnh tiếp tục đến bộ phận một cửa gửi hồ sơ và được tiếp nhận lần 2, nhưng ông Phúc tiếp tục ban hành công văn yêu cầu ông Tịnh điều chỉnh hồ sơ cấp phép xây dựng căn nhà của mình. Cho rằng cán bộ Phúc gây khó dễ, ông Tịnh gửi đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng.
Kết quả xác minh của UBND huyện Cái Nước xác định, ông Phúc tự ý ký công văn yêu cầu ông Tịnh điều chỉnh hồ sơ hai lần là không đúng thẩm quyền, chưa đúng quy định về hướng dẫn một lần, trong văn bản có một số câu từ chưa phù hợp, tạo sự phản cảm… (Nhân Dân 21/7) đầu trang(
Đà Nẵng triển khai Bộ công cụ tra cứu dữ liệu từ các máy xếp hàng tự động và các tiện ích tra cứu bằng tin nhắn SMS nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Trong thời gian vừa qua, chất lượng cung ứng thủ tục hành chính và dịch vụ công ở Đà Nẵng đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên đối với các thủ tục, dịch vụ đông người như các cơ sở y tế thì thời gian chờ đợi tương đối lâu.
Người dân sau khi lấy phiếu đánh số thứ tự từ các máy xếp hàng tự động đều lâm vào cảnh ngồi chờ chực tại chỗ vì sợ qua lượt; tạo cảm giác phiền hà, mệt mỏi, không hài lòng với việc cung ứng thủ tục hành chính và dịch vụ công của thành phố.
Trước thực trạng trên, TP. Đà Nẵng đã xây dựng “Bộ công cụ tra cứu dữ liệu từ các máy xếp hàng tự động” với các tiện ích như: Website thông tin, tin nhắn SMS trực tiếp vào di động,….
Đến nay, TP.Đà Nẵng đã tích hợp thành công dữ liệu từ máy xếp hàng tự động tại Trung tâm Hành chính thành phố (2 máy cung cấp số thứ tự cho tất cả các sở, ban, ngành), UBND quận Hải Châu, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi về Cổng một cửa thành phố.
Thông qua địa chỉ website http://motcua.danang.gov.vn , người dân, tổ chức hoặc doanh nghiệp có thể tra cứu dữ liệu từ các máy xếp hàng tự động để biết được số lượt người đang giao dịch và đang chờ giao dịch tại các đơn vị trên. Người giao dịch khi ra ngoài vẫn có thể biết được số phiếu đang thực hiện giao dịch và sắp xếp thời gian quay lại đúng giờ.
Đối với các cơ sở y tế, người nhà bệnh nhân có thể chủ động nắm bắt thời gian để đưa bệnh nhân đến khám, điều trị mà không cần phải chờ đợi.
Trong trường hợp không có Internet để truy cập, người giao dịch có thể sử dụng tin nhắn SMS với cú pháp: XH [Mã máy] [Số thứ tự] gửi về tổng đài 8181. Trong đó, danh sách mã máy như sau: TTHC1: Từ quầy 01 - 13 tại Trung tâm Hành chính; TTHC2: Từ quầy 14 - 32 tại Trung tâm Hành chính; BVDN: Bệnh viện Đà Nẵng; PSN: Bệnh viện Phụ sản - Nhi; HC: UBND quận Hải Châu.
Bên cạnh đó, tại các điểm đặt các máy xếp hàng tự động đều có các bảng thông tin về dịch vụ tra cứu dữ liệu máy xếp hàng tự động và danh sách mã máy tương ứng để người dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn khi giao dịch.
UBND TP. Đà Nẵng cũng vừa có văn bản giao Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai các tiện ích tra cứu bằng tin nhắn SMS qua Tổng đài 1022 đối với các lĩnh vực: An toàn giao thông, kinh doanh vận tải, quản lý xây dựng...
Theo đó, Sở TT-TT sẽ phối hợp với Công an thành phố và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) xây dựng tiện ích cho phép tự động nhắn tin thông báo đến chủ phương tiện khi có hành vi vi phạm trật tự ATGT bị phát hiện qua hệ thống camera giám sát; tra cứu phương tiện bị cảnh báo từ chối đăng kiểm.
Phối hợp với Sở GTVT xây dựng tiện ích cho phép người dân tra cứu thông tin về phương tiện kinh doanh vận tải đang hoạt động, góp phần phát hiện các phương tiện kinh doanh không có giấy phép để phản ánh cho cơ quan chức năng xử lý.
Bên cạnh đó, Sở TT-TT cùng với Sở Xây dựng triển khai tiện ích cho phép tra cứu thông tin giấy phép xây dựng của các công trình xây dựng trên địa bàn, kịp thời phản ánh các công trình xây dựng không phép, trái phép.
UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu Sở TT-TT thường xuyên tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nội dung trên và những vướng mắc phát sinh để xem xét, chỉ đạo kịp thời.
Việc triển khai Bộ công cụ tra cứu dữ liệu từ các máy xếp hàng tự động và triển khai các tiện ích tra cứu qua tin nhắn SMS là giải pháp mới về cải cách hành chính của TP. Đà Nẵng, góp phần nâng cao hiệu quả của các thủ tục hành chính và dịch vụ công trên địa bàn thành phố. (Khám Phá 21/7) đầu trang(

KINH TẾ
Thời gian gần đây, không ít các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng bị trả lại do chưa đáp ứng đủ và đúng các yêu cầu khắt khe từ những nước nhập khẩu lớn và khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a.
Lý giải về tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự bất cập về quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm, đặc biệt là vấn đề chất lượng chưa được chú trọng. Để “chinh phục” các thị trường nhập khẩu, bên cạnh đa dạng hình thức sản xuất thì nâng cao chất lượng sản phẩm là rất cần thiết.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, năm 2017, việc xuất khẩu nông sản của nước ta phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp và khắt khe. Nông sản Việt phải cạnh tranh gay gắt với nông sản của nhiều nước. Giá cả nhiều mặt hàng nông sản vẫn chưa phục hồi, trong khi các thị trường phát triển đang dần bão hòa và tăng bảo hộ. Ví như, tại thị trường EU, số liệu thống kê cho thấy, việc nhập khẩu nông sản của EU từ Việt Nam còn rất khiêm tốn, chiếm tỷ trọng chỉ 1,8% và đa số từ những sản phẩm thô, giá trị thấp, phần lớn là cà phê, chè, thủy hải sản, trái cây...
Hoặc để vào được thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Úc... sản phẩm xuất khẩu nông sản của Việt Nam phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP) và các quy định kỹ thuật khắt khe của đối tác.
Phát biểu tại Diễn đàn chính sách thương mại quy định về chất lượng và ATTP tiêu chuẩn riêng trong hoạt động xuất khẩu, ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MuTRAP) đề cập nhiều đến vấn đề chất lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu Việt Nam. Theo ông Claudio Dordi thì để chiếm lĩnh được thị trường EU, các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải tiếp tục nâng cao chất lượng, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các quy định...
Theo báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT, mặc dù nhiều sản phẩm đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong nước và ngoài nước; được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn còn đến hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa được xây dựng thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt các sản phẩm này được bán ra thị trường thông qua các thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh nông sản còn yếu và phải chịu nhiều thiệt thòi.
Để đáp ứng được các tiêu chí của thị trường cũng như những tiêu chí riêng của từng nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần trang bị những kiến thức thị trường và không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm trong quá trình phát triển sản phẩm. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, việc xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản có thế mạnh càng trở nên cấp bách.
TS Nguyễn Phương Mai, chuyên gia tư vấn Dự án CSR (một phần trong chiến lược phát triển kinh doanh bền vững) của UNIDO tại Việt Nam cho rằng, bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự xây dựng thương hiệu của chính mình, từng bước hoàn thiện quá trình tạo thương hiệu. Để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng các yêu cầu cao về tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu tại các thị trường này”.
Về phía EU, bà Miriam Garcia-Ferrer, Trưởng bộ phận thương mại và kinh tế, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng: “Thời gian tới, để xuất khẩu tốt sang thị trường EU, các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm của Việt Nam cần xác định thuế suất ưu đãi và các quy tắc xuất xứ từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần bảo đảm tuân thủ mọi yêu cầu về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của EU cũng như nên thực hiện các yêu cầu kỹ thuật, đóng gói, ghi nhãn… nhất là những quy tắc chung về vật liệu tiếp xúc với thực phẩm”.
Cùng mục đích tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển, ông Claudio Dordi cho rằng: “Muốn xuất khẩu tốt sang tất cả các thị trường, các sản phẩm của Việt Nam phải đạt những chuẩn mực, tiêu chuẩn riêng thể hiện qua giấy chứng nhận bảo đảm sản phẩm có quy trình sản xuất, chất lượng tốt. Vì tính khách quan, giấy chứng nhận này sẽ do tổ chức phi chính phủ, tổ chức kinh doanh, hiệp hội đưa ra. Nếu tuân thủ những điều này, việc xuất khẩu nông sản không chỉ dễ dàng, chi phí rẻ hơn mà vị thế, giá trị sản phẩm của Việt Nam còn được trong bối cảnh thị trường quốc tế đang cạnh tranh gay gắt”. (Quân Đội Nhân Dân 23/7) đầu trang(
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm, nhập khẩu thủy sản các loại vào thị trường Việt trị giá 523,34 triệu USD, tăng 32,5% so cùng kỳ năm ngoái.
Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thủy sản các loại cho người Việt, chiếm hơn 25% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của cả nước, trị giá gần 132,6 triệu USD, tăng 35,6% so cùng kỳ. Sản phẩm thường xuyên nhập là tôm sú, nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp nhập khẩu, nên phải tìm nguồn thay thế.
Thị trường Trung Quốc đứng thứ hai với gần 49 triệu USD, chiếm 9,4%, tăng mạnh 94%; nhập từ Na Uy chủ yếu là cá hồi với 42 triệu USD, chiếm 8%, tăng gần 10% so cùng kỳ. Nhập khẩu từ Đài Loan chủ yếu là tôm sú, cá ngừ, mực; nhập cá thu đao, cá hồi, cá tuyết từ Nhật Bản; tôm, cua, rong biển từ Indonesia.
Đáng chú ý, nhập khẩu thủy sản từ Myanmar dù chỉ đạt 1,72 triệu USD, nhưng so cùng kỳ tăng đột biến tới 574%. (Thanh Niên 23/7) đầu trang(

MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
Lai Châu là một trong những tỉnh thuộc tốp đầu ở miền núi phía bắc về xây dựng nông thôn mới (NTM), với 20 xã đã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, một số xã NTM có nhiều tiêu chí đã đạt, nhưng kém bền vững, có nguy cơ mất chuẩn. Vì vậy, giữ vững và nâng cao các tiêu chí ở các xã NTM đang là vấn đề được chính quyền các cấp ở Lai Châu hết sức quan tâm.
Xã Bản Bo (huyện Tam Đường) đã đạt chuẩn NTM được hơn hai năm. Đến nay, bộ mặt của xã đã có nhiều đổi thay, đời sống của người dân chuyển biến tích cực, đồng bào không còn ỷ lại, đã biết tự vươn lên trong lao động, sản xuất… Tuy là xã NTM, song chính quyền địa phương vẫn phải đau đầu với việc tìm hướng đi để nâng cao thu nhập, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, qua đó giữ chuẩn NTM theo bộ tiêu chí mới.
Theo bộ tiêu chí mới mà Chính phủ ban hành cuối năm 2016 thì đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã chuẩn NTM dưới 12%, mức thu nhập bình quân mỗi người hằng năm phải đạt 36 triệu đồng. Thế nhưng, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã Bản Bo vẫn còn hơn 40%. Thu nhập bình quân năm 2016 của xã mới ở mức 20 triệu đồng/người/năm. Như vậy, để bảo đảm theo tiêu chí mới, mỗi năm Bản Bo cần phấn đấu giảm khoảng từ 7 đến 10% số hộ nghèo, đồng thời thu nhập bình quân đầu người mỗi năm phải tăng thêm từ bốn triệu đồng trở lên. Không chỉ Bản Bo, một xã khác của huyện Tam Đường là xã Bản Giang mặc dù đã đạt chuẩn NTM, song đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn hơn 30%, bình quân thu nhập đầu người năm 2016 chưa đầy 18 triệu đồng.
Hay như xã Hua Nà (huyện Than Uyên), mặc dù không quá lo lắng về vấn đề giảm tỷ lệ hộ nghèo, hay tăng nhanh mức thu nhập, nhưng khi đạt chuẩn NTM, xã chỉ đạt 70% tiêu chí về vệ sinh môi trường. Nguy cơ mất chuẩn ở tiêu chí này khiến chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và giữ vững danh hiệu xã NTM. Trong khi đó, tại xã Sang Thang (TP Lai Châu), dù thuộc tốp đầu về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 3%, song chính quyền địa phương lại luôn phải trăn trở để tìm giải pháp bảo đảm môi trường trong toàn xã và giảm dần tệ nạn xã hội, sinh con thứ ba ở một số bản thuộc đồng bào dân tộc Giáy...
Nếu căn cứ theo tiêu chí đạt chuẩn NTM của bộ tiêu chí mới giai đoạn 2016 - 2020 mà Chính phủ mới ban hành thì trong 20 xã NTM hiện nay, Lai Châu chỉ có năm xã bảo đảm được tiêu chí thu nhập tính bình quân đầu người và tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của Lai Châu Hà Văn Um cho biết: Song song với việc tiếp tục đầu tư xây dựng các xã nông thôn mới theo mục tiêu đã đề ra, Lai Châu tập trung các nguồn lực để duy trì, giữ vững, nâng cao các tiêu chí tại 20 xã đã đạt chuẩn NTM, trong đó ưu tiên hoàn thiện những tiêu chí còn thiếu, còn yếu. Củng cố các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, chú trọng giải quyết vấn đề môi trường…
Đồng thời, tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phân vùng, khoanh vùng sản xuất, lựa chọn các loại cây, con phù hợp có giá trị kinh tế cao để sản xuất… tập trung đào tạo nghề, tạo việc làm giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững…
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Thành ủy TP Lai Châu Vương Văn Thắng cho biết: Mặc dù không có nghị quyết riêng về vấn đề giữ chuẩn NTM cho các xã của thành phố, tuy nhiên, trong cả 10 nghị quyết chuyên đề của Thành ủy có đến bảy nghị quyết tập trung ổn định, phát triển mọi mặt đời sống của người dân thành phố. Việc cả hệ thống chính trị thực hiện tốt mục tiêu các nghị quyết, giúp người dân có cuộc sống ổn định chính là góp phần giúp các xã giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí về NTM.
Tại xã Sang Thang, qua trao đổi với Phó Chủ tịch UBND xã Đào Mạnh Sơn, chúng tôi được biết: Ngoài việc chuyển đổi sức kéo nông nghiệp sang cơ giới hóa, xã tổ chức nuôi nhốt tập trung nhằm giảm dần tình trạng gia súc phóng uế bừa bãi, và lập ở mỗi bản một tổ thu gom rác thải tập kết vào bãi xử lý chung của tỉnh. Nhà nước hỗ trợ một phần nhỏ, còn lại các hộ tự đóng góp kinh phí chi trả cho các tổ này hoạt động. Nhờ đó mà tiêu chí môi trường của xã đã được giữ vững và nâng cao.
Để duy trì bảo đảm được tiêu chí an ninh trật tự, xã cũng đã vận dụng hiệu quả Nghị quyết số 10 của Thành ủy về việc đưa chi bộ về giúp các bản, trong đó tất cả các bản phức tạp về an ninh trật tự đều được các chi bộ thuộc Đảng ủy công an thành phố trực tiếp xuống giúp đỡ. Nhờ vậy, đã tham mưu giúp xã, bản làm tốt công tác phát hiện đấu tranh với tội phạm, an ninh trật tự được giữ vững, tiêu chí NTM được củng cố, kiện toàn.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Bản Bo Nguyễn Xuân Hoàn, để giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, Đảng ủy xã đã chỉ đạo bà con tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa các giống cây con chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời, phát huy thế mạnh vùng nguyên liệu chè để mở rộng diện tích nhằm tạo nguồn thu ổn định lâu dài. Tính đến thời điểm này, ngoài gần 800 ha diện tích cây lương thực, xã còn có hơn 300 ha chè đang cho thu hoạch.
Hiện xã vẫn đang tiếp tục vận động người dân mở rộng diện tích vùng chè kim tuyên chất lượng cao theo quy trình chế biến VietGAP, tạo vùng nguyên liệu giá trị cao cung cấp cho các nhà máy chế biến chè tại địa phương. Đồng thời, vận động bà con đẩy mạnh trồng các loại cây màu tăng vụ, trồng mắc ca xen trên nương chè, tập trung phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại… qua đó tạo nguồn thu đa dạng và ổn định cho người dân.
Tại Bản Giang, với thế mạnh là vùng cây ăn quả, vùng trồng mía, chăn nuôi tập trung và vùng nuôi trồng thủy sản, cung cấp thực phẩm tươi sống cho nhu cầu của tỉnh, chính quyền xã đã hướng cho người dân tập trung vào thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Tạo nông sản hàng hóa chất lượng cao cho thu nhập ổn định. Đồng thời, tận dụng nguồn lực đầu tư của các chương trình mục tiêu, sự tham gia đóng góp tích cực của người dân để tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã ổn định, duy trì và giữ vững các tiêu chí đạt thấp…
Còn tại xã Hua Nà, để bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường, huyện Than Uyên đã đầu tư 50 lò đốt rác để thu gom, tập kết và xử lý tại chín bản của xã. Mỗi tuần từ hai đến ba lần, người dân thu gom rác trong gia đình, trong bản đem đến các lò đốt rác của bản để xử lý. Tại đây, các loại rác hữu cơ như: vật liệu làm từ giấy, sợi, thực phẩm thừa, túi ni-lông… sẽ được phân loại đưa vào lò đốt. Mô hình này sau khi được triển khai đã được đông đảo người dân nhiệt tình hưởng ứng.
Anh Lò Văn Hương ở bản Đán Đăm, xã Hua Nà chia sẻ: Có lò đốt, rác được thu gom xử lý, cho nên ý thức giữ vệ sinh chung của bà con trong bản được nâng cao, đường làng ngõ xóm nhờ đó mà sạch sẽ hơn nhiều.
Hiện nay, tỉnh Lai Châu đã hình thành được các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa và đã có một số doanh nghiệp tham gia chế biến tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Việc quy hoạch phát triển các vùng được gắn với thực tế địa phương và định hướng phát triển NTM của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với những thay đổi trong nhận thức, hành động của chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực của người dân, tin rằng Lai Châu sẽ thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. (Nhân Dân 24/7) đầu trang(

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần bản tư vấn dự án nhận chìm triệu khối bùn thải ở biển Bình Thuận do ông giám đốc Hà Quốc Quân ký (ông Quân vừa bị Bộ Công Thương đình chỉ công tác 15 ngày) và nhận thấy đây là dự án mạo danh chưa từng có về mặt khoa học ở Việt Nam.
Sự gian trá không chỉ dừng lại ở chỗ ông Quân với tư cách viên chức nhà nước nhưng lại điều hành doanh nghiệp mà như một gian thương lật lọng, lợi dụng uy tín các chuyên gia, nhà khoa học để “bán” công trình gây hại đến môi trường biển.
Ông Hà Quốc Quân là Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và Chuyển giao giao công nghệ của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương nhưng đồng thời lại là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam (VPC). VPC có một trang web quảng cáo nhiều lĩnh vực tham gia cũng như PR việc quy tụ nhiều chuyên gia từ tiến sĩ, thạc sĩ đến kỹ sư giỏi về ngành nghề được cấp phép. Tuy nhiên, sau khi báo chí cáo giác hàng loạt hành động gian manh, trang web này đã đóng cửa.
Hôm 22.7, Bộ Công Thương ra thông cáo: “Ông Hà Quốc Quân vi phạm Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2012, Luật Viên chức. Theo đó, viên chức không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp”.
Chứng nhận đăng ký đầu tư của VPC cấp hồi tháng 3.2016, nhưng các báo phát hiện công ty do ông Hà Quốc Quân làm tổng giám đốc đã tư vấn tới 37 dự án, với 7 dự án nhiệt điện gồm Nghi Sơn 2, Dung Quất, Long Phú 2, Vĩnh Tân, Sông Hậu… Mới thành lập mà “bán” được nhiều gói tư vấn lớn như vậy đủ biết mối quan hệ của ông Quân như thế nào.
Cho đến khi báo chí thông tin về dự án nhấn chìm 1 triệu m3 bùn thải do ông Quân trình ký, được Bộ TN&MT cấp phép và có 3 nhà khoa học lên tiếng họ không hề tham gia gồm tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang; thạc sĩ Lê Thị Vân Linh (Viện Kỹ thuật biển) và thạc sĩ Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam), thì người ta thấy đây là câu chuyện lừa đảo khoa học có chủ đích. Dư luận hết sức phẫn nộ về sự ngụy tạo và dối trá này nhằm mục đích bán sản phẩm khoa học bịa đặt. Nói cho cùng, gói tư vấn của VPC là cách bán hàng bằng sự lừa đảo, làm giả tên tuổi nhà khoa học nên các số liệu bên trong là không thể tin cậy.
Mặt khác, theo khẳng định của Bộ Công Thương, ông Quân không thể điều hành, quản lý doanh nghiệp với tư cách viên chức, vì như vậy là vi phạm luật phòng chống tham nhũng. Do đó, bản tư vấn trình ký của ông Quân về dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải là sản phẩm giả, bán một sản phẩm như thế chỉ có thể là gian thương chứ không phải doanh nhân chân chính. Từ đó dẫn đến sự ngụy biện “kế thừa dự án” từ một người khác theo cách nói của ông Quân với báo chí là hết sức xảo ngôn. Thậm chí ông Quân còn đổ lỗi do đánh máy. Thật lạ kỳ, chẳng một người đánh máy nào có thể tạo tác ra tên tuổi 3 nhà khoa học với đầy đủ chức danh như thế nếu không có chữ ký của ông Quân ở cuối bản dự án mà tôi đã đọc. Dư luận truy vấn gắt gao, ông Quân trí trá nói đấy là do lỗi kỹ thuật. Lại không ai chấp nhận.
Khi lợi ích nhóm của ông Quân đủ lớn để mạo danh nhà khoa học, bất chấp tất cả thì những lời nói dối tiếp tục nối dài nhằm bào chữa được điểm nào hay điểm đó trong mấy ngày qua. Nhưng càng trí trá trước sự bóc tách của báo chí và công luận, VPC và cái tên Hà Quốc Quân càng bị sóng cồn nhấn chìm trong lòng chảo dư luận cả nước mà điểm nổ đầu tiên là sự chỉ danh tại Bộ Công Thương. Từ một vụ như thế, không ai đảm bảo việc bán hàng loạt gói tư vấn của VPC đối với 37 dự án kia có bao nhiêu sự trung thực trong đó? Khi ông Quân đã bị Bộ Công thương chỉ đích danh như thông cáo báo chí thì 37 bản tư vấn kia có thể nói là hoàn toàn vô giá trị, không có ý nghĩa về mặt pháp lý bởi chính ông Quân đã vi phạm Luật phòng chống tham nhũng.
Nghĩ đến đây, tôi lại nhớ mấy tuần trước không ít gương mặt từ Bộ TN&MT ra sức bảo vệ bản dự án nhận chìm bùn thải với mỹ từ “nhận chìm vật chất” nhằm đánh tráo khái niệm, cử người đăng đàn trấn an đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận rằng đấy không phải bùn thải, hoàn toàn đảm bảo được môi trường biển, lường trước được các kịch bản diễn ra nên cho lắp đặt 13 trạm quan trắc quanh khu vực nhận chìm.
Ông Phạm Ngọc Sơn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Biển và Hải đảo vào hùa như thế này về bùn ở vũng quay tàu nhiệt điện Vĩnh Tân 1: “20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã được phân tích các chất phóng xạ, chất độc đều không vượt quá quy chuẩn cho phép, nằm trong danh mục được Chính phủ ban hành". Tất cả luận cứ này đều từ bản tư vấn mạo danh nhà khoa học do ông Hà Quốc Quân đưa ra. Nếu không có chất phóng xạ, chất độc hại vì sao không đề xuất xây kè lấn biển, nó vừa đáp ứng nhu cầu chiều chuộng công ty nhiệt điện Vĩnh Tân 1 là kiếm bãi nhận chìm gần nhất có thể để tiết kiệm chi phí, việc xây kè đổ bùn lấn biển ấy nó còn gần hơn đi ra ngoài khơi cách khu bảo tồn biển Hòn Cau 4 hải lý.
Còn Bộ trưởng Trần Hồng Hà biện bạch với báo giới: “Chúng tôi đang cho kiểm tra tầng đáy”, chờ ý kiến các nhà khoa học mới giao biển. Trên thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã thay mặt Bộ trưởng Hà ký “Giấy phép nhận chìm ở biển” rồi mới cho rà soát kiểm tra lại thì đó là cách làm quy trình ngược. Không ai cấp phép theo một bản tư vấn mạo danh rồi lại hài hước kiểm tra sau, cách làm ấy khiến dư luận mất niềm tin rất lớn đối với bộ chủ quản, chịu trách nhiệm chính bảo vệ tài nguyên môi trường quốc gia.
Việc phát giác sự mạo danh trơ trẽn ấy không phải từ các phòng ban chức năng của Bộ TN&MT mà lại do báo chí đưa ra cùng sự phản biện tâm huyết của các nhà khoa học, sự lên tiếng mạnh mẽ của người dân. Khi đã là giả, là gian dối thì khái niệm “nhận chìm vật chất” không thể sử dụng trong câu chuyện này. Bộ TN&MT sẽ biện bạch như thế nào khi cho cấp phép trước rồi rà soát sau? Dù có đưa ra vô số căn cứ này, xảo biện kia thì cũng khó có sự tin tưởng trước các gian dối bị phát hiện vừa qua.
Với công ty VPC, gian trá và mạo danh đủ cấu thành hành vi phạm tội, bởi nó gây ra hậu quả rất lớn đối với uy tín của các cơ quan quản lý nhà nước, nhấn chìm lòng tin của người dân đối với uy tín của cơ quan công quyền. Ngay lúc này, sự giải thích rõ ràng nhất, thuyết phục nhất chính là Bộ TN&MT phải rút giấy phép nhận chìm đã ban hành, vì giấy phép căn cứ vào bản dự án dối trá, lừa đảo mà theo tiến sĩ Nguyễn Tác An là chưa từng có trong 50 năm làm khoa học của ông.
Ngoài ra cũng cần có chế tài nghiêm khắc đối với lãnh đạo Bộ TN&MT trong quá trình xảy ra việc giả mạo này, bởi không thể xả thải bất chấp, bỏ qua mọi quy định của pháp luật, làm ngơ trước ý kiến các nhà khoa học để chiều lòng nhà đầu tư. Không thể lấy sự gian dối, man trá để qua mặt Trung ương, qua mặt nhân dân. Bài học Formosa vẫn còn đó nên cả nước đang chờ đợi sự xử lý nghiêm minh đối với cách hành xử gian manh này. (Một Thế Giới 23/7) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Ủy ban Kiểm tra kỷ luật T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) vừa tuyên bố khai trừ Đảng và cách chức đối với nguyên Ủy viên Đảng ủy, Trợ lý Chủ tịch Ủy ban giám sát và quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Trương Dục Quân. CCDI cho biết, Trương Dục Quân đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị và kỷ luật tổ chức, cản trở hoạt động điều tra; vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; cố ý để người thân lợi dụng chức quyền hòng mưu cầu lợi ích bất chính…
Theo CCDI, tất cả tiền bạc và tài sản phi pháp của Trương Dục Quân bị tịch thu để sung công quỹ. Hồ sơ về những hành vi vi phạm của Trương Dục Quân được chuyển sang cơ quan tư pháp để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, CCDI thông báo quyết định khai trừ Đảng và cách chức đối với nguyên Phó Chủ tịch CSRC Diêu Cương do vi phạm kỷ luật và nguyên tắc chính trị, tham nhũng và nhận hối lộ. (Nhân Dân 24/7) đầu trang(./.