Xem ngày trước
BẢN TIN TỔNG HỢP
Xem ngày kế tiếp

Ngày 24 tháng 04 năm 2017
CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
TIÊU ĐIỂM
QUẢN LÝ
THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
KINH TẾ
PHÁP LUẬT
MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
NHÌN RA THẾ GIỚI

CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
Bộ Y tế đang dự thảo Quyết định quy định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
Theo dự thảo, việc thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế được thực hiện theo các nguyên tắc sau: Bảo đảm nước thải đầu ra sau xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; không sử dụng công nghệ không được pháp luật Việt Nam cho phép (Khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường); đơn vị cung cấp dịch vụ được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư theo quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
Đơn vị thuê dịch vụ xác định phạm vi, quy mô thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế thuộc một trong ba nhóm dưới đây:
Nhóm 1: Đơn vị có hệ thống xử lý nước thải y tế bảo đảm xử lý nước thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, thực hiện thuê quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế.
Nhóm 2: Đơn vị có hệ thống xử lý nước thải y tế nhưng đã xuống cấp hoặc quá tải, thực hiện thuê cải tạo, nâng cấp và quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế.
Nhóm 3: Đơn vị chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế, thực hiện thuê hệ thống xử lý nước thải và quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế.
Theo dự thảo, thời gian thuê quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế tối thiểu là 3 năm. Thời gian thuê cải tạo, nâng cấp và quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế tối thiểu là 10 năm. Thời gian thuê hệ thống xử lý nước thải và quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế tối thiểu là 15 năm.
Theo dự thảo, đơn vị cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chuyển giao công nghệ, đào tạo vận hành, bão dưỡng hệ thống xử lý nước thải y tế cho đơn vị thuê dịch vụ. Sau khi bàn giao, đơn vị thuê dịch vụ tổ chức quản lý vận hành công trình hoặc thuê quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế.
Theo dự thảo, kinh phí chi trả thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế do đơn vị thuê dịch vụ chi trả và được hạch toán vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh hoặc từ nguồn ngân sách nhà nước cấp theo quy định sau: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư sử dụng nguồn thu để chi trả chi phí thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế.
Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên sử dụng nguồn thu và ngân sách giao tự chủ để chi trả chi phí thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế. Đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên sử dụng ngân sách nhà nước giao tự chủ để chi trả chi phí thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế.
Đơn giá thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế được tính trên cơ sở toàn bộ các chi phí hợp lý và hợp lệ để xử lý 1 m3 nước thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong một ngày đêm (24 giờ) và được tính theo nguyên tắc bảo đảm lợi ích giữa bên cung cấp dịch vụ, bên thuê dịch vụ và Nhà nước, tạo điều kiện để bên cung cấp dịch vụ thu hồi vốn và lợi nhuận. (Báo Chính Phủ 21/4) đầu trang(
Kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện ngay từ khi đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và được tiến hành thường xuyên, liên tục trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.
Đây là một trong những nội dung được đề xuất tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính.
Theo dự thảo, thủ tục hành chính phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật theo đúng thẩm quyền được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tục hành chính hoàn thành việc quy định và được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các bộ phận tạo thành cơ bản sau đây: a- Tên thủ tục hành chính; b- Trình tự thực hiện; c- Cách thức thực hiện; d- Hồ sơ; đ- Thời hạn giải quyết; e- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; g- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính; h- Trường hợp thủ tục hành chính phải có mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính; kết quả thực hiện thủ tục hành chính; yêu cầu, điều kiện; phí, lệ phí thì mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính; kết quả thực hiện thủ tục hành chính; yêu cầu, điều kiện; phí, lệ phí là bộ phận tạo thành của thủ tục hành chính.
The dự thảo, trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, một thủ tục hành chính cụ thể để thực hiện chính sách phải xác định tối thiểu 3 bộ phận tạo thành quy định tại các điểm a, e, g trên. Trường hợp thủ tục hành chính có yêu cầu, điều kiện thì yêu cầu, điều kiện phải được xác định rõ ràng, cụ thể trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo nêu rõ, khi được Luật giao quy định về thủ tục hành chính, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm quy định đầy đủ, hướng dẫn rõ ràng, chi tiết, cụ thể về các bộ phận tạo thành của thủ tục hành chính theo quy định.
Theo dự thảo, thủ tục hành chính đã được người có thẩm quyền công bố phải được công khai đầy đủ, chính xác, kịp thời theo các hình thức sau:
1- Công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
2- Công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc niêm yết hoặc sử dụng các hình thức điện tử phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện thủ tục hành chính.
3- Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở kết nối, thống nhất, đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
Ngoài hình thức công khai bắt buộc trên, việc công khai thủ tục hành chính có thể thực hiện theo các hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị và đối tượng thực hiện thủ tục hành chính. (Xây Dựng 21/4) đầu trang(
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp.
Dự thảo Thông tư này hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư, dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp khi lập báo cáo tài chính làm cơ sở xác định khoản chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
Dự thảo nêu rõ nguyên tắc trong trích lập các khoản dự phòng. Theo đó, các khoản dự phòng quy định tại Thông tư này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ báo cáo để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo sau; đảm bảo cho doanh nghiệp phản ánh giá trị vật tư hàng hóa tồn kho, các khoản đầu tư không cao hơn giá cả trên thị trường và giá trị của các khoản nợ phải thu không cao hơn giá trị có thể thu hồi được tại thời điểm lập báo cáo tài chính.
Những doanh nghiệp vi phạm việc trích lập dự phòng quy định tại Thông tư này sẽ bị xử phạt như hành vi trốn thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự thảo nêu rõ, đối tượng lập dự phòng bao gồm nguyên vật liệu, dụng cụ dùng cho sản xuất, vật tư, hàng hóa, thành phẩm tồn kho (gồm cả hàng tồn kho bị hư hỏng, kém mất phẩm chất, lạc hậu mốt, lạc hậu kỹ thuật, lỗi thời, ứ đọng, chậm luân chuyển...), sản phẩm dở dang, chi phí dịch vụ dở dang (sau đây gọi tắt là hàng tồn kho) mà giá gốc ghi trên sổ kế toán cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được và đảm bảo điều kiện: Có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính hoặc các bằng chứng hợp lý khác chứng minh giá vốn hàng tồn kho; là những vật tư hàng hóa thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp tồn kho tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm…
Về dự phòng nợ phải thu khó đòi, đối tượng lập dự phòng là các khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán, nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng khách nợ đã phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể, mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết và đảm bảo các điều kiện quy định.
Cụ thể, đối với nợ phải thu quá hạn thanh toán, mức trích lập dự phòng như sau: 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ trên 6 tháng đến dưới 1 năm; 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm; 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm; 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên…
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ. (Báo Chính Phủ 21/4) đầu trang(

TIÊU ĐIỂM
Tiếng vỗ tay nồng nhiệt vang lên tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức sau cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
“Điểm nóng Đồng Tâm” xảy ra bắt nguồn từ vấn đề tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm và đỉnh điểm là khi người dân ở đây cho rằng một số diện tích được quyết định giao cho Tập đoàn Vietel thực hiện dự án là đất nông nghiệp của xã chứ không phải đất quốc phòng.
Phía cơ quan chức năng của Hà Nội thông tin từ năm 1980, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn, trong đó có diện tích ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức). 50,03 ha được thu hồi giao cho Tập đoàn viễn thông quân đội Vietel tiếp nhận quản lý sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó bao gồm 46 ha thuộc xã Đồng Tâm là đất quốc phòng.
Ngày 30/3/2017, Công an TP đã ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245; Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) ra quyết định khởi tố vụ án “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 và vụ án “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” theo điều 173, bộ luật Hình sự năm 1999.
Nửa tháng sau, tức ngày 15/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt giữ 4 công dân về hành vi gây rối trật tự công cộng để điều tra.
Tình hình trở nên phức tạp hơn kể từ thời điểm này khi số công dân xã Đồng Tâm tập trung đông người bao vây, giữ 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ công an tại Nhà văn hóa thôn Hoành. Người dân lập rào chắn ô tô cũng như tổ chức giám sát người lạ tại các lối dẫn đường vào thôn.
Ngày hôm sau, VKSND TP Hà Nội ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ ông Lê Đình Kình, 82 tuổi, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Quyết định hủy bỏ tạm giam đối với ông Lê Đình Kình, Lê Đình Ba, Lê Đình Công được Viện Phó VKSND TP Hà Nội Nguyễn Văn Dũng ký từ ngày 16/4, trực tiếp Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Bạch Thành Định trao cho những người này.
Đến chiều 20/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về huyện Mỹ Đức để đối thoại với bà con. Tuy nhiên, đại diện người dân không tới mà mong muốn người đứng đầu TP về xã Đồng Tâm.
Sau nhiều giờ chờ đợi mà người dân không đến, ông Nguyễn Đức Chung làm việc với lãnh đạo huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm và cho biết đã quyết định thanh tra toàn diện quá trình quản lý, sử dụng cũng như quá trình xử lý liên quan đất đai ở khu vực này sân bay Hiếu Môn, trong đó có phần đất mà bà con đang kiến nghị với thời gian thanh tra là 45 ngày.
Bày tỏ niềm vui khi thành phố sẽ thanh tra toàn diện, ngày 21/4, người dân trao thả Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Mỹ Đức. Đại diện người dân cũng lên tiếng thừa nhận việc giữ người trái phép là vi phạm pháp luật, nhận lỗi trước Đảng, Chính phủ về việc này, cũng như mong được khoan hồng, mong các cơ quan chức năng thấu hiểu nguyên nhân vì đâu mà người dân có hành vi vi phạm như vậy.
Ngay trong ngày, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung qua đã có nhiều cuộc điện thoại thuyết phục đại diện nhân dân thôn Hoành thả hết người bị bắt giữ, dọn dẹp chướng ngại vật trên đường và cho biết sáng 22/4 sẽ về gặp người dân Đồng Tâm.
Lúc này, người dân cũng gửi “tâm thư” và bản kiến nghị với 8 nội dung tới lãnh đạo Thành phố.
Đúng 10h30 ngày 22/4, đoàn công tác gồm ông Nguyễn Đức Chung và đại diện Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Cục C45, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô, đại diện Sở ban, ngành của Thành phố, đại diện lãnh đạo huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm và hai địa biểu Quốc hội là Dương Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng đã về trụ sở UBND xã đối thoại với 50 đại diện người dân xã Đồng Tâm.
Trên cơ sở bản kiến nghị cũng như các ý kiến nêu lên tâm tư nguyện vọng của người dân, người đứng đầu UBND TP đã lần lượt làm rõ từng vấn đề. Với trách nhiệm của mình, ông Nguyễn Đức Chung ghi nhận bà con đã chăm sóc cán bộ, chiến sĩ, cho ăn uống đầy đủ, mua quần áo, canh giữ bảo vệ để không bị kẻ xấu làm hại.
Về vấn đề quan trọng nhất là làm rõ lý lịch diện tích đất là quốc phòng hay nông nghiệp, ông Chung nhấn mạnh, Thành phố đã ra Quyết định thanh tra toàn diện quá trình quản lý, sử dụng toàn bộ khu đất với thời gian 45 ngày. Trong thời gian này, đất được giữ nguyên trạng. Trước khi ra kết luận, đoàn thanh tra và đích thân ông sẽ về công bố để đạt sự đồng thuận. Do đó, ông ông mong bà con hợp tác để kết quả chính xác, khách quan.
Về đề nghị xác minh điều tra việc bắt giữ ông Lê Đình Kình, gây thương tích, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định lãnh đạo TP đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo Bộ Công an và thống nhất sẽ cử đoàn thanh tra toàn bộ quá trình thực thi luật pháp của công an TP Hà Nội và đúng - sai đến đâu sẽ xử lý một cách cương quyết, nghiêm túc, không có vùng cấm.
Tiếng vỗ tay vang lên sau khi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung kết thúc phần trả lời làm rõ các vấn đề mà người dân thắc mắc. Cuộc đối thoại kết thúc sau hơn 2 giờ đồng hồ. Đoàn công tác và đại diện người dân ra Nhà văn hoá thôn Hoành - nơi 19 cán bộ chiến sĩ đang bị giữ tại đây.
Tuy vậy, đến tận 14h40, chỉ sau Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký bản cam kết và công bố công khai, trong đó có việc “Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm”, toàn bộ 19 cán bộ chiến sĩ mới được bàn giao.
Người dân thôn Hoành vỡ oà vui sướng, cảm ơn ông Nguyễn Đức Chung và đoàn công tác về với bà con, giải quyết bước đầu có lý có tình. Các cánh tay vẫy chào thân thiện khi Đoàn rời đi.
Như lời ông Nguyễn Đức Chung đã nói, đúng – sai cụ thể thế nào còn phải chờ kết luận. Tuy vậy, sự căng thẳng đã được xua tan sau 8 ngày “căng như dây đàn”, bà con nơi đây thở phào nhẹ nhõm bắt tay vào công việc bình thường vì tin rằng, nỗi băn khoăn lớn nhất của mình sắp được làm rõ trên tinh thần công minh, khách quan. (Đài Tiếng Nói VN 23/4) đầu trang(

QUẢN LÝ
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Bình Định, An Giang kiểm tra, xử lý đúng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật các nội dung báo chí phản ánh.
Báo chí thời gian qua phản ánh một số vụ việc.
Đó là việc: Ông Phạm Thanh Hà, Trưởng Ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh Kon Tum xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp; hai cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau trong chuyến đi công tác địa phương; cầu Cảng Thị Nại (tỉnh Bình Định) bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập, gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của các đơn vị tham gia khai thác; ngày 13/4/2017, hai học sinh cấp 2 bị sụp vào hố nước, dẫn đến đuối nước tử vong tại khu vực công trình Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa xứ ở phường Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Bình Định, An Giang kiểm tra, xử lý đúng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật các nội dung báo chí phản ánh tại địa phương mình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 10/5/2017. (Tin Tức 23/4) đầu trang(
Ngày 14/4, báo Tin tức phản ánh việc những xe hết niên hạn sử dụng vẫn lưu thông công khai dưới nhiều hình thức ở nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn, miền núi.
Cùng ngày, báo Giáo dục Việt Nam phản ánh việc một nữ cán bộ thăng chức, tăng lương "thần tốc" ở Cung Triển lãm Quy hoạch Quốc gia thuộc Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng). Báo Tiền Phong phản ánh ông Trần Văn Vân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước “khai man” danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” để được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba. Một số   báo phản ánh những vấn đề xung quanh các trạm thu phí BOT ở các địa phương như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Thái Bình, Hòa Bình, Thái Nguyên gây bức xúc cho người dân.
Về các nội dung trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nội vụ, Tài chính kiểm tra các nội dung liên quan, xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 10/5.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng vừa yêu cầu UBND các tỉnh: Kon Tum, Bình Định, An Giang kiểm tra, xử lý đúng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật các nội dung báo chí phản ánh tại địa phương mình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 10/5.
Cụ thể là thông tin báo chí phản ánh về việc: Ông Phạm Thanh Hà, Trưởng Ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh Kon Tum xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp; hai cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau trong chuyến đi công tác địa phương; cầu Cảng Thị Nại (tỉnh Bình Định) bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập, gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của các đơn vị tham gia khai thác; ngày 13/4, hai học sinh cấp 2 bị sụt chân vào hố nước, dẫn đến đuối nước tử vong tại khu vực công trình Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa xứ ở phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Liên quan đến thông tin Đài truyền hình Việt Nam (ngày 12/4) phản ánh trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 300 trụ nước chữa cháy hư hỏng hoặc không có nước và bất cập trong việc phân cấp quản lý khi đơn vị trực tiếp sử dụng là Cảnh sát phòng cháy chữa cháy nhưng đơn vị quản lý, duy tu lại là Sở Xây dựng; báo Lao động (ngày 14/4) phản ánh về đường dây “chạy” giám định sức khỏe để về hưu sớm cho người lao động có nhu cầu tại Trung tâm Giám định y khoa thành phố Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra nội dung báo chí phản ánh, xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 10/5. (Báo Chính Phủ 23/4) đầu trang(
Lãnh đạo Chính phủ vừa yêu cầu các bộ ngành, địa phương kiểm tra các vấn đề nóng mà báo chí, dư luận phản ánh.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra nội dung báo chí phản ánh trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 300 trụ nước chữa cháy hư hỏng hoặc không có nước; bất cập trong việc phân cấp quản lý khi đơn vị trực tiếp sử dụng là Cảnh sát phòng cháy chữa cháy nhưng đơn vị quản lý, duy tu lại là Sở Xây dựng. Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra nội dung về đường dây “chạy” giám định sức khỏe để về hưu sớm cho người lao động có nhu cầu tại Trung tâm Giám định y khoa TP Hà Nội.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng vừa yêu cầu UBND các tỉnh: Kon Tum, Bình Định, An Giang kiểm tra, xử lý các nội dung báo chí phản ánh tại địa phương mình. Cụ thể, báo chí thời gian qua phản ánh một số vụ việc: ông Phạm Thanh Hà, Trưởng ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh Kon Tum, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp; hai cán bộ Sở TN-MT tỉnh Kon Tum xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau trong chuyến đi công tác địa phương; cầu cảng Thị Nại (tỉnh Bình Định) bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập, gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của các đơn vị tham gia khai thác; ngày 13-4, hai học sinh cấp 2 bị sụp vào hố nước, dẫn đến đuối nước tử vong tại khu vực công trình khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa xứ ở phường Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Bộ GT-VT, Bộ Tài chính kiểm tra nội dung báo chí phản ánh; xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật các vụ việc: một nữ cán bộ thăng chức, tăng lương “thần tốc” ở Cung Triển lãm Quy hoạch quốc gia thuộc Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng); ông Trần Văn Vân, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bình Phước “khai man” danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” để được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng ba; nhiều xe hết niên hạn sử dụng vẫn lưu thông công khai dưới nhiều hình thức ở nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn, miền núi; các trạm thu phí BOT ở các địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Thái Bình, Hòa Bình, Thái Nguyên gây bức xúc cho người dân.
Tất cả các vụ việc trên các bộ ngành, địa phương phải kiểm tra, xử lý đúng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật các nội dung, báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý trước ngày 10-5. (Sài Gòn Giải Phóng 24/4) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban công tác liên ngành xử lý công việc khi dừng đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề về kinh tế - tài chính và kỹ thuật khi dừng đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng Ban. 2 Phó Trưởng Ban gồm: Thứ trưởng Bộ Công Thương (Phó Trưởng Ban thường trực) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Các Ủy viên gồm một Thứ trưởng của các bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; một lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận; Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ban công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi thẩm quyền giải quyết các vấn đề về kinh tế - tài chính và kỹ thuật liên quan đến việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các công việc khác theo phân công của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ban công tác thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ về kinh tế - tài chính và kỹ thuật; giải quyết các vấn đề có tính liên ngành liên quan đến dừng đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; định kỳ và đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ được giao; đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các nội dung vượt thẩm quyền.
Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Ban công tác. Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thành phần Tổ giúp việc Ban công tác bao gồm cán bộ, chuyên viên các bộ, ngành, đơn vị tham gia Ban công tác và mời các chuyên gia thích hợp khi cần thiết. (Năng Lượng Mới 22/4) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn ASEAN 2025.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý nội dung dự thảo và ký "Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn ASEAN 2025" tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 tổ chức tại Philippines từ ngày 28-29/4/2017.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Tuyên bố. (Giáo Dục Việt Nam 23/4) đầu trang(
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, bức xúc, kéo dài; cơ bản giải quyết xong trong năm 2017.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước; tổ chức đối thoại, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, hạn chế để công dân tập trung đến các cơ quan Trung ương khiếu kiện.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Trung ương và Ban Tiếp công dân Trung ương, kịp thời cử tổ công tác có đủ thẩm quyền đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương để tiếp công dân, vận động, thuyết phục, có biện pháp để công dân trở về giải quyết tại địa phương.
Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, bức xúc, kéo dài; cơ bản giải quyết xong trong năm 2017.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan phối hợp với Thanh tra Chính phủ đảm bảo vốn đầu tư để triển khai xây dựng Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TP HCM theo tiến độ đã đề ra.
Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an thành phố Hà Nội và Công an TP HCM tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương; đưa Trụ sở Tiếp công dân Trung ương là mục tiêu bảo vệ theo quy định của Bộ Công an.
Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ trên cơ sở tổng kết thi hành Luật tiếp công dân, nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật tiếp công dân. (Pháp Luật Việt Nam 21/4) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 10.000 lít hóa chất sát trùng Vetvaco-Iodine từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Lạng Sơn để phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận, quản lý và sử dụng số hóa chất nêu trên theo quy định hiện hành. (Báo Chính Phủ 22/4) đầu trang(
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục bám sát Đề án cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước dự kiến trình Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, hoàn chỉnh dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng lưu ý hoàn thiện Đề án cần bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ về thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu vốn tại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Hoàn chỉnh lại dự thảo Quyết định về nội dung liên quan đến đất đai của doanh nghiệp khi cổ phần hóa để phù hợp với Luật Đất đai.
Phó Thủ tướng yêu cầu trước ngày 29/4/2017, Bộ Tài chính trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020 để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. (Báo Quảng Ninh 23/4) đầu trang(

THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), qua thanh tra chuyên ngành, cơ quan thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Số tiền sai phạm 4.193 tỷ đồng đã được Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng kiến nghị thu hồi.
Thông tin từ TTCP cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2017, toàn ngành thanh tra đã tiến hành 1.885 cuộc thanh tra hành chính và hơn 36.000 cuộc thanh tra chuyên ngành. Trong đó, TTCP tiến hành 30 cuộc thanh tra, còn lại là các cuộc thanh tra của các bộ ngành, địa phương.
Qua thanh tra, đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực. Lực lượng thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 41.000 tỷ đồng và 168 ha đất. Qua đó, kiến nghị thu hồi hơn 8.700 tỷ đồng và 80 ha đất. Các cơ quan thanh tra cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 33.000 tỷ đồng và 88 ha đất. Có hơn 26.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành với số tiền gần 7.000 tỷ đồng. 2 cá nhân và 259 tập thể bị kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính.
Về thanh tra hành chính, tổng hợp từ 668 cuộc thanh tra đã có kết luận ghi nhận sai phạm hơn 33.000 tỷ đồng, 168 ha đất và đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước cũng như kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý.
Cơ quan thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra xử lý 21 vụ việc và 47 đối tượng. Các vụ việc này đều được phát hiện qua thanh tra hành chính.
Đối với thanh tra chuyên ngành, lực lượng này đã phát hiện vi phạm với tổng số tiền là 8.500 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 7.900 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn sai phạm trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, các đơn vị thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 2.400 tỷ đồng và kiến nghị thu hồi hơn 2.000 tỷ đồng, xử phạt hành chính 353 tỷ đồng. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cũng phát hiện và kiến nghị thu hồi số tiền 4.193 tỷ đồng, chưa bao gồm hơn 91.000 tỷ đồng phát hiện vi phạm các quy định nhà nước về cho vay, phân loại nợ, trích dự phòng rủi ro...
Trong 3 tháng đầu năm, ngành thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trong đó, để đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, các kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo... đều được công bố, công khai. Tuy nhiên, qua kiểm tra 762 đơn vị, phát hiện 8 đơn vị vi phạm các quy định về công khai, minh bạch.
Có 202 cuộc kiểm tra về việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn được tiến hành; qua đó phát hiện 22 vụ việc vi phạm, 18 người vi phạm và kiến nghị thu hồi, bồi thường hơn 19 tỷ đồng.
Về hành vi tham nhũng, qua kiểm tra nội bộ phát hiện 1 vụ việc ở Sóc Trăng liên quan đến 3 đối tượng. Qua thanh tra, đã phát hiện 3 vụ, 4 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng ở An Giang, Hà Giang, Sóc Trăng.
Theo TTCP, trong quý I/2017, cơ quan này đang tích cực xây dựng Thông tư về bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh theo kinh nghiệm của Hàn Quốc. Tháng 3 vừa qua, TTCP cũng đã tổ chức công bố chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh.
Trước đó, trong báo cáo công tác năm 2016, TTCP đánh giá tình hình tham nhũng vẫn còn phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và chưa bị đẩy lùi. Công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế dù rằng đã có chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực, các biện pháp phòng ngừa được đẩy mạnh, thường xuyên rà soát điều chỉnh, đánh giá.
Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý với những bản án nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Công tác thu hồi tài sản qua thanh tra, điều tra tội phạm có chuyển biến tích cực. (Đấu Thầu 24/4) đầu trang(
TP.HCM sẽ cho thu hồi đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép. Đồng thời, các dự án sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và lấn chiếm đất trái quy định cũng sẽ bị xử lý.
Đây là một trong những nội dung của kế hoạch chống lãng phí mà UBND TP.HCM ban hành ngày 17.4.
Cụ thể, trong lĩnh vực đất đai, UBND TP.HCM đã yêu cầu xử lý, thu hồi các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định của pháp luật, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và lấn chiếm đất trái quy định.
TP.HCM cũng thực hiện tiết kiệm từ khâu quy hoạch, chủ trương đầu tư; tiến hành rà soát cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. TP sẽ cho thu hồi đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép.
TP.HCM còn rà soát các dự án kéo dài nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp để có hướng xử lý cũng như có biện pháp hoàn tạm ứng đối với các khoản tạm ứng quá hạn, có phương án xử lý dứt điểm các khoản tạm ứng của các dự án kéo dài nhiều năm, đơn vị quản lý đã giải thể. Quan điểm của TP.HCM là thực hiện đúng quy định về hoàn trả tạm ứng đối với các dự án mới thực hiện.
Đối với các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp, TP.HCM sẽ cho tạm dừng hoặc cắt giảm. TP tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình giải ngân, thực hiện điều chuyển vốn giữa các dự án, công trình phù hợp với tiến độ và khả năng hoàn thành.
Đáng chú ý, TP.HCM sẽ cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia; công trình dự án nhóm A; công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội của địa phương...
Ngoài ra, TP còn hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình; phấn đấu thực hiện tiết kiệm từ 10% đến 15% tổng mức đầu tư.
Trước tình trạng nhiều diện tích đất công bị đem cho thuê trái phép, UBND TP.HCM đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chấm dứt việc cho thuê đất công. Đây là chủ trương quyết liệt, đúng đắn, được nhiều người dân ủng hộ, tuy nhiên việc thực thi còn khá chậm.
Đơn cử, trong năm 2016, Sở Tài nguyên - Môi trường đã trình TP.HCM thu hồi 491 dự án với diện tích gần 3.300ha. Trong số này có 298 dự án chuyển tiếp của năm 2015 sang với tổng diện tích gần 1.360ha và 198 dự án đăng ký mới với diện tích 1.932ha. Thế nhưng, trên thực tế, việc thu hồi, tạo quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP vẫn còn khiêm tốn khi tổng diện tích thu hồi được chỉ vài trăm héc ta.
Theo Sở Tài chính TP.HCM, việc thu hồi đất tại TP còn gặp rất nhiều khó khăn do việc thu hồi đất của các bộ ngành trung ương còn gặp nhiều vướng mắt. Cụ thể, để có lệnh thu hồi với những phần đất này phải có sự qua của Bộ chủ quản và Bộ Tài chính. Đó là chưa kể nhiều trường hợp đã có quyết định thu hồi, nhưng các cơ quan vẫn có văn bản đề nghị xem xét lại.
Trong năm 2017, TP.HCM còn dự kiến sẽ thu hồi đất 880 dự án với tổng diện tích hơn 8.000ha, trong đó diện tích thu hồi khoảng 7.000ha. Trong số này, có 498 dự án chuyển tiếp từ kế hoạch sử dụng đất năm 2015 và 2016 với tổng diện tích thu hồi đất là 3.609ha và 382 dự án đăng ký mới từ năm 2017 với tổng diện tích đất cần thu hồi 3.480ha.
Đáng chú ý, mới đầu tháng 2.2017, nhằm tạo quỹ đất cho phát triển giáo dục, UBND quận 1 đã đề xuất được giao quyền rà soát và thu hồi phần diện tích sử dụng sai mục đích của các cơ quan đang đóng tại địa bàn.
Chính quyền quận 1 cho rằng tổng diện tích đất dành cho giáo dục trên địa bàn quận này hiện nay là 86.805 m2. Nếu xét theo quy chuẩn 4-5 m2/học sinh như hiện nay, quận còn thiếu khoảng 82.000 m2 đất cho giáo dục.
Với đặc thù của quận, địa phương này không dễ tạo được quỹ đất sạch để xây dựng thêm trường lớp cho các em. Do đó, quận này đã đề xuất UBND TP.HCM được chủ động rà soát – thu hồi các phần đất sử dụng không hiệu quả, để phát triển quỹ đất giáo dục. (Một Thế Giới 23/4) đầu trang(
Sau vụ Công ty cổ phần Du lịch Biển Tiên Sa xây dựng 40 trụ móng biệt thự trái phép, người dân tiếp tục phát hiện nhiều công trình bỏ hoang ở núi Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Bán đảo Sơn Trà được xem như lá phổi xanh của TP Đà Nẵng, với hệ động, thực vật phong phú. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định quy hoạch nơi đây thành khu du lịch quốc gia đến năm 2025. Bán đảo này còn là nơi có ý nghĩa an ninh, quốc phòng rất lớn với TP Đà Nẵng.
Thế nhưng, thời gian gần đây, khu vực này được người dân phát hiện có nhiều dự án được triển khai. Sau vụ Công ty cổ phần Du lịch Biển Tiên Sa xây dựng 40 trụ móng biệt thự trái phép, người dân tiếp tục phát hiện nhiều công trình bỏ hoang ở ven núi Sơn Trà.
Dọc con đường phía đông bán đảo là dự án của Công ty cổ phần đầu tư Đà Nẵng Sơn Trà, với phần diện tích đất bao trọn một phần thung lũng, được quy hoạch là khu biệt thự, khách sạn, thể thao... nằm ngay sát biển.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này được triển khai từ gần 10 năm trước, với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD. Lúc đó, chủ đầu tư hứa hẹn sẽ biến khu đất này thành dãy biệt thự sang trọng để thu hút du khách đến với Đà Nẵng.
Dự án có diện tích gần 60.000 m2, sở hữu hơn 500 m chiều dài bãi biển bên vịnh Bãi Trẹm. Theo thiết kế, dự án gồm một khách sạn tiêu chuẩn 4 sao và 22 biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp và các dịch vụ giải trí khác như hồ bơi, sân tennis, spa, các dịch vụ thể thao bãi biển.
Theo quy hoạch, Công ty cổ phần đầu tư Đà Nẵng Sơn Trà   sẽ biến khu đất trên trở thành một tổ hợp du lịch - dịch vụ cao cấp, bao gồm các cụm resort, biệt thự, nhà hàng và đặc biệt là một khách sạn 5 sao cao 18 tầng.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, dự án này cũng mới triển khai phần thô là các hạng mục nhà biệt thự. "Khu đất đẹp nằm ngay dưới chân núi Sơn Trà mà bỏ hoang như vậy không chỉ lãng phí mà còn làm mất mỹ quan. Nếu không triển khai thì thành phố nên thu hồi đất để sử dụng vào mục đích khác", một người dân ở phường Thọ Quang, nói.
Những ngày trước, khi phóng viên đi thực tế ở khu vực này, có một người đàn ông xưng là bảo vệ của công ty cho hay do thiếu vốn nên dự án tạm dừng triển khai.   Phóng viên đề nghị được làm việc với lãnh đạo đơn vị nhưng người này từ chối với lý do "sếp" đi vắng. Nhiều lần phóng viên liên hệ với đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Đà Nẵng - Sơn Trà, nhưng bất thành.
Một “siêu” dự án khác nằm cạnh, cũng hoang phế, phía bên trong khu nhà đầy bơm kim tiêm vứt lăn lóc. Dự án này tên Bai But Bay Resort, của Công ty cổ phần Hải Duy (TP.HCM) và Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ TP.HCM (Invesco).
Khu du lịch phức hợp này được khởi công năm 2005, tổng vốn đăng ký hơn 30 triệu USD, rộng trên 30 ha (20 ha đất dọc bờ biển và 10 ha mặt nước biển). Chủ đầu tư từng khẳng định đây là “thiên đường” nghỉ dưỡng tại khu vực. Đã hơn 10 năm trôi qua, nó chỉ là bãi cây dại với những căn nhà ma, trông xám xịt như lô cốt nhìn ra biển.
Báo cáo của TP Đà Nẵng tại cuộc họp HĐND TP vừa qua cho thấy, có 18 dự án du lịch bất động sản ven biển, từ chân bán đảo Sơn Trà kéo dài đến quận Ngũ Hành Sơn, triển khai rất ì ạch.
Lãnh đạo UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cho biết hiện các cơ quan chức năng đang rà soát lại tất cả các dự án xây dựng trái phép, công trình bỏ hoang ở bán đảo Sơn Trà để báo cáo cấp trên xem xét, giải quyết.  (Zing News 23/4) đầu trang(

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Sự việc mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phải xin lỗi một doanh nghiệp, đồng thời xử lý kỷ luật một cán bộ vì gây khó khăn cho doanh nghiệp một lần nữa minh chứng rằng Hà Nội quyết tâm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển.
Cụ thể, theo phản ánh của doanh nghiệp, trong vòng 1 tháng doanh nghiệp này đã phải 6 lần đến Sở GTVT Hà Nội để làm thủ tục cấp phù hiệu cho xe ô tô nhưng mỗi lần đến lại nhận được yêu cầu chỉnh sửa các lỗi nhỏ trên giấy tờ. Khoảng thời gian làm thủ tục cấp phù hiệu xe, doanh nghiệp đã bị phạt do xe tham gia giao thông không có phù hiệu.
Ngay sau khi Bộ GTVT tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp trên từ Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Sở GTVT Hà Nội giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, đồng thời xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân theo quy định nếu có. Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, rà soát, làm rõ các nội dung trong đơn phản ánh của doanh nghiệp này và đã có xử lý thích đáng đối với những cán bộ có liên quan. Đồng thời, Sở này cũng đã trực tiếp xin lỗi doanh nghiệp trên.
Thời gian gần đây, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách về thủ tục hành chính tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Lãnh đạo thành phố cũng đã nhiều lần đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để ghi nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cụ thể.
Tiếp tục thể hiện quyết tâm tạo đột phá trong củng cố kỷ cương hành chính, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ, nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ, thành phố đã chọn chủ đề công tác năm là “Năm kỷ cương hành chính 2017”.
Chắc chắn, quyết tâm ấy đã được cụ thể hóa bằng những việc làm rất cụ thể của các cơ quan, ban ngành trực thuộc và hành động xin lỗi của Sở GTVT Hà Nội nói trên là minh chứng rõ rệt.
Liên quan đến câu chuyện này, cũng phải khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền từ Trung ương xuống địa phương đều đã xác định trong công tác cải cách hành chính thì yếu tố con người, cán bộ là then chốt. Muốn bộ máy hành chính hoạt động trơn tru, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thì nhất định phải có cán bộ có năng lực, liêm chính và tâm huyết.
Vì vậy, bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính thì công tác cán bộ cũng cần cải cách. Cán bộ hưởng lương từ ngân sách chính là tiền thuế của dân, tức là anh làm thuê cho dân nhưng vẫn có những cán bộ làm việc theo kiểu bề trên, hành dân, gây khó cho người dân, doanh nghiệp. Những cá nhân đó tất yếu phải thay đổi nếu không muốn bị đào thải.  (An Ninh Thủ Đô 23/4) đầu trang(

KINH TẾ
Với kế hoạch cắt giảm lượng dầu thô khai thác, những dấu hiệu kém khả quan về công nghiệp trong quý I/2017 cùng với cầu tiêu dùng trong nước yếu, xuất khẩu được đánh giá là một trong những động lực then chốt giúp Việt Nam theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017.
Đó là nhận định của TS. Đinh Tuấn Minh, Thành viên Hội đồng sáng lập Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách khi đề cập tới những vấn đề nổi cộm trong bức tranh kinh tế vĩ mô quý I. Theo vị chuyên gia này, tăng trưởng kinh tế thấp một phần là do nhập siêu cao và đầu tư chậm lại.
Cụ thể, vốn đầu tư toàn xã hội giảm tốc ở cả 3 khu vực nhà nước, ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài. Cầu tiêu dùng nội địa cũng tương đối yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm chỉ tăng 9,2%, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 6,2%, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 và là mức thấp nhất kể từ năm 2014.
Ông Minh cho rằng, để có thể đạt được mức tăng trưởng cao nhất có thể trong năm 2017, thách thức chủ yếu của nền kinh tế sẽ là làm thế nào để tiếp tục khuyến khích được đầu tư từ khu vực tư nhân. Đồng thời, do cầu tiêu dùng trong nước yếu, tăng trưởng kinh tế cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, những biến động về chính trị và kinh tế thế giới trong mấy năm trở lại đây đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, theo ông Minh, trong giai đoạn 2010 - 2016, xuất khẩu hàng hóa có xu hướng tăng chậm dần, giảm từ mức tăng 34,2% năm 2011 xuống chỉ còn 7,9% năm 2015 và 8,6% năm 2016.
Để lý giải xu hướng xuất khẩu tăng chậm dần trong các năm trở lại đây, Nhóm nghiên cứu thị trường của Market Intello do ông Đinh Tuấn Minh đứng đầu đã lập một báo cáo chuyên đề phân tích kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2016.
Từ báo cáo phân tích này đã tìm ra một số nguyên nhân cơ bản khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có xu hướng giảm. Trước hết, đó là vì xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tập trung vào thị trường lớn như Mỹ, châu Âu... Việc tập trung chủ yếu vào một số thị trường như vậy có mức độ rủi ro cao. Việc khai thác thêm nữa cũng là rất khó khăn.
“Trong một thời gian dài, chúng ta không có cái nhìn dài hạn trong việc đa dạng hoá thị trường. Đặc biệt là việc khai thác thị trường khu vực ASEAN, trong khi đây là thị trường có tiềm năng rất lớn, có ưu thế về địa lý, tiết kiệm chi phí vận chuyển”, ông Minh đánh giá.
Báo cáo của Market Intello chỉ rõ, từ năm ngoái, khi thấy lượng hàng hoá nhập từ ASEAN tăng mạnh chúng ta mới “giật mình” và nghĩ cách xúc tiến thương mại vào khu vực này. Trong khi đó, các quốc gia khác đang chuẩn bị sẵn sàng kịch bản thương mại khi thuế suất nhiều mặt hàng trong khu vực trở về 0%.
Do vậy, bên cạnh việc tập trung củng cố các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Mỹ và châu Âu thì Việt Nam cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản và ASEAN…
Bên cạnh đó cũng cần đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép và thủy sản đang gặp nhiều khó khăn trong tăng trưởng. Việc tìm ra mặt hàng mới để thúc đẩy xúc tiến thương mại là rất quan trọng.
“Nhìn vào số liệu mới đây cho thấy, xuất khẩu rau quả tăng trưởng rất nhanh, vượt nhiều ngành khác. Đây là ngành có triển vọng tốt. Nếu chúng ta có những chính sách đầu tư tốt, chuyển đổi cây trồng, đầu tư công nghệ cao... vào lĩnh vực này thì sẽ tạo thêm nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực mới”, ông Minh nêu quan điểm. (Đấu Thầu 24/4) đầu trang(
Năm 2018, ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ có thuế suất nhập khẩu 0% theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Trong khi, theo Tổng cục Thống kê, sản lượng ô tô tiêu thụ tại Việt Nam năm 2016 đã đạt đến mức quy hoạch của năm 2020. Những vấn đề này đặt ra thách thức lớn đối với ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam.
Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 3-2017, có thêm 6.700 ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam, với mức giá trung bình 394 triệu đồng/chiếc (chưa bao gồm các loại thuế, phí).
Tính chung 3 tháng đầu năm 2017, đã có hơn 16.300 ô tô con nhập khẩu về Việt Nam, với giá khai báo hải quan trung bình là 328 triệu đồng/chiếc (chưa gồm thuế, phí). So với cùng kỳ năm 2016, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam tăng gấp hơn 2 lần (3 tháng năm 2016 chỉ có 6.900 chiếc nhập về Việt Nam) và giá thấp hơn 90 triệu đồng/chiếc (giá trung bình 3 tháng đầu năm 2016 là hơn 418 triệu đồng/chiếc).
Rõ ràng xu hướng thị trường ô tô Việt Nam đang chuyển dịch sang nhập khẩu xe nguyên chiếc, khi giá xe ngày càng rẻ do những thay đổi chính sách về thuế và nhập khẩu. Cụ thể là chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, tính theo dung tích từng dòng xe (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016), đã tác động khá mạnh đến giá bán lẻ. Theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, đến năm 2018, thuế suất nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam mới về mức 0% nhưng từ cuối năm 2016, đầu năm 2017 lượng xe ô tô dưới 9 chỗ từ Indonesia, Thái Lan vào Việt Nam đã tăng chóng mặt.
Chưa kể, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu cũng quy định thuế suất nhập khẩu ô tô từ Châu Âu về Việt Nam sẽ giảm còn 0% sau 10 năm nữa. Tương tự, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc quy định ô tô tải và xe con dung tích từ 3 lít trở lên nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm thuế về 0%.
Hiện, cả nước có hơn 400 doanh nghiệp chế tạo ô tô, đa số quy mô vừa và nhỏ, tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 460 nghìn xe/năm. Tuy áp lực “mở cửa” đến rất gần nhưng hiện ngành Công nghiệp ô tô trong nước mới chỉ làm được những khâu đơn giản. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi vẫn trên dưới 10%, không đạt được mục tiêu 60% vào năm 2010. Giá bán xe vẫn ở mức cao trong khu vực; chất lượng xe theo đánh giá của người tiêu dùng chưa bằng xe nhập khẩu.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương, thực tế trước năm 2014, nguyên nhân của vấn đề này là một số chính sách về thuế và phí của chúng ta chưa ổn định khiến các nhà sản xuất và lắp ráp chưa yên tâm đầu tư. Để giải quyết, chiến lược và quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 đã đề ra mục tiêu ổn định các chính sách ít nhất trong 10 năm.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt quy mô sản xuất chế tạo trong nước 30-40% dòng xe dưới 9 chỗ ngồi. Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công Thương đã đề xuất nghiên cứu hỗ trợ thị trường bằng các hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại trong khai báo thuế, gian lận C/O (xuất xứ hàng hóa) nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan. Cùng với đó là hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn linh kiện, phụ tùng… và phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất phụ tùng, linh kiện.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là đối với nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp đầu tàu. Bên cạnh đó, đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới; tập trung vào cơ hội, khó khăn, thách thức đối với sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước từ thời điểm năm 2018; dự báo cung - cầu ô tô trong nước và khu vực… (Hà Nội Mới 24/4) đầu trang(

PHÁP LUẬT
Việc tập trung truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước tra là chỉ đạo hợp lòng dân, thể hiện quyết tâm cao trong vấn đề phòng chống tham nhũng.
Mới đây tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tại buổi họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận nỗ lực của các cơ quan tố tụng trong giải quyết các vụ án nghiêm trọng thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi đồng thời yêu cầu lực lượng điều tra tập trung truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước để xử lý theo quy định của pháp luật.
“Tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Trao đổi thêm với Đất Việt về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức đúng đắn và cần thiết vào lúc này.
“Việc này thứ nhất là hợp lòng dân. Hai là chỉ đạo kiên quyết, thể hiện trách nhiệm cao của Tổng Bí thư, vai trò của Đảng và Chính phủ trong việc phòng chống tham nhũng”, ông Phương nhấn mạnh.
Theo ông Phương, ngay từ khi Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã tiến hành truy nã và tổ chức truy tìm. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả cụ thể. Do đó việc tập trung thêm lực lượng để truy bắt, dẫn độ ông Thanh về xử lý theo quy định của pháp luật là việc nên làm.
“Khi ông Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, người dân đã nghi ngờ việc này có sự tiếp tay của ai đó. Nhân dân cũng hoài nghi về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc quản lý Trịnh Xuân Thanh để ông này trốn khỏi đất nước. Do vậy việc truy bắt, truy tìm càng phải được đẩy mạnh hơn nữa”, ông Phương chia sẻ.
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cũng khẳng định cá nhân hoàn toàn ủng hộ chỉ đạo của Tổng Bí thư trong vụ án Trịnh Xuân Thanh.
Ông Sơn nhấn mạnh, khi Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, chúng ta đã có lệnh truy nã quốc tế. Vì vậy hoạt động truy bắt theo lệnh truy nã là chức năng và nhiệm vụ của cơ quan Công an.
“Việc truy bắt Trịnh Xuân Thanh sẽ giải quyết 2 vấn đề. Đầu tiên, bắt được Trịnh Xuân Thanh để thực hiện hoạt động điều tra và xét xử xử lý theo quy định của pháp luật đối với ông Thanh về những hành vi đã gây ra.
Thứ hai, để mọi người biết được rằng dù có trốn ra nước ngoài cũng không thể lọt lưới pháp luật được”, ông Sơn nhấn mạnh.
Tiếp tục phân tích, ĐBQH Đà Nẵng khẳng định, Việt Nam hiện đã là thành viên của Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol).
Hoạt động phối hợp truy bắt sẽ được thực hiện theo các trình tự thủ tục pháp lý đã được ký kết giữa Interpol và các quốc gia thành viên.
“Tôi không nắm được quy định và hoạt động của tổ chức Interpol nên không có cơ sở bình luận. Tuy nhiên tôi tin tưởng rằng với việc là thành viên của Interpol và ông Trịnh Xuân Thanh là tội phạm đã bị truy nã thì là chuyện các cơ quan phối hợp, truy bắt sẽ được thực hiện”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong việc hợp tác quốc tế để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư.
“Chúng ta cần phải kêu gọi sự hợp tác hơn nữa từ các quốc gia để truy bắt Trịnh Xuân Thanh. Nếu các nước không hợp tác thì không thể truy bắt được. Thực tế hiện nay có 1 số nước chúng ta có ký hiệp ước về vấn đề truy bắt dẫn độ tội phạm nhưng cũng có những quốc gia chưa có thỏa thuận hợp tác.
Trường hợp ông Thanh trốn ở những nước chưa có thỏa thuận trong phòng chống tội phạm thì sẽ khó khăn để truy bắt chứ không phải dễ. Do đó chúng ta phải có hiệp thương và có biện pháp giải quyết riêng”, ông Phương khẳng định.
Vị ĐBQH Quảng Bình lưu ý, trong việc truy bắt tội phạm, nhiều khi cơ quan điều tra phải giữ bí mật nên không tiết lộ các thông tin. Vì thế người dân và dư luận cũng không thể để đòi hỏi có các thông tin đầy đủ về việc truy bắt đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
“Tôi tin lực lượng công an sẽ có các giải pháp để tiến hành truy bắt, dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh về nước”, ông Phương nhấn mạnh.
Chiều 23/4, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, công bố Quyết định số 470 của Bộ Chính trị về kiểm tra công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam trong công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.
Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, công tác luân chuyển cán bộ đã được Trung ương và các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên vẫn tồn tại các sai phạm nghiêm trọng trong việc bổ nhiệm cán bộ kể cả ở Trung ương và địa phương.
“Thực trạng dễ dãi, thiếu chặt chẽ trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thời gian qua, qua kiểm tra cho thấy một số vụ việc sai phạm nghiêm trọng kể cả ở Trung ương, địa phương đã gióng lên hồi chuông báo động, như vụ: Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các địa phương Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Định, Hải Phòng...”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh. (Đất Việt 24/4) đầu trang(

MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
Tối 23-4, tỉnh Trà Vinh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh (1992-2017) với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân, ông Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước, ông Nguyễn Tấn Dũng - nguyên Thủ tướng Chính phủ…
Tại buổi lễ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh đã ôn lại quá trình phát triển kinh tế-xã hội trong 25 năm kể từ khi tái lập tỉnh, trong đó GRDP tăng trưởng bình quân trên 11%/năm trong 25 năm qua, so với năm 1992 đến nay cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng không ngừng được đầu tư xây dựng đã góp phần phát triển kinh tế Trà Vinh trong những năm qua.
Trước đó, chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Trà Vinh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Trà Vinh cần nhân rộng và phát triển các mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu tư, mở rộng cho vườn cây ăn trái, phát triển đàn bò,... theo những lợi thế của địa phương.
Các bộ, ngành trung ương sẽ tích cực hỗ trợ Trà Vinh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà tỉnh đang gặp phải. “Trà Vinh cần làm tốt hơn nữa công tác dân tộc, tôn giáo, nhất là công tác xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đưa Trà Vinh sớm thoát khỏi danh sách tỉnh nghèo” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ông Trần Trí Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh cam kết với những hỗ trợ của Chính phủ và các dự án mà Thủ tướng đã chỉ đạo cho tỉnh, trong thời gian 10 năm tới Trà Vinh sẽ chủ động được nguồn ngân sách..
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh kiến nghị hàng loạt vấn đề mà tỉnh đang gặp khó cần được trung ương quan tâm hỗ trợ, đầu tư như đầu tư nâng cấp QL53, 54 và QL60 đo đều xuống cấp nghiêm trọng; tăng mức đầu tư, hỗ trợ thu hút vào Khu kinh tế Định An, điều chỉnh giá mua điện thuộc dự án nhà máy điện gió của Nhà máy Điện gió Trà Vinh 1 (từ 7,8 lên 9,8Uscents/kWh), đầu tư dự án xây dựng, nâng cấp đê biển, kè biển tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải...  (Pháp Luật TP.HCM 23/4) đầu trang(

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao vừa ban hành Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của tòa án.
Theo đó, bắt đầu từ 1/7/2017, hầu hết các bản án, quyết định của tòa sẽ được công bố công khai trên mạng trong vòng 30 ngày kể từ khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận trong tiến trình cải cách tư pháp, tiến tới sự công khai, minh bạch thông tin để người dân cùng tham gia giám sát công tác tư pháp.
Theo Nghị quyết 03, những bản án, quyết định sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của tòa án gồm: Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị; bản án phúc thẩm; quyết định giải quyết các việc dân sự; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND đã có hiệu lực pháp luật...
Và đương nhiên Nghị quyết 03 cũng đã “khoanh vùng” một số bản án, quyết định không được phép công bố trên Cổng thông tin điện tử của tòa án. Những bản án, quyết định không công bố gồm: Bản án, quyết định về vụ việc được tòa án xét xử kín; bản án, quyết định về vụ việc được xét xử, giải quyết công khai nhưng thuộc các trường hợp có chứa đựng nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước, hoặc chứa đựng những nội dung mà Nhà nước chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước, có chứa đựng thông tin về hoạt động đầu tư tài chính, bí quyết nghề nghiệp, công nghệ chưa được công khai, có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi...
Đặc biệt, Nghị quyết 03 còn nêu rõ, chủ tọa phiên tòa, phiên họp khi phổ biến quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử, giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án phải giải thích cho những người tham gia tố tụng biết về những bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của tòa án và quyền của họ về việc yêu cầu tòa án không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh. Chủ tọa phiên tòa sẽ phải chịu trách nhiệm với việc mã hóa, số hóa và công bố bản án trên Cổng thông tin điện tử.
Theo đánh giá của một số luật sư, Nghị quyết 03 thực sự đã giải quyết được phần nào “cơn khát” thông tin của người dân, của chính các đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, dù là dân sự, hình sự, hành chính, hay lao động... Việc công bố công khai bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử tòa án không chỉ là sự minh bạch thông tin, mà còn giúp các thẩm phán học hỏi kinh nghiệm, trau dồi nghề nghiệp, đồng thời đây cũng là một kênh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khá hiệu quả.
Việc công khai các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật lên Cổng thông tin điện tử của tòa án sẽ nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, để từ đó ngành tòa án có thể ngày càng hoàn thiện hơn trong công tác xét xử. Còn nữa, có thể các đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án không nhìn ra được sai sót trong bản án, quyết định của HĐXX, của các thẩm phán vì là người trong cuộc, song nếu các bản án, quyết định của tòa án thực sự chưa chuẩn, thậm chí có biểu hiện vi phạm tố tụng sẽ được bạn đọc chỉ ra để có thể kịp thời sửa sai, hoàn thiện bản án, quyết định.
Chẳng cần nói thì ai cũng nhìn ngay thấy cái lợi của việc kịp thời phát hiện sai sót, hay lỗi vi phạm tố tụng trong các bản án, quyết định của tòa án. Khi các sai sót, sự cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án, tuyên án không công tâm... được phát hiện kịp thời thì sẽ không còn ai phải ngồi tù oan 10 năm, thậm chí 20 năm, trong khi hung thủ gây án vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Khi đó, Nhà nước sẽ không phải lo một khoản ngân sách không nhỏ hàng năm để “ứng trước” cho các thẩm phán tuyên oan, sai cho người vô tội, đồng thời những người vi phạm tố tụng cũng sẽ lập tức bị xử lý nghiêm khắc, không có chuyện “hạ cánh an toàn” vì mọi sự chìm vào dĩ vãng.
Việc công khai các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật còn giúp người dân tìm hiểu pháp luật, dần làm quen và không còn cảm giác quá sợ hãi khi phải đáo tụng đình. Trong điều kiện yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đang ngày càng trở nên cấp thiết, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật lại càng đóng vai trò quan trọng làm cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Trên lý thuyết là vậy, ai cũng biết là thế, song việc triển khai lại không hề đơn giản mà vô cùng khó khăn phức tạp, bởi nó không chỉ đòi hỏi trình độ, năng lực pháp lý, mà còn đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư tương xứng. Vậy nên việc công bố các bản án, quyết định của tòa án sẽ là một kênh phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả.
Chính bởi các lẽ trên mà dư luận đánh giá cao việc HĐTP TAND Tối cao ban hành Nghị quyết 03 về việc công bố các bản án, quyết định của tòa án lên Cổng thông tin điện tử của tòa án. Dư luận xã hội cũng hy vọng các cấp tòa án thực sự coi đây là kim chỉ nam trong việc tiến tới sự minh bạch thông tin, để tòa án có thể ngày càng hoàn thiện hơn trong vai trò của cơ quan thực hiện quyền tư pháp theo Hiến định, không để xảy ra oan, sai cho người vô tội và bỏ lọt tội phạm. (Đại Đoàn Kết 21/4) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Ngày 22/4, cựu Tổng thống Peru Alan García đã bác bỏ mọi cáo buộc có liên quan tới vụ tham nhũng của tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil, sau khi báo chí đưa tin tên ông này có trong danh bạ điện thoại của cựu Chủ tịch Odebrecht Marcelo Odebrecht.
Trước đó, báo chí Peru đưa tin trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng phát hiện các chữ cái đầu trong tên ông García đã được ghi lại trong điện thoại của ông Odebrecht với dòng chữ: “thương lượng thời điểm, gặp mặt trực tiếp, số tiền tối đa: 1 triệu.”
Ông Marcelo khai đây là khoản tiền mà tập đoàn này đã hối lộ ông García trong một dự án thủy lợi tại miền Bắc Peru.
Dự án này được ký hợp đồng năm 2010 dưới thời ông García, với tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu vào khoảng 222 triệu USD, tuy nhiên sau đó dự án này đã đội vốn lên tới 580 triệu USD.
Cơ quan điều tra Peru cũng đã phát hiện về việc ông García thường xuyên gặp mặt, trao đổi với đại diện của Odebrecht và tình nghi ông này đã giúp công ty của Brazil giành các hợp đồng xây dựng 2 tuyến đường xe lửa điện tại thủ đô Lima.
Các nhà chức trách Peru hiện đang tập trung làm rõ lời khai của Odebrecht với cơ quan điều tra Mỹ về số tiền 29 triệu USD mà công ty này đã hối lộ các quan chức Peru trong giai đoạn 2005-2014, dưới thời các Tổng thống Alejandro Toledo (2001-2006), Alan García (2006-2011) và Ollanta Humala (2011-2016). (Vietnam + 22/4) đầu trang(./.