Xem ngày trước
BẢN TIN TỔNG HỢP
Xem ngày kế tiếp

Ngày 22 tháng 09 năm 2017
CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
TIÊU ĐIỂM
QUẢN LÝ
NHÂN SỰ MỚI
THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
KINH TẾ
MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
NHÌN RA THẾ GIỚI

CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón. Nghị định này thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khoảng 3 năm thực hiện Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón, việc quản lý mặt hàng này đã có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, Nghị định 202/2013/NĐ-CP còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại kẽ hở, chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn dẫn đến sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt, không theo định hướng.
Để khắc phục những hạn chế trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP.
Nghị định số 108/2017/NĐ-CP quy định quản lý nhà nước về phân bón, bao gồm: công nhận; khảo nghiệm; sản xuất; buôn bán; xuất khẩu; nhập khẩu; quản lý chất lượng; ghi nhãn; quảng cáo, hội thảo và sử dụng phân bón ở Việt Nam.
Theo quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP, phân bón không được công nhận lưu hành khi: Có chứa các yếu tố gây hại vượt mức giới hạn tối đa theo quy định tại các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia hoặc theo quy định tại Phụ lục V Nghị định này trong thời gian chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia và các quy định khác có liên quan; Có bằng chứng khoa học về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường; Trùng tên với phân bón khác đã được công nhận lưu hành.
Phân bón bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam khi: Có bằng chứng khoa học về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường; Phát hiện sử dụng tài liệu giả hoặc cung cấp thông tin trong tài liệu không đúng với phân bón đề nghị công nhận lưu hành; Phân bón đã được công nhận lưu hành nhưng hết thời gian lưu hành mà không công nhận lại.
Nghị định số 108/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải bảo đảm các điều kiện sau: Tổ chức, cá nhân được thành lập theo quy định của pháp luật; Có địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng phù hợp với công suất của dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất phân bón; Dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất từ khâu xử lý nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng đáp ứng quy trình công nghệ.
Các công đoạn, hệ thống bắt buộc phải sử dụng máy thiết bị được cơ giới hóa hoặc tự động hóa theo quy định. Máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh theo quy định của pháp luật; Có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt; có kệ hoặc bao lót để xếp đặt hàng; Có phòng thử nghiệm được công nhận hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất; Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương, đối với cơ sở mới thành lập, muộn nhất sau 1 năm kể từ ngày thành lập; Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất có trình độ đại học trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học.
Theo quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải bảo đảm các điều kiện sau: Tổ chức, cá nhân được đăng ký hoặc thành lập theo quy định của pháp luật; Có cửa hàng buôn bán phân bón.
Cửa hàng buôn bán phân bón phải có: Biển hiệu, sổ ghi chép việc mua, bán phân bón; bảng giá bán công khai từng loại phân bón niêm yết tại nơi dễ thấy, dễ đọc; Có khu vực chứa phân bón; có kệ hoặc bao lót để xếp đặt hàng; Người trực tiếp bán phân bón phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học.
Trường hợp cơ sở buôn bán phân bón không có cửa hàng phải có đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm giao dịch cố định, hợp pháp; có sổ ghi chép việc mua, bán phân bón và đáp ứng quy định về người trực tiếp bán phân bón. (Bnews 22/9) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định41/2017/QĐ-TTg quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý.
Trong đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị có công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước lập hồ sơ đề nghị điều chuyển, gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để báo cáo bộ, cơ quan trung ương đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý, UBND cấp tỉnh đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có Quyết định điều chuyển của Thủ tướng Chính phủ, Bên giao chủ trì, phối hợp với Bên nhận thực hiện tổ chức bàn giao, tiếp nhận công trình điện kèm theo hồ sơ theo quy định.
Việc điều chuyển công trình điện được thực hiện theo phương thức ghi tăng vốn nhà nước đầu tư tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo giá trị công trình điện giao, nhận và không hoàn trả vốn. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có công trình điện bàn giao thực hiện ghi giảm tài sản, nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật.
Quyết định quy định cụ thể về xử lý đất gắn liền với công trình điện được bàn giao. Theo đó, trường hợp công trình điện nằm trong khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nằm trong phạm vi tài sản kết cấu hạ tầng mà không thể tách khỏi khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, phạm vi tài sản kết cấu hạ tầng, Bên giao tiếp tục quản lý, sử dụng phần diện tích đất gắn liền với công trình điện được bàn giao; thực hiện ký thỏa thuận với Bên nhận và có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho Bên nhận thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, quản lý vận hành công trình điện được nhận bàn giao.
Trường hợp công trình điện nằm ngoài khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, phạm vi tài sản kết cấu hạ tầng hoặc có thể tách khỏi khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, phạm vi tài sản kết cấu hạ tầng thì thực hiện bàn giao, tiếp nhận cả diện tích đất gắn liền với công trình điện. Bên nhận có trách nhiệm phối hợp với Bên giao liên hệ với các cơ quan chức năng của địa phương để làm thủ tục thuê đất đối với phần diện tích đất gắn liền với công trình điện nhận bàn giao. Phần diện tích đất gắn liền với công trình điện thuộc đối tượng chưa thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. (Báo Chính Phủ 21/9) đầu trang(
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Bộ Tài chính cho biết mục tiêu xây dựng Nghị định là quy định dịch vụ sự nghiệp công thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu; đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) và nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công khác; cơ quan theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả; đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của Nhà nước.
Nguồn kinh phí thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công gồm: Nguồn kinh phí chi thường xuyên, bao gồm chi thường xuyên trong các lĩnh vực sự nghiệp và kinh phí chi thường xuyên các hoạt động kinh tế theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; nguồn phí được để lại chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo pháp luật về phí và lệ phí; nguồn thu dịch vụ sự nghiệp công theo giá dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá.
Danh mục sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công, gồm: (i) Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN; (ii) Danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích.
Về thẩm quyền quyết định phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công, dự thảo Nghị định quy định: Các Bộ, cơ quan Trung ương hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công cho đơn vị SNCL trực thuộc; đặt hàng đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác, nhà sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định bố trí từ dự toán chi của ngân sách Trung ương.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công cho đơn vị SNCL trực thuộc; đặt hàng đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác, nhà sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hoặc đấu thầu theo quy định bố trí từ dự toán chi của ngân sách địa phương. (Báo Chính Phủ 21/9) đầu trang(
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền đang được Bộ Y tế dự thảo.
Dự thảo Thông tư quy định cấp, cấp lại Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền nêu rõ, bài thuốc, phương pháp chữa bệnh gia truyền cần đạt tiêu chí sau: Bài thuốc, phương pháp chữa bệnh theo kinh nghiệm của dòng tộc, gia đình, tính đến người đề nghị cấp Giấy chứng nhận ít nhất là 3 đời hành nghề liên tục truyền lại; bài thuốc có công thức rõ ràng, phương pháp chữa bệnh an toàn và hiệu quả; Hội đồng tư vấn cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền công nhận (Hội đồng tư vấn); được Hội Đông y tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác nhận về đạo đức hành nghề.
Bên cạnh đó, bài thuốc, phương pháp chữa bệnh được sao chép, tham khảo trong các tài liệu đã công bố, đã xuất bản; bài thuốc, phương pháp chữa bệnh mới được nghiên cứu không được coi là bài thuốc chữa bệnh gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền. Trường hợp đặc biệt cá nhân có bài thuốc, phương pháp chữa bệnh mà gia đình dòng tộc chưa hành nghề đủ ba đời hoặc được người khác dòng họ truyền lại nhưng hiệu quả chữa bệnh cao thì Giám đốc Sở Y tế tỉnh báo cáo về Bộ Y tế xin xem xét đặc cách.
Để được cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc, phương pháp chữa bệnh gia truyền, người đề nghị cấp Giấy chứng nhận phải đạt các điều kiện sau:
1- Là công dân Việt Nam, đang cư trú trong lãnh thổ Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2- Là người sở hữu hợp pháp, được gia đình, dòng tộc có bài thuốc, phương pháp chữa bệnh truyền lại;
3- Có hiểu biết về bài thuốc, phương pháp chữa bệnh gia truyền: Đối với bài thuốc gia truyền, phải biết rõ và kê khai đầy đủ công thức bài thuốc về số lượng vị thuốc, hàm lượng từng vị thuốc; phương pháp, kỹ thuật bào chế từng vị thuốc, bài thuốc; cách khám, chẩn đoán bệnh, chứng bệnh; chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, cách dùng; tác dụng không mong muốn và xử trí khi tác dụng không mong muốn xảy ra.
Đối với phương pháp chữa bệnh gia truyền: Phải nắm được cách khám bệnh, chẩn đoán bệnh; nắm vững chỉ định, chống chỉ định; tác dụng không mong muốn, cách xử trí khi tác dụng không mong muốn xảy ra; quy trình và thực hiện thành thạo các thao tác kỹ thuật của phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Theo dự thảo, người có Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền sau khi được Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở Y tế tỉnh) cấp Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của luật Khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi cả nước; được đăng ký sản xuất, kinh doanh hoặc ủy quyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc để đăng ký sản xuất lưu hành trên thị trường theo quy định của Luật Dược.
Bên cạnh đó, được phổ biến để áp dụng bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; được quyền đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ để giữ bí mật bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Dự thảo nêu rõ, người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền không được chuyển nhượng mua, bán cho thuê hay cho mượn Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền để cá nhân hay tổ chức khác hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền khi hành nghề bằng bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự an toàn cho người bệnh. (Báo Chính Phủ 21/9) đầu trang(

TIÊU ĐIỂM
Thanh tra Bộ Nội vụ vừa công bố kết luận thanh tra việc quản lý biên chế, tuyển dụng công chức… tại tỉnh Lào Cai từ 1/1/2014-31/12/2016.
Cụ thể, theo kết luận thanh tra việc quản lý biên chế, tuyển dụng công chức; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó; việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan hành chính Nhà nước của UBND tỉnh Lào Cai từ ngày 1/1/2014 đến 31/12/2016 do Thanh tra Bộ Nội vụ tiến hành, đến thời điểm thanh tra, Lào Cai có 6 cơ quan, đơn vị còn sử dụng 34 hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn là không đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Kết luận thanh tra cho thấy, về cơ bản, công tác quản lý biên chế công chức được UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định pháp luật. Số lượng biên chế công chức được UBND tỉnh Lào Cai thực hiện trong chỉ tiêu biên chế được Bộ Nội vụ giao. Công tác tinh giản biên chế công chức được triển khai thực hiện, trong giai đoạn thanh tra đã tinh giản được 40 trường hợp.
Tuy nhiên, số lượng công chức tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP trong giai đoạn thanh tra chưa bảo đảm tỷ lệ theo Đề án đã được phê duyệt. UBND tỉnh còn giao biên chế sự nghiệp khác cho cơ quan, tổ chức hành chính; một số cơ quan, đơn vị sử dụng số biên chế này làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ là không đúng quy định. Đến ngày 19/6/2017, UBND tỉnh Lào Cai đã trình HĐND tỉnh cắt giảm 30% số chỉ tiêu đã giao nêu trên trong năm 2017 và tiếp tục cắt giảm hết trong các năm tiếp theo.
Đối với công tác tuyển dụng công chức, dù kỳ thi công chức được thực hiện đúng quy định, nhưng quá trình tổ chức thực hiện có một số hạn chế, tồn tại như: 12 cơ quan, đơn vị đã căn cứ số biên chế chưa sử dụng (bao gồm cả biên chế sự nghiệp làm công tác quản lý Nhà nước và lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/ 2000/NĐ-CP được giao) để đăng ký nhu cầu tuyển dụng công chức; thời gian tiếp nhận hồ sơ dự tuyển của 16 cơ quan, đơn vị không đủ 30 ngày; hội đồng tuyển dụng công chức được thành lập trước thời điểm hết thời hạn nhận hồ sơ dự tuyển công chức…
Trong xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên vẫn có 6 hồ sơ công chức chưa có chứng chỉ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên. UBND tỉnh Lào Cai cũng chưa có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ về các trường hợp là viên chức được tiếp nhận vào công chức không qua thi.
Đáng lưu ý là một số công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, ngoại ngữ, tin học. Một số cơ quan, đơn vị khi thực hiện trình tự bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chưa có văn bản thể hiện việc đề nghị và phê duyệt chủ trương, tập thể lãnh đạo thảo luận. Hồ sơ công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch UBND tỉnh chưa được triển khai và lưu giữ tại Sở Nội vụ. Tài liệu liên quan đến việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại của các cơ quan, đơn vị không được lưu trong hồ sơ công chức. Hồ sơ công chức của một số cơ quan, đơn vị còn thiếu một vài thành phần hồ sơ.
Trên cơ sở kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý biên chế, tuyển dụng công chức; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý và quản lý hồ sơ công chức. Không thực hiện việc giao biên chế sự nghiệp khác đối với cơ quan, tổ chức hành chính; có giải pháp giải quyết dứt điểm đối với số biên chế sự nghiệp khác đã giao, tiếp tục báo cáo HĐND tỉnh cắt giảm đối với số chỉ tiêu này. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế bảo đảm tỷ lệ theo kế hoạch của đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Thanh tra Bộ Nội vụ cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát điều kiện, tiêu chuẩn chức danh đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; kịp thời phát hiện các trường hợp còn chưa đáp ứng để có kế hoạch cử công chức đi đào tạo, bồi dưỡng; quy định thời hạn bắt buộc để hoàn thiện các điều kiện, tiêu chuẩn. Miễn nhiệm các trường hợp khi hết thời hạn mà chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn chức danh; không bổ nhiệm lại đối với các trường hợp không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn chức danh được bổ nhiệm.
Tỉnh chỉ đạo việc quản lý, bảo quản, lưu giữ hồ sơ công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định; chấm dứt việc sử dụng 34 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính.
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra những hạn chế, tồn tại trên để có hình thức xử lý phù hợp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức để phát hiện những sơ hở, hạn chế và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, Kết luận thanh tra nêu rõ.(Báo Giao Thông 21/9) đầu trang(

QUẢN LÝ
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý Hội đồng thẩm định Nhà nước tổ chức thực hiện Kế hoạch thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Hồi đầu tháng 9, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Việc tổ chức thực hiện tổ chức thẩm định nhằm đảm bảo kịp thời gian Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo đúng quy định của Quốc hội tại Nghị quyết số 38/2017/QH14 ngày 19/6/2017.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thực hiện Kế hoạch thẩm định Báo cáo dự án như đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thủ tướng đồng ý để Chủ tịch Hội đồng thẩm định tự quyết định về việc thuê tư vấn thẩm tra và chịu trách nhiệm về chất lượng công tác thẩm định Báo cáo dự án theo quy định.
Trên cơ sở kết quả thẩm định, UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo dự án; đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị nội dung Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017.
Căn cứ ý kiến của các Thành viên Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ nêu trên, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để hoàn thiện nội dung Tờ trình và hồ sơ Báo cáo dự án.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Quốc hội về Báo cáo dự án theo quy định của Quốc hội tại Nghị quyết số 38/2017/QH14 ngày 19/6/2017.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện.
Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Diện tích đất của Dự án là 5.000 ha. Quy mô của Dự án, đầu tư xây dựng các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Hồi giữa tháng 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Quốc hội yêu cầu triển khai dự án phải đảm bảo an sinh xã hội, trật tự, an toàn xã hội. Khu tái định cư phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp với phong tục tập quán. (Dân Trí 22/9) đầu trang(
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luậncủa Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.
Trong 8 tháng đầu năm 2017, kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chuyển biến tích cực: Tăng trưởng kinh tế đạt 14,1%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18,1%; xuất khẩu ước đạt 15,43 tỷ USD, tăng 26,7%; thu ngân sách đạt 8.409 tỷ đồng, tăng 34,8%, trong đó thu nội địa tăng 38%; khách du lịch đạt trên 1,7 triệu lượt (trên 32 nghìn lượt khách quốc tế). Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh với tổng vốn đăng ký trên 7,2 tỷ USD. Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA trên địa bàn tỉnh được tích cực triển khai, tiến độ giải ngân tốt, đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ...
Tuy nhiên, Thái Nguyên còn có những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn cản trở tốc độ phát triển như: chưa phát huy tốt lợi thế so sánh, tiềm năng để phục vụ nhu cầu phát triển; du lịch - dịch vụ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế; kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, nhất là ở địa bàn huyện, xã nông thôn và miền núi; liên kết vùng còn hạn chế...
Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, phấn đấu quyết liệt hoàn thành các mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Nguyên cải cách cơ chế, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp như đã đề ra trong các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận và triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Tiếp nhận ý kiến của người dân và doanh nghiệp, giải quyết hiệu quả những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội.
Đồng thời có các giải pháp thiết thực, phù hợp để phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2017, góp phần vào tăng trưởng GDP 6,7% của cả nước, tạo nền tảng cho các năm tiếp theo.Đẩy mạnh công tác phối hợp, liên kết với các ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Tập trung phát triển các lĩnh vực có thế mạnh, mang tính đột phá như: Xuất nhập khẩu, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp luyện kim, khai khoáng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Nguyên tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhất là các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu cho ngân sách; không tiếp nhận những dự án có công nghệ lạc hậu; gắn kết doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp FDI. Lựa chọn phát triển các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, các sản phẩm công nghệ cao, nhất là các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin, các dịch vụ tư vấn, dịch vụ kỹ thuật cao... ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, công tác giải quyết việc làm, chăm lo đối với người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc...; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, giải quyết việc làm cho lao động ở vùng nông thôn và các khu tái định cư; tăng cường xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp.
Tỉnh Thái Nguyên cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là đầu tư tư nhân và FDI, ODA. Đối với các dự án ODA đang triển khai, cần chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng; chủ động làm việc với nhà đầu tư, phối hợp với các Bộ ngành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đưa các dự án sớm đi vào hoạt động. Rà soát tiến độ, xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn đã phân bổ cho các chương trình, dự án không có khả năng giải ngân sang các chương trình, dự án có khả năng giải ngân tốt, ưu tiên các chương trình, dự án kết thúc Hiệp định năm 2017.
Năm APEC 2017, tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thu hút huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Chú trọng kiểm soát chất lượng dịch vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp; bảo đảm an toàn, an ninh, vệ sinh môi trường, phát triển dịch vụ du lịch thu hút khách du lịch quốc tế; thúc đẩy chế biến, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; tuyên truyền, giám sát và thực hiện các biện pháp phòng chống các dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ cấp tỉnh đến cấp xã. (Báo Chính Phủ 21/9) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho UBND thành phố Hà Nội lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai II Hà Nội, theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Dự án đường vành đai II kéo dài từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn Vĩnh Tuy đến ngã tư Vọng được áp dụng lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 26 Luật Đấu thầu.
Thủ tướng lưu ý Hà Nội phải đảm bảo công khai minh bạch, không để thất thoát tài sản nhà nước và giao thành phố này chịu trách nhiệm thực hiện các kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hà Nội phải kiểm soát chặt chẽ giá trị công trình theo BT và giá trị quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư trên cơ sở tương ứng với giá trị BT đã lập, phù hợp với giá thị trường, đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước; giám sát chất lượng công trình chặt chẽ theo quy định hiện hành.
Khi tiến hành thanh, quyết toán công trình, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường để bảo đảm thực hiện theo quy định, không để thất thoát tài sản nhà nước; chống tiêu cực, lãng phí.
UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện trong quá trình triển khai đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 35/TB-VPCP ngày 25/1/2017 của Văn phòng Chính phủ.
Năm 2016, UBND TP Hà Nội đã ký phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở với tổng mức đầu tư hơn 4.765 tỷ đồng theo hình thức BT.
Quy mô đầu tư xây dựng tuyến đường đi trên cao nối từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở và hướng ngược lại trong đó điểm đầu tuyến tại phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tuyến tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở phía đường Trường Chinh.
Tuyến đường sẽ có chiều dài hơn 5 km, vị trí nằm trong giải phân cách tuyến đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy). Diện tích đất sử dụng khoảng 10,4ha. Tiến độ xây dựng dự án trong vòng 48 tháng dự kiến từ năm 2013-2016.
UBND TP Hà Nội khẳng định, việc xây dựng tuyến đường bộ trên cao này nhằm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông tuyến đường vành đai 2, nâng cao năng lực thông hành của tuyến đường, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong khu vực, giải quyết cấp bách nạn ùn tắc giao thông do tốc độ phương tiện giao thông đang tăng nhanh trong giai đoạn hiện nay. (Dân Trí 22/9) đầu trang(
Ngày 21/9, thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 6/9/2017, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo xử lý kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án có liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng tại tỉnh Phú Yên.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đã giao Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nghiêm túc tổ chức thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; chấn chỉnh, khắc phục xử lý những tồn tại, sai phạm để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất đai, nâng cao vai trò, trách nhiệm các đơn vị chức năng trong tỉnh; tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, có hình thức xử lý thích hợp đối với các tập thể, cá nhân có vi phạm theo đúng quy định.
Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng kiểm điểm, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc chức năng của Bộ; theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, nhằm chấn chỉnh những tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Phú Yên.   (Đại Đoàn Kết 21/9) đầu trang(
Vốn vay nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Vốn ODA ưu tiên cho các chương trình, dự án quan trọng, cấp bách của địa phương.
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 37 về yêu cầu tăng cường quản lý, giám sát vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương vừa được ký ban hành.
Theo đó, để quản lý nợ công, nợ Chính phủ bền vững trong tình hình hiện nay, Thủ tướng yêu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quản lý vay, trả nợ vay chính quyền địa phương chặt chẽ, đảm bảo không vượt quá mức dư nợ tối đa của từng tỉnh, thành phố theo quy định của Luật Ngân sách.
Đồng thời, việc vay, trả nợ phải đảm bảo tuân thủ kế hoạch vay, trả nợ hàng năm của chính quyền địa phương được Quốc hội phê duyệt.
Mặt khác, Trong bối cảnh nợ công, nợ Chính phủ tăng cao, các khoản vay ODA giảm dần, Việt Nam phải thực hiện các khoản vay hỗn hợp bao gồm cả vốn ODA và vốn vay ưu đãi với điều kiện vay gần sát với thị trường.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương khi đề xuất đầu tư cần ưu tiên sử dụng vốn vay ODA với điều kiện ưu đãi cao cho các chương trình, dự án quan trọng, cấp bách của địa phương và vốn vay nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.
Khi thực hiện kế hoạch vay, trả nợ nước ngoài, các địa phương ưu tiên giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài vay về cho vay lại đã cam kết với nhà tài trợ.
Trường hợp sử dụng khoản vay về cho vay lại làm cho dư nợ thực tế vượt quá mức dư nợ tối đa cho phép hoặc vượt quá dự toán vay trong năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các địa phương phải bố trí giảm kế hoạch vay các khoản khác hoặc thực hiện trả nợ để đảm bảo các giới hạn nợ theo quy định.
Trường hợp cần điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ, các địa phương có báo cáo gửi Bộ Tài chính để thẩm định, trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Khi đề xuất dự án phải tính toán, các địa phương phải đảm bảo khả năng vay, trả nợ, khả năng giải ngân trong dự toán và trong phạm vi mức bội chi được duyệt hàng năm.
Khi thực hiện kế hoạch vay, trả nợ nước ngoài, các địa phương ưu tiên giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài vay về cho vay lại đã cam kết với nhà tài trợ. (Tuổi Trẻ 21/9) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân bị ảnh hưởng sau bão số 10.
Theo TTXVN thì đây là nội dung tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau khi thị sát tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 10 tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ gạo cho tỉnh Hà Tĩnh để cứu đói cho các hộ bị ảnh hưởng của bão, có nguy cơ thiếu đói. UBND tỉnh Hà Tĩnh rà soát, xác định cụ thể nhu cầu, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng; giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương khẩn trương xử lý cụ thể việc xuất cấp theo đúng quy định.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ trực tiếp 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng lại 2 cột phát sóng truyền hình tại huyện Hương Khê và thị xã Kỳ Anh bị đổ, gãy do bão số 10 vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý hỗ trợ trước 3.000 tấn gạo cho tỉnh Quảng Bình để thực hiện việc cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng sau bão số 10.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xử lý hoặc đề xuất xử lý việc hỗ trợ giống lúa, giống rau cho tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Quảng Bình để hỗ trợ người dân, bảo đảm mùa vụ.
Liên quan đến thiệt hại cơn bão số 10, báo Tri thức trực tuyến cho hay, ngày 19/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh có báo cáo về thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra. Theo đó, trên toàn tỉnh có 2 người chết trong quá trình khắc phục hậu quả bão vào ngày 16/9 và 80 người bị thương nhẹ. Bão làm hơn 93.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái.
Mưa bão gây ngập và hư hỏng 332 ha lúa, hơn 3.000 ha rau màu, cây ăn quả, hơn 1.300 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 21 km đê điều bị sạt lở. Có hơn 800 phòng học bị ảnh hưởng, 54 cơ sở y tế, 2.400 cột điện bị gãy đổ…Thiệt hại ước tính hơn 6.000 tỷ đồng.
Về nhà cửa, có 93.251 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái. Sản xuất nông nghiệp bị ngập và hư hỏng 332 ha lúa, 1.642 ha rau màu, 1.531 ha cây ăn quả, 1.337 ha nuôi trồng thủy sản. Có 308 phương tiện tàu thuyền bị hư hỏng; 18.303 ha cây lâm nghiệp đổ gãy; 66.885 con gia súc gia cầm bị chết., báo Dân Việt cho biết thêm.
Bão số 10 cũng làm sạt lở 21 km đê điều; hư hỏng 10,5 km kênh mương; hư hỏng 149 cái cống; sạt lở 27 km đường giao thông. Số điểm trường học bị ảnh hưởng là 231 điểm với 831 phòng; 54 cơ sở y tế bị hư hỏng; 2 cột phát sóng truyền hình bị gãy đổ; 2.395 cột điện bị gãy; 159 km dây điện bị đứt; 26 trạm biến áp bị hư hỏng.
UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ 3.000 tấn gạo cứu đói cho người dân bị thiệt hại nặng. Hỗ trợ 40 tỷ đồng để tu sửa ngay 2 cột tháp truyền hình sớm hoạt động trở lại và hỗ trợ kinh phí khắc phục hạ tầng nhà ở, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, đê điều, thuốc, hóa chất, vắc xin… Ước tính tổng thiệt hại trên toàn tỉnh Hà Tĩnh là trên 6.000 tỉ đồng. (Đời Sống Và Pháp Luật 21/9) đầu trang(

NHÂN SỰ MỚI
Ông Lê Tấn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An và ông Lê Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
Ngày 21/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức lễ công bố các quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm hai Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
Tại buổi lễ, Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ Trịnh Minh Chí đọc công bố Quyết định số 1368/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Tấn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Quyết định 1369/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, giữ chức Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao quyết định bổ nhiệm cán bộ của Thủ tướng Chính phủ và tặng hoa chúc mừng hai tân Thứ trưởng.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng khẳng định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ mới cho hai đồng chí là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với ngành LĐ-TB&XH nói chung, đối với cá nhân hai đồng chí nói riêng.
Bộ trưởng tin tưởng, với cương vị công tác mới của mình, hai tân Thứ trưởng sẽ luôn là người lãnh đạo gương mẫu, trí tuệ mẫn cán, đồng thời mong muốn các đồng chí tiếp tục phát huy được năng lực, sở trường của mình, có những cống hiến to lớn hơn nữa để cùng Ban Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và toàn ngành hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao.
Các tân Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Lê Quân đã bày tỏ niềm xúc động, vinh dự được Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ mới; khẳng định, đây là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề mà Đảng, Nhà nước, ngành LĐ-TB&XH đã tin tưởng giao phó, nguyện tiếp tục ra sức phấn đấu, gương mẫu, rèn luyện về mọi mặt, nỗ lực nâng cao năng lực công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp LĐ-TB&XH để xứng đáng với niềm tin lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn ngành. (Cafef 21/9) đầu trang(

THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
Trong họp báo thường kỳ chiều 21/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế về các hoạt động chống tham nhũng gần đây.
Phóng viên AFP đặt câu hỏi liên quan các hoạt động điều tra, chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian vừa qua. Trả lời vấn đề này, bà Hằng nói:
"Chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam là kiên quyết đấu tranh xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực và có các hình thức xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm pháp luật theo đúng quy định và pháp luật của Việt Nam.
Quan điểm này được các lãnh đạo của Việt Nam khẳng định nhiều lần và báo chí đăng tải thời gian qua". (VTC News 21/9) đầu trang(
Đầu năm nay, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) 2016, xếp hạng 176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam được chấm 33 điểm trong thang điểm 100, tăng hai điểm so với mức điểm 31 bị giữ nguyên trong bốn năm, từ năm 2012 đến 2015. TI cho rằng, đây là dấu hiệu đáng mừng đối với những nỗ lực phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Việt Nam.
Tại phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa qua, Thanh tra Chính phủ nhận định kết quả PCTN thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định và góp phần làm giảm tham nhũng. Từ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong PCTN, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng sẽ củng cố niềm tin của nhân dân, khích lệ các nhân tố tích cực tham gia công tác PCTN.
Tuy nhiên, công tác PCTN nhưng vẫn chưa thật sự mang tính đột phá. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong các lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công… Công tác PCTN tại các địa phương còn có những hạn chế, yếu kém.
Nhiệm vụ đặt ra là cần tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước,...; kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn, gây bức xúc trong xã hội.
Vấn đề quan trọng được đông đảo cử tri và người dân quan tâm là Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; khẩn trương hoàn chỉnh dự án Luật PCTN sửa đổi, Luật Tố cáo sửa đổi trình Quốc hội khóa XIV, tổng kết và sửa đổi Luật Thanh tra, hoàn thiện pháp luật về thanh tra; tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện trong quá trình thanh tra cần được quan tâm hơn.
Một yêu cầu cấp thiết và lâu dài trong công tác PCTN là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; trong đó, các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu sửa đổi quy định về tặng quà và nhận quà tặng theo hướng có chế tài nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức vi phạm; hoàn thiện và quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về phòng ngừa, phát hiện và xử lý bước đầu hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Các đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan pháp luật tại nhiều diễn đàn gần đây cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập và biến động tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền… (Nhân Dân 22/9) đầu trang(
Ngày 21/9, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tăng cường các cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng trong pháp luật phòng, chống tham nhũng (PCTN). Tại Hội thảo này, những hạn chế, bất cập trong thu hồi tài sản tham nhũng đã được nhiều đại biểu phân tích, “mổ xẻ” rõ hơn, đồng thời qua đó đề xuất nhiều giải pháp.
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng nhấn mạnh, tham nhũng là thách thức toàn cầu, không phân biệt chế độ chính trị, khu vực địa lý hay truyền thống văn hóa. Tham nhũng ngoài gây hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin, còn gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực xã hội, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước.
Do vậy, thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những giải pháp quan trọng nhất để khắc phục hậu quả, trả lại những thiệt hại mà tham nhũng gây ra. Phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả sẽ tác động mạnh vào tâm lý tội phạm tham nhũng, ngăn chặn động cơ của tham nhũng, là một trong những thước đo hiệu quả PCTN.
Thu hồi tài sản tham nhũng đang trở thành vấn đề trọng tâm trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện thể chế và triển khai nhiều hoạt động, giải pháp liên quan cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Tuy vậy, theo Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương, PCTN và thu hồi tài sản tham nhũng  vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, kết quả đạt được còn rất thấp.
“Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng chưa tốt nói lên công tác PCTN thời gian qua hiệu quả chưa cao”, ông Dũng nói và cho rằng, thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề khó không chỉ với một nước đang phát triển như Việt Nam mà ngay cả với những nước phát triển, có nhiều kinh nghiệm trong PCTN.
Còn theo bà Caitlin Wiesen - Antin, Giám đốc quốc gia của UNDP Việt Nam, qua các báo cáo cho thấy việc thu hồi tài sản tham nhũng được xác định là một trong những việc khó khăn nhất trong việc PCTN do những quy định của pháp luật chưa rõ ràng, thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng. Đây là một trong những cản trở chính của việc thu hồi tài sản tham nhũng tại Việt Nam. Hội thảo này là một trong những chương trình hỗ trợ liên tục của UNDP đối với Việt Nam trong công tác PCTN, bao gồm những nỗ lực về cải cách pháp luật.
Sau 10 năm thi hành Luật PCTN năm 2005, Chính phủ nhận định, công tác PCTN đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Nỗ lực PCTN của Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên và các diễn đàn quốc tế khác. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm. Đặc biệt việc “thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp”.
Thời gian qua, có thể kể đến các vụ “đại án” tham nhũng đã được đưa ra xét xử nhưng việc thu hồi tài sản đạt thấp, nhiều khó khăn, vướng mắc như vụ Vinalines, vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin); vụ Huyền Như…Việc xác minh tài sản, xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, số tiền phải thi hành lớn nhưng tài sản xác minh, xử lý được để thi hành án có giá trị nhỏ, không đủ bảo đảm thi hành án.
Cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, việc hoàn thiện pháp luật, trong đó có sửa đổi Luật PCTN sẽ là những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN nói chung, thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng.  (Pháp Luật Việt Nam 22/9) đầu trang(
Người dân Đà Nẵng đang rất ngỡ ngàng, có lẽ vậy. Vị Bí thư trẻ nhất nước từng có những phát ngôn đầy mạnh mẽ, rất hợp "ý Đảng, lòng dân" vừa được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có nhiều sai phạm.
Những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh lại là nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật, trong đó nhấn mạnh ông đã thiếu trung thực, không gương mẫu, gây ra hiệu ứng xấu trong xã hội, nhân dân. Một Bí thư Thành ủy mà thiếu trung thực, không gương mẫu thì thật nguy hại.
Trong suốt 2 năm qua, kể từ khi giữ cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, một Bí thư trẻ nhất nước (năm 2015, ông Xuân Anh mới 39 tuổi) thì người dân ở thành phố đáng sống này luôn đặt rất nhiều kỳ vọng vào ông.
Trước hết, ông Nguyễn Xuân Anh nói được. Ông nói về lợi ích nhóm, về dân chủ đoàn kết, về chống tham nhũng, tư túi cá nhân một cách kiên quyết, dứt khoát.
Sáng 31/12/2015, tại buổi họp báo do UBND TP Đà Nẵng tổ chức, trước nghi vấn một hộ nghèo đứng tên mua 12 lô đất ven biển giúp gia đình mình, ông Nguyễn Xuân Anh khẳng định, tôi và gia đình không có nhu cầu đất ở ven biển.
"Cá nhân tôi hoàn toàn không có bất cứ lô đất nào. Nếu ai phát hiện hoặc tìm hiểu ra tôi có một lô đất nào khác ngoài căn nhà đang ở 43 Nguyễn Thái Học (Đà Nẵng), tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm, thậm chí từ chức Bí thư Thành ủy", ông Anh tuyên bố hùng hồn.
Vào tháng 5/2016, tại một Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, ông đăng đàn tuyên bố: "Ở Đà Nẵng, công tác phòng chống tham nhũng tuyệt đối không có vùng cấm. Nếu dính chàm, dù bất cứ người đó là ai, tôi cũng không nể nang hay bao che".
Mới gần đây, ngày 12/7/2017, trong buổi tiếp xúc cử tri, trước thông tin lãnh đạo thành phố được "đại gia" chống lưng, ông khoát tay: "Xin nói thẳng là không ai có khả năng chi phối lãnh đạo Thành phố cả...Tôi là cán bộ trẻ, còn công tác lâu dài nên chẳng có việc gì mà phải thế này thế kia. Tôi không có việc gì mà phải đánh đổi truyền thống gia đình, không ai có thể chi phối…”.
Nhiều người tin ông nói được sẽ làm được. Đến khi Trung ương có kết luận thì người ta mới ngã ngửa, hóa ra ông Bí thư chỉ nói...chơi. Ông bảo ông chỉ có một căn nhà duy nhất nhưng Trung ương phát hiện ông còn có 2 căn nhà liền kề khác. Ông nói không doanh nghiệp nào chi phối được ông nhưng ông lại ở nhà của doanh nghiệp, đi xe của doanh nghiệp biếu, tặng.
Chưa kể đến ông kê khai bằng cấp thiếu trung thực, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt...
Về bằng cấp tôi không bàn vì có người nói ông Nguyễn Xuân Anh có tài thật, ông học giỏi từ thời phổ thông, nói tiếng Anh như gió. Thậm chí người ta nói ông oan gia về cái bằng Tiến sĩ "siêu tốc" không được công nhận.
Ông từng nói, không cho phép lợi dụng chức quyền để vun vén cá nhân. Lãng phí là xúc phạm đến lòng tin của nhân dân, tham nhũng là có tội với nhân dân. Chức vụ là do Đảng phân công, người lãnh đạo phải nghĩ đây không phải quyền lực mà mình được hưởng thụ cho cá nhân và cho gia đình mà tùy tiện muốn làm gì thì làm.
Vậy mà, theo kết luận của Trung ương việc làm của ông lại "đá" với lời ông nói.
Thừa nhận Bí thư trẻ tuổi nói rất hay, phát biểu rất bài bản. Nhưng nói một đằng, ông làm lại một nẻo...Giờ thì người ta bảo rằng, những phát ngôn của ông là sự bốc đồng của tuổi trẻ. Nhiệt huyết có thừa, đương nhiên là trong lời nói nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Cái lỗi ấy không phải do ông mà do cơ chế. Cái cơ chế bổ nhiệm lỗi thời, cơ chế giám sát lỏng lẻo.
Khi chúng ta vẫn còn duy trì cái cụm từ "đúng quy trình", bổ nhiệm không dựa trên năng lực, phẩm chất đạo đức, cất nhắc bởi truyền thống gia đình, bằng những lời nói suông thì khó tránh sai sót.
Tiền nhân nói "Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa". (Công Lý 21/9) đầu trang(

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018.
Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh sẽ được cắt giảm, nhiều hơn khoảng 60 điều kiện so với dự kiến ban đầu và chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng.
Theo báo cáo của Tổ công tác, tính đến ngày 20/9, các đơn vị thuộc Bộ đã đồng loạt gửi kết quả rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trên nguyên tắc vì doanh nghiệp, người dân và sự phát triển bền vững của xã hội.
Trong đó, tổng số điều kiện kinh doanh mà các đơn vị tiến hành rà soát là 1.216 trên 27 ngành, nghề, chưa tính đến ngành nghề sản xuất, nhập khẩu ô tô là ngành nghề thứ 28.
Như vậy, sau khi cắt giảm, số điều kiện còn lại chỉ còn 541 thay vì con số dự kiến ban đầu là 752 điều kiện. Đây được coi là đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương, với số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh bị cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay.
Trước đó, vào điểm tháng 10/2016, Bộ Công Thương cũng đã tiến hành một đợt cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo quyết định số 4846, gồm bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục, tương đương 27,8% tổng số thủ tục hành chính.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Tuấn Anh, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là công việc trọng tâm đi suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 22/9) đầu trang(
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chính là tạo “lối mở” trong công tác quản lý và điều hành của các cấp chính quyền để người dân, doanh nghiệp thực sự được hưởng một nền hành chính công văn minh, hiện đại góp phần tạo môi trường thông thoáng phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Hướng tới nền hành chính phục vụ, tạo sự hài lòng của người dân, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc luôn coi trọng hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nâng cao chỉ số GDP bình quân đầu người.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước, trong đó xác định rõ mục tiêu xây dựng nền hành chính trong sạch, minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội ngày một tốt hơn.
Nhận thức rõ vai trò của công tác cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo UBND TP Vĩnh Yên và lãnh đạo UBND các xã, phường điều hành công việc có hiệu quả hơn nhờ thiết lập cơ chế giải quyết công việc rành mạch, thống nhất, cụ thể trong từng thời gian, từng lĩnh vực xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ công tác. Từ đó, xây dựng một môi trường làm việc khoa học, cán bộ công chức được đào tạo bài bản, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý nhà nước. Ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức công vụ của cán bộ công chức được tăng cường và phát huy, làm đơn giản hóa các TTHC theo hướng tinh gọn, tiết kiệm chi phí cho người dân, giảm hiện tượng nhũng nhiễu, phiền hà.
Thời gian qua, Bộ phận một cửa hiện đại của TP Vĩnh Yên được quan tâm, đầu tư xây dựng đã mang lại hiệu quả tích cực góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức và công dân, làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền với tổ chức và công dân theo hướng hành chính phục vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Kết quả tính từ tháng 1/2015 đến 31/8/2017, Bộ phận một cửa của TP đã nhận và giải quyết được 10.619 hồ sơ đến giao dịch, trong đó hồ sơ giải quyết đúng hạn là 78,81%; hồ sơ giải quyết trước hạn đạt 20,35%. Trong đó phần lớn các thủ tục liên quan đến tư pháp hộ tịch, lao động TBXH, tài nguyên môi trường, tài chính kế hoạch... tất cả đều được thực hiện nhanh gọn, khoa học, chính xác và được nhân dân đồng tỉnh ủng hộ.
Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo hướng hiện đại đã đổi mới về phương thức làm việc, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, tạo thuận lợi trong quan hệ hành chính giữa cơ quan hành chính Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, công dân trong giao dịch TTHC. Đây là một bước tiến quan trọng trong công tác CCHC ở TP Vĩnh Yên, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, huy động được mọi nguồn lực cho phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. (Xây Dựng 21/9) đầu trang(

KINH TẾ
Bộ Công thương phải có hành động cụ thể chứ không thể kêu gọi người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt mà chỉ dựa vào lòng yêu nước.
Luận bàn tiếp về thực trạng nhập siêu từ Thái Lan vào Việt Nam và nỗi lo của Bộ trưởng Bộ Công thương trước nguy cơ hàng hóa Việt sẽ bị thua trắng trên sân nhà. PGS.TS Vũ Trí Dũng cho rằng, dự báo đó đã được cảnh báo từ nhiều năm nay, Việt Nam cũng đã ý thức được việc này, vì vậy mới có chủ trương kêu gọi "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Mục đích của chủ trương trên là nâng cao tỷ lệ tiêu thụ hàng nội địa, khống chế tiến tới giảm dần tỉ trọng nhập siêu từ Thái Lan cũng như giảm tỉ trọng nhập siêu  từ các nước khác. Đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng và hoa quả.
Như vậy, về mặt chủ trương các cơ quan quản lý đã ý thức được rất rõ nguy cơ hàng Thái sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt và đã có phản ứng từ rất sớm. Vấn đề là ở cách thức thực hiện đã không đem lại hiệu quả.
Ông Dũng nói thẳng, hàng hóa Việt muốn lôi kéo được người tiêu dùng thì phải thuyết phục người mua bằng việc chất lượng, mẫu mã và giá thành chứ không thể kêu gọi người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt mà chỉ dựa vào lòng yêu nước.
"Đến lúc này, những cảnh báo không chỉ còn là dự báo nữa mà nó đã thật sự trở thành mối quan ngại lớn. Sự sốt ruột, lo lắng của Bộ trưởng cũng rất dễ hiểu. Tuy nhiên, bây giờ không phải cứ ngồi lo thì sẽ giải quyết được vấn đề mà phải làm, làm thật thì mới được", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, để giải được bài toán về nhập khẩu hàng hóa Thái Lan, trước hết cần trả lời được câu hỏi: vì sao hàng Việt Nam không bán được? Hàng Việt không bán được là vì tâm lý sính hàng ngoại, vì chất lượng không tốt hay còn vì mất niềm tin như Bộ trưởng đã nói?
PGS Vũ Trí Dũng luận giải: "Tôi biết nhiều người Việt giàu có họ sẵn sàng trả tiền cao hơn gấp nhiều lần để mua hoa quả nhập ngoại, hàng tiêu dùng chất lượng tốt. Như vậy, ở đây không đơn giản chỉ là vấn đề về giá thành mà người tiêu dùng họ đang hướng tới lựa chọn một sản phẩm chất lượng tốt hơn, an toàn hơn cho chính sức khỏe của họ.
Thế thì lại phải đặt ra câu hỏi tiếp theo là: vì sao người Việt vẫn không ưu tiên lựa chọn hàng Việt, dù có không ít hàng hóa Việt Nam chất lượng rất tốt?
Tới đây thì tôi khẳng định ngay rằng vì "họ bị mất lòng tin". Vấn đề không còn là giá thành hay chất lượng sản phẩm nữa mà là lòng tin của người tiêu dùng vào hệ thống quản lý, cụ thể là Bộ Công thương đã bị sụt giảm nghiêm trọng.
Công tác quản lý thị trường quá yếu kém để hàng giả, hàng nhái tràn ngập khắp thị trường, trong khi chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm không được kiểm soát tốt, người tiêu dùng đi mua hàng mà luôn có tâm lý bị lừa, bị mất tiền oan, thế thì chấp nhận làm sao được?", ông Dũng nêu.
Từ những phân tích trên, PGS Vũ Trí Dũng nhận định, nếu các cơ quan quản lý không đưa ra được một giải pháp cụ thể, nhằm cải thiện được lòng tin của người tiêu dùng đối với chất lượng hàng hóa trong nước thì nguy cơ hàng Việt bị thua trước người Việt là hiển nhiên.
Vì với tâm lý của người tiêu dùng, ở đâu có lợi họ sẽ tới. Trong câu chuyện này, sự tham gia của các mặt hàng nhập ngoại, đặc biệt là các mặt hàng của Thái Lan sẽ giúp người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn sản phẩm tốt, giá thành rẻ lại an toàn.
Điều quan trọng nhất là người tiêu dùng thấy tin tưởng hơn vào hệ thống kiểm định chất lượng hàng hóa của Thái Lan. Nghĩa là ở vị trí của người tiêu dùng thì họ đang được lợi.
Điều này cũng có nghĩa, nhu cầu nhập khẩu hàng Thái Lan thời gian tới không thể giảm mà sẽ ngày càng tăng lên. Đây thực chất là chiến lược của các đại gia Thái Lan.
"Có thể nói, đưa hàng Thái vào Việt Nam chỉ là bước cuối cùng để hoàn thiện nốt chuỗi bán hàng đã được các đại gia Thái Lan lập trình sẵn", ông Dũng nhận định.
Để chứng minh cho nhận định trên, PGS Vũ Trí Dũng cho biết, hiện đã có tới 50% thị trường bán lẻ Việt Nam đã bị các đại gia Thái Lan thâu tóm. Việc làm chủ được hệ thống bán lẻ thì gần như các đại gia Thái Lan đã giải quyết xong các kênh phân phối hàng hóa của doanh nghiệp Thái tại thị trường Việt Nam.
Có được hệ thống phân phối hàng hóa rồi, các doanh nghiệp Thái chỉ việc đưa hàng vào bày bán. Đến lúc này, hàng hóa sản xuất trong nước có muốn đưa vào siêu thị cũng vô cùng vất vả, khó khăn. Vì lẽ đó mà người ta nói, "hàng Việt đã thua trắng trên sân nhà".
Trước thực trạng đó, PGS Vũ Trí Dũng cho rằng, với vai trò là cơ quan chủ quan, Bộ Công thương cần phải có chương trình hành động cụ thể chứ không chỉ đưa ra mấy giải pháp mang tính tình thế, hô hào, kêu gọi lòng yêu nước chung chung được nữa.
Cụ thể ông nói, Bộ Công thương phải lựa chọn các sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh tốt, đầu tư phát triển mạnh để tìm chỗ đứng cho sản phẩm đó trên chính thị trường của mình.
"Bộ Công thương có thể lựa chọn hoa quả, cũng có thể lựa chọn lĩnh vực chế biến thực phẩm... nhưng đã lựa chọn lĩnh vực nào phải đầu tư cho lĩnh vực đó phát triển thật hiệu quả. Quan trọng hơn cả là Bộ Công thương phải làm thế nào để người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn sản phẩm đó. Trên cơ sở có được lòng tin của người tiêu dùng lúc đó mới đưa ra những chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi tới người tiêu dùng", vị PGS nói. (Đất Việt 22/9) đầu trang(
Chiều ngày 21/9, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)”.
Theo số liệu được công bố tại Hội thảo, tính đến tháng 6/2017, dư nợ tín dụng đối với các DNNVV đạt 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 22% dư nợ đối với nền kinh tế, với gần 200.000 khách hàng còn dư nợ tại các tổ chức tín dụng. Có khoảng 70% DNNVV chưa tiếp cận được vốn tín dụng.
Tính đến ngày 30/6/2016, cả nước có 27 Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) với tổng số vốn điều lệ thực có của các quỹ ước khoảng 1.462 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp là 1.318,4 tỷ đồng, vốn góp của các tổ chức, cá nhân theo quy định là 143,6 tỷ đồng. Lũy kế doanh số bảo lãnh của các quỹ BLTD từ năm 2002 đến 30/6/2016 ước khoảng trên 4.161 tỷ đồng. Tổng số tiền các quỹ BLTD đã phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho DNNVV ước khoảng 361 tỷ đồng.
Theo đánh giá, Quỹ BLTD đã tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, có vốn duy trì, mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các quỹ BLTD cho DNNVV cũng như hoạt động bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển chưa được đánh giá cao, còn kém hiệu quả. Từ thực tế này, tại Hội thảo, các chuyên gia đã kiến nghị nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả của các quỹ BLTD cho DNNVV. (Đấu Thầu 22/9) đầu trang(

MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
Phá thế độc canh cây lúa để chuyển sang mô hình sản xuất đa canh đã giúp người dân xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Chính quyền xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để các hộ dân được vay vốn ưu đãi mở rộng diện tích sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương
Chủ tịch UBND xã Trung Tú Quách Văn Mạng cho biết, hơn mười năm trước, Trung Tú là vùng quê nghèo thuần nông, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2006, sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển sang sản xuất đa canh, triển khai mô hình trang trại vừa nuôi cá, thả vịt kết hợp trồng lúa, rau và cây ăn quả. Trước đây, hồi còn cấy lúa, nếu được mùa thì mỗi năm người dân chỉ lãi được một triệu đồng/sào, nay chuyển sang mô hình đa canh, trung bình mỗi năm thu lãi 12 triệu đồng/sào, có những hộ thu được 16 triệu đồng/sào.
Để giúp nhau phát triển kinh tế, năm 2006, các cựu chiến binh (CCB) của địa phương đã thành lập Câu lạc bộ sản xuất đa canh xã Trung Tú. Các thành viên câu lạc bộ tự nguyện nhận những phần đất xấu nhất của xã trong đợt dồn điền, đổi thửa để sản xuất. Từ 25 hội viên ban đầu, đến nay, Câu lạc bộ đã có 85 hội viên, sản xuất gần 120 mẫu ruộng... Khu đất xấu trên cánh đồng "chiêm khê mùa thối" năm xưa nay đã trở thành những trang trại kinh tế điển hình, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Một trong những người đi tiên phong nhận ruộng xấu của xã để chuyển đổi sang sản xuất đa canh đạt kết quả cao là CCB Nguyễn Mạnh Hà. Với 1,2 mẫu ruộng, trong đó có tám sào mặt nước, ông Hà chia làm ba ao thả cá trắm cỏ và cá giống bán cho các hộ trong vùng; bốn sào còn lại thì một vụ trồng lúa, một vụ nuôi vịt. Chung quanh ao trồng cây ăn quả và các loại rau màu. Mỗi vụ ông Hà thu về hàng trăm triệu đồng.
"Năm 2008, khi mới chuyển sang sản xuất đa canh, do chưa có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, lại gặp trận mưa úng kéo dài, cả cánh đồng chìm trong biển nước, chúng tôi đã bị trắng tay. Sau thất bại đó, tôi đã rút ra bài học kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư, chăm chỉ học hỏi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thì mới đạt hiệu quả”, CCB Nguyễn Mạnh Hà tâm sự.
Ông Đinh Văn Tiến là một tấm gương điển hình trong xây dựng thành công mô hình đa canh trên địa bàn xã. Sau gần 40 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 2010 khi trở về quê hương, ông Tiến cùng gia đình xây dựng mô hình kinh tế trang trại đa canh và giúp đỡ nhiều hội viên khác phát triển kinh tế. Với tám sào ruộng, ông Tiến quy hoạch thành hai ao nuôi cá, trên bờ trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia cầm.
Đến nay, mô hình đa canh của ông Tiến đã phát triển ổn định, mỗi năm thu hoạch hai lứa cá. Từ năm 2015 đến nay, ông nuôi thêm cá nheo, trừ các loại chi phí, thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm. Để hỗ trợ hội viên có thêm kiến thức về sản xuất đa canh, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn ngắn hạn, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm hay ở các địa phương khác.
Mô hình sản xuất đa canh của Trung Tú đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn xã, nâng cao thu nhập cho người dân, tuy nhiên, việc triển khai vẫn diễn ra theo kiểu tự phát, manh mún. Do chưa hình thành được các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cho nên người dân tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, việc xử lý môi trường trong chăn nuôi còn nhiều bất cập, việc áp dụng công nghệ trong xử lý môi trường trên cánh đồng đa canh còn nhiều hạn chế, chưa chủ động được nguồn nước sạch, cho nên vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh trên vật nuôi, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Đáng chú ý, giao thông nội đồng và hệ thống tưới tiêu, cung cấp nước cho các cánh đồng đa canh vẫn chưa được đầu tư đồng bộ.
Lãnh đạo UBND xã cho biết: Từ năm 2009, xã Trung Tú và xã Đồng Tân được thành phố phê duyệt dự án nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích 200 ha, kinh phí 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thiếu vốn, cho nên đến nay mới đầu tư được hạng mục đường bao chung quanh, đường dẫn nước vào và hệ thống điện, còn hạng mục trạm bơm vẫn đang trong giai đoạn thi công, khiến cho việc lấy nước của người dân khó khăn. Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để các hộ dân được vay vốn ưu đãi mở rộng diện tích sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương. (Nhân Dân 22/9) đầu trang(

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
38.000 tỉ đồng nợ nần của một “quả đấm thép” bằng số tiền tổng thu thuế của Quảng Ninh cả năm. Bằng giá trị sản xuất 365 ngày của 2,5 triệu công nhân ngành dệt may.
Theo Ban Bí thư, với trách nhiệm là người đứng đầu, ông Dũng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong việc quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Tập đoàn, gây hậu quả rất nghiêm trọng; để Tập đoàn và một số Cty không bảo toàn được vốn Nhà nước giao.
Nghĩ thật sự vừa ngậm ngùi vừa bức xúc.
Tôi không biết ông Dũng nghĩ gì khi mà khoản nợ kia, thật xót xa, như là cả một đại dương mồ hôi nước mắt của dân.
38.000 tỉ. Có nghĩa là bằng đúng số thu của tỉnh Quảng Ninh, địa phương hạng 6 cả nước về thu ngân sách.
38.000 tỉ, có nghĩa là 2,5 triệu công nhân dệt may phải làm không công cả 365 ngày mới gần đủ trả nợ (37,7 ngàn tỉ năm 2016).
38.000 tỉ, tương đương với 5 cây cầu mà Hà Nội định xây. Gấp hơn 2 lần rưỡi gói hỗ trợ ngư dân đóng tàu (16.000 tỉ). Tương đương 380.000 ngôi nhà ở xã hội cho công nhân (100 triệu đồng/căn)...
38.000 tỉ... Không thể đong đếm được bằng cả nước mắt lẫn nỗi bức xúc.
Trong số nợ nần kia, có những điều mà người dân không hiểu nổi trong việc quản lý đầu tư, quản lý vốn, tài sản, đất đai và cả con người của Nhà nước.
Những cái sai ấy không thể chỉ giải thích với dân là chủ quan, là thiếu trách nhiệm, là do khách quan mà được.
Những cái sai ấy, cũng không thể bù bằng những chức vụ giờ đã chỉ còn ý nghĩa trên lý lịch mà xong.
Và muốn không để những quả đấm thép khỏi lỗ, nợ và phải trả nợ bằng tiền thuế của dân, có lẽ trường hợp ông Chủ tịch Vinachem phải được nhìn nhận trong mối liên hệ với cung cách quản lý và đầu tư của các DNNN. Bởi Vinachem cũng mới chỉ là một, bởi khoản nợ 38.000 tỉ kia cũng chỉ muối bỏ bể so với thực tế thua lỗ nợ nần của các DNNN. (Lao Động 22/9) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
"Mệnh lệnh của ta là giết con nếu con bị bắt và ta sẽ bảo vệ những người cảnh sát giết con", Tổng thống Philippines Duterte cho hay.
Tổng thống Philippines Duterte xác nhận đã ra lệnh cho cảnh sát bắn chết con trai cả của mình nếu bắt quả tang người này buôn bán ma túy. "Lệnh của bố là giết con nếu con bị bắt quả tang và bố sẽ bảo vệ những cảnh sát đã giết con", Tổng thống Rodrigo Duterte cho hay ông đã nói như vậy với con trai Paolo Duterte, phó thị trưởng thành phố Davao.
Theo GMA News, ông Duterte phát biểu trước các nhân viên chính phủ hôm 20/9. Paolo, 42 tuổi, cũng như con rể ông Duterte là luật sự Manases Carpio bị cáo buộc liên quan đến một mạng lưới buôn bán ma túy xuyên quốc gia do người Trung Quốc cầm đầu. Cả Paolo lẫn Carpio đều bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định rằng đó là cáo buộc vô căn cứ và xuất phát từ tin đồn.
Cũng trong bài phát biểu hôm 20/9, Tổng thống Duterte nhắc lại những cảnh báo mà chính ông đã ban hành khi là Thị trưởng Davao.
Một trong những hành động quyết liệt của Tổng thống Rodrigo Duterte từ khi nhậm chức là trấn áp mạnh tay cả người sử dụng lẫn buôn bán ma tuý. Theo số liệu chính thức, hơn 3.800 người đã bị giết trong các cuộc truy quét của cảnh sát kể từ tháng 7/2016, mặc dù Tổ chức Quan sát Nhân quyền cho rằng con số này là 7.000 người.
Tổng thống Rodrigo Duterte thề sẽ từ chức nếu các đối thủ của ông có thể chứng minh bất kỳ thành viên nào trong gia đình ông dính tham nhũng. (Đời Sống Việt Nam 21/9) đầu trang(./.