Xem ngày trước
BẢN TIN TỔNG HỢP
Xem ngày kế tiếp

Ngày 19 tháng 09 năm 2017
CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
TIÊU ĐIỂM
QUẢN LÝ
NHÂN SỰ MỚI
THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
KINH TẾ
PHÁP LUẬT
MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
NHÌN RA THẾ GIỚI

CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
Từ ngày 15/10/2017, việc quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh casino trên lãnh thổ Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Thông tư 10/2017/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới ban hành.
Thông tư nêu rõ, doanh nghiệp thực hiện đổi đồng Việt Nam hoặc các loại ngoại tệ sang đồng tiền quy ước và ngược lại cho người chơi. Tỷ giá quy đổi từ đồng Việt Nam hoặc các loại ngoại tệ sang đồng tiền quy ước và ngược lại căn cứ theo tỷ giá mua của ngân hàng được phép nơi doanh nghiệp mở tài khoản chuyên dùng ngoại tệ vào ngày giao dịch. Trường hợp ngày giao dịch là ngày nghỉ, ngày lễ, tỷ giá quy đổi căn cứ theo tỷ giá vào ngày giao dịch liền trước đó.
Doanh nghiệp được chấp nhận thẻ ngân hàng của người chơi để đổi đồng tiền quy ước khi tham gia các trò chơi tại Điểm kinh doanh casino. Doanh nghiệp chỉ được nhận thanh toán bằng đồng Việt Nam từ ngân hàng thanh toán thẻ.
Người chơi nước ngoài được nhận tiền trả thưởng bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam.
Trường hợp người chơi nước ngoài nhận tiền trả thưởng bằng ngoại tệ tiền mặt: Được bán ngoại tệ cho ngân hàng được phép hoặc Đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép lấy đồng Việt Nam; được chuyển số ngoại tệ tiền mặt trả thưởng ra nước ngoài qua ngân hàng được phép; được ngân hàng được phép xác nhận để mang số ngoại tệ tiền mặt trả thưởng ra nước ngoài theo quy định; được nộp số ngoại tệ tiền mặt trả thưởng vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của người chơi nước ngoài mở tại ngân hàng được phép.
Trường hợp người chơi nước ngoài nhận tiền trả thưởng bằng ngoại tệ chuyển khoản: Số ngoại tệ trả thưởng được chuyển từ tài khoản chuyên dùng ngoại tệ của doanh nghiệp sang tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của người chơi nước ngoài mở tại ngân hàng được phép; số ngoại tệ trả thưởng được chuyển từ tài khoản chuyên dùng ngoại tệ của doanh nghiệp sang tài khoản của người chơi nước ngoài mở tại nước ngoài.
Trường hợp người chơi nước ngoài nhận tiền trả thưởng bằng đồng Việt Nam: Được nộp đồng Việt Nam tiền mặt vào tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của người chơi nước ngoài mở tại ngân hàng được phép (trường hợp nhận tiền trả thưởng bằng tiền mặt); số đồng Việt Nam trả thưởng được chuyển từ tài khoản thanh toán của doanh nghiệp sang tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của người chơi nước ngoài mở tại ngân hàng được phép (trường hợp nhận tiền trả thưởng bằng chuyển khoản)...
Người chơi Việt Nam được nhận tiền trả thưởng bằng đồng Việt Nam (tiền mặt hoặc chuyển khoản).
Doanh nghiệp thực hiện xác nhận trúng thưởng, trả thưởng, đổi đồng tiền quy ước cho người chơi nước ngoài theo quy định. Giấy xác nhận trúng thưởng, trả thưởng, đổi đồng tiền quy ước, Giấy xác nhận mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài chỉ có giá trị trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày phát hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2017. (Đấu Thầu 19/9) đầu trang(
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng vốn hoạt động để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Nghị định số 93/2017/NĐ-CP và các hướng dẫn cụ thể theo nguyên tắc đảm bảo an toàn và phát triển vốn.
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Dự thảo nêu rõ, trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo duy trì giới hạn đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc: giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán đối với tổ chức tín dụng, không vượt quá 50% vốn được cấp và quỹ dự trữ bổ sung vốn được cấp ghi trên sổ sách kế toán đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho thuê các tài sản theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP. Đối với các tài sản cho thuê tài chính, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về hoạt động cho thuê tài chính tại Việt Nam.
Theo dự thảo, chi phí của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm các khoản chi quy định tại Điều 17 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP. Một số khoản chi của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn dưới đây.
Về chi hoa hồng cho đại lý, môi giới, ủy thác: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hạch toán vào chi phí khoản chi hoa hồng môi giới đối với hoạt động môi giới phù hợp quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn.
Cụ thể, việc chi hoa hồng môi giới phải căn cứ vào hợp đồng hoặc giấy xác nhận giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và bên nhận hoa hồng môi giới, trong đó phải có các nội dung cơ bản: Tên của bên nhận hoa hồng; nội dung chi; mức chi; phương thức thanh toán; thời gian thực hiện và kết thúc; trách nhiệm của các bên.
Đối với khoản chi môi giới để cho thuê tài sản (bao gồm cả tài sản xiết nợ, gán nợ): Mức chi môi giới để cho thuê tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối đa không quá 5% tổng số tiền thu được từ hoạt động cho thuê tài sản do môi giới mang lại trong năm.
Đối với khoản chi môi giới bán tài sản thế chấp, cầm cố: Mức chi hoa hồng môi giới bán tài sản thế chấp, cầm cố của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không vượt quá 1% giá trị thực tế thu được từ tiền bán tài sản qua môi giới. (Đấu Thầu 19/9) đầu trang(
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu.
Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.
Rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.
Thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo quy định của Luật an toàn thực phẩm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác liên quan.
Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại; rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem.
Nghị định quy định rõ các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu gồm: Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này; sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu; trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.
Nghị định có hiệu lực từ 1/11/2017. (Báo Chính Phủ 18/9) đầu trang(
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lý giá, quản lý, sử dụng nguồn thu từ giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.
Dự thảo nêu rõ Danh mục dịch vụ cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước quyết định giá. Theo đó, Danh mục dịch vụ cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư (không liên quan đến chạy tàu) bao gồm: Dịch vụ cho thuê kho, bãi; dịch vụ cho thuê địa điểm bán hàng; dịch vụ cho thuê địa điểm quảng cáo; dịch vụ khác có sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt không liên quan trực tiếp đến chạy tàu.
Về hình thức lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê kết cấu hạ tầng đường sắt,  căn cứ vào mức giá tối thiểu do Bộ Tài chính quyết định, Doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt ban hành mức giá cụ thể áp dụng đối với từng loại dịch vụ để lựa chọn tổ chức, cá nhân cho thuê đảm bảo theo quy định của Luật Giá, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Đối với thu, nộp tiền cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, dự thảo quy định, sau khi trích chi cho công tác cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt theo dự toán được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, Tổng công ty đường sắt Việt Nam có trách nhiệm nộp toàn bộ nguồn thu tiền cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt vào Ngân sách Nhà nước để Nhà nước cân đối bố trí 100% trong dự toán ngân sách hàng năm để chi cho việc bảo trì, sửa chữa, nâng cấp tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cho thuê, trường hợp còn thừa được bố trí cho công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa hệ thống đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.
Chậm nhất không quá ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch, Tổng công ty đường sắt Việt Nam có trách nhiệm nộp tiền cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt vào Ngân sách Nhà nước.
Nội dung dự toán chi cho công tác thu tiền cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt gồm: Chi các khoản tiền lương, phụ cấp cho những người tham gia vào hoạt động cho thuê tài sản (trừ tiền lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức đã được hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định); chi cho công tác quản lý như chi điện, nước, thông tin liên lạc, vật tư, văn phòng phẩm, sửa chữa mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý... (Đấu Thầu 19/9) đầu trang(

TIÊU ĐIỂM
Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhận định những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, là nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật.
Từ ngày 13 - 16.9, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra T.Ư (UBKT T.Ư) đã họp kỳ 17, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm UBKT T.Ư Trần Quốc Vượng. Tại kỳ họp, UBKT T.Ư đã xem xét, kết luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có kết luận về sai phạm liên quan đến Ban Thường vụ Thành ủy (BTVTU) Đà Nẵng và cá nhân các ông Nguyễn Xuân Anh, ông Huỳnh Đức Thơ.
Theo kết luận, BTVTU Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã chấp hành chưa nghiêm nguyên tắc sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình; vi phạm Quy định số 42 của Ban Bí thư về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy và Quy chế làm việc của Thành ủy, đã ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của BTVTU. Việc xem xét, quyết định luân chuyển, bổ nhiệm một số cán bộ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng.
BTVTU không nghiêm túc thực hiện Thông báo kết luận số 156-TB/TW của Bộ Chính trị và Thông báo số 558-TB/UBKTTW của UBKT T.Ư trong việc khắc phục vi phạm về công tác quản lý, sử dụng đất đai. Đã ra một số quyết định không đúng thẩm quyền, không đúng pháp luật, có nội dung liên quan đến việc cho doanh nghiệp sử dụng đất công sản, triển khai dự án… Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự đô thị trên địa bàn TP, để xảy ra nhiều vi phạm, gây bức xúc trong nhân dân. Quyết định chủ trương cho chỉ định thầu 4/6 dự án xây dựng trụ sở các cơ quan, vi phạm luật Đấu thầu. Đồng ý tiếp nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng sai quy định.
Đối với ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, UBKT T.Ư kết luận với cương vị là người đứng đầu Thành ủy, ông Nguyễn Xuân Anh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của BTVTU nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Cá nhân ông Nguyễn Xuân Anh vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của ông Nguyễn Xuân Anh đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong BTVTU.
UBKT T.Ư cũng kết luận ông Nguyễn Xuân Anh kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm; thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.
Đối với ông Huỳnh Đức Thơ, Phó bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, UBKT T.Ư nêu rõ phải cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BTVTU nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Với trách nhiệm đứng đầu UBND TP, ông Huỳnh Đức Thơ chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị; Chưa chủ động đề xuất với BTVTU nhân sự ở một số cơ quan chính quyền TP thuộc diện BTVTU quản lý theo quy định.
Kết luận của UBKT T.Ư nêu rõ: những vi phạm, khuyết điểm của BTVTU Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020, ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật.
Trước khi có kết luận của UBKT T.Ư, nhiều dấu hiệu vi phạm liên quan đến ông Nguyễn Xuân Anh đã được dư luận đặt ra.
Sáng 22.2.2017, sau khi có thông tin chiếc ô tô biển xanh 43A-299.99 đang phục vụ ông Nguyễn Xuân Anh dùng biển số giả, trùng với biển số trắng của một xe ở Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng đã lên tiếng. Văn phòng Thành ủy cung cấp nhiều giấy tờ chứng minh chiếc Toyota Avalon 5 chỗ biển số 43A -299.99 được Bộ Công an chứng nhận kiểm định, nơi đăng ký là Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, chủ phương tiện là Văn phòng Thành ủy. Chiếc xe được sản xuất năm 2016 tại Mỹ, được mua vào tháng 2.2016. Theo hóa đơn, doanh nghiệp tặng xe là Công ty TNHH Minh Hưng Phát. Ngày 4.3.2017, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng “từ nay, các địa phương không được nhận xe ô tô do doanh nghiệp tặng”, Thành ủy Đà Nẵng đã hoàn tất việc chuyển trả lại chiếc xe cho doanh nghiệp.
Về vấn đề tài sản (bất động sản, nhà ở) của mình, tại cuộc họp báo ngày 31.12.2015, ông Nguyễn Xuân Anh khẳng định rằng gia đình ông không có nhu cầu mấy chục lô đất ven biển. Ông nhấn mạnh: “Cá nhân tôi không có bất cứ lô đất nào chứ đừng nói ven biển trên địa bàn TP. Nếu bất cứ đồng chí nào phát hiện, tìm hiểu ra tôi có bất cứ 1 lô đất nào ngoài cái nhà tôi đang ở 43 Nguyễn Thái Học thì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Thậm chí, có thể từ chức Bí thư Thành ủy…”. Tuy nhiên, theo kết luận của UBKT T.Ư, ông Xuân Anh đã sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp “gây dư luận xấu trong xã hội”. Được biết, 2 ngôi nhà này tọa lạc ở P.Hải Châu 1, Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng). (Thanh Niên 19/9) đầu trang(

QUẢN LÝ
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng có giải pháp phù hợp để hướng dẫn các địa phương ổn định thị trường vật liệu xây dựng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Xây dựng nghiên cứu việc ngừng xuất khẩu cát vĩnh viễn của Campuchia, ảnh hưởng của việc này tới thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam.
Bộ Xây dựng cũng được giao có giải pháp phù hợp để hướng dẫn các địa phương chủ động bảo đảm ổn định thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ, Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài.
Trước đó, xung quanh thông tin báo chí về việc “Campuchia cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn”, Bộ Xây dựng cho biết, do lo ngại vấn đề môi trường sạt lở bờ sông trong việc khai thác cát, nên từ năm 2014 Campuchia đã cấm xuất khẩu cát xây dựng và từ tháng 11/2016, cấm xuất khẩu cát biển sang Singapore. Trước đó, việc xuất khẩu cát từ Campuchia sang Singapore chủ yếu là cát biển từ tỉnh duyên hải KohKong.
Theo Bộ Xây dựng, Việt Nam đã cấm xuất khẩu cát xây dựng từ năm 2009. Việc xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án nạo vét tại các cửa sông, cảng biển thời gian qua được thực hiện theo thông báo của Văn phòng Chính phủ vào năm 2012.
Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng vào tháng 6/2017, Bộ Xây dựng đã nghiêm túc dừng hướng dẫn xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng tại các cửa sông, cảng biển. (VnExpress 18/9) đầu trang(
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp về Đề án Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ công chức cấp xã.
Thông báo kết luận nêu rõ, việc xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý về công tác cán bộ. Việc xây dựng Đề án cần bảo đảm các nguyên tắc, yêu cầu về cơ sở pháp lý, tính hiệu quả, ổn định lâu dài, hiện đại và tiết kiệm.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, triển khai khảo sát thực tế tại các bộ, ngành, địa phương để đánh giá đầy đủ thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức; lưu ý hệ thống trang thiết bị, phầm mềm, đề xuất phương án đầu tư cụ thể, hợp lý trên cơ sở kế thừa tối đa cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục những vướng mắc trong quá trình áp dụng thí điểm thời gian qua. Đối với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương đang vận hành hiệu quả, nên hướng tới giải pháp tích hợp và đồng bộ theo quy chuẩn chung.
Đồng thời xác định rõ phạm vi áp dụng của Cơ sở dữ liệu, các giải pháp kỹ thuật, phương án công nghệ bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, tính bảo mật và xác thực, trách nhiệm của các cơ quan tích hợp và chia sẻ thông tin, mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu dùng chung với các cơ sở dữ liệu đang triển khai, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tương thích, tránh chồng chéo, gây lãng phí.
Bên cạnh đó rà soát hệ thống thông tin cá nhân cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm thống nhất, phục vụ yêu cầu công tác quản lý, lưu ý không đưa vào cơ sở dữ liệu những thông tin thuộc bí mật đời tư cá nhân.
Bộ Nội vụ phân tích, thuyết minh tính khả thi khi vận hành Cơ sở dữ liệu, trong đó làm rõ sản phẩm, hiệu quả của Đề án và phương thức vận hành. Việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin thực hiện theo nguyên tắc phân cấp trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí; nên tính đến phương án thuê hạ tầng máy chủ, thiết bị mạng, vận hành cơ sở dữ liệu theo tinh thần Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Về lộ trình thực hiện, giai đoạn 1 cần tiến hành các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, đánh giá khả năng thích ứng của hệ thống cơ sở dữ liệu. Giai đoạn tiếp theo, cần huy động các cán bộ có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin và kiến thức quản lý cán bộ, công chức, viên chức tham gia vào quá trình triển khai thực hiện Đề án, hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý các vướng mắc phát sinh.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất phương án bổ sung Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức vào Danh mục Cơ sở dữ liệu quốc gia. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hoàn thiện đề án, thực hiện các thủ tục theo quy định. Không xây dựng Nghị định về Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức. (Xây Dựng 18/9) đầu trang(
Theo Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ, 2 đơn vị thuộc Bộ TT&TT là Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện sẽ áp dụng cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký các Quyết định về việc áp dụng cơ chế tài chính đối với 2 đơn vị thuộc Bộ TT&TT là Cục Tần số vô tuyến điện và Cục Viễn thông.
Theo các Quyết định mới, Cục Viễn thông và Cục Tần số vô tuyến điện đều được áp dụng cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác.
Cả hai đơn vị này được sử dụng nguồn thu phí được để lại để chi cho các hoạt động như chi đầu tư; chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị; chi bổ sung thu nhập cho người lao động; chi các nhiệm vụ đặc thù theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục viễn thông và Cục Tần số Vô tuyến điện.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15/11 và áp dụng từ năm ngân sách 2017. (ICT News 18/9) đầu trang(

NHÂN SỰ MỚI
Trong tuần qua (từ ngày 11-14/9), Thủ tướng Chính phủ đã ký các quyết định về nhân sự Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hội đồng cạnh tranh, Ủy ban quốc gia về trẻ em, Thông tấn xã Việt Nam, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”.
Cụ thể, tại Quyết định 1369/QĐ-TTg, ngày 14/9/2017, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, giữ chức Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tại Quyết định 1368/QĐ-TTg, ngày 14/9/2017,  Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Tấn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
* Tại Quyết định 1366/QĐ-TTg, ngày 14/9/2017, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, kiêm giữ chức vụ Ủy viên Hội đồng cạnh tranh.
* Tại Quyết định 1363/QĐ-TTg, ngày 14/9/2017, Thủ tướng Chính phủ kiện toàn nhân sự Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Chủ tịch Ủy ban.
Các Phó Chủ tịch gồm: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa (Phó Chủ tịch thường trực); ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch chuyên trách); Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn.
Các Ủy viên thường trực Ủy ban gồm: Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục.
Các Ủy viên Ủy ban gồm: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Bế Xuân Trường; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng; Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lâm Kiết Tường; Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đinh Đăng Quang; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân Phan Huy Hiền; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Phi Long; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương; Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Song Phi.
* Tại Quyết định số 1354/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em theo Quyết định 856/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Chủ tịch Ủy ban quốc gia.
Các Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia gồm: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Phó Chủ tịch Thường trực); Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
18 Ủy viên Ủy ban quốc gia là lãnh đạo một số bộ, ngành cơ quan trung ương.
* Tại Quyết định số 1351/QĐ-TTg, ngày 11/9/2017, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Đinh Đăng Quang, giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Thời hạn bổ nhiệm lại tính từ ngày 17/8/2017.
* Tại Quyết định số 1333/QĐ-TTg ngày 11/9/2017 Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” để giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” lần thứ 14.
Theo đó, ông Phùng Xuân Nhạ, Giáo sư, Tiến sĩ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch gồm: Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (thường trực); bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Ủy viên của Hội đồng gồm: Ông Nguyễn Viết Tiến, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Thứ trưởng Bộ Y tế; bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Trần Hữu Phúc, Giáo sư, Tiến sĩ, Trung tướng, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng; ông Đỗ Ngọc Cẩn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Công an; ông Vũ Minh Đức, Tiến sĩ, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; ông Lương Hồng Quang, Tiến sĩ, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Văn phòng Chủ tịch nước; ông Nguyễn Văn Vui, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Trịnh Xuân Hiếu, Tiến sĩ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Viết Lộc, Tiến sĩ, Chánh Văn phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Lê Trọng Hùng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Tạ Đức Thịnh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Mỏ - Địa chất; ông Huỳnh Thành Đạt, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải; ông Cao Ngọc Thành, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế; ông Huỳnh Trọng Khải, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh; ông Cao Xuân Hùng, Nhà giáo Ưu tú, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định; bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ. (Báo Chính Phủ 18/9) đầu trang(
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Bình Thuận, Gia Lai vừa ban hành các quyết định về công tác cán bộ.
Nghệ An: Ông Nguyễn Đắc Vinh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An vừa trao Quyết định số 1464 ngày 9/9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ điều động, phân công ông Thái Thanh Quý, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ đến nhận công tác tại Ban Dân vận Tỉnh uỷ và giữ chức Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ Nghệ An.
Trước đó, ngày 11/9, ông Lê Bá Hùng, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã được điều động, bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An.
Bình Thuận: Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Quyết định bổ nhiệm ông Lê Văn Hồng giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Y tế và ông Hà Lê Thanh Chung giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Công Thương.
Tại Quyết định số 2692/QĐ-UBND ngày 14/9/2017, Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm có thời hạn 5 năm đối với ông Lê Văn Hồng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y thuộc Sở Y tế, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Y tế. Ông Lê Văn Hồng được hưởng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,7 so với mức lương cơ sở theo quy định hiện hành.
Tại Quyết định số 2693/QĐ-UBND ngày 14/9/2017, Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm có thời hạn 5 năm đối với ông Hà Lê Thanh Chung, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp thuộc Sở Công Thương, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Công Thương. Ông Hà Lê Thanh Chung được hưởng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,7 so với mức lương cơ sở theo quy định hiện hành.
Các Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2017.
Gia Lai: Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành vừa ký Quyết định số 799/QĐ-UBND về việc bổ nhiệm ông Lê Hồng Hà, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, trực thuộc Sở Công Thương giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Công Thương, kiêm giữ chức Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai, kể từ tháng 9/2017. (Báo Chính Phủ 18/9) đầu trang(

THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
Ông Phạm Thế Duyệt: “Nhìn xuống hơn các Bộ, ngành, Mặt trận, đoàn thể có "sôi" lên không, hay chỉ có đồng chí Tổng Bí thư cương quyết?..."
Hôm qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo kết luận kỳ họp thứ 17, xem xét, kết luận một số nội dung quan trọng. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Xuân Anh (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng) và ông Huỳnh Đức Thơ (Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng); đồng thời công bố kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai và ông Phạm Thế Dũng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng uỷ và một số thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; xem xét, thi hành kỷ luật một số cá nhân thuộc Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và kết luận kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông.
Câu chuyện kỷ luật cán bộ trong Đảng, không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên, trước đây, kỷ luật thường mới chỉ dừng ở mức phê phán chung chung, chưa rõ ràng. Còn bây giờ, kỷ luật đã cụ thể hơn đúng người, đúng tội. Qua mỗi lần như vậy, nhìn lại, Đảng ngày càng mạnh lên.
Cả lý luận lẫn thực tế đều đã chứng minh rằng, một trong những điều làm nên sức mạnh cho Đảng là lòng tin của nhân dân. Khi dân tin vào Đảng và Đảng nói, làm và thi hành kỷ luật đúng người đúng tội, thì sức mạnh của Đảng càng được nhân lên.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, việc công khai kỷ luật cán bộ là điều rất quan trọng, điều này có lợi cho Đảng, đem lại niềm tin trong nhân dân. Qua đó, sẽ có sự gắn kết chặt chẽ trong mối liên hệ giữa Đảng với dân: “Đảng ta như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Đảng viên mắc kỷ luật đến đâu thì phải xử lý đúng theo kỷ luật của Đảng. Xử lý như vậy không phải đấu tranh nội bộ, không phải bè cánh, chỉ có 1 đảng chân chính đảng cách mạng, đảng vì dân thì chúng ta mới tự phê bình và phê bình. Ai có kỷ luật đến đâu chúng ta xử lý đến đó. Lịch sử các đảng cộng sản trước nay đều như vậy. Mỗi lần như vậy chỉ có tăng sức mạnh của Đảng, tăng niềm tin của nhân dân”.
Từ sau Đại hội 12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố công khai nhiều vụ việc lớn, liên quan đến sai phạm nghiêm trọng của không ít cán bộ Đảng viên các cấp. Điều này cho thấy, Đảng đang tích cực thực hiện nhóm giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Bộ Chính trị và Trung ương khóa 12.
Trong thực tế, đặc biệt là khi cả nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, do tác động của kinh tế thị trường, nên có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất. Sự suy thoái, biến chất đó có một phần nguyên nhân từ kỷ luật của Đảng chưa nghiêm, pháp luật nhà nước chưa nghiêm, dẫn tới tình trạng vô kỷ luật, vun vén lợi ích cá nhân, tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức, lối sống...
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Nếu làm không kiên quyết, hiệu quả, đồng bộ, nhất là nếu chỉ dừng lại ở hành động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng hay Ban Nội chính, thì người dân chưa thể yên tâm và chưa coi đó là quyết tâm của toàn Đảng được.
Ông Phạm Thế Duyệt trăn trở: “Nhìn xuống hơn các Bộ, ngành, Mặt trận, đoàn thể có "sôi" lên không, hay chỉ có đồng chí Tổng Bí thư cương quyết, hay chỉ trông chờ vào 8 đoàn kiểm tra do Tổng Bí thư thành lập kiểm tra giám sát việc xử lý tham nhũng và đến tháng 10 có kết luận? Nếu là chính quyền thì cũng toàn đảng viên được cử ra để làm việc ấy. Vậy thì những nơi này hãy làm đi, đừng ỷ lại vào các đoàn kiểm tra đến. Tôi tin nếu làm được như vậy thì dân sẽ phấn khởi, sẽ tin ngay.”
Việc xử lý những cá nhân, tổ chức sai phạm là cần thiết. Nhưng sâu xa hơn, phải tìm cho ra nguyên nhân của từng vụ việc. Đồng thời, cũng phải chỉ ra được cái sai, cái hạn chế, yếu kém của tổ chức Đảng, khi biết sai mà không ngăn chặn, thấy đúng lại không bảo vệ; tiến hành kỷ luật nghiêm minh trong Đảng, chắc chắn sẽ lấy lại được niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh chống “suy thoái”, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 19/9) đầu trang(
Buổi chiều của ngày đầu tuần làm việc yên ả bỗng trở nên sôi động và nóng hổi trên hệ thống truyền thông cả nước bởi các thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận về sai phạm của các cán bộ lãnh đạo mà bấy lâu vẫn âm ỷ trong dư luận. Dường như ánh chớp công luận bất ngờ lóe lên, soi tỏ những ngóc ngách bấy lâu chìm trong nghi ngại xã hội.
Đáng chú ý nhất là trường hợp của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh – một nhà lãnh đạo trẻ mà nhiều người đã đặt kỳ vọng vào sự năng động và khả năng kế tục thành quả của các thế hệ tiền bối, đặc biệt, những tuyên bố mạnh mẽ chống tham nhũng của ông trong những ngày đầu nhậm chức.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm trên cương vị người đứng đầu thành phố được cho là đáng sống nhất nước đã phạm vào những sai lầm không thể tha thứ được trong đạo đức lối sống cũng như việc quản lý địa bàn. Sự thăng tiến “thần tốc” của ông (sau 9 năm từ  2006 đến năm 2015, từ một Trưởng phòng Quốc tế của một tờ báo, ông trở thành Bí thư một thành phố lớn, thuộc diện trẻ nhất nước ở tuổi 39) từng bị dư luận săm soi, song niềm tin rằng ông xứng đáng đã xóa tan mọi nghi ngờ.
Giờ đây, chính ông đã làm dư luận thất vọng và cùng với ông, vị Chủ tịch thành phố cũng bị mắc những sai phạm và yêu cầu xử lý kỷ luật. Như vậy, cả 2 lãnh đạo cao nhất của thành phố đều bị dính “phốt”, đó là sự kiện hy hữu và hẳn là để lại hệ lụy rất lớn trong công tác cán bộ cũng như hoạt động quản lý, điều hành ở địa phương.
Một ông Bí thư khác (giờ đã thành “nguyên”) cũng bị xem xét xử lý kỷ luật do những lỗi lầm mà ông mắc phải trong quá trình tại nhiệm. Đó là nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, trong những sai phạm mà ông này mắc phải, đáng chú ý là có công tác bổ nhiệm cán bộ.
Trước đó, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cũng bị kỷ luật và cũng mắc ở khâu tổ chức cán bộ. Điều này cho chúng ta thấy một hiện trạng đáng buồn trong việc dùng người theo nguyên tắc “quan hệ, tiền tệ và hậu duệ” – một nguyên nhân làm cho bộ máy trì trệ và tham nhũng.
Tiếp theo việc xử lý kỷ luật các cán bộ lãnh đạo ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, ở Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường,... thì giờ đây, tiếp tục những lãnh đạo cấp cao đương chức bị vạch rõ những sai phạm và đương nhiên sẽ nhận những hình thức kỷ luật tương xứng.
Công việc dọn dẹp “sân sau” của nhiệm kỳ trước vẫn đang ráo riết tiến hành và cùng lúc việc chỉnh đốn lại hàng ngũ, xử lý những sai phạm trong đội ngũ cán bộ đương chức cũng bắt đầu. 'Ngọn lửa' chống tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm, lợi dụng quyền lực, làm trái pháp luật đang bốc cao, hứa hẹn mang lại một môi trường trong sạch, cơ hội để phát triển đất nước, tập hợp sức mạnh toàn dân nhằm xây dựng một xã hội công bằng, tươi đẹp! (Pháp Luật Việt Nam 19/9) đầu trang(
Từ ngày 11 đến 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tổ chức Phiên họp lần thứ 14, tập trung xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi). Đây là phần việc nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Thời gian qua, cuộc đấu tranh PCTN được Đảng, Nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, nhưng tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng thì nhiều song một phần do những yếu kém, hạn chế trong việc xây dựng và thực thi pháp luật liên quan đến lĩnh vực này; nhất là hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, vẫn còn cơ chế “xin-cho” tạo kẽ hở cho “cửa quyền”, “sách nhiễu” khi thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức;...
Do vậy, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Luật PCTN (sửa đổi) chính là để góp phần củng cố hành lang pháp lý toàn diện, đủ mạnh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi giặc “nội xâm” trong tình hình mới. Dư luận kỳ vọng, khi luật bổ sung được hoàn thiện, một mặt sẽ góp phần bịt kín các lỗ hổng trong tổ chức và hoạt động của quyền lực Nhà nước, có nguy cơ tạo ra tham nhũng, tiêu cực; mặt khác, sẽ là phương tiện hữu hiệu để cưỡng chế, răn đe, xử lý nghiêm minh các hành vi ấy.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh PCTN, việc thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu; thể hiện ở tất cả các khâu: Xây dựng luật, thực thi luật, nhất là việc cụ thể hóa luật thành các văn bản dưới luật ở các cấp, ngành, địa phương.
Trong đó, việc xây dựng luật là nền tảng, việc thực thi pháp luật giữ vai trò quyết định đến hiệu quả PCTN. Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tích cực phòng ngừa và kịp thời phát hiện những hành vi tham nhũng, tiến hành một cách kiên quyết, triệt để, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không gây oan người vô tội; đề cao trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tránh tình trạng áp đặt, chỉ đạo vụ này xử nặng, vụ kia xử nghiên cứu… mà phải căn cứ vào tính chất sự vụ, vụ án tham nhũng để xử lý theo pháp luật-phải thượng tôn pháp luật trong mọi trường hợp, mọi tình huống.
Quan điểm của Đảng ta là: Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai mọi hành vi tham nhũng không phân biệt đó là ai, giữ chức vụ gì, làm ở đâu; không bao che, né tránh khuyết điểm, nhưng làm thận trọng, khách quan, đúng pháp luật. Đó là cách Đảng, Nhà nước nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, xử lý thích đáng các vụ đại án tham nhũng thời gian qua.
Tuy vậy, việc đấu tranh PCTN là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài, vì vậy, cần tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện pháp luật nói chung, các quy định về PCTN nói riêng để tạo hành lang pháp lý ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu của công tác PCTN hiện nay. Theo đó, pháp luật phải đồng bộ, phù hợp, khả thi, chặt chẽ để không bị lợi dụng. Luật PCTN phải là công cụ-quả đấm thép ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.
Cơ quan chỉ đạo ở Trung ương, Chính phủ, Quốc hội cần phát huy hơn nữa vai trò đầu mối chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc... kết quả lập pháp, thực thi pháp luật trong hoạt động PCTN trên cả nước; đồng thời cần mở rộng quyền tiếp cận của công dân tại nơi cư trú của cán bộ phụ trách các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng để cộng đồng giám sát. (Quân Đội Nhân Dân 19/9) đầu trang(
Trong những ngày qua, phiên tòa xét xử vụ án "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ðại Dương (Oceanbank) tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Theo dõi diễn biến từ phiên tòa, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đều hết sức bất bình trước thủ đoạn các đối tượng dùng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Các chứng cứ đại diện Viện kiểm sát nêu ra cùng lời khai của các bị cáo, lời bào chữa của các luật sư đã làm hé lộ những khoản tiền chục tỷ, trăm tỷ đồng được các đối tượng chuyển cho nhau; những túi quà tiền tỷ được trao tay nhau ngay giữa cơ quan, công sở. Ðiều đó cũng lý giải vì sao lâu nay, trong khi đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thì có những cán bộ khi được bổ nhiệm vào các vị trí nào quan trọng bỗng giàu lên nhanh chóng, xây nhà lầu, mua xe sang, có những khối tài sản kếch xù. Cùng với sự giàu lên không bình thường đó là những khoản đầu tư hàng trăm tỷ, nghìn tỷ đồng của Nhà nước bị thua lỗ, thậm chí "bốc hơi" không dấu vết.
Vụ án Oceanbank là một trong các đại án được Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, theo dõi. Trong các phiên họp gần đây của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với tinh thần không có vùng cấm.
Chắc chắn các đối tượng tham nhũng, vi phạm pháp luật sẽ phải nhận những hình phạt thích đáng. Dư luận hết sức hoan nghênh và kỳ vọng vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Ðảng, Nhà nước khi thời gian gần đây, cùng với vụ Oceanbank là hàng loạt vụ án tiêu cực khác được phanh phui, làm rõ; nhiều đối tượng, trong đó có cả những cán bộ cấp cao bị xử lý nghiêm minh.
Tuy nhiên, qua đây, nhân dân cũng mong muốn Ðảng, Nhà nước cần rút ra bài học sâu sắc trong công tác lựa chọn, đào tạo và bố trí cán bộ. Những trọng trách quan trọng cần được giao cho những người đủ đức, đủ tài; đồng thời cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn xảy ra tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn lợi ích nhóm qua những túi quà tiền tỷ. (Nhân Dân 19/9) đầu trang(
Để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng kịp thời, hiệu quả, cần phải nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc kê khai tài sản cá nhân.
Mới đây, báo cáo của Chính phủ tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 cho thấy, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là trên hơn 1,1 triệu người; 77 người được xác minh tài sản, thu nhập.
Qua xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về khai tài sản, thu nhập. Con số này đang khiến nhiều người băn khoăn, liệu việc kê khai tài sản có đảm bảo thực chất, minh bạch và thực sự trở thành công cụ phát hiện, phòng ngừa tham nhũng hay không?
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, số lượng phát hiện bản kê khai không đúng còn quá ít. Trên thực tế, có nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không đúng và việc xử lý cũng diễn ra chậm chạp.
Ông Cường cho rằng, một phần do ý thức thiếu trung thực của cán bộ, một phần là do quy định của pháp luật về căn cứ xác minh tài sản chưa đầy đủ, còn nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền quản lý, xác minh bản kê khai nên dẫn đến việc kê khai chưa thực chất, còn hình thức.
Số người kê khai rất lớn, nhưng số xác minh tài sản có 77 người, phát hiện xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập cho thấy biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp.
Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là nhu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài xử lý tài sản kê khai không trung thực, tài sản không chứng minh, giải trình được nguồn gốc hợp pháp…
Kết quả thống kê của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng cũng cho thấy, trong năm 2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã thụ lý điều tra 9 vụ với 34 bị can; thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.
Điển hình vụ đang xét xử tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) gây thiệt hại về kinh tế trên 1.500 tỷ đồng, trong đó, Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank nhận và sử dụng gần 279 tỷ đồng… Nhiều cựu lãnh đạo thuộc ngân hàng này bị “triệu tập” thông qua hoạt động chi lãi ngoài cho khách hàng lên đến hàng tỷ đồng. Có thể thấy, chống tham nhũng bằng việc xác minh tài sản thực tế vẫn còn thiếu và yếu.
Theo nhận định của Thiếu tướng Phạm Lê Xuất, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an, chỉ khi có dư luận, qua báo chí kiến nghị, phản ánh thì cơ quan công quyền mới tiến hành xác minh làm rõ nguồn gốc tài sản của đối tượng cần kê khai.
Lấy ví dụ từ vụ việc của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý, Thiếu tướng Phạm Lê Xuất đặt vấn đề: Kê khai tài sản theo quy định thì người nào cũng kê khai. Nhưng cơ chế kiểm soát kê khai đó thì chưa được nhiều. Kê khai chỉ để kê khai. Khi nào có đơn thư tố cáo thì mới chỉ đạo làm rõ xem đúng hay không.
Chưa có quy định truy nguyên nguồn gốc tài sản nên không giải đáp được tài sản đấy lấy từ đâu, như thế nào? Thế nên mới có chuyện nhiều người giải trình hình thành từ nuôi lợn, nuôi gà..
Chỉ có 3 người phát hiện kê khai tài sản không trung thực và bị xử lý so với nhiều “đại án” tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua cho thấy, dư luận xã hội nghi ngại về sự minh bạch trong kê khai tài sản là có cơ sở. Những vụ đại án thời gian gần đây phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm thuộc diện phải kê khai. Họ chỉ bị phát hiện khi thông qua công tác nghiệp vụ, điều tra, truy tố xét xử.
Theo ông Hoàng Văn Hùng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên, kê khai tài sản thu nhập của cán bộ công chức, đối tượng thực hiện cần đi liền với công tác xác minh. Cần coi đây là căn cứ quan trọng để thấy được biến động tài chính khi có dấu hiệu vi phạm. Mặt khác, cơ quan đề đạt, bổ nhiệm cũng phải chịu trách nhiệm xác minh tính trung thực của việc kê khai tài sản.
“Nếu kê khai mà không xác minh, thì không giải quyết được, nên cần kê khai phải xác minh, chốt lại số tài sản là bao nhiêu. Mà quy định thủ trưởng cơ quan khi có dấu hiệu, đơn thư mới xác minh là chưa ổn. Cần xem lại cho chặt chẽ, cho hợp lý quá trình kê khai tài sản” - ông Hoàng Văn Hùng cho biết.
Thực tế cho thấy, quá trình kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức trong một thời gian dài chỉ là phần tài sản “nổi”, còn phần tài sản “chìm” thì khó có thể xác định. Vì vậy, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp và gặp nhiều khó khăn.
Năm 2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) thống kê, các vụ án tham nhũng đã gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng, thu hồi được 100 tỷ đồng, trên 300.000 USD, kê biên 4 căn nhà và 1 căn hộ chung cư.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, hiện nay đang nổi lên những vụ án trong lĩnh vực ngân hàng. Năm 2017 cần bóc được các loại án, vi phạm nào gắn với án nào là chủ yếu, khó khăn gì trong thu hồi tài sản tham nhũng, từ đó phổ biến cho cơ quan tố tụng, tập huấn cho người làm án, giải quyết vụ việc có kiến thức, kinh nghiệm nhất định, thì thu hồi sớm, ngăn chặn mới tốt được.
Từ năm 2013, Nghị định số 78 của Chính phủ quy định về minh bạch tài sản, thu nhập là để phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng. Thế nhưng, việc kê khai tài sản liệu có trung thực vẫn đang dấu hỏi lớn không chỉ đổi với người dân mà ngay cả trong giới chuyên môn.
Để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng kịp thời, hiệu quả, cần phải nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc kê khai tài sản cá nhân, cán bộ công chức, đối tượng thuộc diện phải kê khai, bởi hầu hết các vụ án tham nhũng lớn đều liên quan đến tài sản.
Mặt khác, các Bộ, ngành địa phương cũng cần sớm hoàn thiện các quy định, cơ chế về kê khai và công khai, kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức, viên chức một cách thiết thực, tránh hình thức. (Báo Mặt Trận 18/9) đầu trang(

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) với ĐVTN bắt đầu từ những việc: trau dồi kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin (CNTT) và ngoại ngữ. Nếu trang bị đủ những điều trên, bạn đã sẵn sàng tâm thế bước vào cuộc cách mạng…đó là ý kiến hiến kế cho Đoàn của anh Hoàng Minh Tiến, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về cuộc CMCN 4.0; về bản chất, đặc trưng, các cơ hội - thách thức và hơn hết sự cần thiết tuổi trẻ Việt Nam cần bắt nhịp, lên được con thuyền mang tên cuộc CMCN 4.0. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Theo tôi, vai trò tham gia của ĐVTN là hết sức quan trọng bởi đây là đội ngũ rộng khắp các trường học, Bộ, Ban, ngành T.Ư trực tiếp triển khai, áp dụng thành quả của cuộc cách mạng.
Theo chỉ số phát triển Chính phủ điện tử công bố tháng 7/2016 (giai đoạn 2013-2015) của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp hạng thứ 89 trong 193 quốc gia, vùng lãnh thổ, được đánh giá thuộc nhóm trung bình. Việc này đồng nghĩa với CNTT chưa được ứng dụng triệt để nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp và chưa gắn kết, hỗ trợ một cách hữu hiệu cho công cuộc cải cách hành chính nói chung và nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính nói riêng.
Hiện Internet, điện thoại thông minh trở nên phổ biến, một người có thể dành tới nhiều giờ mỗi ngày lướt qua các trang tin, ứng dụng mạng xã hội trực tuyến. Việc sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc là kỹ năng cơ bản của công nghệ thông tin, cần trở thành một thói quen trong cán bộ, công chức, viên chức trẻ làm việc trong cơ quan nhà nước, trước hết là để tiết kiệm thời gian xử lý công việc, giảm giấy tờ hành chính.
Ứng dụng CNTT một cách hiệu quả trong các cơ quan Nhà nước là việc rất khó vì điều này thay đổi thói quen làm việc, công khai, minh bạch thông tin giải quyết công việc… Nhưng là việc cấp thiết, giải pháp căn cơ của cải cách hành chính, của xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Vì vậy, hơn ai hết, tuổi trẻ phải là những cá nhân xung kích, tiên phong trong công tác ứng dụng CNTT từ việc nhỏ như sử dụng thư điện tử cho tới việc lớn như đề xuất, đưa vào triển khai các giải pháp, sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải tiến quy trình, nâng cao hiệu quả xử lý công việc. Và điều này bắt đầu từ việc mỗi người trẻ chủ động trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cơ bản về CNTT.
Việt Nam không ngừng hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực, kỹ năng ngoại ngữ là chìa khóa để mỗi ĐNTN mở cánh cửa hội nhập.Việc đào tạo kiến thức, kỹ năng ngoại ngữ đã được quan tâm tại các cấp từ THCS, THPT, CĐ-ĐH, tuy nhiên trong công việc cần trau dồi, duy trì. Việc này tưởng là rất nhỏ nhưng thực sự lại rất khó làm vì trong công việc hàng ngày, không phải ai cũng có cơ hội được tiếp xúc, sử dụng ngoại ngữ một cách thường xuyên. Trước thềm Đại hội Đoàn Khối các cơ quan T.Ư lần thứ III, tôi nghĩ rằng công tác Đoàn trong Khối các cơ quan T.Ư cần đưa ra được các giải pháp, các sáng kiến tổ chức hoạt động để khắc phục được phần nào thực tiễn khách quan này.
Tôi đề xuất tổ chức các cuộc thi, lớp học tiếng Anh để bồi dưỡng, nâng cao khả năng đọc, viết, nghe - nói của các nhóm thanh niên… Trong suốt chặng đường vừa qua, ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng thực sự là chìa khóa, công cụ không thể thiếu. Cuộc sống có nhiều thứ khiến chúng ta phải bận tâm, từ công việc cho tới gia đình, bạn bè, sở thích cá nhân…
Nhưng nếu buộc lựa chọn hành trang mang theo mình, tôi chọn 3 điều: Tuổi trẻ, CNTT và tiếng Anh. Chắc chắn rằng tuổi trẻ ai cũng qua đi, nhưng 2 hành trang còn lại sẽ theo tôi suốt cuộc đời, cho dù vị trí công việc, cuộc sống như thế nào đi nữa và đây là chìa khoá quan trọng để đưa những người trẻ sẵn sàng tâm thế bước vào cuộc cách mạng 4.0. (Tiền Phong 19/9) đầu trang(
Thực hiện cải cách hành chính tại Sở Y tế TP.HCM, trong đó trọng tâm là cải cách hành chính trong việc cung cấp các dịch vụ công trong hoạt động cấp phép của Sở Y tế, năm 2016 Sở Y tế đã đăng ký triển khai 18 dịch vụ công trực tuyến.
18 dịch vụ công trực tuyến được đăng ký triển khai bao gồm 15 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong lĩnh vực Dược -  Mỹ phẩm và lĩnh vực Khám, chữa bệnh, đặc biệt đã triển khai 03 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực Trang thiết bị y tế.
Dịch vụ công trực tuyến đã mang lại rất nhiều tiện ích cho các tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia, đặc biệt là tiện lợi trong giao dịch và tiết kiệm về mặt thời gian.
Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng.
Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Còn dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến.
Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Mặt khác, thông qua việc triển khai dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 lãnh đạo cơ quan có thể giám sát được quy trình xử lý hồ sơ công việc, thời gian xử lý hồ sơ của từng bộ phận, chuyên viên góp phần làm tăng trách nhiệm của các cơ quan cung cấp dịch vụ cũng như cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong lĩnh vực Dược -  Mỹ phẩm và lĩnh vực Khám, chữa bệnh tại Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh của các cơ sở hành nghề còn rất thấp, mà nguyên nhân chính là do công tác thông tin, truyền thông, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Sở Y tế còn hạn chế vì thế cơ sở hành nghề chưa tiếp cận được dịch vụ này.
Do vậy trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ triển khai đồng loạt nhiều hoạt động nhằm tăng tỉ lệ cơ sở hành nghề sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Sở Y tế như tăng cường các hoat động thông tin, truyền thông, hướng dẫn qua cổng thông tin điện tử Sở Y tế, qua giới thiệu trực tiếp tại phòng tiếp nhận hồ sơ, triển khai hoạt động tư vấn, hỗ trợ tại văn phòng Sở đối với các cơ sở hành nghề có nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Infonet 18/9) đầu trang(

KINH TẾ
Tiêu thụ và giá bán cá, tôm nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong xu hướng tăng, có lợi cho người nuôi. Điều này, được xác định là do nhu cầu của thị trường xuất khẩu đang khá tích cực.
Đối với mặt hàng cá tra, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm Hợp tác xã thủy sản huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết, cá tra nguyên liệu “size" nhỏ (trọng lượng 0,8-0,9 kg/con), thịt trắng được doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tìm mua với mức giá 26.000-27.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với mức giá cách nay khoảng 1 tháng.
Còn đối với cá tra nguyên liệu "size" lớn, trọng lượng trên 1 kg/con hiện cũng có giá 24.500-25.000 đồng/kg, tăng 2.000-2.500 đồng/kg so với mức giá cách nay khoảng 1 tháng.
Trong khi đó, đối với mặt hàng tôm nguyên liệu, giá bán đang có xu hướng tăng và nhiều khả năng sẽ còn tăng tiếp trong những tháng cuối năm nay.
Ông Võ Hồng Ngoãn, người được mệnh danh là “vua tôm”, ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cho biết, tôm sú loại 20 con/kg có giá 300.000 đồng/kg đối với trường hợp bán tôm sống (tôm chạy ô-xi) và có giá 270.000-280.000 đồng/kg đối với trường hợp bán tôm đông lạnh; loại 30 con/kg có giá 250.000 đồng đối với bán tôm sống và khoảng 240.000 đồng/kg đối với bán tôm đông lạnh, tăng 5.000-10.000 đồng/kg so với mức giá cách nay nửa tháng.
Với tôm thẻ chân trắng, ông Nguyễn Văn Hậu, ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết, tôm loại 100 con/kg có giá 103.000 đồng/kg; loại 70 con/kg có giá 120.000 đồng/kg; loại 60 con/kg là 125.000 đồng/kg; loại 50 con/kg là 130.000 đồng/kg; loại 40 và 30 con/kg lần lượt có giá 147.000 đồng/kg và 165.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với mức giá cách nay nửa tháng.
Lý giải nguyên nhân khiến giá tôm tăng và được duy trì ở mức cao, theo ông Ngoãn, do vụ tôm hiện đang bước vào mùa nghịch, nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ ở nhiều thị trường đang tăng, nhất là vào dịp cuối năm.
Đối với mặt hàng cá tra, theo ông Nguyên, sức tiêu thụ ở một số thị trường luôn chính duy trì ổn định cũng giúp việc tiêu thụ cá nguyên liệu khả quan.
Thực tế, báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đối với mặt hàng tôm, tính đến cuối tháng 7-2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 383,8 triệu đô la Mỹ, tăng 35,2% so với cùng kỳ; sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 380,6 triệu đô la Mỹ, tăng 20,5%; sang Trung Quốc đạt 348,4 triệu đô la Mỹ, tăng 106,3%.
Riêng sang thị trường Mỹ đạt 344,7 triệu đô la Mỹ, giảm 5,5%, nhưng theo dự báo của VASEP, tình hình xuất khẩu sang Mỹ sẽ được cải thiện trong những tháng còn lại của năm 2017.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 5,13 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2017 và chiếm đến 55,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.
Theo dự báo của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, 4 tháng cuối năm 2017, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu khẩu thủy sản Việt Nam sẽ đạt 2,7-2,8 tỉ đô la Mỹ, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2017 đạt 8-8,1 tỉ đô la Mỹ.
Về tình hình thả nuôi, thu hoạch cá tra và tôm, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến cuối tháng 8-2017, diện tích nuôi cá tra đạt 4.746 héc ta, tăng 1,9% so với cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 8 tháng đầu năm 2017 đạt trên 815.000 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong khi đó, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước 8 tháng đầu năm ước đạt trên 679.000 héc ta, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng thu hoạch đạt trên 363.000 tấn tăng 21,4%. (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 18/9) đầu trang(

PHÁP LUẬT
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết đã ra quyết định truy nã 3 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng OceanBank chi nhánh Hải Phòng (OceanBank Hải Phòng).
3 đối tượng bị truy nã gồm: Trần Thị Kim Chi (43 tuổi, trú tại đường Cầu Đất, phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, nguyên Giám đốc OceanBank Hải Phòng); Lê Vương Hoàng (36 tuổi, trú tại đường Hai Bà Trưng, phường An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, nguyên Kiểm soát viên OceanBank Hải Phòng); Nguyễn Thị Minh Huệ (35 tuổi, trú tại đường Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, nguyên cán bộ OceanBank Hải Phòng). Cả 3 được cơ quan Công an xác định bỏ trốn tháng 9/2017.
Đề nghị ai biết thông tin về các đối tượng nêu trên thì báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ với Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, địa chỉ số 40 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội theo số điện thoại 069.2341.544 và 069.2342431.
Cơ quan An ninh điều tra yêu cầu 3 đối tượng nêu trên sớm ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Trước đó, hàng chục khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng OceanBank chi nhánh Hải Phòng hốt hoảng khi phát hiện nhiều sổ tiết kiệm của mình "không khớp" trong hệ thống dẫn tới việc họ không thể rút tiền.
Con số thống kê tại buổi đối thoại gần nhất diễn ra ngày 15/9 giữa các khách hàng với lãnh đạo Ngân hàng OceanBank cho thấy có 24 người có sổ tiết kiệm bị "báo lỗi" với số tiền ước tính khoảng 500 tỉ đồng.
Liên quan đến vụ việc, phía Ngân hàng OceanBank cũng đã ra thông báo chính thức về vi phạm của một số cá nhân tại chi nhánh Hải Phòng liên quan đến số tiền lớn của nhiều cá nhân gửi tiết kiệm tại đây, tuy nhiên không được hạch toán trên hệ thống.
Qua công tác kiểm tra, giám sát nội bộ OceanBank đã phát hiện được dấu hiệu vi phạm về nghiệp vụ huy động tiền gửi tiết kiệm khi thông tin trên thẻ tiết kiệm không khớp với thông tin được hạch toán trong hệ thống corebanking về tên người gửi và số tiền gửi.
Trong khi đó, các cá nhân Trần Thị Kim Chi, Nguyễn Thị Minh Huệ và Lê Vương Hoàng đã không đến chi nhánh làm việc. Bên ngân hàng đã nhiều lần gọi điện thoại cho 3 cá nhân này nhưng vẫn không được.
Nhận thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật, OceanBank đã có văn bản tố giác tội phạm gửi tới Bộ Công an; văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Đại Dương và các cơ quan chức năng. (Công Lý 19/9) đầu trang(

MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
Tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm du lịch vùng Bắc Trung Bộ với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm nét văn hóa Nghệ An, môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện. Theo đó, Nghệ An chủ trương phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp và chất lượng cao, đa dạng và đặc sắc, trọng tâm là du lịch biển - đảo, du lịch văn hóa lịch sử gắn với tâm linh, du lịch sinh thái.
Ngoài ra, tỉnh chú ý phát triển các loại hình du lịch có điều kiện thuận lợi như du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch di sản, nông nghiệp - nông thôn. Tỉnh từng bước xây dựng Khu du lịch Kim Liên thành khu du lịch quốc gia; xây dựng thị xã Cửa Lò xứng tầm đô thị du lịch biển xanh, sạch, đẹp; xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Nghệ An, nhất là dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Tỉnh sẽ hình thành các tua du lịch gắn kết và phát huy hiệu quả các điểm tham quan, nghỉ dưỡng, các sản phẩm du lịch độc đáo, các cơ sở dịch vụ du lịch có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của du khách.
Từ đầu năm đến nay, tổng lượt khách lưu trú tại Nghệ An đạt 3,14 triệu lượt người, tăng 36,2% so với cùng kỳ; doanh thu từ các dịch vụ trong các cơ sở lưu trú du lịch đạt hơn 2.425 tỷ đồng, tăng 41,3% so cùng kỳ. (Nhân Dân 19/9) đầu trang(

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
Báo cáo “Tiền lương và năng suất ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố gần đây đã nhận được những ý kiến trái chiều bởi chính vấn đề được đặt ra. Một bên cho rằng không thể (hoặc chưa cần) tăng lương tối thiểu khi mà năng suất lao động vẫn quá thấp. Bên kia lại cho rằng tăng lương tối thiểu không phụ thuộc vào năng suất, vì đủ sống thì mới có năng suất. Câu chuyện không mới nhưng vẫn là vấn đề cần thiết phải được đặt ra.
Những người chủ trương phải tăng năng suất lao động mới tăng lương tối thiểu có những lý lẽ của riêng mình. Theo Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Fujita Yasuo, tăng lương nhưng năng suất lao động không tăng tương ứng sẽ làm tăng chi phí của các doanh nghiệp, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Không phủ nhận việc tăng lương tối thiể nhưng theo vị chuyên gia này thì việc điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động.
Đưa ra giải pháp, ông Fujita Yasuo cho rằng, thay vì tính lương tối thiểu theo tháng, Việt Nam nên dần chuyển sang hệ thống tính theo giờ. Điều này đảm bảo rằng những người làm việc theo giờ hoặc theo ngày công có thể hưởng đầy đủ các quyền lợi của họ, đồng thời cho phép các nhà tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động.
Ở cách tiếp cận tương tự, ông Nguyễn Đức Thành- viện trưởng VEPR cho rằng việc tăng lương tối thiểu không đúng với tăng năng suất lao động không chỉ kìm hãm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới người lao động. Ông Thành dẫn chứng, giai đoạn 2004-2015, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam trung bình đạt 4,4%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương  (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động. “Mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế”- theo ông Thành.
Không ít chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo việc tăng lương tối thiểu không hợp lý sẽ dẫn tới chỗ “buộc” doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Điều này đã diễn ra trong thực tế khi mà giới chủ siết lại chi phí thì gần như việc đầu tiên họ làm là sa thải lao động. Như vậy, số người làm ít đi, tiền chi phí giảm xuống và những người còn lại buộc phải làm việc nhiều hơn nếu không muốn mất việc. Lập luận mang tính cơ bản của việc không muốn (hoặc trì hoãn) tăng lương tối thiểu cho rằng, lương là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở năng suất lao động, có nghĩa là nó chỉ tăng lên khi năng suất lao động tăng lên một cách tỉ lệ thuận.
Ở chiều ngược lại, ý kiến của người lao động cũng như tổ chức bảo vệ quyền lợi cho họ là Tổng liên đoàn lao động thì cho rằng phải tăng lương tối thiểu để bảo đảm cuộc sống của người lao động, thì mới có thể tăng năng suất lao động bền vững. Theo ông Mai Đức Chính- Phó Tổng LĐLĐVN, nguồn nhân lực yếu vì “thiếu chất” thì khó tăng được năng suất. Ông Chính cho rằng, đang có sự nhầm lẫn hai khái niệm lương tối thiểu với tốc độ tăng lương tối thiểu. Tiền lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống của người lao động.
Khảo sát của Tổng LĐLĐVN cho thấy, chỉ có 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% người lao động là có thể có tích lũy từ thu nhập. Ông Chính cũng chỉ ra rằng, hiện các doanh nghiệp đang duy trì 2 bảng lương: một bảng lương tối thiểu để đóng bảo hiểm xã hội; hai là bảng lương gồm tổng thu nhập. Họ làm như vậy để trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, và cũng chính vì thế nên giới chủ sợ tăng lương tối thiểu (vì phải đóng tiền nhiều hơn).
Ở đây, câu chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước” là rất rõ ràng. Hai yếu tố lương và năng suất liên quan chặt chẽ với nhau và bên nào cũng có cái lý của mình, trên cơ sở một bên muốn chi phí ít hơn (giới chủ) còn một bên muốn được trả công cao hơn (người lao động). Giới chủ đòi hỏi người lao động phải tăng năng suất. Người lao động đòi hỏi giới chủ trả công cao hơn. Vậy, bên nào sẽ đi bước trước?
Câu trả lời không hề đơn giản. Giới chủ bảo vệ quyền lợi của họ cũng là lẽ đương nhiên còn người lao động đòi hỏi thu nhập cũng là việc tất nhiên. Tìm được tiếng nói chung, đi tới sự thỏa thuận là điều rất cần thiết. Nhiều cuộc đình công tự phát thời gian qua ở nhiều xí nghiệp, nhà máy cho thấy vấn đề cần phải được giải quyết triệt để, trên cơ sở một hành lang pháp lý rõ ràng và đủ mạnh. Đáng tiếc là trong những tranh chấp chủ-thợ ấy, người ta nhận thấy vai trò của công đoàn- đại diện cho người lao động rất mờ nhạt, trong nhiều trường hợp công đoàn lại đứng về phía giới chủ chứ không bảo vệ người lao động.
Giới chủ không muốn tăng lương và nếu buộc phải tăng lương thì sẽ sa thải người. Lý do đưa ra không khác gì sự đe dọa khiến người ta sợ hãi. “Điệp khúc” ấy được nhắc đi nhắc lại không chỉ trước mỗi thời hạn tăng lương tối thiểu, mà nó lơ lửng hàng ngày trên đầu người lao động. Nhưng, ở góc nhìn khác, thì người lao động cũng không thể cứ mãi tận dụng “vũ khí cuối cùng” của họ là sự đình công để ép giới chủ.
Những cuộc đình công tự phát thời gian qua cho thấy đều vi phạm pháp luật, gây nên sự căng thẳng xã hội. Đã đến lúc cùng với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì người lao động cũng cần phải được giải thích, phân tích rõ ràng hơn về trách nhiệm. Không ít người lao động ở các khu công nghiệp tay nghề thấp, kĩ năng làm việc yếu kém, trách nhiệm với công việc không cao- dẫn đến năng suất lao động thấp, làm thiệt hại cho giới chủ và cũng thiệt hại cho chính họ.
Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện theo hướng tăng đều qua các năm. Chẳng hạn giai đoạn năm 2011-2016 lần lượt là 55,2 triệu đồng/người vào 2011; 63,1 triệu đồng/người vào 2012; 68,7 triệu đồng/người vào 2013; 74,7 triệu đồng/người vào 2014; 79,4 triệu đồng/người vào 2015; và 84,5 triệu đồng/người vào 2016. Tuy nhiên, đây mới là điều đáng nói, năng suất lao động bình quân của người Việt Nam vẫn đang ở mức rất thấp so với một số nước ngay trong khu vực.
Vẫn theo Tổng cục Thống kê, năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore. Có nghĩa là mỗi người Singapore làm việc có năng suất bằng 23 người Việt Nam cộng lại. Năng suất lao động của người Việt Nam cũng chỉ bằng 17,4% của người Malaysia, 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia.
Vì thế mới nói, việc tăng lương tối thiểu và tăng năng suất vẫn đang cần một lời giải thỏa đáng. (Đại Đoàn Kết 16/9) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Đó là khẩu hiểu mà hàng nghìn người dân ở Thủ đô Tunis (Tunisi) mang theo trong cuộc biểu tình diễn ra cuối tuần qua, nhằm phản đối Luật Ân xá cho những đối tượng tham nhũng, mà Hạ viện nước này vừa thông qua.
"Chúng tôi kịch liệt phản đối việc "xóa án" cho những đối tượng tham nhũng. Luật Ân xá cho những công chức díu líu tới tham nhũng, dù dưới thời cựu Tổng thống Ben Ali, hay dưới bất cứ chế độ nào, cũng không thể chấp nhận được", một người biểu tình gay gắt phản đối.
"Giờ là thời đại của dân chủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình phản đối Luật Ân xá này cho đến khi nó bị hủy bỏ. Chúng tôi đang phối hợp với ít nhất 35 nghị sĩ của các đảng đối lập để tiến hành lấy ý kiến nhằm phản đối và yêu cầu bãi bỏ Luật Ân xá cho những đối tượng tham nhũng", Sabra Chraifa, đại diện Phong trào Manich Msameh (còn gọi là Phong trào "Không tha thứ", đơn vị đứng ra tổ chức cuộc biểu tình phản đối dự luật ân xá tham nhũng) cho biết thêm.
Còn Hamma Hammami, lãnh đạo Mặt trận Nhân dân thì lên tiếng chỉ trích Tổng thống đương nhiệm khi đề xuất Hạ viện thông qua Luật Ân xá cho những đối tượng tham nhũng. "Tổng thống đương nhiệm Tunisi đang đi ngược lại với cuộc cách mạng dân chủ. Người dân xuống đường biểu tình ngày hôm nay, đông và quyết liệt như trước khi diễn ra cuộc cách mạng dân chủ ở Tunisi, là bởi vì họ không thể im lặng trước hệ thống tham nhũng tiếp tục lan tràn ở đất nước này. Luật Ân xá đang đưa Tunisi trở về quá khứ. Điều đó là không thể", lãnh đạo Mặt trận Nhân dân tuyên bố. (Thanh Tra 19/9) đầu trang(./.