Xem ngày trước
BẢN TIN TỔNG HỢP
Xem ngày kế tiếp

Ngày 19 tháng 05 năm 2017
CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
TIÊU ĐIỂM
QUẢN LÝ
NHÂN SỰ MỚI
THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
KINH TẾ
MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
NHÌN RA THẾ GIỚI

CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Ngay sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 diễn ra sáng nay (17/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vừa ký Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Chỉ thị nêu rõ, qua theo dõi tình hình và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp thấy rằng, hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế, còn những vụ việc gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp; sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ; thời gian thanh tra kéo dài; nội dung tranh tra chưa rõ ràng, có khi vượt ra ngoài thẩm quyền quản lý; chậm ban hành kết luận thanh tra, chưa làm rõ được dấu hiệu vi phạm, kiến nghị xử lý chưa cụ thể…
Chỉ thị 20 cũng chỉ ra rằng, thực trạng nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên là sự phân công giữa các bộ, ngành ở Trung ương và sự phân cấp, ủy quyền giữa các Bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương chưa rõ ràng.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nói trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc quán triệt và chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành...; tập trung chỉ đạo khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp;
Trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên.
Đồng thời chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra đã phê duyệt; nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao; chủ động kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch thanh tra khi cần thiết theo hướng không làm tăng số cuộc thanh tra; ban hành kết luận thanh tra phải đúng thời hạn theo quy định.
Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm. Người ra quyết định thanh tra, kiểm tra; trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra; công chức thanh tra chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kết luận, làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm và việc xử lý đối với cá nhân, tổ chức có liên quan theo các dấu hiệu đã được xác định là căn cứ để ra quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất. Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Trường hợp phát hiện thấy nội dung, phạm vi thanh tra có chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra khác hoặc Kiểm toán nhà nước, Thủ trưởng cơ quan tiến hành thanh tra phải báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp, cơ quan thanh tra cấp trên và cơ quan, đơn vị có liên quan để có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước của mình; kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp theo thẩm quyền về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra; xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.
Tổng Thanh tra Chính phủ phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra theo thẩm quyền; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.
Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra và các cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp; quyết định thanh tra, kiểm tra thiếu căn cứ, không ban hành được kết luận thanh tra, kiểm tra theo các dấu hiệu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này, thường xuyên thông báo và định kỳ hàng quý báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 17/5) đầu trang(
Nghị định số 59/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định 3 đối tượng phải đăng ký và đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen.
3 đối tượng phải đăng ký và đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen gồm: 1- Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại; 2- Tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu tiếp cận nguồn gen trên lãnh thổ Việt Nam vì bất cứ mục đích nào; 3- Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu đưa nguồn gen được tiếp cận ra nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại Điều 20 Nghị định này.
Đối tượng là cá nhân đăng ký và đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen quy định ở trên phải đáp ứng các yêu cầu sau:
1- Có bằng cấp chuyên môn (từ đại học trở lên) về một trong các lĩnh vực: sinh học, công nghệ sinh học, dược học và khoa học nông nghiệp;
2- Là thành viên của tổ chức khoa học và công nghệ đang hoạt động theo quy định pháp luật của quốc gia nơi tổ chức được thành lập trong các lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học, dược học, khoa học nông nghiệp và được tổ chức này bảo lãnh bằng văn bản.
Khi có nhu cầu tiếp cận nguồn gen, các đối tượng trên phải thực hiện các bước sau:
1- Đăng ký tiếp cận nguồn gen với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
2- Thỏa thuận và ký Hợp đồng với Bên cung cấp;
3- Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận Hợp đồng;
4- Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
5- Cung cấp thông tin, tài liệu bổ sung; hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen.
Bị thu giấy phép nếu sử dụng nguồn gen gây hại
Nghị định quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen đối với nguồn gen của giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản và giống cây lâm nghiệp. Các trường hợp khác do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen.
Nghị định quy định rõ Giấy phép tiếp cận nguồn gen bị thu hồi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện một trong các trường hợp sau:
1- Tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin giả mạo để được cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen;
2- Hoạt động tiếp cận và sử dụng nguồn gen gây hại con người, môi trường, an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia của Việt Nam;
3- Tiến hành hoạt động tiếp cận và sử dụng nguồn gen ngoài phạm vi được cấp phép;
4- Các trường hợp vi phạm khác theo quy định của pháp luật. (Công An Nhân Dân 18/5) đầu trang(
Thông tư 40/2017/TT-BTC do Bộ Tài Chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Hàng loạt các mức công tác phí, phụ cấp lưu trú, thanh toán theo thực tế, thanh toán công tác phí theo tháng...mới được ban hành theo hướng tăng thêm.
Thông tư 40/2017/TT-BTC quy định đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định của pháp luật làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Ngoài ra, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khi tham gia hoạt động của Hội đồng nhân dân cũng là đối tượng được áp dụng quy định của Thông tư này.
Thông tư 40/2017/TT-BTC quy định, phụ cấp lưu trú là khoản tiền hỗ trợ thêm cho người đi công tác ngoài tiền lương do cơ quan, đơn vị cử người đi công tác chi trả, được tính từ ngày bắt đầu đi công tác đến khi kết thúc đợt công tác trở về cơ quan, đơn vị (bao gồm thời gian đi trên đường, thời gian lưu trú tại nơi đến công tác).
Mức phụ cấp lưu trú để trả cho người đi công tác: 200.000 đồng/ngày.
Trường hợp đi công tác trong ngày (đi và về trong ngày) thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức phụ cấp lưu trú theo các tiêu chí: Căn cứ theo số giờ thực tế đi công tác trong ngày, theo thời gian phải làm ngoài giờ hành chính (bao gồm cả thời gian đi trên đường), quãng đường đi công tác và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú: 250.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo (áp dụng cho cả những ngày làm việc trên biển, đảo, những ngày đi, về trên biển, đảo).
Trường hợp một số ngành đặc thù đã được cấp có thẩm quyền quy định về chế độ chi bồi dưỡng khi đi công tác trên biển, đảo thì được chọn chế độ quy định cao nhất (phụ cấp lưu trú hoặc chi bồi dưỡng) để chi trả cho người đi công tác.
Trong đó, thanh toán theo hình thức khoán:
Cấp lãnh đạo cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên, mức khoán: 1.000.000 đồng/ngày/người, không phân biệt nơi đến công tác;
Đối với các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn lại: Đi công tác ở quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh, mức khoán: 450.000 đồng/ngày/người. Đi công tác tại huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, tại thị xã, thành phố còn lại thuộc tỉnh, mức khoán: 350.000 đồng/ngày/người. Đi công tác tại các vùng còn lại, mức khoán: 300.000 đồng/ngày/người… (Dân Trí 18/5) đầu trang(
Ngày 18/5/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký ban hành Quyết định số 676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 - 2020.
Đề án nhằm cụ thể hóa Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020, có 30% số huyện được lập quy hoạch xây dựng vùng huyện.
Một trong những điểm đáng chú ý là Đề án định hướng xây dựng các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện. Cụ thể, hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất cấp huyện gắn với các thị trấn, trung tâm cụm xã, các cụm công nghiệp... đảm bảo phục vụ cho tiểu vùng trong huyện nhằm phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, gắn với vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn trong tiểu vùng. (Đấu Thầu 19/5) đầu trang(
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định về chi phí phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ.
Theo dự thảo, chi phí liên quan đến tổ chức phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc lãi trái phiếu Chính phủ bao gồm: Chi phí tổ chức phát hành, hoán đổi, mua lại trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước; chi phí tổ chức dịch vụ đấu thầu tín phiếu kho bạc tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; chi phí trả cho dịch vụ đấu thầu phát hành trái phiếu, dịch vụ đấu thầu mua lại trái phiếu của sàn giao dịch chứng khoán (SGDCK); chi phí chi trả cho dịch vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu; chi phí chi trả cho dịch vụ đại lý phát hành trái phiếu…
Dự thảo đề xuất giá dịch vụ đấu thầu phát hành, giá dịch vụ đấu thầu mua lại trả cho SGDCK như sau: 0,025% giá trị danh nghĩa trái phiếu phát hành theo phương thức đấu thầu được thanh toán cho SGDCK, nhưng tối đa không quá 500.000.000 Việt Nam đồng/phiên đấu thầu (bao gồm cả phiên gọi thầu bổ sung nếu có); 0,0075% giá mua lại trái phiếu Chính phủ theo phương thức đấu thầu được thanh toán cho SGDCK, nhưng tối đa không quá 150.000.000 Việt Nam đồng/phiên đấu thầu.
Giá dịch vụ đại lý thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ trả cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) được đề xuất là: 0,02% giá trị gốc, lãi trái phiếu Chính phủ thực hiện thanh toán được chi trả cho VSD, nhưng tối đa không quá 400.000.000 Việt Nam đồng/lần thanh toán gốc, lãi của một mã trái phiếu; 0,01% giá trị tín phiếu thực thanh toán được chi trả cho VSD nhưng tối đa không quá 200.000.000 Việt Nam đồng/lần thanh toán gốc, lãi của một mã tín phiếu.
Dự thảo cũng đề xuất về chi phí cho dịch vụ bảo lãnh phát hành, dịch vụ đại lý phát hành. Theo đó chi phí cho dịch vụ bảo lãnh phát hành, dịch vụ đại lý phát hành được thanh toán theo mức sau: Tối đa 0,1% giá trị danh nghĩa trái phiếu phát hành theo phương thức bảo lãnh được thanh toán cho tổ chức bảo lãnh chính; tối đa 0,1% giá trị danh nghĩa trái phiếu phát hành theo phương thức đại lý được chi trả cho đại lý phát hành. (Báo Chính Phủ 18/5) đầu trang(

TIÊU ĐIỂM
Theo phóng viên TTXVN tại Alger, ngày 19/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 127 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2017).
Trước đó, Đại sứ Phạm Quốc Trụ đã cùng cộng đồng người Việt Nam tại dâng hương tại bàn thờ Bác tại Đại sứ quán Việt Nam.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Việt Nam tại Algeria Phạm Quốc Trụ đã điểm lại thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ từ khi Bác ra đi tìm đường cứu nước; vai trò và ảnh hưởng của Bác trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống đế quốc, thực dân cũng như phong trào công nhân quốc tế.
Đại sứ Phạm Quốc Trụ đã ôn lại và tri ân những công lao to lớn của Bác, đối với dân tộc, với Đảng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc kiến thiết đất nước sau này, và nhấn mạnh đến tư tưởng Hồ Chí Minh trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng hòa bình.
Đại sứ Phạm Quốc Trụ khẳng định với những tư tưởng độc đáo, chiến lược mang bản sắc Hồ Chí Minh, những đức tính và trí tuệ vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tiếp tục là tấm gương sáng cho toàn thể nhân dân Việt Nam noi theo, là nền tảng vững chắc cho dân tộc Việt Nam tiếp tục giành những thành tựu lớn lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc xãhội chủ nghĩa trong thời gian tới.
Đại sứ Phạm Quốc Trụ cũng đã kêu gọi cộng đồng người Việt Nam tại Algeria học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác và phát huy truyền thống đấu tranh của nhân dân ta để xây dựng một nước Việt Nam văn minh, thịnh vượng, hòa bình và ổn định trong bối cảnh mới trên trường quốc tế và trong khu vực.
Nhân dịp này, các đại biểu cũng đã cùng chia sẻ những tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những kinh nghiệm và phấn đấu rèn luyện của mỗi cá nhân theo gương đạo đức Hồ Chí Minh. (Tin Tức 19/5) đầu trang(

QUẢN LÝ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về nguồn vốn tín dụng trong nước để đầu tư xây dựng Dự án cao tốc Bắc - Nam.
Phó Thủ tướng giao các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp thu xếp vốn để triển khai dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam; đồng thời thực hiện các biện pháp có hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Mục tiêu chính và yêu cầu đối với Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là hình thành tuyến đường bộ cao tốc đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn; kết nối các trung tâm kinh tế, xã hội từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, qua 20 tỉnh, thành phố; kết nối các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, cảng biển nhằm phát triển kinh tế - xã hội những khu vực có đường cao tốc chạy qua nói riêng và cả đất nước nói chung; giảm thiểu áp lực và khai thác có hiệu quả hơn tuyến Quốc lộ 1; phù hợp với nguồn lực của đất nước, định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải. (Dân Việt 18/5) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng.
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc lập và trình phê duyệt nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng theo đúng quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng, bảo đảm đồng bộ với các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, văn hóa xã hội... của đồ án điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng.
Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng.
Trước đó, Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013.
Tuy nhiên, nhằm bảo đảm tính định hướng của Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH và tính đồng bộ với quy hoạch chung và các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của thành phố, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, đồng thời bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Dân Trí 19/5) đầu trang(

NHÂN SỰ MỚI
Bộ Công Thương đã hoàn thiện xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ theo hướng tinh gọn, tránh cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trước đòi hỏi ngày càng cao của xã hội cũng như đáp ứng được yêu cầu tổ chức quản lý trong tình hình mới, tập trung vào mục tiêu kiện toàn bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo hướng tinh gọn, tránh cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, Bộ Công Thương đã hoàn thiện xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ thay thế Nghị định 95/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương để trình Chính phủ.
Theo đó, các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong cơ cấu tổ chức của Bộ dự kiến sẽ sắp xếp, thu gọn được 5 đơn vị (còn 30 đơn vị so với 35 đơn vị hiện hành).
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang được giao quản lý 11 viện nghiên cứu, 35 trường đào tạo trực thuộc Bộ, không kể các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty  Nhà nước thuộc Bộ. Để thực hiện sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, Bộ Công Thương đang tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại các trường đào tạo thuộc Bộ theo nguyên tắc sắp xếp, đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các cơ sở đào tạo.
Việc sắp xếp nhằm tập trung nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công thương, góp phần thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển nhân lực ngành, các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp và thương mại được ưu tiên phát triển; tinh gọn đầu mối quản lý, giao tối đa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo; tổ chức lại hệ thống các cơ sở đào tạo trên cơ sở chọn các trường có thế mạnh về đào tạo và nghiên cứu khoa học làm hạt nhân, mở rộng hoạt động của các trường này thông qua việc tiếp nhận các trường khác theo hình thức sáp nhập, lập phân hiệu phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với viện nghiên cứu thuộc Bộ, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, Bộ đã và đang thực hiện thí điểm cổ phần hóa một số viện nghiên cứu đủ điều kiện theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở đó sẽ tổng kết, đánh giá và đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, xã hội hóa hoạt động của các viện nghiên cứu.
Ngoài ra, cùng với việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, Bộ đã xây dựng phương án tổ chức, bố trí sắp xếp nhân sự, bảo đảm sử dụng có hiệu quả nhất cơ cấu biên chế công chức trong quá trình sắp xếp bộ máy, bảo đảm khách quan, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức của Bộ.
Trong công tác cán bộ, chú trọng, ưu tiên bố trí, sử dụng các cán bộ lãnh đạo trẻ, có năng lực, nhiệt huyết với công việc, dám nghĩ, dám làm để tạo lực lượng nòng cốt trong công tác cán bộ. Tiến hành rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch nhân sự lãnh đạo các cấp của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2020, tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo giai đoạn 2021-2026. Tiến hành rà soát, bổ sung các quy chế, quy định về công tác bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt, đánh giá cán bộ.
Điều này góp phần bảo đảm cho việc sắp xếp, bố trí nhân sự được tiến hành công khai, minh bạch đúng quy định, bảo đảm lựa chọn được người có tài, có đức, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ kiến tạo và phát triển. (Báo Chính Phủ 17/5) đầu trang(

THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đối với công an các đơn vị, địa phương, tại hội nghị giao ban đánh giá tình hình, kết quả công tác công an trong thời gian qua và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; trọng tâm là triển khai các mặt công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc vào ngày 22-5.
Dự cuộc họp có các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy Công an trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ…
Trong thời gian qua, lực lượng CAND đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm về an ninh quốc gia, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước.
Công an các đơn vị, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và lãnh đạo Bộ về đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Các đơn vị, địa phương đã điều tra, khám phá 3.450 vụ phạm pháp hình sự, bắt, xử lý 7.140 đối tượng, đạt tỷ lệ 78,79%; triệt phá 123 băng, nhóm tội phạm; bắt, xử lý 634 vụ, 2.960 đối tượng đánh bạc...
Phát biểu kết luận, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ công an các đơn vị, địa phương trong tháng 5-2017.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu công an các đơn vị, địa phương cần phát huy kết quả đã đạt được, chủ động nắm chắc tình hình, tập trung lực lượng triển khai thực hiện quyết liệt các kế hoạch, các phương án bảo đảm an ninh, trật tự trên từng địa bàn; giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp nảy sinh, không để bị động, bất ngờ.
Triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội; hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách, hội nghị quốc tế, đặc biệt trong dịp diễn ra Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV và các sự kiện trong khuôn khổ năm APEC 2017.
Đồng chí Bộ trưởng yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tập trung đấu tranh triệt xóa các băng, nhóm tội phạm sử dụng hung khí, vũ khí nóng gây án; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, đặc biệt trên lĩnh vực khai thác cát, đá, sỏi.
Bên cạnh đó, thủ trưởng các đơn vị cần tăng cường công tác quản lý cán bộ, giáo dục chính trị, tư tưởng, chấn chỉnh lễ tiết, tác phong, kỷ cương, kỷ luật; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm ngay từ địa phương, đơn vị cơ sở theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ… (An Ninh Thủ Đô 19/5) đầu trang(

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Việc triển khai giải quyết thủ tục hành chính lưu động của Công an quận Đống Đa không chỉ tháo gỡ khó khăn cho người dân, tăng cường công tác quản lý nhà nước, mà còn tạo sự gần gũi, tin cậy, quý mến của người dân đối với lực lượng công an nhân dân.
Trong tháng 4, cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính, Công an quận Đống Đa đã phối hợp lực lượng công an các phường trên địa bàn thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân tại nhà cho các thương, bệnh binh, người già yếu, người tàn tật không có khả năng đi lại. Trung tá Vũ Hồng Thanh, Đội trưởng Cảnh sát Quản lý hành chính quận cho biết: Hiện tại, công an quận thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân lưu động tại trụ sở công an các phường vào ngày thứ ba, thứ tư hằng tuần; cấp tại trụ sở 119B phố Thái Hà vào các ngày thứ hai, thứ năm, thứ sáu và sáng thứ bảy cho người dân có hộ khẩu thường trú tại quận Đống Đa.
Nhờ hệ thống máy móc hiện đại, gọn nhẹ, chỉ mất khoảng 15 đến 20 phút để giải quyết thủ tục cho một trường hợp. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho những người không có khả năng đi lại, chúng tôi tổ chức hoạt động cấp thẻ Căn cước công dân cho những đối tượng này tại nhà. Đây là nội dung mới, đồng thời là nét đẹp trong phong trào thi đua cải cách hành chính mà Công an quận Đống Đa đã phát động nhằm thực hiện “Năm Kỷ cương hành chính 2017”.
Cùng cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính và Công an phường Nam Đồng xuống địa bàn, chúng tôi ghi nhận niềm vui, tình cảm của người dân khi được cơ quan chức năng đến tận nhà giúp làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân. Anh Lê Văn Sơn, sinh năm 1961, trú tại nhà số 10, ngõ 135 phố Nam Đồng, bị bại liệt từ nhỏ. Năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng mọi sinh hoạt cá nhân anh vẫn phải nhờ sự hỗ trợ của người thân, cho nên anh không dám nghĩ tới việc đi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân. Nay các cán bộ, chiến sĩ đến tận nhà chụp ảnh, lấy dấu vân tay, ghi khai thủ tục…, anh không giấu được niềm vui lần đầu tiên có giấy tờ tùy thân.
Tại phòng 2, nhà G1, khu tập thể Nam Đồng, tổ công tác triển khai làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân rất nhanh chóng cho cụ ông Nguyễn Kế Vân, sinh năm 1923 và cụ bà Trần Thị Phượng, sinh năm 1932. Hai cụ tuổi cao sức yếu, cụ bà phải nằm bất động trên giường, nếu Công an quận không làm thủ tục lưu động các cụ sẽ không có thẻ Căn cước công dân, bởi việc đưa các cụ ra trụ sở công an phường là vô cùng khó khăn.
Hơn nữa, đối với các cụ cao tuổi, để được cấp thẻ Căn cước công dân còn vướng thủ tục khác. Theo quy định của Luật Căn cước, công dân đi làm thủ tục cấp thẻ, phải mang theo hộ khẩu có ghi đủ thông tin về ngày, tháng, năm sinh. Trường hợp sổ hộ khẩu không có thông tin này, công dân cần đến Công an quận để làm thủ tục đính chính bằng Giấy khai sinh, thẻ đảng viên hoặc các giấy tờ khác có liên quan.
Đối với các cụ cao tuổi, hộ khẩu cấp từ nhiều năm trước thường không có thông tin ngày, tháng sinh (chỉ có năm sinh). Để tháo gỡ khó khăn này, nhằm giảm số lần đi lại cho công dân, trong tổ công tác làm thủ tục lưu động, Công an quận bố trí cán bộ hộ khẩu đi theo để xác nhận, giải quyết đồng thời luôn thủ tục bổ sung thông tin vào hộ khẩu. Hạn xử lý hồ sơ và kết quả được trả sớm theo đề nghị của công dân, tùy từng trường hợp mà có thời hạn từ một đến ba ngày.
Tổ công tác của Công an phường Nam Đồng phần lớn là nữ và đều có con nhỏ nhưng không ngại làm thêm giờ buổi tối, các ngày cuối tuần, với tác phong tận tình, chu đáo, góp phần xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa công an và nhân dân trên địa bàn. Đại diện Công an quận Đống Đa cho biết, việc cán bộ, chiến sĩ làm thêm giờ và đến tận nhà để giải quyết thủ tục lưu động sẽ được duy trì thường xuyên tại các phường, để người dân, nhất là thân nhân các gia đình thương, bệnh binh, cán bộ lão thành cách mạng, người cao tuổi, người tàn tật thuận lợi trong việc đăng ký các thủ tục hành chính.
Thông qua đó, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính quyết tâm thực hiện tốt việc cải cách thủ tục, phấn đấu đạt tiêu chí ba giảm: Giảm hồ sơ, giấy tờ; giảm việc đi lại của nhân dân và giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Kế hoạch hành động này thúc đẩy nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ đối với công việc, đồng thời thiết thực thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa đối với cán bộ lão thành cách mạng, các gia đình chính sách trên địa bàn quận.
Công an quận Đống Đa đã bước đầu thực hiện có hiệu quả việc kết hợp cải cách hành chính với xây dựng điển hình cảnh sát khu vực; làm sao mỗi cán bộ, chiến sĩ cảnh sát là một cán bộ giỏi về công tác dân vận với phương châm “Dân cần phải có, dân gặp khó phải đến”. (Nhân Dân 18/5) đầu trang(
Sau 2 tháng thực hiện Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND của UBND TP về việc tổ chức làm việc vào buổi sáng thứ Bảy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân tại các bộ phận hành chính của huyện Quốc Oai đã có chuyển biến tích cực.
Sáng thứ Bảy, tại nhà văn hóa thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai có khá đông người dân đến làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Trưởng thôn Phú Mỹ Nguyễn Khắc Quyền cho biết, để phấn đấu hoàn thành công tác cấp “sổ đỏ” cho đất nông nghiệp trước 30/6, tổ công tác của thôn đã làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật. Bình quân mỗi ngày tiếp nhận 25 – 30 hồ sơ. Theo ông Quyền, với cách làm giao về tận thôn và quy về một đầu mối của địa phương giúp cho người dân cắt giảm được nhiều TTHC cũng như công đi lại.
Là một xã đông dân với trên 20.000 nhân khẩu, việc tăng cường giải quyết TTHC vào thứ Bảy hàng tuần góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Thời điểm này, xã ưu tiên làm thủ tục công chứng phục vụ kỳ thi tuyển sinh, giấy khai sinh… “Xã quán triệt tinh thần cố gắng giải quyết các TTHC trong ngày, một số thủ tục có thể đăng ký qua mạng nhằm tạo thuận lợi cho Nhân dân” – Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn Nguyễn Nho Hòa chia sẻ.
Tại bộ phận Một cửa của huyện Quốc Oai cũng có sự chuyển biến rõ nét về tinh thần, thái độ phục vụ công dân, nhất là từ khi tăng cường làm việc vào thứ Bảy. Chị Ngô Thị Thanh, xã Phú Cát chia sẻ: “Việc giải quyết các TTHC được làm nhanh gọn hơn, đặc biệt cán bộ rất nhiệt tình hướng dẫn người dân. Điều đó đã khiến tôi cảm thấy bớt lo lắng mỗi khi đi giải quyết TTHC”.
Theo ông Tô Hiến Lam - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Quốc Oai, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, huyện đã yêu cầu các bộ phận liên quan tăng cường kỷ cương hành chính, đi làm vào các ngày thứ Bảy. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết, huyện tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tại bộ phận Một cửa. Trong đó yêu cầu thường xuyên tìm hiểu, cập nhật những quy định mới, không gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân khi đến làm việc.
Hiện, bộ phận Một cửa của huyện Quốc Oai đã được trang bị hệ thống xếp hàng giao dịch điện tử, hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân, hệ thống hiển thị thông tin, tra cứu TTHC bằng màn hình cảm ứng. Các bộ phận, lĩnh vực giải quyết TTHC được bố trí theo từng ô riêng biệt và liên thông với nhau. Đáng chú ý, huyện đã rà soát, niêm yết, công khai 252 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. UBND các xã, thị trấn niêm yết 148 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp xã. Qua đánh giá, số hồ sơ hành chính giải quyết đúng và trước thời hạn của huyện và xã đều đạt xấp xỉ 100%. Tiêu biểu như các xã Tuyết Nghĩa, Đông Xuân, Đại Thành, Hòa Thạch, Phú Cát, Phú Mãn, Sài Sơn…
Năm 2017 được huyện Quốc Oai chọn là “Năm kỷ cương hành chính, quản lý đất đai và các xã về đích nông thôn mới” nhằm gắn việc siết chặt kỷ cương hành chính với nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Theo lãnh đạo huyện Quốc Oai, sự hài lòng của công dân là thước đo hiệu quả trong giải quyết công việc của các bộ phận giải quyết TTHC. Từ đó nỗ lực thúc đẩy đổi mới, cải cách hành chính, hướng đến mục tiêu thực hiện chính quyền điện tử trong những năm tiếp theo. (Kinh Tế Và Đô Thị 18/5) đầu trang(

KINH TẾ
Ông Christopher Malone, Tổng Giám đốc BCG tại Việt Nam cũng chia sẻ, nhiều DN của Nhật, Hàn… đang dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc để sang Việt Nam vì chi phí lao động ở Việt Nam thấp hơn nhiều, riêng Thanh Hóa chỉ bằng 20% ở Trung Quốc. Đây là lợi thế lớn để đón nhận sự dịch chuyển.
Tối 18.5, UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn nhất từ trước đến nay của địa phương với sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiêp (DN) trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết địa phương đã thống nhất lựa chọn 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị. Đây là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, hội tụ các điều kiện để phát triển bền vững.
Thanh Hóa cũng cho biết sẽ phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 3 “nhất”. Đó là hạ tầng thiết yếu phục vụ DN đồng bộ nhất; chi phí thuê đất và sử dụng lao động cạnh tranh nhất; giải quyết các thủ tục hành chính, các khó khăn, vướng mắc cho DN kịp thời nhất.
“Tỉnh Thanh Hóa sẽ áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định”, ông Xứng nói.
Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư hoạt động thông suốt, hoàn vốn nhanh và phát triển bền vững.
"Thanh Hóa có thể trở thành một trục tăng trưởng mới: Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng – Thanh Hóa", ông Xứng cho hay.
Đồng tình với những hướng đi của Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Thanh Hóa giữ 1 vị trí lý tưởng trong liên kết vùng, là địa phương kết nối toàn bộ khu vực Bắc Trung Bộ với Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, quy mô kinh tế của tỉnh còn khiêm tốn, do đó cấp độ tăng trưởng của tỉnh cần đẩy lên trên 10%/năm, đạt mức 50 tỉ USD vào năm 2030, thu nhập bình quân đầu người có thể đạt trên 10.000 USD.
Ông Nguyễn Chí Dũng cũng nhất trí với 5 trụ cột mà Thanh Hóa đưa ra và cho rằng cần tận dụng lợi thế nguồn nhân lực dồi dào và khả năng kết nối hiệu quả về giao thông; khai thác tối đa tiềm năng du lịch để tạo nên bản sắc riêng; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hiệu quả cao; tập trung phát triển dịch vụ y tế dành cho các đối tượng có thu nhập trung bình; xây dựng hệ thống giao thông có chất lượng và tính kết nối cao…
“Quan trọng nhất với Thanh Hóa về phát triển mô hình này là giải quyết được các vấn đề đất đai, vướng mắc với các DN để người dân địa phương làm quen dần với mô hình công nghệ hiện đại. Đồng thời, bài học về môi trường vẫn đang bên cạnh chúng ta một thời gian dài, nên đầu tư cần hướng đến phát triển xanh và phát triển bền vững”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng Dũng cũng nhấn mạnh rằng: “Đối với tỉnh thì không gì quan trọng bằng cơ hội, nếu để cơ hội trôi qua thì rất khó để dừng lại. Thanh Hóa sẽ đi nhanh hơn nếu chính quyền cùng đồng hành với các DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Ông Christopher Malone, Tổng Giám đốc BCG tại Việt Nam cũng chia sẻ, nhiều DN của Nhật, Hàn… đang dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc để sang Việt Nam vì chi phí lao động ở Việt Nam thấp hơn nhiều, riêng Thanh Hóa chỉ bằng 20% ở Trung Quốc. Đây là lợi thế lớn để đón nhận sự dịch chuyển.
Vị này cho biết thêm, Thanh Hóa sẽ có sự tăng tốc lớn về kinh tế, tăng từ 3% của nền kinh tế Việt Nam hiện nay lên 8% vào 2030. Quy hoạch của Thanh Hóa tuy đầy tham vọng nhưng không phải là chưa từng có tiền lệ xảy ra.
“Tôi tin rằng Thanh Hóa sẽ là câu chuyện thành công kỳ diệu về kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới”, vị này nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa bày tỏ, cộng đồng DN tỉnh mong muốn sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư trong, ngoài nước, trong nhiều lĩnh vực để cùng nhau phát triển và cùng thắng lợi. Cộng đồng DN tỉnh sẵn sàng tạo điều kiện cung cấp, trao đổi thông tin để các DN mới đến đầu tư, tiếp cận và triển khai dự án có hiệu quả.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bác Hồ đã nói một câu nổi tiếng: “Thanh Hóa sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc (thời điểm đó Việt Nam chỉ có 2 miền Nam – Bắc)”. Hội nghị này sẽ là viên gạch cho câu nói của Bác.
“Với tư cách Thủ tướng Chính phủ, tôi khẳng định Thanh Hóa là một vùng kinh tế năng động của Việt Nam, là điểm đến đầy tiềm năng của nhà đầu tư. Thanh Hóa thực sự là một Việt Nam thu nhỏ, có đầy đủ điều kiện phát triển”, Thủ tướng nói.
Theo đó, Thủ tướng cho rằng Thanh Hóa phải có kế hoạch bố trí sử dụng đất khoa học, hiệu quả, giảm chi phí đất đai cho các nhà đầu tư và DN. Chính phủ sẽ trao cơ hội để Thanh Hóa là địa phương mẫu mực và tiên phong trong việc cụ thể hóa mục tiêu và đạt được tầm nhìn sớm nhất cả nước.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không thể làm kinh tế đơn thuần mà bỏ quên vấn đề môi trường, ảnh hưởng đến xã hội và cuộc sống của người dân. Cùng với Nhà nước, DN đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương để người dân địa phương được hưởng lợi.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ nhanh chóng triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội -Thanh Hóa - Nghệ An trong nhiệm kỳ này. Đưa sân bay Sao Vàng trở thành sân bay quốc tế trên tinh thần mở cửa bầu trời. Cảng nước sâu Nghi Sơn phấn đấu đón tàu trọng tải tới 10 vạn tấn. Về đường ven biển, Thủ tướng đã có ý kiến, riêng Thanh Hóa sẽ làm 100 km, kết hợp với dân sinh và phòng chống thiên tai.
“Với quyết tâm đổi mới tư duy và cách làm, nhất định Thanh Hóa sẽ thành công. Không những thành công ở ven biển, đồng bằng mà thành công ở cả phía Tây rộng lớn để đời sống của người dân nâng lên một bước mới, tăng trưởng phát triển bao trùm”, Thủ tướng bày tỏ.
Tại hội nghị này có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỉ đồng, tương đương 6,1 tỉ USD, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo là 76.500 tỉ đồng; nông nghiệp 12.000 tỉ đồng; du lịch 22.800 tỉ đồng; y tế 2.500 tỉ đồng và phát triển hạ tầng, đô thị là 21.500 tỉ đồng. (Một Thế Giới 19/5) đầu trang(
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 4, Việt Nam nhập 33.400 ô tô nguyên chiếc các loại, tăng 15,6% (tương đương tăng 4,5 nghìn chiếc) so với cùng kỳ năm trước.
Lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong tháng 4 là 6.960 chiếc, giảm 37,8% so với tháng trước (giảm chủ yếu ở nhóm hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống).
Ô tô nguyên chiếc các loại trong 4 tháng đầu năm chủ yếu được nhập khẩu từ các thị trường Thái Lan với 12.000 chiếc, trị giá 219 triệu USD; tiếp đó là thị trường Indonesia gần 6.000 chiếc, trị giá 102 triệu USD; Thị trường Ấn Độ với gần 5.000 chiếc, trị giá 22 triệu USD. (Tiền Phong 19/5) đầu trang(
Ngày 18.5, Thương vụ Đại sứ quán VN tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) thông báo đến các doanh nghiệp (DN) VN kinh doanh trái cây xuất khẩu sang Dubai về danh sách một số DN nhập khẩu trái cây có dấu hiệu lừa đảo tại nước này.
Trong đó có nhiều DN đã bị kiện ra tòa với lý do không thanh toán tiền cho bên xuất khẩu. Thương vụ đề nghị DN VN không giao dịch với 13 công ty gồm: Green Belt Food Stuff, Diamond Empire General Trading, Vintage International F.Z.C, Mohammad Mehdi General Trading, Onion Food Stuff Trading, Khushi Trading, Olwen International FZC, Red Fort Trading, Season Food Stuff Trading, Lassani Food Stuff Trading, Mahak Gulf Trading, Takbeer Trading và Floral Fruit. (Thanh Niên 19/5) đầu trang(

MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 - 2020.
Đề án nhằm cụ thể hóa Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020, có 30% số huyện được lập quy hoạch xây dựng vùng huyện (ưu tiên các huyện có mức độ đô thị hóa cao).
Bên cạnh đó, xác định các định hướng của một số ngành và lĩnh vực trong quá trình xây dựng nông thôn mới nhằm phục vụ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và phục vụ dân sinh gắn với các vùng sản xuất hàng hoá lớn trên địa bàn huyện và từng tiểu vùng trong huyện, làm tiền đề cho việc phát triển đô thị trên địa bàn huyện.
Xác định hướng phát triển, nguyên tắc áp dụng các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cho các khu chức năng, cơ sở hạ tầng nông thôn tại các huyện có tốc độ đô thị hoá cao (thuộc các đô thị lớn) để vừa đảm bảo yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời hạn chế đầu tư lãng phí hoặc gây bất cập cho quá trình phát triển đô thị.
Một trong các định hướng theo ngành và lĩnh vực là xây dựng các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện. Cụ thể, hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất cấp huyện gắn với các thị trấn, trung tâm cụm xã, các cụm công nghiệp và các thị tứ (hiện có hoặc dự kiến hình thành trên địa bàn huyện) gắn kết thuận lợi với hệ thống hạ tầng khung, đảm bảo phục vụ cho tiểu vùng trong huyện nhằm phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, gắn với vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn trong tiểu vùng.
Các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất cấp huyện gồm các chức năng: sản xuất công nghiệp (chủ yếu là chế tạo nông cụ, công nghiệp chế biến gắn với các vùng sản xuất chuyên canh); về thương mại (chuyên doanh bán buôn nông sản và vật tư nông nghiệp, chế biến bảo quản, kho bãi); về dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển các lĩnh vực (khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, quản lý chất lượng), dịch vụ thị trường (phân tích, dự báo thị trường; thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng; bảo hiểm rủi ro, phòng chống thiên tai; bảo vệ môi trường) và dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống (giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao).
Đối với khu vực nông thôn trong các đô thị lớn có tốc độ đô thị hoá cao, cần bổ sung thêm một số chức năng khác như nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; khai thác du lịch, thương mại kết hợp sản xuất nông nghiệp.
Phát triển các điểm dân cư tập trung trên địa bàn xã, trong đó, đối với khu vực nông thôn ngoài đô thị cần xác định các điểm dân cư có tiềm năng phát triển để tập trung đầu tư, xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu bố trí dân cư mới phát triển hàng năm trên địa bàn xã.
Định hướng tổ chức không gian các điểm dân cư tập trung theo vùng: Đồng bằng sông Hồng, Trung du, Đồng bằng vùng Duyên hải Miền Trung và địa hình núi thấp thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Đông Nam Bộ điểm dân cư tập trung được tổ chức trên cơ sở các thôn, xóm, bản; vùng Tây Nguyên, khu vực địa hình núi cao thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, khu vực miền núi vùng Duyên hải Miền Trung được tổ chức theo mô hình cụm thôn, bản; vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức trên cơ sở thôn, ấp, tuyến dân cư, là sự kết hợp giữa dân cư hiện có theo tuyến và dân cư mới phát triển tập trung.
Đối với khu vực nông thôn trong đô thị cần phải có các giải pháp tiết kiệm đất xây dựng (có thể xây dựng nhà 2 - 3 tầng). Tiến hành chỉnh trang, cải tạo các điểm dân cư hiện có, mở rộng và xây dựng khu dân cư theo hướng đô thị hóa nông thôn, đặc biệt chú trọng vào cải tạo, mở rộng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, cấp thoát nước... ngay trong điểm dân cư hiện có.
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương  lựa chọn 01 huyện để triển khai thí điểm các định hướng và giải pháp xác định trong Đề án với một số tiêu chí: Gắn với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; có tỷ lệ đô thị hoá trên địa bàn huyện cao so với các huyện trong toàn tỉnh; cơ bản hoàn thành quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới; có kế hoạch xây dựng huyện nông thôn mới trong giai đoạn 2017 - 2020.
Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia lựa chọn 08 địa phương triển khai thí điểm gồm: Lào Cai, Bắc Giang, Nghệ An, Ninh Thuận lựa chọn các huyện nằm ngoài khu vực đô thị; Hà Nội, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu lựa chọn các huyện nằm trong đô thị và các huyện có kế hoạch trở thành đô thị năm 2020. Ủy ban nhân dân các tỉnh còn lại lựa chọn 01 huyện đáp ứng tiêu chí lựa chọn huyện thí điểm để triển khai trong giai đoạn 2017 - 2020.
Năm 2017 tiến hành rà soát bổ sung các quy hoạch xây dựng (quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, quy hoạch xây dựng vùng huyện), quy hoạch phát triển ngành và lĩnh vực liên quan đến xây dựng điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện. Lập quy hoạch xây dựng vùng huyện các huyện được lựa chọn thí điểm. Lập quy hoạch chi tiết xây dựng các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện.
Giai đoạn 2018 - 2020, thực hiện đầu tư xây dựng các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện. Tổ chức tổng kết, đánh giá và nhân rộng ra các địa phương giai đoạn sau 2020. (Báo Chính Phủ 18/5) đầu trang(
Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia và thành phố lớn trên thế giới đã chuyển hướng sang ứng dụng các công nghệ thông tin và truyền thông như in-tơ-nét vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), rô-bốt cao cấp, xe tự hành, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, di động, mạng xã hội nhằm nâng cao năng lực thu thập, chia sẻ và phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý, kết nối chặt chẽ các lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp tận dụng nguồn lực con người, công nghệ, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng khởi nghiệp và thúc đẩy sự phát triển bền vững, hình thành xu hướng xây dựng các "chùm đô thị thông minh".
Cộng hưởng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (từ năm 2011), số lượng thành phố trên thế giới triển khai xây dựng đô thị thông minh ngày càng nhiều như Niu-Oóc, Pa-ri, Bác-xê-lô-na, Tô-ki-ô, Xơ-un,...
Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sự phát triển của TP Hồ Chí Minh cũng không thể nằm ngoài xu hướng tiếp cận này. Theo định hướng đó và khát vọng đưa TP Hồ Chí Minh trở thành một trong những trung tâm của khu vực châu Á, từ năm 2015, thành phố đã tập trung nguồn lực xây dựng đô thị thông minh với nền tảng kiến trúc công nghệ thông tin và truyền thông theo hướng kiến tạo hệ sinh thái mở, tập trung vào nhiệm vụ hỗ trợ thực hiện bảy chương trình đột phá của thành phố và các bức xúc, trăn trở của người dân.
Giai đoạn 2017 - 2020, thành phố hướng đến mục tiêu tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước; tăng cường sự kết nối giữa các lĩnh vực; nâng cao chất lượng sống và làm việc; quản trị đô thị thông minh; nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo.
Từ sau năm 2020, thành phố sẽ phát triển đô thị thông minh ở mức cao hơn, đó là gắn kết người dân, giúp người dân tương tác với chính quyền mọi lúc mọi nơi và tham gia vào các quyết sách của thành phố; gắn kết các lĩnh vực chính quyền giúp nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và phục vụ người dân, tiết kiệm nguồn lực, chi phí; dữ liệu mở nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của chính quyền thành phố; tăng cường khả năng dự báo và ứng phó với tình hình ngập nước, từ đó giảm thiểu tác động tới cuộc sống của người dân; nâng cao chất lượng môi trường thông qua việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải; chủ động kiểm soát và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, tạo thuận lợi và thoải mái cho người dân khi di chuyển trong thành phố; giảm tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân, chủ động phòng, chống dịch bệnh; kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, hàng hóa hướng đến quản lý quá trình chuỗi cung ứng; kiểm soát tình hình an ninh trật tự, nâng cao hiệu quả công tác ứng cứu khẩn cấp; chủ động phòng, chống tội phạm hiệu quả; tạo môi trường thể chế thuận lợi, kết hợp dữ liệu mở thúc đẩy khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tri thức.
Các mục tiêu này sẽ phục vụ ba đối tượng chính của đô thị thông minh. Thứ nhất, đối với chính quyền thành phố, đô thị thông minh sẽ tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đặt nền móng về kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu để tăng hiệu quả quản lý nhà nước trên các mặt và lĩnh vực hoạt động. Thứ hai, đối với người dân, đô thị thông minh tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân, tăng cường các tiện ích phục vụ cho người dân.
Thứ ba, với doanh nghiệp, đô thị thông minh sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động, thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác và thu hút đầu tư cho thành phố. Ðồng thời, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn dữ liệu mở để phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp nhằm xây dựng ngày càng nhiều các dịch vụ tiện ích cùng chung tay với chính quyền củng cố, phát huy và xây dựng đô thị thông minh ngày càng bền vững.
Hiện nay, thành phố đã thiết lập khung công nghệ tổng quan làm nền tảng cho việc triển khai xây dựng đô thị thông minh như cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, kho dữ liệu dùng chung bao gồm cả hệ thống thông tin dữ liệu không gian địa lý, kinh tế - xã hội của thành phố, nền tảng dữ liệu mở, Trung tâm điều hành thông minh, Trung tâm an toàn thông tin điện tử... sẽ kết nối các lĩnh vực thuộc bảy chương trình đột phá với nhau, tập trung sử dụng tốt hơn các nguồn lực, cho phép triển khai các giải pháp mang tính tổng thể - liên ngành hơn để góp phần giải quyết các vấn đề hiện tại, phát huy vai trò của người dân trong việc xây dựng thành phố và tạo xuất phát điểm để phát triển kinh tế; đồng thời, đã thành lập Ban Ðiều hành thực hiện đề án với Trưởng ban là Chủ tịch UBND thành phố; thành lập Hội đồng tư vấn để góp ý phản biện cho quá trình xây dựng và thực hiện đề án, Chủ tịch Hội đồng là đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Ðiều đó cho thấy quyết tâm của Ðảng bộ và chính quyền thành phố trong việc xây dựng đô thị thông minh. Ðây là một điểm thuận lợi quan trọng, quyết định sự thành công của đề án.
Việc triển khai xây dựng đô thị thông minh là một lộ trình dài hạn và được lấy ý kiến của nhiều đơn vị từ các sở, ban, ngành cũng như của Hội đồng tư vấn, HÐND và nhân dân thành phố. Theo tình hình thực tế, các khung công nghệ sẽ được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi sao cho phù hợp nhất với nguyện vọng của người dân. Trong thời điểm hiện tại, các giải pháp của đô thị thông minh sẽ góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực cải cách hành chính, giao thông, y tế, an ninh, giáo dục, môi trường, ngập nước, quy hoạch và phát triển đô thị.
Việc triển khai xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh là một chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thành phố trong thời gian tới. Ðây là giải pháp mang tính cấp thiết và căn cơ giúp thành phố giải quyết những mặt trái của cơ chế thị trường, đô thị hóa và hỗ trợ mạnh mẽ cho việc hiện thực hóa các mục tiêu của bảy chương trình đột phá. Bên cạnh đó, mô hình đô thị thông minh còn có ý nghĩa to lớn hơn ở cấp quốc gia, góp phần khẳng định vai trò và vị trí đầu tàu của thành phố trong nền kinh tế quốc gia, góp phần tạo bản lề cho thành phố phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tri thức.
Hiện nay, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thành phố sẽ kiên trì thực hiện, nhằm đem đến cho người dân những trải nghiệm từ những thành tựu mà đô thị thông minh mang lại, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 10 đề ra là xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. (Nhân Dân 19/5) đầu trang(

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
Lệ “bôi trơn” và chuyện “Con chuột sa chĩnh gạo thì nó ăn” Không quan trọng là 30% công chức “cắp ô” hay 50% công chức chỉ nói ngồi “bói chữ”,...
Nhưng cứ có chế tài thưởng, phạt phân minh, ắt rằng, cái “ghế” công chức chẳng còn là chỗ ngồi béo bở mà nhiều người nhắm đến hưởng lợi.
Hiện tại, số lượng công chức, viên chức Nhà nước ước chừng gần 3 triệu người (trong tổng số khoảng 11 triệu người hưởng lương Nhà nước). Mặc dù hàng năm, lộ trình tăng lương vẫn đều đặn song cứ tính hệ số nhân với lương cơ bản, với dăm bảy triệu đồng, nếu một gia đình có hai vợ chồng làm công chức Nhà nước đơn thuần thì rất khó khăn để trang trải cho một cuộc sống eo hẹp ở thành phố.
Với một số ngành nghề có điều kiện làm thêm, thì những người làm công ăn lương sẽ có thể “chạy sô” thêm công việc ngoài, nhưng không phải ngành nào cũng dễ dàng như vậy. Áp lực cuộc sống sẽ không khỏi khiến một số công chức dần tìm đủ mọi cách để kiếm thêm thu nhập, bất kể chân chính hoặc không.
Cho nên, trong một thời gian dài, người dân, doanh nghiệp (DN) dần quen phải phong bì, phong bao “bồi dưỡng” cho cán bộ, công chức Nhà nước khi cần giải quyết việc công, từ môi trường trường học, bệnh viện cho đến cơ quan hải quan, cơ quan thuế, cơ quan cấp giấy phép đầu tư, thẩm định…
Cách đây không lâu, dư luận xôn xao chuyện vụ cán bộ thuế ở Hà Tĩnh “ra giá” với DN hay vụ việc Sở Giao thông vận tải Hà Nội điều chuyển một cán bộ bắt DN phải đi lại 6 lần trong 1 tháng mới được cấp phù hiệu xe.
Thực tế đó cũng đã được phản ánh khá đậm nét tại Hội nghị Thủ tướng với DN vừa diễn ra. Con số thống kê cung cấp tại hội nghị cho thấy, DN làm ra được 100 đồng thì phải chi tới hơn 10 đồng cho “bôi trơn”, “lo lót”. Bức xúc, nhưng bản thân các DN cũng đã chỉ ra một căn nguyên xuất phát từ chính sách lương cho công chức Nhà nước nói chung và công chức cấp cơ sở nói riêng.
Thật khó để kết luận: Cơ chế làm nên con người, hay con người làm nên cơ chế? Song, trong bối cảnh cứ nghĩ đến công chức, thủ tục hành chính là nghĩ ngay đến tiêu cực như hiện nay, thì không thể chỉ bình chân mà ngồi phân tích xem nên làm việc nào trước, việc nào sau, rằng nên cải cách tiền lương trước hay nên chỉnh đốn đạo đức, tư cách của người làm công ăn lương Nhà nước trước!
Ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ từng nói rất đúng rằng: “Con chuột sa chĩnh gạo thì nó ăn”. Một khi vẫn còn những lỗ hổng trong cơ chế, tạo điều kiện cho cán bộ tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để mặc cả, ra giá, hay vẫn còn những quy định luật pháp ban hành mà ai muốn hiểu thế nào thì hiểu… sẽ không thể tránh được người dân vẫn cứ bị “hành là chính” khi làm thủ tục, hồ sơ.
Có câu “gieo hành vi thì gặt thói quen”, nên cứ có một vài lần vòi vĩnh hoặc một vài lần được đối tác “dấm dúi” đưa tiền để đẩy nhanh tiến độ thì dần điều đó trở thành cái lệ, không có “bôi trơn” thì không xong việc. Nên tuy rằng ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch DN nhỏ và vừa không sai khi động viên các DN đừng nối giáo cho giặc bằng cách hối lộ, đi lên bằng quan hệ thân hữu, ông Mai Tiến Dũng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói “để cán bộ hư, cán bộ hỏng, DN cũng có lỗi” – song, đã sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật thì quốc phải có quốc pháp, gia phải có gia quy. Bất kể cán bộ to, nhỏ nào tham nhũng dù là 1 đồng của dân cũng cần phải bị xem xét, kỷ luật.
Rất mừng là hiện nay Chính phủ đang soạn thảo một Chỉ thị để chỉnh đốn tác phong công chức, đi kèm với đó là chế tài xử phạt rõ ràng, từ kỷ luật, điều chuyển cho đến sa thải… Điều này khiến chúng ta hy vọng, sẽ loại bỏ được sự vô cảm ra khỏi bộ máy Nhà nước.
Không quan trọng là 30% công chức “cắp ô” hay 50% công chức chỉ nói ngồi “bói chữ”, nhưng cứ có chế tài thưởng, phạt phân minh, ắt rằng, cái “ghế” công chức chẳng còn là chỗ ngồi béo bở mà nhiều người nhắm đến hưởng lợi. Lúc đó, tự thân bộ máy biên chế sẽ bớt cồng kềnh và những công chức “chân chính” sẽ được hưởng một mức lương xứng đáng! (Dân Trí 19/5) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Một lần nữa cấp lãnh đạo cao nhất của Brazil lại dính tới bê bối tham nhũng.
Tổng thống Temer bị tố cáo đã chỉ đạo ông Joesley Batista, chủ tập đoàn thực phẩm JBS SA, hối lộ cho cựu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha đang phải ngồi tù để ông này giữ im lặng với cuộc điều tra tham nhũng đang được tiến hành ở Brazil, tờ báo lớn nhất Brazil là O Globo cho biết. Thông tin này được chính ông Joesley Batista tiết lộ trong một phiên điều trần trước Tòa Tối cao.
Ông Batista đã đồng ý hợp tác với cuộc điều tra để tránh bị truy tố. Theo O Globo, ông Batista đã ghi âm cuộc đối thoại với ông Temer có nội dung cho thấy tổng thống Brazil chỉ đạo ông chi tiền cho cựu Chủ tịch Hạ viện Cunha. Đoạn băng ghi âm này đã được chuyển đến Tòa Tối cao. Ông Cunha hiện phải chịu án tù 15 năm vì tham nhũng.
Văn phòng tổng thống xác nhận có cuộc gặp giữa ông Temer và ông Batista hồi tháng 3, tuy nhiên khẳng định ông Temer không có hành vi ngăn ông Cunha ra điều trần liên quan đến chiến dịch điều tra tham nhũng.
Tháng 5-2016, cựu Tổng thống Dilma Rousseff bị Quốc hội luận tội và phế truất vì quản lý kém, vi phạm luật ngân sách giữa lúc chiến dịch điều tra tham nhũng đang sôi nổi. Bản thân bà Rousseff không bị cáo buộc tham nhũng nhưng lại dính nghi án “chống lưng” cho người thầy của mình là cựu Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, vốn cũng dính cáo buộc tham nhũng. Ông Temer từ cấp phó của bà Rousseff trở thành quyền tổng thống Brazil. (Pháp Luật TP.HCM 19/5) đầu trang(
Các nhà lập pháp Ukraine ngày 17/5 đã chịu nhượng bộ trước sức ép từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và đồng ý hủy bỏ một dự luật gây nhiều tranh cãi liên quan việc chống tham nhũng, vốn khiến những người chỉ trích lo ngại có thể làm suy yếu cuộc chiến chống tham nhũng có tầm quan trọng sống còn tại nước này.
Quyết định gác lại dự luật nêu trên được đưa ra khi một phái đoàn IMF tới Kiev gặp Thủ tướng Volodymyr Groysman​ trong bối cảnh các đồng minh phương Tây của Ukraine lo ngại dự luật sẽ giúp bảo vệ các chính trị gia hàng đầu cũng như các nhà tài phiệt của nước này.
Hãng tin Interfax dẫn lời Chủ tịch Ủy ban thực thi pháp luật Quốc hội Ukraine, ông Andriy Kozhemyakin thừa nhận rằng trước những yêu cầu đẩy mạnh chống tham nhũng từ các nước đồng minh, trong đó có các thể chế quốc tế, ông đã đề nghị các nghị sỹ Ukraine hủy bỏ dự luật này.
Ủy ban của ông Kozhemyakin dự kiến sẽ thành lập một nhóm đặc trách với mục đích cuối cùng là hủy bỏ dự luật đã được trình lên cơ quan lập pháp.
Cục chống tham nhũng quốc gia Ukraine (NABU) vốn được IMF ca ngợi là một mô hình tích cực cho cam kết của chính quyền Kiev trong việc theo đuổi những thay đổi nền tảng của nước này.
Tuy nhiên, NABU đã phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt kể từ khi cơ quan này đi vào hoạt động cuối năm 2015 với các thành phần từ các tổ chức như Văn phòng Tổng công tố và Cơ quan An ninh Ukraine (SBU).
Các nhà phân tích cho rằng trên cơ sở như vậy, hai đơn vị sẽ bị các lợi ích kiểm soát và không thể tiến hành điều tra độc lập các sai phạm tài chính ở cấp cao nhất.
Dự luật nêu trên bị nhiều ý kiến phản đối, trong đó có Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7), bởi có thể cho phép các công tố viên hoặc các nhân viên SBU giành lấy các vụ điều tra từ NABU và sau đó có thể dập đi các vụ điều tra.
Trong một phát biểu, Đại sứ Italy Davide La Cecilia​ hôm 15/5 nhấn mạnh G7 bày tỏ lo ngại về bản chất của dự luật được đề xuất và "nguy cơ chống tham nhũng" của Ukraine.
Trong khi đó, Trưởng phái đoàn IMF tại Ukraine, ông Ron van Rooden đã yêu cầu Thủ tướng Groysman phải đảm bảo cho NABU hoạt động độc lập và hiệu quả.
Quan chức IMF này nêu rõ nếu dự luật gây tranh cãi nêu trên được thông qua, quyết định đó sẽ đi ngược lại với cam kết của các cơ quan chức năng Ukraine trong nỗ lực duy trì quyền hạn độc lập của NABU trong hoạt động điều tra tham nhũng nhằm vào các quan chức cấp cao. (Vietnam + 18/5) đầu trang(./.