Xem ngày trước
BẢN TIN TỔNG HỢP
Xem ngày kế tiếp

Ngày 15 tháng 06 năm 2017
CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
TIÊU ĐIỂM
QUẢN LÝ
NHÂN SỰ MỚI
THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
KINH TẾ
MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
NHÌN RA THẾ GIỚI

CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), cải cách TTHC và cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại một số nghị quyết của Chính phủ.
Nghị quyết trên sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến kiểm soát TTHC, cải cách TTHC và cơ chế một cửa, một cửa liên thông được quy định tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 13-6-2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016-2017.
Theo đó, Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020; chủ trì triển khai các nội dung cải cách tổ chức bộ máy hành chính (trừ nội dung “thực hiện thống nhất và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tập trung tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả thuộc văn phòng HĐND và UBND cấp huyện”), cải cách công chức, công vụ và cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cải cách chính sách tiền lương cho LLVT nhân dân; chủ trì việc xây dựng và hướng dẫn thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ hành chính do cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện...
Bộ Tư pháp có nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế; chủ trì triển khai nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật...
Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai nội dung cải cách TTHC; nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại các cơ quan hành chính Nhà nước; chủ trì xây dựng và hướng dẫn thực hiện phương pháp tính chi phí thực hiện TTHC; chủ trì việc hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc cải cách quy định hành chính; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, vận hành mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ trên internet.... (Quân Đội Nhân Dân 14/6) đầu trang(
Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng chợ bán buôn, bán lẻ nông lâm thủy sản được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí.
Mức hỗ trợ được đề xuất như sau: Hỗ trợ 60% chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị của dự án nhưng không quá 5 tỷ đồng.
Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì ngoài mức hỗ trợ theo quy định nêu trên dự án còn được hỗ trợ 70% chi phí và không quá 5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các hạng mục trên.
Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ nông thôn, dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp có dự án cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn được hỗ trợ như sau: Hỗ trợ 3 triệu đồng/m3/ngày đêm công suất cho xây mới và 2 triệu đồng/m3/ngày đêm công suất cho nâng cấp cải tạo nhà máy sản xuất nước sạch; hỗ trợ tối đa 50% chi phí đường ống chính dẫn đến các khu vực dân cư có từ 10 hộ trở lên.
Hỗ trợ xử lý chất thải làng nghề, nông thôn: Doanh nghiệp có dự án thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; nước thải sinh hoạt tại nông thôn; thu gom xử lý chất thải làng nghề, nông thôn được hỗ trợ 60% chi phí mua thiết bị, xây dựng hệ thống xử lý, mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án.
Doanh nghiệp có dự án xây dựng bến cảng phục vụ vận chuyển sản phẩm nông lâm thủy sản, khu neo đậu tàu thuyền, công trình thủy lợi làm dịch vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo dự thảo Nghị định, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có 100 lao động trở lên làm việc thường xuyên tại nhà máy, được hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người lao động với hỗ trợ là 2 triệu đồng/m2 xây dựng, nhà xây tối thiểu 3 tầng và diện tích sàn xây dựng tối thiểu 1000 m2. Phần vốn còn lại doanh nghiệp sử dụng quỹ công đoàn và các nguồn vốn pháp khác.
Trường hợp doanh nghiệp phối hợp với ban quản lý vườn quốc gia, khu rừng đặc dụng để chuyển các gia đình đang sinh sống tại vùng lõi các vườn quốc gia, khu rừng đặc dụng về làm việc và sinh sống tại địa bàn của doanh nghiệp thì được hỗ trợ 10 m2 cho một người trong gia đình di chuyển và mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/m2 và toàn bộ san ủi mặt bằng, giao thông, điện nước cho các gia đình này. (Báo Quảng Ninh 14/6) đầu trang(
Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư quy định về việc bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, ngày 5/9/2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 38/2014/TT-BGTVT quy định chi tiết về bảo đảm kỹ thuật đối với nhiên liệu hàng không tại Việt Nam. Thông tư số 38 là căn cứ pháp lý nhằm xây dựng và tiêu chuẩn hoá các quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các văn bản dưới Luật, thể chế hoá các yêu cầu, quy định của các tổ chức quốc tế ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế), IATA (Hiệp hội Vận chuyển Hàng không Quốc tế) về bảo đảm kỹ thuật đối với nhiên liệu hàng không tại Việt Nam mà Hàng không Việt Nam tham gia với tư cách thành viên.
Thông tư 38/2014/TT-BGTVT sau một thời gian triển khai thực hiện đã hoàn thiện hơn một bước công tác bảo đảm kỹ thuật đối với nhiên liệu hàng không tại Việt Nam. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, ICAO, IATA đã ban hành tiêu chuẩn mới về nhiên liệu hàng không, các quy định mới này đã có sự khác biệt với quy định tại Thông tư 38/2014/TT-BGTVT, dẫn đến phát sinh một số bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trong thực tế vì chưa phù hợp với một số quy định mới của ICAO và IATA.
Chính vì vậy một số nội dung trong các Điều, Khoản và Phụ lục của Thông tư cần phải được điều chỉnh để khắc phục những bất cập, vướng mắc, phù hợp với các quy định của ICAO, IATA và đáp ứng yêu cầu của công tác bảo đảm kỹ thuật đối với nhiên liệu hàng không hiện nay.
Để cập nhật các quy định của quốc tế và các quy định của Việt Nam liên quan đến nhiên liệu tàu bay, cần thiết phải sửa đổi Thông tư 38, và do nội dung sửa đổi nhiều làm thay đổi phần lớn nội dung Thông tư, Bộ Giao thông vận tải dự kiến ban hành Thông tư thay thế Thông tư 38 nhằm cập nhật những nội dung quy định của ICAO, IATA và giải quyết triệt để những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
So với quy định hiện nay, Bộ Giao thông vận tải dự kiến các nội dung liên quan đến các tiêu chuẩn về thiết kế, lắp đặt, các tiêu chuẩn kỹ thuật của bể chứa, phương tiện và kiểm soát chất lượng nhiên liệu hàng không trong các điều khoản sẽ được dẫn chiếu đến các tiêu chuẩn Việt Nam hoặc quốc tế hiện hành để áp dụng, không nêu nội dung chi tiết trong Thông tư. Mục đích là để trong quá trình vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng, các tiêu chuẩn kỹ thuật có thay đổi sẽ không phải sửa đổi Thông tư.
Bên cạnh đó, Bộ dự kiến bỏ điều 3: gộp vào Thủ tục cung cấp dịch vụ xăng dầu hàng không, nhiên liệu tàu bay theo Nghị định 92/2016/NĐ-CP để đảm bảo tuân thủ quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ. (Báo Chính Phủ 14/6) đầu trang(
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến công khai về Thông tư Hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, trong đó có hướng dẫn cụ thể về trình tự lập kế hoạch tài chính 05 năm theo Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Giai đoạn I: chuẩn bị các điều kiện cho việc lập kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia (trước ngày 31/3 năm thứ tư của kế hoạch 05 năm giai đoạn trước) và kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trước ngày 15/5 năm thứ tư của kế hoạch 05 năm giai đoạn trước).
Đồng thời, phối hợp với cơ quan Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan khác có liên quan cùng cấp tính toán, dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu 05 năm tới để làm cơ sở lập kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn sau.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, lập Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6 năm thứ năm của kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn trước.
Bước thứ nhất: trình dự thảo kế hoạch tài chính 05 năm của địa phương xin ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp trước ngày 30/11 năm thứ tư của kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn trước, trên cơ sở đó chỉnh lý và gửi dự thảo kế hoạch này xin ý kiến (lần 1) Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31/12 cùng năm.
Bước thứ hai: cập nhật đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn trước và những diễn biến mới phát sinh trong những tháng đầu năm của năm cuối kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn trước, bổ sung hoàn thiện dự thảo kế hoạch tài chính 05 năm của địa phương, gửi xin ý kiến (lần 2) Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/7 năm thứ năm của kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn trước, cùng với tài liệu về dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
Theo Dự thảo, Bộ Tài chính hoàn chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn sau, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cho ý kiến trước ngày 20 tháng 9 năm thứ năm của kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn trước, trên cơ sở đó trình Quốc hội quyết định trước ngày 20 tháng 10 cùng năm. (Tạp Chí Tài Chính 14/6) đầu trang(

TIÊU ĐIỂM
Liên quan đến kết luận thanh tra quản lý và sử dụng đất đai tại xã Đồng Tâm (H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội), trả lời Thanh Niên ngày 14.6, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết: “Thời hạn thanh tra theo quy định là 45 ngày, không kể ngày nghỉ.
Ngoài ra, có thêm 15 ngày để dự thảo và 15 ngày để công bố kết luận. Hà Nội sẽ làm hoàn chỉnh kết luận vào đầu tháng 7.2017”. Trước đó, ngày 20.4, Chánh thanh tra TP.Hà Nội đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra toàn diện đất đai tại sân bay Miếu Môn (xã Đồng Tâm).
Về phía người dân thôn Hoành (xã Đồng Tâm), ông Lê Đình Kình (82 tuổi) cho biết nhiều người đang băn khoăn, lo lắng sau khi Công an TP.Hà Nội công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về hành vi bắt giữ người trái phép và hủy hoại tại sản. Theo ông Kình, nội dung ông và nhiều người dân quan tâm nhất hiện nay không chỉ là câu chuyện khởi tố mà là việc công bố kết luận thanh tra đất đai tại Đồng Tâm. Liên quan vụ việc, Chánh thanh tra TP.Hà Nội Nguyễn Văn Tấn Dũng cho biết việc thanh tra tại Đồng Tâm vẫn diễn ra hoàn toàn bình thường, đoàn thanh tra không gặp bất cứ khó khăn trở ngại nào.
Cùng ngày 14.6, một số đại biểu (ĐB) đã trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội xung quanh quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại xã Đồng Tâm. ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội , cho rằng việc khởi tố vụ án, về phía nhà nước là việc xem xét hết sức bình thường. “Điều quan trọng, theo tôi là phải xem xét tất cả mọi việc có lý, có tình, công bằng. Công dân hay cơ quan nhà nước cũng đều bình đẳng trước pháp luật. Không được thiên vị để dư luận nghĩ rằng điều đó không hợp lý”, ông Nhưỡng nói.
ĐB Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp - ĐBQH Đoàn TP.Hà Nội, cũng cho rằng vấn đề khởi tố vụ án hay không phải dựa trên cơ sở pháp luật và quan trọng nhất là thực thi pháp luật cho đúng. Về bản cam kết của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung với nhân dân xã Đồng Tâm, trong đó có việc “Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm”, ĐB Hồng Hà cho rằng vào thời điểm nhất định nào đó, có thể hành vi chưa khẳng định được vi phạm hành chính hay hình sự nên lời hứa của người có trách nhiệm có thể nói là phù hợp hoàn cảnh và tình hình. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét và đánh giá, nếu điều tra có hành vi vi phạm, phạm tội thì phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật. (Thanh Niên 15/6) đầu trang(

QUẢN LÝ
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - trách nhiệm hữu hạn một thành viên với hình thức cổ phần hóa giữ nguyên phần vốn nhà nước, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn.
Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - CTCP có vốn điều lệ 13.170 tỷ đồng, tương đương 1.317.000.000 cổ phần, trong đó 671.670.000 cổ phần Nhà nước nắm giữ, chiếm 51% vốn điều lệ; 4.936.700 cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp, chiếm 0,37% vốn điều lệ; 311.207.100 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 23,63% vốn điều lệ; 329.250.000 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 25% vốn điều lệ. Mệnh giá 1 cổ phần là 10.000 đồng.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu, điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ khi không bán được cho các nhà đầu tư theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương xây dựng tiêu chí, quyết định và chịu trách nhiệm lựa chọn cổ đông chiến lược theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc lựa chọn cổ đông chiến lược bảo đảm các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp và thực hiện sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng.
Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 2.301 người; tổng số lao động chuyển sang công ty cổ phần là 2.301 người. (Xây Dựng 14/6) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện lại dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo đúng quy định. Việc vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng ban hành kèm theo Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 17-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ đến khi Quy trình vận hành mới có hiệu lực. (Quân Đội Nhân Dân 14/6) đầu trang(
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an kiên quyết thu hồi biển số 80A, 80B của 516 xe đã cấp cho doanh nghiệp.
Ngày 14/6, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý xe ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và thu hồi biển số xe 80 cấp cho doanh nghiệp.
Theo đó, các bộ, ngành và địa phương phải khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc chấm dứt nhận xe biếu, tặng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh trên địa bàn.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục thực hiện nghiêm, kiên quyết thu hồi biển số 80A, 80B của 516 xe đã cấp cho các doanh nghiệp, báo cáo gửi trước ngày 30/6.
Bộ Tài chính được giao rà soát, tổng hợp để báo cáo Thủ tướng về tình hình thực tế việc tiếp nhận, xử lý ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng của các bộ, ngành và địa phương; đề xuất phương án xử lý trong tháng 6.
Tháng 2 vừa qua, lần lượt thành phố Đà Nẵng và tỉnh Cà Mau rò rỉ thông tin cơ quan nhà nước nhận xe tiền tỷ do doanh nghiệp tặng. Các địa phương khẳng định việc tiếp nhận xe là phù hợp với quy định hiện hành, đúng trình tự, thủ tục... và nhận xe nhằm phục vụ vào mục đích chung.
Chính phủ sau đó chỉ đạo các địa phương không được nhận ôtô do doanh nghiệp tặng. Cà Mau đã trả lại 2 chiếc Lexus do doanh nghiệp xử lý rác trên địa bàn tặng. Thường trực Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo Văn phòng Thành ủy làm thủ tục chuyển trả chiếc Toyota Avalon Limited.
Ngày 8/3, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An cho biết có tiếp nhận xe Toyota Land Cruiser với trị giá hơn 2,7 tỷ đồng do doanh nghiệp tặng. (VnExpress 14/6) đầu trang(
Là một trong ba người đặt câu hỏi đầu tiên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) thẳng thắn nêu ra đề nghị này.
Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt vấn đề: Trong báo cáo của Bộ trưởng, phần trả lời về trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia dài đến 7 trang, riêng trách nhiệm của Bộ kế hoạch và Đầu tư là 1 trang, nhưng chủ yếu trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, những văn bản này đại biểu Quốc hội hoàn toàn có thể tra cứu được.
Vấn đề đại biểu đặt ra là trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương thế nào thì Bộ trưởng không nêu. Tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng rất giống cách trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cách đây 3 nhiệm kỳ.
Khi đó, đại biểu Quốc hội khóa XI Nguyễn Ngọc Trân đã phải nhận xét trước hội trường là Bộ trưởng đưa ra cả một rừng luật nhưng không thấy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu.
Tôi đề nghị Bộ trưởng khẳng định trách nhiệm của bộ mình và Bộ trưởng trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia như thế nào và có cam kết gì để khắc phục hạn chế?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chúng tôi xin nhận trách là chưa cương quyết, còn nể nang đối với yêu cầu bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật đầu tư công cũng như các nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, vì chúng tôi cũng thấy khó khăn của các địa phương.
Nhu cầu của các địa phương là rất lớn nhưng khả năng bố trí chưa phù hợp, nên các phương án làm đi làm lại nhưng chất lượng chưa được tốt, phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại.
Chúng tôi cũng chưa thực sự nghiêm túc và còn nể nang chia sẻ những khó khăn của các bộ, ngành, địa phương nhiều hơn.
Chúng tôi cũng xin nhận trách nhiệm đó và cũng xin hứa với Quốc hội sẽ làm sao vẫn phải thực hiện nghiêm túc Luật đầu tư công nhưng cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ của mình”.
Trước sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải xem xét lại hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; tình trạng phân bổ vốn dàn trải vẫn còn, nhiều dự án bố trí vốn thấp, kéo dài thời gian thực hiện... Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây do hệ thống pháp luật quản lý chưa chặt chẽ nên hiệu quả của quản lý và sử dụng đầu tư công chưa được đảm bảo, dẫn đến đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, các dự án phê duyệt vượt quá khả năng thu xếp vốn rất lớn, thường trước đây gấp 3 lần so với khả năng thu xếp vốn.
“Đó là một thực tế diễn ra trong thời gian dài vừa qua. Để khắc phục được tình trạng này thì Luật đầu tư công đã được ban hành và để giảm đi giữa đầu tư dàn trải với những quy trình từ chọn lựa dự án đến phê duyệt dự án, đến thẩm định dự án đã được chặt chẽ hơn để kiểm soát các dự án và tránh dàn trải, tránh nợ đọng xây dựng cơ bản cũng như hiệu quả của nó”, ông Dũng nhấn mạnh.
Tư lệnh ngành kế hoạch đầu tư nêu ra các giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai đồng bộ các chủ trương và định hướng về tái cơ cấu đầu tư. Đây cũng là một trọng tâm theo nghị quyết của Quốc hội và của Trung ương.
Thứ hai, các cấp, các ngành phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư công, từ khâu chọn lọc dự án, đến thẩm định, phê duyệt và các thủ tục, trình tự phải thực hiện nghiêm túc. Triển khai đồng bộ các quy định này và hoàn thiện về các tiêu chuẩn, định mức về xây dựng.
Hiện nay đang còn một số các tiêu chuẩn, định mức xây dựng của một số ngành cũng chưa được xây dựng nên việc xây dựng tổng mức đầu tư của các dự án chưa sát với dự án thực tế thì cũng dẫn đến giảm hiệu quả của nó.
Thứ ba, nâng cao chất lượng về công tác quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu đều biết, chúng ta đã trình dự án Luật quy hoạch vừa qua cũng thấy được công tác quy hoạch có một ảnh hưởng rất lớn đến việc quyết định đầu tư cũng như hiệu quả của đầu tư.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm toán, kiểm tra, thanh tra và giám sát đối với tất cả các khâu để đảm bảo các quyết định lựa chọn đầu tư cũng như bố trí vốn phải phù hợp với tình hình thực tế phát triển cũng như khả năng thu xếp vốn của từng dự án và phải đủ để hoàn thiện được dự án mà không làm cho kéo dài và làm cho không phát huy được hiệu quả của dự án.
Câu thứ hai, về việc giao vốn hàng năm, hiện nay vẫn đang còn chậm là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc giao vốn hàng năm và 5 năm đã được quy định rõ trong Luật đầu tư công.
Đây là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Luật đầu tư công. Với các mục tiêu mà luật đưa ra là kiểm soát chặt chẽ các dự án và theo đó thì các quy trình sẽ được thiết kế nhiều hơn và chặt chẽ hơn, các bước, các cơ quan tham gia cũng được lồng ghép nhiều hơn, để chúng ta đạt được mục tiêu đó thì thủ tục cũng phức tạp hơn.
Do vậy, việc thực hiện các thủ tục mới theo luật mới của các bộ, ngành địa phương cũng còn lúng túng trong thời gian đầu thực hiện luật.
Thứ hai, việc hướng dẫn của các bộ, ngành, trong đó có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cũng chưa kịp thời và cũng còn chậm, còn có các cách hiểu khác nhau, điều này thuộc trách nhiệm của Trung ương mà trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Từ nhu cầu lớn, khả năng thu xếp cân đối vốn hạn chế, mất cân đối như vậy nên việc co kéo cũng như là điều chỉnh các phương án khác nhau thì dẫn đến việc giao vốn chậm hơn so với thực tế, từ đó cũng có ảnh hưởng một phần đến giải ngân chậm và cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.
Quốc hội sẽ dành cả buổi sáng nay (15/6) tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo với Quốc hội, làm rõ hơn một số nội dung. (Giáo Dục Việt Nam 15/6) đầu trang(

NHÂN SỰ MỚI
Thành phố Hà Nội, TPHCM, các tỉnh Nghệ An, Đắk Nông, Sơn La,... vừa triển khai bầu bổ sung, bổ nhiệm, điều động một số cán bộ chủ chốt.
Hà Nội: Tại Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã thống nhất bầu bổ sung thêm hai Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 và giới thiệu một đồng chí để bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVI.
Hội nghị đã nhất trí cao bầu bổ sung Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khoá XIV nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với bà Bùi Huyền Mai (đại biểu chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) và ông Nguyễn Văn Tứ (hiện là Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hà Nội).
Cùng với đó, hội nghị cũng đã bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, giới thiệu để bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội khoá XIV đối với ông Hoàng Trọng Quyết (hiện là Bí thư Quận ủy Ba Đình).
Nghệ An: Ngày 13/6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại đã trao Quyết định số 2288/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc điều động, bổ nhiệm ông Tô Hiền Đệ - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp UBND tỉnh, giữ chức Phó Chánh Thanh tra tỉnh Nghệ An.
TPHCM: Ngày 13/6, TAND TP.HCM đã tổ chức lễ trao quyết định bổ nhiệm chức vụ tại TAND huyện Củ Chi.
Theo đó, ông Vũ Tùng Lâm, Phó Chánh án TAND quận Phú Nhuận được bổ nhiệm giữ chức Chánh án TAND huyện Củ Chi. Nhiệm kỳ của ông Lâm là năm năm kể từ ngày 15/6/2017.
Ông Ngô Thanh Nhàn, Chánh án huyện nhiệm kỳ qua được điều động về TAND TP.HCM nhận nhiệm vụ mới.
Trước đó, ngày 12/6, TAND TP.HCM đã tổ chức lễ trao quyết định bổ nhiệm chức vụ tại TAND quận 2
Theo đó, ông Quách Hữu Thái (SN 1973), thẩm phán trung cấp, Phó Chánh Tòa Dân sự TAND TP.HCM, được bổ nhiệm giữ chức chánh án TAND quận 2. Nhiệm kỳ của ông Thái là năm năm, kể từ ngày 15/6/2017. Ông Phùng Văn Hải, Chánh án TAND quận 2, nhiệm kỳ qua được điều động về Tòa Dân sự TAND TP.HCM nhận nhiệm vụ mới.
Đắk Nông: Ngày 12/6, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm 7 cán bộ.
Theo đó, bà Vũ Thị Ái Duyên, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông, được điều động, bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông;
Ông Đoàn Văn Quỳnh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông, được điều động, bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông;
Ông Phạm Ngọc Tuyển, Trưởng phòng Tổng hợp, kiêm Thư ký Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, được bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông;
Ông Nguyễn Viết Thuật, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, được điều động, bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông;
Ông Nguyễn Thành Xuân, Trưởng phòng Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Nông được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Nông;
Ông Điểu Ken, Phó Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng Tỉnh ủy, được điều động, bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Nông;
Ông Hà Văn Hùng được bổ nhiệm lại chức vụ Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông.
* Trước đó, ngày 8/6, Tỉnh ủy Đắk Nông đã tổ chức Lễ công bố quyết định về công tác điều động, bổ nhiệm đối với 8 cán bộ.
Theo đó, Bí thư Thị ủy Gia Nghĩa Trần Xuân Hiền được thôi giữ chức vụ để giám định sức khỏe nghỉ hưu trước tuổi;
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đức Nguyên được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Bí thư Thị ủy Gia Nghĩa;
Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Phạm Xuân Lâm được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao-Du lịch Lê Khắc Ghi được điều động, bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Lê Văn Chiến được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Văn phòng Tỉnh ủy;
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Nô Nguyễn Văn Dự được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh;
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Bùi Ngọc Sơn được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Nô;
Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Văn Hợp được điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đắk Glong để giới thiệu bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong.
Sơn La: Ngày 11/6, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh đã trao các quyết định điều động, bổ nhiệm 2 cán bộ chủ chốt của tỉnh.
Cụ thể, theo Quyết định số 446-QĐ/TU ngày 2/6/2017 của Ban Thường vụ tỉnh ủy và Quyết định số 1459/QĐ-UBND ngày 2/6/2017 của UBND tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ Sơn La Lưu Minh Quân nhận công tác tại huyện ủy Bắc Yên, chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ huyện ủy, giữ chức Bí thư huyện ủy Bắc Yên nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo Quyết định số 448-QĐ/TU ngày 2/6/2017 của Ban Thường vụ tỉnh ủy và Quyết định số 1466/QĐ-UBND ngày 2/6/2017 của UBND tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư huyện ủy Bắc Yên Nguyễn Minh Hòa thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ huyện ủy, thôi giữ chức Bí thư huyện ủy Bắc Yên nhiệm kỳ 2015-2020, nhận công tác tại Sở Nội vụ, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nội vụ, giao phụ trách Sở Nội vụ Sơn La.
Liên quan đến công tác cán bộ, ngày 7/6, UBND tỉnh Cao Bằng đã Quyết định số 816/QĐ-UBND ngày 31/5/2017 của UBND tỉnh về việc tiếp nhận ông Lê Hải Hòa, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đến công tác tại Văn phòng UBND tỉnh, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh và giao phụ trách Văn phòng UBND tỉnh kể từ ngày 1/6/2017. Thời hạn bổ nhiệm 5 năm.
Cùng ngày (7/6), Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị Công an nhân dân đã trao quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm có thời hạn Thượng tá Lục Thế Hưng, Trưởng Công an huyện Vị Xuyên giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang. (Báo Chính Phủ 14/6) đầu trang(

THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
Giai đoạn 2011-2016, nhiều vụ án lớn xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng. Năm 2017, trong số 12 đại án có đến 9 vụ liên quan ngân hàng. Vì sao nghề “buôn tiền” có tần suất vi phạm pháp luật cao đến vậy? Liệu có giải pháp đủ mạnh để ngăn ngừa?
Hai mươi phút đăng đàn trả lời về nợ xấu của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại nghị trường Quốc hội, lần đầu tiên số liệu về vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong ngành ngân hàng được công bố. Theo đó, trong 5 năm qua, vài trăm cán bộ ngành ngân hàng vướng vòng lao lý.
Theo Thống đốc, từ năm 2011 đến 2016,  thống kê của Bộ Công an cho thấy, các cơ quan điều tra (Bộ Công an) phát hiện, khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng. Chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố xét xử 128 cán bộ ngân hàng, trong đó có nhiều đối tượng là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc các ngân hàng, giám đốc chi nhánh các tổ chức tín dụng với nhiều mức án nghiêm khắc như tử hình, chung thân, trên 20 năm.  “NHNN công bố thông tin để dư luận hiểu ngành đã và đang phải trả giá “đau” như thế nào; không có chuyện cán bộ ngân hàng vi phạm mà không bị xử lý”, Thống đốc nói với PV Tiền Phong.
Đầu năm nay, thông tin từ Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đã công khai: Năm 2017 tiếp tục có 12 “đại án” được đem ra xét xử, trong số đó một tỷ lệ không nhỏ là án liên quan ngân hàng.
Điểm danh sơ bộ có: Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) với sự tham gia có liên quan của một số ngân hàng khác; “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín liên quan hành vi của Hứa Thị Phấn…
“12 đại án thì có tới 9 vụ rơi vào ngân hàng, khá buồn với ngành. Làm cái nghề này, cán bộ nhân viên hằng ngày cọ xát với tiền, rất dễ bị cám dỗ” - thành viên HĐQT một NHTM Nhà nước lớn trải lòng với người  viết. Trước đó, ông từng than: 30 năm trong nghề, chưa bao giờ tôi thấy làm ngân hàng lại rủi ro đến thế. Nhìn cảnh cán bộ ngân hàng bị xét xử trước tòa, mấy anh em trẻ nơi tôi phụ trách còn đòi nộp đơn xin thôi việc, hoặc chuyển bộ phận công tác khác vì ... sợ.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, suốt 5 năm qua, cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện gần chục ngàn lượt cuộc thanh kiểm tra với tổ chức tín dụng (TCTD), các doanh nghiệp và cá nhân. Qua công tác thanh tra, phát hiện rất nhiều những vi phạm của cá nhân và tổ chức.
Có thể liệt kê ra đây một số vi phạm điển hình như: Vi phạm các quy định về phân loại nợ, trong thẩm định hồ sơ vay vốn; Kiểm tra phương án kinh doanh, tài sản thế chấp; Đầu tư vào những doanh nghiệp có nguy cơ nợ quá hạn hay tài sản thế chấp không đủ điều kiện cho vay; Vi phạm về huy động vốn và tiền gửi (có tổ chức vi phạm rút tiền, mở tài khoản, thiếu kiểm soát các quy trình rút tiền tạo lỗ hổng trong quản lý tài sản ngân hàng; gây thiệt hại cho người gửi tiền).
Thống kê cụ thể cho thấy, năm 2012, toàn hệ thống đã thực hiện tổng số 744 cuộc thanh tra, trong đó có 22 cuộc thanh tra pháp nhân (tổ chức). Qua thanh tra phát hiện một số vi phạm, rủi ro, yếu kém như chất lượng hiệu quả điều hành còn hạn chế ở nhiều TCTD. “Nhiều TCTD hiệu quả kinh doanh thực tế thấp trong khi báo cáo đều có lãi. Khi thanh tra đều lỗ do nợ xấu được phân loại trích lập dự phòng không đúng quy định. Hành vi vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi và khó phát hiện hơn”, cơ quan thanh tra của ngân hàng cho biết.
Năm 2014, cơ quan thanh tra giám sát đã thanh kiểm tra các tổ chức và 208 cá nhân; kiểm điểm rút kinh nghiệm 162 tập thể và 668 cá nhân. Cũng trong năm 2014, NHNN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an xử lý nghiêm những vụ việc có dấu  hiệu vi phạm hình sự trong đó chuyển cơ quan điều tra 16 vụ việc liên quan  đến Công ty tài chính Cao Su; Công ty dịch vụ NHNN & PTNT; NHTM CP Xây Dựng, Đại Dương và một số vụ việc ở chi nhánh các tỉnh thành khác. Liên tục trong các năm 2015 và 2016, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được triển khai rộng rãi trong toàn ngành. Năm 2015, NHNN chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý 12 vụ có dấu hiệu phạm tội...
Theo ông Nguyễn Hưng, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát (NHNN), đặc thù hoạt động của lĩnh vực ngân hàng là kinh doanh tiền tệ nhưng không chỉ có các NHTM Nhà nước mà còn rất nhiều TCTD khác như ngân hàng cổ phần do các cổ đông lớn, ông chủ chi phối. “Quy trình, quy định ngành đã ban hành rất rõ nhưng vì lợi nhuận, lợi ích nhóm, vẫn có những TCTD và cá nhân cố tình vi phạm”, ông Hưng cho biết. Cũng vì thế, thời gian qua, lãnh đạo NHNN đặc biệt quan tâm và yêu cầu thanh tra phải làm mạnh, rốt ráo.
Theo một báo cáo của NHNN, kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn đối với các loại tội phạm; cám dỗ với một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ, vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng cho các TCTD. Những sai phạm xảy ra ở một số TCTD trong thời gian gần đây còn xuất phát từ sự buông lỏng quản lý của HĐQT, Hội đồng thành viên, Ban điều hành TCTD… (Tiền Phong 15/6) đầu trang(
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh về việc chấn chỉnh công tác đánh giá phòng, chống tham nhũng (PCTN).
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về những biểu hiện, tác hại của tham nhũng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội; có phương pháp đánh giá lại hiệu quả của việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác PCTN.
Thực hiện đồng bộ, đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định pháp luật về PCTN và kế hoạch, quyết định của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá trách nhiệm trong công tác PCTN tại cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, để kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong công tác PCTN; có biện pháp bảo vệ người tố cáo và xử lý nghiêm hành vi trù dập, trả thù người tố cáo hành vi tham nhũng.
UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Theo kết quả đánh giá công tác PCTN năm 2016 của Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), tỉnh Đồng Tháp chỉ đạt 69,34/100 điểm. Nguyên nhân là do việc đánh giá công tác PCTN theo Bộ Chỉ số là một hoạt động mới nên việc thực hiện của nhiều đơn vị còn lúng túng; việc cung cấp, gửi số liệu, tài liệu chứng minh chưa đầy đủ, kịp thời; công tác phát hiện hành vi tham nhũng qua tự kiểm tra nội bộ, xử lý hành vi tham nhũng, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng còn hạn chế… (Thanh Tra 14/6) đầu trang(
Đợt giám sát việc quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn TPHCM của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã cho thấy nguồn lực tài nguyên đất đang bị lãng phí…
Công viên Phú Lâm tồn tại lâu đời, cây cối xòe tán như rừng già, thế nhưng ngay vị trí đắc địa của công viên lại xuất hiện một khối bê tông đồ sộ, ghi thẳng tấm biển quảng cáo: Trung tâm hội nghị tiệc cưới Sun Palace “chuyên tổ chức sự kiện văn hóa, tiệc cưới, hội nghị và yến tiệc”.
Vì sao có sự trớ trêu này? Theo UBND quận 6, nguyên nhân là do yếu tố lịch sử để lại, giữa việc sát nhập và tách của Trung tâm Văn hóa với Công viên Phú Lâm. Tiền thân mặt bằng xây dựng trung tâm tiệc cưới là hội trường nhà văn hóa của quận, dành để sinh hoạt cộng đồng. Năm 1999, UBND TPHCM ban hành quyết định sát nhập Trung tâm Văn hóa và Công viên Phú Lâm thành Trung tâm Văn hóa quận 6 (sau đây gọi tắt là TTVH). Đến năm 2007, UBND quận 6 giao cho Công ty Việt Ý đầu tư khai thác mặt bằng tại hội trường để tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Hợp đồng hợp tác đầu tư 10 năm với TTVH, theo phương thức phân chia lợi nhuận. Năm 2009, UBND quận tiếp tục cho TTVH ký phụ lục hợp đồng tăng định mức khoán và thời gian hợp tác là 22 năm. Đồng thời, UBND quận 6 cũng chấp thuận cho TTVH ký phụ lục hợp đồng với Công ty Việt Ý được bổ sung thêm hoạt động kinh doanh nhà hàng ăn uống, tổ chức tiệc cưới. Một lãnh đạo TTVH cho biết, giá thuê 18 triệu đồng/tháng, lũy kế theo từng năm. Như vậy, với mật độ tổ chức dày đặc, chắc chắn là lợi nhuận từ việc khai thác đất công viên này không hề nhỏ.
Sự việc trở nên bất thường, bởi vì từ tháng 8-2016, Thanh tra TPHCM có kết luận yêu cầu ngưng hoạt động tiệc cưới nhưng đến nay vẫn được tổ chức đều đặn. Lý do được giải thích từ TTVH là “đơn vị hợp tác vẫn duy trì tiệc cưới do đầu tư kinh phí quá lớn”. Ông Ngô Thành Luông, Chủ tịch UBND quận 6, cho biết: “Toàn bộ sai phạm đã giải quyết theo chỉ đạo của Thanh tra TPHCM. UBND quận 6 đã gửi văn bản kiến nghị Sở Nội vụ có hình thức xử lý các đồng chí nguyên là lãnh đạo UBND quận thời điểm 2009, đã ký cho hoạt động trung tâm tiệc cưới.
Hướng xử lý là sẽ không cho tổ chức nhà hàng tiệc cưới nữa và phải trở về hoạt động đúng chức năng là câu lạc bộ. UBND quận 6 đã nhiều lần mời TTVH và Công ty Việt Ý lên thỏa thuận về việc ngưng không tổ chức tiệc cưới nhưng đơn vị này không đồng ý, có thể hai bên sẽ phải ra tòa giải quyết. Ước tính đền bù khoảng 14,3 tỷ đồng. Nếu thua kiện thì nguyên lãnh đạo quận trước đây phải có trách nhiệm bồi thường”. Trong khi đó, chúng tôi trong vai người hỏi đặt thuê tiệc cưới cho một tháng tới, nơi đây vẫn trả lời là nhận, “giá từ 3,1 triệu đồng/bàn”! Có vị trí địa lý khá đẹp, hồ bơi Nguyễn Tri Phương trên đường Đồng Nai thuộc Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) quận 10 đã bị “xẻ thịt” mặt tiền để mở quán bi da, cà phê và quán ăn. Nếu như cửa cổng không có treo bảng hiệu Trung tâm TDTT quận 10 thì nhiều người sẽ tưởng đây là Trung tâm “ăn chơi giải trí”. Mới đây, thêm mặt bằng ngay góc đường Trường Sơn - Đồng Nai được tháo dỡ bức tường để mở quán bán bánh canh. Cách đó không xa, lô đất sát bên Nhà Thiếu nhi quận 10 (đường Bắc Hải nối dài) thuộc Câu lạc bộ Bi sắt do Trung tâm TDTT quận 10 quản lý cũng “xẻ thịt” cho thuê.
Lãnh đạo UBND quận 10 cho biết, trước đó quận đã lập đoàn thanh tra, phát hiện những sai phạm về hoạt động, trong đó có vấn đề sử dụng, khai thác cho thuê đất. Việc cho thuê bán chim cá cảnh và sửa ô tô là sai; chỗ quán bán bánh canh cũng sai vì vị trí đó là nơi kinh doanh đồ TDTT. Năm 2016, quận đã kiểm điểm 7 cán bộ, trong đó cách chức giám đốc và luân chuyển một số trường hợp… Sau khi nhận được phản ánh từ báo, lãnh đạo UBND quận 10 cho biết sẽ có văn bản đề nghị Trung tâm TDTT quận khắc phục sai phạm trong vòng 30 ngày. Nhưng, khi chúng tôi trở lại thì mọi việc vẫn như cũ: cà phê, bánh canh, nhộn nhịp kẻ vào người ra!
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, sự lãng phí đất công phổ biến chính là việc cho thuê hoặc bố trí người ở, rồi sau này Nhà nước phải tốn kinh phí để di dời. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện có 11 khu đất đã đưa về Trung tâm Phát triển quỹ đất làm thủ tục thu hồi, nhưng bị vướng các hộ dân đang sinh sống. Bị lấn chiếm nhiều nhất là khu đất số 97/2/19 Kinh Dương Vương (phường 12, quận 6), có diện tích 1.051m² với 15 hộ dân đang làm nhà ở. Trước đó, khu đất này do Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam quản lý lỏng lẻo, đã bị chiếm dụng.
Năm 2016, UBND TP có công văn thu hồi khu đất và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tiếp nhận, phối hợp với tổng công ty thu hồi phần diện tích 572m² do 7 hộ lấn chiếm để lập thủ tục bán đấu giá, thu tiền nộp ngân sách TP.  Hoặc khu đất 640m² tại địa chỉ số A712/1 Võ Văn Ngân (quận 9), hiện đang có 1 hộ dân và 2 nhà bảo vệ. Trung tâm Phát triển quỹ đất tiếp nhận khu đất vào tháng 5-2015 từ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, hiện nay muốn di dời để bán đấu giá thu tiền cho ngân sách, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban chỉ đạo 09 đã lập phương án xử lý di dời và đã trình UBND TP.
Theo chân đoàn giám sát quản lý sử dụng đất công, một biểu hiện lãng phí khác là đơn vị quản lý giữ hộ cho TP các khu đất công, hiện đem cho thuê với giá quá bèo. Tại quận 6, Công ty Dịch vụ công ích quận đang tạm quản lý giữ hộ 132 mặt bằng. Trong đó, hầu hết các mặt bằng được đem cho thuê với các mục đích như “làm chành xe khách, làm kho kinh doanh nước giải khát sỉ và lẻ, cho thuê sản xuất nhựa, dập lồng quạt máy, mở quán cơm, kinh doanh vàng”…
Điều đáng nói là việc cho thuê này theo đơn giá cho thuê sản xuất kinh doanh cách nay 22 năm, tức là thực hiện theo Quyết định 3346 ngày 7-10-1994 của UBND TP! Việc này cũng diễn ra tại một mặt bằng mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám, hơn 200m², nhưng mỗi tháng thu về chưa được 3 triệu đồng! Điều này khiến ông Cao Thanh Bình, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, phải thốt lên: “Thật xót xa vì cách hành xử “vô tâm” đối với đất công!”…
Lãng phí đất công là câu chuyện đã diễn ra “rất dài và rất lâu”, có rất nhiều cách thức trục lợi như cho thuê, bán chác giá rẻ mạt, trong đó có cả nhóm lợi ích thao túng... Rõ ràng, việc dừng bán đất công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “khoảng lặng” kịp thời để rà soát lại toàn bộ, từ đó sẽ có xử lý phù hợp, hướng đến mục đích lớn lao là dùng nội lực đặc biệt này phục vụ công cuộc kiến quốc!  (Sài Gòn Giải Phóng 15/6) đầu trang(

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
UBND tỉnh Bến Tre giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và VNPT Bến Tre triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử đã được thỏa thuận.
Theo Sở TT&TT tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre vừa tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) về Viễn thông và Công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2014 - 2020.
VNPT Bến Tre đã phối hợp với các đơn vị trong tỉnh triển khai đưa vào hoạt động nhiều ứng dụng, dịch vụ CNTT đến các cơ quan trong toàn tỉnh nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh trong việc xây dựng chính quyền điện tử như: triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành điện tử, cổng thông tin điện tử, cổng tra cứu thông tin về quyền sử dụng đất, hệ thống thông tin ngành giáo dục, y tế…
Theo đó, 148/165 cơ sở y tế có khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế đã được triển khai phần mềm VNPT-HIS Việt Nam. 944.000 lượt người khám được thực hiện giải quyết hồ sơ điện tử. VNPT Bến Tre triển khai hiệu quả hệ thống mạng giáo dục Việt Nam (VnEdu) đến 337/365 trường, tổng số phụ huynh học sinh đăng ký sổ liên lạc điện tử hơn 41.000 sổ.
Trong lĩnh vực cải cách hành chính, VNPT đã triển khai thành công hệ thống một cửa điện tử (VNPT iGate) tại 15 sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và 164 xã, phường, thị trấn, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử (VNPT iOffice) đã được triển khai đảm bảo liên thông 3 cấp tỉnh - huyện - xã.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Phước đánh giá cao nỗ lực tiếp cận CNTT của các đơn vị, cũng như sự hỗ trợ liên tục, hiệu quả của VNPT Bến Tre. Đó là những nỗ lực giúp Bến Tre xây dựng thành công chính quyền điện tử trong thời gian tới.
"Mạng dịch vụ viễn thông và CNTT là yếu tố bắt buộc tiếp cận trong một xã hội phát triển. Điều này đã được Chính phủ chỉ rõ" - ông Phước nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Phước khẳng định, UBND tỉnh sẽ triển khai sử dụng phần mềm của VNPT vào hệ thống quản lý văn bản hành chính 4 cấp (chính phủ - tỉnh - huyện - xã) trong thời gian tới. Phó chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và VNPT Bến Tre triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử đã  được thỏa thuận.
Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu khi đưa nội dung ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính nhà nước, quản lý văn bản và điều hành điện tử, dịch vụ trực tuyến công… Mức độ sử dụng hiệu quả các phần mềm trên là tiêu chí chấm điểm cải cách hành chính, thi đua khen thưởng cho các đơn vị. Khi sử dụng các phần mềm dịch vụ của VNPT Việt Nam, các cơ quan, đơn vị tiếp tục tham mưu UBND tỉnh mở rộng hơn so với thỏa thuận và sử dụng phải chịu trách nhiệm trực tiếp với UBND tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị phía VNPT Việt Nam không ngừng nâng cấp các hệ thống theo đề xuất của đơn vị sử dụng và đặc thù riêng của Bến Tre, cũng như hoàn thiện đúng với nội dung và lộ trình đã thỏa thuận với UBND tỉnh. (ICT News 14/6) đầu trang(
UBND TP Hà Nội vừa có Văn bản số 2847/UBND-KGVX về việc ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đợt 1 năm 2017.
Thực hiện Kế hoạch số 246/KH - UBND của UBND thành phố về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước TP Hà Nội năm 2017; trên cơ sở kết quả rà soát danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dự kiến triển khai năm 2017 của Văn phòng Chính phủ và đề nghị của liên sở: Thông tin và Truyền thông - Tư pháp; UBND thành phố chỉ đạo thống nhất ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 triển khai đợt 1 năm 2017 gồm 375 dịch vụ công. Trong đó có 306 dịch vụ công cấp sở, 44 dịch vụ công cấp huyện và 25 dịch vụ công cấp xã.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ kỹ thuật khi triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành của thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường tổ chức triển khai các dịch vụ công trực tuyến theo danh mục đã được UBND thành phố ban hành; tiếp tục rà soát, trình UBND thành phố ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến đợt 2 năm 2017 bảo đảm hết năm 2017, tối thiểu 55% thủ tục hành chính của thành phố được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4… (Hà Nội Mới 15/6) đầu trang(

KINH TẾ
Hệ thống tài chính - ngân hàng vẫn trong quá trình tái cơ cấu, những vấn đề lớn chưa được giải quyết triệt để, như nợ xấu hay mất cân đối kỳ hạn. Điểm nghẽn của hệ thống khiến nỗ lực hạ lãi suất đầu ra khó khăn hơn.
Thâm hụt ngân sách lớn đã khiến nợ công năm 2016 chạm trần 65% GDP. Tỷ lệ này đang ở mức rất cao so với nhóm nước trong khu vực, đặc biệt tăng rất nhanh kể từ năm 2011. Áp lực chi trả nợ công đang ngày càng tăng khi tỷ trọng chi trả nợ trung và dài hạn đã vượt ngưỡng 25% tổng thu ngân sách năm 2016.
Rủi ro nợ công của Việt Nam còn nằm ở 2 yếu tố:
Thứ nhất, nợ công nêu trên chưa tính đến nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong khi khu vực này vẫn luôn nhận được ngân sách "mềm" từ Chính phủ và là nguồn tiềm ẩn đối với nợ công. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số nợ phải trả hợp nhất năm 2015 của 103 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1.547.859 tỷ đồng, tương đương hơn 70 tỷ USD, chiếm khoảng 35% GDP. Như vậy, nếu tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ công đã vượt quá 100% GDP.
Thứ hai, tốc độ gia tăng nợ công nhanh trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách trung hạn thiếu bền vững, tỷ trọng trả nợ vay trong tổng chi ngân sách đã vượt ngưỡng cho phép đang là nguy cơ đối với nền kinh tế.
Có 3 nguyên nhân cơ bản dẫn đến những khó khăn kinh tế không những trong ngắn hạn mà cả trong trung hạn:
Một là, mô hình tăng trưởng kinh tế chưa được cải thiện, chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng tăng trưởng thấp, cơ cấu sản xuất và xuất khẩu dựa phần lớn vào các yếu tố đầu vào và công nghệ nhập khẩu.
Hai là, việc điều hành các chính sách vĩ mô, bao gồm chính sách tiền tệ và tỷ giá, chính sách tài khóa và quản lý nợ công còn chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao.
Ba là, vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Đây cũng chính là những điểm then chốt cần được giải quyết ngay trong năm 2017 và những năm tiếp theo vì mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách đến 15/12/2016 ước đạt 943,3 nghìn tỷ đồng, bằng 93% dự toán năm, trong đó thu nội địa 744,9 nghìn tỷ đồng (94,9%), thu từ dầu thô 37,7 nghìn tỷ đồng (69,2%), thu cân đối ngân sách từ xuất nhập khẩu 156,2 nghìn tỷ đồng (90,8%).
Như vậy, dù thu nội địa tăng 13,4% nhưng một số khoản thu quan trọng như thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu đều giảm mạnh, với mức giảm tương ứng 39,6% và 2,3% so với năm 2015.
Theo đó, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước đang giảm qua các năm. Nếu như giai đoạn 2006 - 2010, thu ngân sách nhà nước ước đạt 28,7% GDP thì giai đoạn 2011 - 2015 giảm chỉ còn 23,3%. Năm 2016, tỷ lệ ước tính chỉ còn 22,1%. Tỷ trọng tổng thu ngân sách nhà nước trên GDP của Việt Nam đang ở mức trung bình trong khu vực nhưng đang giảm dần.
Nguyên nhân là do kinh tế chưa thực sự khởi sắc, cắt giảm thuế quan theo lộ trình tham gia các hiệp định thương mại và thu từ dầu thô suy giảm do giá dầu và sản lượng dầu suy giảm.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách đến ngày 15/2/2016 ước đạt 1.135,5 nghìn tỷ đồng, bằng 89,2% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 190,5 nghìn tỷ đồng (74,7%), chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 786 nghìn tỷ đồng (95,4%), chi trả nợ và viện trợ đạt 150,3 nghìn tỷ đồng (96,9%). So sánh với các nước trong khu vực, tỷ trọng chi trên GDP của Việt Nam thuộc loại cao nhất trong hơn 10 năm qua. Cho đến năm 2016, tỷ trọng này vẫn ở mức trên 28% GDP.
Nguồn thu ngân sách vẫn thiếu bền vững trong khi chi ngân sách không có dấu hiệu giảm và kỷ luật tài khóa chưa được cải thiện. Thâm hụt ngân sách lớn nên quy mô vay nợ của Chính phủ gia tăng, đặc biệt là vay nợ trong nước bằng phát hành trái phiếu chính phủ, dự kiến năm 2017, tổng mức phát hành trái phiếu chính phủ là 250.000 tỷ đồng, tiếp tục gây sức ép đến lãi suất và giảm khả năng tiếp cận vốn của khu vực tư nhân.
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 với mục tiêu đặt ra đối với tăng trưởng GDP là khoảng 6,7%, CPI tăng khoảng 4%. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay của nền kinh tế, mục tiêu này khó đạt được nếu không có những quyết tâm trong tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng được chính phủ kiến tạo phát triển. (Phụ Nữ News 15/6) đầu trang(
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của nước ta có giảm về lượng nhưng tăng mạnh về giá trị.
Cụ thể, lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 5/2017 là 122.000 tấn, trị giá đạt 274 triệu USD, giảm 9,4% về lượng và giảm 10,3% về trị giá so với tháng trước. Trong 5 tháng đầu năm 2017, lượng cà phê xuất khẩu của cả nước đạt gần 709.000 tấn, trị giá đạt 1,6 tỷ USD, giảm 13,9% về lượng nhưng tăng 13,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Các thị trường nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong 5 tháng qua chủ yếu gồm: Thị trường EU với 332.000 tấn, trị giá 734 triệu USD, giảm 10,2% về lượng, tuy nhiên tăng 16,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cà phê sang thị trường Hoa Kỳ đạt 105.000 tấn, trị giá 238 triệu USD, giảm 1,6% về lượng, tăng 30,6% về trị giá. Đối với thị trường Nhật Bản cũng đạt 41 triệu USD, trị giá 95 triệu USD, giảm 6,8% về lượng, tăng 19,4% về trị giá.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá cà phê xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2017 đạt 2.267 USD/tấn, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Tại thị trường cà phê trong nước cũng biến động tăng trong tháng 5/2017 theo xu hướng tăng của thị trường cà phê thế giới. So với cuối tháng 4/2017, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 900 đồng/kg lên mức 43.200 – 43.700 đồng/kg. Giao dịch cà phê tại thị trường Việt Nam trong tháng qua vẫn tiếp tục trầm lắng.
Phiên hôm qua (14/6), thị trường cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đảo chiều giảm 200 đồng so với phiên trước, xuống ở mức 43.500 – 44.000 đồng/kg.
Trước đó, năm 2016 xuất khẩu cà phê đạt 1,79 triệu tấn, đem về 3,36 tỉ USD, tăng 33,6% về lượng và 25,6% về giá trị so với năm 2015.
Đối với năm 2017, theo dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ giảm cả lượng và kim ngạch so với năm 2016 do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, do đó về lượng có thể chỉ đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm 20-30% so với năm 2016.
Không riêng gì Việt Nam, từ đầu năm 2017, Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) đã dự báo rằng, năm nay ngành cà phê trên thế giới có thể sẽ tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu hụt sản lượng năm thứ 3 liên tiếp. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 15/6) đầu trang(
Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% của một quốc gia là chỉ tiêu khá cao, xét trên bình diện kinh tế toàn cầu, cũng như trong khu vực châu Á. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2017, nếu một quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% thì quốc gia đó sẽ dẫn đầu châu Á, châu lục dự kiến có chỉ số tăng trưởng kinh tế đứng đầu toàn cầu với mức 5,5%.
Như thế có thể thấy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Việt Nam sẽ phải vượt qua những thách thức rất lớn, trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; tăng trưởng bền vững gắn với bảo vệ môi trường; tăng trưởng bằng khai thác chất xám, trí tuệ con người, chứ không phải dựa vào khai thác tài nguyên là chính, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng chứ không chỉ cố đạt được con số tuyệt đối. Thường thì trong các giai đoạn tái cơ cấu, các nền kinh tế chưa thể tăng tốc ngay.
Phân tích như thế để thấy rằng, muốn đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2017 này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả quốc gia, phải tháo gỡ ngay các điểm nghẽn, khơi dậy các tiềm năng phát triển. Điểm nghẽn của nền kinh tế những tháng đầu năm là gì? Đó là việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn quá chậm, khi đã hết nửa năm mà còn tới 20/44 bộ, ngành và 4/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Vốn đầu tư còn chưa được đưa ra thì tốc độ phát triển kinh tế bị ảnh hưởng là tất yếu. Cùng với đó, chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp thấp hơn so với cùng kỳ. Một số dự án đầu tư nước ngoài được triển khai chậm hơn so với dự kiến, gặp những khó khăn khách quan trong hoạt động...
Có rất nhiều nguyên nhân "hình thành" những điểm nghẽn phát triển. Nhưng tựu trung là do năng lực và trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của hệ thống quản trị cấp cơ sở còn có những vấn đề. Ví như, nguyên nhân chủ quan của việc vốn đầu tư công giải ngân chậm được chỉ ra là do: Giao vốn chậm, thủ tục đầu tư rườm rà, phức tạp; công tác chỉ đạo, điều hành ở một số bộ, địa phương, ban quản lý dự án còn thụ động, thiếu quyết liệt, khẩn trương... Để khắc phục yếu kém này cần có những giải pháp điều hành quyết liệt; cương quyết xử lý người đứng đầu bộ, ngành, địa phương không hoàn thành nhiệm vụ.
Hiện nay, đất nước còn tiềm năng phát triển lớn từ việc thu hút vốn đầu tư, trí tuệ của toàn xã hội vào công cuộc xây dựng kinh tế. Trong 5 tháng vừa qua, có 50.534 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 485.634 tỷ đồng (tăng 13% về số doanh nghiệp và 39% về số vốn so với cùng kỳ); trong đó, 13.548 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động, nay đã hoạt động trở lại. Cũng trong 5 tháng vừa qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký ước đạt 12,13 tỷ USD (tăng 10,4% so với cùng kỳ), vốn FDI thực hiện ước đạt 6,15 tỷ USD (tăng 6% so với cùng kỳ). Đây là những tín hiệu tốt, chứng tỏ quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ đã mang lại hiệu quả.
Lý thuyết và kinh nghiệm thúc đẩy phát triển kinh tế của các quốc gia có xuất phát điểm thấp đều chung một điểm là muốn tăng tốc cần phải ổn định hóa cơ chế, chính sách; thông minh hóa, đơn giản hóa hệ thống quản lý hành chính, các thủ tục hành chính bằng cách áp dụng quản lý điện tử, chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm...
Quan điểm quản lý đó sẽ làm giảm việc tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và doanh nghiệp với cán bộ, công chức, giảm các giấy phép con, giảm xin-cho. Người dân và doanh nghiệp có thoải mái, không lo lắng về những rủi ro khó đoán của việc thay đổi cơ chế, chính sách; không bức xúc, không gặp trở ngại vì những biểu hiện tham nhũng, trong đó có cả tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất thì mới yên tâm đầu tư vốn, chất xám để làm ăn, mới mang lại nhiều nguồn lực tăng trưởng cho đất nước. (Quân Đội Nhân Dân 15/6) đầu trang(

MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
Từng nhà lãnh đạo ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, phải có tham vọng, khát vọng, tâm huyết về phát triển đất nước; phải thể hiện và trình bày được mục tiêu và khát vọng của mình trong thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, thu hẹp khoảng cách giữa nói và làm.
Đó là việc đầu tiên mà ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nêu ra trong một danh sách khá nhiều những việc cần làm để thực hiện được nhiệm vụ đầy thách thức – chuyển từ một Nhà nước thiên về sở hữu, kiểm soát sang Nhà nước kiến tạo và điều tiết.
Nhà nước kiến tạo theo ông Nguyễn Đình Cung là Nhà nước phải có mục tiêu phát triển rõ ràng, vì dân, Nhà nước dẫn dắt và thúc đẩy toàn xã hội hướng tới mục tiêu phát triển đó.
Quản lý nhà nước của Việt Nam theo ông Cung là thiên về kìm cương phát triển hơn là kiến tạo phát triển. Nhà nước coi mình là chủ thể quản lý và người dân, doanh nghiệp là đối tượng quản lý; quan hệ theo thứ bậc bề trên hơn là đối tác phát triển bình đẳng. Nhà nước đang chèn lấn, thay vì bổ sung, hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển.
Ông Cung cho rằng, chúng ta đang quản lý theo kiểu năng lực của Nhà nước đến đâu cho người dân làm đến đó, biết đến đâu cho làm đến đấy, không phải quản lý vì phát triển. Ông Cung nói có hàng trăm ví dụ về chuyện này mà “có kể cả ngày cũng không hết”. Một ví dụ mới là việc làm Luật Quy hoạch, rất đổi mới, bỏ rất nhiều quy hoạch ngành, sản phẩm là những bản quy hoạch mà Nhà nước can thiệp đến cả việc sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, ở đâu, thậm chí cho ai làm việc đấy. Đó là những quy hoạch trái với kinh tế thị trường, phải bỏ, nhưng nhiều ý kiến lại lo ngại bỏ thì phải sửa nhiều luật. “Vì mục tiêu phát triển thì dù làm lại bao nhiêu luật cũng phải làm”, ông Cung nêu quan điểm.
Hay chính sách di cư nông thôn - đô thị cũng được Viện trưởng CIEM nêu ra như một ví dụ cho quản lý theo kiểu kìm hãm phát triển. Ở Hàn Quốc, chính sách di cư không xuất phát từ khả năng tiếp nhận của đô thị mà xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế. Nhà nước quản theo yêu cầu phát triển để tạo cơ hội và mở rộng tiềm năng phát triển và di cư là cứu cánh cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế của đất nước này. Còn Việt Nam hoàn toàn ngược lại, hạn chế nhập cư đô thị vì lo sợ không quản được.
Ông Cung chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến Nhà nước chưa thực hiện được vai trò kiến tạo. Trong đó, đầu tiên là bộ máy quản lý hiện nay không còn phù hợp trong kinh tế thị trường, thiếu tầm nhìn dẫn dắt sự phát triển. Nguồn lực nhà nước không được phân bổ và sử dụng theo nguyên tắc thị trường, mệnh lệnh và can thiệp hành chính quá mức làm sai lệch và kém hiệu quả phân bổ nguồn lực. Chế độ làm việc tập thể kéo dài khiến cho bộ máy, các quy trình ra quyết định và điều hành, thực thi chưa minh bạch và chưa có trách nhiệm giải trình.
Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang đứng trước những thách thức mới làm sao vượt qua bẫy thu nhập trung bình, không rơi vào tụt hậu, cần thiết phải có sự thay đổi trong quản lý nhà nước. Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, chuyển từ phương thức Nhà nước là chủ yếu sang Nhà nước tạo môi trường ổn định, thuận lợi và phục vụ cho sự phát triển chung của toàn xã hội và toàn nền kinh tế là một xu thế, đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn tới.
Làm sao để có Nhà nước kiến tạo? Lời giải đầu tiên cho câu hỏi này, theo ông Bùi Quang Vinh là cần phải xác định rõ “bàn tay” của Nhà nước đến đâu, phải làm rõ vai trò của Nhà nước và thị trường, giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế; đảm bảo nguyên tắc thị trường trong các quyết định của Nhà nước; tăng cường sự đảm bảo về quyền tài sản, thực thi cạnh tranh... Song hành với đó phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, tránh lạm quyền trong bộ máy lập pháp, hành pháp, tư pháp, nâng cao tiếng nói của người dân trong hoạch định chính sách và kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhận định, cơ chế kiểm soát quyền lực hiện nay chưa hiệu quả. Tùy tiện, lạm quyền, tiêu cực trong thực thi quyền lực công là vấn đề lớn. Ông Liên cho rằng, trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân không rõ ràng, trách nhiệm tập thể là nơi ẩn nấp hiệu quả cho trách nhiệm cá nhân, cần đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Ông Liên cho rằng, phải xác định rõ vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ với thị trường. Nhà nước đang trực tiếp tham gia hoạt động kinh tế quá nhiều thông qua doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân có quan hệ thân hữu, thông qua phân bổ các nguồn lực.
Theo ông Liên, Nhà nước kiến tạo phải là Nhà nước vì dân thực sự, không có tham nhũng, bảo đảm quyền dân chủ. Để làm được vai trò kiến tạo đầu tiên phải nâng cao năng lực của Nhà nước. Bộ máy Nhà nước hiện nay quá cồng kềnh, không xây dựng trên cơ sở thực tài mà vẫn bị chi phối bởi nhiều quan hệ. Thứ hai, công tư phải rõ ràng, Nhà nước thực hiện quyền lực công phải vì lợi ích công. Thứ ba, phải xây dựng và thực thi pháp luật nghiêm túc, đảm bảo chính sách tốt được thực thi hiệu quả. (Đấu Thầu 14/6) đầu trang(

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
Khi được hỏi về trách nhiệm đối với tình trạng đầu tư dàn trải, phân bổ vốn chậm, chất lượng dự án thấp, không vòng vo tam quốc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói ngay: “Chúng tôi thực sự thiếu kiên quyết, còn nể nang”.
Bộ trưởng còn nêu ra những hạn chế, bất cập, tồn tại vì nể nang, thiếu kiên quyết. Hậu quả là vốn đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản quá lớn. Nể nang khiến cho việc phê duyệt vốn vượt quá khả năng, có khi tới ba lần.
Điều đáng nói, có cả những dự án thua lỗ, trùm mền đắp chiếu cả ngàn tỉ lẽ ra phải có cách xử lý dứt điểm nhưng lại được bố trí vốn để tiếp tục duy trì và mong đến ngày có lãi. Hệ quả là vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm như mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, giải tỏa mặt bằng, bồi thường, tái định cư sân bay Long Thành vẫn còn nhiều điều khó nói.
Tình trạng nể nang, thiếu kiên quyết không chỉ xảy ra trong ngành kế hoạch và nể nang, thiếu kiên quyết đang làm tổn thương xã hội, phương hại đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 2-2017 đã tổng kết về vấn đề này trong công tác giám sát Đảng như sau: Không ít địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe; đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc.
Còn có tổ chức đảng thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, cá biệt có biểu hiện bao che cho cán bộ, đảng viên có chức, có quyền vi phạm. Sự phối hợp công tác giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan có liên quan như thanh tra, kiểm toán, công an, viện kiểm sát, tòa án… có lúc, có việc chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp.
Những lời thẳng thắn trên đây phần nào lý giải được vì sao tham nhũng nhiều mà đa phần các đối tượng tham nhũng thường chỉ… hưởng án treo. Những quy định về công khai, minh bạch trong tuyển dụng cán bộ, công chức đã quá đầy đủ mà tình trạng “cả họ làm quan” vẫn là điều nhức nhối…
Có thể nể nang, thiếu kiên quyết đã khiến pháp luật bị nhờn. Những sai phạm từ lớn đến nhỏ vẫn liên tiếp xảy ra mà không có phương thuốc nào trị nổi.
Ở những nơi pháp quyền là tối thượng sẽ chẳng bao giờ có chỗ cho những vi phạm như đã chứng kiến gần đây. Nếu có thì chế độ trách nhiệm sẽ chẳng bao giờ để cho cá nhân sai phạm tại vị hoặc chuyển đi nơi khác.
Thiếu kiên quyết, nể nang, như lời Tổng Bí thư, có thể coi là một tệ nạn. Nó làm băng hoại đạo đức xã hội, phá vỡ kỷ cương phép nước và là lực cản khiến đất nước chẳng thể vươn lên.
Trong khi chưa thể có lý giải tại sao thì có lẽ lời Phó Bí thư tỉnh Yên Bái Dương Văn Thống là điều chua xót: “Người Việt mình hiện nay là thế”.  (Pháp Luật TP.HCM 15/6) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Tỷ phú Thomas Kwok – cựu đồng chủ tịch Công ty Sun Hung Kai Properties Ltd, và Cựu Chánh văn phòng Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) Rafael Hui sẽ phải thi hành án tù giam sau khi những nỗ lực kháng án bị bác bỏ trong phiên tòa ngày 14-6.
Việc này đặt dấu chấm hết cho một trong những vụ xét xử tham nhũng cấp cao gây chấn động trong lịch sử Hồng Kông.
Ủy ban gồm 5 thẩm phán thuộc Tòa án Phúc thẩm Cuối cùng Hồng Kông đã ra kết luận ông Thomas Kwok, ông Rafael Hui và 2 bị cáo khác tội “âm mưu có hành vi sai trái trong cơ quan nhà nước”.
Cụ thể, tỷ phú Kwok, 65 tuổi sẽ ngồi tù 5 năm và nộp phạt 500.000 đô la Hồng Kông theo bản án được tuyên vào tháng 12-2014.
Ông Kwok bị kết tội vì âm mưu đưa hối lộ 8,5 triệu đô la Hồng Kông cho ông Rafael Hui, nhằm đổi lấy các ưu đãi cho Sun Hung Kai - công ty bất động sản lớn nhất đặc khu này. Trong khi đó, Cựu Chánh văn phòng Đặc khu hành chính Hồng Kông Rafael Hui tiếp tục thụ án 7 năm rưỡi tù giam như bản án năm 2014.
Hồi tháng 2-2017, cựu Đặc khu trưởng Hồng Kông Donald Tsang, đã bị tuyên án 20 tháng tù giam vì sai phạm trong quản lý trong một vụ việc riêng biệt.  (An Ninh Thủ Đô 15/6) đầu trang(./.