Xem ngày trước
BẢN TIN TỔNG HỢP
Xem ngày kế tiếp

Ngày 13 tháng 11 năm 2017
CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
TIÊU ĐIỂM
QUẢN LÝ
NHÂN SỰ MỚI
THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
KINH TẾ
MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
NHÌN RA THẾ GIỚI

CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
Tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 12; tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay; cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường Tết... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 6-10/11/2017.
Tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 12
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương trong khu vực bị ảnh hưởng bởi bão, lũ tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, kịp thời tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm; hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nước sạch và các nhu yếu phẩm khác đến tận tay người dân, tuyệt đối không để người dân nào bị thiếu đói, không nơi trú ngụ; phát huy tinh thần tự lực tự cường, chủ động sử dụng nguồn dự phòng để hỗ trợ nhân dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Các địa phương diễn ra sự kiện APEC lưu ý việc bảo đảm môi trường vệ sinh an toàn, sạch sẽ.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân vùng bị ảnh hưởng do bão số 12 và mưa lũ vừa qua. Trước mắt hỗ trợ những địa phương bị thiệt hại nặng khoảng 500 tấn (Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế…), địa phương bị thiệt hại nhẹ khoảng 100 tấn đến 200 tấn. UBND các địa phương bị thiệt hại khẩn trương rà soát, thống kê số lượng, xác định nhu cầu làm cơ sở để Bộ Tài chính thực hiện theo quy định.
Thủ tướng biểu dương hành động dũng cảm cứu người trong bão dữ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương anh Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam và một số đồng nghiệp, trong khi cơn bão số 12 còn đang hoành hành, đã bất chấp hiểm nguy, dũng cảm đưa ca nô ra biển cùng các lực lượng chức năng kịp thời cứu được nhiều người dân gặp nạn trên biển.
Tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia và ổn định tỷ giá trong biên độ quy định, nhất là dịp cuối năm. Tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm chất lượng tín dụng. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường
Theo Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng; mức phạt tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng, trừ một số trường hợp.
Chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, tạm giam
Nghị định số 120/2017/NĐ-CP quy định chi tiết về chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế (chế độ) đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ; việc thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài.
Quản lý chặt chẽ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam
Theo Nghị định số 121/2017/NĐ-CP quy định xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam, quản lý chặt chẽ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam, bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật theo quy định của pháp luật trong việc quản lý dữ liệu.
Tổng kết 15 năm Pháp lệnh Động viên công nghiệp
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 10/11/2017 về việc tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp (2003-2018).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nội dung tổng kết cần đánh giá đầy đủ, khách quan kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập, làm rõ nguyên nhân bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Pháp lệnh; đề xuất chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác động viên công nghiệp trong tình hình mới; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về động viên công nghiệp; tiến hành khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Pháp lệnh.
Công nhận Sông Đốc (Cà Mau) là thị trấn đảo
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1755/QĐ-TTg công nhận thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là thị trấn đảo.
Làm rõ phản ánh "luật ngầm trên sông"
Báo Thanh niên ngày 23/10/2017 có bài "Luật ngầm trên sông", phản ánh tại cảng Liên Hiệp 1 trên sông Đồng Nai có tình trạng lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đường thủy kiểm tra phương tiện "siêu tốc", ghé qua chỉ lấy những "tờ nhỏ" rồi nhanh chóng rời đi.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh nêu trên của báo Thanh niên; nếu phát hiện có vi phạm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Kiểm tra phản ánh về cấp phiếu lý lịch tư pháp và đăng ký khai tử
Gần đây một số tờ báo phản ánh tình trạng "cò" làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp ngang nhiên hoạt động trước cổng Sở Tư pháp thành phố Hà Nội và tình trạng chậm giải quyết thủ tục đăng ký khai tử tại tỉnh Tây Ninh.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Binh yêu cầuUBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xem xét nội dung báo chí nêu về tình trạng "cò" làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, chấn chỉnh ngay việc thực hiện thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có); có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng nêu trên.
Cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường Tết
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản; phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lúa gạo, thực phẩm, đường, muối nhằm ổn định thị trường nhất là trong thời điểm Tết Dương lịch và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện trình Chính phủ quyết định. Bên cạnh đó, chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ, sử dụng Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, nhất là trong các thời điểm cận lễ, Tết hoặc thời điểm mà giá xăng dầu đã tăng nhiều kỳ liên tục để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát. (Báo Chính Phủ 11/11) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 10/11/2017 về việc tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp (2003-2018).
Pháp lệnh Động viên công nghiệp được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25/2/2003 và Chủ tịch nước công bố ngày 10/3/2003.
Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, ban hành hệ thống văn bản để triển khai, thực hiện Pháp lệnh đồng bộ, hiệu quả. Triển khai tổng khảo sát, lựa chọn, lập danh mục giao bộ, cơ quan trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tập đoàn, tổng công ty quản lý các doanh nghiệp công nghiệp có đủ khả năng sản xuất, sửa chữa trang bị cho Quân đội. Thực hiện đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng các dây chuyền động viên công nghiệp tại doanh nghiệp công nghiệp và đơn vị quân đội; tổ chức sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị cho Quân đội bảo đảm số lượng, chất lượng theo chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; năng lực công nghệ các dây chuyền được duy trì ổn định, từng bước được nâng cao, sẵn sàng động viên khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai, tổ chức thực hiện Pháp lệnh còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Số lượng doanh nghiệp công nghiệp được khảo sát, lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị động viên công nghiệp còn ít so với số lượng thực tế doanh nghiệp công nghiệp trên toàn quốc; chưa đánh giá hết tiềm năng công nghiệp của quốc gia, từng vùng, từng địa phương phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng; việc giao nhiệm vụ, chỉ tiêu động viên công nghiệp cho các doanh nghiệp công nghiệp còn nhỏ lẻ, ngắn hạn, chưa đồng bộ, thiếu tính quy hoạch, kế hoạch. Số lượng các dây chuyền động viên công nghiệp được triển khai xây dựng còn ít; sản phẩm động viên công nghiệp chưa đa dạng; việc đầu tư, nghiên cứu, thiết kế chế tạo và chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm mới, lĩnh vực mới chưa có tính đột phá. Công tác xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch, chính sách về động viên công nghiệp còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội.
Bên cạnh đó, một số quy định tại Pháp lệnh có những điểm bất cập, chưa phù hợp và thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách và các văn bản liên quan về quản lý, huy động các doanh nghiệp công nghiệp phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng. Ngân sách nhà nước hằng năm bảo đảm cho công tác động viên công nghiệp hạn hẹp; các chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp công nghiệp thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp chưa phù hợp với điều kiện hiện nay.
Để triển khai nhiệm vụ tổng kết thực hiện Pháp lệnh, làm cơ sở đề xuất xây dựng Dự án Luật động viên công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp trong phạm vi toàn quốc (2003-2018).
Nội dung tổng kết cần đánh giá đầy đủ, khách quan kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập, làm rõ nguyên nhân bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Pháp lệnh; đề xuất chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác động viên công nghiệp trong tình hình mới; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về động viên công nghiệp; tiến hành khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Pháp lệnh.
Chỉ thị nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Bắc Giang, Sơn La, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Cần Thơ tổ chức hội nghị tổng kết do Chủ tịch UBND chủ trì; các tỉnh, thành phố còn lại xây dựng báo cáo tổng kết (không tổ chức hội nghị). Báo cáo Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Quốc phòng) kết quả tổng kết Pháp lệnh trước ngày 31/3/2018.
Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương xây dựng báo cáo tổng kết (không tổ chức hội nghị), báo cáo Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Quốc phòng) kết quả tổng kết Pháp lệnh trước ngày 31/3/2018.
Các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Binh chủng Hóa học tổ chức hội nghị tổng kết do Tư lệnh chủ trì; các Tổng cục: Kỹ thuật, Công nghiệp quốc phòng xây dựng báo cáo tổng kết (không tổ chức hội nghị). Báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (qua Bộ Tổng tham mưu) kết quả tổng kết Pháp lệnh trước ngày 30/4/2018.
Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị tổng kết do Bộ trưởng chủ trì, hoàn thành tổng kết trong quý II/2018. (Đảng Cộng Sản Việt Nam 10/11) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định 1755/QĐ-TTg công nhận thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là thị trấn đảo.
Chính sách ưu đãi đối với thị trấn đảo Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau được thực hiện theo quy định hiện hành.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để được công nhận xã đảo phải đáp ứng đủ 2 tiêu chí: 1- Có diện tích tự nhiên là đảo theo quy định tại Điều 19 Luật biển Việt Nam năm 2012; 2- Có người dân định cư hoặc lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo.
Đồng thời, đơn vị hành chính cấp xã được công nhận là xã đảo phải có 1 trong 3 điều kiện sau: 1- Là đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện đã được công nhận là huyện đảo; 2- Có toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã ở trên đảo; 3- Có một phần diện tích tự nhiên là đảo ở trên biển (xã có đảo ở trên biển) và trên đảo có người dân định cư hoặc lực lượng vũ trang đóng quân.
Các xã đảo được công nhận theo quy định nêu trên thì ủy ban nhân dân cấp huyện có xã đảo căn cứ quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 để xây dựng dự án phát triển kinh tế - xã hội của xã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và ngân sách của địa phương; đồng thời được thực hiện các chính sách ưu đãi liên quan khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đối với xã đảo. (Tuổi Trẻ 11/11) đầu trang(
Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư quy định việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan năm 2018.
Theo dự thảo, lượng thuốc lá nguyên liệu (Mã HS 2401) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2018 là 53.604 tấn.
Việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài.
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu được phân giao cho thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu do Bộ Công Thương cấp và có nhu cầu sử dụng cho sản xuất thuốc lá điếu một tỷ lệ nhất định thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu do Bộ Công Thương xác nhận.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ. (Cafef 10/11) đầu trang(
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang soạn thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các luật có liên quan đến bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23/6/2014 đến nay đã phát huy hiệu lực, hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện cho công tác bảo vệ môi trường.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhận thức về bảo vệ môi trường của mọi tầng lớp nhân dân ngày một nâng cao, yêu cầu bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường trở nên cấp thiết, trong khi đó các vấn đề môi trường diễn biến ngày càng nhanh, phức tạp và khó lường, đòi hỏi pháp luật bảo vệ môi trường phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Qua thực tiễn triển khai thực hiện Luật bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường tại các luật có liên quan thời gian qua cho thấy quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cơ bản phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững nên đã phát huy được những tác động tích cực.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho bộ, ngành, địa phương và các đối tượng liên quan. Cụ thể, một số quy định trong pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa sát thực tế, thiếu cụ thể dẫn đến chậm đi vào cuộc sống, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn. Bên cạnh đó, các quy định bảo vệ môi trường được quy định ở nhiều luật khác nhau (như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, dự thảo Luật Quy hoạch…), song giữa các luật này còn một số điểm còn có sự giao thoa, chưa thống nhất, còn một số khoảng trống chưa được quy định đã ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chưa theo kịp, phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Các loại thuế, phí về môi trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý, khắc phục, cải tạo và phục hồi môi trường”, “người hưởng lợi từ giá trị môi trường phải trả tiền” mới chỉ bước đầu tạo nguồn thu cho ngân sách mà chưa phát huy được vai trò công cụ kinh tế điều tiết vĩ mô, hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh. Chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích xã hội hóa trong một số hoạt động bảo vệ môi trường.
Thêm vào đó, việc phân công, phân cấp thẩm quyền trong quản lý chất thải vẫn còn chồng chéo và chưa hợp lý, chưa đi đôi với tăng cường năng lực, phân định rõ trách nhiệm. Việc phân công, phân cấp trách nhiệm, thẩm quyền trong việc giải quyết các sự cố môi trường có tính liên vùng, liên ngành chưa được quy định cụ thể, rõ ràng dẫn đến sự phối hợp không nhất quán, còn lúng túng, hiệu quả chưa cao khi có sự cố môi trường xảy ra. Các quy định của pháp luật mới chỉ chú trọng trách nhiệm từ phía Nhà nước, thiếu cơ chế phù hợp để phát huy hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội, từng doanh nghiệp và người dân đối với công tác bảo vệ môi trường...
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống chính sách bảo vệ môi trường đồng bộ, sát với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế, việc xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và các luật có liên quan liên quan đến bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết, cấp bách. (Báo Chính Phủ 10/11) đầu trang(
Đây là đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức thẻ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đối với việc rút tiền mặt bằng thẻ ở nước ngoài, để hạn chế việc sử dụng tiền mặt (ngoại tệ) được rút từ thẻ sau đó chi tiêu không đúng mục đích được phép theo pháp luật ngoại hối, tại dự thảo quy định các giao dịch rút tiền mặt bằng thẻ tại nước ngoài sẽ bị giới hạn hạn mức tối đa theo ngày.
Cụ thể, dự thảo sửa đổi khoản 1 và bổ sung khoản 1a, khoản 1b vào Điều 14 như sau: “1. Tổ chức phát hành thẻ thỏa thuận với chủ thẻ về hạn mức thanh toán, hạn mức chuyển khoản, hạn mức rút tiền mặt và các hạn mức khác trong việc sử dụng thẻ đối với chủ thẻ phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối và các quy định khác của pháp luật.”
“1a. Đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày.”
“1b. Đối với giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ, mỗi thẻ được rút tối đa là 05 triệu đồng Việt Nam trong một ngày.”
Đồng thời dự thảo cũng bổ sung quy định về cấp tín dụng qua thẻ: Hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung) như sau: Trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm: Hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ không quá 80% giá trị của tài sản bảo đảm và tối đa là 01 tỷ đồng Việt Nam. Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm: Hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 triệu đồng Việt Nam.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi quy định về tra soát, xử lý khiếu nại trong quá trình sử dụng thẻ. Dự thảo Thông tư sửa đổi quy định về tra soát, khiếu nại theo hướng không yêu cầu bắt buộc chủ thẻ bổ sung giấy đề nghị tra soát, khiếu nại theo mẫu (vì đã có tiếp nhận khiếu nại qua tổng đài và tạo thuận tiện cho chủ thẻ cũng như giảm yêu cầu giấy tờ của ngân hàng); chỉ trường hợp cần thiết thì tổ chức phát hành thẻ yêu cầu chủ thẻ phải bổ sung giấy tờ. (Báo Tuyên Quang 12/11) đầu trang(

TIÊU ĐIỂM
Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng đã khép lại nhưng dư âm từ những kết quả đạt được trong các hội nghị và nỗ lực tổ chức trọn vẹn sự kiện lớn của TP Đà Nẵng vừa trải qua đợt bão lũ nặng nề, vẫn vang vọng.
Ngay trước thềm diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC, Đà Nẵng nằm trong số những tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng vì cơn bão Damrey với sức mạnh bất ngờ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Tuy nhiên, mọi nỗ lực tổ chức APEC vẫn được thực hiện như chưa từng có bão. Câu chuyện hàng ngàn CBCNV, người dân Đà Nẵng chung tay dọn vệ sinh “khôi phục” Đà Nẵng khi bão số 12 hoành hành ngay trước ngày khai mạc Tuần lễ Cấp cao APEC để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Công tác chuẩn bị và tổ chức sự kiện nhận được sự khen ngợi, đánh giá cao từ các lãnh đạo thế giới như: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump...
“Việt Nam đã cho thấy khả năng tổ chức tuyệt vời của mình không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn cả về chất lượng các chương trình làm việc và chất lượng phục vụ các đại biểu”, Tổng thống Chile Michelle Bachelet Jeria đánh giá.
Trong đông đảo báo giới quốc tế theo dõi sát sao sự kiện, trang Financial Times ca ngợi: Bất chấp trở ngại về thời tiết và không khí căng thẳng trong khu vực về thương mại, Đà Nẵng đã tích cực chuẩn bị tốt để gây ấn tượng mạnh nhất với các lãnh đạo, quan chức, đại diện, doanh nhân từ 21 nền kinh tế trong APEC và nhiều tổ chức trên thế giới.
Tân Hoa Xã (Trung Quốc) bình luận: Việc Đà Nẵng tổ chức một sự kiện mang tầm cỡ quốc tế đã đưa thành phố biển miền Trung Việt Nam vụt lên thành “tâm điểm của toàn thế giới”.
Trong suốt Tuần lễ Cấp cao APEC, có nhiều sự kiện được tổ chức bao gồm: Hội nghị tổng kết các quan chức cấp cao APEC (CSOM), Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh (VBS), Cuộc họp của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Công thương (AMM), Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp (CEO Summit).
Nhiều cuộc họp diễn ra căng thẳng, kéo dài thời gian hơn dự kiến và thậm chí diễn ra vào ban đêm, nhất là những cuộc họp liên quan tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau 4 vòng đàm phán giữa các bên, có những lúc số phận TPP rơi vào vô định do 2 cuộc họp liên quan bị hoãn. Đến ngày cuối cùng của tuần lễ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vui mừng tuyên bố: “Chúng tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất (trong đàm phán về thỏa thuận TPP mới). Với tư cách đồng chủ trì, chúng tôi vui mừng đã hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ trưởng nói.
Các Bộ trưởng cũng đã đạt được thỏa thuận khung cơ bản cho TPP với 11 nước thành viên, không có Mỹ; thống nhất gọi Hiệp định này bằng một tên mới - Hiệp định Đối tác, toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - Comprehensive and Progressive Trans Pacific Partnership).
Cũng trong ngày cuối cùng tuần lễ, các lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng - kết quả quan trọng nhất Hội nghị Cấp cao APEC 2017, tạo động lực mới vun đắp tương lai.
Không chỉ riêng kinh tế, Hội nghị cấp cao APEC 2017 đã trở thành diễn đàn quan trọng cho hợp tác kinh tế và chính trị của khu vực vốn còn thiếu các tổ chức mạnh và có tầm ảnh hưởng đủ sức để kêu gọi đàm phán và hợp tác giải quyết xung đột.
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhất trí đưa ra một tuyên bố chung về vấn đề Syria ngày 11/11 từ Đà Nẵng, bên lề APEC sau thời gian dài bất đồng cũng chính là điểm nhấn chính, là minh chứng rõ ràng cho nhận định trên.
Sáng 12/11, trao đổi với PV Báo Giao thông, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chia sẻ: Thành phố cùng các cấp Trung ương góp phần hoàn thành sứ mệnh phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 an ninh, an toàn tuyệt đối.
Theo ông Thơ, dù có hai năm chuẩn bị, một tháng tổng lực nhưng khi bước vào APEC 2017 không tránh khỏi nhưng áp lực, trước một khối lượng công việc khổng lồ, đảm bảo cho 10.000 đại biểu quốc tế, bao gồm lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên, các doanh nghiệp hàng đầu khu vực, thế giới, khoảng 3.000 phóng viên quốc tế và Việt Nam tác nghiệp. Tuy nhiên, với nỗ lực, sự chuẩn bị chu đáo, phối hợp chặt chẽ, toàn thành phố đã khắc phục khó khăn về thời tiết, sẵn sàng cơ sở vật chất, công tác lễ tân, góp phần tạo dựng hình ảnh con người, TP Đà Nẵng văn minh, thân thiện, khang trang; đem đến thành công chung của Tuần lễ Cấp cao APEC. (Giao Thông 13/11) đầu trang(

QUẢN LÝ
Trong Tuyên bố chung sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 12.11, lãnh đạo hai nước nhấn mạnh sẽ làm sâu sắc hơn và từng bước mở rộng hợp tác an ninh, tình báo.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới VN của Tổng thống Hoa Kỳ (HK), sáng 12.11, sau lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Tổng thống Donald Trump tại Phủ Chủ tịch.
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định VN nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, coi trọng và mong muốn quan hệ VN - HK tiếp tục phát triển ổn định, sâu rộng và hiệu quả trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Tổng thống Donald Trump bày tỏ vui mừng lần đầu được đến thăm VN ngay trong năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống và cảm ơn sự đón tiếp hết sức trọng thị của lãnh đạo và nhân dân VN đã dành cho tổng thống và đoàn. Tổng thống Donald Trump chia sẻ với lãnh đạo và nhân dân VN về những thiệt hại về người và tài sản do cơn bão Damrey gây ra.
Tổng thống Donald Trump đánh giá cao sự phát triển năng động và vai trò của VN trong khu vực và trên thế giới, khẳng định HK coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với VN và nhất trí với Chủ tịch nước Trần Đại Quang rằng hai nước cần tăng cường phát triển quan hệ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Tiếp đến, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Donald Trump đã chủ trì buổi họp báo thông báo kết quả cuộc hội đàm. Tại buổi họp báo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết hai nhà lãnh đạo đã trao đổi các biện pháp nhằm đưa quan hệ hai nước phát triển hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Theo đó, hai bên cam kết tăng cường tiếp xúc, đối thoại, tiếp tục thúc đẩy gặp gỡ cấp cao thông qua thăm song phương và hội đàm bên lề các diễn đàn thế giới, thúc đẩy kinh tế trên cơ sở cùng có lợi, hạn chế tranh chấp thương mại, tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận hai bên đã ký, tăng cường hợp tác trong khoa học, công nghệ, môi trường, giải quyết biến đổi khí hậu, vấn đề nhân đạo, đào tạo nguồn nhân lực và mở rộng giao lưu nhân dân. Từ đó, tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện vì lợi ích hai nước cũng như hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Tổng thống Donald Trump ca ngợi công cuộc đổi mới của VN và cho rằng giới trung lưu ngày càng lớn của VN sẽ là thị trường quan trọng đối với các hàng hóa và dịch vụ của HK. Tổng thống Donald Trump tin rằng, các ngành tài chính, năng lượng, nông nghiệp, hàng không, quốc phòng nước này đều có khả năng đáp ứng các yêu cầu của VN. Ông hoan nghênh cam kết của VN trong việc xóa bỏ hàng rào thương mại cho sản phẩm nông nghiệp Mỹ, điều đó rất quan trọng. Ông chủ Nhà Trắng ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của VN khi nói rằng, nhiều người dân từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm người Mỹ, đã đến VN để chiêm ngưỡng những ngọn núi hùng vĩ, đi xe đạp qua những vùng đồi uốn lượn hay đi bơi ở vịnh Hạ Long tươi đẹp. Tổng thống Donald Trump cũng chúc mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang vì VN đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Ngay sau đó, hai bên đã ra Tuyên bố chung sau chuyến thăm cấp nhà nước tới VN của Tổng thống Donald Trump.
Cũng vào sáng 12.11, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Donald Trump, một loạt thỏa thuận thương mại giữa các doanh nghiệp VN và HK đã được ký kết với tổng trị giá 12 tỉ USD. Trong số này, những văn kiện đáng chú ý như biên bản ghi nhớ có ràng buộc về Hợp đồng bảo dưỡng động cơ máy bay Pratt & Whitney trị giá khoảng 1,5 tỉ USD; Bản ghi nhớ về dự án Kho cảng khí đốt hóa lỏng tự nhiên Sơn Mỹ trị giá khoảng 1,3 tỉ USD; Bản ghi nhớ về Hợp tác cung cấp khí đốt hóa lỏng tự nhiên và đầu tư thượng nguồn... Hãng hàng không Vietjet phát đi thông cáo cho biết một thỏa thuận giữa Vietjet và Pratt & Whitney, công ty về thiết kế, chế tạo và cung cấp dịch vụ động cơ máy bay cũng được ký kết trong sáng 12.11. Tổng trị giá của thỏa thuận theo niêm yết là 600 triệu USD. (Thanh Niên 13/11) đầu trang(
Ngày 12/11, Thành đoàn TP HCM đã khai mạc Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2017 – 2022, với sự tham dự của 443 đại biểu đoàn viên ưu tú của thành phố.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các lãnh đạo Trung ương Đoàn đã đến dự chúc mừng Đại hội và phát biểu chỉ đạo.
Trong nhiệm kỳ mới, Đại hội chọn khẩu hiệu hành động “Khát vọng - xung kích - tri thức - bản lĩnh” và chủ đề “Tuổi trẻ TP HCM khát vọng, xung kích, tri thức, bản lĩnh, xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; xây dựng Đoàn vững mạnh.”.
Tại Đại hội, ông Nguyễn Việt Quế Sơn, Phó Bí thư thường trực Thành đoàn TP HCM đã trình bày dự thảo báo cáo Đại hội, trong đó nhấn mạnh những kết quả thiết thực mà nhiệm kỳ trước đã đạt được, như các kết quả trong đổi mới và tăng cường công tác giáo dục, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp, vì đàn em thân yêu, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên.
Cũng theo ông Sơn, hiện có hơn 31.000 bạn trẻ được vay vốn khởi nghiệp, cũng như tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ hữu ích cho cộng động khởi nghiệp trẻ. Thành đoàn TP cũng giúp tư vấn, hướng nghiệp cho hơn 1,5 triệu lượt thanh niên, học sinh; giới thiệu việc làm cho hơn 665.000 thanh niên.
Ghi nhận những thành quả của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố thời gian qua, ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh, Thành đoàn TP HCM cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mình, lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với từng đối tượng thanh niên, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, tập hợp thanh niên.
Cụ thể, trong nhiệm kỳ mới, Đoàn TP HCM cũng đặt mục tiêu hỗ trợ ít nhất 10.000 ý tưởng, sáng kiến, đề tài của đoàn viên thanh niên để áp dụng vào thực tiễn; hỗ trợ ít nhất 50 doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo thành công; triển khai thực hiện hiệu quả 30.000 công trình thanh niên.
Theo bà Lê Thị Ngọc Uyên, Bí thư Đoàn Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, hiện cơ hội cho người trẻ ngày càng lớn hơn trong môi trường hội nhập. Do đó, các doanh nghiệp cần nhận thức được nguồn nội lực rất lớn ở lực lượng lao động, đoàn viên trẻ để tận dụng vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị mình.
Về chủ đề của đại hội lần này, bà Uyên cho rằng là sự kế thừa những bài học kinh nghiệm rút ra từ nhiệm kỳ IX. Đây sẽ là vốn quý, mang giá trị thực tiễn để Đoàn các cấp hòa chung với suy nghĩ, trăn trở của đoàn viên, thanh niên thành phố. Nhất là phát huy những hiến kế, giải pháp cụ thể, khả thi, hành động thiết thực để thay đổi diện mạo hoạt động Đoàn, bắt kịp với xu thế hội nhập, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố và đất nước.
Bí thư Đoàn P.6, Q.5 Phạm Thái Nguyên cho rằng, vai trò của tổ chức đoàn ở cơ sở hiện nay cần phải áp dụng những mô hình, giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa, quan tâm đến nhu cầu và giải quyết các vấn đề về học tập, lao động, khởi nghiệp cho thanh niên địa bàn dân cư. Trong đó, mỗi bạn trẻ hãy xây dựng văn minh đô thị bằng từng hành động nhỏ, chẳng hạn như xây dựng văn hóa giao tiếp ứng xử - nếp sống văn minh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trật tự đô thị và an toàn giao thông; cùng đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trong khi đó, anh Hà Thanh Đạt, Bí thư Đoàn trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì nhìn nhận từ đại hội X là cơ hội để tuổi trẻ thành phố làm chủ về khoa học công nghệ, sáng tạo không phải là những điều cao xa, mà hết sức thực tế, gắn với xu thế phát triển. Do đó, đại hội cần thảo luận, đóng góp, đề xuất các giải pháp giúp phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” của tuổi trẻ thành phố thật sự có sự lan tỏa rộng và hiệu quả hơn nữa.
Chỉ đạo tại Đại hội, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng biểu dương những thành quả mà phong trào thanh thiếu nhi thành phố đã đạt được trong suốt 5 năm qua; biểu dương tinh thần nỗ lực phấn đấu, sức trẻ và sự cống hiến to lớn của đoàn viên, thanh thiếu niên thành phố vì một TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, TP HCM có phát triển, có sáng tạo, với các mục tiêu triển vọng phát triển đã và đang đặt ra cơ hội để thanh niên góp sức cùng thành phố. Muốn làm được vậy, trước hết Đoàn TP phải thực hiện khảo sát về sự hài lòng của thanh niên đối với tổ chức Đoàn, lấy đó là cơ sở để thu hút, tập hợp thanh niên tốt hơn và việc khảo sát này phải được tổ chức thường xuyên.
Ngoài ra, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị trong nhiệm kỳ mới Đoàn phải thể hiện vai trò giám sát và phản biện của mình đối với các vấn đề của thành phố.
Người đứng đầu Đảng bộ TP HCM cũng yêu cầu tổ chức Đoàn TP cần tự xác định vai trò, vị trí và đặc điểm thanh niên trong không gian rộng hơn, những yếu tố mới hơn và phức tạp hơn trong không gian của khu vực miền Đông Nam bộ, của cả miền Nam và cả nước, với tư duy, nhận thức về một thành phố là trung tâm của vùng, của phía Nam và cả nước; với yêu cầu phải tăng cường liên kết vùng mạnh mẽ hơn (là nội dung mà thành phố đang đề xuất với Trung ương trong nhiều chính sách đột phá cho thành phố phát triển trong thời gian tới). Trong đó, phải nhận thức thanh niên thành phố là khái niệm không chỉ bao gồm là thanh niên sinh ra, sinh sống tại thành phố mà bao gồm toàn bộ nguồn nhân lực thanh niên sẽ làm việc, cống hiến cho thành phố.
“Với tư cách là nguồn nhân lực chủ yếu trong không gian phát triển rộng lớn như vậy, thanh niên sẽ chịu tác động như thế nào trong thời gian tới, và Đoàn sẽ làm gì để tăng cường tập hợp thanh niên theo từng đối tượng, lĩnh vực mà sắp tới có thể có sự phân hóa cao”, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.
Cùng ngày, các đại biểu cũng đã đến dâng hoa, dâng hương tượng đài Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Đại hội diễn ra trong hai ngày (12, 13/11), bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2017 – 2022 và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2017 – 2022. (Đại Đoàn Kết 12/11) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, xác minh đối với những thông tin phản ánh trên báo chí liên quan đến phí vận tải đường thủy, mãi lộ trên sông
Xét báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về kết quả kiểm tra, xác minh đối với những thông tin phản ánh trên báo chí liên quan đến phí vận tải đường thủy, vấn đề mãi lộ trên sông, Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này.
Thủ tướng Chính phủ đã xem xét nội dung báo cáo của Bộ Giao thông vận về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh trên báo chí cho rằng phí vận tải đường thủy cao hơn đường bộ, đường sắt, đường biển một phần có nguyên nhân từ mãi lộ trên sông khiến tiềm năng và thế mạnh miền Nam là sông nước chưa được khai thác hết...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an tiếp tục chủ trì, thường xuyên phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, địa phương liên quan để tổ chức kiểm tra; đồng thời, xử lý nghiêm đối với các hành vi tiêu cực (nếu có) phát sinh trong hoạt động kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 11/11) đầu trang(

NHÂN SỰ MỚI
Từ 6-10/11, lãnh đạo Tỉnh ủy Lâm Đồng, TANDTC, UBND TP. Hà Nội, Thành ủy Hải Phòng, UBND tỉnh Bình Phước đã trao các quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự chủ chốt một số cơ quan, đơn vị của địa phương.
Lâm Đồng: Ngày 10/11, ông Trần Đức Thuận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng đã trao Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc điều động và bổ nhiệm ông Phạm Sơn Dũng, Trưởng phòng Văn nghệ - Giải trí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lâm Đồng giữ chức vụ Phó Tổng biên tập Báo Lâm Đồng. Thời hạn bổ nhiệm 5 năm, kể từ ngày 2/11/2017.
Bình Phước: Ngày 7/11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Tiến Dũng chủ trì công bố và trao các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc bổ nhiệm và bổ nhiệm lại đối với 6 cán bộ.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước quyết định giao ông Trương Đình Vũ, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phụ trách, điều hành hoạt động của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước;
Quyết định bổ nhiệm ông Vũ Sao Sáng, nguyên Phó giám đốc Viettel - Chi nhánh Bình Phước giữ chức Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước;
Quyết định bổ nhiệm ông Bùi Quốc Khánh, Trưởng phòng biên giới Sở Ngoại vụ giữ chức Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Phước;
Quyết định bổ nhiệm ông Phạm Thế Võ giữ chức Phó giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Phước;
Quyết định bổ nhiệm lại ông Quách Ái Đức giữ chức Phó giám đốc Sở Y tế, ông Trương Tấn Nhất Linh giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước.
Hà Nội: Chiều 6/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao các quyết định: Bổ nhiệm (thời hạn 5 năm) ông Nguyễn An Huy (sinh năm 1962), Thành ủy viên, Phó Chánh Thanh tra Thành phố giữ chức vụ Chánh Thanh tra TP. Hà Nội;
Bổ nhiệm ông Chử Xuân Dũng (sinh năm 1973), Phó Giám đốc Phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội.
Chủ tịch UBND thành phố cũng quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Liễu (sinh năm 1975), Chánh Văn phòng Sở Nội vụ giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hà Nội;
Bổ nhiệm ông Hoàng Cao Thắng (sinh năm 1969), Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Sở Xây dựng giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội;
Bổ nhiệm ông Tạ Văn Tường (sinh năm 1969), Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội;
Bổ nhiệm ông Nguyễn Công Đại (sinh năm 1977), Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đã ký quyết định điều động ông Trần Đức Hoạt (sinh năm 1971), Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đến nhận công tác tại Quận ủy Nam Từ Liêm;
Đồng thời quyết định bổ nhiệm lại ông Từ Hà (sinh năm 1960), Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên UDIC cho đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định;
Bổ nhiệm lại ông Nguyễn Minh Mười (sinh năm 1963) tiếp tục giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội;
Quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội đối với ông Nguyễn Xuân Bình (sinh năm 1959) đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký quyết định về việc nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/11/2017 đối với ông Nguyễn Văn Tuấn Dũng, Chánh Thanh tra TP. Hà Nội.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Ngày 6/11, ông Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án TANDTC đã trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho bà Đào Thị Huệ (SN 1969), Chánh Tòa Kinh tế TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiệm kỳ Phó Chánh án của bà Đào Thị Huệ là 5 năm, kể từ ngày 15/10/2017.
Hải Phòng: Ngày 6/11, Thành ủy Hải Phòng đã trao quyết định tiếp nhận ông Bùi Thành Chương, Huyện ủy viên, Viện trưởng VKSND huyện Tiên Lãng bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng từ ngày 6/11.2017, thời hạn bổ nhiệm là 5 năm. (Báo Chính Phủ 10/11) đầu trang(

THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
Bộ GD&ĐT vừa có dự thảo Đề án trình Chính phủ: “Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý (GV&CBQL) các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025”. Nhiều ý kiến chuyên gia lo ngại cho rằng đây là một chủ trương tốt nhưng cần phải có kiểm soát nghiêm túc, chặt chẽ chất lượng đầu ra, nói “không” với luận án chất lượng thấp.
Theo đó, Đề án sẽ tập trung vào hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học đạt được mục tiêu nâng cao năng lực đội ngũ GV&CBQL theo chiến lược phát triển và yêu cầu đào tạo chất lượng cao của cơ sở, trong đó phấn đấu đến năm 2025, nâng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH). Trong đó, đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới.
Từ 2018 đến 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài; Thu hút khoảng 1500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các CSGDĐH đến làm việc tại các trường đại học tại Việt Nam...Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến là 12.000 tỷ đồng, bao gồm 10.200 tỉ đồng từ kinh phí còn lại của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 được phê duyệt theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ và 1.800 tỉ từ các cơ sở giáo dục đại học và đối tượng thụ hưởng Đề án.
Các nguồn kinh phí cần thiết để triển khai đề án bao gồm ngân sách nhà nước chiếm khoảng 94%; từ các dự án nước ngoài và nguồn xã hội hóa là 5%; các nguồn kinh phí khác như học phí, đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học chiếm 1%.
Trong đó, Đề án không đặt yêu cầu Nhà nước cấp kinh phí mới mà đề nghị tích hợp Đề án 911 và Đề án 2020 để nâng cao hiệu quả tổng thể và sử dụng khoản kinh phí còn lại đã được cấp cho các đề án này. Kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước được chi cho các nhiệm vụ trọng tâm như đào tạo tiến sĩ, bồi dưỡng ngoại ngữ cho giáo viên và cán bộ quản lý, bồi dưỡng quản trị đại học cho cán bộ quản lý chủ chốt.
Lý giải về Đề án trên, theo Bộ GD&ĐT, toàn ngành Giáo dục hiện có 4.687 giáo sư và phó Giáo sư (chiếm 6,4% tổng số giảng viên), trong đó 574 giáo sư (chiếm 0,8%) và 4113 phó giáo sư (chiếm 5,6%). Bộ GD&ĐT cho rằng, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các cơ sở giáo dục đại học còn thấp, chưa hợp lý về cơ cấu độ tuổi và chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp so với một số quốc gia trong khu vực.
Bộ GD&ĐT nhận định, Việt Nam hiện nay có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và trên 24.300 tiến sĩ nhưng kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN.
Một thực tế ở các cơ sở giáo dục đại học là nhiều nghiên cứu trọng điểm bị xé lẻ thành các đề tài nhỏ để chia cho nhiều tác giả. Dẫn đến các nghiên cứu trọng điểm, nhất là trong nghiên cứu cơ bản, có nguy cơ biến dạng, khó vươn lên trình độ quốc tế và khu vực. Do vậy, nếu không nhanh chóng và quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên ở các CSGDĐH của Việt Nam, các CSGDĐH của Việt Nam sẽ “bị thua ngay trên sân nhà”.
Tuy nhiên, phần đa ý kiến chuyên gia cho rằng, với một đề án lớn như vậy, cần có ràng buộc tiến sĩ sau khi bảo vệ trở lại cơ sở. Đồng thời phải có một chính sách đồng bộ, bao gồm cả chế độ đãi ngộ cán bộ khoa học và giảng viên, sử dụng đúng ngành nghề, khuyến khích và hỗ trợ phát triển chuyên môn... Bên cạnh đó, nên có định hướng sắp xếp công việc cho nghiên cứu sinh sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ để các bạn trẻ chưa có cơ quan công tác yên tâm và có định hướng cho mình. Điều mà cả xã hội mong đợi là tiến sĩ phải thực sự có chất lượng.
Muốn vậy, vấn đề cốt lõi là chúng ta phải tuyển chọn chặt chẽ, đào tạo bài bản, kiểm soát nghiêm túc, chặt chẽ chất lượng đầu ra. Bên cạnh đó, đã tới lúc cần nâng cao chuẩn đầu ra tiến sĩ từng bước tiếp cận với trình độ và chuẩn mực như ở các nước tiên tiến phát triển, có như vậy sẽ không còn chỗ cho các tiến sĩ kém chất lượng, chạy theo hư danh. Đồng thời, phải có chính sách trọng dụng và đãi ngộ nhân tài cho tương xứng, không cào bằng.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT nhận định, việc xã hội lo ngại là có cơ sở. Bởi trong thời gian qua, các câu chuyện về những lò đào tạo tiến sĩ, đào tạo tiến sĩ siêu tốc, tiến sĩ “rởm”... cả ở trong và ngoài nước gây bàng hoàng, mất niềm tin. Trước đó, dư luận cũng đã từng dậy sóng về sự việc một “lò đào tạo tiến sĩ” với tốc độ đào tạo thần tốc tới kỉ lục. Không những thế, nhiều đề tài luận án tiến sĩ còn bị đánh giá manh mún, bi hài, chưa xứng tầm như: “hành vi nịnh trong tiếng Việt; đặc diểm giao tiếp với dân của chủ tịch xã;...”. Hơn nữa,  đào tạo tiến sĩ trong nước đang có nhiều bất cập như cơ sở vật chất hạn chế, số lượng người làm hướng dẫn không đủ, uy tín của nơi đào tạo, hoặc một giáo sư có thể hướng dẫn tới 10 luận văn, dẫn tới chất lượng kém là điều dễ hiểu.
Chưa kể, dư luận cho rằng, công tác đào tạo, chất lượng đào tạo kém, quản lý còn qua loa, dễ dãi, dường như Bộ GD&ĐT vẫn còn “nhẹ tay”. Với đào tạo ở nước ngoài lại khá tốn kém. Nếu đề án tuyển chọn ứng viên để đi đào tạo thì việc tuyển chọn cần thật cẩn thận, để khi trở về nước, họ có thể phục vụ đất nước như mục tiêu được đặt ra. Thực tế, một số ứng viên đi học ở nước ngoài không đáp ứng và theo được chương trình đào tạo, phải về nước sớm. Chưa kể, không ít người đã ở lại các trường ĐH danh giá, tìm được môi trường phù hợp cho mình.
Có thể nói, nếu Bộ GD&ĐT không thực hiện được đề án, chi tiêu đúng thì sẽ khiến xã hội mất lòng tin. Bởi lẽ, Bộ GD&ĐT đã từng có những đề án chưa tốt như Đề án Ngoại ngữ 2020, Đề án mô hình trường học mới VNEN... tiêu tốn rất nhiều tiền mà không mang lại kết quả cao.
Trước đó, dư luận cũng đã từng dậy sóng về sự việc một “lò đào tạo tiến sĩ” với tốc độ đào tạo thần tốc. Không những thế, nhiều đề tài luận án tiến sĩ còn bị đánh giá quá manh mún, bi hài, chưa xứng tầm như: “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”; “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch xã;...” (Pháp Luật Việt Nam 13/11) đầu trang(
Từ khi những biệt Phủ xuất hiện, dư luận cũng bắt đầu đặt ra câu hỏi: Ai là người sống trong các biệt Phủ? Tiền bạc từ đâu mà họ xây được biệt Phủ? Đương nhiên sống trong đó phải là người giàu có dư tiền bạc - thậm chí rất nhiều tiền vàng...
Nói tới khái niệm Phủ trong quan niệm của người dân là hai nơi có công năng khác nhau: 1. Phủ là nơi làm việc của Quan Tuần phủ thời phong kiến - tương đương với Chủ tịch UBND tỉnh ngày nay - nơi cơ quan hành chính thực thi luật lệ của một tỉnh. 2. Phủ là không gian tôn giáo linh thiêng - nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng xã hội để mọi người đến cầu khấn (Phủ Dày ở Nam Định, Phủ Tây Hồ Hà Nội v.v...).
Phủ loại thứ nhất rất oai nghiêm, có lính canh bảo vệ, nên chẳng ai muốn vào cái nơi đáng sợ ấy - khi người dân có oan sai, khiếu kiện việc gì mới đến cửa quan. Khi được gọi lên "hầu quan", người dân nem nép, trong lòng lo lắng vì người ngồi bên trong tòa hành chính là người đầy thế lực, có quyền sinh quyền sát số mạng họ.
Tôi không nhớ rõ lắm anh Pha hay chị Dậu khi vào cửa quan sợ quá lúng túng không biết để cái nón mê của mình (nón mất vành, rách và méo mó) vào đâu? Tâm lý tự ti của người dân lam lũ xưa là hậu quả của 1.000 năm phong kiến nhà Hán và gần trăm năm thực dân Pháp đô hộ. Tâm lý ấy vẫn tồn tại đến tận bây giờ - ở không ít nơi cán bộ hống hách, hạch sách nên dân rất ngại đến phường, quận?
Phủ loại thứ hai nghiêm trang chứ không oai nghiêm. Khi người dân đến phải ăn mặc kín đáo, sạch sẽ; nói năng nhỏ nhẹ, đi lại nhẹ nhàng với thái độ tôn kính. Vì bên trong là nơi thờ tự những bậc thánh thần, thế lực siêu nhiên có quyền năng chi phối cuộc đời - thậm chí là sự sống, cái chết (thánh vật) của họ. Nghèo khó, đau ốm, oan ức, hoạn nạn, lỗi lầm… đều có thể đến cầu thánh thần phù hộ độ trì giải oan, xá tội; cầu sức khỏe, bình an, con cái lớn khôn thành đạt, làm ăn tấn tới… Phủ loại này mang nặng tính tâm linh.
Ấy vậy mà hơn chục năm lại đây, nhiều người lạm dụng khái niệm Phủ. Xây cất những tòa nhà to lớn, hoành tráng rồi tự xưng danh là... Phủ. Thôi thì đủ các kiểu cách kỳ lạ. Cái thì bắt chước các đình chùa xưa, cũng mái cong, mái đao lợp ngói vảy cá; cái thì chóp nhọn như nhà thờ thiên chúa giáo; cái thì mái vòm chóp quả lê quả táo như các thánh đường hồi giáo. Các công trình phụ trợ xung quanh mới đồ sộ vẽ vời ghê gớm: Từ nhà từ đường để thờ tự, nhà sinh hoạt, khu vui chơi ngắm cảnh có cả cầu Kiều cong cong vắt qua hồ nước, hoa thơm cỏ lạ, cây trồng đều cỡ vài trăm triệu đến tiền tỷ… trên khu đất rộng hàng vạn mét vuông.
Quy mô và độ hoành tráng vượt xa các Phủ ngày xưa, và hơn cả trụ sở làm việc của Tỉnh trưởng ngày nay. Các "Phủ" này hoàn toàn xa lạ, chẳng liên quan gì tới công năng như hai loại Phủ nói trên. Người sở hữu nó là cá nhân, chỉ phục vụ cho riêng chủ nhân và gia đình họ, đồng thời có ý muốn khoe với thiên hạ về sự thành đạt, giàu có của mình.
Mới nhất gần đây là phủ của ông Giám đốc sở Tài nguyên môi trường Yên Bái (em ruột bà Bí thư tỉnh ủy Yên Bái). Trước nữa là biệt Phủ của đại gia vàng trên chót vót đỉnh đèo Hải Vân, của Trịnh Xuân Thanh trên núi Tam Đảo… và nhiều biệt thự to đùng không kém biệt Phủ của các quan to khắp Bắc, Trung, Nam không khó tìm.
Từ khi những biệt Phủ xuất hiện, dư luận cũng bắt đầu đặt ra câu hỏi: Ai là người sống trong các biệt Phủ? Tiền bạc từ đâu mà họ xây được biệt Phủ? Đương nhiên sống trong đó phải là người giàu có dư tiền bạc - thậm chí rất nhiều tiền vàng.
Người sống trong đó về tổng quát chia ra hai nhóm: 1. Họ là nhóm người có vị trí, thế lực chính trị, nắm giữ những vị trí, lĩnh vực liên quan tới kinh tế và chính trị để lợi dụng, câu kết với bên ngoài nhằm tham nhũng trục lợi cá nhân; là các phần tử phất lên nhờ làm ăn phi pháp; các đại gia ngân hàng, là đám buôn bán ma túy (như tên tội phạm người H'Mông Tàng Keng Nam), hàng lậu, hàng giả… mà báo chí đã liên tục phát hiện và luật pháp đã và đang thực thi qua các vụ án nổi đình đám. 2. Các doanh nhân làm ăn chính đáng, sản xuất kinh doanh giỏi.
Với nhóm người thứ 2 khỏi phải nói nhiều. Sự giàu có của họ là kết quả của trí tuệ, công sức, mồ hôi nước mắt mới có được. Điểm đáng quý, đáng trân trọng là họ không chỉ nghĩ và làm giàu cho riêng mình mà có những đóng góp đáng kể cùng nhà nước, chung tay giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc như: xóa đói giảm nghèo, ứng cứu lũ lụt thiên tai, công tác từ thiện, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động thất nghiệp…
Dù có làm nhà to, biệt phủ của họ hoàn toàn xứng đáng được hưởng bởi tài năng thực sự, công sức, thành quả lao động chân chính của mình. Họ là những người có tư cách đạo đức, có tấm lòng nhân ái được cả xã hội yêu mến, trân trọng và biết ơn.
Loại người thứ nhất thì chắc chắn xã hội không dành cho sự tôn trọng - mà ngược lại bị lên án, phỉ nhổ. Họ là công bộc của dân nhưng không đủ nhân cách đạo đức của người công dân chân chính. Với họ, lòng tự trọng, sự hổ thẹn, sự khiêm tốn là thứ xa xỉ, họ luôn vênh váo ta đây hơn người. Họ là những kẻ háo danh, coi trọng vật chất, tự huyễn hoặc mình rằng có biệt phủ to đồng nghĩa với tầm vóc họ trong xã hội rất to.
Do trình độ văn hóa thấp, họ không hiểu được biệt Phủ, ngôi nhà to không làm nên giá trị con người, giá trị văn hóa của xã hội, cho một quốc gia dân tộc. Ngày xưa Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm sống trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ - thậm chí lều cỏ - không chỉ làm nên giá trị văn hóa dân tộc, mà còn có sức lan tỏa ở tầm quốc tế, được nhân loại tôn vinh.
Tự thân những biệt phủ và chủ nhân của nó đã thể hiện sự méo mó về thẩm mỹ, văn hóa, xuống cấp về đạo đức. Nó là kết quả của một quá trình lâu dài. Thứ văn hóa phô trương, coi trọng hình thức đâu đâu cũng có thể nhìn thấy: trong giáo dục, khoa học nhân văn (phong Giáo sư, Tiến sỹ tràn lan), trong sản xuất, công tác, phong trào thi đua, hoạt động xã hội.
Đó là thứ "văn hóa bệnh tật" như loại vi rút nguy hiểm có sức lây nhiễm siêu tốc - đặc biệt đối với lớp trẻ. Nếu không sớm giáo dục, chấn chỉnh, sửa những sai sót, nó sẽ phá hỏng xã hội và con người. Đó là một bộ phận người nhìn đâu cũng thấy tham nhũng (không to thì nhỏ), làm ăn gian dối, buôn gian bán lận, trốn thuế, lừa đảo… nhờ đó mà giàu có.
Tham nhũng, buôn gian bán lận, dối trá để kiếm tiền, làm giàu bất chính của những kẻ bất tài, trình độ kém, nhưng nhờ chạy chọt quyền chức, lợi dụng quyền chức mà có được khối tài sản khổng lồ. Họ là nhóm người "bệnh hoạn" về đạo đức, văn hóa, đang cổ súy cho lớp trẻ sẵn sàng làm bất cứ việc gì, bất cứ cách nào để có tiền.
Trên thực tế đã chứng minh, từ các vụ án kinh tế hàng nghìn tỷ đồng, buôn bán bằng học thức giả, thuốc giả, lụa giả, thực phẩm bẩn… cốt là mang lại tiền bạc, lợi ích cho mình - còn hậu họa mà họ gây ra cho xã hội thế nào không cần quan tâm suy nghĩ.
Ta đang sống trong một xã hội mà sự xuống cấp đạo đức mang tính phổ biến. Nguyên nhân sâu xa cho sự xuống cấp đạo đức trên phải kể đến  nền giáo dục. Một thời gian quá lâu trong nhiều thập kỷ, giáo dục chỉ chú trọng, ganh đua về kết quả học tập của học sinh mà quên đi giáo dục nhân cách, đạo đức con người. Giáo dục con người mới là điều chính yếu của một nền giáo dục có văn hóa.
Chúng ta đã quen với bệnh thành tích mà bao nhiêu lần cố sửa vẫn chưa sửa được. Một nền giáo dục thiếu trung thực, chệch hướng sẽ đẻ ra những con người dối trá, gian lận là hệ quả tất yếu. Đạo đức con người là vấn đề cốt lõi của giáo dục làm nên một xã hội minh bạch, lành mạnh và phát triển. Những người tài mà không có đức lại đặt ở vị trí, lĩnh vực quan trọng, quyền chức càng to thì những hành động, việc làm sai trái của họ gây thiệt hại càng lớn, sức tàn xã hội phá càng ghê gớm.
Để chữa những bệnh tật, lệch lạc, điều chỉnh về đạo đức, văn hóa đưa vào nền nếp, chuẩn mực, thực chất - không chỉ có nhà nước, các cấp chính quyền - mà phải là cả hệ thống chính trị, cả mọi tầng lớp nhân dân chung tay mới có thể làm được. Mừng thay khi những kẻ ngồi trong các biệt phủ, biệt thự đang lần lượt phơi mặt trước bàn dân thiên hạ qua các vụ án lớn gần đây. Điều chúng ta mong muốn đang hé mở, thắp lên hy vọng về một xã hội minh bạch, phát triển, văn minh. (Công An Nhân Dân 13/11) đầu trang(
Nhưng, trái với sự mong đợi của cử tri, các đại biểu chỉ loay hoay bàn về việc nên công khai các bản kê khai tài sản ở nơi người phải kê khai công tác hay công khai ở chi bộ...
Quốc hội vừa thảo luận ở tổ về Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Nhưng, trái với sự mong đợi của cử tri, các đại biểu chỉ loay hoay bàn về việc nên công khai các bản kê khai tài sản ở nơi người phải kê khai công tác hay công khai ở chi bộ nơi người đó sinh hoạt?
Công khai bản kê khai tài sản ở nơi người phải kê khai công tác? Nếu công khai ở cơ quan sở hay cơ quan UBND huyện, UBND tỉnh, ở huyện ủy, tỉnh ủy, mà nếu ông giám đốc sở, ông chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh hay ông bí thư huyện, bí thư tỉnh có tài sản có dấu hiệu bất minh, thì liệu có cán bộ nào dám lên tiếng đòi những ông đó giải trình về nguồn gốc những tài sản đó không? Câu trả lời chắc chắn là không.
Cũng như vậy, công khai tài sản ở chi bộ nơi những người đó sinh hoạt, tức là ở những chi bộ văn phòng sở, văn phòng UBND huyện, UBND tỉnh, văn phòng huyện ủy, tỉnh ủy, thì liệu có đảng viên nào dám lên tiếng đòi truy nguyên nguồn gốc những tài sản có dấu hiệu bất minh của giám đốc, chủ tịch hay bí thư hay không? Câu trả lời chắc chắn cũng là không. Và có cán bộ hay đảng viên nào dám tiết lộ những thông tin đó ra ngoài không? Khi bản kê khai tài sản của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị tiết lộ ra ngoài, bị báo chí đặt câu hỏi về nguồn gốc khối tài sản lớn đó, lập tức Chánh văn phòng UBND thành phố lên tiếng rằng sẽ cho điều tra, tìm ra người tiết lộ thông tin để xử lý, là một bài học nhớ đời.
Trước, kê khai tài sản rồi đút ngăn kéo. Nay, “công khai” những bản kê khai tài sản ở cơ quan người bị kê khai hay ở chi bộ nơi người đó sinh hoạt, thì bí mật lại hoàn bí mật. Lại một thứ “đèn cù”. Điều mà cử tri đòi hỏi là phải công khai trước toàn dân, để toàn dân giám sát.
Ai cũng biết, không kẻ tham nhũng nào lại “dại dột” mà đứng tên những tài sản tham nhũng được. Nhiều ngày qua, dư luận hết sức xôn xao trước việc con cái hay bố mẹ các quan chức, mới ngoài 20 tuổi hay đã 70, 80 tuổi, chẳng làm gì nhưng lại đứng tên sở hữu những khối tài sản khổng lồ. Ai cũng biết nguồn gốc những tài sản đó. Các cơ quan chức năng cũng biết, nhưng lại bị luật trói tay, vì luật không cho phép truy nguyên nguồn gốc tài sản của thân nhân quan chức. Điều mà cử tri hết sức mong đợi chính là sửa điều luật đó, cho phép truy nguyên nguồn gốc của thân nhân quan chức, chặn đứng việc kẻ tham nhũng tẩu tán tài sản có được do tham nhũng.
Các đại biểu Quốc hội có biết điều đó không? Biết. Không đại biểu nào không biết. Nhưng vì sao ngoài thiếu tướng Sùng Thìn Cò lên tiếng rằng muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả thì phải kê khai và truy nguyên nguồn gốc tài sản 3 đời: Bố mẹ, bản thân và vợ con người phải kê khai, còn thì không có bất cứ đại biểu nào lên tiếng? Hay là...
Không có điều luật ngăn chặn được kẻ tham nhũng tẩu tán tài sản, thì có sửa luật đến bao nhiêu lần, cũng vẫn vô ích. (Nông Nghiệp Việt Nam 13/11) đầu trang(
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết báo chí và cử tri rất băn khoăn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, kể cả những người đứng đầu cấp ủy Đảng ở các địa phương có những biểu hiện chỉ quan tâm đến phái nữ, vì muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết tán thành với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội trình bày tại kỳ họp này, đánh giá đúng mức những kết quả, hạn chế, thực trạng.
Tuy nhiên, đại biểu Khánh cho biết bà rất băn khoăn trước vấn đề một số người đứng đầu còn chưa thực chất và tư tưởng trọng nam hơn nữ còn hẹp hòi ở trong một bộ phận lãnh đạo. Vấn đề này đã có một số các đại biểu đã nói điều này, tạo ra những rào cản không nhỏ cho phụ nữ nhưng trên thực tế chúng ta đã thấy thời gian vừa qua dư luận.
Thậm chí, theo bà Khánh, báo chí và cử tri rất băn khoăn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, kể cả những người đứng đầu cấp ủy Đảng ở các địa phương có những biểu hiện chỉ quan tâm đến phái nữ, vì muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có.
"Không cần nói ra thì chắc là tất cả chúng ta đều biết điều này, nếu Chính phủ, Quốc hội không quan tâm thấu đáo, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp không xử lý nghiêm minh thì sẽ trở thành một tiền lệ rất nguy hiểm, dẫn đến vi phạm pháp luật, coi thường phụ nữ, coi phụ nữ chỉ để đáp ứng những dục vọng tầm thường của mình", đại biểu Khánh nói.
Theo bà Khánh, vô hình chung điều này tạo ra một lối sống thiếu lành mạnh trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và chị em phụ nữ trẻ nói riêng, dẫn đến sự bất an, lo sợ cho chính chị em, gây bất bình dư luận xã hội. (Bizlive 12/11) đầu trang(

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Sở Nội vụ TP.HCM vừa đề xuất giải thể gần 200 ban Chỉ đạo tại TPHCM. Đây được cho là một việc làm cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Chia sẻ với PV, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc sở Nội vụ TP.HCM cho biết, theo thống kê sơ bộ của sở Nội vụ, hiện TP.HCM có khoảng 200 ban chỉ đạo, ủy ban, tổ công tác, tổ liên ngành.. gọi chung là ban Chỉ đạo. Việc tồn tại nhiều ban chỉ đạo có thể do nguyên nhân từ thời lãnh đạo cũ lập ra nhưng nhiều ban hoạt động không hiệu quả.
Cũng theo ông Trung, việc thành lập ban Chỉ đạo có sự cần thiết nhất định, dựa trên chỉ đạo của Trung ương như ban Chỉ đạo về Cải cách hành chính, ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại…. Muốn thành lập ban Chỉ đạo, sở, ban, ngành quận, huyện phải đề xuất với UBND TP. Sau khi đồng ý, sở Nội vụ có trách nhiệm tổ chức bộ máy, có một số ban Chỉ đạo có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban, Phó Giám đốc chuyên môn sở làm chuyên môn, Giám đốc các sở ngành liên quan làm ủy viên…
Mỗi sở, ngành, quận, huyện nếu phát huy hết trách nhiệm, chức năng quản lý Nhà nước của mình thì không cần lập ban Chỉ đạo. Chẳng hạn, sở Tài nguyên Môi trường, phòng Tài nguyên Môi trường, nếu làm hết chức năng của mình thì không cần lập ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, ban Thu hồi đất… Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm, chứ không phải lập ban Chỉ đạo, hội đồng để xin ý kiến, khi có chuyện xảy ra lại né trách nhiệm, đùn đẩy cho tập thể…
Hiện, TP.HCM có 200 ban Chỉ đạo, nhưng chỉ có khoảng 20 ban Chỉ đạo hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn như sở Tư pháp lập hội đồng Phổ biến pháp luật từ năm 1998; ban Chỉ đạo Cải cách thủ tục hành chính do sở Nội vụ chủ trì, thường xuyên tư vấn, kiểm tra hoạt động của các sở, ngành, quận, huyện về nhiều khía cạnh như công khai, minh bạch, đúng hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính.
Trong khi đó, nhiều ban lập ra không có kế hoạch, nề nếp sinh hoạt, không tồn tại được. Trưởng ban Chỉ đạo không phát huy hết trách nhiệm, không có họp định kỳ, không triển khai chương trình thực hiện cụ thể cho Ban, dẫn tới thành lập xong để đó.
Ông Trung khẳng định: “Việc giải thể 200 ban Chỉ đạo tại TP không hề đơ giản, gây nhiều tranh cãi trong các sở, ban, ngành. Tuy nhiên, qua đề xuất của sở Nội vụ, UBND TP đã chấp thuận chủ trương. Nhưng bỏ ban nào, duy trì ban nào, lại thuộc thẩm quyền của Thường trực UBND TP. Theo quan điểm cá nhân của tôi, trong lộ trình cải cách hành chính, việc giải thể những ban Chỉ đạo không hoạt động không hiệu quả là rất cao”.
Bên cạnh đó, theo ông Trung, TP đang có chủ trương áp dụng các chương trình liên thông một cửa điện tử thì không cần ban Chỉ đạo, hội đồng.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Lưu, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho rằng, việc này, TP cần phải rà soát, xem xét lại thật kỹ và thống kê con số cụ thể.
Tại huyện Nhà Bè, các ban Chỉ đạo vẫn đang hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn như ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng. Nếu giải thể, bắt buộc phải có nhân sự thuộc phòng Tài nguyên Môi trường thay thế. Trong khi đó, theo quy định, mỗi phòng, ban tại các quận, huyện đều được giao chỉ tiêu nhân sự nhất định, nhiệm vụ cụ thể. Nếu tiếp nhận công việc mới, đòi hỏi phòng phải bổ sung thêm nhân sự để giải quyết công việc. Do vậy, khi đề xuất giải thể, phải xem xét kỹ, đánh giá hoạt động của Ban rồi mới đưa ra đề xuất”.
Theo tiến sĩ xã hội học Trương Văn Vỹ, giảng viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM: “Đề xuất giải thể 200 ban Chỉ đạo của sở Nội vụ TP.HCM là rất quan trọng. Vì nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước. Giảm số người hưởng ngân sách Nhà nước, bộ máy hành chính tinh gọn hơn… Tuy nhiên, để thực hiện được việc này tôi cho rằng rất khó khăn”.
“Vì những nhân sự thuộc cơ quan Nhà nước nếu đột xuất cho nghỉ việc, ảnh hưởng kinh tế, cuộc sống của họ. Một số giải pháp có thể thực hiện như chỉ giữ lại những nhân sự có tâm huyết, có chuyên môn cao, tinh thần phục vụ công việc tốt. Còn những nhân sự quan liêu, không đáp ứng công việc nên cho về hưu sớm, hoặc có biện pháp thích hợp để làm sao việc tinh giản vừa có tâm, vừa có tình. Tôi cho rằng việc giải thể những ban Chỉ đạo không hiệu quả, nhân sự không tốt là rất cần thiết và quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển chung cho TP”, TS. Vỹ cho biết. (Người Đưa Tin 12/11) đầu trang(
Trong bối cảnh hoạt động quản lý điều hành dựa trên giấy tờ truyền thống đã tỏ ra không bắt kịp với nhịp độ phát triển xã hội, bằng việc tận dụng một cách tối đa ưu thế của công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử sẽ đóng góp mạnh mẽ vào quá trình cải cách hành chính.
Đây là một nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm. Trong đó, xây dựng và quản lý hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nền tảng cơ bản để triển khai các thành phần của Chính phủ điện tử.
Hiện nay, nhiều loại giấy tờ của công dân đang được giao cho một số cơ quan thực hiện quản lý. Cụ thể: Bộ Công an quản lý sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và hộ chiếu phổ thông; Bộ Tư pháp quản lý giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn và giấy chứng tử; Bộ Giao thông Vận tải quản lý giấy phép lái xe; Bảo hiểm xã hội quản lý sổ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế; Bộ Tài chính quản lý Thẻ mã số thuế. Bên cạnh đó, các loại thông tin khác nhau về công dân được các bộ, ngành thu thập, lưu trữ, bảo quản và khai thác theo các hệ thống thông tin chuyên ngành khác nhau, nhằm phục vụ cho mục đích quản lý hành chính của từng tổ chức. Đồng thời, việc chia sẻ thông tin về công dân giữa các ngành còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Qua thực tế khảo sát của Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an) tại các đơn vị Công an các cấp cho thấy, việc trao đổi thông tin về dân cư giữa ngành Công an và các bộ, ngành khác như: Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… còn rất hạn chế.
Tần suất trao đổi thông tin và số lượng thông tin trao đổi chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Cùng với đó, việc trao đổi dữ liệu về dân cư giữa các cơ quan này chủ yếu được thực hiện thủ công qua phương pháp công văn, giấy tờ, văn bản truyền thống, chưa ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, dẫn đến việc dữ liệu dân cư chưa tập trung, chưa hình thành được chuẩn thống nhất về trao đổi dữ liệu, gây ra sự hạn chế về sự chia sẻ, khai thác, đồng bộ thông tin công dân. Hậu quả là thông tin trong các giấy tờ công dân có nội dung trùng lặp (họ, tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch…) nên khi sử dụng các giấy tờ để truy nguyên công dân thì đều hiển thị các thông tin trùng nhau.
Bên cạnh đó là thực trạng khi thực hiện thủ tục hành chính, trong một số trường hợp công dân phải xuất trình cùng lúc hai hoặc nhiều loại giấy tờ (ví dụ: xuất trình đồng thời cả chứng minh nhân dân và thẻ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh; hay khi thực hiện thay đổi, cải chính hộ tịch, ngoài giấy tờ hộ tịch công dân phải xuất trình chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu...).  Trong bối cảnh hoạt động quản lý điều hành dựa trên giấy tờ truyền thống đã tỏ ra không bắt kịp với nhịp độ phát triển xã hội, bằng việc tận dụng một cách tối đa ưu thế của công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử sẽ đóng góp mạnh mẽ vào quá trình cải cách hành chính. Chính phủ điện tử không chỉ là tập hợp những giải pháp đơn lẻ dựa trên các ứng dụng web, mà được kỳ vọng tạo ra một môi trường tương tác điện tử thống nhất giữa một bên là các tổ chức, cơ quan Nhà nước và một bên là người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ điện tử cũng tạo cơ hội cho các cơ quan Nhà nước nắm bắt thông tin và công tác với nhau tốt hơn. Thông qua việc liên kết các quy trình nghiệp vụ một cách hợp lý, nỗ lực giảm thiểu chi phí, đẩy mạnh nghiên cứu và đánh giá hoạt động, hoạt động quản lý điều hành Nhà nước sẽ được nâng cao cả về chất lượng lẫn thời gian xử lý.
Xuất phát từ yêu cầu đó, ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 714/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Theo đó, có 6 cơ sở dữ liệu quốc gia được ưu tiên triển khai là: (1) Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an chủ quản; (2) Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ quản; (3) Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ quản; (4) Cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê tổng hợp về dân số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ quản; (5) Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính do Bộ Tài chính chủ quản; (6) Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ quản.
Trong đó, dữ liệu về dân cư là nền tảng cơ bản để triển khai các thành phần của Chính phủ điện tử. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ và phục vụ công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành khác có liên quan. Đây được coi là hệ thống thông tin chủ đạo kết nối với các hệ thống thông tin chuyên ngành khác của các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua phương pháp quản lý thống nhất giữa các hệ thống thông tin bằng Số định danh cá nhân.  Số định danh cá nhân là “chìa khóa” để các ngành và công dân sử dụng khi truy cập, kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khai thác thông tin về công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, thay thế cho việc xuất trình hoặc nộp bản sao hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân.  Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), hệ thống này sẽ từng bước điều chỉnh và hoàn thiện đảm bảo khả năng kết nối với các Cơ sở dữ liệu khác như hộ tịch, bảo hiểm xã hội, đất đai, y tế, thuế, giáo dục và đào tạo... tạo thành bộ cơ sở dữ liệu thông tin nền tảng phục vụ cho quản lý hành chính Nhà nước và tạo ra một bước tiến mới trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Song song với đó, việc xây dựng hệ thống quản lý dân cư sẽ góp phần tích cực và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý di biến động về đối tượng vi phạm an ninh, trật tự của ngành Công an; nhanh chóng trong việc kiểm tra, xác minh đối tượng vi phạm an ninh, trật tự... góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh trật tự. Đồng thời, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hệ thống quản lý thông tin về con người, do đó, yêu cầu về chống lại sự tấn công của tin tặc và đảm bảo bí mật về thông tin cá nhân của công dân cũng được đặt ra rất chặt chẽ.
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục C72 Bộ Công an nhấn mạnh trong xây dựng và quản lý hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vấn đề bảo mật thông tin được đặt lên hàng đầu. Luật Căn cước công dân cũng quy định thu thập thông tin công dân nhưng phải đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an ninh an toàn về thông tin.  "Bộ Công an và các đơn vị chức năng phải cùng tham gia để đảm bảo an ninh an toàn thông tin, vì đây là tài sản quốc gia, được tập trung để bảo vệ, tránh sự truy cập, khai thác thông tin trái phép. Việc chia sẻ, khai thác phải đảm bảo không làm ảnh hưởng bí mật cá nhân, bí mật đời tư" - Thượng tá Trần Hồng Phú cho hay.  Hiện nay, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm tạo điều kiện bởi vì sự thành công của dự án sẽ giúp thay đổi cơ bản cách thức giải quyết giao dịch hành chính công gắn với công dân cũng như cách thức quản lý Nhà nước và hoạt động của các cơ quan hành chính, giúp giảm tối đa chi phí hành chính cho cá nhân, tổ chức, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư. Vì tầm quan trọng của dự án này, ngày 8/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 896/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.
Nội dung quyết định đã nêu rõ dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án quan trọng, cần ưu tiên các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Quốc hội cũng đã thông qua Luật Căn cước công dân (có hiệu lực từ 1/1/2016), quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản nhất của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hoá, số hoá, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ Công an thống nhất, quản lý.
Từ năm 2012, Chính phủ giao Bộ Công an bắt đầu triển khai xây dựng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia; hoàn thành hạ tầng kỹ thuật; tổ chức tập huấn cho đội ngũ Công an xã và Hộ tịch viên về kỹ năng sử dụng và cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết dự kiến ngày 14/11, Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc, sau đó sẽ tổ chức tập huấn ở các địa phương về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thu thập thông tin. Tiếp đó sẽ tiến hành phát phiếu cho các địa phương để Công an phường, xã, thị trấn phát đến từng hộ gia đình, người dân kê khai, ký xác nhận. Sau đó Công an đối chiếu xác minh, xác thực rồi tiến hành nhập dữ liệu lên hệ thống. "Hệ thống dữ liệu này phấn đấu trong vòng 2-3 năm tới sẽ hoàn thành" - Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết... (Tin Tức 11/11) đầu trang(

KINH TẾ
Bên cạnh ưu đãi về thuế quan, EVFTA cũng đưa ra những điều kiện chặt chẽ mà nếu không có sự chuẩn bị từ bây giờ, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khó được hưởng mức thuế ưu đãi 0%.
Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) dự kiến có hiệu lực vào năm 2018. Đây là FTA có phạm vi rộng và mức độ cam kết cao nhất với 99,2% dòng thuế sẽ được EU xóa bỏ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh ưu đãi về thuế quan, EVFTA cũng đưa ra nhiều điều kiện chặt chẽ mà nếu không có sự chuẩn bị, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó được hưởng mức thuế ưu đãi 0%.
Theo các chuyên gia, EVFTA có hiệu lực sẽ kích hoạt nhiều hơn làn sóng đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam và thúc đẩy hội nhập sâu cũng như giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong cuốn sổ tay cho DN Việt Nam về EVFTA do Bộ Công Thương và Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu soạn thảo cho thấy, trong hơn một thập kỷ qua, giá trị thương mại hai chiều tăng 10 lần từ khoảng 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 41,3 tỷ USD năm 2015. Con số này đã giúp EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam (riêng năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 31 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 10 tỷ USD).
EU cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam với 1.809 dự án từ 24 quốc gia thành viên còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 23,16 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án và 8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Nhận định về thị trường này, tại Hội thảo “Tham vấn về các tác động của Hiệp định thương mại EU – Việt Nam đối với nền kinh tế Việt Nam”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết, EU hiện là đối tác duy nhất mà Việt Nam có đề án phát triển tổng thể về thị trường. Tuy nhiên, với 28 nước thành viên và có GDP rất lớn nhưng khả năng khai thác thị trường của các DN Việt lại thấp, chưa đi sâu vào các thị trường tiềm năng, nhất là các nước thuộc khối Đông Âu.
“Trong số 11 nước Đông Âu thuộc Liên minh Châu Âu (EU) thì Việt Nam mới xuất khẩu được gần 1,8 tỷ USD chiếm 5,5% tổng thị phần mà các DN xuất khẩu sang thị trường EU. Như vậy, rõ ràng các DN Việt ít chú ý đến việc khai thác thị trường các nước Đông Âu” – nguyên Bộ trưởng Tuyển nói.
Theo ông Trương Đình Tuyển, mặc dù EVFTA đem lại nhiều triển vọng cho Việt Nam, song để hướng tới mức độ xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99,2% số dòng thuế, hàng của Việt Nam xuất sang EU cần thỏa mãn quy tắc xuất xứ.
Đặc biệt, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, nhiều mặt hàng sẽ được hưởng thuế suất bằng 0. Trong đó, cơ hội xuất khẩu đối với nhóm hàng nông sản rất lớn bao gồm: thủy sản, gạo, đường, hạt tiêu, hạt điều, mật ong tự nhiên, toàn bộ các sản phẩm rau, củ, quả tươi và chế biến nước hoa quả tươi. Tuy vậy, câu chuyện gần đây mà Việt Nam đang phải đối mặt là mặt hàng thủy sản của Việt Nam chính thức bị EU rút “thẻ vàng”. Điều này dự báo sẽ tác động lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới.
Chia sẻ về vấn đề này, theo ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, việc EU rút “thẻ vàng” không chỉ đơn giản là chất lượng sản phẩm mà còn mở rộng hơn tới việc đánh bắt thủy sản của Việt Nam. Hơn nữa việc xuất khẩu thủy sản những năm gần đây tiếp tục tăng nhưng điều đáng lo ngại là nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước lại không đủ và phải nhập khẩu.
Vì vậy, theo ông Dương, các DN phải quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm theo chuỗi, tức là phải kiểm soát chất lượng ngay từ đầu vào để đảm bảo các quy định và tiêu  chuẩn khi xuất khẩu.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, để đạt được tiêu chuẩn chất lượng ngặt nghèo của EU và nâng cao khả năng cạnh tranh, Nhà nước cần xác định về các ngành xuất khẩu mũi nhọn và quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ. (Pháp Luật Việt Nam 13/11) đầu trang(
Hiện đa phần người dân vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, chưa tham gia vào các chuỗi giá trị để tăng qui mô hàng hóa, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào.
Nuôi tôm đem lại một cuộc sống đổi thay cho nhiều gia đình ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Người thành công cũng có nhưng người thất bại cũng không phải là hiếm gặp. Hiện đa phần người dân vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, chưa tham gia vào các chuỗi giá trị để tăng qui mô hàng hóa, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành đầu vào.
Ở vùng tôm Sóc Trăng, nhiều người bảo “Tôm ăn sạch cả sổ đỏ, nhà đất” rồi. Ý nói rằng, việc đầu tư vào nuôi tôm nhiều năm qua gây thua lỗ, nhiều gia đình không còn đất đai, nhà cửa nữa; thậm chí là việc nuôi không đúng qui trình đã phá hủy toàn bộ đầm, ao không thể canh tác nổi.
Hơn 10 năm trước, ông Phạm Thành Công, ấp Hòa Thượng, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, từng là người nuôi tôm thành công nhất nhì ở tỉnh này giờ trắng tay chia sẻ: “Thời gian đầu nuôi cũng hiệu quả, được đâu 4 năm gì đó. Bước đầu có vốn thì mua đất, ủi đất nuôi công nghiệp.  Năm đầu tiên, nuôi mật độ dày quá, tôm lột, yếu nên không được giá, lỗ mấy trăm triệu. Sang năm thứ hai, tạt men vi sinh Hầm cầu và bọt đường thì cả 8 ao đều chết hết, còn lại 1 ao không tạt thì chỉ lãi chút đỉnh. Từ năm 2003 đến giờ không nuôi được nữa vì cứ thả tôm là chết”.
Theo chia sẻ của ông Phạm Thành Công, đến thời điểm này, ông không có tiền để trang trải cuộc sống nhưng cũng không thể là hộ nghèo vì nhà có quá nhiều đất mà không thể canh tác. “Giờ vợ tôi bỏ đi nơi đâu không biết, một mình tôi cày thuê cuốc mướn để nuôi đứa con ngoài 30 tuổi bị bệnh tâm thần” – ông nói trong rơm rớm nước mắt.
Câu chuyện của ông Phạm Thành Công chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp nuôi tôm thất bại ở vựa tôm này. Bà con nuôi tôm thường gặp phải là những rủi ro về chất lượng con giống; điều kiện thời tiết, môi trường và dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá cả thị trường luôn biến động.
Theo con số thống kê của ông Trương Hoàng Hải – Phó Giám đốc NH Nông nghiệp-PTNT tỉnh Sóc Trăng: Tại Ngân hàng này, tính đến thời điểm 31/7/2017 vẫn còn 240 tỷ vay để làm thủy sản đến hạn phải trả nhưng có tới 50% không thể có khả năng trả nợ. Một số người đã bỏ địa phương đi làm ăn xa, một số làm không có hiệu quả thì bỏ đất trống không làm nữa… nên khó thu nợ.
Chính vì thế, để con tôm đạt giá trị cao hơn, theo bà Quách Thị Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng: “Chúng tôi xác định phải tổ chức lại sản xuất bằng việc hình thành chuỗi giá trị. Thời gian qua, thực hiện các chương trình thực hành nuôi tốt như Vietgap, CRSD,… để hướng các tổ hợp tác xã đạt các tiêu chí. Ngoài liên kết, chia sẻ, bảo vệ môi trường, bảo đảm sản phẩm đầu ra có chất lượng thì còn kết nối với các nhà máy chế biến. Hiện nay, trên địa bàn có 12 tổ hợp tác, HTX có liên kết với Công ty thủy sản sạch Sóc Trăng và Tabimex”.
Những năm qua, Sóc Trăng, Bạc Liêu là những tỉnh có sản lượng nuôi tôm lớn đã tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua việc thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác; tăng cường mô hình nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn; tăng cường quản lý nhóm thương lái, hạn chế bơm chích tạp chất ở thương lái nhỏ lẻ; tăng cường liên kết người nuôi và nhà máy chế biến, lấy nhà máy chế biến làm chủ đạo, hạn chế trung gian.
Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, mô hình nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh hiện chiếm trên 80%. Do đó, đầu tiên phải vận động mọi người tham gia các tổ hợp tác, HTX và đồng thời củng cố các tổ HT, HTX đã có. Tập trung các nguồn lực từ vốn, kể cả các chương trình, dự án cho các tổ hợp tác, HTX cho bà con thấy được lợi ích khi vào các tổ, nhóm này.
Ông Võ Văn Phục – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfood)  cho biết: “Chương trình này rất có lợi cho người nuôi tôm. Thứ nhất, họ không bị thương lái ép giá. Thứ hai, khi ký hợp đồng với các HTX thì lúc nào cũng bao tiêu mua sản phẩm và giá mua cao hơn giá thị trường. Tuy nhiên, làm việc với bà con có nhiều khó khăn (qui mô nhỏ, sản lượng thấp nên chi phí cao). Để tháo gỡ, chúng tôi có giải pháp như kết hợp với các HTX để tổ chức các đội thu gom, tự kéo lưới, vận chuyển lên xe, giúp giảm chi phí, bà con có việc làm.
Đến giờ này, tôi thấy tính an toàn sản phẩm rất đạt. Vì bà con nuôi tôm theo qui trình Vietgap, về màu sắc và các yếu tố khác có thể chưa đạt yêu cầu thị trường nhưng yếu tố an toàn là tốt”.
HTX nuôi trồng thủy sản Hưng Phú (Cù Lao Dung – Sóc Trăng) là HTX đầu tiên của tỉnh này đạt chứng nhận CRSD. HTX có 9 thành viên, 1 Giám đốc và 2 PGĐ, mới thành lập được 2 năm và muốn có thêm thành viên. Khi là thành viên của HTX sẽ hợp đồng được với các công ty cung cấp con giống, thức ăn, thuốc sẽ giảm được giá thành. Khi tham gia theo chuỗi, có các đơn đặt hàng lớn thì các thành viên có thể cùng nhau thực hiện đáp ứng đúng số lượng, chất lượng.
Tuy nhiên, theo ông  Lê Hồng Tuấn – Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Hưng Phú, việc tham gia xây dựng, phát triển các tổ hợp tác xã hiện nay cũng gặp không ít khó khăn. “Khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX là về trụ sở và vốn. Hiện tại trụ sở chính vẫn đang thuê, hướng tới sẽ kiếm mặt bằng để xây trụ sở cố định. Khi ký hợp đồng cung cấp chuỗi nhưng ký xong có khi lại thực hiện chưa rõ ràng. Nhiều khi ký hợp đồng với cty tiêu thụ tôm thịt với giá cao hơn khoảng 5.000-6.000 đồng/kg nhưng khi có tôm sạch rồi thì số lượng ít lại không tới. Bên hộ nuôi cũng chưa có trách nhiệm trở lại. Hiện tại, vướng mắc lớn nhất là việc thỏa thuận giá cả giữa nông dân và doanh nghiệp”.
Dù còn nhiều xung đột về lợi ích giữa doanh nghiệp – người dân nhưng rõ ràng việc liên kết theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu để đạt mục tiêu xuất khẩu với số lượng và chất lượng cao hơn. “Đầu ra sản phẩm phải đảm bảo không chứa chất kháng sinh cấm, các DN sẽ thu mua giá chênh lệch từ 5.000 – 7.000 đồng/kg so với thời điểm thương lái mua. Đồng thời cũng kêu gọi các công ty cung ứng vật tư đầu vào (giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, các thiết bị trong nuôi trồng thủy sản) kết nối với các tổ hợp tác để cung cấp vật tư thiết bị chất lượng với giá cả hợp lý, hạ giá thành sản xuất. Đến nay, Sóc Trăng đã có 18 hợp đồng liên kết đầu vào” – bà Quách Thị Thanh Bình cho biết. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 13/11) đầu trang(

MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
9 tháng năm 2017, Hải Phòng đón 5,1 triệu lượt khách, tăng 14,38% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khách quốc tế là 620.000 lượt. Doanh thu từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ trong ngành du lịch thành phố đạt 1.990 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lượng khách đến với Hải Phòng còn khá khiêm tốn so với tiềm năng du lịch của thành phố. Một số địa phương như: Quảng Ninh đón 7,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 3 triệu lượt; Hà Nội đón gần 18 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 3,5 triệu lượt.
Trong năm 2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đã công bố Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất ở Hải Phòng bao gồm: Quần đảo và Vườn quốc gia Cát Bà; Bãi biển Đồ Sơn; Đảo Bạch Long Vĩ; Vịnh Lan Hạ; Bảo tàng Hải Quân; Hải đăng Hòn Dấu; Quần thể di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng; Núi Voi; Biệt thự Bảo Đại và Bến tàu không số K15.
Để có những bước phát triển mạnh mẽ về du lịch trong giai đoạn tiếp theo, thành phố Hải Phòng đã ký Quyết định ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đó, thành phố sẽ xây dựng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, có tính chuyên nghiệp và có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Thành phố chú trọng phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, khác biệt, thân thiện với môi trường, có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đặc biệt là phát triển du lịch biển, đảo theo chiều sâu, có thương hiệu, mang đậm bản sắc về vùng đất và con người Hải Phòng.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đón 8 triệu lượt khách du lịch, tốc độ tăng trung bình 8,2%/năm; tổng doanh thu du lịch đạt 3.500 tỷ đồng, tăng trung bình 8,9%/năm. Thành phố sẽ đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng cầu cảng đón tàu du lịch quốc tế; xây dựng thêm  khoảng 5 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao trở lên; xây dựng đảo Cát Bà theo mô hình đảo sinh thái, thông minh, không có khí thải của phương tiện cơ giới đường bộ. Phấn đấu đến năm 2025, du lịch Hải Phòng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương và đơn vị cần cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện 11 nhiệm vụ, giải pháp gồm: Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; xây dựng cơ chế, chính sách hiệu lực để hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch; thực hiện tốt công tác quy hoạch du lịch và quản lý sau quy hoạch; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo điều kiện phát triển du lịch; hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Hải Phòng; đẩy mạnh việc xúc tiến, quảng bá và phát triển thị trường du lịch; chú trọng đào nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ phát triển du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, công tác phối hợp phát triển du lịch; xây dựng Cát Bà thành đảo sinh thái, thông minh, không có khí thải của phương tiện cơ giới. (Công Lý 13/11) đầu trang(

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
Hằng ngày, người Việt chăm chú theo dõi tin tức thời sự, cảm xúc với các kỳ thi mỹ nữ, những ngôi sao ca nhạc, những phim truyện tình Hàn Quốc, cả những lo toan về thế giới đang nóng dần, nước biển dâng và biến đổi khí hậu.
Và chia sẻ với nạn nhân bị khủng bố bằng xe tải ở Châu Âu hay xả súng ở nước Mỹ.
Nhưng nhiều người quên mất người Việt cũng rất đáng quan tâm và lo lắng cảnh giác, bởi vì mỗi ngày có 23 người chết vì tai nạn giao thông. 10 tháng của năm 2017, đã có 6.800 người chết và khoảng gấp đôi con số này là người bị thương tật vì tai nạn giao thông.
Chết thì đã đành, người sống không bằng chết còn đáng sợ hơn, khổ đau hơn. Họ là gánh nặng của chính họ, của gia đình và cả xã hội. Một gia đình có người bị thương tật vì tai nạn giao thông, có thể thay đổi luôn số phận của những con người đó theo hướng tiêu cực. Xin lưu ý là đều đặn, mỗi ngày 23 mạng người. Quá kinh khủng và quá vô lý. Nhưng kinh khủng hơn là vì chúng ta đã và đang sống trong một môi trường tai nạn giao thông xảy ra hằng ngày cho nên đã mất cảm xúc vì nó. Tai nạn giao thông trở nên quen thuộc đến mức người ta không còn quan tâm tới nó nữa. Con người ta tự cho mình cái “quyền” sống chung với tai nạn giao thông. Có nghĩa là chấp nhận nó, coi nó là bạn, không phải là thù, không phải là cái xấu cái ác phải loại trừ.
Sự kiện lễ cầu siêu tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2017 diễn ra ở Tổ đình Vĩnh Nghiêm - TPHCM ngày 12.11 không thu hút ống kính của báo chí và cộng đồng mạng bằng cái miệng kém xinh của cô hoa hậu, hoặc vụ tai nạn mất vài mạng người không đáng để quan tâm bằng một nam ca sĩ thị trường hô hét mình mất nhẫn kim cương. Tất cả mọi người đều xem tai nạn giao thông là việc ngoài mình, thuộc trách nhiệm của ai đó, và sống hồn nhiên như tai nạn giao thông sẽ xảy ra với ai đó ở đâu đó nhưng chừa mình ra. Không đâu thưa các bạn, tất cả chúng ta, 90 triệu dân của đất nước này đều là nạn nhân tai nạn giao thông “dự khuyết”.
Và thưa các nhà quản lý, khẩu hiệu về sự văn minh treo đầy đường, ghi đầy các loại văn bản, nói ra rả trên đài. Nhưng mỗi ngày có 23 người chết vì tai nạn giao thông thì không thể là một quốc gia văn minh. Hãy hành động đi, đừng báo động nữa. (Lao Động 13/11) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Ngay cả khi Donald Trump có đủ số phiếu để thành tổng thống, mọi người vẫn chưa tin, vậy đâu là lý do thực sự khiến ông ngồi vào chiếc ghế tại Nhà Trắng?+
Khi Donald Trump tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ, ông được cho là ứng cử viên cuối cùng cho chiếc ghế quyền lực ở Nhà Trắng. Nhưng cuối năm 2016, kết quả bầu cử là một bất ngờ lớn với cả thế giới.
Cuốn sách Đường đến Nhà Trắng 2016 - Cuộc cách mạng của Donald Trump kể lại hành trình trở thành tổng thống nước Mỹ của Donald Trump qua con mắt của chính trị gia kỳ cựu Roger Stone. Sách mới được xuất bản tại Việt Nam qua bản dịch của Nguyễn Thanh Châu.
Được sự đồng ý của đơn vị phát hành, Zing.vn trích đăng một phần cuốn sách. Nội dung bài trích đăng sách thể hiện quan điểm, góc nhìn, cách diễn đạt của tác giả Roger Stone.
Tony Fabrizio, người thăm dò cử tri nóng tính của Trump nhìn thấy một mẫu hình khác. Ngay từ đầu, ông lấy lượng cử tri da màu thấp hơn, những người Dân chủ da trắng theo Tin lành đã bỏ phiếu cho Obama chuyển nhiều sang Trump và sự dịch chuyển của những phụ nữ da trắng lớn tuổi, 53% trong số họ sẽ chuyển sang bỏ phiếu cho Trump. Fabrizio tìm mọi cách thúc đẩy “mở rộng bản đồ” tới Wisconsin và Michigan, cũng như cố hết sức thâm nhập West Pennsylvania nhằm bảo đảm cho Trump đạt 270 phiếu đại cử tri mà như Fabrizio dự tính Trump có thể thắng Ohio và Florida.
Mô hình của Fabrizio cực kỳ chính xác. Các cuộc thăm dò do các đồng nghiệp của ông John Mclaughlin và Kellyanne Conway tiến hành khẳng định tính toán của những người New York đa mưu này là đúng.
Câu trả lời tại sao thăm dò cử tri sai đến thế lại tương đối đơn giản. Sự thật là Hillary Clinton là một ứng cử viên tổng thống không có sức hấp dẫn đã không làm gì để động viên những cử tri Dân chủ đi bầu, đặc biệt nếu so với Barack Obama, một ứng cử viên có sức lôi cuốn có thể chuyển ý tưởng “tổng thống da màu đầu tiên” thành phiếu. Chính trị đồng dạng có tác dụng với Obama vì những lời kêu gọi đồng dạng không phải là chủ đề duy nhất của chiến dịch Obama.
Năm 2008, câu thần chú “Hy vọng và thay đổi” âm vang với cử tri đã mệt mỏi vì những cuộc chiến tranh hầu như không dứt của Mỹ ở Trung Đông. Suy thoái do vỡ bong bóng kinh tế khi nhiệm kỳ hai của George W. Bush sắp kết thúc đã tăng thêm sức mạnh cho lời kêu gọi của Obama. Tranh cử trên cở sở hàng thập niên kinh nghiệm trong chính quyền lại chứng tỏ có hại cho Hillary. Bà ta không thể rũ bỏ lịch sử những vụ tai tiếng, với Whitewater cộng với thảm hại ở Benghazi, vụ tai tiếng thư điện tử và Quỹ Clinton máy làm tiền chơi-trả-phí mà chức năng chính là con heo đất của gia đình Clinton.
Các cuộc thăm dò của truyền thông chính thống năm 2016 dựa trên suy đoán Hillary sẽ thu hút được nhiều cử tri Dân chủ đi bỏ phiếu, và tỉ lệ sẽ như năm 2008 và 2012. Khi điều đó không xảy ra, các cuộc thăm dò đã sai vì đã đặt những người Dân chủ ở mức quá cao trong mẫu thăm dò. Kết quả là vì các cuộc thăm dò đều nghiêng về việc đánh giá lượng cử tri Dân chủ cao, nên đánh giá cao sự ủng hộ của Hillary, trong khi lại đánh giá thấp sức thu hút thực sự của Trump.
Những gì các nhà thăm dò không đánh giá đúng năm 2016 là mức độ mà cử tri ở vùng trung nước Mỹ đã thất vọng với chính quyền Obama. Nói cử tri vùng trung nước Mỹ thất vọng năm 2016 vì Hillary Clinton sẽ kế vị Barack Obama ở Nhà Trắng vẫn là chưa đầy đủ. Hillary Clinton là người riêng biệt nhất trong tất cả các ứng cử viên năm 2016 vì có khả năng tạo ra cảm giác “vừa sợ, vừa hận” kiểu Hunter S.Thompson.
Cử tri trung lưu đối diện với tương lai sẽ phải nghe những giáo lệnh của bà ta trong suốt bốn năm làm tổng thống. Barack Obama đã không thực hiện được những gì ông hứa năm 2008, còn Hillary Clinton trông già cả, gần như ốm yếu và nói chung là giận dữ với thế giới, trong khi chẳng có ý tưởng gì mới. Vấn đề là, Hillary Clinton đã thua Barack Obama năm 2008 cũng lại là ứng cử viên đã thất bại trước Donald Trump năm 2016.
“Hai chiến thắng của Barack Obama tạo ra ấn tượng về một cơn gió thúc đẩy đảng Dân chủ. Các khối cử tri - thanh niên, người da màu và người tốt nghiệp đại học - không chỉ ngày càng đông, mà cũng tham gia ngày càng nhiều. Vấn đề độ tuổi của cử tri đi bầu cuối cùng hình như cuối cùng đã giúp chính trị cánh tả,” David Leonhardt viết trên New York Times ngày 17/11/2016. “Nhưng về lâu dài, mọi việc sẽ khác. Không có ai trong ba ứng cử viên tranh cử tổng thống gần đây của đảng Dân chủ -Hillary Clinton, John Kerry và Al Gore đã thu hút được lượng lớn cử tri đi bầu.
Như bạn có thể nhớ lại, George W. Bush được mọi người coi là đã thắng cuộc chơi chính trị. Những năm không có bầu cử, lượng người tham gia của đảng Dân chủ thậm chí còn ít hơn, giúp giải thích tại sao đảng Cộng hòa lại nắm đa số trong Nghị viện, thống đốc các bang và cơ quan lập pháp nhà nước.” Vấn đề đã rõ: Nói theo ngôn ngữ đơn giản, số cử tri đi bầu cho đảng Cộng hòa có vẻ đã tăng năm nay, trong khi với đảng Dân chủ thì vẫn trì trệ.
Các phân tích cử tri sau bầu cử cũng rõ ràng. New York Times chỉ ra ở những quận Trump thắng ít nhất 70% phiếu, số lượng phiếu bầu tăng 2,9% so với 2012. Bằng so sánh, ở các quận mà Clinton thắng ít nhất 70%, số phiếu được kiểm ở vòng này thấp hơn 1,7%.
Cùng với việc số cử tri nữ da trắng không qua đại học đi bỏ phiếu tăng, Trump được 29% phiếu của người Hispanic, so với 27% của Romney năm 2012, cộng với 8% phiếu của người da màu so với 6% của Romney.
Trump có thể nhường tầng lớp tinh hoa ở dọc bờ biển phía tây từ San Francisco tới Los Angeles và San Diego, cộng với thành phố New York và các quận cho Clinton, chừng nào ông thắng lớn phiếu cử tri thuộc tầng lớp lao động trong những phần còn lại của nước Mỹ. Đây là bài học mà Richard Nixon đã dạy những người Dân chủ năm 1968. Nhưng lòng thù ghét Nixon thống trị đảng Dân chủ năm 1968, được chuyển thành thù ghét Bush năm 2000 và cuối cùng là Trump hôm nay - tất cả đều làm  hại chính những người Dân chủ.
Sự thật là tầng lớp tinh hoa, những người XHCN cực tả hiện đang kiểm soát đảng Dân chủ không giống đảng Dân chủ của Harry Truman, John Kennedy và Hubert Humphrey. Nếu những tinh hoa cực tả kiểm soát đảng Dân chủ tiến hành được theo cách của họ, đảng Dân chủ có thể sẽ trở thành một đảng Dân chủ Xã hội kiểu châu Âu và có ít cơ hội thắng cử trên phạm vi cả nước. (Zing News 13/11)đầu trang(./.