Xem ngày trước
BẢN TIN TỔNG HỢP
Xem ngày kế tiếp

Ngày 03 tháng 03 năm 2017
CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
QUẢN LÝ
THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
KINH TẾ
VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN
MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
PHÁP LUẬT
BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
NHÌN RA THẾ GIỚI

CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở Việt Nam, giảm thủ tục giấy tờ, bớt nhân lực làm thủ tục, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cho toàn xã hội, Bộ Y tế đang đề xuất: Miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, miễn ghi nhãn tiếng Việt đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam chỉ để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu; miễn kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế, hàng quà tặng, quà biếu nằm trong định mức miễn thuế quy định tại Quyết định số 31/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Cụ thể, Bộ Y tế đã xác định rõ phạm vi điều chỉnh là sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP về: Sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước không phải công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Trường hợp sản phẩm chỉ có sự thay đổi về chất liệu, quy cách bao gói mà không làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu chất lượng và vi phạm các mức giới hạn an toàn thực phẩm thì tổ chức, cá nhân được phép nộp công văn đề nghị bổ sung kèm theo xác nhận về các nội dung đã thay đổi, bổ sung của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản để được tiếp tục sử dụng số Giấy tiếp nhận hoặc Giấy xác nhận đã được cấp hay cấp lại.
Dự thảo cũng bổ sung thêm các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm bao gồm: Thực phẩm là quà tặng, quà biếu trong định mức miễn thuế nhập khẩu; Thực phẩm xuất khẩu bị nước nhập khẩu trả về; Thực phẩm tạm nhập, tái xuất; Thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu không tiêu thụ tại thị trường trong nước; Thực phẩm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế theo định mức miễn thuế; Thực phẩm sản xuất suất ăn cung cấp trên tàu bay xuất cảnh.
Ngoài ra, bổ sung thêm quy định các sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước không bắt buộc ghi nhãn tiếng Việt; bổ sung thêm các quy định đối với các cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ hai Bộ trở lên... (Báo Chính Phủ 2/3) đầu trang(
Người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khi đến khám chữa bệnh mà không mang theo thẻ BHYT vẫn được Bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí nếu cung cấp với cơ sở khám chữa bệnh số thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.
Đây là một trong những điểm mới được Bộ Y tế đưa ra tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội và Luật bảo hiểm y tế (BHYT) thuộc lĩnh vực y tế.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC, người tham gia BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất quy định: Người tham gia BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải cung cấp số thẻ BHYT hoặc xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải cung cấp số định danh cá nhân hoặc xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: 1- Thẻ căn cước công dân còn giá trị hiệu lực; 2- Chứng minh nhân dân còn giá trị hiệu lực (bao gồm cả chứng minh quân đội); 3- Hộ chiếu còn giá trị hiệu lực; 4- Thẻ học sinh, sinh viên, học viên còn giá trị hiệu lực (đối với học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi làm chứng minh minh nhân dân); 5- Các giấy tờ có ảnh khác do cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nơi người đó đang công tác, làm việc cấp hoặc xác nhận.
Dự thảo nêu rõ, trường hợp người bệnh không mang theo thẻ BHYT tại thời điểm làm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh thì có trách nhiệm cung cấp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh số của thẻ BHYT và một trong các giấy tờ trên. Trường hợp người bệnh không mang theo thẻ BHYT tại thời điểm làm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh và không cung cấp được các thông tin trên thì sẽ phải thanh toán như đối với người không có thẻ BHYT và chỉ được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT kể từ thời điểm xuất trình thẻ BHYT.
Dự thảo cũng nêu rõ, cơ sở y tế, tổ chức Bảo hiểm xã hội không được quy định thêm thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT và không được tạm giữ thẻ BHYT của người bệnh. Trường hợp cơ sở y tế, tổ chức Bảo hiểm xã hội cần sao chụp thẻ BHYT, giấy chuyển viện, các giấy tờ liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh để phục vụ cho công tác quản lý thì phải tự sao chụp, không được yêu cầu người bệnh sao chụp hoặc chi trả cho khoản chi phí này. (Báo Chính Phủ 2/3) đầu trang(

QUẢN LÝ
Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1787/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc đầu tư tuyến đường cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi – Pleiku.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì nghiên cứu, cập nhật đoạn Bờ Y - Ngọc Hồi vào quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định.
Phó Thủ tướng đồng ý UBND tỉnh Kon Tum chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan thực hiện đầu tư tuyến Bờ Y - Ngọc Hồi - Pleiku theo đúng quy định hiện hành.
Tuyến đường cao tốc Bờ Y-Ngọc Hồi-Pleiku có chiều dài 111km, trong đó đoạn Bờ Y-Ngọc Hồi dài 21km (trùng với Quốc lộ 40); đoạn Ngọc Hồi-Pleiku dài 90km thuộc Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15.2.2012.
Tuyến đường cao tốc này có vận tốc thiết kế 100 km/giờ, bề rộng mặt đường 22,5m, với 6 làn xe. (Công An Nhân Dân 2/3) đầu trang(
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh về việc cán bộ thôn Hoàng Nha, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên tự ý xẻ đất công bán trái thẩm quyền, gây bức xúc cho người dân.
Những ngày qua, một số báo phản ánh  việc cán bộ thôn Hoàng Nha, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên tự ý xẻ đất công bán trái thẩm quyền, gây bức xúc cho người dân.
Cụ thể, theo phản ánh, lấy lý do là bán đất để trả nợ tiền xây dựng cơ bản, trưởng thôn Hoàng Nha (xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) đã bán hàng nghìn m2 đất trái thẩm quyền.
Theo đó để làm rõ vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực đã yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm; có hướng giải quyết đối với việc thu hồi đất bán trái quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3/2017. (Pháp Luật Việt Nam 3/3) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba.
Theo đó, về vận hành duy trì dòng chảy sau đập An Khê và sông Hinh trong mùa lũ, khi không tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du, hồ An Khê phải xả nước liên tục về hạ du sông Ba không nhỏ hợp 4m3/s. Trường hợp có yêu cầu của UBND tỉnh Gia Lai thì hồ An Khê phải xả nước về hạ du sông Ba theo yêu cầu.
Định kỳ một tháng một lần, vận hành xả nước qua đập An Khê về hạ du sông Ba trong khoảng thời gian từ 4-6 giờ liên tục, với lưu lượng từ 20 m3/s -30 m3/s. Căn cứ yêu cầu thực tế ở hạ du và mực nước thượng lưu hồ Ka Nak, UBND tỉnh Gia Lai quyết định cụ thể thời gian và lưu lượng xả phù hợp.
Trường hợp có yêu cầu của UBND tỉnh Phú Yên, thì hồ sông Hinh phải thực hiện biện pháp xả nước về hạ du sông Hinh theo yêu cầu.
Quyết định cũng sửa đổi, bổ sung quy định về vận hành duy trì dòng chảy sau đập An Khê và sông Hinh trong mùa cạn. (Báo Chính Phủ 2/3) đầu trang(
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa đồng ý với đề nghị của Bộ Tư pháp không đưa Phòng công chứng vào danh mục chuyển thành công ty cổ phần.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hóa để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Trước đó, trong năm 2013, vấn đề cổ phần hóa, chuyển nhượng Phòng công chứng đã được Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng đưa ra thảo luận. Theo quan điểm của Tổ biên tập, việc quy định cổ phần hóa các Phòng công chứng để hình thành Văn phòng công chứng theo mô hình công ty đối vốn là không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và thông lệ các nước. (VnMedia 3/3) đầu trang(
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc rà soát các chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để thúc đẩy phát triển ngành thép.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp Hiệp hội Thép Việt Nam, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng và công bố tiêu chuẩn quốc gia về xỉ luyện thép.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu mặt hàng xỉ luyện thép cho phù hợp.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Thép Việt Nam, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá kỹ vấn đề tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số mã HS nghi ngờ lẩn tránh thuế tự vệ đối với thép cuộn nhập khẩu; báo cáo Chính phủ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý với đề nghị của Bộ Tư pháp không đưa Phòng công chứng vào danh mục chuyển thành công ty cổ phần.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hóa để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 2/3) đầu trang(
Bộ Nội vụ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh rà soát ban hành các quyết định theo thẩm quyền. Trường hợp quyết định sai thì sẽ phải thu hồi, hay bổ nhiệm các cấp phó vượt quá quy định sẽ miễn nhiệm, hoặc tuyển vào không đúng việc trí việc làm phải bố trí lại.
Trả lời báo chí về việc một số địa phương “bổ nhiệm người nhà”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Ngày 17/2 vừa rồi, Bộ Nội vụ đã cung cấp thông tin trong họp báo định kỳ. Theo đó, Bộ đã cung cấp thông tin cụ thể về 9 địa phương có hiện tượng bổ nhiệm người nhà có quan hệ họ hàng ruột thịt gồm 58 người.
Quan trọng nhất là sau khi kiểm tra, Bộ Nội vụ đã cùng với tỉnh phối hợp để phát hiện những đối tượng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, quy trình thủ tục không bảo đảm, vị trí tuyển vào không được cơ quan có thẩm quyền thông qua.
Qua đó, Bộ Nội vụ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh rà soát ban hành các quyết định theo thẩm quyền. Trường hợp quyết định sai thì sẽ phải thu hồi, hay bổ nhiệm các cấp phó vượt quá quy định sẽ miễn nhiệm, hoặc tuyển vào không đúng việc trí việc làm phải bố trí lại. Bộ Nội vụ tiếp tục theo dõi vấn đề này…
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, bất kỳ ai, trừ quy định pháp luật cấm tham gia vị trí nào đó, nếu không phải đủ tiêu chuẩn điều kiện, đúng quy định trình tự, đáp ứng được yêu cầu công việc.
Ông Thăng cho biết thêm, tại Nghị quyết số 344, ngày 21/1/2017 của UBTVQH đã giao Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản mới, sửa Luật Cán bộ công chức viên chức, ra cơ sở pháp lý đồng bộ xử lý vi phạm cán bộ công chức, viên chức, kể cả đã nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy nhà nước.
Để thực hiện ý kiến của UBTVQH, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ ngày 25/1. Từ đó đến nay Bộ Nội vụ tích cực lập Ban soạn thảo, với sự tham gia của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để trình được Quốc hội.
Cách tiếp cận giải quyết vấn đề là bảo đảm xử lý nghiêm minh, công bằng các vấn đề vi phạm, kể cả nghỉ hưu.  Bộ Nội vụ đang tích cực triển khai xây dựng, khi xong, nếu  cần thiết sẽ cung cấp thông tin báo chí theo yêu cầu. (Báo Chính Phủ 2/3) đầu trang(
Thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước, ngày 1/3, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn đề nghị Ban thi đua khen thưởng Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch để giải quyết các thắc mắc liên quan tới việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V.
Cụ thể, theo nội dung công văn số, 294/VPCNT - TĐKT,Chủ tịch nước đã nhận được đơn kiến nghị của Bộ VH, TT&DL, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và đơn của bà Đinh Tuyết Lan (con của tác giả Đinh Ngọc Liên) liên quan đến việc xét tặng danh hiệu giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016.
Văn bản cũng nêu rõ: theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, đây là những trường hợp tác giả có tác phẩm chưa được tặng giải thưởng theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Các cấp hội đồng đều đã đưa vấn đề này ra thảo luận và nhất trí đánh giá các tác phẩm đều có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần vào việc đáng kể trong việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật, xây dựng và bảo vệ tổ quốc nên đưa vào danh sách để bỏ phiếu và đều đạt tỷ lệ 90% đồng ý trở lên ở 3 cấp Hội đồng.
“Nhận thấy việc lấy tiêu chí giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm… làm tiêu chuẩn chung cho tất cả các tác phẩm được hình thành qua các giai đoạn cách mạng khác nhau, có bối cảnh lịch sử khác nhau từ chống Pháp, chống Mỹ trước đây đến thời kỳ hiện nay là chưa phù hợp với thực tế" - công văn nêu rõ.
"Thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị Ban thi đua khen thưởng Trung ương phối hợp với Bộ VHTTDL khẩn trương tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền giải quyết vấn đề này”.
Trước đó, ngày 1/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, sau khi nghe Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ VH, TT&DL nghiên cứu sửa đổi Nghị định về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, trong đó bổ sung quy trình để Hội đồng xét tặng các danh hiệu này báo cáo Thủ tướng xem xét các trường hợp đặc biệt trước khi trình Chủ tịch nước quyết định.
Thủ tướng cũng nói rõ cần lưu ý tôn vinh những tác giả có đóng góp cho xã hội, cho dân tộc nhất là những người đã qua đời, đồng thời không được để các quy trình máy móc cản trở việc tôn vinh các tác giả có tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng và có những đóng góp lớn cho dân tộc.
Được biết, ngày 2/3, Bộ VH, TT&DL đã soạn công văn báo cáo Thủ tướng về trường hợp của các tác giả “trượt” giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V.  (Thể Thao Và Văn Hóa 3/3) đầu trang(

THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
Theo đánh giá của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và cử tri, cơ chế phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay được ví như “con hổ không răng” bởi thiếu những biện pháp, chế tài đủ mạnh. Đặc biệt, giải pháp được xác định là mấu chốt trong phòng, chống tham nhũng là kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thì gần như chưa phát huy tác dụng.
Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và gia đình bà sở hữu khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Mặc dù Bộ Công Thương đã chính thức lên tiếng về vấn đề này nhưng dư luận vẫn đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh việc kiểm soát nguồn thu và tài sản của cán bộ, đảng viên.
Theo bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII (đoàn Hà Nội), kiểm soát tài sản của cán bộ được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó chủ yếu thông qua bản kê khai tài sản của công chức. Tuy nhiên, việc kê khai này chỉ dựa trên sự tự giác, trung thực của bản thân người kê khai mà chưa có sự giám sát, chưa có cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền nào chủ động trong việc xác minh. Do vậy, kê khai này chỉ mang tính hình thức và việc phát hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên trong kê khai tài sản không đúng là rất ít.
Trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đã có trên 1 triệu cán bộ, công chức hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập nhưng qua xác minh 414 trường hợp chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm. Trước đó, năm 2015, trong số hơn 1 triệu cán bộ, công chức thực hiện kê khai tài sản chỉ có 5 người bị cơ quan chức năng kết luận là không trung thực.
TS Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân khiến việc kê khai và kiểm soát tài sản của cán bộ còn nhiều hạn chế và kém hiệu quả như hiện nay là do quy định của pháp luật về căn cứ xác minh tài sản, phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hẹp; chưa quy định bắt buộc xác minh tài sản được kê khai trước khi đề bạt, bổ nhiệm; có quá nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai.
Bên cạnh đó, việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai và chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực. Đặc biệt, một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân ngại va chạm và sợ bị trù dập nên không dám tố cáo khi biết rõ người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Theo các chuyên gia, việc kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không kiểm soát được sự lưu chuyển cả dòng tiền hay tài sản trong xã hội. Điều này đã được giải đáp từ rất nhiều những vụ án tham nhũng lớn, hầu như tài sản tham nhũng đã được chuyển giao cho người thân, họ hàng hoặc thậm chí chuyển ra nước ngoài.
Vì vậy, xác định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập không chỉ là của người có chức vụ quyền hạn mà của bất kỳ ai. Có nghĩa, bất kỳ một công dân nào cũng phải sẵn sàng trả lời hay giải trình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về một khoản tiền hay tài sản nào đó mà cơ quan đó thấy rằng có dấu hiệu không bình thường. Để làm được điều đó, cần quan tâm hơn đến việc tạo ra các công cụ để kiểm soát toàn bộ xã hội như thông qua công cụ thuế, sử dụng mọi thanh toán qua tài khoản, hạn chế tiền mặt.
Bà Bùi Thị An nhấn mạnh, muốn kiểm soát thu nhập của cán bộ, đảng viên, cần áp dụng việc không dùng tiền mặt, tức là dùng thẻ tín dụng, khi đó chúng ta sẽ kiểm soát được vấn đề nguồn “tiền đen”, đồng thời quy định mọi khoản thu, chi đều phải minh bạch, mọi khoản mua sắm, tiêu dùng của cán bộ, đảng viên phải gắn với mã số của từng người thì việc kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập đạt hiệu quả.
Đối với hình thức kê khai tài sản, bà Bùi Thị An đề nghị, cần công khai việc kê khai, tài sản, thu nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại nơi công tác và tại địa phương nơi sinh sống (thông qua hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) để người dân, xã hội có điều kiện thực hiện việc giám sát, qua đó góp phần phát hiện những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không trung thực.
Đồng tình với quan điểm mở rộng phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, TS Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Luật Phòng chống tham nhũng cần sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chế tài xử lý đối với cá nhân và tập thể không công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân; quy định rõ căn cứ xác minh tài sản và bắt buộc phải xác minh tài sản được kê khai trước khi đề bạt, bổ nhiệm.
Bên cạnh đó, cần thu hẹp cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai và đổi mới mô hình tổ chức cơ quan chống tham nhũng để nâng cao hiệu quả công tác này. Đặc biệt, luật cũng cần quy định cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chế tài đủ mạnh để xử lý kịp thời người kê khai thiếu trung thực và bảo vệ, động viên, biểu dương, khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức và người dân tố cáo người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; cơ chế kiểm soát quyền lực và giải pháp khắc phục tình trạng lạm quyền để trục lợi.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, cũng nêu rõ tình trạng tham nhũng, tham quyền lực, tư duy nhiệm kì, lợi ích nhóm... là một trong những biểu hiện của suy thoái về đạo đức, lối sống. Bởi vậy, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên qua vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập cần được xem là một trong những giải pháp quan trọng để làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. (Tin Tức 2/3) đầu trang(
Ngày 2-3, ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), cho biết tỉnh đang tiếp tục xúc tiến thủ tục để thu hồi dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Nam Cam Ranh do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) làm chủ đầu tư. Lý do là chủ đầu tư đã “ôm” dự án này tám năm nay nhưng không triển khai gì.
Theo ông Phi, tháng 3-2009, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin (nay là SBIC) được tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án KCN Nam Cam Ranh với diện tích 203 ha nằm ở vị trí đắc địa bên vịnh Cam Ranh thuộc xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh. Theo cam kết của Vinashin, dự án sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng KCN hỗn hợp với tổng mức đầu tư 980 tỉ đồng, đưa vào hoạt động từ cuối năm 2011. Tuy nhiên, từ khi được cấp đến nay, Vinashin không hề triển khai bất cứ hạng mục gì.
Từ tháng 6-2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong thu hồi dự án của Vinashin do năng lực chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ. Sau đó Vinashin, Bộ GTVT có nhiều văn bản đề nghị tỉnh Khánh Hòa chưa thu hồi.
Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị tỉnh Khánh Hòa chưa thu hồi để Vinashin có điều kiện tái cơ cấu. Sau khi tái cơ cấu thành SBIC thì đơn vị này cũng ít khi động tĩnh đến dự án này.
Từ năm 2013 đến nay, ông Phi cho hay UBND tỉnh Khánh Hòa đã bốn lần kiến nghị Thủ tướng cho chấm dứt, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án đối với SBIC. Thế nhưng trong các lần này, Bộ GTVT đều xin cho SBIC thêm cơ hội để thực hiện các giải pháp tái cơ cấu Vinashin.
Đầu tháng 1-2017, Bộ KH&ĐT có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị báo cáo Thủ tướng. Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương phối hợp với Bộ KH&ĐT để xử lý.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa ngày 28-2, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết SBIC đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa chưa thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án trên để SBIC đàm phán với một doanh nghiệp ở Hà Nội triển khai dự án tổ hợp nhà máy điện mặt trời trên diện tích của KCN Nam Cam Ranh.
Cũng theo ông Hoàng Đình Phi, đến nay SBIC chưa có văn bản đề nghị tỉnh Khánh Hòa cho làm dự án điện mặt trời trên diện tích KCN Nam Cam Ranh. “Nếu xin làm nhà máy điện mặt trời thì khác mục tiêu của dự án. Tỉnh không chấp nhận việc sửa hay đổi giấy chứng nhận đầu tư. Diện tích đó rất thuận lợi nên ưu tiên cho các dự án sản xuất công nghiệp, tạo nhiều việc làm chứ không thể làm điện mặt trời” - ông Phi nói. Ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở KH&ĐT, khẳng định: “Nếu SBIC xin làm dự án điện mặt trời, tỉnh dứt khoát không cho vì không nằm trong quy hoạch của tỉnh”.
Ông Phi thì cho rằng: Tám năm nay, mặc dù không triển khai gì nhưng SBIC luôn tìm cách cố níu giữ lại dự án này do lợi thế của khu đất. Trong khi đó, diện tích này có vị trí đắc địa để tỉnh thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp khác nhau, góp phần giải quyết việc làm. “Gần đây, có một số nhà đầu tư có năng lực đăng ký đầu tư hạ tầng KCN này. Do đó tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của SBIC để giao cho nhà đầu tư khác có kinh nghiệm, năng lực tài chính” - ông Phi nói.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng mới đây, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng việc SBIC không triển khai dự án đã hạn chế sự phát triển của cả khu vực Cam Ranh.
Trước kiến nghị của Khánh Hòa, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho rằng tỉnh đã “dễ dãi” khi để dự án bị “treo” đến nay mà chưa thu hồi: “Kéo dài nhiều năm mà không làm gì, như vậy là quá lãng phí! Dù đã tái cơ cấu nhưng chủ đầu tư đó cũng không có điều kiện thực hiện dự án. Việc thu hồi dự án thuộc thẩm quyền của tỉnh nên đề nghị tỉnh tiến hành thủ tục thu hồi ngay”. Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cũng đồng tình với quan điểm này. (Pháp Luật TP.HCM 3/3) đầu trang(
Thời gian qua, ở tỉnh Vĩnh Phúc, có hàng loạt công trình, dự án đầu tư dàn trải, lãng phí hoặc có dấu hiệu tiêu cực khiến dư luận bức xúc. Một câu hỏi đặt ra là vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc như thế nào?
Vừa qua, báo chí đã phản ánh àng loạt các công trình đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc mắc nhiều sai phạm, đã được cơ quan chức năng kết luận như dự án Văn miếu Khổng Tử, dự án nhà thi đấu TP Vĩnh Yên vào khu đô thị Nam Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), dự án Nhà hát Vĩnh Phúc, các dự án công viên nghĩa trang . Trong đó, có trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, bị Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an (CA) khởi tố, điển hình như hai dự án BT (xây dựng - chuyển giao).
Có thể kể ra công trình Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc là một ví dụ. Khởi công xây dựng ngày 19/5/2011, Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc có tổng diện tích sàn khoảng 23.500m2, tổng mức đầu tư lên tới gần 755 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện tại công trình này vẫn chưa thể nghiệm thu, còn số lần sử dụng chỉ đếm trên… đầu ngón tay.
Đối với dự án Văn Miếu tỉnh - công trình tai tiếng ngốn gần 300 tỷ đồng tiền ngân sách, sau khi có kết quả kiểm toán của Đoàn Kiểm toán (Kiểm toán nhà nước), UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu Sở Văn hóa kiểm điểm, xác định trách nhiệm của các cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, đến nay, dù đã quá thời hạn Sở phải báo cáo, nhưng UBND tỉnh vẫn không có động thái xử lý. Thậm chí, ngay trong Báo cáo, kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng đã đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan nhưng đến nay, địa phương vẫn rất chậm trễ, thậm chí còn trì hoãn thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước…
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ lão thành tỉnh Vĩnh Phúc đã chua xót nói thực trạng bức tranh đầu tư của tỉnh này bị chạy theo các dự án nghìn tỷ nhưng lại chưa cấp bách, chưa gắn với đời sống dân sinh. Vĩnh Phúc từng bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để làm Văn Miếu thờ...Khổng Tử hay làm nhà hát rồi không sử dụng trong khi Bệnh viện đa khoa tỉnh là công trình thiết thực, cấp bách thì xập xệ, đầu tư đến nay vẫn chưa xong. Dự án “Xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà điều trị nội trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc” có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng đã 3 lần điều chỉnh thời gian đóng, mở thầu nay lại tạm dừng, tiếp tục lùi chưa biết đến khi nào mới mở thầu trở lại khiến dư luận băn khoăn liệu có dàn xếp “quân xanh quân đỏ”.
Qua thực tế trên, dư luận đặt câu hỏi vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh ở đâu khi không có tiếng nói để giải quyết những vấn đề nóng bỏng liên quan đến đời sống dân sinh, khiến cho bức tranh đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc méo mó như vậy?
Từ tháng 8/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã khởi tố vụ án về những sai phạm xảy ra trong việc phê duyệt, thi công một số dự án BT tại tỉnh Vĩnh Phúc, gồm: Dự án xây dựng khu quảng trường, công viên tỉnh Vĩnh Phúc và Dự án cầu- đường từ nút giao thông nhà thi đấu TP Vĩnh Yên vào khu đô thị Nam Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) được xây dựng từ năm 2011 đến 2013 bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo Kết quả xác minh ban đầu, xác định tại  hai Dự án BT, một số cá nhân, tổ chức đã tiến hành nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng và thanh, quyết toán trái với quy định của Thông tư số 166/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính về quyết toán giá trị công trình dự án thực hiện theo hình thức BT.
“Những sai phạm nêu trên có dấu hiệu của tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự” - văn bản của C46 nêu rõ. Theo một cán bộ lão thành có đơn gửi cơ quan chức năng, việc Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua việc quyết toán, sử dụng ngân sách địa phương cho dự án BT là hoàn toàn trái pháp luật. Trách nhiệm chính phải thuộc về Hội đồng nhân dân tỉnh. Thế nhưng đến nay dự án vẫn “chìm xuồng trách nhiệm”.
Gần đây, dư luận tiếp tục hết sức bức xúc khi ngày 4/1/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Tờ trình số 02/TTr-UBND gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đề nghị cho triển khai quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo).
Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã nhiều lần có ý kiến nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn do chưa được dự ủng hộ của nhân dân địa phương. Thế nhưng, chỉ sau 02 ngày nhận được tờ trình, vào ngày 6/1/2017, Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã họp và thống nhất với tờ trình về quy hoạch xây dựng công viên nghĩa trang tại xã Bồ Lý.
Trong khi đó, địa điểm dự kiến xây nghĩa trang chính là khu vực rừng phòng hộ mà Nhà nước đã giao các hộ gia đình, cá nhân nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ từ năm 2002. Nếu dự án được triển khai, không những “xóa sổ” hàng trăm hecta đất rừng phòng hộ mà còn ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, tương lai của hàng nghìn hộ dân sống xung quanh dự án. Ngoài ra theo quy định của Luật Đất đai 2015, đất rừng phòng hộ là loại đất đặc biệt. Khi muốn chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang đất nghĩa trang buộc phải xin phép Thủ tướng Chính phủ với diện tích trên 20ha. Đặc biệt, theo Luật Đầu tư công, chuyển đổi trên 100ha rừng phòng hộ sang làm đất nghĩa trang phải được Quốc hội thông qua.
Qua sự việc trên, cho thấy trước một sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh hoàn toàn mờ nhạt, chưa nắm bắt được đầy đủ và giải quyết thỏa đáng tâm tư nguyện vọng của nhân dân, dẫn đến không ít dự án đầu tư thiếu hợp lý, gây ra nhiều hệ lụy. (Pháp Luật Việt Nam 2/3) đầu trang(

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có gần 800 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Đây là mục tiêu Đà Nẵng đặt ra trong quá trình triển khai lộ trình dịch vụ công trực tuyến tại thành phố giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, trong năm 2017 thành phố triển khai cung cấp thêm khoảng 40 dịch vụ công mới; triển khai khoảng 215 dịch vụ trực tuyến trong giai đoạn 2018 - 2020 thuộc các lĩnh vực Đăng ký kinh doanh và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Du lịch, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội và thuộc thẩm quyền giải quyết của Văn phòng UBND thành phố và UBND các quận, huyện.
Đồng thời thành phố triển khai thí điểm cổng thanh toán trực tuyến để phục vụ tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí qua mạng kết hợp ngay khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại thành phố Đà Nẵng theo nguyên tắc phải tích hợp trên Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố và bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn để kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ và Bộ ngành Trung ương khi có yêu cầu.
Để nâng cao hiệu quả triển khai, khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn 2017 - 2020, UBND thành phố yêu cầu hằng năm, rà soát, đánh giá hiệu quả, mức độ hài lòng về dịch vụ công đã được triển khai, tổng kết những khó khăn vướng mắc, bất cập đang tồn tại, giám sát thường xuyên hoạt động của dịch vụ công trực tuyến, kịp thời hiệu chỉnh và cập nhật nếu thủ tục có thay đổi.
Cùng với đó rà soát, tinh giản hồ sơ đầu vào của các thủ tục hành chính trong Bộ thủ tục hành chính của thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tin học hóa và nộp hồ sơ qua môi trường mạng của tổ chức, công dân.
UBND thành phố đề nghị các cơ quan khi xử lý thủ tục hành chính thì ưu tiên nhận hồ sơ trực tuyến thay vì nhận hồ sơ giấy như truyền thống; bố trí nhân lực tại tổ một cửa để hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký trực tuyến khi dịch vụ mới đưa vào hoạt động.
UBND thành phố cũng đề xuất các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn chi tiết đối với việc lưu trữ hồ sơ điện tử thay cho hồ sơ giấy trong quá trình xử lý thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân và có cơ chế công chứng điện tử (nhận bản giấy và công chứng thành bản điện tử hoặc nhận bản điện tử và công chứng thành bản giấy để chuyển đổi tính pháp lý giữa bản giấy và bản điện tử). (Tin Tức 2/3) đầu trang(
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Sau 2 tháng thực hiện, Hà Nội đã triển khai phần mềm quản lý tiêm chủng tại 584 trạm y tế xã, phường với 695 cơ sở y tế tiêm chủng và 328.000 trẻ em.
Sở Y tế Hà Nội dự kiến đến 1-6-2017 sẽ có 100% cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thành phố được triển khai phần mềm này, để đến 31-12-2017 sẽ thực hiện thống kê báo cáo hoàn toàn bằng phần mềm quản lý tiêm chủng quốc gia.
Đây là bước tiến quan trọng của ngành y tế dự phòng Hà Nội. Vì phần mềm sẽ quản lý từng đối tượng tiêm chủng qua mã số riêng (ID) để theo dõi lịch tiêm chủng suốt đời, bằng các thông tin về quá trình tiêm chủng, địa điểm, thời gian và cán bộ thực hiện công tác tiêm chủng.
Thông tin sẽ giúp cán bộ tiêm các mũi tiếp theo nắm rõ tình hình của đối tượng tiêm cũng như thời gian, địa điểm đã tiêm dù người này di chuyển nơi ở. Do đó, đối với các nhà quản lý, phần mềm đóng vai trò quan trọng trong việc thống kê, kiểm tra và quản lý số liệu tiêm chủng.
Đối với người dân, phần mềm giúp các gia đình theo dõi và nắm rõ quá trình tiêm của trẻ nhỏ, đối với mọi loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng  hay tiêm chủng dịch vụ, giúp nhắc nhở phụ huynh nhớ lịch tiêm đúng và đầy đủ cho các bé. (Công An Nhân Dân 2/3) đầu trang(

KINH TẾ
100 tỷ USD trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU là con số kỳ vọng được Chủ tịch EuroCham đưa ra trong Lễ công bố Sách Trắng lần thứ 9 được tổ chức sáng qua (2/3) tại Hà Nội như một lời cam kết của EU muốn trở thành đối tác lâu dài, trách nhiệm với Việt Nam.
Sách Trắng được tổng hợp ý kiến từ các công ty thành viên của EuroCham, hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề. Ấn phẩm này phản ánh mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng khuôn khổ pháp lý và phát triển môi trường kinh doanh tại Việt Nam, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nói riêng cũng như xã hội nói chung.
Trong cuốn Sáng Trắng 2017, vấn đề phát triển bền vững được đề cập kỹ càng. Cùng với đó là các vấn đề lớn về thuế quan, đến việc phải tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu, buôn bán động vật hoang dã, đánh bắt cá trái phép…
Sách Trắng 2017 cũng trình bày tổng thể về các vấn đề liên ngành như ngành năng lượng và điện lực, mua bán và sáp nhập DN, đối tác công – tư; các vấn đề của ngành như diễn đàn Y tế thuộc EuroCham, thực phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản…
Tại lễ công bố, ông Bruno Angeler - Đại sứ châu Âu tại VN, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu khẳng định, EuroCham là hiệp hội DN lớn nhất trong cộng đồng DN nước ngoài tại VN. Đó chính là điểm nhấn để EuroCham đưa ra các kế hoạch, cải thiện môi trường kinh doanh tại VN để từng bước trở thành đối tác lớn nhất của VN trong lĩnh vực đầu tư phát triển kinh tế.
Cùng với đó, EuroCham đang nỗ lực tăng tốc để đề nghị phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU-VN (EVFTA), từ đó, hướng tới hỗ trợ châu Á ổn định kinh tế. Ông Bruno Angeler đánh giá, VN là quốc gia hấp dẫn với nền kinh tế năng động. Ông cũng hy vọng, với hơn 18.000 sinh viên đang theo học ở châu Âu, mối quan hệ giữa VN và EU sẽ không chỉ dừng lại ở hợp tác thương mại. Tuy nhiên trước mắt EVFTA có tiềm năng rất lớn và cần đặt ra vấn đề làm sao có thể khai thác hiệu quả.
Ông Bruno Angeler kỳ vọng, EVFTA sẽ biến VN trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư từ châu Âu. Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, trong bối cảnh Hiệp định TPP đang đối diện với nguy cơ bất định khi Mỹ rút khỏi Hiệp định thì mọi niềm tin, hy vọng đều dồn vào EVFTA. Bởi đây là cơ hội cho các sản phẩm VN vào 28 nước thành viên EU.
Ông Lộc cũng cho rằng, để Hiệp định sớm được hiện thực hóa, cần tập trung vào các vấn đề như nỗ lực thúc đẩy ký kết chính thức và phê chuẩn, các DN cần phải đánh giá và chuẩn bị chính xác nhất về năng lực cạnh tranh để tận dụng các cơ hội mở ra.
Theo ông Micheal Behrens, Chủ tịch EuroCham, năm 2017 là năm bản lề cực kỳ quan trọng cho việc hiệp định có hiệu lực. “100 tỷ USD trao đổi thương mại sẽ là con số chúng ta có thể hy vọng khi EVFTA được thực thi” - ông Michael cho biết và khẳng định cộng đồng DN châu Âu muốn trở thành một đối tác lớn nhất, có trách nhiệm lâu dài tại VN.
Ông Micheal Behrens nhấn mạnh, Lễ công bố Sách Trắng 2017 sẽ là điểm khởi đầu cho cuộc đối thoại chuyên sâu hơn giữa Chủ tịch các tiểu ban ngành nghề của EuoCham và các Bộ tương ứng và cơ quan chính phủ. Trong cuốn sách này, ngoài các chương nói về những quan ngại và kiến nghị từ cộng đồng DN châu Âu về VN, trình bày cụ thể những kỳ vọng và khuyến nghị của các thành viên và đối tác của EuroCham còn có riêng một chương đề cập đến EVFTA.
Tính đến nay, VN đã ký kết 10 Hiệp định tự do thương mại, kết thúc đàm phán 2 hiệp định và đang đàm phán 4 hiệp định khác với 58 quốc gia khác nhau. “Điều này có thể khẳng định, VN đang trở thành điểm đến, nơi kết nối toàn cầu. EVFTA được đánh giá cao vì vừa là cơ hội đầu tư lớn vừa là cơ hội để VN hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo chuẩn mực phổ biến của các nền kinh tế thị trường hiện đại tiêu biểu” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.  (Pháp Luật Việt Nam 3/3) đầu trang(

VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN
Người quản lý không thể nhận quà của đối tượng bị quản lý, bởi đó là đòi hỏi bắt buộc cả về đạo lý, cũng như pháp lý.
Việc doanh nghiệp tặng 2 xe đắt tiền cho tỉnh Cà Mau và doanh nghiệp khác tặng 8 xe cho Đà Nẵng đã làm nóng dư luận trong những ngày qua. Các địa phương đều khẳng định, việc nhận quà của các doanh nghiệp đúng các quy định của pháp luật, song dư luận vẫn nghi ngại việc hối lộ tặng quà với mục đích vụ lợi không trong sáng cho cá nhân vốn đang nhức nhối, chưa giải quyết được thì việc tặng quà cho chính quyền địa phương sẽ dẫn đến hệ lụy lớn.
Theo tiến sĩ, luật sư Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam - Vusta) giao dịch cho – tặng là một hành vi pháp luật không cấm, tức là cá nhân, tổ chức có quyền cho – tặng tài sản.
Tuy nhiên, trong trường hợp cho – tặng tài sản cho cơ quan nhà nước thì có Quyết định số 64 năm 2007 của Chính phủ về quy chế tặng quà, nhận quà của cơ quan nhà nước. Theo quy chế này có một điểm đáng lưu ý là nếu quà tặng không phù hợp thì cơ quan, đơn vị được tặng phải từ chối hoặc xử lý bán theo giá thị trường.
Song, theo luật sư Hoàng Ngọc Giao, trường hợp doanh nghiệp cho – tặng UBND, Tỉnh ủy Cà Mau 2 chiếc xe ô tô khiến dư luận có ý kiến cũng đã cho thấy dường như món quà này rơi vào khái niệm không phù hợp. Việc không phù hợp ở chỗ món quà này có giá trị rất lớn; thứ hai, việc 2 chiếc xe tiền tỷ được trao cho những người có quyền hạn liên quan đến doanh nghiệp khiến dư luận nghi ngờ về động cơ không trong sáng.
“Theo Quyết định 64, món quà đó không phù hợp. Để đảm bảo quy định của pháp luật, nếu cơ quan đã nhận rồi thì nên thanh lý, số tiền đó được sung công quỹ ngân sách của tỉnh, hoặc gửi tới cơ sở bảo trợ xã hội thì sẽ rất tốt”, ông Hoàng Ngọc Giao nêu ý kiến.
Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Luật phòng, chống tham nhũng nghiêm cấm việc tặng quà, nhận quà để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi; cấm công chức nhận quà trong lĩnh vực mình phụ trách. Trong hai trường hợp trên, bất luận trường hợp gì cũng không được nhận quà.
TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích, Công ty TNHH xây dựng – thương mại – du lịch Công Lý đang phụ thuộc rất nhiều vào tỉnh nên chứng minh việc cho và nhận quà ở đây có nhằm mục đích vụ lợi hay không thì rất khó. Rõ ràng, theo Luật phòng, chống tham nhũng thì cơ quan đang quản lý sẽ không cho phép nhận quà đối tượng mình quản lý. Hơn nữa, về mặt đạo lý, cơ quan quản lý không nên nhận những chiếc xe như vậy vì bao giờ cũng xung đột lợi ích với việc mình đang quản lý, tạo ra sự không công bằng đối với các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh mà không tặng gì.
Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, việc tặng quà vụ lợi với mục đích không trong sáng cho cá nhân đang nhức nhối, chưa giải quyết được thì việc tặng quà cho cả chính quyền địa phương sẽ đưa lại hệ lụy rất lớn.
Thứ nhất, việc nhận quà như vậy là một sự công khai vi phạm Luật phòng, chống tham nhũng; thứ hai, nếu cơ quan nhận quà thì “há miệng mắc quai”, việc quản lý ở địa phương sẽ có sự mềm dẻo hơn đối với doanh nghiệp tặng quà, tạo nên sự không công bằng đối với các doanh nghiệp khác.
Việc nhận quà này cũng thúc đẩy các doanh nghiệp đều phải tìm cách tặng quà, như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc liêm chính, vi phạm môi trường kinh doanh mà ở đó tất cả được đối xử bình đẳng chứ không phải vì quan hệ thân quen, vì quà cáp mà bị đối xử khác đi.
Nhấn mạnh về việc người quản lý không thể nhận quà của đối tượng bị quản lý, bởi đó là đòi hỏi bắt buộc cả về đạo lý, cũng như pháp lý, ông Nguyễn Sĩ Dũng cũng cho rằng bên cạnh những điều, khoản pháp luật cấm, vẫn còn có những trường hợp được tặng quà như: tặng quà qua chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc. Việc làm đó còn thể hiện doanh nghiệp đang thực hiện nghĩa vụ xã hội, đồng thời cũng là cách xây dựng hình ảnh công chúng, đầu tư cho thương hiệu. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 3/3) đầu trang(

MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo khoa học đề án “Triển khai xây dựng mô hình Thanh Hóa thành tỉnh thông minh giai đoạn 2017 - 2020”. Theo đó, dự thảo về kinh phí bố trí cho đề án này là 2.280 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong những năm qua Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, trong đó có việc đẩy mạnh tin học hóa, ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, theo ông Xứng thì lĩnh vực này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Hiện nay, Thanh Hóa đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Vì vậy, việc triển khai thực hiện xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụthành phố thông minh là yêu cầu cần thiết để thực hiện mục tiêu trên.
Tại hội thảo các đại biểu, chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến vào đề án như việc khai thác cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, trung ương đã triển khai, tỉnh Thanh Hóa cần tranh thủ kế thừa và phát huy nhằm giảm chi phí nguồn lực. Khi triển khai xây dựng các dự án, Thanh Hóa cần áp dụng CNTT hiện đại và tập trung nguồn lực để đầu tư dứt điểm, bởi Công nghệ thông tin thay đổi rất nhanh, không triển khai sớm sẽ bị lạc hậu.
Một số ý kiến khẳng định sự cần thiết của việc khai thác nguồn lực, kế thừa và khai thác các chương trình, đề án, cơ sở dữ liệu của trung ương; việc lựa chọn thứ tự ưu tiên trong triển khai thực hiện. Đồng thời nhấn mạnh đến vấn đề trí tuệ nhân tạo trong xây dựng thành phố thông minh; ứng dụng thành tựu khoa học CNTT tiên tiến để xây dựng các dịch vụ thông minh để cải thiện đời sống của người dân và xây dựng địa phương phát triển bền vững. Một số vấn đề có liên quan đến dịch vụ công trên thiết bị di động, an toàn và bảo mật thông tin, nguồn nhân lực tại chỗ, cơ chế chính sách… cũng được các đại biểu đề cập, làm rõ.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa xác định đây là vấn đề lớn, lâu dài, do đó cần phải có lộ trình phù hợp, đặt ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; phải bảo đảm kế thừa được hạ tầng, tài nguyên CNTT, cơ sở dữ liệu dùng chung của trung ương. Theo đó, việc thực hiện đề án sẽ tập trung vào 3 nội dung lớn, đó là xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng trung tâm đào tạo chuyển giao ứng dụng CNTT của tỉnh và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh.
Để triển khai xây dựng mô hình tỉnh thông minh, Thanh Hóa sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, chính quyền điện tử, công dân điện tử, đẩy mạnh ứng dụng CNTT kết hợp với công nghệ tự động hóa, kết nối, tích hợp các dữ liệu, phân tich tổng hợp dữ liệu… nhằm phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính. Mô hình cũng tạo ra môi trường sống thân thiện, tiện lợi nhất cho người dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đối với lĩnh vực CNTT, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện, xã đảm bảo kết nối liên thông nhằm tiếp nhận xử lý, trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Trong lĩnh vực Giáo dục đào tạo, sẽ đầu tư các trang thiết bị xây dựng các trường học thông minh gồm: Trường THPT chuyên Lam Sơn, trường Đại học Hồng Đức, trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Trong lĩnh vực Y tế, đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, công tác khám chữa bệnh của ngành y. Trong lĩnh vực môi trường, xây dựng trung tâm điều hành và hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động, tại Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tránh tình trạng ô nhiễm môi trường và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của tỉnh. Trong lĩnh vực An toàn, an ninh, trật tự thông minh sẽ xây dựng một số hệ thống giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông trên các tuyến đường chính, khu vực trọng điểm của thành phố Thanh Hóa và các thành phố, thị xã khác trong tỉnh…
Theo dự thảo về đề án này thì khái toán kinh phí triển khai là 2.280 tỷ đồng cho giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, phân kỳ vốn đầu tư năm 2017 là 504 tỷ đồng; giai đoạn 2018 - 2020 là 1.776 tỷ đồng.
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức trưng bày mô hình và phối cảnh công viên Văn hóa xứ Thanh để người dân tham quan và đưa ra ý kiến. Nếu được phê duyệt, công trình sẽ được xây dựng nhiều hạng mục trên diện tích rộng hơn 500.000 m2, với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. (An Ninh Tiền Tệ 2/3) đầu trang(
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị “Phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp” do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 2.3 tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NNPTNT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về phương pháp, cách thức triển khai chương trình để có thể nhân rộng trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ NNPTNT khẩn trương tham mưu cho Chính phủ xây dựng đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Theo Bộ NNPTNT, sau 10 năm triển khai Nghị định 66 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, bên cạnh những thành quả nổi bật, vẫn còn tồn tại khá nhiều hạn chế như chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã bao bì còn lạc hậu, thủ công. Hầu hết các làng nghề chưa chủ động được nguồn nguyên liệu nên chưa thể sản xuất hàng hóa lớn. Cơ sở hạ tầng nhiều làng nghề còn thiếu thốn, đáng chú ý là việc phát triển nóng làng nghề ở một số nơi đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Thời gian gần đây, lao động của làng nghề có xu hướng chuyển ra các thành phố lớn tìm việc làm, do thu nhập từ làng nghề đã không còn hấp dẫn. Một trong những nguyên nhân của hạn chế này là các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn mặc dù đã được ban hành khá nhiều, song vẫn thiếu thống nhất, chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Do vậy, Bộ NNPTNT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho Bộ xây dựng dự thảo nghị định về phát triển làng nghề, trình Chính phủ xem xét, ban hành thay thế Nghị định 66 hiện bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
Trên thực tế, từ năm 2008 Bộ NNPTNT đã triển khai thí điểm ở một số địa phương mô hình “mỗi làng một sản phẩm” và được nhiều địa phương hưởng ứng, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, đối với những làng đã có nghề, có sản phẩm được tạo ra, thì ưu tiên hỗ trợ cải tiến mẫu mã, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đối với những làng có nhiều nghề, nhiều sản phẩm, thì lựa chọn ra ít nhất một nghề có sản phẩm mang nét đặc trưng nhất về địa lý, phong tục, văn hóa địa phương để hỗ trợ. Những làng chưa có nghề, chưa có sản phẩm đặc trưng nổi bật, thì khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển các ngành nghề dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai đề án “Tỉnh Quảng Ninh - mỗi xã, phường một sản phẩm”, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện chương trình này một cách có bài bản, có hệ thống, từ việc hình thành bộ máy chỉ đạo tổ chức thực hiện, ban hành cơ chế chính sách đến hướng dẫn quy trình triển khai.
Từ thực tiễn 3 năm triển khai của tỉnh Quảng Ninh cho thấy, đây là chương trình không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn như: Giảm nghèo, việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng được những tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững, tăng khả năng sản xuất và tiêu thụ, tạo ra nhiều việc làm ổn định, đồng thời tăng thu nhập cho người dân địa phương... Sự xuất hiện các sản phẩm của làng, xã trên thị trường sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến các địa phương ngày càng đông đảo hơn.
Với những kết quả trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương tỉnh Quảng Ninh đã đi đầu trong việc triển khai Chương trình “Mỗi xã- phường một sản phẩm”. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, quá trình triển khai chương trình thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục. Thị trường tiêu thụ sản phẩm, khả năng xúc tiến thương mại của làng nghề còn yếu. Các sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn với du lịch còn ít, chỉ tập trung ở một số làng nghề truyền thống. Việc phát triển làng nghề còn tản mạn, thiếu sự quản lý tập trung, chưa thu hút được nguồn lực xã hội...
Chia sẻ kinh nghiệm của Quảng Ninh trong quá trình thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh nêu ra 3 mục tiêu quan trọng mà Quảng Ninh đã và đang thực hiện. Thứ nhất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các xã, phường, thị trấn gắn với xây dựng NTM. Thứ hai, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.
Thứ ba, thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn, góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nhân dân, hạn chế việc di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.
Về vấn đề này, theo Phó Thủ tướng, để phát triển kinh tế, xây dựng NTM, nâng cao đời sống người nông dân, một mặt các tỉnh cần phải tái cấu trúc nông nghiệp để tạo ra một nền sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
“Việc tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế phi nông nghiệp có quan hệ hữu cơ, hỗ trợ nhau cùng phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân, do đó các địa phương cần quan tâm chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn từng vùng, miền, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, từ đó có điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.  (Dân Việt 3/3) đầu trang(

PHÁP LUẬT
Ngày 2/3, Tòa án Hà Nội tiếp tục thẩm vấn về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).
Tháng 12/2008, khi Nguyễn Xuân Sơn về làm TGĐ Oceanbank, ông ta đã đề nghị Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank để Tập đoàn Dầu khi Việt Nam (PVN) gửi tiền tại ngân hàng thì phải chi chăm sóc khách hàng.
Đầu năm 2011, khi rời chức TGĐ OceanBank về làm Phó TGĐ PVN, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nhờ Nguyễn Xuân Thắng – PGĐ Khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược tại Oceanbank và cũng là em con chú ruột đến ngân hàng để lấy tiền.
Thẩm tra lời khai của Nguyễn Xuân Thắng tại tòa, cựu PGĐ của Oceanbank thừa nhận việc đình kỳ hàng tháng mang túi đựng tiền từ Oceanbank đưa đến cho người anh họ. Theo tính toán của Nguyễn Xuân Thắng, số tiền đưa đến cho Nguyễn Xuân Sơn hơn 240 tỷ đồng.
Đối chất lời khai của Nguyễn Xuân Thắng với Hà Văn Thắm tòa được biết, mỗi tháng Hà Văn Thắm và Oceanbank có trách nhiệm chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn khoảng 5 tỷ đồng thông qua cựu PGĐ ngân hàng. Chứng thực lời khai về các lần chuyển tiền như trong cáo trạng truy tố liệt kê, Hà Văn Thắm cho biết, có lần ông ta còn dùng tài khoản của vợ mình để chuyển tiền cho Nguyễn Xuân Sơn thông qua tài khoản của Nguyễn Xuân Thắng.
Khi các bị cáo khác khai rành rọt về hành vi chi tiền “chăm sóc khách hàng” thì Nguyễn Xuân Sơn – cựu TGĐ Oceabank lại phủ nhận việc nhận số tiền trên 240 tỷ đồng.
Trước lời chối tội, HĐXX công bố những bản lời khai của Nguyễn Xuân Sơn tại cơ quan điều tra trong các thời gian khác nhau nhưng bị cáo một mực cho rằng, đấy là lời khai của mình trong lúc hoảng loạn, nên nhận bừa.
Một trong những lời khai của Nguyễn Xuân Sơn tại cơ quan điều tra được tòa thẩm tra là Nguyễn Xuân Sơn đã chuyển cho ông Ninh Văn Quỳnh – cựu kế toán trưởng của PVN 60% (khoảng 120 tỷ đồng), trong đó có một vài lần Thắng trực tiếp mang tiền vào phòng làm việc của ông Ninh Văn Quỳnh để giao.
Bên cạnh đó, với một khoản tiền 7 tỷ đồng được Nguyễn Thị Minh Phương – cựu Phó TGĐ Oceanbank gửi trong 2 năm (4/5/2012 đến 30/5/2014), sau đó được tất toán gửi lại cho Nguyễn Xuân Sơn. Sơn chưa chiếm hưởng số tiền này mà khai đưa lại toàn bộ cho ông Ninh Văn Quỳnh.
Vấn đề này, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng phủ nhận việc đưa tiền. Theo bị cáo, anh ta có xách túi cho ông Ninh Văn Quỳnh, nhưng đấy là túi vải và không biết bên trong có gì.
“Theo cảm nhận của bị cáo trong túi đựng gì”, chủ tọa đặt câu hỏi. Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng cho hay: “Bị cáo không thể xác định chính xác được”.
Có mặt tại tòa, ông Ninh Văn Quỳnh – hiện Phó TGĐ PVN cho hay, chưa bao giờ nhận một khoản tiền nào từ Nguyễn Xuân Sơn.
Dẫn lời bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại cơ quan điều tra, chủ tọa cho biết: “Sơn khai đã nhiều lần đưa tiền cho ông (Ninh Văn Quỳnh) nhiều lần với số tiền rất lớn. Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng cũng khai nhiều lần cùng Nguyễn Xuân Sơn lên phòng làm việc của ông và đưa cho ông những cái túi… Ông lý giải về những nội dung này như thế nào?
Trả lời HĐXX, ông Quỳnh cho biết: “Tôi khẳng định mình không nhận tiền từ Oceanbank cũng như bất kể ngân hàng nào khác đối với việc chi tiền ngoài lãi suất ấy. Việc anh Sơn khai là do ý chí của anh ấy. Còn lời như Thắng (Nguyễn Xuân Thắng) khai ở trước tòa thì cũng có thể có một số lần các quà cáp như: áo sơ mi, chai rượu, đôi giày gì đấy mà từ Oceanbank hoặc nơi khác gửi đến… chứ hoàn toàn không có chuyện tôi nhận tiền từ anh Sơn hay anh Thắng”.
Chủ tọa đặt vấn đề về việc PVN gửi tiền tại Oceanbank, có thời điểm lên đến 11.000 tỷ đồng. Với số tiền lớn như vậy nhưng PVN không nhận lãi ngoài?
Trả lời chủ tọa, ông Ninh Văn Quỳnh trình bày: “Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi biết công ty cháu của Tập đoàn cũng dính vào việc tiền gửi liên quan vụ án Huỳnh Thị Huyền Như nên chúng tôi đã có văn bản nhắc nhở việc gửi tiền tại các ngân hàng. Lãnh đạo tập đoàn và cá nhân nhận thức là việc làm sai quy định pháp luật nên chúng tôi không thực hiện việc đấy”.
Tiếp câu hỏi của vị chủ tọa, thẩm phán Trương Việt Toàn quay lại câu hỏi qua tài liệu điều tra, Nguyễn Xuân Sơn xác nhận là đưa tiền. “Tiền đấy là tiền chi lãi ngoài hợp đồng. Anh nghĩ như thế nào?”, thẩm phán Trương Việt Toàn nêu.
“Tôi khẳng định với HĐXX chưa bao giờ nhận tiền từ anh Nguyễn Xuân Sơn, bất kể là khoản tiền gì”, ông Phó TGĐ PVN kết thúc phần trả lời thẩm vấn liên quan đến các câu hỏi mà HĐXX đặt ra. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 3/3) đầu trang(

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
Những khối tài sản lớn của quan chức khi lộ ra đều thu hút sự chú ý. Nhưng quan chức nào giàu có bằng mồ hôi nước mắt của mình, quan chức nào giàu có bất minh lại là điều không dễ phân định.
Tháng 11/2014, sau khi báo chí dồn dập đưa tin về tài sản “khủng” của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc xác minh làm rõ.
Trong kết luận về vụ việc này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ ông Truyền mắc một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất. Danh sách 6 căn nhà, biệt thự có bóng dáng ông Truyền và người thân nắm giữ được Ủy ban Kiểm tra Trung ương liệt kê khiến dư luận không khỏi “giật mình”. Trước những vi phạm khuyết điểm ấy, ông Truyền đã bị kỷ luật cảnh cáo.
Cũng như “biệt thự ông Truyền”, nhiều quan chức sau khi về hưu đã được báo chí điểm mặt trong những căn biệt thự nguy nga xây dựng để “dưỡng già”.
Nhưng những căn biệt thự, những tài sản cực lớn nhìn thấy được dường như chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Dư luận cũng không ít lần “dở khóc dở cười” khi đọc những bản tin về những tên trộm “viếng thăm” nhà quan chức. Khi ấy, số tài sản bị cuỗm đi trị giá hàng chục, hàng trăm cây vàng, hàng tỷ đồng hay vài chục nghìn đôla...
Mới đây, dư luận lại xôn xao trước thông tin về tài sản cổ phiếu “khủng” giá trị lên đến 600-700 tỷ đồng của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoacùng gia đình tại bóng đèn Điện Quang. Thực tế, không khó để tìm ra các số liệu cổ phiếu này bởi tất cả đều được công khai trên các website khi Điện Quang là công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán gần 10 năm nay. Bà Thoa cũng đã kê khai số tài sản là cổ phiếu này với Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, câu hỏi lại đặt ra, dù từng là một lãnh đạo doanh nghiệp nhưng là doanh nghiệp nhà nước rồi cổ phần hóa vậy bà Thoa và gia đình lấy đâu ra nguồn tiền lớn đến thế để mua cổ phiếu. Rồi có hay không những thất thoát trong quá trình cổ phần hóa ở đây.
Nhưng, trong những trường hợp kể trên, thật khó để dư luận biết rằng quan chức nào giàu có bằng mồ hôi nước mắt của mình, quan chức nào giàu có bất minh. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng đã giao 3 bộ và Thanh tra Chính phủ khẩn trương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về xác minh tài sản của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.
Trò chuyện với PV VietNamNet, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học công an, Bộ Công an, cho rằng: "Tôi nghĩ chúng ta phải tỉnh táo để phân biệt rõ, vì nếu không sẽ võ đoán, đánh giá sai cán bộ, làm hại, làm oan cho cán bộ; ngược lại cũng có thể bỏ sót các cán bộ tha hóa chui vào Đảng, làm biến chất Đảng, làm Đảng viên và người dân giảm niềm tin vào Đảng. Cho nên, phải tìm hiểu đến cùng vấn đề ở nhiều khía cạnh.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, trước hết phải xem tài sản của quan chức đó cỡ bao nhiêu dù rằng rất khó để có một con số chính xác nhất. Nếu như tài sản ở mức vài trăm triệu, hay vài tỷ thì không nhất thiết phải truy vấn, nhưng nếu tài sản lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng thì phải làm rõ.
Tiếp đó, khi đã xác định được số tài sản thì phải làm một điều quan trọng hơn là xem xét nguồn gốc tài sản đó. Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng: Trong bộ máy công quyền, có nhiều người có tài sản lớn, nhưng tài sản ấy là chân chính. Ví dụ họ có con cái giỏi giang kinh doanh, làm việc, nghiên cứu ở nước ngoài, họ sống cần kiệm thì có khả năng tích lũy được khối tài sản hàng tỷ đồng; hoặc trong quá trình phân chia tài sản của cha ông để lại.
“Thế nhưng nếu như có hàng chục, hàng trăm tỷ mà không tìm ra nguồn gốc chính đáng về tài sản này thì có thể nghĩ ngay bắt nguồn từ nguồn thu bất chính. Ta chỉ quan tâm đến loại cán bộ này. Chắc chắn trong số hàng trăm, hàng nghìn Đảng viên giàu có thế này, có một số lượng không nhỏ, phần lớn là quan chức, lợi dụng chức quyền mưu lợi cá nhân. Điều này chắc chắn có, phải tập trung vào loại cán bộ này để làm rõ nguồn gốc tài sản”, Thiếu tướng Lê Văn Cương chia sẻ.
TS Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm nghiên cứu kinh tế xã hội Việt Nam, cho rằng: Trước đây chúng ta hay quan niệm lãnh đạo là nghèo khó. Nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi nên chúng ta cần nhìn nhận lại cách đánh giá. Quan chức, lãnh đạo có thể nghèo, nhưng cũng có thể giàu. Có thể họ làm lãnh đạo khi đã trải qua một quá trình làm ăn, kinh doanh chính đáng thì không có gì phải băn khoăn. Tiếc rằng giờ lại có cán bộ, quan chức giàu có một cách không chính đáng.
Để phân biệt được giữa các quan chức này, theo TS Đỗ Đức Định, phải có cơ quan đủ thẩm quyền để kiểm soát xem sự giàu có của quan chức ấy là chính đáng hay không. Tổng thống Mỹ Donald Trump là tỷ phú, ông ấy kinh doanh hàng chục năm mới đi làm chính trị và dù bị “soi” trong quá trình tranh cử nhưng nhờ cơ chế minh bạch, có sự giám sát nên ông ấy có thể dễ dàng giải trình được nguồn gốc tài sản.
Thực tế ở Việt Nam, việc kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ, lãnh đạo cũng đã được triển khai, đơn cử như việc kê khai tài sản. Thế nhưng độ xác tín của những bản kê khai ấy vẫn còn là dấu hỏi.
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, số người phải kê khai tài sản thu nhập là trên một triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực. Còn theo báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ, trong số 1 triệu bản kê khai, các cơ quan chức năng tiến hành xác minh 414 người nhưng lại chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Thiếu tướng Lê Văn Cương thẳng thắn nhận xét: Việc kê khai tài sản là đúng, là tích cực, hội nhập với dòng văn minh của nhân loại. Các quốc gia văn minh trên thế giới đều làm được việc này và họ làm được, làm tốt. Nhưng khác nhau ở ta với các nước là quá trình triển khai thực hiện. Người ta làm bằng nhiều cách, soi từ nhiều hướng nên việc này có hiệu quả. Ta thì chưa được như mong muốn nên phải xem lại.
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Nguyễn Bá Thuyền, nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII, cho rằng: Có những người giàu có chính đáng, nhưng cũng có quan chức giàu đến mức bất bình thường. Bởi vì chúng ta không quản lý được nguồn gốc tài sản nên nhiều người lợi dụng chuyện đó để làm giàu.
Khi còn là Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Bá Thuyền đã không ít lần phải kiến nghị phải yêu cầu kê khai cả tài sản của con thành niên và người thân trong gia đình. “Luật chỉ yêu cầu con chưa thành niên mới phải kê khai, nên tài sản quan chức giờ đưa cho con cháu thành niên đứng tên hết”, ông Thuyền nói. Ngoài ra, theo ông Thuyền, cần phải có quy định sử dụng tài sản thông qua tài khoản, chứ như hiện nay rất khó để kiểm tra nguồn gốc tài sản.
“Phải có quy định là chi tiêu bao nhiêu tiền đấy thì phải qua tài khoản, chứ không tiêu tiền mặt, để anh có tham nhũng, có tiền “đen” anh cũng không tiêu được. Như vậy mới minh bạch, rõ ràng được. Giờ chúng ta muốn xài bao nhiêu cũng được, tiền kiếm được một cách chân chính cũng như tiền có được một cách bất hợp pháp, trắng đen lẫn lộn như vậy khó chống được tham nhũng”, ông Nguyễn Bá Thuyền đề nghị. (Vietnamnet 3/3) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Hãng thông tấn Yonhap ngày 2-3 dẫn nguồn giới luật gia cho biết, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đang xem xét phương án đưa ra phán quyết cuối cùng luận tội Tổng thống Park Geun-hye vào ngày 7-3.
Tòa này cho biết sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trước khi quyền Thẩm phán Lee Jeong-mi nghỉ hưu vào ngày 13-3. Trước đó, Hãng thông tấn Yonhap đưa tin Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Park Geun-hye đã bị xác định là một nghi phạm tham nhũng.
Trong một diễn biến liên quan ngày 2-3, kết quả thăm dò dư luận tại Hàn Quốc công bố cho thấy tỷ lệ ủng hộ quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn đã phục hồi và vươn lên vị trí thứ hai với 14,6% (tăng 3,7%) sau khi ông quyết định không chấp thuận kéo dài thời hạn điều tra Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye. Vị trí số 1 vẫn là ứng cử viên tổng thống của đảng Minjoo đối lập, ông Moon Jae-in, với tỷ lệ ủng hộ bỏ xa ông Hwang Kyo-ahn tới 20%. (Hà Nội Mới 3/3) đầu trang(./.