Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 22 tháng 05 năm 2017
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Ở những cánh rừng nguyên sinh, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), gỗ được khai thác công khai.
Một ngày đầu tháng 5, theo chân anh T., người chăn trâu ở xã Thanh Quân (huyện Nhưng Xuân) đi từ Thanh Quân sang Xuân Chinh, đập vào mắt chúng tôi là “đại công trường” khai thác gỗ. Những cây gỗ to cả người ôm không hết mới được đốn hạ còn nguyên nhựa.
Theo kinh nghiệm đi rừng của anh T., những cây gỗ còn nguyên nhựa sống này chỉ mới chặt....Gặp 1 người khai thác gỗ, người này thản nhiên khoe: Những cây gỗ này vừa mới chặt hôm qua. Gỗ chủ yếu là giàng giàng, giá trị không cao, chủ yếu bán cho đầu nậu đưa về xưởng cưa làm cốp pha.
Gỗ sớ thông thường họ lấy làm khung học, một cây có đường kính 150 - 200 vanh (đường kính khoảng 1m) xẻ ra bán được khoảng 15 - 20 triệu đồng. Gỗ giàng giàng chặt 4 cây xẻ thành hộp bán may ra được 5 triệu...
Một ngày, nhóm lâm tặc chặt được khoảng 4, 5 cây, sau đó xẻ thành hộp rồi dùng trâu kéo xuống suối đưa ra khỏi rừng, nửa đêm về sáng hôm sau sẽ có ô tô của đầu nậu vào vận chuyển.
Bên cạnh Xuân Chinh là xã Xuân Lẹ, nơi đây còn rất nhiều cây gỗ sến, sớ to và có giá trị. Đến thôn Cả Soi, người dân cho biết, cả khu đồi sớ trước còn nhiều cây tom nhưng giờ lâm tặc đã đốn gần hết.
Anh H. một người dân địa phương chỉ chỗ gần 20 cây gỗ to đường kính tới 200 vanh mới bị lâm tặc đốn hạ còn nằm ngổn ngang trong rừng. Anh bảo, lâm tặc đã chặt ra đến rìa rừng rồi thì đồng nghĩa với việc đồi sớ này cũng cạn kiệt tài nguyên.
Từ chân núi của khe suối thôn Cả Soi, đi mất khoảng 15 phút là bắt gặp những cây gỗ sớ to mới được chặt hạ còn nằm ngổn ngang trong rừng chờ ngày đưa đi tiêu thụ.  Chỉ mới có một khoảnh đã có gần 20 cây gỗ sớ bị đốn hạ.
Chỉ tay về các rãnh (lối mòn kéo gỗ - PV) được lâm tặc kéo gỗ từ rừng ra ngoài tạo thành lỗ sâu hoắm, anh H. bảo đây là dẫn chứng cho việc chặt phá rừng rất nhiều và nghiêm trọng.
Liên quan tới việc chặt phá rừng ở xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ, ông Nguyễn Minh Hào, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Bù Đồn (đóng ở xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân) cho biết trước Tết, ở 2 xã tình trạng khai thác gỗ trái phép diễn ra nhiều.
“Từ đó đến nay thực trạng đó không còn hoặc có cũng chỉ vài chỗ lác đác, nhỏ lẻ. Tuy nhiên khi tiếp nhận được thông tin, chúng tôi sẽ cho anh em đi kiểm tra”- ông Hào nói.
Ông Nguyễn Hữu Hậu, Hạt phó Hạt kiểm lâm Thường Xuân thừa nhận an ninh rừng vẫn chưa thực sự ổn định. Ở thôn Cụt Ặc, Tú Tạo (Xuân Chinh) và thôn Bọng Nàng, Liên Sơn, Xuân Sơn (xã Xuân Lẹ), tình trạng khai thác trái phép, xâm lấn rừng vẫn còn xảy ra nhưng ở mức độ ít.
“Sự manh động của các đối tượng vận chuyển lâm sản ngày càng tinh vi, đặc biệt là đe dọa và chống đối quyết liệt khi bị phát hiện và bắt giữ” - ông Hậu cho hay.
Ông cũng cam kết sẽ cho anh em kiểm tra lại, nếu đúng như phản ánh sẽ xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra sai phạm.
Ông Phạm Thăng Long, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thường Xuân cho biết đã nắm được thông tin, đang cho anh em rà soát lại toàn bộ khu vực đã kiểm tra và yêu cầu chủ tịch 2 xã Xuân Chinh và Xuân Lẹ kiểm tra, rà soát và báo cáo.
“Chủ tịch xã Xuân Chinh nói ổn định, còn chủ tịch xã Xuân Lẹ báo cáo đã kiểm tra nhưng chưa phát hiện được.
Tôi cũng đã yêu cầu anh em kiểm lâm viên địa bàn và trạm cùng chính quyền địa phương tiếp tục đi kiểm tra và mở rộng khu vực kiểm tra xem có ở khu vực nào mà mình chưa kiểm tra tới.
Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện được chỗ nào chặt phá như phản ánh”, ông Long nói. (Vietnamnet 22/5)đầu trang(
Vĩnh Phúc định lấy hơn 100 ha rừng phòng hộ Tam Đảo làm nghĩa địa, thì mới đây, dư luận lại hết sức bức xúc trước việc UBND tỉnh Thái Bình định xóa sổ 150 ha rừng ngập mặn...
Tiếp theo các tỉnh Phú Yên, cho phá 116 ha rừng phòng hộ ven biển để một DN xây dựng công trình phục vụ... cuộc thi hoa hậu ASEAN vào tháng 6/2017, và tỉnh Vĩnh Phúc định lấy hơn 100 ha rừng phòng hộ Tam Đảo làm nghĩa địa, thì mới đây, dư luận lại hết sức bức xúc trước việc UBND tỉnh Thái Bình định xóa sổ 150 ha rừng ngập mặn ở hai xã Thụy Hải, Thụy Xuân (thuộc huyện Thái Thụy) để làm dự án công nghiệp.
Trong khi các nước trên thế giới thường tìm cách nâng cấp rừng sản xuất lên thành rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng, thì, tuy nói là hội nhập, nhưng chúng ta lại rất hay làm ngược lại, là xén rừng phòng hộ thành rừng sản xuất, để làm dự án. Thế là, cùng với nạn lâm tặc chưa được ngăn chặn, hàng ngày vẫn gặm trụi từng khu rừng, thì diện tích rừng phòng hộ, vốn đã rất ít, lại càng ngày càng teo tóp đi vì bị những dự án công nghiệp lấn vào.
Trở lại với 150 ha rừng ngập mặn ở Thái Thụy. Rừng đó được trồng sau cơn bão lớn năm 1986, làm vỡ đê Xuân Hải, bằng nguồn vốn của dự án trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ, tính đến nay đã được hơn 30 năm. Rừng có chiều cao từ 6 đến 8 mét, có chức năng phòng hộ đê biển trên địa bàn hai xã trên. Người dân hai xã quý khu rừng như vàng, vì ngoài việc che chắn, bảo vệ cho cuộc sống của họ được bình yên trước bão táp phong ba, khu rừng còn mang lại cho họ một nguồn lợi hải sản dồi dào.
Điều đáng nói nữa là toàn bộ 150 ha rừng phòng hộ đó đều nằm trong khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng. Nhận thấy tầm quan trọng của khu rừng phòng hộ Thụy Xuân, Thụy Hải, nên nhân “ngày đất ngập nước thế giới”, đầu tháng 2/2017, Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã về trồng thêm cây cho cánh rừng này.
Thế mà chỉ chưa đầy 2 tháng sau, cánh rừng đã bị những người chủ trương phá rừng đặt trong tầm ngắm (?).
Để thực hiện được chủ trương xóa sổ khu rừng trên, chủ đầu tư dự án “nâng bãi ổn định đê biển số 8 huyện Thái Thụy, kết hợp tạo mặt bằng phát triển công nghiệp dịch vụ” đã chế tạo ra một bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đầy sai lệch, xuyên tạc sự thật, để trình lên Bộ TN-MT, như số hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp của dự án là gần 400, nhưng họ chỉ báo cáo có 80. Và theo luật định thì dự án phải được đưa ra tham vấn cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng buổi “tham vấn” của họ ở hai xã Thụy Xuân, Thụy Hải, chỉ có chủ tịch xã, địa chính xã, chủ tịch MTTQ xã và trưởng, phó thôn, tuyệt không có một hộ dân nào. Nhưng biên bản tham vấn lại được ghi khác hoàn toàn.
Theo quy định của pháp luật, thì muốn chuyển mục đích sử dụng từ 20 ha rừng trở lên, phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Và muốn lấy từ 50 ha rừng trở lên, phải trình ra Quốc hội để xin ý kiến. Không biết những người chủ trương xóa sổ 150 ha rừng phòng hộ ven biển Thái Thụy có biết những quy định đó không? (Nông nghiệp Việt Nam 22/5)đầu trang(
Với mục đích tạo điểm nhấn về kiến trúc, ấn tượng với du khách trước khi vào tham quan Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, đồng thời thuận lợi cho lực lượng kiểm lâm kiểm soát người và phương tiện, dự kiến tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng cổng chào tại km 11 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây với mức vốn khoảng 9,5 tỷ đồng chia thành 2 giai đoạn đầu tư.
Theo đó, các đơn vị tư vấn đưa ra phương án cổng chào có hình dáng cách điệu 2 cánh tay ôm trọn biểu tượng di sản và được thiết kế bằng bê tông cốt thép.
Dọc hai bên tuyến đường nhựa dẫn vào cổng sẽ được trồng 2 hàng cây bản địa xen kẽ lẫn nhau. Tuyến đường này thiết kế 4 làn đường, trong đó 2 làn đường ở giữa dành cho các loại xe du lịch không cần qua trạm soát vé; 2 làn đường 2 bên dành cho các phương tiện xe máy và các xe du lịch mua vé vào Vườn quốc gia.
Vị trí xây dựng cổng tại Km 11, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, khu vực sông Chày - hang Tối thuộc địa bàn xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch).
Xây dựng cổng vào Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng kết hợp Trạm kiểm soát lâm sản nhằm tạo điểm nhấn về kiến trúc, ấn tượng với du khách trước khi vào tham quan VQG Phong Nha – Kẻ Bàng; đồng thời thuận lợi cho lực lượng kiểm lâm kiểm soát người và phương tiện ra vào VQG.
Mới đây, tại hội nghị báo cáo đề án kiến trúc công trình cổng vào Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - yêu cầu đơn vị tư vấn điều chỉnh mẫu thiết kế phù hợp, tuân thủ logo biểu tượng di sản của UNESCO.
Biểu tượng được xây dựng phải mang tính thẩm mĩ cao, tránh tạo cảm giác nặng nề; màu sắc của cổng nên kết hợp hài hòa với màu xanh chủ đạo của rừng…(Giáo Dục & Thời Đại 19/5)đầu trang(
Lực lượng chức năng ở Quảng Bình đang tiến hành đặt bẫy để bắt một con khỉ xuất hiện hơn 1 tháng nay ở TP. Đồng Hới chuyên giết gà của dân, tấn công phụ nữ khiến nhiều người hoang mang.
19/5, theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm Đồng Hới (Quảng Bình), cơ quan này đã tiến hành đặt 2 loại bẫy để bắt một cá thể khỉ xuất hiện hơn 1 tháng nay ở TP. Đồng Hới, tấn công nhiều phụ nữ, giết gà và phá rối cuộc sống của người dân.
Con khỉ lạ tấn công khiến chị Võ Thị L., bị rách đùi, phải khâu 11 mũi; bà Phan Thị T., bị cào phía sau đùi; một phụ nữ ở gần nhà chị L. bị thương phải khâu 7 mũi... Ngoài ra, con khỉ này còn phá hoại cây cối, giết gà của người dân.
Người dân Đồng Hới cho biết, điều đặc biệt là hễ thấy đàn ông xuất hiện thì con khỉ này lại bỏ chạy. Hiện vẫn chưa xác định con khỉ lạ này xuất hiện từ đâu.
Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm Đồng Hới (Quảng Bình), đơn vị đã nhiều lần đặt bẫy nhưng không bắt được con khỉ dữ này. Lần này nếu tiếp tục bẫy không thành thì cơ quan chức năng sẽ áp dụng phương án bắn tự vệ để khống chế. (VTC 19/5)đầu trang(
Sau gần 3 năm bị khởi tố, gần 4 tháng bị bắt giam oan về tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng”, đến ngày 28/2 vừa qua 3 cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết là ông Nguyễn Quang Dũng, Nguyễn Văn Chỉ và Huỳnh Văn Năm đã được đình chỉ vụ án hình sự, đình chỉ bị can với căn cứ do “chuyển biến của tình hình” thay đổi chính sách pháp luật nên hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Trải qua 2 vòng tố tụng với nhiều phiên tòa bị hoãn để trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng vẫn không thể buộc tội được các ông Dũng, Chỉ và Năm vào tội phá rừng, ngày 27/2/2017, VKSND tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định “ Đình chỉ vụ án hình sự” và quyết định “ Đình chỉ vụ án đối với bị can” với căn cứ “do chuyển biến tình hình”. Cả 3 ông Dũng, Chỉ, Năm tiếp tục khiếu nại vì cho rằng căn cứ đình chỉ như vậy là không đúng căn cứ pháp luật, làm phương hại nghiêm trọng đến danh dự, quyền lợi của họ.
Trở về sau ba năm mang thân phận bị can, ông Nguyễn Quang Dũng từ một đảng viên 30 năm tuổi Đảng, nguyên Trưởng ban Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Phan Thiết, chỉ vì khắc phục hậu quả bão lũ mà vướng án oan, nay gần như kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Ông Nguyễn Văn Chỉ (SN 1963), cũng từ một Trưởng phòng Kỹ thuật của BQLRPH Phan Thiết, ông Huỳnh Văn Năm từ một kiểm lâm viên gương mẫu vì nôn nóng thực thi công vụ mà bị khởi tố, bắt giam oan. Sau khi được đình chỉ, vì miếng cơm manh áo mưu sinh, các ông Dũng, Chỉ và Năm gắng gượng quay lại công tác tại BQLRPH Hồng Phú.
“Dù anh em đồng nghiệp cũng thông cảm nhưng vì cái quyết định đình chỉ với căn cứ không đúng pháp luật như trên của VKSND tỉnh Bình Thuận khiến chúng tôi rất đau đớn, mặc cảm, thấy như mình là kẻ phạm tội được pháp luật khoan hồng, được mọi người tạo điều kiện cho chúng tôi tái hòa nhập cộng đồng vậy. Chúng tôi vô cùng uất ức vì nỗi oan này, quyết phải khiếu nại đến cùng chứ không thể để những người khởi tố, bắt giam oan chúng tôi nay ban ơn tha miễn cho chúng tôi như thế được…”, ông Dũng cay đắng trình bày.
Theo các quyết định đình chỉ của VKSND tỉnh Bình Thuận, căn cứ đình chỉ là do trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 28/6/2016 Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 21 quy định về khai thác, tận dụng, tận thu lâm sản (thay thế Thông tư 35 năm 2011); đồng thời ngày 1/11/2016 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 49 về Quy chế quản lý rừng. Theo đó, việc khai thác, tận thu, tận dụng gỗ rừng trong rừng sản xuất do chủ rừng tự quyết định, không phải xin phép. Theo lập luận của VKSND tỉnh Bình Thuận thì do có sự chuyển biến tình hình nên hành vi của ông Dũng không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Đó là căn cứ để giải oan cho ông Dũng và hai đồng nghiệp thoát khỏi cái án “bị can” như cái thòng lọng treo trên đầu họ suốt 3 năm qua.
Tuy nhiên, bằng Quyết định đình chỉ như trên, VKSND tỉnh Bình Thuận không chỉ “ban ơn” tha miễn cho những người đã bị chính họ khởi tố, bắt giam oan mà còn “phủi” luôn trách nhiệm bồi thường oan sai cho các công dân trên một cách ngoạn mục. Các ông Dũng, Chỉ và Năm khẳng định, các ông đã bị khởi tố, bắt giam oan thì phải nhận được quyết định đình chỉ với căn cứ “hành vi không cấu thành tội phạm” để được minh oan và được bồi thường.
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh, vào tháng 4/2012 bão số 1 đổ bộ vào xã Tiến Thành làm gãy đổ một số cây keo lá tràm do BQLRPH Phan Thiết quản lý. Theo cáo buộc, mặc dù không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác tận thu nhưng ông Nguyễn Quang Dũng đã tổ chức việc khai thác lâm sản trái phép, trực tiếp ký hợp đồng thuê nhân công, chỉ đạo cấp dưới lập phương án khai thác và kiểm tra giám sát việc khai thác lâm sản trái phép. Ông Chỉ lập phương án thu gom và trực tiếp kiểm tra, giám sát việc khai thác và ký nghiệm thu số lượng lâm sản trái phép; ông Năm biết sự việc nhưng vẫn tham gia kiểm tra giám sát, ký hồ sơ nghiệm thu. Số lượng gỗ bị quy kết khai thác trái phép là 66,162m3 gỗ tròn keo lá tràm, thuộc trường hợp “phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 175 về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.
Các ông Dũng, Năm, Chỉ tiếp tục kêu oan, cho việc họ thi hành công vụ tận thu cây gãy đổ khắc phục hậu quả bão lũ không thể coi là khai thác rừng trái phép. Hơn nữa, việc tận thu cây đổ thực hiện tại khoảnh rừng đã ra ngoài quy hoạch rừng sản xuất nên không phải là khách thể của tội danh trên. Dù không có căn cứ buộc họ vào tội danh trên nhưng VKSND tỉnh Bình Thuận vẫn “cố đấm ăn xôi” cho rằng hành vi của họ đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng do chuyển biến tình hình nên được tha miễn. Lập luận như vậy là khiên cưỡng, không thuyết phục, cố ý làm sai lệch bản chất sự việc để “phủi” trách nhiệm khắc phục hậu quả vụ án oan. Cần phải khẳng định, hành vi phá rừng (nếu có) vẫn rất nguy hiểm, chưa bao giờ không còn nguy hiểm cho xã hội, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Bản chất sự việc đã sáng tỏ, việc cơ quan tố tụng của tỉnh Bình Thuận khởi tố, bắt giam các ông Dũng, Chỉ, Năm về hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng là trái pháp luật, oan sai. Đề nghị VKSND tỉnh Bình Thuận thẳng thắn, công tâm xem xét lại sự việc một cách toàn diện, trả lại công lý cho ba ông Nguyễn Quang Dũng, Nguyễn Văn Chỉ và Huỳnh Văn Năm - dẫu muộn. (Pháp Luật VN 21/5)đầu trang(
Miền Đông Nam bộ là một vùng đất nóng rát. Mùa hạ ở khu vực Tân Biên – Tây Ninh không khác gì một chảo lửa. Thế nhưng, sát với biên giới Campuchia...Thế nhưng, sát với biên giới Campuchia lại có một vùng xanh mát, đó là Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát!
Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát nằm trên địa phận 3 xã Tân Lập, Tân Bình, Hoà Hiệp thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh khoảng 30 km về phía bắc tây bắc, theo đường 781.
Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định chính thức chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Lò Gò - Xa Mát thành Vườn quốc gia. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổng diện tích vườn quốc gia này là 18.765 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 8.594 ha, phân khu phục hồi sinh thái 10.084 ha, phân khu hành chính, dịch vụ 87 ha. Trách nhiệm quản lý vườn quốc gia được chuyển giao từ Sở NN&PTNT sang UBND tỉnh Tây Ninh. Hiện tại Ban Quản lý vườn quốc gia có 22 cán bộ biên chế, 53 cán bộ hợp đồng và 13 trạm bảo vệ rừng.
Hệ thực vật rừng của Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Máy mang tính đặc trưng của các sinh cảnh chuyển tiếp giữa Tây Nguyên – Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có các quần thể họ Dầu đặc trưng của miền Đông Nam bộ, có rừng khọp của Tây Nguyên, có quần thể tràm và sinh cảnh đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long.
Lạc chân vào Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát có thể chiêm ngưỡng hệ sinh thái trảng cỏ tự nhiên ngập nước độc đáo theo mùa có diện tích trên 4000 ha, với những trảng như Tà Nốt, Tân Thanh, Bà Điếc và với những bàu như Đưng Lớn, Đưng Nhỏ… Đây là nơi sinh trưởng của nhiều loại cây dược liệu như nhân trần, tổ phượng, bá bịnh, kim tiền thảo…
Trong suốt thời kỳ chiến tranh, Lò Gò - Xa Mát là nơi hứng chịu các đợt đánh bom ác liệt, dải thảm chất độc màu da cam của Hoa Kỳ. Các vấn đề bảo tồn hiện vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều trở ngại. Lò Gò-Xa Mát là khu vực rộng lớn, dễ tiếp cận, lực lượng chuyên trách quản lý mỏng không đủ sức quản lý, bảo vệ.
Mối đe dọa lớn nhất đối với tại vườn quốc gia là việc biến đổi các sinh cảnh đất ngập nước thành đất nông nghiệp. Năm 2001, hệ thống đường và kênh nước được thiết kế xây dựng tại một trong những trảng đất ngập nước lớn nhất trong vườn quốc gia, với mục đích đưa dân vào tái định cư tại khu vực. Do khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao, các cấp chính quyền của tỉnh và địa phương đã kịp thời đình chỉ việc xây dựng. Tuy nhiên, khu vực này sẽ còn gặp nhiều mối đe dọa nếu không có nhận thức, đánh giá đúng mức giá trị đa dạng sinh học. Hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau trong việc tiếp tục bảo vệ các vùng đất ngập nước tại vườn quốc gia.
Các mối đe dọa khác phải kể đến trong quá trình đánh giá nhu cầu bảo tồn là khai thác gỗ trái phép, săn bắn, bẫy bắt, khai thác quá mức các lâm sản ngoài gỗ và cháy rừng. Trong số này săn bắn và bẫy bắt hiện được đánh giá là các mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với đa dạng sinh học trong khu vực.
Trong chiến tranh chống Mỹ, Lò Gò - Xa Mát là cơ sở của Đài phát thanh Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng là căn cứ cách mạng của quân giải phóng. Bởi vậy, khu vực này còn có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử. Ngoài ra, rừng trong vườn quốc gia có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu sông Vàm Cỏ. Nhiều hộ dân cư sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thuỷ sản của con sông này.
Lò Gò - Xa Mát có thảm thực vật rừng dạng khảm giữa rừng bán rụng lá, rừng rụng lá trên đất thấp và các dải hẹp rừng thường xanh ven sông suối và rừng tràm. Gần biên giới với Campuchia là các dải rộng đồng cỏ đất lầy với các thảm cói lác. Đồng thời cũng có hệ thực vật phong phú có giá trị như: các cây họ dầu: dầu nước, dầu cát, dầu chai, dầu song nàng, sao đen, nến mủ, một số loài đã có tên trong sách đỏ như: gõ cà te, giáng hương, mạc sưa.
Khu hệ chim tại vườn quốc gia này rất đặc trưng, tại các sinh cảnh đất ngập nước đã ghi nhận nhiều loài chim nước quý hiếm như giang sen, già đẫy nhỏ và cò nhạn, gà lôi lông tía, gà tiền mặt đỏ, chích chạch má xám. Ngoài ra, Lò Gò - Xa Mát còn là nơi dừng chân bay qua của loài sếu đầu đỏ, trên tuyến di cư về nơi sinh sản tại Campuchia. Lò Gò-Xa Mát được công nhận là một trong các vùng chim quan trọng của Việt Nam. (Nông Nghiệp VN 20/5)đầu trang(
Tỉnh Lâm Đồng đầu tư tổng kinh phí 510,2 tỷ đồng để ưu tiên thực hiện các chương trình, nhiệm vụ trong giai đoạn 2017 - 2020 của dự án Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, từ nay đến năm 2020, nguồn kinh phí này được tỉnh dùng để duy trì và phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang và các vườn quốc gia: Bidoup - Núi Bà, Cát Tiên.
Đồng thời, thành lập mới và đưa vào hoạt động khu dự trữ thiên nhiên Đơn Dương, các khu bảo tồn loài/sinh cảnh như Núi Voi, Phát Chi, Madagui; xây dựng và đưa vào hoạt động Bảo tàng Thiên nhiên Tây Nguyên, Công viên Bảo tồn động vật hoang dã Tây Nguyên và các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, nâng cao độ che phủ rừng tối thiểu đạt 55%, hạn chế các tác động xâm hại đến rừng tại các địa phương trong tỉnh.
Ngoài ra, chương trình trong giai đoạn 2017 - 2020 của dự án, ưu tiên đầu tư vào các nhóm lĩnh vực như: nâng cao nhận thức cộng đồng, năng lực quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học; quy hoạch chi tiết và thành lập các khu bảo tồn; xây dựng, phát triển các cơ sở bảo tồn; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các khu bảo tồn…
Dự án Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt nhằm nghiên cứu, đề xuất các định hướng, giải pháp và cơ chế chính sách bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh; đồng thời, duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương. (Tạp Chí Tài Chính 19/5)đầu trang(
“Muốn phát triển kinh tế phải làm công nghiệp phát triển ra biển là tất yếu. Đó cũng là việc như lớp trước đã làm là quai đê lấn biển".
Đó là khẳng định của ông Lại Văn Hoàn - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình, trên báo Tuổi Trẻ, ngày 19/5, khi trả lời về dự án lấn 320ha biển lấy mặt bằng làm công nghiệp, trong đó sẽ xóa bỏ 150ha rừng ngập mặn tại Thái Bình.
Theo ông Hoàn, trước mắt chủ đầu tư phải kiểm tra lại toàn bộ quá trình triển khai, rà soát lại từng mục và kiểm tra lại tất cả các nội dung đã thực hiện trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo lãnh đạo tỉnh ngay trong tuần này.
Riêng với việc phá bỏ 150ha rừng ngập mặn để phát triển công nghiệp, ông Hoàn nhấn mạnh chủ trương của Thái Bình là phát triển kinh tế về phía biển, vì Thái Bình đất chật người đông, quỹ đất trong nội đồng phải dành cho đảm bảo an ninh lương thực.
Còn với loại hình công nghiệp, phải là công nghiệp không gây ô nhiễm, ít tác động đến môi trường sinh thái. Dịch vụ cũng chủ yếu là trung chuyển hàng hoá khu vực ven biển.
"Qua bài học từ Formosa, Thái Bình khẳng định không bao giờ đánh đổi môi trường yên lành này bằng sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần", ông Hoàn khẳng định.
Trong khi đó, cũng trao đổi với báo chí, ông Đặng Văn Thái - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình phát triển NN-PTNT tỉnh Thái Bình, chủ đầu tư dự án nói rõ về mức độ tác động khi phải phá bỏ 150ha rừng ngập mặn có chức năng phòng hộ đê.
Ông Thái phân tích: "Tại Thái Bình hàng trăm năm nay đều lấn biển, thường cứ 30 năm một lần. Từ 2014 tỉnh chủ trương quai đê lấn biển từ đoạn 26+700 đến 31+700, có chiều dài 4km ở đê biển huyện Thái Thuỵ. Việc phát triển tuyến đê mới đã được Bộ NN-PTNT đồng ý, được Chính phủ phê duyệt qua các năm 2014-2015".
Khi xác định phá bỏ 150ha rừng ngập mặn được trồng từ 30 năm nay, năm 2014 khi làm việc với Bộ NN-PTNT về việc quai đê lấn biển và làm đê mới. Khi đó Bộ đã có khuyến cáo chỉ làm khi và chỉ khi phần rừng phía ngoài đê mới còn lại 240m. Từ năm đó đến nay, hiện trạng rừng tính từ đê mới nếu làm ra đến vị trí rừng hiện có, nơi thấp nhất là 300m, nơi lớn nhất là 350m.
Như vậy, diện tích rừng hiện có phía ngoài đê mới đã đáp ứng được yêu cầu đầu tiên là an toàn cho đê, tiếp nữa là chống được sóng. Vì diện tích rừng còn vượt hơn so với khuyến cáo của Bộ NN-PTNT nên tỉnh mới đồng ý cho nghiên cứu.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch sẽ trồng thay thế 150ha rừng bị phá ở phía ngoài đê mới.
Trong một diễn biến liên quan, cũng theo ông Thái, về mặt quy hoạch sử dụng đất, tỉnh đã trình lên Bộ TN-MT xin điều chỉnh quy hoạch trong giai đoạn 2016-2020, tức là xin chuyển từ đất rừng sang đất công nghiệp. Theo tôi được biết thì đến nay chưa được Chính phủ duyệt cho chuyển mục đích diện tích đất này.
Còn trong thực hiện thì tỉnh đã chỉ đạo thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Tuy nhiên, đúng là trong hồ sơ nộp cho Bộ TN-MT lần một để hội đồng thẩm định họp chỉ báo cáo có 80 hộ bị ảnh hưởng.
Nhưng trong giải trình và báo cáo lại, đã có bổ sung những sai lệch này cho đúng số hộ bị ảnh hưởng của hai xã hiện nay là 354 hộ.
Nói về chất lượng báo cáo ĐTM thấp, ông Thái giải thích: "Rõ ràng trong hồ sơ nộp lên có sai lệch về số hộ nuôi thuỷ sản, cái đó phải thừa nhận chất lượng công tác, đánh giá của đơn vị lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện chưa tốt, nếu tốt đã không sai.
Cái này chắc tỉnh sẽ nghiêm túc kiểm điểm các đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình".
Trước việc, ĐTM mới chỉ tham vấn tới trưởng, phó thôn, theo ông Thái đã có thêm hai hộ có đầm nuôi trồng thuỷ sản. Còn hội đồng thẩm định có thể yêu cầu đơn vị tư vấn và chủ đầu tư bổ sung tham vấn vì đối tượng tham vấn chưa đại diện hết cho các tổ chức xã hội và dân cư nằm trong khu vực mà dự án tác động.
"Nếu Bộ yêu cầu tham vấn mở rộng, chúng tôi sẽ báo cáo tỉnh chỉ đạo tham vấn bổ sung cho đủ đối tượng cần phải tham vấn", ông Thái nói rõ.
Trước đó, là đơn vị lập ĐTM của dự án trên, ông Đỗ Trần Chinh - Giám đốc Trung tâm quan trắc, phân tích TN-MT (Sở TN-MT Thái Bình), lại khẳng định làm mọi việc theo nguyên tắc thông qua chủ dự án, có vấn đề gì cứ trao đổi với chủ dự án, bên tôi là đơn vị làm thuê.
Nói về những số liệu trong ĐTM, theo ông Chinh, không phải điều tra thực tế tại địa phương, mà do bên chủ dự án cung cấp. Cơ quan chỉ làm ĐTM trên cơ sở số liệu chủ dự án cung cấp.
"Chúng tôi có đi điều tra những việc đó đâu?", ông Chinh khẳng định. (Đất Việt 19/5)đầu trang(
Lãnh đạo 2 xã Thụy Xuân, Thụy Hải chưa biết rõ quy hoạch dự án, nên khó khẳng định lấn rừng ngập mặn có ảnh hưởng môi trường hay không?
Liên quan dự án lấn 320ha biển lấy mặt bằng làm công nghiệp, trong đó sẽ xóa bỏ 150ha rừng ngập mặn, ngày 19/5, trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Ngọc Hiện - Chủ tịch UBND xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy (Thái Bình) cho biết: "Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chỉ có 80 hộ dân bị thu hồi đất, như vậy là không đúng, riêng xã tôi đã có 57 hộ dân, bên xã Thụy Hải gần 300 hộ dân nữa, tính ra gấp 4-5 lần con số được báo cáo.
Việc này chúng tôi phải đề cập vì sau này liên quan đến bồi thường thiệt hại cho dân, người dân 2 xã đang nuôi trồng thủy sản trên diện tích này".
Bên cạnh đó, theo ông Hiện, đây là dự án của tỉnh, nhưng mới chỉ là giai đoạn ban đầu, còn chưa đi vào thực tế, chỉ là đánh giá ban đầu xác định cơ bản. Bao giờ triển khai thực tế thì mới thông báo chi tiết các hộ.
"Bản thân chúng tôi chỉ thực hiện theo quy hoạch của tỉnh. Trong lúc làm nhân dân một số chưa có đồng thuận với việc này, dân bảo không đồng tình nên có ý kiến mạnh mẽ. Hiện nay, chưa tiến hành lấy đất, giờ mới trình Chính phủ lấy một con số thống nhất.
Bên xã tôi diện tích rừng ngập mặn bị lấn không nhiều, chủ yếu diện tích nuôi trồng thủy sản, nên nó ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân, nhưng có khi công nghiệp vào nhiều thì có khi lại thu hút lao động. Nhưng nếu rừng ngập mặn bị lấn chiếm thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng, nhưng chưa biết thông tin cụ thể.
Rừng ngập mặn được dùng để bảo vệ đê điều, ngày xưa đê chỉ được làm bằng đất, nên rừng ngập mặn bảo vệ gió bão cho các diện tích nuôi trồng thủy sản của dân tránh thiệt hại, nghĩa là con người hưởng lợi ích trực tiếp từ rừng. Theo tôi, đặc biệt phải xin ý kiến nhân dân, dân đồng thuận thì mới được làm", ông Hiện cho biết thêm.
Ở một góc độ khác, ông Hiện tiết lộ thêm: "Lợi ích kinh tế hiện nay của dân cũng chỉ là lợi ích trước mắt, hơn nữa, diện tích dân đang nuôi trồng, là huyện cho thuê từ năm 1993 đến 2013, nghĩa là thuê có thời hạn.
Nếu bây giờ mà lấy diện tích đó làm đê, thì đất thuê đó không được đền bù, nên tỉnh đang xây dựng chế độ an sinh hỗ trợ. Dân thấy không được đền bù nên có ý kiến vì họ đang kiếm sống trên diện tích đó".
Cũng chia sẻ với Đất Việt, ông Nguyễn Dương Luân - Chủ tịch UBND xã Thụy Hải (huyện Thái Thụy) cũng cho hay: "Đây là chủ trương của UBND tỉnh, chúng tôi chỉ thực hiện thôi. Dự án có ảnh hưởng đến rừng, ảnh hưởng môi trường như thế nào thì phải chờ Chính phủ đánh giá.
Về số liệu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), các con số không trung thực, cũng khiến người dân bức xúc, riêng Thụy Hải đã có 297 hộ nuôi thủy sản. Với sự sai lệch này thì chúng tôi đã có văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh, còn xử lý ra sao là do tỉnh".
"Nếu dự án làm thì cũng chưa biết có ảnh hưởng đến đời sống của dân hay không vì chưa thực hiện, nên chưa biết thế nào, vì cách triển khai, xây dựng ra sao còn phụ thuộc vào lãnh đạo. Làm mà đụng chạm đến quyền lợi của dân thì họ sẽ lên tiếng, thậm chí phản đối kịch liệt, nếu không phù hợp lòng dân", ông Luân nói thêm.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/5, trao đổi với báo chí, ông Lại Văn Hoàn - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, chủ trương của Thái Bình là phát triển kinh tế về phía biển, vì Thái Bình đất chật người đông, quỹ đất trong nội đồng phải dành cho đảm bảo an ninh lương thực.
Còn với loại hình công nghiệp, phải là công nghiệp không gây ô nhiễm, ít tác động đến môi trường sinh thái. Dịch vụ cũng chủ yếu là trung chuyển hàng hoá khu vực ven biển.
"Muốn phát triển kinh tế phải làm công nghiệp phát triển ra biển là tất yếu. Đó cũng là việc như lớp trước đã làm là quai đê lấn biển. Qua bài học từ Formosa, Thái Bình khẳng định không bao giờ đánh đổi môi trường yên lành này bằng sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần", ông Hoàn khẳng định. (Đất Việt 22/5)đầu trang(
Trước thông tin phản ánh “Thái Bình lại xin phá rừng phòng hộ làm công nghiệp”, “lấn 320 ha biển”, trong đó có 150ha rừng ngập mặn, phóng viên Báo điện tử Công lý đã về Thái Bình để tìm hiểu.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, địa phương này đang triển khai chủ trương “Nâng bãi ổn định đê biển số 8 phát triển công nghiệp  từ K26+700 đến K31+700 huyện Thái Thụy để kết hợp tạo mặt bằng phát triển công nghiệp và dịch vụ, hướng tới xây dựng Khu công nghiệp – đô thị - thương mại dịch vụ Xuân Hải trên địa bàn huyện Thái Thụy, chứ không chỉ để “làm công nghiệp” như dư luận phản ánh.
Về dự án nâng bãi ổn định đê biển số 8 có nguồn gốc từ lịch sử quai đê lấn biển của địa phương. Từ nhiều đời nay, do đặc điểm biển Thái Bình là biển bồi nên người dân Thái Bình đã đẩy mạnh việc quai đê lấn biển, điển hình như công cuộc quai đê lấn biển của Nguyễn Công Trứ ở đầu thế kỷ 19 thành lập huyện Tiền Hải; Cuộc quai đê lấn biển năm 1960 tại xã Nam Cường và Nam Phú huyện Tiền Hải. Từ năm 1971 đến nay, sau nhiều đợt quai đê lấn biển đã mở rộng thêm được đáng kể diện tích hàng chục xã ven biển.
Cơ sở pháp lý của dự án bắt nguồn từ việc tuyến đê biển 8 mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch tuyến đê biển tại văn bản số 1797/TTg-KTN ngày 06-11-2013. Tỉnh Thái Bình cũng nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 741/VPCP- KTTH ngày 9-2-2011.
Xuất phát từ những định hướng lớn đó, ngày 08-7-2014, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 1573/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển Thái Bình đến năm 2020, với phương hướng cụ thể là xây dựng Khu kinh tế ven biển, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp ra phía biển để đẩy mạnh phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững. Do đó, nhiều dự án được đầu tư ở vùng ven biển như khu công nghiệp Tiền Hải, khu công nghiệp Trà Lý, Cửa Lân, Thụy Tân… đang cho kết quả tốt, đặc biệt là dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, 2.
“Dự án sẽ đắp đê mới đoạn từ K26+700 đến K31+700 cách đê cũ khoảng 800m về phía biển; san lấp toàn bộ diện tích xen kẹt từ đê cũ đến đê mới để đảm bảo ổn định cho đê mới đắp; kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp - dịch vụ, thu hút nhà thầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển khu kinh tế ven biển…” – ông Đặng Văn Thái, Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết.
Trước khi có cơ quan báo chí đặt câu hỏi lo ngại việc phá tới 150 ha rừng ngập mặn, đây cũng là chủ đề được chính các chuyên gia, nhà khoa học, người dân phản biện, đặt nhiều câu hỏi.
Bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lần thứ nhất của tỉnh Thái Bình đã được Hội đồng thẩm định chỉ ra khá nhiều vấn đề cần bổ sung, làm rõ, trong đó có câu hỏi: Tại sao phải lấy tới 320 ha, trong đó có 150 ha rừng ngập mặn, có thể tìm phương án khác giảm lấy rừng ngập mặn không? Khi lấy rừng ngập mặn, sẽ ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái như thế nào? Vấn đề ô nhiễm môi trường do công nghiệp, dịch vụ sẽ ra sao?
Theo báo cáo,giải trình của Ban Quản lý dự án, Thái Bình không có rừng tự nhiên, chỉ có rừng trồng. Từ năm 1990 trở về trước chủ yếu là rừng ngập mặn được trồng vào những năm 70÷80. Sau khi phát triển nuôi trồng thủy sản ồ ạt, toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn xã Thụy Hải không còn, xã Thụy Xuân chỉ còn một phần nhỏ nằm xung quanh cửa sông Thái Bình.
Về ý kiến tại sao cần lấy 320 ha, Ban Quản lý dự án giải thích: Tuyến đê biển 8 là tuyến đê nối đê hữu sông Thái Bình ở phía Bắc và đê tả sông Trà Lý phía Nam tạo nên vòng khép kín bảo vệ một nửa phía Bắc huyện Thái Thụy. Tuyến đê này nằm giữa hai cửa sông là cửa Thái Bình và cửa Diêm Điền, phía trước đê là bãi bồi rộng lớn được bồi đắp bởi hai con sông này. Trước đây tuyến đê đi song song với tuyến đường bờ, sau đó do nhu cầu quai đê lấn biển, tuyến đê đã được điều chỉnh một đoạn từ km 24 đến km 26+700 để bảo vệ khu nuôi trồng thủy sản xã Thụy Xuân và mở rộng quỹ đất để phát triển kinh tế tuy nhiên lại tạo ra một tuyến đê gấp khúc tại đây về lâu dài sẽ gây ra điểm xung yếu cục bộ. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh tuyến đê biển 8 để tạo một tuyến đê trơn thuận, không gấp khúc.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo tham vấn tác động môi trường của dự án mở rộng tuyến đê biển, ông Nguyễn Thế Đồng Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nói: “Khi thực hiện việc nắn đê mới sẽ dẫn tới việc suy thoái của các diện tích rừng ngập mặn ở phía trong đê là điều tất yếu do đặc điểm sinh thái của rừng ngập mặn. Về mặt khoa học, nếu lấy 150 ha rừng ngập mặn ở khu vực này (là rừng trồng sau năm 1990) thì trong giai đoạn nhất định đa dạng sinh học khu vực sẽ có sự suy giảm tuy nhiên sẽ phục hồi do đặc thù của khu vực Thái Thụy được bồi tụ, lấn biển và sinh thái thực vật tương đối đồng nhất…
TS Tô Văn Trường, Chuyên gia độc lập về Tài nguyên nước và môi trường cho rằng, Thái Bình đất chật, người đông, việc làm đê lấn biển là xu thế phát triển của bài toán phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Thái Thụy được ông trời cho vùng cửa biển nơi đây là đất bồi và rừng ngập mặn do con người trồng ngày càng phát triển, lấn biển theo truyền thống của cụ Nguyễn Công Trứ thời xưa, để giải quyết vấn đề nan giải đất chật người đông. Khi con người tác động vào tự nhiên, không bao giờ được tất cả mà có được và mất (bài toán trade off) . Vấn đề đặt ra làm sao cho cái lợi là lớn nhất và cái hại là ít nhất.
Về tổng thể chắc chắn việc xây dựng công trình đê biển ở Thái Thụy có ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học khu vực này. Tuy nhiên, khó để đánh giá  hoặc đưa ra so sánh được mức độ ảnh hưởng, thiệt hại về đa dạng sinh học (thiên nhiên) và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội rất lớn hiện nay ở các xã, huyện ven biển trong đó có huyện Thái Thụy cũng như của tỉnh Thái Bình. Thực tế, nhiều bãi bồi phát triển dọc bờ biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa hiện nay khu vực phía trong bìa rừng rất nhiều nơi đưa vào khai thác phát triển thủy sản, xây dựng đê quai, phát triển các loại hình sinh thái, dịch vụ,.... Do vậy, khó tránh khỏi xu thế phát triển lấn biển, lập khu dân cư, khu kinh tế ở mỗi khu vực này…
Thực tế, quan sát khi ra hiện trường dự án khu vực bãi bồi phía Tây từ nhà máy đóng tàu Đại Dương đi ra dọc theo cửa sông Diêm Hộ thì có rất nhiều loài, loại cư trú vì trước đây khu vực này là hệ rừng ngập mặn phát triển tốt kết hợp sự lên xuống của triều ra vào vùng cửa sông đã tạo môi trường thuận lợi cho các loài, loại phát triển. Cho đến nay đây vẫn là khu vực cư trú của nhiều loại chim, cá tôm nhiều hơn so với khu vực phía dự án. TS Tô Văn Trường cho rằng, dự án mở tuyến đê Thái Thụy-Thái Bình là cần thiết vì nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong qúa trình lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư, thực thi dự án và hậu kiểm cần bổ sung làm rõ các giải pháp giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường sinh thái.
Theo phương án của Ban QLDA đề xuất, khi lấy 150 ha rừng, Chủ đầu tư đã lập phương án trồng rừng thay thế với diện tích rừng trồng mới là 150 ha nằm trên địa bàn hai xã Thụy Xuân và Thụy Hải. Phương án trồng thay thế đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt tại Quyết định số 3826/QĐ-UBND ngày 22/12/2016.
Chủ trương của tỉnh Thái Bình sau khi san lấp hình thành khu đất có diện tích 320 ha, một phần sẽ dùng để phục vụ công nghiệp may gia công để giải quyết việc làm cho người lao động thị trấn Diêm Điền, xã Thụy Hải, xã Thụy Xuân là các địa phương có đông người đến độ tuổi lao động nhưng có rất ít ruộng để sản xuất nông nghiệp (hiện đã xây dựng công ty may 1000 công nhân). Một phần khác để xây dựng công viên vui chơi giải trí nhằm góp phần đưa thị trấn Diêm Điền lên Thị xã vào năm 2020. Phần diện tích còn lại sẽ đưa các doanh nghiệp chế biến thủy sản nhỏ lẻ hiện nay ở lẫn trong các khu dân cư ở thị trấn Diêm Điền và xã Thụy Hải.
Tại quyết định số 3677/QĐ-UBND ngày 14-12-2016 của UBND tỉnh Thái Bình, khu vực lập quy hoạch thuộc hai xã Thụy Xuân và Thụy Hải huyện Thái Thụy được quy hoạch thành Khu công nghiệp – đô thị - thương mại dịch vụ Xuân Hải. Đây là khu đa chức bao gồm: Khu đô thị mới, khu thương mại và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, Khu công nghiệp tổng hợp đa ngành nghề chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo có tính chất công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp ít gây ô nhiễm…
Tại Thông báo số 115/TB-BTNMT ngày 6-12-2016 thông báo ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình về việc chuyển diện tích rừng phòng hộ tại 2 xã Thụy Xuân, Thụy Hải huyện Thái Thụy nêu rõ: “Về việc dịch chuyển 176,21ha rừng phòng hộ thuộc hai xã Thụy Xuân và Thụy Hải, huyện Thái Thụy ra ngoài đê mới đắp (đê biển số 8) để nâng bãi triều phía trong đê phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí với chủ trương trên của tỉnh trên cơ sở phải bảo tồn nguyên vẹn diện tích, chất lượng, giá trị của rừng phòng hộ ven biển để đảm bảo hệ sinh thái của khu vực. Đề nghị tỉnh đưa phần diện tích này vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện làm căn cứ pháp lý để quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật đất đai. Xây dựng kế hoạch dịch chuyển rừng phòng hộ cụ thể, đảm bảo đủ diện tích và chất lượng của rừng phòng hộ như hiện nay...
Tại công văn số 10349/BNN-TCLN ngày 7-12-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Hà Công Tuấn ký gửi UBND tỉnh Thái Bình  đã thống nhất chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng 149,14 ha rừng phòng hộ sang mục đích khác không phải lâm nghiệp để phát triển kinh tế xã hội như đề nghị của UBND tỉnh Thái Bình tại tờ trình.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo tham vấn tác động môi trường của dự án mở rộng tuyến đê biển, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng khẳng định: Về mặt pháp lý như giải trình của UBND tỉnh Thái Bình, quy hoạch điều chỉnh tuyến đê biển của Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thái Bình triển khai theo quy hoạch mới hoàn toàn hợp pháp và phù hợp với chủ trương và UBND tỉnh đã có sự đồng ý của cơ quan chủ quản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đối với dự án. (Công Lý 20/5)đầu trang(
'Tôi cay đắng và lo sợ trước những dự án phá rừng'
Quanh vấn nạn phá rừng làm dự án đang trở thành "mốt" ở nhiều tỉnh thành, bạn đọc Khánh Hưng có bài viết với tư cách công dân, đầy băn khoăn, lo lắng. Chúng tôi xin giới thiệu.
Lại phá rừng làm công nghiệp” - đó là bài báo điều tra mới nhất của Tuổi Trẻ về nạn phá rừng. Từ “lại” nói lên một thực trạng đau đớn rằng: rừng tiếp tục bị phá, môi trường tiếp tục bị đe dọa liên tục. Bởi gần đây thôi, báo chí đồng loạt phanh phui nhiều câu chuyện phá rừng làm khách sạn, sân golf, biệt thự, thậm chí phá rừng để nuôi bò...
Tôi tự hỏi những người dân như tôi sẽ nghĩ gì khi hằng ngày những tin tức đó đập vào mắt?
Đầu tiên, tôi thấy thương bản thân mình khi luôn bị ở tư thế bị động. Người dân không được biết rừng kia sẽ được phá làm sân golf, khách sạn, hay quy hoạch thế nào nếu không có báo chí điều tra. Thành thử mỗi ngày người dân lại phải à lên tiếc nuối và đau đớn trước hàng trăm hecta rừng bị phá.
Trong quy định bảo vệ rừng nêu rõ: “Rừng là một bộ phận của môi trường sống, là tài sản quý báu của nước ta, có giá trị lớn đối với nền kinh tế quốc dân và văn hoá công cộng. Việc bảo vệ rừng phải do Nhà nước và toàn dân cùng làm”.
Thế nhưng, nhìn vào những vụ việc vừa qua thử hỏi người dân đang đứng ở vị trí nào? Có “được biết, được bàn” về chuyện bảo vệ rừng hay không? Câu trả lời là không, và họ luôn phải bất ngờ trước những thông tin báo chí nêu ra.
Thậm chí, có chuyện cười ra nước mắt, 40 biệt thự ở Sơn Trà xây sai được phát hiện nhờ… người câu cá - tức một người dân thấy bất thường xót xa nên dùng điện thoại chụp lại.
Từ chỗ ở thế bị động, không “được biết, được bàn”, người dân trở nên bất lực. Họ không biết làm gì khi mà mỗi ngày những tin tức phá rừng, hủy hoại môi trường sống của chính họ đang dội vào. Làm gì đây ngoài việc oằn mình gánh chịu và bày tỏ sự phẫn nộ mỗi khi một thông tin buồn dội đến?
Tôi để ý trên mạng xã hội, mỗi khi một hình ảnh rừng bị phá hủy nham nhở được đưa lên là dư luận lại “dậy sóng”. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi họ - những người dân bị đặt vào “thế đã rồi”, những dự án theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” khiến người dân không biết làm gì hơn ngoài việc bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội hoặc các diễn đàn báo chí.
Và sau “thương thân” là cảm giác lo sợ. Chắc mọi người còn ám ảnh đoạn video hàng chục ngôi nhà bà con An Giang chìm nghỉm xuống lòng sông Vàm Nao mới đây, hay nhiều trận lũ lụt ở miền Trung nước ta. Rõ ràng, chúng ta luôn ở thế “xin thua” trước sự đáp trả đầy thịnh nộ của tự nhiên.
Quê tôi ở Hà Tĩnh, lại là vùng rốn lũ nên chuyện lũ lụt mỗi năm thành… quen. Nhưng cảm giác “quen” lúc nhỏ bây giờ thành nỗi sợ, bởi nhìn lại mỗi năm nay lũ lụt mỗi lớn hơn, thiệt hại nặng nề hơn. Quê nhà giờ buồn heo hắt, bởi nhiều người dân đã bỏ xứ mà đi, họ không chịu nổi những trận lũ lụt cuốn đi hết mọi thứ.
Nhưng tôi lại lo hơn, liệu họ bỏ xứ mà đi thì đi đâu mới an toàn bây giờ? Khi mà mỗi ngày thấy nơi nào cũng nhan nhản chuyện phá rừng, chuyện thiên nhiên đáp trả?
Và sau nỗi sợ có hình thù rõ ràng đó những người dân như tôi có cảm giác niềm tin bị phản bội. Có lẽ người dân sẽ chỉ biết than trời khi nghe những câu nói kiểu: “Chúng tôi có đi điều tra đâu” của một người đứng đầu có trách nhiệm.
Câu trả lời đó vô tình đặt người dân vào một hoàn cảnh bắt buộc phải chịu đựng, hoặc trả giá trong tương lai gần cho những sai lầm khi những người có trách nhiệm đã không làm hết trách nhiệm được nhân dân, tức là chính chúng tôi, giao phó.
Tôi cảm thấy cay đắng và lo sợ trước những dự án phá rừng như thế.
Rừng mất đi khó mà lấy lại được, môi trường sống sạch cũng sẽ biến mất bởi những dự án phá rừng. Và niềm tin của người dân cũng vơi dần, khó lấy lại được nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, đấu tranh hiệu quả, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức sai trái.
Hơn bao giờ hết, những người dân chúng tôi cần “được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra” vào việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống hiện tại và tương lai của đất nước chúng ta. (Tuổi Trẻ 20/5)đầu trang(
Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra, các cấp ban ngành và chính quyền các xã có diện tích rừng lớn của huyện Nho Quan đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm chủ động trong công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng.
Nho Quan có trên 18.300 ha rừng, trong đó có hơn 11.300 ha rừng đặc dụng và 2.500 ha rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ và rừng khoanh nuôi núi đá. Diện tích tập trung nhiều ở một số xã như Thạch Bình, Cúc Phương, Phú Long, Quảng Lạc, Kỳ Phú.
Để đảm bảo cho công tác phòng chống cháy rừng trong thời điểm nắng nóng, huyện đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các xã triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng.
Trong đó tập trung rà soát những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời chỉ đạo, triển khai hiệu quả các biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân xử lý thực bì nhằm bảo đảm an toàn trong phòng chống cháy rừng. Duy trì chế độ trực chỉ huy chữa cháy rừng và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ, hậu cần và các điều kiện khác để chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ. (Đài PTTH Ninh Bình 21/5)đầu trang(
Vấn đề đặt ra là bảo tồn và phát triển Sơn Trà theo hướng nào cần phải tìm được tiếng nói chung.
Bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng có vị trí đặc biệt về địa lý, quốc phòng an ninh, là nơi lưu giữ hệ sinh thái động thực vật đa dạng, có nhiều loài đặc hữu quý hiếm. Với giá trị tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, “độc nhất vô nhị”, Sơn Trà không chỉ là lá phổi xanh mà còn là thương hiệu nhận diện của thành phố Đà Nẵng.
Hiện đã có hàng chục dự án du lịch, cả trăm nền móng biệt thự chờ bán, nhưng câu chuyện cấp phép đầu tư, phát triển du lịch sinh thái hay giữ Sơn Trà nguyên trạng vẫn còn nhiều tranh cãi.
Mới đây, quan điểm về phát triển bán đảo Sơn Trà trở nên nóng hơn sau buổi làm việc giữa Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng. Ngày 11/5 vừa qua, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch dẫn đầu Đoàn công tác vào làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng để giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội này. Kết thúc buổi làm việc, đại diện Tổng cục Du lịch “né tránh” báo chí, không cử người phát ngôn cũng không có thông cáo báo chí khiến dư luận có nhiều ý kiến khác nhau.
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam cho rằng, bảo tồn Sơn Trà mà chỉ khoanh lại, giữ khư khư thì cũng không nên. Ông Sự không phản đối việc cấp phép đầu tư các dự án du lịch trên Sơn Trà để phát triển kinh tế, nhưng phản đối cách làm đại trà theo kiểu phân lô, bán nền.
Theo ông Sự, với ý kiến đề nghị tháo dỡ hết những biệt thự đã cấp phép, những dự án đã xây dựng để trồng rừng thì càng không ổn. Vấn đề là phải quản lý và phát triển như thế nào để vừa giữ được Sơn Trà, vừa phát triển du lịch. Theo ông Nguyễn Sự, mọi sự tác động đến Sơn Trà cần phải thận trọng và khoa học.
Trước mắt, nên rà soát lại các dự án đã cấp phép trên Sơn Trà, đồng thời tổ chức hội thảo chuyên đề bàn về phát triển Sơn Trà theo hướng nào: “Phải tỉnh táo ngồi lại rà soát lại từng dự án một. Xem cái nào không ảnh hưởng nhiều thì phải giữ, cái nào bất hợp lý thì phải điều chỉnh. Cái nào chưa làm thì có thể dừng lại hoặc có chính sách với doanh nghiệp. Nhưng mà không thể tuyên bố ngay là dẹp bỏ hoặc hủy. Mà muốn làm được này thì tổ chức hội thảo khoa học gồm những người hiểu biết Sơn Trà, nhà khoa học kể cả nhà quản lý và kể cả doanh nghiệp. Như vậy mới ra vấn đề”.
Cùng quan điểm này, ông Lê Văn Lanh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam cho rằng, tài nguyên thiên nhiên là tài sản của quốc gia, mọi người dân phải được thụ hưởng; đồng thời cũng phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển các dự án du lịch phù hợp với thực tế. Quan điểm chung là bảo đảm phát triển du lịch bền vững trên bán đảo Sơn Trà, khai thác hợp lý thế mạnh về giá trị tài nguyên biển, rừng của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, góp phần đa dạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch.
Ông Lê Văn Lanh khẳng định: “Bảo tồn nhưng không có nghĩa là giữ nó khư khư, bảo tồn nhưng vẫn phải phát triển. Thế nhưng phải phát triển ở mức độ không gây những tác động, tác hại lên các hệ sinh thái tự nhiên một cách quá mức. Thế nên phải có những giải pháp, những can thiệp của khoa học kỹ thuật. Phải có những giải pháp tốt thì nó hạn chế được thôi. Không nên bảo tồn một cách nghiêm ngặt quá. Nên hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Phát triển bền vững phải hài hòa và cân bằng”.
Nói về bảo tồn và phát triển du lịch Sơn Trà theo hướng nào, Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Kiến trúc sư Khuất Tân Hưng, Phó Trưởng bộ môn Lý luận và Bảo tồn Di sản, Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội cho biết, đối với các Khu Bảo tồn Thiên nhiên, ưu tiên hàng đầu là bảo tồn sự đa dạng sinh học của rừng, đảm bảo môi sinh cho các loài động thực vật đặc hữu có giá trị cao về khoa học. Các dự án du lịch (nếu có), chỉ nên làm du lịch sinh thái với sự can thiệp tối thiểu để không gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên và cảnh quan, môi trường.
Theo ông Khuất Tân Hưng, không thể chấp nhận việc xây dựng các khu lưu trú lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm ha trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên dù với bất cứ lý do gì. Bởi tàn phá tự nhiên không chỉ là tàn phá môi trường của các loài động thực vật đặc hữu mà còn gây hại chính môi trường sống của con người.
“Theo ý kiến của tôi thì tất cả những tác động đến những điểm sáng về mặt cảnh quan như vậy thì nên thận trọng, mà đặc biệt là khu dự trữ, khu tự nhiên như thế thì rất là quý giá. Vì động chạm vào nó thì nguy cơ mất đi vĩnh viễn luôn. Rà soát lại thì đương nhiên là việc phải làm. Thế nhưng mà khả năng càng hạn chế tác động vào khu đấy thì càng tốt”- ông ông Khuất Tân Hưng chia sẻ.
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì “báu vật” Sơn Trà trở thành lợi thế cho thành phố Đà Nẵng tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nên có các giải pháp thông minh để vừa khai thác tốt tiềm năng du lịch, vừa không xâm hại đến môi trường.
Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, cấp phép đầu tư cho các dự án làm du lịch là cần thiết. Nhất là đối với các dự án du lịch sinh thái thì cần được khuyến khích và ưu đãi. Chúng ta có thể phát triển Sơn Trà nhưng không thể chấp nhận các dự án xâm hại thô bạo đến thiên nhiên, môi trường.
Ông Nguyễn Tấn Vạn cho biết thêm, kinh nghiệm xây dựng các khu du lịch sinh thái hài hoà với cảnh quan, thân thiện với môi trường cũng có rất nhiều ở nước ta. Nhiều nhà đầu tư thông minh đã chọn hình thức kiến trúc xây dựng "ẩn vào trong không gian rừng"; đầu tư xây dựng tại khu vực vùng lõm; mở các tuyến đường nhỏ thân thiện môi trường, hạn chế các trục giao thông cơ giới...
Ngay tại Sơn Trà, khách sạn Intercontinental có đẳng cấp thế giới, ẩn mình trong rừng nguyên sinh là một trong những nơi đảm bảo lưu trú cho các nhà tài phiệt, các nguyên thủ quốc gia, góp phần hoàn chỉnh hạ tầng để Đà Nẵng đảm bảo điều kiện đăng cai tuần lễ cấp cao APEC 2017.
Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam phân tích: “Chúng ta có thể phát triển nó nhưng phải bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, phải biết bảo vệ nhưng phải biết hưởng thụ vì mục đích cho mọi người, chứ không phải cứ cảnh quan thiên nhiên là cấm không được xây dựng, là giữ yên. Theo tôi là xây dựng trên bán đảo này không nên xây to, các công trình biệt thự không nên làm to mà làm nhỏ, lẩn vào trong rừng, phục vụ du lịch chứ đừng biến nó thành của riêng từng gia đình nhỏ ở trong những biệt thự to được. Cách đó là cách làm hiệu quả nhất đối với bán đảo Sơn Trà”.
Bán đảo Sơn Trà có núi, có rừng, có biển và gần trung tâm thành phố là khu vực có tiềm năng, lợi thế lớn về du lịch. Vấn đề đặt ra là bảo tồn và phát triển Sơn Trà theo hướng nào cần phải tìm được tiếng nói chung. Du lịch sinh thái phát triển trong các khu bảo tồn nhằm mang lại lợi ích đáng kể cho cộng đồng địa phương cũng như đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn.
Tuy nhiên, nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường, cảnh quan và đa dạng sinh học là điều khó tránh khỏi nếu không được quản lý hiệu quả. Vì vậy, một số chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, trước mắt, thành phố Đà Nẵng cùng với Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch nên khẩn trương rà soát lại tất cả các dự án tại khu vực này; đánh giá lại hiệu quả, tác động của từng dự án; đồng thời công bố thông tin về thực trạng; sớm tổ chức các cuộc hội thảo, nghiên cứu khoa học để tìm ra giải pháp phát triển hài hòa, bền vững cho bán đảo Sơn Trà. (VOV 21/5)đầu trang(
Việt Nam là quốc gia giàu có về đa dạng sinh học, được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng của tài nguyên sinh vật.
Theo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái đang trở thành ngành kinh tế đầy tiềm năng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Điều này nhờ tính đa dạng về hệ sinh thái bao gồm rừng, biển, đất ngập nước; sự phong phú và giàu có về các loài và nguồn gen sinh vật.
Dịch vụ sinh thái - môi trường cùng hệ thống các kiến thức truyền thống và văn hóa địa phương về quản lý và sử dụng tài nguyên đã làm cho đa dạng sinh học có vai trò và giá trị vô cùng to lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam, nhất là lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản.
Theo dự đoán của các nhà khoa học, số loài thực vật bậc cao có mạch ở Việt Nam ít nhất là 20.000 loài, trong đó có khoảng trên 5.000 đã được nhân dân ta dùng làm nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn cho gia súc,…
Về hệ thống động vật, hiện đã thống kê được 310 loài thú, 870 loài chim, 296 loài bò sát, 162 loài ếch nhái, trên 1.000 loài cá nước ngọt, hơn 2.000 loài cá biển và thêm vào đó là hàng chục loài động vật không xương sống ở cạn, ở biển và ở nước ngọt.
Ngoài ra Việt Nam còn có phần nội thủy và lãnh hải rộng khoảng 226.000km2, trong đó có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ và nhiều rạn san hô phong phú, là nơi sinh sống của hàng nghìn loài động vật, thực vật có giá trị.
Năm 1994 một hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn đã được quy hoạch và thành lập trên toàn quốc. Đến nay, Việt Nam đã có 164 khu bảo tồn rừng đặc dụng với tổng diện tích gần 2,2 triệu ha và dự kiến đến năm 2020 sẽ nâng lên 176 khu tương đương 2,4 triệu ha.
Việt Nam đã có 8 khu Ramsar, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 khu di sản thế giới, 5 khu vườn di sản Asean, 63 vùng chim quan trọng được Tổ chức Bảo tồn chim thế giới công bố trên toàn cầu.
​Hiện nay, quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý nhà nước về đa dạng sinh học chủ yếu dựa trên cơ sở phân chia các hệ sinh thái tự nhiên. Trong khi đó, các hệ sinh thái biển, rừng và đất ngập nước là một chỉnh thể thống nhất, không dễ phân biệt.
​Theo Luật Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước. Trong khi đó, theo quy định về chức năng nhiệm vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng.
Điều này tạo nên những bất cập như sự sai lệch về số lượng các khu bảo tồn giữa “Quy hoạch tổng thể đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và “Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm đối với hệ sinh thái, các khu bảo tồn đất ngập nước; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý đa dạng sinh học đối với hệ sinh thái, các khu bảo tồn rừng và biển. Trong khi đó, bản thân hệ sinh thái là một chỉnh thể thống nhất và có độ tương tác rất cao, không nên chia cắt để quản lý.
Đối với công tác quản lý nguồn gen và an toàn sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao là đầu mối quản lý chung. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang được giao chủ trì việc bảo tồn nguồn gen giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Bộ Khoa học và Công nghệ được giao là đầu mối triển khai thực hiện các nhiệm vụ về quỹ gen và bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen.
Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ quản lý nguồn gen còn có Bộ Công Thương, Bộ Y tế. Do đó, thực tế triển khai các hoạt động quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, quản lý nguồn gen, cũng như thực hiện quản lý tiếp cận nguồn gen tại nước ta còn thiếu sự liên kết, chia sẻ, trao đổi thông tin.
Việc phân công, phân cấp, quy định trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại còn thiếu rõ ràng, chồng chéo. Vấn đề quản lý, cấp phép nhập khẩu sinh vật ngoại lai vào Việt Nam cũng chưa có sự thống nhất.
Nghiên cứu 40 quốc gia trên thế giới cho thấy, chủ yếu có 3 mô hình quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, bao gồm quản lý phân cấp, quản lý tập trung, quản lý phi tập trung. Trong đó có 37 quốc gia quản lý đa dạng sinh học và các khu bảo tồn trong cùng 1 Bộ; 18 quốc gia phân công thống nhất cho 1 đơn vị trong bộ quản lý toàn bộ đa dạng sinh học và khu bảo tồn.
Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó có bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Song thực tế hiện có 2 Bộ trực tiếp tham gia quản lý là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tương ứng với mô hình quản lý phi tập trung.
Nhằm tránh nguy cơ trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, để quản lý thống nhất về đa dạng sinh học cần giao 1 Bộ đầu mối quản lý toàn bộ ở cấp quốc gia, thay vì giao quản lý theo các hệ sinh thái như hiện nay.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý nhưng đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn đang trên đà bị suy thoái. Rừng và các hệ sinh thái sông, hồ, đầm phá, hệ sinh thái biển và ven bờ tiếp tục bị đe dọa.
Các hành vi buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã nguy cấp vẫn đang diễn ra hàng ngày. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học đang tiếp tục phải đối đầu với nhiều thách thức trong thời gian tới. Để có thể thành công trong công cuộc bảo tồn, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chính phủ cần có sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đồng trong xã hội.
Chính vì vậy, Ngày quốc tế về đa dạng sinh học 22/5 năm 2017 với chủ đề “Đa dạng sinh học và Du lịch bền vững” là cơ hội nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng; giúp các nhà hoạch định chính sách công và tư nhân có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học;
huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đưa du lịch trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực trong việc bảo tồn và sử dụng dịch vụ hệ sinh thái; thúc đẩy thay đổi về chính sách, hành vi kinh doanh và tiêu dùng trong du lịch bền vững, góp phần phát triển bền vững đất nước. (Bnews 21/5)đầu trang(
Vườn quốc gia Bái Tử Long, Quảng Ninh vừa được tôn vinh là Vườn Di sản thứ 38 của ASEAN nhờ tính toàn vẹn sinh thái, tính đại diện, tính tự nhiên, tính bảo tồn cao...
Lễ trao danh hiệu Vườn di sản được tổ chức ngày 19/5, tại TP Hạ Long do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.
Chương trình Vườn di sản ASEAN là một trong những sáng kiến của Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, được thực hiện từ năm 2002.
Vườn quốc gia Bái Tử Long được công nhận là Vườn di sản bởi hội tụ đầy đủ 6 tiêu chí: Tính toàn vẹn sinh thái, tính đại diện, tính tự nhiên, tính bảo tồn cao, kế hoạch quản lý, bảo tồn và tính pháp lý. Đây là vườn di sản thứ 6 của Việt Nam và 38. Trước đó, vườn quốc gia Ba Bể, Hoàng Liên, Kon Ka Kinh, Chư Mom Ray và U Minh Thượng cũng đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN.
Vườn quốc gia Bái Tử Long là một khu bảo tồn sinh quyển cấp quốc gia tại khu vực vịnh Bái Tử Long huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, Việt Nam, được thành lập năm 2001. Hơn 80 hòn đảo lớn nhỏ ở đây được chia thành 3 cụm đảo chính: Ba Mùn, Trà Ngọ và Sậu. Vườn đã thống kê được 2.212 loài (có tên), bao gồm 108 loài trong sách đỏ Việt Nam.
Khách tham quan vịnh Bái Tử Long có thể mua vé, thuê tàu từ cảng Tuần Châu. (Xây Dựng + Quân Đội Nhân Dân 20/5)đầu trang(
Ngày 21/5, tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội) tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường, Hội Doanh nghiệp Hà Nội đã tổ chức lễ phát động Toàn dân chung tay Bảo vệ Môi trường.
Tham dự, buổi lễ phát động coa đại diện các sở, ban, ngành Thành phố Hà Nội, Huyện Ba vì, các cơ quan thông tấn báo chí và đông đảo nhân dân địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Hồng Phúc, Trưởng ban tổ chức chương trình cho biết: “Đây là sự kiện hết sức thiết thực có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, nhằm kêu gọi toàn thể cộng đồng, xã hội cùng chung tay bằng những hành động cụ thể, thiết thực nhất để cải tạo môi trường sống, bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên”.
Với chủ đề “Hành động bảo vệ môi trường vì cuộc sống con người và thiên nhiên” là sự kiện thiết thực có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, nhằm kêu gọi toàn cộng đồng xã hội cùng chung tay bằng những hành động cụ thể, thiết thực nhất để bảo vệ môi trường.
Sự kiện này là cơ sở để các cấp, các ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai xây dựng các chính sách phù hợp với sự phát triển chung của toàn xã hội.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, doanh nhân chung tay cùng với chính quyền và người dân tham gia vào những hoạt động thiết thực để bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống của con người, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ hiểu hơn về tầm quan trọng của rừng và môi trường, hậu quả của những hành động làm ảnh hưởng tới chính cuộc sống xung quanh chúng ta. Từ đó khuyến khích các em đóng góp sức nhỏ của mình trong công cuộc cải tạo bảo vệ rừng và tài nguyên môi trường nơi các em sinh sống và học tập.
Nhân dịp này, Hội doanh nghiệp Hà Nội dành những phần quà có ý nghĩa tặng các em học sinh là con em gia đình chính sách, gia đình có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi, chăm ngoan, có ý thức bảo vệ môi trường tại địa phương. (Tài Nguyên & Môi Trường 21/5)đầu trang(
Những ngày này, nhiều người cảm thấy lo lắng về việc rừng Sơn Trà đang bị đe dọa bởi hóa chất. Đáng lo ngại nhất là khoảnh rừng tiếp giáp với tuyến đường Yết Kiêu thuộc phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), đang bị xử lý bằng hóa chất diệt cỏ để diệt dây bìm leo.
Khoảnh rừng này là sinh cảnh của  ít nhất 2 bầy đàn vọoc chà vá chân nâu với khoảng 20 cá thể. Trong khi  loại dây leo này là thức ăn chủ yếu của loài vọoc chà vá chân nâu được xếp vào danh mục bảo tồn vô điều kiện.
Từ phản ánh của rất nhiều người quan tâm đến Sơn Trà về dây bìm leo -  một trong những nguồn thức ăn chủ yếu của vọoc chà vá chân nâu ở khoảnh rừng giáp với đường Yết Kiêu bị khô héo đột ngột, ngày 21/5 phóng viên (PV) báo Đại Đoàn Kết đã  tiếp cận được với người trực tiếp tiêm hóa chất diệt cỏ vào dây bìm.
Người đàn ông tên là Tuấn, nhà ở Huế, được thuê “tiêm thuốc” vào dây bìm leo ở Sơn Trà với khoản tiền công 200.000 đồng/ngày, nói rằng không biết chất nước màu vàng úa đựng trong bình nhựa loại 1 lít mà ông ta cõng trên lưng để tiêm vào thân dây bìm làm chúng khô héo nhanh là loại hóa chất gì.
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn xác nhận, đây là đề tài được TP Đà Nẵng đặt hàng với Bộ Khoa học và Công nghệ và đơn vị trúng thầu thực nghiệm đề tài diệt dây bìm leo (thực vật ngoại lai xâm hại) ở Sơn Trà hiện nay là Viện Môi trường nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam).  Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn chỉ có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện đề tài này trên diện tích rừng có bìm leo ở Sơn Trà.
Từ thông tin ít ỏi của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, PV báo Đại Đoàn Kết tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Huy Mạnh- Phó trưởng Bộ môn An toàn và Đa dạng sinh học Viện Môi trường nông nghiệp.
Ông Mạnh xác nhận đề tài diệt dây bìm leo ở Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà là đề tài cấp Nhà nước được TP Đà Nẵng đặt hàng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trong số các đơn vị đề xuất thực hiện đề tài, Viện Môi trường nông nghiệp đã được lựa chọn để áp dụng phương pháp diệt dây bìm leo bằng hóa chất. Đề tài này bắt đầu thực nghiệm ở Sơn Trà từ năm 2016. Khi đó có 2 đơn vị cùng tham gia là Viện Môi trường nông nghiệp và Đại học Duy Tân (Đà Nẵng).
Do có thay đổi về nhân sự của Đại học Duy Tân nên hiện nay Viện Môi trường nông nghiệp là đơn vị thực hiện chủ yếu đề tài tiêm hóa chất diệt cỏ vào dây bìm leo ở Sơn Trà.
Nêu câu hỏi về tên loại hóa chất được tiêm vào dây bìm leo làm cho chúng chết rất nhanh, PV được ông Nguyễn Huy Mạnh cho biết đây là 2 loại hóa chất trừ cỏ sử dụng phổ biến ở Việt Nam.
2 loại hóa chất gồm Glyphosate và Metsulfuronmethyl, theo ông Mạnh là không độc hại với người và động vật. Tại Sơn Trà, người của Viện Môi trường nông nghiệp dùng đục thợ mộc, khoét 1 lỗ trên dây bìm, bơm Glyphosate và Metsulfuronmethyl vào rồi dùng băng keo bịt kín  không cho thẩm lậu ra bên ngoài.
Phương pháp này được ông Mạnh khẳng định làm dây bìm chết nhanh, không tác động đến các loài thực vật khác. Năm 1016, đề tài thử nghiệm trên diện tích vài ngàn m2. Năm nay diện tích thực hiện đè tài nâng lên 10ha.
Hóa chất Glyphosate đã bị nhiều quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Thụy Sỹ, Hà Lan cấm sử dụng vì là tác nhân gây ung thư cho người và động vật. Nhiều quốc gia khác phản đối sử dụng Glyphosate vì gây ra các bệnh nguy hiểm đối với  thận, dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ, bệnh đường tiêu hóa, Parkinson, đặc biệt là tổn thương thần kinh và ung thư. Trong khi rất nhiều quốc gia phát triển tẩy chay Glyphosate thì ở các quốc gia sản xuất nông nghiệp, hoạt chất Glyphosate lại được sử dụng phổ biến
Trao đổi việc này với chuyên gia về linh trưởng Vũ Ngọc Thành (Đại học Quốc gia Hà Nội), PV được ông Thành cảnh báo, trong khi cuộc tranh cãi về độc tố của hoạt chất diệt cỏ Glyphosate  trên thế giới chưa có hồi kết, cần cẩn trọng trong sử dụng hoạt chất này.
Tốt nhất là nên dừng việc thực nghiệm vì không có gì đảm bảo cho tương lai của loài vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà khi chúng ăn phải thân và lá bìm leo có tồn dư chất diệt cỏ.
Chất diệt cỏ thẩm thấu vào đất đai, cây cỏ sau chiến tranh đã để lại di chứng nặng nề với con người qua nhiều thế hệ, ai có thể nói rằng chất diệt cỏ Glyphosate bơm vào dây bìm không gây tổn hại đến tương lai của vọoc chà vá chân nâu?
Chuyên gia Vũ Ngọc Thành cũng đồng thời cảnh báo về việc thẩm thấu hóa chất ngoài ý muốn, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của khu vực dân cư rộng lớn của Đà Nẵng trong khi gần 1/3 dân cư TP này sử dụng nước từ Suối Đá chảy ra Hồ Xanh!
TS Hà Thăng Long - Trưởng đại diện Hội động vật học Frankfurt tại Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt xanh (GreenViêt) cho rằng cần xem lại hiệu quả của đề tài diệt dây bìm bằng hóa chất trừ cỏ ở Sơn Trà. Năm 2016, đề tài này thí điểm tại các vị trí dọc con đường xuống Suối Đá.
Cả vạt bìm khô quắt ngay sau khi bơm thuốc nhưng chỉ thời gian sau chúng lại lên xanh trở lại trong khi không chỉ có vọoc, mà cả loài khỉ cũng rất thích ăn dây và lá bìm.
Trở lại với vạt rừng giáp tuyến đường Yết Kiêu đã bắt đầu khô héo nhanh vì bị bơm hóa chất, một nhiếp ảnh gia yêu thiên nhiên Sơn Trà, đưa ra bức ảnh đàn vọoc đông đúc ngồi trên cái cây phủ kín dây bìm.
Lá bìm trên cây đã bắt đầu khô héo nhưng với cảnh báo của TS Long thì chẳng bao lâu nữa, dây bìm lại bén rễ, lá bìm lại  xanh, là thức ăn ưa thích của vọoc.
Tương lai các thế hệ con cháu của loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới, trong danh mục bảo tồn vô điều kiện ở Sơn Trà đang thật khó đoán định khi ăn phải thân lá dây bìm tồn dư hóa chất diệt cỏ. (Đại Đoàn Kết 22/5)đầu trang(
19/5, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản gửi Sở NN&PTNT, UBND huyện Ia Grai, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ yêu cầu điều tra, xử lý các đối tượng bức tử 102 cây thông ở xã Ia Dêr, huyện Ia Grai.
Vạt rừng thông bị chết nằm tại khoảnh 9, tiểu khu 309, thôn Jút 2 (xã Ia Dêr) do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ trông coi, các cây có đường kính từ 25-30cm.
Ở gốc những cây thông bị chết đều bị đục từ 1-3 lỗ, đường kính khoảng 5cm, sâu vào thân cây 15cm , rồi đổ vào một loại hóa chất màu trắng đục khiến cây thông chết dần trong 1 tháng.
Ông Nguyễn Đức - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cho biết, đơn vị đã trao đổi và phối hợp với UBND xã Ia Dêr trồng lại số cây bị chết trong tháng 5 này. (Tiền Phong 20/5)đầu trang(
Bán đảo Sơn Trà là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát Voọc Chà vá chân nâu- “Nữ hoàng linh trưởng”. Đây là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương, thuộc Sách Đỏ Việt Nam. Do đó, cần ưu tiên bảo tồn sinh cảnh sống của loài ở đai độ cao dưới 200m so với mực nước biển, mọi hoạt động du lịch đều phải được thiết kế đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống bình thường của loài linh vật biểu tượng này...
Văn phòng Chính phủ vừa gửi thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP.Đà Nẵng về kiến nghị xem xét lại quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu 2 cơ quan trên khẩn trương chỉ đạo xem xét một cách thực sự khoa học và cầu thị kiến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng. Những nội dung sau đó phải kịp thời thông tin đầy đủ cho công luận và có báo cáo cho Thủ tướng chính phủ trước ngày 30/5.
Khoảng tháng 3/2017, dư luận Đà Nẵng xôn xao trước những hình ảnh một phần núi Sơn Trà bị cày xới, nham nhở để thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng của Công ty CP Biển Tiên Sa. Từ xót xa, dư luận đã phản ứng gay gắt yêu cầu chính quyền Đà Nẵng phải vào cuộc làm rõ. Nhà chức trách sau đó đã đình chỉ dự án này vì tự ý xây dựng 40 móng biệt thự không phép.
Những ngày vừa qua, nhiều chuyên gia sinh học, môi trường, kiến trúc, quy hoạch đồng loạt lên tiếng cho rằng, việc phát triển du lịch ở Sơn Trà có nguy cơ khiến bán đảo này bị ảnh hưởng, bê tông hóa.
Theo phân tích, Sơn Trà là lá phổi xanh, trái tim của Đà Nẵng, thậm chí  những chuyên gia quân sự Quân khu 5 cũng khẳng định, bán đảo Sơn Trà có vị trí chiến lược, quốc phòng đặc biệt quan trọng. Do vậy, cần cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc làm du lịch ở vị trí này.
Giữa “tâm bão” dư luận, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã thẳng thắn gửi thư kiến nghị xem xét lại quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà lên Thủ tướng Chính phủ. Bức thư kiến nghị này nhận được sự đồng tình của dư luận. Có hơn 11.700 người đã ký tên ủng hộ nội dung này.
Sau một số lần trì hoãn và đổi địa điểm, ngày 11/5, Phó Tổng Cục trưởng Cục Du lịch Hà Văn Siêu đã dẫn đầu đoàn công tác vào Đà Nẵng làm việc, giải quyết kiến nghị nêu trên của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng.
Cuộc họp này một lần nữa gây bức xúc cho người dân Đà Nẵng vì báo chí không được phép tham dự. Trong khi đó, nguồn tin từ cuộc họp cho thấy, Tổng cục du lịch đã không thống nhất đồng ý xem xét lại quy hoạch.
Cũng trong ngày 11/5, 3 tổ chức là Trung tâm con người và thiên nhiên, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh và Nhóm nghiên cứu giảng dạy môi trường và tài nguyên sinh vật (Đại học Đà Nẵng) đã đồng ký thư khuyến nghị gửi Thủ tướng và lãnh đạo Đà Nẵng.
Chưa dừng lại đó, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng và một số đơn vị, tổ chức khác tại Đà Nẵng đã và đang tiếp tục có những kiến nghị mới lên Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch Sơn Trà.
Ngày 14/5, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, dù không đạt được những thỏa thuận nhất định, nhưng ông cũng đã trao cho Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu “Thư khuyến nghị về giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà”.
Thư khuyến nghị được ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature- thuộc Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam), ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet- thuộc Liên hiệp các Hội KH-KT TP Đà Nẵng) và PGS.TS Võ Văn Minh, Trưởng nhóm Nghiên cứu – Giảng dạy Môi trường & Tài nguyên sinh vật (DN-EBR) thuộc Đại học Đà Nẵng đồng ký trước đó vài ngày.
Bức thư được nhờ chuyển gửi cho Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng “trước nguy cơ các giá trị sinh thái độc đáo của Sơn Trà sẽ bị tác động nghiêm trọng trong tương lai gần”.
Bản tổng hợp các vấn đề liên quan đến bán đảo Sơn Trà (tài liệu gửi kèm theo Thư khuyến nghị) gồm 12 trang, trong đó tập trung vào các nội dung chính như “Tầm quan trọng và giá trị của bán đảo Sơn Trà hay Vì sao cần cân nhắc kỹ các quyết định liên quan đến phát triển bán đảo Sơn Trà?”; “Quá trình thu hẹp của diện tích rừng ở bán đảo Sơn Trà”; “Những vấn đề pháp lý liên quan đến sự thu hẹp của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà” và một số vấn đề khác.
“Bán đảo Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng gắn liền biển tự nhiên duy nhất ở Việt Nam nằm ngay tại nội thành. Tuy nhiên, sự bùng nổ của hoạt động du lịch không bền vững trong những năm gần đây đang đe dọa sự tồn tại của hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà – nguồn giá trị chính khiến Sơn Trà trở nên hấp dẫn đối với du khách.
Với ba mặt tiếp giáp biển, một mặt tiếp giáp đô thị, Sơn Trà không có cơ hội mở rộng diện tích, trái lại đã bị thu hẹp tới 41% diện tích (theo quy hoạch) so với thời điểm được công nhận là rừng cấm quốc gia năm 1977”, bản tổng hợp các vấn đề liên quan đến Sơn Trà nêu
Chính vì thế, những người tâm huyết với Sơn Trà, trong đó có ông Vinh, ông Vỹ… ghi rõ:
Thứ nhất, cần rà soát lại toàn bộ các Quy hoạch liên quan đến bán đảo đã được phê duyệt nhằm thống nhất con số về diện tích rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Hiện nay số liệu về diện tích Sơn Trà còn mâu thuẫn, ví dụ quy hoạch thổng thể về bảo tồn đa dạng sinh học, diện tích Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà là 3.871ha. Trong khi theo Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng, chỉ có 2.591,1ha. Còn theo quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà chỉ có diện tích 1.826,5ha trong tổng số diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 2.810,9ha.
Thứ hai, rà soát và chấn chỉnh lại việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Sơn Trà, đặc biệt là chuyển đổi đất rừng đặc dụng/Khu bảo tồn thiên nhiên sang “đất khác”. Điểm này, mọi người lưu ý khái niệm rừng ở độ cao 200m trở xuống ở Sơn Trà được xếp loại “rừng nghèo” là không đúng cơ sở khoa học và cần có đánh giá khách quan của cơ quan chuyên môn.
Thứ ba, tổ chức điều tra và thẩm định lại Đánh giá Môi trường Chiến lược đối với Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Thứ tư, xây dựng quy hoạch tích hợp tổng thể về bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, kết nối cả hệ sinh thái rừng và biển trong một tổng thể mối liên hệ sinh thái tự nhiên.
Thứ năm, xem xét quy hoạch hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới trình UNESCO công nhận như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.
Thứ sáu, xây dựng cơ chế thống nhất giao một đơn vị chính quản lý, bảo vệ rừng, quản lý mọi hoạt động du lịch của du khách và người dân lên bán đảo Sơn Trà.
Thứ bảy, xây dựng mô hình du lịch sinh thái tạo ra thu nhập từ hoạt động bảo tồn hệ sinh thái và thiên nhiên hoang dã ở Sơn Trà. Theo đó, hình ảnh Voọc Chà vá chân nâu được xây dựng thành biểu tượng linh vật của Đà Nẵng tương tự như gấu trúc ở Trung Quốc, đại bang đầu trắng ở Mỹ, kangaroo ở Úc để thu hút du khách đến Đà Nẵng.
Bán đảo Sơn Trà là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát Voọc Chà vá chân nâu- “Nữ hoàng linh trưởng”. Đây là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương, thuộc Sách Đỏ Việt Nam. Do đó, cần ưu tiên bảo tồn sinh cảnh sống của loài ở đai độ cao dưới 200m so với mực nước biển, mọi hoạt động du lịch đều phải được thiết kế đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống bình thường của loài linh vật biểu tượng này cũng như sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách.
Thứ tám, nghiên cứu và áp dụng mô hình tổ chức phi lợi nhuận tham gia quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà như mô hình Công viên thiên nhiên Đảo Phillip ở bang Victoria của Úc và Khu bảo tồn khỉ Tarsier ở Bohol, Philippine. Theo đó, doanh thu từ du lịch sinh thái như vé tham quan, quà lưu niệm sẽ được tái đầu tư vào các chương trình bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu và giáo dục quan trọng tại cộng đồng địa phương.
“Ngoài những giá trị thiên nhiên và hệ sinh thái đặc biệt nổi trội, tiềm năng du lịch sinh thái bền vững, bán đảo Sơn Trà còn có vị trí quốc phòng, an ninh trọng yếu. Các Bộ, ngành cần hết sức thận trọng khi phê duyệt các quy hoạch phát triển ngành du lịch trong tương lai và thực hiện các hoạt động tại bán đảo Sơn Trà nhằm đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái. Và cũng chính điều này, tiếng “kêu cứu” từ Đà Nẵng khả năng sẽ có hướng mở trong thời gian tới”, ông Vinh chia sẻ. (Pháp Luật VN 21/5)đầu trang(
Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bắc Cạn vừa ban hành nghị quyết về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm, kết hợp hài hòa phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống dân cư khu cực có đa dạng sinh học.
Quy hoạch này được ban hành trên cơ sở Luật Đa dạng sinh học, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh có đa dạng sinh học cao, trong đó tập trung chủ yếu tại Vườn quốc gia Ba Bể, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, nhưng đã và đang bị xâm hại.
Đa dạng sinh học tại ba khu bảo tồn nêu trên đang bị suy giảm đáng kể cả về chất lượng và số lượng. Đó là, nhiều loài thực vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng; hệ động vật bị xâm hại nghiêm trọng. Một số loài quý hiếm, đặc hữu chưa được nghiên cứu, phát hiện...
Do đó, việc tỉnh Bắc Cạn ban hành quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học làm cơ sở để tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, phát triển các loài, sinh cảnh bị suy thoái và phát triển các nguồn gen quý hiếm, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học.
Tỉnh Bắc Cạn đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ đánh giá toàn diện hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn; bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái, thành lập khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng trên địa bàn xã Xuất Hóa, TP. Bắc Cạn với diện tích gần 500 ha.
Chuyển tiếp ba khu bảo tồn, gồm: Vườn quốc gia Ba Bể, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc sang hệ thống khu bảo tồn theo Luật Đa dạng sinh học.
Đến năm 2030, sẽ thành lập bảy cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, như: Vườn thực vật, Trung tâm bảo tồn Du Sam, Bảo tàng thiên nhiên, Trung tâm cứu hộ - bảo tồn... tại các khu bảo tồn nêu trên.
Để quy hoạch này được thực hiện có hiệu quả, đạt những mục tiêu đề ra, tỉnh ban hành các giải pháp về tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực, về khoa học - công nghệ, cơ chế, chính sách, nguồn vốn và hợp tác.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc rà soát, bổ sung, xây dựng các văn bản quy định về quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên. Tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các vi phạm, xâm phạm quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
Hiện nay, tỉnh Bắc Cạn đang thực hiện một số giải pháp nhằm tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân ở các khu bảo tồn thiên nhiên.
Đặc biệt, đang quyết liệt chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp ngăn chặn, điều tra thủ phạm khai thác, cán bộ bao che, dung túng cho hành vi khai thác nghiến trái phép tại Vườn quốc gia Ba Bể khiến dư luận bức xúc thời gian gần đây. (Tạp Chí Tài Chính 19/5)đầu trang(
Chiều 21.5, Hoa hậu Phạm Hương và Á hậu Lệ Hằng đã lên đường sang Kenya theo lời mời của Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) cùng Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã WildAid toàn cầu với tư cách Đại sứ thiện chí, nhằm kêu gọi chấm dứt nạn săn bắn, mua bán trái phép ngà voi, đồng thời bảo vệ loài voi khỏi nguy cơ tuyệt chủng. (Thanh Niên 21/5)đầu trang(
Việc nhiều người ăn thịt động vật hoang dã quý hiếm, uống rượu pha tiết rắn, rùa, dê… với hy vọng khỏe “chuyện ấy” đã đẩy nhiều loài đến bờ tuyệt chủng.
19/5, Tân Hoa Xã (Xinhua) có bài viết mô tả chi tiết tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam và cách thức giảm thiểu kiểu “ăn cho tuyệt chủng” này.
Tại một nhà hàng ở đường Hai Bà Trưng, TPHCM, người phục vụ đem ra bàn ăn một con rồng đất (còn gọi là kỳ tôm, tên khoa học là Physignathus cocincinus). Bốn thực khách nam dán mắt vào con vật màu xanh đang giãy giụa. Số phận con vật nhanh chóng được định đoạt.
Rồng đất bị cắt tiết, máu đỏ chảy thành dòng vào những cốc rượu đế đã được chuẩn bị sẵn. Sau đó, tim, mật tươi nguyên được móc ra, thả vào cốc; xương, thịt còn lại được đem vào bếp quay lên.
“Sau khi uống máu, ăn thịt con rồng này, chúng ta sẽ hành lạc nhất dạ đế vương”, một thực khách cười sảng khoái cùng ba người bạn. Nhưng họ không biết rằng, kiểu ẩm thực này không những không thuộc dạng “ông uống bà khen” mà còn gây tổn hại đến sức khỏe bản thân.
Các nhà khoa học đã cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh từ việc uống máu tươi của động vật (pha với rượu), nuốt mật sống, ăn tiết canh… Mọi dịch mật đều chứa acid có độc tố cao. Ngoài ra, dịch mật có thể chứa kim loại nặng do động vật ăn phải và đào thải qua mật.
Trong khi đó, việc săn bắt, mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã cũng như trứng của một số loài đã và đang đẩy chúng đến bờ vực tuyệt chủng. Rồng đất đang đứng trước nguy cơ lớn sẽ bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên trong tương lai tương đối gần.
Rồng đất thích ăn côn trùng, đặc biệt là những loài gây hại cho mùa màng như châu chấu. Số lượng rồng đất giảm đi dẫn tới sản lượng lúa giảm theo.
Để đối phó tình trạng trên, Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp để giảm cả cung và cầu đối với thịt động vật hoang dã cũng nhưcác bộ phận khác của chúng. Việt Nam đang nhanh chóng xử lý những kẻ buôn lậu động vật hoang dã, thực hiện các chương trình hành động quốc gia để bảo tồn một số loài nguy cấp, nâng cao nhận thức của công chúng…
Ngày 10/5, chỉ hơn một tuần sau khi bị bắt giữ, Nguyễn Mậu Chiến đã bị khởi tố. Chiến được cho là đối tượng cầm đầu một trong các đường dây lớn buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm động vật hoang dã từ châu Phi về Việt Nam. Việc Chiến bị khởi tố nhanh chóng thể hiện quyết tâm cao của cơ quan chức năng Việt Nam trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Cuối tháng 4, Chiến bị bắt giữ khi đang vận chuyển khoảng 36kg sừng tê giác, 2 hổ con đông lạnh…từ TPHCM ra Hà Nội tiêu thụ. Chiến khai mua hàng từ Nam Phi, chuyển tới Malaysia rồi về TPHCM.
10/5, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, sẽ tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật; ngăn chặn hoạt động săn bắn, bẫy bắt và buôn bán trái pháp luật đến năm 2025 giảm 70% nạn săn bắn các loài linh trưởng; xây dựng ít nhất 3 trung tâm cứu hộ đạt tiêu chuẩn để thực hiện việc cứu hộ, tái thả động vật.
Ngoài ra, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, hỗ trợ hoạt động kiểm soát, thu giữ các loại súng săn trong các khu dân cư gần với môi trường sống của các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm. Đồng thời, tích hợp các bài giảng về bảo tồn đa dạng sinh học có nội dung về bảo tồn linh trưởng vào chương trình giáo dục phổ thông để tăng cường sự hiểu biết, nhận thức về bảo tồn cho công chúng…
“Ở Việt Nam, ngày càng có nhiều người nhận thức được rằng việc khai thác, sử dụng các loài động vật hoang dã quý hiếm không chỉ tàn nhẫn và phạm pháp, mà còn đi ngược lại với những giá trị nhân văn của cuộc sống văn minh hiện đại”, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên Nhiên (ENV), nói với Tân Hoa Xã.
Theo bà Dung, thói quen sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã ở một khía cạnh nào đó thể hiện sự lạc hậu, thiếu hiểu biết. Chính những thói quen này đã và đang đẩy các loài động vật hoang dã tới bờ vực tuyệt chủng.
“Hãy nói không với việc sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Chỉ một hành động nhỏ này của mỗi người dân sẽ mang lại ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ động vật hoang dã và xây dựng nếp sống văn minh”, bà Dung nhấn mạnh. (Tiền Phong 20/5)đầu trang(
Bách xanh núi đá trên thế giới đã tuyệt chủng, chỉ còn duy nhất một khu rừng thuần chủng tồn tại ở Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình, Việt Nam).
Việc phát hiện ra khu rừng có loài cây này được ví như tìm ra Sơn Đoòng thứ 2 bởi sự hiếm hoi của bách xanh núi đá còn sót lại trên toàn cầu.
Năm 2004, rừng bách xanh núi đá được phát hiện bởi Giáo sư Leonid Averyanov (Viện Thực vật Khamarop, Nga), Giáo sư Phan Kế Lộc (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh học Việt Nam) và cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Cứu hộ động vật hoang dã của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, bách xanh núi đá sống rải rác một phần vùng núi Tây Nguyên nhưng không thuần chủng và phân tán. Duy nhất trên thế giới, một khu vực vùng núi đá vôi ở Phong Nha - Kẻ Bàng xuất hiện thuần chủng loài bách xanh núi đá với 5.000ha, trong đó có 2.000ha dày đặc bách xanh cổ thụ với mật độ 600 cây/ha. Một con số không thể tìm thấy nơi nào khác trên thế giới.
Chúng tôi phải mất nhiều thời gian để được cấp phép thông hành đi đến khu rừng này, bởi nguyên tắc bảo tồn bí mật loài bách xanh núi đá đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt trên toàn cầu nên nó được khuyến cáo ưu tiên trước nhất về không tiết lộ tọa độ, hay địa danh bản địa trong hơn 125.000ha rừng Phong Nha - Kẻ Bàng. Ngay cả nhân viên kiểm lâm dẫn đường cũng được yêu cầu là không tiết lộ danh tính của họ trên truyền thông, bởi tính ưu tiên bảo vệ khu rừng được đặt lên hàng đầu.
Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết: “Các nhà khoa học về thực vật đánh giá rừng bách xanh này là tài sản quý giá không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nhân loại. Nó độc đáo, hùng vĩ, có tuổi đời hơn 500 năm, lại mọc thuần chủng và không có bất cứ địa điểm thứ 2 nào trên thế giới. Nếu so sánh, nhiều người ví khu rừng này như một Sơn Đoòng thứ hai về sự bí ẩn và nguyên sơ mà mãi thế kỷ XXI con người mới đặt chân đến”.
Bách xanh núi đá được các nhà khoa học đặt tên là: Calocedrus rupestris, nó mọc hoàn toàn trên nền đá, nơi không có đất; ở những đỉnh cao của rặng đá vôi Kẻ Bàng. “Chúng sống sót và phát triển từ 500 năm qua mà không cần bất cứ chất dinh dưỡng nào từ đất”, Giáo sư Leonid Averyanov đánh giá. Bách xanh núi đá có độ tuổi cổ xưa, thân cứng như sắt, mùi thơm xá xị toát ra là điều hết sức hấp dẫn các cư dân động vật. Các nhà khoa học phát hiện rằng, bộ rễ của chúng như mũi khoan nhưng cũng mềm mại như sợi tơ, ken dày xuống kẽ đá, kết dính lại để lấy và trữ nước nuôi sống thân cây.
Để sinh tồn và phát triển, bách xanh núi đá tiết ra dung dịch như axít nhằm bào mòn, đâm xuyên các thớ đá vôi, biến chúng thành vô số hạt cát nhỏ li ti, tạo thành chất mùn có dinh dưỡng nuôi sống toàn bộ thân cây với sự trợ giúp quang hợp từ ánh nắng mặt trời hoặc những trận mưa gió mùa sẽ hòa tan đá vôi dưới cội rễ của chúng. Bách xanh núi đá còn lấy dinh dưỡng từ hàng triệu thân địa y, rêu tảo phủ lớp dày trên bề mặt núi đá sau mỗi mùa đông. Vì đặc tính sinh thái đó mà tộc người bản địa gọi bách xanh núi đá là linh mộc.
Ông Nguyễn Tấn Hiệp, nguyên giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết: “Tôi có 2 tháng cùng cán bộ trung tâm khoa học của vườn và Giáo sư Leonid đi vào rừng bách xanh. Tôi khẳng định rằng, việc tìm ra rừng bách xanh này có ý nghĩa toàn cầu. Bởi hiện trên thế giới chỉ có 3 loài bách xanh đã được nhận diện. Việt Nam có một vài cá thể bách xanh núi đất rải rác ở một số tỉnh phía Bắc, nhưng chưa nơi nào có quần thể bách xanh núi đá rộng lớn như thế này. Đây là  loài đặc hữu, chỉ có ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Gỗ của nó cực kỳ quý hiếm”. (Sài Gòn Giải Phóng 19/5)đầu trang(
Triển khai công tác phòng cháy chữa cháy rừng vùng giáp ranh năm 2017 tại các địa phương có diện tích rừng giáp ranh trên địa bàn tỉnh là nội dung hội nghị vừa được Ban chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh tổ chức chiều 18/5 tại Thanh Chương.
Nghệ An hiện có diện tích đất có rừng gần 888.700 ha, độ che phủ rừng năm 2016 đạt gần 57%. Tổng diện tích rừng giáp ranh các huyện có rừng thông gần 20.000 ha, tập trung ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Đô Lương, Thanh Chương. Năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 46 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy hơn 88ha rừng, huy động gần 11 ngàn lượt người tham gia chữa cháy. Trong đó có 16 vụ cháy rừng vùng giáp ranh giữa 1 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, 62 vụ  cháy ra tại các địa bàn giáp ranh  giữa các huyện,  tập trung nhiều vùng giáp ranh giữa huyện Thanh Chương và Nam Đàn; huyện Đô Lương và huyện Quỳnh Lưu.
Tại đây, các đại biểu đại diện 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, các huyện đã tập trung thảo luận, nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống và chữa cháy rừng. Đồng thời đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2017 đó là:  Phát huy có hiệu quả phương án 4 tại chỗ trong chữa cháy rừng, nâng cao khả năng kiểm soát cháy rừng giảm thiểu số vụ cháy và diện tích rừng bị cháy, đặc biệt là vùng giáp ranh. Các địa phương, đơn vị tập trung kiện toàn lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng các thôn xã vùng giáp ranh và thống nhất cơ chế huy động lực lượng chữa cháy. Các chủ rừng rà soát lại quỹ đất và danh sách các hộ nhận khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 135, 163CP của Chính phủ, phát hiện những bất hợp lý để điều chỉnh kịp thời và tăng cường trách nhiệm của các chủ hộ nhận khoán; Thường xuyên phối kết hợp tuần tra canh gác lửa rừng trên địa bàn vùng giáp ranh liên tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh; quy chế các huyện, xã trong tỉnh, khi xảy ra cháy thông tin kịp thời để các địa phương liền kề được biết có trách nhiệm tổ chức chữa cháy khi đám cháy mới hình thành để hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra và hậu quả mà nó để lại. (Nghean.gov.vn 19/5)đầu trang(
Sáng 19-5, lễ ký kết khung thỏa thuận hợp tác trong công tác bảo tồn các loài hoang dã và sinh cảnh đã diễn ra tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.
VQG Yok Đôn và tổ chức WWF-Việt Nam đã ký kết khung thỏa thuận hợp tác nhằm bảo tồn và tạo điều kiện cho các loài thú quý hiếm quay trở lại Việt Nam.
TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF-Việt Nam, cho biết: VQG Yok Đôn là rừng khộp lớn nhất còn lại ở Việt Nam, cùng được xem là VQG lớn nhất Việt Nam. Mặc dù công tác bảo vệ và bảo tổn của các cán bộ rất quyết liệt. Tuy nhiên, do áp lực của người dân về việc săn bắt, chuyển đổi đất rừng để phát triển kinh tế xã hội gây áp lực rất lớn cho Vườn quốc gia.
“Như vườn quốc gia Cát Tiên năm 2010 đã tuyên bố loài tê giác cuối cùng đã tuyệt chủng. Đó là một bài học rất là đau đớn cho các trung tâm bảo tồn cũng như đơn vị quản lý ở Việt Nam. Từ đấy, chúng tôi nhận thấy VQG Yok Đôn có hệ sinh thái lớn có khả năng bảo tồn loài voi nên đây là cơ hội lớn để bảo tồn voi. VQG Yok Đôn tạo ra hệ sinh cảnh để đàn voi từ Campuchia đi qua Vệt Nam và từ Việt Nam qua Campuchia là rất lớn. Nếu như chúng ta không bảo vệ nó thì nguy cơ tuyệt chủng voi giống như tê giác là rất cao”, TS. Thịnh cho hay.
Cùng ngày, VQG Yok Đôn đã phối hợp WWF Việt Nam và huyện Buôn Đôn tổ chức buổi lễ trồng cây cho các đơn vị đóng trên địa bàn và cộng đồng người dân vùng đệm. Theo đó, hơn 1.000 cây xanh đã được cán bộ Vườn quốc gia Yok Đôn, UBND xã Krông Na, quân đội, bộ đội biên phòng, các trường học trên địa bàn huyện và phóng viên báo chí chung tay vào trồng. (Sài Gòn Giải Phóng 19/5)đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Hàng trăm cây xanh chết khô trơ cành trên dải phân cách mọc đầy cỏ dại đập vào mắt người qua lại tuyến đường Lý Sơn (Q. Long Biên, Hà Nội) nối lên cầu Đông Trù nhiều tháng nay không ai dọn dẹp.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ, đến chiều 17-5 hàng loạt cây xanh cao 4 - 5m trên đường Lý Sơn chết khô rồi đổ xuống đường vì mục nhưng vẫn không được thay thế.
Không chỉ địa phận quận Long Biên, đường dẫn lên cầu Đông Trù thuộc huyện Đông Anh hàng loạt cây xanh cũng bị bật gốc, chết khô.
Người dân sống dọc tuyến đường này cho biết cách đây khoảng 4 tháng đã xuất hiện tình trạng cây xanh mới trồng được vài ngày đã chết khô và kéo dài đến nay.
“Từ ngày trồng xong họ dường như bỏ mặc, không thấy ai chăm sóc, tưới tắm, cỏ mọc tràn lan. Cây chết không chỉ thiệt hại kinh tế mà còn làm mất mỹ quan đô thị…” - ông Hưng (61 tuổi, người dân sống trên đường Lý Sơn) nói.
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ chiều cùng ngày, đại diện Ban quản lý Dự án hạ tầng Tả Ngạn (thuộc UBND TP. Hà Nội) nói sẽ cho trồng mới những cây xanh đã chết khô ở hai bên đường nối lên cầu Đông Trù trong đầu tháng tới (6-2017). (Tuổi Trẻ 18/5)đầu trang(
Mùa mưa 2017, tỉnh Gia Lai có kế hoạch trồng 7.500 ha rừng tập trung bằng các loại giống chủ lực muồng đen, keo lá tràm và thông 3 lá; diện tích này được phân bổ đều khắp ở địa bàn các huyện, thị xã trong tỉnh.
Năm nay, tỉnh Gia Lai thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, vận động và hỗ trợ cho các doanh nghiệp chủ động nguồn giống, góp đất nương rẫy trong các hộ dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để trồng rừng đảm bảo đạt kế hoạch, đúng tiến độ và chất lượng.
Ngoài việc chuẩn bị gieo ươm 120.000 cây thông 3 lá để trồng đủ 50 ha rừng phòng hộ, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra (huyện Mang Yang) còn phối hợp với chính quyền xã tích cực vận động được 41 hộ trên địa bàn có quỹ đất rẫy xâm canh trên quỹ đất lâm nghiệp đăng ký trồng 27 ha rừng sản xuất.
UBND huyện Mang Yang cũng đã xuất ngân sách 230 triệu đồng hỗ trợ cho các hộ dân có đăng ký trồng rừng hợp đồng mua cây giống và vật tư để trồng rừng mới.
Đến thời điểm này, các địa phương đều đã chuẩn bị đủ lượng cây giống đạt tiêu chuẩn, hoàn tất việc phát dọn thực bì để trồng hết diện tích trong thời vụ tốt nhất.
Vùng phía Tây Trường Sơn năm nay có mưa sớm, một số địa phương như huyện Ia Grai, Chưprông, Chư Pảh... đã chủ động huy động lực lượng tập trung đào hố và bắt đầu xuống giống, cố gắng trồng xong diện tích trong 2 tháng 6 và 7/2017. Ở các vùng Đông Trường Sơn có mưa muộn hơn thì tiến hành trồng rừng từ tháng 8/2017 trở đi.
Ông Nguyễn Nhĩ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, công tác trồng rừng năm nay có diện tích tương đối lớn và hơn nữa thực hiện công tác xã hội hoá nghề rừng nên việc trồng rừng trong các doanh nghiệp. Các hộ dân đều được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nhất là về chất lượng giống cây trồng nhằm khắc phục tình trạng cây con chết nhiều phải trồng đi trồng lại như những năm trước đây. Tỉnh phấn đấu, diện tích trồng rừng năm nay đạt tỷ lệ cây sống trên 95%. (Tin Tức 22/5)đầu trang(
Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nên bàn bạc, đối thoại cùng với đại diện các nhóm hộ để thống nhất phương phương án đền bù, giải quyết quyền lợi của người dân.
Liên quan tới vụ việc "Tỉnh Thanh Hóa lấy hàng trăm ha đất rừng không đền bù, dân mất kế sinh nhai", hôm 20/5, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, đây là quyết định có sự thiếu sót.
"Việc tỉnh này giao hơn 200 ha diện tích đất, rừng tại thành phố Thanh Hóa cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng (nay là Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng), trực thuộc thành phố Thanh Hóa), thuộc thẩm quyền của địa phương.
Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho đơn vị nói trên có sự thiếu sót.
Căn cứ vào những nội dung báo nêu, có thể thấy Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có/nhận thấy những thiếu sót trong việc ban hành quyết định 1105/QĐ-UB ngày 16/6/1999 về việc giao đất cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng.
Đồng thời đơn vị này đã có chỉ đạo thực hiện đền bù cho người dân bị thiệt hại bằng các văn bản: số 9572/UBND-KTTC; Công văn số 6010/UBND-TD ngày 23/6/2015. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là địa phương chưa có kinh phí để đền bù cho người dân. Do đó, theo chúng tôi, trong khi chưa có đủ kinh phí để hỗ trợ cho người dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nên bàn bạc, đối thoại cùng với đại diện các nhóm hộ để thống nhất phương án đền bù, giải quyết, hài hòa quyền lợi của người dân, tránh những hệ lụy có thể xảy ra.
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại thời điểm ban hành Quyết định số 1105/QĐ- UB ngày 16/6/1999. Khi ban hành quyết định này, chính quyền các cấp tại tỉnh Thanh Hóa có thỏa thuận, thông báo với người dân hay không? Từ đó có những cách thức xử lý phù hợp hơn, vừa đúng pháp luật vừa hợp lòng người", ông Nguyễn Văn Hà nêu quan điểm.
Điều đáng nói là, trước khi tỉnh Thanh Hóa giao hơn 200 ha diện tích đất, rừng tại thành phố Thanh Hóa cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng, địa phương này không hề thông báo, ban hành quyết định thu hồi đất, cũng như việc thực hiện kiểm kê, đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, trong trường hợp chính quyền địa phương thu hồi đất, rừng nhưng không đền bù cho dân là trái luật. "Nếu xét về giá trị thì đây là vị trí "đất vàng", và nhạy cảm.
Trường hợp nếu chính quyền ban hành quyết định thu hồi đất nhưng không đền bù là trái luật, bởi trên diện tích đó có tài sản, công sức canh tác của người dân.
Trường hợp nếu chưa hoặc không có tiền đền bù cho các hộ dân thì không nên thu hồi để bàn giao đất rừng cho tổ chức khác quản lý", Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung cho biết.
Tài liệu về Luật đất đai 2013 cũng chỉ rõ cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa có dấu hiệu vi phạm rõ nét Điều 53, quy định về việc giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác; Điều 67 về thông báo thu hồi đất..., Điều 69 quy định trình tự, thủ tục thu hồi đất...
Có dấu hiệu vi phạm Điều 74; 75; 76; 77 quy định tại Mục 2 về việc bồi thường về đất và tái định cư, Luật đất đai 2013...
Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền đều thừa nhận việc chính quyền lấy đất rừng không thực hiện thu hồi, đền bù cho các hộ dân, nhưng đã vội giao cho đơn vị khác quản lý là trái quy định của luật đất đai.
Thậm chí, ngay cả khi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo (số 9572/UBND-KTTC; Công văn số 6010/UBND-TD ngày 23/6/2015), về việc giải quyết bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi thực hiện Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, nhưng cấp có thẩm quyền cũng không thực hiện.
Lý do được đưa ra là "không có tiền đền bù" hoặc đây là thiếu sót do "lịch sử để lại".
Cần phải nói rằng, đây là vụ việc đã kéo dài hàng chục năm, gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là đối với hơn 300 hộ dân bị ảnh hưởng bởi quyết định 1105 của tỉnh Thanh Hóa trước đó.
Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, ngày 16/6/1999, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ra quyết định số 1105/QĐ-UB về việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng (nay là Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, trực thuộc thành phố Thanh Hóa).
Quyết định 1105 về việc giao rừng cho đơn vị trên quản lý, nhưng cơ quan có thẩm quyền không ban hành quyết định thu hồi, đề bù tới từng hộ dân bị ảnh hưởng.
Quyết định do ông Nguyễn Văn Thát – Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa lúc đó ký.
Theo đó, tổng diện tích đất được giao là 219,5 ha (trong đó đất lâm nghiệp là 206,5 ha; Đất chưa sử dụng là 13 ha) phân bố trên các địa phận hành chính gồm xã Đông Cương (nay là phường Đông Cương), phường Hàm Rồng, xã Thiệu Dương (nay thuộc thành phố Thanh Hóa).
Điều đáng nói là, trước thời điểm tỉnh Thanh Hóa có quyết định giao đất lâm nghiệp cho cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng quản lý (1999), thì tại các khu vực đồi Hàm Rồng, Đông Cương, Thiệu Dương, người dân đã khai hoang, phục hóa đất đồi, núi từ những năm đầu thập kỷ 80, để trồng cây (bạch đàn, keo...), có giấy tờ về việc sử dụng đất lâm nghiệp.
Với quyết định này, hàng trăm hộ dân sau hàng chục năm khai hoang canh tác, trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, bỗng dưng mất kế sinh nhai, khi chính quyền lấy cả trăm ha rừng chuyển cho đơn vị khác quản lý, mà không hỗ trợ, đền bù cho dân. (Giáo Dục VN 22/5)đầu trang(
Từ 8h hôm 19/5, đông đảo đoàn viên- thanh niên tỉnh Đắk Lắk đã tham gia buổi lễ phát động trồng 5.500 cây xanh tại đèo Hà Lan, thuộc địa phận xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ.
Toàn bộ giống cây trồng do Tỉnh đoàn vận động quyên góp, cùng với việc giao chỉ tiêu cho các đơn vị cơ sở. Dự kiến sẽ có khoảng 1.000 lượt đoàn viên tham gia dưới sự hướng dẫn về kỹ thuật trồng và cách chăm bón của nhiều cán bộ thuộc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, trồng 5.500 cây xanh trên diện tích 5,5 ha.
Anh Y Nhuân Byă – Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk cho biết, việc trồng rừng nhằm giáo dục thế hệ trẻ và người dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái đúng vào dịp kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Bác Hồ; chào mừng đại hội Đoàn các cấp.
Do chưa nhận đủ diện tích đất thực hiện chương trình, nên dự kiến việc trồng rừng sẽ hoàn tất cuối tháng 5/2019. (Tiền Phong 19/5)đầu trang(
Liên quan đến chủ trương lấn rừng Tam Đảo để xây công viên nghĩa trang, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc thêm một lần khẳng định sau khi dừng dự án để xem xét lại thì đây là công trình vẫn cần thiết phải được xây dựng.
Tỉnh nêu lý do hiện nay Vĩnh Phúc chưa có lò hóa thân hoàn vũ, phải mang sang tỉnh khác, trong khi tỉnh có đủ điều kiện làm. Ngoài ra, Vĩnh Phúc chỉ có ba huyện đồng bằng nên không thể làm ở các huyện này.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 19/5, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho biết: "Việc có nhu cầu làm lò hóa thân hoàn vũ hay không là do địa phương nhận định, nếu có nhu cầu thật thì ai cũng ủng hộ, chúng tôi chỉ đặt vấn đề vì sao phải chọn rừng đã trồng rồi, rừng có tính chất phòng hộ tốt, tại sao chọn trong khi xung quanh có nhiều đất có thể làm được.
Vấn đề ở đây là trả lời câu hỏi tại sao lại chọn vị trí này, thay vì vị trí khác, đặt ra tiêu chí và đáp ứng được mọi tiêu chí đó thì chúng tôi sẽ đồng ý".
Hơn nữa, theo ông Lung, không ai quy định tỉnh nào cũng phải có lò hóa thân hoàn vũ, tỉnh thích làm thì cứ làm, nhưng vì sao không làm chỗ khác, trong khi nhu cầu phòng hộ đang rất cấp thiết.
Rừng phòng hộ quy định có nhiều mục tiêu, ví dụ có mục tiêu bảo vệ đất, cụ thể là đất gốc, lượng nước mưa rơi xuống nó thấm vào mạch nước ngầm, chứ không chảy trên bề mặt.
Nước chảy bề mặt gọi là dòng nước mặt, có thể quét sạch cả làng xóm, ruộng đồng, còn rừng phòng hộ là đất gốc, đảm bảo chống xói mòn, dòng chảy không gây tác hại.
"Tôi thấy ở đây lãnh đạo Vĩnh Phúc toàn né tránh, giải thích lòng vòng, không tập trung vào điểm quan trọng nhất là vì sao nhất quyết chọn vị trí rừng phòng hộ", ông Lung nói thêm.
Bên cạnh đó, ông Lung rất bất bình khi nghe lãnh đạo Vĩnh Phúc cho rằng, đối chiếu với quy định của Bộ NN&PTNT, nhận thấy khu vực làm nghĩa trang không đủ điều kiện, tiêu chí để quy định là rừng phòng hộ.
Chính vì thế hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc đang làm các thủ tục để điều chỉnh quy hoạch khu vực này ra khỏi diện tích rừng phòng hộ để phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương.
"Tôi là người trước đây phụ trách quản lý toàn bộ việc này, tôi cũng có khuyết điểm khi phê duyệt cho các tỉnh mà không có cán bộ đi thẩm tra tận nơi, khoanh vùng rừng phòng hộ là khoanh trên bản đồ địa hình.
Tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định như vậy thì chứng minh đi, chứng minh bằng các con số thẩm tra cụ thể.
Ở đây thấy rõ, khi được xác nhận là rừng phòng hộ thì tỉnh bằng lòng nhưng khi muốn làm dự án thì tìm lý lẽ chuyển nó ra khỏi vùng này, đó là các lý do không chính đáng.
Luật bảo vệ phát triển rừng bây giờ vẫn quy định 3 mức độ xung yếu: mức độ rất xung yếu, mức độ xung yếu, mức độ ít xung yếu, giờ anh ở mức độ nào, nếu rất xung yếu thì không có lý do gì chuyển đổi, còn xung yếu thì rừng phòng hộ có thể thay thế ở một số chỗ tương đương nhưng vẫn đảm bảo nguồn nước, giữ được đất, do Hội đồng Lâm nghiệp đánh giá.
Nếu rừng đó anh lấy thì phương án đền bù rừng đó thế nào, không phải một hécta bao nhiêu tiền, mà anh phải trồng rừng bù vào. Rừng đó có chức năng phòng hộ thế nào thì anh làm lại chức năng đó. Cùng đó, khi lấy đất rừng, cần phải đánh giá tác động môi trường", ông Lung nhận định.
Nếu Vĩnh Phúc cứ ngang nhiên làm, thay đổi quy hoạch theo dự án, theo ông Lung, cứ căn cứ theo Luật bảo vệ phát triển rừng mà làm, nếu lấy trên 50ha rừng trở lên là phải hỏi ý kiến Quốc hội, đừng dùng áp lực chính quyền xử lý.
Chỉ có điều Luật bảo vệ phát triển rừng trước đây làm rất đúng, nhưng Luận mới sắp sửa ra thì giữ rừng phòng hộ ít, mà muốn chuyển sang rừng sản xuất thì nhiều, mục đích là để có thêm của cải vật chất cho xã hội.
"Bản thân tôi đi ngược lại với chủ trương đó, vì nó ngược lại với thế giới, đi lùi hơn so với sự tiến bộ của nhân loại, thế giới họ giữ rừng bảo vệ môi trường, lấy gỗ không còn quan trọng vì họ thay gỗ bằng thủy tinh, chất dẻo, kim loại.
Chúng ta đừng bơi ngược dòng lịch sử khi sức mạnh còn yếu, rồi sẽ bị chính dòng chảy đó giết chết.
Cụ thể, theo quy định của Luật Đất đai 2015, đất rừng phòng hộ là loại đất đặc biệt, có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên pháp luật đưa ra một số hạn chế nhất định trong hoạt động chuyển nhượng. Khi muốn chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang đất nghĩa trang buộc phải xin phép Thủ tướng Chính phủ với diện tích trên 20ha.
Đặc biệt, theo Luật Đầu tư, chuyển đổi trên 50ha rừng phòng hộ sang làm đất nghĩa trang phải được Quốc hội thông qua.
Như vậy, vấn đề “xóa sổ” hơn 100ha rừng phòng hộ để chuyển sang làm nghĩa trang đón hơn 2 triệu người chết về Tam Đảo không chỉ dừng lại ở vấn đề bức xúc, phản đối của người dân mà còn chưa tuân thủ quy hoạch hiện có của địa phương.
Ngoài ra, còn phải trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xem xét, phê duyệt. Bộ NN-PTNT lần này phải vào cuộc, chỉ rõ quy định xem Vĩnh Phúc nói đúng hay sai", ông Lung giải thích thêm. (Đất Việt 20/5)đầu trang(
Qua 4 tháng đầu năm, dấu hiệu tích cực đã trở lại với ngành chế biến gỗ xuất khẩu khi tăng trưởng đã lên đến trên 17% so với cùng kỳ năm 2016. Ngành này đã lấy lại được thăng bằng sau một năm vất vả.
Ngành chế biến gỗ xuất khẩu trải qua một năm 2016 khá u ám, tăng trưởng chỉ có 1,1%, thấp nhất trong vòng gần 20 năm qua. Một số thị trường lớn bất ổn khiến các nhà chế biến gỗ không dám kỳ vọng nhiều về tăng trưởng mạnh trong năm 2017.
Ông Bùi Quang Hội, Giám đốc Công ty TNHH Bùi Chấn Hưng (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa), cho biết kể từ cuối năm 2016, khách hàng ở các thị trường lớn, như: Mỹ, châu Âu đến khảo sát nhà sản xuất đông hơn. Đơn hàng ở những thị trường này cũng đang nhiều dần.
Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowooha), nhận xét việc đồ gỗ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá là một lợi thế rất lớn để ngành chế biến gỗ của Việt Nam.
“Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam phải cạnh tranh khá gay gắt với đồ gỗ Trung Quốc tại những thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ. Vì vậy, khi hàng của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá là cơ hội cho mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam và một số nước khác xuất khẩu vào thị trường Mỹ” - ông Bình nói.
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES), Mỹ vẫn đang là thị trường đứng đầu về nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ với khoảng 30 tỷ USD/năm. Trong khi đó, Trung Quốc chiếm gần 40% thị phần ở thị trường khổng lồ này đã tạo ra cuộc cạnh tranh rất gay gắt với các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ vào đây.
Năm 2016, các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đã xuất sang thị trường Mỹ hơn 2,8 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2015. Đây là thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 vừa qua các doanh nghiệp đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 630 triệu USD; nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ 4 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2016.
Mục tiêu của ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam trong năm nay kim ngạch đạt hơn 7,5 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10%. Với bức tranh tăng trưởng khá sáng sủa của 4 tháng đầu năm, đặt niềm hy vọng sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2017 của ngành chế biến gỗ xuất khẩu.
Theo các nhà chế biến gỗ, dù lĩnh vực này đang lấy lại mức tăng trưởng, song những lợi thế cạnh tranh của ngành này so với Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực thì vẫn còn khá thấp.
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Kiến Phúc (huyện Trảng Bom), cho biết về năng suất lao động của công nhân trong lĩnh vực chế biến gỗ còn kém xa so với Trung Quốc, thậm chí còn thua cả Malaysia. Về máy móc để sản xuất, các máy hiện đại chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn doanh nghiệp trong nước phần lớn vẫn sử dụng máy móc cũ nên hiệu quả không cao.
Bên cạnh đó, cũng theo Thành, những chi phí trong sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam khá cao làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đó là những rào cản làm cho tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam khó bùng nổ. (Báo Đồng Nai 21/5)đầu trang(
Nhân dịp sinh nhật 127 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2017), tỉnh Sơn La đã phát động trồng cây tại tất cả các huyện, thành phố. Điểm đáng chú ý, đợt trồng này, cán bộ, người dân chọn nhiều loại cây lâm nghiệp, cây ăn trái nhằm cải thiện thu nhập cho nông dân.
Điều khác biệt khiến cho buổi lễ ra quân trồng cây nhớ Bác Hồ năm nay trở nên thiết thực, theo lời ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La khi trao đổi với Dân Việt là: “Các huyện, thành phố trong tỉnh đều gắn hoạt động trồng cây với việc trồng rừng kinh tế, trồng cây ăn quả trên đất dốc, tức là gắn liền với cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người nông dân”.
Chúng tôi chọn điểm đến là huyện Yên Châu (Sơn La) – nơi gần 60 năm trước, Hồ Chủ tịch đã có buổi gặp gỡ và nói chuyện với bà con các dân tộc Yên Châu. Buổi gặp gỡ ấy đã để lại cho lịch sử cách mạng Việt Nam bức ảnh Bác Hồ thổi khèn bè của đồng bào Mông trước đông đảo bà con các dân tộc như lời nhắc nhở các thế hệ sau phải biết bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Ngay trên đèo Chiềng Đông thuộc bản Chai, xã Chiềng Đông, dù trời mưa tầm tã, nhưng hàng trăm cán bộ, người dân các dân tộc trong huyện huyện Yên Châu đã có mặt từ rất sớm để tham dự Lễ ra quân trồng cây. Người vác cuốc, người cầm xẻng, người chuyển cây giống… nối nhau tiến lên những sườn đồi.
Ông  Lò Văn Dịch ở bản Chai, xã Chiềng Đông phấn khởi cho biết ông đã nhiều lần được tham gia trồng cây nhân dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng lần này ông thấy rất vui bởi những cây ông trồng đều là những cây trái mang lại nguồn thu nhập cao và lâu dài cho gia đình.
"Mảnh đất nương này trước đây mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ ngô, thu hoạch chừng 5-7 triệu đồng. Nay tôi trồng 250 cây, trong đó có 80 cây nhãn, 170 cây xoài, toàn là giống tốt. Chỉ vài năm nữa những cây này sẽ cho thu hoạch và tôi sẽ đặt tên cho mảnh vườn của mình là Vườn cây nhớ Bác!”, ông Dịch hồ hởi khoe.
Theo ông Lường Trung Hiếu - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, xã Chiềng Đông ra quân với diện tích trồng cây là 112,3ha, thuộc bản Chai và bản Chủm. 153 hộ tham gia buổi ra quân đã lựa chọn trồng 2 loại cây là nhãn, xoài. Đây là các giống cây đã có thương hiệu nông sản trên đất Yên Châu. Đáng mừng hơn, lần đầu tiên xoài Yên Châu đã được xuất đi Úc…
Ông Hà Như Huệ, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, khẳng định với Dân Việt: “Hàng trăm ha cây ăn quả được trồng theo chương trình chuyển đổi cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc này tại các xã Tú Nang, Sập Vạt, Lóng Phiêng, Phiêng Khoài, Chiềng Sàng… đã cho thu nhập cao gấp 5-7 lần trồng ngô, lúa… Nông sản từ các vườn cây trái này sẽ được huyện quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đầu ra để bà con yên tâm sản xuất”. (Dân Việt 19/5)đầu trang(
Sau 6 năm triển khai, Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng miền núi.
Sau 6 năm triển khai Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay, chính sách này đã từng bước lan tỏa, tạo nguồn tài chính mới, ổn định, bền vững cho bảo vệ rừng. Đồng thời, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng miền núi.
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến hết năm 2016, tổng số tiền thu được từ dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn cả nước là trên 6.510 tỷ đồng, bình quân đạt trên 1.200 tỷ đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, số tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quản lý bảo vệ 5,8 triệu ha rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc; góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng.
Đồng thời hỗ trợ các công ty lâm nghiệp khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và hỗ trợ kịp thời cho người dân miền núi bảo vệ rừng có điều kiện nâng cao đời sống trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn.
Bên cạnh đó, từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại trong giai đoạn 2011 – 2015 đã giảm lần lượt là 32,9% và 58,2% so với giai đoạn 2006-2010.
Hiện tại đã có hơn 500.000 hộ gia đình, cộng đồng được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng qua hình thức chi trả trực tiếp và chi trả qua nhận khoán. Bình quân chung cả nước các hộ được nhận từ chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào.
Ngoài ra, đến nay, cả nước đã có 42 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ Trung ương đến địa phương. Hiện tại các Quỹ đã ổn định tổ chức và đi vào hoạt động hiệu quả.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hà Công Tuấn, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách mới có tính khả thi cao, phù hợp với xu hướng quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam, được các bên liên quan thực hiện tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực.
Sau 6 năm, toàn quốc đã triển khai ký kết được 471 hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng; trong đó, Quỹ Trung ương ký 63 hợp đồng, Quỹ địa phương ký 408 hợp đồng; thu được trên 6.510 tỷ đồng và đã giải ngân trên 80%, góp phần ổn định thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
Đồng thời, hàng năm, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã hỗ trợ quản lý, bảo vệ 5,8 triệu ha rừng, tương đương 42% tổng diện tích rừng cả nước.
Đến nay, đã có 322 công ty thủy điện, 88 công ty nước sạch và 59 công ty du lịch ký hợp đồng, chi trả ủy thác tiền dịch vụ môi trường rừng với Quỹ Trung ương và quỹ tỉnh, thu về được hơn 7.466 tỷ đồng; trong đó 6.510 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng và 956,5 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế.
Số tiền này tương đương 22% tổng đầu tư bình quân năm của toàn xã hội cho ngành lâm nghiệp. Đây là nguồn tài chính ổn định, bền vững có khả năng sẽ được tiếp tục tăng cao do khai thác các dịch vụ môi trường rừng, qua đó góp phần làm giảm đầu tư ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành lâm nghiệp.
Đánh giá về hiệu quả của chính sách này, ông Võ Đình Thọ - Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Lâm Đồng cho hay, nhờ vận động tích cực nên các đối tượng chi trả môi trường rừng đã đồng thuận cao nên việc thu tiền dịch vụ môi trường rừng của địa phương rất thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa nộp tiền hoặc nộp tiền chậm.
Cũng theo ông Thọ, diện tích được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là 420.000 ha trên tổng số diện tích đất lâm nghiệp có rừng của tỉnh là trên 513.000 ha; trong đó trên 360.000 ha đã được chi trả chiếm trên 84%.
Với mức chi trả hiện nay bình quân 1 hộ được thụ hưởng từ 8 – 12 triệu đồng/năm, giúp người dân tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tại Lào Cai, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra một nguồn thu mới, ổn định lâu dài đối với người làm nghề rừng. Ngoài việc góp phần bảo vệ rừng tốt hơn, ý thức của người dân được nâng cao, đời sống người dân từng bước được cải thiện.
Tại một số nơi, đơn giá chi trả bình quân đạt 200.000 đồng/ha, cao hơn cả mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho công tác bảo vệ rừng như: lưu vực nhà máy thủy điện Nậm Khóa 3; nhà máy thủy điện Nậm Tha có đơn giá chi trả đạt từ 518.000 - 733.000 đồng/ha/năm.
Theo UBND tỉnh Lào Cai, tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế của người dân, giúp người dân gắn bó với rừng hơn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng của cả nước là 14 triệu ha, (theo kết quả điều tra thống kê đến năm 2015).
Từ khi thực thiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đem lại hiệu quả bước đầu, nhiều người dân đã có thêm nhu nhập từ rừng. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng tốt hơn…
“Nhiều địa phương làm tốt như Lai Châu, kể cả huyện xa nhất như Nậm Lùn, thượng nguồn của sông Đà triển khai chính sách chi trả tốt nên rừng ở đây rất tốt. Nhiều người dân bước đầu yên tâm về kinh phí nhận được từ rừng.”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra dẫn chứng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ ra những bất cập về rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, đa dạng sinh học suy giảm, hệ sinh thái không còn như trước... Người làm rừng, người trồng rừng chưa thực sự sống được từ rừng tại một số khu vực.
Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Để giải quyết vấn đề này cần sự đồng lòng của cả xã hội, cả hệ thống chính trị; phải theo nguyên tắc “lấy rừng nuôi rừng”, đó mới là bình đẳng, không thể lấy ngân sách nhà nước mãi được. Phải làm sao để người trồng rừng, người làm rừng sống được nhờ rừng”. (Bnews 20/5)đầu trang(
Sưa đỏ được nhiều người săn lùng bởi giá 'đắt hơn vàng', còn sưa trắng không có nhiều giá trị kinh tế và trong hạt chứa chất độc nên chuyên gia khuyến cáo cần chặt bỏ.
Tại hội thảo cách đây hơn một tuần, một số nhà khoa học đề nghị kiểm soát, loại bỏ sưa trắng, không nên trồng ở trường học hoặc công viên, vì hạt chứa chất độc dễ dẫn đến sự việc đáng tiếc như trường hợp các học sinh ở Nghệ An ngộ độc do ăn hạt cây ngô đồng.
Việt Nam có hai loại sưa là đỏ và trắng, đều trồng để làm bóng mát tại Hà Nội và một số nơi khác. Chúng cùng thuộc họ đậu, nhưng sưa đỏ thuộc chi trắc, tên khoa học Dalbergia tonkinensis Prain.
Đây là loại gỗ quý, ruột cây có màu nâu đỏ và đang bị săn lùng ráo riết để đóng bàn, làm trang sức và nhiều công dụng khác với mức giá cao. Loài này còn được gọi với tên là trắc thối vì hạt khi đốt lên sẽ có mùi hôi thối.
Sưa đỏ thuộc nhóm 1A trong sách đỏ Việt Nam, cấm khai thác mục đích thương mại. Do bị các đối tượng săn lùng khắp nơi nên số lượng của chúng ngoài tự nhiên gần như tuyệt chủng.
Vì vậy chuyên gia lâm nghiệp cho rằng Việt Nam cần khuyến khích phong trào trồng sưa đỏ phân tán trong vườn rừng, trang trại, vườn gia đình, ven đường phố, công viên, đường làng. Bên cạnh đó cần nghiên cứu chọn và nhân giống tạo ra các loại sưa tốt nhất.
Trong khi đó sưa trắng thuộc chi thàn mát, tên khoa học Millettia ichtyochtona Drake. Nó thường sống ven suối các tỉnh vùng núi phía Bắc, được người dân dùng đánh bắt cá vì chất rotenon, sapotoxin trong hạt cây có thể làm cá say thuốc.
Vào mùa xuân cây ra hoa có màu trắng rất đẹp, nhiều người nhầm lẫn chúng là sưa đỏ vì có dạng tán lá và màu sắc gần giống nhau. Do có chất độc nên nhà khoa học kiến nghị cần thận trọng khi trồng sưa trắng làm cây bóng mát. (Giáo Dục & Thời Đại 20/5)đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Dưới sự áp bức của xã hội loài người, rất nhiều động vật đều sống cuộc sống thực sự “sống không bằng chết”.
Theo đó, gần đây Hiệp Hội bảo vệ động vật hoang dã Bangkok- Thái Lan (Wildlife Friends Foundation Thailand) nhận được một thông báo giấu tên, nói rằng tại một căn nhà bỏ hoang có động vật cần sự giúp đỡ nên tình nguyện viên đã tới kiểm tra.
Để đi tới ngôi nhà hoang, họ đã phải đi qua một khu dân cư dơ bẩn lụp xụp. Lúc đến trước một căn nhà hoang, họ hoảng hồn phát hiện bên trong hàng rào thép nhỏ và cũ nát có một con khỉ bị kẹp. Ngay sau đó, chú khỉ đã được tình nguyên viên cứu ra ngoài.
Bước đầu tìm hiểu được biết, con khỉ này đã bị kẹt ở đây 25 năm. Chủ nhân của chú khỉ này lúc đầu kinh doanh một sở thú mô hình nhỏ, nhưng vào năm 1991 đã đóng cửa, chú khỉ sau đó đã bị bỏ lại trong ngôi nhà hoang và bị kẹt ở trong khe tường này 25 năm.
Thời điểm được các tình nguyện viên giải cứu, chú khỉ vẫn còn run cầm cập. Đến khi tình nguyện viên đắp chăn, cho thức ăn, nước uống thì chú khỉ mới từ từ hiểu rằng những người này đang giúp đỡ mình.
Chỗ mà chú khỉ bị kẹt trông như một “hang địa ngục”, rác thải rất bẩn thỉu. Chú khỉ này chỉ sinh sống được nhờ vào việc người qua đường tiếp tế cho nước uống, thức ăn, nhưng tuyệt nhiên ai cũng thờ ơ không nghĩ đến việc cứu nó ra ngoài.
Cũng vì ở trong hang không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, cộng thêm không gian chật hẹp nên cơ thịt của chú khỉ bị teo rút nghiêm trọng, thiếu dinh dưỡng trầm trọng nên không thể đi được. Thời điểm các tình nguyện viên đến cứu, nhìn thấy nó ai cũng đau lòng, họ không thể hình dung mức độ tồi tệ trong đời sống của nó.
Chú khỉ sau đó đã được các tình nguyện viên đặt tên là “Joe”. Sau khi bổ sung rất nhiều thức ăn, cộng thêm tình nguyện viên xoa bóp cẩn thận, tình trạng của Joe đã từ từ có chuyển biến tốt.
Được biết, Joe thuộc loài khỉ có thể sống khoảng 35 năm, vì vậy ai cũng hy vọng nửa đời còn lại của nó có thể ngập tràn hạnh phúc, vui vẻ và tự do. (Đời Sống & Pháp Luật 20/5)đầu trang(./.