Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 09 tháng 11 năm 2017
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Trước tình trạng rừng tự nhiên Khe Rỗ thuộc địa bàn huyện Sơn Động (Bắc Giang) thời gian qua liên tiếp bị lâm tặc tàn phá, ngày 07/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái đã có buổi kiểm tra thực tế để chỉ đạo khắc phục và chấm dứt tình trạng này. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh và huyện Sơn Động.
Tháng 10 vừa qua, rừng nguyên sinh Khe Rỗ trên địa bàn thôn Nà Ó, xã An Lạc, huyện Sơn Động liên tiếp bị lâm tặc chặt phá một cách không thương tiếc, nhiều cây gỗ quý ngang nhiên bị chặt hạ. Khu rừng này là do Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử quản lý với diện tích trên 700 ha.
Đoàn Công tác đã đi kiểm tra khoảnh 19, 20, tại đây, thực tế cho thấy lâm tặc đã chặt phá 11 cây gỗ quý, chủ yếu là một số cây lim có tuổi đời 40 - 50 năm, ngoài ra cả những cây sến trăm tuổi cũng bị đốn hạ. Rừng nguyên sinh Khe Rỗ bị tàn phá đã ảnh hưởng lớn đến việc bảo tồn đa dạng sinh học ở đây.
Theo lực lượng kiểm lâm quản lý khu vực này, thời gian qua, do diện tích rừng nằm trong phạm vi quản lý quá rộng, bên cạnh đó, nguồn nhân lực của kiểm lâm hạn chế nên công tác quản lý và bảo vệ rừng chưa được đảm bảo dẫn đến tình trạng lâm tặc hoành hành.
Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ việc là rất lớn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm túc phê bình Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử đã để xảy ra vụ việc lâm tặc chặt phá rừng mà không có báo cáo kịp thời, bên cạnh đó nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với một số cơ quan có liên quan đến vụ việc.
Phó Chủ tịch yêu cầu thời gian tới, huyện Sơn Động cần vào cuộc quyết liệt trong quản lý và bảo vệ rừng, tuyệt đối không để tình trạng chặt phá rừng tự nhiên tiếp diễn. Các cơ quan chính quyền từ huyện đến xã cần tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng, qua đó phối hợp cùng người dân trong khu vực để quản lý bảo vệ rừng.
Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Công an huyện cần tăng cường lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương điều tra phát hiện và xử lý khiêm khắc các đối tượng lâm tặc chặt phá rừng tự nhiên.
Sở Nông nghiệp và PTNT bố trí lực lượng kiểm lâm, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, xác định địa bàn trọng điểm để quản lý, tăng cường tuần tra. Đồng thời chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong vụ việc xảy ra vừa qua.(Cổng Thông Tin Điện Tử UBND Bắc Giang 8/11)đầu trang(
Rừng ngập mặn có ý nghĩa rất quan trọng với xã Đông Hải (huyện Tiên Yên). Bởi hơn 350ha rừng ngập mặn trên địa bàn trải dài khoảng 6km, góp phần bảo vệ tuyến đê vây quanh 5 thôn của xã, trong đó có nhiều thôn nằm dưới mực nước biển. Rừng ngập mặn cũng là vành đai chắn sóng, bảo vệ các đồng tôm và các diện tích trồng lúa của bà con trên địa bàn khỏi xâm nhập mặn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Mưu, Chủ tịch Hội CCB xã Đông Hải cho hay: “Từ năm 2000 đến nay, rừng ngập mặn xã Đông Hải được UBND xã giao cho Hội CCB xã đảm nhiệm việc trông coi.
Hằng năm, Hội CCB ký kết với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tiên Yên hợp đồng việc trông coi và quản lý rừng ngập mặn. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Hội còn hợp đồng phân công nhiệm vụ cho một thành viên là ngư dân thường xuyên hoạt động trên biển, khi phát hiện có kẻ chặt phá rừng thì báo cáo lại, để chúng tôi có biện pháp xử lý. Tổ trông coi quản lý rừng của Hội có trách nhiệm kiểm tra rừng 1 lần/tháng, nhưng nếu nhận được tín hiệu cấp báo về chặt phá rừng thì bất kể ngày, đêm chúng tôi đều tổ chức ngăn chặn ngay”.
Cũng theo ông Mưu, Tổ trông coi quản lý rừng ngập mặn còn có trách nhiệm tuyên truyền nhân dân tại các hội nghị của thôn, xã về mục đích và ý nghĩa việc bảo vệ rừng là trách nhiệm của xã hội và toàn thể nhân dân, để bảo vệ tài nguyên biển, nơi trú ngụ của sinh vật biển, từ đó tài nguyên biển được phát triển một cách tự nhiên. Nếu không bảo vệ được rừng ngập mặn, bão lũ sẽ phá hệ thống đê điều ngăn mặn, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống con người. Rừng ngập mặn Đông Hải cung cấp cho người dân trong xã nguồn hải sản mùa nào thức ấy. Có khoảng 500 người dân xã Đông Hải khai thác ngao, vạng, ruốc lỗ, hà sú, sâu đất, cua biển... từ đây, đem lại thu nhập không nhỏ cho bà con.
CCB Nguyễn Duy Thà, nguyên Chủ tịch Hội CCB xã Đông Hải kể: Trước đây khi rừng ngập mặn chưa được giao cho CCB quản lý, hiện tượng chặt phá rừng xảy ra tràn lan. Họ chặt cây ngập mặn làm củi, lấy vỏ cây để nhuộm chài lưới, muối sứa hoặc đào cả gốc rễ làm cây cảnh v.v. Lực lượng cán bộ xã ngăn chặn nhưng không hiệu quả vì ít người, không có phương tiện khi cần ra khơi đuổi bắt.
Nhiều đối tượng ở địa phương khác đến đây còn đe dọa cả cán bộ xã. Từ khi rừng được giao cho CCB, việc bảo vệ có hiệu quả rõ rệt, vì rừng gắn với đời sống phát triển kinh tế của nhiều CCB, từ các nghề nuôi tôm, thu mua hải sản… Mặt khác, do các CCB được rèn luyện qua quân đội, tính đoàn kết kỷ luật cao, họ sẵn sàng giúp đỡ nhau nên khi cần huy động, họ đều sẵn sàng vào cuộc. Nhiều CCB có phương tiện tàu thuyền sẵn sàng giúp đỡ khi có yêu cầu, từ đó công việc hiệu quả hơn rất nhiều.
CCB Phạm Văn Lân, thành viên Tổ trông coi quản lý rừng là người có nhiều thuận lợi khi làm nghề gắn với công việc bảo vệ rừng, bởi anh có xuồng vừa dùng khi đi thu mua hải sản vừa kết hợp để tuần tra rừng. Anh Lân chia sẻ: “Vì công việc, tôi thường xuyên tiếp xúc với những người khai thác hải sản trong rừng ngập mặn, nên tôi tuyên truyền cho bà con hiểu về giá trị của rừng đối với đời sống hiện tại của họ.
Đồng thời, tôi cũng tranh thủ luôn sự vào cuộc của bà con, để họ làm “tai mắt” phát hiện rồi báo lại các hành vi gây hại cho rừng ngập mặn. Ngay cả việc khai thác ngán, chúng tôi cũng quy định với người dân khai thác theo mùa vụ vào tháng 5, tháng 6 hằng năm, tránh việc khai thác tràn lan, đào bới làm ảnh hưởng đến rễ cây ngập mặn. Những việc làm đó đã giúp ngăn chặn các hoạt động xâm hại rừng ngập mặn trên địa bàn trong nhiều năm trở lại đây”.(Báo Quảng Ninh 8/11)đầu trang(
Ngày 8/11, tại TP Hạ Long, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc, Quỹ Môi trường toàn cầu, Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức Hội thảo Kết nối -  Nhân rộng các sáng kiến cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học và nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng đồng bằng sông Hồng. Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đến dự.
Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu đại diện cho 19 dự án Chương trình phát triển của Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu tại 20 tỉnh trong cả nước; đại diện một số bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các chuyên đề xoay quanh vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học và nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào các dự án, mô hình đang được triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Tiêu biểu như công tác bảo tồn và phát triển dựa vào cộng đồng tại khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Hội An; xây dựng mô hình cộng đồng bảo vệ và khai thác tài nguyên môi trường biển nhằm phát triển du lịch sinh thái biển tại xã Minh Châu, huyện Vân Đồn; phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đa dạng sinh học tại Quảng Ninh...
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn Hội thảo là một kênh chia sẻ kinh nghiệm kết nối, nhân rộng các sáng kiến cộng đồng về các vấn đề môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo cấp cộng đồng; chia sẻ kinh nghiệm vận động các nguồn lực trong quá trình xây dựng, thực hiện, duy trì và phát triển dự án nhỏ tại địa phương; nhận diện vấn đề thách thức đối với dự án nhỏ cấp cộng đồng; thảo luận phương hướng, phương pháp xây dựng các đề xuất dự án mới, kết nối nhân rộng các sáng kiến thành công.
Trong chương trình Hội thảo, các đại biểu sẽ khảo sát mô hình cộng đồng bảo vệ và khai thác tài nguyên môi trường biển nhằm phát triển du lịch sinh thái biển tại xã Minh Châu, huyện Vân Đồn. Hội thảo diễn ra đến hết ngày 10/11.(Báo Quảng Ninh 8/11)đầu trang(
Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh vừa kiểm tra thực tế tại các đảo Trà Ngọ, Ba Mùn, Cái Lim, Lách Chè và rừng Trâm xã Minh Châu thuộc VQG Bái Tử Long.
VQG Bái Tử Long thuộc địa giới hành chính huyện Vân Đồn, được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 85/2001/QĐ-TTg. VQG Bái Tử Long có diện tích trên 15.700 ha. Trong đó, diện tích biển trên 9.600 ha và diện tích rừng trên các đảo nổi. VQG Bái Tử Long có 2.212 loài động, thực vật sinh sống, trong đó có 108 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 09/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, BQL Vườn Quốc gia Bái Tử Long chỉ đạo, tổ chức các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng; thực hiện công tác tuyên truyền và ký cam kết bảo vệ rừng. Trong đó, Vườn Quốc gia Bái Tử Long ký kết với 22 thôn, bản trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia; xây dựng quy chế phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia với các xã vùng đệm và Đồn Biên phòng Quan Lạn trong công tác bảo vệ rừng. Ngoài ra, BQL Vườn Quốc gia Bái Tử Long duy trì và thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển, hướng dẫn ngư dân không đánh bắt thủy sản vào vùng cấm, đánh bắt không đúng kích thước mắt lưới và không dùng các biện pháp đánh bắt mang tính hủy diệt…
Sau khi trực tiếp đi kiểm tra thực tế công tác quản lý, bảo vệ tại VQG Bái Tử Long, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh biểu dương, ghi nhận Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã khắc phục điều kiện khó khăn, tham gia bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng, khai thác gỗ rừng, đánh bắt động vật hoang dã trái phép. BQL Vườn Quốc gia Bái Tử Long quản lý chặt chẽ, bảo tồn, phát huy giá trị của VQG Bái Tử Long trong định hướng phát triển Đặc khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn.
Ban quản lý VQG phối hợp với chính quyền địa phương di dời các điểm chế biến sứa thuộc ranh giới VQG; tăng cường quản lý rừng Trâm tại xã Minh Châu gắn với phát triển du lịch cộng đồng; tuyệt đối không được phát sinh các bãi tắm tự phát. Trong tháng 11/2017, huyện Vân Đồn bố trí kinh phí, cùng với người dân giải tỏa toàn bộ các hàng quán dọc bãi tắm Minh Châu; tăng cường quản lý, không được để người dân tái diễn.(Tài Nguyên & Môi Trường 9/11)đầu trang(
Trước nạn trộm cỏ hồng, cơ quan chức năng đã thành lập tổ tuần tra để bảo vệ loài cỏ này phục vụ cho ngày hội cỏ hồng.
Cuối năm nay, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng quyết định làm một ngày hội cỏ hồng để tôn vinh nét đẹp tinh khôi của loại cỏ hồng (hay còn gọi là cỏ tuyết). Tuy nhiên nhiều tháng qua nạn đào trộm cỏ hồng đang là vấn đề gây "đau đầu" cho chính quyền địa phương thuộc thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) và một phần của phường 7, TP Đà Lạt (Lâm Đồng).
Trước tình trạng này, UBND huyện Lạc Dương đã phải chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương ngăn chặn nạn trộm này. Trao đổi với PV, ông Lê Chí Quang Minh - Chánh văn phòng UBND huyện Lạc Dương cho biết, phía huyện Lạc Dương đã thành lập tổ tuần tra phối hợp với hạt kiểm lâm và cơ quan chức năng địa phương trông coi cỏ hồng.
"Phía huyện chúng tôi đã thành lập một tổ phối hợp được bố trí tăng cường công tác kiểm tra để đuổi các trường hợp vào trộm cỏ, đồng thời cũng tuyên truyền người dân không được vào lấy cỏ trước, trong và sau khi lễ hội diễn ra, việc tuần tra diễn ra 24/24".
Ngoài ra theo ông Minh, tổ phối hợp tuần tra đã bắt được 2 trường hợp đến trộm cỏ hồng, phía cơ quan chức năng đã lập biên bản và xử phạt hành chính đối với 2 trường hợp này.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc sở VHTT& Du lịch Lâm Đồng cũng tỏ ra đồng tình với việc huyện Lạc Dương thành lập tổ phối hợp tuần tra bảo vệ cỏ hồng.
Bà Ngọc còn cho rằng: "Hiện nay có nhiều đối tượng đến đào nhiều cỏ hồng gây ảnh hưởng đến cảnh quan tổ chức sự kiện ngày hội cỏ hồng, trước khi lên kế hoạch cho sự kiện này cũng đã xảy ra nhiều trường hợp trộm như vậy".
Theo bà Ngọc, phía sở VHTT& Du lịch Lâm Đồng cũng đã cử người đến phối hợp với UBND huyện Lạc Dương để bảo vệ cỏ hồng, đồng thời cũng chuẩn bị cho ngày hội cỏ hồng.
Vị Phó Giám đốc sở này cũng cho biết thêm, hiện nay tình trạng đào trộm cỏ hồng cũng đã giảm đi, tuy nhiên việc tuần tra bảo vệ cỏ hồng vẫn cần duy trì.
"Những trường hợp đào trộm cỏ hồng đã giảm đi, nhưng việc tuần tra bảo vệ thì vẫn diễn ra cả trước, trong và sau khi ngày hội kết thúc, đến khi cỏ thay lớp bông đi. Bởi việc đào trộm cỏ hồng gây ảnh hưởng đến môi trường, đất đai, cảnh quan xung quanh", bà Ngọc chia sẻ.
Được biết, cỏ hồng đã có và sống bình yên từ nhiều năm qua tại khu vực hồ Suối Vàng (giáp ranh giữa Đà Lạt và huyện Lạc Dương). Loại cỏ này trở thành đối tượng của những tay trộm mới chỉ ít tháng trở lại đây khi các nhiếp ảnh gia phát hiện nét đẹp tinh khôi và công bố hình ảnh của loài cỏ hoang dại trên.
Theo tìm hiểu, khi chuyển ra tới Đà Lạt, trung bình 1m2 cỏ hồng được bán với giá khoảng 150.000 đồng. Món lời từ cỏ hồng đã khiến nhiều người đổ xô vào khu vực hồ Suối Vàng đào trộm bất chấp lệnh cấm của chính quyền địa phương.(Đất Việt 8/11)đầu trang(
Huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất nước. Với hơn 120.000ha rừng, nơi đây có vô số loại gỗ quý hiếm, nên trở thành “đích ngắm” của cánh lâm tặc rình rập khai thác trộm.
Dù không còn rầm rộ như khoảng 5 năm trước, nhưng chuyện khai thác trộm chủ yếu nhắm vào các loại gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế cao vẫn diễn ra dai dẳng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn. Công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng đang đè nặng trên vai lực lượng chuyên trách.
Giữa đại ngàn Tây Nguyên, “thủ phủ” của những cánh rừng hương trăm năm tuổi chỉ còn sót lại ở địa phận H. K’Bang, vùng phía đông tỉnh Gia Lai. Hàng chục năm qua, dù công tác tuần tra, bảo vệ rừng được triển khai liên tục, nhưng năm nào cũng có vài chục cây hương cổ thụ bị đốn hạ. Tuyên chiến với lâm tặc chuyên rình rập săn gỗ hương, máu của các lực lượng cũng đã đổ trong những cánh rừng này.
Theo lực lượng Kiểm lâm, ngoài những cánh rừng hương khác trên toàn huyện thì hiện Krong là xã còn sót lại hàng trăm cây hương cổ thụ. Nhìn bên ngoài, rừng hương vẫn xanh, nhưng ở sâu trong những cánh rừng ngút ngàn, loài hương quý đã bị “xẻ thịt” vô số cây cổ thụ. Lâm tặc lúc nào cũng nhăm nhe, nên công tác tuần tra bảo vệ rừng hương phải được triển khai liên tục. Cách TT K’Bang hơn 40km, những ngày giữa tháng 10-2017, chúng tôi theo cán bộ Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh vào xã Krong. Cách trụ sở Cty chỉ vài cây số, những cây hương nằm cao trên vách núi, sinh trưởng xen kẽ giữa những tiểu khu khác nhau bắt đầu hiện ra trước mắt.
Vượt hơn 4km đường núi lầy lội, sạt lở sau mùa mưa Tây Nguyên, chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng những cây hương cổ thụ. Nơi đây, những thân hương sừng sững cứ bám dọc theo triền núi nơi có con suối Nia, thượng nguồn suối T’nang sinh trưởng cả trăm năm rồi. Ông Võ Ngộ - Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông Pa kể: Đặc thù của những cây giáng hương nơi đây trái rất to, cao 25-30m, đường kính từ 0,7-0,9m. Dù hằng năm lượng quả rất nhiều nhưng đây là loài tái sinh kém, nên qua kiểm tra nhiều đợt, ước tính lượng cây hương còn khoảng trên dưới 300, mọc rải rác khắp 7 tiểu khu trong 8.000ha thuộc lâm phần quản lý của Cty.
Ông Ngộ dẫn chúng tôi dạo quanh con đường lên đỉnh núi - tuyến độc đạo tuần tra bảo vệ những cây hương trăm tuổi của các lực lượng liên ngành. Trên tuyến đường này, nhân viên, cán bộ của Cty đã truy đuổi đối tượng “lâm tặc” tìm cách đốn hạ những “cụ” hương không biết bao lần. Càng vào sâu càng lộ diện những cây hương vươn thẳng cao vút, tỏa bóng xanh mướt. Thi thoảng, đập vào mắt chúng tôi là những cây hương trơ gốc, hoặc bị lâm tặc “xẻo” ngang thân để lại những vết tích cũ, mới lẫn lộn.
Nắm rõ giá trị của những cánh rừng hương trăm tuổi này, chính quyền tỉnh Gia Lai đã nhiều lần bàn bạc, lên kế hoạch bảo vệ nguồn gene hương trăm tuổi, nhưng đến giờ này vẫn chưa có gì thay đổi ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm soát, phối hợp của chính quyền địa phương nhằm đẩy đuổi “lâm tặc”. Do diện tích rộng, lực lượng mỏng, nên năm nào cũng có những cây hương cổ thụ bị lâm tặc “khai tử”.
Nước mắt và máu đã và đang chảy giữa đại ngàn rừng hương. Không hề quá lời, bởi trên đường thực địa cùng đoàn kiểm tra, chúng tôi thấy rõ những hiểm nguy rình rập. Giữa đỉnh núi cao lạnh lẽo là chiếc lán gỗ tạm bợ, bên trong  sơ sài đôi ba chiếc võng cùng vài cái nồi méo mó để lực lượng tuần tra ở nấu nướng, bám trụ cánh rừng giữ những gốc hương.
Ông Ngộ nói, cán bộ ngày tuần tra, đêm ngủ cạnh những cây hương là chuyện thường tình. Rất nguy hiểm, nhưng may mắn đây vẫn là khu vực gần Cty, còn những tiểu khu khác, nhân viên phải mắc võng ngủ giữa rừng dù nắng hay mưa. Không chỉ thế, các nhân viên luôn phải đối mặt với rắn, muỗi rừng và kể cả những lần bị “lâm tặc” đe dọa. Nhiều người từng bị vây hãm, dọa đánh và có người máu đã đổ trên cánh rừng hương này.
Đúng ngày chúng tôi cùng đoàn luồn sâu vào rừng thì nhận được tin báo của lực lượng kiểm tra tại tiểu khu 80, 82 rằng, lúc 11 giờ ngày 24-10, Cụm trưởng Cụm bảo vệ rừng của Cty Đỗ Khắc Đạt trong lúc đi tuần tra tại khu vực giáp ranh giữa làng Đăk Bok và làng Đất Đỏ (xã Krong) phát hiện 2 xe máy đang chở gỗ hương trái phép.
Quyết đuổi theo, anh Đạt giữ được một đối tượng tên Nghị cùng xe máy chở 2 tấm gỗ hương. Nghị vừa năn nỉ anh Đạt bỏ qua, vừa gọi điện cho đồng bọn tới “giải cứu”. Một lát sau, đối tượng chạy thoát cất giấu gỗ đã quay trở lại (sau này xác định là Trần Văn Hải, còn gọi là Hải Ngọc Định, trú TT K’Bang, H. K’Bang, Gia Lai), chém vào tay anh Đạt. Sau đó, 2 đối tượng vứt chiếc xe máy cùng 2 tấm gỗ hương tại hiện trường rồi bỏ trốn. Anh Đạt được đưa đi cấp cứu với vết thương dài khoảng 7cm, sâu 1cm.
Ngày hôm sau, khi chúng tôi cùng đoàn tuần tra bảo vệ rừng vào thăm, chỉ vết thương vừa khâu, anh Đạt bảo chưa dám báo cho gia đình ở tận Đắc Lắc biết: “Vết thương cũng khâu xong rồi, điều trị vài bữa cũng đỡ nên em không báo về nhà, sợ gia đình thêm lo”. Đạt cho biết, đã nhiều lần, khi đối mặt với lâm tặc anh đều bị tấn công.
Theo các lực lượng quản lý bảo vệ rừng hương nơi đây, trong năm 2016, TAND H. K’Bang cũng đã tuyên phạt Trương Văn Hà (1974, trú TDP 21, TT K’Bang, H. K’Bang) 40 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Trước đó, cuối tháng 4, Hà cùng Nguyễn Văn Trung (1981, trú TDP 6, TT K’Bang) vận chuyển 2 khúc gỗ hương lớn đốn trộm trong rừng thì bị anh Dương Hồng Tâm (1993, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa) phát hiện, ngăn chặn. Xin mãi không được, Hà rút dao chém trúng cổ anh Tâm gây thương tích, sau đó bỏ trốn. Có lẽ, vì lợi nhuận cao nên các đối tượng lâm tặc vẫn luôn rình rập khắp cánh rừng chờ cơ hội “trảm” hương.(Công An Thành Phố Đà Nẵng 8/11)đầu trang(
Thời tiết đã bước vào mùa hanh khô, độ ẩm không khí thấp, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Hiện, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, trong vòng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 41 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 46,45ha. Các vụ cháy chủ yếu ở rừng sản xuất, với các loại cây dễ cháy như: bạch đàn, thông, keo, mỡ… và những diện tích cây bụi, trảng cỏ, lau sậy. Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy rừng do người dân xử lý thực bì không đúng quy trình kỹ thuật, đốt lửa bắt ong trong rừng, trẻ em đốt lửa sưởi ấm ở rừng.
Diện tích rừng có nguy cơ cháy cao chủ yếu là rừng trồng với các loài cây chủ yếu như: keo, bạch đàn, thông và rừng tự nhiên hỗn giao tre nứa - gỗ. Vì vậy, để công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đạt hiệu quả, lực lượng kiểm lâm đã tăng cường tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn cho người dân về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; đồng thời, hướng dẫn bà con cách xử lý thực bì, tạo đường băng cản lửa.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Hà, Hạt trưởng kiêm Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: Định Hóa là huyện miền núi có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, trên 35.543ha. Trong thời gian cao điểm mùa khô, chúng tôi duy trì trực cháy thường xuyên tại các địa phương; tăng cường tuần tra nhằm phát hiện kịp thời các điểm cháy và huy động lực lượng cứu chữa khi có cháy rừng xảy ra. Còn anh Hoàng Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phú Bình thì cho biết: Là địa bàn có địa hình chủ yếu là đồi bát úp trồng rừng sản xuất nên vào mùa khô rất dễ xảy ra cháy rừng.
Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng các loại dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) như: Máy bơm nước, máy thổi gió, máy cắt thực bì, máy phun hóa chất, dao, đèn pin, giày tất, mũ... đảm bảo tối thiểu cho lực lượng tham gia chữa cháy. Cùng với đó, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương lồng ghép tuyên truyền về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng tới đông đảo người dân để bà con tích cực tham gia giữ rừng. Nhờ vậy, nhiều năm nay, trên địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng.
Được biết, toàn tỉnh có hơn 185.525ha đất có rừng; trong đó, rừng tự nhiên hơn 77.451ha, rừng trồng 108.000ha; rừng trồng cây công nghiệp và đặc sản 42,16 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 50%. Trong đó, vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao trên địa bàn tỉnh được xác định hơn 178.000ha. Vì vậy, trong mùa khô năm nay, ngoài việc nâng cao ý thức người dân trong PCCCR, lực lượng Kiểm lâm tỉnh cũng trang bị đầy đủ vật tư để công tác PCCCR đạt hiệu quả.
Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 50 máy cắt thực bì, 14 máy thổi gió, 8 máy phun hóa chất, 33 cưa xăng, 5 máy bơm nước, 1.700 bàn dập lửa, 30 loa pin cầm tay, 12 chiếc bộ đàm, 35 máy định vị GPS, 2 lều bạt, 4 máy tính, 7 ống nhòm, 4.000 dao phát, 1.500 đôi giày… góp phần quan trọng trong việc dập tắt khi có đám cháy xảy ra. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ rừng - PCCCR thôn, bản cũng được kiện toàn, củng cố.
Toàn tỉnh hiện có 1.327 tổ PCCCR với hơn 7.500 thành viên tham gia. Chị Nguyễn Thị Thái, ở xóm Na Rau, xã Phủ Lý (Phú Lương) cho biết: Nhà tôi có 10ha rừng. Vào mùa khô hanh, tôi thường thu dọn thực bì, lá khô để phòng cháy; đồng thời, chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn.
Đồng chí Vũ Văn Phán, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cho biết: Vào các tháng mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm), chúng tôi thực hiện thông báo kịp thời nội dung cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng để các địa phương, chủ rừng và nhân dân biết, đặc biệt là khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V.
Cấp dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng hàng ngày cũng được gửi đến các địa phương, đơn vị chủ rừng để chủ động trong công tác phòng cháy và tổ chức lực lượng sẵn sàng tham gia chữa cháy.
Ngoài ra, hằng năm, Chi cục còn phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tổ chức tập huấn và diễn tập chữa cháy rừng nhằm nâng cao kiến thức và năng lực về công tác PCCCR; tổ chức thực hành sử dụng, bảo quản trang thiết bị, dụng cụ PCCCR. Trong trường hợp khi xảy ra cháy rừng, chính quyền địa phương cùng người dân phải huy động ngay lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy kịp thời. Đồng thời, phải nhận định các yếu tố như: điểm đầu đám cháy, tốc độ lan tràn của đám cháy, loại vật liệu cháy, nguồn nước có thể lấy để chữa cháy, các điều kiện ảnh hưởng đến đám cháy… để đưa ra giải pháp chữa cháy phù hợp.(Báo Thái Nguyên 8/11)đầu trang(
Theo thông tin của Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa), từ năm 2014 đến nay, Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên trực thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) đã có nhiều biện pháp để quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rừng đặc dụng được giao như phối hợp với Công an huyện Sa Pa, Hạt Kiểm lâm huyện Sa Pa, lực lượng Cảnh sát cơ động của Công an tỉnh Lào Cai tổ chức thực hiện nhiều đợt tuần tra, truy quét các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ phát triển rừng, góp phần bảo vệ nguồn gen quý hiếm của vùng núi cao Sa Pa.
Chỉ tính riêng về các loại cây rừng tự nhiên quý hiếm bị khai thác làm cảnh, Hạt kiểm lâm Hoàng Liên đã bắt và xử lý trên 10 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 20 triệu đồng, tịch thu và bàn giao để chăm sóc cứu hộ 11 gốc cây Thông tre có trọng lượng 1705 kg (quy đổi 1,705 m3), 1 cây Đỗ Quyên có trọng lượng 25 kg (0,025 m3); tịch thu tiêu hủy trên 60 cành cây mận rừng và cành hoa Hồng Quang dân mang bán trong dịp Tết Nguyên đán 2017.
Bên cạnh đó, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền để người dân không tham gia vào việc khai thác, vận chuyển, buôn bán các loại cây, cành cây cảnh có nguồn gốc từ rừng. Kết quả là không còn tình trạng người dân địa phương khai thác, buôn bán, vận chuyển các loại cành cây rừng quý hiếm bán cho người chơi cây cảnh.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, tình trạng khai thác cây cảnh có nguồn từ rừng tự nhiên lại tái diễn trở lại, đặc biệt là các loài cây đặc biệt quý hiếm  Đỗ quyên, Thông tre, vầu đốm.... Do đó, Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các trạm kiểm lâm địa bàn, tổ kiểm lâm cơ động tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng tận gốc, không để tình trạng khai thác cây thông tre từ trong vùng lõi Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa), đồng thời kiên quyết  xử lý triệt để các hành vi cố tình vi phạm.
Vì thế, đến nay, đã giảm thiểu tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ Pơ mu từ địa bàn các xã trọng điểm như Tả Van, Bản Hồ và đặc biệt  không còn tình trạng khai thác, buôn bán các loài cây Đỗ Quyên và cây Thông tre trên núi Hoàng Liên.(Tài Nguyên & Môi Trường 9/11)đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, làm rõ những vấn đề Báo Pháp luật Việt Nam nêu liên quan vụ phá rừng 327.
Ngày 07/11, Văn Phòng Chính Phủ ra Văn bản số 11893/VPCP-NN về việc xử lý vấn đề về nạn phá rừng thông trồng su su tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những hành vi vi phạm pháp luật và trả lời báo Pháp luật Việt Nam
Trước đó, báo Pháp luật Việt Nam (Pháp Luật Plus) số ra ngày 31/10/2017 có bài “Vĩnh Phúc: Đốn rừng thông trồng su su, một vụ phá rừng khôn khéo?” phản ánh về tình trạng phá rừng trong dự án 327 để trồng su su tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh
Theo đó, gần 8ha rừng thuộc dự án rừng phòng hộ 327 (huyện Tam Đảo) biến mất một cách lạ thường và trở thành những vườn su su xanh mướt.
Những cây thông được trồng cách đây hơn 10 năm đã biến mất đi đâu.
Hỏi ra mới biết, những vườn su su mà các hộ dân thuộc thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo đang trồng nằm trên phần đất thuộc dự án rừng 327 nhưng bị đốn hạ và chết từ từ hơn 10 năm nay.
Vụ việc tồn tại hơn 10 năm nhưng các cơ quan chức năng huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc chưa giải quyết khiến người dân địa phương bức xúc.(Pháp Luật Plus 8/11)đầu trang(
Lục Yên có trên 44.212 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên trên 27.000 ha. Địa bàn có rừng trải dài và giáp ranh với nhiều huyện của tỉnh khác.
Theo rà soát, Lục Yên có trên 44.212 ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên là trên 27.000 ha. Địa bàn có rừng trải dài và giáp ranh với nhiều huyện như: Bảo Yên (Lào Cai), Bắc Quang (Hà Giang nên những năm trước, nhiều khu rừng tự nhiên ở các xã: Khánh Thiện, Mai Sơn, Lâm Thượng, Tân Phượng, Khai Trung và một số xã dọc tuyến quốc lộ 70 luôn bị lâm tặc "nhòm ngó” và khai thác.
Trước thực trạng trên, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương có nhiều biện pháp giữ rừng hiệu quả. Xác định công tác tuyên truyền là biện pháp hàng đầu, cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên xuống các thôn, bản tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), các chính sách về lâm nghiệp đến các hộ dân.
Công tác tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng như: in tờ rơi, áp phích, họp thôn bản; xây dựng và thực hiện quy ước BVR ở các thôn, bản; ký cam kết BVR tới các hộ dân; nâng cao chất lượng khoán và BVR tới hộ, nhóm hộ. Nhờ đó, nâng cao ý thức của người dân trong BVR.
Ông Đặng Văn Tâm - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: "Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, chúng tôi thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương các xã vùng giáp ranh, xây dựng và triển khai kế hoạch phương án phối hợp quản lý bảo vệ diện tích rừng giáp ranh trên từng địa bàn cụ thể; tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý BVR đến các xã, các thôn, bản, thực hiện trao đổi thông tin thống nhất biện pháp xử lý vi phạm.
Đồng thời, Hạt đã phối hợp với lực lượng công an, UBND các xã tập trung truy quét mạnh các hành vi tàng trữ, buôn bán lâm sản trái phép; nắm bắt thông tin, từ quần chúng nhân dân phát hiện kịp thời các điểm phát phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép để ngăn chặn và xử lý kịp thời. Nhờ đó, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể.
Trong 10 tháng của năm 2017, Hạt Kiểm lâm huyện phát hiện và xử lý 13 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có 7 vụ phát rừng làm nương rẫy, tịch thu 2,578 m3 gỗ các loại, nộp ngân sách trên 18 triệu đồng.
Để làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các hộ và nhóm hộ nhận khoán BVR tự nhiên sản xuất, rừng tự nhiên phòng hộ tiếp tục bảo vệ diện tích rừng theo hợp đồng đã ký kết; tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp với các xã thường xuyên tuyên truyền công tác quản lý BVR và PCCCR, tiếp tục triển khai cho nhân dân các chỉ thị của Trung ương, tỉnh, huyện về tăng cường các biện pháp cấp bách BVR và PCCCR xuống các xã, các thôn, bản; duy trì và củng cố, kiện toàn các ban chỉ huy PCCCR từ huyện đến cơ sở; phối hợp liên ngành giữa kiểm lâm, công an và quân đội các ngành chức năng và chính quyền cơ sở tiếp tục tăng cường các biện pháp cấp bách quản lý BVR.
Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát lâm sản tại các vùng trọng điểm như tuyến: quốc lộ 70, đường Đông Hồ, các vùng giáp ranh Bảo Yên (Lào Cai), Bắc Quang (Hà Giang), khu vực Lâm Thượng, Tân Phượng, Minh Chuẩn để ngăn chặn kịp thời triệt để các hành vi khai thác lâm sản trái phép.(Cổng Thông Tin Điện Tử Yên Bái 9/11)đầu trang(
Lũ năm sau đạt đỉnh cao hơn năm trước? Ngoài do biến đổi khí hậu nữa, sự thực, lũ còn là do con người, do chính người Việt chúng ta tự gây nên.Bão, lũ, mưa lớn… những hiện tượng thời tiết cực đoan trên xuất hiện ngày một nhiều, chỉ trong chưa đầy một tháng qua, lũ từ miền Bắc, rồi lũ ngược miền Trung. Tất cả đều cực đoan, đều tàn khốc. Và rất nhiều người đều chung một nhận định nguyên nhân: Do biến đổi khí hậu!
Có lẽ, để lý giải hiện tượng lũ lụt tại khắp các tỉnh từ miền Bắc tới miền Trung lúc này không có gì dễ dàng hơn là “đổ bệnh” cho biến đổi khí hậu (BĐKH). Bởi đó là một cách lý giải đơn giản nhất, dễ dàng nhất và được nhiều người chấp nhận nhất?
Việt Nam được đánh giá là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng BĐKH. Theo đó, các hiện tượng thời tiết như El Nino, La Nina hay gần đây là ENSO (pha loãng giữa 2 hiện tượng trên) xảy ra ngày càng nhiều, dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn thì hạn kỷ lục, lũ thì lên tới đỉnh lũ…
Thực tế cho thấy, ở một khía cạnh nào đó, cũng có nguyên nhân từ trên, song qua các hiện tượng lũ lụt liên tiếp trong thời gian gần đây, đặc biệt trong một tháng nay, lũ đã “chạy” từ hàng loạt các tỉnh miền núi phía Bắc tới các tỉnh miền Trung có thể thấy, lũ không chỉ do cái “anh” tên là BĐKH gì, mà chính là do chính con người gây nên. Đó chính là nạn phá rừng đến cạn kiệt, là tình trạng xây dựng thủy điện tràn lan, là việc chuyển đổi diện tích rừng sang sử dụng cho các mục đích khác.
Theo số liệu mới nhất được Bộ NNPTNT công bố về hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, diện tích rừng cả nước có gần 14,4 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 10,2 triệu ha, rừng trồng 4,1 triệu ha; độ che phủ rừng 41,19%.
Sẽ là rất “đẹp” nếu nhìn vào con số trên, nhưng sự thật thì sao? Có thể thấy, trong suốt nhiều năm qua nạn chặt phá rừng đã diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đến độ Thủ tướng Chính phủ phải ra lệnh đóng cửa rừng Tây Nguyên. Tuy vậy, “máu” rừng vẫn ngày đêm cuộc chảy, những vụ phá rừng khắp từ Bắc chí Nam vẫn tiếp diễn, thậm chí có nhiều cánh rừng đầu nguồn và cả những cánh rừng nguyên sinh, mới nhất ở Quảng Nam và Bình Định đã bị đốn hạ.
Chúng ta cứ thử hình dung như thế này, nếu còn rừng với những thân cây gỗ cả trăm năm, có bộ rễ bám sâu vào lòng đất, ở dưới là các thảm thực vật, thì khi mưa xuống, nước sẽ được thẩm thấu xuống đất, lũ sẽ được những thân cây lớn cản bớt. Còn bây giờ thì sao, toàn đất trống đồi trọc với những cây còi cọc nên mưa bao nhiêu đương nhiên sẽ trút xuống các vùng thấp, trũng bấy nhiêu. Ngược lại về mùa khô, chẳng còn rừng để tích, giữ nước nữa.
Tôi đã từng đi cả gần 1 ngày trời vào vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) và được tận mắt chứng kiến những cây gỗ nghiến có tuổi lên tới cả trên 100 năm bị đốn hạ một cách không thương tiếc. Họ đã chặt vào đến cả vùng lõi của vườn quốc gia này, ngay cả ở một vườn được bảo vệ như thế còn bị chặt hạ, thì hỏi làm sao rừng ở các nơi khác còn.Chúng ta đang nói đến độ che phủ rừng là gần 42%, nhưng thực sự cần phải xem lại chất lượng rừng trong đó như thế nào. Hiện có rất nhiều diện tích tuy được gọi là “rừng” nhưng thực chất đã bị chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như cao su, cà phê, thậm chí cả ngô, sắn, đỗ, lạc…
Trong các đợt bão và lũ vừa qua, có thể thấy rõ nhất những cánh rừng cao su bị “bẻ” gãy dễ dàng như thế nào. Vậy mà đã có hàng triệu ha cao su được đưa ra khắp miền Trung, miền Bắc để trồng, nên cũng có thể coi đây là một thủ phạm Một vị đại biểu Quốc hội đã từng nói: Tôi rất buồn khi ngồi trên máy bay quan sát, rừng của chúng ta không còn, toàn là đất trống đồi trọc. Như thế bảo sao không có lũ. Tại các nơi trên thế giới, rừng được bảo vệ tuyệt đối nghiêm ngặt như Đài Loan- vùng đất thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi bão, động đất họ đã gần như giữ nguyên được màu xanh cho rừng.
Hàng năm, chúng ta vẫn nhận được những con số báo cáo về xuất khẩu gỗ với kim ngạch 7-8 tỷ USD và ai cũng lấy làm rất tự hào, gỗ lấy ở đâu ra? Từ rừng.Hay chúng ta, thấy ngày càng xuất hiện nhiều ngôi nhà được gọi là “biệt phủ” với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn m3 gỗ quý hiếm được dựng lên. Những căn “biệt phủ” đó từ đâu mà có? Từ rừng.
Đất nước ta đã được hình thành từ cả mấy nghìn năm nay, đâu phải bây giờ mới có mưa, bây giờ mới có lũ, song vì sao lũ cứ xảy ra ngày một nhiều, mật độ dày hơn, lớn hơn, xảy ra ở những vùng mà xưa nay tưởng như chẳng bao giờ có lũ như Tây Nguyên.Lũ năm sau đạt đỉnh cao hơn năm trước? Ngoài do biến đổi khí hậu nữa, sự thực, lũ còn là do con người, do chính người Việt chúng ta tự gây nên.Và để hạn chế được những đợt lũ như trên, không có cách gì khác là phải trả lại rừng những gì mà con người đã lấy đi, đã tước đoạt.
Trồng rừng là cả một quá trình lâu dài, có khi mất đến vài thế hệ mới thực hiện được, nhưng nếu không bắt đầu từ bây giờ, không biết tương lai lũ sẽ còn khốc liệt như thế nào?Và chúng ta cũng cần lên án những thủ phạm đã gây nên lũ lụt như hiện nay. Còn những kẻ chặt phá  rừng, pháp luật cần phải trừng trị bằng những bản án nghiêm khắc nhất, thậm chí có  thể tử hình. Cần coi phá rừng chính là tội ác hủy diệt loài người.
Và cũng cần xử lý nghiêm khắc những kẻ tiếp tay cho nạn phá rừng, những kẻ khoác trên mình chiếc áo “kiểm lâm” nhưng lại chính là những kẻ tiếp tay cho tội ác phá rừng.Và cũng đến lúc cần xử lý nghiêm khắc các “biệt phủ” xây dựng bằng những nguồn gỗ bất hợp pháp.Nếu không hành động ngay, ai dám chắc một ngày nào đó, thủy điện Hòa Bình sẽ phải mở 12 cửa xả đáy, khi đó lũ không còn ở đâu xa, mà sẽ vào chính thủ đô Hà Nội.
Lũ sẽ không chỉ ở miền núi, miền Trung mà sẽ xuất hiện ở khắp cả nước, nhiều vùng đất sẽ bị nhấn chìm vĩnh viễn.(Dân Việt 8/11)đầu trang(
Sáng 7-11, tại huyện Bù Đăng, Chi cục Kiểm lâm phối hợp Hạt kiểm lâm huyện Bù Đăng tổ chức lớp tập huấn về kiến thức phòng cháy, chữa cháy rừng cho cộng đồng.
Tham gia lớp tập huấn có 50 học viên thuộc các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng của thôn, ấp các xã trên địa bàn huyện.
Trong 2 ngày, học viên sẽ được các giảng viên đến từ cơ sở 2 trường đại học Lâm nghiệp huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai và Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Bình Phước triển khai những nội dung: Kiến thức chung về phòng cháy, chữa cháy rừng; kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy rừng; một số khái niệm và bản chất của cháy; nguyên nhân cháy và nguyên nhân các vụ cháy; phương pháp phòng cháy, chữa cháy cơ bản; một số chất chữa cháy và dụng cụ chữa cháy thô sơ; quy định pháp luật về tiêu chuẩn kỹ thuật, phương tiện và thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn sử dụng, thực hành các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng...
Lớp tập huấn nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm, năng lực điều hành chỉ huy chữa cháy rừng của lực lượng tổ, đội thôn, ấp ở các xã theo phương châm 4 tại chỗ; xây dựng và kiện toàn lực lượng chữa cháy rừng chuyên trách, lực lượng tự nguyện tham gia chữa cháy rừng các cấp. Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả trong bảo vệ, phát triển rừng và hạn chế tối đa vụ cháy gây thiệt hại về rừng trên địa bàn huyện Bù Đăng.(Báo Bình Phước 8/11)đầu trang(
Đó là chủ đề của Hội thảo Mạng lưới Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã (WARN) được Dự án Chương trình bảo tồn các loài Linh trưởng quý hiếm tổ chức lần thứ 9 tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình vào ngày 08/11/2017, nhằm nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã khu vực Đông và Đông Nam Á.
Mạng lưới Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã (WARN) được đăng ký tại Hà Lan là một tổ chức phi chính phủ quốc tế. Các thành viên của WARN là các cơ sở cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã nằm trong khu vực Đông và Đông Nam Á với các quốc gia như Brunei, Camphuchia, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Miến Điện, Philippin, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
Hiện tại,  Vườn Quốc gia Cúc Phương có 03 cơ sở cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã đó là: Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp (EPRC), Trung tâm Bảo tồn Rùa nước ngọt (TCC), Trung tâm Bảo tồn Thú ăn thịt nhỏ và Tê tê (CPCP). Cùng 01 Trung tâm Bảo tồn Gấu Ninh Bình đang được đầu tư xây dựng ở gần Vườn Quốc gia Cúc Phương tại xã Kù Phú, huyện Nho Quan và cũng đang nỗ lực đưa vào hoạt động cứu hộ, bảo tồn gấu.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các Tổ chức trong khu vực Đông và  Đông Nam Á có liên quan đến cứu hộ động vật hoang dã, bảo vệ động vật hoang dã và các lực lượng bảo vệ pháp luật về động vật hoang dã, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và những nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã xoay quanh chủ đề “Cứu hộ Động vật hoang dã, phục hồi sức khỏe và thả động vật”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tilo Nadler - Đồng Giám đốc Dự án Chương trình bảo tồn các loài Linh trưởng quý hiếm tại Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết: Hiện nay chủ đề “thả động vật về tự nhiên sau khi cứu hộ, cũng như là tái hòa nhập những cá thể sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt và bảo tồn môi trường sống cho động vật, tăng cường số lượng các loài trong tự nhiên”, đang được nhiều người, cũng như nhiều tổ chức rất quan tâm. Trong đó việc thả động vật, tái hòa nhập động vật vào tự nhiên như thế nào để đáp ứng được môi trường sống.
“Ở những khu vực không có động vật thì sẽ thành lập một bầy đàn mới, để bổ sung số lượng loài cho vùng được phân bố, từ đó giao lưu với các loài sẵn có, đối chọi với các thù địch trong tự nhiên. Đây là những mục tiêu chúng tôi rất mong muốn không chỉ đối với các Trung tâm cứu hộ ở Việt nam, mà còn đối với các Trung tâm cứu hộ khác trên thế giới, nhằm bảo tồn được động vật hoang dã trong thiên nhiên và cân bằng cho môi trường” - Ông Tilo Nadler khẳng định.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thái – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thú ăn thịt nhỏ và Tê tê cũng thẳng thắn chia sẻ những kinh nghiệm cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã của Trung tâm mình, đồng thời mong muốn tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã từ nhiều ý kiến đến từ các Tổ chức trong khu vực Đông và  Đông Nam Á có liên quan đến cứu hộ động vật hoang dã, bảo vệ động vật hoang dã.
Chia sẻ tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng: Đối với các loài nguy cấp, đặc biệt nguy cấp và cực kỳ nguy cấp đang được quan tâm. Để có sự thành công trong công tác cứu hộ và bảo tồn, thì cần có sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương, cùng sự nhận thức cao của người dân và lực lượng kiểm lâm, từ đó nâng cao công tác bảo vệ và hiểu được giá trị của những động vật hoang dã, để cùng nhau bảo vệ loài động vật nguy cấp, cực kỳ nguy cấp cho Việt Nam và cho các nước trên thế giới…
Đặc biệt, trong Hội thảo lần này các đại biểu cũng quan tâm đến chiến dịch của Chính phủ Việt Nam về việc sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt 2 loài gấu tại các trang trại tư nhân ở Việt Nam.(Tài Nguyên & Môi Trường 8/11)đầu trang(
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp kiểm tra, phát hiện, lập biên bản và tiếp nhận xử lý 48 vụ vi phạm quy định về chế biến gỗ và lâm sản, phá rừng trái phép, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép…; tăng 13 vụ so với cùng kỳ năm 2016.
Kết quả, chi cục đã xử lý hành chính 48 vụ (năm 2016 chuyển sang 1 vụ), thu nộp ngân sách hơn 831 triệu đồng, thu hồi hơn 10.000m3 gỗ các loại, tịch thu 12 con động vật hoang dã. Chi cục cũng đã tổ chức kiểm tra xác nhận nguồn gốc lâm sản hợp pháp 5.448 trường hợp.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có; triển khai việc rà soát điều chỉnh Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2020, kế hoạch kiểm tra các cơ sở nuôi động vật hoang dã thuộc loài nguy cấp, quý hiếm, hung dữ trên địa bàn tỉnh năm 2017.
Từ nay đến cuối năm, chi cục tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, không để xảy ra trường hợp nào về cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, chặt phá cây rừng trái phép; quản lý chặt chẽ đất lâm nghiệp. Đơn vị cũng tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các dự án chăm sóc rừng trồng năm 2016, đề án xác định các đối tượng cung ứng và đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, dự án giải pháp bảo vệ rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu, dự án định giá rừng…(Báo Bình Dương 9/11)đầu trang(
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 64 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng.
Trong đó, 1 vụ vi phạm về phá rừng trái phép; 17 vụ khai thác gỗ và lâm sản khác; 10 vụ vi phạm quy định về phòng, chống cháy rừng; 2 vụ vi phạm quy định về quản lý bảo vệ động vật hoang dã; 20 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; 2 vụ vi phạm quy định về chế biến gỗ và lâm sản khác...
Tịch thu 49,50 m3 gỗ tròn, 7 m3 gỗ xẻ các loại. Xử phạt và bán tang vật tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 563 triệu đồng.
Hiện, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; chỉ đạo các hạt Kiểm lâm tăng cường bám sát địa bàn, tuyên truyền, vận động các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; hợp đồng bảo vệ rừng với 148 xã trọng điểm cháy rừng trên địa bàn tỉnh.(Báo Cao Bằng 8/11)đầu trang(
Trước việc rừng tự nhiên bị tàn phá, vấn đề bảo vệ rừng bằng nhiều biện pháp khác nhau cũng đã được triển khai. Nhất là khi những thiệt hại về người và của do bão, lũ gây ra như thời gian vừa qua càng khiến việc bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, là vấn đề quan trọng. Ghi nhận ở một số địa phương cho thấy đã và đang nỗ lực để tăng cường bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng tự nhiên gây mất cân bằng sinh thái.
Tại mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang, công tác quản lý bảo vệ rừng được quan tâm, thực hiện quyết liệt. Trong 9 tháng đầu năm 2017, đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ, phòng chống cháy rừng được gần 56.000 buổi cho 67.500 lượt người tham gia; ký cam kết bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng được gần 55 nghìn hộ và 516 tổ dân phố, thôn. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, Hà Giang cũng đã xảy ra 14 vụ cháy rừng và trảng cỏ với tổng diện tích gần 68ha.
Các ngành chức năng đã phát hiện 251 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, trong đó đã xử lý 235 vụ, tịch thu trên 100m3 gỗ các loại và thu nộp ngân sách nhà nước trên 1,5 tỷ đồng.
Còn tại Thanh Hóa, để tăng cường công tác bảo vệ rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở NN&PTNN chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng trên địa bàn triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng trên địa bàn.
Văn bản cũng chỉ rõ: Nếu địa bàn nào xảy ra tình trạng xâm lấn, phá rừng, khai thác rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên trái quy định của pháp luật mà không được ngăn chặn kịp thời thì Giám đốc Sở NN&PTNN, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và quy định của pháp luật hiện hành.
Trong khi đó, ở Thừa Thiên - Huế, nhằm tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vừa tổ chức Lễ ra mắt lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Theo đó, lực lượng gồm 16 thành viên được chia thành 3 đội gồm: Đội Bến Lội-Mụ Nú (5 thành viên), Đội Long Quảng (6 thành viên) và Đội Km9 Hương Sơn (5 thành viên), thực hiện tuần tra, canh gác chốt chặn tại các vị trí then chốt, các điểm nóng về vi phạm lâm luật trong lâm phận được giao quản lý của đơn vị.
Đây là lực lượng được quy định đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và trang bị các phương tiện bảo hộ, công cụ hỗ trợ để thực hiện có hiệu quả, đúng quy định pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có nhiệm vụ: Tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng, lấn chiếm rừng, đất rừng trái pháp luật; Thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; Kịp thời báo cáo với chủ rừng và cơ quan chức năng về tình hình bảo vệ rừng được giao; Chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật; Chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của chủ rừng và kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan kiểm lâm và thực hiện các nhiệm vụ khác do chủ rừng giao...
Tại Bình Dương, mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định phê duyệt dự án “Giải pháp bảo vệ rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.​​ Theo đó, mục tiêu dự án là nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực thích ứng và giảm nhẹ khả năng dễ bị tổn thương do tác động BĐKH của các hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái rừng trồng và rừng tự nhiên; ngăn chặn sự suy giảm diện tích rừng, suy thoái chất lượng rừng và cải thiện cấu trúc rừng. Dự án có quy mô 10.687,61 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 - 2020.
Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp thực hiện nhóm giải pháp về chiến lược và quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng và mảng xanh đô thị; nhóm các giải pháp về kỹ thuật lâm sinh; giải pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Cụ thể, về nhóm giải pháp về chiến lược và quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng và mảng xanh đô thị: Cần phải bảo vệ và phát triển rừng, với những loài cây rừng thực thụ có tác dụng hấp thụ carbon, che phủ đất, chống thoái hóa đất, hấp thụ nhiệt, tạo cảnh quan.
Bảo vệ nghiêm ngặt 1.792,23 ha diện tích rừng tự nhiên hiện còn, phát triển diện tích trồng cây rừng thực thụ để phòng hộ đầu nguồn; duy trì ổn định diện tích đất đã quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp là 10.687,61 ha để làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp tổ chức, quản lý rừng một cách ổn định và bền vững; gia tăng tỷ lệ mảng xanh để bảo vệ môi trường, kết hợp tạo cảnh quan, thẩm mỹ cho cho đô thị Bình Dương trong tương lai.
Đối với rừng khộp, ngoài việc tỉa thưa những cây cong queo, sâu bệnh, cụt ngọn và cây gỗ tạp thì cần trồng bổ sung những loại cây bản địa mục đích như: giáng hương, cà te hay gõ đỏ, gụ mật, cẩm liên, sao đen… nhằm chống chọi với nạn cháy rừng và góp phần tăng tỷ lệ cây bản địa mục đích, tăng tổ thành loài… (Đại Đoàn Kết 9/11)đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Hiệu quả ban đầu đạt được, anh Tư đã đầu tư mở rộng thêm diện tích trồng rừng bằng cách gom đất lâm nghiệp ở các hộ xung quanh từ lợi nhuận chăn nuôi thuận lợi.
Nhờ áp dụng mô hình nông lâm kết hợp phát triển chăn nuôi dê, bò dưới tán rừng, gia đình anh Nguyễn Văn Tư (40 tuổi) ở thôn Nước Ngọt, xã Cam Lập, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) không chỉ chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc, mà còn “lấy ngắn nuôi dài” phát triển diện tích rừng lên đến hàng chục ha.
Sau 15 năm gây dựng mô hình nông lâm kết hợp phát triển chăn nuôi dê, bò dưới tán rừng, anh Nguyễn Văn Tư tâm sự: “Giờ đây gia đình tôi chẳng phải làm nhiều, có thể thảnh thơi ngồi uống trà vì đã qua thời gian lao động khổ cực. Bởi lẽ cánh rừng rộng hàng chục ha, trong đó nhiều diện tích cây rừng tự nhiên như xay, lim, trâm, ké… được tôi gìn giữ từ những cây con tái sinh và cây ăn quả như điều, xoài, mít… trồng dặm đang đến ngày thu hoạch. Còn đàn dê, bò với số lượng gần 100 con được thả trong khu rừng khép kín không lo thiếu thức ăn, vì cỏ và lá rừng rất dồi dào”.
Theo anh Tư, mô hình này cho gia đình thu nhập mỗi năm trên dưới 150 triệu đồng, chưa tính thu nhập từ rừng. Nếu tính cả khai thác rừng thì doanh thu lên đến hàng tỷ đồng.
Nhớ những ngày đầu lập nghiệp, anh Tư kể, sau khi lấy vợ, năm 2002 anh về đây khai phá làm rẫy khi vùng đất này còn khá hoang vu. Với địa hình vách đá dựng đứng, đất nghèo dinh dưỡng, lại khô cằn nên anh nghĩ chỉ có phát triển chăn nuôi là thích hợp. Từ đó, anh đầu tư mua 50 con dê và vài con bò về nuôi theo kiểu bán chăn thả. Tuy nhiên khi đàn gia súc phát triển đòi hỏi nguồn thức ăn lớn trong khi anh không có đất trồng cỏ.
“Khi đàn gia súc nhà tôi phát triển hàng trăm con thì nguồn thức ăn nhiều khi thiếu thốn. Tôi phải chăn dắt đàn đi ăn xa, không chỉ tốn sức mà còn tốn thêm chi phí thuê lao động. Do đó tôi luôn trăn trở phải làm gì để có đủ nguồn thức ăn cho gia súc? Rồi tôi nghĩ đến chỉ có nuôi dưỡng rừng mới tạo được nguồn thức ăn cho vật nuôi.
Với diện tích ban đầu được gia đình giao cho 5ha đất vườn đồi, tôi ra sức phát dọn những cây bụi rậm, dây leo, chỉ để lại một số cây rừng tự nhiên như tràm, ké, muồng, mìn lin… đồng thời trồng dặm thêm cây keo, bạch đàn, xoan, điều, xoài, mít…
Nhờ cách làm này mà việc chăn nuôi dưới tán rừng của gia đình tôi có nhiều lợi ích. Cụ thể, đàn bò, dê tự kiếm ăn và phát triển nhanh nhờ vận động trong môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, nhờ chăn nuôi đã cung cấp nguồn phân bón đáng kể để anh phát triển vườn cây ăn quả, trồng cỏ để dự trữ nguồn thức ăn”, anh Tư chia sẻ.
Sau những hiệu quả ban đầu đạt được, anh Tư đã đầu tư mở rộng thêm diện tích trồng rừng bằng cách gom đất lâm nghiệp ở các hộ xung quanh từ lợi nhuận chăn nuôi thuận lợi. Và, cũng như cách làm như trên anh lại ra sức phát dọn khoanh nuôi và bảo vệ những cây rừng tự nhiên được tái sinh, rồi trồng dặm cây lâm nghiệp và cây ăn trái. Từ đó, diện tích cây rừng tự nhiên và rừng trồng của gia đình anh không ngừng tăng lên theo hàng năm. Đến nay anh đã sở hữu với diện tích rừng lên đến khoảng 20ha.
Dẫn chúng tôi tham quan dưới tán cây rợp bóng mát, anh Tư cho biết thêm, toàn bộ khu rừng này được anh đầu tư xây dựng tường rào lưới B40 khép kín nên rất tiện cho việc chăn nuôi và bảo quản cây rừng, ngăn chặn việc chặt trộm. Điều đáng mừng khi nhiều cây rừng tự nhiên sinh trưởng và phát triển rất tốt. Có cây đạt đường kính thân từ 30 - 50cm. Nhiều người vào tham quan đều thích thú. Họ từng gạ anh bán cây rừng tự nhiên với giá từ 2 - 3 triệu/m3 gỗ nhưng anh từ chối.
Anh Tư cho biết, trước đây mỗi năm anh tốn hàng chục triệu đồng để mua cỏ và rơm làm thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên từ khi triển khai mô hình nông lâm kết hợp anh không còn tốn tiền tiền mua thức ăn cho bò, dê nữa. Lá rừng khô khi rụng xuống được vật nuôi tận dụng ăn hết nên không xảy ra tình trạng cháy rừng.(Nông Nghiệp Việt Nam 9/11)đầu trang(
Từng đoàn người ở các địa phương miền núi của tỉnh Thanh Hóa ồ ạt, kéo nhau mang dao vào rừng tìm cây Ba chạc chặt đem về bán cho lái thương. Tuy nhiên, chính quyền lại phủ nhận không có tình trạng trên.Thời gian gần đây, trên địa bàn nhiều huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, người dân đổ xô vào rừng săn tìm cây Ba chạc đem về bán cho thương lái.
Có mặt tại nhiều địa phương như xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Vạn Xuân, Xuân Cẩm, Xuân Thắng… của huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa), chúng tôi bắt gặp bên đường những tốp người cùng nhau đi vào rừng tìm chặt cây Ba chạc, nhiều xe xếp thành hàng để bên đường trong rừng, nhiều đống cây Ba chạc được chặt bó thành bó củi.
Tại làng Cụt Ặc, xã Xuân Chinh, PV bắt gặp nhiều tốp người, có khi cả gia đình cùng kéo nhau vào rừng tìm chặt cây Ba chạc đem về bán cho các chủ đầu nậu tại địa phương trước khi được bán cho người khác bốc lên ô tô mang đi.
“Gần 1 tuần nay tôi thấy nhiều xe tải vào làng vận chuyển cây Ba chạc được các đầu nậu trong làng mua của dân đem đi đâu chúng tôi không biết” -một người dân cho hay.
Khi chúng tôi đi sâu vào khu vực khe suối tại Cụt Ặc, ngay trên đường bắt gặp nhiều cây Ba chạc từ lớn đến bé bị chặt hạ, ngọn cây còn sót lại trên mặt đất, đi sâu vào trong chúng tôi gặp nhiều người đang tìm kiếm những cây ba chạc dưới những cánh rừng.Còn tại khu vực tuyến đường dốc cao giáp ranh với địa phận huyện Như Xuân, nhiều chiếc xe máy được người dân để bên đường, rồi vào rừng tìm cây Ba chạc.
“Với giá bán cây tươi từ 500 đồng/1kg cây nhỏ và 700 đồng/1kg cây lớn thì ngày tôi chặt được hơn 200kg với giá bình quân cũng được hơn 150 nghìn đồng mỗi ngày” - một người dân cho biết.Trước đây khi mới bắt đầu đi tìm Ba chạc thì chỉ cần đi vài chục mét là gặp nhưng nay do nhiều người chặt quá nên cây cũng hết do vậy mọi người phải đi sâu vào rừng hơn mới thấy loại cây này.
Cũng tại làng Cụt Ặc có rất nhiều đầu nậu tập kết hàng đống lớn với số lượng nhiều lên đến cả tấn ba chạc được để bên đường đợi mang đi.Tại xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), các đầu nậu vô tư thu mua và xếp cây ba chạc thành những đống lớn bên cạnh đường đợi khi nào đủ xe thì sẽ bốc lên xe nhập cho các thương lái.
Việc người dân đổ xô vào rừng chặt cây Ba chạc gây ra tình trạng mất an toàn về an ninh rừng, gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và làm mất đi độ che phủ của rừng.“Cây này có giá trị kinh tế cao vì mỗi ngày người dân có thu nhập hàng trăm nghìn đồng, việc khai thác cây ba chạc gây ảnh hưởng đến an ninh rừng vì loại cây này nằm ở trong rừng chứ không phải trên đất 02” - một thương lái cho hay.
Theo các đầu nậu cho biết thì họ thu gom cây ba chạc về đem bán cho một gia đình có tên Tâm Được ở thị trấn Sao Vàng (huyện Thọ Xuân), sau đó được băm nhỏ, sấy khô đóng bao và chở lên chợ Na Hình (Lạng Sơn) bán cho thương lái Trung Quốc.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Cầm Bá Quân - Phó chủ tịch UBND xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân phủ nhận sự việc và cho biết mấy năm trước thì có tình trạng thương lái mua cây Ba chạc nhưng năm nay chưa thấy xe nào.
“Trước đây bên Thanh Sơn (huyện Như Xuân) có việc chặt cây ba chạc, đó là cây làm thuốc và là lâm sản phụ. Tuy nhiên hiện không còn cây to mà chỉ có loại to bằng cái ấm tích, hoặc cái ấm pha trà. Người dân chỉ đi mót cây này về thôi chứ không có chuyện tập trung đi thu hái. Vì hiện cây này còn ít nên nếu đi chặt thì chỉ làm vài 3 ngày là hết sạch", ông Quân cho hay.
Về thông tin cho rằng thương lái đang ồ ạt thu mua loại cây này và họ đánh cả xe tải lớn vào để thu mua, tuy nhiên theo ông Quân thì thông tin này không xác thực, nếu có đi thì cũng chỉ đi xe tải con vài tấn trở lại thôi.
Cây Ba chạc hay có tên khác là chè đắng, chè cỏ, cây dầu dây, theo y học hiện đại, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy ba chạc có tác dụng làm giảm cholesterol, giảm mỡ máu và chứng cao huyết áp, chữa tê thấp, xương đau nhức, dùng cho phụ nữ sau sinh, chữa mẫn ngứa, ghẻ, … Ba chạc mọc rất phổ biến khắp nơi như bìa rừng, đồi cây bụi và trong rừng thưa, mọc ở cả vùng đất núi và đồng bằng.(Infonet 9/11)đầu trang(
Công ty Cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) vừa bố cáo những phương án phục hồi cho doanh nghiệp trong ngắn hạn với việc phát hành thêm vốn và nguồn tài chính từ cam kết chiến lược từ Tập đoàn Vingroup.
Cụ thể, TTF sẽ phát hành thêm cổ phiếu để huy động thêm 1.000 tỷ đồng ngay trong quý IV/2017. Doanh nghiệp cũng sẽ nghiên cứu khai thác mảng trồng rừng để tăng cường khả năng tài chính.
Nguồn tài chính lớn sẽ nằm ở nguyên tắc chỉ định nhà cung cấp chiến lược giữa TTF và Vingroup. Theo đó, tổng giá trị sản phẩm mà TTF sẽ cung cấp cho tập đoàn Vingroup sẽ có giá trị 16.000 tỷ đồng trong vòng 5 năm. Vingroup cũng đã đặt cọc cho TTF số tiền 1.130 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất lũy kế đến quý III/2017 vừa công bố cho thấy lần đầu tiên TTF có lãi sau thời gian dài khủng hoảng. Lợi nhuận hợp nhất chỉ đạt con 3,25 tỷ đồng. Dù là một con số khiêm tốn nhưng rất lạc quan khi cùng kỳ năm ngoái, TTF lỗ hơn 398 tỷ đồng.Sự tăng trưởng này dựa trên kết quả doanh thu tăng hơn 140 tỷ đồng, chi phí lãi vay giảm 38 tỷ đồng và chi phí bán hàng giảm 3,8 tỷ đồng.
Riêng quý III/2017 TTF cũng báo lãi hơn 14 tỷ đồng tăng hơn 442 tỷ đồng so với con số lỗ của quý III/2016.(Vietnamfinance 9/11)đầu trang(
Ngày 8-11, tại Hội trường huyện, UBND huyện Ia Pa tổ chức Hội nghị triển khai trồng rừng nhằm đối thoại với 104 hộ dân trên địa bàn 2 xã Kim Tân và Ia Ma Rơn có diện tích đất buộc chuyển đổi trồng rừng.
Theo đó, qua rà soát, đợt này hơn 155 ha đất rừng đang bị người dân lấn chiếm (chủ yếu tại khu vực đèo Blôm và Khu Trung tâm huyện) buộc chuyển đổi trồng rừng trong năm 2017.
Với tinh thần cởi mở, đại diện lãnh đạo huyện, các ngành liên quan như: Hạt Kiểm lâm huyện, Phòng Tài Nguyên và Môi trường đã giải đáp những thắc mắc của bà con xoay quanh vấn đề: với diện tích đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có buộc phải thu hồi và chuyển đổi trồng rừng, hướng hỗ trợ người dân trồng rừng hiệu quả, việc cải thiện đời sống của hộ nghèo, hộ người có công thiếu đất sản xuất sau khi bị thu hồi,…
Lãnh đạo UBND huyện Ia Pa cũng khẳng định, sau hội nghị lần này nếu cá nhân và tổ chức tự ý sản xuất các loại cây trồng trên diện tích có quyết định thu hồi mà chưa được UBND huyện thông qua phương án thì vấn đề thiệt hại UBND huyện không chịu trách nhiệm.(Báo Gia Lai 9/11)đầu trang(
Sau 8 năm được thuê đất triển khai Dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp tại xã Trường Xuân, huyện Đăk Song, Công ty Cổ phần sản xuất chế biến Nông Sản Việt đã để mất hơn 360ha rừng tự nhiên trong tổng số hơn 600ha đất có rừng được tỉnh cho thuê, chiếm gần 60% diện tích- đây là kết luận thanh tra số 1832 ngày 3/10/2017 của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đăk Nông về việc quản lí, sử dụng đất của Công ty này.
Kết luận cũng chỉ rõ: Đối với diện tích quy hoạch trồng rừng và sản xuất nông nghiệp gần 270ha, Công ty Cổ phần sản xuất chế biến Nông Sản Việt mới chỉ trồng được hơn 56ha keo, còn lại là đất trống.
UBND tỉnh Đăk Nông đã có văn bản chỉ đạo số 6217, ngày 6/11/2017 về việc xử lí sau thanh tra công tác quản lí, sử dụng đất đối với Công ty cổ phần sản xuất chế biến Nông Sản Việt. Yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục điều tra, xử lý hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Dự án của Công ty cổ phần sản xuất chế biến Nông sản Việt, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 31/12/2017;  Công ty cổ phần sản xuất chế biến Nông sản Việt nghiêm túc thực hiện các nội dung theo kết luận tranh tra của Sở Tài nguyên Môi trường.
Trường hợp đơn vị không thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung kết luận tranh tra, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh xử lý theo quy định pháp luật.(Đài Phát Thanh Truyền Hình Đắk Nông 9/11)đầu trang(
Các vi phạm về chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn Phú Yên xảy ra trên diện rộng, trong một thời gian dài.
“UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc chấp hành pháp luật đối với một số dự án có liên quan chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng tại địa phương. Tỉnh cũng có kế hoạch tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân vi phạm, khuyết điểm, khắc phục các sai phạm, thiếu sót…”. Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thông tin trong cuộc trả lời phỏng vấn Pháp Luật TP.HCM.
Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên: Các vi phạm, thiếu sót về chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng triển khai các dự án trên địa bàn xảy ra trên diện rộng, trong một thời gian dài. Vì vậy, ngoài trách nhiệm của các cơ quan liên quan còn có trách nhiệm của UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.
Tỉnh đã thiếu kiểm tra, đôn đốc, phát hiện kịp thời các vi phạm, thiếu sót... Hiện UBND tỉnh đang triển khai kế hoạch tổ chức kiểm điểm và sau khi có kết quả của các sở, ban ngành, địa phương, UBND tỉnh sẽ tổ chức kiểm điểm. Kết quả kiểm điểm sẽ được công khai đầy đủ và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Phú Yên đang triển khai nhiều công trình dự án, trong đó phần lớn là các dự án đầu tư ngoài ngân sách, vốn đầu tư đăng ký tương đối lớn. Để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng thời tạo điều kiện cho các dự án sớm triển khai thực hiện, hoàn thành đưa vào hoạt động, tỉnh đã có những sự chỉ đạo tập trung quyết liệt, kiên quyết đối với các sở, ngành, địa phương trong công tác tham mưu, đề xuất, thẩm định dự án; đảm bảo thực hiện đúng quy định, quy trình, thủ tục. Đồng thời, tranh thủ ý kiến của các cơ quan chuyên môn ở các bộ, ngành, ý kiến của các tổ chức, cá nhân, của người dân để tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện. Mặt khác, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng sở, ngành cũng như trách nhiệm của từng lãnh đạo UBND tỉnh.
Tỉnh đang chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng, đồng thời yêu cầu các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp của tỉnh tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, phá rừng.
Bên cạnh đó khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia các dự án trồng, phát triển rừng; thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế đối với các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng…
Hiện nay, cùng với việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng theo quy định, tất cả dự án liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng đều được UBND tỉnh cho kiểm tra, rà soát lại về hiệu quả kinh tế-xã hội theo đúng quy định.
Qua đó sẽ báo cáo các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi tiếp tục triển khai các dự án.
Phú Yên sẽ nghiêm túc triển khai thực hiện và chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị nói trên.(Pháp Luật VN 9/11)đầu trang(
Từ năm 2015 trở về trước, tình trạng lấn chiếm đất, cây rừng do Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc (có trụ sở tại huyện Hữu Lũng) quản lý diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp hiệu quả, thấu tình đạt lý, đôi bên cùng có lợi, từ năm 2016 đến nay, hiện tượng lấn chiếm đất lâm nghiệp của doanh nghiệp (DN) giảm đáng kể.
Tính đến đầu tháng 11/2017, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc được Nhà nước giao quản lý 4.000 ha đất lâm nghiệp, tập trung tại 8 xã trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Trước năm 2015, diện tích đất do công ty quản lý có tranh chấp gay gắt tại các xã như: Thiện Kỵ, Tân Thành, Đô Lương, Minh Sơn với diện tích người dân lấn chiếm khoảng 700 ha. Đến nay, các điểm nóng này đã được DN phối hợp với UBND huyện Hữu Lũng giải quyết cơ bản.
Ông Nguyễn Khương Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc cho biết: Những vấn đề về quản lý đất lâm trường trước đây như: hợp đồng giao khoán với dân; tỷ lệ ăn chia hoa lợi trên đơn vị diện tích; sản phẩm, tình trạng tranh chấp cây trồng trên đất hiện đã được công ty từng bước giải quyết có hiệu quả, như tại các thôn: Cốt Cối, xã Tân Thành; Làng Trang, xã Thiện Kỵ.
Để giải quyết có hiệu quả tình trạng này, ngoài tuyên truyền, vận động, công ty còn phối hợp với chính quyền cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để đưa ra giải pháp phù hợp, thấu tình đạt lý. Đồng thời, DN chủ động ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với người dân, cùng ăn chia sản phẩm có được sau mỗi chu kỳ sản xuất, được người dân đồng tình.
Bằng những biện pháp nêu trên, trong số 700 ha đất rừng mà người dân lấn chiếm, đến đầu tháng 11/2017, DN đã thu lại được 200 ha và tổ chức ký hợp đồng với người dân để quản lý, trồng rừng cùng hưởng lợi đối với diện tích này.
Theo báo cáo của DN, tính đến hết tháng 10/2017, trong số 4.000 ha đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý, diện tích có thể trồng rừng chỉ chiếm khoảng 3.500 ha, còn lại là đất giao thông, đất khe suối. Hiện DN đã ký hợp đồng khoán quản với 1.800 hộ dân, diện tích người dân nhận quản lý lên tới 2.500 ha.
Thực hiện phương thức ký hợp đồng này, người dân được hưởng lợi rất lớn, đối với diện tích trồng mới DN đầu tư 100% cây giống, phân bón, kỹ thuật, người dân chỉ bỏ công chăm sóc và bảo vệ, phòng chống cháy rừng, đến kỳ thu hoạch DN chỉ thu về 30% giá trị của rừng trồng, phần còn lại (70%) người dân được hưởng. Theo kế hoạch, đến hết năm 2019, công ty sẽ thu lại toàn bộ diện tích đất dân đã lấn chiếm và thực hiện ký hợp đồng với dân trong việc khoán quản đối với diện tích này.
Được biết, hiện Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc là đơn vị duy nhất trong 3 DN lâm nghiệp của trung ương đóng trên địa bàn không phát triển trồng rừng quốc doanh. Hiện gần 3.000 diện tích đất lâm nghiệp DN đang quản lý đều thực hiện khoán quản với người dân cùng chăm sóc, bảo vệ và phát triển trồng rừng sản xuất.
Ông Hoàng Văn Tuyến, Trưởng thôn Cốt Cối, xã Tân Thành cho biết: Với cách làm DN ký hợp đồng giao khoán cho hộ dân quản lý, bảo vệ đối với diện tích đất lâm nghiệp của DN, đến nay tình trạng tranh chấp cây lâm nghiệp đã được xử lý triệt để. Hiện, thôn có 54 hộ thì có 49 hộ nhận khoán quản lý đất lâm nghiệp của DN, còn 5 hộ đang chuẩn bị ký lại hợp đồng với DN trên diện tích khoảng 15 ha để cùng bảo vệ và hưởng lợi từ rừng sản xuất do DN quản lý.
Thời gian tới, công ty tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trả lại phần diện tích đất lấn chiếm còn lại. Đồng thời, tiến hành ký hợp đồng khoán quản lý, bảo vệ với người dân toàn bộ diện tích đất rừng này; vừa góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, vừa tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.(Báo Lạng Sơn 8/11)đầu trang(
UBND tỉnh Cà Mau vừa có Tờ trình số 173/TTr – UBND đến Bộ NN và PTNT về việc chuyển một phần đất lâm nghiệp sang đất ở để giao hộ gia đình, cá nhân nhận khoán rừng, đất rừng.
Tỉnh Cà Mau hiện có 4.478 hộ gia đình được giao đất, giao rừng với diện tích 21.135ha; có 12.021 hộ gia đình được giao khoán rừng và đất rừng với diện tích 57.527ha, vừa bảo vệ và phát triển rừng.
Tại tờ trình này, UBND tỉnh Cà Mau nêu, với đặc thù từ điều kiện tự nhiên vùng rừng ngập mặn và ngập lợ rộng lớn, nên phần lớn hộ gia đình, cá nhân đã định cư ngay trên phần đất lâm nghiệp nhận giao khoán để sản xuất, bảo vệ, phát triển rừng.
Nhiều hộ đã định cư ổn định hơn 20 năm trên đất lâm nghiệp nhưng chỉ được cất nhà bằng gây gỗ tạm bợ, dễ bị tổn thương do thiên tai, trong khi thu nhập khá hơn trước rất nhiều, nguyện vọng được xây cất nhà cơ bản nhằm nâng chất cuộc sống, ổn định bền vững.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, người nhận khoán rừng, đất rừng chỉ được tổ chức sản xuất nông, ngư kết hợp trên diện tích chưa có rừng, nên không có cơ sở để UBND cấp huyện cấp đất ở cho hộ gia đình, cá nhân để xây dựng nhà ở cơ bản, UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN và PTNT xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương giao đất ở theo định mức quy định trên phần đất giao khoán để các hộ dân có điều kiện xây nhà ở phục vụ bảo vệ rừng và sản xuất lâm nghiệp lâu dài.(Báo Cà Mau 8/11)đầu trang(
Bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa không chỉ gây thiệt hại ở vùng ven biển, đồng bằng mà còn tiến sâu đến vùng núi Khánh Vĩnh khiến toàn bộ diện tích rừng trồng ở đây bị đổ gãy hàng loạt, thiệt hại nặng.
Chúng tôi chạy dọc tuyến QL 27C (Nha Trang - Đà Lạt) về miền núi Khánh Vĩnh, dọc 2 bên đường là cảnh hoang tàn với nhiều diện tích cây keo bị đổ ngã hàng loạt.
Ông Lê Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, hiện chưa thống kê mức độ thiệt hại, tuy nhiên toàn bộ diện tích rừng trồng hơn 3.000 ha đều có hiện tượng đổ gãy hàng loạt, thiệt hại nặng. Diện tích rừng trồng bị đổ gãy nặng nhất thuộc các xã phía bắc của huyện như Khánh Nam, Khánh Hiệp, Khánh Trung và Khánh Bình.
Chúng tôi tiếp tục chạy về hướng tỉnh lộ 8B, xuống các cánh rừng qua các xã Khánh Nam, Khánh Trung, Khánh Hiệp và Khánh Bình. Dọc 2 bên đường, đâu đâu cũng thấy rừng trồng bị đổ ngã, nhiều cây gãy làm đôi.
Dẫn chúng tôi lên xem 3 ha rừng keo trồng 5 năm tuổi bị đổ gãy nằm ngổn ngang, anh Đặng Minh Tùng, thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam, thở dài: “Bao nhiêu công sức vợ chồng tôi chăm sóc nay thiệt hại nặng. Có đến 60% diện tích rừng cây bị đổ gãy nếu không thu hoạch sớm sẽ khô và khó lột vỏ, thiệt hại còn nặng hơn. Nhưng khổ nỗi bây giờ không có ai thu mua nên cứ để cây như vậy tới đâu hay tới đó...”.
Trao đổi với NNVN, ông Phan Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình cho biết, bão vào gió thổi mạnh nên toàn bộ diện tích 600 ha rừng trồng trên địa bàn đều bị gãy đổ hết, thiệt hại rất lớn.
Không chỉ hàng ngàn ha rừng trồng của người dân bị đổ gãy, rừng phòng hộ nằm trên địa bàn Khánh Vĩnh của Cty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa và Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương cũng thiệt hại không kém.
Theo lãnh đạo Cty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa, tổng số diện tích rừng trồng của đơn vị bị thiệt hại khoảng 3.000 ha (với mức độ thiệt hại từ 30-60%), trong đó 2.615 ha rừng trồng từ ngân sách nhà nước và 400 ha rừng trồng bằng vốn Cty.
Còn ông Nguyễn Văn Hào, PGĐ Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương, cho biết hiện nay toàn bộ rừng trồng Cty gần 4.000 ha đều bị thiệt hại hoàn toàn, 1.200 ha rừng phòng hộ cũng bị đổ gãy. Ngoài ra, rừng sản xuất khoảng 1.900 cũng bị hư hại toàn bộ, chỉ còn từ 10-15% diện tích không bị đổ nhưng cây cũng trơ trọi, yếu ớt. Hiện Cty đã tính sơ bộ riêng về thiệt hại đối với rừng trồng đã lên đến khoảng 146 tỷ đồng.
Ông Đoàn Hải Sơn, GĐ Cty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Hưng, xã Khánh Bình cho biết, bão đổ bộ vào đã khiến 300 ha rừng trồng của Cty bị đổ gãy hàng hoạt, trong đó 150 ha rừng trồng 2 năm tuổi trị giá đầu tư đến nay 20 triệu/ha mất trắng hoàn toàn. Không chỉ thế bão còn làm nhà máy hư hỏng nhiều công trình phải sửa chữa nên dự kiến 20 ngày nữa mới đi vào hoạt động trở lại, sau đó mới tính phương án thu mua gỗ keo cho dân.(Nông Nghiệp Việt Nam 8/11)đầu trang(
Từ đầu năm 2017 do tác động của thời tiết, nhiều loại sâu, bệnh phát sinh, gây hại diện tích rừng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trên các loại cây bản địa mới đưa vào trồng cải tạo, nâng cấp rừng phòng hộ.
Trước diễn biến sâu bệnh có khả năng gây hại rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng trừ kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.
Theo ông Nguyễn Duy Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm là điều kiện thuận lợi để sâu, bệnh hại rừng phát sinh, gây hại. Mặt khác, do diện tích rừng trồng phân bố rộng gây khó khăn cho việc điều tra phát hiện, dự tính dự báo và phòng trừ sâu, bệnh hại. Thực tế, có khoảng 15 ha rừng hỗn giao keo- thông-cây bản địa trồng mới năm 2016 thuộc chương trình đầu tư cải tạo, nâng cấp rừng phòng hộ tỉnh Bắc Ninh theo hướng bền vững tại xã Việt Đoàn (Tiên Du) xuất hiện sâu cuốn lá cây long não và sâu đục thân cây lát với tỷ lệ gây hại từ 40% đến 45%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.
Ngoài ra, có khoảng 13,5 ha rừng hỗn giao keo-thông- cây bản địa trồng năm 2016 tại huyện Gia Bình bắt đầu xuất hiện sâu cuốn lá hại cây long não và sâu đục thân hại cây lát hoa. Ngay sau khi phát hiện tình trạng sâu, bệnh hại rừng xuất hiện, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương và các hộ nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng tiến hành phun thuốc đặc trị Sherbush 25EC đối với toàn bộ diện tích rừng bị nhiễm sâu, bệnh.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình phòng trừ sâu, bệnh hại rừng do thân cây cao từ 2 đến 4 m đòi hỏi khi phun thuốc trừ sâu phải sử dụng máy bơm cao áp công suất lớn; các khu rừng phân bố trên địa hình cao, cách xa nguồn nước nên rất khó vận chuyển nước nếu sử dụng biện pháp phun nước.
Mặt khác, kinh phí hàng năm bố trí cho công tác phòng trừ sâu bệnh hại rừng hạn chế, mới chỉ đáp ứng thực hiện các biện pháp dập dịch, chưa có kinh phí tiến hành các biện pháp phòng dịch như: điều tra, theo dõi diễn biến tình hình sâu hại, bắt sâu, kén, bẫy đèn bắt bướm giai đoạn sâu trưởng thành, tạo môi trường cho các loại thiên địch tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, với sự chủ động trong chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh; sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ kiểm lâm địa bàn, các hộ nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng nên đã ngăn chặn kịp thời tình trạng sâu, bệnh hại rừng lây lan trên diện rộng. Kết quả kiểm tra, nghiệm thu sau 25 ngày phun thuốc, toàn bộ sâu bệnh đã bị tiêu diệt, số cây bị gây hại sinh trưởng, phát triển trở lại.
Cùng với theo dõi, phát hiện và phòng trừ kịp thời tình trạng sâu, bệnh hại rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn xây dựng và thực hiện các biện pháp lâm sinh như: tỉa thưa cây rừng, trồng băng xanh cản lửa, trồng nâng cấp cải tạo rừng bằng các loại cây bản địa (lim, trám, sâu, long não…) để nâng cao chất lượng và khả năng kháng sâu, bệnh của các cá thể, lâm phần rừng.
Ngoài giá trị kinh tế, diện tích rừng của tỉnh còn có giá trị về cảnh quan môi trường, du lịch sinh thái và phòng hộ hiệu quả. Vì vậy, việc phòng trừ kịp thời sâu, bệnh hại rừng là nhiệm vụ, biện pháp quan trọng bảo vệ và phát triển diện tích rừng của tỉnh.(Báo Bắc Ninh 8/11)đầu trang(
Sáng 7/11, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh và Ban Quản lý Dự án tổ chức hội nghị khởi động “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Reedd+ ở Việt Nam giai đoạn 2 tỉnh Hà Tĩnh”
Trong gần 4 năm (2014 -2017) triển khai tại Hà Tĩnh, Chương trình UN REEDD đã hỗ trợ kinh phí giao 4.355 ha rừng cho 1.118 hộ và 10 cộng đồng; xây dựng 21,3 ha mô hình trồng rừng gỗ lớn áp dụng biện pháp tỉa thưa tại HTX Đại Thành; 1,82 ha mô hình trồng cây ba kích tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hương Sơn; gần 1 ha mô hình trồng cây đinh lăng; khoanh nuôi tái sinh 65ha rừng có tác động cao tại Hồng Lĩnh; hỗ trợ phát triển trên 15ha bưởi Phúc Trạch; triển khai thí điểm chia sẻ lợi ích cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có tác động thấp (gần 5.800 ha)...
REDD+ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016 - 2019 được tập trung thực hiện tại 190 xã thuộc 13 huyện, thành phố, thị xã có rừng và đất lâm nghiệp
Trên cơ sở thực hiện thành công giai đoạn từ 2013-2016, Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Reedd+ ở Việt Nam giai đoạn 2 (FCPF) tỉnh Hà Tĩnh” nhận được khoản tài trợ bổ sung 5 triệu USD từ Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới, thực hiện từ tháng 12/2016 đến 12/2019.
Dự án hỗ trợ Chính phủ Việt Nam về mặt tài chính và kỹ thuật để giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; tăng khả năng hấp thụ khí của rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
Dự án gồm 4 hợp phần với 17 tiểu hợp phần, nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức và kỹ thuật cho các cơ quan liên quan ở Trung ương và 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế nhằm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Reedd+.(Báo Hà Tĩnh 7/11)đầu trang(
Thông tin từ Tổng cục Lâm Nghiệp (Bộ NNPTNT), do thời tiết thuận lợi nên diện tích rừng trồng mới tập trung tính đến 20.10 đạt 175,9 nghìn ha, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác rừng trồng đến thời điểm hiện nay đạt 15 triệu m3 và năm 2017 ước đạt 19 triệu m3.
Năm nay giá trị xuất khẩu gỗ ước đạt 7,8 tỷ USD và tốc độ tăng giá trị của ngành lâm nghiệp đạt 6,6%. Theo Tổng cục Lâm Nghiệp, đến hết tháng 10.2017 cả nước đã thu được 1.590 tỷ đồng tièn dịch vụ môi trường rừng, tăng 142% so với năm 2016 và dự kiến năm 2017 đạt 1.700 tỷ đồng. Hiện Tổng cục Lâm nghiệp đang tập trung chỉ đạo việc khắc phục hậu quả hơn 152.000ha rừng bị thiệt hại do bão số 10 gây ra.(Dân Việt 8/11)đầu trang(
Sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh về những bất cập trong chính sách giao đất, giao rừng cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế quản lý gần 2.000 ha rừng khiến người dân 9 xã, thị trấn bức xúc, gửi đơn thư khiếu nại đi khắp nơi cầu cứu, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo lập Tổ công tác thanh tra toàn diện công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thế và chỉ rõ hàng loạt sai phạm.
Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin, vừa qua, người dân 9 xã, thị trấn thuộc huyện Yên Thế đã phản đốt quyết liệt về Quyết định số 35/QĐ-UBND ban hành ngày 27/01/2015 do ông Lại Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khi giao đất, giao rừng cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Yên Thế thuê hơn 1.877 ha rừng và đất để sản xuất kinh doanh gồm cả vào những diện tích người dân đã sử dụng ổn định nhiều năm nay. Đáng nói hơn, một phần diện tích đất được người dân trồng rừng theo các dự án của Nhà nước những năm trước đây nhưng UBND tỉnh lại giao cho doanh nghiệp thuê nên gây nhiều bức xúc.
Trước những bức xúc của người dân, ngày 27/7/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định đã thành lập Tổ công tác thanh tra toàn diện về công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thế do ông Ngô Văn Xuyên – Phó giám đốc Sở TN&MT Bắc Giang làm Tổ trưởng cùng các Sở, ban ngành liên quan.
Đúng 2 tháng sau, ngày 27/9, Tổ công tác có báo cáo số 270/BC-TCT gửi Chủ tịch tỉnh Bắc Giang chỉ ra hàng loạt sai phạm đối với UBND huyện Yên Thế và Công ty Lâm nghiệp Yên Thế trong việc quản lý và sử dụng đất rừng.
Theo đó, đối với Công ty Lâm nghiệp Yên Thế, vào năm 2015, Công ty có bàn giao 246,8 ha đất lâm nghiệp do đơn vị được giao quản lý, sử dụng về địa phương quản lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trên một phần diện tích bàn giao còn cây trồng trên đất chưa được khai thác dẫn đến một số xã có liên quan không lập được phương án giao, cho thuê đối với phần diện tích đất lâm nghiệp nhận bàn giao về.
Trong những năm trước đây, việc giao đất rừng hồ sơ không rõ ràng, không có hồ sơ địa chính, không giao trên thực địa mà chỉ giao trên sổ sách dẫn tới không xác định được diện tích giữa đất công ty, lâm trường với đất đã giao cho người dân. Chính vì vậy, diện tích trên hồ sơ, giấy tờ và diện tích trên thực địa không thống nhất với nhau. Ngoài ra, trước khi giao đất, Công ty đã không đánh giá tài sản trên đất dẫn đến tình trạng trên diện tích đất giao người dân vẫn sử dụng từ nhiều năm trước đây.
Đối với những diện tích thu hồi, bàn giao về địa phương chủ yếu chỉ bàn giao trên sổ sách, không bàn giao trên thực địa dẫn đến việc quản lý diện tích bàn giao về không cụ thể, thậm chí có xã còn không xác định được diện tích bàn giao.
Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng nêu rõ, một thời gian dài Lâm trường (Sau này là Công ty Lâm nghiệp) đã buông lỏng quản lý rừng. Nghiêm trọng hơn, sau khi khai thác rừng tự nhiên đã không khoanh nuôi phục hồi, trồng lại rừng nên người dân địa phương lên phục hóa trồng cây lương thực và trồng lại rừng. Trong khi đó, năng lực quản lý của Lâm trường, Công ty còn hạn chế, nhiều diện tích không quản lý được.
Còn đối với UBND huyện Yên Thế, báo cáo của Tổ công tác cũng chỉ ra công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp nhiều năm qua chưa được quan tâm, quản lý chưa chặt chẽ. Không những vậy, hồ sơ địa chính, tài liệu bản đồ vừa thiếu lại không chính xác dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý.
Trước những bất cập trên, Tổ công tác yêu cầu Công ty Lâm nghiệp Yên Thế phối hợp với các xã có đất nhận bàn giao còn vướng mắc về tài sản phải sớm có phương án khai thác tài sản để địa phương đưa đất vào quản lý. Ngoài ra, đối với những diện tích đất đang tranh chấp với người dân, Công ty phải sớm giải quyết dứt điểm và đưa đất vào quản lý theo quy định.
Trước đó phản ánh với PV, hàng trăm hộ dân thuộc 9 xã, thị trấn thuộc huyện Yên Thế bức xúc cho biết, nhiều năm nay họ đã chăm sóc và bảo vệ rừng nhưng không được UBND tỉnh Bắc Giang giao đất, giao rừng để ổn định cuộc sống xóa đói giảm nghèo. Không những vậy, UBND tỉnh Bắc Giang còn lấy đất rừng của các hộ dân đang chăm sóc, bảo vệ rồi giao cho Công ty Lâm nghiệp Yên Thế thuê khiến các hộ dân vô tình trở thành người làm thuê trên chính những thửa rừng mà đáng ra họ phải là những người được “ưu tiên” để bám đất, bám rừng.
Mặt khác, trong tất cả các chính sách trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc của Đảng và Nhà nước như Dự án 327, Dự án 661, Dự án trồng rừng PAM thì nguyên tắc chỉ đạo là ưu tiên lấy nhân dân là lực lượng chủ yếu trồng rừng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và hưởng lợi từ nghề rừng, tạo môi trường pháp lý thuận lợi. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách giao đất lâm nghiệp gắn với giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình để họ ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà tỉnh Bắc Giang lại đi giao cho doanh nghiệp, đẩy quyền lợi của người dân ra “rìa”.
Trong khi đó, ngày 05/5/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 24/2009/TT-BNN hướng dẫn chuyển đổi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng quy hoạch sang rừng sản xuất ở các địa phương đã thực hiện các dự án trồng rừng. Theo đó, tại Điều 2 chương I về nguyên tắc quản lý trong quá trình chuyển đổi rừng thì các Ban QLDA 661 phải giao lại rừng cho tổ chức quản lý rừng trong đó “ưu tiên” cho các hộ gia đình đang sinh sống tại địa phương, các hộ gia đình đã được giao hoặc có các hợp đồng nhận khoán (trồng và bảo vệ rừng) trên diện tích rừng chuyển đổi”
Có thể thấy rằng, các chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc giao đất, giao rừng luôn luôn lấy người dân làm gốc để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế cho người dân ngày đêm trực tiếp gắn bó với rừng. Tuy nhiên tại tỉnh Bắc Giang lại không làm như vậy mà có phần “ưu ái” cho doanh nghiệp. Kỳ lạ hơn, trong khi người dân đang thiếu đất rừng sản xuất trầm trọng thì lãnh đạo tỉnh Bắc Giang lại “hào phóng” cho một doanh nghiệp là Công ty Cổ phần ĐTXD&TM Trường Lộc thuê gần 1400 ha rừng với mức giá cho thuê là …43,2đ/1m2/năm, thậm chí còn được miễn tiền thuê đất trong 15 năm.
Trước những việc làm trên, dư luận đặt ra vấn đề phải chăng có sự "mập mờ" nào đó trong việc thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho người dân tham gia các Dự án trồng rừng tại Yên Thế? và những quyền lợi cũng như chính sách xóa đói giảm nghèo cho những người dân trực tiếp bám rừng, sống với rừng bao giờ mới được giải quyết thỏa đáng?
Báo Tài nguyên & Môi trường Kính đề nghị Bộ NN&PTNT vào cuộc kiểm tra làm rõ để người dân được đảm bảo quyền lợi theo chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước.(Tài Nguyên & Môi Trường 8/11)đầu trang(
Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết kết quả xác minh về tiền làm "biệt phủ" của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm do anh em, bà con hỗ trợ.
Ngày 8/11, ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã ký báo cáo số 320/BC-SNN “giải trình” với báo chí và Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, Thường trực UBND, UBKT Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Sở TT-TT Quảng Trị về nguồn gốc “hợp pháp” của “biệt phủ gỗ quý” của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị.
Theo ông Võ Văn Hưng thì chủng loại gỗ mà gia đình ông Khổng Trung - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị dùng để làm nhà là ông này mua của các doanh nghiệp chuyên kinh doanh gỗ tại địa phương. Đáng chú ý, đây là những loại gỗ quý như Gỏ nhóm I, gỗ Lim nhóm III đều được nhập từ Lào về.
Còn riêng Công ty TNHH Long Hưng cũng bán gỗ cho ông Khổng Trung làm “biệt phủ” nhưng Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết là không xác minh, không liên lạc được.
Liên quan đến các số tiền mà ông Khổng Trung đã đầu tư làm “biệt phủ” thì ông Võ Văn Hưng – giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị lý giải rằng đây là “nguồn thu nhập dùng để làm nhà là từ nguồn bán sản phẩm gỗ rừng trồng, kinh doanh cửa hàng xăng dầu, kinh doanh cây giống lâm nghiệp. Ngoài ra, có một số nguồn khác như: hỗ trợ từ anh em, bà con, tiền lương…”. Mà cụ thể, tiền bán sản phẩm rừng trồng 3,7 tỷ đồng; tiền kinh doanh cửa hàng xăng dầu 280 triệu đồng và tiền vườn ươm cây giống lâm nghiệp 460 triệu đồng.
Liên quan đến Công ty TNHH MTV Phương Lang được dư luận cho là “sân sau” kinh doanh có ngành nghề trùng với công việc đang làm của ông Khổng Trung do vợ là bà Lê Thị Thanh Tâm làm giám đốc, làm việc với đoàn kiểm tra, bà Tâm cho rằng Cty được thành lập từ năm 2011 chủ yếu hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực xăng dầu và cây giống lâm nghiệp.
Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị đề nghị vợ chồng ông Khổng Trung “mở rộng” hơn nữa mối quan hệ với người dân địa phương cũng như những ai quan tâm đến ngôi nhà để họ hiểu rõ hiện trạng và nguồn gốc ngôi nhà hơn. Đồng thời, rút kinh nghiệm khi trả lời với các cơ quan truyền thông tránh để dư luận hoài nghi.(Đất Việt 9/11)đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Tạp chí Sanctuary vừa công bố các bức ảnh đoạt giải thưởng trong cuộc thi ảnh động vật hoang dã. Bức ảnh đoạt giải thưởng cao nhất thuộc về tác giả Biplab Hazra.
Bức ảnh có tên "Địa ngục ở đây" được chụp ở quận Bankura, bang Tây Bengal, Ấn Độ thể hiện rõ sự xung đột gay gắt giữa con người và động vật hoang dã.Bức ảnh ghi lại cảnh hai mẹ con voi bị người dân ném những quả cầu lửa. Hai mẹ con voi tỏ ra vô cùng hoảng sợ.
Tác giả của bức ảnh cho biết, ở thời điểm trên, chú voi con đã hét rất lớn khi thấy quả cầu lửa dưới chân.
“Sự kém hiểu biết của những người hùa theo đám đông, sự tức giận của những hộ dân bị thiệt hại nặng về tài sản cùng sự thờ ơ của chính quyền địa phương đã khiến cho cảnh tượng khủng khiếp trên diễn ra thường xuyên” - tạp chí Sanctuary chia sẻ về bức ảnh đoạt giải.
Ông Mainak Mazumder, một người dân sống ở Bankura cho biết, người dân cần phải chịu trách nhiệm với những con voi vì họ đã phá hủy môi trường sống của chúng. Bên cạnh đó, các con voi còn bị lạm dụng và tra tấn. Tuy nhiên, ông Mazumder cũng cho rằng, việc người dân có những hành động thái quá là do các con voi đã phá hủy mùa màng, cây trồng của họ.(Vietnam Plus 9/11)đầu trang(./.