Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 06 tháng 11 năm 2017
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG

BẢO VỆ RỪNG
Những ngày vừa qua, theo phản ánh của người dân tại xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đang xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thôn Tú Tạo, thôn Cụt Ặc nhiều cây gỗ đã bị đốn hạ, một số thân gỗ đã được đưa đi và chỉ còn lại những gốc cây có đường kính 70- 90 cm vẫn còn lằn vết cưa mới. Khi đi sâu vào vùng lõi, nhiều cây gỗ quý có tuổi đời vài chục năm cũng bị đốn hạ nằm trơ gốc.
Đa phần những cây gỗ bị “lâm tặc” khai thác trộm đều là những cây gỗ quý. Một người dân cho biết, gỗ sau khi được đốn hạ lâm tặc sẽ dùng trâu kéo theo đường mòn nhỏ hoặc theo con suối nước để vận chuyển ra điểm tập kết.
Một lãnh đạo xã Xuân Chinh cho hay, mặc dù Kiểm lâm địa bàn, chính quyền  huyện, xã đã chỉ đạo rất gắt gao, ngăn chặn và không cho nhân dân vào rừng khai thác nhưng một số bà con vẫn vào khai thác gỗ để mang về sửa chữa nhà cửa.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thăng Long, Hạt trưởng hạt Kiểm Lâm huyện Thường Xuân cho biết, sau khi nắm được thông tin tại xã Xuân Chinh có khai thác lâm sản và cất giữ lâm sản, Hạt đã cùng với lãnh đạo huyện đi kiểm tra.
Tại thôn Tú Tạo, kiểm lâm viên địa bàn báo cáo kiểm tra ngày 27/10/2017, có 24 cây bị đốn hạ, trong đó 11 cây đã kiểm tra ngày 4/3/2017, còn lại 13 cây kiểm tra vào ngày 27/10/2017, khối lượng 6,5 khối gỗ. Chủ rừng là ông Lò Văn Phòng. Còn cất giữ bè gỗ, qua đối chiếu hồ sơ số gỗ đó là của nhà ông Lò Văn Khắc, thôn Cục Ặc, xã Xuân Chinh, các cây bị đốn hạ chủ yếu là rừng sản xuất.
“Sau khi kiểm tra nếu chủ rừng nhận trách nhiệm thì sẽ xử lý theo vi phạm, còn ngược lại chủ rừng không biết thì xem xét khả năng trông coi bảo vệ để thu hồi. Kể cả UBND xã cũng sẽ xem xét trách nhiệm” ông Long cho hay.
Theo thống kê của Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân, từ ngày 1/1/2017 đến 31/10/2017 trên địa bàn huyện đã xảy ra 125 vụ phá rừng, phát hiện tịch thu 151 m3 gỗ, phạt tiền và nộp ngân sách gần 1,3 tỷ đồng. Điều đáng nói dù được các cơ quan chức năng bảo vệ, ngăn chặn nhưng tình trạng phá rừng vẫn diễn ra phức tạp. Bình quân mỗi tháng 12 vụ.
Do đó, yêu cầu các cơ quan chức năng trong tỉnh chỉ đạo, kiểm tra và xem xét trách nhiệm từng cấp chính quyền và chủ rừng để bảo vệ những cánh rừng nơi đây không bị khai thác bừa bãi.(Gia Đình VN 3/11)đầu trang(
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) đã triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển cây thuốc quý hiếm Bảy lá một hoa tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông” để duy trì, bảo vệ loài cây này, đồng thời tạo tiền đề đưa cây bảy lá một hoa vào vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc địa phương.
Khu Bảo tồn (KBT) thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước) có khí hậu mát mẻ, phù hợp cho sự phát triển của các loài động thực vật, đặc biệt là các loài cây dược liệu với 590 loài cây thuốc, thuộc 445 chi, 161 họ của 7 ngành thực vật bậc cao có mạch và nhóm nấm.
Ngoài ra, kết quả điều tra cũng đã ghi nhận được tại KBT có 33 loài, thuộc 30 chi và 24 họ cây thuốc thuộc diện bảo tồn ở Việt Nam, nằm trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam; trong đó, có 13 loài nằm trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, 22 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Từ kết quả điều tra, nghiên cứu ban đầu, những năm qua Khu KBT thiên nhiên Pù Luông đã triển khai Đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển loài cây thuốc quý hiếm bảy lá một hoa”. Hiện KBT đã điều tra hiện trạng phân bố cây và lấy mẫu đất để phân tích mẫu thực vật để giám định; dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật xây dựng mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ các loài dược liệu”, gồm: Giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm Việt Nam và đã trồng được 0,5 ha/loài, đồng thời xây dựng được vườn ươm giống gốc của các loại dược liệu trên.
Bảy lá một hoa (Paris polyphylla Smith) còn gọi là củ rắn cắn, họ trọng lâu; có nhiều hoạt chất có thể sử dụng trong nghành y tế, thân rễ cây chữa được các bệnh như sốt, sốt rét cơn, kinh giản, giải độc khi bị rắn độc cắn, chữa mụn nhọt, viêm tuyến vú, ho lâu ngày, hen suyễn…(Bảo Vệ Môi Trường 4/11)đầu trang(
Không chỉ là cây Lim cổ thụ duy nhất còn sót lại ở Thanh Hóa khi mà lâm tặc nhiều lần tìm cách đốn hạ nhưng bất thành, cây Lim xanh nghìn năm tuổi ở Vườn quốc gia Bến En còn có giá trị lớn về bảo tồn nguồn gen, giúp ngành lâm nghiệp khôi phục lại rừng lim đang ngày dần mai một.
Vườn quốc gia Bến En là khu vực chuyển tiếp từ vùng núi Tây bắc và Bắc Trường Sơn, đồng thời cũng là nơi chuyển tiếp giữa đồng bằng ven biển Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh. Nơi đây với các kiểu địa hình núi đất đai thấp xen lẫn hệ thống núi đá vôi và sông hồ tạo nên khu hệ động thực vật phong phú và đa dạng.
Đặc biệt, đây còn là trung tâm phân bố của loài Lim xanh nổi tiếng. Song, dưới sức ép từ nhu cầu thị trường, sự gia tăng dân số mà những cánh rừng Lim bạt ngàn trước đây với đường kính hàng chục người ôm không xuể đã biến mất, thay vào đó là các khu rừng tái sinh non trẻ. Nhưng trong quá trình khai thác đó, may mắn vẫn còn xót lại một cây Lim xanh cổ thụ, có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm mà nhân dân trong vùng thường gọi là cây Lim nghìn năm tuổi.
Phải mất gần hai giờ đồng hồ để vượt qua quãng đường khoảng 60 km từ TP Thanh Hóa tới Trạm kiểm lâm Xuân Lý (thuộc VQG Bến En). Từ trạm này, có thể tận mắt chứng kiến một cây cổ thụ cao vút, buông tán cây rộng khắp một vùng đứng sừng sững giữa đại ngàn xanh thẳm.
Ông Lê Xuân Thái, cán bộ pháp chế - VQG Bến En cho biết, cây Lim xanh nằm trên địa phận giáp ranh giữa 2 xã Xuân Khang (huyện Như Thanh) và Tân Bình (huyện Như Xuân). “Đây là cây gỗ quý có đường kính lớn, được xem là “báu vật” còn sót lại trong VQG Bến En.
Chúng tôi cũng không rõ cây bao nhiêu tuổi, nhưng người dân quanh vùng thường gọi đây là cây lim nghìn tuổi, bởi nhiều già làng thường nói lớn lên đã thấy cây lim đứng sừng sững giữa đất này. Để bảo vệ cây lim đứng vững trước nạn phá rừng tàn khốc của những năm cuối thế kỷ trước, nhiều cán bộ kiểm lâm và người dân địa phương đã phải đổ máu mới giữa được”- ông Thái kể.
Theo như lời ông Thái nói, kết quả đo đạc năm 2013 cho thấy cây có chiều cao 43 m, đường kính ngang ngực đạt 1,78 m với nhiều bạnh vè nhô ra rất đẹp mắt, uy nghiêm. Sự tồn tại của cây Lim ngàn tuổi như một minh chứng cho sức sống kỳ diệu của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của nhân dân trong khu vực.
Gốc cây sần sùi, mốc meo và có 2 vết cắt, trong đó có một vết khá lớn được cắt sâu vào thân cây. Đó là những vết cắt mà lâm tặc đã nhiều lần cố đốn hạ cây. Theo lời của các cụ cao niên ở đây kể lại rằng, những năm 1991, 1992 là thời điểm rừng ở Như Thanh bị tàn phá nặng nề, để bảo vệ một số cánh rừng còn sót lại, VQG Bến En đã được thành lập. Tuy nhiên, giữa thời điểm giao thời, có nhiều khu rừng vẫn bị chặt phá không thương tiếc. Nhận định cây lim nghìn tuổi sẽ bị lâm tặc nhòm ngó, VQG Bến En đã cho đặt ngay một trạm kiểm lâm cách cây không xa để bảo vệ cây gỗ quý.
Ông Lê Đình Phương, Phó giám đốc VQG Bến En cho biết: Cách đây khoảng 10 năm một nhóm lâm tặc đã mang cưa, rìu vào để đốn cây, kiểm lâm và công an huyện đã phải huy động lực lượng để bảo vệ cây, ngăn chặn nhóm lâm tặc đốn hạ. Khoảng 3 năm trước, một cành cây rất lớn bất ngờ bốc cháy dữ dội trong đêm, lực lượng kiểm lâm đã phải huy động hàng chục tìm cách cứu cây ngay trong đêm.
Tuy nhiên, vị trí cháy cách xa mặt đất nên kiểm lâm không thể tiếp cận được. “Lúc đó khoảng nửa đêm, nếu không kịp thời dập lửa, sợ tàn lửa rơi xuống dưới thì cây lim lâm nguy. Chúng tôi phải nhờ lực lượng công an, quân đội đưa cần cẩu tới mới dập được lửa, cứu cây an toàn. Đến giờ, cũng chưa rõ tại sao lửa lại cháy tận trên ngọn cây. Có thể do người dân đốt nương rẫy làm tàn lửa bay lên gây cháy” - ông Phương kể lại.
Cũng theo ông Phương, trong VQG Bến En hiện đang còn nhiều cây gỗ quý có giá trị, tuy nhiên cây lim cổ thụ này được xem là “báu vật” của rừng do có giá trị lớn về mặt kinh tế và bảo tồn nguồn gen quý nên lâm tặc vẫn nhiều lần nhăm nhe tìm cách hạ cây, nhưng nhờ có sự phát giác, chung tay bảo vệ rừng của người dân nên cây lim cổ thụ và nhiều khu rừng quanh vùng vẫn trường tồn và phát triển xanh tốt đến bây giờ.
Đứng trước thực tế đó, năm 2011 – 2013, VQG Bến En đã thực hiện dự án "Bảo tồn và phát triển loài Lim xanh (Erythrophleum fordii Oliv) tại Vườn Quốc gia Bến En tỉnh Thanh Hoá", trong đó có một nội dung cực kỳ quan trọng, đó là phục tráng và bảo tồn cây Lim nghìn năm tuổi bằng nhiều biện pháp khác nhau như: Xây dựng hàng rào bảo vệ, tuyên truyền cho cộng đồng về công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn cây Lim xanh cổ thụ nói riêng; phát dọn dây leo, bụi rậm; phun thuốc xử lý nấm, mục, diệt mối quanh gốc; phun thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc liền vết thương,…
“Năm 2011, dự án được phê duyệt, chúng tôi đã tiến hành điều tra đặc điểm phân bố, cấu trúc lâm phần, tổ thành loài, đặc điểm hình thái, sinh thái, đặc điểm tái sinh của loài lim xanh. Giám sát tại những khu vực có lim xanh còn sót lại phân bố tập trung, đồng thời, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây ở vườn ươm, rừng trồng và rừng tự nhiên.
Từ đó, xây dựng bản đồ hiện trạng, phân bố loài lim xanh ở VQG Bến En để triển khai việc bảo tồn và phát triển loài. Thông qua đề án này, hiện nay chúng tôi đang khoanh vùng khoảng 1.000 ha lim xanh tự nhiên và trồng mới khoảng 5 ha rừng lim (được lấy hạt từ cây lim cổ thụ và hạt lim trong rừng) để phục vụ cho việc phát triển, bảo tồn loài. Nhờ đó mà giờ đây, nhiều cánh rừng lim xanh tại VQG đang phát triển sinh trưởng tốt, góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học tại đây” - ông Phương nói.
Theo kết quả điều tra của VQG Bến En, cây Lim xanh nghìn năm tuổi đã không còn khả năng ra hoa từ năm 2011 và đã bị lâm tặc cắt 1/4 đường kính gốc. Tuy nhiên đến nay sau hơn 3 năm bảo vệ, chăm sóc, phục tráng lại mà cây Lim đã xanh tốt trở lại và hiện nay đã trở thành biểu tượng cho sự trường tồn của cộng đồng địa phương cũng như của VQG Bến En.(Dân Sinh 3/11)đầu trang(
Theo thông tin trên báo Bắc Kạn, sáng 03/11, Hạt Kiểm lâm huyện Pác Nặm cho biết, đơn vị vừa phát hiện, thu giữ 01 tấm gỗ nghiến dạng sập có kích cỡ lớn tại thôn Ngạm Váng, xã Nhạn Môn.
Trước đó, vào chiều tối ngày 02/11, tổ công tác của Hạt Kiểm lâm Pác Nặm tiến hành tuần tra tại rừng thuộc khu vực Kéo Điểm, thôn Ngạm Váng, xã Nhạn Môn đã phát hiện 01 tấm gỗ xẻ đang cất giữ tại chân lô, sát đường đi. Qua kiểm tra, đo đếm, tấm gỗ là gỗ nghiến, thuộc nhóm IIA có kích thước dày 12cm, rộng 90cm, dài 3,5m; tính quy đổi bằng 0,3m3.
Tại thời điểm kiểm tra, tấm gỗ không có dấu búa kiểm lâm; không có người đến nhận là chủ sở hữu. Hạt Kiểm lâm Pác Nặm đã tiến hành thu giữ, vận chuyển về tạm giữ tại trụ sở Hạt và tiến hành điều tra, xác minh, xử lý theo quy định.
Ngoài ra, ngày 17/10 vừa qua, Hạt Kiểm lâm Pác Nặm cũng vừa thu giữ hơn 2m3 gỗ cất giấu trái phép ở thôn Lủng Pảng, xã Bộc Bố. Tang vật thu giữ gồm 34 tấm ván thuộc các loại gỗ từ nhóm IV đến nhóm V với kích cỡ dày 5cm, rộng 50cm, dài hơn 2m.(Môi Trường & Cuộc Sống 4/11)đầu trang(
Mạng người, tài sản vẫn bị cuốn trôi, không phải chỉ vì những "con voi" (cơn bão số 12 với tên quốc tế Damrey, có nghĩa là "con voi"), mà vì cây rừng vẫn tiếp tục bị đốn hạ và đưa ra khỏi rừng trót lọt như những cây kim...
Cơn bão số 12 với tên quốc tế Damrey, có nghĩa là "con voi", đang lừng lững đi vào vùng biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ với sức gió dự báo giật đến cấp 14.
Những ngày này, báo chí liên tục nhắc lại cơn bão Linda đổ bộ vào Nam Bộ 20 năm trước, đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 con người (chết và mất tích). Trong số các nguyên nhân dẫn đến thảm họa trên, có nguyên nhân do bệnh chủ quan, từ chính quyền cho đến người dân các tỉnh Nam Bộ - nơi tưởng như không bao giờ có bão.
Bài học đau đớn đó khiến cho ông cựu "bộ trưởng lụt bão" Lê Huy Ngọ vẫn day dứt cho đến tận bây giờ.
Bão tố, lũ lụt, động đất... là thiên tai, nhưng sự chủ quan của con người là nhân tai. Thiên tai như con voi rừng hoang dã với sức công phá dữ dội. Đó là sức mạnh của thiên nhiên và cũng là điều tự nhiên của đất trời.
Nhưng thiên tai đã được con người quan trắc, đo đếm, dự báo được để phòng tránh. Vì vậy, thiên tai vẫn không đáng sợ bằng nhân tai. Chỉ một chút khinh thường trời đất là trả giá bằng cả hàng ngàn mạng người.
Không chỉ là sự chủ quan, còn có một kiểu nhân tai khác đang hoành hành suốt từ bao nhiêu năm qua, gây hậu quả rất nặng nề, đó là nạn phá rừng. Và phá rừng một cách hung hãn, phá có hệ thống, coi thường pháp luật, thậm chí vô hiệu hóa cả hệ thống chính trị địa phương. Đó mới là điều đáng sợ!
Lũ lụt miền Trung mỗi ngày một nặng nề hơn do rừng đầu nguồn bị tàn phá, ai cũng đã biết. Lũ quét, lũ ống ở các tỉnh Tây Bắc gây thiệt hại đến mức kinh hoàng hôm đầu tháng 10 vừa rồi cũng do nạn phá rừng, xẻ đồi.
Không chỉ rừng đầu nguồn, mà cả rừng cuối nguồn, đó là những cánh rừng phòng hộ ven biển, ngàn đời che chắn cho những làng mạc và cả phố thị đã liên tục bị phá bỏ để khai thác titan (ở Bình Định, Quảng Trị), để nuôi tôm (ở Thừa Thiên - Huế), để làm đại lộ ven biển (ở Đà Nẵng), để làm resort (ở Phú Yên), và trồng... rau (ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi)...
Điều đáng nói là Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên từ nhiều năm trước, nhưng nạn phá rừng vẫn không chịu giảm.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết trong chín tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện gần 1.700 vụ phá rừng với 910ha rừng tự nhiên bị triệt hạ. Tây Nguyên là nơi mà Chính phủ đã kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên từ hơn một năm trước thì lại là nơi có số vụ phá rừng tăng nhiều nhất nước trong 9 tháng đầu năm.
Trong phiên thảo luận hôm 31-10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng nạn phá rừng là một trong những minh chứng rõ nhất của tình trạng "trên nóng dưới lạnh".
Tại hội nghị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng hôm 14-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra nhiều địa phương tiếp tục để xảy ra phá rừng mà cấp ủy và chính quyền chưa đề cao trách nhiệm. "Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không thấy" - Thủ tướng nói.
Vậy mà cây rừng vẫn tiếp tục bị đốn hạ và đưa ra khỏi rừng trót lọt như những cây kim. "Con voi vẫn chui lọt lỗ kim". Vậy thì mạng người vẫn còn tiếp tục mất đi, tài sản vẫn còn bị cuốn trôi, mà không phải chỉ vì những "con voi" của đất trời!.(Tuổi Trẻ 3/11)đầu trang(
Lực lượng chức năng TP.Đà Lạt đã bắt quả tang Đoàn Văn Dũng thuê người vào chặt phá rừng thông với mục đích lấy đất bán
Lúc 8h ngày 3.11, đoàn công tác liên ngành của TP.Đà Lạt gồm Hạt Kiểm lâm, Công an TP, UBND phường 12 phối hợp Ban Quản lý rừng Lâm Viên đã bắt quả tang 2 đối tượng đang phá rừng tại lô A, khoảnh 1, tiểu khu 151. Rừng bị phá do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý, thuộc địa giới phường 12. Hai đối tượng bị bắt giữ là Đoàn Văn Dũng (35 tuổi, quê Đồng Nai) và Nguyễn Văn Ngọc (31 tuổi, quê Thái Bình).
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 20 cây thông 40 năm tuổi đã bị chặt phá. Các đối tượng đã cắt gỗ thành những đoạn 1 - 2m, chất thành đống để đốt, với mục đích xóa dấu vết nhưng số gỗ này chưa kịp cháy hết. Điều đáng nói là khu vực này nằm sát tuyến đường Đà Lạt  - Nha Trang, gần với khu sản xuất nông nghiệp, nhưng các đối tượng vẫn ngang nhiên phá rừng.
Trung tá Nguyễn Thế Nhật – Đội phó Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP.Đà Lạt - cho biết: "Ngay sau nhận được tin báo, lực lượng công an đã phối hợp với các đơn vị khác tiến hành điều tra, đã xác định được đối tượng thứ ba nhưng người này đang bỏ trốn".
Tai cơ quan công an, Đoàn Văn Dũng khai nhận đã thuê Ngọc và 5 người khác vào khu vực nói trên, lợi dụng lúc trời mưa để phá rừng, nếu thành công thì lấy đất bán. Được biết, Đoàn Văn Dũng là con trai của chủ dự án Khu du lịch Đa Cát Minh. Trước đây chủ dự án này được thuê rừng để làm du lịch, nhưng mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi, giao cho Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý bảo vệ.(Dân Việt 3/11)đầu trang(
Trong hai ngày 1 và 2.11.2017, Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) phối hợp với Cơ quan Phòng chống buôn lậu tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức “Hội thảo tập huấn hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc về phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã” tại huyện Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tham dự hội thảo có hơn 40 đại biểu đại diện cho hải quan, bộ đội biên phòng...của hai tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn (Việt Nam), và Quảng Tây (Trung Quốc).
Hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt tại khu vực biên giới, là một trong những mối đe dọa trực tiếp đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái trong khu vực. Buôn bán trái phép ĐVHD xuyên quốc gia đã và đang là một vấn đề quốc tế đáng chú ý.
Các đường dây tội phạm có tổ chức đang sử dụng các thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt để buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã. Chính vì vậy, đấu tranh với loại tội phạm này đã trở thành một vấn đề được chú trọng không chỉ riêng của Việt Nam và Trung Quốc, mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia với nhau.
Hội thảo tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn cho cán bộ thực thi pháp luật về giám định loài và các sản phẩm ĐVHD thường bị buôn bán qua biên giới.
Đây cũng là dịp để các đại biểu tham dự hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng trong việc phát hiện các thủ đoạn thường được tội phạm sử dụng để che dấu hành vi phạm tội khi vận chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép qua biên giới hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Đặc biệt, tại hội thảo các đại biểu còn được đại diện của WCS chia sẻ về các vụ buôn bán ĐVHD trái phép điển hình, cũng như các yêu cầu của pháp luật về quy trình tố tụng để khởi tố, xét xử các vụ án về buôn bán ĐVHD trái phép. (Một Thế Giới 3/11)đầu trang(
Chỉ trong 3 ngày từ 1-3/11, tại TP Hạ Long đã diễn ra 3 vụ cháy rừng.14h ngày 3/11, đã xảy ra cháy rừng ven cầu dẫn số 4, đường lên cầu Bãi Cháy, thuộc khu 1, phường Bãi Cháy TP Hạ Long. Diện tích đám cháy khoảng 200 mét vuông.
Nhận được tin cháy Phòng Cảnh sát PCCC số 3, Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ninh đã huy động lực lượng kịp thời dập tắt đám cháy. Nguyên nhân gây cháy ban đầu được xác định do người dân đốt rác. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 xảy ra trên địa bàn TP Hạ Long 3 ngày qua. Trước đó, ngày 1/11/2017 đã xảy ra cháy rừng tại Núi Bài Thơ và rừng tại khu đồi dự án Khu du lịch sinh thái Hạ Long Star, phường Bãi Cháy.
Thiếu tá Ngô Quang Tiệp Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 3, Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Qua các vụ cháy rừng nguyên nhân chủ yếu là do người dân. Theo quy luật hàng năm từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau mua khô nguy cơ cháy rừng tăng cao. Đề nghị các cấp các ngành cần quan tâm đến vấn đề PCCC; người dân ven rừng phải nâng cao ý thức PCCC, sử dụng an toàn nguồn lửa nguồn nhiệt."
Theo cảnh báo của Chi Cục Kiểm lâm Vùng I, các tỉnh phía Bắc trong tuần đều không mưa, dự báo phòng chống cháy rừng có khả năng tăng từ cấp III, lên cấp IV; dự báo phòng chống cháy rừng khu vực TP Hạ Long đang ở cấp IV - cấp nguy hiểm.(Báo Quảng Ninh 3/11)đầu trang(
Theo thông tin từ Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, từ tháng 9 đến nay, các đơn vị, địa phương  trong toàn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động đồng bộ nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi săn bắt, buôn bán các loài chim hoang dã trong mùa chim di cư (từ tháng 9 đến tháng 12).
Cụ thể, hạt kiểm lâm các địa phương đã tổ chức gần 100 hội nghị tuyên truyền cho nhân dân về việc nâng cao nhận thức bảo vệ chim di cư hoang dã và ký cam kết với gần 400 hộ dân về việc không săn bắt chim di cư. Các đơn vị cũng tổ chức 47 cuộc kiểm tra tại các vùng trọng điểm xảy ra hiện tượng giăng lưới săn bắt chim di cư và các chợ, các nhà hàng có hiện tượng kinh doanh chim di cư trái phép.
Qua đó, đã phát hiện, tịch thu và tiêu hủy 31.320m lưới và 198 cọc tre sử dụng để giăng lưới săn bắt chim di cư trái phép; 3 loa tăng âm, 1 thẻ nhớ và 1 đài dùng để phát tín hiệu gọi chim; 1 lều bạt tạm dùng để bẫy chim và nhiều dụng cụ khác phục vụ cho việc săn bắt chim di cư hoang dã trái phép.
Để ngăn chặn, chấm dứt hiện tượng săn bắt, kinh doanh chim hoang dã trái phép, từ nay đến hết tháng 12/2017, lực lượng Kiểm lâm các địa phương có nhiều chim di cư hoang dã như Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Hạ Long, Hoành Bồ, Quảng Yên… sẽ liên tục tổ chức hội nghị tuyên truyền và ký cam kết bảo vệ chim di cư đến cấp xã, thôn, cơ quan, xí nghiệp và từng hộ dân.(Môi Trường & Cuộc Sống 5/11)đầu trang(
16 con chim diều hâu hoang dã được thu giữ khi vận chuyển bất hợp pháp vừa được thả về môi trường tự nhiên tại xã Kỳ Thượng (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh).
Theo đó, 16 con chim diều hâu kể trên được đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng số 1 đã phối hợp với ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng thả vào sáng 4/11.
Được biết, số chim diều hâu trên là tang vật mà phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện và thu giữ khi kiểm tra xe ô tô khách mang BKS: 14B-014.90 do lái xe Nguyễn Thanh Tuấn điều khiển, khi đang lưu thông qua QL18, địa phận phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả vào chiều ngày 2/11.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Nguyễn Thanh Tuấn không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của 16 con diều hâu trên.(Người Đưa Tin 4/11)đầu trang(
Trong năm qua và nhiều năm gần đây, nếu có một bảng phong thần buồn bã về một tỉnh rừng núi bị thảm họa thiên nhiên nhiều và thảm khốc nhất Việt Nam, chắc chắn TOP đầu không thể nào thiếu cái tên: Yên Bái.
Trong tích tắc, vài chục người chết ở Ba Khe, ngót hai chục người chết thảm bất toàn thây ở La Pán Tẩn, lũ khốc hại ở Văn Chấn - Nghĩa Lộ, mưa lũ gây chết chóc nhiều và cô lập hoàn toàn huyện Trạm Tấu... Liên tiếp và liên tiếp. Đồng nghiệp của chúng tôi, nhà báo Đinh Hữu Dư cũng tử nạn, mưa lũ bẻ gẫy cả cây cầu bêtông cốt thép tưởng như không thể kiên cố hơn ở ngòi Thia, khi Dư đang đứng tác nghiệp.
Rất nhiều người, trong nhiều năm đã đặt các câu hỏi vì sao và vì sao? Nhắm mắt cũng biết, thảm họa đến từ lối ứng xử tàn độc của con người với thiên nhiên, rừng bị phá, núi đồi bị xẻ thịt xuẩn ngốc, sông suối bị ngăn bít bởi các công trình vô lối và tham lam. Rừng là tấm áo giáp bảo bọc, là bộ khiên che chắn, là nơi giữ nước và ngăn mưa lũ gây họa. Người ta đã phá rừng ở đâu?
Câu trả lời là: Chắc chắn họ phá rừng, dù không biết phá ở những đâu và những chỗ từng tai tiếng bị phá giờ còn tái diễn điều xấu xa ngày cũ hay không? Chỉ biết rằng, trong bụng dòng nước ngầu bọt và hung hãn tràn về khi thảm sát nhiều lương dân vô tội kia, chứa rất nhiều gỗ.
Có khi, ở Mồ Dề, huyện Mù Căng Chải, cả một hồ thủy lợi mênh mông bít kín bạt ngàn toàn gỗ. Có khi, cánh đồng lớn ở Văn Chấn, sau khi mấy chục người thiệt mạng, mưa tan, lũ dừng thì núi củi rộng dài như bất tận hiện ra. Rừng trả những thây gỗ mà loài người đã giết chết của rừng về. Như một sự trả vố của thiên nhiên với lối hành xử ích kỷ và cuồng dại của những đứa con hư.
Nhóm phóng viên Báo Lao Động từng đi đến tận cùng nhiều vụ phá rừng rất lớn ở Yên Bái. Có thể nói là lớn nhất từng được biết đến. Người dân bức xúc đã kỳ vọng rất nhiều. Nhưng, sự “chấn động”, sự kỷ luật, cảnh cáo vài cán bộ hư, chỉ khuấy lên làm vì trong ít ngày, rồi đâu lại vào đó.
Những cây pơ mu đường kính gần hai mét ở đỉnh cao bậc nhất của dãy Hoàng Liên Sơn trên địa phận vùng rốn lũ quét, lũ bùn, lũ ống, sạt lở như Trạm Tấu, Văn Chấn bị xẻ thịt. Ở đó, gỗ có khi được bày bán công khai như cái chợ trời đỉnh núi. Mặc cả, xẻ gỗ, vác gỗ, dọa dẫm chửi bới nhau, truy sát nhà báo khi nghi ngờ có sự hóa trang xâm nhập.
Những cây gỗ cả nghìn năm tuổi, báu vật của dãy núi cao nhất Việt Nam, hùng vĩ nhất Đông Dương vẫn bị xẻ thịt vô tư. Người ta ăn ngủ đốt lửa, dựng lều lán, cưa xẻ như thổ phỉ trong rừng. Có cả làng phá rừng pơ mu với những kẻ phá sơn lâm nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, chết cả loạt.
Những cây gỗ thơm lựng hương pơ mu bị xẻ, nhà báo lọt thỏm vào trận địa gỗ đã xẻ, tấm nào cũng to cả mét bề ngang, chợt ai đó thốt lên: Thơm ma quái như mùi nhang khói tống tiễn các cánh rừng vậy. Nếu không có lực lượng kiểm lâm Sơn La vác súng AK và giắt K59 đi cùng, chắc chắn chúng tôi không có được những bức ảnh kèm theo bài viết này về thực trạng phá rừng ở Trạm Tấu.
Bây giờ, có người bảo, pơ mu sắp hết rồi, chỉ còn vài chỏm trên đỉnh thôi. Còn đám lâm tặc thời a còng thì khôn như chuột. Chúng lẩn lút như chuột trong rừng sâu và cán bộ cỡ nào xâm nhập vào thì cũng bị cú vọ theo dõi, tẩu tán tang vật, có giời mà “mục sở thị” cảnh tàn sát thiên nhiên như xưa nữa. Cho dù thảm cảnh vẫn diễn ra. Âm thầm mà dữ dội, theo cái lối chuột chũi ăn rừng, láu cá gặm từng miếng rồi lẩn mất, năm này qua năm khác.
Bằng chứng là phục ở chân núi thì vẫn thấy pơ mu và các loại gỗ quý tuồn ra. Bằng chứng là bỏ tiền ra mua thì vẫn có cả núi gỗ thồ đến điểm hẹn để bán. Và khi mưa lũ về, gỗ vẫn ùn ùn, đầy tú hụ trong bụng bùn nước, tạo nên sức công phá khủng khiếp để giết chóc con người, hủy diệt tài sản cũng như không gian sống của họ. Các bức ảnh núi gỗ ùa về nhà dân, ùa về các thung lũng sau cơn lũ lịch sử tháng 10.2017 ở Văn Chấn là câu trả lời sinh động nhất.
Sau một thời gian thuyết phục, cũng là sau vài năm liên tiếp buốt lòng chứng kiến bà con mình chết bất đắc kỳ tử, núi đồi sông suối bị tan hoang nham nhở vì mưa, lũ, sạt lở, nhiều người dường như đã tỉnh ngộ. Bà con và cả cán bộ nữa, họ đã đồng ý bí mật dẫn chúng tôi đi chứng kiến “bí ẩn” xót xa phía sau các triền núi hiểm trở quê hương họ.
Với họ, bảo vệ rừng giờ đây là cái đức họ muốn để lại cho con cháu. Một cán bộ xã bảo: Thậm chí, hàng trăm héc-ta rừng quý ở quê anh, đến giờ, họp lãnh đạo huyện, vẫn có ý kiến kêu trời là... không biết huyện Văn Chấn hay huyện bên kia đang quản lý chúng. Đã có thời gian dài, người ta giao rừng cho một đơn vị quản lý, “các anh” này nhận tiền trông coi phát triển rừng rồi mặc kệ dân phá.
Có cánh rừng giao cho doanh nghiệp làm dự án, họ chả làm gì, ngoài việc đè rừng ra đẵn gỗ bán. Dân “kiện” quá, các kỳ giám sát của hội đồng nhân dân, mặt trận tổ quốc huyện thì người có tâm kịch liệt phản đối. Thế là họ mới dè dặt... ngừng phá.
Một anh bạn trẻ tâm huyết chỉ cho chúng tôi đi thực tế “làm ví dụ” ở một vài cánh rừng quê anh: Xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Xã vùng sâu. Núi cao ngất, đường chân trời bị án ngữ vút tầm mắt. Đúng là “sáng thức dậy núi đã đầy trong mắt”. Nhưng, núi thắm đang nhạt phai từng ngày.
“Phá rừng thời công nghệ” thật khủng khiếp và tai quái. Anh ta bảo, tôi quá bức xúc. Cán bộ huyện đã đưa ra các hội nghị, bày tỏ về sự tàn phá rừng quê tôi, nguyên nhân gây thảm họa cho đồng bào mình. Huyện “tiếp thu”, hứa chấn chỉnh (nhiều cán bộ địa phương tham gia các cuộc họp - xin giấu tên - đã xác nhận với chúng tôi điều này), nhưng thời gian trôi qua đằng đẵng mà rừng vẫn liên tục bị phá.
Có điều gì uẩn khúc ở đây? Trạm kiểm lâm to đùng ngoài đầu xã, tổ bảo vệ rừng ăn lương rất đông. Việc phá rừng diễn ra trước mắt, xe máy chở gỗ gào rú đinh tai nhức óc. Xưởng bóc gỗ ở thôn Noong Tài vẫn mở cửa đón các xe gỗ từ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn quan trọng vào. Và tất cả hóa thành... ván mỏng hết.
Dân thôn, Bí thư chi bộ, trưởng thôn đều biết hết. Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La, khi trả lời PV Lao Động cũng thừa nhận hẳn hoi: Chuyện chúng tôi vừa kể ở trên là có thật, xã bức xúc và đã kiến nghị nhưng... Lại “nhưng”... và vẫn cứ “nhưng”. Xã tỏ ra bất lực và uất ức. Cấp trên của xã có gì uẩn khúc không?
Rừng vẫn bị phá đều đặn và khốc liệt. Có khi mức độ tàn khốc với những cây gỗ to và gỗ quý bị xẻ thịt nó đang giảm đi; nhưng nó giảm đi chỉ vì hết gỗ quý gỗ to rồi. Chứ mọi việc bao năm qua vẫn đâu đóng đấy. Trăm con voi vẫn chui lọt lỗ kim giữa thanh thiên bạch nhật. Lỗ kim ở đây là lỗ hổng đạo đức công vụ, lỗ hổng trong sự tử tế của con người với thiên nhiên đang bảo bọc mình và sẽ bảo bọc các thế hệ sau.
Trở lại với câu chuyện anh bạn trẻ đồng ý dẫn chúng tôi đi xem phá rừng ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Cuối tháng 10.2017. Lũ ác vẫn chưa khắc phục được hậu quả, mồ của mấy chục người chết vì lũ khu vực Sơn La - Yên Bái này vẫn chưa xanh cỏ. Trạm kiểm lâm vẫn hoạt động, đội bảo vệ rừng vẫn lĩnh lương đều đặn và đặc biệt, các ban ngành của xã vẫn báo cáo là mình đang thực hiện chức năng nhà nước và nhân dân giao phó tốt.
Vậy mà giữa ban ngày ban mặt, chúng tôi chứng kiến rừng bị phá. Xe gỗ chở trước mắt lương dân. Xưởng cưa há mồm ngoạm gỗ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, nhưng ai hỏi thì bảo đó là gỗ rừng trồng.
Lời bà Thoan, người phụ nữ cả đời gắn bó với rừng thôn Noong Tài, xã Thượng Bằng La, cứ như xoáy vào nỗi ám ảnh của chúng tôi. Bà bảo, lâu nay, ngày nào cũng chịu tra tấn bởi tiếng máy cưa gỗ, nó cứ oong oong.
Nó như xoáy vào óc bà, không tài nào ngủ được. Bà biết, thế là rừng sắp hết, nguồn nước trong vắt và ngọt lành từ trên rừng chảy về thôn bản đang cạn dần. Lấy gì phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu, bà và con cháu người Noong Tài rồi sẽ đi về đâu?
Dân các thôn, chắc sắp vào cuộc chiến tranh giành nguồn nước. Mưa lũ sẽ ập về khốc hại. “Tôi sống ở Noong Tài này, đến nay cũng sắp hết một đời người rồi. Trước đây chỉ có vài người vào xẻ gỗ về làm nhà, nó là việc bình thường, không đáng kể. Còn gần đây, người ta chặt gỗ còn để bán cho mấy xưởng làm gỗ. Xẻ vô tội vạ.
Cứ ban ngày họ mang cưa lên chặt gỗ, tối lại đánh xe máy vào chở gỗ về xưởng cho nó bóc đem bán. Hôm nào có đoàn kiểm tra thì họ trốn, họ tắt tiếng máy cưa đi. Đoàn đi thì họ lại tiếp tục phá. Nói chung, người ta bảo vệ rừng không hiệu quả tí nào”, bà Thoan quả quyết.
Bí thư chi bộ thôn, chị Liên và Trưởng thôn, anh Dược, đều bức xúc. Thôn có tới 400 héc-ta rừng phòng hộ, đầu nguồn, rừng này có vai trò sống còn với sự an nguy của bà con. Vậy mà người ta phá như thế. Đội bảo vệ rừng hoạt động không hiệu quả, kiểm lâm thì ở xa và chưa phát huy vai trò trong giữ rừng.
Anh Dược là một người năng động, yêu rừng và hiểu rõ rừng đang nắm giữ bí mật về sự bình yên của cả khu vực. Anh bảo, bằng mắt thường nhìn lên rừng, cũng biết là rừng bị phá đến cả nửa diện tích rồi. Thôn đi bắt lâm tặc, bắt được cũng chỉ biết bàn giao “tang vật” cho xã, cho kiểm lâm. Mà cũng chỉ biết nhắc nhở hay phạt hành chính thôi. Chứ thôn không có quyền xử phạt nặng hoặc xử lý hình sự, vì thế lâm tặc càng lộng hành.
Tổ bảo vệ rừng của thôn không có lương, đôi khi anh em cũng nản, chỉ biết ngồi trong nhà sàn uống rượu và nghe tiếng cưa máy rên rỉ ngoài núi xa. Có khi thấy tiếng cưa máy góc rừng A, chạy lên kiểm tra thì họ đã trốn sang cánh rừng B và cưa tiếp.
Dân thôn có bảo vệ được rừng của mình không? Có, nếu họ muốn. Họ có quyền bảo vệ không? Về nguyên tắc là có. Nhưng cũng khó, vì họ không có quyền bắt giữ hay xử phạt lâm tặc. Chưa kể, nhiệm vụ này do xã, do hạt kiểm lâm Văn Chấn phụ trách. Hạt thuê cả Đội bảo vệ rừng, trả lương tiền triệu hẳn hoi. Bà con bao năm bảo vệ rừng, có tiền, giờ bị cắt, họ đưa người nơi khác về nhận nhiệm vụ này. Nhưng, nước xa làm sao cứu được lửa gần.
Đặc biệt vô lý hơn, là việc tỉnh quyết định giao 95ha rừng quý (chiếm 1/4 diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn của toàn thôn) cho một công ty tư nhân nuôi cá tầm suốt nhiều năm qua. Cả lãnh đạo thôn, xã và bà con đều biết và xác nhận với chúng tôi điều này: Làm sao nuôi ít cá tầm, đang liên tục lỗ tơi bời khói lửa thế, mà cần tới gần 100 héc-ta rừng?
Chúng tôi có mặt, chứng kiến vài cái bể nuôi toen hoẻn, gỉ sét, tù đọng, rêu phong, nhìn mãi chả thấy cá đâu. Trong khuôn viên bé xíu quây rào dây thép của mình, còn la liệt đất trống, vậy đơn vị nuôi cá tầm kia cần tới 100ha rừng làm gì?
Trong rừng xanh thắm, có suối treo mơ màng như áng tóc trữ tình “buông lơi” từ trên thiên đình xuống. Rừng nơi đây rất đẹp và có vai trò không thể thay thế trong giữ nguồn nước, bảo đảm sự an lành cho bà con. Ai cũng hiểu điều đó, song không ai hiểu, vì sao nuôi cá tầm cần tới 95ha rừng.
Họ chiếm dụng nhằm mục đích gì, vì sao tỉnh lại giao rừng kiểu đó? Có người giải thích là: Cá tầm cần nước trong, cần bảo vệ rừng đầu nguồn để có làn nước tuyệt mỹ cho giống cá quý đẻ ra vàng thoi bạc nén.
Nhưng lại có người bảo, thuyết phục hơn: Bao năm qua, công ty nuôi cá tầm được giao rừng và bỏ bẵng báu vật rừng cho kẻ xấu phá hoại, chúng nó đẵn gần hết rừng rồi, mà phía công ty kia họ có tiếc rừng hay muốn bảo vệ thiên nhiên trong lành để giữ nước sạch và đủ cho cá sinh sống và sinh sản đâu?
Vậy đâu là bản chất vấn đề? Chúng tôi đi bộ một ngày ròng, trời mưa tầm tã. Những cây gỗ lớn bị xẻ thịt còn tươi rói. Những cánh rừng đầu nguồn tan hoang. Người dân vác gỗ, giấu gỗ, gùi gỗ và đinh tai nhức óc gào rú cưa máy rồi vê ga xoắn côn xe cơ giới chở gỗ ra khỏi rừng.
Người dẫn đường sợ hãi: “Nó phá thế này thì chúng em ở dưới sắp chết đến nơi!”. Khi chúng tôi bị nghi ngờ, những chiếc điện thoại di động của lâm tặc hoạt động hết công suất. Họ khoác dây thừng lững thững tay không ra khỏi rừng. Họ dắt xe máy về, sau xe buộc vài cây chuối rừng về thái cho lợn ăn. Đợi trời tối, xe ô tô của “những kẻ nghi là nhà báo hoặc công an, kiểm lâm” đi khỏi.
Toàn bộ số người chúng tôi có đều lốc nhốc rút đi. Chỉ một người trà trộn ở lại trong căn nhà hoang phục kích. Máy quay tầm xa chĩa vào lối mòn ven rừng. Một cái chợ gỗ tấp nập ngay lập tức nhộn nhịp hoạt động. Xe chở gỗ rèo rèo. Các xưởng cưa khi thấy người lạ thì nhớn nhác, theo dõi và phòng bị.
Ông Hoàng Đình Mưu, Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La thở dài: Họ toàn chở gỗ vào xưởng cưa, xưởng bóc gỗ lúc trời tối. Sáng ra, chúng tôi vào kiểm tra thì chỉ có gỗ bóc trắng toát, thơm, tấm nào cũng như tấm nào, có trời phân biệt gỗ rừng trồng và gỗ rừng phòng hộ đầu nguồn. Ông Mưu cung cấp thêm tin mới: Tỉnh Yên Bái đang tiến hành thanh tra các xưởng cưa kia, để xử lý nghiêm minh.
Ông Mưu buồn rầu trước tình trạng “công ty nuôi cá tầm” lấy 95ha rừng, được cấp sổ đỏ hẳn hoi rồi, nhưng họ bỏ mặc cho lâm tặc phá rừng tan tành. Dân ùa lên phá theo. Diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn đó, bỗng dưng cấp cho doanh nghiệp rồi - thì quyền và trách nhiệm bảo vệ rừng là của doanh nghiệp và lực lượng chức năng. Bà con, cán bộ thôn muốn “quan tâm” cũng đành chịu.
Công ty nuôi cá tầm có tên “T và T”, một chủ là ông T., nguyên Bí thư huyện ủy Văn Chấn, nguyên Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái (ông này sau đó bị bắn chết trong vụ việc tày đình cách đây chưa lâu). Sau vụ việc, một “ông chủ” quan trọng bậc nhất của dự án không thể tham gia được nữa, công ty “T và T” đổi tên là “Công ty Cá tầm Phương Bắc” đã chuyển giao quyền nuôi cá tầm và bảo vệ 95ha rừng kia cho đơn vị khác.
Theo ông Mưu và một số trí thức địa phương, qua ba bốn lần “thay ngôi đổi chủ”, dự án làm ăn thua lỗ, không có tiền trả cho lực lượng bảo vệ, công ty rút đi dần. Kẻ xấu ùa lên “đục nước béo cò”, phá tuốt. Phá rừng ở khu “cá tầm”, họ phá lan sang các cánh rừng khác thuộc 400ha rừng thôn Noong Tài.
Có khi cán bộ bắt được lâm tặc, “nó” bảo, tôi phá rừng của khu nuôi cá tầm, ông ấy không bắt thì thôi, anh có quyền gì bắt tôi? Có khi, bắt được lâm tặc phá rừng phòng hộ của thôn, nó vẫn cãi là nó “ăn” rừng cá tầm. Làm sao phân định được tại hiện trường? Mà khu vực rừng nào bị phá, trong khi nó là rừng phòng hộ đầu nguồn, thì nỗi đau chẳng như nhau?
Vậy là, rừng bị phá bởi nhiều nhẽ, trên quy mô, tính chất, diện tích rộng, suốt nhiều năm ròng. Giờ vẫn bị phá đều đặn, trước mắt chúng tôi, với những cây gỗ tươi rói, ứa nhựa, nham nhở viết chặt dở, nõn nà gỗ mới, vết cưa máy xẻ gỗ lớn thành súc - sắc ngọt và vuông rìa sắc cạnh. Có khi, rất giản dị, tỉnh huyện giao rừng cho “ông nuôi cá tầm”, rồi họ tuyệt vọng thua lỗ chả thèm quan tâm đến dự án nữa, nhưng cơ quan quản lý vẫn kệ, không thu hồi, chả quyết liệt bảo vệ, mạnh ai nấy phá.
Sự vô cảm, sự quan liêu kỳ lạ này đã dẫn đến một hậu quả kỳ lạ hơn: Đàn cá tầm nuốt chửng cả trăm héc-ta rừng phòng hộ đầu nguồn mà nhiều thế hệ người Thượng Bằng La đã gìn giữ. Bất chấp dân thôn và cán bộ đắng lòng kêu cứu: Cái miệng cá tầm vẫn há ra và ngáp một cái mất mênh mông rừng già.
Rừng bị đối xử vô cảm, thiếu hiểu biết như vậy, rừng không bị phá mới là chuyện lạ. Rừng nắm giữ bí ẩn của bao thảm họa thiên nhiên, rừng bị cạo trọc, loài người không bị giết chóc vì thiên nhiên cuồng nộ “trả vố” mới là chuyện lạ.(Lao Động 4/11)đầu trang(
Từ nhiều năm trở lại đây, dự luận trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hết sức quan tâm đến việc các Công ty lâm nghiệp Đắk Nông đã lợi dụng chính sách từ Nghị định 135/2005/NĐ –CP của Chính phủ để tự ý giao hàng nghìn hécta rừng tự nhiên quý hiếm cho nhiều cán bộ.
Điều đáng nói, sau một thời gian ngắn  được giao, gần như toàn bộ diện tích rừng này đã bị phá  để chuyển sang đất rẫy trồng cao su, cà phê, hồ tiêu…. Điều này, đã gây nên rất nhiều bất bình cho người dân trên địa bàn.Theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8-1-2005 của Thủ tướng Chính phủ, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được ưu tiên nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng và được hưởng lợi từ rừng.
Ngoài ra, đối tượng được giao khoán đất rừng phải là người hộ khẩu thường trú tại nơi có rừng, trực tiếp làm nghề nông - lâm nghiệp để sinh sống. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà nhiều cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh không thuộc diện được giao rừng nhưng vẫn được tỉnh Đắk Nông giao hàng chục hécta rừng và đất rừng để canh tác, sử dụng, chuyển đổi…rồi sau đó, những cán bộ này đã vô tư bán lại cho người dân thu lợi cá nhân
Cụ thể, theo thanh tra UBND tỉnh Đắk Nông như trường hợp của ông L.A.T nguyên Trưởng Công An huyện Đắk Song(Đắk Nông) được Công ty lâm nghiệp Thuận Tân ký hợp đồng giao khoán sai quy định với tổng diện tích 28ha đất rừng tại khoảnh 6, tiểu khu 1124, thuộc lâm phần xã Thuận Hà, huyện Đắk Song.
Sau một thời gian nhận giao khoán, ông T đã liên kết trồng tiêu, trồng cây muồng với bà Nguyễn Thị Thu Anh (cựu Giám đốc bảo hiểm xã hội huyện Đắk Mil, vợ ông Bùi Bàng - Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Nông) trên diện tích 11,6 ha.
Ông T còn cho ông Đinh Văn Đức (người làm thuê cho ông T) 2,3 ha, ông Đức bán lại cho ông Phan Cảnh Trọng lấy 430 triệu đồng. Ngoài diện nhận liên kết với ông T, bà Thu Anh còn tự ý sử dụng 1ha đất trống (đất rừng bị phá năm 2013 - 2014 của Công ty lâm nghiệp Thuận Tân quản lý) để trồng tiêu và trồng muồng.
Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Đắk Nông trong số 28 hécta mà ông T nhận khoán nuôi và bảo vệ có đến 22 hécta bị chặt phá hoàn toàn. Giải thích về điều này, ông T trả lời rất vô tư: “Thật ra tôi cũng không hiểu lắm về Nghị định 135 của Chính phủ, với lại tôi có nhiều cháu họ ở trong xã Thuận Hạnh. Lúc đó tôi hỏi Công ty lâm nghiệp Thuận Tân thế có nhận được không, họ bảo được thì tôi nhận cho các cháu làm”. Còn việc bán đất thì ông T phủ nhận hoàn toàn.
Tương tự, tại huyện Tuy Đức (Đắk Nông), có tới 22 cán bộ, công chức nhận giao khoán đất rừng theo Nghị định 135 trái quy định, trong đó có gia đình ông Điểu K’Bốt - Bí thư Huyện ủy Tuy Đức. Cụ thể, từ 11/2007, Cty Lâm nghiệp Quảng Tín đã giao khoán hơn 15 ha đất rừng tiểu khu 1525 (thuộc lâm phần xã Quảng Tín, huyện Tuy Đức) cho vợ ông là bà H’Yang.
Tại thời điểm nhận giao khoán, bà H’Yang có hộ khẩu tại thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) nên không thuộc diện được giao khoán đất rừng theo Nghị định 135. Tuy nhiên, Cty Lâm nghiệp Quảng Tín đã giúp “hợp thức hóa” hồ sơ để bà H’Yang trồng cao su trên 15 ha đất này. Dù chủ trương giao khoán đất rừng theo Nghị định 135 để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang trồng cao su, đến năm 2011 tỉnh Đắk Nông mới có quyết định cho triển khai.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay cả ông Thân Văn Minh - nguyên Giám đốc Công ty Quảng Tín, cũng nhận giao khoán hơn 21 ha đất rừng ở xã Đắk Ngo để trồng cây công nghiệp vào năm 2010. Cùng năm đó, ông Thân Văn Minh còn kí hợp đồng giao khoán cho em mình là ông Thân Văn Nguyện hơn 21 ha ở xã này để trồng cây công nghiệp. Trong khi đó, cuộc sống dân nghèo nơi đây rất khó khăn vì không có đất canh tác.
Công ty TNHH Lâm nghiệp Trường Xuân, huyện Đắk Song(giải thể vào năm 2016) đã vô tư giao cho ông Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông) quản lý, bảo vệ hơn 13ha rừng thông.
Vào năm 2014, huyện Đắk Song còn làm tờ trình xin nhận về địa phương diện tích rừng thông trên để cấp sổ cho gia đình ông Sơn. Khi các cơ quan chức năng tỉnh vào cuộc kiểm tra, phát hiện việc làm này là sai trái nên đã  kịp thời dừng việc cấp sổ cho gia đình ông Sơn.
Tại huyện Đắk Glong(Đắk Nông), gia đình ông Sơn cũng được giao hơn 50ha đất rừng ở xã Quảng Khê (thuộc lâm phần Công ty TNHH Lâm nghiệp Quảng Khê trước đây) để canh tác, chăn nuôi.
Khi còn làm Bí thư Huyện ủy Đắk Glong, gia đình ông Hoàng Duy Chuyển (nguyên Giám đốc Sở TN&MT Đắk Nông) cũng được Công ty Lâm nghiệp Gia Nghĩa giao hơn 82ha đất rừng tại xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong) để canh tác. Sau đó gia đình ông này sang nhượng, chuyển đổi trái phép cho nhiều người.
Theo một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, sai phạm trong việc sử dụng đất được giao khoán của ông Chuyển “rất nghiêm trọng” và “đến mức phải xử lý hình sự”. Tại thị xã Gia Nghĩa, cựu Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa Ngô Văn Linh và 2 cán bộ khác cũng nhận giao khoán đất rừng theo Nghị định 135 sai quy định. Một lãnh đạo thị xã Gia Nghĩa cho hay, Công an Đắk Nông đang điều tra đơn tố cáo ông Linh sử dụng không đúng hơn 60 ha đất rừng của Công ty Gia Nghĩa giao khoán cho ông này tại xã Đắk Ha, huyện Đắk G’Long.
Theo một cựu cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Nông, việc các công ty lâm nghiệp giao khoán đất rừng theo Nghị định 135 cho cán bộ để họ sử dụng sai mục đích đã góp phần mở đường cho việc “phá rừng hợp pháp”. Ngay sau Nghị định 135/2005/NĐ-CP về giao khoán đất rừng của Chính phủ, vào ngày 16/2/2006, ông Đỗ Thế Nhữ nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đã ký công văn số 243/UBND-NL cho phép Lâm trường Quảng Tín được giao khoán đất rừng và trồng rừng kết hợp trên diện tích Nhà nước đã giao cho lâm trường quản lý. Đồng thời, nhiều lâm trường khác trên địa bàn tỉnh như: Trường Xuân, Quảng Khê, Đức Hòa, Thuận Tân… cũng được tỉnh cho phép giao khoán đất rừng theo Nghị định 135. Thấy các lâm trường này giao khoán tràn lan sai đối tượng, dân địa phương và dân di cư tự do đã ồ ạt nhảy vào xâm chiếm, chặt phá rừng dẫn đến hằng nghìn  hécta rừng tự nhiên bị tàn phá không thương tiếc.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông tính từ năm 2004 đến nay có hơn 27.600ha diện tích rừng bị mất và xâm chiếm. Trong đó, chỉ tính riêng Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân (ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) đã để mất hơn 4.500ha. Còn Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín (ở xã Quảng Tín, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) được giao quản lý 9.800ha rừng và đất rừng.(Tài Nguyên & Môi Trường 5/11)đầu trang(
Trong khi thực trạng rừng tự nhiên ở tỉnh Bình Phước đang ngày một thu hẹp nghiêm trọng, thì Vườn Quốc gia (VQG) Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, một trong số vài “mảng xanh” quý giá của tỉnh này được bảo vệ khá tốt.
Ấy là nhờ sự phối hợp “ăn ý” giữa BQL vườn, chính quyền và người dân địa phương.
Trạm Kiểm lâm số 2 của Hạt Kiểm lâm VQG là nơi đứng chân của cộng đồng nhận khoán thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập. Chia làm 3 tổ với 21 đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số, cộng đồng bảo vệ 2.071ha rừng. Mỗi tổ gồm 7 thành viên, chia làm 3 ca trực/tháng.
Ông Huỳnh Văn Dương, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 2 cho biết, đơn vị được giao quản lý 4 tiểu khu, phối hợp cộng đồng nhận khoán, phân công cụ thể cho thành viên và chú trọng những điểm rừng ưu tiên. Bảo vệ rừng chặt chẽ, khoa học nên những năm gần đây tình trạng khai thác lâm sản không còn, xâm nhập rừng ít.
Khi đi tuần, người đi đầu giữ và bấm nút hoạt động máy GPS thì tất cả hướng đi, tuyến đường, điểm mà nhóm tuần tra đi qua sẽ được lưu lại. Hằng tháng, đơn vị nộp máy về cơ quan theo dõi kết quả trên phần mềm kết nối với máy GPS. Từ đó, Ban quản lý vườn nắm sát tình hình thực tế ở các trạm kiểm lâm và tổ nhận khoán.
Tính đến năm 2016, Ban Quản lý VQG Bù Gia Mập đã giao khoán gần 25.000ha rừng cho 4 đồn biên phòng và 9 cộng đồng dân cư các xã Bù Gia Mập, Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập; xã Quảng Trực (tỉnh Đắk Nông) nằm trong vùng đệm. Các cộng đồng lập chốt tại khu vực được nhận khoán hoặc ở cùng với trạm kiểm lâm để tổ chức tuần tra bảo vệ rừng.
Mấy năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số đã hăng hái xung phong vào các tổ nhận khoán. Từ đó, lực lượng nhận khoán được trẻ hóa (2/3 thành viên trong cộng đồng có độ tuổi từ 17 - 35) đảm bảo sức khỏe, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Vườn còn áp dụng hình thức giao khoán song trùng, tức là các đơn vị giao khoán cùng đơn vị kiểm lâm phối hợp tuần tra, kiểm tra chéo để đạt hiệu quả cao nhất.
Anh Trần Đức Ái, Điều phối viên Ban Quản lý dự án Bảo vệ và phát triển rừng của vườn nói: "Đi tuần tra, các thành viên trực không được rời vị trí, nhiều khi nấu cơm xong, phát hiện có lâm tặc, tất cả đều bỏ bữa để làm nhiệm vụ. Biết là khổ, nhưng với chúng tôi, một tuần không được ăn cơm, tắm nước suối trong rừng thì cảm giác thiếu thứ gì đó...".
Anh Điểu Đa, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 3 cho biết: Hằng tháng, trạm phối hợp với tổ nhận khoán bảo vệ rừng đi kiểm tra, phục kích ở những điểm người dân thường vào rừng hái nấm, lấy măng... vừa tuyên truyền, thuyết phục vừa răn đe để hạn chế tối đa tình trạng này. Nhờ vậy, người dân đã nâng cao ý thức và góp sức bảo vệ rừng.
Trong mỗi đợt tuần tra, cán bộ của vườn và hạt kiểm lâm thường xuyên tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học nên thành viên cộng đồng nhận khoán có ý thức cao trong giữ rừng. Điểu Dương (SN 1998) thay cha đã lớn tuổi tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ rừng. Anh trai của Dương là Điểu Hồng cũng tham gia cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Rên. “Rừng nuôi mình nên phải bảo vệ”, anh Dương nói.
Có thể nói, các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng đã hỗ trợ đắc lực cho kiểm lâm trong quản lý bảo vệ rừng. Những năm qua, cộng đồng nhận khoán các thôn Bù Dốt, Bù Rên, Bù Lư, thôn 8 (xã Bù Gia Mập); cộng đồng Bon Bu Prăng 1, 2, dân quân du kích xã Quảng Trực, tỉnh Đắk Nông; cộng đồng thôn 3, dân quân du kích thôn 3 (xã Đắk Ơ) phối hợp lực lượng kiểm lâm địa bàn bắt được cả trăm đối tượng xâm nhập rừng trái phép; phá hủy 10 luồng bẫy, thu hồi hàng trăm dây bẫy các loại; bắt khối lượng lớn gỗ thả bè qua suối Đắk Mai (xã Bù Gia Mập); giao hạt kiểm lâm nhiều cá thể động vật rừng như tê tê, chim, gà rừng, heo rừng...
Theo ông Vương Đức Hòa, Phó Giám đốc VQG Bù Gia Mập, người dân trong vùng đệm của vườn đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Trước đây, một số người thường xuyên vào rừng khai thác trái phép nguồn lợi từ rừng, ảnh hưởng lớn đến việc quản lý.
Do hạn chế về trình độ, thiếu đất sản xuất, nhiều thanh niên coi săn bắn động vật hoang dã trái phép, khai thác rừng là công việc đem lại thu nhập chính. Thực hiện nhận khoán đã giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, đồng thời giúp các cộng đồng có thêm nguồn thu ổn định.
“Mỗi cộng đồng nhận khoán bảo vệ từ 1.700 - 2.000ha rừng (từ 18 - 26 người tham gia) với định mức giao khoán hiện tại là 250 ngàn đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, còn thu khoảng 2 triệu đồng/tháng. Qua đây, tạo tiền đề cho người dân vùng đệm tiếp tục phát triển nguồn lợi từ rừng để góp phần thoát nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng NTM.
Để bảo vệ tốt hơn, cần tăng số hộ nhận khoán, nhưng để đảm bảo thu nhập cho họ, trong khi diện tích giao khoán không tăng chỉ còn một cách là tăng mức tiền giao khoán bảo vệ rừng lên khoảng 400 ngàn đồng/ha/năm”.(Nông Nghiệp Việt Nam 6/10)đầu trang(
Ngày 4/11, đại diện Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa đã bàn giao hai cá thể hổ và 1 cá thể Sơn Dương đã chết, có tổng trọng lượng gần 300 kg cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
Trước đó, Phòng Cảnh sát Môi trường phát hiện bắt quả tang tại trang trại ông Nguyễn Hữu Huệ, sinh năm 1980, trú tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu đang có hành vi tàng trữ hàng cấm là động vật hoang dã quý hiếm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Tại đây, đơn vị đã thu giữ gồm 2 cá thể hổ, 1 cá thể Sơn Dương đã chết.
Sau khi làm mọi thủ tục giấy tờ liên quan, Phòng Cảnh sát Môi trường đã tiến hành bàn giao số cả thể nói trên cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam theo đúng quy định.(Hải Quan 4/11)đầu trang(
Sáng 2-11, tại Khách sạn Tre xanh, Trung tâm Con người và Thiên nhiên cùng Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh tổ chức Hội thảo “Hành động bảo tồn đa dạng sinh học khu vực hành lang rừng giữa Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng”.
Vùng hành lang trên là khu vực rừng tự nhiên thuộc xã Đak Roong (Kbang) là rừng nguyên sinh có diện tích liền dải cùng với nhiều loài động, thực vật hoang dã quý hiếm có giá trị nhiều mặt về khoa học, kinh tế-xã hội và môi trường... tuy nhiên, do nhu cầu cuộc sống đã tạo không ít khó khăn và thách thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Năm 2010 Chi cục Kiểm lâm Gia Lai cùng các chuyên gia đã đề xuất xây dựng khu hành lang đa dạng sinh học nối giữa Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tại xã Đak Roong nhằm bảo tồn tài nguyên rừng, hướng đến nâng cao khả năng tiếp cận nâng cao ý thức cộng đồng trong quản lý, bảo vệ phát triển rừng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau đề xuất này chưa được thực hiện.
Mục tiêu của Hội thảo là cập nhật thông tin, số liệu đa dạng sinh học và hiện trạng rừng ở khu vực hành lang của 2 đơn vị trên. Thảo luận và đề xuất về bảo tồn rừng và động vật hoang dã ở khu vực hành lang này. Đồng thời tạo điều kiện cho các cộng đồng địa phương tham gia vào bảo tồn và phục hồi rừng ở khu hành lang rừng giữa Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.(Báo Gia Lai 4/11)đầu trang(
Quảng Trị là tỉnh có giá trị đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như gà lôi lam mào trắng, voọc Hà Tĩnh, sao la, mang lớn, thỏ vằn...
Cùng với việc thực hiện luật Đa dạng sinh học năm 2008, các đơn vị Khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh đã tăng cường thực hiện nhằm tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng như các loại động, thực vật.
Nhận thấy công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), bảo vệ động vật hoang dã là vấn đề quan trọng và cấp bách hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng phối hợp triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác này trên địa bàn.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều biện pháp thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học và đạt được những kết quả quan trọng, đến thời điểm hiện tại, đã thành lập được 4 khu bảo tồn thiên nhiên gồm Đakrông, Hướng Hóa, Đường Hồ Chí Minh và Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, với tổng diện tích trên 7.000 ha.
Ngoài ra, các khu rừng cảnh quan, khu du lịch sinh thái Rú Lịnh, Trằm Trà Lộc,... đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp tạo nên thế mạnh trong khai thác du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên môi trường đã được tăng cường về nội dung và đa dạng về hình thức.
Nhờ vậy, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, tạo động lực mạnh mẽ để mọi người, mọi ngành tham gia bảo vệ môi trường. Ông Ngô Kim Thái, Giám đốc Ban quản lý, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông cho biết: “ Chúng tôi xác định tầm quan trọng của công tác bảo tồn đa dạng sinh học hiện nay, do đó đã tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát và khoanh vùng các loại thực vật, động vật quí hiếm, cùng với việc bảo vệ rừng đặc dụng trên địa bàn phụ trách…”
Quảng Trị có tổng diện tích rừng là 242.240 ha và hệ sinh thái đa dạng, phong phú, với hơn 98 loài thú, 198 loài chim, 83 loài lưỡng cư, bò sát, hơn 336 loài cá và khoảng 2.152 loài thực vật, trong đó có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD ) đang bị đe dọa tuyệt chủng do nạn buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép ĐVHD ngày càng gia tăng.
Một trong những nguyên nhân chính là do Quảng Trị là đầu mối giao thông quan trọng - điểm đầu trên tuyến đường huyết mạch của Hành lang kinh tế Đông - Tây nối với Lào - Thái Lan - Myanma qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo,  Cửa khẩu Quôc tế La Lay, cùng tuyến đường Hồ Chí Minh xuyên suốt dãy Trường Sơn.
Do đó, Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển buôn bán, vận chuyển trái phép nhiều loài động vật hoang dã trong nội địa, cũng như từ các nước Đông Nam Á sang quốc gia khác. Công tác bảo vệ rừng cũng như bảo tồn đa dạng sinh học vẫn còn những khó khăn nhất định cần sự chung tay vào cuộc của các ngành đơn vị liên quan cũng như nâng cao hơn nữa ý thức của người dân.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn ĐDSH, đặc biệt là bảo vệ động, thực vật hoang dã quý hiếm, tỉnh Quảng Trị đã triển khai Kế hoạch hành động ĐDSH tỉnh Quảng Trị từ năm 2015, định hướng đến năm 2020. Đồng thời, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện công tác bảo vệ rừng nói chung và bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nói riêng.
Ngày 25/3/2016, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 955/UBND-NN về tăng cường công tác bảo vệ động vật hoang dã. Công tác phối kết hợp với địa phương để tuyên truyền phổ biến những quy định của Luật đa dạng sinh học, công tác bảo tồn thiên nhiên, cấm chặt phá rừng, săn bắn các loại thú quý hiếm cũng được chú trọng.
Ông Hồ Văn Nhua, Chủ tịch UBND xã Húc Nghì, huyện Đakrông cho biết: “ Công tác phối hợp tuyên truyền để thực hiện công tác bảo tồn thiên nhiên tại địa bàn đã được triển khai và uỷ ban đã tổ chức 8 phiên họp dân trong năm 2017 để tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, cấm săn bắn động vật ..”
Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án đấu tranh, ngăn chặn tại chỗ; tổ chức kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, điểm mua bán động vật hoang dã trái phép; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm và tăng cường quản lý hoạt động gây nuôi các loại động vật này.
Đồng thời, phối hợp ngăn chặn hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã quý hiếm trên tuyến biên giới và tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là ở miền núi, các khu rừng đặc dụng để người dân tích cực tham gia bảo vệ động, thực vật; không săn bắn, bắt, bẫy các loài quý hiếm.
Nhiều chiến dịch tuyên truyền lưu động trong cộng đồng dân cư, thôn, bản, trường học được tổ chức, kết hợp với việc phát tờ rơi, tài liệu đến hộ gia đình, yêu cầu các nhà hàng, cơ sở sản xuất, chế biến ký cam kết không buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã. Phát huy vai trò của người dân để cùng vào cuộc tuyên truyền thông qua các tổ bảo vệ rừng để nắm tình hình, có biện pháp phối kết hợp kịp thời nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.
Anh Hồ Văn Dũng, Tổ Bảo vệ rừng xã Tà Long, Đakrông chia sẻ: “ Chúng tôi chủ yếu nắm tình hình, mỗi tháng đi kiểm tra có khi đi hai đến ba ngày để cùng với lực lượng chức năng nắm các tuyến đường và đối tượng khai thác rừng trái phép…”
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân về tác động tiêu cực của việc buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã. Xây dựng quy hoạch bảo tồn, phát triển các loài động vật hoang dã phân bố trên địa bàn tỉnh, gắn quy hoạch bảo tồn phát triển rừng đặc dụng với quy hoạch bảo vệ, tái tạo, phát triển loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm.
Triển khai các dự án về bảo vệ, phát triển loài đặc hữu. Tăng cường nghiên cứu về đa dạng sinh học nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên. Mặt khác, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về mua bán, vận chuyển, xuất, nhập khẩu, gây nuôi, chế biến động vật hoang dã tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cửa khẩu quốc tế.
Đồng thời có những giải pháp quy hoạch tổng thể về công tác bảo tồn đa dạng sinh học gắn với vảo vệ rừng, đào tạo cán bộ có chuyên môn trên lĩnh vực này để có giải pháp bảo tồn và phát triển hệ động thực vật quý hiếm hiệu quả nhất.(Đài Phát Thanh Truyền Hình Quảng Trị 5/11)đầu trang(
UBND huyện Tam Đảo vừa tổng kết công tác PCCCR - BVR mùa khô năm 2016 - 2017, triển khai phương án BVR - PCCCR mùa khô năm 2017 - 2018.
Trong năm qua, huyện Tam Đảo luôn quan tâm và làm tốt việc bảo vệ, phát triển rừng. Công tác trồng, chăm sóc, khoán bảo vệ rừng được triển khai đạt những kết quả tích cực.
Trong 10 tháng năm 2017, Hạt Kiểm lâm huyện đã kiểm tra và xử lý 5 vụ vi phạm trong việc khai thác, vận chuyển và mua bán, kinh doanh lâm sản xử phạt hành chính và nộp vào ngân sách nhà nước trên 13,7 triệu đồng. Tuy nhiên, công tác BVR, PCCCR vẫn còn nhiều hạn chế. Trong mùa khô năm 2016 - 2017 trên địa bàn huyện đã xảy ra 9 vụ cháy rừng với tổng diện tích cháy 39,84ha.
Để thực hiện tốt công tác PCCCR, BVR trên địa bàn trong mùa khô năm 2017 - 2018, UBND huyện Tam Đảo yêu cầu các ngành, các địa phương cần xây dựng phương án, kế hoạch BVR, PCCCR thật chi tiết, sát với thực tế ở địa phương nhất là những nơi trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao như: Minh Quang, Hồ Sơn, Đạo Trù, Bồ Lý, Đại Đình. Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng, PCCCR, nhất là các chủ rừng; tổ chức ký cam kết với các hộ dân sống ven rừng về đảm bảo công tác PCCCR - BVR.(Đài Phát Thanh Truyền Hình Vĩnh Phúc 4/11)đầu trang(
Sáng 3/11, Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn rừng giữa công ty với 4 phường, xã thuộc TX Hương Trà, Hương Thủy và TP. Huế (từ năm 2014-2017).
Sau 3 năm triển khai, Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong phối hợp với các đơn vị xử lý hàng chục vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, phối hợp với phường An Tây (TP. Huế) xử lý 10 vụ vi phạm lấn chiếm đất rừng; phối hợp với xã Hương Thọ (TX Hương Trà) xử lý 2 vụ trộm rừng thông, 2 vụ khai thác rừng trái phép; phối hợp với xã Thủy Bằng (TX Hương Thủy) xử lý nhiều vụ lấn chiếm đất rừng liên quan đến Đan viện Thiên An…(Báo Thừa Thiên Huế 4/11)đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không phải là người đầu tiên nói đến việc đóng cửa rừng tự nhiên. Đã có ba đời thủ tướng trước đó nói tới việc đóng cửa rừng tự nhiên. Tuy nhiên thực tế cho tới nay, việc đóng cửa rừng tự nhiên vẫn chưa thực hiện được, rừng tiếp tục bị mất.
Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho thấy, hơn năm năm qua, diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng cho các dự án được duyệt chiếm tới 89% tổng diện tích rừng giảm (11% còn lại do hành vi phá rừng trái phép).
Cụ thể, báo cáo của 58 tỉnh thành trong cả nước giai đoạn 2012-2017 cho thấy, các cơ quan Nhà nước đã phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng 38.276ha/1.892 dự án để trồng cao su, sắn, làm thủy điện, sân gofl, dự án du lịch...; trong đó: rừng tự nhiên chiếm 18.931ha, rừng trồng 15.821ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 3.524ha.
Còn tổng số dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng đã được phê duyệt, đang thực hiện và dự án có trong kế hoạch trung hạn đến năm 2020, thống kê đến cuối tháng 9.2017, là 1.071 dự án với tổng diện tích 60.129ha.
Trong đó, rừng đặc dụng, phòng hộ đều nằm trong danh sách chuyển đổi, và rừng tự nhiên bị chuyển đổi chiếm tới 16.866ha. Rà soát cũng cho thấy, trong hơn 60.000ha diện tích đất rừng chuyển đổi này, nhóm dự án quốc phòng, an ninh chiếm khoảng 7.000ha, còn lại là nhóm dự án công trình công cộng, an sinh xã hội; dự án phát triển nông lâm nghiệp; khai thác khoáng sản; đầu tư công nghiệp, du lịch, thương mại, thủy điện.
Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra quy hoạch rừng cho biết, thực tế khi chuyển đổi đất rừng, điều ông lo ngại nhất là chuyển đổi không đúng đối tượng quy định. Như trao địa phương thẩm quyền chuyển đổi rừng và đất rừng sang mục đích khác, phá rừng tự nhiên để trồng cao su, kể cả rừng giàu có diện tích dưới 3ha.
Hay quy định khi chuyển đổi 50ha rừng đặc dụng, phòng hộ, đất xung yếu thì phải được Quốc hội thông qua. Nhưng khi thực hiện, họ không làm vậy mà cắt nhỏ dự án, dưới diện tích quy định để lách luật.
TS. Dựng nhận định, thực tế ở các địa phương, năng lực quản lý rừng và đất rừng của UBND tỉnh cũng rất hạn chế, dù có Sở NNPTNT và kiểm lâm giúp việc. Việc thẩm định, khả năng đánh giá, nhận biết về giá trị đa dạng sinh học, giá trị rừng, chưa đầy đủ, nên khi chuyển đổi đất rừng, các yếu tố đa dạng sinh học, môi trường ít được quan tâm.
Ví dụ khi chuyển đất rừng sang 100ha đất du lịch, địa phương chỉ nghĩ đơn giản đó chỉ là vấn đề độ che phủ của cây cối, chứ chưa nghĩ đến những giá trị khác chưa đo đếm được yếu tố đa dạng sinh học, môi trường, lưu trữ carbon… Trong một nhiệm kỳ, cán bộ địa phương khi muốn tạo ra đột phá, họ nhìn theo hướng đột phá về kinh tế, không ai nghĩ đến mặt bảo tồn.
Báo cáo mới đây của Bộ NNPTNT cũng thừa nhận, việc chuyển đổi đất rừng thời gian qua thiếu chặt chẽ, quản lý lỏng lẻo, để xảy ra sai phạm. Đặc biệt là những sai phạm tại các dự án phát triển kinh tế, xã hội trồng cao su những năm trước vẫn tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm.
Kết luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ mới đây về tăng cường quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm đóng cửa rừng, không khai khác gỗ rừng tự nhiên. Đồng thời cần kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
Cụ thể là dừng việc chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên, rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ, dự án du lịch. Không cải tạo rừng nghèo, rừng nghèo kiệt khi chưa khảo nghiệm khoa học. Không chuyển đổi mục đích sử dụng loại rừng ven biển, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Nhưng, GS-TSKH. Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, lại cho rằng muốn đóng cửa rừng tự nhiên thì phải đưa nó vào luật, do Quốc hội thông qua. Chỉ vậy, quyết định đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng mới có cơ sở thực hiện và hợp pháp. Nếu không, đây chỉ là xử lý tạm thời, tình huống.
Theo GS. Lung, nhu cầu phát triển xã hội vẫn cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, và có điều chỉnh chủ động theo thời gian. Việt Nam có 33 triệu ha lãnh thổ thì có trên 16,4 triệu ha quy hoạch cho lâm nghiệp. Tất nhiên, không “xẻ thịt” rừng phòng hộ, đặc dụng để làm dự án như thời gian qua và hiện nay.
Tốt nhất lấy đất chưa sử dụng, đất trống đồi trọc, sau đó mới đến đất rừng trồng sản xuất kém hiệu quả để phát triển (nhà máy, sân golf, nghĩa trang...). Trong phân loại hiện nay, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất đều có rừng tự nhiên và rừng trồng.
Theo GS. Lung, chỉ nên chuyển đổi đất rừng sản xuất là loại rừng trồng. Việc chuyển đổi rừng tự nhiên trong loại rừng sản xuất cần hết sức thận trọng, vì mất rừng tự nhiên rồi thì không có lại được. Chỉ nên chuyển đổi loại đất rừng tự nhiên này ở khu vực bằng phẳng, nhưng phải đánh giá tác động môi trường để có giải pháp giảm thiểu đến tác động môi trường, xã hội.
Theo thống kê của Bộ NNPTNT đến cuối tháng 12.2016, cả nước có khoảng 1 triệu ha đất ngoài quy hoạch ba loại rừng; và có khoảng 6,6 triệu ha rừng sản xuất, trong đó rừng tự nhiên chiếm gần 4 triệu ha. GS. Lung cho rằng, nếu thực hiện được việc đóng cửa rừng tự nhiên nghèo (không khai thác gỗ), thì 30 - 40 năm sau, nó sẽ thành rừng tự nhiên trung bình. Đồng thời, cần dừng hẳn việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang đất khác.
Cũng không thể dựa vào lý do là rừng tự nhiên nghèo mà chuyển đổi sang loại đất khác (như thảm họa trồng cao su 10 năm trước). Theo GS. Lung, hiện tại rừng nghèo chiếm gần 70%, nếu chuyển đổi thì Việt Nam hết rừng. Rừng nghèo, một số ít là do lập địa, còn đa số là do con người quản lý không tốt, khai thác quá mức nên rừng ngày càng nghèo đi. Vì vậy, lấy lý do rừng nghèo nên chuyển đổi sang mục đích khác là bao biện.
GS. Lung lý giải, rừng tự nhiên nghèo không cho được bao nhiêu gỗ nhưng có tác dụng gần như là rừng tự nhiên giàu về mặt môi trường. Còn rừng trồng cũng có tính phòng hộ nhưng chỉ được 40-50% của rừng tự nhiên.
Trong khi đó, thế giới sợ nhất là mưa nhiệt đới, chỉ tập trung 3-4 tháng, lượng mưa rất lớn, có nơi ở Việt Nam đến 3.000 - 4.000mm, nên nguy cơ lũ lụt, xói mòn, rửa trôi đất rất lớn. Tính toán của các nhà khoa học lâm nghiệp, rừng nhiệt đới tự nhiên, dù là rừng nghèo, giúp nước mưa không chảy trên mặt, mà 60-70% lượng mưa ngấm xuống đất làm thành dòng chảy ngầm.
Nhờ vậy mà không có lũ quét, lũ ống, xói lở đất. Khi hạn hán, dòng chảy ngầm tiết nước ra làm cho sông, suối, hồ không bị khô cạn...
Cũng cho rằng cần lộ trình tiến dần đến dừng hẳn việc chuyển đổi đất rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang các loại đất khác, và đóng cửa rừng, TS. Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra quy hoạch rừng nhấn mạnh: cần quy định chặt chẽ hơn nữa về các đối tượng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
Ví dụ thay vì chỉ dựa vào quy định diện tích, cần thêm các giá trị khác như loài đặc hữu quý hiếm, giá trị đa dạng sinh học, giá trị về tâm linh, cộng đồng... khi xét phải xét chuyển đổi đất rừng. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực đội ngũ quản lý, lâm nghiệp các cấp.
Còn theo TS. Lê Hoàng Lan, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, ngay cả khi phải chuyển đổi đất rừng trong những trường hợp bất khả kháng, thì khi đánh giá tác động môi trường dự án, việc quy định dự án mất đất rừng phải trồng bù rừng là chưa đủ.
Vì vậy, Luật Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi sắp tới cần quy định rõ: phải hoàn trả rừng và bồi hoàn đa dạng sinh học, thay vì chỉ phải trồng bù rừng với những dự án làm mất đất rừng (sau khi chuyển đổi) như hiện nay.
TS. Lan giải thích, việc trồng bù rừng hiện nay chỉ quy định trồng lại diện tích ít nhất bằng diện tích rừng bị mất đi, nhưng lại không quy định về chất lượng rừng. Vì vậy mới xảy ra chuyện phá rừng tự nhiên rồi trồng lại rừng keo, rừng cao su...
Tính về độ che phủ rừng, khả năng hấp thụ carbon thì có thể đảm bảo, nhưng xét về tính đa dang sinh học và các dịch vụ sinh thái khác, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ như hình thành đất và dịch vụ điều tiết như điều tiết lũ lụt, hạn hán, chống xói mòn đất... thì không thể đảm bảo như rừng tự nhiên.(Người Đô Thị 5/11)đầu trang(
Ngày 3/11, Hội thảo 'Giải pháp bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững rừng tự nhiên trong bối cảnh đóng cửa rừng tại Việt Nam' đã diễn ra tại Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Hiện nay, trên cả nước có 14, 38 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,24 triệu ha, chiếm 71,2%. Tuy nhiên, rừng tự nhiên đang bị suy giảm nghiêm trọng về cả diện tích và chất lượng, với hơn 75% rừng tự nhiên là rừng nghèo kiệt. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,19%
Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng được quan tâm với nhiều giải pháp quyết liệt. Các địa phương đang đẩy mạnh công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường rừng. Bên cạnh đó, triển khai quy hoạch 2,14 triệu ha rừng đặc dụng, 164 khu bảo tồn thiên nhiên, 30 vườn quốc gia và 4,54 triệu ha rừng phòng hộ…
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng rừng tự nhiên bị suy giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, việc đóng cửa rừng tự nhiên là giải pháp tình thế chứ không phải là biện pháp lâu dài.Các chuyên gia đều đưa ra khuyến cáo địa phương cần quan tâm giải quyết các vấn đề như: xây dựng các chính sách phục vụ cho mục tiêu quản lý rừng bền vững; đánh giá hiện trạng khai thác…
Đặc biệt đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên cần sử dụng và tái tạo rừng Tây Nguyên; giải quyết xung đột giữa chủ thể vùng Tây Nguyên; xu thế phát triển mô hình lâm nghiệp cộng đồng nâng cao vai trò chủ thể tiềm năng…
Thông qua Hội thảo, những ý kiến đóng góp của các chuyên gia sẽ góp phần giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách rà soát và hoàn thiện chính sách về quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới.(Môi Trường & Cuộc Sống 4/11)đầu trang(
Trong những năm gần đây, Đảng bộ và nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về công tác bảo vệ, phát triển rừng khu vực Tây Nguyên. Thế nhưng, tình trạng xâm hại rừng trái phép vẫn tái diễn, khiến tài nguyên rừng ngày càng suy giảm trầm trọng, hiện chỉ còn rất ít, chủ yếu còn ở những khu rừng phòng hộ, khu bảo tồn. Mới đây, Đại biểu Quốc hội tại một số tỉnh Tây Nguyên có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn trong khôi phục rừng vùng Tây Nguyên.
Về kiến nghị trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trước thực trạng công tác quản lý, bảo vệ, khai thác rừng trong thời gian vừa qua còn nhiều bất cập, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2021 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các biện pháp nhằm tăng cường quản lý rừng tự nhiên; Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Theo số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2015, toàn vùng Tây nguyên phát hiện xử lý 6.034 vụ vi phạm lâm luật với tổng diện tích rừng bị phá trái phép là 550,8ha. Năm 2016, tổng số vụ vi phạm lâm luật bị phát hiện và xử lý là 3.875 vụ, trên tổng diện tích rừng bị xâm hại là 329,63 ha.
Thực tế cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng Tây nguyên những năm gần đây có phần chặc chẻ hơn, tình trạng vi phạm lâm luật có xu hướng giảm về số vụ cũng như về diện tích rừng bị tàn phá. Tuy nhiên, xét về tổng thể, rừng Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị “chảy máu”.
Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan và các địa phương có liên quan tăng cường tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện chủ trương quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị của Ban Bí thư; tiếp tục kiểm kê, đánh giá thực trạng các loại rừng, nhất là ở khu vực Tây Nguyên; rà soát quy hoạch bảo vệ, khai thác, phát triển rừng; tổng rà soát các dự án đã, đang triển khai và các dự án dự kiến sử dụng đất rừng, nhất là sử dụng rừng tự nhiên trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, kiểm tra, đánh giá cụ thể các tác động nhiều mặt của các dự án, trong đó ngoài vấn đề hiệu quả của dự án còn có vấn đề xã hội và môi trường.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo xử lý một cách đồng bộ, tổng thể, trong đó có các dự án trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mà các đại biểu quan tâm.
Quan điểm của Chính phủ là phải triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư, đồng thời bảo đảm sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Cụ thể hóa sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng kế hoạch hành động xác thực, đạt hiệu quả bước đầu. Đối với tỉnh Đắk Lắk, mới đây, ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xây dựng chương trình hành động, trong đó xác định: Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trước mắt, đồng thời cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.
Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã đề ra mục tiêu, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 39,2% năm 2015 lên 40,2% năm 2020 và phấn đấu đạt 42,1% trong năm 2025.
Đối với tỉnh Gia Lai, trước đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 5113/KH-UBND, ngày 04/11/2016, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Gia Lai đưa ra quyết tâm quản lý tốt 623.280ha rừng tự nhiên hiện có. Trong kế hoạch giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ tổ chức khoanh nuôi tái sinh 1.300ha; đồng thời giao khoán quản lý 127.984ha; cải tạo 1.121ha rừng nghèo kiệt và làm giàu rừng khoảng 1.316ha.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, khó khăn chung trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các tỉnh ở Tây Nguyên đó là đội ngủ con người bảo vệ rừng vẫn còn mỏng, kinh phí bảo đảm công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng quá hạn hẹp, trong khi đó trang thiết bị, phương tiện phòng, chống cháy rừng của các chủ rừng lâu nay vẫn còn thiếu thốn.
Theo một số chủ rừng chia sẻ, để thực hiện tốt công tác bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng được bền vững thì bên cạnh các biện pháp tăng cường thực thi pháp luật về bảo về rừng hiện có, cần có cơ chế chính sách rõ ràng cho người dân, người chủ rừng có thể sống và làm giàu từ nghề rừng.
Được biết, Mục tiêu trong Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020 đã đề ra: Bảo vệ, duy trì 2.253.804ha rừng tự nhiên; trồng mới 58.350ha; khoan nuôi tái sinh 73.345ha; xử lý dứt điểm 282.896ha rừng đang bị tranh chấp, lấm chiếm; mỗi năm giảm từ 15-20% số vụ vi phạm lâm luật và giảm 50% diện tích rừng bị phá.
Đến năm 2020, cơ bản không còn xảy ra phá rừng; trồng mới 28 triệu cây phân tán. Phấn đấu đến năm 2020, toàn vùng Tây Nguyên đạt được 2,71 triệu ha rừng, độ che phủ đạt 59%. Tổng kinh phí thực hiện Đề án lên đến 8.927 tỷ đồng.
Tại Hội nghị trực tuyến về “tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp trong thời gian tới” vừa qua. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục không khai thác gỗ rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ các dự án có sử dụng diện tích đất rừng.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại các dự án có liên quan đến chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn quốc, đề xuất phương án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết một cách tổng thể.
Nhìn lại Đề án đề ra đến năm 2020 đạt được độ che phủ 59%, độ che phủ rừng có xu hướng tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức đa dạng sinh học thấp, trong khi rừng tự nhiên với mức đa dạng sinh học cao nhưng tỷ lệ bảo tồn còn rất thấp.
Chính vì thế, vấn đề bảo vệ, duy trì phần diện tích 2.253.804ha rừng tự nhiên hiện có nhằm gìn giữ được độ che phủ với mức đa dạng sinh học dồi dào mới là bài toán khó trong Đề án.(Tài Nguyên & Môi Trường 5/11)đầu trang(
Ngày 1/11, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 511/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới”.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương: Quán triệt, phổ biến, giải thích để các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; hành động nhất quán của các cấp, các ngành; đồng thời quan tâm tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của chủ rừng khi thực hiện dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khoán bảo vệ rừng, hoạt động công ích theo quy định của Nhà nước.
Thực hiện nghiêm việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13’CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quy định tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo rà soát nghiêm túc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các dự án cần phải chuyển mục đích sử dụng rừng cho mục đích quốc phòng, an ninh, các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội cần thiết, tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện, không để xảy ra vi phạm như tại một số địa phương trong thời gian qua.
Thực hiện nghiêm việc chấm dứt khai thác chính và khai thác gỗ gia dụng rừng tự nhiên, khai thác tận thu, tận dụng; kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết khai thác tận dụng đối với các dự án được phép chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định tại Nghị quyết số 71/NQ-CP, không để thất thoát, lãng phí tài nguyên rừng, nhưng cũng không để lợi dụng khai thác ngoài khu vực cho phép, ngăn ngừa triệt để lợi ích cục bộ.
Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ; kiểm tra, rà soát và thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến để quản lý nguyên liệu hợp pháp. Các địa phương tiếp tục rà soát các cơ sở chế biến gỗ theo đúng quy hoạch, đình chỉ ngay những cơ sở vi phạm pháp luật, thành lập không đúng quy định của Nhà nước. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, xóa bỏ những tụ điểm kinh doanh, buôn bán gỗ, lâm sản trái pháp luật.
Tổ chức rà soát, đình chỉ, thu hồi các dự án vi phạm pháp luật. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật hoặc lợi dụng chủ trương cải tạo rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng để trục lợi; đồng thời xử lý trách nhiệm bồi thường giá trị tài nguyên rừng. Kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, khi thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua.
Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát. Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát.
Đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã đang quản lý phải khẩn trương rà soát để tổ chức giao, cho thuê cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng theo quy định của pháp luật, cơ bản hoàn thành vào năm 2020.(Môi Trường & Cuộc Sống 3/11)đầu trang(
Nhà ông Ðinh Xuân Niệm ở bản Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) nằm ở cuối bản, cuối đường. Sau cơn bão số 10 kéo dài hơn nửa ngày, bản Hà hiện vẫn bề bộn như một vùng chiến địa. Khách và chủ vừa gặp nhau đã kéo lên rừng. Giữa xào xạc rừng cây bản địa, ông kể về hành trình 20 năm trồng rừng kiểu "chẳng giống ai" ở chốn thâm sơn này.
Ở tuổi gần 80, ông Ðinh Xuân Niệm vẫn tráng kiện, dẻo dai và vui tính. Ðiều lạ là trên đường vào bản Hà, nhiều cây keo lai của khu rừng trồng gãy đổ ngổn ngang, nhiều ngôi nhà vừa mới lợp lại mái do gió bão phá hỏng nhưng ngôi nhà gỗ ba gian của ông Niệm không hề hấn gì, rừng cây vươn cao, tỏa bóng như chưa hề có trận cuồng phong vừa qua. Ông Niệm bảo: "Nhờ rừng cả đó chú, mưa gió nhiều đến mấy cũng không can chi. Rừng ngậm nước rồi nhả ra từ từ, gió cũng đã có rừng che chắn, rứa mới yên bình trong bão lũ chớ".
Thời trai trẻ, ông Niệm tham gia chiến đấu giải phóng Quảng Trị rồi bị thương và được đưa về tuyến sau. Sau giải phóng, ông rời quân ngũ về quê. Trong cuộc mưu sinh, ông và bạn bè cùng trang lứa vác rìu lên rừng đẵn gỗ về bán lấy tiền mua gạo.
Cuộc đời gắn với rừng không làm cho gia đình ông và người dân ở xã vùng cao Thanh Hóa khá lên là mấy. Trước, rừng ở gần nhà, rồi đi một buổi và sau này là hai ngày mới đẵn được khúc gỗ lén lút kéo về để có nguồn sống. Ông Niệm hiểu ra, kiểu này thì không còn rừng mà khai thác.
Trong các chuyến đi rừng ấy, ông thấy có rất nhiều cây lim, dó, vàng tâm… nhỏ sống chen chúc dưới gốc cây già bị đốn tự khi nào. Ðêm trằn trọc ông nghĩ sao mình không mang các cây nhỏ đó về trồng ở mé đồi sau nhà. Ðầu năm 1997, ông Niệm từ bỏ công việc khai thác gỗ và nhận gần 5 ha đất gần Lèn Hà, nơi từng là hang làm việc của bộ đội thông tin Trường Sơn trong những năm chống Mỹ, cứu nước, để trồng rừng.
Ông cũng dời nhà ở trung tâm xã vào bản Hà để thuận cho việc trồng rừng. Nói là làm trang trại nhưng ông Niệm chỉ có sức người, vốn liếng và kinh nghiệm trồng trọt đều thiếu. Chưa kể, với cách làm không giống ai là không trồng keo, tràm mà trồng các loại cây gỗ rừng bản địa, trong đó có nhiều loài gỗ quý như sưa, lim, vàng tâm, huỵnh, trầm dó ít ai tin ông Niệm sẽ thành công. Có ngày chưa phát quang được miếng đất nào, vợ chồng ông đã tiền hết, gạo vơi. Có ngày, phải trộn cả rau má vào nấu cháo để có sức phát rừng…
Ngày đó, chưa có ai ươm được giống cây rừng bản địa nên khai hoang được miếng đất nào, ông Niệm lại luồn rừng tìm các loại cây con thân gỗ đưa về trồng; giữa các rãnh, vợ ông trồng thêm các loại cây ngắn ngày như sắn, khoai môn, đậu để có cái ăn trước mắt. Ngày lại ngày, ông Niệm dành hết sức lực cho khu rừng của mình.
Nắng như đổ lửa, ông xuống suối oằn lưng gánh từng thùng nước để tưới cây, mưa ông chống buộc để cây nhỏ bớt gãy đổ. Thế nhưng ông chưa bao giờ nản lòng. Nhìn cây đâm chồi nảy lộc, ông như được tiếp thêm động lực biến đồi hoang do bom đạn thành rừng cây quý chở che cho bản Hà.
Hỏi ông sao không trồng rừng keo, tràm để nhanh thu hoạch như nhiều người thường làm mà trồng gỗ lim, huỵnh vài chục năm mới thu hoạch được, ông trả lời không một phút đắn đo: "Tui nghĩ rồi, nếu trồng keo, tràm thì chỉ 4 đến 5 năm chặt bán được nhưng như vậy đất lại dễ bị rửa trôi, bạc màu và cây hay gãy đổ khi có mưa bão. Trồng cây bản địa thì lâu thu hoạch nhưng tui muốn bảo tồn một số loài cây gỗ quý của rừng mà mình đã từng khai thác trái phép, giữ lại một mảng thiên nhiên thật hoang sơ như nó vốn có cho con cháu sau này".
Thế nguồn thu để nuôi sống rừng trồng cây bản địa? - tôi hỏi. "Ở rừng, việc này không khó, chỉ có điều chưa giàu thôi. Dưới cây rừng trồng cây ngắn ngày, nuôi gia súc, gia cầm thì cũng phục vụ đủ cuộc sống gia đình mình mà"- ông Niệm chia sẻ.
Dưới tán rừng lim, nắng thu xiên nhẹ qua kẽ lá. Tiếng chim gù từ đâu vọng tới như phá vỡ không gian tĩnh lặng nơi chốn thâm sơn. Ông Ðinh Xuân Niệm xỏ đôi ủng, cầm rựa thoăn thoắt dẫn chúng tôi thăm rừng. Ngược lên mé đồi phía sau nhà một lúc thì chúng tôi lọt hẳn vào khu rừng rậm rạp cây cối. Các loại dây leo như giăng mắc.
Vừa trò chuyện, ông Niệm vừa dùng rựa sẻ đường cho chúng tôi đi. "Bên cụm có gần chục cây thẳng, thân có nhiều lỗ đục đó là cây dó đang thời kỳ lấy trầm. Vạt rừng phía trước và bên phải là cây lim. Còn đi ngoặt sang bên trái là rừng cây vàng tâm"- ông Niệm giới thiệu. Chúng tôi cảm giác như đi vào một vùng rừng tự nhiên nào đó với hàng trăm cây rừng thẳng tắp cao hàng chục mét, xanh ngút ngát tầm mắt.
Thi thoảng, có vài cây đường kính khoảng 30 cm đổ rạp mà theo ông Niệm đó là do gió bão số 10 quật gãy. "Tui ở đây đã lâu nhưng chưa khi mô thấy bão lớn và lâu như rứa. Gió quất vào dãy núi đá rồi quật trở lại, đến cây lim, sến còn gãy, nói chi các loại cây khác. Rừng của tui bị gãy ít thôi"- người chủ rừng cao niên giải thích.
Phát quang cây dại, ông đưa chúng tôi đến bên gốc cây lim lớn. Cây này là một trong nhóm những cây đầu tiên ông đưa về, nay gần 30 tuổi. Cây cao khoảng 30 m, gốc lớn bằng vòng tay ôm của người lớn, có thể khai thác được.
Ông Niệm cho biết, vừa rồi có người đến trả mua cây gỗ gần 100 triệu đồng nhưng ông không bán, để cho cây già thêm, giá trị càng cao. Quay trở lại vạt rừng dó, ông Niệm dừng lại đến bên một cây lớn, thân cây bị đục lỗ chỗ tựa như vết thương vừa lành da. Ông nói, đó là ông đục để tạo trầm cho cây. Khi lái trầm vô, họ đánh giá cây và trả tiền mua luôn cây đó.
Cách đây mấy năm, ông bán lô cây dó đầu tiên thu được hơn 600 triệu đồng. Bây giờ, giá trầm đang xuống, ông chưa có ý định bán cây dó trầm. Bất chợt, trong lùm cây phía trước phát ra tiếng "quác" và một chú gà rừng phóng ra rồi mất hút sau mấy cây đùng đình. "Gà rừng gần đây về nhiều lắm, lại còn có sóc về ăn quả đùng đình nữa"- ông Niệm chia sẻ.
Khu rừng rộng hơn 5 ha của ông Niệm hiện có hơn 2.000 cây lim, 500 cây sưa, 500 cây vàng tâm và 5.000 cây trầm dó cùng nhiều cây gỗ bản địa quý hiếm khác. Riêng gỗ lim, hiện ông Niệm là người duy nhất ở Quảng Bình sở hữu một rừng lim lớn đến vậy.
Những cây lim được ông Niệm lượm nhặt từ rừng đem về trồng, chăm chút hàng chục năm nay bây giờ đã cao hàng chục mét, đường kính 50 cm. Nhiều cây trong số đó nếu khai thác đã có thể cho hơn 5 m3 gỗ/cây. Ba năm nay, gia đình ông đã có thêm nguồn thu từ việc thu sản phẩm phụ của khu rừng và những loài cây ăn quả trong vườn. Trong đó, nấm lim- sản phẩm dược liệu quý hiếm, mang lại hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Gần hai giờ đồng hồ luồn rừng và nghe người chủ rừng đôn hậu Ðinh Xuân Niệm kể những câu chuyện ân tình, ân nghĩa với rừng, chúng tôi càng hiểu thêm về ý nghĩa của nghề trồng rừng.
Vâng, rừng không bao giờ phụ công người. Trở về ngôi nhà nhỏ ấm cúng của vợ chồng người cựu chiến binh Ðinh Xuân Niệm, chúng tôi được biết thêm, ông bà có năm người con đều đã có cuộc sống riêng ổn định.
Ở vào tuổi gần 80, có trong tay khu rừng trị giá cả chục tỷ đồng song vợ chồng ông vẫn chân chất và yêu rừng đến đam mê. Ông cho biết, không ngày nào ông không vào rừng, vào để được ngửi hương vị và nghe tiếng muông thú của rừng, như là cách dưỡng già vậy. Ông nói, vợ chồng ông sẽ tiếp tục trồng cây và khi không còn sức đi rừng nữa thì trao lại cho con cháu, nhưng người nhận sẽ phải tuân theo quy định về cách khai thác, trồng xen thế nào để rừng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, môi sinh cho cộng đồng.
Không chỉ là điển hình trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng của tỉnh Quảng Bình mà hiện nay, câu chuyện trồng rừng của ông Niệm đang là vấn đề thời sự khi địa phương này vừa bị thiệt hại nặng nề sau bão số 10.
Trong khi hàng chục nghìn héc-ta rừng trồng bằng các giống keo, tràm đều bị gãy đổ thì rừng được trồng bằng giống cây bản địa như của ông Niệm và một số hộ khác đều đứng vững, thiệt hại không đáng kể. Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa Hoàng Minh Ðề chia sẻ, qua mô hình trồng rừng của ông Ðinh Xuân Niệm và một số cá nhân khác trên địa bàn, một lần nữa khẳng định chọn trồng rừng bằng các giống cây rừng bản địa là một hướng đi đúng, thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Tới đây, huyện Tuyên Hóa sẽ có điều chỉnh trong chính sách trồng rừng, khuyến khích người dân chọn những giống cây rừng bản địa để trồng rừng phát triển kinh tế, tránh được rủi ro, thiệt hại do bão gây ra. Dưới góc nhìn của người trong cuộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Phan Văn Khoa cho rằng, rừng trồng nguyên liệu tuy mang lại hiệu quả do thời gian thu hoạch ngắn nhưng gặp nhiều rủi ro, thiệt hại khi gặp bão lớn.
Trong khi trồng rừng gỗ lớn bằng các loại cây bản địa tuy thời gian dài nhưng hiệu quả kinh tế gấp hàng chục lần, ít bị thiệt hại do gió bão. Chưa kể, trồng rừng kiểu này, việc khai thác có chọn lọc sẽ giúp giữ được nguồn nước, ngăn xói mòn vào mùa mưa, góp phần giữ gìn môi trường sống và cảnh quan.(Nhân Dân 5/11)đầu trang(
Từ một lệnh đóng cửa rừng, hơn 2.086 ha rừng dẻ đã cho quả ngọt để dân của 10 xã ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hưởng lợi
Ba mươi năm trước, những cánh rừng sót lại dưới bóng dãy Hoành Sơn ở tỉnh Quảng Bình là nguồn củi cho hàng chục vạn dân. Cái đói vồ từng thân mạng, cái nghèo dồn từng xóm làng, ai cũng lên núi hái củi về bán, thành ra rừng cứ thế mà trọc. Giữa dòng thác chặt phá rừng ấy nổi lên một tư duy xanh lẻ loi của xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch khi lãnh đạo xã này quyết giữ bằng được chỏm rừng còn lại của quê hương họ - khu rừng dẻ tái sinh.
Ông Biền Ngân, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lưu, hồi tưởng: "Thời đó, tôi làm chủ tịch xã, dân nghèo xơ xác, cán bộ cũng nghèo xơ xác. Người người vào rừng kiếm ăn, kẻ lượm củi bán, kẻ chặt dẻ về đun. Chẳng mấy chốc, rừng hẹp dần. Lo hơn nữa là dân 10 xã láng giềng cũng ào lên tấn công rừng dẻ. Ai nhìn cũng xót".
Trắng đêm nghĩ lời dặn của những ông cha làm sao phục sinh được rừng dẻ để xóm làng không bị bão vùi, lũ dập vào mùa mưa, không hạn hán lúc nắng cháy vào mùa nắng, ông Biền Ngân bàn với cán bộ trong lãnh đạo xã quyết tâm đóng cửa rừng, đóng kiên quyết chứ để dân tự vào chặt phá thì rồi không chỉ Quảng Lưu mất làng mà 10 xã xung quanh cũng không còn manh giáp chống chọi thiên tai. Vui là vì ông nhận được sự đồng thuận rất cao của tập thể.
"Nhưng đóng cửa rừng đột ngột cũng sốc cho bà con. Nhưng không làm thế thì chắc chắn không giữ được rừng. Phải làm ngay, làm gấp.
Ban đầu, tôi tuyển những người suy nghĩ như tôi, cần bảo vệ những chỏm rừng còn lại để tái sinh dẻ. Công cán là vài ba tạ thóc khi tới mùa. Đội giữ rừng lúc đó 12 người. Bữa ăn khoai sắn độn cơm, bữa ăn cháo cầm hơi nhưng đầy nhiệt huyết bảo vệ rừng. Rừng lên là làng còn, rừng xanh là cả 10 xã chung vui" - ông Ngân kể.
Lúc Quảng Lưu mới đóng cửa rừng, người dân ta thán nói xã cấm rừng để biển thủ tài nguyên rừng, chỉ mình cán bộ hưởng lợi, không cho dân hưởng. "Dân lúc đó nặng lời cũng phải, vì cả xã có mấy ngàn hecta rừng thì phải giữ hết để tái sinh. Đất lúa và hoa màu chỉ hơn 500 ha mà phải nuôi 7.000 miệng ăn thì đói nên ai cũng kêu. Nhưng xã vẫn quyết đưa việc giữ rừng vào nghị quyết Đảng bộ. Quyết tâm từng tuần, từng tháng, rồi dân cũng ngày càng ít chửi bới dần vì họ thấy cán bộ xã không biển thủ rừng sau 5 năm đầu tiên kiên trì cấm cửa" - ông Ngân bộc bạch.
May rừng dẻ tái sinh tốt. Năm năm đầu tiên từ khi đóng cửa, dẻ lên ngang đầu người, 5 năm tiếp dẻ cho hạt trên hơn 2.000 ha. Lúc đó, xã cho dân vào rừng với điều kiện không được cầm dao rựa, chỉ được thu hoạch hạt dẻ, địa phương không thu bất cứ khoản phí nào.
Ông Cao Ngọc Lâm, một người dân sống cạnh rừng dẻ, kể: "Cả mấy năm xã cấm rừng, dân bức, đùng cái cho vô rừng lượm hạt mà không cho đưa dao rựa đi là khó chịu lắm nên chỉ bọn con nít đi thôi. Chúng lượm từng mũ dẻ về rang ăn thấy ngon, thế là các bà, các cô vào lượm về bán".
"Nhưng thành công nhất của 10 năm đầu tái sinh rừng dẻ là Quảng Lưu không còn hạn hán, lũ lụt không bị nước cuốn mạnh, mấy cái hồ chứa đầy ắp trong mùa nắng khiến người dân nức lòng chung tay giữ rừng. Ai cũng nghĩ rừng có công lao chống hạn hán, điều tiết mưa lũ nhưng lâu nay chỉ nghe đồn chứ chưa tận mắt thấy. Nay hưởng lợi thì càng ra sức bảo vệ" - ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu) cho biết.
Đội giữ rừng dẻ xã Quảng Lưu đã trải qua 3 thế hệ. Lớp đầu tiên nay còn ông Nguyễn Văn Hợp là người ở thôn Vân Tiền lên núi Chóp Chài từ những năm 80 của thế kỷ trước theo giao ước với ông Biền Ngân: "Lãnh đạo dặn nếu không bảo vệ rừng dẻ thì đời con cháu phải di cư nơi khác kiếm đất làm ruộng. Ở lại chịu cực khổ, đói khát bước đầu nhưng sẽ có kết quả mùa màng tốt tươi thì hũ gạo sẽ không vơi. Tôi nghe vậy mà tin rồi lội bộ 20 cây số đường rừng lên dựng lều trại, trồng sắn, trỉa bắp tăng gia thêm. Lúc đó xã trả bằng thóc, có năm trả đủ, có năm không nhưng cứ tin giữ được rừng thì dân trong xã khá hơn nên tôi ở giữa rừng để tránh người các xã khác vào chặt phá" - ông Hợp kể.
Đội giữ rừng có 12 người, phải luân phiên đi tuần tra 7 ngày/tuần. "Sáng sớm giao việc đồng áng cho vợ con, bọn tôi đi giữ rừng. Ranh giới đi là giáp ranh với 10 xã, đi cả tuần như vậy. Tai mắt cho chúng tôi là bọn trẻ chăn trâu.
Hễ nơi nào có người vào chặt phá là phải chạy bộ thật nhanh để giữ rừng" - anh Phan Đình Hộ, thành viên đội giữ rừng, kể. Đội trưởng Phan Văn Tuấn nói: "Có thời gian trồng cây keo có thu hoạch cao, người các xã gần đó đổ về rừng dẻ phát đốt. Chúng tôi phải đuổi, nhiều bữa bị vây khốn đốn, bị dọa giết là chuyện thường".
Ông Hợp cũng kể: "Năm 2004, có nhóm người vào chặt rừng dẻ trồng keo. Chúng tôi chốt chặn thì bị đánh đập. Cuối cùng phải làm đơn kiện, cơ quan chức năng vào cuộc bắt 3 người, án treo mỗi người 18 tháng".
Rừng dẻ Quảng Lưu đã thật sự thành vàng vì đã cho dân tiền tỉ.Ông Nguyễn Văn Tư, một người dân ở xã Quảng Lưu, kể: "Mỗi mùa, mỗi người đi lượm được chừng 3 tạ hạt dẻ. Thương lái đến mua được cả chục triệu đồng, đó là vàng từ rừng mà ra. Bao nhiêu năm qua, hàng chục tỉ đồng được rừng dẻ cho dân, con em được học hành cũng từ đó, chi phí đau ốm bệnh tật cũng nhờ hạt dẻ. Xã cho giữ rừng thật đúng mục đích thương dân".
Còn anh Phan Văn Nam, người được xã Quảng Lưu giao quản lý 24 ha rừng dẻ, nói: "Mỗi mùa thu vài tạ hạt dẻ, bán cũng thu tiền triệu. Tôi còn nuôi mật ong, làm ruộng ở đất trống. Dưới chân núi thì dựng nhà kiên cố ở luôn nên rừng thành vàng với gia đình tôi là vậy".
Ông Biền Ngân bấm đốt ngón tay rồi báo: "Sản lượng hạt dẻ mà người dân trong xã thu được mỗi năm là hơn 150-200 tấn. Với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, toàn xã thu hơn 6 tỉ đồng. Đó là mới riêng người dân xã Quảng Lưu, còn dân của 10 xã khác cũng vào thu hoạch nữa, con số tăng lên rất nhiều. Tiền tỉ là ở đó, vàng của rừng là từ dẻ".
Nhưng còn một thứ vàng rất quý khác ở Quảng Lưu và dân 10 xã lân cận, như các bô lão ở đây nói với chúng tôi, chính là hơn 2.000 ha rừng dẻ đã giúp hàng vạn dân vùng này chống được biến đổi khí hậu, tạo hành lang xanh phát triển kinh tế và an cư. Ông Hợp tấm tắc: "Mùa hè, xung quanh đây không còn cạn kiệt nguồn nước, mùa mưa lũ không vùi dập khủng khiếp như khi rừng chưa hồi sinh. Bên trong rừng thì động vật, chim chóc trở về càng thêm vui".
Ông Châu Đình Pha, ngụ xã Quảng Châu (cũng gần rừng dẻ), cho biết: "Rừng dẻ Quảng Lưu giúp các xã lân cận rất nhiều việc, làm cho người dân sống tốt hơn với môi trường, tôn trọng màu xanh của rừng. Rừng được sống thì làng xóm bền chặt, ruộng vườn trù mật, con người sung mãn, rừng xanh thì cho cái quý hơn vàng là bảo vệ dân trước lũ ống, lũ quét".(Người Lao Động 4/11)đầu trang(
Trước những tác động tiêu cực của thiên tai cùng hiện tượng xâm nhập mặn tại vùng Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, cánh rừng bần chua hàng chục ha được hình thành, góp phần bảo vệ vững chắc các công trình thủy lợi, hạn chế xâm nhập mặn trước tác động của sóng và triều cường.
Vùng Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong là vùng đảo nhỏ, được bao bọc bởi 2 nhánh sông Hiếu và sông Thạch Hãn. Hơn một thập kỷ trước, vùng đất này tồn tại những bãi sình lầy ngập mặn, sự khắc nghiệt của thiên tai, triều cường và xâm nhập mặn.
Cứ sau những lần mưa lớn, nước từ 2 nhánh sông này đổ về kết hợp với triều cường, sóng biển dâng cao khiến xóm làng ngập trong nước. Tình trạng nhiễm mặn xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của người dân. Sau mỗi lần lũ lụt, chính quyền phải huy động nhân công để đắp đê làm đường, ngăn mặn.
Trước thực trạng trên, vào năm 2009, được sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cấp và bảo vệ đê điều của Trung ương với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng, rừng ngập mặn bằng cây bần chua được trồng dọc theo tuyến đê sông của xã đã tạo thành “bức tường” chắn sóng, ngăn mặn.
Từ khi rừng ngập mặn được hình thành, tuyến đê biển dài hơn 5 km được bao bọc bởi hơn 40 ha rừng bần. Rừng bần trở thành vành đai bảo vệ vững chắc trước mọi nguy cơ vỡ đê, hạn chế xâm nhập mặn trước tác động của sóng và triều cường. Bên cạnh đó, góp phần bảo vệ công trình thủy lợi, ruộng đồng, cải thiện môi trường sinh thái, tăng tính đa dạng sinh học.
Ông Nguyễn Văn Thành, người dân thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước, cho biết: Trước đây, về mùa mưa bão rất sợ đê điều hư hỏng, thậm chí vỡ đê. Nhưng từ khi có rừng cây này đã phát huy lợi ích, đê điều được bảo đảm, đỡ xói mòn, chống vỡ đê. Ngoài ra, rừng cây còn phát huy tác dụng trong việc ngăn sóng, ngăn mặn.
Với nhiều dự án trồng rừng được triển khai, cho đến nay diện tích rừng ngập mặn đã thực sự phát huy hiệu quả tại một số địa phương ven biển trong việc chắn sóng, ngăn mặn, bảo vệ hệ thống đê điều và môi trường sinh thái được cải thiện.
Phát triển thêm diện tích rừng ngập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thời gian gần đây, dự án Phục hồi và Phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn liền với sinh kế bền vững tại khu vực hạ lưu sông Bến Hải và sông Thạch Hãn nhằm ứng phó với BĐKH (thực hiện 2015-2020) và dự án Xây dựng mô hình rừng ngập mặn tỉnh Quảng Trị được triển khai thực hiện tại xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (thực hiện tháng 3/2017) với tổng quy mô các dự án lên đến gần 65 ha, do Chi cục biển, hải đảo và Khí tượng thủy văn Quảng Trị làm chủ đầu tư.
Việc trồng thành công diện tích rừng ngập mặn nếu đảm bảo tỷ lệ sống của rừng trên 85% sẽ tạo vành đai rừng ngập mặn bảo vệ đê sông, ổn định bãi, giảm thiểu thiên tai, sạt lở, xâm nhập mặn, tạo hệ sinh thái tự nhiên cho cộng đồng dân cư tại địa phương.
Ông Lê Đa Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị, khẳng định: Những vùng đất có ảnh hưởng thủy triều, điều kiện độ mặn và tính chất đất thì loại cây này rất phù hợp. Cây tạo nên vành đai chắn sóng, chống chịu trước thiên tai, khắc nghiệt, chống biến đổi khí hậu.(Dân Trí 5/11)đầu trang(
Ông Hưng cho rằng, việc ông Trung mua gỗ làm nhà nhưng không lấy hóa đơn là do thỏa thuận giữa cá nhân với cá nhân.
Xung quanh những xôn xao về biệt phủ gỗ quý của lãnh đạo kiểm lâm, ngày 3/11, trao đổi với báo Đất Việt, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc điều tra căn biệt phủ của ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh đã có kết luận.
"Chúng tôi đã vào cuộc xác minh tất cả số gỗ ông Trung dùng làm nhà đều mua bán rõ nguồn gốc. Việc chưa có hóa đơn giá trị gia tăng là do thỏa thuận giữa cá nhân với cá nhân. Việc này không phải sai phạm lớn, tuy nhiên tôi cũng đã nhắc nhở và nêu rõ trong văn bản điều tra là mua bán gì cũng phải làm đúng luật", ông Hưng nói.Theo ông Hưng, việc này ông đã báo cáo với UBND tỉnh, số gỗ làm nhà ông Trung hoàn toàn không phải gỗ lậu. Nguồn thu nhập ông Trung làm nhà cũng rất rõ ràng, minh bạch.
Bởi vậy, kết luận kiểm tra khẳng định, mặc dù việc mua bán gỗ được hai bên thỏa thuận đúng quy định, nguồn gốc gỗ hợp pháp, nhưng ông Khổng Trung cần rút kinh nghiệm khi hoàn thành thủ tục mua bán gỗ, yêu cầu chủ cơ sở hoặc doanh nghiệp cung cấp hóa đơn, chứng từ đầy đủ để làm minh chứng khi có yêu cầu.
Trước đó, chia sẻ với Đất Việt về việc chọn xây nhà bằng gỗ, ông Trung cho rằng, đó là do sở thích của ông. Hơn nữa, việc ông làm nhà bằng gỗ cũng là phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của gia đình ông."Xây nhà cao tầng cần nhiều tiền, còn nhà tôi không có nhiều tiền thì tôi xây nhà gỗ bình thường thôi. Việc này tùy theo kinh phí và khả năng của mỗi người, miễn sao về cách bài trí căn nhà sao cho khác thì sẽ khác.
Tôi thích xây nhà gỗ còn bởi sự mát mẻ, dễ chịu với không khí trong lành, dân dã. Khi tôi về hưu, còn chút sức lực mà bảo leo lên nhà 2-3 tầng ở quê nghe cũng không phù hợp lắm", ông Trung nói.Chia sẻ thêm về tình yêu rừng, gỗ, vị Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho rằng, hơn 30 năm gắn bó với rừng là một minh chứng cho tấm lòng của ông với nghề nghiệp.
Suốt thời gian gắn bó với rừng, đương nhiên đã tạo nên sở thích về gỗ trong ông. Cũng vì yêu thích công việc mà ông đang làm nên ông mới làm tốt được nhiệm vụ, mới được nhà nước tặng thưởng huân chương hạng 3. Trước đó, theo phản ánh trên báo chí, căn nhà bằng gỗ được ông Trung xây ở xã Hải Ba (huyện Hải Lăng) từ đầu năm 2015 đến đầu năm 2016 thì xong.
Ngôi nhà tiêu tốn khoảng 80 khối gỗ, 32 cây cột gỗ thuộc nhiều loại gỗ quý như lim, gõ, chua, trường...80 khối gỗ ông Trung có được từ việc mua đấu giá gỗ tịch thu của kiểm lâm, bạn bè cho cũng có, còn lại mua ở các cơ sở trên địa bàn tỉnh.(Dân Việt 4/11)đầu trang(
Ở địa bàn sát khu ATK (an toàn khu) của tỉnh Hòa Bình, xã Trường Sơn, huyện Lương Sơn, trước đây là một trong những xã nghèo của tỉnh Hòa Bình, qua nhiều năm, nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền và bà con nhân dân địa phương, đến nay xã Trường Sơn vươn lên là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo gần như thấp nhất của huyện Lương Sơn
Những ngày đầu tháng 10/2017, tiết trời khô hanh trong thời khắc giao mùa. Ấy thế mà, đứng ở trung tâm xóm Cột Bài, xã Trường Sơn, xung quanh là bạt ngàn cánh rừng trồng của bà con, từng làn gió mạnh khiến cả rừng cây nghiêng về một phía, xung quanh thôn đâu cũng là rừng và rừng. Bà con ở đây chủ yếu là trồng cây keo vì giống cây này mang lại hiệu quả kinh tế cao, chỉ sau 5 – 8 năm trồng và chăm sóc là cây cho thu hoạch.
Trao đổi với phóng viên , trưởng xóm Cột Bài Bùi Văn Luận cho biết: “Phần lớn người dân trong xóm sống dựa vào nghề trồng rừng, hiện nay trong xóm có một xưởng bóc gỗ thu mua gỗ của bà con và sơ chế rồi bán đi nơi khác nên việc vận chuyển gỗ của bà con đơn giản hơn trước rất nhiều. Hiện xóm có có 75 hộ, 322 khẩu chủ yếu sống dựa vào việc trồng rừng”.
Không chỉ riêng xóm Cột Bài mà nhiều xóm khác ở xã Trường Sơn cũng biết dựa vào rừng, trồng rừng để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo từ nhiều năm qua. Được biết, 9 tháng đầu năm 2017 xã Trường Sơn, huyện Lương Sơn đã chỉ đạo trồng rừng theo kế hoạch, làm tốt công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, triển khai công tác điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo kế hoạch đạt kết quả như mong muốn.
Theo đó, sản xuất lâm nghiệp như trồng rừng năm 2017 được 150 ha đạt 100 % kế hoạch theo Nghị quyết HĐND xã giao. Công tác tuyên truyền về quản lý và bảo vệ rừng được thực hiện thường xuyên; công tác PCCCR được duy trì. Trong 9 tháng đầu năm xảy ra 04 vụ cháy rừng nhỏ. Xã đã huy động lực lượng khoanh vùng và dập tắt các đám cháy, xây dựng phương án phòng chống cháy rừng năm 2017… không để xảy ra những vụ cháy lan rộng gây hậu quả nghiêm trọng.
Không những trú trọng vào kinh tế rừng để phát triển kinh tế. Những năm gần đây xã Trường Sơn còn tập trung vào chỉ tiêu sản lượng lương thực, trồng rừng đều đạt và vượt kế hoạch, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai được quan tâm, sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ đang dần ổn định và phát triển.
Trao đổi với Phóng viên, ông Bạch Chí Điển, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn – cho biết: “Kinh tế chủ yếu của xã là dựa vào rừng. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 3.060 ha; trong đó đất nông nghiệp là 2.728 ha; đất phi nông nghiệp 152 ha; đất chưa sử dụng là 180 ha. Dân số của xã trên 500 hộ với hơn 2.000 khẩu, có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm: Mường, Kinh, Dao trong đó dân tộc Mường chiếm 96%, dân tộc Kinh chiếm 3%, dân tộc Dao và dân tộc khác chiếm 1%.
Định hướng phát triển kinh tế – xã hội của xã trong những năm tới, xã xác định trồng rừng sản xuất và một số loại cây có giá trị kinh tế cao gắn liền với chăn nuôi gia trại vừa và nhỏ là nội lực và thu hút, ưu tiên các dự án đầu tư vào xã, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp 40%. Thu nhập bình quân đầu người 20 triệu đồng/người/năm, trồng rừng 150 ha; giải quyết việc làm cho 100 lao động trở lên; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 4,5%….”
Dưới sự lãnh chỉ đạo tập trung của Đảng ủy, UBND xã cùng với sự phối hợp đồng bộ nhịp nhàng của UBMTTQ xã và các ban, ngành, đoàn thể, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ công chức, trưởng xóm và cố gắng, đồng thuận của toàn thể nhân dân, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, các ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển, công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân được quan tâm thực hiện, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm và giữ vững.
Cụ thể, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ người nghèo như: tiền điện, vay vốn hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ lúa giống, ngô giống… Hiện nay toàn xã có 45 hộ nghèo bằng 157 khẩu, 42 hộ cận nghèo bằng 166 khẩu.
Ngoài làm tốt công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Xã Trường Sơn còn trú trọng phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản toàn xã, hiện nay xã có 3,5 ha, chủ yếu là ao, hồ. Sản lượng 9 tháng đầu năm ước đạt 7 tấn. Phối hợp với Trạm khuyến nông khuyến lâm huyện tổ chức mô hình nuôi gà thả vườn với 2.000 con giống, tổ chức tập huấn cách nhận biết các loại bệnh trên cây lúa và cách phòng trừ.
Thêm nữa, công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, chủ động phòng chống các loại dịch bệnh trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan nhà nước cấp trên tiến hành kiểm tra VSATTP, không để xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm; hưởng ứng tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Xây dựng bộ tiêu chí Quốc gia về y tế theo quy định. Tính đến 9 năm 2017, xã đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Ngoài những thế mạnh xã Trường Sơn còn gặp một số hạn chế như diện tích gieo trồng, năng xuất sản lượng cây có hạt ở một số xóm đạt thấp. Tình trạng nhượng quyền sử dụng đất, nhất là đất nông, lâm nghiệp việc tự ý san lấp, cải tạo mặt bằng trái phép vẫn còn xảy ra; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, chưa tận dụng tốt các nguồn thu…(Bảo Vệ Môi Trường 5/11)đầu trang(
Với mục tiêu duy trì ổn định độ che phủ của rừng trên 50% diện tích tự nhiên, cải thiện chất lượng rừng đáp ứng yêu cầu về phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học, những năm gần đây, tỉnh miền núi Hòa Bình đưa chỉ tiêu trồng rừng vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, mỗi năm trồng từ 7.000 - 8.000 ha rừng.
Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình khẳng định, tỉnh luôn tạo điều kiện cho chủ rừng chủ động tổ chức sản xuất theo hướng xã hội hóa sản xuất lâm nghiệp; các chương trình, dự án lâm nghiệp của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng được quản lý, nghiệm thu chặt chẽ. Kết thúc mùa trồng rừng năm 2017, toàn tỉnh trồng được 7.528 ha rừng tập trung, 220 nghìn cây phân tán, vượt 5,5% kế hoạch năm. Theo số liệu thống kê, hiện nay, Hòa Bình có rừng tự nhiên 152 nghìn ha, rừng trồng 81 nghìn ha; độ che phủ rừng tăng từ 46% năm 2010 lên 51,2% năm 2017. Để nâng cao hiệu quả trồng rừng kinh tế, ngành nông nghiệp tỉnh hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh. Nhiều hộ ở các huyện Tân Lạc, Lạc Thủy, Kim Bôi trồng các giống Keo lai, cây phát triển tốt, bộ rễ phát triển, không bị cụt ngọn, không bị sâu bệnh, cây sinh trưởng mạnh gấp 1,5 – 2 lần giống keo cũ tại địa phương; tăng năng suất lên 20% so với các giống đại trà.
Việc bảo vệ rừng được đặc biệt chú trọng, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng chữa cháy rừng.
Nhằm phổ biến kiến thức tới người dân để hiểu và chủ động bảo vệ rừng, phóng cháy, chữa cháy rừng, trong 10 tháng năm 2017, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cho trên 140 nghìn lượt người trên địa bàn toàn tỉnh.
Cán bộ kiểm lâm thường xuyên kiểm tra những điểm có nguy cơ cháy cao; nhắc nhở, hướng dẫn người dân dọn vệ sinh rừng sau khi khai thác và sử dụng lửa đúng quy trình kỹ thuật trong việc đốt dọn nương rẫy, xử lý thực bì. Các địa phương trong tỉnh tiếp tục duy trì, củng cố, tu sửa 93,9 km đường băng cản lửa.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình không để xảy ra các điểm nóng về khai thác, vận chuyên lâm sản trái phép; các vụ cháy rừng được phát hiện sớm, xử lý kịp thời nên hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra.(Báo Ảnh Dân Tộc Và Miền Núi 3/11) đầu trang(
Chỉ trong hai tháng 9 và 10/2017, chỉ riêng trên Báo Lao động Nghệ An đã phản ánh hàng loạt vụ phá rừng, mất hàng ngàn ha rừng ở các huyện Quế Phong, Tân Kỳ, Con Cuông, Quỳ Hợp. Cùng với chuỗi các vụ việc mất rừng, phá rừng trên toàn quốc với những hệ quả nặng nề, trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận và sẽ thông qua Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) vào tháng 11/2017 tới, chúng đặt ra nhiều vấn đề trong bảo vệ rừng.
Trong đó, cần tạo các cơ chế làm cho bản thân cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thấy có động lực tham gia hiệu quả vào việc “nuôi rừng”, bổ sung cho kênh trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành quản lý nhiều khi còn nhập nhằng, đùn đẩy cho nhau.
Theo bài báo trên Lao động Nghệ An, toàn bộ diện tích bị xâm phá hơn 102 ha trong những năm qua ở xã Kỳ Tân đã giao cho 20 hộ dân nhận khoán thực hiện quản lý bảo vệ rừng. Do diện tích của các hộ nhỏ lẻ, điều kiện địa hình phức tạp nên công tác tuần tra bảo vệ rừng của các hộ thực hiện chưa đầy đủ nên rừng từng ngày bị “biến mất”.
Sự “nhỏ lẻ” này có thể khắc phục được bằng cách áp dụng hình thức quản lý rừng cộng đồng thôn/bản hoặc cộng đồng nhóm hộ. Cộng đồng thôn/bản đã được quy định trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng, là toàn bộ các hộ dân sống trong một thôn/bản được giao quản lý một khu rừng nhất định.
Còn cộng đồng nhóm hộ chưa được quy định trong Luật nhưng trên thực tế vận hành trên cả nước, là nhóm nhỏ 20 hộ trở xuống sống ở gần nhau trong một thôn, bản; mỗi nhóm thường quản lý một khu rừng gần nơi sinh sống của họ.
Trên phạm vi toàn quốc, những cuộc khảo sát, nghiên cứu khác nhau đều chỉ ra, các cộng đồng dân cư dù ở dạng nào đều đóng vai trò chủ chốt trong bảo vệ rừng.
Nhiều khi họ bảo vệ rừng còn tốt hơn Ban quản lý rừng hay công ty lâm nghiệp. Đặc biệt ở những nơi dân cư và tài nguyên rừng phân bố phân tán, cộng đồng nhóm hộ tỏ ra khá phù hợp và hiệu quả, thậm chí họ quản lý rừng còn tốt hơn so với cộng đồng thôn/bản.
Thế nhưng, quyền của cộng đồng đối với rừng chưa đủ để tạo động lực để tham gia hiệu quả vào việc bảo vệ rừng một cách bền vững. Theo Luật 2004, họ chỉ được coi là người sử dụng rừng, chứ không phải chủ rừng, cho nên quyền ít hơn nhiều.
Chẳng hạn, do không có quyền thế chấp, cho thuê, hoặc góp vốn kinh doanh từ rừng được giao, người dân đã không thể huy động được vốn để đầu tư vào rừng, cho nên không nhìn thấy bất kỳ phương án kinh tế khả thi nào để duy trì khu rừng cộng đồng của họ.
Bên cạnh đó, quyền khai thác bị hạn chế; tiền hỗ trợ từ nhà nước quá nhỏ, chẳng hạn, định mức chi trả trung bình 200.000 đồng/ha/năm cho các hợp đồng khoán quản lý, bảo vệ rừng; không được hưởng lợi từ việc phát hiện, bắt giữ “lâm tặc”. Điều này đã làm người dân mất đi động lực, bỏ bê tuần tra, bảo vệ rừng hoặc trả lại rừng được giao, thậm chí khai thác trộm ngay trong khu rừng họ quản lý.
Với những lý do nêu trên, hình thức quản lý rừng theo nhóm hộ cần được chính thức công nhận trong Luật BVPTR (sửa đổi) và các văn bản khác để tạo cơ sở pháp lý và hướng dẫn cần thiết cho việc phát triển quản lý rừng cộng đồng cả ở cấp chính sách và triển khai trên thực tế. Đồng thời, cần ủng hộ quy định trong dự thảo Luật BVPTR trình Quốc hội, theo đó các cộng đồng địa phương được công nhận là chủ rừng hợp pháp.
Các quyền của họ đối với rừng phải được mở rộng, bao gồm khai thác lâm sản không những cho nhu cầu gia dụng mà còn cho mục đích thương mại nếu họ muốn phát triển các doanh nghiệp lâm nghiệp cộng đồng; quyền cho thuê, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn kinh doanh bằng giá trị quyền sử dụng rừng được giao.
Sự việc, tình tiết trong các vụ việc đã nêu cho thấy, nhiều khi những người bị đẩy ra rìa rừng vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của việc phá rừng. Theo ước tính, Việt Nam hiện có từ 24-30 triệu người dân có sinh kế sống dựa vào rừng; nhưng số lượng được tiếp cận, nhận giao đất, giao rừng chỉ khoảng 2 triệu hộ.
Trong số hơn 18.000 cộng đồng thôn bản sống trong hoặc quanh rừng mới chỉ có khoảng 10.000 có quyền pháp lý đối với rừng. Còn lại chủ yếu là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có sinh kế sống dựa vào rừng từ lâu đời, vô tình trở thành những người ngoài cuộc và là đối tượng xâm lấn rừng tiềm tàng đối với các diện tích rừng tự nhiên đã được giao cho các chủ rừng.
Để góp phần khắc phục tình trạng này, Luật Bảo vệ và phát triển rừng cần cụ thể hóa quyền hưởng dụng đã được Bộ luật Dân sự 2015 quy định. Đây là “quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định”.
Luật BVPTR có thể căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015 để quy định các quyền liên quan của các đối tượng hộ gia đình, cộng đồng không thuộc nhóm được giao đất, giao rừng nhưng có đời sống phụ thuộc vào rừng, hoặc các hộ, cộng đồng nhận khoán nhằm bảo đảm cho họ cơ hội hưởng lợi từ rừng một cách công bằng so với các đối tượng khác.
Bên cạnh đó, ở những nơi các cộng đồng địa phương chưa được giao rừng, nhà nước nên tiến hành giao rừng cho dân lấy từ diện tích rừng không được quản lý hiệu quả bởi các chủ thể khác như công ty lâm nghiệp, hoặc rừng thuộc trách nhiệm quản lý của UBND xã. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho UBND các xã vốn không có nguồn lực để quản lý rừng và đồng thời trao cơ hội cho các cộng đồng địa phương quản lý tài nguyên rừng và phát triển sinh kế một cách bền vững.
Muốn quản lý rừng tốt phải có chủ rừng cụ thể ở từng khu rừng và chủ rừng phải có lợi ích xứng đáng từ rừng đưa lại. Cần thúc đẩy việc trao quyền và gắn lợi ích của người dân nhiều hơn đối với rừng. Khi mỗi người dân sống trong rừng hoặc bên rừng trở thành một người bảo vệ, nuôi nấng rừng, lúc đó sẽ còn rừng - môi trường sống, nguồn nuôi dưỡng cho hàng chục triệu con người không chỉ ở những nơi có rừng.(Báo Lao Động Nghệ An 4/11)đầu trang(
Đó là đánh giá chung sau 2 năm Trung tâm Khuyến nông (TTKN) quốc gia xây dựng mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng gỗ lớn.
Theo báo cáo tại  hội nghị  tổng kết 2 năm thực hiện dự án xây dựng các mô hình điểm trồng cây gỗ lớn tại 11 tỉnh miền Bắc và miền Trung do TTKN quốc gia tổ chức tại Hòa Bình ngày 31.10, diện tích trồng rừng tăng mạnh từ 1,92 triệu ha năm 2002 lên 3,4 triệu ha năm 2012, bình quân tăng 127.000ha/năm. Tổng trữ lượng rừng trồng 73,5 triệu m³, trong đó trữ lượng rừng trồng sản xuất khoảng 56 triệu m³, bình quân tăng 6,2%/năm.
Tuy diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng đã tăng trong thời gian qua nhưng chủ yếu là cung cấp gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ… giá trị kinh tế thấp; chưa có các giải pháp về kỹ thuật để phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho sản xuất đồ mộc, gỗ xuất khẩu với giá trị kinh tế cao.
Mặt khác, năng suất và chất lượng rừng trồng còn thấp, trung bình chỉ đạt 10-13m³/ha/năm (còn khoảng 0,7 triệu ha rừng trồng sản xuất đạt bình quân 7-9 m³/ha/năm), sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm đạt khoảng 15-17 triệu m³ trong đó có 3 - 3,4 triệu m³ gỗ lớn (20%) và 12 - 13,6 triệu m³ gỗ nhỏ (80%), chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến trong nước cũng như xuất khẩu.
Qua khảo sát hiện nay, nhu cầu sử dụng gỗ lớn rất nhiều. Hiện sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 20% nguyên liệu, còn 80% phải nhập khẩu. Ngược lại, diện tích rừng gỗ lớn của nước ta chỉ đạt 20%, 80% là rừng gỗ nhỏ.
Trong khi đó, nếu bán gỗ nhỏ, gỗ dăm hoặc nguyên liệu giấy giá trị chỉ đạt 700.000 – 800.000 đồng/tấn, nhưng nếu gỗ (xẻ) chế biến đường kính càng cao thì giá trị càng lớn (đường kính 25 – 30cm khoảng 1,8 – 2 triệu đồng/m3, giá trị cao gấp 3 lần so với rừng gỗ nhỏ; đường kính trên 30cm khoảng 3 triệu đồng/m3).
Các tỉnh miền Bắc và miền Trung mặc dù đã có quy hoạch trồng rừng gỗ lớn, song những năm qua hầu hết các tỉnh chủ yếu tập trung cho trồng rừng gỗ nhỏ, số mô hình trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn còn hạn chế.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, năm 2016, Bộ NNPTNT đã giao TTKN quốc gia chủ trì xây dựng mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng gỗ lớn trong thời gian 3 năm từ 2016-2018, đáp ứng mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
TS Trần Văn Khởi- quyền Giám đốc TTKN quốc gia cho biết, theo tính toán so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng trồng gỗ lớn cao hơn rất nhiều lần tuỳ theo tuổi khai thác và đường kính cây. Đối với loại cây trồng phổ biến là cây mọc nhanh như: Keo lai, bạch đàn lai và mỡ đến năm thứ 5 vẫn còn là rừng trồng gỗ nhỏ nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, gỗ mỏ, giá trị đạt trung bình khoảng 40 triệu đồng/ha.
Thế nhưng khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây rừng từ 12-14 năm trồng mới tiến hành khai thác thì hầu hết các cây đã đạt đường kính trên 25cm. Lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ chế biến (gỗ xẻ) với giá trị 1,8-2 triệu đồng/m3, tức là khoảng 120-160 triệu đồng/ha, cao gấp 3-4 lần giá trị rừng gỗ nhỏ.
“Trồng rừng gỗ lớn có lợi vì chỉ trồng 1 năm, tỉa tươi chúng ta được phần gỗ tỉa, những cây còn lại tốc độ sinh trưởng tốt, hạn chế phải trồng lại. Giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần, còn góp phần bảo vệ môi trường” - ông Khởi nhấn mạnh.
Trong hai năm 2016 – 2017, TTKN quốc gia đã chủ trì xây dựng, thực hiện dự án trên địa bàn 11 tỉnh miền Bắc và miền Trung. Kết quả thu hút 336 hộ tham gia, xây dựng được 17 mô hình, mỗi mô hình có 2 điểm trình diễn, tổng trồng được 650ha rừng gỗ lớn (đạt 100% kế hoạch).
Cây trồng chính dự án triển khai là các giống keo lai BV10, BV16, BV32 được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô; bạch đàn lai như UP54, UP99 và mỡ tuyển chọn, các giống này có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Dự án đã hỗ trợ cây giống và phân bón NPK (5:10:3) cho người dân. Đến nay, tỷ lệ cây sống đạt 92 – 95%, cây sinh trưởng nhanh hơn 1,2 – 1,5 lần so với các giống cấy hom.
Đại diện TTKN tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau 2 năm triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn (sử dụng hai giống bạch đàn lai mô UP99 và UP54), cây có chiều cao và đường kính gốc cao hơn ít nhất 30% so với rừng trồng đại trà. Hiệu quả khả quan với nhiều cây đạt chiều cao 5,5-6m. Đặc biệt, đại diện TTKN tỉnh Thanh Hoá thông tin, sau 15 tháng trồng, có những mô hình trồng rừng gỗ lớn, cây keo lai mô sinh trưởng tốt có chiều cao trên 4m.
Tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, dự án được triển khai từ tháng 9.2016. Quy mô dự án với 18ha và 10 hộ tham gia trồng 3 giống keo lai mô: BV10, BV16, BV32.
Ông Bùi Văn Dành - người dân xóm Bin (xã Tử Nê) tham gia dự án với 2ha trồng keo lai chia sẻ: “Trồng 3 giống keo lai mới này mới 13 tháng tuổi nhưng cây sinh trưởng nhanh gấp 2 lần giống cũ. Dự tính đến khi thu hoạch, cây có đường kính 50-60cm, giá bán gỗ lớn cao hơn 4-5 lần gỗ nhỏ”.(Dân Việt 3/11)đầu trang(
Sản phẩm “Hạt dẻ Lục Nam” của huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Mặc dù người dân coi đây là “lộc rừng” do thiên nhiên ban tặng, nhưng luôn ý thức trong việc khai thác, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo vừa bảo vệ môi trường, tạo nguồn sinh thái tự nhiên.
Lục Nam được xem là địa phương duy nhất ở phía Bắc có diện tích rừng dẻ tái sinh khá lớn với 1.100ha, sản lượng hàng năm ước đạt 8.000 tấn; tập trung ở các xã Lục Sơn, Bình Sơn, Trường Sơn, Vô Tranh, Nghĩa Phương, Huyền Sơn, Cẩm Lý. Trong đó, Lục Sơn, Trường Sơn, Nghĩa Phương là những nơi có diện tích dẻ lớn nhất cũng như số hộ tham gia quản lý, bảo vệ đông nhất, với trên 400 hộ.
Có lẽ rất hiếm loài cây nào như cây dẻ, ra hoa vào cuối mùa đông năm nay nhưng phải đợi đến cuối hạ năm sau mới cho thu hoạch. Từ những nụ hoa ấy sẽ nhú lên những chùm hạt non, và cứ thế lớn dần trong nắng ấm. Khi bước vào cuối thu, đầu đông, hạt dẻ trở nên cứng cáp, được bọc trong lớp vỏ gai nhọn, chờ đến hạt khô cứng, có thể thu hái được thì những quả gai nhọn ấy tự nứt ra, rơi xuống đất.
Mùa thu hoạch dẻ kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch. Năm nào hoa dẻ nở vào dịp áp Tết Nguyên đán, trời ít mưa thì năm đó được mùa còn nếu hoa nở sớm hơn hay muộn hơn, gặp mưa nhiều hoặc bị sâu ăn lá thì chắc chắn năm đó mất mùa.
Có mặt tại khu rừng dẻ tái sinh của gia đình ông Đặng Bá Ảnh, thôn Quỷnh Sành, xã Nghĩa Phương (Lục Nam), hiện lên trước mắt tôi là những tia nắng thu vàng óng đọng trên thảm lá khô bên sườn dốc. Cùng với đó là 4-5 người đang bắt đầu dọn lá, nhặt hạt dẻ. Được biết, gia đình ông Ảnh có 11ha rừng, trong đó 3ha rừng dẻ tái sinh. Hằng ngày, ông gắn bó với rừng, ăn ngủ cùng rừng. Có lẽ vì thế mà năm nay đã bước qua tuổi 60 nhưng trông ông vẫn khỏe mạnh.
Ông Ảnh tâm sự: “Năm nay dẻ được mùa, gia đình tôi ước thu về gần 2 tấn hạt. Với giá bán khoảng 30.000 đồng/kg, trừ chi phí thuê nhân công, chắc cũng còn gần 40 triệu đồng”.
Sang tới thôn Dốc Đỉnh (xã Nghĩa Phương), chúng tôi gặp hai mẹ con bà Tạ Thị Lộc đang cặm cụi nhặt hạt dẻ. Theo bà Lộc, do mới chớm vụ thu hoạch nên quả rụng chưa nhiều. Trung bình mỗi ngày, hai mẹ con bà chỉ nhặt được gần 10kg hạt dẻ.
Bà Lộc năm nay gần 70 tuổi. Mười đầu ngón tay của bà đã chai sần vì những vết đâm của gai nhọn trên quả qua mỗi mùa dẻ chín. Hai mươi năm về trước, bà cùng các con lên đây phát quang cây dại để bảo vệ rừng dẻ tái sinh. Mấy năm sau, Nhà nước có chủ trương giao cho các hộ dân khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên, gia đình bà được nhận hơn 1ha ngay phía sau nhà nên việc trông nom, bảo vệ khá thuận tiện.
Năm 2015, “Hạt Dẻ Lục Nam” của huyện Lục Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho HTX dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Mai Sưu. Người dân huyện Lục Nam tự hào khi có sản vật hạt dẻ Lục Nam với hương vị thơm, bùi, chắc không giống như hạt dẻ nơi khác. Nhiều người ví đây là “quà rừng”, “lộc rừng” do thiên nhiên ưu ái ban tặng.
Bên cạnh đó, rừng dẻ còn có vai trò vô cùng quan trọng trong bảo vệ môi trường, tạo nguồn sinh thái tự nhiên. Trong chủ trương phát triển kinh tế rừng, huyện Lục Nam đã quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ rừng dẻ tái sinh, coi nó như “báu vật” của huyện. Hằng năm, ngoài 100.000 đồng do tỉnh hỗ trợ cho mỗi hecta, huyện còn dành số tiền tương đương để người dân trông nom, bảo vệ.
Tuy nhiên, nguy cơ rừng dẻ tái sinh bị chặt phá, thay bằng rừng kinh tế hay trồng cây ăn quả là không thể tránh khỏi, dẫu biết là vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, có thời điểm giá bán hạt dẻ khá cao, thương lái đến tận nhà thu mua nhưng nhiều chủ rừng vẫn không mặn mà bởi so với trồng rừng kinh tế, nguồn thu từ rừng dẻ tái sinh thấp hơn nhiều. Theo tính toán, 1ha rừng kinh tế, sau 3 năm cho thu lãi khoảng 150 triệu đồng trong khi dẻ, nếu được mùa, mỗi năm chỉ thu hơn chục triệu đồng.
Được biết, UBND huyện Lục Nam đã xây dựng, phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất hạt dẻ Lục Nam với quy mô 1.400ha. Trong đó, xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Phát triển sản xuất dẻ gắn với du lịch sinh thái Suối Mỡ, du lịch tâm linh Tây Yên Tử; tổ chức thực hiện một số dự án nhằm phát triển cây dẻ như: Khoanh nuôi tái sinh, điều chỉnh mật độ, trồng mới, hỗ trợ khoán bảo vệ... Tiếp tục tuyên truyền quảng bá phát triển thương hiệu “Hạt dẻ Lục Nam”.
Mặt khác, Lục Nam đang có hướng nghiên cứu phát triển những lâm sản phụ ngoài gỗ, như cây dược liệu cùng các loài nấm quý chỉ mọc dưới tán rừng dẻ tự nhiên. Từ đây, giúp người dân có thêm thu nhập cải thiện đời sống hàng ngày, từ đó bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ rừng, để “lộc rừng” mãi nở hoa.(Kinh Tế Nông Thôn 4/11)đầu trang(
Ngày 3/11, UBND tỉnh Trà Vinh đã có buổi làm việc với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) để bàn các giải pháp nhân rộng mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng rừng nhằm thích ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, cố vấn chính sách quản lý tổng hợp vùng bờ của IUCN, mô hình ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long đã được thực hiện thành công tại tỉnh Cà Mau và hiện đang được nhân rộng trên địa bàn 2 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh.
Nuôi tôm là một trong những ngành kinh tế quan trọng nhất tại Việt Nam, nhưng đây cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra mất rừng ngập mặn, tăng tốc độ sói mòn bờ biển và đe doạ sinh kế ở các địa phương ven biển.
Tại Trà Vinh, mỗi năm có khoảng 25.000 ha nuôi tôm nên tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh. Mô hình ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn triển khai tại Trà Vinh sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc phát triển mô hình đa canh rừng ngập mặn với các loại cây – con phong phú, kết hợp bảo tồn rừng ngập mặn và sinh kế đa dạng, ít rủi ro. Đây là mô hình mang lại lợi ích trước mắt nhưng vẫn đảm bảo lợi ích lâu dài.
Từ nay đến năm 2020, dự án sẽ xây dựng một số chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thủy sản, hỗ trợ chính quyền địa phương các chính sách quản lý bảo tồn rừng, kết hợp mô hình đa canh rừng ngập mặn, kết nối vùng nguyên liệu Trà Vinh với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản…
Để việc nhân rộng mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng hiệu quả trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, các chuyên gia của IUCN mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực và toàn diện của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp chế biến thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Kim Ngọc Thái cho biết, những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân Trà Vinh. Chỉ tính trong năm 2016, thiên tai hạn mặn đã làm thiệt hại khoảng 30.000 ha lúa và hàng trăm ha rau màu, cây ăn trái, thuỷ sản.
Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại ước tính hơn 1.000 tỷ đồng; trong đó, thiệt hại do nuôi thuỷ sản gần 84 tỷ đồng. Do vậy, hỗ trợ người dân  nuôi thuỷ sản thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn bền vững là việc làm được tỉnh ưu tiên hiện nay. Toàn tỉnh hiện có khoảng 9.000 ha rừng ngập mặn; trong đó, khoảng 6.000 ha được kết hợp nuôi thuỷ sản. Thời gian qua, các hộ nuôi thuỷ sản kết hợp trồng rừng chưa được tiếp cận các kỹ thuật nuôi tiên tiến, và tỉnh cũng chưa có các chính sách hỗ trợ người dân sản xuất ở lĩnh vực này.
Tỉnh Trà Vinh sẽ tạo điều kiện để nhân rộng dự án mô hình ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long nhằm mang lại lợi ích cho người dân trên địa bàn.(Báo Ảnh Dân Tộc Và Miền Núi 3/11)đầu trang(
Ngày 3-11, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết 1 năm thực hiện Thông báo 191/TB-VPCP và Kết luận số 59-KL/TU về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Võ Ngọc Thành- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan.
Sau 1 năm thực hiện Thông báo 191/TB-VPCP và Kết luận số 59-KL/TU về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; chỉ đạo dừng việc khai thác gỗ, cấp phép khảo sát, phê duyệt các dự án mới trên đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác… Toàn tỉnh có 17/17 huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thu hồi đất để thu hồi đất rừng bị lấn chiếm; có 193,2 ha đất lấn chiếm được thu hồi để trồng rừng
Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 6.021,9 ha rừng (đạt 86,0% so với Nghị quyết HĐND giao), bao gồm: trồng rừng tập trung: 5.122,6 ha; trồng rừng phân tán: 899,3 ha. Từ nay đến cuối năm 2017, UBND tỉnh quyết tâm chỉ đạo trồng từ 7.000 ha rừng trở lên, đảm bảo theo kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với các ngành liên quan lập kế hoạch thu, chi và tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Theo đó, tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ là 87%. Số lượng các cơ sở mua bán, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh có đăng ký với cơ quan kiểm lâm là 206 cơ sở/211 địa điểm kinh doanh.
Có 75 hộ cá thể và và 1 doanh nghiệp không đăng ký hoạt động. Về kết quả tuần tra, kiểm tra kiểm soát, bảo vệ rừng tại gốc đã được các ngành, các địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn 54 vụ phá rừng làm rẫy với tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 23,69 ha. Một năm qua, Gia Lai đã có 901 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (giảm 43 vụ so với một năm trước)…
Bên cạnh những kết quả đạt được thì sau 1 năm thực hiện Thông báo 191/TB-VPCP và Kết luận số 59-KL/TU, Gia Lai cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định như: một số địa phương chưa hoàn thành xây dựng kế hoạch thu hồi đất rừng bị lấn chiếm; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật vẫn còn mang tính hình thức; tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng còn phổ biến; tình trạng lâm tặc lén lút khai thác gỗ trái phép với quy mô nhỏ lẻ vẫn còn; các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi; nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương còn rất hạn hẹp…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Ngọc Thành- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm của các sở, ban ngành, địa phương dẫn đến những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Đồng chí Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian tới, chúng ta tiếp tục  đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng trên địa bàn quản lý. Xử lý nghiêm hơn nữa các vụ phá rừng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các dịch vụ môi trường rừng. Tăng cường lực lượng tổ chức kiểm tra, truy quét, chốt chặn các điểm nóng hay xảy ra vi phạm, đặc biệt ở các khu vực giáp ranh các tỉnh…”(Báo Gia Lai 3/11)đầu trang(
Ngày 3/11, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết, sẽ có văn bản trình UBND tỉnh Kon Tum đề nghị dừng triển khai 2 dự án thủy điện của Công ty cổ phần Thủy điện Hồng Phát Đắk Met và Công ty cổ phần Thủy điện VRG Ngọc Linh nếu cứ tiếp tục chây ì nộp tiền trồng rừng thay thế.
Được biết, tính đến hiện tại tổng số tiền trồng rừng thay thế mà 2 công ty này phải nộp về Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum (Quỹ Kon Tum) là hơn 6 tỷ đồng. Số tiền này đã bị nợ từ hơn 2 năm qua, Quỹ Kon Tum đã nhiều lần phát văn bản yêu cầu 2 công ty nộp tiền trồng rừng thay thế đúng quy định, nhưng đến nay, cả 2 công ty đều chưa thực hiện.
Cụ thể, Công ty cổ phẩn Thủy điện Hồng Phát Đắk Met, chủ đầu tư dự án Thủy điện Đắk Mét 3 (từng xảy ra vỡ đập vào năm 2012 làm 1 người chết), nợ hơn 2,49 tỷ đồng. Quỹ Kon Tum đã có 10 lần đề nghị chủ đầu tư nộp tiền trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, chủ đầu tư có văn bản phản hồi rằng công ty không còn khả năng thanh toán, hiện Ngân hàng tài trợ vốn Agribank chi nhánh Kon Tum đang phát mãi tài sản Nhà máy Thủy điện Đắk Mét 3, sau khi đấu giá xong sẽ nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Kon Tum.
Còn Công ty Cổ phần thủy điện VRG Ngọc Linh, chủ đầu tư Thủy điện Đắk Ruồi 2,3, nợ hơn 3,5 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế. Quỹ Kon Tum phát văn bản lần thứ 8 đề nghị nộp tiền nhưng chủ đầu tư vẫn chưa nộp.
Quỹ Kon Tum cho biết, thời gian tới, Quỹ Kon Tum sẽ tiếp tục phát văn bản đòi nợ yêu cầu 2 công ty thực hiện nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định; nếu vẫn tiếp tục chây ì thì sẽ có văn bản trình UBND tỉnh Kon Tum xử lý theo quy định của pháp luật.(Tài Nguyên & Môi Trường 3/11)đầu trang(
Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam phối hợp với các Trạm Khuyến nông huyện triển khai thực hiện mô hình “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn loài cây keo lai nuôi cấy mô”
Mô hình thực hiện trên địa bàn 5 huyện trung du và miền núi của tỉnh, với qui mô 35 ha/5 điểm/15 hộ tham gia. Nguồn giống sử dụng là keo lai mô dòng BV10, BV16 và BV32 do Trại Phát triển Công nghệ Giống cây trồng Tam An (thuộc Trung tâm Giống Nông - Lâm nghiệp Quảng Nam) cung ứng.
Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ thuật trồng thâm canh cây keo lai cấy mô (mỗi lớp 40 học viên) và tổ chức 5 đoàn tham quan các mô hình hiệu quả (mỗi đoàn 50 người). Qua tập huấn và tham quan mô hình, các hộ dân có điều kiện tiếp cận, nắm bắt được những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, trao đổi học tập những kinh nghiệm quí trong sản xuất thâm canh và biết lựa chọn giống mới để phát triển trồng rừng gỗ lớn.
Sau 12 tháng trồng cho thấy, cây trồng có tỷ lệ sống cao (trên 90%), cây sinh trưởng tốt trên các điểm triển khai, độ đồng đều của rừng tương đối cao, sinh trưởng chiều cao trung bình đạt 4,4 m, đường kính gốc bình quân đạt 5,0 cm. So sánh với rừng keo tai tượng (trồng đối chứng) trên cùng một chân đất, biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc như nhau, chiều cao trung bình của cây chỉ đạt 2,8m, đường kính gốc bình quân đạt 3,0 cm, mức độ đồng đều của cây trồng không cao.
Mặc dù mô hình mới được triển khai trong năm 2016 và đang ở trong thời kỳ thiết kế cơ bản, chưa đem lại nhiều kết quả to lớn, nhưng bước đầu đã làm thay đổi được những suy nghĩ, tập quán canh tác lạc hậu trước đây của người dân (như trồng rừng với mật độ cao, không thực hiện chăm rừng và khai thác rừng non…);
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc người dân quyết định lựa chọn loài cây này đưa vào trồng rừng là giá bán cây giống keo lai mô hiện nay còn khá cao so với các loài keo gieo ươm từ hạt thực sinh có mặt trên thị trường. Vì vậy, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giá để người dân có thể tiếp cận loài giống mới này được sớm hơn;
Từ kết quả ban đầu của mô hình trên cho thấy cây keo lai nuôi cấy mô là một trong những giống cây lâm nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao cho phát triển trồng rừng gỗ lớn tại Quảng Nam;
Phát triển rừng gỗ lớn là xu hướng tất yếu của kinh doanh rừng trồng sản xuất hiện nay bởi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình do giảm chi phí trồng mới, giảm công lao động, mà còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất do kéo dài chu kỳ kinh doanh, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.(Bộ Nông Nghiệp Việt Nam & Phát Triển Nông Thôn 2/11)đầu trang(
Tỉnh ủy vừa ban hành Kế hoạch số 82 về thực hiện Chỉ thị số 13 ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư khóa XII “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR)”.
Theo đó, Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai thực hiện với các nội dung trọng tâm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác quản lý, BV&PTR; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BV&PTR; thực hiện có hiệu quả, chất lượng các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế trên đất lâm nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng; sử dụng, phát triển rừng và đất lâm nghiệp; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương trong công tác quản lý, BV&PTR; tăng cường hội nhập quốc tế về quản lý, BV&PTR. Đối với các địa phương có rừng, phải xác định công tác quản lý, BV&PTR là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng với công tác quản lý, BV&PTR.
Phát động các phong trào thi đua, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý, BV&PTR; đồng thời xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm, vi phạm các quy định về quản lý, BV&PTR.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BV&PTR, Tỉnh ủy yêu cầu rà soát, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy chế về công tác quản lý, bảo vệ rừng; có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, BV&PTR; xác định trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân cụ thể, rõ ràng.
Thường xuyên kiểm tra các khu rừng trọng điểm có nguy cơ bị lấn chiếm, bị phá, khai thác lâm sản trái pháp luật, xác định đường dây, “đầu nậu”; xử lý nghiêm minh những vi phạm theo pháp luật về BV&PTR, tập trung thống kê, điều tra, triệt phá những “đầu nậu”, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật.
Chủ động, nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy để hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng xảy ra.
Quản lý chặt chẽ tình trạng dân di cư tự do; tình trạng mua bán, chuyển nhượng rừng và đất lâm nghiệp bất hợp pháp. Kiên quyết giữ bằng được diện tích rừng tự nhiên còn gắn với phục hồi rừng; kết hợp bảo vệ với phát triển môi trường sinh thái thông qua mô hình du lịch sinh thái và phát triển kinh tế dưới tán rừng. Tăng độ che phủ rừng và cây lâu năm đến năm 2020 đạt 74,8%...(Cổng Thông Tin Điện Tử tỉnh Bình Phước 3/11)đầu trang(
Đến nay, Dự án hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông (gọi tắt là dự án BCC) tại huyện A Lưới đã hỗ trợ 64 mô hình gia trại chăn nuôi bò sinh sản cho bà con dân tộc thiểu số ở 8 xã trên địa bàn. Đồng thời, có 387 hộ dân được vay 3,7 tỷ đồng từ hoạt động hỗ trợ sinh kế với lãi suất thấp để đầu tư phát triển kinh tế hộ.
Sống ở xã biên giới Hồng Trung, việc mưu sinh của gia đình ông Nguyễn Thành Tâm trước đây luôn phụ thuộc vào rừng. Từ khi được hoạt động cải thiện sinh kế của dự án BCC hỗ trợ bò giống, kinh phí làm chuồng và trồng cỏ phát triển chăn nuôi, lại  được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh trên đàn bò, gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định.
Ông Tâm chia sẻ: "Từ một cặp bò giống hỗ trợ nay đã sinh sản lên 5 con, thức ăn có sẵn tại chỗ nên chăn nuôi rất thuận lợi, đàn bò phát triển tốt. Cuộc sống cải thiện hơn nên gia đình tôi không còn phải vào rừng chặt cây, kiếm củi nữa".
Tại các thôn, bản, 11 nhóm bảo vệ rừng, phát triển cây lâm nghiệp được thành lập giúp bà con có thêm thu nhập ổn định. Dự án BCC A Lưới đã chọn mô hình thí điểm phát triển kinh doanh lâm sản ngoài gỗ cho bà con như trồng mây, lồ ô… dưới tán rừng cộng đồng, với diện tích 1.100ha. Mô hình này đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn tại địa phương, cũng như chính sách khuyến khích trồng lâm sản ngoài gỗ của tỉnh và huyện A Lưới.
Chủ tịch UBND xã Hồng Trung, ông Lê Văn Thanh phấn khởi: “Từ hoạt động hỗ trợ sinh kế của dự án BCC, trên địa bàn xã đã có thêm 3 mô hình kinh tế kết hợp trồng trọt và chăn nuôi có tiềm năng phát triển theo hướng gia trại. Dự án còn hỗ trợ cây giống và ngày công trồng, chăm sóc cho bà con tham gia hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trồng rừng bổ sung, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân và bảo vệ hiệu quả tài nguyên rừng trên địa bàn”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Quốc Cường, việc lồng ghép triển khai các dự án nhằm hỗ trợ các mô hình sinh kế từ chăn nuôi đến lâm nghiệp phù hợp với điều kiện, tập quán sản xuất cho bà con, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, góp phần giảm nghèo hiệu quả ở các địa phương.
Với hơn 90% dân số chủ yếu sống bằng nông, lâm nghiệp, A Lưới xác định kinh tế rừng là một trong các lĩnh vực chính, chủ đạo phát triển kinh tế toàn huyện, tăng thu nhập cho người dân.
Theo đó, A Lưới đã phát triển tổng diện tích rừng trồng kinh tế hơn 12.000 ha, trong đó, trồng mới năm 2017 ước đạt 2.000 ha; triển khai kế hoạch phát triển rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ FCS, với diện tích gần 193 ha. Lợi thế đặc thù về rừng tự nhiên, A Lưới chú trọng phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo công ăn việc làm cho bà con.
Ông Nguyễn Quốc Cường cho rằng, với diện tích rừng kinh tế hơn 12.000 ha, đó là nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho đồng bào trên địa bàn huyện, nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững; đồng thời là thế mạnh để phát triển các lĩnh vực dịch vụ lâm nghiệp và xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng.
A Lưới sẽ chú trọng lồng ghép các dự án nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh từ nghề rừng. Huyện cũng đã chọn một số mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất để chuyển giao cho bà con.
Hiện nay, A Lưới xây dựng các dự án trồng rừng gắn với chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn. Khai thác diện tích dưới tán rừng để phát triển mô hình trồng cây dược liệu; ứng dụng rộng rãi mô hình trồng cây dược liệu và phát huy kiến thức bản địa trong việc sử dụng các cây thuốc của đồng bào dân tộc thiểu số là yếu tố phát triển các đặc sản của địa phương. Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao mà các địa phương khác đã áp dụng thành công.(Báo Thừa Thiên Huế 4/11)đầu trang(
Bộ NN&PTNT đã phối kết hợp để sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp giai đoạn 2015 – 2017.
Theo đó, tổng diện tích các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng trước khi sắp xếp lại là 2.366.397 ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 404.898 ha; đất lâm nghiệp 1.869.693 ha; đất phi nông nghiệp 35.368 ha; đất chưa sử dụng 1.458 ha.
Giá trị tài sản theo sổ sách của các công ty nông, lâm nghiệp là 53.125 tỷ đồng; bình quân lợi nhuận trước thuế ba năm (2014 – 2015 – 2016) là 2.174 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.779 tỷ đồng…(Con Người & Thiên Nhiên 4/11)đầu trang(
Tiên Yên có khoảng 4.000ha rừng tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các xã Đồng Rui, Hà Lâu, Yên Than… Nhờ công tác tuyên truyền nên người dân toàn huyện đã hiểu được giá trị của việc bảo vệ rừng tự nhiên, giúp cho các cánh rừng tồn tại được đến ngày nay. Ở các xã ven biển, rừng tự nhiên không chỉ là nơi mưu sinh của người dân mà còn trở thành vành đai chắn sóng biển bảo vệ các tuyến đê, giúp cho các cánh đồng lúa không bị ngập mặn đem lại mùa màng tốt tươi.
Xã Đồng Rui có hơn 3.000ha rừng ngập mặn tự nhiên. Từ năm 2016, tỉnh có chủ trương thành lập Khu Bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui, nhằm bảo tồn phát triển các hệ sinh thái nơi đây, đồng thời đáp ứng mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của tỉnh.
Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), được giao nhiệm vụ tư vấn giúp Quảng Ninh đánh giá hiện trạng các điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học và các yếu tố ảnh hưởng, từ đó đề xuất các phân khu chức năng của khu bảo tồn, cũng như các giải pháp bảo tồn và các dự án ưu tiên cho việc thành lập và quản lý khu bảo tồn một cách hiệu quả.
Theo tài liệu của Dự án thành lập Khu Bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui của Sở Tài nguyên - Môi trường thì rừng ngập mặn ở đây có hệ sinh thái đa dạng và giá trị nhất cả nước.
Ở đây có 27 loài bò sát, 81 loài cá, 140 loài chim, 46 loài thú trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ của IUCN như: Cò mỏ thìa, cò lạo Ấn Độ, rái cá vuốt bé. Bên cạnh đó còn nhiều loài trong sách đỏ Việt Nam như: Chim cốc đế, cò mỏ thìa, cầy mực, dơi lá Tô Ma… Nằm trong rừng ngập mặn Đồng Rui còn có đảo Lòng Vàng, có diện tích khoảng 3ha. Đây là khu vực lý tưởng để phát triển du lịch khám phá rừng ngập mặn Đồng Rui trong tương lai.
Ở thôn Nà Hắc, xã Hà Lâu có khu rừng rộng khoảng 300ha, nhiều cây có niên đại hàng trăm năm. Ở đây gần như không có sự tác động của con người, nhiều cây gỗ lớn phải vài người ôm.
Trong rừng có thác Cá Nhảy (tiếng địa phương là thác Nhì Thiu), vào những ngày trời nắng, nhiều đàn cá suối nhảy nhót vượt thác mà thành tên gọi. Từ năm 2015 đến nay, xã Hà Lâu đã kết nối với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện ký hợp đồng bảo vệ rừng với tất cả 28 hộ dân thôn Nà Hắc. Trong tương lai huyện Tiên Yên sẽ mở tuyến du lịch sinh thái thăm rừng nguyên sinh Nà Hắc và thác Cá Nhảy.
Ở xã Yên Than hiện tại đã thành lập Tổ hợp bảo vệ rừng bản địa gồm 7 hội viên, quản lý 87ha rừng tự nhiên. Các thành viên của Tổ đã tự cam kết không khai thác gỗ rừng, mà chỉ khai thác lâm sản ngoài gỗ như tre, măng, quả và cây mây, cây dược liệu, nấm và phát triển nuôi ong mật.
Rừng tự nhiên Tiên Yên từ lâu đã thực sự có giá trị lớn đối với đời sống người dân, ngày nay càng được đề cao giá trị khi phát triển du lịch. Từ đó, rừng tự nhiên sẽ trở thành điểm đến trong các tour du lịch khám phá hấp dẫn với hầu hết du khách khi đến với Tiên Yên.(Báo Quảng Ninh 4/11)đầu trang(./.