Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 01 tháng 11 năm 2017
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, đã làm nóng nghị trường QH với nhận định "chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm" tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội ngày 31-10.
Trong bài phát biểu của mình, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng điều dễ nhận ra trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ lần này là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Trong khi Chính phủ thì trách nhiệm và quyết liệt thì bộ máy hành pháp bên dưới ở một số nơi còn thờ ơ và không làm tròn nhiệm vụ.Kế đó, ông Cương nêu hai dẫn chứng về tình trạng buôn lậu và phá rừng.
Theo ông Cương, Thủ trướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng vẫn không được đóng. Những vụ phá rừng tự nhiên lớn nhất vừa qua ở một số địa phương cho thấy tình trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ. “Một chủ DN trồng rừng cho biết nếu không có tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy” - ông Cương nói.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, một cây to có đường kính 1 m cần 70-100 năm mới có được nhưng lâm tặc chỉ cần 16 phút là xong. Một trạm kiểm lâm mỗi đêm có 80-100 xe máy đi qua, mỗi xe chở khoảng bốn khúc gỗ và nộp cho  kiểm lâm 300.000-400.000 đồng tiêu cực thì số tiền thu lợi bất chính không hề nhỏ.
Có nơi “Chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm” - ông Cương nói và cho rằng nhiều địa phương cứ lập dự án trồng rừng để phá rừng với lý do “tận thu”.
“Nếu cứ phá rừng tan hoang rồi lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, xem xét và cho ý kiến chỉ đạo và không phải chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào thì không biết đến bao giờ lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng mới thành hiện thực” - ông Cương kết. (Pháp Luật VN 31/10)đầu trang(
Rừng đặc dụng Mường Phăng có diện tích hơn 4.400ha (theo quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030), trải rộng trên địa bàn 2 xã Pá Khoang và Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).
Rừng đặc dụng Mường Phăng gắn liền đời sống, sinh kế của người dân 47 bản (chủ yếu là dân tộc Thái) sống xen kẽ trong rừng của 47 bản. Đây cũng chính là ký do khiến nhiều năm qua công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng Mường Phăng gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Ban quản lý rừng di tích và cảnh quan môi trường Mường Phăng: Ban quản lý rừng di tích và cảnh quan môi trường Mường Phăng quản lý diện tích hơn 1.000ha (theo Quyết định số 611/QĐ-UBND ngày 24/7/2015 của UBND tỉnh Điện Biên).
Trong khi đó, lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị chỉ có 8 người nên công tác kiểm tra, kiểm soát không được thường xuyên; hoạt động tuần tra, kiểm tra theo lịch, theo kế hoạch nên không bám sát tình hình địa bàn. Ban quản lý đã xây dựng được hệ thống cộng đồng có chức năng bảo vệ rừng nhưng do là người dân trong bản nên để ngăn cản hay tố giác người vi phạm cũng gặp khó khăn vì liên quan đến thân tộc, gia đình, cùng bản.
Ban quản lý rừng di tích và cảnh quan môi trường Mường Phăng đã xác định nhiều điểm nóng xảy ra tình trạng người dân khai thác củi tươi, khai thác gỗ làm nhà, đặc biệt là các bản Đông Mệt, Vang, Co Cượm...
Người dân các bản này dùng thuyền độc mộc, bè mảng để khai thác, vận chuyển củi, gỗ trên lòng hồ Pá Khoang. Từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị đã phát hiện 3 vụ người dân chặt cây, thu được 4 khối gỗ; 2 vụ phá rừng với diện tích hơn 8.300 m2 trạng thái rừng IIb.
Ông Phạm Văn Khiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: Tổng diện tích rừng ngành được giao quản lý là hơn 4.400ha nhưng chỉ bố trí được 3 công chức, trong khi theo quy định đối với rừng đặc dụng từ 500ha trở lên xem xét, bố trí 1 công chức nên thiếu nhân sự trầm trọng.
Thêm vào đó người dân sống xen kẽ trong rừng nên hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng rất khó khăn. Thời gian tới Chi cục sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng tăng cường tuyên truyền. phổ biến pháp luật và giúp người dân xây dựng các quy ước bảo vệ rừng, đồng thời có chính sách hỗ trợ về dịch vụ chi trả môi trường để người dân đảm bảo cuộc sống, không phá rừng trái pháp luật.
Các cơ quan liên quan cần tích cực phối hợp để thường xuyên tuần tra, sớm phát hiện các vụ phá rừng; tăng cường vận động người dân trồng rừng trong đất đã quy hoạch rừng sản xuất để đáp ứng nhu cầu lâm sản, gỗ xây dựng...
Rừng đặc dụng Mường Phăng, ngoài diện tích thuộc Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là rừng tự nhiên nguyên sinh, diện tích còn lại đặc trưng là rừng tái sinh sau khai thác. Sinh cảnh sau phục hồi tự nhiên ở rừng đặc dụng Mường Phăng rất tốt, đảm bảo giữ gìn các nguồn gen thực vật.
Cùng với đó, rừng đặc dụng Mường Phăng còn đảm bảo giữ nguồn nước, ổn định cho hồ thủy lợi Pá Khoang, phục vụ công trình thủy điện hạ lưu và nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của cả cánh đồng Mường Thanh.(Báo Ảnh Dân Tộc Và Miền Núi 31/10)đầu trang(
Chỉ trong một thời gian ngắn gần 8ha rừng phòng hộ thuộc dự án 327 tại thị trấn Tam Đảo bỗng chốc biến thành những vườn su su xanh mướt. Vì sao?
Vì sao, gần 8ha rừng thuộc dự án rừng phòng hộ 327 (huyện Tam Đảo) biến mất một cách lạ thường và trở thành những vườn su su xanh mướt. Những cây thông được trồng cách đây hơn 10 năm đã biến mất đi đâu.
Hỏi ra mới biết, những vườn su su mà các hộ dân thuộc thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo đang trồng nằm trên phần đất thuộc dự án rừng 327 nhưng bị đốn hạ và chết từ từ hơn 10 năm nay.
nhận được đơn thư phản ánh của người dân thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) về việc: “Rừng dự án 327 bị một số hộ dân là người nhà cán bộ thị trấn Tam Đảo chặt phá, lấn chiếm làm vườn trồng su su, thậm chí họ còn làm nhà”.Theo đó,  năm 1996, vườn quốc gia Tam Đảo được thành lập, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo vườn quốc gia Tam Đảo và các huyện thị, thực hiện chương trình quốc gia bảo vệ rừng tự nhiên và trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo dự án 327.
Năm 1998, UBND thị trấn Tam Đảo nhận với lâm trường Tam Đảo khảo sát và trồng 8ha rừng thông trong dự án 327. Sau đó, UBND thị trấn giao cho ông Trần Quang Thà - cán bộ khuyến nông lúc bấy giờ (nay là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo) đứng ra làm đại diện ký hợp đồng với lâm trường và chỉ đạo một số hộ dân thực hiện.
Người dân địa phương cho biết, sau khi đứng ra làm đại diện ký hợp đồng với lâm trường Tam Đảo, ông Thà chia thành bảy lô với tổng diện tích là 8ha cho 7 hộ dân là người nhà cán bộ, lãnh đạo thị trấn Tam Đảo.
Cụ thể như sau: bà Đinh Thị Lan, bà Đinh Thị Hoa, bà Đinh Thị Nhung và ông Đinh Văn Hợp là người nhà của ông Đinh Tuấn Khanh - hiện đang là xã đội trưởng (trước đây là cán bộ địa chính); ông Nguyễn Xuân Ngọc và ông Nguyễn Xuân Hướng là em của ông Nguyễn Quang Hải - nguyên Bí thư thị trấn Tam Đảo, nay là Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Tam Đảo; ông Nguyễn Văn Hùng là em của bà Nguyễn Thị Thanh Hải – Chủ tịch Mặt trận thị trấn”, người dân nơi đây thông tin với PV.
Thế nhưng, việc giao và giữ rừng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, việc chặt hạ và phá rừng thong để trồng su su lien tiếp diễn ra những năm sau đó.
Theo người dân phản ánh, từ năm 2004 – 2005, rừng dự án 327 bị các hộ nói trên chặt phá và lấn chiếm làm vườn trồng su su, thậm chí còn lấy đất bán cho người khác làm nhà ở. Trước cảnh tượng đó, người dân nơi đây xót xa cho sự mất mát tài nguyên rừng, dự án 327 bị "chảy máu" khi Nhà nước phải bỏ hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ đồng ra để gây dựng những cánh rừng xanh bạt ngàn.
Vì vậy, từ năm 2005 đến nay, người dân đã nhiều lần đề nghị UBND, HĐND thị trấn điều tra làm rõ và có biện pháp ngăn chặn. Nhưng điều lạ thay, những lời đề nghị của người dân thì UBND thị trấn càng trả lời quanh co, thậm chí là "thoái thác trách nhiệm".
Chỉ tay vào những cây thông còn sót lại nằm lạc lõng giữa vườn su su của các hộ dân, ông Thành (người dân địa phương) cho biết: “Những vườn su su này trước đây đều là rừng 327, nhưng đã bị các hộ dân và người nhà cán bộ chặt hạ lấn chiếm để trồng su su. Có 2 hình thức để chặt cây, một là họ đốn hạ thông luôn đổ ập xuống đất,  hai lạ họ đẽo hết vỏ gốc cây, thong mất vỏ bị chảy hết nhựa và chết từ từ. Khi cây đã chết thì họ chặt bỏ đi và trồng luôn su su lên đó”.
Qua những hình ảnh người dân cung cấp, PV nhận thấy việc phá rừng thông trong dự án 327 được tiến hành một cách khá tinh vi và khôn khéo. Theo người dân nơi đây, họ đã bóc bỏ thông và sau đó bôi vôi để khiến cây thông chết dần, chết mòn. Sự việc diễn ra trong thời gian dài nhưng không có cơ quan chức năng nào vào cuộc.
Liên quan đến nội dung phản ánh của người dân, một lãnh đạo thị trấn Tam Đảo xác nhận: Việc người dân phản ánh tình trạng phá rừng thuộc dự án 327 là có, và đã báo cáo UBND huyện Tam Đảo, UBND tỉnh Vĩnh Phúc về vụ việc.
Vì sao vụ phá rừng diễn ra trong thời gian dài nhưng các cơ quan chức năng không xử lý? Rừng 327 bị đốn hạ vậy trách nhiệm thuộc về ai?(Pháp Luật Plus 31/10)đầu trang(
Tình trạng chặt phá rừng ngày càng diễn ra phức tạp, khó kiểm soát khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc bảo vệ và cần có giải pháp quyết liệt để bảo vệ rừng.
Đây là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận sáng 31/10, về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 -2020.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Sùng A Hồng (Điện Biên) đề nghị Trung ương quan tâm, có cơ chế chính sách ưu tiên đẩy mạnh đầu tư phát triển các tỉnh miền núi phía Bắc; đổi mới thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công; sửa đổi các quy định để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ phát triển rừng, khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh rừng tự nhiên; sửa đổi quy định về chi trả dịch vụ môi trường rừng cho phù hợp với thực tế hiện nay;...
Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) đánh giá cao những kết quả đã đạt được về KTXH và sự điều hành của Chính phủ, đại biểu góp ý một số nội dung liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn (lập, phê duyệt, phân giao vốn); thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên; xử lý nghiêm các đối tượng chặt phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng; triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thu nội địa; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm các vi phạm về thuế;...
“Tình trạng phá rừng là minh chứng cho thực trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đánh giá.
Theo ông Cương: “Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng thì vẫn không được đóng. Những vụ phá rừng vừa qua ở một số địa phương nói lên thực trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ. Tôi đã tiếp xúc với chủ doanh nghiệp trồng rừng, nghe anh ta nói, để trồng rừng và giữ được rừng khó khăn đến chừng nào.
Nếu như không yêu rừng thì không thể làm được. Với kinh nghiệm thực tế từ chủ doanh nghiệp đó thì nếu không có sự tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy.
Một cây to có đường kính 1m, phải mất 70 - 100 năm mới có được nhưng đối với lâm tặc thì chỉ khoảng mười mấy phút là phá sạch. Một trạm kiểm lâm trong một đêm có từ 80 đến 100 xe máy đi qua, mỗi xe chở khoảng 4 khúc gỗ và phải nộp cho kiểm lâm từ 300.000 - 400.000 đồng thì số tiền thu lợi bất chính là không hề nhỏ. Nếu cứ như vậy thì chẳng bao lâu nữa còn đâu là rừng.
Đáng báo động là chính quyền lại chủ động phá rừng mới thật ghê gớm. Nhiều địa phương cứ lập dự án trồng rừng rồi lại phá rừng với lý do là tận thu.
Nếu cảnh phá rừng cứ tan hoang rồi lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, xem xét và cho ý kiến chỉ đạo mà không chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào thì không biết liệu cho đến bao giờ lệnh đóng cửa rừng mới trở thành hiện thực”.(Kinh Tế Nông Thôn 31/10)đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan đến các vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép trên địa bàn.
Ngày 31/10, Thủ tướng có văn bản giao Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk báo cáo kết quả xử lý các vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép xảy ra trên địa bàn huyện Ea Súp.
Theo đó, Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các chủ rừng (Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ea H'mơ và Ya Lốp), UBND huyện, Hạt kiểm lâm Ea Súp, UBND 4 xã (Ia J'lơi, Ia J'lốp, Ea Rôk, Cư Kbang) tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan đến các vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép trên địa bàn, xử lý theo quy định.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý việc khai thác, mua, bán, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên trái phép theo đúng các quy định của pháp luật.
Trước đó, báo chí phản ánh, không chỉ rừng tự nhiên bị chặt phá nằm ngổn ngang trong rừng mà tại các trạm quản lý, bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp nằm ở bìa rừng cũng như trước cổng UBND xã Ia Jlơi, nhiều đống gỗ được tập kết về đây và cả những phách gỗ vuông, tròn chất thành những đống lớn hai bên đường.
Theo thống kê, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cho các doanh nghiệp tư nhân thuê đất thực hiện 28 dự án đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp và các dự án khác với tổng diện tích là 19.974ha, trong đó có 12.010ha rừng tại huyện Ea Súp. Diện tích do UBND cấp xã quản lý là 11.592ha, trong đó diện tích rừng là 6.912ha.
Qua rà soát, thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Ea Súp có hơn 191ha rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép.(An Ninh Tiền Tệ & Truyền Thông 1/11)đầu trang(
Nhiều vụ phá rừng quy mô lớn diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm bị phát hiện, xử lý.
Ngày 31-10, Quốc hội (QH) bước vào phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017.
Hàng loạt vấn đề lớn về bức tranh kinh tế-xã hội đã được đại biểu (ĐB) QH đặt ra khi bước vào quý cuối cùng của năm 2017. Cùng đó là những vấn nạn nhức nhối, những thách thức lớn mà đất nước đang đối diện, nhân dân đang bức xúc.Nạn phá rừng, câu chuyện nhức nhối “truyền kỳ” tiếp tục được các ĐBQH nêu ra.
Nhưng ý kiến cảm xúc nhất có lẽ là của ĐB Ksor Phước Hà (Gia Lai): “Nói đến Tây Nguyên ta nghĩ đến rừng xanh bạt ngàn, thảo nguyên mênh mông, sương mờ huyền ảo, giàu tài nguyên khoáng sản. Một nền văn hóa các dân tộc phong phú và đa dạng. Nhưng tôi đau lòng khi đứng đây, khi bản thân mình phải phân vân còn lại những gì. Rừng Tây Nguyên bị tàn phá nghiêm trọng”.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Ksor Phước Hà cho hay từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 thì rừng Tây Nguyên bị mất tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2016. “Đây là nghịch lý hay là thông điệp thách thức?” - ĐB Hà đặt vấn đề.(Pháp Luật VN 1/11)đầu trang(
Như đã phản ánh, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An liên tiếp để xảy ra các vụ phá rừng nghiêm trọng. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng trong các sự việc trên.
Hiện, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An vẫn chưa có động thái tích cực nào làm rõ trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm từ Chi cục đến các Hạt Kiểm lâm khiến dư luận bức xúc.
Được biết, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc, nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, tại tỉnh Nghệ An xảy ra nhiều vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quế Phong…
Tuy nhiên, sau khi phát hiện và điều tra các vụ phá rừng nói trên, tỉnh Nghệ An nói chung và ngành Kiểm lâm Nghệ An nói riêng vẫn chưa hề xử lý kỷ luật thích đáng bất kỳ cán bộ ngành kiểm lâm nào liên đới. Điều đó khiến dư luận vô cùng bức xúc. Có thể “điểm mặt” những vụ phá rừng nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở Nghệ An trong thời gian qua.
Cụ thể, khoảng tháng 2/2017, tại địa bàn giáp ranh giữa 2 xã biên giới Tam Hợp và Lưu Kiền, huyện Tương Dương xảy ra một vụ phá rừng nghiêm trọng. Theo đó, có 189 cây pơ mu quý hiếm bị lâm tặc đốn hạ với số lượng hơn 288m3 gỗ tròn và hơn 7m3 gỗ xẻ.
Đến tháng 3/2017, Công an huyện Tương Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng.
Nhận thấy đây là vụ phá rừng đầu nguồn vô cùng nghiêm trọng, ngày 28/8, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công an tỉnh Nghệ An, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các ban ngành liên quan phối hợp điều tra, xử lý.
Hiện, vụ việc đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An điều tra thụ lý. Nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể, mặt khác trách nhiệm của ngành Kiểm lâm trong vụ việc nghiêm trọng trên vẫn chưa được làm rõ khiến cho dư luận hết sức băn khoăn.
Cũng tháng 2/2017, người dân phát hiện gần 100ha rừng ở xã Nam Sơn và Bắc Sơn của huyện Quỳ Hợp bị phát trắng để trồng keo. Được biết, đây là những diện tích đã được Nhà nước giao cho các chủ rừng quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ.
Còn tại huyện biên giới Kỳ Sơn, vào ngày 22/2/2017, cơ quan chức năng phát hiện có 36 cây sa mu dầu tại bản Huồi Nhao, xã Nậm Càn bị chặt hạ la liệt, khối lượng sau đó được đo đếm tương đương 139m3 gỗ. Đây cũng là một vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng.
Cũng liên quan đến một vụ chặt phá rừng nghiêm trọng, từ tháng 7 năm 2016 đến tháng 9 năm 2017, có gần 50 ha rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ bị “xóa sổ” để trồng keo. Theo số liệu báo cáo tổng hợp của BQL Rừng phòng hộ huyện Tân Kỳ, số diện tích rừng phòng hộ tự nhiên bị chặt phá trong những năm gần đây tại xã Kỳ Tân lên đến 102,36ha.
Mới đây nhất, ngày 10/9/2017 Trạm Quản lý bảo vệ rừng xã Cắm Muộn (Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống) phát hiện có 11 cây pơ mu bị đốn hạ tại vùng giáp ranh khoảnh 9 và 13, Tiểu khu 148, thuộc địa bàn xã Quang Phong, huyện Quế Phong; khối lượng là 13,69m3.
Tiếp đó, ngày 26/10, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện thêm 2 cây pơ mu tại Tiểu khu 148 cũng mới bị lâm tặc đốn hạ, với khối lượng 1,627m3. Như vậy, tổng số pơ mu bị chặt hạ tại Tiểu khu 148 lên đến 13 cây với khối lượng trên 15,3m3.
Có thể thấy rằng, số liệu về những vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An là nghiêm trọng, cùng với một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên thì Nghệ An đang là 1 trong những “điểm nóng” về phá rừng của cả nước.
Thế nhưng, ngoài một số ít vụ việc được xử lý đúng người, đúng tội, đúng trách nhiệm để mang tính răn đe, giáo dục…thì hầu như các vụ việc nêu trên vẫn chưa được xử lý thỏa đáng về mặt trách nhiệm. Nhất là đối với lực lượng Kiểm lâm tỉnh Nghệ An.
Được biết, trong khi Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An đang điều tra xử lý vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn xã Tam Hợp và Lưu Kiền, huyện Tương Dương thì bất ngờ vào tháng 4/2017, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An lúc bấy giờ là ông Hoàng Quốc Việt (hiện là Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, Nghệ An) đã "kỷ luật" ông Võ Sỹ Lâm (lúc đó đang là Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương) về làm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đô Lương.
Điều đáng nói là trong khi vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Tương Dương đang được cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An điều tra thụ lý, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm những người liên quan, thì đùng một cái, việc ông Võ Sỹ Lâm được “kỷ luật” về làm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đô Lương khiến dự luận hết sức bất ngờ và bức xúc. Liệu đây có phải một động thái để vị đứng đầu Hạt trưởng Kiểm lâm Tương Dương trốn tránh trách nhiệm tại địa bàn mình quản lý?
Trong vụ việc phá hàng trăm héc ta rừng giao theo Nghị định 163 khoanh nuôi, bảo vệ ở hai xã Nam Sơn và Bắc Sơn của huyện Quỳ Hợp cũng được ngành Kiêm lâm xử lý kỷ luật kiểu “không giống ai”.
Theo đó, vụ việc xảy ra vào khoảng tháng 2/2017 thì đến tháng 4/2017, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An lúc bấy giờ là ông Hoàng Quốc Việt cũng đã luân chuyển ông Nguyễn Hữu Hiến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Hợp về làm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương, thế chỗ ông Võ Sỹ Lâm.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây nhất là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1432 - QĐ/TU ngày 6/9/2017 quyết định ông Hoàng Quốc Việt – Chi cụ trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An chuyển công tác đến cơ quan UBND huyện Tân Kỳ, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy và giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Sau đó, ngày 05/10/2017, HĐND huyện Tân Kỳ họp tiến hành bỏ phiếu bầu bổ sung chức danh Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Hoàng Quốc Việt.
Có thể nói, hàng loạt vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm lâm nhưng những “điểm nóng” về phá rừng thì các Hạt trưởng Kiểm lâm đều được ưu ái “chuyển công tác”; mặt khác vị lãnh đạo cao nhất của ngành Kiểm lâm là ông Hoàng Quốc Việt cũng được Tỉnh ủy Nghệ An tạo điều kiện cho đi “làm nhiệm vụ mới” khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn, bức xúc.
Dư luận đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải động thái để trốn tránh trách nhiệm của vị đứng đầu ngành Kiểm lâm Nghệ An?”.
Chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Bạch Quốc Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An - Người được giao phụ trách mảng quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, ông Dũng nói đang đi công tác không thể làm việc được.
Ông Dũng cũng cho biết, bản thân ông mới nhận nhiệm vụ phụ trách quản lý, bảo vệ rừng từ tháng 4/2017. Khi được hỏi trách nhiệm của ngành Kiểm lâm khi để xảy ra các vụ phá rừng nghiêm trọng liên tiếp thì vị Chi cục phó nói: “Tôi đang làm việc với huyện Anh Sơn nên không thể trả lời được”(?)
Liên hệ với ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An - người phụ trách mảng lâm nghiệp nhưng ông Lam từ chối làm việc vì “Anh đang đi họp ở xa lắm, vài ngày mới về”. Chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An nhưng ông Hiếu cũng cáo bận và nói “Việc này tôi đã giao cho anh Lâm phó giám đốc rồi”.
Khi PV nói ông Lâm hiện đang đi công tác xa thì ông Hiếu nói: “Làm gì có công tác ở đâu, anh Lâm làm việc ở cơ quan thôi”. Theo lời ông Giám đốc Sở này, cả buổi chiều ngày 27/10 PV chờ làm việc với ông Lâm nhưng vị này khóa cửa phòng không đến cơ quan làm việc?
PV tiếp tục liên hệ với ông Đinh Viết Hồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhưng cũng cáo bận họp không thể làm việc với chúng tôi được!
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong một cuộc trả lời báo chí vào tháng 10/2017, ông Đinh Viết Hồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An từng nhấn mạnh: “Tỉnh sẽ xử lý trách nhiệm cả các đơn vị liên quan chứ không chỉ xử lý lâm tặc mà chính quyền hay kiểm lâm vô can được…
Hiện, Nghệ An đang quyết liệt để tập trung ngăn chặn tình trạng phá rừng chứ để lâu rất nguy hiểm. Tinh thần của tỉnh là không có vùng cấm trong xử lý phá rừng, thậm chí cán bộ bao che sẽ chịu liên đới trách nhiệm…”. Lời của vị Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An là như vậy nhưng đến nay vẫn chưa được thực thi!
Có thể nói những vụ phá rừng nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An khiến cho dư luận hết sức bất bình, người dân lo lắng. Thế nhưng ngoài một số vụ việc đã được khởi tố vụ án (chỉ có một ít vụ khởi tố được bị can) thì hiện nay hầu hết các vụ việc vẫn đang còn ở trạng thái “tiếp tục điều tra”.
Mặt khác, trách nhiệm của ngành Kiểm lâm trong việc để rừng bị tàn phá chưa được tỉnh Nghệ An làm rõ, xử lý trách nhiệm những người liên quan khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn, bức xúc.(Tài Nguyên & Môi Trường 31/10)đầu trang(
Những ngày gần đây, theo phản ánh từ người dân xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, những cánh rừng già tự nhiên của xã đang bị lâm tặc xẻ thịt ngày đêm. Tình trạng phá rừng lại càng xảy ra rầm rộ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành lệnh đóng cửa rừng trên toàn quốc.
Theo chân người dẫn đường, chúng tôi tiến vào cánh rừng tự nhiên tại thôn Tú Tạo, Cụt Ạc. Người dẫn đường chỉ đưa chúng tôi đến cửa rừng vì sợ trả thù khi phát hiện. Theo hướng chỉ tay của người này, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào khu rừng tự nhiên tại thôn Tú Tạo.
Khi chúng tôi tiến vào trong khu rừng, cảnh tượng hiện ra trước mắt là la liệt cây gỗ bị đốn hạ. Nhiều cây gỗ có đường kính 70- 90cm, chiều dài gần 20m bị đốn hạ, thân gỗ đã được lấy đi, có những gốc cây cổ thụ nhựa còn đang chảy.
Phát hiện có người lạ, nhóm lâm tặc vác cưa máy rút đi nơi khác. Theo quan sát, có lẽ “đại công trường” này đã được lâm tặc dựng lên sau trận mưa lũ diễn ra từ 10/10. Bên cạnh đó, có khoảng hơn 20 gốc cây cổ thụ đã bị đốn hạ, gỗ đã được chuyển đi, một số còn lại đang nằm tại chỗ.
Tiến sâu vào vùng lõi, nhiều cây gỗ quý có tuổi đời vài chục năm bị đốn hạ nằm trơ gốc, vết cưa còn mới tinh nhưng gỗ đã được lâm tặc vận chuyển ra khỏi rừng. Đa phần gỗ bị khai thác đều được lâm tặc tuyển chọn từ những cây gỗ quý, có giá trị kinh tế cao.
Gỗ sau khi khai thác được lâm tặc dùng trâu kéo, làm đường để vận chuyển ra điểm tập kết rồi dùng xe ô tô chở đến nơi tiêu thụ. Trong cánh rừng già, chi chít những con đường còn mới được lâm tặc tạo nên để kéo gỗ đến điểm tập kết.
Từ thôn Tú Tạo, chúng tôi tiếp tục tiến về cánh rừng ở thôn Cụt Ạc để ghi nhận tình trạng phá rừng tự nhiên ở đây. Vừa qua cây cầu Cứng, ghé vào quán nước đầu thôn, một người dân cho hay, mỗi tuần có 2 – 3 lượt xe vào để chở gỗ ra. Số gỗ này cũng mới được lâm tặc khai thác. Gỗ chủ yếu được khai thác tại các cánh rừng dọc suối Ván, giáp với xã Thanh Quân, huyện Như Xuân; vì những cánh rừng ở đây mới có nhiều gỗ quý, giá trị kinh tế cao. “Nếu tính một tháng thì có khoảng vài chục lượt xe vào chở gỗ rừng đi ra”, người này nói thêm.
Ngược dòng suối Ván, nhiều cây gỗ tròn được lâm tặc khai thác kéo để bên bờ suối. Ngoài ra, tại các khe suối, lâm tặc còn dìm gỗ xuống chỗ sâu để tránh bị phát hiện, chờ ngày vận chuyển.
Ông Phạm Xuân Chinh, Hạt phó hạt Kiểm lâm Thường Xuân (phụ trách địa bàn) cho hay, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 150 vụ phá rừng, chủ yếu xảy ra ở các xã trọng điểm như: Yên Nhân, Bát Mọt, Xuân Chinh, Xuân Lẹ.
Liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho hay: "Hiện tại chúng tôi đang tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn. Liên quan đến vấn đề  quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn thì giao cho lực lượng kiểm lâm. Hiện tôi đang họp, có gì tôi sẽ thông tin lại sau".(Người Đưa Tin 31/10)đầu trang(
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nằm trên địa bàn 2 huyện Quan Hoá và Bá Thước (Thanh Hóa). Hiện nơi đây vẫn đang giữ trong mình những giá trị cảnh quan thiên nhiên vô cùng phong phú với sự đa dạng về các loại động thực vật sinh sống. Đẹp nhất là mỗi buổi sớm mai, Pù Luông ẩn hiện trong sương tựa như một khu vườn treo trên cao vậy.
Pù Luông là tên gọi của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng. Cùng với Pù Hu, Pù Luông đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã ở tỉnh Thanh Hóa.
Nằm cách Mai Châu (Hòa Bình) khoảng 80 cây số, Pù Luông được biết đến  là nơi sinh tồn của hơn 1.540 loài thực vật và hơn 900 loài động vật. Trong đó, nhiều loài động, thực vật quý hiếm được đưa vào sách đỏ thế giới như: Thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, vọoc xám, báo gấm, sơn dương…
Đặc biệt tại đây hiện là nơi cư trú của Beo lửa, Hươu sao, Gấu ngựa và hàng chục đàn voọc quần đùi trắng - một loài linh trưởng quý hiếm với số lượng lên đến hàng trăm cá thể. Khu hệ côn trùng tại Pù Luông có ít nhất là 158 loài bướm, 96 loài thân mềm trên cạn, trong đó có 12 loài thân mềm có thể là đặc hữu cho khu vực.
Hệ sinh thái đá vôi trong các hang động tại đây cũng vô cùng kỳ vĩ. Nhiều hang động mang những dáng vẻ huyền bí của tự nhiên khiến lần đầu chiêm ngưỡng nhiều người không khỏi bất ngờ. Ngoài ra, các khu hệ thực vật với các loài phong lan quý hiếm đã tạo ra nét mềm mại, quyến rũ riêng cho Pù Luông bên những thác nước chảy ngày đêm trắng xóa.
Một điểm nữa không thể không nhắc đến, đóng góp phần lớn vào việc tạo nên sức hút cho Pù Luông đó chính là bản sắc văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Thái với những điệu múa sạp, múa xòe, hát lượn cùng những điệu Khặp uyển chuyển của cô gái Thái xinh xắn. Là những cọn nước ngày đêm cần mẫn quay tròn, đưa nước từ sông lên những dòng kênh đào nhỏ và theo những ống tre đổ về tưới mát cho ruộng đồng. Một phương thức canh tác thủ công nhưng vô cùng hiệu quả.
Nếu đến Pù Luông vào tháng 10, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng trải dài trên các triền núi. Những thảm lúa vàng như điểm tô cho rừng Pù Luông nét trù phú, yên bình và thơ mộng. Về ẩm thực, Pù Luông được thiên nhiên ưu ái cho nền khí hậu mát mẻ nên các loại rau quả như bầu bí, su su, rau cải… đơm hoa kết trái quanh năm.
Hành trình được yêu thích nhất khi tới Pù Luông có lẽ là đi bộ xuyên qua vùng lõi khu bảo tồn, trong không gian khoáng đạt của núi rừng bạn có thể tận hưởng vẻ đẹp thanh bình của dòng suối Chăm chảy giữa thung lũng, ngắm những loài động thực vật phong phú, quý hiếm, những bông lan rừng vừa kịp khoe sắc lúc sớm mai…
Với những đặc điểm nổi bật, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái, là một điểm đến vô cùng hấp dẫn với những ai yêu vẻ đẹp của thiên nhiên.(Đại Đoàn Kết 1/11)đầu trang(
Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết, có 15,754ha tại khoảnh 5, khoảnh 6, tiểu khu 367 thuộc địa bàn xã Canh Thuận, huyện Vân Canh có chức năng sản xuất, do UBND xã Canh Thuận quản lý, đã bị chặt phá, đốt dọn hoàn toàn trong tháng 8/2017.
Gần 16ha rừng tự nhiên tại xã Canh Thuận, huyện Vân Canh (Bình Định) mới bị chặt phá, đốt dọn trắng. Trước đó, gần 30ha rừng tự nhiên cũng đã bị “cạo trọc” để thực hiện chủ trương giao đất sản xuất cho dân. Tuy rừng đã bị khai tử 2 năm song quyết định giao đất vẫn chưa có.
Ngày 31/10/2017, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã có Báo cáo số 1093 do Phó Chi cục trưởng Lê Đức Sáu gửi các sở, ngành báo cáo vụ rừng tự nhiên bị triệt phá. Theo đó, có 15,754ha tại khoảnh 5, khoảnh 6, tiểu khu 367 thuộc địa bàn xã Canh Thuận, huyện Vân Canh có chức năng sản xuất, do UBND xã Canh Thuận quản lý đã bị chặt phá, đốt dọn hoàn toàn trong tháng 8/2017. Trữ lượng gỗ trung bình tại các ô tiêu chuẩn đo được 11,23m3/ha, trạng thái rừng lá rộng thường xanh nghèo.
Cũng theo Báo cáo 1093, có 29,2ha rừng tự nhiên khác cũng nằm trong khoanh 5, khoảnh 6, tiểu khu 367 bị “xóa sổ” trước đó rất lâu. Trong diện tích này, rừng keo đã được trồng từ cuối năm 2015, năm 2016 và cả trong năm 2017.
Trong số diện tích này có 9,563ha đang để trống chưa trồng cây. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, 29,2 ha rừng này được UBND huyện Vân Canh phê duyệt phương án hỗ trợ giao đất sản xuất cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Khu vực rừng được quy hoạch chức năng rừng sản xuất, trước khi bị chặt phá, trạng thái rừng là rừng thường xanh nghèo.
Tuy vậy, nội dung Báo cáo 1093 ngày 31/10/2017 của Chi cục Kiểm lâm Bình Định lại mâu thuẫn với Biên bản kiểm tra hiện trường ngày 24/10/2017.
Có 2 nội dung mâu thuẫn trong hai văn bản này, gồm biên bản kiểm tra hiện trường ngày 24/10 ghi rõ trong diện tích 15,745ha rừng bị chặt phá tính từ kết quả kiểm kê rừng năm 2016, có 2,114ha rừng thường xanh trung bình và 13,640ha rừng lá rộng thường xanh nghèo. Nhưng trong Báo cáo 1093, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã “bỏ qua” diện tích “rừng trung bình” mà đánh đồng tất cả đều là “rừng nghèo”.
Còn Biên bản kiểm tra hiện trường ngày 24/10 ghi rõ ngoài diện tích rừng thuộc tiểu khu 367 xã Canh Thuận bị tàn phá, còn có gần 0,2ha rừng thuộc khoảnh 8, tiểu khu 364 thuộc xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh cũng bị tàn phá. Đây là diện tích rừng được quy hoạch chức năng “rừng phòng hộ”, nhưng Báo cáo số 1093 của Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã “bỏ quên” phần diện tích này.
Theo điều tra của phóng viên, phương án giao đất sản xuất của UBND huyện Vân Canh đối với 29,2ha rừng được chấp thuận từ năm 2015 và sẽ được giao cho 30 hộ dân thiếu đất sản xuất. Tuy vậy cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có quyết định giao đất nào được ban hành, chưa hề có một hộ dân nào thuộc đối tượng được giao đất đã nhận đất. Tất cả diện tích được trồng rừng đều do cán bộ cấp huyện, xã chiếm lĩnh, trồng rừng sản xuất.
Cùng với đó, 15,754ha rừng tự nhiên bị tàn phá để trồng keo là khu vực được “nghe đồn” cũng sẽ là khu vực được giao cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất. Cũng như 29,2ha rừng bị phá trước đó trong cùng khoảnh 5 và 6, tiểu khu 367, không một hộ dân nào phát dọn rừng để làm đất sản xuất, mà tất cả đều phát dọn “do cán bộ thuê phá rừng”.
Khi vừa có thông tin về mặt chủ trương thì cán bộ cấp huyện, xã đã tranh thủ "xí phần" rừng, thuê người dân phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế.Những vụ phá rừng “có tổ chức” này đã gây bức xúc trong quần chúng nhân dân và một số ban, ngành huyện Vân Canh.(Tin Tức 1/11)đầu trang(
Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về vấn đề kinh tế - xã hội. Phát biểu tại đây, nhiều đại biểu “mổ xẻ” những vấn đề liên quan đến đợt thiên tai vừa qua gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, việc phá rừng là một minh chứng cho tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Cụ thể, Thủ tướng đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng thì vẫn không được đóng, những vụ phá rừng lớn nhất vừa qua ở một số địa phương nói lên thực trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ.
Qua khảo sát thực tế, ông Cương nhận thấy nếu như không có sự tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy. “Một cây to có đường kính 1m phải 70 năm đến 100 năm mới có được, nhưng với lâm tặc chỉ 16 phút là xong”, ông Nguyễn Sỹ Cương nói.
Đại biểu đoàn Ninh Thuận cũng phán ánh một trạm kiểm lâm mỗi đêm có độ khoảng 80 - 100 xe máy đi qua, mỗi xe chở khoảng 4 khúc gỗ và phải nộp cho kiểm lâm khoảng 300.000 - 400.000 đồng tiền tiêu cực.
“Đây là số lợi thu tiền bất chính không nhỏ và cứ như vậy thì bao lâu nữa còn đâu là rừng? Có một điều chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm, nhiều địa phương cứ lập dự án trồng rừng để phá rừng với lý do tận thu”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho hay.
Đại biểu Đỗ Trọng Hưng (đoàn Thanh Hóa) nhắc lại thiệt hại trong đợt thiên tai vừa qua đã làm gần 100 người chết và mất tích. Cùng với đó thiệt hại do mưa lũ gây ra khoảng 8.500 tỷ đồng. Đại biểu nêu ra nguyên nhân có sự chủ quan và để mất rừng tự nhiên.
Đại biểu đề nghị, bố trí nguồn vốn đầu tư năm 2018, hỗ trợ cao hơn cho các tỉnh khó khăn bị thiệt hại nặng nề về thiên tai, các tỉnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Về lâu dài, đại biểu đề nghị cần tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo và chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho biết, trong những năm vừa qua khu vực miền núi phía Bắc chịu tác động, ảnh hưởng lớn của một số loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất và có xu hướng gia tăng về cường độ, phạm vi ảnh hưởng và ngày càng cực đoan, bất thường.
“Cùng với việc phát triển nhanh về kinh tế-xã hội, nhu cầu khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, nạn phá rừng gia tăng đã làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai. Điển hình là năm 2017 tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn gây ra lũ quét, sạt lở đất làm chết nhiều người và thiệt hại lớn về kinh tế”, đại biểu Thúy nói.
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đồng tình với ý kiến các đại biểu về nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn trong đợt thiên tai vừa qua có công tác dự báo chưa chủ động, chưa chính xác về lượng mưa, về lũ ống.
Bên cạnh đó việc mất rừng và bố trí dân cư chưa phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân đẫn đến thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngoài ra, theo ông Hà thì lượng mưa thời gian qua cũng hết sức cực đoan.(Dân Trí 31/10)đầu trang(
UBND tỉnh Bắc Giang vừa có công văn yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm với các tập thể, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền cấp xã để xảy ra tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp từ đầu năm 2017 đến nay tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam.
Thực trạng rừng bị tàn phá, hủy hoại trở thành vấn đề nhức nhối trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua.
Từ đó, ngày 24/10, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Công văn số 3663/UBND-NN gửi Sở NN&PTNT, Công an tỉnh Bắc Giang và UBND các huyện, thành phố cho biết: “Sau khi xem xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tại Báo cáo 335/BC-SNN ngày 04/10/1017 và kết quả thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:
Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm với các tập thể, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền cấp xã để xảy ra tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp từ đầu năm 2017 đến nay, đặc biệt là khu vực: Xã Đèo Gia, xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn; xã Long Sơn, An Lạc huyện Sơn Động; xã Lục Sơn huyện Lục Nam…
Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Sơn Đổng rút kinh nghiện trong việc tổ chức thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng theo nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại văn bản: số 171/TB-UBND ngày 09/6/2017 ; số 2678/UBND-NN ngày 08/8/2017; số 3127/UBND-NN ngày 12/9/2017; triển khai quyết liệt các biện pháp để hoàn thành việc ký cam kết bảo vệ rừng đối với các chủ rừng trên địa bàn, hoàn thành trong năm 2017.
Chỉ đạo công an huyện phối hợp với lực lượng kiểm lâm trung đẩy nhanh tiến độ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các vụ vi phạm mà lực lượng kiểm lâm bàn giao hồ sơ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo lực lượng chức năng và UBND các xã tăng cường công tác tuần tra, phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời các vụ vi phạm đốt, phá, lấn chiếm đất rừng và đất lâm nghiệp; đối với diện tích rừng tự nhiên nghèo do các hộ dân tự ý đốt, phá ngoài việc xử lý vi phạm theo quy định. Đối với các địa bàn phức tạp, thành lập các tổ công tác để ngăn chặn tình trạng phá rừng, gắn trách nhiệm của UBND xã nếu xảy ra vi phạm trên địa bàn; xử lý nghiêm minh với cán bộ, đảng viên trực tiếp hoặc để người nhà tham gia đốt, phá rừng tự nhiên.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được yêu cầu chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tập chung bố trí lực lượng tăng cường cho cơ sở, thường xuyên bám rừng, nêu cao tình thần trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế tình trạng phá chặt phá rừng và các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện của các địa phương, đơn vị, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Công an tỉnh Bắc Giang được yêu cầu chỉ đạo Công an các huyện, thành phố tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm đốt, phá rừng; đối với các vụ việc có dấu hiệu hình sự, khẩn trường khởi tố vụ án, điều tra, xác minh đối tượng vi phạm, khởi tố bị can, truy tố trước pháp luật để xử lý nghiêm minh theo quy định.
Trước đó, như thông tin trong loạt bài điều tra , liên quan đến việc hàng chục nghìn m2 đất rừng đã bị “biến hoá”, cấp sổ đỏ trái luật cho gia đình chủ tịch xã, em ruột bí thư huyện uỷ Yên Thế, UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định lập đoàn thanh tra rà soát toàn bộ việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp sai phạm tại địa phương này.
Tại huyện Lục Nam, vụ đốt phá rừng xảy ra tại xã Lục Sơn khiến hơn 50 ha rừng bị tàn phá. Công an huyện Lục Nam đã khởi tố vụ án và hiện đang điều tra để làm rõ các đối tượng gây án.(Dân Trí 1/11)đầu trang(
Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) tình trạng các đối tượng sử dụng ô tô khách, nhất là ô tô con để vận chuyển lâm sản trái phép hòng qua mắt lực lượng chức năng gia tăng.
Mới đây, lúc 21 giờ 45 ngày 25-10, từ tin báo của người dân, Đội Kiểm tra liên ngành chống phá rừng tỉnh đã tiến hành tuần tra khu vực đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng (thôn Bố Lang, xã Sơn Thái), phát hiện tại Km58, 1 xe ô tô Ford Transit (biển kiểm soát 49B-002.08) đang đỗ tại khu vực này. Trên xe có 27 khúc gỗ xẻ hộp, khối lượng 1,691m3 không có giấy tờ hợp lệ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ phương tiện, lâm sản vi phạm để xử lý.
Trước đó, cũng trên tuyến đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng, 1 vụ sử dụng xe ô tô con chở gỗ cũng bị phát hiện tại km54. Khi ấy, trên xe ô tô hiệu Innova, biển kiểm soát 43A-225.40, do tài xế Đoàn Gia Trung (ngụ xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) điều khiển có 8 hộp gỗ hồng tùng, khối lượng 0,671m3. Số gỗ này không có dấu búa kiểm lâm, tài xế không xuất trình được hồ sơ hợp pháp.
Theo thống kê của Đội Kiểm tra liên ngành chống phá rừng tỉnh, trong số 101 vụ vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý thì có đến 30 vụ các đối tượng sử dụng xe ô tô để vận chuyển gỗ lậu đi tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Đội trưởng Đội Kiểm tra liên ngành chống phá rừng tỉnh cho biết: “Trước đây, các đối tượng thường sử dụng xe khách cũ nát, loại từ 16 chỗ trở lên để vận chuyển gỗ lậu với khối lượng lớn, khi bị phát hiện các đối tượng bỏ cả xe lẫn lâm sản để tránh bị xử lý. Thời gian gần đây, các đối tượng chuyển sang sử dụng xe con, xe khách đời mới để vận chuyển gỗ lậu; khi di chuyển các đối tượng thường bám theo các đoàn xe con di chuyển trên tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt để qua mắt lực lượng chức năng. Một số tài xế bị phát hiện, xử lý nhưng do khối lượng lâm sản vận chuyển ít, chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, sau đó lại tiếp tục tái phạm”.
Cũng tại Khánh Vĩnh, gần đây, lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện đã phát hiện, xử lý 10 vụ sử dụng ô tô để vận chuyển 10,533m3 lâm sản trái phép. Chỉ tính riêng trong tháng 8, có 2 vụ các đối tượng sử dụng xe ô tô con hiệu Innova còn rất mới để chở gỗ.
Ông Lê Thanh Hóa - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh cho biết: “Qua làm việc với các tài xế bị xử lý do vận chuyển gỗ trái phép, được biết, để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thuê xe ô tô con, với giá 500.000 - 600.000 đồng/ngày, rồi tháo các băng ghế để vận chuyển gỗ trên tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt, nếu không bị phát hiện, mỗi ngày các đối tượng có thể vận chuyển 3 - 4 chuyến”.
Cũng theo ông Hóa, từ khi các đối tượng chuyển sang sử dụng ô tô con, ô tô khách đời mới để vận chuyển gỗ trái phép, việc phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Trước đây, các đối tượng chủ yếu tập kết số lượng gỗ lớn gần đường đèo, rồi lợi dụng đêm tối để đưa gỗ đi tiêu thụ, hiện nay, mỗi chuyến các đối tượng chỉ vận chuyển 5 - 6 khúc gỗ, tập kết tản mát trong rừng, khi di chuyển thì lẫn trong dòng xe qua lại trên đường.
Ngoài ra, các đối tượng còn tổ chức người canh ở các trạm của lực lượng kiểm lâm, trạm quản lý - bảo vệ rừng, theo dõi mọi hoạt động của lực lượng chức năng nên việc phát hiện hành vi vận chuyển lâm sản trái phép càng khó khăn hơn.
Được biết, Đội Kiểm tra liên ngành chống phá rừng tỉnh đã báo cáo tình trạng này cho UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo, triển khai công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng để xử lý.
Trước mắt, để chủ động phát hiện, xử lý, Đội Kiểm tra liên ngành chống phá rừng tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh đang tập trung lực lượng để tuần tra, truy quét trên tuyến đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng; theo dõi, nắm bắt các phương tiện di chuyển trên tuyến đường này để kịp thời phát hiện các phương tiện vi phạm; đồng thời xây dựng nguồn tin, vận động người dân tố giác các đối tượng vi phạm; xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép.(Báo Khánh Hòa 31/10)đầu trang(
Thời gian gần đây, rừng phòng hộ Cần Giờ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ trước những biến đổi của khí hậu. Trước thực trạng đó chính quyền và ban quản lý rừng đã triển khai nhiều công tác nhằm đảm bảo tối đa nguồn tài nguyên rừng.(Đài Truyền Hình Phát Thanh TP. HCM 31/10)đầu trang(
Rất nhiều người hoảng hốt. Không chỉ là những lương dân gào rú thất thanh trong các video được bà con quay tại hiện trường vụ lũ ống, lũ quét khủng khiếp xảy ra ở các huyện Văn Chấn, Phù Yên và Mù Căng Chải của hai tỉnh Sơn La, Yên Bái trong mấy tháng vừa qua.
Những ngôi nhà kiên cố to đùng từ từ đổ sụp và từ từ biến mất trong dòng nước đục ngàu. Chắc chắn, nhiều triệu người tiếp nhận thông tin qua báo chí và mạng xã hội sẽ còn ám ảnh kinh hoàng rất lâu sau nữa vì những điều như thế.
Hàng trăm người chết và mất tích, hàng vạn nhà cửa và vô số tài sản bị xoá sổ. Những khối đá to như toà nhà nằm án ngữ lối đi, nằm chềnh ềnh trước trường học Võ Thị Sáu của huyện miền núi nghèo và heo hút bậc nhất Việt Nam kia. Cả "quả núi" đè lên các thi thể người ở xóm Khanh (Tân Lạc, Hoà Bình). Cơ quan chức năng phải nổ mìn phá đá mới bới thấy các xác người.
Ở Sơn La, người ta phải hối hả tìm xác các nạn nhân dọc... 100km dòng sông Đà, trong suốt nhiều ngày. Ở Yên Bái, thi thể phóng viên Đinh Hữu Dư của TTXVN bị trôi tới gần 100km đường sông, sau hơn 2 ngày huy động tổng lực thì mới được tìm thấy.
Nhiều người đặt câu hỏi: vì sao các trận lũ tàn ác, độc địa này lại xảy ra? Và làm thế nào để "đồng bọn" giết chóc của nó không tiếp tục tràn đến. Ai, cái gì là thủ phạm đích thực đây?
Xin hãy bắt đầu với những thước phim câm được chúng tôi quay lại từ thảm hoạ xóm Khanh (Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình vào tháng 10 năm 2017), như sau:
18 người chết trong tích tắc, vì núi lở ụp xuống xoá sổ các căn nhà vào lúc 0 giờ. Có bà mẹ được đào thấy, thi thể cứng đơ. Chị đang ôm đứa con trai bé bỏng. Phải vất vả lắm người ta mới gỡ được tấm tình mẫu tử đó ra.
Tám thanh niên lầm lũi khiêng chiếc quan tài của thi thể mới nhất vừa được lực lượng cứu hộ bới tìm thấy. Thi thể này là của bà Đinh Thị Đằng. Người ta đặt bà cạnh quan tài của người con trai bà, anh ấy tên là Đinh Công Nghĩa. Cả khu khâm niệm đồng loạt vang  lên những tiếng khóc hờ hờ khe khẽ.
Người ngồi cạnh tôi lẩm bẩm bấm đốt ngót tay: thế là, chị Đinh Thị Chất, em gái anh Nghĩa, đã mất bốn người thân, gồm: bố mẹ và hai anh trai. Nỗi đau đó không nói thành lời.
Hoá ra, tất cả sự thật nằm ở đây. Phá rừng. Yên Bái, Sơn La có phần rừng quý, giàu có, nằm ở đuôi của dãy núi cao nhất Việt Nam: Hoàng Liên Sơn. Dãy núi nóc nhà sừng sững của toàn cõi Đông Dương với đỉnh cao hơn 3143m này chạy về đến khu vực Sơn La, Yên Bái là chấm dứt hành trình dài 180km của mình.
Đuôi của núi chứa vô số rừng già quý báu, đặc biệt là rừng pơ mu cổ thụ, phân bố ở độ cao từ 800m đổ lên. Nó có vai trò như tấm áo giáp bảo vệ sự sống, khi giữ rừng đầu nguồn và ngăn chặn thảm hoạ thiên nhiên cho bà con.
Nhưng người ta đã phá tàn độc, phá theo kiểu uống thuốc độc dạng nước để giải khát, theo kiểu phá vỡ căn phòng ngọc ngà châu báu để tìm một con gián. Chúng tôi đã từng sống trong những bản làng toàn người đàn ông dắt díu nhau đi phá sơn lâm, đâm hà bá. Họ sống như thổ phỉ trong rừng già, hút thuốc phiện, trồng cây anh túc và nghiện ngập phá rừng pơ mu. Khi về, tất cả đều bị HIV/AIDS.
Chúng tôi từng đi cùng anh Giang, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Xùa (Sơn La), đi dọc dãy điểm mút của hệ thống núi Hoàng Liên Sơn trong cả một tuần. Xách theo súng AK, súng K54 và các thuộc cấp thiện chiến của anh Giang.
Chúng tôi chứng kiến những cây pơ mu cả nghìn năm tuổi bị chặt phá không thương tiếc, đường kính gốc lên đến 2m. Họ lập lán, hút thuốc phiện, xẻ gỗ trong đó. Chúng tôi cũng đi với ông Páo, bấy giờ là Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, cũng lên "mặt núi" phía Yên Bái của dãy Hoàng Liên Sơn đó.
Đi trong mênh mông nương thuốc phiện và bạt ngàn cảnh phá rừng. Rừng bị đốn trụi. Họ không mang máy móc hiện đại hay xe cơ giới lên đó được, vì không có đường, vì vào đến chỗ các cây pomư báu vật thiên nhiên ken dày phải mất ít nhất 2 ngày đi bộ leo núi. Thế là họ bắc giá cao mà kéo cưa lừa xẻ, sau này có cưa máy giảm thanh thì cưa máy.
Nhưng phanh thây một cụ pomư ra, lâm tặc chỉ có thể vác vài súc gỗ ra khỏi rừng, trên vai người phu phen. Chứ trâu kéo cũng không vào được, máy móc càng không.
Thành ra, cả một "dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên" nghìn năm tuổi vô giá như vậy, nhưng người ta chỉ xẻ lấy vài bắp gỗ bé, vác vừa vai một người phụ nữ Thái hoặc đàn ông Khơ mú, rồi xuống núi. Rất nhiều cành, rễ, gốc, và vô thiên lủng các súc gỗ bị bỏ lại với rừng. Bỏ lại trong hàng chục năm.
Cơ quan hữu trách hầu như không biết hoặc cố tình không biết việc phá rừng, cho đến khi lũ về. Rừng bị phá, không có tấm áo giáp nữa, thì đất đá núi đồi cùng trôi bay theo dòng nước "mưa dai Yên Bái" và Sơn La. Lũ, bùn, nước cuốn theo trong bụng mình là vô thiên lủng gỗ quý.
Bụng nước trở nên nặng, nó có sức công phá của cảnh dùng cây gỗ lớn húc vào cổng thành trong tấn công ở Tam Quốc Diễn Nghĩa. Tức là dòng nước xoáy, có gỗ trong đó, nên sức mạnh của nó là vô tận. Đó là lý do để thị trấn Mù Căng Chải hay thị trấn Ba Khe bị xoá sổ nhiều công trình kiên cố trong tích tắc.
Cả cột điện gãy như que đóm, cả búi tre khổng lồ cũng trôi vèo vèo. Trường học kiên cố bê tông cốt thép cũng lật nhào, vỡ vụn. Sức mạnh đó, tôi muốn gọi là sự trả vố của thiên nhiên với lối ứng xử ích kỷ, nhẫn tâm và thiếu kiến thức của con người.
Điều nữa cần nhấn mạnh đặc biệt ở đây: là cần thay đổi tập quán của bà con vùng cao, khi rừng già đã cay đắng bị phá cơ bản. Tức là từ thượng cổ bà con vẫn chọn nơi sạch sẽ, tốt tươi ven các dòng nước lớn (sông, suối) để định cư. Điều này đã trở thành tập quán, thành nét văn hoá. Nhưng nó là văn hoá yên bình trong thời rừng chưa bị phá và mẹ thiên nhiên chưa nổi giận.
Nay, dù chẳng ai muốn, nhưng sự thật đã khác. Bà con cần cảnh giác, tránh việc bố trí dân cư ở ven sông suối có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Các điểm đen này đã được cảnh báo. Nó còn được cảnh báo cao hơn, khi mà giá đất tăng cao, bà con chen chân vào ven suối và những chỗ bằng phẳng. Họ xây dựng công trình kiên cố lấn át dòng chảy, án ngữ đường thoát của sông suối. Khi lũ về, lũ bùn, lũ ống sẽ đòi lại dòng chảy của nó, thế là thảm hoạ xảy ra.
Câu chuyện chính quyền ở Mù Căng Chải đã tính chuyện nổ súng cảnh báo để kiên quyết yêu cầu người dân di dời khỏi khu vực điểm đen sạt lở không còn là "huyền thoại" nữa. Nó là bài toán sống còn trong thời buổi "tay nôi" rừng già bị cạo trọc bây giờ.
Nói đi cũng phải nói lại, tất nhiên, một phần là do biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nhưng biến đổi khí hậu không phải là thứ trời ban hay đất tặng, nó lại chính là hậu quả nhãn tiền từ chính việc con người đã huỷ hoại hành tinh mình đang nương náu.(An Ninh Thế Giới 1/11) đầu trang(
Theo định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, bên cạnh du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái được Bạc Liêu tập trung, đầu tư khai thác phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bạc Liêu có tiềm năng, lợi thế rất lớn để đầu tư, khai thác và phát triển loại hình du lịch sinh thái với bờ biển dài 56km cùng các dự án phát triển điện gió rừng phòng hộ; khu du lịch sinh thái: Hồ Nam, Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu), Cái Cùng (huyện Hòa Bình), ven biển Gành Hào (huyện Đông Hải); khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim (thị xã Giá Rai, huyện Phước Long, thành phố Bạc Liêu)…
Một số khu du lịch sinh thái và khu bảo tồn thiên nhiên đều nằm gần trung tâm thành phố Bạc Liêu, đồng thời cũng gần các khu du lịch tâm linh thuận tiện cho việc đi lại, tham quan và lưu trú như Vườn chim Bạc Liêu cách trung tâm thành phố khoảng 4km, nằm sát khu du lịch Nhà Mát và khu du lịch Quán Âm Phật Đài. Vườn chim này có lịch sử đây hơn 100 năm, được hình thành bởi sự bồi tụ tự nhiên từ thảm thực vật ven biển Đông, với tổng diện tích 125ha.
Ông Lê Chí Linh, Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn chim Bạc Liêu cho biết, vườn chim là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích lớn, hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều động vật hoang dã quí hiếm.
Đến tham quan, khám phá Vườn chim Bạc Liêu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hơn 100 loài chim, trong đó có 9 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; hơn 180 loài hệ sinh vật của rừng ngập mặn… Bởi thế, các năm 1986 và 2014, Vườn chim Bạc Liêu được đưa vào danh sách các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam.
Nằm cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 6km về hướng Nam, khu du lịch sinh thái vườn nhãn cổ Bạc Liêu ngút ngàn xanh tốt kéo dài trên 10km đi qua hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) với diện tích 230ha có tuổi thọ trên trăm tuổi.
Đây là vườn nhãn đặc biệt nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, là niềm tự hào của người dân địa phương và còn là điểm thu hút khách thập phương đến tham quan. Anh Nguyễn Ý Nhạc (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Vườn nhãn cổ khá đặc biệt bởi ở đây tập hợp một quần thể những cây nhãn cổ có tuổi thọ trên trăm năm chứ không phải chỉ một hoặc hai cây. Khi đến đây, chúng tôi được thư giãn dưới bóng cây râm mát với những tiếng ca, câu hò đờn ca tài tử, được thưởng thức loại trái cây cũng như món bánh xèo nổi tiếng của vùng đất này”.(Tin Tức 1/11)đầu trang(
Đầu tư phát triển du lịch biển, đầm phá đang là hướng đi của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, do đầu tư thiếu đồng bộ và chậm quy hoạch trong công tác phát triển du lịch biển, đầm phá nên vẫn chưa phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch vốn có của mình.
Ngoài các đơn vị đã đầu tư vào Huế cách đây hàng chục năm về trước như: Công ty cổ phần du lịch Hương Giang, Thanh Tân, Cố Đô và hệ thống nhà nghỉ của khách sạn công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh)... Những năm nay, Huế đã có thêm các dự án đầu tư nước ngoài đến triển khai xây dựng trong lĩnh vực du lịch, điển hình như khu du lịch Laguna Huế có tổng số vốn đầu tư 875 triệu USD đã được khởi công từ tháng 8/2009 trên vùng vịnh Lăng Cô thuộc khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Khu du lịch Laguna Huế là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất hiện nay ở Thừa Thiên - Huế do Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) làm chủ đầu tư. Khi hoàn tất, Laguna Huế sẽ có 7 khu khách sạn cao cấp với 2.000 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1.000 căn nhà, khu trung tâm hội nghị, mua sắm quốc tế, sân gofl cùng nhiều hạng mục khác để phát triển du lịch, trên tổng diện tích khoảng 280 ha.
Thừa Thiên Huế còn có diện tích đất ngập mặn ở đầm phá và ven biển rất lớn, chủ yếu là vùng rú chá Hương Phong (thị xã Hương Trà); Cảnh Dương và đầm Lập An, Lăng Cô (huyện Phú Lộc), Tân Mỹ (huyện Phú Vang).
Do diện tích rừng ngập mặn còn lại ít nên việc trồng rừng ngập mặn để tái tạo và phục hồi, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển rất được tỉnh chú trọng. Theo quy hoạch, việc trồng rừng ngập mặn ở Hương Phong đồng thời với việc phát triển các ngành dịch vụ, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái kết nối với hệ sinh thái bền vững vùng đầm phá Tam Giang.
Trên cơ sở đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung vào bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tôn tạo tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, làm tiền đề cho phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống...
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định và cho rằng, quản lý nhà nước về biển, đảo, đầm phá là lĩnh vực mới.Các hoạt động thuộc phạm vi biển, đảo và đầm phá lại do nhiều ngành thực hiện, chịu sự chi phối của nhiều văn bản pháp luật khác nhau.
Do đó, công tác quản lý vùng bờ mang tính tổng hợp đòi hỏi phải được sự phối hợp thống nhất của đa ngành, tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác tài nguyên môi trường mới đạt được kết quả. Với tinh thần đó, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển kinh tế biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên - Huế, và Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 để góp phần nâng cao ý thức trong hoạt động khai thác tài nguyên bảo vệ môi trường biển, đảo; đồng thời nâng cao nhận thức trong công tác quản lý nhà nước về biển đảo và đầm phá.(Tài Nguyên & Môi Trường 1/11)đầu trang(
Rừng vàng biển bạc. Những hộ dân nhận khoán đất rừng phòng hộ ven biển An Biên - An Minh (Kiên Giang) đang có cả hai yếu tố này để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu bằng việc phát triển rừng và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng.
Mô hình nuôi tôm sú - sò huyết dưới tán rừng ngập mặn do chương trình ICMP - (chương trình Bảo vệ tổng hợp vùng ven biển do Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ) phối hợp với Chi cục Thuỷ sản Kiên Giang và Ban Quản lý rừng An Biên - An Minh tổ chức thực hiện từ năm 2016 - 2017 tại 2 xã Đông Hưng A và Tân Thạnh (huyện An Minh) đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Tổng cộng có 20 hộ nông dân nòng cốt ở 2 xã trên được chọn để tham gia thí điểm mô hình.
Tham gia mô hình, các hộ nông dân được cán bộ kỹ thuật tập huấn chuyên đề về: Vai trò của rừng trong nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật nuôi sò huyết dưới tán rừng và nâng cao năng lực quản lý tổ hợp tác, ý thức cộng đồng cùng quản lý mô hình tôm - sò rừng.
Từ nguồn vốn của chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), Ban Quản lý rừng An Biên - An Minh đã hỗ trợ cây giống và san ủi mặt bằng trong ao để nông dân phát triển thêm rừng đước.
Bước đầu, 20 hộ đã tiên phong trồng được 10,7ha rừng ngập mặn trong vuông tôm - sò, tăng thêm 23% diện tích rừng trong nhóm hộ và nâng diện tích rừng lên 34,7% so với ban đầu là 11,4%. Tuy chưa đạt diện tích rừng theo quy định trong việc giao nhận khoán rừng với địa phương (tỷ lệ 70% rừng, 30% ao nuôi trồng thủy sản) nhưng kết quả cũng thể hiện được nhận thức của người dân về vai trò của rừng đối với môi trường sống; đặc biệt là đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản dưới tán rừng nhờ sản lượng thu được tăng hơn so với nhiều năm qua trong khu vực.
Nhờ sự hỗ trợ của chương trình ICMP về con giống sò huyết và các hoạt động chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm - sò, Chi cục Thuỷ sản Kiên Giang đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm - sò dưới tán rừng cho 20 hộ dân, phối hợp thu mua sò giống đúng quy chuẩn cũng như theo dõi diễn biến tăng trưởng và nguồn nước trong ao nuôi.
Đặc biệt nhờ gia tăng được diện tích rừng, tạo được độ mát bước đầu cho mặt ao nuôi kết hợp với chế độ điều tiết nước phù hợp đúng kỹ thuật đã tạo được hiệu quả tốt cho việc nuôi tôm - sò dưới tán rừng ngập mặn.
Ông Nguyễn Sỹ Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết: “Sau gần một năm thả nuôi, năng suất bình quân các hộ thu hoạch đạt được 2.403kg sò huyết/ha (tăng gấp 2 lần so với thời điểm trước khi có dự án là năm 2015) và 246kg tôm sú/ha (tăng 2,8 lần so với trước dự án). Doanh thu đạt khoảng 210 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận còn lại khá cao, trung bình đạt gần 150 triệu đồng/ha”.
Hiệu quả của mô hình đã giúp người dân thấy được lợi ích của công tác bảo vệ rừng kết hợp với nuôi trồng thủy sản, qua đó góp phần bảo vệ và phát triển rừng. Mô hình nuôi tôm - sò dưới tán rừng ngập mặn tại huyện An Minh không những cải thiện đáng kể sinh kế người dân mà còn góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu nhờ từng bước gia tăng diện tích rừng ngập mặn.(Nông Nghiệp Việt Nam 1/11)đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Với mục đích giúp bà con có thêm thu nhập, đồng thời tăng độ che phủ của rừng trên địa bàn, huyện Nam Trà My đã triển khai thực hiện đề án quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, việc phát triển rừng, đặc biệt là rừng cây giổi xanh, được người dân tích cực tham gia.
Ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, để từng bước tăng cường độ che phủ của rừng trên địa bàn, cũng là cách để tạo sinh kế cho người dân bản địa, UBND huyện đã lập đề án trồng rừng, phục hồi rừng cây bản địa và bảo vệ rừng trên địa bàn triển khai từ năm 2016 đến nay. Qua hơn một năm thực hiện, người dân đã khoanh nuôi bảo vệ rừng tái sinh với các loại cây như giổi, ươi, chò nâu, sao đen...
“Đề án chú trọng vào việc khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát triển sản xuất các sản phẩm từ cây trồng như hạt giổi, gỗ giổi, hạt ươi, hạt quế  gắn với bảo vệ và phát triển rừng trồng theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô.
Vì vậy, người dân rất đồng tình với chủ trương này” - ông Hải cho biết. Theo đó, hơn 2.500ha đất trống không có cây gỗ tái sinh tại các xã Trà Cang, Trà Dơn, Trà Don, Trà Leng, Trà Nam, Trà Tập, Trà Mai, Trà Vân, Trà Vinh và Trà Mai sẽ được hỗ trợ các loại giống cây giổi, chò nâu, ươi, lim xanh, sao đen để trồng trên diện tích này.
“Theo kế hoạch, mỗi năm trồng 645ha, sau 4 - 5 năm, huyện sẽ hoàn thành kế hoạch. Đây cũng là thời gian các loại cây bắt đầu cho thu hoạch, nhất là loại cây giổi xanh” - ông Hải nói thêm. Bởi cây giổi xanh cho hạt khi đạt độ tuổi 5 năm, theo giá thị trường hiện nay, khoảng 1,5 triệu đồng/kg.
“Mỗi cây đến độ ra hạt có thể cho hàng chục cân hạt giống, đấy là nguồn thu nhập rất lớn cho bà con. So với cây keo, cây giổi xanh đem lại hiệu quả cao hơn nhiều, lại giữ được rừng chứ không phải chặt đi” - ông Hải thông tin thêm.
Hơn 2.000 cây giổi giống đã được cung cấp cho người dân trên địa bàn trồng và chăm sóc. Đến nay, diện tích rừng giỗi phát triển rất tốt, cao bằng đầu người. Theo ông Hồ Văn Hai ở thôn 4, xã Trà Leng, gia đình ông đã trồng cây giổi để thay thế cho những loại cây trồng khác, phát triển rất tốt. “Hy vọng trong tương lai không xa, nó sẽ đem lại cho gia đình  mình nguồn thu nhập ổn định” - ông Hai hồ hởi.
“Mục tiêu của đề án quản lý, bảo vệ rừng là vừa giữ được rừng, vừa tạo sinh kế, và thu nhập cho người dân địa phương. Ở Nam Trà My, ngoài cây sâm Ngọc Linh, người dân chủ yếu dựa vào các loại cây khác như chuối, quế và các loại cây dược liệu... Vì vậy, việc phát triển cây giổi là một hướng đi triển vọng, bởi nó tạo tán rừng, sau này có thể di thực cây sâm Ngọc Linh để trồng” - ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết.
Theo đề án này, đối với các hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng sẽ được trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo, tại thời điểm trợ cấp trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Bên cạnh đó, người dân khi tham gia trồng rừng cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, mỗi người dân tùy theo loại rừng trồng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hay khoanh nuôi, tái sinh rừng) sẽ có mức hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, khi tham gia trồng rừng, người dân sẽ có rất nhiều cơ hội để cải thiện được đời sống, kinh tế gia đình của mình.(Báo Quảng Nam 31/10)đầu trang(
Tham gia Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại Việt Nam-FFF, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Yên Bình (Yên Bái) đã chuyển đổi từ quản lý rừng truyền thống sang quản lý rừng bền vững theo các tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng thế giới  và có thu nhập tăng.
Trao đổi với NTNN về tình hình địa phương, bà Đào Thị Tâm – Chủ tịch Hội ND huyện Yên Bình (Yên Bái) cho biết, toàn huyện có 42.827ha đất lâm nghiệp rất có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc khai thác tiềm năng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện chưa thực sự hiệu quả. Giá trị kinh tế từ rừng chưa cao, năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp.
Cùng với đó, công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng đa phần nhỏ lẻ, đầu tư chưa đồng bộ, chưa tạo được chuỗi liên kết trong phát triển sản xuất lâm nghiệp và chưa thu hút được nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất lâm nghiệp.
Năm 2015, trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại, Hội ND huyện Yên Bình đã thí điểm triển khai dự án quản lý rừng bền vững với dự kiến năm 2016 sẽ có 2.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC (tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng Quản trị rừng thế giới cấp). Hội ND huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần Lâm sản Nam Định để đầu tư kinh phí hỗ trợ tiến tới cấp chứng chỉ rừng FSC cho các nhóm hộ trồng rừng tại huyện Yên Bình.
Hội ND đã phối hợp với đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá nhu cầu tham gia FSC của các nhóm hộ; tổ chức tập huấn 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí FSC cho 5 nhóm hộ trồng rừng tại các xã Tân Hương, Đại Đồng, Phú Thịnh, Thịnh Hưng và thị trấn Yên Bình. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn huyện đã có trên 1.737ha rừng chủ yếu là rừng keo thuộc sở hữu của 494 hộ đã được cấp chứng chỉ FSC.
“Hiện nay, giá gỗ FSC được doanh nghiệp thu mua tăng thêm tối thiểu 150.000 đồng/m3 so với gỗ không có FSC. Năm 2016 các nhóm hộ trồng rừng trên địa bàn huyện Yên Bình đã khai thác trên 4.000m3 gỗ keo cho thu nhập tăng thêm 600 triệu đồng” - bà Tâm thông tin.
Là 1 trong 5 nhóm thực hiện dự án, Tổ hợp tác (THT) trồng rừng thôn Lem ở xã Phú Thịnh đã phát triển lên HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh. Anh Nguyễn Đình Hải – Phó Giám đốc HTX cho biết: THT thành lập tháng 3.2015, khi bắt đầu tham gia chương trình FFF. Đến đầu tháng 7.2017 chuyển đổi, thành lập HTX. Hiện HTX có 12 thành viên tham gia trồng 60ha keo, 100% thành viên áp dụng FSC.
“Trước đây bà con trồng rừng theo kiểu truyền thống. Tôi được đi thăm quan thực tế tại Quảng Trị. Nhận thấy lợi ích của việc trồng rừng theo tiêu chuẩn bền vững FSC, tôi đến từng nhà vận động bà con liên kết trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Bên cạnh việc bán gỗ giá cao từ 10 – 20% thì cấp chứng chỉ rừng FSC đã thay đổi căn bản thói quen trong trồng, chăm sóc rừng của người dân. Đó là loại bỏ hoàn toàn việc đốt thực bì khi chuẩn bị đất trồng rừng, không vứt bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi...” - anh Hải khẳng định.
Hiện HTX đã liên kết Công ty Hòa Phát xây dựng xưởng xẻ 1.000m2 với 10 máy xẻ đạt tiêu chuẩn CoC, mỗi tháng sản xuất 500 – 700m3 gỗ thành phẩm.(Báo Dân Việt 31/10)đầu trang(
9 ngôi mộ được bí mật di dời, chôn lấp trong rừng tràm biên giới tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã khiến chúng tôi tò mò lần tìm về danh tính của nó.
Như đã phản ánh, mới đây, chỉ trong một đêm, khu vực du lịch khoáng nóng (thuộc công ty Cổ phần Nước khoáng và Du lịch Sơn Kim) đóng tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã bí mật di dời 29 ngôi mộ vốn đã nằm trong khuôn viên này hàng chục năm qua.
Sự việc bị phát giác, địa phương tổ chức lần tìm thì phát hiện 29 ngôi mộ đã bị người của Khu du lịch Nước khoáng nóng tự ý chôn lấp trong rừng tràm của một hộ dân cạnh đó. Tuy nhiên, điều chúng tôi tò mò đó chính là danh tính của 29 ngôi mộ tại khu vực biên giới này.
Để giải mã ẩn số về những ngôi mộ vô danh ấy, chúng tôi đã gặp rất nhiều người dân địa phương. Họ cho biết, khu vực này trước đây là bãi gỗ đội 9 thuộc Lâm trường Hương Sơn cũ nay là công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch Vụ Hương Sơn có trụ sở đóng tại khối 4, thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn.
Lần theo thông tin từ người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Cẩn, nguyên Giám đốc Lâm trường Hương Sơn. Tiếp chúng tôi tại ngôi nhà số 01, nằm trên trục đường Nguyễn Du, TP.Hà Tĩnh, vị Giám đốc Lâm trường ngày nào vẫn còn rất minh mẫn, tinh anh mặc dù đã chạm tuổi 75.
Ông Cẩn cho biết, từ năm 1956, ông lên làm công nhân tại Lâm trường Hương Sơn. Ông đảm nhiệm chức vụ giám đốc kể từ năm 1969 đến năm 2001 thì về hưu. Thời điểm ông công tác ở đây, đã thấy có những ngôi mộ vô danh này tại bãi gỗ đội 9 (nay thuộc Khu du lịch Nước khoáng nóng).
“Vùng này trước đây dân rất thưa thớt, chủ yếu là người Lào qua làm ăn, giao thương, buôn bán tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo rồi ở lại. Những ngôi mộ này vốn đã có từ năm 1956 nhưng thời điểm đó không nhiều như thế, chỉ có một ít ngôi mộ thôi.
Đây là những ngôi mộ của người dân tộc Lào, có một số là người Việt Nam bị bệnh hoặc tai nạn khi đi làm qua khu vực cửa khẩu. Những ai có người thân thì được gia đình đưa về Lào chôn cất, một số không có người nhà đến nhận thì đã được chôn tại đây”, ông Cẩn cho biết.
Ông Trần Văn Hải, Chủ tịch UNBD xã Sơn Kim 1 cũng cho hay, ông không nắm rõ danh tính của 29 ngôi mộ này, tuy nhiên, được những người dân bản xứ cho biết, đây là những ngôi mộ của người Lào, một số là người Việt làm ăn sinh sống tại khu vực biên giới bị chết.
Do không có người thân nhận nên đã được người dân chôn lấp ngay tại khu vực này. Cho đến nay, vẫn không xác định được danh tính của những ngôi mộ này và cũng không có bất cứ người thân nào đến nhận.(Người Đưa Tin 1/11)đầu trang(
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đang xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý hoặc cố tình làm ngơ cho các hộ gia đình, cá nhân xây dựng các công trình trái phép trên đất lâm, nông nghiệp, khiến dư luận bức xúc.
Tại tờ trình của UBND xã Hải Nhân (Tĩnh Gia), ngày 18/8/2017, qua kiểm tra, phát hiện tại khu vực dọc đường đi sân bay Sao Vàng thuộc thôn Sơn Hậu có hộ ông Cao văn Minh (ở thôn Sơn Hậu) đang xây dựng một số hạng mục công trình: Nhà bảo vệ, nhà ở công nhân, sân bê tông, tường rào trên đất lâm nghiệp.
UBND xã đã phối hợp với Đội Kiểm tra quy tắc xây dựng tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi tự ý chuyển đổi đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Ngày 29/8/2017, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia Nguyễn Tiến Dũng có Quyết định 4894/QĐ-XPVPHC, xử phạt ông Cao Văn Minh (SN 1984, thôn Sơn Hậu, xã Hải Nhân) số tiền 15 triệu đồng, buộc tự tháo dỡ, di chuyển công trình, phần công trình xây dựng trên đất, khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Tuy nhiên, ông Minh không tự giác chấp hành, vẫn tiến hành hoàn thiện các hệ thống công trình đang xây dựng, kéo điện, đưa phương tiện máy móc về triển khai hoạt động một cách rầm rộ như muốn thách thức cơ quan chức năng.
Ngày 21/9/2017, UBND huyện Tĩnh Gia có Văn bản 2317/UBND-QTXD gửi Chủ tịch UBND xã Hải Nhân, trong đó ghi rõ: Theo báo cáo của Đội Kiểm tra quy tắc xây dựng, hiện nay, ông Cao Văn Minh vẫn không thực hiện việc nộp phạt vi phạm hành chính, đồng thời còn cố tình hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng. Việc để xảy ra vi phạm nêu trên trách nhiệm thuộc về UBND xã Hải Nhân, đứng đầu là Chủ tịch UBND xã không kiểm tra, phát hiện và có biện pháp xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm kịp thời.
Để xử lý dứt điểm vi phạm của ông Cao Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia yêu cầu: Chủ tịch UBND xã Hải Nhân tiếp tục đôn đốc ông Minh thực hiện nghiêm túc các nội dung yêu cầu tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan đoàn thể vận động ông Minh tự tháo dỡ công trình vi phạm. Nếu ông Minh không tháo dỡ công trình, UBND xã phối hợp với các phòng, ban liên quan hoàn chỉnh hồ sơ vi phạm, lập phương án cưỡng chế báo cáo phòng Tư pháp thẩm định trước ngày 5/10/2017 để trình Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm.
Theo quan sát của PV, hiện nay, gia đình ông Minh đã hoàn thiện các công trình vi phạm, xây dựng hệ thống tường rào bao quanh lấn chiếm hành lang an toàn của đường Nghi Sơn - Sao Vàng.
Thậm chí, ông Minh đã kéo điện về để tiến hành hoạt động băm, xẻ gỗ rất ngang nhiên. Hàng loạt xe chở gỗ nối đuôi nhau và đổ hàng tại đây mà không thấy lực lượng chức năng tới xử lý, ngăn chặn.
Việc xây dựng trái phép không chỉ có ở xã Hải Nhân mà còn diễn ra công khai tại xã Hùng Sơn (Tĩnh Gia). Thậm chí, ngay cả khi Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm thì 1 ngôi nhà khang trang vẫn mọc lên.
Theo hồ sơ tại Đội Kiểm tra quy tắc xây dựng, năm 2012, ông Nguyễn Văn Triêm (thôn Đông, xã Hùng Sơn) bị thu hồi đất để phục vụ việc thi công cầu. Gia đình ông Triêm đã được bố trí vị trí đất ở nơi khác. Thế nhưng gia đình vẫn cố tình ở lại và tiến hành xây dựng móng nhà trái quy định.Tháng 12/2012, chính quyền địa phương đã lập biên bản vi phạm hành chính.
Đến ngày 18/4/2013, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ban hành quyết định cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Triêm. Tuy nhiên, quá trình cưỡng chế kéo dài, phức tạp, chưa thực hiện được. Hiện nay, gia đình ông Triêm đã xây dựng xong ngôi nhà chiều dài 18,9m, rộng 12,7m, khiến dư luận đặt ra câu hỏi về sự tiếp tay, bảo kê cho hộ ông Triêm xây dựng trái phép.
Cũng tại xã Hùng Sơn, ông Nguyễn Như Vinh (thôn Cầu Đông) tự ý san lấp đất nông nghiệp, xây dựng hàng trăm m2 nhà xưởng để làm củi trấu.
Cũng như ông Vinh, ông Vũ Năng Lạc (thôn Liên Sơn, xã Hùng Sơn) tiến hành san lấp đất nông nghiệp trái phép, xây dựng nhà xưởng rộng 17,7m, dài 11m, cao 6m. Thế nhưng chính quyền địa phương chỉ lập biên bản vi phạm khi san lấp mặt bằng để đối phó với các cơ quan cấp trên chứ không hề xử phạt vi phạm hành chính hoặc đề nghị Chủ tịch UBND huyện (nếu vượt thẩm quyền) ban hành quyết định xử phạt, cưỡng chế theo quy định.
Để có thông tin 2 chiều, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ đặt lịch làm việc với Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn Cao Đình Tuân. Sau nhiều lần thất hẹn thì ông Tuận hẹn phóng viên vào làm việc. Tuy nhiên khi chúng tôi tới nơi thì phòng làm việc của ông Tuân cửa đóng then cài. Gọi điện cho ông Tuân thì ông cho biết đang đi họp không có thời gian tiếp nhà báo rồi tắt máy.
Ông Lê Duy Nhân, Đội phó Đội Kiểm tra quy tắc xây dựng Tĩnh Gia thừa nhận: “Việc người dân bất chấp quy định xây dựng trái phép diễn ra rất phức tạp. Nếu chính quyền địa phương không vào cuộc một cách quyết liệt, công tâm thì khi phát hiện ra, công trình đã hoàn thiện rất khó xử lý. Trường hợp vi phạm của ông Cao Văn Minh là có thật. Trước đây khu vực này là đất rừng, núi đá đi lại rất khó khăn, khi làm đường Nghi Sơn - Sao Vàng mới có đường vào. Chính quyền địa phương phát hiện vi phạm chậm và ngăn chặn chưa kịp thời. Gia đình cũng bất chấp các quy định để xây dựng trái phép. Chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo huyện xử lý triệt để trường hợp này, vì nó nằm trên hành lang tuyến đường trọng điểm của tỉnh. Còn các trường hợp vi phạm tại xã Hùng Sơn, đội quy tắc đang kiểm tra, lập biên bản để xử lý theo quy định. Trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu sẽ trình lãnh đạo huyện xem xét, xử lý đến đó”.(Thanh Tra 1/11)đầu trang(
Bộ NN&PTNT đã phối kết hợp để sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp giai đoạn 2015 – 2017.
Theo đó, tổng diện tích các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng trước khi sắp xếp lại là 2.366.397 ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 404.898 ha; đất lâm nghiệp 1.869.693 ha; đất phi nông nghiệp 35.368 ha; đất chưa sử dụng 1.458 ha.
Giá trị tài sản theo sổ sách của các công ty nông, lâm nghiệp là 53.125 tỷ đồng; bình quân lợi nhuận trước thuế ba năm (2014 – 2015 - 2016) là 2.174 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.779 tỷ đồng...(Đại Đoàn Kết 1/11)đầu trang(
UBND tỉnh Tuyên Quang đã có Báo cáo số 134 về tình hình quản lý và sử dụng đất tại các công ty (Cty) nông, lâm nghiệp, Ban Quản lý (BQL) rừng trên địa bàn tỉnh. Báo cáo cho thấy, còn nhiều tồn đọng, hạn chế.
Thực hiện Nghị định số 170/2004/NĐ-CP và Nghị định 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ, các Cty nông, lâm nghiệp, BQL rừng trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển. Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất được duyệt, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi, giao đất, cho các Cty nông, lâm nghiệp, BQL rừng thuê, quản lý, sử dụng 76.137,64ha đất. Diện tích đất các đơn vị bàn giao về địa phương quản lý theo quy hoạch được duyệt là 24.508ha.
Trước năm 2004, các Cty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đều chưa được lập hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phần lớn diện tích đất được giao quản lý, sử dụng đều chưa được đo đạc lập hồ sơ địa chính, việc rà soát, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mới chỉ thực hiện được tại Lâm trường Sơn Dương (nay là Cty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương) với diện tích cấp GCNQSDĐ là 8.909,94ha.
Toàn bộ diện tích đất đã được đo đạc lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/1000, 1/2000 đối với 3 Cty nông nghiệp và tỷ lệ 1/10000 đối với các Cty lâm nghiệp, BQL rừng. Trong đó diện tích các Cty lâm nghiệp, BQL rừng được giao, thuê là 74.206,07ha và các Cty nông nghiệp được giao, thuê 1.931,57ha.
UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ ra, trong 1.931,57ha đất giao, thuê cho các Cty nông nghiệp, có 2 trường hợp lấn chiếm đất của Cty Cổ phần Chè Mỹ Lâm với diện tích 0,02ha. Đối với Cty lâm nghiệp, BQL rừng, trong tổng diện tích đất các đơn vị đang quản lý, sử dụng có tới 1.049,71ha đất bị lấn, chiếm. Việc xử lý hiện gặp khó khăn do phần lớn đất bị chiếm đã có tài sản của các hộ gia đình, cá nhân, không thỏa thuận được với các hộ gia đình, cá nhân trong quá trình giải quyết.
Rà soát cho thấy, diện tích đất các Cty nông, lâm nghiệp, BQL rừng hiện đang quản lý, sử dụng là 75.742,49ha, giảm 395,15ha so với tổng diện tích đất được giao sau khi thực hiện sắp xếp đổi mới và phát triển, trong đó Cty lâm nghiệp, BQL rừng giảm 44,42ha, Cty nông nghiệp giảm 50,7ha. Nguyên nhân do UBND tỉnh quyết định thu hồi đất để thực hiện một số công trình, dự án phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành việc xây dựng phương án tổng thể về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Cty thuộc tỉnh và phê duyêt Đề án của 5 Cty TNHH một thành viên lâm nghiệp.
UBND tỉnh Tuyên Quang kiến nghị Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, đề xuất xem xét điều chỉnh một số quy định pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, để nâng cao hiệu quả hoạt động và xử lý những hạn chế trong tranh chấp, lấn chiếm đất nông, lâm nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 Cty nông nghiệp, 8 Cty lâm nghiệp, 1 trạm thực nghiệm giống cây lâm nghiệp và 2 BQL rừng, trong đó: tỉnh quản lý 3 Cty nông nghiệp, 5 Cty lâm nghiệp và 2 BQL rừng phòng hộ; Tổng Cty Giấy Bãi Bằng quản lý 3 Cty lâm nghiệp và trung tâm nghiên cứu và thực nghiệm cây nguyên liệu giấy Hàm Yên.(Thanh Tra 31/10)đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Hàng loạt vụ cháy rừng do gió gây ra vào ngày 8/10 tại vùng sản xuất rượu vang của California và thiêu rụi ít nhất 245.000 mẫu Anh (gần 100 nghìn hécta) trên một số quận phía Bắc khu vực Vịnh San Francisco.
Khoảng 100.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa khi ngọn lửa quét qua các khu lân cận. Các nhà chức trách cho biết gió mạnh làm đổ các đường dây điện và khiến lửa lan mạnh là nguyên nhân gây ra vụ cháy.
Khoảng 8.900 ngôi nhà và các công trình khác đã bị cháy rụi, bao gồm toàn bộ phân khu trong thị trấn Santa Rosa của Sonoma, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất.
Thư ký của Văn phòng Điều tra Quận hạt Sacramento cho biết nạn nhân mới nhất, Kressa Shepherd, 17 tuổi đã thiệt mạng vào hôm 29/10 tại một bệnh viện ở Sacramento.
Theo một trang web gây quỹ do người thân của nạn nhân này xây dựng, Kai, em trai 14 tuổi của Shepherd cũng đã qua đời cùng ngày. Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Mendocino sau đó cho biết đã phát hiện ra thi thể của cậu bé. Theo truyền thông địa phương, cha mẹ của hai chị em Shepherd bị bỏng nặng.
Việc bổ sung cái chết của Kressa Shepherd đã mang lại tổng số người tử vong từ cái gọi là lửa North Bay đến 43, bao gồm một lính cứu hỏa, đánh dấu sự mất mát lớn nhất của cuộc sống từ một sự kiện cháy rừng ở California.
Con số 43 người thiệt mạng do cháy rừng ở California đã cao hơn cả, vượt qua 29 nạn nhân trong vụ cháy coogn viên Griffith hồi năm 1933 ở Los Angeles và 25 người chết do vụ cháy ở Oakland Hills hồi năm 1991.(Tài Nguyên & Môi Trường 31/10)đầu trang(
Lần cuối cùng Trái Đất có nồng độ CO2 tương đương mức "đỉnh" của năm 2016 là cách đây khoảng 3 - 5 triệu năm.Theo Mirror, Tổ chức Thời tiết của Liên Hiệp Quốc vừa phát đi cảnh báo, nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển có tốc độ tăng kỷ lục trong năm 2016 - cao nhất trong 800.000 năm qua. Cụ thể, nồng độ CO2 trong khí quyển trung bình năm 2016 là 403,3 phần triệu (ppm), tăng so với mức 400 ppm của năm 2015.
Lần cuối cùng Trái Đất có nồng độ CO2 tương đương mức "đỉnh" của năm 2016 là cách đây khoảng 3 - 5 triệu năm, khi nhiệt độ ấm hơn 2 - 3 độ C và mực nước biển cao hơn hiện nay 10 - 20m. Chỉ tính trong 70 năm qua, tỉ lệ tăng CO2 trong khí quyển đã cao gấp gần 100 lần so với thời kỳ cuối cùng của kỷ nguyên băng hà, WMO cho biết.
Từ năm 1990 đến nay, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu đã nóng lên 40% do hiệu ứng khí nhà kính. Trong đó, chỉ tính riêng từ năm 2015 đến năm 2016 thì con số này đã chiếm 2,5%. Sự gia tăng dân số, phá rừng, công nghiệp hóa và sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch,... được cho là những nguyên nhân chính góp phần gây ra những hậu quả nói trên.
Erik Solheim, người đứng đầu Tổ chức Môi trường của Liên Hiệp Quốc nói: "Những con số này không biết nói dối. Chúng ta vẫn đang thải khí thải quá nhiều, và điều này cần phải được giải quyết. Trong vài năm gần đây, chúng ta đã  sử dụng nhiều năng lượng tái tạo nhưng bây giờ, chúng ta phải tăng gấp đôi, gấp ba nỗ lực ấy".
"Chúng ta có rất nhiều giải pháp để giải quyết thách thức này. Trước mắt, những gì chúng ta cần làm là ý chí chính trị trên toàn cầu và phải cảm nhận được sự sốt sắng thật sự", Erik Solheim nói thêm.
Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo, cần phải nhanh chóng cắt giảm CO2 và các khí nhà kính khác để tránh "sự gia tăng nhiệt độ đến mức nguy hiểm" mà có thể sẽ vượt giới hạn đã đề ra tới năm 2100. "Các thế hệ tương lai sẽ kế thừa một hành tinh khắc nghiệt hơn nhiều", Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nói.
"CO2 trong khí quyển vẫn còn trong khí quyển và trong các đại dương hàng trăm năm, thậm chí còn lâu hơn nữa. Trên lý thuyết, chúng ta sẽ phải đối mặt với một khí hậu nóng hơn và khắc nghiệt hơn trong tương lai", ông Petteri Taalas nói thêm.(Dân Việt 31/10)đầu trang(./.