Ngày 30 tháng 11 năm 2017
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI
BẢO VỆ RỪNG
Thông tin từ UBND huyện Lâm Hà cho biết, trong năm 2017, huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó, đã thành lập chốt quản lý bảo vệ rừng, tổ công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tại các xã Tân Thanh, Phú Sơn, Mê Linh và Phi Tô.
Tăng cường tuần tra, kiểm tra, tuyên truyền, vận động các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thôn Hang Hớt, xã Mê Linh không phá rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn xã Mê Linh và xã Phi Tô. Tuy nhiên, tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng vẫn còn diễn biến phức tạp.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng và các địa phương trong huyện đã phát hiện, xử lý 73 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; trong đó, phá rừng trái phép 45 vụ, vi phạm quyết định về khai thác gỗ và lâm sản 10 vụ, vận chuyển lâm sản trái phép 6 vụ, mua bán cất giữ lâm sản trái phép 9 vụ, vi phạm khác 3 vụ.
Cũng trong năm nay, cùng với diễn biến thời tiết thuận lợi, huyện Lâm Hà còn tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, bố trí lực lượng thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng nên trên địa bàn không xảy ra vụ cháy rừng nào.(Báo Lâm Đồng 29/11)đầu trang(
Ngày 29-11, Công an thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã lập biên bản, tạm giữ 2 xe cơ giới tham gia san ủi đất lâm nghiệp trái phép tại tiểu khu 157, thuộc phường 4, thành phố Đà Lạt.
Trước đó, sáng ngày 28-11, Hạt kiểm lâm Đà Lạt và lực lượng thuộc UBND phường 4 phát hiện và ngăn chặn 2 xe ủi san gạt đất trái phép. Tuy nhiên đến chiều tối cùng ngày ông Phạm Gia An (48 tuổi) và Đặng Phước Phụng (38 tuổi, cùng ở TP Đà Lạt) vẫn tiếp tục điều khiển 2 xe múc san ủi đất trái phép.
Sau khi tiếp nhận vụ việc, Công an TP Đà Lạt đã tiến hành xác minh, lập biên bản tạm giữ đối với những phương tiện tham gia san ủi đất trái phép.
Liên quan tới tình trạng phá rừng, san ủi đất trái phép tại tiểu khu 157, thuộc phường 4, TP Đà Lạt, Hạt kiểm lâm Đà Lạt cũng đã có đề nghị Công an TP Đà Lạt vào cuộc để xác minh, điều tra các đối tượng phá rừng có liên quan. Đồng thời cử lực lượng tăng cường mật phục vào ban đêm, ngoài giờ hành chính để ngăn chặn tình trạng rừng thông nội ô liên tục bị người dân phá, lấn chiếm đất rừng để bán. (Sài Gòn Giải Phóng 29/11)đầu trang(
Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất lương thực theo tập quán đốt nương làm rẫy nên vào mùa khô huyện vùng cao Trạm Tấu luôn là điểm nóng về cháy rừng. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp đồng bộ, mùa khô hanh năm 2016 -2017 trên địa bàn không xảy ra cháy rừng.
Huyện Trạm Tấu có trên 45.560 ha rừng, mùa khô kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, đây cũng là thời gian trọng điểm người dân phát rừng làm nương rẫy nên nguy cơ cháy rừng cao. Thống kê hàng năm cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng là do bà con đốt nương, làm rẫy để cháy lan vào khu rừng bên cạnh.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng, những năm gần đây phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được huyện triển khai sớm.Ngay trước mùa khô hanh huyện đã kiện toàn ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ huyện đến cơ sở. Tại các xã thành lập 12 tổ cơ động với 276 người tham gia; các thôn, bản đã thành lập 64 tổ đội bảo vệ rừng, PCCCR với 720 người, tham gia.
Tại 12 xã, thị trấn đã xây dựng lịch trực PCCCR, có ghi số điện thoại liên lạc của từng thành viên để kịp thời chỉ đạo theo phương châm 4 tại chỗ. Lực lượng kiểm lâm huyện tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi người dân thông qua nhiều hình thức như: phát tờ rơi, kẻ pa nô, áp phích. Tổ chức cho người dân các thôn bản học tập các tài liệu, quy định về bảo vệ rừng và PCCCR; ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR tới 64 cụm thôn, bản với 5.080 lượt hộ ký cam kết và học tập các văn bản của Nhà nước về công tác QLBVR-PCCCR.
Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác ở những nơi có nguy cơ cháy rừng cao để phát hiện lửa rừng và tổ chức lực lượng tham gia chữa cháy kịp thời khi có đám cháy xảy ra. Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên theo dõi diễn biến cấp dự báo cháy rừng để ra thông báo kịp thời cho ban chỉ huy các xã, các chủ rừng, chủ động PCCCR.
Một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế nạn đốt nương rẫy để cháy lan vào rừng huyện chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành rà soát thống kê nương rẫy của hộ gia đình đang sản xuất có nguy cơ cháy lan vào rừng và tổ chức hướng dẫn cho bà con đốt nương rẫy theo đúng quy trình kỹ thuật; ký cam kết với các hộ dân không đốt bãi chăn thả có nguy cơ cháy cao.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nên niên vụ 2016 - 2017 trên địa bàn huyện không xảy ra vụ cháy rừng nào. Tuy nhiên, công tác PCCCR trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, nhiều diện tích rừng giáp ranh với nhiều huyện như: Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải và các huyện Phù Yên, Bắc Yên, Mường La của tỉnh Sơn La xa dân cư, địa hình là các vách đá, núi cao là những nơi có nguy cơ xảy ra cháy cao, vậy nên việc tiếp cận các đám cháy là rất khó khăn. Mùa đông ở đây thường xuất hiện rét đậm, rét hại làm cho thảm thực vật chết khô hàng loạt là nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng.
Bên cạnh đó, do việc đốt nương làm rẫy, đốt đồng cỏ, bãi chăn thả gia súc, vào rừng săn bắn động vật, đốt lửa lấy mật ong vào buổi trưa những ngày nắng nóng, gió to, không làm đường băng cản lửa, không cử người canh gác, không tuân thủ tốt các quy định về PCCCR nên thường xảy ra cháy rừng. Một bộ phận người dân chủ yếu là làm nương rẫy, đời sống gặp nhiều khó khăn, nhu cầu sử dụng gỗ làm nhà, làm củi đun rất cao đây là khó khăn thách thức trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR.
Mùa khô 2017 - 2018, huyện Trạm Tấu triển khai các phương án PCCCR tại cơ sở rất quyết liệt. Lực lượng kiểm lâm về các địa bàn trọng điểm về cháy rừng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương, rẫy theo quy hoạch; duy trì công tác thông tin báo cáo công tác bảo vệ rừng, PCCCR kịp thời, chính xác.
Hạt Kiểm lâm huyện theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo cấp cháy rừng, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên phạm vi toàn huyện.
Giải pháp bền vững cho công tác bảo vệ rừng và PCCCR được huyện hướng tới đó là, sớm tiến hành quy hoạch vùng canh tác nương rẫy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tập quán canh tác để đảm bảo đời sống nhân dân yên tâm sản xuất, giảm áp lực vào rừng dần chấm dứt tình trạng phát nương đốt rẫy tùy tiện.(Báo Yên Bái 29/11)đầu trang(
Gắn với công việc chăm sóc động vật hoang dã tại Trạm cứu hộ thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn được gần 1 năm, chị Lê Thị Thảo (35 tuổi) đã dành tình yêu thương, sự chăm sóc đặc biệt cho các loài vật như người thân yêu của mình.
Đến Vườn Quốc gia Yok Đôn ta dễ nhận thấy tiếng chim kêu, vượn hót trong khu trạm cứu hộ sạch sẽ, tươm tất. Có được như vậy là nhờ công chăm, quản của chị Thảo. Chị vốn là nhân viên vườn ươm giống Phòng Khoa học và Quan hệ Quốc tế, cuối năm 2016, chị được điều động sang quản lý, chăm sóc động vật hoang dã tại trạm cứu hộ.
Những ngày đầu làm công việc mới, chị Thảo gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm trong việc chăm thú. Chị kể, công việc quét dọn chuồng trại, nhìn sơ qua là biết làm ngay, khó nhất là lên thực đơn hằng ngày. Hiện ở trạm có 5 con nai, 3 con khỉ, nhiều cá thể rùa, chồn, chim công…
Mỗi loài lại ăn thức ăn và liều lượng khác nhau, do vậy chị phải dành nhiều thời gian chuẩn bị để bảo đảm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho chúng. Loài nai thích ăn cây cỏ; khỉ lại thích củ quả; rùa, chim còn ăn cả cá và phổi bò nên chị lên hẳn danh sách để thay đổi món mỗi ngày.
Chuẩn bị xong thức ăn, chị Thảo lại tìm cách cho chúng ăn theo kiểu hoang dã. Như cho khỉ ăn, chị thường bỏ hoa quả vào hốc cây, xung quanh phủ lớp cây cỏ rồi treo lên cao để khỉ tự tìm lấy ăn. Sở dĩ làm như vậy vì động vật ở đây đã bị người dân nuôi nhốt khá lâu, mất khả năng tìm kiếm thức ăn nên nhân viên trong trạm phải dạy dần lại đến khi chúng phục hồi bản năng gốc sẽ thả vào rừng.
Mỗi con vật trong trạm đều có tên gọi riêng, trong đó có một con khỉ nhỏ được đặt tên là Thảo. Chị giải thích chú khỉ này rất hiền, gần gũi. Mỗi lần chị vào dọn chuồng khỉ thường nhảy lên người vuốt ve, tuốt tóc, lấy răng nhằn hết vết xước trên đầu móng tay khiến chị rất thương. Chuyên gia thú y nước ngoài thấy vậy liền lấy tên chị đặt cho chú khỉ con này.
Chị Thảo tâm sự, lần đầu tiếp xúc với các con thú, chị rất sợ, dần dần trong quá trình chăm sóc, chị nhận ra con vật nào cũng có tình cảm. Nếu ta yêu thương chúng như người thân quý của mình thì chúng cũng đáp trả lại bằng những cử chỉ đáng yêu, thân mật. Tuy nhiên trong quá trình chăm sóc, ta phải hết sức cẩn thận, nhất là lúc động vật đang vào thời kỳ sinh sản, thường trở nên hung dữ, bản thân chị cũng từng nhiều lần bị thú cào xước tay.
Nguy hiểm, vất vả với nghề chăm, quản thú là vậy nhưng chị Thảo rất yêu và gắn bó với công việc của mình. Đối với chị, chỉ cần những con thú khỏe mạnh thì bao vất vả, mệt nhọc đều xua tan đi. Mỗi ngày hai bữa bất kể nắng – mưa, chị Thảo đều có mặt từ rất sớm để vệ sinh chuồng trại, cho thú ăn, rồi tất tả chuẩn bị thực đơn cho ngày mai. Kể cả ngày lễ, tết chị vẫn không quên nhiệm vụ. “Nhà mình gần trạm nên cũng thuận lợi cho công việc.
Trừ những lúc đau ốm không gượng dậy được mình mới nhờ người cho ăn hộ. Còn không mình phải đến tự tay chăm sóc chúng mới yên tâm. Chăm chúng như chăm con mọn, không gặp chúng thì nhớ lắm. Mong sao chúng mau khỏe mạnh, tìm lại bản năng sinh tồn để trở về với tự nhiên. Dù rất nhớ nhưng dù sao đó mới là môi trường sống tốt nhất cho chúng sinh tồn, phát triển”, chị Thảo trải lòng.(Báo Đắk Lắk 29/11)đầu trang(
Cục Hải quan Hải Phòng cho biết lãnh đạo đơn vị vừa ký quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến tội buôn lậu gần 40 m3 gỗ hương.
Trước đó, ngày 29-9, Đội Kiểm soát Hải quan Hải Phòng đã tạm giữ lô hàng 39,924 m3 gỗ hương châu Phi đóng trong 2 container số CMAU0422166 và CMAU1021872, thuộc vận đơn số LGS0121180 vận chuyển từ Nigeria về cảng Hải Phòng trên tàu NORDLILY, nhập cảnh ngày 18-8.
Lô hàng do Công ty TNHH một thành viên kết nối hoàn hảo quốc tế (TP.HCM) làm thủ tục mở tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III.
Theo khai báo của Công ty, hàng hóa là gỗ “gõ bông lau” xẻ hộp, là mặt hàng không nằm trong danh mục của Công ước CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp).
Nhưng qua kiểm tra thực tế của lực lượng Hải quan và kết quả giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, hàng hóa là “gỗ Hương”, thuộc phụ lục II của Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã qui định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Theo quy định, hàng hóa nằm trong Phụ lục II khi buôn bán phải có giấy phép do cơ quan quản lý CITES của các nước thành viên (liên quan) cấp.(An Ninh Thủ Đô 28/11)đầu trang(
Ngày 27/11, Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa 5 tỉnh Bắc Kạn –Cao Bằng – Lạng Sơn – Thái Nguyên và Tuyên Quang đã được tổ chức tại Bắc Kạn.
Trong năm 2017, 5 tỉnh gồm Bắc Kạn - Cao Bằng - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Tuyên Quang đã thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng tại mỗi địa phương; tổ chức thực hiện tốt công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh, xây dựng và ký kết quy chế phối hợp bảo vệ rừng quy mô cấp tỉnh, huyện và đơn vị chủ rừng. Trong năm đã không có nhiều điểm nóng về phá rừng, cháy rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật như một số năm trước đây.
Tuy nhiên, các khu vực giáp ranh luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm hại rừng tự nhiên, khai thác gỗ quý hiếm trái phép; Việc mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật dưới nhiều hình thức với quy mô nhỏ lẻ vẫn còn diễn ra và chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, hội nghị đã dành nhiều thời gian đánh giá, phân tích các tồn tại, yếu kém; trao đổi, thảo luận và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản vùng giáp ranh trong thời gian tới.(Đài Phát Thanh Truyền Hình Bắc Kạn 28/11)đầu trang(
Sau khi vào cuộc điều tra, hạt kiểm lâm kết luận không có cơ sở để xử lý vụ người dân bắt hai con trăn quý ở ruộng mía thuộc huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An
Ngày 29/11, ông Lê Đình Bảy, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đã vào cuộc kiểm tra sau khi báo chí đăng tải việc người dân bắt được 2 con trăn gấm.
Trước đó, sáng 19/11, người dân xã Nghĩa Phúc khi đang thu hoạch mía ở cánh đồng giáp ranh với xã Tân An, huyện Tân Kỳ thì phát hiện một con trăn lớn đang cuộn tròn. Lập tức, hàng chục người bao vây đập chết con vật. Theo ước tính, con trăn này dài hơn 5m, nặng khoảng 30kg.
Đến ngày 20/11, cũng tại ruộng mía này, người dân tiếp tục phát hiện một con trăn khác nặng gần 20kg nên đã bắt sống. Cả 2 con trăn đều được người dân đem về bán cho chủ ruộng mía để nấu cao.
Theo ông Bảy, khi cán bộ kiểm lâm vào kiểm tra thì không phát hiện được con trăn nào, người dân không ai nhận mình là người bắt được.
“Do không tìm được nguồn gốc của 2 con trăn, ngoài ra hình ảnh người dân bắt đem bán và nấu cao 2 con trăn quý chỉ là thông tin trên mạng, nên lực lượng chức năng không có cơ sở để xử lý”, ông Bảy nói.
Tuy nhiên, thông tin từ người dân địa phương, đây không phải là lần đầu tiên mọi người phát hiện con trăn. Cách đây một năm, cũng có con trăn trườn xuống định ăn thịt dê nhưng bị người dân phát hiện đánh đuổi.
Được biết, trăn gấm được cho là loài bò sát dài nhất thế giới, kích thước có thể đạt từ 6 -7m, đầu dài, nhỏ, màu vàng nhạt hoặc nâu. Tại Việt Nam, trăn gấm phân bố ở Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Định...Trăn gấm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, thuộc nhóm động vật nghiêm cấm khai thác và sử dụng.(Người Đưa Tin 29/11)đầu trang(
Ngày 18/9/2007, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức công nhận 9 huyện miền núi phía tây Nghệ An là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn của tỉnh Nghệ An.
Sau 10 năm được công nhận, thực tế đã chỉ ra việc gìn giữ và phát huy danh hiệu vừa đảm bảo duy trì bền vững sự đa dạng sinh học trước yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương là khó khăn của cả thời gian qua và cũng là thách thức không hề nhỏ cho giai đoạn 10 năm tới.
Khu DTSQ miền tây Nghệ An có diện tích 1.299.795ha, với 3 khu rừng đặc dụng: Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu BTTN Pù Huống, Khu BTTN Pù Hoạt, là nơi hội tụ của nhiều hệ động, thực vật, với tính đa dạng sinh học, đa dạng các loài dược liệu.
Đây còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn mang đậm nét văn hoá đặc sắc của cộng đồng 6 dân tộc: Thái, Thổ, Kinh, Khơ Mú, Ơ Đu và H’ Mông.
Qua 10 năm xây dựng và phát triển, Khu DTSQ miền tây Nghệ An đã thực hiện tốt 3 chức năng: Bảo tồn, Phát triển và Hỗ trợ, nhờ đó mang lại hiệu quả rất lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn 9 huyện miền núi phía tây.
Khu DTSQ miền tây Nghệ An sau 10 năm được công nhận đã đạt được nhiều thành tựu là: Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức đã thu hút được sự tham gia của cộng đồng bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện tốt công tác quản lý BVR và bảo tồn đa dạng sinh học. Độ che phủ rừng đạt 66,3%, góp phần tăng độ che phủ rừng của tỉnh lên 57,2%. Nâng cao hiệu quả quản lý BVR, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen động, thực vật quý hiếm và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bảo tồn tốt các giá trị văn hóa, bản sắc truyền thống của cộng đồng các dân tộc miền tây xứ Nghệ, thúc đẩy phát triển lợi thế du lịch trong vùng nhất là phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Tăng trưởng kinh tế của khu vực trong các năm 2014-2016 đạt 8,04%. Thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng xuống còn 26,78%. Khôi phục làng nghề, lễ hội được thực hiện qua việc xã hội hóa...
Danh hiệu Khu DTSQ miền tây Nghệ An dần trở thành một "thương hiệu", một biểu tượng sinh động không chỉ ở sự đa dạng sinh học mà còn bao hàm cả tính đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc.Tuy nhiên, việc bảo tồn bền vững tính đa dạng sinh học trên diện tích hơn 800.000ha rừng và sinh kế bền vững cho hơn 900.000 người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn khó và rất nặng nề.
Để thực hiện tốt mục tiêu đang đặt ra: Phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong khu DTSQ nhưng phải gắn liền với việc phải bảo tồn bền vững tính đa dạng sinh học cả trước mắt và lâu dài là không hề đơn giản.
Theo ông Nguyễn Tiến Lâm, PGĐ Sở NN-PTNT Nghệ An, tại Khu DTSQ miền tây Nghệ An, hiện hai vấn đề trên đang có sự sự xung đột. Chẳng hạn: Nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế (thủy điện, thương mại, công nghiệp) ngày càng tăng, trong nhiều trường hợp, sự thay đổi diễn ra quá nhanh khiến người dân không kịp thích nghi với hoàn cảnh mới.
Việc phát triển rừng sản xuất, cây công nghiệp diễn ra nhanh trong những năm gần đây làm ảnh hưởng tới tính đa dạng sinh học và hành lang đa dạng sinh học của khu DTSQ.Mặc dù mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong khu DTSQ là chủ trương đúng và có tính tất yếu, nhưng nếu không được giải quyết thỏa đáng thì sẽ xung đột với yêu cầu bảo tồn bền vững sự đa dạng sinh học.
Theo đó, việc phát triển kinh tế - xã hội ra sao còn phải đảm bảo tốt nguyên tắc phải bảo vệ được môi trường cho Khu DTSQ; cũng như việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên để không bị cạn kiệt. Khi giải quyết được những xung đột kể trên, thì mới có thể đảm bảo tốt sự bền vững trong việc bảo tồn đa dạng sinh học...
Miền tây Nghệ An với 80% diện tích và 1/3 dân số của tỉnh, là địa bàn trọng điểm, chiến lược với 419km đường biên đặc biệt nhạy cảm với an ninh quốc phòng, nhiều huyện nghèo, xã nghèo, trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác phụ thuộc thiên nhiên…
Trong bối cảnh đó, có thể khẳng định “Nghệ An sẽ còn nghèo khi miền tây của tỉnh đang nghèo” là không sai. Bởi vậy, để giúp đồng bào thoát nghèo, nhất là làm gì để gần 1 triệu cư dân đang sinh sống trong Khu DTSQ vươn lên thoát nghèo ngay trong địa bàn cư trú của họ là câu hỏi khó tìm lời giải.
Vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta sẽ đưa ra cơ chế, chính sách gì để người dân ở đây vừa khai thác được tài nguyên thiên nhiên để phát triển theo hướng bền vững vừa có ý thức tự bảo vệ môi trường và tự giác tác động tích cực để nguồn tài nguyên thiên nhiên không bị cạn kiệt mà ngược lại còn phát triển ngày một bền vững hơn.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, theo ông Nguyễn Tiến Lâm, với 861.117ha (chiếm 66,3% diện tích Khu DTSQ) là rừng thì giải pháp phải bắt đầu từ rừng. Qua đó, chính quyền các cấp cần xác định: Mục tiêu để giảm nghèo bền vững cần đảm bảo sinh kế cho cộng đồng, tận dụng nguồn lực hiện có với các giải pháp đồng bộ về chính sách đối với đồng bào đang sống gần rừng, tạo điều kiện để họ có thể sống ổn định nhờ rừng... bằng việc “lồng ghép” để giải quyết các xung đột hiện có...
Đề nghị Chính phủ xem xét lại các vấn đề sau: Thứ nhất là nên mạnh dạn thực hiện chuyển đổi những diện tích rừng nghèo kiệt trong Khu DTSQ sang rừng sản xuất để giao cho người dân trong Khu DTSQ. Thứ hai là tiếp tục cho thực hiện Nghị định 167/2008/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cho những hộ chưa có nhà để họ an cư lạc nghiệp, phát triển sản xuất...
Điều quan trọng thứ ba, để Khu DTSQ làm tốt công tác bảo tồn bền vững tính đa dạng sinh học, bắt buộc chính quyền phải tạo được sinh kế cho người dân đang sinh sống trong Khu DTSQ. Tạo được sinh kế cho người dân thì mới giúp họ giảm nghèo nhanh và bền vững. Đây là điều kiện tiên quyết để bà con không tác động tiêu cực vào tính đa dạng sinh học trong Khu DTSQ.
Yếu tố thứ tư, là phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển hình thức du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để thu hút du khách trong và ngoài nước về Khu DTSQ. Một khi lượng du khách về Khu DTSQ tăng thì các loại hình dịch vụ tại chỗ mới có điều kiện phát triển thì mới giúp người dân tăng thêm thu nhập...
Nghệ An đã có một số làng nghề mây tre đan, dệt thổ cẩm, làm hương trầm trong Khu DTSQ... nhưng chưa nhiều, sản phẩm lại chưa mang đậm dấu ấn bản địa và nhất là không có đầu ra và chưa đem lại thu nhập cao cho họ nên không thu hút được họ khi nhân mô hình ra diện rộng.
Thực hiện quy định của UNESCO, năm 2016 và 2017 UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu DTSQ, Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan cộng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế tiến hành đánh giá định kỳ 10 năm, rà soát toàn dịên quá trình vận hành Khu DTSQ.
Quá trình đánh giá đã xem xét toàn diện mục tiêu, tầm nhìn, chính sách, chức năng, quy mô và sự tham gia của cộng đồng trong quản lý Khu DTSQ. Đồng thời thảo luận về những hạn chế, thách thức, cơ hội và giải pháp để phát huy tốt 3 chức năng: Bảo tồn, Phát triển, Hỗ trợ của Khu DTSQ trong tương lai.
Trong luân kỳ tiếp theo Khu DTSQ miền tây Nghệ An đã xác định tầm nhìn: “Tiếp tục duy trì và phát triển giá trị đa dạng sinh học phong phú của khu vực, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo và đa dạng của 5 nhóm dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, thiết lập và duy trì hành lang đa dạng sinh học kết nối 3 vùng lõi, xây dựng Khu DTSQ thành mô hình phát triển bền vững góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh, của quốc gia và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc” – (Báo cáo đánh giá định kỳ 10 năm Khu DTSQ miền tây Nghệ An 2007-2017).(Nông Nghiệp Việt Nam 29/11)đầu trang(
Cây cổ thụ bị tạm giữ cùng phương tiện nhiều ngày qua nhưng phía lãnh đạo đơn vị này vẫn chưa tới được hiện trường để xác minh về nguồn gốc...
Theo người dân đang sinh sống tại khu vực xã Thanh Tân, huyện Như Thanh cho biết, vào lúc 19g ngày 27-11, họ phát hiện xe ô tô BKS 36M-000.69 của Kiểm lâm huyện Như Thanh áp tải một xe ô tô cẩu BKS 36C- 127.67 chở theo một cây cổ thụ có đường vanh trên 200cm, dài hơn 10m đi từ khu vực địa bàn ngã ba Thanh Tân, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh chạy qua địa bàn huyện Nông Cống và đỗ ở cửa cơ quan kiểm lâm huyện Như Thanh.
Sau 2 ngày vào cuộc điều tra nguồn gốc nhưng lạ thay phía lãnh đạo kiểm lâm Như Thanh vẫn chưa xác định được địa điểm cây cổ thụ trên được đào ra từ đâu.
Trao đổi với PV ngày 28-11, ông Lê Thanh Ngợi, Hạt trưởng kiểm lâm huyện Như Thanh cho biết, phía kiểm lâm ngày mai mới vào địa bàn thôn Tiền Tiến, xã Thanh Tân, để xác định xem có đúng cây cổ thụ này được lấy từ đây ra không, có đúng là cây thuộc của vườn nhà trông, chăm bón không thì mới xử lý được.
"Nếu đúng họ có công chăm bón, thuộc vườn nhà họ trồng mà thiếu thủ tục thì xử lý cho họ đi. Còn cây đó chở cho anh nào ở TP thì tôi không rõ. Mai tôi sẽ đi xác minh"- ông Ngợi nhấn mạnh.
Trao đổi thông tin trên tới ông Nguyễn Văn Vân, Trưởng Phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, ông Vân cho biết là cũng được phía Kiểm lâm Như Thanh báo cáo sáng nay về vụ cây cổ thụ này. Theo ông Vân, vấn đề này thuộc thẩm quyền xử lý của Hạt, nghe đâu xử phạt mấy triệu đồng.
Liên quan đến việc cấm buôn bán, vận chuyển cây cổ thụ do UBND Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quy định trước đó. Tuy nhiên, cây cổ thụ trên được nhiều người dân cho biết cây này được mua tại Thanh Tân, Như Thanh với giá 80 triệu đồng. Người được cho là chủ sở hữu này có tên là Kính.Hiện cây cổ thụ trên vẫn đang được trông giữ tại Kiểm lâm Như Thanh.(Pháp Luật & Xã Hội 29/11)đầu trang(
Nắm giữ hơn 71.000ha rừng trên tổng diện tích tự nhiên 250.790ha, Mường Nhé là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất toàn tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, câu chuyện giữ rừng ở đây trở nên “nóng” hơn bao giờ hết trong một vài năm gần đây, do nạn di dịch cư tự do vào địa bàn.
Kế hoạch 420/KH-UBND của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư ngoài kế hoạch trên địa bàn huyện Mường Nhé, ban hành ngày 22/2/2017 được xem như “tấm lá chắn” hữu hiệu và kịp thời lấy lại sự bình yên cho những cánh rừng nơi đây.
Ngày 1/3/2017, ngay khi kế hoạch 420 của UBND tỉnh được triển khai, gần 500 cán bộ, chiến sỹ các lực lượng, trong đó nòng cốt là Công an tỉnh, đã được tăng cường vào huyện Mường Nhé. 7 tổ công tác nhanh chóng được thành lập, trong đó 6 tổ trực tiếp xuống cơ sở phụ trách địa bàn 11 xã và 1 tổ thường trực tại trung tâm huyện.
Trọng tâm được xác định là các địa bàn trọng điểm, như: Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé… Công việc quan trọng đầu tiên là xác định số dân di cư mới vào huyện và tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, trở ngại đầu tiên các tổ công tác gặp phải là sự bất hợp tác của một bộ phận người dân. “Cuộc chiến” giữ rừng thực sự căng thẳng khi một số phần tử xấu kích động dân chống đối lại kế hoạch 420. Chúng vận động tín đồ trong bản gọi con em đang học tại các trường bỏ học về nhà, gây áp lực với chính quyền; yêu sách đòi được làm nương tại những diện tích đất rừng mới bị phá.
Với sự quyết tâm cao, lực lượng chức năng đã kiên quyết mạnh tay khi áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc, kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Trước sự cương quyết và cứng rắn, các đối tượng chống đối phải khuất phục. Cũng qua đó, người dân các địa bàn dần hiểu, đồng tình và tự nguyện ký cam kết không bao che, không bán, chuyển nhượng đất trái pháp luật cho người dân di cư và đặc biệt là không phá rừng.
Vượt qua các điều kiện kham khổ trong sinh hoạt và làm việc, đã có thời điểm, cán bộ, chiến sĩ các tổ công tác gần như không có thời gian nghỉ ngơi; băng suối, leo núi để đến điểm khai thác rừng trái phép và các điểm bản tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
Hơn 200 ngày “nằm gai nếm mật”, ráo riết vào cuộc, có hàng trăm cuộc họp dân, hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền đã đến tận tay từng hộ dân. Sự kiên trì, nỗ lực, những giọt mồ hôi, công sức của họ đã được trả công bằng sự ổn định về an ninh trật tự; tình trạng di cư vào địa bàn được ngăn chặn, và đặc biệt không phát hiện thêm vụ phá rừng mới nào; người dân các địa bàn ký cam kết không di cư tự do, không phá rừng trái phép.
Để giúp nhân dân ổn định cuộc sống, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, một trong những nhiệm vụ song song của kế hoạch được triển khai thực hiện hiệu quả, đó là cấp hộ khẩu, chứng minh thư và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đủ điều kiện; phát hiện, vận động và kiên quyết đưa về nơi ở cũ đối với số dân di cư ngoài kế hoạch mới vào địa bàn; đồng thời lên phương án bố trí đất sản xuất cho người dân ổn định cuộc sống. Tính đến hết tháng 9, cơ quan công an đã cấp trên 500 sổ hộ khẩu cho các hộ đủ điều kiện, đồng thời vận động, bố trí phương tiện cho gần 200 người về nơi ở cũ.
Hiện nay các lực lượng chức năng huyện Mường Nhé đang tiếp tục đẩy mạnh rà soát và kiểm đếm rừng, phân loại rừng trên địa bàn huyện, bổ sung những khu rừng không nằm trong 3 loại rừng này vào danh sách để tiếp tục khoanh nuôi, bảo vệ, giao cho người dân quản lý. Lên kế hoạch trồng và có chính sách cho người dân đối với những khu rừng mà đã phá, để người dân yên tâm ổn định cuộc sống.
Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, kế hoạch 420 đã thực sự mang lại hiệu quả khi tạo dựng nên “tấm lá chắn” hữu hiệu ngăn chặn rừng chảy máu. Tuy nhiên, để trả lại màu xanh cho những cánh rừng đã mất thì lại là “bài toán” lâu dài. Đó không đơn giản là nhiệm vụ, mà là thách thức rất lớn đối với Mường Nhé.
Mà trước mắt là mùa cao điểm phá rừng làm nương đang tới gần, lại cũng chính là thời điểm kế hoạch 420 kết thúc, các lực lượng chức năng rút quân khỏi địa bàn. Để thực sự tạo dựng được “tấm lá chắn” bền vững hơn bảo vệ những cánh rừng, thì lúc này sự chủ động và quyết liệt từ phía chính quyền địa phương là hết sức cần thiết.
Về lâu dài, một nguyên nhân sâu xa khiến những cánh rừng ở Mường Nhé “chảy máu” mà ai cũng dễ dàng nhận thấy đó chính là nạn di dịch cư tự do và thiếu đất sản xuất. Những kết quả kế thừa từ kế hoạch 420 đã minh chứng, chỉ khi tình trạng di cư tự do được ngăn chặn, quản lý chặt chẽ; người dân được bố trí đủ đất sản xuất, thì họ mới yên tâm ổn định cuộc sống. Và đó chính là “tấm lá chắn” bền vững nhất để bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng Mường Nhé!(Báo Điện Biên Phủ 29/11)đầu trang(
Dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên, khôi phục và phát triển bền vững rừng Tây Nguyên nhưng thời gian qua, rừng ở đây vẫn bị tàn phá rầm rộ và gần như công khai
Từ nguồn tin người dân phản ánh về tình trạng phá rừng công khai như một công trường, những ngày cuối tháng 11, chúng tôi có mặt tại các cánh rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) quản lý.
Trong vai những người đi lấy lan rừng, chúng tôi đi bộ từ khu vực gần trạm bảo vệ rừng số 1 vào khu vực bãi gỗ lậu mà người dân giới thiệu là chỉ cách trạm bảo vệ rừng chỉ khoảng 5 km. Sau hơn 1 giờ đi bộ, chúng tôi gặp 3 người chặn lại dò hỏi và tỏ thái độ không tin chúng tôi là người đi lấy lan rừng.
Trước tình hình đó, phóng viên đã gọi điện cho ông Trương Văn Hồng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo, đề nghị cử lực lượng kiểm lâm đưa phóng viên tới hiện trường nhưng ông Hồng không đồng ý. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục men theo con đường mòn rộng khoảng 3 m, đá lởm chởm với những đoạn dốc thẳng đứng đến khu vực gần đỉnh ngọn núi cao nhất khu vực này.
Tại đây, đập vào mắt chúng tôi là một bãi tập kết gỗ cực lớn. Hàng chục hộp gỗ rỉ nhựa dài từ 3 đến 7 m, đường kính 30-60 cm đã được cưa xẻ vuông vắn nằm chồng chất lên nhau. Tiếp tục di chuyển lên đỉnh núi, thì bắt gặp vô số khúc gỗ xẻ đã được tập kết tại một bãi đất trống. Nhiều dấu mùn cưa mới tinh nằm cạnh hàng trăm lóng gỗ vẫn còn chảy nhựa.
Xung quanh bãi khai thác, tập kết gỗ trái phép này còn dấu vết của những đống tro; chai, can đựng xăng dầu và những khúc gỗ cháy sém của lâm tặc để lại. Những chiếc máy cày, rơ-moóc độ chế dựng tại hiện trường khiến khu vực trông giống như một công trường khai thác gỗ khiến chúng tôi ngỡ ngàng.
Trong lúc chúng tôi đang đi quanh tìm hiểu bãi tập kết gỗ thì gặp lực lượng kiểm lâm huyện Ea H’leo và lực lượng bảo vệ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả. Những người này cho biết bãi tập kết gỗ nói trên đã được lực lượng phát hiện và khám nghiệm khoảng một tuần trước đó nhưng vẫn chưa đưa ra khỏi rừng được nên phải cử lực lượng bảo vệ hiện trường, tang vật. Đáng nói, hiện trường bãi tập kết gỗ chỉ cách trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả hơn 5 km.
Không hiểu vì sao lực lượng bảo vệ rừng không phát hiện vụ phá rừng cực lớn này khi các dấu vết tại hiện trường cho thấy để khai thác, vận chuyển số lượng lớn gỗ ra bãi tập kết nói trên, lâm tặc không thể làm trong một vài ngày và phải cần đến máy móc.
Trời sập tối, chúng tôi nhanh chóng rời khỏi hiện trường vì lo sẽ gặp nguy hiểm. Sau khi xuống được khoảng 1/2 chặng đường thì có một cán bộ bảo vệ rừng được người dân chở chạy theo thông báo vừa nhận được chỉ đạo của giám đốc công ty yêu cầu đưa phóng viên ra xe chứ rất nguy hiểm (?).
Để làm rõ những câu hỏi liên quan đến vụ khai thác gỗ nói trên, sáng 28-11, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông An Ngọc Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả. Ông Tân cho hay ngày 22-11, khi lãnh đạo công ty đang phối hợp với đoàn liên ngành đi phá các lò than trên địa bàn thì nhận được tin báo của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Ea H’leo cho biết có một bãi tập kết gỗ giữa rừng. Ngay lập tức, lực lượng công ty đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm đi kiểm tra.
Ông Tân cho rằng để xảy ra việc khai thác gỗ trái phép nói trên là trách nhiệm của chủ rừng chưa kiểm tra, nắm bắt kịp thời để có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ. "Vụ phá rừng diễn ra vào những ngày sau cơn bão số 13. Do trời mưa lớn, đường tuần tra nước chảy xiết nên anh em không thể đi tuần tra để phát hiện kịp thời. Tôi khẳng định không có chuyện lực lượng bảo vệ rừng làm ngơ cho việc phá rừng" - ông Tân nói.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo, vào ngày 21-11, hạt nhận được tin báo của người dân cho biết tại Tiểu khu 22, rừng giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả quản lý có gỗ tập kết. Hạt đã tổ chức lực lượng đi kiểm tra và phát hiện tại lô 3 khoảnh 3, lô 12 khoảnh 4 Tiểu khu 22 có một số bãi gỗ tập kết.
Qua kiểm tra phát hiện 2 đầu kéo xe máy cày, 2 rơ-moóc xe máy cày, 2 xe cày tay, 1 xe máy, 2 cưa xăng do các đối tượng bỏ lại. Gần hiện trường tập kết gỗ có các gốc cây mới chặt hạ, có dấu vết kéo gỗ về chỗ tập kết. Hạt đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả đo đếm được 126 lóng, hộp gỗ từ nhóm III đến nhóm VII với tổng cộng hơn 45 m3. Ngày 22-11, hạt đã mời công an, VKSND huyện, công ty, UBND xã Ea H’leo đi kiểm tra, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.
Cũng theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo, địa hình tập kết gỗ có dốc cao, đường đi lại rất khó khăn và chưa phát hiện được đối tượng khai thác gỗ. Cơ quan này nhận định đây là vụ khai thác, vận chuyển và tập kết gỗ quy mô lớn, có tổ chức cần điều tra làm rõ vụ việc. "Lực lượng kiểm lâm đã bắt được 3 đối tượng đang bốc gỗ lên xe, các đối tượng này khai nhận chỉ đi chở gỗ thuê. Sau đó, người thân của những đối tượng này đã tới bảo lãnh cho về" - ông Hồng cho biết thêm.
Chiều 28-11, trung tá Phùng Minh Trí, Phó trưởng Công an huyện Ea H’leo, cho biết cơ quan điều tra đã khám nghiệm hiện trường và đang chờ Hạt Kiểm lâm chuyển hồ sơ sang để xem xét khởi tố vụ án. Thường trực Huyện ủy cũng đã mời đại diện Hạt Kiểm lâm và công an huyện lên chỉ đạo hạt khẩn trương chuyển hồ sơ cho công an để làm rõ vụ việc.(Người Lao Động 30/11)đầu trang(
Gần 300 tác phẩm nhiếp ảnh về đa dạng sinh học của Việt Nam và Đài Loan trưng bày trong triển lãm ảnh với chủ đề “Nhịp đập đa dạng sinh học Việt Nam- Đài Loan.
Từ ngày 1-25/12/2017, tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội diễn ra triển lãm ảnh chủ đề “Nhịp đập đa dạng sinh học Việt Nam- Đài Loan”. Triển lãm do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Quốc lập Đài Loan tổ chức.
Triển lãm trưng bày gần 300 tác phẩm nhiếp ảnh về đa dạng sinh học của Việt Nam và Đài Loan, kết hợp với công nghệ trình chiếu và tương tác hiện đại phục vụ du khách tham quan.
Tại triển lãm, trong phần đa dạng sinh học Việt Nam giới thiệu về sự đa dạng sinh học của đất nước ta - một đất nước xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Thiên nhiên Việt Nam với nhiều hệ sinh thái: rừng, đầm lầy, sông suối, rạn san hô... đã tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài chim và động vật hoang dã trên thế giới.
Phần đa dạng sinh học của Đài Loan thể hiện qua những nhịp điệu của thiên nhiên, rừng đại ngàn, đại dương và thiên nhiên trong thành phố. Và cuối cùng là 4 câu chuyện về tình yêu thiên nhiên, về việc bảo vệ đa dạng sinh học đang diễn ra ở Đài Loan.
Triển lãm giúp người xem có dịp tìm hiểu về đa dạng sinh học của Việt Nam và Đài Loan. Góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn môi trường, cảnh quan, thiên nhiên hoang dã. Đồng thời đây cũng là hoạt động nhằm thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt là về lĩnh vực triển lãm giữa các Bảo tàng trong Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) mà Bảo tàng Hà Nội đã tham gia từ năm 2016. (Tin Tức 29/11)đầu trang(
Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn số 9771/BNN-TCLN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Mùa khô năm 2018 theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết bất thường ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân nói chung và đến sản xuất lâm nghiệp nói riêng.
Thời gian qua, bão, lũ đã làm nhiều diện tích rừng và thảm thực vật rừng bị gãy đổ, tạo lớp vật liệu cháy lớn, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao.
Để chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Thông báo số 511/TB-VPCP ngày 1/11/2017 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới”.
Chủ động thực hiện các quy định của nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 30/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Công điện số 1566/CĐ-BNN-TCLN ngày 22/2/2017 của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức đến mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Biểu dương, phát huy các nhân tố tích cực trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, nhằm nhân rộng và tạo sự lan tỏa gương người tốt, việc tốt trong cộng đồng dân cư.
Chỉ đạo các lực lượng liên ngành thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, các ngành liên quan thuộc tỉnh có các phương án đảm bảo lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần thường trực tại địa phương để sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng.
Các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, chính quyền các cấp tổ chức, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và cháy rừng xảy ra.
Triển khai các đợt kiểm tra, giám sát và đôn đốc công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các vùng trọng điểm, rà soát phương án và các biện pháp triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”.
Hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy theo quy hoạch. Tổ chức thường trực 24/24 giờ trong ngày, bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm, không để phát sinh nguồn lửa, phát hiện sớm điểm cháy và chỉ đạo quyết liệt huy động các lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời.(Đảng Cộng Sản VN 29/11)đầu trang(
Chiều 27-11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thủy Nguyên diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại khu vực núi Sơn Đào.
Tình huống giả định, vào lúc 14 giờ 50 phút ngày 27-11, khu vực rừng trồng phòng hộ môi sinh thuộc núi Sơn Đào ở thôn 3, xã Đông Sơn xuất hiện đám cháy diện tích 500 m2. Người dân khu vực gần đó phát hiện đám cháy, nhanh chóng báo cáo UBND xã Đông Sơn, UBND huyện và huy động lực lượng chữa cháy.
Tuy nhiên, do gió to, tàn lửa đám cháy bay sang khu vực khác làm phát sinh thêm đám cháy mới có cường độ mạnh, chiều cao ngọn lửa từ 3 m – 5 m; diện tích mỗi đám cháy hơn 1500 m2. UBND huyện Thủy Nguyên huy động Hạt kiểm lâm, phòng, ban chức năng của huyện và Phòng Cảnh sát PCCC số 6 đến hiện trường tham gia chữa cháy.
Do thời tiết khô hanh, gió thổi mạnh cấp 4 đến cấp 6, vật liệu cháy nhiều, lửa cháy lan trên diện rộng. Trước thực tế này, UBND huyện yêu cầu Ban chỉ huy quân sự, Công an huyện, UBND các xã Thủy Sơn, Hòa Bình triển khai lực lượng chữa cháy rừng. Nhờ phối hợp chặt chẽ, sau gần 2 giờ, các lực lượng dập tắt đám cháy hoàn toàn.Cuộc diễn tập diễn ra an toàn theo kế hoạch.(Báo Hải Phòng 29/11)đầu trang(
Sáng 28/2017, Chi cục Kiểm Lâm phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng IV tổ chức hội nghị ký kết quy chế phối hợp và triển khai nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng năm 2017.
Quảng Nam hiện có tổng diện tích đất quy hoạch cho Lâm nghiệp là 729.800 ha, với diện tích có rừng là hơn 608 nghìn ha, độ che phủ rừng đạt 56%. Trong năm 2017, các Hạt kiểm lâm tổ chức trên 430 lượt tuần tra, truy quét về khai thác khoáng sản trái phép; lập biên bản 715 vụ vi phạm; tịch thu hơn 190 nghìn mét khối gỗ tròn; Khởi tố 24 vụ án hình sự. Thu nộp cho ngân sách nhà nước hơn 5 tỷ đồng.
Công tác phát triển rừng được đơn vị đặc biệt chú trọng. Thông qua các chương trình, dự án bảo vệ, phát triển rừng, đã thực hiện khoán bảo vệ rừng phòng hội với diện tích 12.800 ha; khoanh nuôi tái sinh rừng với diện tích hơn 4500 ha; trồng rừng thay thế gần 1900ha...Trong năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh và đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây rừng lâm nghiệp tại các địa phương.
Tại hội nghị, Chi cục Kiểm Lâm Quảng Nam và Chi cục Kiểm lâm vùng IV ký kết quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý Lâm sản.(Đài Phát Thanh Truyền Hình Quảng Nam 29/11)đầu trang(
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Năm 2017, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân trong tỉnh đã chủ động khắc phục khó khăn, tổ chức tốt trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt là chương trình mục tiêu phát triển rừng. Nhờ đó, đã bảo vệ tốt được vốn rừng hiện có với 647.677,1 ha; mỗi năm trồng mới trên 10.000 ha rừng tập trung, hàng triệu cây phân tán các loại; đưa độ che phủ của rừng từ 36,5% năm 1999 lên 52,93% năm 2016.
Hưởng ứng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, trong năm 2017, Ban Quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai tỉnh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Chương trình hỗ trợ trồng cây phân tán trên địa bàn huyện Thường Xuân.
Thường Xuân thuộc 62 huyện nghèo của cả nước, có đường biên giới dài 17 km, giáp ranh với huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất lâm - nông nghiệp. Toàn huyện có 110.717,35 ha rừng và đất lâm nghiệp (huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn thứ 4 toàn tỉnh); địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông suối, đường sá đi lại khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, trình độ dân trí chưa cao, đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Việc hỗ trợ trồng cây phân tán trên địa bàn huyện sẽ nâng cao độ che phủ của rừng, tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và mang lại những giá trị đặc biệt về du lịch, nghỉ dưỡng, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững cho các hộ dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển chương trình lâm nghiệp bền vững trên địa bàn huyện.
Chương trình hỗ trợ trồng cây phân tán từ tiền dịch vụ môi trường rừng không xác định được lưu vực do Ban Quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai tỉnh triển khai thực hiện, trong đó: Ban quản lý quỹ hỗ trợ 340.000 cây giống cho các xã.
Loại cây trồng là cây keo tai tượng Úc. UBND huyện Thường Xuân xây dựng và chỉ đạo triển khai trồng cây phân tán theo kế hoạch; trong đó chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người dân; cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị tích cực hưởng ứng kế hoạch trồng cây phân tán của huyện.
Người dân các xã đóng góp công sức tổ chức trồng cây tại những diện tích đất trống trên nương, đất vườn nhà, trang trại, gia trại; đất ven sông suối, ao hồ, ven đường giao thông, trong khuôn viên công sở; trong đó ưu tiên trồng những điểm có diện tích lớn, tập trung... Kết quả bước đầu cho thấy, cây trồng phát triển bình thường, đang khép tán và dần phát huy tác dụng tạo cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái.
Trồng cây lâm nghiệp phân tán là trồng cây nhân dân, trồng cây xã hội phù hợp với khả năng, điều kiện sản xuất và nhu cầu của người dân được các tổ chức xã hội nhiệt tình ủng hộ và tích cực tham gia. Chương trình không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường sống.
Với chính sách hỗ trợ cây giống, động viên hợp lý và hiệu quả, mục tiêu phát triển cây phân tán trên địa bàn huyện Thường Xuân ngày càng được khẳng định thông qua chương trình hỗ trợ trồng cây phân tán từ tiền dịch vụ môi trường rừng được Ban Quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai tỉnh hỗ trợ.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang trong việc tuyên truyền, phát động, tạo thành phong trào để cán bộ, nhân dân hưởng ứng trồng, chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng; tạo môi trường sinh thái bền vững, hạn chế những tác động do biến đổi khí hậu gây ra. Đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất, mang lại giá trị kinh tế từ rừng.(Báo Thanh Hóa 30/11)đầu trang(
Phòng Tài nguyên – Môi trường quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) đề nghị Công ty TNHH xây dựng và chế biến gỗ Lê Đức Hiền có kế hoạch di dời xưởng sản xuất, chế biến gỗ ra khỏi khu dân cư
UBND quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) vừa có văn bản gửi báo Dân trí phản hồi về viết “Xưởng gỗ nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm, người dân kêu cứu” phản án Công ty TNHH xây dựng và chế biến gỗ Lê Đức Hiền tồn tại nhiều năm nay, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân tại khu dân cư mà Dân trí đã đăng ngày 27/4/2017.
Về vấn đề này, UBND quận Cẩm Lệ cho biết, đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường kiểm tra, xử lý.
Theo đó, Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Cẩm Lệ đã tổ chức làm việc với Công ty TNHH xây dựng và chế biến gỗ Lê Đức Hiền với sự tham gia của UBND phường, Trưởng Ban công tác mặt trận chi bộ 9A, đại diện tổ dân phố và một số hộ dân tổ 27, tổ 27B (phường Hòa Thọ Tây).Sau buổi làm việc, Phòng Tài nguyên - Môi trương quận Cẩm Lệ đã phát hiện một số sai phạm về môi trường và đã tham mưu cho UBND quận ban hành quyết định xử phạt công ty 15 triệu đồng.
Đồng thời, Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Cẩm Lệ đã yêu cầu công ty khẩn trương trang bị hệ thống hút bụi để xử lý toàn bộ lượng bụi phát sinh, xây kín toàn bộ khu vực nhà xưởng phía Bắc tiếp giáp khu nhà dân, sắp xếp, bố trí lại nhà xưởng hợp lý, di chuyển máy móc, thiết bị phát sinh tiếng ồn cách xa nhà dân, đầu tư thay thế máy ghép gỗ hiện đại giảm phát sinh tiếng ồn đến ngày 30/7/2017.
Ngày 11/10/2017, Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Cẩm Lệ cùng UBND phường Hòa Thọ Tây đã kiểm tra thực tế xưởng gỗ.Qua kiểm tra, nhận thấy công ty đã tiến hành xây kín toàn bộ khu vực nhà xưởng phía Bắc tiếp giáp nhà dân, hạn chế tối đa phát sinh bụi gỗ và tiếng ồn ra khu vực nhà dân.
Đã trang bị hệ thống hút bụi, toàn bộ bụi gỗ từ các khâu phát sinh bụi được hút vào container, thu gom vào bao tải, vận chuyển xử lý hàng ngày. Tại thời điểm kiểm tra, bụi gỗ phát sinh từ các khâu sản xuất, chế biến phát sinh đã giảm thiểu đáng kể so với thời điểm kiểm tra vào tháng 4/2017. Hợp đồng với Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom rác thải phát sinh tại xưởng theo quy định.
Tuy nhiên, người dân lại tiếp tục phản ánh xưởng gỗ Lê Đức Hiền xả khí thải, tiếng ồn ảnh hưởng đến người dân.
Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Cẩm Lệ đã đề nghị công ty tiếp tục lắp đặt hệ thống phun nước tại ống khói lò sấy gỗ, giảm thiểu phát sinh khói thải. Bố trí, sắp xếp lại mặt bằng để di chuyển máy cưa đĩa ra xa khu vực phía Bắc về phía Nam của nhà xưởng, cách xa khu vực nhà dân.
Về lâu dài, đề nghị công ty có kế hoạch di dời xưởng sản xuất, chế biến gỗ ra khỏi khu dân cư. Đầu tư thay thế máy ghép gỗ hiện đại, giảm thiểu phát sinh tiếng ồn từ khâu sản xuất, chế biến gỗ.(Dân Trí 29/11)đầu trang(
Vụ trồng rừng năm 2017, các địa phương trong huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã phấn đấu vượt kế hoạch đề ra.
Ước tính, diện tích rừng tập trung được trồng mới đạt gần 1.000 ha/kế hoạch 700ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng từ đầu năm đến nay đạt hơn 80.000m3, tăng khoảng 6% so cùng kỳ. Hiện trên địa bàn huyện có 5 nhà máy chế biến gỗ trồng, tạo điều kiện cho người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm. Mỗi năm, có hàng ngàn hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ trồng rừng.
Ông Lê Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị tích cực mở rộng diện tích, chăm sóc và khai thác gỗ rừng trồng hợp lý . Đưa vào chương trình phát triển rừng trồng gỗ lớn nhằm tăng thu nhập cho người trồng rừng.(Nông Nghiệp Việt Nam 29/11)đầu trang(
Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2017, huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã trồng mới hơn 1,3 nghìn ha rừng tập trung, vượt 69% kế hoạch.
Ngoài ra, toàn huyện còn trồng 270 nghìn cây phân tán, khai thác trên 980 ha rừng trồng với sản lượng trên 89 nghìn m3 gỗ các loại.
Có được kết quả trên là do ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn có rừng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy nhanh tiến độ, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rừng. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng.
Kết quả trên góp phần giữ vững tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 40%; đồng thời, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.(Báo Bắc Giang 29/11)đầu trang(
Năm 2018, huyện Pác Nặm được giao trồng mới gần 400 ha rừng, tính đến thời điểm này số diện tích người dân đăng ký trồng rừng đã đạt trên 520 ha.
Diện tích trồng rừng tập trung được người dân đăng ký trên 510 ha, rừng phân tán là hơn 10 ha..Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn và các địa phương, diện tích đăng ký trồng rừng năm 2018 của người dân nhìn trung phù hợp với điều kiện và khả năng thực hiện của từng hộ gia đình.
Hiện nay, huyện Pác Nặm vẫn đang tiếp tục vận động nhân dân đăng ký trồng rừng, đồng thời căn cứ chỉ tiêu trồng rừng được giao và diện tích các xã đã đăng ký để tổng hợp và phân bổ cụ thể cho từng địa phương, cũng như tổ chức thiết kế, chuẩn bị cây giống.(Đài Phát Thanh Truyền Hình Bắc Kạn 29/11)đầu trang(
Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2017, từ đầu năm đến nay huyện Bắc Mê đã trồng mới tập trung được 664 ha rừng, đạt 99,9% kế hoạch tỉnh giao.
Cụ thể, năm 2017 huyện Bắc Mê đã tổ chức trồng được trên 590ha rừng sản xuất, trong đó rừng trồng mới hơn 454ha, đạt 110% kế hoạch; trồng sau khai thác 140ha, đạt 100% kế hoạch. Thực hiện trồng gần 70ha rừng thay thay thế.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và tạo nguồn lợi từ rừng, các ngành chức năng của huyện đã phối hợp, tổ chức tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các quy định về PCCCR đến mọi tầng lớp nhân dân; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng đến hơn 6.500 hộ gia đình.
Trong năm, huyện cũng đã phát hiện và xử lý 25 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Nhiệm vụ trong năm tới, huyện Bắc Mê tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô hanh. Quản lý chặt chẽ việc khai thác và vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Phát triển mạnh trồng rừng kinh tế, phát triển các vùng rừng nguyên liệu tập trung.
Đồng thời tiến hành rà soát diện tích rừng nghèo kiệt và rừng tre nứa có giá trị kinh tế thấp để trồng rừng mới. Bảo vệ, khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên rừng, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên môi trường. Ngăn chặn việc khai thác trái phép, khai thác lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên.(Đài Phát Thanh Truyền Hình Hà Giang 29/11)đầu trang(
UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 8860/UBND – NLN2 về giải quyết các khó khăn, tồn tại và tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc trồng rừng thay thế diện tích chuyển sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan trên địa bàn tỉnh tổ chức đánh giá toàn diện công tác chỉ đạo, kiểm tra các chủ dự án có sử dụng diện tích đất rừng sang mục đích sử dụng khác không phải lâm nghiệp thực hiện việc trồng rừng thay thế; đánh giá công tác quản lý, hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát, hướng dẫn và đôn đốc các chủ dự án có sử dụng diện tích đất rừng sang mục đích sử dụng khác không phải lâm nghiệp lập hồ sơ về xác định diện tích có rừng và thực hiện việc trồng rừng thay thế (đối với những dự án chưa thực hiện), đẩy nhanh việc trồng rừng thay thế (đối với những dự án đã lập phương án trồng rừng thay thế của chủ dự án và phương án trồng rừng thay thế đối với các chủ dự án nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh), đôn đốc và có biện pháp xử lý đối với các chủ dự án đã phê duyệt phương án trồng rừng thay thế nhưng chậm thực hiện, lập hồ sơ và đôn đốc các chủ dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận thực hiện phương án nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường kiểm tra, tổ chức nghiệm thu, đánh giá chất lượng của rừng trồng thay thế và tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh; thông tin kịp thời về trồng rừng thay thế đến các chủ dự án nộp tiền về Quỹ, các tổ chức và cử tri để biết, giám sát.(Cổng Thông Tin Điện Tử UBND Tỉnh Quảng Ninh 28/11)đầu trang(
Ngày 29/11, tại thủ đô Vientiane đã diễn ra Lễ ký kết Hợp đồng tô nhượng Dự án trồng cao su và xây dựng nhà máy chế biến tại tỉnh Saravane giữa Chính phủ Lào và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cao su Quảng Trị, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).
Tham dự lễ ký kết có lãnh đạo các bộ của Lào như Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Năng lượng và Mỏ; Tham tán Kinh tế Việt Nam tại Lào Nguyễn Đình Bá; lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cao su Quảng Trị cùng đông đảo cán bộ các ban ngành liên quan của phía Lào và Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Lào Khamlien Phonsena thay mặt cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đánh giá cao dự án trồng cây cao su và xây dựng nhà máy chế biến của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cao su Quảng Trị tại tỉnh Saravane.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Lào cũng khẳng định dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cao su Quảng Trị tại tỉnh Saravane sẽ góp phần giúp phát triển kinh tế địa phương nói riêng cũng như giúp phát triển kinh tế đất nước của Lào nói chung; đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân, từng bước góp phần giúp xóa nghèo cho người dân tại khu vực thực hiện dự án.
Thứ trưởng Khamlien Phonsena nhấn mạnh Dự án trồng cao su và xây dựng nhà máy chế biến tại tỉnh Saravane mà Chính phủ Lào ký kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cao su Quảng Trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì được ký kết trong “Năm Đoàn kết, hữu nghị Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào 2017,” là dấu mốc quan trọng khẳng định mối quan hệ hữu nghị, đặc biệt Lào-Việt Nam mãi vững bền và ngày càng đơm hoa kết trái.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Khamlien Phonsena đề nghị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cao su Quảng Trị triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ cam kết, ưu tiên sử dụng lao động địa phương, đảm bảo thực hiện nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường của Lào, thể hiện tinh thần hợp tác trong phát triển kinh tế và tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, góp phần thực hiện thành công định hướng phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững mà Chính phủ Lào đề ra.
Phía Bộ Kế hoạch-Đầu tư Lào cam kết sẽ cùng với lãnh đạo chính quyền tỉnh Saravane và các bộ, ngành liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi để Dự án trồng cao su và xây dựng nhà máy chế biến của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cao su Quảng Trị tại tỉnh Saravane được triển khai theo đúng tiến độ, khai thác và chế biến đạt hiệu quả cao nhất.
Thay mặt Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cao su Quảng Trị, Tổng Giám đốc Văn Lưu cảm ơn Chính phủ Lào đã tin tưởng, ký dự án trồng cao su và xây dựng nhà máy chế biến với công ty; cam kết sẽ triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo giúp tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Saravane cũng như của đất nước Lào và thực hiệm nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường mà Chính phủ Lào đề ra.
Dự án trồng cao su và xây dựng nhà máy chế biến của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cao su Quảng Trị tại tỉnh Saravane, miền Nam Lào, có diện tích 500ha, tổng vốn đầu tư gần 10 triệu USD, với thời gian tô nhượng là 30 năm và có thể gia hạn.
Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước Lào, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Saravane nói riêng cũng như của cả nước nói chung.Đặc biệt, dự án cũng sẽ tạo công ăn việc làm cho gần 600 lao động tại địa phương.(Vietnam Plus 29/11)đầu trang(
Qua 10 năm (2006 – 2016) thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực, qua đó phát huy hiệu quả công tác bảo vệ rừng, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập.
Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có địa giới hành chính giáp ranh với các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và biển Đông. Tính đến năm 2016, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh là 351.467 ha, chiếm 44,98 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh; trong đó, rừng tự nhiên là 256.359 ha, rừng trồng là 38.098 ha và đất chưa có rừng là 57.010 ha.
Nhận thức tầm quan trọng của tài nguyên rừng và quỹ đất lâm nghiệp đối với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống, dân sinh của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, Đảng bộ, chính quyền của tỉnh qua các thời kỳ luôn bám sát chủ trương chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, về quản lý sử dụng đất lâm nghiệp.
Đồng thời, cụ thể hoá, vận dụng vào thực tiễn quản lý rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh; sắp xếp hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý rừng. Bên cạnh đó, huy động các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng; tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, dân nghèo tại chỗ.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, qua 10 năm triển khai, công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì với diện tích 86.391 ha rừng cho 2.377 hộ, bình quân 36 ha rừng/hộ. Hiện nay, mức kinh phí giao khoán được điều chỉnh tăng từ 100.000 đồng/ha/năm lên 200.000 đồng/ha/năm, bình quân mỗi hộ có thêm thu nhập hơn 7 triệu đồng/năm ổn định cuộc sống, nâng cao nhận thức của đồng bào về công tác quản lý bảo vệ rừng.Tổng kinh phí thực hiện chi trả tiền công quản lý bảo vệ rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2006 đến năm 2016 là hơn 140 tỷ đồng. Từ những kết quả này góp phần giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, số hộ nghèo đến đầu năm 2017 còn 1.900 hộ, chiếm 9%; hộ cận nghèo còn 1.700 hộ, chiếm 8,44%.
Các đơn vị chủ rừng đã phối hợp với UBND các xã tổ chức quán triệt đến các hộ nhận giao khoán về trách nhiệm, quyền lợi trong quản lý bảo vệ rừng và hướng dẫn đồng bào thành lập tổ, đội quản lý cũng như phân công lịch tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ vậy, diện tích rừng được giao tiếp tục được quản lý, bảo vệ tốt hơn, hạn chế nạn phá rừng làm rẫy và khai thác lâm sản trái phép.Trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2011, số vụ lấn chiếm, phá rừng được phát hiện, lập hồ sơ xử lý 710 vụ/385 ha. Từ năm 2011-2016 không có phá mới diện tích rừng, chủ yếu là tái lấn chiếm trên diện tích bị phá, lấn, chiếm, sử dụng trái phép trước năm 2005.
Trong giai đoạn này, đã tiếp tục phát hiện xử lý 84 vụ/18 ha; diện tích này, chủ yếu là tái lấn chiếm trên những diện tích phá rừng của năm 2009, 2010 nhưng thời điểm đó không phát hiện đối tượng để xử lý.
Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, việc triển khai chủ trương, chính sách phát triển rừng theo hướng xã hội hoá, huy động đa dạng các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trồng rừng, trồng cây công nghiệp, sản xuất nông lâm kết hợp thông qua các hình thức giao, cho thuê, khoán đất lâm nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực.
Diện tích rừng trồng trong giai đoạn 2006 - 2016 tăng thêm trên 30.000 ha; nhiều diện tích đất trống, đồi trọc, hoang hoá, khô hạn được đưa vào trồng rừng (điển hình là các Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển), sản xuất nông lâm kết hợp đạt hiệu quả.
Mặc dù đã triển khai quyết liệt công tác bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp bằng nhiều biện pháp, tuy nhiên tình hình khai thác lâm sản trái pháp luật, phá rừng, lấn, chiếm đất vẫn còn diễn ra, chưa ngăn chặn triệt để; đặc biệt xảy ra phức tạp, gay gắt ở một số huyện giáp ranh với các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và địa bàn nội địa huyện Tánh Linh (Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Ban Quản lý Rừng phòng hộ La Ngà).
Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng còn hạn chế; chất lượng rừng trồng tại một số đơn vị chưa cao; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, nhất là hệ thống nhà trạm bảo vệ rừng thiếu…
Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hỗ trợ về đất đai. Đồng thời, tiếp tục đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định, thoát khỏi nghèo khó vươn lên làm giàu.
Tỉnh cũng tiếp tục huy động các nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng; nhân rộng mô hình Quản lý, sử dụng kinh phí giao khoán bảo vệ rừng để thực hiện mô hình sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng cây ăn trái, phát triển chăn nuôi dưới tán rừng để người dân phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ rừng. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến người dân, đặc biệt là các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, chính quyền địa phương, chủ rừng trong việc tuần tra, truy quét, ngăn chặn các hành vi vi phạm.(Báo Ảnh Dân Tộc & Miền Núi 29/11)đầu trang(
Chiều 29-11, ông Masayasu Hosokawa, đại diện chính quyền thị trấn Yoshino, tỉnh Nara (Nhật Bản) dẫn đầu đoàn doanh nghiệp địa phương đã đến tìm kiếm cơ hợi hợp tác đầu tư vào ngành gỗ tại Bình Dương. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.
Thị trấn Yoshino với lợi thế nhiều rừng, có truyền thống sản xuất, chế biến gỗ và hiện đứng thứ 8 tại Nhật Bản. Bên cạnh nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng cao, nguồn nguyên liệu gỗ tại thị trấn Yoshino cần được khai thác, chế biến.
Bình Dương là tỉnh đứng đầu Việt Nam về số lượng doanh nghiệp, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gỗ, nhưng có đến 60% nguyên liệu phải nhập khẩu. Sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện đang có sức cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất chế biến gỗ của doanh nghiệp Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung chưa đạt trình độ hiện đại nên cần sự hợp tác với Nhật Bản, trong đó có tỉnh Nara.
Phát biểu tại buổi tiếp và làm việc với đoàn, ông Trần Thanh Liêm mong muốn sau khi tìm hiểu, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ hợp tác đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Bình Dương đổi mới, hiện đại hóa ngành chế biến gỗ để khai thác lợi thế của hai bên, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của sản phẩm gỗ trên thị trường.(Báo Bình Dương 29/11)đầu trang(\
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, huyện Đức Cơ đã tích cực triển khai công tác thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng. Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn huyện Đức Cơ, toàn huyện có khoảng 8.257 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Trong đó, Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Đức Cơ có 4.570 ha và các xã quản lý có 3.867 ha. Theo kế hoạch, đến năm 2019, huyện sẽ thu hồi hơn 2.131 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng (các xã trồng 1.324 ha và Ban QLRPH Đức Cơ trồng 807 ha).
Năm 2017, UBND tỉnh giao cho huyện Đức Cơ trồng 53,88 ha rừng (tương ứng với 53.880 cây trồng phân tán) và giao cho Ban QLRPH Đức Cơ trồng 100 ha rừng tập trung. Đến nay, toàn huyện đã trồng rừng phân tán được 34 ha, tương đương 34.000 cây tại các tuyến đường, địa điểm công cộng, khuôn viên trường học, công sở các xã, thị trấn. Còn 100 ha rừng tập trung thì chưa triển khai được.
Thực tế việc thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng rừng trên địa bàn huyện Đức Cơ gặp không ít khó khăn. Hiện nay, trong hơn 3.867 ha rừng tại các xã bị lấn chiếm thì mới chỉ có 9,6 ha của 6 hộ dân tại xã Ia Pnôn được thu hồi và tổ chức trồng rừng.
Gia đình ông Puih Hlueh (làng Bua, xã Ia Pnôn), một trong 6 hộ dân trả lại đất cho địa phương trồng rừng, cho biết: “Khi nghe cán bộ huyện và xã đến tuyên truyền, vận động bàn giao lại đất lấn chiếm cho Nhà nước, tôi và bà con nghiêm túc chấp hành. Hiện tôi đã bàn giao 2,6 ha đất tại khoảnh 10, tiểu khu 723 cho địa phương để trồng rừng.
Trên diện tích này, gia đình tôi đã trồng 2.600 cây bạch đàn, 2.600 cây keo lai và trồng xen cây mì. Vì vậy, gia đình mong muốn huyện và xã quan tâm hỗ trợ gạo, tiền để tiếp tục chăm sóc diện tích đó”. Ông Nhâm Văn Tiến-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn, cho hay: “Chúng tôi đã vận động nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Đồn Biên phòng Ia Pnôn để trồng rừng cho bà con.
Đến nay, chúng tôi đã trồng được 9,6 ha. Theo kế hoạch, trong 3 năm (2017-2019), xã Ia Pnôn sẽ thu hồi 121 ha đất rừng bị lấn chiếm. Đây là nhiệm vụ rất khó thực hiện bởi người dân đã trồng cây điều và một số cây ngắn ngày khác trên những diện tích đất nói trên”.Tại Ban QLRPH Đức Cơ hiện có khoảng 4.570 ha rừng bị người dân lấn chiếm từ nhiều năm, đang canh tác các loại cây trồng như điều, cà phê và một số loại cây ngắn ngày. Vì vậy, năm 2017, Ban QLRPH Đức Cơ đăng ký trồng 100,74 ha rừng nhưng không thực hiện được.
Ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Trưởng ban QLRPH Đức Cơ, cho biết: “Năm 2017, đơn vị rà soát được 45 điểm với tổng diện tích là 100,74 ha để trồng rừng. Đơn vị đã tuyên truyền và đa số người dân đồng tình ủng hộ việc thu hồi diện tích đất này để giao cho người dân trồng rừng. Tuy nhiên, do kinh phí xin tạm ứng để mua cây giống chậm được giải quyết nên không kịp thời vụ trồng rừng.
Hiện chúng tôi đang phối hợp với các xã tiếp tục cho người dân kê khai và đăng ký trồng rừng. Khó khăn nhất trong việc thu hồi là diện tích các loại cây dài ngày như cà phê, điều, cao su đang cho thu hoạch cao và ổn định, người dân đã sản xuất lâu năm. Khả năng chỉ có thể thu hồi được những diện tích người dân trồng cây ngắn ngày như mì, lúa rẫy”.
Trước thực tế trên, UBND huyện Đức Cơ đã xây dựng phương án thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. Các lực lượng chức năng và chủ rừng đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân biết rõ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng là vi phạm pháp luật. Đối với những diện tích đất rừng sau khi giải tỏa thu hồi thì giao lại cho các chủ rừng và địa phương quản lý.
Đồng thời, chủ rừng phải xây dựng phương án trồng rừng trên diện tích thu hồi, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt phương án, giải pháp về cây giống, kỹ thuật, kinh phí trồng rừng. Ông Bùi Quang Thịnh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ, cho biết: “Trong khoảng 8.257 ha đất rừng bị lấn chiếm thì chúng tôi đã thống kê xong diện tích đất trống, diện tích đã trồng cây ngắn ngày, cây dài ngày...
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với huyện là thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng. Bởi qua điều tra khảo sát thực tế để lập dự án thì phần lớn diện tích bị lấn chiếm người dân đã canh tác lâu năm, trồng cây dài ngày trên đó và cho thu nhập ổn định.
Hơn nữa, đa số các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số chưa quen trồng rừng, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, có biểu hiện ỷ lại nên việc tuyên truyền, vận động cũng như triển khai thực hiện kê khai đăng ký trồng rừng hết sức khó khăn. Phần lớn các hộ dân né tránh, không hợp tác... Chúng tôi đã báo với UBND huyện để có giải pháp thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm. Huyện cũng đang tính đến phương án phải cưỡng chế thu hồi đất để trồng rừng”.(Báo Gia Lai 30/11)
NHÌN RA THẾ GIỚI
Căng thẳng trong vấn đề gỗ xẻ mềm giữa Canada và Mỹ tiếp tục bị đẩy lên mức mới khi Ottawa quyết định tìm kiếm vai trò trọng tài của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với những quyết định áp thuế gần đây của Bộ Thương mại Mỹ.
Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết ông Stephen de Boer, Đại sứ kiêm Đại diện thường trực của Canada tại WTO, đã đưa ra yêu cầu chính thức đối với WTO vào ngày 28/11 thông qua nhóm trọng tài về thương mại toàn cầu.
Ông Boer cho rằng Mỹ đã không áp dụng cách tính nhất quán trong việc định giá gỗ mềm nên quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ xẻ mềm của Canada không phù hợp với các quy tắc thương mại quốc tế.
Trước đó, ông Boer cũng đã viết 2 bức thư gửi Đại diện Thương mại Mỹ Christopher Wilson, yêu cầu WTO tiến hành tham vấn Mỹ về cuộc tranh cãi gỗ mềm lâu nay với Canada.Mỗi bức thư đề cập đến một loại thuế đang được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên mặt hàng gỗ xẻ của Canada, bao gồm thuế đối kháng (hay còn gọi là thuế chống trợ cấp) 14,25% và thuế chống bán phá giá 6,58%.
Theo quy định, thuế chống bán phá giá được chính thức áp dụng từ ngày 8/11, thuế đối kháng sẽ được áp dụng từ ngày 7/12 sau phiên bỏ phiếu của Uỷ ban Thương mại quốc tế Mỹ. Cách đây đúng hai tuần, hôm 14/11, Canada cũng đã tìm kiếm cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại về gỗ xẻ mềm với Mỹ thông qua Chương 19 của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Ottawa hy vọng hội đồng giải quyết tranh chấp của NAFTA sẽ bác bỏ quyết định áp thuế đối kháng của Mỹ. Các sản phẩm gỗ mềm hiện chiếm 7% tổng giá trị xuất khẩu của Canada và đóng góp 22,3 tỷ triệu đôla Canada (CAD - tương đương 17,3 tỷ USD) cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Tuy nhiên với quyết định áp thuế trừng phạt của Mỹ, các sản phẩm gỗ xẻ của Canada sẽ phải “gánh” tổng mức thuế lên tới 20,83% nếu muốn xuất sang thị trường phía Nam.
Ngoại trưởng Canada Christia Freeland cho rằng “quyết định của Bộ Thương mại Mỹ áp thuế đối kháng và thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm gỗ xẻ mềm của Canada là không công bằng, không thỏa đáng và gây phiền phức lớn.”
Đây là lý do Canada đưa ra kế hoạch hành động trị giá 867 triệu CAD (khoảng 675 triệu USD) hỗ trợ cho những công nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi quyết định áp thuế của Mỹ, qua đó đảm bảo tương lai mạnh mẽ hơn cho người lao động Canada.(Vietnam Plus 29/11)đầu trang(
Một con voi nổi tiếng tại Thái Lan, từng xuất hiện trong nhiều bộ phim và quảng cáo, đã vừa giẫm chết chính người chủ của nó tại một vườn thú. Vợ của người chủ voi đã phải bất lực chứng kiến toàn bộ sự việc kinh hoàng.
Ông Somsak Riangngern (54 tuổi) đã vừa thiệt mạng tại vườn bách thú Chiang Mai (Thái Lan) trong sáng ngày thứ 2 vừa qua sau khi bị con voi đực 32 năm tuổi có tên Phlai Ekasit bất ngờ tấn công dữ dội.
Khi sự việc xảy ra, ông Somsak đang cho voi Phlai ăn, con voi không bị xích ở thời điểm này, mục đích là để nó có thể vừa ăn uống, vừa tắm thoải mái, nhưng bất ngờ, voi Phlai quay ra tấn công chính người chủ của mình.
Khi ông Somsak quay lưng bước đi, voi Phlai liền tấn công ông bằng vòi, bằng ngà… (thông tin do tờ tin tức của Thái Lan - Khaosod - đăng tải).
Khi sự việc xảy ra, trên lưng voi có một người quản tượng đang ngồi, nhưng người này đã hoàn toàn bất lực trong việc điều khiển voi Phlai. Hành động tấn công của voi Phlai diễn ra trong vòng 5 phút mới dừng lại, lúc này, cùng với những người quản tượng khác, cuối cùng, người ta đã có thể khống chế con vật nặng 5 tấn đang trong cơn giận dữ.
Ông Wuthichai Muangman, giám đốc điều hành vườn bách thú Chiang Mai, trả lời phỏng vấn báo chí Thái Lan rằng nạn nhân - ông Somsak - vốn là một người rất am hiểu việc thuần dưỡng voi, sự việc lần này khiến tất cả những ai biết ông Somsak đều bàng hoàng, sửng sốt. Khi sự việc xảy ra, con voi đang ở trong tình trạng hung hăng.
Tình trạng hung dữ bất thường diễn ra theo từng cơn, thường gặp ở voi đực về mùa đông, thời điểm này, tâm lý của voi đực thường có chiều hướng trở nên hung dữ bất thường. Voi Phlai đã có dấu hiệu trở nên hung dữ kể từ ngày chủ nhật trước đó. Voi Phlai hiện đã được chuyển tới một khu vực cầm giữ an toàn, với một nhóm quản tượng thường xuyên theo dõi nó.
Hiện tại, các chương trình biểu diễn xiếc voi cũng như các hoạt động để du khách tiếp cận voi tại vườn thú Chiang Mai đã bị ngưng lại và chưa biết bao giờ mới tiếp tục. Vụ việc lần này đã làm nảy sinh những tranh cãi trong việc sử dụng động vật hoang dã phục vụ hoạt động du lịch.
Voi Phlai Ekasit là một con voi nổi tiếng tại Thái Lan, nó đã từng xuất hiện trong 5 bộ phim, trong đó có bộ phim điện ảnh võ thuật nổi tiếng của Thái Lan - “Ong Bak” (Truy tìm tượng Phật - 2003).
Hiện tại, voi Phlai đang được giữ trong vườn bách thú Chiang Mai, trước đó, vườn thú đã có một hợp đồng với chủ voi kéo dài tới tận tháng 4 năm sau.
Thái Lan vốn nổi tiếng với việc đưa voi vào phục vụ các hoạt động du lịch. Voi ở Thái Lan được huấn luyện để biểu diễn xiếc, để chở du khách đi tham quan.
Theo thống kê hồi tháng 7 của Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP), số voi phục vụ trong nền công nghiệp du lịch của Thái Lan nhiều gấp đôi so với tổng số voi sử dụng trong hoạt động du lịch của các nước Châu Á khác cộng lại, và không phải con voi nào cũng được chăm sóc tốt khi tham gia vào các hoạt động này.(Dân Trí 29/11)đầu trang(./.
|
|||