Ngày 29 tháng 11 năm 2017
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI
BẢO VỆ RỪNG
Cảnh sát PCCC Tp. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa hanh khô.
Theo đó, Cảnh sát PCCC Tp. Hà Nội chỉ đạo các chủ rừng, đơn vị chức năng có liên quan, đơn vị quân đội, cơ quan doanh nghiệp đóng trong rừng, ven rừng, ban quản lý hoạt động lễ hội, du lịch diễn ra trong rừng làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng cháy và chữa cháy rừng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong mùa khô hanh.
Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức quy định của pháp luật về PCCC; xây dựng nội dung khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh quy định của nhà nước về bảo vệ, PCCC rừng.
Tham mưu thành lập đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc các huyện, xã, chủ rừng thực hiện nghiêm túc quy định PCCC rừng. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm an toàn PCCC, trong đó có vi phạm trực tiếp có thể dẫn đến nguy cơ phát sinh cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, tăng cường tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho những cơ sở cá nhân quản lý, làm việc, sinh sống trong rừng, ven rừng và xã có rừng; xây dựng mô hình và thành lập tiểu ban chữa cháy rừng; xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng; thường xuyên bổ sung quân số, trang thiết bị, phương tiện phục vụ chữa cháy và tổ chức huấn luyện cho lực lượng PCCC cơ sở.
Chủ động xây dựng phương án chữa cháy rừng, bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để xử lý tình huống kịp thời, tại chỗ không để xảy ra cháy, cháy lớn; phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức thực tập phương án chữa cháy rừng có sự tham gia của nhiều lực lượng.(Môi Trường & Cuộc Sống 28/11)đầu trang(
Theo thông tin trên báo Bắc Giang, mới đây hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) vừa chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (Hà Nội) chăm sóc, theo dõi nhằm phục hồi các tập tính hoang dã của loài trước khi thả về môi trường tự nhiên một cá thể là Khỉ đuôi lợn và trăn đất.
Được biết, hai cá thể trên là Khỉ đuôi lợn (tên khoa học là Macaca leonina), trọng lượng 6,5 kg và một cá thể Trăn đất (tên khoa học là Python molurus), trọng lượng 39 kg do ông Đỗ Văn Thái (thường trú tại thôn Đền Trắng, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế) tự nguyện giao nộp cho cơ quan Kiểm lâm.
Khỉ đuôi lợn và Trăn đất là động vật rừng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB theo quy định của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ về quản lý động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Khỉ đuôi lợn thường có bộ lông màu xám, đỉnh đầu lông dài, rậm màu hung xẫm hoặc xám tạo thành “xoáy” tỏa ra xung quanh sống cái mũi. Khỉ đuôi lợn thường sống trong rừng già, rừng thưa trên núi đất; thức ăn là quả, hạt, lá nõn cây và côn trùng.
Trăn đất là loài rắn cỡ lớn (nhiều con dài tới 6m), trên thân có các đường mảnh màu vàng nhạt nối với nhau tạo thành dạng mắt võng nổi trên nền xám hay xám đen. Nơi sống là rừng già, rừng thưa, cây bụi, nơi râm mát, có bóng cây và gần nước; thức ăn là các loài thú cỡ vừa và nhỏ, một số loài chim, số ít loài bò sát, ếch, nhái và cá.
Hiện nay, tình trạng săn bắn, mua bán, vận chuyển trái phép các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi dẫn đến bị giảm sút nghiêm trọng về số lượng ngoài tự nhiên. Nguyên nhân xuất phát từ lợi nhuận cao, một số người dân bất chấp quy định của pháp luật, săn bắn, mua, bán cũng như tiêu thụ trái phép.
Việc Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn chăm sóc, theo dõi nhằm phục hồi các tập tính hoang dã của loài, trước khi thả về môi trường tự nhiên.(Môi Trường & Cuộc Sống 28/11)đầu trang(
Sau khi vào trong hội ý, toà quyết định hoãn phiên toà để triệu tập điều tra viên và giám định viên để đảm bảo quyền lợi cho bảy cựu chiến binh.
Sáng 28-11, TAND tỉnh Đắk Nông tiếp tục đưa vụ án bảy cựu chiến binh ra xét xử phúc thẩm lần hai về tội huỷ hoại rừng.
Ngay trong phần khai mạc phiên toà, luật sư của các bị cáo đã đề nghị hội đồng xét xử hoãn phiên toà để triệu tập điều tra viên và giám định viên. Tuy nhiên phía đại diện VKS cho rằng lời khai của những vị này đã có đầy đủ trong hồ sơ nên không cần thiết phải hoãn phiên toà.
Sau khi vào trong hội ý, toà quyết định hoãn phiên toà để triệu tập điều tra viên và giám định viên để đảm bảo quyền lợi cho bảy cựu chiến binh.
Như Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh, theo cáo trạng, tại cuộc họp tháng 1-2015, cho rằng rừng đã bị lấn chiếm nên Chi hội Cựu chiến binh thôn 6 đã thống nhất phát dọn rừng để lấy đất trồng cây keo gây quỹ. Trong hai ngày, bảy cựu chiến binh đã chặt những cây bụi, cây nhỏ, dây leo với diện tích 0,4 ha, sau đó chặt dọn tiếp 0,38 ha (thiệt hại hơn 42 triệu đồng).
Tháng 4-2016, TAND thị xã Gia Nghĩa xử sơ thẩm lần đầu đã phạt bảy bị cáo 6-7 tháng tù về tội hủy hoại rừng. Bảy bị cáo kháng cáo kêu oan cho rằng thời điểm dọn dẹp thì đã không còn rừng.
TAND tỉnh xử phúc thẩm hủy án. Tại tòa, đại diện VKS tỉnh cũng đề nghị hủy án vì cho rằng tháng 3-2015, Chi cục Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa xác định cả khu rừng 0,98 ha (nơi các bị cáo phát dọn 0,78 ha) bị hủy hoại đã thiệt hại 100%. Đến tháng 9-2017, xử sơ thẩm lần hai, tòa vẫn kết luận bảy bị cáo đã hủy hoại tổng cộng 0,78 ha rừng và phạt họ 6-7 tháng tù.
Theo các chuyên gia phân tích cho rằng hành vi của bảy cựu chiến binh này không cấu thành tội phạm. Cụ thể, bản án sơ thẩm không chỉ ra được mỗi bị cáo dọn dẹp cây bụi trên diện tích bao nhiêu, mà chỉ nói tổng cộng bảy bị cáo dọn 0,78 ha để làm căn cứ xử lý tội hủy hoại rừng là gây bất lợi cho các bị cáo.
Nhân chứng khai trước ngày các bị cáo dọn dẹp cây bụi vào tháng 1-2015 thì đã không còn rừng nhưng tòa đã không làm rõ nội dung này.
Cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa có văn bản vào tháng 3-2015 xác định 0,98 ha rừng (nơi các bị cáo phát dọn 0,78 ha) bị hủy hoại, đã thiệt hại 100%.
Như vậy, giả sử nếu cơ quan tố tụng có chứng minh được các bị cáo có hành vi hủy hoại 0,4 ha (4.000 m2) rừng sản xuất trong hai ngày tháng 1-2015 đi chăng nữa, thì cũng chỉ có thể xử phạt hành chính họ với số tiền 30-50 triệu đồng theo khoản 5 Điều 20 Nghị định 157/2013.
Điều đáng nói, bất ngờ vào 23-8 vừa qua, TAND thị xã Gia Nghĩa ra lệnh bắt tạm giam các bị cáo trước khi phiên toà sơ thẩm lần hai được diễn ra. Bảy cựu chiến binh bị khởi tố thì có 5 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Một cựu chiến qua đời trước khi toà ra lệnh bắt, hai cựu chiến binh có sức khoẻ yếu phải đi cấp cứu khi đang ở trại tạm giam.
Thấy vậy, gia đình xin cho chồng, cha được tại ngoại vì theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo quy định của BLHS 2015 và BLTTHS 2015. Trong đó theo Điều 119 BLTTHS 2015 thì trong vụ án này các cựu chiến binh có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng và không thuộc bất cứ trường hợp nào phải áp dụng biện pháp tạm giam.
Như vậy, việc TAND thị xã Gia Nghĩa ra lệnh bắt tạm giam trước khi xét xử là chưa phù hợp nhưng vẫn chưa được các cơ quan tố tụng giải quyết.(Pháp Luật VN 28/11)đầu trang(
Liên quan tới vụ liên quan đến phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh (Quảng Nam), ông Võ Hồng Nhiệm, Huyện ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh bị kỷ luật cách chức; ông Võ Tấn Sỹ, Bí thư Chi bộ thôn 3, công chức địa chính xây dựng xã Tiên Lãnh bị khai trừ Đảng.
Thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước (Quảng Nam) vừa có quyết định thi hành kỷ luật Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tiên Lãnh và các cán bộ có sai phạm liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) được phát hiện vào giữa tháng 9-2017.
Cụ thể, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tiên Lãnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 do buông lỏng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý đất đai; xem nhẹ công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật của Đảng; vi phạm nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt đảng.
Cảnh cáo ông Lê Minh Sơn, Bí thư Đảng ủy xã do thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, quản lý đất đai; buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát; vi phạm các nguyên tắc trong tổ chức sinh hoạt đảng.
Cách chức Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã đối với ông Võ Hồng Nhiệm, Huyện ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã do thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất đai; buông lỏng quản lý điều hành; vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên;
Đồng thời, đề nghị UBND huyện Tiên Phước xử lý hình thức kỷ luật tương đương và đề nghị Tỉnh ủy cho thôi chức vụ Huyện ủy viên đối với ông Võ Hồng Nhiệm.
Khai trừ đảng đối với ông Võ Tấn Sỹ, Bí thư Chi bộ thôn 3, công chức địa chính xây dựng xã Tiên Lãnh, do thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, cố ý vi phạm pháp luật về đất đai; vi phạm tiêu chuẩn đảng viên.
Vụ phá rừng ở xã Tiên Lãnh diễn ra trong thời gian dài, với diện tích rừng bị phá lên đến cả trăm hecta. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm phá rừng tự nhiên tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Thủ tướng chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, sai phạm của các đơn vị, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.(An Ninh Thủ Đô 28/11)đầu trang(
Tòa án nhân dân huyện Hương Sơn vừa mở phiên toà xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Quốc Hải (SN 1972, trú tại thôn 2, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) về tội hủy hoại rừng.
Theo cáo trạng, tháng 12/2008, gia đình Hải được UBND huyện Hương Sơn giao 19.192m2 đất rừng tại khoảnh 4, Tiểu khu 17, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, để khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, sau đó, do nhận thấy việc trồng cây keo nhanh mang lại lợi nhuận nên trong khoảng thời gian từ tháng 5/2017 đến giữa tháng 6/2017, Hải đã không xin phép cơ quan chức năng, một mình tự ý dùng cưa xăng chặt hạ 392 cây thân gỗ, tổng khối lượng 29,631 m3 trên diện tích 9.610m2 rừng tự nhiên được nhà nước giao khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng phòng hộ, gây thiệt hại cho nhà nước 9.408.000 đồng.
Sau khi xem xét về hành vi, hậu quả xảy ra và nhân thân bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Quốc Hải 7 tháng tù về tội huỷ hoại rừng.(Báo Hà Tĩnh 28/11)đầu trang(
Trong những năm qua, hàng trăm nghìn hécta rừng, đất rừng ở Tây Nguyên đã được chính quyền địa phương giao khoán cho các doanh nghiệp, công ty để thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp… với mục đích trồng thêm rừng để tăng độ che phủ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, công ty đã lợi dụng chính sách này nhận đất, nhận rừng trục lợi và… phá rừng.
Tại Tây Nguyên, Đắk Nông được xem là một trong những tỉnh đứng đầu trong việc giao khoán đất rừng và cũng là tỉnh “nóng” về nạn phá rừng. Theo số liệu thống kê, từ 2004 đến 2016, tỉnh này đã giao hàng trăm nghìn ha rừng, đất rừng cho các doanh nghiệp để trồng rừng, bảo vệ rừng và thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp khác. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, rừng đã không được bảo vệ nguyên vẹn hay trồng thêm mà còn bị tàn phá tan hoang.
Điển hình như tháng 10-2005, Công ty TNHH SX-TM Vĩnh An (đóng tại huyện Cư Jút) được UBND Đắk Nông giao 1.442ha đất và rừng trên địa bàn huyện Cư Jút để thực hiện dự án nông, lâm nghiệp và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Trong 1.442ha thì có đến 580ha rừng nguyên sinh buộc công ty phải khoanh nuôi, bảo vệ. Tuy nhiên, đến đầu tháng 9-2017, toàn bộ 580ha rừng được giao cho công ty đã bị xóa sổ.
Tương tự, tháng 2-2016, Hợp tác xã Hợp Tiến (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) được UBND tỉnh cho thuê 1.215ha đất và rừng tại các Tiểu khu 1664, 1645 trên địa bàn xã Quảng Sơn để thực hiện Dự án Quản lý bảo vệ rừng và đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp theo mô hình kinh tế tập thể. Vào thời điểm cho thuê, trên tổng diện tích 1.215ha thì có 654ha đất có rừng, số còn lại là đất rừng. Tuy nhiên, chỉ sau 12 tháng (2-2017), đơn vị này đã để hơn 53ha rừng bị chặt phá, cạo trọc.
Còn tại địa bàn huyện Ea Súp, Đắk Lắk đã có hàng trăm doanh nghiệp, công ty đến địa phương này để thuê đất, thuê rừng thực hiện các dự án khác nhau. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, tại đây chưa thấy bất kỳ một công ty, doanh nghiệp nào “ăn nên, làm ra”. Trong khi đó, hầu hết diện tích rừng mà các công ty, doanh nghiệp thuê đều bị tàn phá tan hoang.
Cụ thể như năm 2011, Công ty TNHH Anh Quốc (có trụ sở đóng tại phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) được UBND tỉnh cho thuê 1.165,2ha đất tại Tiểu khu 293 trên địa bàn xã Cư Mlan, huyện Ea Súp để thực hiện dự án trồng cao su, trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm triển khai, dự án hoàn toàn bị phá sản. Hệ lụy để lại là đất rừng bị người dân vô tư lấn chiếm. Hệ lụy đau lòng nhất chính là hàng trăm ha rừng nguyên sinh giao cho công ty quản lý, bảo vệ đã bị tàn phá.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên có 3.326.647ha, trong đó diện tích có rừng là 2.558.646ha. Toàn bộ diện tích này đã được giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng; trong đó các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ 1.263.270ha, các công ty lâm nghiệp nhà nước 920.242ha, các tổ chức kinh tế khác 193.743ha, hộ gia đình, cá nhân 102.102ha, cộng đồng dân cư 26.679ha, UBND các cấp 716.320ha, còn lại là các tổ chức khác. Trong tổng số diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, hiện có đến 282.896ha đang bị tranh chấp với người dân.
Theo ông Điểu Kré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, qua rà soát cho thấy, trong hàng nghìn doanh nghiệp đến xin triển khai các dự án nông, lâm nghiệp tại địa bàn Tây Nguyên chỉ một số nhỏ doanh nghiệp có năng lực kinh tế thực sự, làm ăn đàng hoàng. Đa phần còn lại tìm cách xí phần, kiếm dự án để phá rừng, chiếm đất trục lợi, chuyển nhượng... và đã để lại những hậu quả đau lòng.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đề nghị các tỉnh Tây Nguyên đẩy nhanh tiến độ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp để có cơ sở xử lý các dự án sai phạm, cương quyết đình chỉ, thu hồi các dự án để rừng bị phá hoặc không thực hiện.
Đồng thời tính toán giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, buộc phải bồi thường thiệt hại, truy cứu trách nhiệm hình sự. Có làm kiên quyết như vậy thì những cánh rừng Tây Nguyên mới có thể giữ lại được.(Công An Nhân Dân 28/11)đầu trang(
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 3.760 m2 rừng sản xuất.
Trong đó, 1 vụ tại phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) làm thiệt hại 400 m2; 1 vụ tại xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) làm thiệt hại 560 m2; 3 vụ tại xã Thổ Bình (Lâm Bình) làm thiệt hại 2.800 m2.
Nguyên nhân chủ yếu là do người dân sử dụng lửa trong rừng, gần rừng. Hiện đang là cao điểm mùa khô, lực lượng kiểm lâm các địa phương đã triển khai xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy rừng; thường xuyên thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng xuống các địa phương, đơn vị để chủ động ứng phó khi có cháy.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về PCCCR (phòng cháy, chữa cháy rừng), vận động nhân dân thực hiện tốt công tác PCCCR và sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có lệnh huy động; chỉ đạo các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR.(Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Tuyên Quang 28/11)đầu trang(
Chiều 28-11, Hạt kiểm lâm Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị cơ quan Công an thành phố Đà Lạt vào cuộc để điều tra hành vi phá rừng xảy ra trên địa bàn.
Trước đó, qua tuần tra Ban lâm nghiệp phường 4 và cán bộ Ban quản lý rừng Lâm Viên phát hiện tại lô b, khoảnh 2, tiểu khu 157 thuộc đối tượng rừng nội ô có nhiều cây thông khoảng 40 năm tuổi, đường kính gốc từ 20 đến gần 60cm, chiều cao từ 8 đến 14m bị đốn hạ, phần thân, lá vẫn còn nguyên tại hiện trường.
Ghi nhận tại hiện trường, hàng chục cây thông khác cũng bị ken gốc, đổ thuốc độc đang héo úa, chờ đổ ngã.
Ngay sau đó, Hạt kiểm lâm Đà Lạt đã phối hợp với cơ quan chức năng mời ông Đỗ Văn Lợi, ngụ tổ 10, phường 4, thành phố Đà Lạt, đến cơ quan chức năng để hợp tác, làm rõ các vần đề có liên quan thì ông Lợi không đến và không thông báo lý do.
Theo báo cáo của kiểm lâm địa bàn và người dân sinh sống trong khu vực thì tại khu vực này các đối tượng chặt phá rừng để lấy đất bán với giá khoảng 150 triệu đồng/lô.
Ông Võ Thanh Sơn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đà Lạt, cho biết: Các đối tượng thường lợi dụng thời tiết mưa gió, ban đêm để để phá rừng. Xét thấy tình trạng chặt phá rừng tại khu vực phường 4 cần phải sớm ngăn chặn kịp thời, triệt để không để xảy ra điểm nóng, Hạt kiểm lâm Đà Lạt đã chỉ đạo cơ quan liên quan tổ chức mật phục vào ban đêm, ngoài giờ hành chính. Đồng thời đề nghị Công an thành phố Đà Lạt vào cuộc để xác minh, điều tra các đối tượng phá rừng có liên quan.
Cũng trong ngày 28-11, Hạt kiểm lâm Đà Lạt phối hợp với UBND phường 4, TP Đà Lạt phát hiện tại tổ 10 và tổ 20 có hai địa điểm đang bị người dân san gạt đất trái phép diện tích hàng trăm mét vuông với mục đích phân lô bán nền. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Trước đó, đầu tháng 11-2017, lực lượng liên ngành gồm Kiểm lâm Đà Lạt, Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Đà Lạt, Ban quản lý rừng Lâm Viên (tỉnh Lâm Đồng) đã tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng thông hơn 40 năm tuổi tại lô A, khoảnh 1, tiểu khu 151, thuộc phường 12, thành phố Đà Lạt.
Qua xác minh ban đầu, sau khi có mặt bằng đất "sạch" các đối tượng phá rừng sẽ bán với giá từ 200-300 triệu đồng/1.000m².(Sài Gòn Giải Phóng 28/11)đầu trang(
Ðể công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) có hiệu quả nhất, một trong những lực lượng nòng cốt tham gia chính là đội ngũ BVR chuyên trách của các đơn vị chủ rừng nhà nước. Bởi, rừng hiện nay chủ yếu giao cho các đơn vị này quản lý, do đó, lực lượng BVR chuyên trách là người thường xuyên và có mặt gần nhất ở những cánh rừng.
Chính vì vậy mà ngày 19/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg về lực lượng BVR chuyên trách của chủ rừng. Theo đó, đối tượng áp dụng bao gồm Ban Quản lý rừng (BQLR) đặc dụng, BQLR phòng hộ không có tổ chức kiểm lâm; doanh nghiệp, tổ chức không thuộc lực lượng vũ trang được nhà nước giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của lực lượng BVR chuyên trách.
Theo Quyết định của Thủ tướng, lực lượng BVR chuyên trách có những nhiệm vụ cụ thể là: tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản, bắt động vật rừng, lấn chiếm rừng, đất rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác. Lực lượng đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chữa cháy rừng. Mặt khác, lực lượng BVR chuyên trách có trách nhiệm kịp thời báo cáo với chủ rừng và cơ quan chức năng về tình hình BVR được giao...
Về quyền hạn, khi phát hiện hành vi vi phạm về QLBVR trong phạm vi diện tích được giao, lực lượng BVR chuyên trách có trách nhiệm lập biên bản kiểm tra ban đầu, bảo vệ hiện trường, tang vật vi phạm, kịp thời báo cáo với cán bộ, cơ quan có thẩm quyền lập biên bản xử lý theo quy định; trong trường hợp cần thiết được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định.
Quyết định cũng quy định UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã, lực lượng kiểm lâm, quân đội, công an, dân quân tự vệ và các lực lượng khác trên địa bàn phối hợp với lực lượng BVR chuyên trách tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác BVR, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn.
Theo ông Võ Thanh Sơn - Hạt trưởng Kiểm lâm Đà Lạt, ngay từ đầu năm 2017, Hạt đã có Văn bản số 01/KL gửi đến các đơn vị chủ rừng trên địa bàn thành phố Đà Lạt, các doanh nghiệp, tổ chức được giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp yêu cầu khẩn trương xây dựng, bố trí lực lượng BVR phù hợp theo danh sách cụ thể để tập huấn.
Thực hiện Quyết định số 44 của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư số 08/2017/TT-BNNPTNT ngày 28/3/2017 Quy định nội dung tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và trang phục đối với lực lượng BVR chuyên trách. Theo đó, Tổng cục Lâm nghiệp đã có Quyết định số 230/QĐ-TCLN-KL và Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đã ban hành các chuyên đề cụ thể để tập huấn.
Với danh sách toàn tỉnh Lâm Ðồng ban đầu đăng ký 473 người, nhưng qua 10 lớp tập huấn vừa kết thúc vào tháng 11/2017, con số thực tham gia lên đến 511 người là điều đáng ghi nhận và vui mừng.
Các học viên đã được lĩnh hội nhiều kiến thức cụ thể, cập nhật nhiều thông tin mới như: các quy định cơ bản về lực lượng BVR chuyên trách; phương pháp thu thập thông tin, nắm bắt tình hình QLBVR; lập kế hoạch và tổ chức tuần tra, kiểm tra BVR. Đó còn là phương pháp lập hồ sơ ban đầu đối với các hành vi vi phạm pháp luật; nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy rừng; kỹ năng sử dụng một số phần mềm chuyên ngành; nhận biết một số loài động vật rừng, thực vật rừng điển hình và phổ biến; thiết kế, trình duyệt, nghiệm thu các công trình lâm sinh...
Sau khóa tập huấn, nhiều học viên đã chia sẻ với chúng tôi rằng: Rất nhiều nội dung được lĩnh hội hết sức bổ ích, từ nghiệp vụ quan sát, phân tích khi đi rừng... đến cách thức lập hồ sơ biên bản và báo cáo, tham mưu lên cấp trên... Đây là những hạn chế mà từ trước đến nay rất nhiều anh em trong lực lượng BVR chuyên trách của các chủ rừng lúng túng trong xử lý để đảm bảo cả về mặt nghiệp vụ cả về mặt pháp lý.
Mặt khác, lực lượng BVR chuyên trách của các chủ rừng càng nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình tại các cơ sở. Đó là cảm nhận chung từ các học viên đến từ các BQLR phòng hộ Đa Nhim, BQL Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm, BQLR Phi Liêng, các Công ty Lâm nghiệp Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai...
Để đảm bảo công tác thường trực, tuần tra BVR tại các đơn vị chủ rừng vẫn được duy trì có hiệu quả, việc tổ chức lớp được lưu động về tận các cơ sở theo hình thức cụm.
Kết quả này rất đáng ghi nhận của đơn vị tổ chức là Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, từ việc biên soạn nội dung các chuyên đề đến việc tổ chức tập huấn nghiêm túc trong 5 ngày đối với mỗi lớp. Sau mỗi đợt tập huấn, các học viên ngoài việc tham dự đầy đủ các tiết học tại lớp còn phải thực hiện bài kiểm tra kiến thức thu hoạch vào cuối đợt nghiêm túc, chặt chẽ, nếu học viên đạt yêu cầu theo quy định mới được cấp chứng nhận, ông Nguyễn Khang Thiên - Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết.(Báo Lâm Đồng 28/11)đầu trang(
Năm 2017, huyện Sông Lô không để xảy ra cháy rừng, số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng giảm; tình hình khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép cơ bản được ngăn chặn... Có được kết quả đó, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng kiểm lâm luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Huyện Sông Lô hiện có gần 4.000 ha đất có rừng, trong đó rừng phòng hộ có gần 1.500 ha, rừng sản xuất gần 2.500 ha. Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm (HKL) tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ, phát triển rừng; tiếp tục giao đất, giao rừng cho người dân; rà soát, đánh giá, quy hoạch lại rừng, đất rừng, duy trì hợp lý diện tích rừng phòng hộ, vùng trồng rừng tập trung.
Đồng thời, HKL chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; xây dựng, chuẩn bị phương án PCCCR-BVR với nhiều nội dung mới và sát với thực tế địa bàn, nhất là trong mùa hanh khô…
Khó khăn đặt ra hiện nay đối với HKL huyện là lực lượng kiểm lâm mỏng, địa bàn rộng và phức tạp; nguồn lợi về kinh tế từ nghề rừng thấp, người dân không mặn mà với nghề rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. HKL huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng, nhất là những quy định của Nhà nước về trình tự, thủ tục khai thác lâm sản đến toàn thể nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu.
Nhờ vậy, đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc cung cấp thông tin, tố giác kịp thời các hành vi phá hoại rừng, khai thác rừng trái phép. Từ đầu năm đến nay, HKL phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh 3 vụ vi phạm pháp luật về rừng.
Đồng chí Nguyễn Lâm Tới, Hạt trưởng HKL huyện Sông Lô cho biết: “HKL tích cực tổ chức các hoạt động tuần tra, kiểm soát rừng, chủ động nắm bắt thông tin, cung cấp tin báo kịp thời, giúp chính quyền địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa và xử lý vi phạm; phân công kiểm lâm viên bám sát địa bàn được phân công kiểm tra, xác minh cụ thể từng lô rừng mà chủ rừng làm đơn xin khai thác để cập nhật vào sổ theo dõi; tổ chức ký cam kết với các chủ rừng không vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật, thăm nắm tình hình các cơ sở chế biến, mua bán gỗ để ngăn chặn tình trạng tiêu thụ, sử dụng gỗ bất hợp pháp”.
Cùng với đó, công tác PCCCR luôn được HKL quan tâm chú trọng, thường xuyên cử cán bộ phụ trách địa bàn tuyên truyền, ký cam kết với các hộ gia đình sống ven rừng về nguy cơ cháy rừng trong mùa khô, để người dân biết, nêu cao ý thức bảo vệ rừng, có phương án ứng trực và sẵn sàng chữa cháy.
Hạt còn phối hợp với tổ xung kích của các xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng, tập trung vào các địa bàn trọng điểm như Lãng Công, Đồng Quế… là những xã có diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất lớn, nguy cơ cháy rừng cao.
Hạt tham mưu với cấp ủy, chính quyền các xã kiện toàn, củng cố các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng; đẩy mạnh công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác PCCCR; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong PCCCR; thường xuyên theo dõi diễn biến phức tạp của thời tiết, trong những giờ cao điểm bố trí lực lượng trực 24/24h; hướng dẫn người dân thực hiện tốt việc phát quang, tạo đường băng cản lửa, thu gom và xử lý thực bì đúng quy định.
Cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn về quản lý, bảo vệ rừng hiện có, HKL còn tập trung hướng dẫn người dân trồng rừng và chăm sóc rừng trồng. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện trồng mới được hơn 146 ha rừng tập trung, tăng 10,4% so với cùng kỳ.(Báo Vĩnh Phúc 28/11)đầu trang(
Thời gian qua, cánh rừng bần nằm ở khu vực tiếp giáp tả đê sông Lam (Nghệ An) bị rác xâm lấn, đặc biệt là hàng loạt túi nilon, bì tải treo trên thân, gốc cây. Không chỉ có rác treo trên cây, dọc bờ đê cũng trở thành bãi rác bốc mùi hôi hám.
Theo những người dân địa phương sống ở đây cho biết, việc rác treo trên cây bần đã xuất hiện rải rác từ lâu. Nhưng kể từ sau cơn bão số 10 và đợt áp thấp nhiệt đới gây mưa ngập lớn vừa qua, thì lượng rác thải ở các nơi theo dòng nước đổ về nhiều hơn. Khi nước rút, rác mắc kẹt lại trên cây, để lại cảnh tượng ngổn ngang rác bám trên than cây bần, và bờ đê sông Lam. .
Chạy dọc theo tuyến đường đê sông Lam, đoạn qua các xã Phúc Thọ, Nghi Thái (huyện Nghi Lộc) là nơi tập trung nhiều rác nhất. Không chỉ ở trên cây, mà dưới nước, và dọc theo hàng trăm mét bờ đê chỗ nào cũng có túi bóng, xốp, các vật dụng bỏ đi nằm la liệt, bốc mùi hôi.
Được biết, rừng bần Hưng Hòa là rừng ngập mặn nguyên sinh, nằm cách trung tâm TP Vinh khoảng 8km về phía Đông Bắc, với sự đa dạng hệ sinh thái động, thực vật. Đây được coi là lá phổi xanh, bảo vệ hệ thống đê điều chống ngập mặn, chống xói lở, thiên tai.
Rừng có diện tích hơn 70ha, chiều dài 4km, chiều rộng có chỗ đến 300m, phía ngoài tiếp giáp sông Lam, phía trong giáp đê 42.
Ngoài có ý nghĩa về sinh thái, giúp chống xói lở, thiên tai khu vực rừng bần còn là nơi cư trú của nhiều loài thú, tôm, cua, cá, chim... Trong đó có một số loài thủy sản như cá, ngao, ốc được phép khai thác giúp người dân cải thiện cuộc sống, mang lại giá trị kinh tế.
Thời điểm này, rừng bần đang trong mùa rụng lá, đến khoảng tháng 2, tháng 3 năm sau thì cây bần đâm chồi, ra lá xanh. Tình trạng rác thải ngập rừng như hiện nay khiến nhiều người dân lo lắng về cảnh quan, môi trường nơi đậy, cần sớm có giải pháp khắc phục, bảo vệ.(Giáo Dục & Thời Đại 28/11)đầu trang(
Liên quan đến hơn 20 phiến gỗ “vô chủ” tại mốc L10, thuộc tiểu khu 490, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Người dân các bản Xiềng Xí, Buộc Mú khẳng định, đây là gỗ sa mu, vị trí phát hiện cách trạm chốt biên phòng... 200 m.
Một nhân chứng xin được giấu tên kể lại: Vào ngày 17/11, bản Xiềng Xí (xã Na Ngoi) có một người bị bệnh qua đời, thân nhân của người xấu số này vào rừng tìm gỗ để làm quan tài. Khi đến mốc L10, bất ngờ phát hiện hơn 20 phiến gỗ nói trên.
Theo nhận định của nhân chứng này, số gỗ khi phát hiện vẫn còn tươi chứng tỏ vừa được đốn hạ và xẻ thành tấm. Điều đặc biệt, vị trí phát hiện gỗ chỉ cách trạm chốt biên phòng khoảng 200 m.
“Trong khi dân muốn vào rừng tìm cây cọc về sửa nhà hay tìm gỗ làm hòm cho người chết thì bị cán bộ làm khó, làm dễ. Vậy mà cả mấy chục tấm gỗ bị cưa xẻ dễ dàng quá” - nhân chứng giấu tên nói trên cho hay.Ghi nhận tại hiện trường, có 21 tấm gỗ sa mu với kích thước: dài 2,6 m, rộng từ 0,8 - 1m, dày 20 - 30 cm. Tổng khối lượng khoảng 3,5 m3.(Báo Nghệ An 28/11)đầu trang(
Do không tìm được nguồn gốc của hai con trăn mà dân bắt được ở ruộng mía rồi đem nấu cao nên lực lượng chức năng không có cơ sở để xử lý.
Ngày 28/11, trao đổi trên báo chí, ông Lê Đình Bảy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Kỳ (Nghệ An), cho biết không có cơ sở để xử lý vụ người dân bắt, nấu cao hai con trăn xảy ra ở cánh đồng mía nằm trên địa bàn hai xã Nghĩa Phúc và xã Tân An.
Ông Bảy cho hay, trước đó, sau khi báo chí đăng tải việc người dân bắt được hai con trăn gấm (loại trăn quý nằm trong sách đỏ Việt Nam), đơn vị này đã cử cán bộ điều tra.
Tuy nhiên, khi kiểm lâm đến, hai con trăn đã bị nấu cao. Trong khi đó, người dân khẳng định họ không bắt được trăn đồng thời kiểm lâm cũng không xác định được những con trăn đã bị nấu cao là trăn nuôi hay trăn nhốt nên không thể xử lý.
"Do không tìm được nguồn gốc của hai con trăn nên lực lượng chức năng không có cơ sở để xử lý. Hình ảnh người dân bắt đem bán và nấu cao hai con trăn quý chỉ là thông tin trên mạng. Khi hỏi những người có mặt trong các hình ảnh đó thì họ cam kết không phải", ông Bảy nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho hay, sau khi nhận được thông tin từ báo chí, chủ tịch huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm vào cuộc xác minh, điều tra vụ việc. Tuy nhiên, đến nay đơn vị này chưa nhận được báo cáo về kết quả thông tin sự vụ.
Trước đó, trong hai ngày 19 và 20/11, người dân đi thu hoạch mía ở ruộng mía địa phận giáp ranh giữa xã Nghĩa Phúc và Tân An (huyện Tân Kỳ) phát hiện và bắt được hai con trăn lớn nặng gần 50kg.
Hình ảnh người dân bắt hai con trăn này được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, thu hút hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ. Cả hai con trăn sau đó được bán với giá 5 triệu đồng để nấu cao.
Ông Đặng Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc, cho biết cả hai con này đều thuộc loài trăn gấm, ở một số vùng quê còn gọi là trăn hoa vì có nhiều hoa văn trên thân.(Đời Sống & Pháp Luật 29/11)đầu trang(
Chiều tối ngày 28/11, tại xã Ea Lê, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) có 3 xe công nông chở gỗ tròn từ trong rừng ra. Phát hiện sự việc, phóng viên nhắn tin gọi điện cho kiểm lâm bắt giữ.
Hai vị trí mà phón viên phát hiện sự việc là tại tiểu khu 262 và tiểu khu 249 thuộc địa phận xã Ea Lê. Tại đây, một chiếc xe công nông độ chế chở đầy gỗ tròn, đường kính hơn 60 cm, dài khoảng 4 mét. Hai xe còn lại chất đầy gỗ dầu, một xe là gỗ vừa mới cắt, xe còn lại chất gỗ tận thu.
Ngay sau khi phát hiện, PV đã nhắn tin báo địa điểm cho ông Trương Văn Dự-Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Ea Súp, nhưng không thấy hồi âm. PV bấm máy gọi, ông Dự nói sẽ cho người vào xác minh. Khoảng 30 phút sau, ông Dự gọi điện lại xác nhận tổ tuần tra đã bắt giữ 2 xe gỗ nói trên.
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk báo cáo kết quả xử lý các vụ vi phạm khai thác gỗ xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có huyện Ea Súp. Tuy nhiên, nạn phá rừng ở Đắk Lắk vẫn rất phức tạp.
Gần đây nhất, ngày 31/10, Thủ tướng có văn bản giao Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk báo cáo kết quả xử lý các vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép xảy ra trên địa bàn huyện Ea Súp. Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các chủ rừng (Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ea H'mơ và Ya Lốp, UBND huyện, Hạt kiểm lâm Ea Súp, UBND 4 xã Ia J'lơi, Ia J'lốp, Ea Rôk, Cư K’bang) tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan đến các vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép trên địa bàn, xử lý theo quy định.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý việc khai thác, mua, bán, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên trái phép theo đúng các quy định của pháp luật.Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Ea Súp có hơn 191 ha rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép.(Tiền Phong 29/11)đầu trang(
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Là một cựu chiến binh, thương binh Võ Văn Lâm, quê ở Phường Thủy Phương, Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã từng đổ nhiều mồ hôi, nước mắt để có cánh rừng xanh tươi như hôm nay.
Năm 1981, sau khi rời quân ngũ, CCB Võ Văn Lâm tiếp tục tham gia công tác ở địa phương. Đến năm 1994, khi thôi giữ chức vụ Trưởng ban Kiểm tra Đảng tại phường Thủy Phương, ông Lâm quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế. Cùng chiếc xe đạp cà tàng, vượt hàng chục km, ông tìm đến vùng đất Dương Hòa để lập trang trại. Với số vốn ki cóp từ những đồng lương hưu ít ỏi, ông mua bò về nuôi. Từ một con bò giống ban đầu, ông chăm bẵm, gầy dựng và nhận chăn rẹ (chăn bò giúp người khác, công chăm được trả bằng bò) đàn bò của ông nhân lên từng ngày, có thời điểm lên đến 100 con.
Năm 2003, theo chủ trương trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của Nhà nước, ông bán bớt bò lấy tiền đầu tư trồng rừng và phát triển trang trại. Không phụ công người thương binh già, chưa đến 5 năm sau, những cánh rừng tràm xanh bạt ngàn bắt đầu cho thu hoạch. Có thu nhập, ông bắt đầu đầu tư hơn 200 triệu đồng để làm đường cho xe tải vào tận nơi khai thác rừng và trồng mới lại rừng. Để tăng thêm thu nhập, ông còn đầu tư nuôi gà, dê và lợn rừng.. .
Chia sẻ với phóng viên, ông cho biết: Năm 1994, ông quyết định lên lập nghiệp tại chiến khu Dương Hòa. Thời đó, nơi đây là rừng núi hoang vu. Ngày ngày, ông trèo đồi núi gần 10 cây số để chăn bò. Người dân quanh vùng thấy bò của ông lớn nhanh, nên đem bò đến nhờ ông giữ rẽ, tức là chăm sóc đến khi bò đẻ, ông được chia đôi số bê con. Chăn bò tuy mệt, song không căng thẳng như khi bò ốm.Năm 1999, cả đàn bò bị dịch lở mồm long móng ông phải dốc sức để chạy chữa cho đàn bò.
Năm 1999, đàn bò ở Dương Hòa và đây bị lở mồm long móng cả đàn, cả ngày cả tháng, bữa mai dậy nấu cơm rồi làm thuốc, thuốc xong lại bứt đọt, bứt cỏ cho nó ăn, rồi để áo ướt, quần ướt ngồi ăn cơm, rồi đi lại cùng theo hướng dẫn của thú y mình làm nên rồi đàn bò khôi phục.
Sau 10 năm giữ bò rẽ ông có 130 con bò . Năm 2003, ông bán gần nửa đàn bò ,đầu tư trồng 40 ha rừng, rồi mỗi năm lại mở thêm diện tích. Rừng của ông hiện lên xanh bạt ngàn, với tổng diện tích hơn 80 ha. Để thuận lợi cho việc trồng rừng, hơn 10 năm qua, ông đã đầu tư gần 450 triệu đồng mở gần 5km đường từ trục đường chính của xã vào rừng.
Theo ông Lê Văn Kháng, Nguyên PCT UBND Xã Dương Hòa,Thị Xã Hương Thủy-Tỉnh TT Huế cho biết, lúc đầu ở đây không có con đường đâu, chỉ có 1 con đường nhỏ, bà con đi làm củi làm mây, đường sá không có sau đó một thời gian, mấy năm gần đây, anh Lâm đã bỏ ra kinh phí mở 1 đoạn đường dài 4,5 km, sau khi anh Lâm mở đường, bà con rất thuận lợi đi lại làm rừng, phát triển kinh tế, phải nói công sức của anh rất lớn.
Sau 22 năm làm trang trại và trồng rừng, đến nay, diện tích rừng keo lai của ông Lâm lên đến 70 ha (36 ha có sổ đỏ, 34 ha thuê đất của địa phương); 40 con bò, 160 con dê, 1.000 con ba ba, hàng trăm con gà, vịt, 2 hồ cá…với thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Lâm còn nhiệt tình giúp đỡ các hộ gia đình trong phường về kỹ thuật trồng rừng. Học theo cách làm của ông, nhiều hộ gia đình cũng vươn lên thoát nghèo và từng bước ổn định cuộc sống.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Lâm còn thường xuyên hỗ trợ địa phương , gia đình liệt sĩ tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Đến nay ông đã cùng đồng đội tìm kiếm được hơn 50 hài cốt. Ông đã bốn lần được tặng thưởng Huân chương giải phóng Hạng nhất, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú vv... Năm 2007 ông được khen thưởng tại Đại hội Toàn quốc tôn vinh thương binh Tàn mà không Phế. Hiện nay ông đang được Ban chỉ huy Quân sự Thị xã Hương Thủy đề nghị làm hồ sơ Tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Nhớ về một lần đi tìm đồng đội, ông xúc động: “Người chúng tôi từng đi tìm là một chiến sĩ cùng đơn vị lên làm nhiệm vụ ở Nam Đông và không may đã hy sinh. Qua bao nhiêu năm tìm hiểu thông tin, khoanh vùng địa bàn, năm 1994 những cựu binh già cùng nhau khăn gói lên đường để tìm đồng đội. Chiến tranh đã lùi xa, nấm mộ không còn, địa hình lại thay đổi theo năm tháng, những người dân bản địa từng chôn cất bộ đội tuổi cũng đã cao, sức khỏe giảm sút… nhưng chỉ còn một hy vọng dù là nhỏ chúng tôi cũng quyết tâm đưa được đồng đội của mình về. Sau một tuần tìm kiếm, đào bới giữa rừng sâu cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy anh. Ngày đưa anh về với gia đình, chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc của người thân của anh, tôi thấy việc mình làm chẳng đáng gì so với sự mong mỏi, chờ đợi ngày đoàn tụ của gia đình anh bấy lâu nay”.(Tạp Chí Lao Động & Xã Hội 28/11)đầu trang(
Trong khi hệ thống đê bao nhiều nơi bị hư hỏng, sạt lở do các trận lũ lớn vừa qua thì tại xã Quảng Lợi (Quảng Điền) vẫn còn nguyên vẹn, bảo vệ an toàn cho ao hồ nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Sau trận lũ lớn đầu tháng 11 và trận lũ mới đây, người dân xã Quảng Lợi yên tâm vì hệ thống đê bao, ao hồ NTTS không bị sạt lở, hư hỏng như các mùa lũ nhiều năm trước.
Ông Đặng Hoàng không giấu niềm vui khi mấy ao hồ nuôi tôm của gia đình ông vẫn còn nguyên vẹn sau các trận lũ lớn, trong khi nhiều năm trước, cứ sau lũ là đê bao hư hỏng, phải chi phí khá lớn để khôi phục. Theo ông Hoàng, việc đê bao NTTS được bảo vệ an toàn là nhờ hệ thống vành đai rừng ngập mặn ven phá Tam Giang được trồng cách đây 1-2 năm. Đến nay rừng lên cao, phát triển rất nhanh, phát huy tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học trên đầm phá Tam Giang và bảo vệ hệ thống đê bao NTTS.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi Phan Đăng Bảo khẳng định, nếu không có rừng ngập mặn bảo vệ thì chắc chắn hệ thống đê bao, ao hồ NTTS trên địa bàn sẽ sạt lở bởi các trận lũ lớn vừa qua. Cứ sau mỗi trận lũ nhiều năm trước đây, hệ thống đê bao bị hư hỏng nặng, mỗi hộ phải mất hàng chục triệu đồng để sửa chữa, khắc phục.
Ông Bảo cho rằng, với diện tích gần 20 ha NTTS trên phá Tam Giang của 40 nhóm hộ nuôi, phần lớn nuôi tôm được xác định là một trong những “mũi nhọn” phát triển kinh tế của địa phương. Mấy năm gần đây do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, lũ lụt bất thường, diễn biến phức tạp khiến hệ thống đê bao, ao hồ NTTS thường xuyên bị sạt lở, hư hỏng gây thiệt hại rất lớn.
Ông Trương Xàng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Điền thông tin, vùng đầm phá ở Quảng Điền trước đây còn hoang sơ, chưa có sự tác động tích cực từ con người để ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khắc nghiệt. Mùa gió chướng các xã ven phá Tam Giang thường bị sóng đánh, làm hư hại đê điều, ảnh hưởng rất lớn đến NTTS, sinh kế của người dân. Việc trồng rừng ngập mặn ven phá là điều kiện tất yếu để bảo vệ mùa màng, gắn với phát triển du lịch. Những bãi bồi trồng dừa, bần ngập mặn tạo điều kiện, cơ sở để Quảng Điền phát triển du lịch sinh thái trong vài năm đến.
Những năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với huyện Quảng Điền đã trồng mới 37,5 ha rừng ngập mặn trên phá Tam Giang, gồm dừa nước, bần, gắn với công tác quản lý, bảo vệ nên đang phát triển tốt. Đây sẽ là nơi cư ngụ cho các loài thủy sản. Ngành kiểm lâm đang tiếp tục mở rộng diện tích rừng ngập mặn tại các xã ven phá, gắn với quy hoạch NTTS, phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ tại huyện Quảng Điền. Sau khi “hình hài” các khu rừng hình thành (trong 3 năm) sẽ tạo điểm nhấn về cảnh quan, môi trường sinh thái, phát triển du lịch bên phá Tam Giang.
Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thôn tin, những nỗ lực trồng rừng ngập mặn ven phá Tam Giang ở huyện Quảng Điền những năm qua đã thật sự phát huy tác dụng. Vành đai rừng ngập mặn không chỉ bảo vệ vùng NTTS mà cả các vùng ruộng đồng phía trong phá. Cũng chính nhờ rừng ngập mặn mà ao hồ NTTS, hạ tầng ven phá, đường giao thông, đê bao nội đồng không bị sạt lở, hư hỏng trong mùa bão lũ.
Các trận lũ lớn vừa qua, vành đai rừng ngập mặn trải dài 15km dọc phá Tam Giang – Cầu Hai đã đứng vững trước lũ lớn và phát huy tác dụng trong việc phòng hộ, bảo vệ vùng NTTS, hạ tầng ven phá. Người dân giờ đây khá yên tâm NTTS, sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, bão lũ diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.(Báo Thừa Thiên Huế 28/11)đầu trang(
Qua 10 năm (2006 – 2016) thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực,tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có địa giới hành chính giáp ranh với các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và biển Đông. Tính đến năm 2016, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh là 351.467 ha, chiếm 44,98 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh; trong đó, rừng tự nhiên là 256.359 ha, rừng trồng là 38.098 ha và đất chưa có rừng là 57.010 ha.
Nhận thức tầm quan trọng của tài nguyên rừng và quỹ đất lâm nghiệp đối với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống, dân sinh của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, Đảng bộ, chính quyền của tỉnh qua các thời kỳ luôn bám sát chủ trương chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, về quản lý sử dụng đất lâm nghiệp.
Đồng thời, cụ thể hóa, vận dụng vào thực tiễn quản lý rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh; sắp xếp hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý rừng. Bên cạnh đó, huy động các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng; tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, dân nghèo tại chỗ.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, qua 10 năm triển khai, công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì với diện tích 86.391 ha rừng cho 2.377 hộ, bình quân 36 ha rừng/hộ. Hiện nay, mức kinh phí giao khoán được điều chỉnh tăng từ 100.000 đồng/ha/năm lên 200.000 đồng/ha/năm, bình quân mỗi hộ có thêm thu nhập hơn 7 triệu đồng/năm ổn định cuộc sống, nâng cao nhận thức của đồng bào về công tác quản lý bảo vệ rừng.
Tổng kinh phí thực hiện chi trả tiền công quản lý bảo vệ rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2006 đến năm 2016 là hơn 140 tỷ đồng. Từ những kết quả này góp phần giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, số hộ nghèo đến đầu năm 2017 còn 1.900 hộ, chiếm 9%; hộ cận nghèo còn 1.700 hộ, chiếm 8,44%.
Các đơn vị chủ rừng đã phối hợp với UBND các xã tổ chức quán triệt đến các hộ nhận giao khoán về trách nhiệm, quyền lợi trong quản lý bảo vệ rừng và hướng dẫn đồng bào thành lập tổ, đội quản lý cũng như phân công lịch tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ vậy, diện tích rừng được giao tiếp tục được quản lý, bảo vệ tốt hơn, hạn chế nạn phá rừng làm rẫy và khai thác lâm sản trái phép.
Trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2011, số vụ lấn chiếm, phá rừng được phát hiện, lập hồ sơ xử lý 710 vụ/385 ha. Từ năm 2011-2016 không có phá mới diện tích rừng, chủ yếu là tái lấn chiếm trên diện tích bị phá, lấn, chiếm, sử dụng trái phép trước năm 2005. Trong giai đoạn này, đã tiếp tục phát hiện xử lý 84 vụ/18 ha; diện tích này, chủ yếu là tái lấn chiếm trên những diện tích phá rừng của năm 2009, 2010 nhưng thời điểm đó không phát hiện đối tượng để xử lý.
Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, việc triển khai chủ trương, chính sách phát triển rừng theo hướng xã hội hóa, huy động đa dạng các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trồng rừng, trồng cây công nghiệp, sản xuất nông lâm kết hợp thông qua các hình thức giao, cho thuê, khoán đất lâm nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Diện tích rừng trồng trong giai đoạn 2006 - 2016 tăng thêm trên 30.000 ha; nhiều diện tích đất trống, đồi trọc, hoang hóa, khô hạn được đưa vào trồng rừng (điển hình là các Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển), sản xuất nông lâm kết hợp đạt hiệu quả.
Mặc dù đã triển khai quyết liệt công tác bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp bằng nhiều biện pháp, tuy nhiên tình hình khai thác lâm sản trái pháp luật, phá rừng, lấn, chiếm đất vẫn còn diễn ra, chưa ngăn chặn triệt để; đặc biệt xảy ra phức tạp, gay gắt ở một số huyện giáp ranh với các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và địa bàn nội địa huyện Tánh Linh (Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Ban Quản lý Rừng phòng hộ La Ngà). Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng còn hạn chế; chất lượng rừng trồng tại một số đơn vị chưa cao; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, nhất là hệ thống nhà trạm bảo vệ rừng thiếu…
Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hỗ trợ về đất đai. Đồng thời, tiếp tục đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định, thoát khỏi nghèo khó vươn lên làm giàu.
Tỉnh cũng tiếp tục huy động các nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng; nhân rộng mô hình Quản lý, sử dụng kinh phí giao khoán bảo vệ rừng để thực hiện mô hình sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng cây ăn trái, phát triển chăn nuôi dưới tán rừng để người dân phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ rừng. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến người dân, đặc biệt là các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, chính quyền địa phương, chủ rừng trong việc tuần tra, truy quét, ngăn chặn các hành vi vi phạm.(Tin Tức 28/11)đầu trang(
Tại tỉnh Bạc Liêu, một dự án trồng rừng ngập mặn ven biển đã được triển khai. Sau 6 năm, hàng trăm ha rừng đã bén rễ, phủ kín nhiều khu vực bãi bồi.
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến tình trạng xói lở bờ biển, mất rừng phòng hộ diễn ra ngày càng nhức nhối. Tại ĐBSCL, từ năm 2010 đến nay, các địa phương trong khu vực đã mất đến 15.000ha rừng bãi bồi. Việc khôi phục rừng bãi bồi đang là vấn đề cấp bách được đặt ra hiện nay. Tại tỉnh Bạc Liêu, một dự án trồng rừng ngập mặn ven biển đã được triển khai.
Cây mắm đã bám rễ, một màu xanh bạt ngàn đã phủ khắp bãi bồi. Những vạt rừng phòng hộ này sẽ là lá chắn sóng bảo vệ cuộc sống của người dân vùng ven biển tỉnh Bạc Liêu. Có rừng, nỗi lo xói lở của người dân sẽ không còn. Việc hệ sinh thái rừng ngập mặn được khôi phục cũng sẽ góp phần phát triển đa dạng sinh học ở khu vực bãi bồi.
Những bộ rễ mắm đan chặt vào nhau có vai trò rất quan trọng trong việc cố định đất, chống xói lở. Đây cũng là nơi các loài thủy sinh phát triển. Lứa cây mắm tái sinh cũng đã mọc lên. Những đai rừng ngày càng dày thêm, bãi bồi sẽ tiến dần ra biển, hạn chế tình trạng biển xâm thực, góp phần ổn định cuộc sống người dân vùng đệm, vùng bãi bồi ven biển.(VTV 28/11)đầu trang(
Việc tiếp cận các thông tin cập nhật diễn biến rừng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong các hoạt động quản lý rừng bền vững tại Việt Nam.
Ngày 27/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại sứ quán Phần Lan tổ chức giới thiệu Hệ thống theo dõi diễn biến tài nguyên rừng (FRMS).
Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án Phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp, phần lớn do Chính phủ Phần Lan tài trợ.
Hệ thống theo dõi diễn biến tài nguyên rừng cho phép kiểm lâm có thể thu nhập dữ liệu, cập nhật diễn biến trạng thái của tất cả các lô rừng toàn quốc, đồng thời tìm kiếm thông tin, bản đồ ở tất cả các cấp hành chính...Dự án này giúp cơ quan quản lý rút ngắn được thời gian trong công tác chỉ đạo điều hành.
Đến nay, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với dự án này thực hiện triển khai đào tạo tập huấn sử dụng phần mềm cho 47 tỉnh/thành phố, với 459 huyện. Đến hết năm 2017, dự kiến sẽ hoàn thành triển khai đào tạo phần mềm cho 60 tỉnh/thành phố có rừng trên toàn quốc.
Việc tiếp cận các thông tin được cập nhật sẽ góp phần nâng cao hiệu suất trong các hoạt động quản lý rừng bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của ngành lâm nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Với sự hỗ trợ từ các dữ liệu và thông tin cập nhật sẽ giúp giảm thiểu được các chi phí giao dịch, chi phí lập kế hoạch đầu tư, theo dõi và lập báo cáo lâm nghiệp. Để dữ liệu và thông tin mang lại những lợi ích đó, thông tin thu thập cần dựa trên thực tế với độ chính xác cao.
Ngoài ra dự án cũng đã tạo ra một hệ thống đào tạo trực tuyến, các video. Mọi diễn biến về rừng và đất lâm nghiệp hiện đang được cán bộ kiểm lâm cấp huyện trực tiếp cập nhật vào phần mềm.(Infonet 28/11)đầu trang(
Ngày 28-11, tại xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ phát động ra quân trồng cây gây rừng năm 2017.
Phát biểu tại lễ phát động, Ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, thực hiện lời dạy của Bác Hồ về việc “trồng cây gây rừng”, trong những năm qua công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng của Quảng Nam đạt được những kết quả tích cực.
Nhiều dự án như: dự án trồng rừng JBIC, PACSA, KFW6, WB3, KFW10, BCC… được triển khai với sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của người dân và sự tài trợ của các tổ chức quốc tế đã góp phần tăng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Tính đến cuối năm 2016, tổng diện tích rừng của Quảng Nam đạt 680.350 hecta (trong đó rừng tự nhiên 455.522 hecta, rừng trồng 224.828 hecta). So với cả nước thì tỉnh Quảng Nam có tổng diện tích rừng đứng thứ 2, nâng độ che phủ của rừng từ 40,9% (năm 1999) lên 56,7% (năm 2016). Rừng trồng đã mang lại nhiều lợi ích, cung cấp một khối lượng lớn gỗ làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, cải tạo môi trường xã hội, nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Trần Đình Tùng cho biết thêm, trước tình hình biển đổi khí hậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, tỉnh Quảng Nam xác định việc tăng cường trồng rừng là hết sức quan trọng, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Vì vậy, chính quyền địa phương cần tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa vai trò, tác dụng, lợi ích lâu dài của việc trồng rừng phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời, tích cực tham gia trồng rừng, bảo vệ, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật.
Tại lễ phát động trồng cây gây rừng năm 2017, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và đoàn viên thanh niên đã trồng được 2.000 cây xanh tại tuyến đường ven biển 129, thuộc xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ.(Quân Đội Nhân Dân 28/11)đầu trang(
Nhân ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11), sáng 28/11, tại xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (NN&PTNT) tỉnh tổ chức lễ phát động ra quân trồng cây gây rừng năm 2017.
Trước tình hình biển đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, tỉnh Quảng Nam xác định việc tăng cường trồng cây là hết sức quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước, bảo vệ cuộc sống của người dân và chúng ta càng phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về lợi ích to lớn của việc trồng cây, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Tại buổi lễ phát động trồng cây gây rừng năm 2017, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và đoàn viên thanh niên...đã trồng được 2.000 cây xanh tại tuyến đường ven biển 129, thuộc xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Chính quyền địa phường cần tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến đông đảo quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa vai trò tác dụng to lớn, lợi ích toàn diện, lâu dài của việc trồng cây, trồng rừng và phát động trồng cay phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời, tích cực tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật”.(Đại Đoàn Kết 28/11)đầu trang(
Ngày 28/11 là Ngày truyền thống ngành Lâm nghiệp Việt Nam - ngày kỷ niệm ý nghĩa của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức từng, đã và đang hoạt động, gắn bó với nghề rừng
Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Pháp lệnh trồng rừng trong cả nước. Trong Pháp lệnh này, Hồ Chủ tịch đã khuyên nhân dân cả nước nên trồng rừng. Trồng rừng vừa không tốn kém, lại mang về lợi ích lâu dài cho đất nước. Trẻ em từ 8 tuổi trở lên có thể tham gia trồng rừng.
Ngày 28/6/1995, theo đề nghị của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để cổ vũ, động viên cán bộ, công nhân viên chức hoạt động trong ngành lâm nghiệp cả nước, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 380-TTg lấy ngày 28/11 làm ngày truyền thống ngành lâm nghiệp Việt Nam. Bắt đầu từ năm 1995, lấy ngày 28/11 là "Ngày Lâm nghiệp Việt Nam".
Kỷ niệm ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28/11 cũng là dịp để Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và nhân dân tri ân, ghi nhận sự đóng góp phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, anh hùng, chiến sĩ thi đua, lao động sáng tạo, lao động tiên tiến, các kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ đã gắn bó suốt chiều dài bảo vệ, xây dựng phát triển rừng.
Hàng năm, mỗi dịp Tết đến Xuân về, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trên khắp mọi miền Nghệ An cũng như cả nước đều tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”. Các cơ quan, doanh nghiệp, doanh trại quân đội, trường học, nhân dân tham gia đều hào hứng tham gia.
Và đó cũng là thời điểm đầu năm, là hoạt động đầu xuân để tuyên truyền, vận động mọi người bảo vệ rừng, phòng chống chặt phá, chữa cháy rừng, phòng và trừ sâu bệnh hại rừng. Thi đua trồng cây phân tán, trồng rừng tập trung đúng quy trình kỹ thuật, thời vụ.
Kết quả, mỗi năm trồng hàng triệu cây che bóng, cây phong cảnh trong cơ quan, trường học, doanh trại và công sở. Hàng trăm ha cây ăn quả, cây công nghiệp, hàng chục ngàn ha rừng tập trung. Đến nay diện tích rừng Nghệ An đã có 940.500 ha/1.648.994 ha chiếm 72%. Trong đó rừng tự nhiên 786.934 ha, rừng trồng tập trung 153.566 ha. Độ che phủ rừng năm 2017 đạt 57%.
Rừng đã phát huy tốt chức năng phòng hộ ngăn chặn gió bão, lũ lụt, hạn chế xói mòn, thoái hóa đất đai, điều tiết nguồn nước. Khai thác rừng trồng đạt >1 triệu m3 gỗ/năm. Chế biến gỗ ghép thanh hàng ngàn m3/năm... Khai thác nhựa thông ba ngàn tấn/năm. Khai thác song mây, lùng hàng trăm tấn phục vụ các làng nghề đan lát truyền thống.
Rừng tạo công ăn việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho hàng vạn người, nhất là đồng bào10 huyện huyện miền núi và hàng ngàn thanh niên đến tuổi vào các nhà máy chế biến gỗ. Sản phẩm từ rừng đã đóng góp vào ngân sách tỉnh Nghệ An khoảng 150 triệu USD/năm. Rất nhiều điển hình cá nhân, tập thể bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng giỏi được tôn vinh.
Kết quả đạt trên đồng nghĩa sự đóng góp của lãnh đạo nhiều cấp, nhiều thế hệ đã xoay chuyển được nhận thức không xem tài nguyên rừng là vô tận, nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng là trách nhiệm, là lẽ sống. Đồng thời đã góp sức chuyển từ sản suất lâm nghiệp truyền thống bao cấp theo kế hoạch sang sản xuất lâm nghiệp xã hội với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Chính vì vậy đã thúc đẩy sản xuất rừng phát triển đạt được kết quả như ngày nay.
Những kết quả trên lý giải cho điều khác biệt đưa Nghệ An thành tỉnh có diện tích rừng nói chung và rừng trồng lớn nhất cả nước. Năng suất rừng trồng hiện nay nhiều diện tích đã bằng những nước có nền sản xuất phát triển. Sản lượng gỗ trồng đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến và xuất khẩu trong tỉnh. Người làm rừng Nghệ An đã biết làm giàu từ diện tích rừng được giao và nhận khoán.
Bên cạnh đó, nghề rừng hiện cũng đang đối mặt một số thách thức cần được thảo gỡ như: Sản xuất Lâm nghiệp mang tính đặc thù bị yếu tố thời tiết, thời vụ chi phối, chu kỳ sản xuất dài, thành quả lao động phụ thuộc vào ngoại cảnh, không bền vững.
Nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp đổi với các ngành như khai khoáng, giao thông, thủy điện, thủy lợi, phân bổ lại dân cư ngày càng gia tăng ảnh hưởng đến tính bền vững về việc sử dụng, quản lý ba loại rừng. Chế độ, chính sách đầu tư, đãi ngộ Nhà nước chưa cân nhắc đến tính cá biệt vừa kìm hãm, ảnh hưởng tới tăng trưởng, tâm tư của người làm rừng.
Biến đổi khí hậu, hệ quả của sự nóng lên toàn cầu do lạm dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm các bể chứa các-bon. Hiện tượng khí hậu cực đoan như nước biển dâng cao, hạn hán, đất đai khô cằn, cháy rừng, gió bão, lũ quét, lốc tố, sạt lở, thiếu hụt nước ngọt, suy giảm đa dạng sinh học và gia tăng bệnh tật. Vì thế cần được lượng hóa, tính toán chặt chẽ, loại bỏ yếu tố cảm tính khi quyết định chuyển đổi các nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp là rất quan trọng.
Mặt khác, là nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và suy giảm chất lượng rừng. Theo dõi kết quả và đánh giá các nhân tố điều tra trong hệ thống ô định vị đặt tại rừng tự nhiên. Các trị số bình quân về trữ lượng gỗ giàu, trung bình m3/ha. Số lượng loài tầng cao trên đơn vị diện tích. Cấu trúc tầng thứ, tố thành, tuổi, mật độ thay đổi. Diễn thế từ Rừng gỗ→Rừng gỗ+Tre nứa→Cây bụi→Cỏ. Sự thay đổi này báo động là tài nguyên đang cạn kiệt, rừng mất dần khả năng phòng hộ hữu hiệu và cung cấp lâu dài, rừng đang bị lạm dụng vượt ngưỡng tăng trưởng.
Nguy cơ tụt hậu: Cuộc cách mạng sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu công nghệ thông tin, công nghệ sinh học với sự đột phá của cộng nghệ số (Cuộc cách mạng 4.0) phát triển và được ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất.
Đội ngũ khoa học kỹ thuật trẻ ngành lâm nghiệp tỉnh nhà cần có bước đột phá nhằm gia tăng hàm lượng khoa học vào các công trình sản xuất lâm nghiệp để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả đầu tư nếu không muốn bị bỏ xa và lạc hậu.
Nghệ An nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn nhiều núi cao hiểm trở, bề ngang hẹp, dốc. Khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng, hạn hán, mưa lũ, ngập úng. Vì vậy tỉnh bố trí đất lâm nghiệp hiện tại 1.187.292 ha là phù hợp. Trong đó: Rừng đặc dụng 172.403 ha. Rừng sản xuất 651.745 ha. Rừng phòng hộ 363.144 ha. Nếu ổn định được diện tích phân bổ trên thì vành đai rừng biên giới, đầu nguồn lưu vực sông Cả, sông Con, sông Hiếu, sông Giăng thuộc Cấp phòng hộ rất xung yếu. Vành đai rừng nằm hai bên sông suối, hồ đập thuộc Cấp xung yếu. Vành đai rừng phân bổ gần làng mạc, đồng ruộng, nhà máy, trường học thuộc Cấp ít xung yếu.
Nếu rừng tự nhiên được bảo vệ tốt, rừng trồng khai thác đúng luân kỳ thì cơ sở độ che phủ toàn tỉnh từ 57 - 59% là hoàn toàn đảm bảo được an ninh môi trường, an ninh quốc phòng và phát triển kính tế - xã hội tỉnh nhà.
Cần sớm quy hoạch hình thành hai vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung chuyên canh chất lượng cao, được cấp chứng chỉ rừng bền vững(FSC); quy mô 185.000 ha; gồm vùng Phủ Quỳ diện tích khoảng 100.000 ha (các huyện Quế Phong; Quỳ Châu; Quỳ Hợp; Nghĩa Đàn). Vùng Tây nam Tỉnh quy mô 85.000 ha (các huyện Con Cuông; Anh Sơn; Tân Kỳ; Thanh Chương).
Hai vùng trồng rừng tập trung này phải được đầu tư hạ tầng đồng bộ bao gồm cơ sở nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Xây dựng hệ thống đường vận xuất, vận chuyển bền vững, ổn định. Được trồng bởi các loài giống chất lượng chỉ định về chủng loại, kích thước gỗ ghép thanh xuất khẩu, ván MDF cao cấp xuất khẩu và tiêu dùng. Quy mô này mỗi năm có thể khai thác cung cấp cho 4 nhà máy trên địa bàn ≈ 2 triệu m3/năm.
Chính sách phát triển đường vận xuất, vận chuyển phục vụ sản xuất lâm nghiệp. Chính sách tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn lãi suất hợp lý phục vụ xây dựng hạ tầng và trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Chính sách đãi ngộ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách - Nếu làm tốt được những nội dung nêu trên vừa giảm được chi phí sản xuất, vừa tăng năng suất lao động, gia tăng chất lượng sản phẩm; và đây là cơ sở để giảm giá thành sản phẩm đáp ứng thị trường tiêu thụ khó tính EU, Nhật, Mỹ và đây cũng bước đột phá, là giải pháp nâng cao giá trị gia tăng của rừng nói chung.
Đi đôi với việc tái cơ cấu lại mô hình sản xuất lâm nghiệp, ngành cần nhanh chóng lựa chọn, tuyển dụng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, năng lực, trách nhiệm đào tạo nâng cao năng lực quản lý, năng lực chuyên môn, năng lực chỉ đạo sản xuất nhằm tạo bước chuyển biến mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển rừng.(Báo Nghệ An 28/11)đầu trang(
Ông Nguyễn Văn Trung - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Trọng cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Trọng có 31 dự án đầu tư về rừng và đất lâm nghiệp, với diện tích hơn 7.147 ha. Trong đó, trồng rừng kinh tế và kết hợp du lịch sinh thái 13 dự án, với hơn 4.881 ha; quản lý, bảo vệ (QLBV) rừng kết hợp du lịch sinh thái 7 dự án, với 1.363 ha; nông lâm kết hợp và trồng rừng, chăn nuôi dưới tán rừng 11 dự án, với hơn 902 ha.
Nhìn chung, sau khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư về rừng, đất lâm nghiệp, tình hình QLBV rừng có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư chưa bố trí lực lượng làm công tác QLBV rừng, hoặc có nhưng chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác tuần tra, kiểm soát, phối hợp với lực lượng kiểm lâm truy quét, phát hiện, lập biên bản, xử lý những đối tượng có hành vi vi phạm Luật BV-PT rừng, dẫn đến rừng bị phá hoại, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép.(Báo Lâm Đồng 28/11)đầu trang(
Qua làm việc, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã phát hiện sai phạm về tài chính hơn 15,6 tỉ đồng và gần 85.000 m2 đất lâm nghiệp bị các cá nhân có chức vụ, quyền hạn lấn chiếm sử dụng trái phép.
Chiều 27.11, Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 và triển khai công tác năm 2018.
Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương năm 2017, chưa phát hiện trường hợp nào dùng ngân sách nhà nước mua quà biếu vì mục đích cá nhân và không có trường hợp nào nộp lại quà tặng.
Bên cạnh đó, năm 2017, toàn tỉnh Gia Lai thực hiện 9 cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Kết quả kiểm tra phát hiện Văn phòng HĐND tỉnh chi sai hơn 11,2 tỉ đồng ngân sách. Trong đó, tiền tiếp khách không đúng hơn 3,5 tỉ đồng; hồ sơ thanh toán mua văn phòng phẩm không đầy đủ, hợp thức hóa chứng từ từ năm 2014 - 2016 là hơn 1,1 tỉ đồng. Kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét xử lý sai phạm trong quản lý tài chính tại văn phòng HĐND tỉnh.
Ngoài ra, năm 2017, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã thực hiện 117 cuộc thanh tra hành chính và 133 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua làm việc, Thanh tra đã phát hiện sai phạm về tài chính hơn 15,6 tỉ đồng, gần 85.000 m2 đất lâm nghiệp bị các cá nhân có chức vụ, quyền hạn lấn chiếm sử dụng trái phép.
Thanh tra tỉnh Gia Lai đã kiến nghị thu hồi 12 tỉ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 9 tỉ đồng. Kiến nghị xử lý trách nhiệm với những tập thể cá nhân sai phạm, chuyển sang cơ quan điều tra 4 vụ, gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ sai phạm hơn 1,3 tỉ đồng có dấu hiệu tham nhũng và 85.000 m2 đất lâm nghiệp bị các cá nhân lợi dụng quyền hạn, chức vụ lấn chiếm sử dụng trái phép; Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê và ban quản lý rừng phòng hộ Ya Hội thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra mất rừng với diện tích lớn trong thời gian dài; nguyên chủ tịch và kế toán Hội Chữ thập đỏ H.Mang Yang sai phạm trong công tác quản lý tài chính với số tiền 70 triệu đồng.
Cũng tại Hội nghị, bàn về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018, Tỉnh ủy Gia Lai đề nghị tuyên truyền sâu rộng về việc đã ban hành quy chế chi trả tiền cho người cung cấp thông tin phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Từ đó, kêu gọi người dân, cán bộ, đảng viên tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực.(Thanh Niên 28/11)đầu trang(
Ngày 28/11, Ban Chỉ đạo Bảo vệ và Phát triển rừng tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động lâm nghiệp năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018 và triển khai chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2018 - 2020.
Trong năm qua, Ban chỉ đạo Bảo vệ và Phát triển rừng đã tập trung chỉ đạo sâu sát; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành để triển khai nhiều biện pháp về quản lý, bảo vệ, sử dụng, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đưa độ che phủ của rừng từ 49,6% lên 50%; diện tích trồng rừng đạt trên 7.500 ha; số vụ vi phạm hành chính giảm so với năm 2016 và không xảy ra vi phạm hình sự trong trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng.
Ban chỉ đạo đã tiến hành rà soát và chuyển đổi trên 18.000ha rừng phòng hộ ít xung yếu để chuyển sang rừng sản xuất. Công tác phòng chống cháy rừng được chú trọng và chủ động thực hiện, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Trong năm 2017 có trên 1.000ha rừng được trồng mới góp phần nâng cao độ che phủ, sử dụng tốt tài nguyên đất lâm nghiệp…
Triển khai chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2018- 2020, Ban chỉ đạo Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị xác định: tập trung nguồn lực quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 duy trì và nâng cao độ che phủ rừng đạt trên 50%; nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; phấn đấu toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao và cho thuê đối với các tổ chức, các hộ gia đình cá nhân và cộng đồng dân cư thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.(Đài Phát Thanh Truyền Hình Quảng Trị 28/11)đầu trang(
Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách. Dự kiến năm nay nguồn thu này sẽ đạt 1.700 tỷ đồng.
Năm nay, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung sẽ đạt 19 triệu m3; xuất khẩu các mặt hàng lâm sản có thể đạt trên 7,8 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới và thứ nhất khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Nhân ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11), ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về định hướng phát triển của ngành lâm nghiệp trong thời gian tới.
Năm nay, xuất khẩu các mặt hàng lâm sản có thể đạt trên 7,8 tỷ USD, tăng 10% so với kế hoạch. Có được con số xuất khẩu lớn như vậy nhưng kim ngạch nhập khẩu của ngành thấp, đến thời điểm này khoảng trên 1,8 tỷ USD. Như vậy, thặng dư của ngành rất lớn và giá trị của ngành mang lại chủ yếu là rừng trồng.
Năm nay, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung sẽ đạt 19 triệu m3. Như vậy, rừng trồng càng trở nên ý nghĩa với người làm nghề rừng, thúc đẩy trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỷ lệ che phủ rừng trên toàn quốc liên tục tăng từ 39,7% (năm 2011) đến 41,19% (năm 2016), dự kiến năm 2017 là 41,45%. Tỷ lệ che phủ rừng mang ý nghĩa quan trọng trong điều kiện biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng. Điều đó cho thấy, con đường giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu chính là lâm nghiệp.
Về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên phạm vi cả nước đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Số vụ vi phạm giảm dần, từ trên 39.000 vụ/năm ở giai đoạn 2006 – 2010 xuống còn trên 26.000 vụ/năm giai đoạn 2012 – 2016. Diện tích rừng bị thiệt hại cũng giảm từ trên 5.500 ha/năm của giai đoạn trước xuống còn gần 3.000 ha/năm giai đoạn 2012 – 2016.
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã giảm 22% số vụ vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; giảm 69% diện tích rừng bị thiệt hại so với cùng kỳ năm 2016.
Trồng rừng tiếp tục được các địa phương tích cực triển khai và đến nay đã đạt gần 200.000 ha rừng. Một số chỉ tiêu trồng rừng đạt chưa cao nhưng riêng trồng rừng sản xuất đạt gần 100%. Năng suất rừng trồng tiếp tục được cải thiện, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đã đạt trên 224.000 ha. Như vậy có thể thấy, đã có sự đầu tư mạnh của người dân vào lâm nghiệp. Lâm nghiệp đang trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Đúng là dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, hàng năm thu từ 1.200-1.300 tỷ đồng, chi trả cho trên 5,4 triệu ha rừng. Nguồn thu này góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách.
Đầu năm, chúng tôi đặt kế hoạch sẽ thu khoảng 1.650 tỷ đồng trong điều kiện Nghị đinh 147/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện và ngành điện tăng giá điện. Tuy nhiên, năm nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã đòi được một số nợ gốc và ký thêm được các hợp đồng nên nguồn thu năm nay sẽ đạt 1.700 tỷ đồng.
Đây là con số rất có ý nghĩa khi mà đầu tư của nhà nước cho lâm nghiệp không được nhiều. Nguồn kinh phí này sẽ giúp người trồng rừng có thêm động lực tái đầu tư và bảo vệ rừng và từ đó sẽ giúp người dân sống bằng nghề rừng ổn định hơn và gắn bó với rừng hơn.
Dịch vụ môi trường rừng là loại hình sản phẩm phi lâm sản do rừng mang lại cho các nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống con người. Đây cũng là điểm mới khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc chuyển hướng khai thác lợi ích tiềm năng của rừng, từ sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ sang sản phẩm phi gỗ, tạo nguồn tài chính bền vững để đầu tư trực tiếp vào rừng.
Ngành sẽ triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 với các đề án: bảo vệ rừng ven biển, bảo vệ rừng Tây Bắc, Tây Nguyên... Đồng thời, khai thác có hiệu quả 3 triệu ha rừng sản xuất.
Đặc biệt, tính toán sao cho phải lấy rừng nuôi rừng, chứ không thể trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Hiện nay, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng phần lớn là từ thủy điện, nhưng cũng cần tìm đến các nguồn thu khác như: tín chỉ các bon, thủy sản, du lịch, nước sạch... Bên cạnh đó, tính đúng, tính đủ và chi đúng, chi đủ nguồn tài chính này cho những nơi rừng đã sản sinh ra những giá trị đó.
Một trong những định hướng của ngành thời gian tới là quản lý chặt, đúng các quy định về quản lý rừng tự nhiên, không thể để tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không được kiểm soát. Hiện nay đã có 46 tỉnh thành có đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, với trên 2.800 dự án gồm trên 131.000 ha. Đây là con số lớn nên chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ từng dự án. Những dự án nào thực sự cần thiết, thiết thực cho địa phương thì sẽ đề xuất cho chuyển đổi. Cùng với đó là xây dựng cơ chế chính sách sau khi Luật Lâm nghiệp được ban hành với dự kiến 3 Nghị định và một số Thông tư.(Bnews 28/11)đầu trang(
Ngày 28/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh cùng với một số sở, ban ngành đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của thị trấn Yoshino, tỉnh Nara (Nhật Bản) do ông Masanori Hosokawa làm trưởng đoàn đến tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm chế biến gỗ.
Tại buổi làm việc, hai bên đã giới thiệu cho nhau những thế mạnh và tiềm năng về sản phẩm khai thác, chế biến gỗ từ rừng. Riêng thị trấn Yoshino là địa phương của Nhật Bản có truyền thống khai thác, chế biến gỗ, đặc biệt là sản xuất đồ dùng trang trí thủ công mỹ nghệ tinh xảo.
Đoàn mong muốn được truyền đạt những kỹ thuật, công nghệ sản xuất gỗ giữa Nhật Bản kết hợp với kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, chế biến gỗ của các doanh nghiệp Bình Phước để tạo ra những sản phẩm độc đáo trên thị trường của hai nước cũng như trên thế giới. Sự hợp tác giữa hai bên sẽ thông qua một dự án của Chính phủ Nhật Bản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước hoan nghênh sự quan tâm của đoàn đã đến tìm hiểu về lĩnh vực sản xuất chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Tỉnh Bình Phước sẵn sàng tạo mọi điều kiện để hai bên cùng hợp tác và phát triển. Ông Huỳnh Anh Minh đề nghị lãnh đạo các sở, ngành liên quan tăng cường cung cấp và trao đổi thông tin để tìm hiểu sâu hơn. Từ đó, đi đến thống nhất và hợp tác cùng nhau phát triển.(Tạp Chí Khoa Học & Thời Đại 28/11)đầu trang(
Việt Nam đã chính thức trở thành nước đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á (ĐNÁ), đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ khi giá trị xuất khẩu của ngành này đạt tới 7,8 tỷ USD năm 2017.
Trao đổi với PV nhân ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11), ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, năm qua là năm khá sôi động của ngành lâm nghiệp. Theo ước tính, giá trị sản xuất lâm nghiệp cả năm 2017 tăng 6,6%.
Đặc biệt, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc năm 2017 theo tính toán sẽ tăng hơn 40% và sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung bình ước đạt 19 triệu m3. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản dự tính có thể đạt 7,8 tỷ USD. Giá trị này giúp chúng ta đã trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ, đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Trị, năm 2017, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã giảm 22% số vụ vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng và 69% diện tích rừng bị thiệt hại so với cùng kỳ năm 2016. Đến hết tháng 11/2017, cả nước đã trồng được trên 190 nghìn ha rừng tập trung, đạt 84,4 % kế hoạch năm và tương đương so với cùng kỳ năm 2016, trong đó trồng rừng sản xuất tăng 4% so với cùng kỳ.
“Một trong những nguồn tài chính quan trọng góp phần thúc đẩy bảo vệ và phát triển rừng đó là Dịch vụ môi trường rừng”. Ông Trị nói và cho biết, Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách, hàng năm thu từ 1.200-1.300 tỷ đồng, chi trả cho trên 5,4 triệu ha rừng.
Năm 2017 sẽ thu khoảng 1.650 tỷ đồng trong điều kiện phải nỗ lực hết sức, nhưng đến thời điểm này chúng ta đã đạt được con số này, dự kiến cả năm nay nguồn thu này sẽ đạt 1.700 tỷ. Theo ông, đây là con số rất ý nghĩa trong khi đầu tư vào lâm nghiệp còn hạn chế. Đây chính là nguồn kinh phí quý báu để tái đầu tư hỗ trợ người trồng rừng và bảo vệ rừng, từ đó sẽ giúp người dân sống bằng nghề rừng ổn định hơn và gắn bó với rừng hơn. Việc này cũng đã được minh chứng bằng thực tiễn đến nay chỉ tiêu trồng rừng sản xuất gần như đã hoàn thành 100%.
Ông Trị cũng nhận định, đến nay công tác bảo vệ quản lý rừng gần như tiệm cận với thực tiễn. Song, muốn bảo vệ và phát triển được rừng không ai khác ngoài chính những người dân đang ngày đêm gắn bó với những cánh rừng trên quê hương mình. Luật Lâm nghiệp đã quy định rất rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các loại chủ rừng. Đồng thời Luật Lâm nghiệp đã có phân cấp, cấp huyện được quản lý và chuyển đổi rừng ở mức độ nhất định. Nhưng luật cũng quy định rõ chính quyền cấp nào để nguy hại đến rừng, mất rừng thì chủ tịch cấp đó hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Tôi nói “lấy rừng nuôi rừng” không chỉ ở việc thu hoạch giá trị từ trồng rừng và các lâm sản phụ mà còn có cả những dịch vụ từ rừng. Chúng tôi đang nỗ lực cao nhất để người làm lâm nghiệp thu được hiệu quả kinh tế cao hơn nữa từ 3 triệu ha rừng trồng hiện nay”, ông Trị chia sẻ.(VietnamNet 28/11)đầu trang(
Ngày 27/11, tại Hà Nội, đại diện hơn 30 doanh nghiệp ngành dược liệu và Cơ quan quản lý ngành Y tế tham gia hội thảo tập huấn và đóng góp ý kiến hoàn thiện các chủ trương và chính sách về sử dụng cây hương liệu, dược liệu và các loại lâm sản ngoài gỗ.
Hội thảo do TRAFFIC và Cục quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế phối hợp tổ chức nhằm phổ biến kết quả báo cáo rà soát chính sách xây dựng khung pháp lý lâm sản ngoài gỗ và kế hoạch phát triển cây hương liệu, dược liệu dựa trên các nguyên tắc của tiêu chuẩn FairWild do TRAFFIC thực hiện năm 2016.
Báo cáo của TRAFFIC tại hội thảo nêu rõ những vấn đề mà hệ thống chính sách cần điều chỉnh nhằm tăng tính hiệu quả và chỉ ra các khu vực cần tăng cường tập huấn để đảm bảo năng lực thực thi. Bên cánh đó, báo cáo cũng khuyến nghị các biện pháp tăng cường hệ thống pháp lý và nhận dạng cơ hội thúc đẩy phát triển thương mại bền vững cho cây hương liệu, dược liệu thông qua việc lồng ghép tiêu chuẩn FairWild vào các chủ trương, chính sách trong tương lai.
Tiêu chuẩn FairWild là một bộ quy chuẩn gồm các thực hành tốt nhất về quy định hoạt động buôn bán thực vật hoang dã công bằng và bền vững. Hiện tiêu chuẩn FairWild đã được quốc tế công nhận. Tiêu chuẩn này nhằm mục tiêu đảm bảo quyền sử dụng đất được tôn trọng, trẻ em không bị bắt đi thu hái quá sớm, lợi ịch được chia sẻ công bằng, các thực hành trong thu hái tôn trọng các hiệp định quốc tế, tuân thủ đầy đủ luật, quy định và thủ tục hành chính.
Bà Madelon Willemsen, Trưởng đại diện TRAFFIC tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng công tác rà soát chính sách sẽ hỗ trợ cho hoạt động xây dựng chủ trương, chính sách thương mại bền vững cây hương liệu, dược liệu và lâm sản ngoài gỗ tại Việt Nam.
Với tham mưu của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và ý kiến góp ý của doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này sẽ giúp xây dựng các chính sách mới phù hợp và thúc đẩy thương mại bền vững, công bằng, nâng cao chất lượng cây hương liệu, dược liệu và lâm sản ngoài gỗ. Chính phủ và các thành phần kinh tế cùng chung tay bảo tồn di sản và đa dạng sinh học quốc gia trong dài hạn.”
Hội thảo cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành dược liệu và các cơ quan quản lý y tế như Sở Y tế tỉnh Lai Châu, cùng thảo luận xây dựng kế hoạch hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển cây hương liệu, dược liệu và lâm sản ngoài gỗ tại Việt Nam. Thông qua hội thảo, các nhà hoạch định chính sách tại Cục có cơ hội lắng nghe những suy nghĩ và mong đợi trực tiếp từ những người hưởng lợi từ những chính sách về lâm sản ngoài gỗ.
Ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết: “Các khuyến nghị này rất có giá trị. Các công ty dược cần hiểu rõ nguồn gốc sản phẩm và chủ động tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Cục sẽ tiếp thu và nghiêm túc xem xét các ý kiến và đề xuất nhằm hoàn thiện khung pháp lý lâm sản ngoài gỗ.”
Hội thảo được tài trợ bởi Quỹ sáng kiến Darwin thuộc Chính phủ Anh quốc, đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường quản lý và chia sẻ lợi ích công bằng cho các chuỗi lợi ích của sản phẩm hương liệu, dược liệu tại Việt Nam,” và là hoạt động triển khai cho Diễn đàn về thu hái bền vững cây dược liệu tự nhiên.(Thời Đại 28/11)đầu trang(
NHÌN RA THẾ GIỚI
Để cưỡng chế, di dời nhà dân định cư bất hợp pháp, cảnh sát Ấn Độ đã thuê những con voi khổng lồ đến đập phá và dọn dẹp.
Mới đây, tại Guwahati, Assam, Ấn Độ, cảnh sát Ấn Độ đã thực hiện cưỡng chế, di dời nhà dân định cư bất hợp pháp trong khu bảo tồn động vật hoang dã Amchang bằng cách dùng những con voi khổng lồ.
Được biết, trước khi tiến hành cưỡng chế, di dời, chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động người dân di chuyển sang nơi ở mới để tái định cư nhưng không được.
Không còn cách nào khác, chính quyền buộc phải thực hiện biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, người dân phản ứng rất gay gắt, khiến cảnh sát Ấn Độ nghĩ ra một cách, thuê voi khổng lồ để đập phá, tháo dỡ và dọn dẹp khu nhà dân định cư bất hợp pháp này.
Ngày hôm đó, cảnh sát cưỡi trên lưng hai con voi khổng lồ và đi thẳng vào nhà các hộ dân. Sau đó họ chỉ huy hai con voi phá hủy những ngôi nhà một cách nhanh chóng, khiến người dân không còn cách nào khác phải chạy ra khỏi nhà và chấp nhận di dời. Được biết, đây không phải lần đầu tiên cảnh sát Ấn Độ sử dụng voi để phá hủy, tháo dỡ các ngôi nhà định cư bất hợp pháp.
Cách đây hơn một năm, vào tháng 9/2016, tại ngôi làng Bandardubi, Assam, Ấn Độ, cảnh sát địa phương cũng đã chỉ đạo một đàn con voi khổng lồ đến đập phá nhà cửa của những hộ dân ngoan cố, không chịu di dời.
Theo thông tin đăng tải, vào năm 2016, để chống săn trộm, chính quyền Ấn Độ đã ra lệnh phá dỡ nhà của khoảng 300 hộ gia đình ở ngoại vi vườn quốc gia Kaziranga.
Việc trục xuất các cư dân sống trong vùng lân cận vườn quốc gia là để bảo tồn tê giác đang bị săn giết đến mức cạn kiệt, sắp tuyệt chủng. Trong quá trình phá dỡ, dân làng đã đụng độ với cảnh sát. Cuộc đụng độ khiến hai người chết và làm bị thương nhiều người khác.
Đến ngày 27/11 vừa qua, cũng với lý do để chống nạn săn trộm, cảnh sát tiếp tục tiến hành cưỡng chế, di dời nhiều hộ dân ra khỏi khu vực vùng lân cận khu bảo tồn động vật hoang dã Amchang.
Theo thông tin đăng tải, voi được coi là con vật linh thiêng ở Ấn Độ và người dân rất tôn kính loài động vật này. Chính vì vậy, khi sử dụng voi để phá hủy các ngôi nhà định cư bất hợp pháp, người dân sẽ thường không dám phản kháng quá dữ dội, làm bị thương voi.(Kiến Thức 28/11)đầu trang(./.
|
|||