Xem ngày trước
BẢN TIN TỔNG HỢP
Xem ngày kế tiếp

Ngày 09 tháng 11 năm 2017
CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
TIÊU ĐIỂM
QUẢN LÝ
NHÂN SỰ MỚI
THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
KINH TẾ
BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
NHÌN RA THẾ GIỚI

CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 120/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Nghị định này quy định chi tiết về chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế (chế độ) đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ; việc thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài.
Về định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, Nghị định quy định định mức ăn trong một tháng của người bị tạm giam gồm: 17kg gạo tẻ loại trung bình, 0,5 kg đường loại trung bình, 15kg rau, 0,7kg thịt, 0,8kg cá, 1kg muối, 0,75 lít nước chấm, 0,1kg bột ngọt và chất đốt tương đương 17kg củi hoặc 15kg than, 45kw/h điện, 3m3 nước để đảm bảo phục vụ ăn, uống và sinh hoạt của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam ốm đau, bệnh tật, thương tích do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định theo chỉ định của cơ sở y tế điều trị, nhưng không quá 2 lần so với tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hưởng định mức ăn như người bị tạm giữ, người bị tạm giam khác và được ăn tăng thêm 30% định lượng về thịt, cá. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sinh con được thanh toán viện phí và bồi dưỡng bằng hiện vật trị giá tương đương 30kg gạo tẻ loại trung bình.
Ngoài tiêu chuẩn ăn quy định ở trên, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng quà, tiền gửi lưu ký để ăn thêm nhưng không quá 3 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Nghị định cũng quy định định mức ăn đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài thực hiện như quy định đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người Việt Nam; trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó; trường hợp vì lý do đối ngoại khác sẽ do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.
Về chế độ mặc và tư trang, Nghị định quy định người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng quần, áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của cá nhân, nếu thiếu thì cơ sở giam giữ cho mượn theo tiêu chuẩn mỗi người gồm: 1 chiếu, 1 màn cá nhân, 1 đôi dép, 2 bộ quần áo dài, 1 áo ấm mùa đông và 1 chăn (các cơ sở giam giữ từ thành phố Đà Nẵng trở vào dùng chăn sợi, từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra dùng chăn bông loại không quá 2 kg).
Người bị tạm giữ được cấp 1 bàn chải đánh răng, kem đánh răng loại thường không quá 20g, 1 khăn rửa mặt.
Người bị tạm giam được cấp 1 bàn chải đánh răng, kem đánh răng loại thường không quá 100g dùng trong 2 tháng, 1 khăn rửa mặt dùng trong 4 tháng, mỗi tháng được cấp 0,3kg xà phòng giặt.
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ giá trị tương đương 2kg gạo tẻ loại trung bình/1 tháng.
Cơ sở giam giữ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam mượn quần áo theo mẫu thống nhất, áo kiểu bludong dài tay, quần dài có chun, không đóng số, màu xanh lam.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam được cấp tương đương 2 kg gạo tẻ loại trung bình/1 người/1 tháng. (Kinh Tế Và Đô Thị 8/11) đầu trang(
Từ ngày 15-12-2017, việc xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân được thực hiện theo quy định tại Thông tư 279/2017/TT-BQP do Bộ Quốc phòng mới ban hành, theo chinhphu.vn.
Về hình thức xuất ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ được xuất ngũ đúng thời hạn khi đã phục vụ tại ngũ đủ thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.
Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ trước thời hạn khi có một trong các điều kiện sau: Hội đồng giám định sức khỏe từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên hoặc hội đồng giám định y khoa cấp có thẩm quyền kết luận không đủ tiêu chuẩn sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định.
Ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ về có trách nhiệm tham mưu cho UBND cùng cấp tổ chức đón nhận hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ về địa phương theo quy định, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết chế độ, chính sách theo quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. (Pháp Luật TP.HCM 9/11) đầu trang(
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 121/2017/NĐ-CP quy định xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam.
Nghị định này quy định về xây dựng, thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng (gọi chung là xây dựng, quản lý, sử dụng) cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam.
Theo đó, việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
1- Tuân thủ Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự, Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
2- Mọi thông tin liên quan đến việc thi hành tạm giữ, tạm giam của người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải được thu thập, cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác, khách quan, khoa học và quản lý, sử dụng đúng mục đích, theo đúng quy định của pháp luật.
3- Khai thác, sử dụng đúng mục đích, bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được giữ bí mật theo quy định của pháp luật.
4- Việc xây dựng, khai thác, sử dụng thông tin liên quan đến người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải bảo đảm yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
5- Quản lý chặt chẽ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam, bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật theo quy định của pháp luật trong việc quản lý dữ liệu; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; bảo đảm sự tương thích, thông suốt an toàn giữa các hệ thống thông tin.
Nghị định quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam gồm: 1- Cố tình làm sai lệch thông tin, cung cấp thông tin sai lệch; 2- Tự ý lập, tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin, tài liệu; 3- Cố tình sử dụng sai mục đích kết quả thu thập, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam xâm phạm quyền tự do, danh dự, đời tư và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và nhà nước theo quy định của pháp luật; 4- Chiếm đoạt, làm hỏng, mất tài liệu, mua bán, chuyển giao, tiêu hủy trái phép thông tin, tài liệu; 5- Truy cập trái phép, thay đổi, giả mạo, sao chép, tiết lộ, gửi, hủy trái phép tài liệu lưu trữ điện tử, tạo ra hoặc phát tán chương trình phần mềm làm rối loạn hoặc hủy hoại thông tin và cơ sở dữ liệu.
Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam bao gồm: Hệ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân do Bộ Công an quản lý và Hệ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân do Bộ Quốc phòng quản lý.
Nghị định quy định các cơ quan tham gia xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam được quyền khai thác dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình. Việc khai thác cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam ngoài phạm vi quản lý phải được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam có thẩm quyền phê duyệt; nếu trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử phải được cơ quan thụ lý vụ án đồng ý bằng văn bản.
Trường hợp các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có yêu cầu tra cứu, cung cấp thông tin, tài liệu lưu trữ về người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và Luật lưu trữ; nếu trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử phải được cơ quan thụ lý vụ án đồng ý bằng văn bản. (Báo Chính Phủ 8/11) đầu trang(

TIÊU ĐIỂM
Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng nay (9/11), Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Sau khi Quốc hội thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sẽ báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thời gian qua, cơ chế chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được hoàn thiện; các hoạt động nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần tăng tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021…
Báo cáo cũng chỉ rõ, việc triển khai công tác bình đẳng giới tại một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm lồng ghép trong các hoạt động để đạt hiệu quả mong muốn.
Trong tổng số 22 chỉ tiêu mà Chiến lược đề ra chỉ có 6 chỉ tiêu đạt, và 16 chỉ tiêu chưa đạt hoặc chưa đánh giá được, trong đó có 3 chỉ tiêu không có khả năng thu thập và 11 chỉ tiêu phân tổ chưa phù hợp với hệ thống thống kê số liệu hiện hành…
**Cũng theo chương trình, chiều nay, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). (Đài Tiếng Nói Việt Nam 9/11) đầu trang(

QUẢN LÝ
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về kéo dài thời gian hoàn thành bán cổ phần lần đầu và không điều chỉnh giá trị sổ sách khi cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab).
Thủ tướng Chính phủ đồng ý không điều chỉnh sổ sách kế toán theo kết quả công bố giá trị doanh nghiệp đối với VTVcab. Kết quả công bố giá trị doanh nghiệp của Đài Truyền hình Việt Nam làm cơ sở xác định giá khởi điểm thực hiện đấu giá bán cổ phần lần đầu của VTVcab.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý gia hạn thời gian hoàn thành bán cổ phần lần đầu đối với VTVcab chậm nhất đến ngày 30/6/2018; Đài Truyền hình Việt Nam không phải điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp của VTVcab tại thời điểm 31/12/2015 đã được Đài công bố.
Đài Truyền hình Việt Nam có trách nhiệm hoàn thành cổ phần hóa VTVcab theo đúng quy định; cập nhật biến động vốn, tài sản (nếu có), cáo bạch cho các nhà đầu tư biết và điều chỉnh lại giá trị phần vốn nhà nước khi quyết toán tại thời điểm chuyển thành công ty cổ phần. (Đấu Thầu 9/11) đầu trang(
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý thoái vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần đầu tư tháp truyền hình Việt Nam theo đúng quy định, đảm bảo tính công khai, hiệu quả và tránh để thất thoát vốn.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 27-10 về thoái vốn tại Công ty cổ phần đầu tư tháp truyền hình Việt Nam.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thoái vốn tại công ty này, bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả, không để thất thoát vốn nhà nước.
Đài Truyền hình Việt Nam trao đổi với các đối tác, đề xuất cụ thể tỷ lệ thoái vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng cũng yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án tháp truyền hình Việt Nam thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật và các thủ tục về đất đai có liên quan theo đúng quy định.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có báo cáo Thủ tướng về phương án tái cơ cấu vốn đầu tư tại công ty này.
Theo bộ này, từ cuối tháng 5-2017, VTV đã có công văn đề nghị thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại Công ty cổ phần tháp truyền hình Việt Nam. Lý do được đưa ra là để tập trung ưu tiên, dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình, phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình.
Ngoài ra, SCIC cũng có chủ trương đưa công ty này vào danh mục thoái 100% vốn, do dự án không còn nằm trong danh mục Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp phấn.
Công ty cổ phần tháp truyền hình Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đăng ký vào cuối năm 2015 với số vốn điều lệ 600 tỉ đồng, là đơn vị triển khai xây dựng dự án tháp truyền hình Việt Nam.
Dự án này được Thủ tướng đồng ý phê duyệt về chủ trương nghiên cứu, hợp tác đầu tư vào năm 2015, với độ cao là 636m, thuộc loại cao nhất thế giới. (Tuổi Trẻ 8/11) đầu trang(
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương anh Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam và một số đồng nghiệp, trong khi cơn bão số 12 còn đang hoành hành, đã bất chấp hiểm nguy, dũng cảm đưa ca nô ra biển cùng các lực lượng chức năng kịp thời cứu được nhiều người dân gặp nạn trên biển.
Trong thư gửi anh Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam, tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng viết:
“Bão số 12 vừa qua là cơn bão mạnh, vùng tâm bão gió mạnh cấp 12, giật cấp 14, đã đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Nam Trung Bộ. Với sự nỗ lực cao nhất, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại mà bão gây ra cho nhân dân.
Tuy nhiên, do sức tàn phá lớn, bão đổ bộ vào khu vực lâu nay ít chịu ảnh hưởng của bão, kết hợp với mưa lớn nên đã gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của người dân, nhiều gia đình chịu cảnh đau thương tang tóc.
Tôi rất xúc động được biết trong khi cơn bão số 12 còn đang hoành hành, anh Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam và một số đồng nghiệp đã bất chấp hiểm nguy, dũng cảm đưa ca nô ra biển cùng các lực lượng chức năng kịp thời cứu được nhiều người dân gặp nạn trên biển.
Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao tinh thần nghĩa hiệp, trách nhiệm và tình người sâu sắc của anh Nguyễn Bá Luân và các đồng nghiệp. Hành động cao cả, đáng trân trọng này thể hiện truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc ta”.
Nhân đây, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và nhân dân cả nước tiếp tục chung sức giúp người dân bị ảnh hưởng của bão, lũ.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh vùng Nam Trung Bộ tiếp tục tập trung chỉ đạo khắc phục thiệt hại, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đồng bào sớm ổn định cuộc sống và sản xuất; không được chủ quan trước diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, chủ động có các biện pháp phòng, tránh và cứu hộ, cứu nạn cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân khi có thiên tai, mưa lũ lớn xảy ra. (Gia Đình Và Xã Hội 8/11) đầu trang(
Ngân hàng Chính sách xã hội không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ nhằm tạo thuận lợi nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017.
Thông báo nêu rõ: Qua 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, đã có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay đạt 433.245 tỷ đồng; góp phần quan trọng vào việc giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần 528 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 11 nghìn căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động; trên 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập,...
Định hướng phát triển tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội cần tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ cán bộ làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người vay vốn.
Các Bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị; kịp thời chủ động xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển ổn định và bền vững.
Các Bộ, ngành chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường nguồn lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tín dụng chính sách xã hội. Cụ thể, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao có các giải pháp tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách: Bố trí cấp đủ vốn điều lệ theo qui định, vốn đầu tư trung hạn, vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, vốn vay dài hạn, lãi suất thấp, vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh… để đảm bảo nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách.
Các Bộ, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội thường xuyên nghiên cứu kiến nghị từ các địa phương và tình hình thực tế để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách tín dụng, đối tượng, mức cho vay… đảm bảo phù hợp với thực tế, khả năng của ngân sách Nhà nước, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn tín dụng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Để thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội, hội, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước ủy thác vốn, đóng góp vốn tự nguyện không hoàn lại thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo lập đời sống.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương một cách bền vững, trong đó tiếp tục quan tâm bố trí vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đặc biệt là những địa phương chưa bố trí vốn ủy thác tương xứng với tiềm năng kinh tế của địa phương.
Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; thường xuyên rà soát, thống kê, xác nhận đúng các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn kịp thời; chỉ đạo thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; định hướng sản xuất cây trồng, vật nuôi giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay hiệu quả, thoát nghèo bền vững.
Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn nữa những công việc đã được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác, bảo đảm việc cho vay đúng chính sách, đúng đối tượng; giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, cải thiện được đời sống và có nguồn trả nợ.
Các Bộ, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, có giải pháp tín dụng chú trọng hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là đối với phụ nữ và thanh niên ở khu vực nông thôn, hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất - tiêu thụ, ứng dụng khoa học, công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ngân hàng Chính sách xã hội phát huy những thành công, kinh nghiệm đã đạt được, tiếp tục đồng hành, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của người dân; không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay, thu nợ, bảo đảm giảm thiểu rủi ro; chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ, phát huy tốt vai trò nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội. (Đấu Thầu 9/11) đầu trang(
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Kon Tum chủ trì lập Quy hoạch tổng thể Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum).
Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch và Đồ án Quy hoạch tổng thể Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh theo quy định hiện hành; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng, trong đó Kon Tum là địa đầu phía bắc Tây Nguyên, án ngữ ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia; nối liền tuyến hành lang Bắc-Nam và tuyến hành lang giữa Đông và Tây Trường Sơn.
Với vị trí chính trị quan trọng này, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tập trung mọi lực lượng xây dựng vùng Bắc Kon Tum trở thành một khu vực phòng thủ kiên cố nhất ở phía bắc Tây Nguyên mà trung tâm là cụm phòng ngự Đăk Tô-Tân Cảnh.
Từ năm 1957 đến năm 1972, Mỹ-chính quyền Sài Gòn đã cho xây dựng tại Đăk Tô-Tân Cảnh một hệ thống phòng ngự kiên cố nhất bao gồm căn cứ E42 ở Tân Cảnh và căn cứ Đăk Tô 2. Vì vậy, Đăk Tô-Tân Cảnh trở thành địa bàn diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt giữa ta và địch.
Thắng lợi chiến dịch Xuân Hè năm 1972 mà đỉnh cao là chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh là thắng lợi của đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự chỉ huy sáng suốt của các cấp ủy Đảng và của Bộ Tư lệnh chiến dịch; cùng tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của các binh chủng, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Với ý nghĩa lịch sử to lớn của Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2499/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh. (Báo Chính Phủ 8/11) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, làm rõ những vấn đề Báo Pháp luật Việt Nam nêu liên quan vụ phá rừng 327.
Ngày 07/11, Văn Phòng Chính Phủ ra Văn bản số 11893/VPCP-NN về việc xử lý vấn đề báo Pháp Luật Việt Nam (Pháp Luật Plus) nêu về nạn phá rừng thông trồng su su tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những hành vi vi phạm pháp luật và trả lời báo Pháp luật Việt Nam (Pháp Luật Plus).
Trước đó, báo Pháp luật Việt Nam (Pháp Luật Plus) số ra ngày 31/10/2017 có bài “Vĩnh Phúc: Đốn rừng thông trồng su su, một vụ phá rừng khôn khéo?” phản ánh về tình trạng phá rừng trong dự án 327 để trồng su su tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh
Theo đó, gần 8ha rừng thuộc dự án rừng phòng hộ 327 (huyện Tam Đảo) biến mất một cách lạ thường và trở thành những vườn su su xanh mướt.
Những cây thông được trồng cách đây hơn 10 năm đã biến mất đi đâu.
Hỏi ra mới biết, những vườn su su mà các hộ dân thuộc thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo đang trồng nằm trên phần đất thuộc dự án rừng 327 nhưng bị đốn hạ và chết từ từ hơn 10 năm nay.
Vụ việc tồn tại hơn 10 năm nhưng các cơ quan chức năng huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc chưa giải quyết khiến người dân địa phương bức xúc.
Báo Pháp Luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc. (Pháp Luật + 8/11) đầu trang(
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản; phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lúa gạo, thực phẩm, đường, muối nhằm ổn định thị trường nhất là trong thời điểm Tết Dương lịch và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 13/10/2017.
Theo đó,  Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tính toán điều hành tăng trưởng tín dụng theo khả năng hấp thụ của nền kinh tế để vừa hỗ trợ tăng trưởng nhưng không tạo lạm phát kỳ vọng cho năm 2018, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6%. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Căn cứ diễn biến lạm phát để nghiên cứu các giải pháp điều hành lãi suất huy động, nhất là lãi suất cho vay theo hướng bám sát diễn biến thị trường và hỗ trợ cho tăng trưởng, tranh thủ điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất nếu có thể.
Về giá các mặt hàng nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản; phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lúa gạo, thực phẩm, đường, muối nhằm ổn định thị trường nhất là trong thời điểm Tết Dương lịch và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Cập nhật đánh giá tình hình thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và tác động đến giá hàng nông sản do thiên tai, lũ lụt trong thời gian vừa qua báo cáo Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đồng thời gửi Bộ Tài chính để tổng hợp phục vụ cho việc xây dựng kịch bản điều hành giá.
Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện trình Chính phủ quyết định. Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể, đồng thời kết hợp đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng khác để bù đắp cho mức giảm tốc độ tăng GDP tương ứng.
Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ, sử dụng Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, nhất là trong các thời điểm cận lễ, Tết hoặc thời điểm mà giá xăng dầu đã tăng nhiều kỳ liên tục để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát.
Đối với việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong năm 2018, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội và Bộ Tài chính thực hiện tính toán, báo cáo Chính phủ lộ trình điều chỉnh phù hợp và các giải pháp để bảo đảm khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế khi thực hiện lộ trình điều chỉnh giá.
Bộ Y tế tiếp tục thực hiện việc đấu thầu thuốc tập trung, đẩy nhanh việc đàm phán giá thuốc đối với các loại thuốc biệt dược, các loại thuốc đã hết hạn hợp đồng; Bảo hiểm xã hội tiếp tục thực hiện việc đấu thầu thuốc tập trung theo Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 7/7/2016 với mục tiêu kéo giá thuốc giảm từ 10 - 15%.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nắm bắt, đánh giá việc điều chỉnh học phí của các cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề trong năm 2017 so với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để có định hướng điều chỉnh giá phù hợp cho năm 2018.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương đánh giá kĩ tình hình thực hiện mức giá hiện hành so với khung, trần học phí được quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 để xây dựng kịch bản điều hành giá trong các năm tiếp theo cũng như để đưa ra kiến nghị, sửa đổi Nghị định số 86/2015/NĐ-CP phù hợp với thực tế thực hiện.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành sớm thực hiện ngay việc rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý giá đối với các dịch vụ chuyển từ phí sang giá thuộc thẩm quyền và chủ động nắm bắt tình hình xây dựng giá các dịch vụ do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành nhưng thuộc thẩm quyền quản lý chuyên môn của các Bộ; ban hành đồng bộ các văn bản về định mức kinh tế, kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền trong năm 2017 để làm cơ sở cho việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ theo cơ chế thị trường báo cáo thường trực Ban Chỉ đạo tổng hợp trong cuộc họp Ban chỉ đạo quý IV năm 2017.
Đối với việc thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước, căn cứ các quy định của pháp luật về giá và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc các Bộ chuyên ngành, các Bộ, ngành, UBND theo thẩm quyền khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật quy định lộ trình tính đủ giá; quy định về danh mục dịch vụ sự nghiệp công, đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. (Đấu Thầu 8/11) đầu trang(

NHÂN SỰ MỚI
Lãnh đạo TANDTC, UBND TP Hà Nội, Thành ủy Hải Phòng, UBND tỉnh Bình Phước vừa trao các quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự chủ chốt của các địa phương.
Bình Phước: Ngày 7/11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Tiến Dũng chủ trì công bố và trao các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc bổ nhiệm và bổ nhiệm lại đối với 6 cán bộ.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước quyết định giao ông Trương Đình Vũ, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phụ trách, điều hành hoạt động của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước;
Quyết định bổ nhiệm ông Vũ Sao Sáng, nguyên Phó giám đốc Viettel - Chi nhánh Bình Phước giữ chức Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước;
Quyết định bổ nhiệm ông Bùi Quốc Khánh, Trưởng phòng biên giới Sở Ngoại vụ giữ chức Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Phước;
Quyết định bổ nhiệm ông Phạm Thế Võ giữ chức Phó giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Phước;
Quyết định bổ nhiệm lại ông Quách Ái Đức giữ chức Phó giám đốc Sở Y tế, ông Trương Tấn Nhất Linh giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước.
Hà Nội: Chiều 6/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao các quyết định: Bổ nhiệm (thời hạn 5 năm) ông Nguyễn An Huy (sinh năm 1962), Thành ủy viên, Phó Chánh Thanh tra thành phố giữ chức vụ Chánh Thanh tra TP Hà Nội;
Bổ nhiệm ông Chử Xuân Dũng (sinh năm 1973), Phó Giám đốc Phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội.
Chủ tịch UBND thành phố cũng quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Liễu (sinh năm 1975), Chánh Văn phòng Sở Nội vụ giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội;
Bổ nhiệm ông Hoàng Cao Thắng (sinh năm 1969), Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Sở Xây dựng giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội;
Bổ nhiệm ông Tạ Văn Tường (sinh năm 1969), Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội;
Bổ nhiệm ông Nguyễn Công Đại (sinh năm 1977), Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đã ký quyết định điều động ông Trần Đức Hoạt (sinh năm 1971), Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đến nhận công tác tại Quận ủy Nam Từ Liêm;
Đồng thời quyết định bổ nhiệm lại ông Từ Hà (sinh năm 1960), Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên UDIC cho đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định;
Bổ nhiệm lại ông Nguyễn Minh Mười (sinh năm 1963) tiếp tục giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội;
Quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội đối với ông Nguyễn Xuân Bình (sinh năm 1959) đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký quyết định về việc nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/11/2017 đối với ông Nguyễn Văn Tuấn Dũng, Chánh Thanh tra TP Hà Nội.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Ngày 6/11, ông Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án TANDTC đã trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho bà Đào Thị Huệ (SN 1969), Chánh Tòa Kinh tế TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiệm kỳ Phó Chánh án của bà Đào Thị Huệ là 5 năm, kể từ ngày 15/10/2017.
Hải Phòng: Ngày 6/11, Thành ủy Hải Phòng đã trao quyết định tiếp nhận ông Bùi Thành Chương, Huyện ủy viên, Viện trưởng VKSND huyện Tiên Lãng bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng từ ngày 6/11.2017, thời hạn bổ nhiệm là 5 năm. (Báo Chính Phủ 8/11) đầu trang(

THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
Ngày 8.11, bên lề kỳ họp Quốc hội, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh quân khu 2 (ĐBQH tỉnh Hà Giang) đã trao đổi với báo chí về công tác phòng chống tham nhũng.
Nói về việc có nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất "Trong vấn đề chống tham nhũng, khi nói về kê khai tài sản thì ít nhất phải khai báo 3 đời và sau đó phải công khai, treo ở các nơi công chúng nhìn được thì người dân mới giám sát rõ" của ông tại phiên thảo luận về công tác tư pháp, đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng sáng 7.11, rất hay nhưng không dễ thực hiện, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cho biết: Việc kê khai rõ 3 đời đã có từ rất lâu rồi chứ không phải bây giờ mới nói. Khi muốn vào Đảng hiện nay cũng yêu cầu các cá nhân phải khai lý lịch rõ ràng 3 đời. Nếu anh không khai 3 đời thì làm sao có thể biết được cán bộ có những tài sản gì.
Ngay như Tổng thống các nước họ kê khai tài sản mấy chục trang, rõ ràng. Ở ta nếu làm chỉ cần kê khai một đoạn ngắn thôi có gì đâu. Tài sản trên 50 triệu đồng thì khai báo, quy định rõ rồi.
"Ví dụ, ông Sùng Thìn Cò về tài sản ông có những gì, con ông ở đâu, có những gì... và chỉ kê khai những tài sản lớn thôi, trên 50 triệu đồng. Làm như thế người dân mới biết rõ được", ông Sùng Thìn Cò nói.
Nói về đề xuất nên làm phiếu thăm dò đối với cán bộ công chức xem vị nào tham nhũng nhiều sẽ cho nghỉ, theo ông Sùng Thìn Cò, chúng ta có thể làm phiếu thăm dò như phiếu đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ. Còn làm thì có thể thăm dò ở mức độ cơ quan hoặc tất cả cán bộ công nhân viên chức của huyện, tỉnh đó đối với người lãnh đạo các cấp, ở các vị trí nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như ở các sở, phòng, ban cả trong Đảng, chính quyền... rồi ở các phòng liên quan đến tiền nong, đầu tư các dự án, ban quản lý dự án, văn phòng UBND...
"Sau khi thăm dò, nếu xem những vị nào tham nhũng, tiêu cực nhất thì cho nghỉ", Ông Sùng Thìn Cò đề xuất.
Ông Sùng Thìn Cò cũng nói thêm: Để thực hiện việc này không phải không có cơ sở pháp lý để làm mà mình có làm hay không thôi. Bởi vì, giữa cái thực tiễn và pháp luật thì pháp luật luôn đi sau xã hội, anh không thể quy phạm được hết các vấn đề phát sinh. Còn tôi nghĩ, ở đây, pháp luật có rồi thì cần phải có cơ chế, chế tài để thực hiện, xử lý. (Lao Động 9/11) đầu trang(
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tỏ ra tự tin sẽ huy động được các thành phần kinh tế tham gia thực hiện dự án theo hình thức BOT, thì một số đại biểu lại cho là khó khăn, vì hình thức này đang bị người dân phản ứng.
Thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 tại Quốc hội, chiều 8/11, trong khi tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tỏ ra tự tin sẽ huy động được các thành phần kinh tế tham gia thực hiện dự án theo hình thức BOT, thì một số đại biểu (ĐB) lại cho là khó khăn, vì hình thức này đang bị người dân phản ứng.
Theo tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, đất nước ta chạy dài từ Bắc vào Nam. Hầu hết các trung tâm lớn như Hà Nội, Nha Trang, TPHCM, Cần Thơ hiện nay đều được kết nối qua trục Quốc lộ 1 cũ. Mặc dù tuyến đường này mới đây đã được cải tạo, nâng cấp nhưng ở một số đoạn đã quá tải, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách quốc gia. Do đó rất cần thiết phải có tuyến cao tốc nối các đô thị lớn với nhau, tạo động lực phát triển.
Thừa nhận, ngân sách còn khó khăn, nhưng theo Bộ trưởng Thể, nếu một miếng bánh chia mành mành ra 63 tỉnh, thành phố thì có khi cuối cùng chẳng được cái gì cả, ngân sách cũng không tăng trưởng được. “Muốn tạo ra đột phá thì phải xây dựng cao tốc, nhất là cao tốc Bắc - Nam. Muốn đất nước phát triển bền vững, muốn ngân sách dồi dào, muốn tỉnh giàu hỗ trợ cho tỉnh nghèo, muốn dăm ba năm nữa chúng ta có ngân sách để hỗ trợ các tỉnh còn khó khăn thì không có cách nào khác là phải ủng hộ làm cao tốc. Có trục đường này mới tạo ra động lực phát triển kinh tế lớn”, ông Thể nhấn mạnh.
Đồng tình việc xây dựng dự án này, đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, nếu làm sẽ hoàn thành được 3 đột phá chiến lược, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại. Tuy nhiên ông Ngân lưu ý cần tính thêm độ nhạy cảm, dễ phát sinh rủi ro như việc thực hiện giải phóng mặt bằng, lãi suất vay, thu phí, biến đổi khí hậu.
Đề cập đến nguồn vốn xây dựng dự án là 118.716 tỷ đồng, trong đó từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 55.000 tỷ đồng còn lại của nhà đầu tư, ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) lưu ý, các dự án đầu tư giao thông trước nay đều đội vốn, có thể gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Vì thế Chính phủ phải tính toán chi tiết hơn để thuyết phục được Quốc hội, cử tri đối với dự án này.
Về cách thức thực hiện dự án, theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự án cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài là trên 600 km, được chia ra làm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án thực hiện theo hình thức BOT, còn lại là thực hiện bằng ngân sách Nhà nước. “Sở dĩ có 3 dự án thực hiện bằng ngân sách Nhà nước là vì những khu vực này chúng ta đã làm một phần rồi, nhưng mới chỉ có 2 làn. Nay nếu làm theo BOT thì sẽ không khắc phục được tình trạng công tư lẫn lộn như trước. Vì thế, bỏ ngân sách nhà nước ra làm là hoàn toàn phù hợp”, ông Kiên nói.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, tất cả các dự án thành phần được thực hiện theo hình thức BOT sẽ được đấu thầu công khai, minh bạch. “Nếu đấu thầu lần một không được, chúng tôi sẽ điều chỉnh để đấu thầu lần 2 cho thành công, chứ không để chỉ định thầu như trước đây nữa”, ông Thể nói. Về mức phí, ông Thể cho biết, mỗi dự án này tính bình quân thu phí trong vòng 24 năm, mức phí trung bình sẽ là 2.500 đồng/km đối với xe con. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu sẽ chỉ thu ở mức 1.500 đồng km/xe con và sau đó sẽ tăng dần dần theo lộ trình. “Thu như thế mới tạo ra sức hút đối với các dòng xe, chứ thu cao ngay từ đầu thì các xe sẽ chạy trên Quốc lộ 1 cũ, chứ ít đi vào cao tốc, không bảo đảm được phương án thu hồi vốn”, ông Thể nói.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM) cho rằng chưa chắc hình thức BOT còn hấp dẫn nhà đầu tư, bởi hình thức này đang bị nhiều phản ứng. Chưa kể, đầu tư BOT phải chịu 3 lãi suất, từ lãi suất tiền gửi của người dân, lãi suất để ngân hàng có lời và khoản lời của chủ đầu tư khi đầu tư vào dự án. “Dự thảo cho hình thức BOT được hưởng lợi nhuận 14% nhưng nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề là nếu họ tham gia thì lợi nhuận phải 18% trở lên. Tất nhiên, nhà đầu tư nước ngoài họ minh bạch trong các hạng mục. Ở ta thì công tác kiểm tra chưa tốt nên đôi khi doanh nghiệp chấp nhận lãi thấp hơn, rồi có thể đội vốn”, ông Quốc lưu ý.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng đề nghị xây dựng những cơ chế chặt chẽ để chống thất thu, tiêu cực cũng như các nguy cơ có thể nảy sinh tham nhũng. Đặc biệt, khi thực hiện dự án theo hình thức BOT phải lấy ý kiến người dân để tạo ra sự công khai, minh bạch. Đồng thời khi đấu thầu phải lưu ý lựa chọn những nhà thầu mạnh, có uy tín, bảo đảm chất lượng. “Nên chọn những nhà thầu dám cam kết bảo hành 5 năm, chứ chọn nhà thầu mà “vừa làm xong đã hỏng” sẽ gây bức xúc trong dư luận”, ông Phương nói và cảnh báo “nếu không có những điều kiện về đấu thầu một cách chặt chẽ thì có khi tiêu cực còn lớn hơn so với chỉ định thầu”. (Tiền Phong 9/11) đầu trang(
Ngày 8.11, thảo luận tại tổ về dự luật Tố cáo (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ quy định tiếp nhận tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, bất kể người có hành vi vi phạm còn đang đương chức hay đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác.
Góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự luật Tố cáo (sửa đổi), dẫn thực tế thời gian qua có tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, cán bộ trước khi về hưu đã ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ, cấp phép dự án rồi "hạ cánh an toàn", đại biểu (ĐB) Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH), đề nghị dự luật phải có cơ chế giải quyết. “Cần phải bổ sung đối tượng cán bộ, công chức đã nghỉ hưu vào trong luật Tố cáo để xử lý những vấn đề mà thực tiễn đã đặt ra. Làm như vậy để có tính răn đe”, ông Thanh bày tỏ.
Ủng hộ tinh thần này, song ĐB Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, dẫn việc thời gian qua các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều trường hợp nguyên là lãnh đạo và bày tỏ băn khoăn: “Nếu là tội phạm, giải quyết theo tố giác thì hoàn toàn không ảnh hưởng. Nhưng tố cáo hành vi vi phạm trách nhiệm hành chính thì xử lý theo trình tự tố tụng nào?”.
Một trong những vấn đề của dự thảo luật được nhiều ĐB quan tâm cho ý kiến là hình thức tố cáo. ĐB Lê Minh Khái, Tổng thanh tra Chính phủ, cho rằng Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp muốn ngoài 2 hình thức tố cáo là đơn và trực tiếp, còn bổ sung quy định về việc tiếp nhận, xử lý tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại. Tuy nhiên, ông Khái lo ngại, với tình trạng nguồn nhân lực hiện nay sẽ xử lý không kịp, không đáp ứng được thực tế, vì tiếp nhận phải xác minh. “Điện thoại đâu có chữ ký, phải đi xác minh. Tôi lo sau này thụ lý, giải quyết hình thức này sẽ khó cho những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo... Tôi vừa nhận nhiệm vụ Tổng thanh tra Chính phủ, tin nhắn tố cáo liên tục đổ về điện thoại”, ông Khái nói.
Trong khi đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề luật Phòng chống tham nhũng cho sử dụng thư điện tử thì tại sao luật Tố cáo lại không cho phép? Đang ở thời đại 4.0 mà luật lại đặt ra bên ngoài? “Chiều qua, tôi nhận được tin nhắn tên, địa chỉ nói “3 lần khiếu nại tố cáo về thu hồi đất của tôi không đúng nhưng chủ tịch tỉnh không giải quyết. Tôi forward tin nhắn về cho địa phương. Đâu có mất công gì, bấm một cái chuyển tiếp về đúng địa chỉ. Mình phải có trách nhiệm với dân”, Chủ tịch QH nói và cho biết, những tin nhắn này cũng sẽ chuyển tiếp cho Ban Dân nguyện.
Cũng theo bà Ngân, những tin xấu, vu khống rất nhiều, tràn lan trên mạng xã hội, có những ĐB lo ngại nếu quy định trong luật sẽ dẫn đến tố cáo tràn lan, nên luật cần quy định chặt chẽ. Nếu đơn tố cáo có tên, địa chỉ, nội dung gửi qua email, không phải bâng quơ thì hoàn toàn chấp nhận được.
Về tố cáo cán bộ về hưu, theo Chủ tịch QH, tất cả cán bộ công chức khi làm nhiệm vụ luôn phải có trách nhiệm, không thể nghĩ còn 2 năm nữa là về hưu, xong là thôi. Ngoài ra, trong thực tế có nhiều cán bộ bị tố cáo không đúng, đang đề nghị bổ nhiệm hoặc tái bổ nhiệm, nếu kéo dài thời gian thì mất cơ hội của người ta. Nhất là trước đại hội, bổ nhiệm, đề bạt... cần tính ngày xem xét. Theo tinh thần cải cách hành chính cần rút ngắn thời gian, không kéo dài nhưng vẫn phải đủ thời gian xác minh.
ĐB Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cũng cho rằng, hiện nay visa cũng cấp bằng điện tử, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, công dân điện tử..., nếu không sử dụng công cụ này cho tất cả các hoạt động thì là vấn đề không bình thường. Theo ông Chính, quan trọng nhất là bảo vệ danh tính, khen thưởng khuyến khích cần chú ý điều này, có chế tài bảo vệ người tố cáo.
Chiều 8.11, QH thảo luận tại tổ về dự thảo luật Thể dục thể thao (sửa đổi). ĐB Hoàng Thị Hoa (đoàn Bắc Giang) cho rằng dự thảo luật, không đề cập đến quy định về cá cược trong bối cảnh vừa có Nghị định về hướng dẫn đua ngựa và thí điểm đặt cược thể thao quốc tế là thiếu sót. ĐB Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cũng bày tỏ: Dẫu biết rằng quy định sẽ phức tạp nhưng không quy định nó vẫn đang tồn tại. Cho nên, cần quy định cụ thể để có biện pháp quản lý, nhằm giảm thiểu tiêu cực. (Thanh Niên 9/11) đầu trang(
Đóng góp ý kiến về Dự án Luật Tố cáo diễn ra ngày 8.11, đại biểu Bùi Văn Cường đặt vấn đề, tại sao đơn thư tố cáo mạo danh được tiếp nhận thì đơn thư nặc danh lại không được xem xét.
Điều đó rất dễ xảy ra tình trạng lấy lý do theo quy định của pháp luật không giải quyết thì chúng tôi không giải quyết, dẫn tới việc có thể bỏ lọt, bỏ sót vi phạm.
Vấn đề đại biểu Bùi Văn Cường nêu ra là một thực tế cần xem xét để bổ sung quy định cho đạo luật này. Bởi vì, chính danh, mạo danh hay nặc danh đều là kênh thông tin, điều quan trọng là tiếp thu và xử lý thông tin có khách quan, khoa học và công tâm hay không. Muốn đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thì bất cứ kênh nào cung cấp được thông tin có nội dung rõ ràng đều là cần thiết. Nói như ông Bùi Văn Cường: “Khi nhận được đơn thư tố cáo nặc danh nhưng có nội dung thông tin rõ về người vi phạm thì đã đủ điều kiện để xem xét xử lý”.
Không ít trường hợp người tố cáo có đầy đủ thông tin, chính xác và trung thực, nhưng họ không dám ra mặt vì sợ liên tụy đến bản thân, gia đình, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Nếu như có quy định tiếp nhận đơn thư nặc danh, sẽ tạo điều kiện cho cán bộ, người dân tham gia tố cáo. Còn phân loại, sàng lọc đơn thư là công việc và trách nhiệm của người lãnh lương của dân.
Đại biểu Bùi Văn Cường còn đặt vấn đề về quy định chế tài đối với người tiếp nhận, giải quyết tố cáo có hành vi tiết lộ danh tính của người tố cáo. Nếu chỉ phê bình, rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc thì không được mà phải quy định chế tài cụ thể.
Ý kiến của đại biểu Bùi Văn Cường gợi nhớ vụ việc xảy ra tại Đồng Tháp mới đây, công dân gửi đơn tố cáo sai phạm, chủ tịch lại ký quyết định về việc thụ lý giải quyết và giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo công dân, trong đó ghi rõ tên tuổi, địa chỉ của người tố cáo. Và hài hước là ở chỗ, chính người bị tố cáo nhận quyết định “thụ lý và giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo”. Không chỉ riêng một trường hợp tiết lộ danh tính người tố cáo xảy ra ở Đồng Tháp, có điều không bị báo chí phát hiện nên không ai biết mà thôi. Vi phạm tiết lộ danh tính người tố cáo, nhưng xử lý như thế nào? Cũng xuê xoa cho qua, rõ ràng chưa nghiêm. Luật thì không thể không nghiêm.
Còn nữa, phải bảo vệ danh tính người bị tố cáo. Khi chưa làm rõ, để tên tuổi của người bị tố cáo bêu riếu trên các kênh thông tin, mạng xã hội thì về sau có sửa sai cũng không kịp. (Lao Động 9/11) đầu trang(

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Cùng với cải cách thủ tục hành chính xung quanh cuốn sổ hộ khẩu, liệu tiếp theo chúng ta có lộ trình dỡ bỏ những rào cản dẫn đến sự khác biệt về quyền lợi giữa các đối tượng thường trú và tạm trú?
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng của Bộ Công an. Trong đó, nội dung được quan tâm nhất là việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
Đông đảo người dân bày tỏ sự ủng hộ nhưng cũng có không ít lo lắng, băn khoăn. Sáng ngày 7/11, Bộ Công an đã có buổi họp báo để đưa ra những thông tin chính thức.
Với ý kiến của lãnh đạo Bộ này, “bỏ sổ hộ khẩu” thật ra là sự thay đổi phương tiện quản lý dân cư theo hướng hiện đại hơn, áp dụng tiến bộ công nghệ, và chưa tiến hành ngay mà dự kiến đến năm 2020. Điều này không đồng nghĩa với sự nới lỏng hoặc bãi bỏ hoạt động quản lý dân cư theo chế độ hộ khẩu như nhiều người hình dung ban đầu.
Có thể nói đây là một bước tiến lớn, đáng ghi nhận trong hoạt động quản lý dân cư, từ phương thức thủ công, cơ học, máy móc sang chiều hướng linh động, hiện đại và khoa học hơn. Theo đó, những rườm rà, rắc rối về các loại giấy tờ liên quan, nạn quan liêu, cửa quyền “ký sinh” theo hộ khẩu sẽ dần được giảm bớt. Dù chưa biết kết quả sẽ ra sao, nhưng trước mắt, chỉ cần thủ tục hành chính “bớt hành”, dân đã đủ lý do để mừng.
Ở một khía cạnh khác, đây là một bước tất yếu trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, vốn gắn bó chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, chắc hẳn rằng cải cách hành chính không đơn thuần là việc bỏ đi, loại ra một hay một vài giấy tờ nào đó. Nó chỉ có thể đi đến cái đích là đem đến sự tiện lợi, bảo đảm quyền của người dân khi đồng hành với đó là sự đổi mới thực sự trong tư duy quản lý.
Trong trường hợp này cũng vậy. Dư luận quá phấn khích với thông tin bỏ đi một loại giấy tờ mang cho họ quá nhiều phiền phức nhưng lại quên rằng, sổ hộ khẩu thật sự không tạo nên điều đó. Sổ hộ khẩu đơn thuần chỉ là một công cụ biểu hiện cho một lối tư duy quản lý dân cư lạc hậu. Gốc của vấn đề nằm ở cách các cơ quan công lực gán ghép và đồng nhất công cụ quản lý dân cư với điều kiện để người dân thực hiện quyền. Vì thế, sổ hộ khẩu từ vai trò là công cụ quản lý dân cư, đảm bảo quyền cư trú lại trở thành rào cản tiếp cận quyền của người dân.
Do vậy, một vấn đề nhiều người đặt ra là, cùng với cải cách thủ tục hành chính xung quanh cuốn sổ hộ khẩu, liệu tiếp theo chúng ta có lộ trình dỡ bỏ những rào cản dẫn đến sự khác biệt về quyền lợi giữa các đối tượng thường trú và tạm trú? Như trong một bài báo năm 2016, PGS-TS Võ Trí Hảo, người nhiều năm trăn trở với vấn đề bỏ sổ hộ khẩu, từng phân tích: “Cần phân biệt rõ khái niệm hộ khẩu là gì. Theo đó, có hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là để quản lý cư trú, khía cạnh thứ hai là gắn hộ khẩu với những quyền lợi được hưởng tại địa phương nơi sinh sống. Theo tôi, ở khía cạnh thứ hai mới đáng phản đối.” Do đó theo ông Hảo: “Bỏ ở đây là bỏ hộ khẩu theo khía cạnh thứ hai chứ không phải bỏ quản lý cư trú, vì như bỏ quản lý cư trú thì biết người dân sống ở đâu”.
Quản lý dân cư là hoạt động tất yếu của nhà nước, song nó phải được vận hành trên nền tảng tư duy tôn trọng và bảo đảm quyền của người dân. Dữ liệu quản lý dân cư giúp cho nhà nước xây dựng tầm nhìn, chiến lược và hoạt động nhằm bảo đảm tối đa quyền của công dân. Đây nên được xem là là tôn chỉ để lựa chọn phương thức quản lý và áp dụng vào hoạt động cải cách.
Hơn nữa, cải cách phải được thực hiện một cách đồng bộ, cả về mặt con người lẫn hệ thống quy định.
Về mặt con người, cần phải có sự thống nhất trong đội ngũ công chức thừa hành về tinh thần của cải cách. Thực trạng cho thấy, nếu Trung ương chỉ đạo, nhưng địa phương "bình chân như vại" thì doanh – dân chịu khổ.
Về mặt hệ thống quy định, số lượng thủ tục hành chính có liên quan đến sổ hộ khẩu hiện nay vô cùng lớn. Nó dường như gắn trọn với vòng đời một con người, từ khi sinh ra đến khi ra đi. Từ thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, tình trạng hôn nhân, giám hộ, hộ tịch, nuôi con nuôi, chứng thực di chúc, xác nhận hộ nghèo, dạy nghề cho người nghèo, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp xã hội, xác nhận học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để được vay vốn tín dụng, chứng thực hợp đồng thế chấp, hồ sơ đề nghị kinh phí mai táng...
“Bỏ sổ hộ khẩu” sẽ kéo theo yêu cầu buộc phải rà soát và sửa đổi hàng loạt các quy định có liên quan. Vì nếu không có sự đồng bộ trong cách thức triển khai, hậu quả xã hội sẽ khó lường, có nguy cơ khiến người dân từ trạng thái "khó tiếp cận quyền" thành "không tiếp cận" được quyền, vì thiếu hộ khẩu.
Hy vọng với quyết tâm cao độ, Chính phủ sẽ có được tầm nhìn dài hạn và có lộ trình hợp lý trong việc thực thi chính sách hợp lòng dân. (An Ninh Tiền Tệ Và Truyền Thông 9/11) đầu trang(

KINH TẾ
Sáng 8/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cùng Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk đã thay mặt Chính phủ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc ký kết hiệp định khung giữa Chính phủ hai nước cho các khoản tín dụng trị giá 1,5 tỷ USD từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) giai đoạn 2016 - 2020.
Việc ký kết Hiệp định tín dụng khung tạo cơ sở để hai phía tiến hành lựa chọn, triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn EDCF trong giai đoạn 2016 - 2020.
Tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh ý nghĩa của các khoản tín dụng ODA mà Chính phủ Hàn Quốc cung cấp cho Việt Nam trong hơn 2 thập kỷ qua, đã góp phần giúp Việt Nam phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, Bộ trưởng đánh giá cao việc Chính phủ Hàn Quốc luôn coi Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu trong cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức. Hiệp định tín dụng khung cho giai đoạn 2016 - 2020 là bước phát triển tiếp theo trong quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước, sẽ đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian tới.
Đại sứ Hàn Quốc Lee Hyuk nhận định, hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc sau 25 năm đã phát triển vượt bậc trong mọi lĩnh vực, đem lại lợi ích và sự hiểu biết, tin cậy sâu sắc lẫn nhau cho cả hai phía. Hàn Quốc cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Việt Nam để cụ thể hóa Hiệp định tín dụng này.
Hiệp định tín dụng khung gần đây nhất cho giai đoạn 2012 - 2015 về cơ bản đã được hai bên hoàn thành. Từ năm 1993 đến nay, Hàn Quốc đã cung cấp cho Việt Nam 2,7 tỷ USD vốn vay ODA để thực hiện khoảng 60 dự án. (Đấu Thầu 9/11) đầu trang(
Điều gì khiến hầu hết các DN mía đường đặt kế hoạch lợi nhuận “thụt lùi” cho vụ mía mới?
Theo lộ trình triển khai Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ năm 2018, mặt hàng mía đường sẽ phải xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế quan, đồng thời mức thuế suất nhập khẩu chỉ 5%.
Như vậy, chỉ còn 2 tháng nữa là ATIGA sẽ chính thức có hiệu lực, nhưng ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước đã cho thấy những sự khó khăn nhất định.
Tại Hội nghị Tổng kết sản xuất niên vụ mía đường 2016-2017, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, dự kiến năm 2017 tổng nguồn cung đường cả nước khoảng 1,7 triệu tấn, trong đó sản xuất được khoảng 1,3 triệu tấn, tồn kho đầu năm hơn 280.000 tấn và nhập khẩu 119.000 tấn.
Thách thức lớn của ngành mía đường trong năm 2018 ngoài việc đối mặt với những bất lợi do biến đổi khí hậu mang lại, ngành còn phải đương đầu với sự cạnh tranh của đường ngoại nhập khi Việt Nam thực hiện các cam kết về thương mại do hạn ngạch thuế quan sẽ được xóa bỏ.
Theo số liệu tổng hợp của 41 nhà máy đường trên cả nước, vụ 2017 - 2018 tới đây tổng diện tích được ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm là 248.930ha, tăng 30.587ha. Công suất thiết kế dự kiến 159.200 TMN, sản lượng mía ép đạt 15,17 triệu tấn, sản lượng đường đạt 1,42 triệu tấn.
Tuy nhiên, trong số 41 nhà máy, có tới 22 nhà máy chỉ có công suất dưới 3.000 tấn, những nhà máy lạc hậu, cũ kỹ này thực sự là nỗi lo với ngành đường trong nước khi mở cửa hội nhập.
Trước tình hình này, ngày 25/8/2017, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị lộ trình thực hiện cam kết ATIGA theo hướng kéo dài thuế quan và hạn ngạch đến năm 2022 để ngành mía đường trong nước có thêm thời gian tái cơ cấu, cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành.
Đến ngày 6/10/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt lại ý kiến Thủ tướng yêu cầu các Bộ Công Thương, Tài chính, NN-PTNT và các địa phương liên quan xem xét, giải quyết và báo cáo Chính phủ trước ngày 30/10/2017. Hiện đề xuất của VSSA đang chờ ý kiến các Bộ, ngành.
Việc ATIGA sắp có hiệu lực không còn quá mới mẻ, nhiều doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch cơ cấu, cải tiến để thích nghi từ hơn 3 năm trước. Tuy nhiên, những khó khăn sắp phải đương đầu cũng khiến nhiều doanh nghiệp thận trọng đưa ra kế hoạch “khiêm tốn” cho niên vụ mới 2017-2018.
Vào tháng 10, ĐHĐCĐ thường niên CTCP Đường Kon Tum (HNX: KTS) đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2017-2018 với doanh thu ước đạt 1.573 tỷ, gấp hơn 5 lần so với năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế (LNST) chỉ 27,6 tỷ đồng, giảm 35% so với 2016.
Việc tăng mạnh kế hoạch doanh thu là do Đại hội đã thông qua việc bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là thương mại - dịch vụ. Ban lãnh đạo KTS cũng cho biết 2018 sẽ là giai đoạn hết sức khó khăn khi vùng nguyên liệu tại tỉnh nhà Kon Tum đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, sự cạnh tranh khốc liệt của các loại cây trồng khác và tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của cư dân địa phương.
Nối gót KTS, đến lượt CTCP Mía đường Sơn La (HNX: SLS) đặt kế hoạch lãi niên độ 2017-2018 giảm 46%. Cụ thể, Công ty đặt chỉ tiêu tổng doanh thu 798 tỷ, tăng 46% so với năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế là 55,5 tỷ đồng, giảm mạnh 46% so với năm ngoái.
Ban lãnh đạo nhận định năm 2018, thực hiện hội nhập kinh tế Quốc tế là một trong những khó khăn thách thức vô cùng lớn với ngành đường nói chung và Sơn La nói riêng. Theo đó, phát triển nguyên liệu mía là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự sống còn của Công ty. SLS cũng đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đảm bảo chất lượng để tạo giá trị gia tăng, hạ giá thành sản xuất.
CTCP Mía đường Lam Sơn (HOSE: LSS) lại đưa ra kế hoạch khả quan hơn cho vụ mới với doanh thu 2.300 tỷ và lợi nhuận 125 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm trước. Tuy nhiên, ngay trong quý I/2018, doanh thu thuần của LSS giảm 53% cùng kỳ năm trước đạt 213,8 tỷ, lợi nhuận sau thuế giảm 51,5% về 37,2 tỷ đồng.
Trong phần giải trình kết quả kinh doanh quý I, LSS không cho biết giá đường và sản lượng bình quân quý của đơn vị ra sao. Được biết, các đơn vị cùng ngành của LSS như SLS và KTS thì giá đường bình quân đã giảm từ 12% đến 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (HoSE: SBT) cũng không ngoại lệ khi trong báo cáo thường niên mới nhất, Công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất cho mùa vụ mới 9.900 tỷ đồng, giảm 7% so với năm trước. Tuy nhiên sản lượng mía và mía ép đều tăng trưởng 15% và 8%, đạt lần lượt 601,657 tấn và 3,334,386 tấn.
Kết thúc quý I/2018, SBT báo cáo doanh thu thuần 1.562 tỷ đồng hoàn thành 15,8% kế hoạch và lãi sau thuế 88,4 tỷ đồng, chỉ thực hiện 13% kế hoạch năm. SBT cũng cho biết trong kỳ biến động giá đường thế giới trong thời gian qua làm ảnh hưởng giảm giá bán đường xuất khẩu 15% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đặt kế hoạch lợi nhuận giảm như:
CTCP Mía Đường Cần Thơ (Casuco) đặt kế hoạch cho năm tới với sản lượng đường sản xuất trên 88.000 tấn và lợi nhuận trước thuế từ 15 tỷ đồng trở lên, giảm mạnh so với lãi trước thuế 66,2 tỷ đồng của năm trước.
CTCP Mía đường 333 đưa ra kế hoạch doanh thu tăng 44% lên 536 tỷ nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 52% về 20,5 tỷ trong năm tới.
CTCP Mía đường Cao Bằng đặt chỉ tiêu doanh thu tăng 18% lên 234 tỷ, tuy nhiên kế hoạch lợi nhuận cho mùa vụ tới giảm mạnh 76% chỉ còn 6,4 tỷ đồng.
CTCP Mía đường Nông Cống đều đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận thụt lùi, lãi trước thuế chỉ ước 4,77 tỷ đồng cho năm tới, giảm 80% so với cùng kỳ 2016.
Việc ATIGA sắp có hiệu lực đã bắt đầu gây áp lực và thể hiện sự giảm sút trong kinh doanh của vài doanh nghiệp trong quý I/2018, tuy nhiên những khó khăn phía trước còn rất nhiều như tình trạng nhập lậu đường hay trữ lượng tồn kho đường cao càng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã có những sự chuẩn bị cho giai đoạn này và cũng đã có những hướng đi mới, những mảng kinh doanh mới ngoài đường để tồn tại và phát triển, cộng thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan, chính quyền liệu giúp các công ty mía đường vượt qua giai đoạn khó khăn và lột xác mạnh mẽ trong thời gian tới? (Người Đồng Hành 9/11) đầu trang(

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
Mỗi lần bão lũ tràn tới, nhất là ở phần khúc ruột miền Trung, là một lần ta thấm thía hơn cái gian nan của một đất nước bên bờ sóng. Hơn 2.000 cây số chạy dọc bờ biển là một ưu đãi tuyệt vời của thiên nhiên nhưng cũng là chất chồng thử thách.
Đối mặt với hiểm nguy, trong gian khó vô cùng, phẩm chất người Việt vẫn ngời sáng, đạo nghĩa lá lành đùm lá rách như là lý do để dân tộc này trường tồn.
Sau những trận cuồng phong của bão, lũ đã sầm sập kéo đến. Việc này, không năm nào không có, chỉ mức độ là khác. Như những ngày này, một phần đất đai và đồng bào ruột thịt đang oằn mình trong lũ.
Hình thái địa lý khu vực sinh tồn của người Việt chúng ta không cách nào thay đổi được. Cho nên, dễ hiểu vì sao công cuộc xóa đói giảm nghèo lại gian nan đến thế.
Chỉ một trận bão, một trận lũ thôi là lại khiến biết bao gia đình trắng tay. Biết bao gia đình vừa mới thoát nghèo lại đứng trước nguy cơ tái nghèo.
Những ngày này vẫn đang nằm trong tháng cao điểm Vì người nghèo do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Hình ảnh đồng bào Nam Trung Bộ đang gian nan trong lũ, hình ảnh 2 di sản thế giới là Huế và Hội An đang ngập chìm trong lũ như là một minh chứng, một thử thách rõ nhất trong Tháng cao điểm Vì người nghèo.
Rằng, đây là một cuộc vận động thiết thực, bền bỉ và lâu dài để thắp sáng tình nghĩa đồng bào, để sưởi ấm lòng người hoạn nạn, để đạo lý dân tộc sáng ngời lên.
Khối đại đoàn kết dân tộc không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là những biểu hiện cụ thể, như trong những ngày này, khi tình đoàn kết gắn bó mọi người Việt Nam chia sẻ bớt khó khăn, làm ấm lòng những người dân miền Trung đang gặp nạn.
Như trong lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa gửi đồng bào cả nước, đã nêu: Trong khó khăn hoạn nạn, đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp thể hiện trách nhiệm, tình thương yêu, đùm bọc giúp đỡ đối với nhân dân vùng bị bão lũ tàn phá.
Không ai muốn trở thành người khó khăn để nhận sự hảo tâm của người khác. Nhưng như đã nói, không ai chọn nơi để sinh ra, có những vùng đất có những thiệt thòi hơn vùng đất khác, mà luôn luôn khó lường thiên tai.
Ai đã từng đi qua những vùng đất miền Trung sau bão lũ, đủ thấm thía những khó khăn mà đồng bào mình phải trải qua. Những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những ngôi nhà vốn đã tiêu điều càng trở nên xơ xác…
Những ngày này, đồng bào miền Trung đang thật sự gặp khó khăn, “hàng chục ngàn người lâm vào cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ của đồng bào trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, cùng bạn bè quốc tế”.
Nhất là đối với người Việt Nam, chỉ cần nghĩ đến một phần đồng bào mình đang đói ăn, khát uống là không ai có thể thờ ơ được.
Sự chung tay của tình nghĩa đồng bào không phải chỉ là giá trị vật chất mà còn là có giá trị tinh thần to lớn, để người dân miền Trung dù trong khốn khó, thiếu thốn sau cơn bão lũ vẫn biết mình không đơn độc.
Tinh thần này đã được thể hiện rõ trong Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”; Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thiết tha kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước hãy dành cho đồng bào vùng bị thiệt hại do bão, lũ gây ra sự giúp đỡ thiết thực về tinh thần, vật chất để góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất và đời sống.
Tương thân tương ái vốn là truyền thống của người Việt. Có thể trong mỗi ngày bình thường, đạo lý tình cảm ấy  bị lẩn khuất đâu đây, thì khi một khúc ruột gặp hoạn nạn, đồng bào miền Trung vật vã chống chọi với bão lũ, phẩm chất ấy lại trở về, biến thành hành động chung tay, thành những giá trị vật chất cụ thể và thiết thực nhất, giúp đồng bão vùng bão lũ nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Sau sức tàn phá điên cuồng của cơn bão số 12, mảnh đất Nam Trung Bộ lại đang chìm trong lũ. Thật xót xa khi nhìn những cánh đồng, những mảnh vườn, những ngôi nhà ngập sâu trong nước.
Thật đau đớn khi biết rằng thiên tai đã cướp đi mấy chục mạng người. Thật khó hình dung những ngôi nhà trong phố cổ Hội An thường ngày đẹp đẽ như vậy giờ cũng đang dầm trong nước…
Tất nhiên, một vài ngày nữa nước sẽ rút đi, nhưng để tái thiết lại cuộc sống, đồng bào ở vùng khó khăn đang cần sự chia sẻ từ tất cả chúng ta.
Trong những ngày qua, chúng ta đã bắt gặp rất nhiều nghĩa cử cao đẹp của đồng bào cả nước hướng tới đồng bào vùng lũ.
Lời kêu gọi kịp thời và tha thiết của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ là điểm tựa để những nghĩa cử cao đẹp, đơn lẻ trở thành một khối đồng lòng, nhân rộng và lan tỏa, tiếp nối truyền thống, sưởi ấm tình đồng bào.
Sau Lời kêu gọi, tinh thần cứu trợ đồng bào vùng lũ đã và sẽ được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện một cách khẩn trương, trách nhiệm.
Để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau, để nhanh nhất có thể, đồng bào vùng lũ sẽ ổn định cuộc sống, như vốn có. (Đại Đoàn Kết 8/11) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia cho biết hơn 1.200 tài khoản ngân hàng đã bị đóng băng để phục vụ công tác điều tra.
Tờ Thời báo vùng Vịnh Gulf Times cho hay con số trên còn tiếp tục gia tăng. Nếu tình trạng đóng băng tài khoản kéo dài có thể ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh hàng ngày như trả lương nhân viên, trả nợ hoặc thực hiện các giao dịch khác.
Một trong số những nguồn tin của Reuters cho biết Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia đã gặp một số ngân hàng nước ngoài trong tuần này để trấn an họ rằng, việc đóng băng các tài khoản mục tiêu hướng đến các cá nhân và các công ty liên kết với những đối tượng này sẽ không bị ảnh hưởng. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 9/11) đầu trang(./.