Xem ngày trước
BẢN TIN TỔNG HỢP
Xem ngày kế tiếp

Ngày 06 tháng 03 năm 2017
CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
QUẢN LÝ
THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
KINH TẾ
VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN
PHÁP LUẬT
MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
NHÌN RA THẾ GIỚI

CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
Tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Nghị định này, người có đủ tiêu chuẩn sau đây thì được làm hòa giải viên thương mại: 1- Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan; 2- Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên; 3- Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan.
Hòa giải viên thương mại được thực hiện hòa giải thương mại với tư cách là hòa giải viên thương mại vụ việc hoặc hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại theo quy định.
Tổ chức hòa giải thương mại có thể quy định tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cao hơn các tiêu chuẩn quy định trên.
Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được làm hòa giải viên thương mại.
Nghị định nêu rõ, người có đủ tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại quy định ở trên muốn trở thành hòa giải viên thương mại vụ việc đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó thường trú. Trường hợp người đề nghị đăng ký là người nước ngoài thì đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó tạm trú.
Người đề nghị đăng ký làm hòa giải viên thương mại vụ việc gửi hồ sơ đến Sở Tư pháp. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp ghi tên người đề nghị đăng ký vào danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc và công bố danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc trên Cổng thông tin điện tử của sở; trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hòa giải viên thương mại vụ việc thôi làm hòa giải thương mại vụ việc thì gửi văn bản thông báo cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký hòa giải viên thương mại vụ việc. Sở Tư pháp xóa tên hòa giải viên thương mại đó khỏi danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc của sở.
Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện hòa giải viên thương mại vụ việc không còn đủ tiêu chuẩn quy định hoặc mắc phải những hành vi bị cấm thì thông báo cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi hòa giải viên thương mại vụ việc đăng ký. Sở Tư pháp tiến hành xem xét, xóa tên hòa giải viên thương mại vụ việc đó khỏi danh sách của sở.
Nghị định quy định cấm hòa giải viên thương mại thực hiện các hành vi sau: 1- Tiết lộ thông tin về vụ việc, khách hàng mà mình biết được trong quá trình hòa giải, trừ trường hợp được các bên tranh chấp đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; 2- Vi phạm quy tắc đạo đức hòa giải viên thương mại; 3- Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ các bên ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận; 4- Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật. (Tuổi Trẻ 4/3) đầu trang(
Sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 21/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Cụ thể, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho các đối tượng:
- Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao, công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (bao gồm cả nhận thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất nông nghiệp).
- Hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh và hộ gia đình, cá nhân nhận đất giao khoán ổn định của công ty nông, lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
Việc giao khoán đất của hợp tác xã và nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Nông trường viên, lâm trường viên bao gồm: Cán bộ, công nhân, viên chức đang làm việc cho nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh; hộ gia đình có người đang làm việc cho nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, được hưởng chế độ đang cư trú trên địa bàn; hộ gia đình có nhu cầu trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đang cư trú trên địa bàn.
- Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.
Khai thuế và điều chỉnh, bổ sung sổ thuế
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung việc khai thuế và điều chỉnh, bổ sung sổ thuế. Trong đó, việc khai thuế và điều chỉnh, bổ sung sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các trường hợp có thay đổi về nội dung miễn thuế theo quy định tại Nghị định này so với quy định của pháp luật về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã thực hiện trong giai đoạn từ năm 2003 đến hết năm 2010 thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Việc khai thuế và điều chỉnh, bổ sung sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các đối tượng đang phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp được chuyển sang miễn thuế từ năm 2017 đến hết năm 2020 như sau:
- Căn cứ sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp (sổ thuế gốc, sổ theo dõi thu) năm 2016 và tình hình thực tế tại địa phương, Chi cục thuế phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện rà soát và xác định đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định để chuyển từ sổ theo dõi thu sang sổ thuế gốc.
- Người nộp thuế đã có tên trong sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp nay thuộc đối tượng được miễn thuế theo quy định thì không phải kê khai lại và làm lại hồ sơ xét miễn thuế. Cơ quan thuế thực hiện chuyển sổ theo dõi theo hướng dẫn. Trường hợp phát sinh mới đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thì cơ quan thuế phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức, đơn vị có liên quan hướng dẫn người nộp thuế kê khai và lập hồ sơ miễn thuế theo quy định, đồng thời cơ quan thuế bổ sung sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp.
- Trường hợp trong năm nếu có sự thay đổi về căn cứ tính thuế thì người nộp thuế phải thực hiện kê khai lại và nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã để điều chỉnh sổ thuế. (Nông Nghiệp Việt Nam 4/3) đầu trang(
Việc xác định những hành vi được coi là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính để làm cơ sở thực hiện hỗ trợ kinh phí chống buôn lậu, gian lận thương mại và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định tại Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 07/2017/TT-BTC hướng dẫn Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả áp dụng trong lĩnh vực tài chính.
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn việc xác định những hành vi được coi là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính để làm cơ sở thực hiện hỗ trợ kinh phí chống buôn lậu, gian lận thương mại và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định tại Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg.
Cụ thể, các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan gồm: Khai báo và làm thủ tục không đúng thời hạn quy định khi chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế; không tái xuất, tái nhập phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh đúng thời hạn quy định…
Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực thuế, phí và lệ phí gồm: Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, tăng số thuế được miễn, giảm nhưng người nộp thuế đã ghi chép kịp thời, đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ…
Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý giá là: Khai man, khai khống hồ sơ thanh toán để nhận tiền trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa và các khoản tiền hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước; hành vi sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng được sử dụng tiền trợ giá, tiền trợ cước vận chuyển hàng hóa và các khoản tiền hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước…
Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kế toán là: Tẩy xoá, sửa chữa chứng từ kế toán; giả mạo, khai man chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán mà không có thẩm quyền ký hoặc không được uỷ quyền ký...
Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm gồm: Kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, kinh doanh môi giới bảo hiểm không có Giấy phép thành lập và hoạt động; sửa chữa, gian dối hoặc giả mạo các tài liệu đối với hồ sơ đã được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động…
Các hành vi gian lận thương mại trong việc in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn là: Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định; sử dụng hóa đơn bất hợp pháp...
Thông tư 07 có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2017. (Báo Chính Phủ 3/3) đầu trang(
Tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội và Luật bảo hiểm y tế (BHYT) thuộc lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đề xuất tăng thời hạn sử dụng giấy chuyển tuyến đối với người có thẻ BHYT từ 10 ngày lên 30 ngày.
Theo quy định tại Thông tư 37/2014/TT-BYT, giấy chuyển tuyến đối với người có thẻ BHYT có giá trị sử dụng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký. Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng tối đa 30 ngày kể từ ngày ký.
Trường hợp người có thẻ BHYT mắc bệnh thuộc các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp như lao, bệnh phong, HIV/AIDS, di chứng viêm não, u nhú thanh quản… thì giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng trong thời gian 12 tháng kể từ ngày cấp.
Dự thảo nêu rõ, trường hợp thời gian chuyển tuyến chuyển tiếp qua hai năm thì người bệnh có trách nhiệm thông báo với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về tình trạng hiệu lực của thẻ y tế vào ngày 1/1 của năm mới, trừ đối tượng là người hưu trí.
Ví dụ: Giấy chuyển tuyến được cấp vào ngày 30/11/2017 thì sẽ có giá trị đến hết ngày 30/11/2018 nhưng đến ngày 1/1/2018 nếu người bệnh vẫn đang được điều trị nội trú thì phải cũng cấp thông tin về việc mình có được cấp hay không được cấp thẻ bảo hiểm năm 2018 hoặc có hay không thay đổi về đối tượng được cấp thẻ BHYT năm 2018 cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người đó đang điều trị.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ việc sử dụng giấy hẹn khám lại (bao gồm cả giấy ra viện có ghi lịch hẹn khám lại) như sau: Mỗi giấy hẹn khám lại chỉ sử dụng 1 lần theo thời gian ghi trong giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp sử dụng y bạ hoặc sổ điều trị bệnh dài ngày. Việc xác định lần khám dựa theo ngày hẹn khám lại được ghi trong y bạ hoặc sổ điều trị bệnh dài ngày. (Lao Động Thủ Đô 4/3) đầu trang(
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong đó đề xuất 10 loại công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư theo hình thức PPP.
Cụ thể, theo dự thảo, dự án xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thuộc lĩnh vực đầu tư theo quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP gồm:
1- Công trình hoặc các hạng mục công trình thuộc hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; cấp nước cho sản xuất công nghiệp và các mục đích dân sinh, kinh tế khác; công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn;
2- Công trình hoặc các hạng mục công trình thuộc hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung, khai thác thủy sản;
3- Công trình hoặc các hạng mục công trình thuộc hệ thống hạ tầng phục vụ trồng trọt, chăn nuôi tập trung;
4- Công trình hoặc các hạng mục công trình thuộc hệ thống hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng;
5- Công trình hoặc các hạng mục công trình thuộc hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến muối tập trung;
6- Công trình chợ đầu mối, trung tâm đấu giá, sàn giao dịch sản phẩm nông nghiệp;
7- Công trình kho lưu trữ, kho ngoại quan, kho bảo quản sản phẩm nông nghiệp;
8- Công trình hoặc các hạng mục công trình thuộc hệ thống hạ tầng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
9- Công trình hoặc hạng mục công trình thuộc cơ sở kiểm dịch, khảo, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng nông lâm thủy sản.
10- Công trình thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, chất thải, ô nhiễm môi trường nông thôn.
Cũng theo dự thảo, dự án dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cung cấp từ 2 nhóm dịch vụ nông nghiệp trở lên, trong đó có dịch vụ hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng có thể được đầu tư theo hình thức PPP.
Dự thảo cũng hướng dẫn cụ thể về xây dựng đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi và hợp đồng dự án PPP dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. (Đầu Tư 5/3) đầu trang(

QUẢN LÝ
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, báo cáo vụ việc tiêu cực tại Hải quan Hải Phòng.
Nếu cán bộ hải quan có tiêu cực, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và trách nhiệm người đứng đầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-3. Đồng thời, rà soát, chấn chỉnh hoạt động của lực lượng hải quan, cải cách thủ tục hành chính, có biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trước đó, dư luận phản ánh việc cán bộ hải quan cửa khẩu khu vực 3 Cảng Hải Phòng có hành vi nhận tiền hối lộ khi làm thủ tục thông quan. (Nhân Dân 6/3) đầu trang(
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về chủ trương đầu tư dự án đường bộ Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La) theo hình thức PPP.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình, UBND tỉnh Sơn La và các Bộ, ngành liên quan xác định rõ quy mô, hướng tuyến và tiến trình đầu tư tuyến đường cao tốc trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc quốc gia. Đồng thời, khái toán mức vốn đầu tư phù hợp để làm cơ sở xem xét.
UBND 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La thống nhất ủy quyền cho một tỉnh là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, triển khai đầu tư tuyến đường trên theo hình thức PPP; thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải về trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các Bộ về tính khả thi của việc triển khai theo hình thức PPP, suất vốn đầu tư... để bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Trước đó, theo đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình và UBND tỉnh Sơn La, tuyến Quốc lộ 6 huyết mạch nối liền Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với 2 tỉnh này luôn phải chịu ảnh hưởng bất lợi do địa hình chia cắt, đồi núi. Trong nhiều năm qua, tuyến Quốc lộ 6 thường xuyên bị tác động của mưa lũ gây sạt lở, ách tắc phương tiện khiến việc lưu thông vô cùng khó khăn.
Do đó, UBND các tỉnh này đề xuất Chính phủ đầu tư xây dựng tuyến đường Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La) nhằm rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội đi huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, đồng thời phá thế độc đạo của tuyến Quốc lộ 6.
Theo đề xuất, tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnh Sơn La) sẽ có tổng chiều dài khoảng 85km, quy mô 4 làn xe rộng 24,75m. Tốc độ thiết kế 80km/h với tổng mức đầu tư khoảng 20.864 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP), thời gian hoàn thành dự kiến khoảng 42 tháng. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 3/3, PV) đầu trang(

THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
Kế hoạch tập trung vào một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, bổ nhiệm cán bộ…
UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Kế hoạch nhằm tăng cường triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, chú trọng giải pháp công khai, minh bạch hoạt động cơ quan, đơn vị, tổ chức, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, môi trường; tiếp nhận tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước; các chính sách an sinh xã hội...
Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong công tác cải cách thủ tục hành chính và chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước; trong việc triển khai thực hiện kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ phải kê khai; xử lý trách nhiệm khi xảy ra tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực thi công vụ đối với công chức, viên chức, nhất là việc thực hiện các quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và những việc công chức, viên chức không được làm. Tập trung và các vị trí giải quyết yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp trên các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Kế hoạch cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết triệt để các vụ tố cáo có liên quan đến tham nhũng, lãng phí. Tập trung việc tổ chức đối thoại với nhân dân để có cơ sở rà soát, xử lý trong giải quyết các vụ việc khiếu nại kéo dài. (Dân Việt 5/3) đầu trang(
Khi khởi công xây dựng và hoàn thành, người dân trong vùng rất đỗi vui mừng vì hơn 100ha trồng lúa sẽ có nước tưới, tránh được hạn hán. Thế nhưng, đến nay đã 14 năm trôi qua, công trình thủy lợi Trung Tiến - Phú Sơn, thuộc xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc vẫn “đắp chiếu” khiến hàng trăm ha đất sản xuất ở địa phương thường xuyên khô hạn và nhiều diện tích phải bỏ hoang.
Năm 2003, công trình thủy lợi Trung Tiến - Phú Sơn được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư. Công trình gồm các hạng mục chính như nhà điều hành, trạm bơm, trạm biến áp và hệ thống kênh mương bằng bê tông dài 2km. Theo thiết kế, công trình này sẽ cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha lúa của các hợp tác xã nông nghiệp Phú Sơn và Trung Tiến.
Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, đến nay, công trình hầu như không phát huy được hiệu quả như mục đích ban đầu đề ra. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do khi vận hành, nước từ trạm bơm không chảy tới được các cánh đồng mà tràn vào vườn của dân và gây ngập đường giao thông.
Theo quan sát, công trình thủy lợi này đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hạng mục đã trở nên hoang phế, đổ nát; riêng khu vực nhà điều hành trạm bơm đã bị người dân trong vùng tận dụng làm chuồng nuôi dê và xung quanh trở thành điểm đổ rác thải sinh hoạt của người dân.
Việc công trình thủy lợi trên không phát huy tác dụng, gây lãng phí rất lớn về kinh tế và bức xúc trong nhân dân.
Ông Nguyễn Chánh (thôn Trung Tiến) cho biết, vì công trình thủy lợi hư hỏng nên người dân trong vùng muốn cày cấy phải tự tìm nguồn nước tưới cho cây trồng mới mong thu hoạch được. “Chúng tôi thường đào mương dẫn nước từ các khe suối tự nhiên ra tưới tiêu cho đồng ruộng, nhưng nguồn nước này thất thường, hạn chế nên việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Việc lấy nước cho đồng ruộng theo cách này thường chỉ thực hiện được trong vụ Đông Xuân, còn vụ Hè thu thì rất hiếm nguồn nước", ông Chánh kể.
Còn cụ Nguyễn Sắc thở dài: "Tiếc lắm chú à! Hồi mới xây công trình thủy lợi này bà con chúng tôi mừng lắm, cứ nghĩ rồi lúa sẽ tốt tươi 2 vụ/năm và không phải lo thiếu nước nữa. Vậy mà, từ đó đến nay chẳng có giọt nước nào chảy vào ruộng cả. Tốn hàng tỷ đồng của Nhà nước mà lợi ích người dân không được hưởng, thật là lãng phí và xót xa...”.
Theo nhiều người dân Lộc Tiến, ngay từ khi đưa vào sử dụng, công trình gặp sự cố do toàn bộ nắp đậy trên hệ thống kênh mương bị bung ra, nhiều đoạn kênh bị vỡ, lún sụt.
Ông Vương Đình Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho hay, công trình thủy lợi Trung Tiến - Phú Sơn không hoạt động, hư hỏng nặng gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất tại địa phương. Nhiều vụ lúa mất mùa, không gieo cấy khiến đời sống một bộ phận người dân gặp khó khăn. Về lâu dài, nguyện vọng của người dân cũng như chính quyền xã là có biện pháp đầu tư khắc phục, xây mới lại hệ thống kênh mương Trung Tiến - Phú Sơn để đảm bảo nhu cầu phục vụ nước tưới cho sản xuất của bà con nông dân tại địa phương. (Thanh Tra 5/3) đầu trang(

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Chiều 4/3, sau một ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức Xây dựng Đảng năm 2017 đã bế mạc, hoàn thành chương trình đề ra.
Hội nghị đã nghe và cho ý kiến về Báo cáo tổng kết công tác Tổ chức Xây dựng Đảng năm 2016 của toàn ngành và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ từ thực tiễn năm 2016, rút ra một số bài học kinh nghiệm là phải biết kế thừa, phát huy những ưu điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế để khắc phục; phát huy tối đa thế mạnh của từng tập thể và cá nhân, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác phối hợp; coi trọng vai trò của nhân dân và truyền thông; phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phương pháp đúng, hành động quyết liệt, bám sát thực tiễn và tích cực đổi mới, sáng tạo.
Toàn ngành thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; nêu cao vai trò nêu gương của người đứng đầu; tạo được sự đoàn kết nhất trí trong các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền, thống nhất về ý chí và hành động, tất cả vì nhân dân phục vụ...
Để triển khai hiệu quả công tác năm 2017, ông Phạm Minh Chính đề nghị ngành Tổ chức Xây dựng Đảng cần tập trung triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, ngành Tổ chức Xây dựng Đảng cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải kiên trì giữ vững sự lãnh đạo của Đảng; quan tâm, chăm lo xây dựng Đảng phải vững mạnh về tư tưởng chính trị; thống nhất về ý chí và hành động; phải chặt chẽ về tổ chức; phương thức lãnh đạo phải đúng; phong cách làm việc phải khoa học; phải trong sạch về đạo đức, lối sống; vì nhân dân phục vụ.
Nhấn mạnh những công tác trọng tâm trong năm, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính lưu ý ngành tiếp tục tham mưu cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng để thực hiện 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, nhất là vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức và vấn đề phát huy vai trò của nhân dân, của báo chí trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị...
Theo dõi, tham mưu thực hiện tốt Kế hoạch 04-KH/TW, ngày 16/11/2016 của Bộ Chính trị về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 14 nhiệm vụ cần thực hiện ngay, thường xuyên theo nguyên tắc kết hợp giữa “xây” và “chống” và “mọi lúc, mọi nơi, mọi người” đều tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Năm 2017, ông Phạm Minh Chính lưu ý ngành Tổ chức Xây dựng Đảng thực hiện đúng tiến độ, có chất lượng 11 nội dung trong Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư do ngành Tổ chức Xây dựng Đảng chủ trì và các chương trình, kế hoạch cụ thể đã nêu trong Báo cáo tổng kết và kế hoạch công tác của các cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp năm 2017, trong đó, đẩy nhanh tiến độ và xây dựng có chất lượng 2 Đề án lớn là “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trình Hội nghị Trung ương 6 và Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” trình Hội nghị Trung ương 7.
Cùng với đó, ông Phạm Minh Chính nêu rõ toàn ngành đẩy mạnh thực hiện “4 hóa” trong cải cách hành chính: “hạt nhân hóa lãnh đạo; chuẩn hóa các văn bản pháp quy; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tự động hóa về tổ chức thực hiện,"; tham mưu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để “một nhiệm vụ chỉ một cơ quan, một tổ chức đảm nhiệm," "một tổ chức, một cơ quan có thể làm nhiều nhiệm vụ," "một việc chỉ một người làm," "một người làm nhiều việc"; bổ sung các quy định, quy chế, hướng dẫn... bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa hệ thống Đảng và hệ thống chính trị.
Ông Phạm Minh Chính đề nghị cán bộ trong ngành đổi mới phong cách, lề lối, phương pháp làm việc; đề cao kỷ cương, kỷ luật; minh bạch hóa các thủ tục trong công tác cán bộ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai công tác.
Ông Phạm Minh Chính lưu ý trong năm nay, tiếp tục xây dựng ngành Tổ chức Xây dựng Đảng đoàn kết, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hoàn thành xây dựng vị trí việc làm; quy định cụ thể chức trách, nhiệm vụ từng chức danh cán bộ, công chức nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và nêu cao trách nhiệm cá nhân, qua đó, xây dựng người cán bộ Tổ chức Xây dựng Đảng vừa hồng vừa chuyên, trong sáng, gương mẫu, khiêm tốn, chân thành, cầu thị, cần cù, chịu khó và nói không với tiêu cực.
Trong công tác, ông nhấn mạnh ngành tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược; tăng cường hợp tác quốc tế...; tiếp tục phát huy những sáng kiến mới, cách làm hay trong công tác tuyên truyền và định hướng tuyên truyền về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị với quan điểm lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, nhân cái đẹp, dẹp cái xấu...
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị sau hội nghị, các cán bộ thường trực cấp ủy chỉ đạo cơ quan tổ chức cấp ủy thuộc quyền căn cứ vào tình hình thực tế của mình chủ động tham mưu cụ thể hóa các nội dung của Kết luận hội nghị để tổ chức thực hiện có hiệu quả tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình. (Vietnam + 4/3) đầu trang(
Sáng 4/3, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng toàn quốc năm 2016; triển khai nhiệm vụ năm 2017.
Năm 2016, toàn ngành tác tổ chức xây dựng Đảng đã chủ động, tích cực, đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc, nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả nổi bật: Tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015- 2020. Tham mưu công tác nhân sự và tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021; kịp thời sắp xếp, kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của cơ quan Nhà nước các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021. Tiếp tục tham mưu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường tiềm lực và đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Đối với Nghệ An, trong năm 2016, bốn nội dung lớn trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII liên quan đến công tác tham mưu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy đều đã được BTV, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời.
Tham mưu công tác bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 đảm bảo số lượng, tiêu chuẩn, cơ cấu và theo đúng định hướng. Thực hiện việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW và Nghị định 108 của Chính phủ, tính đến tháng 12/2016 đã tinh giản được 921 người, trong đó công chức 25 người, viên chức và công chức cấp xã 896 người.
Năm 2016, toàn tỉnh kết nạp mới được 5.783 đảng viên, trong đó có 1.014 đảng viên là người dân tộc thiểu số, 11 đảng viên theo đạo Thiên chúa giáo; tặng, truy tặng 8590 Huy hiệu Đảng.
Năm 2017, Ngành tổ chức xây dựng Đảng quyết tâm thực hiện 8 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng: cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015- 2020; phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII gắn với Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng “xây dựng hạt nhân lãnh đạo; chuẩn hóa các quy định của Đảng; đơn giản hóa các quy trình và thủ tục hành chính; tự động hóa trong triển khai các nội dung công việc”. (Báo Nghệ An 4/3) đầu trang(
Theo Sở TT&TT Hà Nội, với 7 dịch vụ công lĩnh vực tư pháp cấp xã/phường đã được cung cấp trực tuyến mức 3 gồm: đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn…, tính đến nay trên toàn thành phố tỷ lệ hồ sơ được nộp qua mạng đạt 77%.
UBND TP Hà Nội đã chính thức khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyếntại địa chỉ http://egov.hanoi.gov.vn và cung cấp chính thức 7 dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực tư pháp (khai sinh, khai tử) liên thông với Công an và Bảo hiểm xã hội từ cuối tháng 7/2016.
Việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức 3 lĩnh vực tư pháp đã được Thành phố triển khai mở rộng dần theo 3 giai đoạn và đến ngày 15/12/2016, hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức 3 cấp xã/phường đã được triển khai đồng bộ tại 584 xã, phường, thị trấn trên toàn địa bàn Hà Nội.
Tiếp đó, từ đầu năm 2017 đến nay, Thành phố đã tiếp tục mở rộng cung cấp các dịch vụ công  trực tuyến mức độ 3 phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, triển khai kế hoạch đã được UBND TP Hà Nội ban hành, lần lượt từ các ngày 19/1 và 1/3/2017, Sở TT&TT  Hà Nội đã chủ trì việc đưa vào vận hành chính thức thêm 47 dịch vụ công trực tuyến mức 3.
Trong đó, với đợt 1 được vận hành từ ngày 19/1/2017, đã triển khai cung cấp tới người dân và doanh nghiệp 27 dịch vụ công trực tuyến mức 3; còn ở đợt 2 được vận hành từ ngày 1/3/2017, đã có thêm 20 dịch vụ công trực tuyến mức 3 được triển khai cung cấp. Dự kiến, trong đợt 3 diễn ra từ ngày 15/3 này, sẽ có thêm 73 dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức 3 cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Thông tin từ Sở TT&TT Hà Nội vừa cho biết, về kết quả triển khai 7 dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tư pháp cấp xã/phường, tính đến nay, toàn thành phố đạt tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến là 77%. Trong đó 3 đơn vị đạt tỷ lệ 99% là Long Biên, Bắc Từ Liêm và Quốc Oai; 11 đơn vị đạt tỷ lệ từ 77% đến 97%.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê của Sở TT&TT Hà Nội cũng cho thấy, 16 đơn vị có tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến thấp hơn mức trung bình của thành phố (thấp hơn 77% - PV), trong đó có 5 đơn vị gồm Phú Xuyên, Thạch Thất, Sơn Tây, Hoài Đức và Ba Vì có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến dưới 50%.
Đối với các dịch vụ công trực tuyến cấp xã/phường và quận/huyện được triển khai trong đợt 1 của năm 2017, theo Sở TT&TT Hà Nội, được vận hành chính thức từ ngày 19/1/2017, bên cạnh 20 dịch vụ công trực tuyến mức 3 cấp Sở, Thành phố đã triển khai 6 dịch vụ công cấp xã và 1 dịch vụ công cấp quận thuộc lĩnh vực tư pháp tại 168 phường và 12 quận.
Để chuẩn bị cho đợt cung cấp dịch vụ công này, trước đó, Sở TT&TT Hà Nội đã tổ chức cài đặt phần mềm, đảm bảo hạ tầng đường truyền và tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng cho 12 quận với các nhóm đối tượng gồm: lãnh đạo quận, văn phòng, phòng Tư pháp, cán bộ 1 cửa, cán bộ CNTT và phòng Văn hóa thông tin (tại quận); lãnh đạo phường phụ trách 1 cửa, cán bộ 1 cửa, cán bộ tư pháp (tại phường). Kết quả, đã có 12/12 quận và 168/168 phường đã cử cán bộ tham gia tập huấn theo kế hoạch của Thành phố. Tuy nhiên, 3 đơn vị gồm Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy vẫn có tỷ lệ học viên tham gia chưa đạt như số lượng đăng ký.
Về kết quả cung cấp dịch vụ, cũng theo số liệu thống kê của Sở TT&TT Hà Nội, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến triển khai đợt 1 với cấp phường hầu hết đạt trên 90%. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến dưới 50% hoặc không phát sinh hồ sơ là các phường: Cửa Nam (44%), Chương Dương, Hàng Buồm, Phúc Tân (Hoàn Kiếm), Thịnh Liệt (Hoàng Mai) và Yên Nghĩa (Hà Đông).
Để việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3 đạt được kết quả như kỳ vọng, Sở TT&TT Hà Nội đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị cần lưu ý đăng ký danh sách học viên đúng đối tượng và đôn đốc, kiểm tra cán bộ của đơn vị được cử đi tập huấn. Với các cán bộ đã được tập huấn, cần chủ động thực hành, thao tác trên hệ thống để thành thạo nghiệp vụ và sử dụng phần mềm hiệu quả.
Đồng thời, Sở TT&TT Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thấp hơn mức trung bình của Thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ công dân khi đến giao dịch hồ sơ tại bộ phận một cửa.
Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội năm 2017 hướng tới mục tiêu đẩy mạnh triển khai và khai thác có hiệu quả các ứng dụng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, xác định năm 2017 là năm đột phá căn bản về CNTT; đảm bảo việc triển khai ứng dụng CNTT theo hướng  tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung thống nhất trên một hệ thống. Một chỉ tiêu cụ thể được UBND Thành phố đặt ra trong năm nay là cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 tối thiểu 40% thủ tục hành chính của các Sở, ban, ngành; quận, huyện, thị xã; và các xã, phường, thị trấn. (ICT News 5/3) đầu trang(

KINH TẾ
Từ khi gia nhập WTO vào năm 2007, Chính phủ xác định các Hiệp định thương mại tự do sẽ là nền tảng định hướng mới cho sự phát triển và cải cách nền kinh tế Việt Nam.
Hiện nay, một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đang bước vào giai đoạn thực thi và được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng hội nhập mạnh mẽ hơn đối với Việt Nam . Đồng thời, góp phần tạo kết nối và hòa nhập, tăng cường khả năng hợp tác với những nền kinh tế trọng điểm, thúc đẩy kích cầu hoạt động giao thương giữa Việt Nam với nền kinh tế thế giới.
Theo PGS.TS Lưu Duẫn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, sau khi tham gia và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mạnh mẽ hơn trước đây và kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng không ngừng. Khi các Tập đoàn lớn trên thế giới, công ty đa quốc gia... vào Việt Nam đã mang theo máy móc, thiết bị, công nghệ cao... tạo cơ sở thúc đẩy quá trình thay đổi cũng như cải tiến hoạt động sản xuất, sản phẩm, dịch vụ tại Việt nam.
Trong bối cảnh hội nhập, môi trường kinh doanh được đổi mới tích cực, khuyến khích, ưu đãi các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, ưu tiên dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ... là tiền đề quan trọng để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng được hương ưu đãi về thuế quan, xóa bỏ hàng rào phi thuế quan và các chế độ đãi ngộ khác, đã tạo điều kiện cho hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng thâm nhập vào thị trường thế giới.
Hiện nay, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh xuất khẩu chủ yếu sang thị trường các nước châu Á (chiếm 53,7% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016). Ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hội nhập kinh tế đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào những thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, EU... Bên cạnh đó, giai đoạn 2011 - 2015, TP Hồ Chí Minh có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư hơn 6.380 dự án, tổng vốn đạt 40,86 tỷ USD.
Hội nhập giúp lĩnh vực khoa học và công nghệ Việt Nam từng bước giao lưu với nền khoa học và công nghệ thế giới, tạo thuận lợi cho sự phát triển nhanh cũng như bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, sự tham gia liên doanh, liên kết trong hoạt động khoa học và công nghệ với các đối tác nước ngoài mang lại cơ hội tiếp cận với khoa học và công nghệ cao. Đồng thời, từng bước thu hẹp khoảng cách về kiến thức, kỹ năng nghiên cứu phát triển cũng như nâng cao năng lực sáng tạo, áp dụng khoa học và công nghệ, góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận trình độ quản lý chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực.
Đánh giá về lợi ích từ các FTA mà Việt Nam tham gia, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong 10 năm qua, ngành dệt may đã đạt tăng trưởng xuất khẩu không ngừng, đạt bình quân hơn 10%/năm. Bên cạnh đó, thông qua việc tăng cường hợp tác, liên kết với nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước đã cải tổ được hoạt động sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy ngành dệt may phát triển mạnh.
Làn sóng đầu tư nước ngoài và giá trị thương mại không tự tăng khi có các FTA, mà các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam phải tích cực cải tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh mới có thể để tận dụng, khai thác những cơ hội từ các Hiệp định này. Bên cạnh đó, tham gia hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng mở ra cơ hội tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, nhưng ngược lại đòi hỏi các nhà sản xuất, kinh doanh phải cạnh tranh bằng chất lượng.
Khi các doanh nghiệp đến Việt Nam để cân nhắc đầu tư, kinh doanh, ông Jonathan Moreno, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại TP Hồ Chí Minh cho hay, vấn đề họ quan tâm là nguồn nhân lực có chất lượng và sẵn sàng làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, một phần quan trọng trong hoạt động thúc đẩy đầu tư, thương mại ở Việt Nam của AmCham là hợp tác với các trường đại học và sinh viên để hỗ trợ phát triển sợi dây liên kết giữa giáo dục và thương mại ở Việt Nam, nhằm phát triển đội ngũ nguồn nhân lực sẵn sàng cạnh tranh ra thị trường quốc tế.
Theo ông Jonathan Moreno, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại TP Hồ Chí Minh đại diện cho gần 500 công ty với 1.000 đại diện, không kể hàng trăm ngàn nhân viên Việt Nam làm việc trực tiếp và không trực tiếp. AmCham đã hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ, quốc tế và Việt Nam xúc tiến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ. Đồng thời tham gia thúc đẩy giao thương được dự tính vượt mức 52 tỷ USD, ước tính sẽ đạt mức 80 tỷ USD trước năm 2020.
Phân tích về năng suất lao động tại Việt Nam hiện nay, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế Trưởng Ngân hàng thế giới, cho hay: Năng suất lao động 4%/năm, tăng chậm hơn trong khu vực, thể hiện ở những ngành đang thâm dụng lao động. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như sản xuất sẽ được đẩy mạnh hơn nếu năng suất lao động được cải thiện trong thời gian tới, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển năng động hơn như thuế, thanh khoản, giải ngân vốn...
Để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời đảm bảo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, ông Sebastian Eckardt, cho rằng: Việt Nam cần đẩy mạnh việc cải thiện và tăng năng suất lao động, bởi thực tế hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức rất thấp, thấp hơn một số quốc gia trong khu vực như Lào, Campuchia...
Theo các chuyên gia, nguồn nhân lực lớn nhất của Việt Nam là con người, hàng năm có hơn một triệu bạn trẻ gia nhập lực lượng lao động, đồng thời Việt Nam đang cam kết hướng đến mục tiêu hiện đại hóa, công nghiệp hóa và toàn cầu hóa. Trong đó, chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần cung cấp việc làm và đóng góp vào sự phát triển chung của Việt Nam .
Trong hội nhập hiện nay, doanh nghiệp phải cạnh tranh sản phẩm bằng chất lượng và năng suất lao động. Vì vậy, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho hay, Thành phố xác định áp dụng khoa học công nghệ vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn hiện nay.
TP Hồ Chí Minh đang chỉ đạo các sở, ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển không chỉ về số lượng mà cả chất lượng, để thời gian tới thành phố có đội ngũ doanh nhân hùng mạnh, lực lượng lao động chất lượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. (Tin Tức 6/3) đầu trang(
Trái với kỳ vọng, sau hơn một năm gia nhập “mái nhà chung” Cộng đồng Kinh tế ASEAN, xuất khẩu của Việt Nam lại kém hơn trước, không tận dụng tốt cơ hội bằng các nước
Hơn một năm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, Việt Nam cùng 9 nước thành viên ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực. Thế nhưng, đáng buồn là xuất khẩu trong 2 năm qua của Việt Nam và các nước nội khối lại sụt giảm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 17,4 tỉ USD, giảm 4,8% so với năm 2015. So sánh số liệu 6 tháng đầu năm trong 3 năm liên tiếp 2014-2016, xuất khẩu của Việt Nam đến các nước ASEAN cũng sụt giảm đáng kể, lần lượt là 9,27 tỉ USD - 9,26 tỉ USD - 8,08 tỉ USD. Cũng theo Tổng cục Thống kê, nông sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất, từ 1,609 tỉ USD năm 2015 còn 1,151 tỉ USD năm 2016.
Câu hỏi đặt ra là vì sao xuất khẩu của Việt Nam ở nội khối ASEAN lại giảm, nhất là khi chúng ta đã vào “mái nhà chung” AEC? Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), giải thích điều này có một phần xuất phát từ tâm lý và ý tưởng khi hình thành AEC. Nói rõ hơn, ông Thái dẫn hình ảnh tượng trưng cho khối ASEAN là bó lúa chụm vào nhau nhưng ngọn lại hướng ra bên ngoài. Theo ông, do ý tưởng đó nên thương mại nội khối ở mức thấp.
Tức là khi hình thành nền kinh tế này, các nước thành viên ngoài ý tưởng hướng vào làm ăn với nhau thì còn muốn thành lập một không gian sản xuất chung, từ đó tăng tính cạnh tranh toàn khối, thu hút đầu tư bên ngoài vào và xuất khẩu đi nước khác. “Việc thương mại nội khối ASEAN thấp buộc chúng ta xuất khẩu sang ASEAN thấp. Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trong khối cũng thế, nó thể hiện ở mục tiêu hình thành AEC” - ông Thái phân tích. Ngoài ra, ông Thái cũng cho rằng tình trạng xuất khẩu sụt giảm có nguyên nhân khách quan là do thương mại toàn cầu giảm, dẫn đến các nước trong khối không tăng nhập khẩu từ Việt Nam.
PGS-TS Phạm Tất Thắng, tư vấn viên cao cấp Viện Thương mại (Bộ Công Thương), nhận định AEC là bước hội nhập quan trọng của Việt Nam khi chúng ta được mở rộng sản xuất trong một thị trường rộng lớn với 640 triệu dân. Tuy nhiên, chúng ta chưa tận dụng tốt cơ hội khi vào “mái nhà chung” này. Ngược lại, nhiều nước trong nội khối tận dụng được cơ hội, điển hình như Thái Lan với hàng loạt động thái mua lại hoặc rót vốn vào các thương hiệu đình đám như BigC, Metro… Nhiều cửa hàng tiện lợi bán hàng Thái đã len lỏi sâu vào trong ngõ ngách của hơn 60 tỉnh, TP của chúng ta.
Không chỉ Thái Lan, hàng hóa của Singapore, Indonesia hay thậm chí từ nước vốn được coi là nhỏ, cạnh tranh yếu như Campuchia cũng đã xâm lấn thị trường Việt Nam. “ASEAN là thị trường đòi hỏi chúng ta cạnh tranh nhiều hơn. Phải tìm được sự khác biệt mới vào được thị trường này bằng cách tạo ra lợi thế cạnh tranh thông qua đầu tư sản xuất đúng hướng” - ông Thắng chỉ rõ.
Ông Thắng cũng cho rằng ASEAN là khu vực có nhiều điểm tương đồng nhưng tính “khác biệt” cũng rất lớn và rõ ràng. Thị trường này đòi hỏi những sản phẩm lương thực thực phẩm, rau, củ, quả, gạo, thủ công mỹ nghệ… tưởng như là thế mạnh của chúng ta nhưng lại không dễ dàng đáp ứng bởi khu vực ASEAN tập trung cả người Hồi giáo, người theo Phật giáo… và nhu cầu của họ rất khác nhau. Do đó, tìm hiểu từng đối tượng nhằm điều chỉnh sản xuất để “cung” đáp ứng được “cầu” là một trong những lưu ý để thâm nhập thị trường này.
Ở góc độ khác, đại diện Bộ Công Thương cho rằng yếu tố chủ quan dẫn đến việc thị trường nội khối ASEAN trở nên “khó nhằn” với chúng ta là do năng lực và khả năng tận dụng cơ hội của doanh nghiệp trong nước còn thấp. Điều này thể hiện qua tỉ lệ sử dụng ưu đãi trong các hiệp định đã ký kết với khu vực. “Mặc dù trước đây tỉ lệ sử dụng các ưu đãi chỉ là 10% và nay tăng lên đến trên 31% nhưng vẫn kém xa so với tỉ lệ tận dụng ưu đãi với Hàn Quốc là 60% và Chile là 80%. Nhiều doanh nghiệp vẫn hướng về thị trường trong nước hoặc thị trường khác và chưa thể thay đổi ngay được” - đại diện Bộ Công Thương nhận định. (Người Lao Động 5/3) đầu trang(
Dù có khá nhiều tín hiệu tích cực, song các số liệu kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm cho thấy còn nhiều khó khăn, thách thức cho nền kinh tế trong năm nay.
Nhiều số liệu thống kê mà Tổng cục Thống kê vừa công bố đã cho thấy, kinh tế Việt Nam đã có 2 tháng đầu năm diễn biến khá tích cực.
Một trong những bằng chứng là, trong 2 tháng đầu năm, cả nước có 14.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 152.600 tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và tăng 35% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Thậm chí, nếu tính cả số vốn đăng ký tăng thêm (181.300 tỷ đồng), thì tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm là 333.900 tỷ đồng.
Thêm nữa, trong bối cảnh doanh nghiệp đăng ký mới tăng nhanh, thì số doanh nghiệp xin quay trở lại hoạt động cũng tăng khá mạnh so với cùng kỳ. Con số chính thức là 7.977 doanh nghiệp, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, góp phần nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm lên hơn 22.400 doanh nghiệp.
Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động đã giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt trên 3,4 tỷ USD, bao gồm cả phần đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Việc cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước cùng sẵn lòng dốc vốn ra đầu tư, kinh doanh cho thấy, họ đã nhìn thấy những dấu hiệu ấm lên, tích cực hơn của nền kinh tế và tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của kinh tế Việt Nam.
Liên quan xuất khẩu, sau nhiều tháng tăng trưởng chậm, trong 2 tháng qua, xuất khẩu đã tăng tới 15,4%. Trong tổng số 27,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của 2 tháng, khu vực trong nước đóng góp 7,6 tỷ USD, tăng 12,2%. Đã rất lâu, tăng trưởng của khu vực trong nước mới đạt ở mức này. Dù kết quả chưa chắc chắn, bởi mới là 2 tháng đầu năm, song đây cũng vẫn là tín hiệu tích cực.
Mặc dù vậy, một số tín hiệu khác lại cho thấy, năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải phấp phỏng lo toan. Tháng 2/2016, tuy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,23% so với tháng trước đó, song lại tăng tới 0,69% so với tháng 12/2016. Đặc biệt, nếu tính bình quân (bắt đầu từ năm nay sẽ được lấy làm thước đo chỉ số lạm phát của Việt Nam), thì CPI 2 tháng qua đã tăng tới 5,12% so với cùng kỳ năm 2016.
Lý giải về sự tăng giá này, Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân là do giá lương thực, giá xăng dầu và giá dịch vụ y tế tăng cao. Đây cũng là lý do khiến lạm phát chung đã tăng cao hơn mức lạm phát cơ bản (tăng 0,2% so với tháng trước, tăng 1,51% so với cùng kỳ, còn nếu tính bình quân là tăng 1,69% so với bình quân 2 tháng đầu năm ngoái).
Lạm phát rục rịch tăng cao trong những tháng đầu năm có thể sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của cả năm, nhất là trong bối cảnh giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng, làm tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác.
Không chỉ là những rủi ro trong kiểm soát lạm phát, những số liệu thống kê về tăng trưởng sản xuất trong nước cũng cho thấy nhiều mối lo.
Tuy tháng 2/2017, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,2% so với cùng kỳ, nhưng tính chung 2 tháng lại chỉ tăng 2,4% - một mức tăng khá thấp. Đáng chú ý là, 2 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất ngành khai khoáng đã giảm tới 13,5%, làm giảm 2,9 điểm phần trăm mức tăng chung.
Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ cũng chưa có nhiều cải thiện. Thậm chí, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 2 tháng đầu năm sau khi trừ yếu tố giá cả chỉ còn tăng 5,6%, thấp hơn mức tăng 7,6% của cùng kỳ năm 2016.
Như vậy, phải rất nỗ lực thì kinh tế Việt Nam mới có thể về đích kế hoạch năm. (Đầu Tư 5/3) đầu trang(
Phụ phẩm trong nông nghiệp là một nguồn tài nguyên, một mỏ vàng. Việc tận dụng hiệu quả hay sản xuất sạch hơn, sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Ngày 3/3, tại TPHCM, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNPC), Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội thảo hướng đến hệ sinh thái công - nông nghiệp bền vững, tập trung vào chuỗi giá trị lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hội thảo là một trong các hoạt động của Dự án Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì một nền sản xuất carbon thấp đang được thực hiện ở Việt Nam trong những năm qua.
Thống kê của các chuyên gia cho thấy, mỗi năm, sau vụ mùa, Việt Nam có 13,5 triệu tấn trấu, 1,35 triệu tấn vỏ cà phê, đó chưa kể đến vỏ các loại quả khác như vỏ dừa khô mà phần lớn được đem đổ bỏ hoặc đốt. Cả hai cách này đều gây ô nhiễm môi trường, gây ra hiệu ứng nhà kính.
Theo các chuyên gia của Dự án, sản xuất sạch hơn là kiểm soát quy trình tốt hơn bằng các kỹ thuật tiên tiến để có thể thu hồi được phụ phẩm mà nhiều người Việt Nam xem là rác, một thứ phải bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường. Thông qua Dự án này, trong 4 năm qua, các bên tham gia đã chứng minh được phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý giá, rằng Việt Nam có một mỏ vàng chưa được tận dụng triệt để.
Ông Miroslav Delporte, Cục Kinh tế hợp tác Liên bang Thụy Sĩ (SECO), cơ quan tài trợ cho Dự án, cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành chế biến lúa gạo Việt Nam là một trong những mắt xích rất cần nâng cao hiệu quả sử dụng, đặc biệt là vấn đề giảm thải khí thải bằng cách ứng dụng những công nghệ tiên tiến.
Đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), ông Cao Thăng Bình cho rằng ngành sản xuất lúa gạo cần phải nhanh chóng thay đổi theo hướng tiết kiệm, tránh thất thoát, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Bởi đây những yếu tố cấu thành một nền sản xuất bền vững.
Bốn năm trước, SECO đã đứng ra tài trợ cho Việt Nam thực hiện Dự án này với mục tiêu là giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu nguồn năng lượng trong hoạt động chế biến nông sản, tận dụng các phụ phẩm để làm nguồn năng lượng cho các hoạt động nông nghiệp.
Đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD2) cho biết, là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh lương thực với năng lực sấy lúa 600.000 tấn/năm, xay lúa là 800.000 tấn/năm, còn xát trắng lau bóng gạo là 3 triệu tấn/năm, trong quá trình xay xát, chế biến các loại gạo thành phẩm, chi phí điện năng chiếm 20-35% tổng chi phí sản xuất. Chỉ cần giảm một vài phần trăm lượng điện năng tiêu thụ, Tổng Công ty tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Dự án của SECO kết hợp với VINAFOOD2 thực hiện ở Công ty Lương thực Sông Hậu và Công ty Lương thực thực phẩm An Giang. Sau 4 năm thực hiện, đơn vị đã tiết kiệm được gần 485 triệu đồng tiền điện.
Theo đại diện VINAFOOD2, với vài chục công ty thành viên, khi áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng ra toàn Tổng Công ty, số tiền tiết kiệm sẽ rất lớn, góp phần giảm chi phí đầu vào trên mỗi tấn gạo bán ra, đồng nghĩa với việc giá gạo xuất khẩu sẽ cạnh tranh hơn.
SECO cho biết, Dự án không chỉ liên kết với VINAFOOD2 mà thực hiện ở nhiều công ty khác. Đến nay, Dự án đã thực hiện đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) cho 16 nhà máy chế biến gạo và 10 công ty chế biến cà phê, qua đó giúp tiết kiệm gần 1,1 triệu kWh/năm, tương đương 80.000 USD, cắt giảm 621 tấn CO2 phát thải mỗi năm.
Trong phần thảo luận, hầu hết các đại biểu, chuyên gia đều chung nhận định, lâu nay, ngành nông nghiệp Việt Nam mỗi năm đã lãng phí hàng tỷ USD. Nghĩa là, nếu một khi giảm được sự lãng phí này, giá thành các mặt hàng nông nghiệp trong nước chắc chắn giảm xuống, qua đó tăng được tính cạnh tranh của nông sản trên thị trường, nhất là mặt hàng lúa gạo vốn đang gặp khó khăn do phải cạnh tranh về giá với các nước trong khu vực.
Theo SECO, đối với một nước có thế mạnh về nông nghiệp như Việt Nam, ý tưởng sản xuất sạch hơn cần phải nhìn xa hơn tầm nhìn của một công ty, đó là phải là tầm nhìn của cả một nền kinh tế. (Báo Chính Phủ 5/3) đầu trang(

VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN
Ngày 05/3, Bộ Công Thương chính thức phát động chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2017 tại Việt Nam với thông điệp “Tắt đèn bật tương lai”.
Theo đó, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và 60 tỉnh, thành phố sẽ đồng loạt tắt đèn từ 20h30 đến 21h30 ngày 25/3. Giờ Trái đất là sự kiện xã hội có quy mô lớn nhất và có nhiều người tham gia nhất trên thế giới. Đây là sáng kiến của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF). Tính đến nay đã có khoảng 7.000 thành phố thuộc 172 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng Chiến dịch.
Chiến dịch Giờ Trái đất nhằm khuyến khích, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi, từ những điều nhỏ nhất như cùng nhau tắt đi những thiết bị điện không cần thiết trong vòng một giờ, để sau đó cùng hành động xa hơn 01 giờ tắt đèn. Mỗi hành động nhỏ sẽ mang đến ý nghĩa lớn góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên tự nhiên của đất nước, không chỉ cho chúng ta hôm nay, mà còn cho các thế hệ tương lai của Việt Nam mãi sau này. Đó chính là ý nghĩa mà thông điệp năm 2017 muốn gửi gắm : “Tắt đèn bật tương lai”
Tại Lễ phát động, Ban tổ chức đã công bố các gương mặt đại sứ của Chiến dịch Giờ Trái Đất 2017 bao gồm: ca sỹ Noo Phước Thịnh, diễn viên Nhã Phương, MC Phan Anh, Á hậu Thụy Vân sẽ là Đại sứ của chiến dịch năm nay với sứ mệnh kêu gọi, đồng hành cùng cộng đồng trong các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái Đất 2017.
Chương trình còn được thiết kế với hàng loạt hoạt động như: Gian hàng ước mơ xanh, khu chụp hình 60+, các trò chơi tập thể vui nhộn, các tiết mục văn nghệ đặc sắc và giao lưu với các đại sứ. Đặc biệt là hoạt động nhảy Flashmob hưởng ứng chiến dịch của hơn 1.000 bạn tình nguyện viên.
Nằm trong chuỗi sự kiện của chiến dịch, hoạt động Kết nối doanh nghiệp và Giờ Trái đất 2017 sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với mục tiêu kêu gọi 2.000 doanh nghiệp cam kết sử dụng điện tiết kiệm tại các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, cam kết hạn chế sử dụng điện lưới trong giờ cao điểm và cùng ký tên vào danh sách thành viên tham gia chiến dịch Giờ Trái đất 2017.
Bên cạnh đó, còn diễn ra một số hoạt động tiêu biểu tại sự kiện như tuyên truyền đến hộ gia đình mang đến những thông tin hữu ích thông qua cuốn cẩm nang sử dụng điện tiết kiệmvà hiệu quả, giúp các hộ gia đình có được những kiến thức cơ bản trong việc sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện trong gia đình một cách tiết kiệm và hiệu quả; Giao lưu khối các trường Đại học, Cao đẳng, THPT, THCS, Tiểu học với mục tiêu tuyên truyền sâu rộng và nâng cao nhận thức của giới tri thức trẻđối với việc sử dụng tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường lấy lực lượng học sinh, sinh viên làm nòng cốt.
Sau sự kiện Lễ phát động hôm nay, các hoạt động bên lề khác nhằm hưởng ứng Chiến dịch sẽ được tổ chức trong suốt tháng 3 trên phạm vi cả nước. Nghi thức tắt đèn sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30 ngày 25/03/2017 tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám – Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của lãnh đạo Nhà nước, TP. Hà Nội, các Bộ Ban ngành liên quan, đông đảo học sinh, sinh viên và công chúng.
Ngoài ra, dự kiến gần 1.000 băng rôn cùng hàng nghìn tờ rơi, poster sẽ được treo dán rộng rãi tại các quận trọng điểm chỉ riêng tại TP Hà Nội...
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) cho biết: Cùng với nhiệm vụ nỗ lực đảm bảo cung cấp điện, EVN luôn ý thức rất rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội trong việc tích cực thúc đẩy việc tuyên truyền và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Để tích cực tham gia chiến dịch Giờ Trái đất 2017, EVN đã chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực/các Công ty Điện lực tỉnh/thành phố trên toàn quốc cùng hỗ trợ thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho chương trình. Trong đó, lực lượng trẻ đến từ Đoàn thanh niên EVN và các Tổng Công ty Điện lực cũng cùng tham gia chương trình với mong muốn chung tay cùng các bạn trẻ khác đến từ khắp nơi trên mọi miền đất nước để cùng nhau tuyên truyền và hành động để bảo vệ “mái nhà chung”, vì một thế giới tươi đẹp cho chúng ta và các thế hệ tương lai.
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, nối tiếp thành công và kết quả tích cực của Chiến dịch Giờ trái đất các năm qua, Bộ Công Thương chính thức phát động Chiến dịch Giờ Trái đất 2017. Mọi cá nhân và tổ chức tại Việt Nam đều có thể tham gia bằng nhiều hình thức đơn giản như tắt đèn và thiết bị điện không cần thiết trong một giờ diễn ra Sự kiện Giờ Trái đất hoặc tổ chức các hoạt động hưởng ứng nhằm bảo vệ môi trường và đối phó với tác động của quá trình biến đổi khí hậu.
Việc tắt bớt các thiết bị chiếu sáng trong sự kiện Giờ Trái Đất không chỉ nhắc nhở chúng ta về vấn đề tiết kiệm năng lượng mà còn hướng đến một mục tiêu quan trọng nữa, đó là việc chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Mỗi hành động nhỏ sẽ mang đến hiệu quả to lớn, mỗi người góp một hành động sẽ đem đến một hành tinh xanh. (Xây Dựng 6/3) đầu trang(

PHÁP LUẬT
Không phủ nhận hành vi phạm tội, nhưng cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank muốn được cơ quan tố tụng xem xét cho hành vi của các thuộc cấp.
Quá trình xét xử đại án kinh tế tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) diễn ra tại Tòa án Hà Nội tuần vừa qua, cựu Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm không phủ nhận hành vi phạm tội.
Trong tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, liên quan khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung – công ty con của Phạm Công Danh – cựu Chủ tịch HĐQT VNCB – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh mà đến nay không có khả năng thu hồi, Hà Văn Thắm không chối tội.
Việc Oceanbank đến nay không thể thu hồi khoản tiền này, ông ta thừa nhận đấy là sai sót của mình. Tuy nhiên, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank chỉ xin xem xét cho hành vi cho vay 500 tỷ khi trước đó đã đề nghị Ngân hàng Đại Tín phong tỏa tài khoản của Công ty Trung Dung tại ngân hàng này khi chưa có hồ sơ gốc.
Trước đó, việc hoàn thiện cho giải ngân cho công ty của Phạm Công Danh, một số hồ sơ liên quan trong khoản vay tín dụng này vẫn sử dụng bản photo. Theo Hà Văn Thắm, thời điểm một năm sau khoản vay, người của Oceanbank kiểm tra tài khoản của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Tín thì vẫn được thông báo tài khoản đang phong tỏa. Hà Văn Thắm chỉ biết sự việc khi được cơ quan điều tra thông báo.
Việc cho Công ty Trung Dung của Phạm Công Danh vay, Hà Văn Thắm đã bỏ qua một số quy định về cho vay đối với tài sản thế chấp dẫn đến việc Oceanbank đang mất trắng 500 tỷ đồng.
Về hai tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank thừa nhận hành vi.
Trước vành móng ngựa, ông ta nhớ khá chi tiết những hành vi vi phạm được cơ quan tố tụng truy tố trước tòa. “Các hành vi, những con số (PV – số tiền) được nêu trong cáo trạng cơ bản là đúng nhưng bị cáo xin xem xét lại số tiền thiệt hại nêu ở trang 33 của cáo trạng”.
Theo bị cáo, trong số những thiệt hại liên quan đến mình ở tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông ta đã khắc phục một phần.
Quá trình xét hỏi, đứng trước vành móng ngựa, hai lần cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm xin tòa án Hà Nội xem xét cho các thuộc cấp.
Theo bị cáo, cựu Phó TGĐ Oceanbank Lê Thị Thu Thủy là người từng phản ứng rất gay gắt ông ta việc rút tiền ngân hàng để trả lãi ngoài sau đó thực hiện hoàn ứng.
Với bị cáo Nguyễn Hoài Nam – cựu GĐ Nguồn vốn và Nguyễn Thị Thu Ba – cựu GĐ Khối bán lẻ của Ngân hàng Oceanbank, Hà Văn Thắm cho rằng, việc truy tố với vai trò giúp sức là oan cho họ.
Bị cáo cho rằng, với chức trách của hai người này ở hai khối làm việc của ngân hàng thì quá trình phê duyệt của họ cũng chỉ là để báo cáo cấp trên. “Vì có chi hay không chi tiền thì họ vẫn phải phê duyệt. Nếu việc phê duyệt của họ mà bị truy tố với vai trò giúp sức thì không đúng lắm”, bị cáo Hà Văn Thắm trình bày.
Ngồi nghe lời trình bày, những giọt nước mắt của các nhân viên dưới quyền trong ngày cuối của tuần xét xử thứ nhất, điều Hà Văn Thắm bộc bạch là chỉ xin được xem xét cho những nhân viên của mình.
Cựu Chủ tich HĐQT Oceanbank cho hay, họ làm việc vì ngân hàng, không được hưởng lợi gì. Thắm kể, về câu chuyện khi có khách hàng biếu 1-2 triệu đồng, thì đấy là tài sản của họ, họ được hưởng. Tuy nhiên, số tiền đó, họ cũng không giữ cho mình mà chuyển vào tài khoản của “sếp” để thực hiện hoàn ứng số tiền lấy từ ngân hàng để chăm sóc lãi ngoài.
“Số tiền đó nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, họ dùng tiền cá nhân, họ làm trước khi cơ quan điều tra có ý kiến. Họ không giúp sức cho việc này. Họ trung thực, thân thiết. Họ không giúp sức mà họ giúp giảm chi phí vượt trần. Họ là những người năng lực, đạo đức, nếu tách ra khỏi xã hội thì rất là phí”, bị cáo Thắm kết thúc lời trình bày.
Ngày hôm 6/3, phiên tòa dự kiến sẽ tiếp tục phần xét hỏi với sự tham gia của các luật sư thực hiện quyền tranh tụng tại tòa. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 6/3) đầu trang(
Ngoài phó giám đốc Sở NN&PTNT, công an cũng bắt giam nguyên trưởng ban quản lý rừng phòng hộ và điều tra sai phạm ba người liên quan khác.
Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Bến Tre vừa bắt tạm giam ông Trần Văn Hùng, nguyên phó giám đốc Sở NN&PTNT và ông Võ Văn Ngàn, nguyên trưởng ban quản lý  rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre (BQL). Ba cán bộ khác gồm ông Nguyễn Văn Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bến Tre, ông Tiết Kim Chiêu và ông Nguyễn Đức Dục (cán bộ thuộc Sở NN&PTNT tỉnh) bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Những người trên bị khởi tố về tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vì liên quan đến vụ đốn trắng gần 26 ha rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập mặn, thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tháng 4-2012, BQL có tờ trình gửi Sở NN&PTNT xin được khai thác tận thu (đốn trắng) khoảng 2.000 m3 gỗ đước. Lý do mà BQL đưa ra là khu rừng bị sâu bệnh tấn công, việc dùng hóa chất phun trị không thể áp dụng vì sẽ ảnh hưởng đến các loại thủy sản.
Sau đó, tháng 6-2012, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre có công văn cho phép BQL chỉ định đơn vị khai thác là DNTN gỗ Tuấn An (xã Thạnh Phong, Thạnh Phú) tiến hành cưa hạ khoảng 3.000 ster củi, trị giá 1,5 tỉ đồng, nộp vào ngân sách nhà nước.
Khi đang khai thác, một cá nhân thu mua gỗ có đơn tố cáo BQL rừng có dấu hiệu tiêu cực khi chỉ định đơn vị khai thác củi nên các cơ quan chức năng vào cuộc.
Sở Tài chính tỉnh Bến Tre khẳng định việc bán tài sản của Nhà nước tại BQL rừng không qua đấu giá là sai quy định và cơ quan chức năng xác định việc bán tận thu không qua đấu giá gây thất thoát cho ngân sách hơn 2 tỉ đồng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng xác định trong diện tích rừng bị đốn, những cây chưa bị hạ và các lô rừng lân cận phát triển bình thường. Còn với số cây gỗ đã bị đốn “không thấy có dấu hiệu của sâu bệnh…”, báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre khẳng định.
Vụ án có dấu hiệu tội phạm nhưng sau đó các cá nhân liên quan chỉ bị kiểm điểm, bị xử lý về mặt đảng và chính quyền, ông Ngàn xin nghỉ hưu.
Dư luận Bến Tre bất bình và đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về kiểm tra, giám sát các vụ án, sai phạm nổi cộm tại Bến Tre, trong đó có vụ phá rừng này. Hơn bốn năm sau, công an đã khởi tố, bắt giam những người liên quan để điều tra… (Pháp Luật TP.HCM 6/3) đầu trang(

MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
Thành phố thông minh hay đô thị thông minh đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại. Theo đó, Bắc Giang cũng hướng tới để trở thành thành phố thông minh, văn minh hiện đại.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà đã có buổi làm việc với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel về việc hợp tác xây dựng thành phố thông minh tại tỉnh Bắc Giang.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao tầm quan trọng của việc xây dựng thành phố Bắc Giang trở thành thành phố thông minh. Coi đây là nhân tố thúc đẩy công cuộc xây dựng tỉnh Bắc Giang theo hướng văn minh hiện đại.
Để làm được điều này, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị các sở, ngành tạo điều kiện cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tham gia vào những ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan trong tỉnh.
Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel nghiên cứu phương án giúp tỉnh tích hợp liên thông những phần mềm đã triển khai từ trước; hỗ trợ tỉnh kinh phí triển khai lộ trình xây dựng thành phố thông minh.
Được biết, hệ thống thành phố thông minh tại Việt Nam bao gồm 4 lớp là: Hạ tầng đô thị; hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông; hệ điều hành đô thị; ứng dụng. Tại Bắc Giang, căn cứ điều kiện thực tế, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel có những giải pháp cụ thể xây dựng hạ tầng bao gồm: Giao thông – An ninh – Môi trường; y tế thông minh; giáo dục thông minh; chính quyền điện tử.
Trước đó, vào tháng 7/2016, UBND TP Đà Nẵng và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã ký Biên bản ghi nhớ về xây dựng thành phố thông minh trong vòng năm năm.
Theo đó, Tập đoàn Viettel hỗ trợ, góp sức cùng TP Đà Nẵng xây dựng hai lĩnh vực: y tế và giáo dục - đào tạo trở thành hai lĩnh vực thông minh một cách toàn diện trên cơ sở tích hợp, kế thừa những kết quả đã và đang triển khai, mang lại hiệu quả ứng dụng thực tế, đi vào cuộc sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân TP Đà Nẵng.
Sau khi Biên bản ghi nhớ được ký kết, Tập đoàn Viettel sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan của Đà Nẵng tiến hành khảo sát chi tiết hiện trạng của các lĩnh vực được chọn. Từ đó đề xuất giải pháp triển khai tổng thể, hoàn thiện Kiến trúc kỹ thuật chi tiết cho các lĩnh vực. Sẽ có khoảng mười tỷ đồng để thực hiện các nội dung triển khai hợp tác. (VietQ 6/3) đầu trang(

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
Bởi bất cứ chính sách đô thị nào cũng mang tính chất “nhị nguyên”,  tức là dân có lợi mà chính quyền cũng có lợi.
Trong những ngày này, hình ảnh và hoạt động lập lại trật tự vỉa hè của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM), cùng các cộng sự xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội. Có thể nói ông Hải là người mạnh tay nhất và có những phát ngôn quyết liệt nhất từ trước đến nay liên quan đến vỉa hè.
Trước hiện tượng này, dư luận cũng hình thành nên các luồng khác nhau. Nhiều người tỏ thái độ đồng tình và đánh giá cao các hoạt động của đoàn xử lý vi phạm trật tự đô thị của quận 1. Nhưng có nhiều người khác lại băn khoăn về tính pháp lý của hành động mạnh tay này. Rất nhiều người nghi ngờ tính bền vững của nó, sợ rằng sau dăm bữa vắng bóng ông Hải thì đâu lại vào đấy. Cũng rất nhiều người lo lắng cho việc kinh doanh của những người dựa vào vỉa hè mưu sinh.
Có một điều không thể phủ nhận là lịch sử lâu dài của thành phố này đã tạo một kiểu kinh tế-xã hội dựa vào vỉa hè. Bao gồm: nhà kinh doanh mặt phố (shophouse) - kinh tế vỉa hè - xe máy. TP.HCM nổi tiếng thế giới vì các phố chuyên kinh doanh. Những con phố dài mút mắt chỉ kinh doanh duy nhất có một mặt hàng như vải vóc, vật liệu xây dựng, điện tử, thuốc Bắc, đồ sành sứ, hoa giả…
Trong cuộc nghiên cứu vào năm 2010 của Sở VH-TT&DL mà tôi làm chủ nhiệm, chúng tôi đã thống kê được 72 loại hình hoạt động kinh doanh, sản xuất, dịch vụ dựa vào vỉa hè để mưu sinh. Có một sự thật là việc sống nhờ vỉa hè không phải chỉ là người có cửa hàng, người buôn thúng bán bưng trên vỉa hè mà cả thành phố này cùng hưởng lợi từ đó. Cũng nhờ đó mà Nhà nước thu được thuế, các chính quyền địa phương cấp quận, phường có nguồn quỹ hoạt động.
Trên phương tiện thông tin đại chúng những ngày này tràn ngập các tít như “giành giật vỉa hè”, “đòi lại vỉa hè”, “cuộc chiến vỉa hè”, “dẹp loạn vỉa hè”, “anh hùng vỉa hè”. Mới nghe qua thấy hay nhưng ngẫm kỹ thấy có điều không ổn. Bởi lẽ vỉa hè là của chung của tất cả chúng ta. Vỉa hè là nơi rất nhiều bên hưởng lợi, do vậy không thể nói người dân chiếm lĩnh vỉa hè nay chính quyền đòi lại. Cũng không thể nói giành giật vỉa hè cho người đi bộ mà quên đi những người khác sống quanh và trên vỉa hè. Như thế vừa không đúng và không công bằng.
Nếu tinh ý sẽ thấy trong phát biểu của mình với báo chí hay cán bộ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong luôn nói rằng chúng ta cần “sắp xếp lại trật tự vỉa hè” hay “lập lại trật tự vỉa hè”.
Điều đó rất đúng, lâu nay chúng ta làm chưa đúng cả về phía người dân và chính quyền, vừa buông lỏng vừa không có những chính sách thích hợp. Một ví dụ điển hình là vát vỉa hè tạo điều kiện cho người đi xe máy phóng thẳng lên vỉa hè, còn người dân cũng có phần quá trớn.
Do vậy mà nay chúng ta cần nhận thức lại, hành động quyết liệt nhằm hướng đến việc vỉa hè được xắp xếp lại một cách khoa học để cho mọi người cùng hưởng lợi. Đó không chỉ người đi bộ, hộ gia đình có cửa hàng, người bán hàng rong, người mua hàng mà còn cả các tập đoàn, công ty của Nhà nước và tư nhân... Nếu liệt kê ra thì cái vỉa hè phải cõng ít nhất 25 thứ trên nó. Ngoài xe cộ, hàng hóa, bảng hiệu ra thì còn nhiều thứ khác không dễ mà bứng được như trụ ATM, cột điện, trạm biến thế, cột đèn tín hiệu giao thông, trụ nước, điểm nối cáp quang…
Vỉa hè tưởng nhỏ nhưng việc giải quyết nó không bao giờ thành công nếu chỉ tính lợi cho một phía. Bởi bất cứ chính sách đô thị nào cũng mang tính chất “nhị nguyên”, tức là dân có lợi mà chính quyền cũng có lợi. Singapore không thể có được một xã hội xanh, sạch, đẹp, trật tự như ngày hôm nay nếu ông Lý Quang Diệu chỉ hướng đến việc làm sạch bong vỉa hè phục vụ cho giao thông bộ hành. Ông đã hướng đến “sức sống vỉa hè và linh hồn phố phường”.
Có khi nào bạn lý giải tại sao rất nhiều nhóm du khách nước ngoài đầu trần, áo quấn ngang lưng, tay cầm chai nước, dưới trời nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại cứ thế đi dọc vỉa hè từ trung tâm ra các quận ven; từ quận 1 sang Chợ Lớn một cách miệt mài, hào hứng không?
Đó chính là sức hấp dẫn từ phố phường, vỉa hè đấy. Nếu ở châu Âu, chưa đi thì chúng ta đã biết mười mươi phía trước là ngã tư, là những khối nhà vuông vức hình dạng giống nhau. Nhưng ở Sài Gòn hết đoạn phố này thì nhất định còn có gì đó lạ lùng hay hay ở phía trước nếu không đến thì uổng. Chính những “bất ngờ”, “điều không đoán định” là yếu tố hấp dẫn của phố phường, lẽ nào chúng ta triệt tiêu nó.
Cũng trong cùng thời gian này, thái độ ứng xử mềm dẻo hơn của ông Phó Chủ tịch quận Tân Phú Nguyễn Quốc Thái lại thu hút được sự chú ý của đại bộ phận bà con dân nghèo. Ông Thái cho rằng đằng sau mỗi gánh hàng rong là số phận của cả một gia đình. Điều đó không phải là ông tìm cách mị dân (lấy lòng dân) mà thực sự ông muốn chúng ta cùng chia sẻ với nhau quyền lợi và trách nhiệm trên cái vỉa hè. Có lẽ vì quan niệm này mà ông nhận được rất nhiều sự cảm thông chia sẻ.
Còn nhớ khi còn sống, khi chứng kiến cảnh đội trật tự đô thị thu gom quang gánh của bà con bán hàng rong, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có hài hước rằng:
“Lấy đá mà ném ao bèo
Bèo tan lại hợp phố phèo vẫn nguyên”
Mong sao thời gian tới đây cái “phố phèo” vẫn nguyên đất có lớp lang, trật tự hơn và hơn thế không mất đi cái sống động của phố thị. Muốn khu vực 930 ha trở thành một Singapore thu nhỏ thì cần một chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và giáo dục đồng bộ. Thêm vào nữa là quy hoạch không gian và quy hoạch kinh tế-xã hội khoa học. Như thế mới duy trì được thành quả lâu dài, bền vững, nếu không hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải chỉ là một hiện tượng lóe lên trong một vài khoảnh khắc. (Pháp Luật TP.HCM 6/3) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Ngày 3/3, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov đã lên tiếng về vụ việc Quỹ phi lợi nhuận đấu tranh chống tham nhũng FBK của thủ lĩnh đối lập tại Liên bang Nga Aleksey Navalnyi công bố kết quả điều tra về hoạt động của Thủ tướng Dmitry Medvedev và cáo buộc Thủ tướng tham nhũng đã nhiều năm qua với khối tài sản cực lớn.
Theo tài liệu do FBK công bố hôm 2/3, Thủ tướng D.Medvedev sở hữu rất nhiều khu đất rộng tại các khu cao cấp, nhiều thuyền buồm, căn hộ trong các biệt thự cổ, các khu nông nghiệp và trang trại trồng nho ở Nga và nước ngoài, và tất cả khối tài sản này được mua từ tiền hối lộ của giới tài phiệt và vay ngân hàng nhà nước.
Trước thông tin đó, ông Peskov tuyên bố trước báo giới rằng điện Kremlin chưa nắm được chi tiết điều tra của FBK mà chỉ biết đến thông tin trên truyền thông, song khẳng định đây không phải ví dụ đầu tiên về “sáng tác” của “công dân đang bị kết án” này (ám chỉ ông Navalnyi).
Trước đó, hôm 2/3, người phát ngôn của Thủ tướng Medvedev, bà Natalia Timakova đã tuyên bố việc bình luận về “những lời công kích để tuyên truyền” của ông Navalnyi là vô nghĩa. Theo bà, những tài liệu mà ông Navalnyi công bố mang tính chất tranh cử rõ rệt, như bản thân ông cũng đã nói ở cuối đoạn ghi hình.
Hôm 8/2, Tòa án Leninsky của thành phố Kirov đã tuyên ông Navalnyi phạm tội tổ chức biển thủ 16 triệu ruble của doanh nghiệp Kirovles và kết án ông 5 năm tù cho hưởng án treo. Còn đồng phạm - Petr Ofitserov bị kết án 4 năm tù treo.
Ngoài ra, mỗi phạm nhân còn bị phạt 500.000 ruble, song khoản tiền này đã được nộp theo bản án thứ nhất. (Vietnam + 3/3) đầu trang(./.