Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 03 tháng 03 năm 2017
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Sáng 1/3, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ tổ chức thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2016 – 2017.
Buổi thực tập được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn vận hành cơ chế và giai đoạn thực binh chữa cháy rừng. Tình huống giả định là vào lúc 11 giờ ngày 1/3, tại vị trí chòi canh quan sát lửa rừng 19 – Xáng Giữa thuộc trụ sở Liên tiểu khu Sông Trẹm lực lượng giữ rừng phát hiện một vụ cháy trong khu du lịch sinh thái thuộc khu vực trọng điểm, dự cháy rừng cấp 5, mức độ đám cháy phát triển nhanh có khả năng lan rộng.
Nhận được tin báo, Chỉ huy lực lượng phân tích và nhận định tình hình, nhanh chóng điều động 3 tổ máy đến từ 3 hướng, cùng với 50 lực lượng tiếp cận hiện trường, triển khai nhanh đội hình khống chế, ngăn chặn, không cho đám cháy lan rộng. Sau thời gian triển khai khẩn trương, nhanh chóng và quyết liệt với sự tham gia tích cực của các lực lượng, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.
Kết thúc buổi diễn tập, Ban chỉ đạo đã tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá buổi thực tập thành công tốt đẹp, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; các lực lượng tham gia nhiệt tình, trách nhiệm cao. Đồng thời, chỉ ra một số điểm hạn chế trong quá trình thực tập để  rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, góp phần đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2016 – 2017 đạt hiệu quả hơn. (Đài PTTH Cà Mau 2/3, Huy Toàn)đầu trang(
Hơn 1.000ha rừng thông nằm dưới chân đèo Mang Yang thuộc địa phận xã Hà Tam, huyện Đak Pơ được xem là trọng điểm dễ xảy ra cháy, nhất là trong điều kiện thời tiết khô hanh hiện nay.
Trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, huyện Đak Pơ đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống cháy rừng.
Những ngày này, hàng chục cán bộ kiểm lâm địa bàn, các tổ đội nhận khoán bảo vệ rừng và người dân tại chỗ thường xuyên có mặt khu vực rừng thông này để vệ sinh rừng, phát dọn và tiến hành đốt trước có điều khiển đối với những diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao.
Đây là việc làm hết sức cần thiết, bởi hầu hết diện tích rừng thông nằm ở khu vực đèo Mang Yang có địa hình đồi dốc cao, cách xa nguồn nước, điều kiện di chuyển phức tạp, nếu xảy ra cháy thì việc khống chế ngọn lửa sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Bùi Văn Thái – Tổ trưởng tổ nhận khoán bảo vệ rừng xã Hà Tam, Đak Pơ cho biết: “Bản thân tôi cũng như  mọi người trong tổ nâng cao tinh thần trách nhiệm trực sẵn sàng bảo vệ rừng 24/24h. Bên cạnh đó thường xuyên kiểm tra các chỗ thuộc phần quản lý của tổ được nhận giao khoán. Thường xuyên ngăn cấm, không cho người dân vào đốt rừng làm nương rẫy”.
Ông Phan Thanh Hải – Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê cho biết: “Ngay như vừa rồi thì chúng tôi đã tổ chức được 10 đợt tại các làng bản để tuyên truyền bà con về công tác phòng chống cháy rừng cũng như ký các cam kết về an toàn lửa rừng. Qua trình sản xuất nương rẫy phải đặc biệt chú ý đến việc hỏa hoạn có thể xảy ra. Bên cạnh đó thì chúng tôi đã phân công cán bộ phụ trách địa bàn kiểm tra các nương rẫy, nếu bà con đốt thì phải báo cho cán bộ biết rồi làm ranh cản lửa để giúp đỡ trong quá trình làm nương rẫy”.
Theo nhận định, hơn 1.000ha rừng thông ở khu vực đèo Mang Yang, nằm sát Quốc lộ 19 có đông phương tiện và người dân đi lại, do đó nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn nếu mỗi người dân lơ là, chủ quan trong khi sử dụng lửa. Nhận thức rõ vấn đề này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê đã củng cố và thành lập 4 tổ canh cửa rừng, 5 tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra tại các tiểu khu trọng điểm dễ xảy ra cháy. Đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định mà Ban chỉ huy phòng chống cháy rừng cấp huyện yêu cầu.
Ông Bùi Văn Nghĩa – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đăk Pơ cho biết: “Chúng tôi sẽ tổ chức, yêu cầu các ban chỉ huy chữa cháy rừng cấp xã thành lập các tổ đội xung kích chữa cháy rừng. Ngoài ra chúng tôi cũng chủ động phối hợp với 2 đơn vị quân đội trên địa bàn để khi xảy ra cháy có thể huy động lực lượng triển khai phương án 4 tại chỗ. Trong mùa cao điểm thì 3 lực lượng gồm Ban quản lý rừng, UBND xã và kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên rừng, các vùng trọng điểm để kịp thời phát hiện cháy rừng có thể xảy ra, đồng thời vận động bà con sống gần rừng phải sử dụng lửa cẩn thận, khi đốt nương rẫy phải có sự giám sát của lực lượng kiểm lâm cũng như chủ rừng tại chỗ”.
Tây Nguyên hiện đang bước vào mùa khô và dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, do vậy với những giải pháp và việc làm mà huyện Đak Pơ, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê triển khai là việc làm hết sức cần thiết, qua đó chủ động và ngăn chặn kịp thời không để cháy rừng xảy ra bất ngờ…(Đài PTTH Gia Lai 2/3, Đoàn Bình – Thanh Sáng)đầu trang(
Ban chỉ đạo phòng cháy- chữa cháy rừng huyện Đất Đỏ đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm liên huyện Long Điền-Đất Đỏ chủ động xây dựng phương án triển khai thực hiện khi có các tình huống cháy xảy ra, được thực hiện theo phương châm “Phòng là chính, chữa cháy phải khẩn trương, kịp thời, triệt để và an toàn”.
Đặc biệt, khi phát hiện cháy rừng phải chủ động dập tắt kịp thời, không để cháy lan, cháy lại, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Ban chỉ đạo phòng cháy- chữa cháy rừng huyện cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, thành viên.
Cụ thể, các chủ rừng cần thực hiện tốt các công trình phòng cháy chữa cháy rừng như làm đường băng cản lửa, hồ chứa nước…để hạn chế cháy lan vào rừng và khi có cháy rừng xảy ra sẽ hạn chế được diện tích đám cháy.
Hạt kiểm lâm là cơ quan thường trực cần tham mưu tốt cho UBND huyện trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; tổ chức phân vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao và thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng ở các địa phương; xây dựng kế hoạch phối hợp các lực lượng nòng cốt, như Công an, Kiểm lâm, Quân đội, chủ rừng và các xã, thị trấn và củng cố lại các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho tất cả các tầng lớp nhân dân thông qua các kênh truyền thông và theo dõi, cập nhật liên tục thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng. (Báo Bà Rịa – Vũng Tàu 2/3, Ngọc Hường)đầu trang(
Thạch Thành có diện tích rừng Thông thuần loài lớn (1.658,06 ha), nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, nhất là vào mùa nắng nóng, khô hanh.
Xác định nhiệm vụ PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của công tác BVR trên địa bàn, ngay từ cuối năm 2016 Thường vụ huyện ủy Thạch Thành đã chỉ đạo các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan, ban, ngành cấp huyện tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR năm 2017 tại Văn bản số 299-CV/HU ngày 06/12/2016;Trên cơ sở đó Hạt Kiểm lâm Thạch Thành đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy; đồng thời xây dựng Kế hoạch BVR, PCCCR năm 2017; Phương án tác chiến chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ; rà soát lực lượng, phương tiện, công cụ phục vụ chữa cháy rừng với tổng số 50 xe ôtô các loại, 1.699 xe máy, 17 cưa xăng, 08 máy cắt thực bì, 16 máy thổi gió, 32 bình chữa cháy và hàng nghìn công cụ, dụng cụ thô sơ; lực lượng khi cần huy động có 72 tổ đội BVR-PCCCR với 459 người và 18 trung đội DQTV với 342 người.
Để chủ động trong công tác PCCCR, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện rà soát các khu vực trọng điểm, nguy cơ cháy rừng cao, tập trung các biện pháp làm giảm vật liệu cháy, làm mới và tu sửa đường băng cản lửa tại xã Thành Long, Thạch Cẩm.
Để nâng cao và từng bước xã hội hóa công tác BVR, PCCCR, Ban Thường vụ huyện ủy Thạch Thành đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể chính trị xã hội tăng cường công tác tuyên truyền BVR, PCCCR sâu rộng trên địa bàn; thông qua công tác tuyên truyền, đã nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền đến các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội đối với công tác BVR, PCCCR.
Nhờ làm tốt công tác BVR, PCCCR, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, điều hành hiệu quả của chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, đến nay huyện Thạch Thành không phát sinh tụ điểm, điểm nóng về khai thác, phá rừng và không xảy ra cháy rừng. (Chi Cục Kiểm Lâm Thanh Hóa 2/3, Lê Nguyên Chất)đầu trang(
Theo dự báo, mùa khô năm 2017, tình hình thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Tình trạng khô hạn sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nguy cơ cháy rừng cao. Do đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Công điện gửi các địa phương yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR)Theo đó, các địa phương chủ động thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR.
Đồng thời chỉ đạo các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) thực hiện quy chế phối hơp trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Các ngành liên quan thuộc tỉnh có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”, thường trực tại địa phương để sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng,
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Tăng cường lực lượng, phương tiện ứng trực tại các địa bàn trọng điểm về cháy rừng.
Kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng các cấp nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, PCCCR.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy theo quy hoạch, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy, quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác trong thời kỳ khô hạn.
Tiến hành kiểm tra, rà soát phương án và các biện pháp triển khai thực hiện phương án PCCCR  ở cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức thường trực 24/24 giờ trong ngày, bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm. (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bắc Giang 1/3, Trâm Anh)đầu trang(
Lợi dụng mở đường để thi công nhà máy thủy điện, nhiều đối tượng ngang nhiên đưa phương tiện triệt hạ cây rừng.
Thời gian gần đây, khi tuyến đường nối từ cầu Khe Van xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông đến xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa mở ra để phục vụ thi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Khe Nghi, hàng loạt cây trong rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông, tỉnh Quảng Trị bị đốn hạ. Lợi dụng tuyến đường mới mở, nhiều đối tượng ngang nhiên đưa máy móc, phương tiện vào triệt hạ cây rừng, cưa thành khúc rồi tẩu tán, bỏ lại hiện trường ngổn ngang bìa cây, mùn cưa còn tươi mới.
Từ Km 52 trên Quốc lộ 9 rẽ vào con đường đất vừa san ủi, đi thêm chừng 8 cây số nữa là đến khu vực Tiểu khu 678D, 688 thuộc rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Tại hiện trường, nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ trơ gốc, dấu cưa còn tươi mới. Cây rừng sau khi bị triệt hạ được cưa thành khúc hoặc xẻ phách rồi đưa ra khỏi rừng, trong rừng ngổn ngang bìa cây, mùn cưa và cành nhánh... Nhiều cây gỗ quý đường kính hơn nửa mét bị chặt hạ không thương tiếc. Càng vào bên trong, tình trạng cây rừng bị tàn phá càng nhiều hơn.
Ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng Công ty Cổ phần Năng lượng Quảng Trị cho biết, tháng 5/2015, sau khi Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, tỉnh Quảng Trị bàn giao mặt bằng, đơn vị tiến hành san ủi mở đường phục vụ thi công xây dựng Nhà máy thủy điện. Toàn tuyến dài hơn 8km nối từ xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông đến xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa xuyên qua rừng phòng hộ. Một số đối tượng lợi dụng đường sá thuận tiện đưa xe cộ, máy móc vào chặt cây rừng.
Theo ông Lê Thanh Hải, Công ty đã phát hiện và báo cáo với cơ quan chức năng để ngăn chặn: “Trong quá trình thi công, chúng tôi cũng thấy có hiện tượng bà con chở gỗ về bằng phương tiện xe máy, đi qua các lối tắt về nương rẫy của bà con. Chúng tôi quy định tuyệt đối không cho người không có phận sự và phương tiện bên ngoài vào bên trong công trường, đảm bảo an toàn cho quá trình thi công. Chúng tôi cũng không biết được họ khai thác rừng trồng của họ hay rừng đầu nguồn. Hơn nữa chúng tôi không có chức năng để ngăn cản”.
Ngày 28/2, khi nhóm PV Đài Tiếng nói Việt Nam thâm nhập khu vực rừng bị tàn phá cũng là lúc Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông, Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông và chính quyền địa phương, công an xã tiến hành kiểm tra tại rừng phòng hộ thuộc xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông.
Tại đây, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, thu gom một số lượng gỗ bị đốn hạ. Ông Tống Phước Châu, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị khẳng định, rừng đã bị chặt phá tại nhiều điểm nhưng chưa xác định cụ thể diện tích, phạm vi và khối lượng cây rừng bị triệt hạ.
Ông Tống Phước Châu cho rằng, rừng bị phá là phần diện tích đã giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông quản lý, trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ rừng: “Chủ rừng phải chịu toàn bộ trách nhiệm trên lâm phận của mình được Nhà nước giao. Còn nếu anh nói, lực lượng tôi yếu đề nghị anh tăng cường thì chúng tôi sẵn sàng, thậm chí tôi có kiểm lâm địa bàn, thậm chí xã tăng cường chứ có gì đâu”.
Ông Trần Văn Tý, Giám đốc Ban quản lí rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đăkrông thừa nhận; vào cuối năm ngoái, khi phát hiện nhiều người vào phá rừng, Ban Quản lý đã làm việc với UBND huyện Đakrông và Trạm kiểm lâm Đakrông bàn biện pháp ngăn chặn. Sau đó, Ban quản lý tiếp tục có văn bản báo cáo với Ban chỉ huy bảo vệ rừng huyện Đakrông đề nghị tăng cường lực lượng bảo vệ rừng.
Ban quản lý phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, chốt chặn và bắt giữ một số trường hợp dùng cưa máy để khai thác gỗ rừng tự nhiên trái phép, lập biên bản một số trường hợp chặt cây rừng trái phép. Tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng chức năng thì các đối tượng tiếp tục phá rừng.
Ông Trần Văn Tý, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông, tỉnh Quảng Trị phân trần, nạn phá rừng ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Các đối tượng bất kể ngày đêm, rất manh động, ngang nhiên dùng cưa máy đốn hạ cây rừng: “Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông đã nhiều lần họp với UBND xã và Hạt Kiểm lâm tìm biện pháp và tổ chức chốt chặn. Nhưng khi mình không có thì người dân vào khai thác, khi lực lượng vào người ta đã tẩu thoát. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng rất mỏng, không có gì trong tay nên việc bảo vệ rừng hết sức khó khăn”.
Rừng phòng hộ đầu nguồn Hướng Hóa - Đakrông, tỉnh Quảng Trị đang chảy máu, cây rừng bị đốn hạ khá nhiều. Điều đáng nói khi cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị vào cuộc thì sự việc đã quá muộn bởi một khối lượng gỗ cây bị đốn hạ đã bị tẩu tán. Rừng bị tàn phá, trách nhiệm thuộc về ai? Cần làm rõ và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có liên quan trong vụ rừng phòng hộ Hướng Hóa-Đakrông, tỉnh Quảng Trị bị tàn phá. (VOV 2/3, Đình Thiệu)đầu trang(
Trưa 2-3, ông Cao Xuân Tín – Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình xác nhận với phóng viên báo Người Lao Động thông tin trên.
“Ban thường vụ Huyện ủy đã tiến hành cách chức Đảng ủy viên, cách chức Chủ tịch UBND xã Thanh Thạch đối với ông Nguyễn Văn Nguyên; cách chức Đảng ủy viên, cách chức Phó Chủ tịch UBND xã đối với ông Đinh Văn Đức và tiến hành kỷ luật khiển trách đối với ông Đoàn Mạnh Toàn – Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã” – ông Tín thông tin
Theo đó, dựa trên cơ sở kết luận của Uỷ Ban Kiểm tra Huyện ủy Tuyên Hóa, từ những kiến nghị, phản ánh của người dân để làm rõ những dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy xã Thanh Thạch vì liên quan đến việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai, công tác phát triển bảo vệ rừng và đã để cán bộ, đảng viên, người dân vi phạm.
Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy xã Thanh Thạch thiếu sự đôn đốc, thiếu kiểm tra giám sát gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng. Cụ thể, từ năm 2005 đến nay, toàn xã này có 11 trường hợp dựng nhà trái phép trên phần đất chưa được quy hoạch, trước tình hình này lãnh đạo xã Thanh Thạch chậm giải quyết, ngăn chặn kịp thời.
Tiếp đó, một số cán bộ, đảng viên xã Thanh Thạch và người dân tự ý chặt phá rừng tự nhiên trái pháp luật để trồng keo trên diện tích 72.940 m2 đã bị các cơ quan chức năng huyện Tuyên Hóa lập biên bản vi phạm và xử phạt hành chính với số tiền hơn 760 triệu đồng của 23 hộ dân vi phạm.
Ngoài ra, công tác trợ giúp và rà soát đối với các đối tượng hộ nghèo, bảo trợ xã hội thiếu nghiêm túc (Từ năm 2014 đến 2016 đã phát hiện 67 đối tượng không đúng quy định với số tiền gần 476 triệu đồng). (Người Lao Động 2/3, Minh Tuấn)đầu trang(
Để phát triển ngành lâm nghiệp hiệu quả hơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng nhấn mạnh: Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tái cơ cấu lâm nghiệp tốt hơn.
Cụ thể là triển khai các nội dụng quan trọng cho thời gian sắp tới, bao gồm; Hỗ trợ gạo bảo vệ rừng, rà soát điều chỉnh rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất, cơ chế chính sách bảo vệ rừng.
Theo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2017 được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 6587/QĐ-UBND ngày 22/12/2016. Các chỉ tiêu được giao gồm: bảo vệ rừng 942.508,7 ha; Khoanh nuôi rừng 76.000 ha; Chăm sóc rừng trồng 25.146 ha; Trồng rừng tập trung là 17.000 ha; Tỷ lệ che phủ rừng 57,3%; Khai thác gỗ 500.000m3; Khai thác nhựa thông 3.000 tấn.
Theo đó, triển khai thực hiện Quyết định số 2345/QĐ-TTg ngày 02/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiếu số, hộ nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng sinh sống, cư trú hợp pháp trên địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong.
Sở nông nghiệp và PTNT đã ban hành công văn sô 05/SNN.KL ngày 4/1/2017 “về việc hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tự nguyện trồng rừng". Tuy nhiên để triển khai chính sách hỗ trợ gạo cần đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách. Về việc triển khai kế hoạch, rà soát điều chỉnh rừng phòng hộ xung yếu sang rừng sản xuất với điều chỉnh 3 loại rừng, đồng thời gắn với điều chỉnh quỹ đất lâm nghiệp theo kết quả kiểm kê trên địa bàn tỉnh.
Các ngành liên quan của tỉnh xác định, rà soát điều chỉnh khoảng 100.000 ha rừng và đất rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. Trong đó rà soát rừng ven biển dự kiến 6.000 ha, rà soát đưa vào quỹ đất lâm nghiệp (gồm 3 loại rừng) 70.000 ha. Rà soát 2.500 ha đất thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rà soát đưa ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp 60.000 ha.
Các ý kiến tại cuộc họp cũng bàn các giải pháp triển khai Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/09/2015 của Chính Phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong khẩn trương rà soát lập danh sách chi tiết các đối tượng được nhận hỗ trợ gạo theo từng lần cấp, tới tận thôn bản. Lập dự toán chi tiết chi phí vận chuyển. Chi cục dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ An đảm bảo cấp phát gạo đúng thời gian, số lượng.
Đối với rà soát điều chỉnh rừng phòng hộ xung yếu sang rừng sản xuất, xem xét bố trí nguồn kinh phí để thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh trong năm 2017 nhằm đảm bảo tiến độ. Chỉ đạo các huyện, ban ngành phối hợp tốt trong công tác rà soát điều chỉnh góp phần lồng ghép tốt kế hoạch sử dụng đất của địa phương với công tác bảo vệ rừng trên địa bàn.
Đối với nội dung triển khai Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, yêu cầu các huyện rà soát hoàn thiện hồ sơ giao quyền sử dụng đất với 33.969,5 ha, các ngân hàng liên quan, triển khai kịp thời chính sách cho vay trồng rừng sản xuất. (Báo Nghệ An 2/3, Văn Trường)đầu trang(
Thực hiện Kế hoạch số 420/KH-UBND, ngày 22/2/2017 của UBND tỉnh Điện Biên, nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng trái phép, giải quyết  tình trạng di dịch cư tự do trên địa bàn huyện Mường Nhé, UBND tỉnh Điện Biên đã điều động 283 cán bộ chiến sỹ, phối hợp cùng 149 cán bộ cấp xã của huyện Mường Nhé, thành lập 6 tổ công tác bám địa bàn, hoạt động thường xuyên trong năm 2017.
Theo thống kê từ lực lượng chức năng, từ tháng 10/2015 - 12/2016, trên địa bàn huyện Mường Nhé đã phát hiện 186 vụ phá rừng mới, diện tích thiệt hại 175ha (trong đó có 86,9ha rừng phòng hộ); việc giải quyết dân di cư tự do vào địa bàn chưa hiệu quả, năm 2016 phát hiện 42 hộ, 191 khẩu mới di cư vào địa bàn
Nội dung Kế hoạch số 420/KH-UBND của UBND tỉnh Điện Biên để ra các mục tiêu: Tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng và di cư tự do vào huyện Mường Nhé trong năm 2017, kiên quyết không để rừng tiếp tục bị phá và dân di cư mới vào địa bàn; tăng cường vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; huy động sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành chức năng phối hợp với huyện Mường Nhé giải quyết tình trạng phá rừng, di cư tự do và đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các lực lượng; chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không tạo ra “điểm nóng” và khiếu kiện đông người.
Theo đó, tỉnh Điện Biên phân công nhiệm vụ cụ thể cho 10 tập thể (là các sở, ban, ngành và lượng lượng vũ trang trong tỉnh) và nhóm các đơn vị được giao làm chủ đầu tư thực hiện Đề án 79 thực hiện kế hoạch. Đồng thời, huy động 432 cán bộ, công chức, viên chức các sở ngành, lực lượng vũ trang của tỉnh (trong đó: cấp tỉnh 164 người; cấp huyện 117 người; cấp xã 151 người) và thành lập 6 tổ công tác tại các xã của huyện Mường Nhé. Thời gian thực hiện từ 1/3 – 31/12/2017.
Thông qua Kế hoạch, đại diện chính quyền các xã, trưởng bản đã nêu những bức xúc, bất cập tại huyện Mường Nhé, như: Dân di cư thường phá rừng tập trung, chủ rừng không thể ngăn cản; tranh chấp địa giới hành chính chưa được giải quyết khiến người dân không được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; công tác phối hợp giữa chủ rừng là cộng đồng bản với chính quyền xã, kiểm lâm địa bàn và các lực lượng còn hạn chế; các bản thuộc Đề án 79 thiếu đất sản xuất nhưng vẫn được phân kế hoạch trồng rừng...
Đại biểu đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND huyện Mường Nhé có phương án quyết liệt, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về phá rừng, di cư tự do; tăng cường phối hợp giữa chủ rừng, kiểm lâm địa bàn, bảo lâm xã trong công tác bảo vệ rừng…
Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên – người được phân công trực tiếp thực hiện Kế hoạch, chia sẻ khó khăn với UBND huyện Mường Nhé, đại diện chính quyền các xã và trưởng, phó bản trong việc giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tụ do trên địa bàn.
Qua đó, Thiếu Tướng đề nghị: Các trưởng bản phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, thường xuyên nắm tình hình và báo cáo lên những trường hợp phá rừng, di cư tự do mới đến. Đối với lãnh đạo UBND các xã phải chỉ đạo công chức xã, các trưởng bản vào cuộc thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các tổ công tác liên ngành; tạo điều kiện cho lực lượng liên ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn.
Đối với số dân đủ điều kiện, chỉ đạo công an xã cấp chứng minh thư, hộ khẩu và cử cán bộ địa chính hướng dẫn làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với Huyện ủy, UBND huyện Mường Nhé, phải vào cuộc quyết liệt thực hiện các nội dung nhiệm vụ được phân công. (Tài Nguyên & Môi Trường 2/3, Nam Hương – Hà Thuận)đầu trang(
Cùng với việc triển khai một số dự án trọng điểm vùng đông nam, ngành lâm nghiệp cũng đang phấn đấu phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng dặm những nơi nghèo nàn hệ sinh thái.
CHỈ tính riêng khu vực ven biển từ thị xã Điện Bàn đến TP.Hội An đã có đến 34 dự án đầu tư phát triển du lịch. Để cho ra đời các tòa nhà, resort cao tầng, đồng nghĩa với việc phải đánh đổi rừng phòng hộ. Mấy năm nay, bãi biển Cửa Đại liên tục bị xói lở, bất chấp các giải pháp kè mềm, kè cứng của chính quyền địa phương. Các phường Cửa Đại, Cẩm An... cố giữ từng gốc thông thưa thớt trước họng gió nhưng vẫn “chào thua” trước nhân tai và thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Hiền - Trưởng phòng TN-MT TP.Hội An nhìn nhận, vì cơ sở quản lý lỏng lẻo nên nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển bị biến mất và trước đây có tình trạng chuyển sang mục đích sử dụng là rừng sản xuất. Để “chữa cháy”, chính quyền TP.Hội An bất đắc dĩ phải nghĩ ra phương cách chưa từng có trong tiền lệ là mua lại các diện tích rừng sản xuất trong dân để triển khai trồng và phục hồi diện tích rừng phòng hộ bị xóa sổ.
Trong khi đồng vốn ngân sách eo hẹp không dễ gì thực hiện được mục tiêu trồng rừng khép kín. Điển hình như ở phường Cửa Đại - nơi bức thiết nhất phải đầu tư “bức tường xanh” ven biển, thì nhiều năm mới có 1 tỷ đồng trồng mới rừng phòng hộ.
Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Dũng cho rằng, trước tình trạng người dân tự ý chặt phá rừng ven biển, rừng phòng hộ thu hẹp dần do tác động du lịch, chính quyền sẽ chú trọng tuyên truyền, thực hiện các quy ước cộng đồng bảo vệ rừng, đồng thời ra chỉ thị giữ rừng nghiêm ngặt. Theo đó, chỉ đạo chủ tịch các xã, phường, các cơ quan ban ngành lập kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, mặt khác thống kê rà soát toàn bộ diện tích đất rừng phòng hộ đã bị lấn chiếm trái phép để xử lý theo thẩm quyền.
Còn tại vùng ven biển phía nam của tỉnh, rừng phòng hộ ven biển biến mất từ ngày rộ lên phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hình thức lót bạt. Theo chính quyền xã Tam Tiến (Núi Thành), ngoài 102ha rừng dự án PACSA phủ xanh trên đất trống đồi trọc của xã ở phía tây đường Thanh niên ven biển, địa phương không có diện tích đất nào được quy hoạch cho rừng phòng hộ.
Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đang quản lý 1.110ha đất của xã. Thiếu đất để phát triển rừng phòng hộ tập trung là tình trạng chung của các địa phương ven biển đang vấp phải. Hơn 10 năm qua, các huyện Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ chỉ mới trồng lại hơn 1.000ha (bình quân hơn 100ha/năm).
Theo quan sát, vùng ven biển qua các xã Tam Phú, Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), các xã Bình Nam, Bình Dương, Bình Hải (Thăng Bình), các xã Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành) đã triển khai trồng mới, trồng dặm cây keo lá tràm bên rừng trồng dự án PACSA do Chính phủ Nhật tài trợ trước đây. Tuy nhiên, cây trồng phát triển chậm, thậm chí bị trâu bò thả rông tàn phá.
Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, UBND tỉnh vừa giao nhiệm vụ cho ngành chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, các địa phương khảo sát, triển khai việc trồng rừng chắn gió, chắn cát bay, chống sa mạc hóa trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp ở vùng ven biển, nhất là ở xung quanh các khu vực có khu dân cư hoặc quy hoạch khu dân cư tập trung, xung quanh những khu vực quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, dọc theo hai bên tuyến đường ven biển (tuyến đường cứu hộ, cứu nạn từ Núi Thành đến cầu Cửa Đại, Hội An).
Vấn đề là ngành đang lựa chọn loại cây trồng phù hợp, thích ứng với điều kiện khắc nghiệt. “Ngành nông nghiệp sẽ kiên quyết bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng phòng hộ ven biển hiện còn; thường xuyên giám sát và yêu cầu các địa phương không triển khai quy hoạch, xây dựng các công trình, các hoạt động phi lâm nghiệp trên diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp, nhất là quy hoạch rừng phòng hộ thuộc địa bàn quản lý” - ông Hưng nói. (Báo Quảng Nam 2/3, Trần Nguyễn)đầu trang(
Ngày 2-3, Công an huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, bước đầu đã xác định được nguyên nhân anh Trịnh Xuân Khấm, 43 tuổi, trú tại thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa), cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông chết vào ngày 20-2 là do xe ô-tô mang biển số Lào tông chết.
Hiện công an đã xác định người chạy xe ô-tô tông anh Khấm là công dân nước bạn Lào. Sau khi gây tai nạn, người này đã tháo gỡ biển số xe ô-tô nhằm xóa dấu vết, rồi trốn khỏi hiện trường. Từ các chứng cứ có được, Công an huyện Hướng Hóa đã phối hợp với cơ quan chức năng huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na Khệt (Lào) để làm rõ.
Hiện nghi phạm vẫn đang lẩn trốn nhưng đã gọi điện về cho gia đình thừa nhận mình là người gây ra vụ tai nạn chết người. Phía gia đình cũng đã sang hương khói cho gia đình nạn nhân.
Trước đó, sáng ngày 20-2, anh Trịnh Xuân Khấm đi tuần tra bảo vệ rừng bằng xe mô-tô trên địa bàn mình phụ trách. Đến trưa thì Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông nhận được tin anh Khấm bị chết tại khu vực cột mốc 599 (thuộc địa phận xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa). Tại hiện trường, ngoài xe mô-tô của anh Khấm còn có xe ô-tô Fortune mang BKS Lào 2309 bị hư hỏng nặng. (Nhân Dân 2/3, Hoàng Nhiên)đầu trang(
Ngày 2-3, UBND huyện Minh Hoá (Quảng Bình) cho biết chủ tịch UBND huyện Đinh Hữu Niên vừa ra quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách đối với chủ tịch hai xã Hóa Tiến và Hóa Hợp do để xảy ra phá rừng ở Khe Si.
Đây là hình thức xử lý kỷ luật đối với trách nhiệm của người đứng đầu, do ông Đinh Ngọc Thủy, chủ tịch UBND xã Hóa Tiến và ông Đinh Trường Sinh, chủ tịch UBND xã Hóa Hợp chưa hoàn thành trách nhiệm được giao về quản lý và bảo vệ rừng đầu nguồn.
Theo kết quả điều tra ban đầu của Công an huyện Minh Hoá, tại vùng rừng Khe Si thuộc lâm phần hai xã Hóa Tiến và Hóa Hợp, có 16 người đã chặt phá rừng với tổng diện tích 3ha (trên tổng diện tích 40ha của khu vực rừng này đã bị chặt phá trong thời gian từ cuối năm 2016 và đầu năm 2917).
Hiện cơ quan chức năng đang định giá tài sản rừng bị phá hại để xử lý các đối tượng chặt phá rừng, đồng thời điều tra làm rõ thêm số người đã chặt phá toàn bộ diện tích rừng ở Khe Si. (Tuổi Trẻ 2/3, L.Giang)đầu trang(
Huyện ủy Tuyên Hóa (Quảng Bình) cách chức đối với ông Nguyễn Văn Nguyên - Chủ tịch xã Thanh Thạch khi cùng 2 cán bộ khác có nhiều sai phạm trong thời gian quản lý ở địa bàn.
Chiều 2/3, ông Cao Xuân Tín, Phó chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), cho biết huyện ủy Tuyên Hóa đã có quyết định hình thức kỷ luật đối với 3 cán bộ chủ chốt ở xã Thanh Thạch do liên quan đến nhiều sai phạm trong thời gian công tác ở địa phương.
Theo đó, huyện ủy Tuyên Hóa cách chức Chủ tịch xã Thanh Thạch đối với ông Nguyễn Văn Nguyên. Cùng với ông Nguyên, Phó chủ tịch xã Đinh Văn Đức cũng bị cách chức. Ngoài ra, ông Đoàn Mạnh Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thạch cũng bị khiển trách trong quyết định này.
Hình thức kỷ luật trên được huyện ủy Tuyên Hóa đưa ra dựa trên kết luận của Uỷ ban kiểm tra huyện ủy Tuyên Hóa sau khi người dân xã Thanh Thạch liên tục kiến nghị, phản ánh về những vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy xã.
Cụ thể, 3 cán bộ cốt cán xã Thanh Thạch đã để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, công tác phát triển bảo vệ rừng. Bí thư, Chủ tịch cùng phó chủ tịch xã Thanh Thạch trong thời gian công tác từ năm 2005 đến nay đã thiếu sót trong quản lý, giám sát dẫn đến việc 11 hộ dân xây dựng nhà trái phép ở khu vực chưa được quy hoạch.
Ngoài ra, 3 người trên cũng dính líu đến việc 23 hộ dân tự ý chặt phá rừng tự nhiên trái phép để trồng keo trên diện tích 7,3 ha, bị cơ quan chức năng xử lý, phạt tiền.
Trong 2 năm, từ 2014 đến 2016, các ông Nguyên, Đức và Toàn đã có nhiều sai sót trong công tác trợ giúp, rà soát các đối tượng hộ nghèo, bảo trợ xã hội dẫn đến việc 67 đối tượng được đưa vào danh sách không đúng quy định dẫn đến chi sai ngân sách gần 476 triệu đồng. (Zing News 2/3, Văn Được) đầu trang(
Từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục Kiểm lâm và các Ban quản lý rừng phối hợp với các chủ rừng, các cơ quan chức năng tổ chức 46 đợt tuần tra. Qua đó đã phát hiện 13 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng, giảm 5 vụ so với cùng kỳ năm 2016.
Các vụ vi phạm rừng chủ yếu là đốn hạ cây rừng trái phép, phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, mua bán, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép… tập trung tại các địa bàn trọng điểm như huyện Xuyên Mộc, Tân Thành, Châu Đức và TP. Bà Rịa.
Nghiêm trọng nhất là vụ phá 1.465m2 diện tích rừng ngập mặn (diễn ra ngày 25-1) làm thiệt hại 483 cây đước. Vụ việc do ông Vũ Văn Thạch (thường trú tại xã Phước Hòa, huyện Tân Thành) thuê tài xế xúc đất và chặt cây để làm đùng nuôi tôm. Cơ quan chức năng đã tịch thu phương tiện và lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu phục hồi môi trường. (Đài PTTH Bà Rịa – Vũng Tàu 2/3)đầu trang(
Do để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong việc phá gần 130 ha rừng tự nhiên tại nông trường Bù Đốp, Thủ tướng Chính phủ khẳng định Bình Phước chưa nghiêm túc trong việc đóng cửa rừng.
Tuy nhiên người phát ngôn tỉnh Bình Phước cho rằng, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước rất yêu rừng, thương dân chứ không như báo chí nghĩ.Vượt qua cản trở của thời tiết, trước những cơn mưa rừng liên tục đổ xuống vùng biên giới của huyện Bù Đốp, cạnh nước bạn Campuchia, chúng tôi có mặt tại khoảnh 1, tiểu khu 69, nông lâm trường Bù Đốp.
Đây là khu vực có gần 130 ha diện tích rừng tự nhiên với hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ vào tháng 8/2016 mà UBND tỉnh này cho phép đổi sang thực hiện “dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng”.
Bên trái con đường đất đỏ dẫn vào là những vạt rừng cao su chuẩn bị thu hoạch, còn bên phải là những cánh rừng tự nhiên bị đốn hạ. Một số cây gỗ lớn, đường kính 0,5 - 0,8 m, dài cả chục mét chưa được kéo đi nằm sót lại khiến người đi đường không khỏi xót xa. Cạnh bìa rừng bị tàn phá là những lán trại bỏ hoang, trước đây những người khai thác gỗ rừng dựng lên giả chiến.
Có mặt cùng chúng tôi tại tiểu khu 69, một cán bộ công tác ở huyện Bù Đốp nói: “Thật ra đồng bào ở đây có ý thức bảo vệ rừng. Dân chặt vài cái cây thì gọi là phá rừng, nhưng bằng các dự án, người ta mang máy ủi, ủi phăng hàng trăm héc ta rừng một cách nhanh chóng”.
Chỉ khoảng đất trống mênh mông còn trơ vài gốc cây mấy vòng tay người ôm không hết đã bị đốt cháy nham nhở, người này nói khoảng đất trống này là gần 130 ha rừng đã bị ủi trắng. “Nếu báo chí không kịp thời lên tiếng để cơ quan chức năng cho dừng lại dự án thì diện tích rừng tự nhiên ở đây bị xóa sổ còn nhiều hơn nữa”- cán bộ này nói.
Theo người dân sống gần khu vực rừng bị phá, thời điểm đó việc khai thác có vẻ rất khẩn trương, cây gỗ vừa đốn ngã được đóng dấu ngay tại chỗ, sau đó xe tải, container nhanh chóng chở ra khỏi rừng. Cây rừng bị  chặt đến đâu họ san ủi mặt bằng tới đó.
Ông Nguyễn Văn  Ách, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp (vừa nghỉ hưu) cho biết, trước đó Hạt kiểm lâm Bù Đốp nhiều lần yêu cầu các ngành chức năng và UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị không thực hiện dự án chuyển đổi rừng tại khoảnh1, 2, 3 tiểu khu 69.
Bởi, diện tích rừng tự nhiên 574,2 ha tại đây rất quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái rừng phòng hộ đầu nguồn, là lá chắn bảo vệ lòng hồ thủy điện Cần Đơn mỗi lần có lũ tràn về. Tuy nhiên, ông nói những góp ý trên không ai để ý, để rồi gần 130 ha rừng đã bị san ủi trước khi dự án bị đình chỉ.
Sau khi vụ việc xảy ra, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an vào cuộc, đơn vị này nhận định chính quyền địa phương cấp phép sai quy định để doanh nghiệp tự ý khai thác rừng, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Cụ thể, tỉnh Bình Phước giao Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé khai thác hơn 575 ha rừng tại tiểu khu 69 thuộc Nông lâm trường Bù Đốp, huyện Bù Đốp để thực hiện dự án “chăn nuôi kết hợp trồng rừng”.
Tại đây đã xảy ra hàng loạt sai phạm như: UBND tỉnh Bình Phước đã vượt cấp cho phép Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé tự ý khai thác rừng mà không có báo cáo đánh giá tác động môi trường; Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước đã cấp giấy phép sai trong việc cho doanh nghiệp khai thác rừng tự nhiên nhằm trồng cao su, chăn nuôi.
Trong khi đó, doanh nghiệp này không có chức năng chăn nuôi. Thêm nữa, Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về môi trường và lập dự án trình các cơ quan chức năng phê duyệt. Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước đã cấp phép khai thác rừng tự nhiên là vi phạm về trình tự thủ tục cấp phép khai thác rừng theo quy định của pháp luật.
Do đó, C49 đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước phải tạm ngưng cấp phép khai thác tận dụng lâm sản tại khoảnh 1, tiểu khu 69; tạm ngưng cấp phép khai thác mới, khai thác tận dụng lâm sản tại các khoảnh 2, 3 của tiểu khu 69 đối với Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé.
Trước việc Thủ tướng Chính phủ chỉ định Tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu vào Bình Phước kiểm tra việc tỉnh này chưa thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa rừng vào cuối tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Văn Trăm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước thay mặt tỉnh này xin lỗi Chính phủ và hứa sẽ thực hiện nghiêm túc. Cụ thể về lỗi tỉnh này để xảy ra việc chuyển đổi hàng trăm héc ta rừng tự nhiên tại nông trường Bù Đốp sang mục đích khác chưa đúng quy định.
Nói về việc chuyển đổi hàng trăm héc ta rừng tự nhiên sai mục đích, bà Phạm Thị Ánh Hoa - Chánh Văn phòng kiêm phát ngôn của UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, báo chí hiểu sai ý của chủ tịch tỉnh này. “Thực ra, chủ tịch xin lỗi vì lịch sự, chứ các vấn đề như vệ sinh an toàn thực phẩm, ma túy, tội phạm thì địa phương nào cũng xảy ra. Mà đã chịu khó làm thì phát hiện nhiều, càng tích cực thì lỗi càng nhiều, chủ yếu do ý thức thì mới nhận lỗi như vậy”- Bà Hoa thanh minh.
Theo bà Hoa, giờ thì ông Trăm (Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - PV) dị ứng khi nói đến rừng. “Còn báo chí thì viết bài chắp cái này lấy cái kia chứ không có đúng. Do đó, chủ tịch UBND tỉnh dị ứng thật sự với rừng, ổng nói chở gỗ đi là phá rừng, chở đi mất công báo chí vô cuộc, nên bỏ hết cây trên rừng không cho mang về.
Nhiều khi ổng nói thứ nhất yêu vợ, thứ nhì yêu rừng, thứ ba yêu cây điều, thứ bốn yêu công nghệ cao. Nên giờ các dự án mà liên quan đến rừng là gạch ngay tức khắc, ngay cả gỗ mua vận chuyển từ Campuchia về cũng không cho luôn, chạy hư đường”- bà Hoa nói. (Tiền Phong 3/3, Đình Du – Mạnh Thắng)đầu trang(
Công ty Lâm nghiệp Lập Thạch (tiền thân là Lâm trường Lập Thạch), sau thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành đơn vị tiêu biểu, dẫn đầu trong phong trào phát triển kinh tế của Tổng Công ty Giấy Việt Nam, đóng góp không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Hiện nay, tổng diện tích rừng và đất rừng công ty đang quản lý, sử dụng, khai thác là 1.523 ha, nằm trên địa bàn 12 xã, thị trấn của 3 huyện Lập Thạch, Sông Lô và Tam Đảo. Ngoài nhiệm vụ trồng rừng nguyên liệu, chăm sóc, bảo vệ rừng, khai thác, thu mua gỗ nguyên liệu cung cấp cho Công ty Giấy Bãi Bằng. Mỗi năm, công ty còn cung ứng hàng triệu cây giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty không chỉ thể hiện qua doanh thu trong những năm gần đây luôn đạt xấp xỉ và vượt 10 tỷ đồng/năm, đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng tiền thuế. Quan trọng hơn, với vai trò đầu tàu, mạnh dạn trong đầu tư, đổi mới, sáng tạo trong cách làm, đảm bảo hài hòa lợi ích tập thể với cá nhân đã tạo ra sự gắn kết, phong trào thi đua phát triển kinh tế sôi nổi, rộng khắp trong toàn thể cán bộ, người lao động trong công ty và với người dân địa phương được giao khoán trồng rừng.
Nếu như trước kia, công ty chỉ trồng rừng sản xuất đại trà, hiệu quả kinh tế thấp, năng suất cao nhất chỉ đạt 40m3 gỗ/ha/chu kỳ. Từ năm 1990 trở lại đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật và các giống mới vào trong sản xuất, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cây có tốc độ sinh trưởng mạnh, sinh khối đồng đều, rút ngắn thời gian thu hoạch, cho năng suất tăng cao gấp 3 lần so với trước đây.
Sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 12-15 nghìn m3 gỗ (đạt và vượt kế hoạch do Tổng Công ty Giấy Việt Nam giao). Hàng trăm hộ dân trong vùng sản xuất, có đất rừng, nhờ mua cây giống từ công ty, được chuyển giao quy trình kỹ thuật về áp dụng đều cho thu nhập kinh tế cao.
Trước đây, do công tác quản lý thiếu chặt chẽ, tình trạng người dân lấn chiếm đất của công ty, đất không xác định được ranh giới, mốc giới, đất được giao khoán sử dụng không đúng mục đích diễn ra phổ biến, khiến hoạt động sản xuất của công ty gặp nhiều khó khăn. Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", công ty vừa khéo léo, vận động, tuyên truyền, nhắc nhở, đồng thời gắn lợi ích của người dân cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng.
Sau khi thu hoạch, các hộ gia đình được giao khoán bảo vệ rừng, trừ các chi phí liên quan, được hưởng 10% sản lượng trên tổng diện tích được giao khoán đã động viên, khích lệ, đồng thời, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình.
Ngoài ra, mỗi năm, công ty còn tạo trên 10 nghìn ngày công cho các lao động thời vụ, nhàn rỗi ở địa phương tham gia vào công tác trồng, chăm sóc rừng. Nhờ vậy, tỷ lệ rừng bị hao hụt đến khi thu hoạch thấp, năm 2015 chỉ là 0,4%, đến năm 2016 còn 0%. Đồng thời, không để xảy ra sự cố cháy rừng, mất mát lâm sản, tranh chấp, xung đột lợi ích.
Mức thu nhập bình quân hiện nay của 60 cán bộ, người lao động trong công ty đạt 4 triệu đồng/người/tháng. Nếu xét về đặc thù của nghề trồng rừng, mức thu nhập trên ở mức khá. Bởi ngoài công việc chính, công ty tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thêm thời gian tăng gia sản xuất, được sử dụng mặt bằng đất rừng của công ty mở rộng chăn nuôi. Các chế độ theo Luật Lao động, bảo hiểm xã hội, được đảm bảo, vì vậy, ai cũng phấn khởi, mong muốn gắn bó lâu dài.
Đi đôi với phát triển kinh tế, công ty đặc biệt chú trọng tới công tác bảo vệ rừng, gắn với trách nhiệm, quyền lợi của từng cán bộ, người lao động trong đơn vị . 7 đội sản xuất lâm nghiệp của công ty nằm trên địa bàn 9 xã, thường xuyên canh gác, bảo vệ rừng 24/24h; thường xuyên trao đổi thông tin, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng như: Các hạt kiểm lâm, công an, chính quyền các cấp; ký hương ước với các thôn bản về công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng; thông qua các chương trình tài trợ, phối hợp với các trường học đóng trên địa bàn tuyên truyền tới học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo về giá trị, lợi ích của rừng mang lại.
Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư hơn 2 tỷ đồng làm 7 km đường giao thông chạy theo các triền đồi, nhằm tạo thuận lợi trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thuận tiện trong việc vận chuyển, khai thác sau này. Nếu có sự cố về cháy rừng các phương tiện, lực lượng chữa cháy cũng dễ dàng tiếp cận hiện trường.
Thời điểm này, hàng chục công nhân Công ty Lâm nghiệp Lập Thạch đang khẩn trương vận chuyển, tập kết cây giống cho mùa trồng rừng năm 2017. Trước đó, mọi công tác chuẩn bị mặt bằng, khảo sát thực địa, ươm cây giống đều đã sẵn sàng, chỉ cần thời tiết thuận lợi, mưa xuống là triển khai trồng rừng . Theo kế hoạch, công ty sẽ phủ xanh 150 ha rừng, dự kiến đến tháng 5/2017 thì hoàn tất công tác trồng rừng. (Báo Vĩnh Phúc 1/3, Khánh Linh)đầu trang(
Đã xác định có tới 65 cây bị đốn hạ. Hiện đã cử 1 tổ kiểm lâm cơ động lên phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đakrông ngăn chặn tình trạng xâm phá rừng phòng hộ.
Sáng 2-3, tỉnh Quảng Trị đã lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra về tình trạng “lâm tặc” lợi dụng các tuyến đường giao thông đang thi công tàn phá rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông (Báo Người Lao Động đã có bài phản ánh). Buổi kiểm tra do ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị làm trưởng đoàn.
Sau khi tiến hành kiểm tra, ghi nhận thực tế tình trạng rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông bị “lâm tặc” tàn phá, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết việc mở những tuyến đường mới dẫn đến nguy cơ xâm phạm rừng rất cao.
Phản ánh của báo chí về việc một số đối tượng đã lợi dụng tuyến đường đang thi công vào chặt phá cây rừng là hoàn toàn đúng sự thật. Thời gian tới nếu các ban ngành không nhanh chóng chỉ đạo, kiểm tra và có biện pháp cứng rắn thì chắc chắn sẽ gây mất rừng rất lớn.
Ông Võ Văn Hưng yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông tiếp tục nắm bắt, đo đếm, đánh giá lại số lượng cây, diện tích rừng bị xâm phạm. Đối với lực lượng Kiểm lâm, ông Hưng đề nghị phải tăng cường lực lượng chốt chặn, kiểm tra, bảo vệ rừng.
“Tôi giao trách nhiệm cho Hạt kiểm lâm Đakrông, nếu để gỗ ra khỏi rừng thì các anh phải chịu trách nhiệm. Phải quyết liệt xử lý nghiêm, không bao che các đối tượng xâm phạm đến rừng. Về giải pháp bền vững, phải tiếp tục tạo sinh kế cho người dân, tuyên truyền vận động người dân về bảo vệ rừng”, ông Hưng nói.
Ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết, ở tuyến đường giao thông Khe Van- Hướng Linh qua kiểm tra, ghi nhận có 65 cây bị đốn hạ, có giá trị không cao. Hiện tại, đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời cử 1 tổ kiểm lâm cơ động lên phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đakrông ngăn chặn tình trạng xâm phá rừng phòng hộ. “Để ngăn chặn phá rừng bền vững, đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh cấp nguồn kinh phí để giao khoán rừng cho người dân bảo vệ, hưởng lợi”, ông Trung nói.
Ông Trần Văn Tý, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông xác nhận, tại khu vực thi công tuyến đường Khe Van- Hướng Linh (thuộc tiểu khu 664) có hiện tượng người dân phá rừng, cụ thể 65 cây rừng có đường kính từ 10- 65 cm bị đốn hạ, thuộc từ nhóm 5- nhóm 7; khu vực thủy điện Khe Nghi có 78 cây bị đốn hạ. Những ngày qua, dù đã phối hợp với chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm Đakrông mật phục, vây bắt nhưng không thể bắt được các đối tượng phá rừng.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin trước đó, lợi dụng tuyến đường giao thông Khe Van- Hướng Linh đang thi công, nhiều “lâm tặc” đã ngang nhiên vác máy cưa triệt phá rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông. Không chỉ ở tuyến đường này, mà ở khu vực triển khai xây dựng thủy điện Khe Nghi cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nhiều cây rừng bị “lâm tặc” triệt hạ tận gốc và ngang nhiên vận chuyển như chốn không người, gây bức xúc trong dư luận . (Người Lao Động 2/3, Hà Phong)đầu trang(
Chỉ mất chưa đến 20 phút lội bộ giữa những đỉnh núi dốc đứng, đã thấy rừng phòng hộ tại tiểu khu 678D và 688 thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đak Rông (tỉnh Quảng Trị) hiện ra như vừa trải qua một trận bom, với những vết thương loang lổ, khó lành lặn. Những cây lớn vài chục năm tuổi bị đốn hạ, trơ gốc, cạnh đó là cành lá, vỏ bìa vứt ngổn ngang.
Nhiều cây gỗ vết cưa hãy còn mới coóng, mủ cây rỉ ra từng lớp đỏ thẫm như huyết vón lại. Cách hiện trường ngổn ngang này không xa, vẫn có hiện diện của chủ rừng, nhưng không rõ vì sao, hằng ngày tiếng máy cưa vẫn vang lên đều đặn, gỗ vẫn bị xé nhỏ, luồn lách bằng cách này cách khác để ra khỏi cửa rừng...
Lúc chúng tôi tìm đến những cánh rừng tại xã Đak Rông (huyện Đak Rông, tỉnh Quảng Trị), thì thông tin rừng ở đây bị đốn hạ đã “len lỏi” khắp nơi. Không khó để tiếp cận hiện trường, từ Km52 trên tuyến quốc lộ 9 (huyện Đak Rông), rẽ vào con đường công vụ đang thi công của dự án thủy điện Khe Nghi tầm 4km là bắt đầu có dấu hiệu phá rừng.
Từ con đường mới mở, đi vào rừng chưa đến 200 mét về phía đỉnh núi, nhiều cây gỗ lớn đã bị xẻ phách, chỉ còn trơ gốc và các tấm bìa. Càng đi vào sâu, rừng bị tàn phá nhiều, mức độ dày đặc hơn. Có địa điểm nhiều cây lớn đồng loạt bị đốn hạ, nên nhìn từ xa khoảng rừng trở nên trống trải, nhưng đến lại gần thì giữa mặt đất là một bãi ngổn ngang từ thân, cành, lá và mùn cưa còn sót lại.
Tiếp tục vào sâu khoảng 500 mét, nhiều cây gỗ vừa mới bị cưa xẻ hãy còn tứa mủ đỏ au. Có cây lớn đường kính lên đến 60 - 70cm, cây trung bình khoảng 40cm cũng bị cưa ngã. Thời điểm chúng tôi tiếp cận khoảnh rừng, lâm tặc chỉ mới rời đi và còn để lại nhiều phách gỗ. Thậm chí, nước uống đựng trong các chai nhựa vẫn còn hơi ấm, dây thừng để buộc kéo gỗ vẫn còn để ngổn ngang giữa rừng. Chỉ một giờ đồng hồ luồn lách dọc các con đường mòn ở tiểu khu 678D, chúng tôi phát hiện hàng chục gốc cây rừng bị đốn hạ. Ở tiểu khu 688 cách đó không xa cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Vì địa hình ở những nơi có cây gỗ dốc dựng đứng, nên khi cây bị đốn hạ, sẽ được rọc thành phách, cưa thành khúc ngắn rồi kéo xuống con đường mới mở. Xong đâu đấy, xe môtô “đặc chủng” đã được gia cố sẽ chất gỗ lên xe, chạy bon bon về hướng quốc lộ 9 rồi rẽ xuống đường mòn... Theo những công nhân đang thi công tuyến đường công vụ, thỉnh thoảng họ vẫn bắt gặp người dân bản địa dùng xe môtô chở từng khúc gỗ lớn dọc tuyến đường. Nhưng xen lẫn giữa những đám rừng phòng hộ vẫn có nương rẫy của người dân, nên họ không rành rọt gỗ nào khai thác ở rừng, gỗ nào khai thác ở nương rẫy.
Ngay cạnh hai tiểu khu có xảy ra tình trạng phá rừng, có chốt của cơ quan chức năng với sự có mặt của 2 cán bộ bảo vệ rừng và một kiểm lâm. Hỏi rừng ở đây sao bị phá tan nát như vậy, cán bộ bảo vệ rừng mặt xanh lét, bảo “bọn em tay không, vào rừng chộ (thấy) dân cưa gỗ cũng chỉ khuyên nhủ, rồi len lén về báo cáo các đơn vị phối hợp xử lý”. Còn vị cán bộ kiểm lâm thì giải thích rằng, lâm tặc là đồng bào thiểu số ở gần đây, nên rất khó ngăn chặn. “Thấy mình vào thì họ không chặt cây nữa, mình đi thì họ lại lao vào rừng. Khi thành lập đoàn kiểm tra, cơ quan chức năng mới đến đầu ngõ, là ở trong này đã nhận được “báo cáo”, vào đến nơi thì không còn một mống” - kiểm lâm viên nói.
Ông Trần Văn Tý - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đak Rông nói, tình trạng phá rừng ở 2 tiểu khu 678D và 688 đã diễn ra từ đầu tháng 11.2016 và kéo dài đến nay. “Sau khi đường vào Nhà máy thủy điện Khe Nghi được san ủi qua rừng phòng hộ, người dân trên địa bàn thôn Vùng Kho (xã Đak Rông) đã dùng máy cưa, xe máy ồ ạt vào rừng khai thác gỗ trái phép. Mặc dù chúng tôi đã đóng lán ở lại tại rừng để tuyên truyền, vận động, ngăn chặn nhưng các đối tượng phá rừng không chấp hành, họ còn thách thức, ngang nhiên chặt cây” - ông Tý thông tin.
Bất lực vì không đủ khả năng ngăn chặn phá rừng, ngày 10.11.2016 chủ rừng đã đề nghị UBND xã Đak Rông và Trạm Kiểm lâm xã Đak Rông phối hợp. Nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần, là mỗi khi đoàn có mặt thì người dân không vào rừng, còn khi vừa vắng mặt thì tiếng máy cưa lại vang lên.
“Đơn vị của chúng tôi đúng quy định là hơn 30 biên chế, nhưng hiện chỉ tiêu chỉ được hơn phân nửa. Riêng ở huyện Đak Rông, chúng tôi được giao quản lý 12.000ha rừng, trong lúc chỉ cắt cử được 5 cán bộ trông coi. Ít người, địa bàn rộng, đi vào rừng cũng chỉ có bàn tay trắng, có hôm bảo vệ rừng vào thì gặp mấy đối tượng dùng mũ len với khẩu trang bịt kín mặt, ngang nhiên chặt hạ cây ở 2 tiểu khu trên. Khi bảo vệ rừng có ý kiến, các đối tượng vẫn ngang nhiên chặt hạ và còn phá hỏng xe của bảo vệ. Lực lượng mỏng, dân bản địa lại manh động nên chúng tôi gặp khó khăn trong việc bảo vệ rừng” - ông Tý nói với phóng viên.
Đến ngày 17.11.2016, chủ rừng có báo cáo gửi Ban chỉ huy bảo vệ rừng huyện Đak Rông, trong đó “cầu cứu” đơn vị này vào cuộc chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện Đak Rông và các ban ngành liên quan cùng phối hợp để xử lý dứt điểm.
Sau đó, từ ngày 25.11.2016 đến 25.1.2017, chủ rừng cùng lực lượng kiểm lâm và UBND xã Đak Rông đã lập chốt ngay tại hiện trường. Trong thời gian lập chốt, việc phá rừng có thuyên giảm, nhưng khi hết thời gian lập chốt, các đơn vị rút đi thì dân lại ồ ạt vào rừng. “Chúng tôi đã có nhiều cố gắng, nhưng nhiều lúc bất lực vì việc phối hợp không được như mong muốn” - ông Tý than thở.
Quá trình chúng tôi tiếp cận hiện trường ở tiểu khu 678D và 688, thì lực lượng Công an Môi trường tỉnh Quảng Trị cũng có mặt tại đây để kiểm tra thông tin việc phá rừng. Còn lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm huyện Đak Rông thì được tăng cường để truy quét lâm tặc phá rừng ở khu vực rừng tại xã Hướng Hiệp (huyện Đak Rông).
Ông Tống Phước Châu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Rông cũng than vãn về việc người dân lợi dụng các tuyến đường mới mở để vào rừng đốn hạ gỗ. “Mỗi chỗ phá rừng một ít, chúng tôi chốt chặn và đã phát hiện, tạm giữ được một số gỗ. Tuy nhiên, mức độ phá rừng như thế nào, số liệu cụ thể ra sao thì chưa cụ thể được” - ông Châu cho hay. (Lao Động 3/3, Lâm Hưng Thơ)đầu trang(
Ngày 2/3, Chi cục kiểm lâm Kon Tum (tỉnh Kon Tum) vừa cho biết, Hạt kiểm lâm huyện Đắk Hà vừa bắt được nhiều bãi gỗ lậu vô chủ.
Kiểm lâm Kon Tum cho biết, trong hai ngày 27-28/2, sau khi nhận được tin báo của người dân, Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Hà phối hợp với cơ quan Công an huyện, UBND các xã Đăk Pxi, UBND xã Ngọc Réo, Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà tiến hành tuần tra, truy quét quản lý bảo vệ rừng và phát hiện 3 vụ vi phạm cất giữ lâm sản trái với các quy định của Nhà nước tại xã Đăk Pxi và xã Ngọc Réo.
Cụ thể: tại thôn 8, thôn 8, xã Đắk Pxi, đoàn liên ngành kiểm tra phát hiện vụ cất dấu gỗ trái pháp luật. Bãi gỗ có 53 hộp gỗ xẻ, khối lượng khoảng 6,5m3 (gỗ mít nài, giổi, sến bô bô, lau); tại khu vực bìa rừng giáp ranh làng Kon Rẫy, xã Ngọc Réo, đoàn kiểm tra cũng phát hiện vụ cất giấu gỗ gồm 8 hộp gỗ xẻ và 13 lóng gỗ tròn, tổng khối lượng  hơn 6,1m3 ( gỗ xoan mộc, nhóm VI).
Được biết, tất cả số lượng gỗ trên đều không có dấu búa Kiểm lâm và chưa xác định được đối tượng vi phạm. Tại hiện trường các vụ phát hiện, đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số gỗ và đưa về trụ sở  Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Hà điều tra, xử lý. (Giao Thông 2/3, Tạ Vĩnh Yên)đầu trang(
Tình trạng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép đang diễn ra rất nóng bỏng ở khu vực giáp ranh biên giới tỉnh Hà Tĩnh.
Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ 27 vụ buôn bán, vận chuyển lâm sản, tiến hành khởi tố hai vụ và tịch thu hàng trăm m3 gỗ.
Qua các vụ việc cho thấy các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt như: thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm tập kết gỗ, hoặc vận chuyển gỗ bằng nhiều tuyến đường và các loại phương tiện khác nhau...
Lực lượng chức năng cho biết, con suối chảy qua Tiểu khu 260 thuộc khu vực giáp ranh biên giới Lào từng là điểm nóng của nạn phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép. Các đối tượng lâm tặc thường lợi dụng dòng nước để tập kết và vận chuyển gỗ về xuôi và có không ít trường hợp lâm tặc đã tấn công, chống trả khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. (Đài Truyền Hình VN 2/3, Quang Tiến – Thiện Linh)đầu trang(
Sau khi lá khát được đưa lậu vào Việt Nam, một lượng không nhỏ được “phù phép” mang tên loại lá cây khác sau đó mang đi xuất khẩu đi các nước.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, liên tiếp trong hai ngày từ 27/2/2017 đến 28/2/2017, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội và Thanh tra Chính phủ, rà soát các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn tại Kho hàng của Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NTCS).
Với các vụ việc lần này, lãnh đạo cơ quan Thanh tra Chính phủ cho biết, Thanh tra Chính phủ và Tổng cục Hải quan sẽ kiến nghị, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính Phủ, lực lượng chức năng, các tổ chức quốc tế trong việc thực thi Công ước Cites tại Việt Nam. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã.
Với vai trò thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật, giám sát mọi hoạt động để đánh giá tình hình thực hiện, tuân thủ pháp luật nhà nước của các cơ quan ban ngành, trong năm 2016, 2017 Thanh tra Chính phủ đã đồng hành cùng Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực ngày càng sâu sắc.
Vụ việc vừa qua là một trong những kết quả phối hợp nỗ lực giữa Tổng cục Hải quan và Thanh tra Chính phủ nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu tại các cửa khẩu trọng điểm trên toàn quốc.
Qua rà soát, cơ quan chức năng phát hiện 03 lô hàng nghi vấn có chứa hàng cấm được vận chuyển từ Kenya về sân bay quốc tế Nội Bài. Kết quả kiểm tra khám xét phát hiện hàng hóa thuộc vận đơn 7062919451 gồm 2 thùng bên ngoài bọc lylon (PE), bên trong mỗi thùng carton chứa 18 túi nylon màu xanh đựng lá khô (nghi là là khát dùng để sản xuất ma túy đá), có tổng trọng lượng 2 thùng carton chứa 68,4 kg.
Các vụ vận chuyển trái phép lá Khát đã từng tăng từ năm 2015, sau đó giảm xuống và có dấu hiệu nóng trở lại trong thời gian gần đây. Điển hình, giữa năm 2016 cơ quan Hải quan đã phối hợp với một số cơ quan liên tục phát hiện 5 vụ vận chuyển trái phép 1,2 tấn lá ma túy (lá khat, còn có tên gọi lá “thiên đường”).
Khát, còn có tên catha, là một loại cây có hoa được trồng nhiều ở vùng Sừng châu Phi, bán đảo Ả Rập, Trung Đông. Lá khát có chứa chất kích thích cathinone. Liên tục bị bắt giữ, các đường dây nhập khẩu lá khat chuyển qua thủ đoạn mới là gửi bằng hình thức quà biếu. Sau khi lá khát được đưa lậu vào VN, một lượng không nhỏ được “phù phép” mang tên loại lá cây khác, có xuất xứ VN để xuất khẩu đi các nước khác.
Với gần 80 kg lá khát trên, nếu xuất khẩu trót lọt đến các nước như Mỹ, Úc, Anh… sẽ có trị giá ước tính hàng tỷ đồng, và nếu chúng thẩm lậu số ma túy trên vào nội địa VN sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ.
Một lãnh đạo tham gia chỉ đạo chuyên án này cho biết và khuyến cáo: “Đây là loại ma túy mới, nhưng độc hại hơn thuốc phiện gấp 500 lần. Việc sử dụng lá khat sấy khô khiến mắt mờ, dễ nổi nóng, ra mồ hôi nhiều, nhịp tim tăng, co giật, khó thở, chảy máu mũi, suy nhược, rối loạn tâm thần, gây ảo giác, trực tiếp gây ra cái chết cho nhiều người. Tác hại lập tức và lâu dài của cathinone mạnh hơn cả ma túy “đá” và cocaine”.
Hàng hóa thuộc vận đơn số 70625431851 gồm 7 va ly, bên trong các va ly là 31 bọc giấy bạc chứa lá khô (nghi là lá Khát), có tổng trọng lượng 114,4kg.
Lô hàng tiếp theo là hàng hóa thuộc vận đơn 176-67987684 gồm 4 kiện hàng khai báo trên vận đơn là văn phòng phẩm nhưng đều chứa vẩy tê tê. Như nhiều loại động vật quý hiếm khác, tê tê được liệt vào danh sách động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trong sách đỏ của IUCN năm 2008, và việc mua bán quốc tế những động vật này là trái phép.
Hiện cả 3 vụ việc đã được lực lượng chức năng lấy mẫu để giám định và tiếp tục tiến hành điều tra làm rõ và mở rộng điều tra sâu. (Pháp Luật Plus 2/3, Chí Kiên – Thúy Thanh)đầu trang(
Chiều 1/3, UBND TP Tuy Hòa tổ chức khen thưởng đột xuất về thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ động vật hoang dã cho ông Nguyễn Quang Đăng (SN 1974, trú phường 6, TP Tuy Hòa).
Trước đó, chiều 26/2, Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa tiếp nhận 2 cá thể voọc chà vá chân xám, gồm 1 cá thể cái (mẹ) nặng 4,2kg và 1 cá thể đực (con) nặng 0,8kg do ông Đăng bàn giao. Hai cá thể voọc chà vá này có đỉnh đầu, lưng, cánh tay và chân cùng màu xám, đuôi trắng, có túm lông ở cuối. (Báo Phú Yên đã thông tin ở số báo ra ngày 28/2).
Theo ông Nguyễn Quang Đăng, trong lúc đi ngoài đường, ông tình cờ phát hiện hai cá thể voọc chà vá chân xám này được một người không rõ danh tính gạ bán. Qua tìm hiểu, ông Đăng biết đây là động vật hoang dã quý hiếm nên bỏ tiền ra mua về để bàn giao cho các cơ quan chức năng giải cứu.
Nhận được đề nghị của ông Đăng, Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa tham mưu cho UBND TP Tuy Hòa ra quyết định giao lại 2 cá thể voọc cho cơ quan chức năng có đủ điều kiện chăm sóc động vật hoang dã là Công ty TNHH Thảo Cầm Viên Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hiếu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa, trước khi đại diện Công ty TNHH Thảo Cầm Viên Sài Gòn ra Phú Yên tiếp nhận, cá thể voọc chà vá con đã chết, có thể do bị nhiễm trùng, vì trước khi tiếp nhận cả hai cá thể đều có vết thương ở chân và sức khỏe yếu. Còn lại con mẹ, hạt đã bàn giao cho Công ty TNHH Thảo Cầm Viên Sài Gòn vào chiều 27/2. (Báo Phú Yên 2/3, Thanh Lê)đầu trang(
Theo Chi cục Kiểm lâm (thuộc Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có 78 cá nhân, hộ gia đình và tổ chức đang gây nuôi động vật hoang dã (ÐVHD), phổ biến là các loài: nhím, rắn, cầy vòi hương, don, nai, heo rừng, dúi, chim trĩ, kỳ đà, gấu.
Trong số này, có 68 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản ÐVHD thông thường; 3 cơ sở nuôi ÐVHD nguy cấp, quý, hiếm và 7 cơ sở nuôi ÐVHD thông thường và quý hiếm.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều hộ gia đình gây nuôi ÐVHD đã đến cơ quan chức năng lập thủ tục đăng ký gây nuôi, một số cơ sở vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về nuôi ÐVHD. Ðiều kiện về chuồng trại, an toàn trong chăn nuôi, vệ sinh môi trường chưa được quan tâm đúng mức làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Có hộ nuôi ÐVHD trong nhà nhưng không khai báo với cơ quan chức năng; hoặc để sổng chuồng, đe dọa đến tính mạng người nuôi và gây ra tâm lý lo ngại cho các hộ sống liền kề.
Ông Lê Ðức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (thuộc Sở NN&PTNT), cho biết để khắc phục các tồn tại trên, thời gian tới, Chi cục phối hợp cùng ngành chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức hướng dẫn cơ sở, hộ dân gây nuôi ÐVHD hoàn thiện khâu xử lý nước thải, chất thải theo đúng quy định; đồng thời, tăng cường việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc gây nuôi ÐVHD, nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Trước khả năng các đối tượng lợi dụng việc được cấp giấy phép gây nuôi ÐVHD thông thường để gây nuôi trái phép ÐVHD quý hiếm, lợi dụng hợp pháp hóa nguồn gốc các loài ÐVHD được mua gom trái phép để kinh doanh, buôn bán, ông Lê Ðức Sáu cho biết thêm: Ðể phòng ngừa việc này, Chi cục Kiểm lâm cùng Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã xây dựng quy chế, kế hoạch thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc gây nuôi các loài ÐVHD trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng đơn vị, các đơn vị có trách nhiệm phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát tình hình săn, bắn, bẫy, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, sử dụng và phòng chống dịch bệnh các loài ÐVHD theo quy định của Nhà nước.
Ðồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, truy quét quản lý tốt địa bàn, lâm phận được giao, ngăn chặn kịp thời các hành vi săn bắt, vận chuyển trái phép các loài ÐVHD; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo, nuôi nhốt, kinh doanh, sử dụng trái phép các loài ÐVHD và sản phẩm, mẫu vật của các loài ÐVHD. (Báo Bình Định, 1/3, Nhơn Hội)đầu trang(
"Chúng tôi không muốn sừng tê giác" là thông điệp các ngôi sao như ca sĩ Hồng Nhung, Thanh Bùi gửi tới Nam Phi, khi nước này đang đề xuất hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác.
Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) đang cùng các nghệ sĩ lớn của Việt Nam kêu gọi cộng đồng tham gia chiến dịch ký tên trực tuyến toàn cầu "We don't want your rhino horn" (Chúng tôi không muốn sừng tê giác), mục tiêu là thu thập 50.000 chữ ký trên khắp Việt Nam.
Chiến dịch nhằm đề nghị Nam Phi rút lại đề xuất cho phép buôn bán sừng tê giác được Chính phủ nước này đưa ra trong dự thảo văn bản pháp lý vào đầu tháng 2. Theo dự luật, không chỉ hợp pháp hóa việc buôn bán nội địa mà người nước ngoài cũng được phép mua sừng tê giác từ Nam Phi về với "mục đích sử dụng cá nhân".
Diva Hồng Nhung, Đại sứ bảo vệ tê giác của ENV, nói: "Là công dân Việt Nam từng chứng kiến tê giác bị thảm sát ở Nam Phi, tôi và nhiều người Việt muốn gửi thông điệp đến những người đề xuất buôn bán sừng tê giác ở Nam Phi rằng chúng tôi không muốn sừng tê giác của các bạn".
Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV cho rằng, hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác đi ngược lại với các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tuyệt chủng của tê giác. Bộ luật Hình sự mới của Việt Nam quy định mọi hành vi vi phạm liên quan đến một lượng nhỏ sừng tê (từ 50 gram trở lên) đều bị khởi tố.
Việt Nam những năm gần đây luôn bị quốc tế coi là thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn - nguyên nhân khiến quần thể loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tới nay Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức, tăng cường thực thi và hoàn thiện quy định pháp luật. (Vnexpress 2/3, Phạm Hương)đầu trang(
Đang thả lưới trên sông Lam đoạn qua huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), ông Nguyễn Văn Cường bất ngờ thấy 1 con rùa khủng nặng gần 60kg mắc rách cả lưới.
Trao đổi với PV vào sáng 2.3, ngư dân Nguyễn Văn Cường trú tại thôn Hồng Lam xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân cho biết: “Mờ sáng 2.3, tôi vừa ra sông Lam thả lưới bắt cá không ngờ có con rùa khủng như vậy dính lưới”.
Cũng theo ngư dân Cường: “Con rùa màu vàng, trên lưng có nhiều ô kẻ, rộng 70cm dài trên 1m, nặng gần 60kg. Hơn 50 năm làm nghề đánh bắt cá trên sông, đây là lần đầu tiên bắt gặp con rùa có kích thước và trọng lượng lớn như vậy”.
Sau khi ngư dân bắt được rùa khủng, các ngành chức năng huyện Nghi Xuân đã đến kiểm tra. Ông Trần Thanh Tường- Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân cho biết: “Đây là giống rùa tự nhiên nên nó phải được thả về với thiên nhiên. Nhưng trước khi thả rùa chúng tôi phải hoàn tất các thủ tục theo quy định của Pháp luật”.
Được biết trước khi thả con rùa khủng này về biển huyện Nghi Xuân, ngư dân Cường sẽ được hỗ trợ số tiền 3 triệu đồng để mua dầu và vá lưới. (Dân Việt 2/3, Đình Hà – Hữu Anh)đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa có Quyết định thành lập Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tại một số xã điểm trên địa bàn tỉnh.
Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã, bao gồm các xã Hồng Thủy (huyện A Lưới), xã Hương Lộc (huyện Nam Đông), xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc), xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền), xã Bình Điền (TX. Hương Trà) và xã Phú Sơn (TX. Hương Thủy).
Theo đó, Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tại các xã là một tổ chức tài chính nhà nước, hạch toán độc lập, hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc UBND xã quản lý.
Nhiệm vụ của Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng đó là vận động các chủ rừng tại địa phương tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí xây dựng Quỹ; Tiếp nhận và quản lý nguồn tài chính do tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các chương trình, dự án hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng của địa phương.
Ngoài ra, còn tổ chức lập và thực hiện kế hoạch quản lý bảo vệ và phát triển rừng hàng năm của địa phương; Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí do Quỹ huy động; Thực hiện các quy định của pháp luật về thống kê, kế toán và chế độ báo cáo cấp trên; Bảo toàn, phát triển nguồn vốn Quỹ.
Quyết định cũng nêu rõ quyền hạn, nguồn kinh phí hoạt động và nội dung chi, chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã. (Diễn Đàn Doanh Nghiệp 2/3, Mai Thanh)đầu trang(
Ngày 15/2/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 205/QĐ-TTg công nhận Khu du lịch (KDL) quốc gia hồ Tuyền Lâm với tổng diện tích 2.830 ha rừng, đất lâm nghiệp và mặt nước; 37 dự án (DA) đã được chấp thuận đầu tư du lịch.
Qua đó, đặt ra thử thách không hề nhỏ đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) ở đây.   Theo số liệu mà Phó Hạt Kiểm lâm Đà Lạt Đặng Quốc Thái Bình cung cấp: Trên địa bàn thành phố Đà Lạt có 114 DA với 3.274,525 ha đất lâm nghiệp được giao, cho thuê.
Trong số 73 DA về du lịch sinh thái (2.318,256 ha), đơn vị chủ rừng là Ban quản lý (BQL) KDL hồ Tuyền Lâm có số lượng tổ chức tham gia đầu tư nhiều nhất: 43 tổ chức được giao, thuê, trong đó 37 DA liên quan đến lĩnh vực kinh tế du lịch. Về tiến độ, đã thực hiện 4 DA, đang thực hiện 33 và chưa thực hiện 6 DA.
Hai doanh nghiệp được giao, thuê sớm nhất là ngày 13/2/2006 (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ha Co, Công ty cổ phần XNK Hà Anh), đều là du lịch sinh thái; gần đây nhất là ngày 29/6/2015 thuộc Công ty cổ phần du lịch Lâm Đồng, mục tiêu DA là bãi đậu xe dưới tán rừng. Cũng theo thống kê của Hạt, hầu hết diện tích giao, cho thuê tại KDL Tuyền Lâm thuộc trạng thái rừng xung yếu và rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, làm việc với lãnh đạo chủ rừng (BQL KDL hồ Tuyền Lâm), ông Phạm Văn Dân - Phó BQL cho biết: Tổng diện tích hiện chủ rừng này quản lý là 2.830 ha; trong đó tỉnh đã cho chủ trương và chấp thuận đầu tư 37 DA với 32 nhà đầu tư đã được giao đất lâm nghiệp với tổng diện tích là 1.396 ha; còn 5 DA chưa được giao. Hiện chủ rừng đang quản lý 1.433 ha. Theo ông Dân, phần diện tích chưa giao cho nhà đầu tư có 1.136 ha đất lâm nghiệp, còn lại là mặt nước hồ.
KDL hồ Tuyên Lâm là công trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, do đó những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo, không những về chính sách thu hút đầu tư mà còn việc kiểm soát chặt chẽ đến môi trường và hệ sinh thái. Vì vậy, chủ rừng đã thành lập đội QLBV&PTR gồm 5 người và 5 kiêm nhiệm; xây dựng phương án PCCCR hàng năm…
Để hướng dẫn và kiểm tra giám sát công tác QLBV&PTR, PCCCR, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt cử 2 kiểm lâm địa bàn KDL. Ông Phạm Văn Dân cho biết, từ năm 2009 đến nay, tại KDL đã trồng được 153,8 ha rừng tập trung và cây phân tán; trong đó trồng rừng thay thế năm 2015 được 39,7 ha và 2016 được 57 ha, riêng Anh Đào 25,97 ha và trồng rừng, cây xanh 31,18 ha.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong KDL đã trồng phân tán được 35.000 cây Anh Đào. Hàng năm, tại KDL hồ Tuyền Lâm, BQL được giao 858 ha rừng theo chính sách dịch vụ chi trả môi trường rừng, phân bổ khoảng 200 triệu đồng phục vụ PCCCR…
Rừng ở KDL hồ Tuyền Lâm thuộc trạng thái rừng xung yếu, rừng phòng hộ, hầu hết các dự án đầu tư du lịch đều triển khai thực hiện dưới tán rừng. Vì vậy, vấn đề vi phạm Luật BV&PTR ở đây dĩ nhiên sẽ xảy ra, từ chính nhà đầu tư và cả du khách khi đến thụ hưởng. Dĩ nhiên, trong quá trình lập dự án, thẩm định hồ sơ, trong đánh giá tác động môi trường, nhà đầu tư phải có cam kết về trách nhiệm QLBV&PTR.
Ông Dân thừa nhận, các đơn vị chậm về tiến độ đầu tư thường triển khai công tác QLBV&PTR kém. Mặt khác, cũng có nhà đầu tư vi phạm như san ủi đất lâm nghiệp làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Vì lợi nhuận vẫn còn doanh nghiệp đầu tư đã chặt hạ cây trái pháp luật. Những vi phạm này đã được Hạt Kiểm lâm Đà Lạt phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm.
Mặt khác, là điểm du lịch tập trung lượng du khách đến nhiều, nhất là mùa cao điểm, hàng chục ngàn lượt người vào ra, do đó sẽ không tránh khỏi có du khách thiếu ý thức đã xâm hại đến tài nguyên đa dạng sinh học của rừng như vặt bẻ cây xanh hay gây ra cháy cục bộ….
Rõ ràng trách nhiệm về công tác QLBV&PTR của chủ rừng luôn cần được chú trọng. So với các chủ rừng khác, BQL KDL hồ Tuyền Lâm thuận lợi là các nhà đầu tư tập trung vào một khu vực. Vì vậy, chủ rừng nên tổ chức sự liên kết phối hợp giữa các nhà đầu tư với BQL trong công tác QLBVR thành một hệ thống chặt chẽ, từ khâu cảnh giới, tuần tra đến truy quét và xử lý sự cố khi xảy ra… Có cam kết này, ý thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp càng được nâng lên trong quá trình khai thác du lịch và cả trong nhiệm vụ tuyên truyền đến mỗi khách hàng của mình.
KDL hồ Tuyền Lâm luôn là một trọng điểm thách thức nhiệm vụ đối với ngành Kiểm lâm. Hạt Kiểm lâm Đà Lạt đã tham mưu nhiều văn bản cho UBND thành phố và Thành ủy. Mới nhất là Nghị quyết 02-NQ/TH.U ngày 14/6/2016 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác QLBV&PTR trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020.
Trong đó, các đơn vị chủ rừng xác định nhiệm vụ QLBV&PTR là nhiệm vụ chính của chủ rừng; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia BVR và PCCCR, cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án QLBVR và PCCCR; thực hiện tốt công tác lâm sinh, chăm sóc rừng, trồng rừng tập trung; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất rừng được giao quản lý. Chủ động tổ chức bố trí lực lượng tập trung tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên, liên tục để kịp thời phát hiện, ngăn chặn…; tiến hành truy quét tại những điểm nóng…
Làm việc với lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, Hạt trưởng Võ Thanh Sơn cho biết, thực hiện Quyết định 1976 của UBND tỉnh về thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra các dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp, Hạt cử Hạt phó làm thành viên tham gia tổ kiểm tra. Kết thúc, cuối năm 2016, Hạt đã có ý kiến đối với BQL KDL hồ Tuyền Lâm “giải quyết dứt điểm” một số nội dung, bao gồm: làm rõ việc giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng cho các DA đã ứng tiền đền bù; lối vào ranh đất cho các DA; việc xây dựng các hạng mục công trình ngoài quy hoạch như các quán, nhà tạm tại chân đập, quán ven hồ Tuyền Lâm; quản lý chặt chẽ về xây dựng tại các DA như các hạng mục công trình không có trong quy hoạch tổng thể của DA đầu tư. Tại báo cáo công tác thực hiện nhiệm vụ QLBVR tháng 2/2017 của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cũng có một nội dung liên quan đến chủ rừng BQL KDL hồ Tuyền Lâm, đó là kiểm tra, ngăn chặn xử lý tình hình phá rừng, san ủi lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp tại khu vực xung quanh sân golf Sacom (Văn bản 58/KL-TTPC 10/2/2017).
Trao đổi những nội dung trên với Phó BQL KDL hồ Tuyền Lâm Phạm Văn Dân, ông cho biết: Đã đền bù 715 trường hợp với khoảng 500 ha, đang phối hợp chính quyền và ngành liên quan kiểm định, lập hồ sơ đối với khoảng 45 hộ dân còn lại; các hạng mục liên quan đến đập, ven hồ thuộc Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT quản lý cho thuê (?); vấn đề xâm hại đất rừng khu vực sân golf Sacom (dự án nằm trong KDL hồ Tuyền Lâm) nhưng phần đất san ủi thuộc lâm phần BQL RPH Đại Ninh quản lý… Được biết, khu vực giáp sân gofl có đất nông nghiệp của người dân đã được cấp sổ, tuy nhiên, người dân đã san ủi và xâm phạm vào một phần đất lâm nghiệp.
Qua những vấn đề nêu trên, cho thấy, bên cạnh các DA du lịch đưa lại nhiều lợi ích kinh tế cho xã hội, vẫn luôn tiềm ẩn những thách thức không nhỏ trong công tác QLBV&PTR. Vì vậy, nâng cao trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ DA, cũng như sau khi DA đi vào hoạt động, luôn luôn là nhiệm vụ thường xuyên và nghiêm túc. (Báo Lâm Đồng 2/3, Minh Đạo)đầu trang(
Sau rất nhiều trăn trở, mày mò, người an toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên) đã chọn cây quế là hướng đi chính trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Phát triển quế làm người ta nhận ra rằng, khi đã đồng lòng thì đồng bào vùng căn cứ cách mạng sẽ chia ngọt, sẻ bùi, dồn toàn lực để phát triển kinh tế quê hương.
Ít có loại cây trồng nào ở đất miền núi lại có giá trị kinh tế cao như cây quế. Từ vỏ, cành, thân đến lá đều có thể sử dụng và bán được với giá cao. Đó là điều mà anh Nguyễn Văn Vũ, xóm Bãi Á 1, thị trấn Chợ Chu (huyện Định Hóa) đúc rút được sau gần 20 năm gắn bó với đồi rừng. Với hàng chục ha quế, cùng vườn ươm quế giống quy mô 1 triệu cây/năm, anh Vũ đã trở thành triệu phú từ loại cây trồng này.
Năm 1995, khi đang là chủ một của hàng sửa chữa xe máy rất đông khách tại thị trấn Chợ Chu, anh bỏ tất cả để lên núi trồng rừng. Với số tiền gần 60 triệu đồng (khi ấy có thể mua được cả chục cây vàng) mà 2 vợ chồng dành dụm được, anh đã đầu tư mua đất trồng mới 11,6ha keo xen lẫn mỡ và mua lại gần 10ha bạch đàn ở khu vực đèo So thuộc xóm Đăng Mò, xã Quy Kỳ (Định Hóa). Năm 1997, anh mua thêm 12ha rừng quế tại xã Bình Trung (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn).
Từ năm 1996 đến năm 2000, anh Vũ làm lán ở luôn trong rừng để tiện cho việc chăm sóc và cuốc đất trồng rừng. Đến năm 2000, gia đình anh đã có hơn 50ha rừng trồng, gồm 35 ha rừng keo lẫn mỡ, 15ha quế.
Từ năm 2005, rừng của anh bắt đầu cho khai thác từng phần, mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng, cao hơn nhiều so với buôn bán phụ tùng, sửa chữa xe máy. Khai thác đến đâu, anh trồng lại ngay đến đó, từng bước thay thế diện tích mỡ bằng keo lai cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Để thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, năm 2010 anh Vũ đã thành lập công ty TNHH Vũ Hoa do anh làm giám đốc với ngành nghề kinh doanh là trồng và chế biến lâm sản.
Năm 2011, anh Vũ bắt đầu khai thác diện tích quế và bất ngờ trước giá trị kinh tế rất cao của cây trồng này. 4 ha quế mới chỉ tỉa những cây to đã bán được hơn 250 triệu đồng. Anh giải thích, trước đây, cây quế chỉ khai thác lấy vỏ thì nay cả cành, thân, lá đều có thể tận dụng để chế biến tinh dầu. Tất cả mang cân, bán với giá khoảng 2.500 đồng/kg khô. Ý tưởng mở rộng diện tích trồng quế, gắn với chế biến tinh dầu và tiêu thụ sản phẩm được hình thành từ đó.
Anh Vũ tìm đến vùng quế Đại Sơn nổi tiếng ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái học hỏi kinh nghiệm. Để đánh giá chất lượng, anh còn mang 100 kg cành và lá quế đã phơi khô ở Định Hóa để chế biến thử. Kết quả, tỷ lệ tinh dầu của quế Định Hóa đạt 81%. Ngay lập tức, Giám đốc cơ sở trưng cất tinh dầu quế tỉnh Yên Bái đã ký cam kết sẽ bao tiêu nguyên liệu, cũng như sản phẩm tinh dầu quế của anh.
Có kỹ thuật, đầu năm 2012, anh Vũ đầu tư mua máy móc chế biến tinh dầu quế. Anh tính toán, một tấn nguyên liệu quế khô (gồm cả vỏ, cành, lá) sau khi chế biến sẽ cho khoảng 7,5 kg tinh dầu, giá bán 600 nghìn đồng/kg. Một ha quế trồng theo mật độ 5 nghìn cây, sau 5 năm có thể thu hoạch với giá trị kinh tế sẽ đạt ngưỡng trên 200 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với các loại cây rừng khác.
Ông Trần Minh Hà (Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa) cho biết, trên thực tế, đồng hành cùng với anh Nguyễn Văn Vũ, cây quế đã được đưa vào trồng rải rác trên địa bàn huyện Định Hóa. Nhận thấy triển vọng giúp người dân thoát nghèo từ cây quế, từ ý tưởng và đề nghị của anh Nguyễn Văn Vũ, cuối năm 2012, HĐND huyện Định Hóa đã thông qua đề án xây dựng vùng trồng quế nguyên liệu.
UBND huyện xây dựng kế hoạch và giao cho phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, Ban Quản lý rừng ATK và Công ty TNHH Vũ Hoa do anh Nguyễn Văn Vũ là Giám đốc phối hợp thực hiện. Công ty TNHH Vũ Hoa có trách nhiệm cung cấp cây giống đảm bảo chất lượng, xây dựng nhà máy và thu mua sản phẩm cho người dân. Phục vụ cho Đề án, anh Vũ đã xây dựng một vươn ươm quế giống đạt tiêu chuẩn với quy mô 1 triệu cây giống.
Tham gia đề án, các hộ dân được tuyên truyền chủ trương, các cơ chế hỗ trợ của huyện trong việc phát triển rừng quế. Được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, hỗ trợ giống cây, phân bón vô cơ để bón lót theo quy trình kỹ thuật. Theo đó, các hộ dân tham gia trồng quế được huyện cấp 2.500 cây quế/ha. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cung ứng giống, cho vay 1.500 cây/ha.
Năm 2015, huyện Định Hóa đã triển khai thí điểm Dự án trồng xen cây quế vào diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất với diện tích khoảng 100ha tại một số xã trên địa bàn huyện. Kết quả bước đầu mang lại rất khả quan, tỷ lệ cây sống đạt gần 90%. Trên cơ sở đó, năm 2016, huyện đã tiếp tục triển khai Dự án trên quy mô toàn huyện và giao cho Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa làm chủ đầu tư thực hiện Dự án.
Huyện cũng đã trích ngân sách trên 1,9 tỷ đồng, trong đó trên 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân mua cây giống. Kết thúc niên vụ trồng rừng 2016, Định Hóa đã hoàn thành trồng rừng phòng hộ, rừng trồng thay thế, rừng sản xuất và cây phân tán với tổng diện tích hơn 500 ha quế. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, huyện Định Hóa dự kiến trồng 3.000ha quế tại các xã nằm trong vùng quy hoạch gồm: Kim Sơn, Quy Kỳ, Tân Dương, Phượng Tiến, Tân Thịnh, Lam Vỹ, Linh Thông, Phúc Chu.
Đánh giá về chương trình, ông Ma Đình Đối (Chủ tịch UBND huyện Định Hóa) cho biết, từ thực tiến sản xuất của người dân, Đề án “Cánh rừng mấu lớn” đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt và triển khai. Theo đó, 460 ha quế tại xã Quy Kỳ sẽ được trồng với mật độ 5.000 cây/ha để phục vụ nhà máy chiết xuất tinh dầu. Dự kiến sau 5 năm, doanh nghiệp có thể tỉa thưa cành, lá để phục vụ nhà máy chiết xuất các sản phẩm từ quế, sau 15 năm, tổng thu nhập từ cây quế ước đạt khoảng 500 triệu đồng/ha.
Qua thực tiễn việc trồng cây quế, việc nghiên cứu đặc tính khí hậu, thổ nhưỡng của huyện cũng như thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ cây quế, có thể thấy chủ trương phát triển cây quế tại Định Hóa là có cơ sở và khả năng thành công rất cao, đem lại hiệu quả tích cực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. (Nông Nghiệp VN 2/3, Đồng Văn Thưởng)đầu trang(
Chiều 2/3, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức họp thường kỳ tháng 3/2017. Ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chủ trì buổi họp.
Tại phiên họp, UBND tỉnh Điện Biên và các thành viên UBND tỉnh đã tham gia ý kiến vào 6 nội dung quan trọng, trong đó có nội dung Dự thảo Quy định mức hỗ trợ đối với trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, việc quy định mức hỗ trợ đối với trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, nêu rõ mức đầu tư, hỗ trợ cụ thể: Mức đầu tư hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng chăm sóc năm thứ nhất (bao gồm chi phí cây giống, vận chuyển và hỗ trợ một phần chi phí nhân công) là 6,5 triệu đồng/ha; chăm sóc năm thứ 2 là 1,8 triệu đồng/ha; chăm sóc năm thứ 3 là 1 triệu đồng/ha và năm thứ 4 là 700.000 đồng/ha.
Mức hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ sẽ được căn cứ vào mật độ, đơn giá cây giống, loại cây trồng mà có sự hỗ trợ phù hợp trong 1 năm, gồm 1 phần hoặc tất cả chi phí cây giống vận chuyển và hỗ trợ 1 phần chi phí nhân công là 10 triệu đồng/ha.
Mức hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung, mức đầu tư 6,6 triệu đồng/6 năm (mức đầu tư hỗ trợ này không bao gồm kinh phí lập hồ sơ thiết kế, dự toán). Trong đó, trồng, chăm sóc, bảo vệ năm thứ nhất là 1,6 triệu đồng/ha. Chăm sóc năm thứ 2 và 3, mức hỗ trợ là 1,6 triệu đồng/ha và từ năm thứ 4 đến năm thứ 6, mức hỗ trợ 600.000 đồng/ha.
Riêng trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy, đối tượng được trợ cấp là hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài, trồng rừng phòng hộ thay thế nương rẫy trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tực túc được lương thực, tuy nhiên mức trợ cấp mỗi năm không quá 700kg/năm song phải căn cứ vào diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi sang trồng rừng hàng năm và cấp định kỳ 3 tháng 1 lần. (Tài Nguyên & Môi Trường 2/3, Nam Hương)đầu trang(
Trên thực tế hiện nay, các quyền của chủ rừng đối với rừng sản xuất hiện đã được Dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi ghi nhận, song rất nhiều các quyền này vẫn ghi “theo quy chế quản lý rừng”.
Mặc dù tinh thần chung của Dự thảo và Quyết định 49/2016/QĐ-TTg về quy chế quản lý rừng sản xuất là khuyến khích mạnh mẽ việc đầu tư vào rừng sản xuất, thế nhưng, các quy định cụ thể lại không thể hiện được điều này.
Đơn cử, tại Quyết định 49 vẫn quy định yêu cầu chủ rừng sản xuất phải có hồ sơ thiết kế khai thác rừng được Sở NN – PTNT phê duyệt hang năm trước khi được khai thác rừng của chính mình. Quy định này, theo nhiều chuyên gia lâm nghiệp là bất hợp lý, kỳ lạ, bởi lẽ, DN đầu tư hàng chục năm với hàng chục tỷ đồng cho một diện tích rừng trồng nhưng đến khi muốn khai thác lại phải xin phép.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của báo DĐDN tại một số địa phương, khi DN đầu tư phát triển rừng trồng đến kỳ khai thác, DN xin Sở NN – PTNT phê duyệt kế hoạch khai thác gỗ rừng sản xuất hàng năm rất khó khăn.
Vì chỉ tiêu độ che phủ rừng là một trong những chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nên các Sở NN – PTNT thường tìm cách gây khó khi DN có nhu cầu khai thác tài sản của chính mình. Do vậy, quy định này cần phải được xóa bỏ và ghi nhận quyền tự chủ quyết định khai thác gỗ trên rừng sản xuất thuộc sở hữu tư nhân cần được ghi nhận trong Luật.
Theo chuyên gia kinh tế lâm nghiệp Vũ Long chúng ta cần thống nhất quan điểm rõ ràng chỉ khi nào nhà nước trao toàn quyền sở hữu, hưởng dụng mới có thể khiến chủ rừng yên tâm đầu tư sản xuất. Bởi lẽ theo ông Long, một trong những yếu tố quan trọng để nhà đầu tư quyết định bỏ vốn là họ phải nhìn ra cơ hội rút lui khỏi thị trường khi cần thiết.
Đầu tư vào rừng phải vài chục năm mới có kết quả, nếu các quyền của chủ rừng như bán lại, sang nhượng, quyền thế chấp để vay vốn, quyền khai thác lâm sản, quyền cho thuê lại phục vụ du lịch… không được pháp luật ghi nhận và bảo vệ chính là sự cản trở nhà đầu tư “bỏ tiền” vào lâm nghiệp – ông Long phân tích.
PGS TS Nguyễn Bá Ngãi – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục lâm nghiệp cho rằng, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 chỉ điều chỉnh các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và một phần của hoạt động sử dụng rừng, chưa coi lâm nghiệp là một ngành kinh tế – kỹ thuật đặc thù gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ, trong khi chế biến lâm sản đóng góp kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 6 -7 tỷ USD, riêng năm 2015 đạt 7,1 tỷ USD.
Như vậy, quá trình sản xuất lâm nghiệp đã bị chia cắt thành các giai đoạn riêng biệt, không gắn người trồng rừng với người sử dụng rừng, hình thành nhiều tầng nấc trung gian, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và lợi ích của người lao động. Vì vậy, việc bổ sung phạm vi điều chỉnh của Luật về “kinh doanh, chế biến và thị trường lâm sản” là phù hợp với xu thế hiện nay và Dự thảo Luật bảo vệ phát triển rừng cần phải theo hướng đó.(Diễn Đàn Doanh Nghiệp 2/3, Mai Thanh)đầu trang(
Từ loạt bài trên báo Lao Động, tổ kiểm tra do UBND tỉnh Đắk Nông thành lập đã chỉ ra nhiều sai phạm của UBND huyện Đắk Song và Cty lâm nghiệp Trường Xuân trong việc cấp “sổ đỏ” đất rừng cho ông Nguyễn Thanh Sơn - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh - khi ông Sơn còn đương chức. UBND huyện sẽ thu hồi các “sổ đỏ” cấp sai, đồng thời xử lý các cá nhân sai phạm.
Cuối năm 2016, báo Lao Động có loạt bài phản ánh việc ông Nguyễn Thanh Sơn - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh” khi còn đương chức đã được UBND huyện Đắk Song cấp “sổ đỏ” trái phép trên đất rừng. Ngoài ra, ông Sơn còn chiếm dụng 15,2ha đất rừng khác của Cty lâm nghiệp Trường Xuân, được UBND huyện lập tờ trình đề nghị… cấp tiếp.
Kết quả kiểm tra của tổ công tác do UBND tỉnh thành lập mới đây cho thấy, từ năm 2003 - 2008, UBND huyện Đắk Song đã cấp cho vợ chồng ông Nguyễn Thanh Sơn 13 “sổ đỏ” với tổng diện tích 13,2ha. Trong đó 10 “sổ đỏ” thiếu nhiều hồ sơ, thủ tục theo quy định (chỉ có sổ địa chính hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phôi trắng).
UBND huyện không cung cấp được cho tổ kiểm tra về “tính hợp pháp, hợp lý của các giấy tờ sang nhượng; tính đúng đắn, hợp pháp về trình tự, thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Thanh Sơn…”. Đặc biệt, tổ kiểm tra đã phát hiện 2 “sổ đỏ” UBND huyện cấp cho ông Sơn vào năm 2005 với diện tích hơn 2,8ha là trái thẩm quyền, vì diện tích này là đất rừng do Cty TNHH MTV lâm nghiệp Trường Xuân quản lý.
Ngoài 13 “sổ đỏ” nói trên, từ năm 2012 - 2014, Cty lâm nghiệp Trường Xuân và UBND huyện Đắk Song còn có nhiều tờ trình đề nghị UBND tỉnh thu hồi 15,24ha đất rừng (gồm cả rừng phòng hộ và rừng sản xuất) của Cty lâm nghiệp Trường Xuân, giao về cho UBND huyện quản lý để tiếp tục… cấp “sổ đỏ” cho ông Sơn. Trên thực tế, diện tích này đã bị ông Sơn chiếm dụng làm trang trại trồng càphê, caosu, hồ tiêu… từ nhiều năm nay.
Tại các tờ trình, Cty lâm nghiệp Trường Xuân cho rằng diện tích trên đã bị người dân lấn chiếm, Cty không có khả năng giải tỏa, không có nhu cầu sử dụng. Tổ kiểm tra cho rằng, mục đích đề xuất của Cty là nhằm đẩy trách nhiệm quản lý đất đai cho huyện Đắk Song.
Còn đề nghị của UBND huyện Đắk Song là mang tính hình thức, đối phó để được giao đất về huyện quản lý, nhằm cấp “sổ đỏ” cho ông Sơn, đồng thời hợp thức hóa các quyết định, “sổ đỏ” mà huyện đã cấp cho ông Sơn từ các năm 2005, 2008.
Từ kết quả kiểm tra, tổ công tác kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo huyện Đắk Song rà soát lại công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các thời kỳ, trong đó cần làm rõ vì sao trên diện tích đất rừng do Cty lâm nghiệp Trường Xuân quản lý mà UBND huyện vẫn cấp “sổ đỏ” cho ông Sơn. Trên cơ sở đó, tiến hành kiểm điểm, xác định mức độ sai phạm, vị trí công tác của từng tổ chức, cá nhân để có hình thức xử lý.
Về phía Cty lâm nghiệp Trường Xuân, tổ kiểm tra xác định ông Trần Quyết Tâm - Giám đốc Cty - đã để cho UBND huyện Đắk Song cấp 2 “sổ đỏ” trên đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý, nhưng không biết hoặc có biểu hiện thông đồng với UBND huyện.
Đối với 15,2ha đất rừng còn lại, ông Tâm đã để cho ông Nguyễn Thanh Sơn chiếm dụng trái phép từ nhiều năm, sau đó đề nghị UBND tỉnh thu hồi của Cty, giao về cho huyện Đắk Song quản lý nhằm hợp thức hóa… Do vậy, tổ kiểm tra đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm điểm, xác định mức độ sai phạm của ông Trần Quyết Tâm, có hình thức xử lý nghiêm. (Lao Động 2/2, Kiều Phan)đầu trang(
Dù có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt, song các doanh nghiệp (DN) ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam lại luôn thường trực mối lo thiếu nguyên liệu sản xuất. Để giải quyết tình trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp sự phát triển của ngành.
Liên tục từ cuối năm 2016 tới nay, toàn ngành gỗ rơi vào tình trạng khó khăn khi thu mua nguyên liệu phục vụ cho hoạt động chế biến xuất khẩu. Ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) – cho biết: 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sản phẩm gỗ cả nước sụt giảm hơn so với cùng kỳ. Bình quân mỗi năm, Việt Nam đang sử dụng 24 – 25 triệu m3 gỗ các loại, trong đó đã chủ động được hầu hết và chỉ phải nhập khẩu 6 triệu m3 gỗ mỗi năm.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam đã ban hành chính sách đóng cửa rừng tự nhiên và hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô để giữ nguồn gỗ phục vụ chế biến trong nước.
Cụ thể, Myanmar ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn có hiệu lực từ ngày 1/4/2014; tháng 5/2016, Lào đã ban hành Nghị định 15/PM, trong đó đình chỉ việc xuất khẩu các loại gỗ tròn, gỗ xẻ kích thước lớn, gỗ xẻ…
Nhiều DN sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu tại Bình Dương chia sẻ, hiện họ chủ yếu sản xuất để cung cấp cho thị trường nội địa, giảm xuất khẩu. Không phải do DN không có đơn hàng mà bởi DN “không dám” nhận đơn hàng XK vì thiếu nguồn nguyên liệu đủ “chuẩn”, đủ giấy tờ hợp lệ theo yêu cầu để sản xuất hàng xuất khẩu.
Để bảo vệ ngành chế biến gỗ xuất khẩu trong nước và bảo đảm nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng được cung cấp đầy đủ và bền vững, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ ban hành các giải pháp hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu một cách hiệu quả.
Căn cứ trên kiến nghị của các hiệp hội, DN ngành gỗ, gần đây Bộ NN&PTNT đưa ra dự thảo kiến nghị nhà nước tăng thuế xuất khẩu tất cả các loại gỗ rừng trồng, gỗ cao su, gỗ xẻ tăng đồng loạt tăng 20% để tránh việc thu mua của DN Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp tức thời, nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài, ngành gỗ Việt Nam phải có kế hoạch trồng mới rừng. Đồng thời, Chính phủ cần rà soát các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung với quy mô lớn, đầu tư giải pháp công nghệ để nghiên cứu, tuyển chọn các giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu trong nước và xuất khẩu…
Thực hiện liên kết, không chỉ liên kết giữa người trồng rừng với DN chế biến gỗ, mà là sự kết nối giữa các DN với nhau trong việc khai thác và sử dụng nguyên liệu gỗ. Ngoài sự nỗ lực của DN cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, hiệp hội để hướng dẫn, cập nhật thông tin thị trường… và trên hết, giúp đa số DN ngành gỗ cần thêm nguồn lực tài chính để cơ cấu lại theo hướng phát triển mới. (Công Thương 3/3)đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Với nỗ lực ngăn chặn tình trạng phá rừng và tiếp tay cho lâm tặc, mới đây, một nhóm bảo về môi trường ở Brazil đã đưa vào ứng dụng một công nghệ mới cho phép truy xuất nguồn gốc của các loại gỗ. Nhờ đó, các công ty có nhu cầu nhập gỗ của Brazil tìm được nguồn hàng hợp pháp.
Ứng dụng này có tên gọi là Responsible Timber Exchange, được xây dựng từ cơ sở dữ liệu của Chính phủ Brazil và các bản đồ vệ tinh bắt đầu đưa vào sử dụng từ tháng 11 năm 2016. Nó giúp cả người bán lẫn người mua gỗ có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ cũng như giấy chứng nhận hợp pháp của các mặt hàng gỗ. Người tiêu dùng có thể theo dõi được lộ trình của gỗ từ lúc ở rừng đến khi có mặt ở thị trường xuất khẩu.
Ứng dụng công nghệ này phân tích các bản kế hoạch mà doanh nghiệp đã nộp lên cơ quan quản lý, cộng thêm các dữ liệu thông tin khác để đảm bảo những doanh nghiệp nào là đơn vị được cấp phép kinh doanh khai thác gỗ tại Brazil. Đây là điều mà những doanh nghiệp chân chính luôn mong đợi. Hiện đã có hơn 200 doanh nghiệp có mặt trên ứng dụng Responsible Timber Exchange.
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường của Brazil, nạn khai thác rừng trái phép là nguyên nhân gây ra tới 90% số vụ phá rừng ở Brazil. Lâm tặc cũng thường xuyên liên đới với các loại hình tội phạm khác như bóc lột lao động, thâu tóm đất đai phi pháp, phá hoại môi trường và lấn chiếm diện tích sinh sống của các nhóm người thiểu số. (Đài PTTH Sóc Trăng 1/3)đầu trang(./.