Hệ sinh thái đất ngập nước Tràm Chim

  04/01/2008 12:37:02 PM 

Vườn quốc gia Tràm Chim có diện tích 7313ha, nằm ở hạ lưu sông Mêkông và thuộc trung tâm vùng Đồng Tháp Mười. Vườn được xây dựng từ năm 1985 nhưng đến 29/12/1998 Chính phủ mới chính thức quyết định công nhận là Vườn quốc gia. Mục tiêu xây dựng Vườn nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng đồng bằng sông Cửu Long thành một mẫu chuẩn quốc gia về hệ sinh thái đất ngập nước vùng lụt kín Đồng Tháp Mười. Bảo tồn những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử và nghiên cứu, khai thác hợp lý hệ sinh thái của vùng vì lợi ích quốc gia và đóng góp vào việc bảo vệ môi trường sinh thái chung của vùng Đông Nam á. Đặc điểm của Vườn quốc gia Tràm Chim là hệ thực vật đặc trưng bởi kiểu “Rừng kín lá rộng thường xanh ngập nước theo mùa trên đất chua phèn”, có 130 loài thực vật bản địa tiêu biểu bởi 6 kiểu quần xã (sen, lúa ma, cỏ ống, năng, mồm mốc và tràm). Có hơn 130 loài cá nước ngọt, gần 40 loài lưỡng cư bò sát và 231 loài chim; trong đó có 32 loài quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam, sách đỏ Thế giới, Nghị định 32, Công ước CITES. Tràm Chim được mệnh danh là vương quốc các loài chim ở đồng bằng sông Cửu Long, ngoài chim sếu ra còn có nhiều loài chim, cò, diệc, giang sen, già đãy... cùng hòa quyện chung sống với nhau. Hằng năm cứ vào mùa nước nổi cũng là mùa sinh sản của các loài chim nước bản địa như trích (xít), cúm núm (gà nước); chàng nghịch (gà nước vằn); cò, diệc... Đặc biệt có 2 loài chim luôn sinh sống và sinh sản chung với nhau đó là chim cồng cộc (Cốc đế Phalacrocorax niger) và chim điêng điểng. Trong đó chim điêng điểng được xếp vào loài chim quý hiếm bậc T (sắp bị đe dọa). Chim điêng điểng còn gọi là nhan điểng (miền Nam), cổ rắn (miền Bắc) có tên khoa học là Anhinga melanogaster là loài chim nước. Theo số liệu thống kê hiện nay tại Vườn quốc gia Tràm Chim có khoảng 36.000 tổ chim cồng cộc và điêng điểng tập trung ở khu vực 20.000m2 rừng tràm. Tổ chim cồng cộc chiếm khoảng 55%; chim điêng điểng chiếm khoảng 45%. Theo số liệu trên thì năm 2007 có khoảng hơn 30.000 chim điêng điểng được ra đời tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Chim điêng điểng phân bố nhiều nơi trong Vườn quốc gia cũng như các vùng đất ngập nước khác, nhưng thường xuất hiện ở đầm lầy, hồ hay những con kênh. Chúng ngủ trong rừng tràm, rất khó phân biệt giữa chim trống và chim mái, toàn thân màu đen nhưng được phủ lên mình lớp màu trắng ngà trông rất đẹp. Chiều cao khoảng 40-50cm, sải cánh 70-80cm, đầu nhỏ, mỏ nhọn, cổ thon dài uốn cong như hình con rắn vì thế chim còn có tên là cổ rắn, chân có màn bơi như chân vịt nên lặn được dưới nước để săn mồi. Khi bay cổ dũi thẳng như cổ chim sếu chứ không giống cổ cò. Chim kiếm ăn thành từng nhóm nhỏ khoảng từ 3 đến 5 cá thể và kiếm ăn chung với cồng cộc hay cò, thức ăn chủ yếu là cá nhỏ hoặc các loài thủy sản khác. Mùa sinh sản khoảng từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm, chim đẻ ở trong rừng tràm, làm tổ đơn giản bằng cành nhánh của cây tràm, bình quân 1 cây tràm có 4 tổ chim, đôi khi có đến hơn 10 tổ chim, một tổ chim có từ 4-6 trứng và có khả năng nở 4 con chim non, trứng có màu trắng xanh, chim sau khi nở khoảng 4 tuần tuổi là có thể tự kiếm ăn được và sau đó chim mẹ tự phá tổ của mình. Sở dĩ chim điêng điểng và cồng cộc sinh sản và phát triển mạnh có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do việc tổ chức bảo vệ rất tốt của lực lượng kiểm lâm. Hiệu quả cao của tổ tuyên truyền giáo dục môi trường và việc đề xuất chiến lược quản lý nước, lửa phù hợp, môi trường tự nhiên từng bước được phục hồi, quyến rũ chim quần tụ về đây ngày một nhiều hơn. Mùa xem chim điêng điểng lý tưởng nhất là từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Nếu vận dụng sáng tạo 12 nguyên lý tiếp cận để tổ chức quản lý bảo vệ cũng như các chế độ quản lý nước, lửa phù hợp như những năm 2006 - 2007 vừa qua thì trong tương lai không xa hệ sinh thái đất ngập nước Tràm Chim sẽ được khôi phục và duy trì một cách bền vững hơn.

Nguyễn Văn Hùng