Số 1+2 năm 2008

Giao khoán bảo vệ rừng, thực hiện chính sách dân tộc và tác động đối với bảo vệ rừng ở Bình Định

Kiểm lâm là lực lượng chuyên trách của Nhà nước có chức năng bảo vệ rừng, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền về bảo vệ rừng và bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương. Trong những nhiệm vụ, quyền hạn được giao có việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, chế độ chính sách sau khi được ban hành.

Chính sách dân tộc và việc thực hiện các chính sách dân tộc có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Phạm vi bài viết chỉ đề cập đến những chính sách dân tộc do lực lượng kiểm lâm thực hiện và những chính sách dân tộc khác có liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Bình Định.

Năm 1994, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu UBND tỉnh quyết định giao khoán thí điểm 2.548ha rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực hồ thủy điện Vĩnh Sơn cho 99 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở làng K2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh bảo vệ. Năm 1998, thực hiện Quyết định số 661/1998/QĐ-TTg, ngày 29/7/1998, của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 93/1999/QĐ-UB, ngày 24/6/1999 thành lập Ban Quản lý dự án cơ sở trồng mới 5 triệu hécta rừng của rừng phòng hộ đầu nguồn thủy điện Vĩnh Sơn, do Chi cục Kiểm lâm làm chủ dự án. Kể từ tháng 01/2004, Chi cục kiểm lâm chuyển giao cho Lâm trường Sông Kôn làm chủ dự án theo văn bản số 2475/UB-TH, ngày 02/10/2003, của UBND tỉnh Bình Định (thực hiện theo Nghị định số 01/CP, ngày 01/01/1995, của Chính phủ ban hành bản Quy định việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp nhà nước). Qua 10 năm thực hiện dự án, rừng được quản lý, bảo vệ tốt; bình quân mỗi hộ nhận khoán nhận được 1.266.206 đồng/năm, số tiền này góp phần đáng kể trong việc xóa đói cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở làng K2, xã Vĩnh Sơn trong những năm qua.

Thực hiện Nghị định số 02/CP, ngày 15/01/1994, của Chính phủ về giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; đến hết năm 1999, Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã giao 168.587ha đất lâm nghiệp cho gần 8 nghìn hộ gia đình. Thực hiện Nghị định 163/1999/NĐ-CP, ngày 16/11/1999, của Chính phủ (thay thế Nghị định số 02/CP) đầu năm 2000, công tác này đã chuyển giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Hạn chế của việc thực hiện Nghị định số 02/CP là người dân chưa được hưởng lợi trực tiếp nguồn lợi của rừng do việc bảo vệ rừng tốt đem lại; chưa gắn quyền lợi và nghĩa vụ của người dân sống gần rừng; chưa khuyến khích người dân đầu tư để sản xuất nông lâm nghiệp để tăng thu nhập,…Vì vậy, cần triển khai Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg, ngày 12/11/2001, của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp.

Thực hiện Nghị định 163/1999/NĐ-CP, ngày 16/11/1999, của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg, ngày 12/11/2001, của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp; Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND tỉnh ra Quyết định số 540/QĐ-UB, ngày 21/02/2002 về việc phê duyệt phương án thí điểm giao đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên cho các hộ gia đình ở thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng. Năm 2003, Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh cùng ngành chức năng đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh ra quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 76 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với tổng diện tích là 300ha, thời gian giao đất là 50 năm. Nét mới của mô hình thí điểm này là Nhà nước không phải trả 50.000 đồng/ha/năm, nhưng rừng vẫn được quản lý, bảo vệ có hiệu quả; gắn kết lợi ích trực tiếp của người dân với rừng. Theo Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg, người dân được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trên diện tích đất lâm nghiệp được giao, được hưởng các chính sách đầu tư hỗ trợ trong việc bảo vệ, phát triển rừng; được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên diện tích đất lâm nghiệp được giao; được khai thác gỗ theo phương thức chặt chọn với cường độ khai thác tối đa không quá 20% khi rừng phòng hộ được phép khai thác;….Tuy nhiên, qua 4 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ một số bất cập là: tâm lý của người dân muốn nhận được tiền khoán bảo vệ, chưa nhận thấy được lợi ích lâu dài từ rừng đem lại; thực tế là rừng được giao xa nơi ở, đi lại khó khăn, nhiều người dân ở nơi khác vào khai thác lâm sản nên lợi ích từ lâm sản ngoài gỗ không hiệu quả. Qua khảo sát, thăm dò ý kiến của người dân là Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ như: trồng cây đặc sản dưới tán rừng; được vay vốn ưu đãi từ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng; cụ thể hóa việc hưởng lợi theo Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg, vì rừng được giao cho đồng bào có địa hình hiểm trở, giáp ranh huyện Hoài Ân; thời gian nào rừng được phép khai thác gỗ và hộ gia đình không thể khai thác được;...

Thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20/7/2004, của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất đất ở nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chế kiểm tra, giám sát việc khai thác gỗ theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg tại văn bản số 1866/CP-NN, ngày 09/12/2004; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 03/2005/QĐ-BNN, ngày 07/01/2005, ban hành Quy định về khai thác gỗ để hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg. Chương trình 134 đã triển khai thực hiện ở tỉnh Bình Định, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã được hỗ trợ để làm nhà ở. Tuy nhiên, việc lấy gỗ làm nhà đã không thực hiện đúng theo Quyết định số 03/2005/QĐ-BNN; các hộ nhận khoán hoặc các nhà thầu đã lợi dụng chính sách để khai thác gỗ trái phép.

Ngoài những chính sách lớn của Chính phủ, ở tỉnh còn có các chính sách như: khuyến khích phát triển nguồn nguyên liệu dứa, trong đó hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha đối với cá nhân, hộ trồng dứa là đồng bào dân tộc thiểu số khai hoang, chuyển đổi cây trồng; chính sách khuyến khích trồng rừng nguyên liệu gỗ, giấy;… Mặt tích cực là đã khuyến khích các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tích cực sản xuất tăng thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng mặt khác là việc sử dụng đất không hợp lý, vì cái lợi trước mắt mà đã phá rừng để lấy đất sản xuất. Chính sách về di dân, tái định cư ở tỉnh cũng gây áp lực lớn cho bảo vệ và phát triển rừng; với tập quán luân canh nương rẫy và kinh tế tự cung tự cấp cộng với nhiều chương trình khuyến cáo trồng thử nghiệm nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao nên nhu cầu về diện tích đất sản xuất của một hộ gia đình là rất lớn. Vì vậy, chính sách về di dân, tái định cư ở tỉnh có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu là nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Qua triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, nhận thấy: trong giai đoạn 2000 -2006, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách lớn như: Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng, Chương trình 135, Chương trình 134,… đã góp phần ổn định và phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và các ngành nghề khác. Nhờ vậy, nông nghiệp và nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, từng bước ổn định và đang có hướng chuyển dịch thành một nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng gắn với phát triển công nghiệp chế biến và các ngành nghề phi nông nghiệp. Các chính sách đã đi đúng mục tiêu, đầu tư đúng đối tượng và có hiệu quả, đã thúc đẩy kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn có bước phát triển mạnh, tỉ lệ đói nghèo giảm nhanh, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, góp phần thực hiện công bằng xã hội, củng cố niềm tin của các đồng bào dân tộc vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp đã đem lại hiệu quả, năm 2000 đất có rừng là 203.664 ha, độ che phủ là 33,8% đến năm 2006, diện tích đất có rừng tăng lên 257.033,9 ha, độ che phủ là 40,4%; các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn nhận đất lâm nghiệp để phát triển nghề rừng và thực sự nghề rừng đã góp phần đem lại đời sống ấm no cho người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20/7/2004, của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đạt hiệu quả chưa cao, nhất là đất sản xuất; vì vậy, các ngành chức năng, nhất là Dân tộc Miền núi, Tài nguyên Môi trường cần có quy hoạch, kế hoạch và rà soát, cân đối nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức không sử dụng hết diện tích đất được giao, hoặc sử dụng không có hiệu quả và diện tích đất của một số hộ dân chiếm dụng trái phép, đề nghị thu hồi và giao đất ổn định, lâu dài cho dân. Trong thời gian tiếp theo, các cấp, các ngành cần triển khai thực hiện tốt hơn nữa Quyết định 661/QĐ-TTg, ngày 29/7/1998, của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng; Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg, ngày 31/7/1998, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20/7/2004, của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn;… Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg, ngày 11/7/2006, về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II), trong đó tỉnh Bình Định có 17 xã (các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn) được nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ trung ương. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg, ngày 05/02/2007, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 và Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg, ngày 05/3/2007 về Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 - 2010. Trên cơ sở các chính sách của trung ương, UBND tỉnh cần chỉ đạo chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành của tỉnh tham mưu, đề xuất việc thực hiện cụ thể, đúng pháp luật, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, quốc phòng, tăng cường mối đại đoàn kết dân tộc. Có như vậy, rừng Bình Định mới được bảo vệ và phát triển tốt.

Ngô Hữu Niên


Số lượt đọc:  3576  -  Cập nhật lần cuối:  04/01/2008 12:29:47 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH