Số 3

Trẻ hóa rừng thông Đà Lạt, động lực phát triển du lịch

Trải qua 115 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã trở thành một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của cả nước và khu vực. Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và khí hậu, đặc biệt là rừng thông thuần loài như một lá phổi bao bọc thành phố Đà Lạt, là nơi của những câu chuyện tình lãng mạn, của những đồi thông vi vút và cũng là nơi tọa lạc của những ngôi biệt thự cổ giữa ngàn thông. Thế nhưng, cơn bão số 9 năm 2009 đã để lại hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, mà nguyên nhân chính là từ những cây thông già cỗi.

Diện tích rừng của thành phố Đà Lạt theo quy hoạch 3 loại rừng là 26.182ha, trong đó rừng phòng hộ 20.914ha và rừng sản xuất 5.268ha. Riêng rừng nội ô Đà Lạt có 361ha đất có rừng phòng hộ, chủ yếu là rừng thông gần thành thục và thành thục (60 70 năm), nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Những năm gần đây, các ngành chức năng đã kiên quyết xử lý những trường hợp ken gốc, đẽo ngo dầu, lấy đất gây sạt lở, lấp đất vào gốc thông..., đó là một trong những nguyên nhân gây ngã đổ trong mùa mưa bão. Ngoài việc cây chết do tác động thì rừng thông Đà Lạt đang đứng trước nguy cơ bị lão hóa, bị thối, rỗng ruột (do nấm Trametespini). Và như thế, dần dần diện tích rừng thông này sẽ già cỗi, ngã đổ, chết tự nhiên hàng loạt. Trong khi đó, khả năng tái sinh tự nhiên của rừng thông vốn rất hạn chế, rừng trồng chưa được thay thế kịp thời.

Năm năm qua (2005 - 2009), khu vực nội ô thành phố Đà Lạt đã chặt hạ 2.118 cây thông, trong đó có 1.332 cây chết khô, 786 cây thông tươi (gồm cây thông tươi nguy hiểm và giải phóng mặt bằng). Thực hiện Quy chế quản lý cây xanh nội thị thành phố Đà Lạt, ban hành kèm theo Quyết định 381/1998/QĐ-UB ngày 14/2/1998 của UBND tỉnh Lâm Đồng, tại Điểm 4 Điều 12 Chương 2 quy định chặt 1 cây, trồng lại 5 cây. Nếu thực hiện đúng theo Quy chế quản lý cây xanh nội thị, với 2.118 cây thông đã chặt hạ trong 5 năm qua, chúng ta phải trồng lại 10.590 cây. Năm 2009, Công ty quản lý công trình đô thị Đà Lạt đã trồng được 1.500 cây thông 3 lá, như vậy chỉ đạt 14,16% so với số cây đã chặt hạ. Nếu tính theo trường hợp chặt 1 cây tươi mới trồng lại 5 cây thì cũng chỉ đạt 38,17%. Từ số liệu cho thấy rừng thông nội ô Đà Lạt đang dần bị suy giảm về số lượng.

Cơn bão số 9 năm 2009, trên địa bàn thành phố có 49 cây thông bị ngã đổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; thành phố buộc hạ khẩn cấp 28 cây thông có nguy cơ ngã đổ. Những cây thông trên chủ yếu là cây cổ thụ, từ 50-70 tuổi trở lên, đặc biệt, đường Trần Hưng Đạo Dinh II là một con đường đẹp nhất thành phố Đà Lạt với những biệt thự cổ kính ẩn mình giữa rừng thông gần 100 tuổi, nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ ngã đổ bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão. Những cây thông già cỗi nằm trong khu dân cư đang là nỗi trăn trở của các ngành, các cấp ở địa phương.

Từ việc quản lý và đầu tư chưa hợp lý, những năm gần đây rừng thông nội ô Đà Lạt đang đang bị xuống cấp, giảm rõ về số lượng và chất lượng, cấu trúc kém bền vững, trữ lượng thấp, khả năng phòng hộ không cao. Theo quy luật tự nhiên thì cây thông cũng không ngoại lệ, do đó trẻ hóa rừng thông để nâng cao sức sống là điều nên làm. Vậy, tìm hướng đi nào cho rừng thông Đà Lạt? Quan trọng nhất vẫn là ngăn cản nguy cơ khi trong vòng 10 đến 30 năm nữa quần thụ thông gần thành thục và thành thục sẽ ngã đổ hoặc chết tự nhiên hàng loạt. Không thể để cây chết diễn ra tự nhiên rồi lại kiểm tra cho phép chặt hạ, khi đó chất lượng gỗ vừa kém, vừa lãng phí tài nguyên rừng. Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?

Qua theo dõi nhiều năm chúng tôi thấy cần thực hiện một số giải pháp sau để trẻ hóa và phát triển rừng thông Đà Lạt theo hướng bền vững. Trước hết, tiến hành điều tra khoa học để chủ động chặt chọn những cây đã thành thục và gần thành thục rồi trồng lại. Đối với số cây thông già cỗi, cây có nhiều khả năng ngã đổ nằm rải rác trong khu dân cư, khu vực công cộng, cơ quan, trường học, đường giao thông... mạnh dạn chặt hạ dần. Đối với rừng thông tập trung thì chủ động loại bỏ dần những cây già cỗi để xúc tiến tái sinh tự nhiên và trồng bổ sung, sao cho sau khi chặt có lại một quần thụ mới chất lượng tốt hơn. Cứ như thế, rừng trung niên sẽ tiếp tục trở thành rừng thành thục và thực hiện theo chu kỳ. Kinh phí trồng rừng và chăm sóc rừng sẽ thấp hơn nhiều so với kinh phí thu về từ việc bán lâm sản. Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án phát triển cây xanh thành phố Đà Lạt. Khu vực nội ô nên trồng cây theo cụm ở các nơi có quỹ đất rộng và ở các cơ quan, đơn vị, trường học, biệt thự,... Việc phát triển cây xanh phải theo quy hoạch để bền vững hơn và không ảnh hưởng đến vấn đề xây dựng, giao thông, tài sản và tính mạng của nhân dân. Đặc biệt, chú trọng loài cây chủ lực đặc trưng của thành phố Đà Lạt là thông 3 lá. Tăng cường công tác quản lý cây xanh rải rác và tập trung như kiểm kê, theo dõi diễn biến, cập nhật hàng năm; có phương án quản lý mạng lưới cây xanh và từng bước đưa vào quản lý theo hệ thống GIS. Lập hồ sơ quản lý và ký cam kết giao trách nhiệm chăm sóc, bảo quản thông nằm trong khuôn viên cơ quan, đơn vị, nhà ở của hộ gia đình, cá nhân, đồng thời giám sát việc thực hiện. Bàn giao cây như bàn giao tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Mọi trường hợp quy hoạch xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố Đà Lạt đều phải thiết kế trồng mới cây xanh. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia trồng cây xanh, được quyền sở hữu, sử dụng và được bồi thường thành quả lao động, kết quả đầu tư khi nhà nước có nhu cầu thu hồi. Tổ chức trồng cây thay thế cây chặt hạ theo quy định: chặt 1 cây trồng lại 5 cây; trồng trước rồi mới hạ sau. Việc chăm sóc, quản lý bảo vệ cây đã giao cho các tổ chức, cá nhân phải được kiểm tra giám sát một cách chặt chẽ nhằm đảm bảo cây trồng sống, đạt chất lượng cao. Tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa qua việc trồng cây như trồng cây để kỷ niệm ngày vui, tưởng niệm người quá cố, mỗi du khách trồng 1 cây và cứ như thế những cây thông được vun trồng sẽ ngày càng nhiều hơn. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ công chức và nhân dân thực hiện tốt việc bảo vệ, trồng mới cây xanh. Trẻ hóa và phát triển rừng thông Đà Lạt là một công việc có tính chất lâu dài và cần triển khai sớm. Như thế, rừng thông già cỗi sẽ được cải tại thành rừng thông trẻ hơn, có sức sống cao hơn và phát triển bền vững hơn.

ĐẶNG QUỐC THÁI BÌNH


Số lượt đọc:  545  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 03:31:10 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH