Số 3

Tin hoạt động

Tết Canh Dần cả nước cháy 1.096ha rừng và cỏ tranh lau lách các loại. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (từ ngày 3/2/2010 đến ngày 21/2/2010) địa bàn cả nước đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng, thiệt hại khoảng 1.096ha rừng và các loại thực bì, cỏ tranh lau lách các loại. Các tỉnh bị thiệt hại bao gồm: Kon Tum 2ha, Gia Lai 70ha, Lâm Đồng 20ha, Lào Cai 700ha, Lai Châu 300ha, Hải Dương 1,5ha, Vườn quốc gia Ba Vì 2,7ha. Các loại rừng bao gồm rừng trồng keo, thông, rừng phục hồi và cỏ tranh lau lách. Nguyên nhân chủ yếu là thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài và người dân đốt nương làm rẫy, trẻ em đốt lửa gây cháy lan vào rừng. Cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các Chi cục Kiểm lâm trong dịp Tết Canh Dần tổ chức lực lượng thường trực 50% quân số để tăng cường cho công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Đáng chú ý là vụ cháy rừng trên địa bàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai (địa phận Vườn quốc gia Hoàng Liên) xảy ra từ ngày 08/2-15/2/2010 (tức 25 tháng Chạp, đến ngày mồng 2 Tết Canh Dần) nổi lên như vấn đề thời sự của cả nước. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Cục Kiểm lâm, UBND tỉnh Lào Cai... đã có nhiều cố gắng trong công tác chữa cháy rừng nên thiệt hại do cháy rừng được hạn chế đáng kể. Theo Ban chỉ đạo Trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, ngày 19/2/2010, Kiểm lâm Đắk Nông đã phát hiện vụ phá rừng tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, gây thiệt hại 20ha rừng tự nhiên (rừng sản xuất). Đối tượng là 50 đồng bào tại chỗ dùng cưa xăng để phá rừng.

Hà Bình

Quảng Trị: Kiểm lâm tăng cường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng trong những ngày Tết Canh Dần. Thực hiện kế hoạch tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn các hành vi phá hoại rừng trong dịp tết Canh Dần, Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị đã triển khai và cử cán bộ trực tiếp về các huyện, các điểm nóng khai thác, buôn bán lâm sản để phối hợp tuần tra ngăn chặn. Từ 01/2- 22/2/2010 (18 tháng chạp đến mồng chín tháng giêng), các đơn vị đã phát hiện, bắt giữ lập biên bản vi phạm hành chính 17 vụ tịch thu hơn 63m3 gỗ qui tròn các loại, 15ster gỗ rừng trồng, 92kg động vật rừng. Đặc biệt Tổ kiểm lâm cơ động chốt giữa tuyến đường Hồ Chí Minh đi A Lưới đã phối hợp với Công an huyện Đakrông bắt giữ 2 vụ vận chuyển gỗ trái phép vào ngày mồng một tết thu giữ 5,292m3. Tổ kiểm lâm cơ động chốt giữ khu vực Vĩnh Linh - Gio Linh phát hiện bắt giữ 01 bè gỗ vận chuyển mồng hai tết thu giữ 6,053m3.

Hồ Minh Diệp

Quảng Nam: Báo động nạn săn cây lội cổ thụ bán sang Trung Quốc. Thời gian gần đây tại địa bàn tỉnh Quảng Nam tình hình khai thác cây lội trái phép diễn biến hết sức phức tạp. Hiện cây lội được giới buôn bán cây cảnh săn lùng bán sang Trung Quốc, có cây giá lên tới cả trăm triệu đồng. Lâm tặc dùng các phương tiện như máy cẩu, xe kéo, container vào tận rừng để thực hiện hành vi vi phạm. Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 29/1/2010, Công an tỉnh Quảng Nam bắt quả tang một số đối tượng đang chuyển hai cây cổ thụ trên xe container tại địa bàn thôn Vầu (xã Tư, huyện Đông Giang). Hai cây cổ thụ trên là cây lội (dài hơn 12 mét, đường kính hơn 1 mét, có giá trị kinh tế cao về cây cảnh. Tại cơ quan công an, lái xe khai tên Hồ Duy Phường (sinh năm 1985, trú huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) điều khiển xe đầu kéo biển số 57L- 6211, rơ móc biển số 51R- 9055, chở thuê cho Nguyễn Đình Thường (sinh năm 1958, trú thôn 1, xã Ba, huyện Đông Giang) đến Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Trước đó, ngày 31/7/2009, PC15 - Công an tỉnh Quảng Nam cũng đã phát hiện một số đối tượng từ các tỉnh phía Bắc vào móc nối với các đối tượng người địa phương tổ chức khai thác trái phép 2 cây gỗ lội hàng trăm năm tuổi, đường kính bốn người ôm, khối lượng lên đến hơn 22m3 tại khu vực làng Mực, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Từ tháng 7/2009 đến nay, tại Quảng Nam đã có 11 cây lội bị khai thác trái phép. Được biết, hiện tại khu vực rừng đặc dụng thôn Vầu và nhiều khu rừng khác của tỉnh Quảng Nam còn nhiều cây lội trăm tuổi khác đang nằm trong tầm ngắm của lâm tặc. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì một ngày không xa rừng lội có có nguy cơ tiệt chủng.

Quảng Ngãi bàn giao voọc chà vá chân xám cho Trung tâm cứu hộ linh trưởng Cúc Phương. Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi đã bàn giao cho Trung tâm cứu hộ linh trưởng Vườn quốc gia Cúc Phương 01 cá thể voọc chà và chân xám đực, nặng khoảng 3,5kg, hơn 3 năm tuổi. Cá thể động vật này do ông Trần Văn Dũng trú tại thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành giao nộp sau khi được Hạt Kiểm lâm Nghĩa Hành vận động thuyết phục. Cá thể voọc trên ông Dũng mua lại của một người đồng bào dân tộc, khi đó bị thương ở tay, sau thời gian nuôi dưỡng, sức khỏe hồi phục. Đây là loại động vật rừng quý hiếm nguy cấp cần được bảo vệ nghiêm ngặt, loài này chỉ phân bố từ Quảng Nam đến Bình Định và Gia Lai. Đây là cá thể thứ 7 Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ linh trưởng Vườn quốc gia Cúc Phương. Đã đến lúc các cơ quan chức năng tại Quảng Ngãi cần điều tra, khảo sát để có Dự án bảo tồn loài thú đặc hữu này trước khi quá muộn. Huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành và vùng giáp ranh với tỉnh Bình Định, Gia Lai có tần suất xuất hiện loài này nhiều nhất.

Nguyễn Đại

Chi cục Kiểm lâm Bà Rịa Vũng Tàu. Tập huấn cho cán bộ kiểm lâm nghiệp vụ quản lý bảo vệ rừng. Trong 3 ngày từ 29 đến 31/12/2009, Chi cục Kiểm lâm Bà Rịa Vũng Tàu đã tổ chức tập huấn cho 38 cán bộ kiểm lâm địa bàn 26 xã có rừng, các trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng của các chủ rừng, các trạm trưởng trạm kiểm lâm địa bàn, lãnh đạo các hạt và các chuyên viên làm công tác pháp chế những nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; về nhiệm vụ của kiểm lâm địa bàn; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin soạn thảo văn bản, trong công tác quản lý rừng và số hóa bản đồ. Đây là nội dung thực sự hữu ích đối với đội ngũ làm công tác kiểm lâm địa bàn, tạo điều kiện cho kiểm lâm địa bàn bổ sung thêm kiến thức, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được phân công.

Nguyễn Xuân Thủy

Hội thảo về tài liệu dạy và học chữ Thái tại Việt Nam. Vừa qua, tại thành phố Điện Biên, mạng lưới: “Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam” do Trung tâm vì sự phát triển bền vững miền núi và Mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam tổ chức. Trong hội thảo này, đại biểu của 7 tỉnh có đông dân tộc Thái đã thống nhất được chương trình khung của bộ chữ Thái Việt Nam và yêu cầu các tỉnh tiếp tục hoàn thành tài liệu dạy chữ Thái Việt Nam. Tiếp tục dạy chữ Thái địa phương song song với dạy chữ Thái Việt Nam. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền và dạy chữ Thái Việt Nam. Mở lớp bồi dưỡng cho thành viên mạng lưới, dạy tiếng Thái qua ti vi, có sự lồng ghép các hoạt động dạy chữ Thái với các hoạt động của nhà nước, chính quyền, dạy chữ Thái trong các trung tâm học tập cộng đồng. Phối hợp với hệ thống báo chí đưa bản tin bằng ngôn ngữ viết Thái - Việt - Anh. Việc bàn về tài liệu dạy học chữ Thái Việt Nam của “Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam” trong thời điểm hiện nay là rất cấp thiết, phù hợp với đường lối, chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trần Vân Hạc

Vườn quốc gia Yok Đôn: Lâm tặc vây kiểm lâm để tẩu tán gỗ vận chuyển trái phép. 23 giờ 30 phút ngày 8/1/2010, lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) đã kiểm tra, bắt quả tang tại sân nhà Y Thông Bkrông (ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) có xe ô tô mang 2 biển kiểm soát (lắp chồng lên nhau), 49H-4058 và 47P-1647, chở khoảng 4m3 gỗ hương (gỗ quý hiếm nhóm IIA), đã xẻ thành hộp. Trong lúc cán bộ của Vườn quốc gia Yok Đôn điều khiển xe tang vật về đơn vị để xử lý, một số đối tượng côn đồ đã chặn xe, bao vây, ném đá vào đoàn kiểm tra, làm vỡ kính xe ô tô. Sau đó cướp lại xe gỗ và lái xe ra khỏi khu vực, tẩu tán khoảng 2m3. Khi có sự hỗ trợ của Tiểu đoàn cơ động - Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, đoàn kiểm tra mới thu được phương tiện và tang vật. Lúc này, trên xe chỉ còn khoảng 2m3 gỗ. Tuy nhiên, nhóm côn đồ trên vẫn tụ tập trước cổng Tiểu đoàn cơ động, la hét, bao vây. Đến sáng 9/1/2010, Công an huyện Buôn Đôn xuống giải quyết, các đối tượng chống đối mới giải tán.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Bình Phước: Lâm tặc tấn công lực lượng kiểm lâm. Ngày 6/1/2010, Trạm bảo vệ rừng Đắk Lưu Ly tổ chức tuần tra bảo vệ rừng tại tiểu khu 9 (giáp ranh tỉnh Đắk Nông), đã phát hiện 3 đối tượng xâm nhập rừng trái phép mang theo cưa máy với mục đích cắt hạ gỗ. Tổ công tác tiến hành ngăn chặn và bắt giữ được 1 đối tượng cùng cưa máy, 2 đối tượng chạy thoát. Đối tượng bị bắt là Điểu Pleo, sinh năm 1986, thường trú thôn 5 Bù Rên, xã Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước được dẫn giải về Hạt Kiểm lâm để xử lý theo quy định. 2 đối tượng chạy thoát là Điểu Hải và Điểu Long cư ngụ tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày có 9 đối tượng cư ngụ tại xã Quảng Trực (trong đó có Điểu Long và Điểu Hải) rất hung hãn, mang theo hung khí là dao, rựa, gậy gộc tấn công lực lượng bảo vệ rừng, lâm tặc đông tấn công bất ngờ nên lực lượng lực lượng bảo vệ rừng phải rút lui để bảo toàn tính mạng, nhóm lâm tặc đã bắt 1 người dân và 1 cán bộ kiểm lâm làm con tin hòng hoán đổi đồng bọn đã bị bắt, chúng đập phá đồ đạc và chiếm đoạt 1 điện thoại di động. Chỉ đến khi cán bộ kiểm lâm sử dụng vũ khí chúng mới thả 2 người bắt trái phép. Trước đó, ngày 2/9/2007 một nhóm lâm tặc sử dụng vũ khí quân dụng, gậy gộc tấn công lực lượng kiểm lâm, đập phá Trạm bảo vệ rừng số 6, hay vụ việc ngày 9/4/2009 nhóm lâm tặc xông vào Trạm bảo vệ rừng số 1 chém đồng chí Dương Quang Hùng cán bộ kiểm lâm mất một cánh tay, đến nay vụ án vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Trước tình trạng trên, đề nghị các cơ quan thừa hành pháp luật tỉnh Bình Phước nghiêm khắc hơn trong việc xử lý các đối tượng vi phạm, kịp thời ngăn ngừa các vụ việc chống đối kiểm lâm có thể xảy ra.

Thái Nguyên. Khởi tố đối tượng chở gỗ trái phép chống lại công an. Ngày 23/2/2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Võ Nhai, Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Quảng (sinh năm 1983, trú tại xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ) về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Trước đó, khoảng 10h ngày 18/2/2010, tổ công tác của Công an tỉnh Thái Nguyên làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại quốc lộ 1B (thuộc địa phận xã La Hiên, huyện Võ Nhai) phát hiện xe ôtô IFA BKS 20L 0035 do Quảng cầm lái, bên ghế phụ có Lê Văn Việt (sinh năm 1989 trú tại thị trấn Chùa Hang, Đồng Hỷ), có biểu hiện nghi vấn. Khi tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra Quảng không chấp hành mà bỏ chạy. Trên quãng đường bỏ chạy, Quảng đã cố tình đâm hỏng một xe trâu đi ngược chiều nhằm cản đường truy đuổi. Vừa chạy xe Quảng vừa nâng ben nhằm đổ gỗ xuống đường, lạng lách đánh võng không cho xe công vụ của tổ công tác vượt lên... Phối hợp với Quảng, đối tượng Việt ngồi ở ghế phụ leo lên thùng xe dùng dao cắt dây giúp lái xe đổ gỗ. Khi đến địa phận đầu xóm Cây Bòng (giáp ranh giữa Khe Mo huyện Đồng Hỷ và xã La Hiên huyện Võ Nhai) Việt nhảy xuống xe nhằm thả gỗ xuống đường thì bị tổ công tác áp sát bắt giữ. Quảng tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy và húc đổ cổng nhà bà Đồng Thị Thịnh (tại xóm Cây Bòng, La Hiên, Võ Nhai) rồi bỏ trốn. Qua đo đếm, xác định trên thùng xe có 180 thanh gỗ nghiến xẻ nhóm II, với khối lượng là 7.758m3 gỗ quy tròn. Việt bị bắt ngay sau đó, Quảng bỏ chạy. Qua vận động của công an và gia đình, ngày 19/2/2010 Quảng đã ra đầu thú tại Công an huyện Võ Nhai. Quảng khai nhận đã mua số gỗ trên của một người tên là Trung (không rõ địa chỉ) mục đích để đem bán kiếm lời. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.


Số lượt đọc:  298  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 02:59:50 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH