Số 3

Quản lý rừng cộng đồng ở Bắc Kạn: Nhiều triển vọng và thách thức

Bắc Kạn là có diện tích đất lâm nghiệp 388.049ha (chiếm gần 90% diện tích tự nhiên), trong đó có 24.479ha đất rừng do cộng đồng quản lý. Từ năm 1992 đến nay, tỉnh Bắc Kạn mới giao được 271ha đất rừng cộng đồng quản lý (giao có bìa đỏ). Rừng cộng đồng được hiểu là diện tích đất rừng do cộng đồng dân cư xã, thôn, bản quản lý, bảo vệ và khai thác. Quá trình thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần và chuyển hướng chiến lược lâm nghiệp đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, đặc biệt là đa dạng hóa các phương thức quản lý tài nguyên rừng. Cộng đồng tham gia quản lý rừng là một trong những hình thức quản lý rừng thu hút sự quan tâm của các cấp từ Trung ương đến địa phương. Từ xa xưa, rừng cộng đồng đã tồn tại lâu đời, gắn liền với sự sinh tồn và tín ngưỡng của dân cư sống dựa vào rừng.

Trong vài năm gần đây, xuất phát từ yêu cầu quản lý rừng, Bắc Kạn đã từng bước triển khai giao đất, giao rừng cho cộng đồng (bản làng, nhóm hộ) để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, mặc dù diện tích còn rất ít. Ngoài ra, cộng đồng còn nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng mới rừng cho các tổ chức nhà nước. Thực tiễn cho thấy, việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn, bản quản lý, bảo vệ và khai thác đã mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, phù hợp với tập quán sản xuất truyền thống của nhiều dân tộc ở Việt Nam. Đối với Bắc Kạn, việc giao đất cho cộng đồng quản lý đã được triển khai thực hiện ở 2 xã Bản Thi, Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn) và 4 thôn của 2 xã Văn Minh, Lạng San (huyện Na Rì). Với mục tiêu nhằm nâng cao năng lực quản lý rừng cho cộng đồng dân cư nghèo một cách bền vững, chia sẻ các chi phí cũng như lợi ích công bằng. Tại 2 xã Bản Thi và Xuân Lạc, mô hình quản lý rừng cộng đồng do dự án CARE của Chính phủ úc tài trợ. Dự án đã thành lập 9 nhóm, các nhóm được tập huấn nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ rừng, tổ chức họp các thành viên trong cộng đồng (thôn, bản) để xây dựng quy chế và kế hoạch hoạt động. Quy chế hoạt động được chính quyền cấp huyện công nhận. Dự án đã tiến hành giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng cho các nhóm hộ tới 1.000ha với thời hạn 5 năm. Còn tại 2 xã Văn Minh và Lạng San, dự án CARD đã hỗ trợ 4 thôn với các mô hình vườn ươm cấp thôn, bản; mô hình nông lâm kết hợp. Sau 2 năm triển khai dự án (2006 - 2008), hầu hết các mô hình đều thu được những kết quả khả quan như tình trạng khai thác trái phép giảm hẳn đối với rừng khoanh nuôi, vai trò chức năng của chủ rừng được gắn liền với quyền lợi trong việc thu hoạch sản phẩm từ rừng. Đối với mô hình vườn ươm thôn, bản và nông lâm kết hợp thì hầu hết bà con trong cộng đồng đều thông thạo kỹ thuật ươm cây giống như keo lai, keo tai tượng, cây mỡ..., tổ chức trồng xen canh trên đất dốc giữa cây lâm nghiệp với các loại cây như đỗ tương ĐT96 hoặc ngô NK54, trồng cỏ voi, cỏ ghine làm thức ăn cho gia súc, mục đích lấy ngắn nuôi dài và cải tạo đất, giảm sự tác động vào rừng, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các dự án quản lý rừng cộng đồng còn chú trọng tăng cường tập huấn cho nông dân kỹ thuật làm phân xanh; kỹ thuật trồng mía; kỹ năng thúc đẩy quản lý nhóm; kỹ năng quản lý kinh tế hộ... góp phần nâng cao kiến thức cho cộng động.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì mô hình cộng đồng quản lý rừng cũng còn rất nhiều khó khăn thách thức. Đầu tiên phải kể đến là việc cấp đất cho cộng đồng rất khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải có sự chỉ đạo và vào cuộc của các ngành chức năng. Một thực tế đặt ra làm thế nào để dân nghèo vùng cao được hưởng lợi ích từ rừng, vì quản lý rừng cộng đồng khác hẳn với sử dụng đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp cho thu lợi ngay sau thời gian ngắn, còn đất rừng đòi hỏi quá trình lâu dài. Sản phẩm từ rừng là lâm sản phải có xác nhận về tính hợp pháp mới được lưu thông. Trong khi đó, để hoàn thiện thủ tục khai thác gặp nhiều khó khăn vì cộng đồng thôn, bản chưa phải là chủ thể, đây là thách thức không nhỏ đối với cộng đồng quản lý rừng. Hiện nay, sản phẩm từ rừng cộng đồng được người dân thống nhất phân chia lợi ích mới chỉ là các loại cây màu trồng ngắn ngày, chất đốt, mật ong... cao hơn nữa là lấy gỗ làm nhà có sự nhất trí của cả cộng đồng. Giá trị về bảo vệ môi trường, nguồn nước, giá trị về văn hóa - xã hội... chưa được tính đến, đây là sự thiệt thòi cho người dân tham gia quản lý rừng cộng đồng. Với tiềm năng về rừng, việc giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn, bản quản lý ở Bắc Kạn là hướng đi đầy triển vọng, đúng với trọng tâm phát triển kinh tế rừng đề ra. Hy vọng, mô hình quản lý rừng cộng đồng sớm được nhân rộng, góp phần tạo việc làm cho cộng đồng dân cư ở nông thôn, phủ xanh đất trống đồi núi trọc một cách hiệu quả nhất.

PHAN PHÚC QUÝ


Số lượt đọc:  840  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 03:29:33 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH