Số 3

Người không ngại khó để rừng Bạch Mã mãi xanh

Sinh ra và lớn lên ở xã miền núi Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, anh Cái ánh sớm chứng kiến cảnh từng đoàn người lũ lượt kéo nhau vào rừng kiếm kế sinh nhai, chặt mây, đốn gỗ và săn bắt chim thú. Hàng năm từng cơn lũ hoành hành, mùa màng thất bát do hạn hán, dịch bệnh, người dân sẽ gặp khó khăn hơn nếu cứ tiếp tục vào rừng đốn gỗ. Phải làm gì để giúp dân? Cơ hội đã đến khi cái duyên lâm nghiệp đã gắn anh với trường Trung cấp lâm nghiệp Quảng Ninh, rồi sau đó là công tác ở quê hương, Vườn quốc gia Bạch Mã. Với hiểu biết về chuyên môn và năng khiếu dân ca, âm nhạc địa phương, anh đã phát huy tốt sở trường tuyên truyền bảo vệ rừng thông qua một số bài vè dân gian do mình tự biên soạn. Các vở kịch rối do anh cùng các bạn đồng nghiệp xây dựng và biểu diễn được cộng đồng đánh giá rất cao.

Năm 1993, nhận công tác ở Vườn quốc gia Bạch Mã, anh được bố trí làm việc tại Đội kiểm soát lưu động. Đội kiểm soát lưu động được xem là “quả đấm thép” bởi tính cơ động và nhiệm vụ phối hợp thường xuyên với các trạm kiểm lâm truy quét ngăn chặn các vụ việc xảy ra khi có tin báo. Các điểm nóng như Khe Dớn, Mệ Ơn, Ruộng Cạn, Xóm Mội,... đều thuộc quê hương, nơi có một số anh em họ hàng tham gia chặt cây, chuyển gỗ trái phép. Những lúc chạm trán với người thân, một bên tình cảm họ hàng, một bên là công việc thật khó xử. Việc cương quyết xử lý đúng theo pháp luật khiến anh bị cô độc, trách mắng, thậm chí còn bị la rầy bởi người thân trong gia đình, họ hàng. Với sự kiên trì của một người có tâm huyết với núi rừng Bạch Mã, thông qua tuyên truyền, vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” dần dần bà con hiểu được giá trị của núi rừng đối với cuộc sống, sản xuất. Nhiều người hiểu được mình và từ bỏ cuộc sống “sáng núi, tối chợ” để tập trung nghề nông hoặc buôn bán nhỏ lẻ. Thành công của anh xuất phát từ cái tâm, lòng yêu nghề và hiểu biết của chính mình để cảm hóa dần dần bà con lối xóm. Công tác tại đội kiểm soát lưu động được ba năm, tình hình khai thác gỗ ván thuyền nổi lên ở địa bàn xã Lộc Hòa. Anh được tăng cường lên Lộc Hòa công tác. Để tạo thuận lợi cho công việc anh đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con để đi sâu tuyên truyền vận động, đồng thời nắm bắt thông tin của các đối tượng chuyên mua bán, vận chuyển trái phép gỗ ván thuyền trong khu vực. Nhờ hiểu được nhiều mánh khóe của những kẻ phá rừng anh và đồng đội đã dập tắt được nạn khai thác, vận chuyển ván thuyền trái phép nơi đây. Anh luôn là lá cờ đầu trong chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. Là người có khiếu hài hước, đi đến đâu anh cũng tạo được bầu không khí vui vẻ và gây được cảm tình. Được mệnh danh là “cây hài của Bạch Mã”, nhiều lần tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng, vượt đèo, lội suối anh em rất mệt, anh pha vào nhiều câu chuyện vui làm vơi đi nỗi mệt nhọc. Anh còn tham gia sáng tác nhiều câu chuyện, bài thơ, câu hò, điệu vè mang những thông điệp bảo vệ rừng. Tác phẩm vè “sinh thái” do anh sáng tác được phổ biến nhiều lần thông qua các dịp giao lưu hay biểu diễn văn nghệ quần chúng ở vùng đệm Bạch Mã.

Với năng lực trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, anh được đề bạt lên làm trạm trưởng trạm số 1, khu vực đỉnh Bạch Mã; rồi chuyển đến trạm trưởng trạm Coldebay là trạm đóng tại vùng xa thị trấn nhất (20km đi bộ từ Khe Tre, huyện Nam Đông). Năm 2008, Trạm phát hiện và thu giữ hơn 15m3 gỗ kiền và lim. Một kỷ niệm đáng nhớ được anh kể cho chúng tôi: lúc 2 giờ sáng ngày 17/3/2009 nhận được tin báo có gỗ vận chuyển trái phép từ thác Chamăng ra vịnh đèo số 5. Lúc này anh em trạm chỉ còn 4 người, lực lượng quá mỏng nên anh liên lạc, phối hợp với trạm kiểm lâm số 6 cách 5km. Đợi đến 2 giờ 30 phút thì đối tượng kéo gỗ ra. Anh phát lệnh tấn công bất ngờ nên bọn chúng không kịp trở tay, bỏ chạy. Lúc này lực lượng kết hợp vẫn chưa vào, anh em tập kết lại toàn bộ số gỗ đã bắt được. Đến khoảng 3 giờ sáng, bọn lâm tặc uất ức vì mất gỗ nên chúng kéo nhau trở lại. Tưởng lực lượng kết hợp vào hỗ trợ, nào ngờ lâm tặc quay vào tấn công hòng để cướp lại số gỗ. Bọn chúng dọa nạt, lăng mạ rồi ném đá xối xả vào anh em kiểm lâm. Trước tình thế đó anh rất quả cảm và kiên quyết bảo vệ tài sản bằng được. Sau một hồi xung đột, bằng sự kiên quyết và tinh thần dũng cảm cuối cùng các đối tượng đã bỏ chạy. Tuy nhiên các cán bộ kiểm lâm đã bị thương, phần anh bị thương trên đầu phải khâu hai mũi, nhân viên trạm bị khâu hai mũi ở lỗ tai và nhiều vết thương bầm tím trên người bởi những trận mưa đá không thể tránh được của bọn lâm tặc.

CÔNG CHÁNH - VŨ LINH


Số lượt đọc:  142  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 03:19:59 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH