Số 3

Gây tạo trầm hương ở Việt Nam

Trầm hương là phần gỗ của cây dó có nhiễm dầu, tên khoa học là Aquilaria, tên thương mại là Agarwood.. Trong quá trình sinh trưởng, do những tác động nào đó, gây ra những "tổn thương", lâu ngày tích tụ một chất dạng nhựa (dầu), rồi lan dần ra, làm biến đổi các phân tử gỗ, tạo nên nhiều màu sắc như: đen, nâu, chàm, xám; nhiều tính chất cứng, mềm, dẻo, dòn...; nhiều mùi vị như đắng, cay, chua, ngọt; nhiều hình dáng giống hình tròn, xoắn, nhọn, dài...; và ở nhiều vị trí của thân, cành, rễ trong cây dó.

Trầm hương dễ cháy, khi đốt tỏa mùi rất thơm. Nhiều nước phương Đông có tập quán đốt trầm hương hoặc nhang sản xuất từ trầm hương trong dịp cúng lễ tổ tiên, đất trời, thần thánh; đốt trầm hương để chữa bệnh, trừ tà, tạo sự may mắn, hưng phấn. Một số tôn giáo đốt trầm hương trong các nghi lễ được xem là vật giao lưu truyền cảm giữa con người của thế giới thực tại với thế giới thần linh.

Theo các nhà phân loại thực vật thì chỉ loài dó Aquilaria thuộc họ trầm hương "Thymelaceae" mới có khả năng cho trầm hương. Chi Aquilaria thuộc họ trầm hương, có 3 loài dó được định danh là Aquilaria crassna (cây dó bầu); Aquilaria baillonii (cây dó baillonii); Aquilaria banaensis (cây dó Bà Nà). Dó bầu là cây trung tính, lúc nhỏ ưa bóng, khi lớn thiên về sáng, mọc rải rác trong các khu rừng ẩm nhiệt đới nguyên sinh hoặc thứ sinh, xanh quanh năm, sống thích hợp trong rừng hỗn giao, cây lá rộng. Cây dó bầu có thể tái sinh bằng chồi hoặc bằng hạt, sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 22 - 29oC; lượng mưa hàng năm trên 1.200mm; độ ẩm >80%. Cây tập trung ở độ cao 500 -700m, độ dốc trên 25o. Loài dó có khả năng cho trầm là cây bản địa, phân bố tập trung ở vùng núi Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, vùng Bảy núi tỉnh An Giang.

Ngày xưa trầm hương là sản vật rất quý hiếm và có giá trị. Theo đông y, trầm hương là vị thuốc quý. Trong tác phẩm" những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS Đỗ Tất Lợi và nhiều tài liệu khác về dược liệu, đông y đều cho rằng trầm hương là dược liệu quý, sử dụng trong hàng trăm bài thuốc y học cổ truyền, chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Theo tây y, trầm hương có tính kháng sinh, tạo kháng thể mạnh (diệt khuẩn, làm lành vết thương), có tác dụng chữa một số bệnh như bệnh về tim mạch (suy tim, đau ngực), bệnh về hô hấp (hen suyễn), bệnh về thần kinh (an thần, mất ngủ, giảm đau, trấn tĩnh...), bệnh về tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy), bệnh về tiết niệu (bí tiểu tiện). Đặc biệt gần đây các nhà các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Oklahoma cho biết tinh dầu trầm hương có thể là liệu pháp chữa trị hữu ích đối với căn bệnh ung thư bàng quang. Ngày nay trầm hương vẫn được coi là lâm sản có giá trị thương mại quốc tế cao. Bảo tồn và phát triển loài cây có giá trị đặc biệt này là cấp thiết. Từ những năm cuối của thập niên 80, một số người chuyên đi tìm trầm đã đưa cây dó bầu từ rừng tự nhiên về trồng trong vườn nhà và đến những năm cuối thập niên 90, đã tạo ra trầm hương trên cây dó trồng. Cây dó được trồng rải rác ở các tỉnh miền Trung và một số dự án, đề tài nghiên cứu về cây dó và trầm hương được khởi động.

Từ thực tiễn và nghiên cứu của các nhà khoa học đã thu được kết quả bước đầu rất khả quan, mở ra hướng phát triển ngành sản xuất trầm hương nhân tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, trồng cây dó, tạo trầm hương còn quá mới mẻ, còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo ghi nhận của Hội trầm hương Việt Nam, diện tích trồng cây dó bầu cả nước hiện nay khoảng 15.000 - 18.000ha (tương ứng với 15 - 18 triệu cây dó từ 1 năm tuổi trở lên). Nơi có diện tích cây dó bầu nhiều nhất là Hà Tĩnh khoảng 3.000ha, Bình Phước 1.000ha, Quảng Nam 1.000ha. Thách thức với người trồng cây dó lấy trầm là: Thứ nhất, cần có vốn lớn và đầu tư dài hạn, trong khi các ngân hàng không khuyến khích cho vay dài hạn; Thứ hai, chu kỳ sản xuất tương đối dài (10 năm), sản phẩm tạo ra không phải là sản phẩm thiết yếu cho đời sống, công nghệ tạo trầm kém chưa tạo ra sản phẩm đồng loạt; Thứ ba, thông tin về thị trường chưa nhanh nhạy và chưa có định hướng rõ ràng về số lượng và thị trường tiêu thụ. Ngoài ra còn một số thách thức khác như chất lượng, số lượng cây giống, sự tương thích giữa các cây trồng xen, bệnh của cây, tạo trầm chất lượng cao...

Trồng cây dó, tạo trầm hương, chế biến, xuất khẩu là động lực trực tiếp thúc đẩy các tổ chức và cá nhân đầu tư vào ngành sản xuất mới này. Thật hấp dẫn và lý tưởng đối với sản xuất lâm nghiệp, trồng cây dó, tạo trầm hương có thể làm ra giá trị bình quân 150 - 180 triệu một hécta mỗi năm, trong đó lợi nhuận đạt từ 50 - 60%. Sản phẩm trầm hương, nhất là tinh dầu có thị trường tiềm năng rộng lớn vì đó là là nguyên liệu có nguồn gốc thảo dược quý hiếm mà ngành hương liệu, mỹ phẩm hướng tới để cho ra những sản phẩm có giá trị. Các ngành đông y, dược phẩm dùng trầm hương chữa bệnh nan y. Các lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là đạo Hồi và đạo Phật có nhu cầu sử dụng trầm hương ngày càng nhiều. Đây chính là thị trường hiện thực, lý tưởng. Hiện nay và những năm tiếp theo khối lượng trầm hương mua bán trên thị trường sẽ giảm sút nghiêm trọng do nguồn cung cấp từ thiên nhiên cạn kiệt và bị ràng buộc bởi sự kiểm soát của Chính phủ các nước và Công ước buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nên cung cách xa cầu, làm cho giá cả ngày càng tăng lên. Điều này thật sự có lợi cho ngành sản xuất trầm hương nhân tạo. Một kilôgam kỳ nam ở thập niêm 80 có giá từ 1.500 - 5.000USD, nay tăng lên 15.000 - 50.000USD (tùy theo loại); trầm hương loại một từ 800 -1.200USD, nay tăng lên khoảng 7.000 - 8.000USD/kg; các loại khác cũng có mức tăng từ 10 đến 15 lần. Tinh dầu trầm hương hiện nay tùy theo chất lượng, xuất xứ và công nghệ sản xuất, có mức chào bán từ 5.000 đến 80.000USD/lít. Thị trường mua bán trầm hương và các sản phẩm trầm hương chủ yếu là Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore ...

Việc khai thác trầm hương vào những thập niên cuối của thế kỷ 20 có tính chất hủy diệt cây dó, làm cho nguồn cung cấp trầm hương trên thị trường ngày càng cạn kiệt. Năm 1993, Indonesia khai thác và xuất khẩu hơn 661 tấn thì năm 1997 chỉ còn 302 tấn; tương tự Malaysia từ 43,6 tấn còn 21,6 tấn; Campuchia năm 1995 khai thác và xuất khẩu 133,8 tấn thì 3 năm sau chỉ còn 13,2 tấn; ấn Độ năm 1995 xuất khẩu 15,1 tấn thì năm 1997 chỉ còn 1,4 tấn. ở Việt Nam, từ năm 1986-1990, khai thác và xuất khẩu khoảng 1.163,9 tấn trầm hương. Nhưng cũng giống như các nước khác là số lượng loài này ngày càng giảm sút. Công nghệ chiết xuất dầu của Việt Nam còn yếu, đa phần sản phẩm Việt Nam xuất khẩu là sản phẩm thô (miếng, mảnh chiếm 95%, dạng gỗ chiếm 3%, dạng bột chiếm hơn 1% và tinh dầu dưới 1%). Chính vị vậy, từ những thành công bước đầu về trồng cây dó tạo được trầm, cùng với khát khao làm giàu chính đáng, tính năng động sáng tạo của người Việt Nam sẽ là cơ hội cho ngành sản xuất trầm hương nhân tạo nước ta phát triển và đi lên.

TRẦN THỊ VIÊT THANH


Số lượt đọc:  1432  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 03:25:57 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH