Số 3

Chi trả dịch vụ môi trường: Cơ hội cho bảo vệ, phát triển rừng tại Quảng Trị

Việc chi trả dịch vụ môi trường (PES: Payment for Environment Services) là một hình thức đã được áp dụng tại một số nước trên thế giới, tuy nhiên nó là một khái niệm còn khá mới mẻ đối với Việt Nam. PES có thể được hiểu là việc chi trả phí dịch vụ mà môi trường mang lại. Hiện nay dịch vụ môi trường được được chia ra làm 4 loại là: Chức năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan và hấp thụ các bon. Như vậy trên cơ sở cam kết tham gia hợp đồng có sự ràng buộc về mặt pháp lý người bán sẽ tạo ra các hàng hóa dịch vụ môi trường thông qua việc bảo vệ, duy trì và cải thiện hệ sinh thái và người mua là người phải trả tiền hoặc bằng các hình thức hỗ trợ khác cho người bán để được hưởng thành quả mà người bán tạo ra. Với cách làm này nếu chỉ xét đến dịch vụ môi trường có từ rừng thì phần lớn người dân và cộng đồng sống có cuộc sống gắn liền với rừng sẽ có thể được hưởng lợi trực tiếp từ dịch vụ do họ mang lại cho xã hội thông qua việc gây trồng và bảo vệ rừng.

Tại Quảng Trị với đặc điểm địa hình có độ dốc lớn, hệ thống sông nhiều nhưng ngắn và dốc, khí hậu khắc nghiệt thì rừng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với môi trường và cuộc sống của nhân dân. Với độ che phủ của rừng cho đến nay lên đến 45,4% thì dịch vụ môi trường do rừng Quảng Trị đem lại là cực to kỳ lớn. Tuy nhiên việc duy trì và bảo vệ rừng phần lớn là do cộng đồng dân cư sống ở vùng núi nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao. Do vậy cần xác định giá trị kinh tế, những lợi ích của rừng đem lại làm căn cứ để thanh toán từ những người hưởng lợi cho những dịch vụ do rừng mang lại để đền bù và giúp đỡ những người bảo vệ, phát triển rừng, từ đó duy trì việc cung cấp những dịch vụ môi trường từ rừng. Nếu xét đến tiềm năng thu phí dịch vụ môi trường hiện nay tại Quảng Trị thì phí dịch vụ môi trường có thể được thu thông qua các hoạt động sau:

- Thu phí bảo vệ môi trường: Thu của các nhà máy, xí nghiệp lớn như nhà máy điện, xi măng, nhà máy sắn, khu thương mại...

- Thu phí tham quan du lịch sinh thái và lịch sử: Với một hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, nhiều danh thắng đẹp nổi tiếng và hấp dẫn: Đôi bờ Hiền Lương, Địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, Đường 9 - Khe Sanh, Tổ Đình Sắc Tứ, Nhà thờ La Vang; Bãi tắm Cửa Tùng, Cửa Việt; Hệ thống các Khu bảo tồn thiên nhiên: Đakrông, Bắc Hướng Hóa, đường Hồ Chí Minh, rừng nguyên sinh Rú Lĩnh, Trằm Trà Lộc. Thêm vào đó với thế mạnh thiên nhiên ban tặng, nằm ở vị trí đầu cầu về phía Việt Nam trên tuyến hành lang Đông - Tây nối với các nước Lào, Thái Lan, Myanma..., Quảng Trị là điểm giữa của “Con đường di sản miền Trung” và “Con đường huyền thoại”. Chính các yếu tố này là điều kiện thuận lợi mời gọi du khách trong nước cũng như quốc tế và cũng là một tiềm năng lớn để thu chi phí dịch vụ môi trường.

- Thu phí sử dụng tài nguyên nước: Quảng Trị có 3 hệ thống sông chính là Bến Hải, Thạch Hãn và Ô Lâu với trên 60 phụ lưu khác có chiều dài trên 250km. Có các công trình thủy lợi, thủy điện như: Công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn; hồ chứa nước Trúc Kinh, Bảo Đài, La Ngà; Công trình thủy lợi, thủy điện Rào Quán.

Tuy nhiên để thực hiện được điều này cần được hỗ trợ bởi các khung pháp lý về thể chế và chính sách cụ thể giữa người mua, người bán và xây dựng cơ chế tài chính thu, chi lập quỹ mà có thể bao gồm cả các loại thuế, phí và lệ phí. Tuy nhiên hiện nay Nhà nước là cơ quan duy nhất quy định mức thu phí và lệ phí và toàn bộ số tiền thu được đều là nguồn thu ngân sách các cấp do đó liệu cộng đồng, cá nhân có thể giữ lại số tiền thu từ dịch vụ môi trường này không đó vẫn còn là vấn đề hóc búa. Thêm vào đó đã là thỏa thuận, hợp đồng mua bán thì liệu chi trả dịch vụ hệ sinh thái có thể được tính theo thuế phí, hay lệ phí hay không mà nó phải được tính trên cơ sở giá cả thị trường của sản phẩm dịch vụ đó.

Chi trả dịch vụ môi trường thực sự là một vấn đề mới, khá phức tạp, đặc biệt là các nhà quản lý. Để thực hiện cơ chế PES đòi hỏi việc xác định rõ ràng quyền sở hữu, đối tượng cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ và cần đánh giá được đầy đủ giá trị trực tiếp, gián tiếp do dịch vụ môi trường đem lại. Ngày 10/4/2008, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg ban hành chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện thí điểm tại các tỉnh Lâm Đồng, Sơn La, Đồng Nai, Hòa Bình, Bình Thuận, Ninh Thuận và thành phố Hồ Chí Minh. Sau 2 năm thực hiện thí điểm, cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để áp dụng chung trên phạm vi cả nước. Điều này khiến ta có thể hy vọng rằng chi trả dịch vụ môi trường thực sự là một cơ hội cho công tác bảo vệ phát triển rừng tại Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung.

VĂN NGỌC THẮNG


Số lượt đọc:  404  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 03:16:59 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH