Số 5

Tỷ phú trẻ nhờ trồng rừng ở Con Cuông

“ Trong khi không ít bạn trẻ hết vào Nam, ra Bắc kiếm công ăn việc làm, nhưng rốt cuộc vẫn hai bàn tay trắng, thì không ít bạn trẻ ở lại quê hương vay vốn ngày đêm miệt mài trồng rừng nguyên liệu. Những giọt mồ hôi của họ đổ xuống tưới mát cho những cánh rừng xanh, không phụ công người, rừng đã đưa họ lên tỷ phú, tỷ phú nhờ trồng rừng nguyên liệu”.

Gương sáng giàu lên nhờ trồng rừng.

Nếu như 5 năm trước đây, ở Con Cuông có những thủ lĩnh của Đoàn vừa giỏi công tác thanh niên lại tích cực làm gương, đi đầu lập trang trại để trồng rừng và phát triển chăn nuôi Như: Lô Tấn Thật (nguyên Bí thư đoàn xã Mậu Đức) hay Vi Thanh Hải Bí thư đoàn xã Đôn Phục... Họ đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, dốc sức khai sơn, phá thạch mở hướng làm ăn mới. Anh Thật đã là chủ của hơn chục hécta rừng vừa tái sinh vừa trồng mới rừng nguyên liệu giấy lấy cây mét (luồng) và cây keo lá tràm làm chủ lực. Phương châm lấy ngắn nuôi dài, Thật vừa kết hợp nông - lâm - ngư, sản xuất lương thực, kết hợp chăn nuôi trâu, bò, cá để mưu “nghiệp lớn trồng rừng”. Còn Vi Thanh Hải lại chọn vừa khai hoang thêm ruộng lúa, để tự túc đủ lương thực, kết hợp trồng rừng và phát triển chăn nuôi đàn gia súc, sau 5 năm lập trại, đến nay các anh đã có một cơ ngơi khá, hơn chục hécta mét đã cho thu hoạch, đàn trâu hơn chục con, cho thu nhập ổn định 30 - 50 triệu đồng/năm, tạo hậu phương vững chắc để các anh yên tâm công tác xã hội. Noi gương các anh, tuổi trẻ Mậu Đức, Đôn Phục đã mạnh dạn trồng rừng, làm cho phong trào trồng rừng ở Con Cuông mấy năm nay vượt kế hoạch hơn 200%, góp phần đưa độ che phủ rừng Con Cuông lên 73,6%, cao nhất tỉnh Nghệ An.

Xuất hiện thêm những tỷ phủ trẻ nhờ trồng rừng.

Theo lời giới thiệu của các đồng chí trong Ban Thường vụ huyện đoàn Con Cuông, chúng tôi đi thăm những gương mặt trẻ biết mở hướng làm ăn, gắn bó với quê hương. Vượt hơn 30 kilômét đường rừng, chúng tôi có mặt tại bản Chôm Lôm (Lạng Khê), thăm mô hình trồng rừng của anh Lô Văn Huỳnh. Sau hai năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về quê hương. Anh mạnh dạn vay ngân hàng chục triệu đồng, lúc đầu anh mua một con trâu nái sinh sản, số còn lại anh đầu tư khai hoang mở ruộng và mua giống cây trồng mét và keo lá Tràm. Nhờ công chăm bón, rừng không phụ công anh. Bây giờ anh đã có một rừng mét bắt đầu cho khai thác và một rừng keo với hàng ngàn cây to thẳng và đàn trâu, bò hơn chục con. Chúng tôi nhìn trang trại của anh, một cơ ngơi không nhỏ, cứ tính mỗi cây mét bán cho cơ sở chế biến đũa tre xuất khẩu với giá 8-10.000 đồng, mỗi năm bán ra 200 - 300 cây cũng có một số tiền kha khá. Rừng keo to thẳng chỉ vài năm nữa cứ tính mỗi cây 30.000 đồng, với hàng ngàn cây kia sẽ đưa anh lên tỷ phú. Chưa kể đến chăn nuôi và trồng trọt mỗi năm cũng có thêm vài ba chục triệu đồng. Rời bản Chôm Lôm, chúng tôi xuôi về Xã Chi Khê, đến bản Chằn Nằn thăm trang trại anh Moong Thanh Tĩnh. Khác Với Lô Văn Huỳnh, do đất đai ở đây trồng mét cho cây nhỏ, không hiệu quả. 5 năm trước anh đầu tư trồng 5ha keo lá tràm, vừa qua thu bán được 75 triệu đồng/ha. Việc đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy, lấy cây keo lá tràm làm cây chủ lực. Sức trẻ và lòng nhiệt tình, chí làm giàu ngay trên mảnh đất mình sinh ra, nhiều thanh niên đem bao công sức phát dọn, thuê người đào hố, trồng cây, trồng rừng kinh tế. Anh Tĩnh cho chúng tôi biết: vụ xuân vừa rồi gia đình anh đã trồng mới thêm 3,5ha, bây giờ đã có gần chục hécta cây keo, cây nào cũng tốt xanh, thẳng hàng, chỉ vài năm nữa, khi nhà máy giấy Tân Hồng ngay sát khu rừng của anh đi vào hoạt động, anh sẽ cung cấp nguyên liệu cho nhà máy và chẳng cần phải tính toán nhiều, gần chục hécta rừng kia cho anh cả tỷ đồng. Nhận thức rõ về giá trị của rừng trồng. Hai năm nay ở huyện Con Cuông mà chủ lực là thanh niên đã mạnh dạn phá bỏ những khu rừng nghèo dây chạc, lau lách, đưa cây mét, cây keo vào trồng thay thế. Năm 2007, rừng nguyên liệu được trồng gần 2.000ha; Năm 2008 tăng lên 2.400 ha, năm 2009 sẽ còn tăng nhiều hơn bởi khắp nơi trong huyện chỗ nào đất trống được đưa cây keo vào trồng ngay. Không chỉ có người Thái, người Kinh trồng, mà người Đan Lai vốn xưa nay quen chặt phá, giờ họ cũng đã biết trồng rừng. Đa số diện tích rừng trồng có thể do cha mẹ đứng tên, nhưng lại do Thanh niên trồng và bảo vệ. Câu nói: “cho con 100 nén bạc, không bằng để lại cho con 100 bụi mét” đến bây giờ mới được các bạn trẻ làm sáng rõ hơn. Họ tích cực trồng cây, trồng rừng và rừng đã cho họ thoát khỏi đói nghèo, trở thành những tỷ phú trẻ như: Thật, Hải, Tĩnh, Huỳnh... và còn bao nhiêu người khác nữa...

Phùng Văn Mùi


Số lượt đọc:  757  -  Cập nhật lần cuối:  30/07/2009 07:36:26 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH