Số 5

Tin hoạt động

Cục Kiểm lâm chủ trì Hội nghị khói mù xuyên biên giới các nước ASEAN. Ngày 4/6/2009, tại Hà Nội, Cục Kiểm lâm phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội nghị lần thứ 4 ủy ban thường trực Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, với sự tham gia của 8 nước thành viên Brunei, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trước đó, ngày 02-03/6/2009, tại Hà Nội, Cục Kiểm lâm đã tổ chức cuộc họp nhóm công tác kỹ thuật tiểu vùng sông Mê Kông về kế hoạch hành động cho tiểu vùng và Hội nghị nhóm công tác kỹ thuật tiểu vùng sông Mê Kông lần thứ 3 (TWG-3) về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị khẳng định: Hiện Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Song Việt Nam vẫn cam kết dành mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện tốt những hoạt động về quản lý rừng bền vững, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng, trong đó công tác phòng cháy chữa cháy rừng luôn được quan tâm hàng đầu. Tại cuộc họp này, các đại biểu ủy ban thường trực thực hiện hiệp định đã thảo luận, đề xuất, thống nhất tất cả các nội dung trong chương trình nghị sự, thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác của các quốc gia trong khu vực Đông Nam á, nhằm đạt được những bước tiến quan trọng trong việc hợp tác giữa các nước giải quyết vấn đề ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Các thành viên cam kết cùng nhau hợp tác trong việc triển khai và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và quan trắc ô nhiễm khói mù xuyên biên giới do cháy đất hoặc cháy rừng, nhằm kiểm soát các nguồn gây cháy. Bao gồm việc xác định các đám cháy, triển khai quan trắc, hệ thống đánh giá và cảnh báo sớm, trao đổi thông tin và công nghệ, cũng như cung cấp hỗ trợ lẫn nhau. Khi ô nhiễm khói mù xuyên biên giới bắt nguồn trong phạm vi lãnh thổ của mình, lập tức phản hồi yêu cầu về các thông tin hoặc ý kiến tư vấn liên quan cho một bên hoặc các bên có thể phải chịu tác động của ô nhiễm. Tại Việt Nam, để thực hiện hiệu quả Hiệp định ASEAN, khắc phục triệt để tình trạng khói mù trong nước và xuyên biên giới, trong thời gian qua, Việt Nam rất quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, từ việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đến việc tổ chức lực lượng, tăng cường các biện pháp cấp bách về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo quốc gia từ Trung ương đến địa phương với hơn 20.000 nhóm bảo vệ rừng cộng đồng, hơn 4.000 kiểm lâm viên hỗ trợ các địa phương, hơn 11.000 trạm theo dõi. Kể từ năm 2002, khi Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới được thông qua, các nước ASEAN đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động khẩn cấp có hiệu quả, tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới do cháy rừng đã giảm căn bản; trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Trong thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều hành động và biện pháp khác nhau, trong đó đã ứng dụng thành công công nghệ viễn thám để kiểm soát và giảm thiểu cháy rừng, góp phần quan trọng vào việc không ngừng nâng cao độ che phủ rừng trên toàn quốc, đồng thời cam kết tham gia tích cực các hoạt động hợp tác quốc tế với các nước trong vùng và trong khu vực, đặc biệt là với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê kông.

Kỷ niệm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam. Kỷ niệm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam 21/5 tại nhiều đơn vị kiểm lâm trong cả nước đã phát động phong trào thi đua và tổ chức lễ kỷ niệm trang trọng. Tại Hà Nội, Cục Kiểm lâm tổ chức lễ kỷ niệm 36 năm ngày thành lập Kiểm lâm Việt Nam gắn với tổng kết thi đua và khen thưởng. Tại Sơn La, Kiểm lâm Sơn La phát động phong trào thi đua và thi đấu thể dục thể thao rộng khắp trong tất cả các đơn vị kiểm lâm toàn tỉnh nhân kỷ niệm 35 năm (21/5/1974 -21/5/2009) ngày thành lập Kiểm lâm Sơn La. Lễ kỷ niệm trang trọng gắn với việc tổng kết các phong trào thi đua và khen thưởng. Tại Thừa Thiên Huế, Chi cục Kiểm lâm tổ chức tọa đàm nhân kỷ niệm 34 năm ngày thành lập (21/5/1975 - 21/5/2009) nhằm ôn lại truyền thống của lực lượng và vai trò trong công cuộc bảo vệ rừng. Tại Hậu Giang: Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang tổ chức kỷ niệm 36 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm, 5 năm thành lập Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang. Nhân dịp này, Chi cục đã Quyết định điều động cán bộ công chức kiểm lâm về công tác ở 2 hạt kiểm lâm huyện mới được thành lập. Việc thi đua hướng đến ngày thành lập lực lượng kiểm lâm hàng năm giúp cán bộ, công chức kiểm lâm phấn khởi, rèn luyện sức khỏe, tích lũy kinh nghiệm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Khánh thành khu nuôi gấu bán hoang dã đầu tiên ở Việt Nam. Ngày 14/5/2009, tại Vườn quốc gia Tam Đảo, Tổ chức động vật châu á (AAF) và Vườn quốc gia Tam Đảo, Cục Kiểm lâm tổ chức lễ khánh thành khu bán hoang dã đầu tiên dành cho gấu tại Việt Nam. Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam rộng 12ha đã và đang được xây dựng tại thung lũng Chắt Dậu trong Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là dự án hợp tác giữa AAF với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với mục tiêu cứu hộ và nuôi dưỡng các cá thể gấu bị sắn bắt và nuôi nhốt trái phép. Sau một năm đi vào hoạt động, hiện Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam đang nuôi dưỡng, chăm sóc 24 cá thể gấu. Là một phần của dự án Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, khu nhà gấu đôi được xây dựng và hoàn thiện trong 7 tháng, bao gồm hai dãy chuồng với 12 chuồng nuôi gấu mỗi dãy, mở ra khuôn viên bán tự nhiên rộng 2.500m ở mỗi bên, một bên dành cho gấu ngựa và bên kia dành cho những cá thể gấu chó. Khuôn viên bán tự nhiên được thiết kế nhằm khuyến khích hoạt động tự nhiên của gấu với bể bơi đá, cây và các giàn khung cho gấu leo trèo. Trung tâm đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải hiện đại nhất. Tất cả chất thải của gấu và người được xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải thân thiện với môi trường không sử dụng hóa chất. Sau khi hoàn thành, Trung tâm có khả năng tiếp nhận và chăm sóc khoảng 200 đến 250 con gấu. Hiện, Trung tâm có 35 nhân viên, trong đó có cả một đội ngũ chuyên gia thú y nước ngoài chuyên chăm sóc gấu.

Gia Lai: Ký kết quy chế phối hợp bảo vệ rừng. Quy chế phòng ngừa, điều tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên được ký kết ngày 07/5/2009 giữa Chi cục Kiểm lâm Gia Lai và Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Gia Lai. Đây là sự cụ thể hóa Quy chế phối hợp số 1188/QCPH/KL ngày 10/12/2008 giữa Cục cảnh sát môi trường - Bộ Công an và Cục Kiểm lâm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo quy chế, hai bên sẽ hiệp đồng công tác trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi lực lượng, đảm bảo đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị của cấp trên; đồng thời bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện nhiệm vụ được giao, không làm hạn chế đến nhiệm vụ và công việc nội bộ của từng đơn vị; đảm bảo chế độ bí mật về lực lượng, phương tiện, biện pháp tài liệu nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và quy chế bảo mật của các bên. Hai bên thực hiện phối hợp cùng cấp và bảo đảm sự chỉ huy, chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của từng lực lượng từ tỉnh đến cấp xã trong các hoạt động: Thanh tra, kiểm tra, điều tra, lập hồ sơ vi phạm, hỗ trợ lực lượng, phương tiện; thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau để kịp thời nắm bắt tình hình và thống nhất biện pháp xử lý các vụ việc được phát hiện và các tình huống có liên quan nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, thống nhất hành động của hai lực lượng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, điều tra và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, hủy hoại rừng, bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm và bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao.

Trương vũ cường

Chi cục Kiểm lâm Gia lai

Quảng Ngãi: Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về rùa. Từ ngày 21- 23/4/2009 Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam mở lớp tập huấn nâng cao nhận thúc về rùa. Tham dự khóa học có 20 cán bộ kiểm lâm, 2 cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh; 2 cán bộ Chi cục thú y. Nôi dung khóa tập huấn rất thiết thực bổ ích đối với các lực lượng đang làm công tác bảo vệ động vật hoang dã. Các học viên được trang bị kiến thức về kỹ năng nhận dạng các loài rùa ở Việt Nam, các loài tập trung ở Trung bộ (Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi đã chuyển giao cho Trung tâm 6 cá thể rùa Trung bộ hồi tháng 01/2009, được Trung tâm đánh giá tích cực trong việc bảo vệ các loài rùa), kỹ năng về phỏng vấn điều tra thực địa các loài rùa, thảo luận các phương pháp gây nuôi sinh sản các loài rùa; thực hành các phương pháp đo đạc, bản đồ và sử dụng GPS. Cuối khóa học các học viên được cấp chứng chỉ, đây là lớp tập huấn đem lại kiến thức bổ ích giúp cho việc thực thi nhiệm vụ bảo vệ động vật hoang dã đạt hiệu quả cao.

Nguyễn Đại

Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi

Phú Thọ: Mở lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ kiểm lâm. Ngày 7/4/2009, Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ phối hợp với Trường cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn I tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ ngạch kiểm lâm viên chính cho 45 cán bộ kiểm lâm ở các đơn vị trực thuộc. Tới dự buổi khai giảng có lãnh đạo Cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cùng đại diện 2 cơ quan phối hợp. Trong thời gian 3 tháng, các học viên được bồi dưỡng 3 chuyên đề, gồm: Quản lý hành chính nhà nước; pháp luật ứng dụng trong quản lý và nghiệp vụ kiểm lâm. Lớp học còn dành thời gian để học viên thảo luận và được giải đáp mọi thắc mắc nhằm đạt được mục đích nâng cao trình độ quản lý và nghiệp vụ chuyên môn để có thể thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng hiệu quả hơn. Kết thúc khóa học (ngày 07/7/2009), tất cả các học viên được cấp chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch kiểm lâm viên chính. Đây là một trong những điều kiện để học viên dự thi, xếp nâng ngạch kiểm lâm viên chính theo quy định.

Minh Huệ

Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ

Đoàn WWF làm việc tại tỉnh Hậu Giang. Theo đề xuất của một số tổ chức trong ngoài nước về việc xây dựng Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Cửu Long, ngày 17/3/2009, Đoàn chuyên gia Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã đến làm việc tại tỉnh Hậu Giang và tổ chức khảo sát tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Theo báo cáo của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, với diện tích tự nhiên là 2.805,37ha, nơi đây có hệ sinh thái đất ngập nước ngọt còn sót lại duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, với 330 loài thực vật, 206 loài bò sát, chim, thú, ếch nhái , 61 loài cá... Tuy nhiên, do hệ thống kênh thủy lợi khá nhiều và tình trạng dân cư còn sinh sống trong rừng Đoàn kiểm tra đề xuất UBND tỉnh cần chủ trì tổ chức hội thảo khoa học với sự tham gia của các Bộ, ngành, các Viện, Trường và chuyên gia quốc tế để xác định mục tiêu bảo tồn vùng đất này.

Cẩm Ướt

Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang

Kon Tum: Tuyên truyền pháp luật cho người dân. Ngày 28/4/2009, tại xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "tuyên truyền trực tiếp pháp luật" cho nhân dân thôn 4, 5 của xã Tân Lập. Nội dung tuyên truyền bao gồm các văn bản luật trong đó có Luật bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; về giao đất, giao rừng; quy định về kiểm tra, kiểm soát lâm sản... Đây là hoạt động phối hợp tuyên truyền trực tiếp pháp luật cho dân được Hội Nông dân và Chi cục Kiểm lâm Kon Tum tổ chức hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh.

Thùy Nhiên

Gắn kết bảo vệ rừng, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo: Các vấn đề và hướng tiếp cận tại Việt Nam. Hội thảo do Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp, Tổ chức nông lâm thế giới tại Việt Nam (ICRAF)- Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế tại Việt Nam (CIFOR), Văn phòng điều phối hỗ trợ ngành lâm nghiệp (FSSP) diễn ra trong 3 ngày (từ 4-6/3/2009) tại Hà Nội. Hội thảo thu hút được rất nhiều nhà khoa học, nhiều đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước, các tổ chức phi Chính phủ như UNDP, WWF, Care International, Winrock International. Vấn đề chính Hội thảo đề cập đến là kinh nghiệm và cách tiếp cận bảo tồn rừng các nước Đông Nam á nói chung và rừng Việt Nam nói riêng, kết quả về việc thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam, qua đó rút ra được những bài học để giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có chính sách tiếp theo phù hợp. Nhiều nhà khoa học đề nghị nên xây dựng mạng lưới quốc gia về chi trả dịch vụ môi trường rừng và thống nhất cơ chế trợ giúp của các bên liên quan cho người dân địa phương - lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ. Mô hình thí điểm phát triển kinh tế rừng tại Cao Phong - Hòa Bình là một ví dụ sinh động cho thấy người dân đã tham gia bảo vệ rừng và lợi ích kinh tế từ đồi rừng mang lại giúp nhiều hộ thoát nghèo. Hội thảo thật sự là cầu nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức phi chinh phủ và các đơn vị kinh doanh để cùng chung sức bảo vệ môi trường rừng Việt Nam, từng bước xóa đói giảm nghèo cho người dân sống gần rừng.

Việt Thanh

Phú Thọ: Trồng rừng trở thành tỷ phú. Đó là ông Nguyễn Văn Khoa, 80 tuổi, thương binh hạng 1/4 ở khu 3 xã Ca Đình, huyện Đoan Hùng. Đầu những năm 90, ông quyết định làm trang trại. Những năm đầu ông đến với rừng thật gian nan, mất mát và cay đắng. Ngày ấy, ở Đoan Hùng, nạn phá rừng làm rẫy phổ biến, ngay kiểm lâm cũng phải bó tay, biết ông Khoa định trồng rừng, nhiều kẻ muốn phá ông. Đối mặt với bao khó khăn, nguy hiểm nhưng ông Khoa vẫn hăng say, miệt mài gắn bó với rừng. Đất không phụ công người, 6 năm sau, rừng bắt đầu cho thu hoạch, gia đình ông thoát cảnh nghèo khó và dần có của ăn của để. Đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, bố con ông đã nổi tiếng ở xã rồi tới huyện về làm kinh tế đồi rừng. Có vốn, ông lại tiếp tục nhận đất trồng rừng nguyên liệu, cây ăn quả, mở rộng quy mô trang trại, đến nay, diện tích trang trại của ông lớn nhất tỉnh Phú Thọ, mỗi năm cho thu nhập trên hai trăm triệu đồng. Ngày nối ngày do cần cù chịu khó, trang trại của gia đình ông đã lên tới ngót 100ha, với những cánh rừng keo lá chàm, bạch đàn xanh bạt ngàn, dài ngút tầm mắt, những rặng bưởi Đoan Hùng sai trĩu quả.

Phát hiện 4 con bò tót ở Pù Hu. Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Quan Hóa, Thanh Hóa, sau một thời gian tổ chức điều tra thực địa, cán bộ của đơn vị đã thu thập được nhiều phân, lông và dấu chân còn rất mới của loài bò tót tại khu vực rừng nguyên sinh ở bản Bất, xã Nam Động và bản Ken, xã Nam Tiến (Quan Hóa). Theo đánh giá đàn bò tót gồm ít nhất 4 con đã trưởng thành, thường đi kiếm ăn trong khu vực rừng nguyên sinh, có khi ra cả khu vực vùng đệm. Nhân dân ở hai xã nêu trên thỉnh thoảng cũng thấy đàn bò tót này. Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đang tiếp tục điều tra thực địa, ghi lại hình ảnh của bò tót để bảo tồn loài động vật quý hiếm này, theo dự án"Bảo toàn loài bò tót tại khu bảo tồn từ nay đến năm 2010"của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Quảng Trị: Phát hiện, bắt giữ và xử lý hai vụ vận chuyển gỗ quý hiếm qua biên giới: Sáng 10/4/2009, Đội Kiểm lâm cơ động Quảng Trị đã phát hiện, bắt giữ 02 xe vận chuyển gỗ trái phép trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây từ Hướng Lập ra thị trấn Khe Sanh: Xe ô tô tải mang biển kiểm soát 74K - 7849 do Nguyễn Văn Mạnh trú tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa điều khiển vận chuyển 2,443 m3 gỗ trắc cam bốt, nhóm I. Xe ô tô tải mang biển kiểm soát 74K - 6464 do Lê Ngô trú tại khóm I thị trấn Khe Sanh điều khiển vận chuyển 2,380m3 gỗ trắc cam bốt nhóm I. Qua đấu tranh làm rõ thì các đối tượng trên mua gỗ ở vùng biên giới Việt Lào qua địa bàn Hướng Lập vận chuyển ra Khe sanh để tiêu thụ. Vụ việc đã được xử lý nghiêm đúng quy định

Thái Sơn

Đội kiểm lâm cơ động Quảng Trị

Bình Định - Quảng Ngãi: Lâm tặc tấn công kiểm lâm gây thương tích. Rạng sáng 13/4/2009, nhận được tin báo từ người dân có một số người vận chuyển lâm sản trái phép từ huyện Hoài Ân xuống huyện Hoài Nhơn (Bình Định) để tiêu thụ, Hạt Kiểm lâm Hoài Ân cử tổ công tác gồm 7 người đến ngăn chặn. Khi đến khu vực giáp ranh giữa thôn Du Tự, thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) và thôn Lại Khánh, xã Hoài Đức (Hoài Nhơn), bất ngờ tổ công tác bị một nhóm đối tượng khoảng 25 người đón đầu dùng gậy, đất đá đánh, ném khiến hai kiểm lâm viên là Phan Văn Thành và Trần Ngọc Hưng bị trọng thương. Tổ công tác dừng truy đuổi để đưa 2 kiểm lâm viên bị thương vào Bệnh viện huyện Hoài Ân cấp cứu. Thế nhưng, trên đường đi nhóm lâm tặc này vẫn hung hăng truy đuổi chặn đánh. Kiểm lâm viên Huỳnh Ngọc Huy phải nổ 3 phát súng chỉ thiên nhưng vẫn không làm chùn bước bọn lâm tặc. Họ vẫn xông tới. Quá nguy cấp, anh Huy bắn tiếp 2 phát súng xuống đất, nhóm tấn công mới kéo nhau tháo chạy. Tại Quảng Ngãi: Sáng 15/4/2009, trên đường đi tuần tra tại xã Sơn Nham, Đội đặc nhiệm phòng chống phá rừng huyện Sơn Hà phát hiện 2 người đang vận chuyển gỗ trái phép. Khi ra tín hiệu dừng xe kiểm tra, 2 người này đã rú ga bỏ chạy về hướng xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa. Anh Nguyễn Quốc Bảo đã rượt đuổi và bị 2 đối tượng này vừa chạy vừa ném gỗ xuống lòng đường để cản trở. Anh Bảo vẫn kiên quyết bám chặt và đã bắt được cả hai. Trong lúc lập biên bản, bất ngờ có 2 thanh niên khác dùng đá và cây đánh mạnh vào tay anh Bảo khiến cổ tay anh bị gãy, dập bàn tay. Lợi dụng lúc này, cả hội đã tẩu thoát, anh Bảo được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Krông Năng (Đắk Lắk): Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự các đối tượng vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Krông Năng (Dak Lak) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Văn Chiến và Nguyễn Văn Thảo về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Theo cáo trạng, đầu tháng 7/2008, Nguyễn Văn Công, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Krông Năng đã đến nhà nhờ Chiến và Kim cưa xẻ cho Công 50 thanh gỗ với giá 150.000đồng/thanh, chở đến nhà Công. Từ ngày 12-14/7/2008, các đối tượng Chiến, Kim và Thảo đã vào khu rừng thuộc lô 2, khoảnh 3 thuộc tiểu khu 316 xã Ea Tam dùng cưa máy cắt hạ được 8 cây gỗ gồm 6 cây gỗ dổi, 1 cây gỗ dẻ và một cây gỗ trâm, cưa xẻ được 12 hộp gỗ và 20 thanh gỗ theo kích thước đã được thỏa thuận và vận chuyển đi tiêu thụ 7,808m3 với số tiền hơn 7 triệu đồng... Vật chứng của vụ án đã thu gồm 1 xe máy không biển kiểm soát, một cưa lốc, một lam cưa, một sên cưa, 30 thanh gỗ dổi. Căn cứ hành vi, mức độ phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Văn Chiến và Nguyễn Văn Kim 9 tháng tù giam; Nguyễn văn Thảo 6 tháng tù về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Đồng thời buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường mỗi bị cáo là 9.680.086 đồng... Việc xét xử hình sự các bị cáo trên là lời cảnh báo những ai còn coi thường pháp luật, kỷ cương phép nước. Điều đáng nói trong vụ án này là trường hợp Nguyễn Hữu Công là người được phân công quản lý khu vực bị khai thác gỗ trái phép nhưng quá trình điều tra đã không chứng minh được hành vi đồng phạm với các bị cáo...

Nguyễn Trọng Đồng

Hà Nội: Bắt vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Khoảng 10h ngày 23/4/2009, tổ công tác Đội 2.2 Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội trong khi đang làm nhiệm vụ tại Quốc lộ 1, địa bàn giáp ranh giữa xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín và thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì đã phát hiện một xe mô tô BKS 33N6 - 2949 có dấu hiệu nghi vấn. Lực lượng chức năng đã yêu cầu dừng xe, tiến hành kiểm tra thùng gỗ phía sau và phát hiện trong đó đang cất giấu 4 con vòi hương nặng 6kg, 22 con kỳ nhông nặng 10kg, 1 con lợn rừng nặng 15kg, đều là loài động vật hoang dã. Người điều khiển xe là Nguyễn Văn Phúc đã không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số động vật hoang dã trên. Đối tượng này cho biết, đã thu mua chúng trên tại thị trường tự do và bán cho các cửa hàng ăn uống. Vụ việc đang được điều tra mở rộng.

Thừa Thiên Huế triệt phá đường dây mua bán động vật rừng liên tỉnh. Ngày 12/3/2009, Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp phát hiện xe taxi mang biển số 73L-4061 do lái xe Phạm Hữu Ninh điều khiển có dấu hiệu vận chuyển động vật rừng. Các đơn vị chức năng đã tổ chức kiểm tra và phát hiện một số lượng lớn động vật rừng gồm 12 con chồn hương (28,5kg), 1 con tê tê (3kg) và 45 con đon (130,5kg). Theo lời khai ban đầu của lái xe thì đây là nguồn hàng mua từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng để đưa ra Quảng Bình tiêu thụ. Điều đáng nói là lái xe đã cố tình mua chuộc đoàn công tác với số tiền gần 10 triệu đồng. Hành vi này đã bị các đơn vị chức năng lập biên bản và tạm giam lái xe Ninh để xử lý. Cơ quan công an đã lập biên bản tịch thu lô hàng động vật rừng nói trên và chuyển cho Kiểm lâm Thừa Thiên Huế thả vào rừng tại khu vực Vườn quốc gia Bạch Mã.

Nguyễn Quang Hòa Anh

Thanh Hóa: Phạt 4 đối tượng vận chuyển trên 638kg động vật hoang dã. Ngày 18/5/2009, 4 đối tượng vận chuyển khối lượng lớn động vật hoang dã gồm Phùng Thế Hưng ở Hà Nam; Nguyễn Duy Thương ở Hà Tĩnh; Đỗ Ngọc Hải; Lê Xuân Xê ở Thanh Hóa đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt vi phạm hành chính với vai trò là chủ lâm sản trái phép đồng thời là người điều khiển phương tiện vận chuyển trái phép lâm sản tổng cộng hơn là 536 triệu đồng và tạm giữ phương tiện vi phạm là 4 xe ô tô tải. Trước đó, các đối tượng Hải, Hưng, Xê và Thương đã vận chuyển 638,5kg rùa đầu to, kỳ đà hoa, tê tê, rùa đất Sê Pôn, rắn ráo... Riêng Hưng đã vận chuyển 324kg kỳ đà hoa và 30kg rắn ráo; Đỗ Duy Thương vận chuyển 201kg tê tê. Toàn bộ số động vật hoang dã này đã bị tịch thu giao cho Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa xử lý theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Đồng Nai: Tuyên 38 năm, 6 tháng tù giam cho 8 đối tượng khai thác gỗ trái phép. Ngày 24/4/2009 tại xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, Tòa án nhân dân huyện Tân Phú xét xử vụ án Trần Kim Cầm, Trần Kim Thắng và đồng bọn thường trú tại xã Đắk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, can tội khai thác gỗ trái phép, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo cáo trạng, hồi 18 giờ ngày 21/8/2008 nhóm đương sự này đã hẹn gặp nhau tại điểm hẹn chân đồi C3 để vào rừng (Vườn quốc gia Cát Tiên) cưa hạ cây gõ đỏ. Các đối tượng đi thẳng đến cây gõ và dùng cưa máy để cắt hạ, đến 20 giờ thì hoàn thành việc hạ cây và xẻ thành từng khúc với tổng khối lượng 22,011m3. Đến 21 giờ 30 ngày 21/8/2008 thì lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên bắt quả tang 2 đối tượng là Lê Văn Thái và Trần Kim Quang, các đối tượng khác đã bỏ chạy. Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Với những chứng cứ rõ ràng Hội đồng xét xử đã tuyên phạt: Trần Kim Cầm, sinh năm 1967, 7 năm tù. Trần Kim Thắng, sinh năm 1972, 7 năm tù. Trần Kim Vinh, sinh năm 1988, 5 năm tù. Trần Kim Tuấn, sinh năm 1984, 5 năm tù. Chu Văn Nam, sinh năm 1984, 3 năm 6 tháng tù. Lê Văn Thái, sinh năm 1990, 3 năm 6 tháng tù. Lê Văn Học, sinh năm 1981, 4 năm tù giam. Nguyễn Văn Lời, sinh năm 1965; ấp 3, xã An Hội, An Phú, An Giang (tạm trú tại xã Đắk Lua). Ngoài ra, các bị cáo còn bị liên đới trách nhiệm bồi thường cho Vườn quốc gia Cát Tiên số tiền là 244.711.990 đồng. Đây là hình phạt nghiêm khắc được người dân địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Đỗ Mạnh Hàn

Vườn quốc gia Cát Tiên

Khởi tố vụ chống người thi hành công vụ tại Lâm trường Buôn Ja Wầm. Ngày 19/5/2009, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, Công an huyện Cư M'gar đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lê Văn Thuật về tội chống người thi hành công vụ tại Lâm trường Buôn Ja Wầm. Trước đó, ngày 7/5/2008, tổ quản lý bảo vệ rừng tổ chức kiểm tra tại tiểu khu 544 phát hiện một nhóm khoảng 8 người đã chặt hạ 3 cây gỗ. Do lực lượng không tương xứng, tổ kiểm tra đã báo về lâm trường để điều động thêm người hỗ trợ. Khi lực lượng hỗ trợ có mặt, tổ đã tiếp cận và yêu cầu các đối tượng về lâm trường làm việc, nhưng các đối tượng không chấp hành. Trong nhóm có 2 đối tượng là Lê Văn Thuật và Khiêm có thái độ chống đối, kích động những tên còn lại cầm dao thách đố, khống chế lực lượng kiểm lâm. Thuật đã dí súng (súng tự chế) vào người anh Nguyễn Kim Mưu (nhân viên quản lý bảo vệ rừng) và bóp cò. Hậu quả, anh Mưu bị thương nặng phải đưa đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cấp cứu sau đó chuyển về thành phố Hồ Chí Minh điều trị. Lợi dụng lúc hỗn loạn, các đối tượng chống người thi hành công vụ đã lẩn trốn.
Số lượt đọc:  592  -  Cập nhật lần cuối:  14/07/2009 02:55:11 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH