Số 5

Thực trạng và giải pháp ngăn chặn phá rừng làm nương rẫy ở huyện Đắk Tô

Là một huyện miền núi của tỉnh Kon Tum, Đắk Tô có diện tích tự nhiên là 50.924ha. Trong đó, diện tích rừng và diện tích đất rừng là 29.623,7ha (chiếm 58,17%). Huyện có 9 xã, thị trấn, với dân số trên 36 ngàn người, hơn 51% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống kinh tế của người dân dựa vào nông nghiệp là chính, nhu cầu về đất sản xuất là rất lớn, hơn nữa đồng bào địa phương vẫn còn tập quán du canh, nên đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và phòng, cháy chữa cháy rừng (PCCCR), nhất là trên lĩnh vực phá rừng làm nương rẫy.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, vi phạm về phá rừng làm nương rẫy trong 5 năm (từ 2004- 2008), trên địa bàn Đắk Tô đã xảy ra 115 vụ vi phạm về phá rừng làm nương rẫy của đồng bào địa phương, với diện tích bị thiệt hại trên 66 nghìn hécta. Theo thông tin mới nhất của Lâm trường Đắk Tô về vi phạm phá rừng làm nương rẫy của đồng bào địa phương trong những tháng mùa khô 2008 - 2009 trên địa bàn toàn huyện là 123 vụ, với diện tích bị thiệt hại trên 110.000m2. Đa số các vụ vi phạm tập trung ở các xã có diện tích đất rừng lớn như Ngọc Tụ, Đắk Rơ Nga, Đắk Trăm và rừng thường bị xâm hại là rừng tự nhiên, có chức năng phòng hộ.

Với thực trạng trên, có thể thấy tình trạng phá rừng làm nương rẫy của người dân địa phương ngày càng có chiều hướng tăng, nếu không có giải pháp kiên quyết và kịp thời, thì trong tương lai gần, diện tích rừng của Đắk Tô sẽ bị thu hẹp và sẽ kéo theo hệ lụy là môi trường sinh thái thay đổi do việc mất rừng, như lũ quét, hạn hán... xảy ra thường xuyên và các loại động, thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tiệt chủng, hơn nữa nó sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.

Để hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy hiện nay của nhân dân địa phương, nhưng vẫn giúp nhân dân vươn lên phát triển kinh tế ổn định cuộc sống, qua đó bảo vệ được rừng, tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa phương, thiết nghĩ các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân địa phương, nhất là trên lĩnh vực lâm nghiệp, cần làm cho người dân nhận thức rõ về vai trò, vị trí tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống con người, để người dân có ý thức tự giác tham gia vào công tác QLBVR. Và đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần quan tâm tạo điều kiện về đất đai, về vốn, về kiến thức để người dân có điều kiện thay đổi cơ cấu và phương thức sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhưng không phụ thuộc vào rừng. Với những địa phương có diện tích rừng và đất rừng lớn, cần thực hiện tốt hơn nữa chính sách giao rừng và đất rừng cho dân quản lý, qua đó sẽ gắn được quyền lợi và trách nhiệm của người dân hơn trong việc QLBVR. Và một biện pháp không kém phần quan trọng, đó là cần xử lý kịp thời và nghiêm khắc những đối tượng thường xuyên vi phạm về lâm luật nói chung, vấn đề về phá rừng làm nương rẫy nói riêng.

Lê Văn Châu


Số lượt đọc:  2792  -  Cập nhật lần cuối:  30/07/2009 07:37:20 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH