Số 5

Thoát nghèo nhờ kinh tế đồi rừng

Đến thăm xã Canh Nậu (Yên Thế - Bắc Giang), nói về mô hình phát triển kinh tế trang trại vườn rừng tiêu biểu thì ai cũng nhắc đến anh Đào Văn Bắc ở bản Đống Cao. Một gương điển hình vượt khó thoát nghèo vươn lên cho mọi người học tập làm theo.

Gia đình anh có 6 nhân khẩu. Mấy năm trước, kinh tế gia đình gặp không ít khó khăn, túng thiếu, lao động vất vả quanh năm mà kinh tế cũng không khá lên được. “Đất rừng thì rộng, trồng cây gì? Nuôi con gì cho thoát nghèo được bây giờ?” Bài toán khó ấy cứ day dứt mãi trong đầu anh, đến năm 2000, anh Bắc mạnh dạn cải tạo phá bỏ 3ha rừng keo, bạch đàn trồng năm 1997 kém hiệu quả trên tổng số 13ha rừng của gia đình trồng bằng giống cũ để thay thế bằng cây bạch đàn giâm hom giống mới. Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, từ khâu trồng đúng thời vụ, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh vì thế cây bạch đàn giống mới khỏe mạnh lớn nhanh. Những năm tiếp theo, anh lại tiếp tục chuyển đổi cải tạo trồng mới toàn bộ phần diện tích còn lại bằng cây keo, bạch đàn giống mới. Kết quả, cây giống mới rút ngắn được chu kỳ khai thác, sản lượng gỗ tăng cao rõ rệt so với giống cũ. Năm 2005, anh khai thác bán 3ha rừng bạch đàn thu về 100 triệu đồng. Trên những diện tích cây lâm nghiệp mới trồng năm đầu, anh trồng xen thêm cây sắn, cây ngô tạo thêm nguồn lương thực phục vụ cho sinh hoạt và chăn nuôi. Anh còn đào đắp 1 cái ao với diện tích 400m2 để chứa nước tưới và thả cá phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Song song với phát triển trồng rừng kinh tế, anh còn đầu tư nuôi gà với hình thức làm chuồng và chăn thả ngay dưới tán rừng. Do cách xa dân cư, chuồng trại được vệ sinh phòng dịch cẩn thận nên gà của gia đình anh rất ít bị bệnh. Tổng đàn luôn dao động từ 1000-3000 con. Gà của gia đình anh đã được nhiều nơi trên thị trường biết đến như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi gà trừ chi phí gia đình anh thu về khoảng 40 triệu đồng. Ngoài ra anh còn trồng 300 gốc vải, mỗi năm thu nhập từ 8 -15 triệu đồng. Từ mô hình vườn rừng, mấy năm gần đây mức thu nhập của gia đình anh luôn đạt bình quân 65-70 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí vốn đầu tư. Với số tiền ấy, anh đầu tư mua sắm các vật dụng đắt tiền phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. Nuôi các con ăn học và tái đầu tư cho sản xuất. Các con trưởng thành, chăm ngoan học tập khá, giỏi là niềm vui tiếp thêm nghị lực cho anh thêm say mê yêu quý, gắn bó tâm huyết nhiều hơn với công việc vườn rừng.

Không chỉ riêng gia đình anh Bắc, ở xã Canh Nậu giờ đây xuất hiện nhiều hơn các mô hình phát triển kinh tế vườn rừng có thu nhập từ 50-100 triệu đồng mỗi năm, điển hình như hộ ông Lư Thế Phong (bản Cô Đây), Trần Văn Mùi, Đàm Văn Mai (bản Đồng Cả), Dương Văn Tiêu (bản Đình)... Từ cuộc sống kinh tế khó khăn, với nghị lực ý trí quyết tâm vươn lên thoát nghèo, gia đình anh Đào Văn Bắc là tấm gương tiêu biểu được mọi người biết đến học tập và làm theo.

Trần Ngọc Sơn


Số lượt đọc:  220  -  Cập nhật lần cuối:  30/07/2009 07:33:43 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH