Số 5

Rừng Trường Sơn in dấu chân anh

Sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình, tốt nghiệp đại học lâm nghiệp, theo phân công của tổ chức, anh đến với Thừa Thiên Huế như một định mệnh, để rồi từng tấc đất ở đây in đậm dấu chân người lính kiểm lâm giữ rừng cho tổ quốc mãi xanh.

Hơn 20 năm về trước, anh Đặng Vũ Trụ vượt qua bao núi đèo đến với huyện miền núi A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế với bao nghĩ suy. Thời bấy giờ A Lưới là vùng đất hoang sơ với “4 không” (điện, đường, trường, trạm) và thật nhiều điều mà chúng ta không thể hình dung hết. Từ thành phố Huế, muốn đến A Lưới phải vượt hơn 250km đường núi, gập gềnh đá cuội và ngang qua tỉnh Quảng Trị mà trong một lần đi công tác tôi đã cảm nhận bao gian nan, vất vả cho dù lúc tôi qua thì đường đã tu sửa khá nhiều.

Công tác ở bộ phận lâm nghiệp của huyện, anh bắt tay ngay vào công việc với bao toan tính để làm sao thay đổi diện mạo vùng đất này một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Khởi đầu với các chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc được nhà nước đầu tư, anh đã biến vùng đất đỏ này trở nên xanh tươi hơn với một số loài cây thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương như trẩu, quế, keo.

Điều đáng nói là anh đã mạnh dạn xây dựng các vườn ươm cây lâm nghiệp do chính người dân quản lý thông qua hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ lâm nghiệp trong khi lúc bấy giờ, cây giống ở đây chủ yếu được mua từ các huyện khác. Nhiều khi ngồi tâm sự với đồng nghiệp, anh cũng không ít lần nhắc đến chuyện này với câu kết không nói ra nhưng mọi người đều cảm nhận được cái “liều” của anh khi dám bỏ tiền túi để giúp dân làm vườn ươm mà khi kinh doanh thành công thì người dân được hưởng, còn nếu thất bại sẽ biến anh thành con nợ của ngân hàng. Anh liều không phải vì sợ bản thân mình không đủ năng lực phát triển vườn ươm mà vì dám tin tưởng để lôi kéo người dân tham gia các hoạt động lâm nghiệp trong khi lĩnh vực này hầu như chỉ do cán bộ nhà nước đảm đương vào thời điểm ấy.

Có thể nói sau cây keo đang phát triển rầm rộ và mang lại hiệu quả cao cho người dân như hiện nay, thì cây quế cũng được đánh giá là mô hình trồng rừng hiệu quả tại A Lưới lúc bấy giờ. Người dân được cấp cây giống, hỗ trợ phân bón, công trồng và chăm sóc. Khi cơ quan chức năng đi kiểm tra thì cụm từ ‘anh Trụ nói tiếng Bắc” luôn được người dân các xã nhắc đến với lòng kính trọng và biết ơn. Nói đến anh, mọi người luôn nhớ đến hình ảnh anh cán bộ đạp chiếc xe đạp cũ kỹ, ra khỏi nhà từ mờ sáng với gói cơm nắm, vượt bao đồi núi để đến các bản làng và cùng họ làm cỏ vườn ươm, cuốc hố trồng cây hay kiểm tra sâu bệnh hại rừng. Đã nhiều lần anh phải ngủ qua đêm ở lán tạm ven rừng do mưa to chia cắt đường về hoặc phải vác xe đạp hàng chục cây số vì nó trở chứng đứt xích hay thủng săm.

Anh trở thành người lính kiểm lâm thật tình cờ sau khi nhập chung một số bộ phận lâm nghiệp và rồi tổ chức bố trí anh lần lượt vào các vị trí Phó hạt phó, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới chỉ trong vòng một tháng. Được Đảng và Nhà nước tin tưởng, anh lại gánh trên vai nhiều trọng trách mới với nhiều hoài bão cho vùng đất thân thương như đã trở thành quê hương của chính mình.

Đóng của rừng theo Nghị quyết 7C của Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng đồng nghĩa với nhiều hoạt động khai thác, chế biến lâm sản trái phép sẽ diễn ra, đặc biệt là huyện miền núi có tiềm năng về tài nguyên rừng như A Lưới. Giải quyết vấn đề này, anh đã chỉ đạo cán bộ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, tạo cơ hội để người dân tăng thu nhập và tổ chức truy quét, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật lâm nghiệp. Khó ai tin được anh và đồng nghiệp tổ chức tuần tra hàng mấy tuần liền trong rừng sâu thẳm chỉ với ít gạo, thùng mì cua và mắm muối và không ít lần chạm trán với các đầu nậu khai thác gỗ trái phép để đôi lần xảy ra tranh chấp và gây thương tích không nhỏ cho các chiến sĩ kiểm lâm. Không ít đêm, tôi cùng anh tham gia các đợt mật phục khi nhận được tin báo. Hồi hộp, háo hức, căng thẳng, trách nhiệm đan xen vào tâm trí mỗi người trong những lần ấy đến nỗi người nghiện thuốc không dám châm lửa, ngồi ngáp làm sao không để phát ra tiếng động kẻo sợ lâm tặc phát hiện.

Trong khi vào thời điểm đó, nhiều người nghĩ kiểm lâm chỉ nên chú trọng quản lý nguồn lâm sản gỗ, anh đã bắt đầu thấy được tầm quan trọng của việc quản lý các loài động thực vật, các loài cây thuốc có nguồn từ rừng. Ngoài các đợt phát hiện và thả vào rừng nhiều động vật rừng như gấu, rắn, ba ba, rùa, khỉ... anh đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm tổ chức nhiều hoạt động thu thập thông tin về vùng phân bố, thành phần của một số loài động vật quý hiếm như hổ, gấu, sao la. Những hoạt động của anh đã mang lại hiệu quả khi người dân phát hiện thấy một cá thể sao la bị mắc bẫy, kịp thời cấp báo để giải cứu vào năm 1998. Đây là những thước phim duy nhất về sao la còn sống ngoài thiên nhiên hiện có ở Việt Nam và là kết quả sau nhiều cố gắng của Kiểm lâm Thừa Thiên Huế, trong đó có công sức của anh.

Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước biết đến anh không chỉ vì anh luôn hỗ trợ họ trong những lần đến A Lưới nghiên cứu, mà vì họ còn thu nhận từ anh nhiều thông tin bổ ích. Anh có thể chỉ cho họ những vùng nào đi nghiên cứu về hổ, vùng nào nghiên cứu về cây thuốc, ở đâu có tính đa dạng loài cao, hoặc ở đâu vừa mới xuất hiện một đàn vọoc... Cũng không ít lần anh cùng những chuyên gia tổ chức các đợt khảo sát về thay đổi cảnh quan khu vực giáp ranh tỉnh Quảng Nam trong những ngày đầu mới mở tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện A Lưới.

Tổ chức lại cần đến anh khi điều chuyển anh về làm giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền theo định hướng xây dựng một khu bảo tồn với sự tham gia tích cực từ phía chính quyền và người dân địa phương. Mô hình quản lý này sẽ làm cơ sở cho việc hình thành một cơ chế quản lý rừng đặc dụng mới ở Việt Nam theo sáng kiến của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế sau khi học hỏi những mô hình tương tự khá thành công của các nước khác.

Tiếp quản một đội ngũ cán bộ trẻ có đầy nhiệt huyết nhưng còn thiếu nhiều kinh nghiệm, anh bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như bố trí nơi ăn ở cho nhân viên, đến những việc làm quan trọng như xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành quy chế quản lý, hoặc xin tài trợ từ các tổ chức liên quan. Những kiến thức đúc rút qua thực tiễn cùng với cố gắng tìm hiểu những lĩnh vực mới trong công tác bảo tồn tài nguyên, anh đã nhận được sự hậu thuẫn của nhiều đồng nghiệp. Bằng nỗ lực của mình sau nhiều lần viết, chỉnh sửa dự án đầu tư vào Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền đã được Quỹ bảo tồn Việt Nam tài trợ gần 50 ngàn Euro trong pha 1 và khả năng được đầu tư cho pha 2 là rất lớn khi các hoạt động dự án không chỉ thực hiện đúng tiến độ mà còn là mô hình thành công cho nhiều nơi khác học tập.

Tiếng lành đồn xa, khi đi đến các xã vùng đệm của khu bảo tồn này, tôi thật sự tham phục khi người dân ở đây luôn nhắc đến “khu bảo tồn của anh Trụ” lúc chúng tôi muốn thu thập thông tin liên quan đến các hoạt động quản lý ở khu vực này. Thật khó gây được ấn tượng tốt cho người dân như thế nếu như anh không thường xuyên tiếp xúc, làm những việc thật sự có lợi cho cộng đồng địa phương trong công cuộc vận động họ tham gia vào quản lý tài nguyên ở đây.

Hơn 20 năm đóng góp cho công cuộc quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở Thừa Thiên Huế, những việc làm của anh đã thầm lặng đóng góp vào thành quả chung của tập thể Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế với niềm tự hào luôn được mọi người nhắc đến như là lá cờ tiên phong trong hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Nguyễn Quang Hòa Anh


Số lượt đọc:  198  -  Cập nhật lần cuối:  29/07/2009 04:32:06 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH