Số 5

Nên đưa bản tin Kiểm lâm Việt Nam về cơ sở

Là bạn đọc trung thành của Bản tin Kiểm lâm Việt Nam ngay từ bản tin ra số đầu tiên. Sở dĩ duyên nợ như vậy vì khi còn đang làm việc thì bản tin là tài liệu trao đổi về nghiệp vụ công tác quản lý bảo vệ rừng. Có thể người ngoại đạo ít chú ý, nhưng những ai đã sống chết với nghề việc đọc, học và áp dụng những kinh nghiệm mà các tỉnh khác đã làm thành công hoặc còn tồn tại là một điều vô cùng quý giá. Không một loại báo hoặc tạp chí nào có. Người trong nghề nói về việc làm của mình, có thể câu cú chưa thật gọn, thật điển hình. Nhưng là việc thật, thô giáp nhưng rất quý giá.

Theo dõi quá trình cải tiến của Bản tin Kiểm lâm Việt Nam tôi thấy từ chỗ đơn giản, nghèo nàn từng bước được nâng cấp ngày một hoàn thiện, trước đây bản tin in trên giấy đen, mỏng, ảnh chưa thật đẹp và sắc nét, ban biên tập mới chỉ có 3 người kiêm nhiệm. Từ đầu năm 2007, bản tin đã dầy dặn hơn, in trên giấy tốt, chữ viết rõ ràng, ảnh đẹp, nội dung phong phú và đã bước đầu hình thành các chuyên mục. Năm 2008 thì có sự thay đổi rõ ràng, đã hình thành hội đồng biên tập 10 người. Có tổng, phó tổng biên tập, 6 ủy viên, 1 thư ký, 1 trình bày. Như vậy đã hình thành cơ quan quản lý của một tạp chí chuyên ngành. Nội dung bản tin đã thể hiện nội dung của 1 tạp chí. Bản tin là ấn phẩm đẹp, bố trí dần dần hợp lý hơn, chữ in nét, ít lỗi, ảnh đẹp, nhiều vấn đề được mở rộng có tư duy sâu và có tác dụng dến cán bộ trong ngành.

Là cán bộ cơ sở lâu năm, tôi nhận thấy bản tin mới dừng lại ở cấp hạt, cán bộ trạm, kiểm lâm địa bàn hầu như không có, không biết. Đây là một lỗ hổng cần được lấp đầy. Vì sao? Vì, sự nghiệp bảo vệ rừng, phát triển rừng thành, bại là do dân, trạm và kiểm lâm địa bàn. Sống giữa dân mà không được thường xuyên tiếp cận với thông tin của ngành (nói một cách khác là mù thông tin tối thiểu) còn tiền đâu mà mua các loại báo, sống ở vùng sâu vùng xa, đài, báo, ti vi có khi cũng chẳng theo dõi liên tục được. Thế thì nói gì với người dân? Nhiệm vụ kiểm lâm địa bàn ghi rất rõ, điều kiện để thực hiện nhiệm vụ lại thiếu, cứ quanh đi luật, quay lại nghị định, thông tư khô quá ai nghe “Khổ lắm nói mãi”. Trong khi đó bản tin về đến tỉnh, huyện ít được chú ý. Được biết các ngành khác họ cấp báo miễn phí đến tận cán bộ cơ sở như báo cựu chiến binh, nông thôn ngày nay, báo bưu điện... Vẫn biết là vấn đề kinh phí có hạn, công việc nào cũng cần thiết, Cục Kiểm lâm có nhiều cố gắng để in tăng số lượng bản tin kiểm lâm so với trước nhưng vẫn không đáp ứng đủ cho cán bộ kiểm lâm địa bàn (gần 5.000 người). Cục Kiểm lâm nên báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí một phần kinh phí tuyên truyền, xin tài trợ hoặc huy động từ các Chi cục Kiểm lâm để in tăng số lượng bản tin và phát miễn phí đủ cho kiểm lâm địa bàn, để họ có tài liệu tuyên truyền trong dân, hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều cách đang làm. Về phía các Chi cục Kiểm lâm, khi Bản tin Kiểm lâm chuyển về cần chuyển kịp thời tới các đơn vị và cán bộ kiểm lâm địa bàn để thông tin được truyền tải kịp thời. Để bản tin hấp dẫn bạn đọc, tôi xin được mạn phép luận bàn cấu trúc Bản tin Kiểm lâm Việt Nam như sau:

Bản tin nên hình thành 7 chuyên mục là:

1. Quản lý: Được giới thiệu toàn bộ hoặc trích các bản tổng kết ngành, các tham luận hoặc bài viết của các đồng chí lãnh đạo từ bộ đến xã, ưu tiên cán bộ trong ngành trực tiếp làm bảo vệ rừng.

2. Kỹ thuật: Giới thiệu các kinh nghiệm phòng chống cháy rừng, bảo vệ động thực vật, phòng trừ sâu bệnh, tổ chức xây dựng lực lượng bảo vệ rừng, trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ… Nghĩa là các nghiệp vụ của ngành, ưu tiên cho những bài viết ra từ thực tế.

3. Người tốt việc tốt: Hiện nay cả nước đang phát động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những tấm gương bảo vệ rừng, phát triển rừng tốt cần được nêu kịp thời, vừa động viên họ vừa kích thích phong trào. Ai cũng thích khen ít ai ưa chê.

4. Văn hóa, văn nghệ, thể thao: Giới thiệu các phong tục tập quán tốt có lợi cho việc bảo vệ rừng dưới hình thức truyện ngắn, thơ, bút ký, tùy bút, nhạc, họa, ảnh phóng sự... phong trào thể thao rèn luyện sức khỏe ở các địa phương.

6. Chính sách mới: Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Nhà nước các cấp.

6. Nhìn ra nước ngoài (tài liệu tham khảo) dịch thuật từ tài liệu nước ngoài.

7. Tin ngắn trong ngành: Hội nghị, tin hoạt động của các địa phương phục vụ nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Tóm tắt 7 vấn đề trên, ở mỗi bản tin không nhất thiết có đủ cả 7 mục đó, theo định hướng từng thời kỳ từng số có thể đậm mục này, nhạt mục khác, hoặc mục đó không có để vấn đề nếu được đậm đặc, tập trung. Là cán bộ công tác lâu năm trong lực lượng kiểm lâm, qua thực tế quan sát và nêu một số ý kiến như trên với mong muốn Bản tin Kiểm lâm Việt Nam ngày càng chiếm lĩnh được nhiều bạn đọc, thực hiện tốt công tác tuyên truyền bảo vệ và phát triển rừng.

Hoàng Biểu


Số lượt đọc:  256  -  Cập nhật lần cuối:  29/07/2009 04:10:22 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH