Số 5

Đánh thức một tiềm năng

Có thể bạn chưa một lần lội qua những cánh rừng nguyên sinh xứ Thanh, nơi mà sự hoang sơ chưa được khám phá chính là nét huyền bí nhất đối với mỗi người du khách. Vẻ đẹp của thảm rừng, các dãy núi điệp trùng quanh năm mây phủ, bằng chứng cho một tiềm năng thiên nhiên vô giá còn bị lãng quên... Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và Pù Luông nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa, thuộc các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước với 40.000ha rừng vùng lõi, 80.000ha vùng đệm. Bên trong hai khu bảo tồn đó là một lượng dân cư đông đúc lên đến 8 vạn người. Khi thành lập (1998), mọi người đều nghĩ rằng đến một ngày nào đó nơi đây sẽ là một vùng sinh thái, đặc biệt lý tưởng cho các hoạt động du lịch khám phá, leo núi mạo hiểm và nghỉ dưỡng. Những ý tưởng này đang dần trở thành hiện thực khi Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa được UBND tỉnh cho phép lập qui hoạch phát triển hạ tầng du lịch tại hai khu bảo tồn thiên nhiên này giai đoạn 2008-2015 theo Quyết định 253/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu rộng 23.000ha với đỉnh núi cao 1.440m. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học rất cao với 508 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 28 loài cây quí hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam như sến mật, lát hoa, kim giao..., đặc biệt có ưu hợp trúc gai Pù Hu rất đẹp phân bố trên các đỉnh núi. 266 loài động vật trong đó có nhiều loài đặc hữu, quí hiếm thuộc bộ móng guốc, quần thể chó sói sống thành bầy đàn và khỉ mốc, báo gấm, rùa ba vạch, cầy vằn... Khu rừng mang đặc trưng của thiên nhiên vùng núi Tây Bắc với hình ảnh sông núi trùng điệp gắn với các thung lũng và bản làng. Nét nổi bật nhất ở đây là hệ thống các hang động với nhiều nhũ đá như hang Ma, hang Co Luồng Hồi Xuân, hang Nà Thiên Phủ, hang Co Phường Phú Lệ... hồ Pha Đay trên độ cao 800m ở Nam Xuân với không gian riêng biệt đầy chất hoang dã và thơ mộng. Dọc tuyến sông Mã du khách có thể bị mê hoặc khi phải vượt qua rất nhiều gềnh thác hiểm trở như thác Dồn, thác Kép, thác suối Yên... Và ai đã từng qua đây không thể không một lần nhớ tới bài thơ oai hùng của Quang Dũng với chất sử thi hùng tráng “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Đan xen với sự hoang sơ và thân thiện của thiên nhiên, các nền văn hóa Mường Ca Da của đồng bào Thái, văn hóa lễ hội Mường Pi của đồng bào Mường, văn hóa lễ hội tết cầu mùa của người Mông với tiếng khèn dìu dặt bên dốc vắng mùa xuân, cũng là nét quyến rũ một lần và mãi mãi. Từ sự đa dạng về thiên nhiên và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã chủ trương định hướng 4 tuyến du lịch lớn, bao gồm tuyến du lịch tham quan di tích kết hợp tìm hiểu hệ sinh thái rừng bắt đầu từ Mai Châu bản Lác về đền Ông đền Bà, thăm di tích tướng Khằm Ban qua hang Ma, mó Tôm, bãi đá Phú Nghiêm, đồi Pù Cọ đến khu du lịch hồ Pha Đay và dừng chân bên cạnh suối Yên một trong những trung tâm du khách của khu bảo tồn. Tuyến thứ hai là tuyến du lịch sinh thái leo núi và khám phá hang động. Du khách sau khi lướt qua hệ thống hang động dày đặc sẽ ngắm thác bản Yên trắng xóa cách không xa trung tâm du khách, trước khi chinh phục đỉnh Pù Hu cheo leo. Tuyến thứ ba là tuyến du lịch sông nước, nơi đây du khách sẽ tắm sông bản Chiềng với sự bình yên không thể nào hơn được, thăm hồ Thủy điện Trung Sơn trong tương lai và các di tích gắn với Đoàn quân Tây tiến. Ngoài ra trong thiết kế qui hoạch Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cũng nêu ý tưởng đan xen xây dựng các điểm và tuyến du lịch văn hóa lễ hội gắn với thăm quan bản làng ở các thung lũng. Du khách được nghỉ ngơi, thưởng thức các món ăn dân tộc và các tiết mục dân ca, dân vũ bên chóe rượu cần vít ngọn lửa say mà các cô gái vùng cao dâng tặng.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nằm trong vùng vành đai núi đá vôi chạy dài qua Bắc Trung bộ Việt Nam. Cảnh quan nơi đây mang tính toàn cầu của hệ sinh thái Kast, là khu vực rừng trên núi đá vôi và núi thấp xen kẽ lớn nhất Việt Nam, được các nhà khoa học đánh giá là khu vực nổi tiếng có các quần thể động thực vật đặc hữu, điển hình là loài voọc mông trắng và thông Pà cò. Thiên nhiên nơi đây cũng có những nét tương đồng như vùng rừng núi Pù Hu với các hang động chưa được khám phá như hang Dơi Cổ Lũng, hang Kho Mường Thành Sơn, các thác nước và di tích văn hóa lịch sử... Do được bao bọc bởi hệ sinh thái núi đá vôi nên khí hậu có phần mát mẻ hơn vào mùa hè và lạnh hơn đôi chút vào mùa đông. Đến thăm Son Bá Mười chúng ta sẽ được chứng kiến một kiểu đêm thu Đà Lạt vừa yên bình hoang sơ vừa trong lành tươi trẻ. Khi thẩm định dự án qui hoạch phát triển hạ tầng du lịch khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có thành viên hội đồng thẩm định của tỉnh Thanh Hóa còn đưa ra ý tưởng độc đáo là xây dựng hệ thống cáp treo như Yên Tử đưa du khách lên Son Bá Mười.

Năm 2008, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép xây dựng Đề án qui hoạch phát triển du lịch hồ Bến En. Nhiều người đến đây đã phải thừa nhận, hồ Bến En là hồ đẹp nhất miền Bắc Việt Nam. Gần đây tác giả có đưa chuyên gia người Đức Thomas Burkhard Okfen đi khảo sát vùng hồ. Ngồi trên thuyền ông sững sờ và trầm ngâm mãi không thôi về cảnh đẹp hoang sơ của thiên nhiên được tạo nên giữa mặt nước hồ trong xanh và các rừng cây không cao lắm trên các hòn đảo nhỏ thấp thoáng những lùm cò. Thomas nói rằng nếu nước Đức có được một cái hồ như vậy thì ngành du lịch của đất nước ông sẽ thu không biết bao nhiêu tiền của du khách. Khi làm việc và báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Ninh, ông yêu cầu Chi cục Kiểm lâm khẩn trương hoàn chỉnh các hạng mục của đề án qui hoạch vùng lòng hồ có diện tích mặt nước lên đến 4.000ha này trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt làm căn cứ để UBND tỉnh Thanh Hóa đàm phán với các công ty đầu tư lớn trong nước và quốc tế vào tham gia xây dựng, biến Bến En sớm trở thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước, đồng thời là khu dự trữ sinh quyển quốc tế cho các loài chim phương Bắc di cư làm bến đậu và kiếm ăn để lấy sức tiếp tục bay về tránh rét ở phương Nam.

Những năm qua Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã cùng chính quyền và nhân dân các dân tộc bảo vệ gần như nguyên vẹn các khu rừng đặc dụng, nhưng lợi ích mà chúng ta khai thác được từ sự bảo vệ ngày đêm đó còn quá thấp so với tiềm năng. Chắc chắn sẽ còn rất nhiều việc phải làm vì một nền du lịch sinh thái gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Thanh Hóa mà không phá vỡ sự bền vững của cảnh quan tạo hóa. Rõ ràng đã đến lúc chúng ta phải làm khẩn trương một cái gì đó cho cuộc sống của 8 vạn người dân đang sinh sống ở nơi đây và vì lợi ích của cả tỉnh Thanh Hóa. Thiên nhiên đã sẵn sàng nhưng nếu chúng ta cứ vô tình bỏ quên không đánh thức một vùng tiềm năng vô giá thì mãi mãi tiềm năng đó chỉ là những trang giấy không được viết dù đã được đặt sẵn lên bàn ngay trước mắt mỗi chúng ta.

Trần Tất Tiến


Số lượt đọc:  461  -  Cập nhật lần cuối:  30/07/2009 07:42:37 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH