Số 5

Ám ảnh rừng ma

Làng Ke ở giữa một thung lũng ba bề là rừng núi, cuối lòng chảo là một con suối nhỏ. Bên kia thung lũng là Rừng Ma. Thời trước những người chết thường được "khí táng" ở đó nên lâu dần mọi người quen gọi là Rừng Ma. Khi có người chết, dân làng khiêng thi thể vào rừng, bỏ vào trong khúc gỗ khoét rỗng ruột rồi đóng bốn cọc gỗ treo lên. Rừng Ma vì vậy rất thiêng. Đó là thế giới của người chết. Cõi riêng của những hồn ma. Hàng ngày chẳng mấy ai lảng vảng đến Rừng Ma làm gì. Qua bao nhiêu đời chẳng ai dám tự tiện chặt hạ một gốc cây, đánh bẫy một con chim con thú. Người ta sợ ma bắt, Giàng phạt. Cũng nhờ thế, Rừng Ma đã trở thành một khu rừng nguyên sinh rậm rạp và bí ẩn, với rất nhiều loài cây gỗ quý hiếm, và nhiều loài động vật phong phú.

Sau này, người chết có nghĩa địa riêng, chôn thành mồ mả. Đến nay chẳng ai còn sợ hãi Rừng Ma nữa. Đầu tiên là bọn buôn lậu gỗ. Chúng ngang nhiên chặt hạ những cây gỗ cổ thụ nhất trong rừng. Nhiều người dân làng Ke, thấy có tiền cũng tiếp tay cho bọn chủ gỗ. Một ngày đi chặt gỗ bằng mấy chục ngày đi làm nương làm rẫy, ai cũng ưng cái bụng.

Một thời gian rộ lên việc buôn bán động vật hoang dã, dân làng Ke lại đâm bổ vào việc cài đặt bẫy chim thú. Từ tê tê, rùa núi, kỳ đà, chồn hương, mèo rừng, đến khỉ, vượn, đười ươi. Quý như khỉ vượn, bẫy được mỗi con có thể thu nhập hàng trăm ngàn đồng.

Động vật loại bán thịt thì mua sống, chở tươi về các nhà hàng ở đô thị. Loại dùng nấu cao như khỉ, khi bẫy được, bắn được, người ta làm thành khỉ khô, nhập cho con buôn. Loại quý hiếm như vượn vàng, vượn vọoc, vượn bạc má, gấu chó, gấu ngựa, chồn bay... thì người ta nhồi bông, phơi khô bán cho những nhà giàu sang trưng bày...

Không biết bao nhiêu con thú quí hiếm đã phải chết một cách oan uổng thảm khốc vì mưu sinh của con người.

Lão Báo tuổi còn trẻ mà nhờ buôn bán động vật hoang dã đã trở nên giàu kếch xù một cách nhanh chóng. Hắn thì chuyên thu gom động vật Rừng Ma. Vợ hắn chuyên nghề đi bỏ mối, nấu cao. Nhà hắn nấu đủ loại cao, từ cao trăn, cao khỉ, cao hổ cốt... Nghe nói hàng cao nhà hắn rất có uy tín, xuất đi cả Hà Nội, sang cả Trung Quốc. Có lẽ vợ hắn được cái danh như vậy cũng là nhờ cái nghề nghiệp buôn động vật rừng của hắn. Lại nhờ cả sự trưng bày lưu trữ những con thú khô trong nhà hắn. Tuy đã có căn nhà lầu đồ sộ nhất vùng, song vợ chồng lão Báo vẫn cần mẫn tích cóp đến từng đồng. Vợ hắn vẫn bán lẻ đến cả lạng cao, đi bỏ mối đến từng con kỳ đà, rùa, rắn...

Trên căn gác nhà lão Báo, phía trước là nơi trưng bày động vật, phía sau là kho chứa hàng chục bao tải khỉ khô và xương động vật quý. Phòng trưng bày có một bầy vượn, khỉ, chồn bay, mèo rừng... Một con vượn đứng trên một gốc cây, hai tay với đu vào một cành ngang, phô diễn hết toàn thân thể. Đôi mắt của nó có cái nhìn trừng trừng, có vẻ như là lỗi của kỹ thuật. Cặp hạ bộ đen nhẫy, thõng sa xuống rất hùng dũng. Người nhồi thú hình như muốn đặc tả nổi bật chi tiết ấy. Một con vượn vàng cái có bộ ngực phồng căng, vai cõng một chú vượn con nhỏ xíu. Có lẽ đó là cặp mẫu tử. Đôi mắt con vượn mẹ xa xăm, sâu thẳm, chứa một trời dấu hỏi. Trên gốc cây khác, một con rắn đang quấn quanh thân cây vươn thẳng, với tư thế bò lên. Phía trên là một con mèo rừng chỏ đầu xuống vẻ thách thức. Cái khung cảnh hỗn độn ấy cứ như một thứ vô thức gợi về một cảnh địa ngục nào đó. Nhìn lâu, xem lâu, những người yếu bóng vía thường gai gai phảng phất cái cảm giác vừa thương xót, vừa sợ sệt!

***

Một dạo có người đàn ông tên là Lang đến Rừng Ma khai thác gỗ rất công nghiệp, rất quy mô. Lang có hẳn cả một đội khai thác với đủ loại trang bị cơ giới như ô tô tải, máy ủi đường, máy cưa gỗ... Trước lúc khai thác gỗ, hắn đã đầu tư mở đường, làm tràn qua khe suối. Chả mấy chốc mà một con đường từ Rừng Ma chạy qua làng Ke được hình thành. Đó là con đường rộng chạy lọt hai ba chiếc ô tô. Mặt đường phẳng lỳ, đỏ au, không sót một gốc cây, một mẩu rễ. ở cái xứ xa xôi hẻo lánh này, từ thời khai thiên lập địa đến nay, người làng Ke chưa từng thấy có con đường rộng rãi đẹp đẽ thế bao giờ. Có con đường lớn để đi lên rừng lên rẫy, làng Ke mừng lắm.

Làm xong đường, thằng Lang tiến hành khai thác gỗ. Quả thực hắn là một người tài giỏi rồi! Dân làng Ke tấm tắc như thế. Già Hen cũng thấy như thế. Xưa nay, để hạ một cây gỗ lớn trong rừng, người già phải làm cái lễ, cúng một ghè rượu, một con dê trắng, uống hết một ngày. Hôm sau, những người lực lưỡng phải thay nhau chặt đến mấy ngày. Đằng này hắn chỉ cần có cái máy, cắt trong một lúc, cây đổ ào ào như giông bão, như trời sập. Gỗ chặt xong được chất thành đống lớn để chờ xe tải chở đi. Thằng Lang kể cũng tốt bụng. Hắn thuê người làng Ke phát đường, gom cây. Việc không nặng nhọc lắm mà được trả rất nhiều tiền. Có người không làm gì cũng được hắn cho tiền. Trẻ con cũng được cho tiền. Người già cũng được cho tiền. Có tiền, ai cũng mừng lắm!...

Cả đống gỗ lớn chưa kịp chở đi, một hôm, người làng Ke thấy thằng Lang và mấy người đi ô tô đến mang theo rất nhiều xăng. Họ tưới lên gỗ rồi đốt. Lửa cháy rất lớn. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa có ai từng chứng kiến một đám cháy lớn như thế. Già Hen cũng chưa tùng thấy lửa ăn cái rừng nào dữ như thế! Mấy tiếng đồng hồ sau, gió bỗng nổi lên rần rật. Gió từ đâu về mà thổi khủng khiếp quá! Cứ như tất cả gió trong trời đất đã gom hết về Rừng Ma. Xưa nay chưa từng có một trận gió nào lớn như vậy. Rồi ngọn lửa bất thần bùng lên. Lửa lan ra cả khu rừng. Thôi rồi Giàng ơi! Con ma nó hại rồi! Lửa thiêu đốt. Lửa vây bủa. Cả cánh rừng nguyên sinh trở thành một biển lửa, tỏa ra hơi nóng hầm hập. Lửa ăn hết rừng. Lửa đuổi theo cánh thợ rừng. Lửa đuổi theo bọn săn thú. Lần ấy thằng Báo cũng đang có mặt để mua thú ở Rừng Ma.

Những kẻ nhanh chân lẹ mắt thì đã bỏ chủ tháo thân. Trong rừng còn lại Thằng Lang và thằng Báo ục ịch vừa lặc lè vừa thở. Đang có nguy cơ bị thiêu sống cả hai, thì chúng lại may mắn như được trời cứu. Thằng Lang bỗng phát hiện ra một cái hố! Có lẽ đó là một cái hang trút lâu ngày đã bị mưa gió làm sạt lở. Nó cứ thế thả uỵch tấm thân nặng nề xuống. Nhưng thật buồn thay, cái hố đã bị bồi lấp quá nông. Cái đầu thằng Lang vẫn cứ nhô lên một đoạn. Thấy thằng Lang đang loay hoay xoay xở, như có ma lực trong người, thằng Báo ào tới, lao ngay đầu xuống hố. Phần chân và mông của thằng báo lại trồi cả lên trên. Hai thằng, một đứa ngược, một đứa xuôi như bị nêm chặt ních trong cái hang trút cũ. Không thể cựa quậy, rục rịch được một chút nào.

Chỉ lát sau, ngọn lửa tàn nhẫn tràn tới. Lửa thiêu cháy cỏ cây tầng thực bì. Lửa táp lên đầu, lên mặt thằng Lang. Lửa thiêu cháy ống quần thằng Báo. Mặt thằng Lang bị cháy đen, biến dạng. Cặp dò núc ních của thằng Báo bị cháy sém, sưng rộp. Khi ngọn lửa đã tràn qua khu vực ấy, các đệ tử mới lần mò tìm cứu chủ. Chúng kịp thời đưa cả thằng Lang và thằng Báo đi cấp cứu.

****

Rừng Ma cháy suốt mấy ngày liền. Trời đất nóng như rang. Đang cao điểm mùa khô, nước đã thiếu nay bị thiêu đốt, bị những luồng gió nóng quần đảo chà xát, làng Ke càng khô khốc héo hon. Cái thung lũng này bỗng chốc trở thành cái chảo khổng lồ hứng hơi nóng của trời đất, của Rừng Ma. Giàng ơi thế này thì đến chết hết mất thôi! Người làng Ke thất vọng than vãn. Già Hen thì ngồi buồn xo, lo lắng, không biết còn tại họa gì giáng xuống nữa đây?...

Thế nhưng người làng Ke không chết. Đêm đêm những cơn gió thổi u u trong trời đất, nghe xa như những tiếng hú rùng rợn man rợ. Những âm thanh buồn thảm ấy, lại đọng xuống giữa thung lũng làng Ke. Nó hành hạ mọi người. Trong cái nóng hầm hầm, nghe những âm thanh não nề ấy, chẳng ai chợp mắt nổi. Thì ra xưa nay, nhờ có sự che chắn của Rừng Ma mà những ngọn gió xa xôi ảo não đêm đêm không về phá đi giấc ngủ của làng. Ôi sai rồi. Ta làm hại ta rồi! Già Hen thầm trách vậy. Người làng Ke thầm trách mình vậy.

Đêm. ánh lửa. ánh trăng. Gió rít. Làng không sao ngủ được. Phía Rừng Ma lại như ngân lên những tiếng tru rùng rợn. Ban đầu một vài người, rồi cả làng Ke như bị lên đồng chạy hết về phía Rừng Ma. Già Hen thấy tội lỗi đang bị báo ứng. Già muốn ngăn mọi người lại, song chẳng có cách gì. Đoàn người cứ rùng rùng như bị ma khiến. Thôi rồi, họ đang dấn thân vào cõi chết, để sám hối, để chuộc những lỗi lầm. Càng gần đến rừng, càng nóng. Những tàn lửa bay vật vờ như ma trơi.

Đến giữa rừng, người làng Ke bất ngờ chứng kiến một cảnh hết sức kinh khủng: Cả một cánh rừng đầu lâu, xương ống! Những bộ xương người xưa nay, trải qua thời gian đã được các thảm thực bì của Rừng Ma che phủ, các tầng tầng lớp lớp lá khô củi mục của cây rừng phủ kín, nay tất cả bỗng nhiên bị phô bày giữa bạt ngàn tro bụi. Những cái đầu lâu lem luốc, cháy sém, nhe ra những hàm răng oán hờn. Những hốc mắt đen ngòm trách móc... Trong màn đêm Rừng Ma trở thành một cảnh tượng rợn người. Bạt ngàn tro tàn và đầu lâu. Rất lâu rồi, những tiền nhân hiện hình trở lại. Rừng Ma không còn. Những xương cốt, hình hài tiền nhân bỗng trở nên trơ trọi, lăn lóc. Những con ma sẽ cư trú ở đâu?... Bao nhiêu điều cật vấn hiện lên trong óc mỗi người dân làng Ke. Đêm ấy làng Ke bùng lên một cơn hoảng loạn. Ai ai cũng hoang mang lo sợ. Bắt đầu có ba người bị phát điên. Dần dần bệnh điên lây lan sang mười hai người, rồi hai mươi bảy người... Bệnh điên cứ thế bùng lên như ngọn lửa ăn cái rừng Ma. Những người chưa bị điên vội vã bỏ hết về làng.

Mấy ngày sau, cán bộ y tế về làng Ke khám bệnh cho thuốc. Họ bảo người làng bị phát điên do quá nóng và thiếu nước. Điều đó thì rõ rồi! Nhưng khi trời đất đã trở nên dịu mát trở lại, thiếu vắng Rừng Ma, làng Ke liệu có còn được sinh sống yên ổn như bao nhiêu năm, bao nhiêu đời về trước? Già Hen ngồi bất động nhìn về khu rừng toàn đầu lâu trắng, mắt buồn rưng rưng. Già vẫn tin đó là do Rừng Ma trừng phạt.

Sau vụ cháy Rừng Ma kinh khủng ấy. Nghe nói thằng Lang mặt mày dúm dó vì bỏng nặng. Hắn bị phát điên ngay sau khi được cấp cứu hồi tỉnh. Thằng Báo thì mập mạp béo tốt hơn xưa, với đôi chân nham nhở những sẹo. Tuy không bị điên nhưng hắn lại trở nên hoàn toàn vô tích sự!

Rừng Ma thành cơn ác mộng, thành nỗi ám ảnh mãi mãi trong đời không biết bao nhiêu con người! Già Hen tin rằng Rừng Ma sẽ trở thành cổ tích. Những ngọn lửa ăn hết cả cánh rừng sẽ trở thành cổ tích. Nhiều đời sẽ còn nhắc mãi câu chuyện hãi hùng ấy!

Truyện ngắn của Phạm Đức Long
Số lượt đọc:  398  -  Cập nhật lần cuối:  29/07/2009 04:08:28 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH