Số 5

12 năm triển khai dự án bảo vệ rừng và phát triển nông thôn ở Lâm Đồng

Dự án bảo vệ rừng và phát triển nông thôn 5 tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ gồm: Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai và Lâm Đồng chính thức được triển khai từ năm 1997. Riêng tại Lâm Đồng có 19 xã, thị trấn với gần 16 nghìn hộ dân, trong đó có 3 nghìn hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên của ba huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh và Bảo Lâm được tham gia và hưởng lợi từ dự án này. Sau gần 12 năm triển khai thực hiện, dự án đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của một bộ phận người dân. Tuy nhiên nó cũng bộc lộ không ít những tồn tại cần khắc phục...

Kết quả. Dự án bảo vệ rừng và phát triển nông thôn tại Lâm Đồng có diện tích tự nhiên khoảng 120.400ha, trong đó diện tích vùng đệm là 89.900ha và diện tích vùng lõi là 30.600ha. Mục tiêu là bảo vệ đa dạng sinh học thông qua quản lý bảo vệ có hiệu quả Vườn quốc gia Cát Tiên và những diện tích rừng tự nhiên còn lại ở khu vực vùng đệm. Nâng cao đời sống người dân, phát triển nông thôn vùng đệm nhằm giảm bớt sức ép vào các khu rừng cần được bảo vệ. Tăng cường năng lực của cán bộ trong việc thiết kế thực hiện, giám sát và đánh giá có hiệu quả các chương trình, dự án tổng hợp vừa bảo vệ vừa phát triển. Dự án tập trung giải quyết một số vấn đề phát triển cộng đồng, quy hoạch sử dụng đất và giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, hỗ trợ xã hội, hỗ trợ nông nghiệp, quản lý bảo vệ rừng và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Tổng kinh phí thực hiện dự án tại Lâm Đồng là hơn 92 tỉ đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng thế giới, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Sau 12 năm thực hiện tại Lâm Đồng đã có khoảng 2.000 hộ được giao đất lâm nghiệp và cấp sổ đỏ với diện tích trên 900ha. Ký cam kết bảo vệ rừng, hỗ trợ xã hội và cung cấp cây con giống, vật tư nông nghiệp cho hơn 7000 lượt hộ nghèo với 400 con dê sinh sản, 800 con heo giống, 670 con bò cái và trên 20 nghìn con gà thả vườn. Anh Điểu K'Trang, người trực được hưởng lợi từ dự án tại Cát Tiên, Lâm Đồng chia sẻ “trước kia gia đình tôi không có đất sản xuất phải vào rừng săn bắt, chặt củi bán để có cái ăn qua ngày. Nhờ nhà nước giao cho rừng để giữ và cấp gia súc gia cầm để nuôi, nhiều năm qua tôi đã có công ăn việc làm yên tâm không vào rừng đốn hạ gỗ của nhà nước nữa”.

Không chỉ ổn định cuộc sống được cho hàng trăm hộ dân trước đây vốn có thói quen du canh du cư, dự án còn xây dựng được 45km đường giao thông nông thôn, 10 công trình thủy lợi, hồ chứa nước, 42 phòng học mẫu giáo, 2 trạm y tế, 53 nhà văn hóa thôn, 3 công trình hạ thế điện và 67 bể lọc nước. Những công trình dân sinh này đã đem lại hiệu quả thiết thực, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần và sự thụ hưởng của người dân. Những mô hình như trồng lúa năng suất cao, mô hình nông lâm kết hợp, trồng điều ghép... đã góp phần cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng dự án. Dự án đã thực sự góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng để từ đó sớm ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng.

Tồn tại cần khắc phục. Biểu hiện rõ nhất là còn rất nhiều hộ gia đình vùng dự án vẫn còn nghèo. Lý do sau khi được cung cấp cây con giống, vật tư nông nghiệp, họ không được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh; nhiều hạng mục, nhất là việc hỗ trợ cho nông nghiệp dàn trải, nhỏ lẻ nên chưa phát huy được hiệu quả và tính bền vững. Theo thống kê, chỉ riêng tại huyện Cát Tiên vẫn còn trên 330 hộ dân sống trong vùng dự án chưa ổn định được nơi ăn chốn ở; con số này ở huyện Bảo Lâm là trên 200 hộ. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh thì việc xây dựng dự án của địa phương này bắt đầu triển khai từ năm 1999 nhưng đến năm 2002 mới thực hiện nên không còn phù hợp. Việc lựa chọn nhà thầu lúc đầu chưa có sự thẩm định kỹ nên năng lực thi công không đảm bảo dẫn đến chất lượng một số công trình chưa tốt, như công trình đường giao thông, phòng học cho học sinh, bể lọc nước. Các công trình này đã bị xuống cấp trầm trọng.

Lý giải về những tồn tại ông Hoàng Sĩ Sơn, phó chủ tịch UBNB tỉnh Lâm Đồng thừa nhận: “Việc chưa mạnh dạn phân cấp cho chính quyền địa phương nên đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Khi triển khai thì liên tục bị chậm tiến độ nên ảnh hưởng không nhỏ đến tính hiệu quả của dự án. Hầu hết dân trong vùng dự án là người đồng bào dân tộc thiểu số, mặt bằng dân trí thấp nên chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia dự án, họ còn ỉ lại, nhất là việc giám sát, nghiệm thu và duy tu bảo dưỡng công trình sau khi kết thúc thời gian bảo hành. Từ đó dẫn đến các công trình sau khi đưa vào sử dụng đã nhanh chóng bị xuống cấp. Ngoài ra cũng do việc đầu tư dàn trải, nhỏ lẻ nên tính bền vững một số hạng mục chưa cao, chưa thực sự tạo chuyển biến có tính đột phá cho người dân vùng dự án”.

Minh Đức


Số lượt đọc:  270  -  Cập nhật lần cuối:  30/07/2009 07:39:28 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH