Số 4

Mô hình quản lý bảo vệ rừng phòng hộ ở Phú Lương

Huyện Phú Lương có diện tích rừng và đất rừng phòng hộ 3.550,4ha, chiếm 7,5% trong tổng số 47.232,6ha rừng và đất rừng phòng hộ của tỉnh Thái Nguyên. Diện tích rừng phòng hộ được phân bố ở 6 xã, trong đó nhiều nhất là xã Yên Ninh với 1.403,4ha, kế đến là xã Yên Lạc với 1.027,6ha, 4 xã còn lại có từ 125ha đến 379,4ha. Diện tích rừng phòng hộ ở xã Yên Ninh lớn nhất trong 6 xã có rừng phòng hộ. Sau khi tách tỉnh Bắc Thái, diện tích rừng ở xã Yên Ninh thuộc lâm phận của lâm trường Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn). Vì vậy, diện tích rừng phòng hộ xã Yên Lạc trở thành trọng điểm quản lý bảo vệ của huyện Phú Lương.

Việc quản lý bảo vệ rừng phòng hộ gặp không ít khó khăn phức tạp. Nơi có diện tích rừng tập trung thì xa dân cư, địa hình hiểm trở, đi lại tuần tra kiểm soát rừng rất vất vả. Nơi có rừng phòng hộ diện tích nhỏ lẻ có thể giao cho dân; tuy nhiên, theo quy chế quản lý 3 loại rừng, lợi ích của người quản lý bảo vệ rừng phòng hộ còn thấp, khiến họ chưa làm hết trách nhiệm với diện tích rừng được giao. Từ thực tế trên, Hạt Kiểm lâm Phú Lương cùng với Ban chỉ huy quân sự huyện đã xây dựng phương án, được chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Phú Lương phê duyệt giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ ở tiểu khu 290 cho Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Lương là 878,96ha, trong đó núi đá có rừng 500,67ha, núi đá có thực bì 76,5ha, núi đất xen núi đá nhỏ 263,14ha, đất có độ dốc dưới 15% là 40ha và đất có khả năng trồng rừng 48,14ha.

Sau khi phương án giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ ở TK 290 (thuộc xã Yên Lạc) được Uỷ ban nhân dân huyện Phú Lương phê duyệt, Ban chỉ huy quân sự huyện đã khẩn trương tổ chức thực hiện. Đơn vị đã xây dựng lán trại, cử 1 tổ công tác gồm 4 người cắm chốt trong rừng, đảm bảo 24/24h đều có người kiểm tra, bảo vệ rừng. Tổ công tác Huyện đội Phú Lương bố trí luân phiên, có thời gian làm nhiệm vụ bảo vệ rừng trong rừng phòng hộ từ 2-3 tháng. Vừa làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, vừa chuẩn bị cây con đủ trồng trên diện tích 48,14ha. Nhằm bảo vệ và phát triển tốt diện tích rừng được giao, Huyện đội Phú Lương đã huy động hàng ngàn lượt bộ đội kết hợp công tác dã ngoại tu bổ rừng. Trong 2 năm (2003-2004), mỗi năm đưa bộ đội dã ngoại vào chăm sóc tu bổ rừng 2 lần, mỗi lần trên một nghìn chiến sĩ. Lực lượng này đã thực hiện phát dây leo, bụi rậm, thu dọn các vật liệu dễ gây cháy rừng. Cũng chính lực lượng này đã đảm nhận việc chuẩn bị thực bì, cuốc hố và tiến hành trồng rừng trên diện tích 48,14ha đất trống trong tổng số diện tích rừng và đất rừng phòng hộ đã giao. Ngoài ra, lực lượng quân đội còn thực hiện trồng dặm các loài cây bản địa đối với diện tích 263,14ha núi đất xen núi đá nhỏ có thực bì.

Hơn 6 năm qua, diện tích 878,96ha rừng phòng hộ ở TK 290 giao cho Huyện đội Phú Lương quản lý bảo vệ, không để xảy ra cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép. Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đầu tư xây dựng 01 chòi canh lửa, trong rừng lúc nào cũng có người làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ, mọi hành vi có thể gây cháy rừng (cư dân đốt ong, trẻ chăn trâu đốt sưởi), đều được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, các hành vi khai thác lâm sản trái phép nhỏ lẻ, một số cư dân đã vào rừng định chặt vài khúc gỗ để sửa nhà, sửa bếp, làm chuồng trâu vẫn còn xảy ra. Do thường xuyên có lực lượng bộ đội làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, đã phát hiện và ngăn chặn các hiện tượng khai thác lâm sản trái phép. Tổ công tác của Huyện đội Phú Lương đã thu giữ công cụ khai thác (búa, rìu), nhắc nhở và tuyên truyền cho cư dân địa phương không khai thác lâm sản trái phép trong rừng phòng hộ. Nhờ vậy, khu rừng phòng hộ nêu trên, đã được khoanh nuôi bảo vệ tốt; diện tích trồng rừng mới cũng được chăm sóc đúng chu kỳ, tỷ lệ cây sống đạt yêu cầu kỹ thuật.

Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Lương thực hiện tốt việc quản lý bảo vệ diện tích rừng phòng hộ được giao, đơn vị đã cử 01 tổ công tác vào cắm chốt trong rừng. Lực lượng này đã thực hiện phương thức lấy ngắn nuôi dài. Trong diện tích hơn 40ha đất có độ dốc dưới 15%, đã đắp đập để tạo thành ao với diện tích 600m2. Ngoài thả cá, nuôi vịt, còn để chạy 01 máy thủy điện nhỏ và lấy nước tưới hoa màu. Sản lượng thu hoạch hàng năm hàng tạ cá tươi; trên 200kg đỗ, lạc, vừng... Ngoài ra, đàn dê thường xuyên có trên 30 con; gà, vịt khoảng vài chục con. Số nông sản trên dùng làm thực phẩm tại chỗ cho tổ công tác cắm chốt, một phần đưa về bếp ăn của đơn vị. Riêng thịt dê và cá tươi, chỉ sử dụng vào dịp liên hoan toàn cơ quan. Do có điện tại chỗ, Huyện đội Phú Lương đã trang bị đài và tivi cho tổ cắm chốt. Đời sống vật chất và tinh thần được đảm bảo, tổ công tác của Huyện đội Phú Lương đã an tâm làm tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng phòng hộ. Thực tế cho thấy, việc quản lý bảo vệ rừng phòng hộ ở TK 290 huyện Phú Lương thực hiện tốt là do áp dụng biện pháp bảo vệ tại gốc, với lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và cắm chốt trong rừng. Mọi hành vi xâm hại và dấu hiệu có khả năng gây cháy rừng, đều được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Nếu giao cho người dân quản lý bảo vệ rừng khu rừng phòng hộ này, dù vài ba hộ gia đình cũng không thể bảo vệ tốt như giao cho lực lượng quân đội bảo vệ.

Việc quản lý bảo vệ tốt rừng phòng hộ ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên do Ban chỉ huy quân sự huyện thực hiện là một mô hình. Mô hình này cần được nhân rộng, bởi diện tích rừng phòng hộ của huyện Phú Lương chỉ chiếm chưa đầy 10% diện tích rừng phòng hộ của tỉnh Thái Nguyên, hơn 90% còn lại nằm ở 4 huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa, Đại Từ.

Số lượt đọc:  371  -  Cập nhật lần cuối:  10/04/2012 11:15:27 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH