Số 4 năm 2008

"Vua rừng" một chân

“Gần 30 năm trước từ Trại an dưỡng thương binh trở về làng quê cát trắng - gió lào, tui nghĩ cuộc đời rứa là xong! Nhưng cái đói, cái nghèo rình rập trong mái nhà tranh đơn sơ của ông bà để lại đã buộc tui phải làm gì đó để thoát ra. Một chút nghị lực cộng thêm tính lãng mạn yêu đời vợ chồng tui đã vượt qua và có được như hôm nay”, anh Hồ Thanh Xuân, thương binh hạng 2/4 ở Hải Thượng, Hải Lăng (Quảng Trị) mở đầu câu chuyện về đời mình như vậy.

Chúng tôi tìm đến đến trang trại của anh ở khu rừng Bốn Vú phía tây huyện Hải Lăng, cách Quốc lộ 1A chừng 20km. Vừa đến nơi cũng là lúc vợ chồng anh đang thuê nhân công chở giống cây: sến, sao, keo để chuẩn bị vào vụ trồng mới 70ha rừng vừa thuê người dân khai hoang thêm. Gác lại công việc thường ngày, bên ấm nước chè xanh anh Xuân say sưa tâm sự. "Ngày giải phóng, quê hương đầy rẫy bom mìn. Để có đất cho bà con canh tác tôi lại tiếp tục tham gia rà phá bom mìn. Rồi cái ngày oan nghiệt cuối năm 1975 đã đổ xuống đời tôi khi đang thao tác tìm vật liệu nổ. Một tiếng nổ chát chúa rền vang... vài ngày sau tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong bệnh viện... và cái chân trái không còn nữa! Đã hơn 30 năm rồi nhưng bây giờ mỗi lần trái gió trở trời các mảnh đạn còn lại trong cơ thể vẫn làm tôi khổ sở”.

Năm 1979, anh Xuân xin rời trại điều dưỡng để về quê vào đội lâm nghiệp của huyện. Một thời gian sau anh được điều động làm đội trưởng chịu trách nhiệm sản xuất giống cây lâm nghiệp. Năm 1990 cơ chế mới mở ra cũng là lúc đội lâm nghiệp của anh bị xóa sổ. Các đội viên không có việc làm, nhiều vườn cây giống rơi vào cảnh tiêu điều. Thấy vậy, anh Xuân “liều mạng” đứng ra mượn tiền mua lại toàn bộ số vườn này để tiếp tục tổ chức sản xuất duy trì cuộc sống cho người lao động. “Là một đội trưởng tôi không thể khoanh tay đứng nhìn 30 lao động thất nghiệp. Không thể để 30 con người đã từng gắn bó, vật lộn với tôi trên vùng đất đã từng bị đạn bom hủy diệt trở nên thiếu đói. Bằng mọi giá tôi phải quyết tâm...”

Sau nhiều năm làm nghề lâm nghiệp, anh nghiệm ra rằng, trồng rừng không chỉ giải quyết về môi trường sinh thái mà còn là một nghề, một lĩnh vực để phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả nhất và sẽ tạo việc làm ổn định cho người lao động lâu dài hơn. Nhưng đất đâu mà trồng rừng? Anh tức tốc lên ủy ban nhân dân huyện Hải Lăng một mặt xin được giao 300ha đất trống, đồi trọc ở vùng rừng xã Hải Trường phía tây của huyện, mặt khác tăng cường quan hệ với các tổ chức, dự án liên hệ ký hợp đồng ươm giống cây trồng để đảm bảo việc làm thường xuyên cho lao động và có đủ giống để trồng trên vùng đất 300ha ấy. “Nghe tui trình bày dự án, nhiều người cười khẩy. Họ cho rằng, người lành lặn chẳng làm chi được với vùng “đất chết” ấy. Thực tế đã có nhiều người quay trở lại đồng bằng sau một thời gian lên vùng đất này làm trang trại, huống hồ người chỉ có... một chân như tôi. Thế nhưng bằng nghị lực và sự quyết tâm thuyết phục, cuối cùng cấp có thẩm quyền vẫn cấp đất cho cho tui ở vùng rừng Bốn Vú”.

Được huyện cấp đất, mùa thu năm 1990 anh triển khai ngay kế hoạch phủ xanh đồi trọc. Thời gian đầu ngoài 30 công nhân ở vườn ươm, anh Xuân thuê thêm 40 lao động trong vùng cùng các hệ thống máy ủi, làm đất tập trung làm cật lực. Tùy theo đặc điểm địa hình và thổ nhưỡng anh Xuân chia thành nhiều vùng đồi trồng nhiều loại cây khác nhau: trầm, sến, keo lá tràm, keo tai trượng, tràm hoa vàng... "Đã xác định lên rừng là phải làm. Mỗi tấc đất nơi đây đều có máu và xương của đồng đội tui năm xưa ngã xuống. Cuốc đất lên rồi không thể để hoang phí mà phải trồng cây gây rừng mà đã trồng là phải chăm bón, bảo vệ chứ không được lơ là. Tui thua họ một chân, nhưng ý chí và nghị lực thì sẽ không đầu hàng bất cứ tình huống nào cho dù xấu nhất". Nhờ áp dụng kỹ thuật và đầu tư tốt nên cây trồng của anh luôn đạt tỷ lệ sống rất cao từ 80% đến 90%.

Cây rừng ngày mỗi lên xanh nhưng khổ nỗi nguồn vốn vay lớn gần cả trăm triệu đồng với lãi suất cao (có nơi 1,7%/tháng) trong lúc cây rừng chưa thu hoạch nên trong nhiều năm liền lắm lúc anh không có tiền trả lương hàng tháng cho người lao động. Bí quá, anh thế chấp tài sản ở ngân hàng để duy trì các hoạt động trồng rừng, ươm cây giống. Những đồng tiền vay lãi mẹ đẻ lãi con, thế là hai vợ chồng anh lại xoay xở đủ đường hết vay bà con lại “vay nóng” của người dân trong vùng. Có năm vợ chồng phải trốn đến tận đêm 30 Tết nhưng vẫn không thoát được các chủ nợ và người lao động. “Có thời điểm khó khăn làm tui quẫn trí. Chị Nguyễn Thị Mật - vợ anh 3 lần nhập viện đại phẫu vì sỏi thận, sỏi túi mật mà trong túi chả có một đồng cắc. Cả hai bên nội ngoại đều khuyên can tui hãy từ bỏ ý đồ trồng rừng để về quê nuôi con ăn học. Vợ chồng nhìn nhau hai hàng nước mắt như tuôn”. Nhưng rồi với suy nghĩ đi đến tận cùng sự việc mà mình đeo đuổi, anh Xuân đã bất chấp tất cả chạy vạy ngược xuôi, hết nhờ người thân lại đến bạn bè. Khổ cực rồi cũng qua đi, rừng cây của anh đã không phụ công người.

Từ năm 2000 những khu rừng sến, tràm, keo của anh đã bắt đầu cho thu hoạch. Trung bình cứ mỗi hécta rừng khai thác có giá trên 35 triệu đồng và trong năm ấy anh đã hoàn tất món nợ gần cả trăm triệu đồng cho các chủ nợ. “Tui nhớ mãi cái ngày vác một bao tải đựng tiền đi quanh huyện trả nợ, đời không chi sướng hơn như thế!”. Và cũng từ đây cuộc sống của gia đình anh cũng như hàng chục lao động thủy chung với anh bắt đầu “có của để dành” có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. “Hiện nay phần lớn diện tích rừng của tui đã cho khai thác lấy gỗ. Mỗi năm tui chỉ cần khai thác khoảng 20ha thôi cùng gần cả tỷ bạc rồi. Sau 5 năm lại cho khai thác tiếp (rừng tái sinh). Đó là chưa kể vườn ươm cây giống của tui mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 1 triệu cây con. Bây giờ tui không còn nợ nần chi ai nữa. Hết bĩ cực lại đến thái lai! ”, anh Xuân nở nụ cười sảng khoái.

Nhờ trang trại và vườn ươm cây giống của anh đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động trong vùng có thu nhập ổn định khoảng 1 triệu đồng/tháng. “Cả nhà tui đều làm công cho anh Xuân. Từ nhiều năm nay nhờ có việc làm ổn định mà gia đình đã thoát đói nghèo, con cái được đến trường học chữ”, chị Trần Thị Tâm, một công nhân vườn ươm của anh tâm sự.

Nói đến thành công như ngày hôm nay, anh Xuân nói rằng, trang trại của anh không thể nào phát triển xanh tốt nếu thiếu đi công lao chăm sóc của người vợ tảo tần một nắng hai sương, ngày đêm cùng chồng thực hiện giấc mơ trồng rừng. Anh Xuân lên đồi cuốc đất trồng rừng thì chị Nguyễn Thị Mật cũng không ngại khổ cực, theo chồng lo toan công việc. Nhiều lúc hàng ngàn cây con vừa trỉa xuống đang lên nhanh chỉ sau một đêm trâu bò phá nát. Nhìn đồi cây vợ anh đã mấy lần ngất xỉu. Nhưng mỗi lần như thế anh động viên vợ. Có lúc ôm đàn hát cho vợ nghe. “Tui phải luôn lãng mạn và yêu đời, phải lấy tiếng hát để động viên vợ mới có thể vượt qua được tháng ngày gian khổ giữa đại ngàn Trường Sơn”. Bốn người con trai của anh chị vừa học vừa tranh thủ theo cha mẹ lên rừng. Mười năm sau, hai đứa con đầu của anh chị đã vào đại học. Một người con sau cùng đang theo học phổ thông, người con còn lại theo cha, tiếp tục thực hiện giấc mơ trở thành “vua rừng” ở dãy Trường Sơn .

Sau 17 năm cần mẫn giữa đại ngàn Trường Sơn mà giờ đây anh Hồ Thanh Xuân đã có trong tay trên 200ha rừng cây lấy gỗ đang thời kỳ khai thác (sến, keo tai tượng, tràm hoa vàng, bạch đàn...) và gần 100ha rừng trồng mới. Trung bình mỗi héta có giá khoảng 40 triệu đồng và vườn ươm giống mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 1 triệu cây con giống... Chỉ làm một phép tính nhẩm với những cánh rừng lấy gỗ thôi, anh Xuân đã nắm trong tay hơn chục tỷ đồng. Điều mà cách đây 15 năm trong giấc mơ của vợ chồng anh chưa một ai mơ đến...

Việt Yên


Số lượt đọc:  195  -  Cập nhật lần cuối:  28/04/2008 09:47:37 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH