Số 4 năm 2008

Vấn đề giống bố mẹ tại các vườn quốc gia

Ngày 19/10/2007, tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng”. Tham gia cuộc hội thảo có lãnh đạo Bộ, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ, Giám đốc các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên cả nước. Kết quả hội thảo có nhiều ý kiến tham luận và đi đến thống nhất về xu hướng bảo tồn và phát triển ở các khu rừng đặc dụng: Bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn. Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và đạt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Các khu bảo tồn thiên nhiên phải tự khai thác sử dụng những tiềm năng sẵn có to lớn của mình để tự trang trải những chi phí thường xuyên hàng năm nhằm bớt gánh nặng cho kinh phí Nhà nước. Tiềm năng to lớn nhất của các khu bảo tồn thiên nhiên của chúng ta là tính đa dạng sinh học của rừng nhiệt đới Việt Nam. Trong sự phát triển với tốc độ nhanh của cuộc cách mạng khoa học công nghệ ngày nay thì sự phát hiện, ứng dụng những tính năng, tác dụng của các nguồn gien động thực vật rừng vào đời sống con người ngày càng nhiều và hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường rất lớn. Việt Nam đã ký một số công ước quốc tế về bảo tồn thiên nhiên như CITES, RAMSA... việc khai thác, sử dụng các nguồn gien động thực vật ngoài việc tuân thủ các điều khoản trong các bộ luật của Việt Nam còn phải tuân thủ những điều ước quốc tế mà chúng ta đã ký kết. Đây là điều bắt buộc các Ban quản lý các khu bảo tồn phải chấp hành. Để khai thác, sử dụng tiềm năng to lớn đó chúng ta cần phải có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, từ cơ chế, chính sách đến quá trình sản xuất ở cơ sở, từ khoa học đến thực tiễn. Và đặc biệt là phải xuất phát từ hiện thực khách quan của nền kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay trong quá trình thực hiện nghị quyết của đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Việt Nam đang phấn đấu xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn chỉnh. Đã nói đến kinh tế thị trường thì bao giờ nó cũng bị điều tiết và chi phối bởi qui luật cung - cầu. Tất cả chúng ta đều biết rằng, hiện nay thị trường Việt Nam và khu vực đang có những nhu cầu to lớn về một số loài động thực vật có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt là các loài có thể làm dược liệu, hương liệu và mỹ nghệ... Gần đây gỗ sưa có giá trên dưới một triệu đồng một ki lô gam, trầm hương có giá hàng tỉ đồng một ki lô gam. Một số loài động vật hoang dã cũng có giá tới hàng trăm triệu đồng một ki lô gam, như rùa vàng, nọc rắn độc... các loài thực vật cũng có giá trị không kém như giảo cổ lam, hoàng liên chân gà, xạ đen, sâm Ngọc linh... và trong tương lai sẽ còn những cây, con có giá trị rất cao mà hiện giờ chúng ta chưa thể biết hết, bởi tính đa dạng sinh học của rừng nhiệt đới Việt Nam là rất cao, rất đa dạng, phong phú chưa thể khám phá hết.

Để những sản phẩm của chúng ta vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường vừa hợp pháp, chúng ta cần phải có những bước đi thích hợp. Để có những thế hệ F1, F2, F3... làm hàng hóa, chúng ta cần phải có nguồn Fo (giống bố mẹ có nguồn gốc từ tự nhiên). Nguồn Fo lấy ở đâu? Tất nhiên là phải ở trong rừng tự nhiên. Chúng ta có thể xây dựng những dự án, đề tài nghiên cứu khoa học tìm hiểu đặc tính sinh vật học, khả năng sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt của một số loài và được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Thông qua việc thu giữ tang vật của lực lượng kiểm lâm để tiếp nhận cứu hộ và nghiên cứu cũng là một nguồn quan trọng, hoặc thông qua nhập nội bằng con đường thương mại hay trao đổi. Hơn 10 năm qua, được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm lâm, sự giúp đỡ, phối hợp tận tình của các Chi cục Kiểm lâm, các cá nhân và tổ chức quốc tế, bước đầu Vườn quốc gia Cúc Phương đã tiến hành xây dựng được một số Trung tâm cứu hộ và bảo tồn như Trung tâm cứu hộ bảo tồn các loài hươu, nai, linh trưởng, thú ăn thịt nhỏ, rùa, tê tê, nhím, đon, hoẵng, lợn rừng, công, gà lôi, gà rừng... năm 2008 sẽ tiến hành bổ sung thêm một số loài đặc hữu có giá trị kinh tế cao của Cúc Phương. Để thống nhất hoạt động và tăng thêm sức mạnh cho công tác nghiên cứu, năm 2006 Vườn quốc gia Cúc Phương được Bộ cho phép sáp nhập tất cả các trung tâm trên thành một trung tâm lớn là Trung tâm bảo tồn các loài động thực vật quí hiếm Cúc Phương. Kết quả là nhiều loài đã được cứu hộ, bảo tồn. Một số loài đã được trả lại rừng tự nhiên. Một số loài đã sinh sản và phát triển tốt trong điều kiện nuôi nhốt như gà lôi, gà rừng, nhím, đon, công, rùa nước ngọt, hoẵng, tê tê, các loài lan, dược liệu... Trong một tương lai gần các thế hệ F1, F2, F3 của các loài này sẽ là các tập đoàn con giống, cây giống cho khu vực nhằm phát triển kinh tế miền núi và vùng đệm.

Có được kết quả như ngày hôm nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách tất nhiên là có cả những thất bại trong quá trình nghiên cứu, thực nghiệm. Những bộ qui trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cho sinh sản... của các loài động thực vật hiện nay là thành quả rất đáng khâm phục của các nhà khoa học Cúc Phương. Chúng tôi nghĩ rằng tất yếu một trong những con đường tự vươn lên trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển của các khu bảo tồn thiên nhiên ở nước ta hiện nay là phải khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững về tính đa dạng sinh học của rừng nhiệt đới Việt Nam.

Hoàng Văn Thận


Số lượt đọc:  381  -  Cập nhật lần cuối:  28/04/2008 09:54:55 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH