Số 4 năm 2008

Tin hoạt động

Tập huấn điều tra hiên trạng rừng và canh tác nương rẫy. Thực hiện chủ trương thống kê hiện trạng giao rừng và canh tác nương rẫy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 03/4/2008 đến ngày 27/4/2008 tại Quảng Ninh và Khánh Hòa, Cục Kiểm lâm đã tổ chức 5 lớp tập huấn Điều tra hiện trạng rừng, cho thuê rừng và canh tác nương rẫy. Tham gia các lớp tập huấn có 280 học viên là các cán bộ kiểm lâm làm công tác bảo vệ rừng ở các Chi cục, Hạt Kiểm lâm các tỉnh có rừng. Trong 5 ngày học của mỗi lớp, các học viên được trang bị kiến thức thu thập thông tin, các phần mềm theo dõi về giao rừng và canh tác nương rẫy, phần mềm theo dõi diễn biến rừng và thống kê rừng.

Nguyễn Gia Lâm

Gia Lai: Phát hiện và truy đuổi 2 xe ôtô vận chuyển 5m3 gỗ nhóm I. Ngày 5/3/2008, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ phát hiện, bắt giữ 2 xe ôtô 12 chỗ vận chuyển hơn 5m3 gỗ chủ yếu là gỗ nhóm I. Khi bị phát hiện, 2 chiếc xe trên đột ngột tăng tốc tẩu thoát. Khi đến xã Thành An, huyện Chư Prông, 2 chiếc xe trên đã bị Đội kiểm lâm cơ động số 2 phối hợp chặn lại. 2 lái xe này vẫn tiếp tục tăng tốc, buộc lực lượng kiểm lâm phải nổ súng bắn vào lốp sau của 2 xe. Lợi dụng đoạn đường vắng, “lâm tặc” đã bỏ xe và tháo chạy.

Kiên Giang: Xây dựng trung tâm cứu hộ gấu. Ngày 28/2/2008, Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã (WAR) Việt Nam cùng Quỹ bảo tồn gấu thế giới (FTB) đã ký thỏa thuận với tỉnh Kiên Giang thành lập trung tâm cứu hộ gấu với số tiền đầu tư gần 500.000USD. Trung tâm này đặt tại Hòn Me, huyện Hòn Đất. Dự án được triển khai từ nay đến năm 2010 gồm một trung tâm cứu hộ gấu trên diện tích 20ha. Mục đích của dự án là xây dựng một trung tâm cứu hộ gấu đầu tiên của khu vực phía Nam và hướng đến việc bảo tồn gấu tại Việt Nam. Đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn động vật hoang dã thông qua các hoạt động tuyên truyền cho người dân địa phương và khách tham quan.

Hải Phòng: Phát hiện gần 7 tấn tê tê. Ngày 29/2/2008, Chi cục Hải quan khu vực 1, Cục Hải quan Hải Phòng đã tiến hành mở container loại 40 feet đông lạnh của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Talu (Quảng Ninh), phát hiện gần 7 tấn tê tê không có giấy tờ chứng minh hợp pháp. Trong đó có khoảng 2.000 con tê tê đã được đánh vảy, nặng khoảng 6 tấn và 800kg vẩy tê tê. Số hàng này được phủ che bên ngoài lớp cá đao. Trước đó, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Talu mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan khu vực 1 loại hình chuyển khẩu đã khai báo 21,23 tấn cá đao đông lạnh. Lô hàng này xuất xứ từ Indonesia qua cảng Hải Phòng rồi chuyển đi Trung Quốc.

Gần 10 triệu USD cho Cà mau bảo vệ, phát triển rừng. Nằm trong chương trình Dự án bảo vệ và phát triển những vùng đất ngập nước ven biển miền Nam Việt Nam (CWPD) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, tỉnh Cà Mau đã được đầu tư gần 10 triệu USD để thực hiện dự án này. Theo đó, CWPD tại Cà Mau sẽ triển khai thực hiện vào năm 2000 và hiện nay đã kết thúc với 22 xã của các huyện ven biển như: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn... Đến nay, Cà Mau đã trồng mới 1.923ha rừng các loại, tăng 44,7% so với kế hoạch, cây rừng hiện đang phát triển khá tốt; hoàn thành xây dựng kế hoạch quản lý và phát triển lâu dài Vườn quốc gia mũi Cà Mau; làm tiêu bản cho 60 loại cá, xây dựng và đưa vào sử dụng trung tâm khuyến nông tỉnh; xây dựng cơ sở hạ tầng 15 khu tái định cư; xây hơn 42km đường giao thông…

Bắt vụ săn bắt động vật hoang dã quy mô lớn. Lực lượng kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng vừa bắt quả tang 9 đối tượng săn bắt động vật hoang dã với quy mô lớn. Sau 3 ngày tuần tra, mật phục tại điểm giáp ranh giữa Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng) và Vườn quốc gia Chưyangsin (Đắk Lắk), lực lượng kiểm lâm đã bắt quả tang 9 người tham gia săn bắt động vật rừng trái phép, thu giữ 8 xe máy, 4 khẩu súng (1 khẩu carbin và 3 khẩu kalip tự chế), 44 viên đạn và khoảng 2,5 tạ thú rừng gồm nai, heo rừng, mang, chồn, khỉ. Sự việc đã được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo pháp luật.

Cháy rừng đầu mùa khô ở Kon Tum. Mặc đã nỗ lực trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng như việc huy động phương tiện, nguồn lực chốt tại rừng… nhưng đầu mùa khô năm nay, tại địa bàn huyện Ngọc Hồi đã xảy ra 1 vụ cháy rừng trồng, gây thiệt hại 16,4ha rừng thông và keo tại tiểu khu 186 của Công ty Đầu tư phát triển Nông lâm công nghiệp và dịch vụ Ngọc Hồi. Theo xác định, đây là rừng trồng năm 2001, đã bị cháy năm 2002, sau đó được trồng dặm từ năm 2004 đến năm 2006; mức độ cháy 60%; nguyên nhân vụ cháy là do con người vô ý đốt lửa gây cháy rừng. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Thị Phương Trang

Quảng Bình: Phát hiện vụ vận chuyển 715 kg động vật hoang dã. Đêm 13/4/2008, Kiểm lâm cơ động Quảng Bình phát hiện tại địa phận phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới xe tải biển số 99K-3164 vận chuyển 715kg động vật hoang dã trái phép. Vụ việc đã được chuyển Công an tỉnh điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định.

Thi thiết kế thông điệp bảo vệ động vật hoang dã. Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên tiểu vùng sông Mekong mở rộng (WWF Greater Mekong) và Mạng lưới kiểm soát buôn bán động thực vật hoang dã (TRAFFIC) vừa phát động cuộc thi “Thiết kế mẫu quảng cáo trên báo in”. Cuộc thi được tổ chức nhằm kêu gọi người dân ngừng tiêu thụ bất hợp pháp các sản phẩm động vật hoang dã tại Việt Nam qua những thiết kế sáng tạo và độc đáo. Mẫu dự thi có thể là tranh vẽ, ảnh chụp hay thiết kế đồ họa trên khổ giấy tự do mang thông điệp bảo vệ các loài động vật hoang dã còn tồn tại ở Việt Nam. Nội dung mẫu dự thi có thể là về tình trạng buôn bán tiêu thụ động vật hoang dã nói chung hoặc theo từng chủ đề động vật cụ thể. Hình ảnh được sử dụng trong bài thi gồm các loài động vật được pháp luật Việt Nam và quốc tế bảo vệ như: hổ, gấu, rắn hổ mang chúa, tê tê, rùa biển, tê giác... và các hình ảnh minh họa khác. 10 tác phẩm xuất sắc nhất và kết quả sẽ được công bố vào tháng 7/2008, trong đó 6 tác giả đoạt giải cao nhất sẽ có cơ hội làm việc với Công ty thiết kế Saatchi và Saatchi Việt Nam để hoàn thành các mẫu quảng cáo của mình trước khi được đăng trên các ấn phẩm báo chí trong thời gian một năm.

Kon Tum: Nguy cơ mất rừng vì sa khoáng. Đầu năm 2007, tại tiểu khu 663, thuộc xã Mo Ray, Vườn quốc gia Chư Mom Ray xuất hiện rất đông người dân đổ xô vào khai thác trái phép “đá quý”. Nguyên nhân xuất phát từ tháng 7/2006, Công ty Cổ phần Khoáng sản Việt Nam đã xin phép UBND tỉnh Kon Tum được thăm dò khai thác wolfram. UBND tỉnh Kon Tum đã trình Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, 1686ha rừng thuộc tiểu khu 663, từ rừng đặc dụng sang rừng sản xuất. Quá trình này khiến thông tin bị rò rỉ và “khoáng tặc” phát sinh lộng hành. Ngoài ra có tới 7 doanh nghiệp khác xếp hàng chờ được duyệt khai thác khoáng sản ở khu vực này.

GTZ tài trợ 2 triệu euro cho bảo vệ rừng Đăk Nông. Đây là khoản tài trợ cho Dự án "Bảo vệ môi trường và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên tỉnh Đăk Nông" - được ký kết ngày 16/4/2008 giữa UBND tỉnh Đăk Nông và Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức tại Việt Nam (GTZ). Mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng của dự án sẽ được thử nghiệm thông qua việc giao một số diện tích rừng cho một số cộng đồng nhỏ những người dân nghèo tại các vùng nông thôn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.

Đồng Tháp: Môi trường sống của sếu đang bị đe dọa.Tại Vườn quốc gia Tràm Chim, việc khiếu kiện, tranh chấp đất đai đã từ nhiều năm nay. Khi giá đất lên cao, người dân muốn đòi lại đất cũ để đào ao nuôi cá hoặc cải tạo làm lúa, nên các hộ dân đã cho máy cày vào bãi A5 xới tung hơn 1,5ha năn. Ngoài ra năn còn đứng trước nguy cơ chết hàng loạt do mực nước luôn được giữ ở mức cao để phòng cháy rừng. Một vấn đề nữa là sự xâm lấn của cây mai dương, hiện khó khăn lớn nhất để diệt cây mai dương là vấn đề kinh phí. Trung bình để diệt 1ha cây mai dương cần khoảng 10 triệu đồng.

Kon Tum: 15,1 tỷ đồng cho phòng cháy, chữa cháy rừng. UBND tỉnh Kon Tum vừa phê duyệt Dự án “Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2008-2010”. Theo đó công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được đầu tư 15 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Mấu chốt của Dự án là việc giảm thiểu nguy cơ thiệt hại từ 80%-90% diện tích do cháy rừng gây ra, Dự án còn góp phần nâng độ che phủ rừng tại tỉnh Kon Tum lên 70% đến năm 2015.


Số lượt đọc:  352  -  Cập nhật lần cuối:  28/04/2008 03:17:38 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH