Số 4 năm 2008

Quy vùng sản xuất nương rẫy ở Quảng Trị

Quảng Trị có 36 xã miền núi có bà con dân tộc canh tác nương rẫy thuộc 3 huyện Hướng Hóa, Đak Rông, Vĩnh Linh, trong đó có 27 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn được đầu tư từ chương trình 135 giai đoạn II. Kinh tế của các xã này phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, trong đó canh tác nương rẫy đóng vai trò quan trọng. Thống kê sơ bộ toàn tỉnh hiện gần có 20.000ha nương rẫy đang được bà con các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô canh tác sử dụng. Thực tế, diện tích nương rẫy còn cao hơn nhiều so với con số thống kê, bởi lẽ lâu nay chưa có cơ quan quản lý nhà nước nào được giao nhiệm vụ cụ thể về quản lý nương rẫy dẫn đến tình trạng có nhiều cơ quan có trách nhiệm liên quan, nhưng thiếu một đầu mối phối hợp và chỉ đạo thực hiện. Hoạt động canh tác nương rẫy truyền thống là tập quán canh tác lâu đời đã góp phần tự cung, tự cấp cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc miền núi. Tuy nhiên, canh tác nương rẫy truyền thống chỉ ổn định trong điều kiện nhất định, khi diện tích rừng tự nhiên còn lớn, chưa có sức ép về dân số và chưa có sự cạnh tranh về chế độ sử dụng, sở hữu về đất và rừng. Đến nay các yếu tố đó đã bị thay đổi, diện tích đất hoang, rừng tự nhiên ngày một ít đi, dân số tăng lên. Thiếu cái ăn, người dân phải phát rẫy để sản xuất lúa màu. Do canh tác nương rẫy thường xuyên luân canh và mở rộng diện tích mới, nên canh tác nương rẫy là những nguyên nhân trực tiếp làm mất rừng. Đốt dọn thực bì trên rẫy không được quản lý chặt chẽ cũng là nguyên nhân làm cháy rừng và mất rừng. Thực tế về canh tác nương rẫy hiện nay là thời gian sử dụng đất tăng lên, thời gian bỏ hóa rút ngắn lại. Do đó không đủ thời gian để phục hồi độ màu mỡ của đất, nương rẫy thường phân bố nơi cao, dốc, canh tác không đúng kỹ thuật nên đất mặt dễ bị bào mòn rửa trôi khi mưa lớn, hiệu quả canh tác nương rẫy rất thấp. Năng suất lúa nương chỉ đạt trung bình 7,5tạ/ha/vụ ở Đak Rông và 12,7tạ/ha/vụ ở Hướng Hóa. Năng suất ngô đạt trung bình 8,5tạ/ha/vụ (Đak Rông) và 13,1tạ/ha/vụ (Hướng Hóa). Điều đáng nói là do đất đai và nguồn giống ngày càng thoái hóa nên năng suất cũng ngày càng giảm (lúa rẫy ở Đak Rông 7,4tạ/ha/vụ năm 2000, 8 tạ năm 2004 thì năm 2006 là 6,8tạ/ha/vụ; ở Hướng Hóa 13,3tạ/ha/vụ năm 2000 thì năm 2006 xuống còn 10,9tạ/ha/vụ). Như vậy, với thời tiết, khí hậu và mức độ canh tác bình thường như hiện nay thì nguồn lương thực (lúa, màu) thu hoạch từ nương rẫy mới chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu lương thực tại chỗ, người dân canh tác nương rẫy vẫn thiếu ăn. Và để giải quyết cái ăn, họ lại phát rẫy tiếp và khai thác gỗ, săn bắt động vật trái phép... Hậu quả đã làm cho rừng ngày một giảm là điều dễ thấy. Từ nhiều năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương chính sách với những nỗ lực rất lớn nhằm ưu tiên cho sự phát triển nông thôn miền núi, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc đang gặp khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, các chính sách và thể chế về quản lý nương rẫy đang là vấn đề phức tạp và nhiều hạn chế. Mặc dù còn khó khăn về nhiều mặt nhưng hàng năm, Quảng Trị vẫn ưu tiên ngân sách để quy vùng sản xuất nương rẫy cho các xã miền núi. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí còn ít nên chỉ tiến hành quy vùng được một số xã. Chẳng hạn ở huyện Đak Rông chỉ tính khoảng 5.000 hộ đồng bào dân tộc canh tác nương rẫy. Nếu quy vùng cho mỗi hộ 0,5ha để làm rẫy với chu kỳ 5 năm thì huyện phải dành gần 13.000ha để bà con làm rẫy, nhưng thực tế qua 6 năm 2001-2006 mới quy vùng cho 7/14 xã, thị trấn với 3.762ha. Số xã còn lại bà con vẫn phát rẫy ngoài quy hoạch. Để thay đổi phương thức canh tác nương rẫy luân canh, ổn định cuộc sống đồng bào miền núi thông qua việc chuyển những diện tích nương rẫy canh tác kém hiệu quả sang trồng rừng hoặc trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, nhằm dần dần ngăn chặn tình trạng canh tác nương rẫy trái phép, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng. Chính phủ đã có nhiều chủ trương và chính sách về phát triển kinh tế cho bà con các dân tộc ở miền núi, trong đó có việc quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy là công việc hết sức cần thiết, nhằm tổ chức lại sản xuất, khai thác hết tiềm năng đất đai của từng huyện, bảo vệ môi trường sinh thái để đưa nền sản xuất của huyện đạt được mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Điều quan trọng là hạn chế và tiến dần đến chấm dứt nạn phát rừng làm nương rẫy. Để cụ thể hóa các nội dung trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy giai đoạn 2008-2012” trên phạm vi cả nước. UBND tỉnh Quảng Trị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao nhiệm vụ này cho Chi cục Kiểm lâm. Trước mắt thống kê nhu cầu kinh phí và sản lượng lúa gạo của các hộ đồng bào các dân tộc ở Hướng Hóa, Đak Rông, Vĩnh Linh để trồng rừng trên đất nương rẫy cho năm 2008. Đồng thời, làm cơ sở hỗ trợ kinh phí và gạo cho các hộ gia đình trồng rừng, thay thế việc phát nương rẫy trong các năm tiếp theo. Thay đổi phương thức canh tác nương rẫy, ưu tiên trồng rừng trên những diện tích nương rẫy sản xuất kém hiệu quả là bước đột phá lớn nhằm thay đổi tư duy tập quán và cung cách làm ăn lâu nay đối với bà con các dân tộc thiểu số là công việc khó khăn nhưng cấp thiết. Với sự hỗ trợ thiết thực từ Trung ương, sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương đối với quy hoạch sản xuất nương rẫy sẽ là nhân tố lớn, là hướng đi đúng và là nền tảng góp phần cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng cao Quảng Trị.

Cao Đăng Việt


Số lượt đọc:  977  -  Cập nhật lần cuối:  28/04/2008 09:52:22 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH