Số 4 năm 2008

Người làm xanh lại miền rừng

Dù bây giờ đã chuyển công tác về Công ty vận tải và chế biến lâm sản (thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam) nhưng mỗi lần nhắc đến Trịnh Quốc Long, nguyên Giám đốc Công ty nguyên liệu Giấy miền Nam thì mọi người đều cảm thấy bùi ngùi nhớ lại những tháng ngày dâu bể, thăng trầm và đầy biến cố ở một doanh nghiệp trồng rừng trên vùng cực bắc Tây Nguyên. Hai năm vào Kon Tum lãnh ấn tiên phong để giữ rừng, giám đốc Long đã gửi vào đất rừng Tây Nguyên những kỳ tích. Người Kon Tum sẽ mãi nhớ anh với những gì anh để lại cho vùng đất cực bắc Tây Nguyên.

Đang làm giám đốc Lâm trường Lập Thạch (Vĩnh Phúc) - một doanh nghiệp trồng và khai thác lâm sản được coi là "ăn nên làm ra" trong ngành lâm nghiệp, tháng 7/2005 đồng chí Trịnh Quốc Long được Tổng công ty Giấy Việt Nam điều động vào Kon Tum giữ chức Giám đốc Công ty nguyên liệu giấy miền Nam. Đây là thời điểm rừng nguyên liệu giấy Kon Tum đang trong tình cảnh "sống dở chết dở" với những khó khăn chồng chất: Mùa khô 2004 - 2005, trên 1.600ha rừng ở Sa Thầy, Đắk Tô, Ngọc Hồi bị thiêu rụi vẫn chưa khắc phục được; gần 15.000ha rừng trồng trong thời kỳ chăm sóc, bảo vệ có nguy cơ bị bỏ rơi vì không có vốn. Muốn giữ được gần 15.000ha rừng nguyên liệu giấy còn lại trên đất Kon Tum tại thời điểm ấy, nhiều người cho rằng, phải làm một "cuộc cách mạng" từ tổ chức bộ máy đến cơ chế chính sách quản lý và bảo vệ rừng. Tổng công ty Giấy Việt Nam đã để cả ban lãnh đạo cũ của Công ty được nghỉ. Có đồng chí được "gợi ý" làm giám đốc Công ty nhưng không dám nhận.

Lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên, lại được phân công ngay nhiệm vụ mới mẻ, khó khăn, Trịnh Quốc Long không khỏi lo lắng trước tình cảnh mình đang phải đối diện: Hơn 8 tháng liên tục cán bộ, công nhân không có lương; 100 cán bộ, công nhân của Công ty trong tổng số 232 người đã xin chuyển công tác, trong đó có gần 40 kỹ sư lâm nghiệp và cán bộ kỹ thuật cao... Chưa kể, thấy tình trạng Công ty ngày càng xuống dốc, một số đảng viên cũng muốn tìm kế sinh nhai nơi khác. "Phải làm gì đây? Phải làm gì đây? Không thể bỏ cuộc!". Những câu nói ấy cứ vang lên trong đầu người Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Công ty. Trước tiên phải dựa vào đồng chí mình, là đảng viên, hơn ai hết, chắc chắn họ sẽ dũng cảm đi trước, có như vậy mới tạo được niềm tin trong anh em cán bộ, công nhân. Nói là làm, ông triệu tập các cuộc họp đảng bộ, vừa động viên, vừa giao trách nhiệm cụ thể cho từng đảng viên. Nhiều lần đứng trước cuộc họp, ông nói như tâm sự: Các đồng hãy tin ở tôi, chúng ta cùng nhau chung sức, dù khó khăn nhưng vẫn phải giữ được rừng. Đây là thời điểm khó khăn nhất mà Đảng bộ cần đến các đồng chí! Được tin tưởng động viên, một số đảng viên có tư tưởng "đứng núi này, trông núi nọ" đã ở lại. Vì họ được tiếp sức từ người bí thư, giám đốc mới. Tiếp đó, ông cùng đảng ủy và ban giám đốc tập trung sức lực, trí tuệ bàn nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt, tìm hướng phát triển lâu dài. Nghiên cứu thực trạng bộ máy tổ chức của Công ty, giám đốc Long nhận thấy có nhiều điểm bất hợp lý. Không có nhiều phụ tá (do nhiều người thấy khó khăn, không còn nhiệt tâm làm việc, có xu hướng kiếm sống bên ngoài), ông cùng ban lãnh đạo lặn lội tận hang cùng ngõ hẻm để đánh giá, khảo sát thực trạng của rừng. Vì thế, cùng với tiến hành phương án sắp xếp lại các phòng, ban theo hướng tăng cường nhân lực và tài chính cho những bộ phận trực tiếp quản lý rừng, giải thể một số bộ phận không phù hợp với chức năng hoạt động của Công ty, giám đốc Long mạnh dạn thực hiện cơ chế khoán, giao trách nhiệm cho từng ban, mỗi ban tự chịu trách nhiệm khoán cho từng nhân công và đối tác. Mỗi cán bộ kỹ thuật, công nhân ở các ban nhận khoán khoảng 100ha rừng, giữ được thì hưởng trọn theo mức khoán, mất rừng thì phải đền. Mặt khác, ông giao cho các bộ phận có trách nhiệm đề xuất với các ngành Trung ương để lo tiền đầu tư tiếp cho rừng.

Theo sự phân công của Đảng bộ và Bí thư, các đảng viên đều bám trụ ở những điểm nóng trong rừng, những nơi có nguy cơ cháy rừng cao như các huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy... Với nhiệt tâm và những ý nghĩ, cách làm sáng tạo của mình, được anh em ủng hộ, chỉ sau gần một năm giám đốc Long tham gia chỉ huy giữ rừng trên đất Kon Tum, hiệu quả đã rõ nét: nếu như năm 2004, diện tích rừng bị cháy trên 1.600ha thì mùa khô 2006-2007 chỉ có 138ha rừng bị thiệt hại. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị trong chuyến khảo sát mới đây đã biểu dương công sức của những người giữ rừng trên vùng đất cực bắc Tây Nguyên này.

Rừng Kon Tum núi non hiểm trở, địa hình chia cắt. Không quản ngại gian khó, nếu ô tô không đi được thì đi xe máy từ thị xã Kon Tum vào rừng rồi đi bộ đến những nơi xa cả ngày đường (như Đak Na, Đak Sao, Tu Mơ Rông, Rơ Kơi...) cùng anh em công nhân đi dập lửa rừng suốt đêm đến sáng trong những ngày mùa khô nắng gió là chuyện thường ngày của giám đốc Long. Anh cho biết: "Để có được gần 14.600ha rừng còn lại trong tổng số 17.000ha đã trồng, những người lao động của Công ty đã phải trải qua bao gian khó để trồng rừng và giữ rừng từ năm 2000 đến nay. Không chỉ hàng trăm tỷ đồng đã đổ vào đất rừng này mà còn 23 người ra đi, mãi mãi nằm lại với đất rừng Tây Nguyên vì sự nghiệp trồng rừng do bom mìn của chiến tranh để lại, do nước lũ, mưa nguồn, do muỗi rừng, vắt suối... Bỏ cuộc là chính mình chà đạp lên mồ hôi, xương máu và nước mắt của biết bao người...". Nói đến đây, ông dừng lại, ngước nhìn lên tấm bản đồ quy hoạch đất rừng nguyên liệu giấy của tỉnh Kon Tum. Chia tay tôi, ông cùng đồng nghiệp lên chiếc xe U Oát tiến về phía rừng khi nhận được tin có điểm cháy trên đồi Sạc Ly cách trụ sở của ông hơn 60km ở địa bàn huyện Đắk Tô. Hình ảnh giám đốc Trịnh Quốc Long đi dập lửa rừng với anh em công nhân in dấu sâu đậm trong nhiều người lao động ở đây. Hai năm vào "lãnh ấn" tiên phong ở điểm nóng này là cả hai Tết ông xa nhà. Ông ở lại rừng ăn Tết cùng anh em cũng là để trực phòng chống cháy, bảo vệ rừng.

Không chỉ xốc lại đội ngũ, trực tiếp cùng đồng đội trồng, bảo vệ rừng, giám đốc Long còn lo vốn đầu tư lâu dài. Ông tất tả ngược xuôi, không ngại "gõ cửa" các Bộ, Ngành Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý đầu tư cho Dự án phòng cháy chữa cháy rừng nguyên liệu giấy Kon Tum đến năm 2010 với kinh phí trên 27 tỷ đồng. Hiện dự án đang triển khai với việc xây dựng 400 bể nước, 20 lán trại trực phòng cháy, rà ủi khoảng 700km đường cơ giới, đường ranh cản lửa, đường bao lô, mua sắm công cụ, phương tiện, ống nước, dựng chòi canh lửa... Công ty và UBND tỉnh Kon Tum đã đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng nhà máy bột giấy ở Kon Tum nhằm giải quyết đầu ra cho vùng nguyên liệu chuẩn bị khai thác. Đồng thời, đề nghị cho Công ty tiếp tục trồng mới, mở rộng vùng nguyên liệu để hình thành chiến lược phát triển đất rừng và vốn rừng trên vùng đất cực bắc Tây Nguyên.

Rừng nguyên liệu giấy Kon Tum từ chỗ có nguy cơ bị tàn phá bởi lửa rừng và không có người chăm sóc vì thiếu vốn nay đã hồi sinh với màu xanh ngút ngàn, trải dài từ Kon Plông, Sa Thầy, Đắk Tô đến Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đắk Hà... Thành quả ấy thuộc về tập thể Công ty, trong đó có vai trò quan trọng của người bí thư đảng ủy, giám đốc Trịnh Quốc Long.

Nguyễn Văn Chiến


Số lượt đọc:  178  -  Cập nhật lần cuối:  28/04/2008 03:32:24 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH