Số 4 năm 2008

Một thời để nhớ

Tôi có vinh dự là một trong những người đầu tiên có mặt trong lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa từ khi thành lập (15/11/1973). 35 năm xây dựng và trưởng thành của Kiểm lâm Thanh Hóa và Kiểm lâm Việt Nam với nhiều biến động về tổ chức và nhiệm vụ chính trị được giao, quá trình hoạt động nhiều khó khăn nhưng cơ bản vẫn giữ vững truyền thống đoàn kết, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhớ lại một thời trong lực lượng kiểm lâm nhân kỷ niệm ngày thành lập lực lượng để những người kiểm lâm hôm nay thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành.

Năm 1960 của thế kỷ 20, rừng và tài nguyên rừng của cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng bị tàn phá nặng nề do lạm dụng khai thác lâm sản, đốt phá rừng làm rẫy, du canh, du cư và nạn cháy rừng tràn lan đã làm cho diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, tài nguyên rừng bị giảm sút, nghèo kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, hạn hán, lũ lụt đe dọa sản xuất và đời sống con người.

Để có cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và phát triển rừng ngày 06/9/1972 ủy ban thường vụ Quốc hội khóa II - 1959 đã thông qua Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng và ngày 11/9/1972 Pháp lệnh này được Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tôn Đức Thắng ký công bố. Điều 16 của Pháp lệnh đã quy định việc thành lập lực lượng Kiểm lâm nhân dân là lực lượng chuyên trách của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tiếp đó, ngày 21/5/1973, Chính phủ ban hành Nghị định 101/CP quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân các cấp từ Trung ương đến huyện ở những nơi có rừng. Thực hiện Nghị định của Chính phủ, lúc đó tôi là người được giao nhiệm vụ trực tiếp xây dựng phương án thành lập tổ chức Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 15/11/1973, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hoàng Bửu Đôn đã ký quyết định thành lập Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa trực thuộc ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Hà Thái Khâm (sinh năm 1925) làm Chi cục trưởng, đồng chí Mai Hữu Dung (sinh năm 1924) làm Chi cục phó. Bộ máy của Chi cục gồm các phòng: Chính trị Tổng hợp; Pháp chế tố tụng; Kỹ thuật và Đội kiểm soát lưu động. Lúc đó có 11 hạt kiểm lâm cấp huyện, 3 hạt kiểm soát lâm sản trực thuộc. Quý 1/1974 toàn bộ Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa bắt đầu đi vào hoạt động. Lễ ra mắt được tiến hành trọng thể, đồng chí Trương Triều, Cục trưởng Cục Kiểm lâm nhân dân đến dự và giao nhiệm vụ. Tôi thật vinh dự là người góp công sức đầu tiên cho sự kiện quan trọng này. Thời kỳ đầu, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa không chỉ thừa hành pháp luật, quản lý bảo vệ rừng mà còn làm cả nhiệm vụ kiểm soát lâm sản và thu thuế tài nguyên rừng.

Sau 3 năm hoạt động Kiểm lâm Thanh Hóa được đánh giá là một trong những đơn vị khá trong toàn quốc. Thời gian này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc đã bước vào giai đoạn tổng tiến công dành thắng lợi. Sau năm 1975, trước yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ rừng trong tình hình mới, ngày 31/7/1976, Chính phủ ban hành Nghị định 132/CP về thành lập lực lượng Kiểm lâm Miền Nam. Kiểm lâm Thanh Hóa đã ba lần tổ chức tiễn đưa hàng trăm cán bộ, chiến sỹ vào tăng cường cho các tỉnh phía Nam từ Thừa Thiên Huế tới Minh Hải (Cà Mau - Bạc Liêu) và các tỉnh Tây Nguyên.

Tôi còn nhớ mãi, trung tuần tháng 4/1977, Thanh Hóa tổ chức tăng cường cho Chi cục Kiểm lâm Đăk Lăk 30 cán bộ, chiến sỹ. Cùng đi có đồng chí Hà Thái Khâm, chi cục trưởng; các phòng chức năng của Chi cục. Đất nước mới thoát khỏi chiến tranh, kinh tế còn muôn vàn khó khăn thiếu thốn, chúng tôi phải mang theo gạo, mắm muối, bánh chưng để tự lo ăn uống dọc đường. Đến thị xã Buôn Mê Thuột, sau hai ngày nghỉ ngơi nghe phổ biến tình hình sắp xếp tổ chức, các cán bộ kiểm lâm được bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp. Tình hình lúc đó rất phức tạp, dọc đường đi có rất nhiều trọng điểm phục kích của tàn quân fulrô. Hoàn thành nhiệm vụ bàn giao chúng tôi chia tay trong bịn rịn, thương nhớ trào dâng trong nước mắt người đi kẻ ở. Chúng tôi không thể nào quên cái ngày có tin dữ báo về, đồng chí Nguyễn Hữu Quang, bộ đội chống Mỹ chuyển ngành được tăng cường cho Kiểm lâm Đăk Lăk đã bị fulrô giết hại. Thời gian sau đó lại có 2 cán bộ của Kiểm lâm Thanh Hóa tăng cường hy sinh do vướng phải bom mìn chiến tranh sót lại. Các anh hy sinh, gia đình quê hương mất đi người thân, lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa - Đăk Lăk mất đi những cán bộ chiến sỹ dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ, tô thêm cho truyền thống của lực lượng kiểm lâm trên mặt trận bảo vệ rừng. Dân tộc ta có truyền thống uống nước nhớ nguồn. Có được sự trưởng thành và lớn mạnh ngày hôm nay, chúng ta không khỏi bùi ngùi xúc động về quá khứ, tưởng nhớ các thế hệ lãnh đạo tiền bối, các cán bộ, chiến sĩ đã vì nhiệm vụ mà hy sinh. Nhân kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống lực lượng Kiểm lâm Việt Nam, thắp nén hương kính cẩn nghiêng mình trước vong linh, chúng tôi những thế hệ kiểm lâm Việt Nam không quên các anh.

Khương Bá Tuân


Số lượt đọc:  435  -  Cập nhật lần cuối:  28/04/2008 10:02:07 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH