Số 4 năm 2008

Gây nuôi và quản lý gây nuôi động vật hoang dã tại thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở vị trí điạ lý rất thuận lợi cho việc gây nuôi, xuất khẩu và tiêu thụ động vật hoang dã. Hiện nay các loài động vật hoang dã được gây nuôi đa dạng về chủng loài và có số lượng lớn, là nơi cung cấp con giống cho các tỉnh khác. Có nhiều hình thức gây nuôi, như dạng trang trại lớn có Công ty TNHH cá sấu Tồn Phát, kết hợp nuôi và kinh doanh du lịch có Khu du lịch Đầm Sen, Công ty văn hóa Suối Tiên và Khu du lịch sinh thái Bình Mỹ; nuôi bán hoang dã có trại trăn Hiền ở Củ Chi và đảo Khỉ tại Cần Giờ. Nghề nuôi cá sấu có tại Việt Nam từ năm 1987 nhưng đến năm 1995 mới bắt đầu phát triển mạnh. Đến nay, thành phố Hồ Chí Minh có 63 trại nuôi lớn nhỏ và hàng chục hộ nuôi vệ tinh tại các quận, huyện ngoại thành như Củ Chi, Bình Chánh, quận 9, Nhà Bè... Có 4 doanh nghiệp (trong số 5 doanh nghiệp ở Việt Nam) được tổ chức Cites cấp hạn ngạch xuất khẩu cá sấu. Trong 7 năm gần đây, lượng cá sấu tăng 14 lần, khoảng 140.000 con. Sở dĩ nghề nuôi cá sấu phát triển nhanh vì nghề này mang lại hiệu quả kinh tế và lợi nhuận khá cao. Tại 4 doanh nghiệp được Cites cấp hạn ngạch xuất khẩu có tổng đàn cá sấu sinh sản 2.365 con, hàng năm cho ra đời khoảng 45.000 cá sấu con. Các hộ gia đình và các tổ chức gây nuôi đơn lẻ có tổng đàn cá sấu sinh sản là 747 con, lượng cá sấu được sinh ra hàng năm khoảng 3.000 con. Vì thế thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là nơi cung cấp con giống, nguyên liệu da cá sấu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu lớn nhất nước. Số lượng cá sấu xuất khẩu năm sau luôn cao gấp 2 lần năm trước. Nếu năm 2003, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp hạn ngạch xuất khẩu cá sấu cho thành phố Hồ Chí Minh là 9.172 con (nhưng 4 doanh nghiệp chỉ xuất được một số ít sản phẩm ra các nước như Nhật, Hungary, Italia... theo hình thức chào hàng, quảng cáo sản phẩm); nhưng đến năm 2007, hạn ngạch xuất khẩu cá sấu trên địa bàn đã là 38.000 con và được tiêu thụ khá ổn định. Ngành nghề chế biến và thuộc da cá sấu sản xuất ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ rất phát triển, nhiều thương hiệu sản phẩm từ cá sấu, như: cá sấu Hoa Cà, Cửa hàng Việt Thành, Công ty Forimex... đã được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Ngoài ra, Công ty TNHH chăn nuôi và kinh doanh cá sấu Tồn Phát đã xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy thuộc da lớn nhất nước với công suất mỗi ngày hơn 100 tấm da các loại. Nghề nuôi và chế biến các sản phẩm từ cá sấu đã đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách thành phố. Để phát triển ngành nghề này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo ngành chức năng xây dựng và phê duyệt chương trình phát triển cá sấu đến năm 2010. Cùng với nghề nuôi cá sấu, thành phố Hồ Chí Minh còn được biết đến với nghề nuôi trăn xuất khẩu. Trên địa bàn hiện có 12 trại nuôi quy mô tương đối lớn, với tổng đàn khoảng 17.000 con. Hình thức nuôi đa dạng, như nuôi nhốt tập trung, nuôi tại các trại nuôi vệ tinh theo mô hình khu du lịch sinh thái và trang trại gây nuôi động vật do Dương Đình Lượng là người khởi xướng. Chương trình đã liên kết nông dân với Trung tâm hỗ trợ nông nghiệp phía Nam giúp nông dân có thu nhập đáng kể từ nghề này. Người nông dân được cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật, được ưu tiên vay vốn ngân hàng và được bao tiêu sản phẩm. Hàng năm, số lượng trăn được Chi cục Kiểm lâm kiểm tra làm thủ tục xuất khẩu hàng trăm ngàn tấm da với giá xuất khẩu hiện nay từ 6-15USD/m, thu về lượng ngoại tệ giá trị khá lớn. Thành phố Hồ Chí Minh còn có 4 doanh nghiệp nuôi các loài bò sát để xuất khẩu như: cuốn chiếu, ễnh ương, thằn lằn núi, tắc kè... hàng năm, xuất khẩu hơn 300.000 con bò sát các loại, thu về một lượng ngoại tệ đáng kể. Cũng như một số tỉnh Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh còn biết đến như là nơi cung cấp nhím giống lớn nhất nước, hàng năm cung cấp hàng ngàn con giống cho các tỉnh phía Bắc và các tỉnh lân cận, tạo phong trào nuôi nhím lan rộng trên phạm vi cả nước. Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh có 32 hộ gia đình nuôi nhím. Hộ nuôi nhiều đến hơn 200 con như gia đình ông Nguyễn Văn Tuân ở Củ Chi, hộ nuôi ít cũng trên 10 con. Những năm trở lại đây, giá nhím giống liên tục tăng, từ 2-3 triệu/cặp, giờ đã lên 6-10 triệu/cặp nhím 8 tháng tuổi, thế nhưng vẫn không đủ cung cấp con giống cho nhu cầu người nuôi. Nghề nuôi lợn rừng và lợn lai mới chỉ bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ đầu năm 2005. Nhưng tính đến nay, tại thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển khá mạnh và xuất hiện nhiều trang trại nuôi với quy mô lớn như Công viên nước Củ Chi, Trang trại Lê Minh ở quận 2... cung cấp đáng kể con giống cho thị trường. Bên cạnh các hộ gia đình và tổ chức gây nuôi động vật hoang dã với mục đích kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh còn có 98 hộ nuôi nhốt hơn 400 con gấu với mục đích chính là làm cảnh. Gấu nuôi nhốt tại thành phố Hồ Chí Minh được Chi cục Kiểm lâm gắn chíp điện tử theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để quản lý và theo dõi đầu tiên trong cả nước.

Có được nghề gây nuôi động vật hoang dã phát triển bền vững và đa dạng như vậy. Chi cục Kiểm lâm thành phố Hồ Chí Minh phải đề ra những biện pháp quản lý thích hợp. Chi cục phối hợp với Sở Thương mại, Trung tâm xúc tiến thương mại, Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật gây nuôi, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân được vay vốn với lãi suất thấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho gây nuôi các loài động vật hoang dã thành công. Những cán bộ quản lý có năng lực chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm thực tế sâu, rộng của Chi cục Kiểm lâm thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia với Cục Kiểm lâm viết các quy trình gây nuôi cá sấu, trăn, rắn. Ngoài ra, Chi cục thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng truyền tải những văn bản của Nhà nước quy định về quản lý gây nuôi động vật hoang dã đến các hộ dân. Tham mưu cho UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy định quản lý và điều kiện an toàn trong hoạt động nuôi, vận chuyển cá sấu sống và các loài động vật hoang dã nguy hiểm, Chỉ thị về tăng cường thực hiện các biện pháp để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã trên địa bàn thành phố Hồ Chí minh nhằm quản lý chặt chẽ hơn việc gây nuôi động vật hoang dã. Hàng năm, Chi cục đều tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển gây nuôi các loài động vật hoang dã nhằm nâng cao nhận thức cho các trại nuôi. Thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời những cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật. Không chỉ chú trọng đến công tác phát triển gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn, Chi cục Kiểm lâm còn quan tâm đến an toàn chuồng trại các hộ gây nuôi động vật hoang dã. Đầu mùa mưa bão hàng năm, Chi cục Kiểm lâm chủ động gửi văn bản khuyến cáo và lập kế hoạch kiểm tra đến các hộ nuôi các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các hộ nuôi các loài động vật hoang dã hung dữ có nguy cơ sổng chuồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng cho người dân.

Nghề nuôi cá sấu, trăn và các loài động vật hoang dã khác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tuy non trẻ (mới phát triển trong 7 năm gần đây) nhưng đã có bước nhảy vọt. Có được như vậy là nhờ sự quan tâm của UBND thành phố Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của các ngành, các cấp, đặc biệt sự quan tâm của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với mong muốn biến thành phố Hồ Chí Minh là “Vương quốc cá sấu" của cả nước. Phát triển nghề gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là một định hướng đúng đắn, tạo công ăn việc làm ổn định và thu nhập đáng kể cho nông dân, tạo ra nhiều ngành nghề mới cho nông dân, giúp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cho người dân ngoại thành theo Nghị quyết của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đề ra. Tuy nhiên, để ổn định và phát triển bền vững, trong những năm sắp đến Chi cục Kiểm lâm cần xây dựng và ứng dụng công nghệ GIS vào quản lý tốt gây nuôi động vật hoang dã. Kết hợp với các trường đại học, cơ quan nghiên cứu khoa học trong nước xây dựng các quy trình, quy phạm kỹ thuật mang tính hệ thống và khoa học để hướng dẫn đến các tổ chức, cá nhân gây nuôi động vật hoang dã. Xúc tiến thành lập hiệp hội cá sấu tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm tìm kiếm thị trường ổn định tạo đầu ra cho sản phẩm. Tiếp tục phối hợp với Sở Thương mại, Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp tìm kiếm thị trường cho cá sấu và trăn. Đào tạo công nhân chế biến lành nghề để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp thuộc da cá sấu, trăn. Tiếp tục hợp tác với tổ chức WAR (Wildlife at risk) để cứu hộ và nghiên cứu đặc tính từng loài nhằm đưa ra quy trình kỹ thuật cứu hộ, gây nuôi phát triển loài; xây dựng quy chuẩn chuồng trại phù hợp đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành nhằm đảm bảo sự bền vững việc gây nuôi động vật hoang dã.

Lâm Tùng Quế


Số lượt đọc:  1642  -  Cập nhật lần cuối:  28/04/2008 03:47:45 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH