Số 4 năm 2008

Cho thuê đất rừng để bảo vệ môi trường

Mua đất - cho dù đó là một mẫu rừng mưa nhiệt đới, một hành lang bảo vệ voi hay đó là một mảnh rừng ở nước Anh - là một phương pháp thiết thực nhằm bảo vệ đất rừng khỏi sự phát triển. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể mua đất thuộc quyền sở hữu của chính phủ ở một nước nghèo trong khi chính phủ nước đó đang muốn khai thác tài nguyên thiên nhiên của mảnh đất đó. Trong khi các hoạt động khai thác gỗ, khai thác mỏ và phát triển tài nguyên đem lại những giá trị kinh tế hữu hình, thì các hoạt động bảo tồn lại không đem lại những giá trị đó. Tuy nhiên, các nhà bảo tồn nhận thấy rằng một diện tích rừng rất lớn ở các nước nghèo đang được chính chính phủ của những nước đó cho thuê với giá chưa đến 1$/ha/năm - một mức giá mà nhiều nước có thể đáp ứng được. Tổng chi phí cho công tác bảo tồn, bao gồm cả chi phí cho thuê đất, giám sát và bảo vệ rất thấp, chỉ bằng 1-2$/ha/năm. Với mức giá như thế, các tổ chức bảo tồn có thể trả giá cao hơn các công ty khai thác gỗ và khai thác mỏ, và có thể chi trả cho người dân địa phương để họ quản lý các hệ sinh thái nguyên sơ này. Hơn nữa, hình thức nhượng quyền bảo tồn này cũng rất hấp dẫn đối với chính phủ các nước bởi vì chúng đem lại một nguồn thu nhập đều đặn mà vốn chủ yếu phụ thuộc vào thuế gỗ và thuế hàng hóa nông sản. ý tưởng nhượng quyền bảo tồn lần đầu được đưa ra bàn luận vào năm 2000 bởi Tổ chức bảo tồn quốc tế (CI) - một tổ chức gồm các nhà ủng hộ cho các hoạt động bảo vệ môi trường có trụ sở ở Arlington, Virginia; và công ty Hardner & Gullison, một công ty tư vấn có trụ sở ở Amherst, New Hampshire. Ông Richard Rice, một chuyên gia kinh tế hàng đầu của CI, đã tham gia hoạt động ngay từ khi ý tưởng này mới hình thành. Hợp đồng cho thuê đầu tiên của ông có giá trị là 81.000ha rừng nguyên sinh ở Guyana. Kể từ đó đến nay, ông đã có nhiều hợp đồng khác tại Peru, Siera Leone, Papua New Guinea, Figi và Mexico. Các thỏa thuận cho thuê đất này cũng tương tự như các bản hợp đồng khai thác gỗ hoặc bất kỳ một thỏa thuận kinh doanh nào khác về việc trao quyền kiểm soát đối với tài nguyên thiên nhiên. Các điều khoản cho thuê có thể phải gắn chặt với mục tiêu bảo tồn, và có thể bị chấm dứt trong trường hợp giá trị đa dạng sinh học bị suy thoái nếu chủ hợp đồng không thể bảo vệ được mảnh đất mình thuê. Phương pháp này tạo ra nhiều động cơ để bảo vệ đất hơn là phương pháp chi trả trực tiếp. Sự thành công của các vụ làm ăn này phụ thuộc vào các chi phí cơ hội thấp. Tiến sĩ Rice cho biết, mặc dù việc cho thuê đất vì mục đích bảo tồn có vẻ đắt đỏ, song nó lại có ích lợi rõ ràng nếu so với việc bỏ ra hàng tỉ đô vào các dự án sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên bị thất bại, như là các dự án về du lịch sinh thái và khai thác gỗ bền vững. Nhượng quyền bảo tồn mang tính bổ sung chứ không phải thay thế việc mua đất và vườn quốc gia. Theo tiến sĩ Rice thì việc thiếu giá trị kinh tế hữu hình của hàng hóa và dịch vụ vẫn là một trong những nguy cơ nghiêm trọng nhất đối với nguồn giá trị đa dạng sinh học đang ngày một suy thoái của thế giới, và việc tạo ra các động cơ trực tiếp là một giải pháp khả thi. Nhượng quyền bảo tồn có thể nối kết cung và cầu về hàng hóa xanh. Tuy nhiên, các tổ chức bảo tồn thường không được tổ chức theo cách để xác định các cơ hội đầu tư, và việc cho thuê đất để bảo vệ môi trường vẫn còn là một chiến lược tương đối mới mẻ. Hiện giờ CI đang nỗ lực để tuyên truyền về ý tưởng này. Tổ chức này đã liên kết với một công ty mới thành lập có tên gọi là SAVE YOUR WORLD (“Hãy cứu thế giới của bạn”), có trụ sở ở Portland Oregon chuyên kinh doanh về các sản phẩm chăm sóc da như xà bông và dầu gội. Mỗi một sản phẩm được nhập qua công ty này đều phải tuân thủ theo mục tiêu phục vụ cho ý tưởng nhượng quyền bảo tồn: ví dụ, một chai dầu gội thì tương đương với một mẫu (0.4ha) rừng tự nhiên được cho thuê trong một năm. Tiến sĩ Rice gọi đó là một Amazon.com vì nó “thực sự làm một điều gì đó cho Amazon). Với hi vọng thu hút được sự đầu tư của chính phủ vào ý tưởng này trong các mục tiêu bảo tồn và phát triển, CI đã làm việc với Ngân hàng Thế giới và các nước quan tâm về các biện pháp gây quỹ phục vụ cho ý tưởng nhượng quyền bảo tồn. Trong hơn tám năm qua, Nhượng quyền bảo tồn đã thu được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, để khai thác triệt để tiềm năng của nó, thì cần phải quảng bá ý tưởng này rộng rãi hơn nữa, đặc biệt đối với các nhà bảo tồn theo quan điểm truyền thống bởi vì họ có thể không quen với một phương pháp bảo vệ môi trường theo tính thị trường như vậy.

Lược dịch: Nguyễn Minh Thương


Số lượt đọc:  615  -  Cập nhật lần cuối:  28/04/2008 03:26:58 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH