Số 4 năm 2008

35 năm nghiên cứu, xây dựng, đưa vào hoạt động hệ thống dự báo cháy rừng ở Việt Nam

Bất cứ một quốc gia nào trên thế giới, trong lĩnh vực dự báo cháy rừng cũng đều trải qua hai giai đoạn nghiên cứu từ định tính đến định lượng. ở Việt Nam, trước đây vào những năm bảy mươi của thế kỷ 20 dự báo khả năng xuất hiện cháy rừng người ta chỉ xem xét hàng ngày trời có nắng không? Gió thổi mạnh ở mức độ nào? Trời khô hanh nhiều hay ít? Từ năm 1981 đến năm 1985 nước ta được Nga (Liên Xô cũ) viện trợ, giúp đỡ xây dựng triển khai đề tài cấp Nhà nước (mã số 04.01.01.07) về phòng cháy chữa cháy rừng. Bộ Lâm nghiệp nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được ủy ban khoa học Nhà nước nay là Bộ Khoa học Công nghệ giao chủ trì chương trình lâm nghiệp 04.01, do Thứ trưởng PGS.TS Nguyễn Hữu Quang làm chủ nhiệm chương trình. Cục Kiểm lâm được Bộ Lâm nghiệp giao quản lý đề tài về phòng cháy chữa cháy rừng. Chúng tôi được giao làm chủ nhiệm đề tài. Năm 1981, Cục trưởng Cục Kiểm lâm Lê Văn Chương cử chúng tôi sang Liên Xô nghiên cứu về cháy rừng ở Viện khoa học Lâm nghiệp Liên Xô thuộc thành phố Puskinnô ngoại ô Matxcơva. Các GS.TS A.Tro.Khin, Li.Ven.Sép, Ri.Na.Ta... rất chu đáo, tận tình chăm lo hàng ngày việc học tập của chúng tôi. Trước sự giúp đỡ, giảng dạy của các thầy giáo, lại là lần đầu tiên được tiếp cận với nền khoa học công nghệ dự báo cháy rừng của Liên Xô, chúng tôi tự nhủ phải quyết tâm ngày đêm, học tập, khi ở giảng đường cũng như lúc thực tập tại các vùng rừng thông xa xôi ở Petesbua, Petrogiavot, Puđốt, Xibiria... chúng tôi đều chăm chú lắng nghe, ghi chép, đọc sách và học hỏi thêm thầy giáo. Một ấn tượng sâu sắc làm tôi khó quên là hàng ngày cứ đến giờ làm việc sáng sớm đã thấy trên bàn giám đốc các lâm trường, các nhà quản lý rừng đều nhận được bản tin dự báo từ vệ tinh chuyển về và ghi rõ ngày hôm đó vùng rừng thuộc cơ quan quản lý là dự báo đến cấp mấy; nếu đến cấp IV, cấp V, cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm là lực lượng mặt đất và máy bay đi tuần tra. Khi phát hiện được lửa rừng, lập tức người chỉ huy vùng đó huy động ngay lực lượng và phương tiện tại chỗ đến dập tắt. Ngay từ đó tôi ước ao Việt Nam ta làm được điều này? Khi về nước năm 1983-1985 đề tài phòng cháy chữa cháy rừng cấp Nhà nước bước vào giai đoạn triển khai mạnh mẽ tới từng vùng rừng thông ở Quảng Ninh, Lâm Đồng và rừng tràm ở U Minh (tỉnh Cà Mau, Kiên Giang). Đầu các mùa cháy chúng tôi đã có mặt tại các vùng trọng điểm cháy rừng: thông, tràm, rừng khộp. Có năm chúng tôi ăn tết tại U Minh để chỉ đạo đào kênh giữ ẩm rừng tràm; anh Trần Quốc Bảo, Bùi Công Bội ăn tết tại rừng thông Lâm Đồng. Những năm đó chúng tôi đã ứng dụng kiến thức khoa học công nghệ dự báo cháy rừng của Nga, úc, Pháp, Mỹ... vào dự báo phòng cháy rừng ở nước ta.

Lịch sử bảo vệ rừng ở Việt Nam từ trước đến nay nước ta chưa xây dựng được một phương pháp dự báo khả năng xuất hiện cháy rừng nào. Vấn đề cấp bách đặt ra cho đề tài là nghiên cứu về mặt định lượng xác định được các thang cấp dự báo khả năng xuất hiện cháy rừng. Từ đó đề ra những phương án giúp cho các nhà quản lý, các chủ rừng có kế hoạch chủ động tổ chức thực thi phòng chữa cháy ở cơ sở. Chúng tôi đi sâu nghiên cứu cải tiến hệ số điều chỉnh lượng mưa hàng ngày từ 3 ly ở Nga của Nesterôp lên 5 ly, sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết rừng nhiệt đới Việt Nam và đi sâu nghiên cứu mối quan hệ chặt chẽ giữa các yếu tố khí tượng, thủy văn tác động thường xuyên liên tục lên nguồn vật liệu cháy ở 3 loại rừng: non, trung niên, thành thục. Xác định được mùa cháy rừng, đặc trưng cháy ở từng loại rừng: thông, tràm, tre nứa, bạch đàn, keo... ở Tây Bắc, Đông Bắc, vùng Duyên hải Miền Trung, vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và rừng khộp ở Tây Nguyên. Khi đạt được kết quả bước đầu đề tài không dừng lại ở mức độ nghiên cứu khoa học, mà quyết tâm chuyển nó thành khoa học công nghệ. ứng dụng ngay những kết quả nghiên cứu vào sản xuất, phục vụ phòng cháy rừng ở cơ sở. Đó là một thách thức khó khăn lớn đặt ra cho đề tài là làm sao cho các nhà quản lý, các nhà kinh doanh lâm nghiệp, bà con kinh doanh rừng ở các cộng đồng thôn, bản chấp nhận, tiếp thu những tiến bộ khoa học công nghệ mới về dự báo cháy rừng. Chúng tôi bắt tay ngay vào việc phân chia các kết quả tính toán phần định lượng theo các yếu tố khí tượng thủy văn thành 5 cấp dự báo cháy rừng; ứng với từng cấp (từ cấp I đến cấp V) là các biện pháp tổ chức kinh tế, xã hội, tập quán canh tác của đồng bào các dân tộc miền rừng núi liên quan đến phòng cháy chữa cháy rừng. Theo đó; cấp I, cấp II chủ tịch UBND cấp xã, kiểm lâm địa bàn và chủ rừng làm gì? Cấp III, IV chủ tịch UBND huyện, kiểm lâm, chủ rừng làm gì? Cấp V cấp cực kỳ nguy hiểm chủ tịch UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy PCCCR? Nếu có nguy cơ cháy lớn thì đề nghị Trung ương chi viện. Theo hướng này chúng tôi tính toán và xây dựng thành các thang cấp dự báo cháy rừng và hoàn chỉnh văn bản cho các tỉnh: Quảng Ninh, Lâm Đồng, Cà Mau... Vào thời kỳ 1984-1986, Bộ Lâm nghiệp giao cho Cục Kiểm lâm giúp các Chi cục Kiểm lâm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cấp dự báo cháy rừng. Kết quả UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành cấp dự báo cháy rừng vào tháng 10/1984, Lâm Đồng ban hành ngày 06/6/1985. Tiếp đến năm 1987-1990 được triển khai ra các tỉnh Kiên Giang, Long An, Sông Bé, An Giang... Bước đầu đưa khoa học công nghệ dự báo cháy rừng vào hoạt động ở một số tỉnh đạt kết quả. Nhưng mâu thuẫn mới lại phát sinh: ở nước ta rừng phân bố trong điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp chia cắt mạnh bởi các dông núi, khe suối. Trong một tỉnh, vùng này nắng, vùng kia mưa hoặc trong một quả đồi có lúc, có nơi rừng phía tây nắng, phía đông mưa, cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, hoặc cấp V, thì nơi gặp mưa ở đó vật liệu dưới tán rừng ẩm ướt không cháy hoặc khó bắt cháy, dự báo có khi không chính xác... Như vậy, thực tế đòi hỏi việc nghiên cứu phải giải quyết được mâu thuẫn này. Để góp phần bổ sung, nâng cao độ chính xác của dự báo cháy rừng, ngoài việc sử dụng chỉ tiêu tổng hợp để dự báo cho một khu vực lớn cần phải có một số phương pháp dự báo theo vật liệu cháy cho từng khu vực nhỏ hẹp (gọi là dự báo vi khí hậu rừng). Trong khi đó, quá trình cháy rừng, vật liệu là một trong 3 yếu tố quan trọng tạo ra sự cháy, do đó hướng đi sâu nghiên cứu bản chất của vật liệu cháy dưới tán rừng để đưa ra phương pháp dự báo cháy rừng cũng là hướng đi khó khăn, phức tạp nhưng làm được sẽ mở ra nhiều triển vọng. Đề tài đi sâu nghiên cứu ẩm độ vật liệu cháy và khối lượng vật liệu cháy là nghiên cứu tính chất bắt cháy nhanh hay chậm của vật liệu và quy mô đám cháy xảy ra to hay nhỏ để có giải pháp cứu chữa kịp thời. Kết quả nghiên cứu này đã bổ sung nâng cao độ chính xác ở các vùng có địa hình nhỏ hẹp phức tạp.

Trong thực tế phòng cháy chữa cháy rừng còn đòi hỏi việc nghiên cứu phải dự báo được 1 tuần khí tượng (7 đến 10 ngày). Nên chúng tôi tiếp tục sử dụng toán học nghiên cứu tìm mối tương quan giữa chỉ tiêu dự báo hàng ngày với chỉ tiêu dự báo tuần khí tượng theo dạng hàm đa biến. Trên cơ sở đó đề tài thiết lập được bảng tra phục vụ dự báo hàng ngày và dài ngày, đảm bảo tính khoa học và tiện lợi cho người sử dụng. Thực tiễn nghề rừng đang đòi hỏi phải từng bước đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ dự báo cháy rừng phục vụ chương trình trồng mới 5 triệu hécta rừng trên quy mô toàn quốc. Đề tài không được dừng lại ở mức độ khoa học công nghệ mà phải nghiên cứu nhanh chóng thể chế hóa nó thành cơ chế chính sách, luật pháp... Cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các Chi cục Kiểm lâm xây dựng và trình UBND các tỉnh xây dựng, ban hành các cấp dự báo cháy rừng theo phương pháp tổng hợp; xây dựng các trạm dự báo cháy rừng, các công trình phòng cháy chữa cháy rừng và tham mưu cho Bộ, Nhà nước dự thảo, ban hành nhiều quy phạm phòng cháy chữa cháy rừng, đưa nội dung dự báo cháy rừng vào các điều khoản của Luật bảo vệ và phát triển rừng, Nghị định, Thông tư liên tịch, xây dựng các phương án, dự án chiến lược phòng cháy chữa cháy rừng từ nay đến năm 2010-2020, đưa hệ thống thu ảnh viễn thám Modis vào phục vụ phát hiện sớm các vụ cháy rừng. Cho đến nay cả nước có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và một số vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được hướng dẫn xây dựng cấp dự báo cháy rừng và được UBND các tỉnh, thành phố, Vườn Quốc gia phê duyệt ban hành và tổ chức thực hiện. Nhờ sự giúp đỡ động viên thường xuyên của các nhà quản lý, các nhà khoa học như: cố GS.TSKH Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Văn Trương, cố GS.Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, GS.TS Bùi Minh Vũ, TS.Trần Đình Đàn, TS.Nguyễn Như Phương, PGS.TS Triệu Văn Hùng, TS Hà Công Tuấn, GS Nguyễn Viết Phổ, GS.TS Nguyễn Quang Hà, GS. TSKH Nguyễn Ngọc Lung, TS Trịnh Đức Huy, TS Bế Minh Châu... đã có nhiều đóng góp tạo điều kiện đưa công trình dự báo cháy rừng nước ta vào hoạt động theo tinh thần, nội dung tại Quyết định số 127/2000-QĐ-BNN-KL ngày 11/12/2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ đó đến nay, với tinh thần nỗ lực của kiểm lâm cả nước đã bền bỉ, kiên trì vượt qua mọi thách thức, khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần quyết tâm triển khai đưa hệ thống dự báo cháy rừng quốc gia vào hoạt động liên tục đạt hiệu quả trong các mùa cháy rừng, đảm bảo thông tin thông suốt trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo truyền thông về dự báo cháy rừng tới tận người dân ở các bản, làng, thôn, xóm, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, huy động tiềm năng lao động của toàn xã hội vào việc chủ động phòng và chữa cháy rừng.

35 năm một chặng đường đi so với lịch sử của ngành khoa học dự báo cháy rừng, tuy còn ngắn ngủi, nó đã trải qua nghiên cứu từ định tính đến định lượng, từ khoa học đến khoa học công nghệ và tham mưu cho Nhà nước thể chế hóa thành luật pháp, chính sách... Nó đã để lại cho đất nước ta một hệ thống dự báo cháy rừng tổng hợp hàng ngày và dài ngày. Đây là một công trình lao động sáng tạo của tập thể những người tâm huyết, trách nhiệm, tận tuỵ gắn bó với sự nghiệp bảo vệ rừng. Nhiều cán bộ kỹ thuật đã lớn lên trong hoạt động dự báo cháy rừng, trở thành thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành. Sức sống của công trình dự báo cháy rừng, quả thực rất mạnh mẽ và có sức lan tỏa vượt ra ngoài biên giới nước ta. Kết quả về dự báo cháy rừng của Việt Nam đã được báo cáo trong nhiều Hội thảo Quốc tế tổ chức ở các nước: Australia, Indonesia, Malaixia, Brunei, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Nhật... Chuyên gia nhiều nước như Canada, Thái Lan, Pháp, úc... đã sang Việt Nam nghiên cứu, xây dựng hệ thống dự báo cháy rừng của nước ta tại Hà Nội và đi thăm quan các trạm dự báo cháy rừng ở Sóc Sơn (Hà Nội), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), U Minh (Cà Mau), Tân Thạnh (Long An). Có một số chuyên gia đã tình nguyện đến làm việc tại trạm dự báo cháy rừng tràm ở Long An, Đồng Tháp, Cà Mau. Công trình dự báo cháy rừng đã vinh dự được tặng thưởng Huy chương vàng (năm 1986), Bằng lao động sáng tạo (năm 1987) và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen (năm 1997), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen về thành tích nghiên cứu khoa học bảo vệ rừng. Trước mắt còn nhiều công việc bất cập cần làm. Đó là vấn đề gắn dự báo cháy rừng với quản lý vật liệu cháy rừng và ngược lại. Truyền tải thông tin thông qua hệ thống vệ tinh quốc gia Vinasat1. Tuy nhiên, muốn quản lý được nguồn vật liệu trong rừng bền vững phải dự báo được khả năng xuất hiện cháy rừng theo khối lượng, ẩm độ vật liệu cháy. Có như vậy chúng ta mới chủ động đề ra được các chiến lược, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn quản lý lửa rừng từng bước đẩy lùi được tệ nạn chặt phá, phát đốt rừng làm nương rẫy, di dân tự do, khai hoang lấn chiếm đất rừng; giữ cho rừng luôn luôn an toàn về lửa góp phần phát triển rừng, môi trường bền vững.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Hưng


Số lượt đọc:  813  -  Cập nhật lần cuối:  28/04/2008 09:59:43 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH