Số 4 năm 2008

Kiểm lâm Việt Nam 35 năm xây dựng, trưởng thành

Lâm nghiệp Việt Nam và công tác kiểm lâm trước ngày 21/5/1973.

Việt Nam nằm phía đông nam châu á, diện tích tự nhiên 33.019km2, trong đó 3/4 diện tích lãnh thổ trên đất liền là đất lâm nghiệp. Tính đến 31/12/2006 cả nước có 12.530.201ha rừng các loại, độ che phủ của rừng là 37,7%. Việt Nam có biên giới đất liền 3.700km và 3.200km bờ biển, bề ngang chỗ rộng nhất khoảng 623km, chỗ hẹp nhất khoảng 42km. Rừng và đất lâm nghiệp giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống của người dân và dân tộc Việt Nam. Rừng và nghề rừng là một bộ phận không thể tách rời trong cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam. Ngay từ xa xưa, vấn đề quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được nhân dân ta chú trọng. Rừng là nơi che chở cho người Việt cổ, phân bố rộng khắp từ thượng nguồn tới cửa biển. Thời kỳ đầu, do rừng và động vật rừng hoang dã có rất nhiều nên mọi tác động của con người vào rừng là không đáng kể, vấn đề bảo vệ rừng chưa đề cập đến, thời kỳ đó cũng không có số liệu về tài nguyên rừng. Việc tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên rừng chỉ được đề cập đến từ thế kỷ 19. Theo tài liệu còn lưu trữ, có một số tư liệu chứng minh như năm 1836 vua Minh Mạng xuống chỉ trồng cây dừa ven biển Thừa Thiên Huế; năm 1870 vua Tự Đức đã sắc cho các quan trong triều phải trồng cây trên đồi. Những tài liệu, di chỉ khảo cổ học mà ta đã tìm thấy chứng tỏ nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử đã gắn bó rất chặt chẽ với rừng. Đến thời kỳ Pháp thuộc công tác nghiên cứu, quản lý bảo vệ rừng đã được chú trọng nhằm mục đích khai thác tối đa tài nguyên rừng. Có thể kể đến một số công trình nghiên cứu về rừng như Nông nghiệp Đông Dương (1873); Thực vật chí Đông Dương (1905-1952); Thống kê về gỗ và lâm sản Bắc Bộ (1919); Rừng Đông Dương (1926); Thảm thực vật Đông Dương với lượng mưa hàng năm (1931); Nghiên cứu thảm thực vật Đông Dương (1943)... Thực dân Pháp cũng đã quy định về thể lệ quản lý và khai thác rừng. Theo đó có rừng cấm khai thác và rừng được phép khai thác. Năm 1894, thành lập 3 khu rừng cấm đầu tiên tại Thủ Dầu Một. Năm 1901 thành lập Sở Lâm nghiệp Đông Dương, ngành lâm nghiệp trong đó có công tác bảo vệ rừng được tổ chức thành hệ thống. Cũng theo tài liệu lưu trữ, một số người được đào tạo tại các trường của Pháp khi ra trường được bổ nhiệm thành thanh tra kiểm lâm. Như vậy, thực tế việc bảo vệ rừng có từ xa xưa, nhưng những người làm công tác bảo vệ rừng với tên gọi "thanh tra kiểm lâm" có từ thời Pháp thuộc. Thời kỳ này thực dân Pháp đã thành lập một số hạt, chi thủy lâm tại những khu vực có nhiều rừng nhằm quản lý và thực hiện tốt mục đích khai thác thuộc địa của mình.

Thời kỳ sau cách mạng tháng 8/1945, vấn đề diệt giặc đói là một trong 3 nhiệm vụ lớn của Nhà nước ta. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngày 14/11/1945, Hội đồng Chính phủ thành lập Bộ Canh nông (trước đó là Nha Nông-Mục-Thủy lâm thuộc Bộ Quốc dân kinh tế). Ngành lâm nghiệp lúc đó là lâm chính và thủy lâm, công tác kiểm lâm nằm trong cơ quan này. Theo Nghị định số 81 ngày 11/3/1946 về tổ chức Nha Lâm Chính (trong đó có công tác kiểm lâm) thì Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quan tâm, thiết lập một cơ quan quản lý lâm chính thống nhất trong toàn quốc và hình thành các cấp quản lý từ Nha Lâm chính, Hạt Lâm chính, Đồn Lâm chính, Chi lâm chính. Thời kỳ này cả nước có 12 quận lâm chính, 109 hạt lâm chính. Các cán bộ phụ trách từng cấp của hệ thống lâm chính được quy định tiêu chuẩn rõ ràng. Trong 9 năm kháng chiến, tổ chức lâm chính đã nhiều lần thay đổi, tại các địa phương cũng không giống nhau và phụ thuộc vào điều kiện thực tế. Nha Lâm chính được đổi tên thành Nha Thủy lâm. Các tỉnh ở Liên khu 4 thành lập khu thủy lâm; một số tỉnh vùng tự do ở Liên khu 5 thành lập Hạt lâm chính, một số xã có "vệ lâm", "tuần lâm" làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Các tỉnh Nam bộ hầu như không thành lập được các cơ quan lâm chính.

Như vậy, theo kế hoạch, để quản lý rừng, trên toàn quốc phải tổ chức 109 hạt lâm chính. Nhưng đến trước ngày toàn quốc kháng chiến mới đưa vào hoạt động được 55 hạt lâm chính, một năm sau đó chỉ còn 40 hạt hoạt động (Liên khu 1 có 8 hạt; Liên khu 3 có 4 hạt; Liên khu 4 có 16 hạt; ; Liên khu 5 có 4 hạt; Liên khu 10 có 8 hạt). Tổng số cán bộ, nhân viên lâm chính có khoảng 380 người (cán bộ ở Nha Lâm chính có 11 người). Trong thời kỳ này, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 141/SL ngày 21/12/1949 quy định các hạt trưởng, trưởng liên hạt lâm chính có tư cách ủy viên tư pháp; đây là văn bản xác định rõ vị trí của các tổ chức lâm chính, thủy lâm trong hệ thống tư pháp của Nhà nước.

Trong thời kỳ từ năm 1955-1973, Miền Bắc tập trung vào khai thác rừng phục vụ công cuộc giải phóng đất nước, Miền Nam trong vùng chiếm đóng. Năm 1955, Bộ Canh nông đổi tên thành Bộ Nông Lâm; năm 1960 thành lập Tổng cục Lâm nghiệp trên cơ sở tách ra từ Bộ Nông lâm. Ngành lâm nghiệp được đánh giá là có đóng góp rất tích cực trong công cuộc giải phóng đất nước. Để làm tốt trọng trách đó không thể không đề cập vai trò to lớn của những người làm công tác bảo vệ rừng, đó chính là lực lượng kiểm lâm. Như vậy, có thể khẳng định công tác bảo vệ rừng là một nhiệm vụ có từ xa xưa. Nó hình thành là một tất yếu của lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, công tác bảo vệ rừng trên danh từ kiểm lâm có từ thời kỳ Pháp thuộc và được khẳng định rõ hơn trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954).

35 năm xây dựng và trưởng thành của Kiểm lâm Việt Nam.

Quá trình hình thành và phát triển của công tác bảo vệ rừng là một tất yếu của lịch sử Việt Nam. Cụ thể công việc này, ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ đã Ban hành Nghị định số 101/CP quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân. Từ đó đến nay, lực lượng kiểm lâm coi ngày này là ngày truyền thống của mình. 35 năm qua, lực lượng kiểm lâm nhân dân đã khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Ra đời trong một bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở giai đoạn gay go ác liệt nhất. Hầu như sức người, sức của của hậu phương lớn miền Bắc đều tập trung cho tiền tuyến lớn miền Nam. Nhân lực, phương tiện kế thừa hầu như không có, phần lớn phải xây dựng mới. Thời kỳ đầu, việc triển khai lực lượng được làm thí điểm tại ba tỉnh: Tuyên Quang, Yên Bái và Vĩnh Phú. Tới cuối năm 1974, tổ chức kiểm lâm nhân dân mới được triển khai ở hầu hết các tỉnh miền Bắc. Có thể nói đây là bước khởi đầu của sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng lâu dài. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất nối liền một dải. Chính phủ ban hành Nghị định 132/CP ngày 31/7/1976 về việc thành lập lực lượng kiểm lâm Miền Nam. Theo đó lực lượng kiểm lâm nhân dân đã nhanh chóng triển khai tại các tỉnh thành phía Nam. Chỉ trong vòng một năm sau ngày kết thúc chiến tranh, lực lượng kiểm lâm đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức mạng lưới cũng như xây dựng các phương án bảo vệ rừng. Tuy nhiên, thời gian này lực lượng kiểm lâm gặp không ít khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình. Với chức năng chủ yếu lúc bấy giờ là bảo vệ rừng, nhưng lực lượng mỏng lại dàn trải trên suốt chiều dài đất nước, đặc biệt dưới chế độ cũ một số tỉnh ở miền Nam, nhất là khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ý thức bảo vệ rừng của đồng bào các dân tộc chưa cao. Sau khi tiếp quản, lực lượng kiểm lâm phải kết hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân có trách nhiệm bảo vệ rừng. Điều nguy hiểm đối với lực lượng kiểm lâm thời kỳ này là luôn phải đối mặt với những phần tử chống phá cách mạng, đặc biệt là các nhóm tàn quân của tổ chức fulrô. Đây thực sự là thời kỳ khó khăn gian khổ nhất của lực lượng kiểm lâm. Để bảo vệ rừng họ phải đánh đổi không những công sức, trí tuệ, mồ hôi mà phải trả giá cả bằng xương máu nữa, đã có biết bao tấm gương hy sinh dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm để bảo vệ rừng. Thời kỳ đầu, chỉ tiêu biên chế toàn lực lượng là 9.700 người. Chủ yếu là bộ đội, công an, thanh niên xung phong chuyển ngành, cán bộ nhân viên trong ngành lâm nghiệp, cán bộ bảo vệ rừng của các lâm trường, thanh niên dân tộc tại chỗ. Chất lượng cán bộ nhìn chung còn thấp không đạt yêu cầu.

Theo Nghị định 101/CP, lực lượng kiểm lâm nhân dân được tổ chức thành hệ thống trong ngành lâm nghiệp từ Trung ương đến cấp huyện, đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Tổng cục Lâm nghiệp (1973-7/1976) và Bộ Lâm nghiệp (7/1976-1979). Trong 6 năm thực hiện Nghị định 101/CP, có thể khẳng định vai trò, vị trí và những đóng góp to lớn của lực lượng kiểm lâm nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng. Thời kỳ này lực lượng kiểm lâm nhân dân được tổ chức thống nhất nên việc chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến cơ sở được thông suốt, vị trí pháp lý của Kiểm lâm nhân dân tương đương với Công an vũ trang. Hiệu lực quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm minh, rừng được bảo vệ tốt.

Thực hiện Nghị định 368/CP ngày 8/10/1979 của Chính phủ; Thông tư số 32/TCCB ngày 4/9/1982 của Bộ Lâm nghiệp, một lượng lớn cán bộ kiểm lâm được điều chuyển vào các liên hiệp, lâm trường. Trong thời gian 15 năm (1980-1994), tổ chức kiểm lâm không thống nhất, không thành hệ thống từ Trung ương đến cấp huyện. Sự đổi mới của đất nước trong nửa cuối thập kỷ 80 đã phân biệt rõ giữa chức năng quản lý Nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh. Rừng được phân chia thành ba loại sản xuất, phòng hộ, đặc dụng, kết hợp với sự chuyển đổi khai thác rừng từ lạm dụng vốn rừng quảng canh sang thâm canh và sản xuất theo phương thức nông lâm kết hợp. Các công việc đó đều đòi hỏi vai trò không thể thay thế của lực lượng kiểm lâm. Kết quả của thời kỳ đổi mới và yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ rừng cho thấy Pháp lệnh về bảo vệ rừng năm 1972 không còn phù hợp. Tháng 8/1991, Luật bảo vệ và phát triển rừng được ban hành, tổ chức kiểm lâm dần dần được kiện toàn và không ngừng vượt lên hoàn thành những trọng trách nặng nề mà Đảng và Nhà nước giao cho.

Tổ chức kiểm lâm theo Nghị định 39/CP ngày 18/4/1994 đã thành hệ thống từ Trung ương tới cấp huyện; phần lớn Chi cục Kiểm lâm đều trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh. Việc đổi mới tổ chức bước đầu đã giúp củng cố, kiện toàn được lực lượng kiểm lâm để hoàn thành những nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Kiểm lâm đã thực sự là một lực lượng không thể thiếu được trong sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng, trong sự nghiệp đổi mới và hiện đại hóa đất nước. Tổ chức kiểm lâm theo Nghị định 39/CP được duy trì trong 12 năm. 58 trên 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tổ chức kiểm lâm (3 tỉnh không có lực lượng kiểm lâm là Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long), trong đó: 42 tỉnh có Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, 15 tỉnh có Chi cục Kiểm lâm và 01 Hạt phúc kiểm lâm sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ở cấp huyện có 490 hạt kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm. Song song với việc thiết lập hệ thống tổ chức kiểm lâm cấp huyện, mạng lưới các hạt phúc kiểm lâm sản, hạt kiểm lâm ở các khu rừng đặc dụng đã được thành lập để bảo đảm việc bảo vệ rừng đặc dụng và quản lý lâm sản trên phạm vi toàn quốc. Lực lượng kiểm lâm đã tham mưu cho Nhà nước ban hành Nghị định 01/CP, 02/CP và 163/CP về giao đất lâm nghiệp, khoán bảo vệ rừng cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Trong thời gian này, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành giao 8.786.572ha (rừng đặc dụng 972.357ha; rừng phòng hộ 3.196.343ha và rừng sản xuất 4.617.872ha) cho 452.168 hộ gia đình và 27.312 tổ chức. Rừng đã được phục hồi và bảo vệ tốt đưa độ che phủ của rừng từ 28% năm 1992 lên 35,7% vào năm 2002. Có thể nói đây là một động thái mang đầy tính chiến lược trong việc bảo toàn vốn tài nguyên rừng. Sự chuyển dịch từ nền kinh tế lâm nghiệp quốc doanh bao chiếm đất đai sang nền lâm nghiệp xã hội hóa có tính chất toàn dân, với hình thức tổ chức sản xuất đến hộ gia đình đã tạo nên sự ổn định về sản xuất cũng như đời sống của nhân dân.

Sau gần 20 năm đổi mới, đất nước có nhiều chuyển biến, để đáp ứng yêu cầu này, cơ cấu của Chính phủ có nhiều thay đổi. Thực hiện chủ trương Bộ quản lý đa ngành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006. Theo đó tổ chức kiểm lâm được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến cấp huyện và thực hiện phân công kiểm lâm phụ trách địa bàn xã. Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh thống nhất trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải thể các hạt phúc kiểm lâm sản, bỏ các barie,.... Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ, chính sách ưu đãi đối với kiểm lâm như về chế độ thương binh, liệt sỹ; phụ cấp ưu đãi nghề; phụ cấp thâm niên;... Tính đến 31/12/2007, cả nước có 60 tỉnh có tổ chức kiểm lâm (4 tỉnh không có lực lượng kiểm lâm là Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ); 6 vườn quốc gia trực thuộc Cục Kiểm lâm, 24 vườn quốc gia trực thuộc các tỉnh, thành phố, 430 hạt kiểm lâm, 36 hạt phúc kiểm lâm sản, 72 đội kiểm lâm cơ động, 103 hạt kiểm lâm rừng đặc dụng. Cả nước có 10.584 cán bộ kiểm lâm (9.318 biên chế, 1.266 lao động hợp đồng); 48 cán bộ kiểm lâm trình độ trên đại học, 3.969 cán bộ trình độ đại học, 4.770 cán bộ trung cấp, 1.797 cán bộ sơ cấp. Nếu so sánh với thời điểm 21/5/1973 quả là một sự trưởng thành lớn mạnh vượt bậc. Tuy nhiên, mọi sự so sánh đều không phản ánh hết sự trưởng thành của kiểm lâm mà chỉ có những người trong lực lượng trải nghiệm qua các giai đoạn khác nhau mới cảm nhận rõ nét.

Để giữ được rừng, lực lượng kiểm lâm phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn thử thách, đối mặt với bọn tội phạm phá hoại rừng. Tình hình lâm tặc chống đối kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng ngày càng quyết liệt. Trước tình đó, Chính phủ đã đồng ý trang bị công cụ hỗ trợ, vũ khí quân dụng, chó nghiệp vụ và các trang thiết bị chuyên dùng khác cho lực lượng kiểm lâm khi thi hành công vụ bảo vệ rừng, bảo vệ tài sản Nhà nước và phòng vệ khi bị lâm tặc tấn công. Để ngăn chặn nạn khai thác rừng trái phép, Chính phủ đã ban hành các chỉ thị về truy quét những cá nhân, tổ chức phá hoại rừng. Thực hiện chủ trương này, lực lượng kiểm lâm đã tăng cường chốt chặn ở các địa bàn trọng điểm. Không quản rừng sâu, núi cao, không quản khó khăn gian khổ và những nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng, nơi nào có rừng là nơi đó có bàn chân cán bộ kiểm lâm, bất kể mưa, nắng, đêm, ngày, nếu nơi nào có dấu hiệu vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng là họ có mặt. Việc ngăn chặn tệ nạn phá rừng, khai thác rừng trái phép gian khổ bao nhiêu, thì việc chống giặc lửa cũng khó khăn bấy nhiêu. Để từng bước và đi đến chặn đứng tai họa này lực lượng kiểm lâm đã làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngoài việc tham mưu để Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản về phòng cháy, chữa cháy rừng. Cục Kiểm lâm đã lắp đặt và vận hành trạm thu ảnh Modis để phát hiện sớm điểm cháy. Hiện nay, hàng ngày đều đặn có 4 phiên ảnh thông báo điểm cháy trên website kiểm lâm. Nhờ đó kiểm lâm địa bàn kịp thời phát hiện và dập tắt các điểm cháy rừng phát sinh. Về phía kiểm lâm các tỉnh đã trực tiếp hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng. Bằng các biện pháp trên diện tích rừng bị cháy hàng năm giảm. Sự gian lao của lực lượng kiểm lâm quả không uổng. Nó đánh đổi bằng hàng triệu mét khối gỗ, hàng tấn động vật hoang dã bị xử lý tịch thu và hàng nghìn tỷ đồng nộp ngân sách. Rừng được phục hồi và phát triển đó là công sức của toàn xã hội, nhưng khách quan mà nói rằng công lớn thuộc về lực lượng kiểm lâm, những người lính giữ rừng với bước đi không mỏi suốt 35 năm đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp bảo vệ rừng đó chính là một công việc vinh quang. Hiện nay, chủ trương của Nhà nước về bảo vệ rừng là xã hội hóa và quản lý, bảo vệ rừng tận gốc. Hàng chục nghìn buôn, làng, thôn, bản được kiểm lâm giúp đỡ đã xây dựng và thực hiện tốt quy ước bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm phân công gần 5.000 cán bộ kiểm lâm về địa bàn phụ trách bảo vệ rừng tại hơn 5.400 xã. Người cán bộ kiểm lâm hôm nay không đơn thuần là người thừa hành pháp luật mà còn thực hiện các nhiệm vụ phát triển rừng, hướng dẫn người dân làm giàu từ nghề rừng. Nhưng nóng bỏng và gay gắt hơn cả là việc kiểm lâm phải đối mặt với bọn tội phạm. Có nhiều vụ chống trả từ bọn lâm tặc đã gây thương tích thậm chí hy sinh tính mạng, thiệt hại tài sản cho lực lượng kiểm lâm. Thế nhưng đại đa số cán bộ kiểm lâm vẫn vững vàng trên trận tuyến giữ rừng. Trong suốt 35 năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới đã có trên 1,9 triệu vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng được phát hiện, xử lý. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây lực lượng kiểm lâm cả nước đã kiểm tra, phát hiện và xử lý gần 350 nghìn vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Ghi nhận thành tích của kiểm lâm, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, UBND các tỉnh đã tặng nhiều phần thưởng cao quý cho kiểm lâm. 4 đơn vị và cá nhân được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động, hàng trăm chiến sỹ thi đua toàn quốc, cấp Bộ, Tỉnh...

Nhìn lại 35 năm qua, lực lượng kiểm lâm cả nước đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, vượt qua muôn vàn khó khăn và thử thách để giữ gìn màu xanh cho đất nước. Chúng ta trân trọng và tự hào về tất cả những gì đã làm được vì sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng. Trước thực tế là tài nguyên rừng ngày càng suy giảm, tệ nạn phá rừng, cháy rừng, khai thác và buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn xảy ra, có lúc, có nơi khá nghiêm trọng, chưa kiểm soát được. Đây thực sự là mối quan tâm của toàn xã hội. Trước tình hình và nhiệm vụ mới đòi hỏi lực lượng kiểm lâm phải thực sự đổi mới về chất, từ tổ chức và xây dựng lực lượng đến tư duy và phương pháp hoạt động. Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, không ngừng rèn luyện phẩm chất và năng lực để lực lượng kiểm lâm có thể hoàn thành được những nhiệm vụ nặng nề mà Nhà nước và nhân dân đã tin cậy giao cho, mãi mãi xứng đáng là người chiến sỹ tiên phong trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng.


Số lượt đọc:  2693  -  Cập nhật lần cuối:  28/04/2008 10:04:35 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH