Số 1

Vườn quốc gia Pù Mát: Đa dạng sinh học núi cao và giải pháp bảo tồn

Vườn quốc gia Pù Mát là một trong những nơi còn diện tích lớn rừng nguyên sinh ít chịu tác động của con người. Đây được xem là đại diện của rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới Bắc Trường Sơn. Vườn quốc gia Pù Mát có địa hình phức tạp với độ cao từ 200m-1.841m tạo nên những kiểu rừng khác nhau theo đai độ cao. Đáng chú ý là diện tích rừng phân bố ở độ cao từ 900m trở lên. Đây là nơi chuyển giao giữa kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới với kiểu rừng á nhiệt đới mà biểu hiện đặc trưng nhất là kiểu rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá rộng, lá kim á nhiệt đới. Rừng còn tính nguyên sinh cao nên đa dạng sinh học nói chung và đa dạng sinh học hệ thực vật nói riêng giữ một vai trò rất quan trọng đối với đa dạng sinh học của Pù Mát.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ thực vật núi cao Pù Mát khá phong phú và đa dạng với sự xuất hiện của 5/6 ngành chính của thực vật bậc cao có mạch. Hiện đã ghi nhận được 542 loài thuộc 256 chi và 112 họ của 5 ngành thực vật. Sự phân bố các họ, chi, loài trong các ngành không đồng đều, chủ yếu tập trung trong ngành hạt kín (Angiopermae) với 492 loài (chiếm 90,8%), 222 chi (chiếm 86,7%) và 94 họ (chiếm 83,9%) tổng số các loài, chi và họ của toàn hệ. Dương xỉ (Polipodiphyta) là ngành chiếm vị trí tương đối với 36 loài (6,6%), 23 chi (9%), 11 họ (9,8%) tổng số các loài, chi và họ toàn hệ.

Đặc biệt ngành Equisetophyta chỉ có duy nhất 1 họ, 1 chi và 1 loài và cũng là ngành mà số họ, số chi và số loài đại diện cho toàn bộ hệ thực vật. Đây là ngành có ý nghĩa rất lớn đối với công tác bảo tồn và cần phải có những ưu tiên để bảo vệ. Trong tổng số 112 họ thực vật núi cao 10 họ có từ 5 chi trở lên và chiếm 29,3% tổng số chi của hệ thực vật núi cao (75 chi/256chi). 3 họ đa dạng nhất có từ 9 chi trở lên là cà phê (Rubiaceae) 13 chi, mua (Melastomataceae) 10 chi và long não (Lauraceae) 9 chi. 7 họ có từ 16 loài trở lên là cà phê (Rubiaceae), long não (Lauraceae), đỗ quyên (Ericacea), đơn nem (Myrsinaceae), chè (Theaceae), mua (Melastomataceae), ba mảnh vỏ (Euphorbiaceae). Họ cà phê (Rubiaceae) là họ đa dạng nhất về số chi và số loài trong hệ thực vật núi cao ở Vườn quốc gia Pù Mát.

Về nhóm cây có nguy cơ bị tiêu diệt, theo Sách đỏ Việt Nam đã thống kê được hệ thực vật núi cao ở Vườn quốc gia Pù Mát có 9 loài (chiếm 1,66% tổng số loài) thực vật bậc cao có mạch thuộc hệ thực vật núi cao cần bảo vệ và có danh sách ưu tiên pơ mu (EN), sa mu dầu (VU), vàng tâm (VU), sến mật (EN), khôi trắng (VU), mã tiền bóng (EN), mã tiền lông (VU), kim cang nhiều tán (VU), kim cang petelot (CR).

Hệ thực vật núi cao ở Vườn quốc gia Pù Mát có vai trò rất quan trọng đối với tính đa dạng sinh học. Đặc biệt nhiều loài cây quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao như pơ mu (Fokienia hodginsii), sa mu dầu (Cunninghamia konishii), thông lông gà (Dacrycarpus imbricatus), kim giao (Nageia fleuryi)... Hiện nay, sự tác động của con người đến vùng núi cao Pù Mát chưa nhiều, một số loài thực vật có giá trị cao như pơ mu, sa mu, vàng tâm, kim giao... vẫn đang bị săn lùng, khai thác trộm bằng các hình thức nhỏ lẻ và khá tinh vi. Do đó, để bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực này chúng ta cần có những giải pháp hữu hiệu. Cụ thể tăng cường giáo dục cộng đồng dân cư về công tác bảo tồn, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng thông qua các hình thức chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi thu được từ các hoạt động bảo tồn. Bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng ở các trạm, đặc biệt là các trạm Khe Thơi, Tam Đình, Tam Hợp nơi mà người dân dễ dàng tiếp cận được với các hệ sinh thái núi cao. Tăng cường công tác tuần tra để kịp thời nắm bắt các hoạt động khai thác trái phép vào rừng. Phối hợp với chính quyền địa phương, công an, bộ đội biên phòng để truy quét các hoạt động khai thác, buôn bán vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn. Xây dựng chiến lược bảo tồn và xác định các loài quý hiếm ưu tiên bảo tồn. Bảo tồn nguyên vị (insitu) là giải pháp bảo tồn có tính khả thi lớn ở Vườn quốc gia Pù Mát. Tính đa dạng của hệ thực vật núi cao có quan hệ mật thiết với sinh cảnh và hệ sinh thái. Để bảo đa dạng hệ thực vật núi cao, cần quan tâm bảo vệ sinh cảnh và hệ sinh thái của khu vực này. Bảo tồn chuyển vị (exsitu) là giải pháp mang tính định hướng, bằng việc nhân giống vô tính (hom) hoặc gieo ươm hạt một số loài cây quý hiếm có giá trị kinh tế cao để trồng trong vườn thực vật ngoại vi. Tuy nhiên, để thực hiện thành công các giải pháp này nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn tại Vườn quốc gia Pù Mát, rất cần những sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất từ các cấp, các ngành. Đầu tư nghiên cứu chuyên sâu phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn đa dạng hệ thực vật núi cao tại Pù Mát nói riêng.

NGUYỄN VĂN SINH


Số lượt đọc:  1287  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 10:38:58 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH