Số 1

Gặp cựu kiểm lâm trên chiến khu ba xưa

Vào một ngày cuối tháng 5, may mắn cùng đoàn làm phóng sự "35 năm Kiểm lâm Quảng Trị" tôi cùng đồng nghiệp được thị sát khu rừng tự nhiên của ông Trần Quốc Phương 64 tuổi quê ở Lai Xá, Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh nguyên là trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cầu Treo (Gio Linh) đã nghỉ hưu. Tuy đang bận rộn để chuẩn bị cho vụ hè thu nhưng ông bỏ mặc đám ruộng đang cày dở lên đón chúng tôi. Nghe trình bày ý định của đoàn, ông không kịp rót nước mời khách, vội vã cầm dao và kéo chúng tôi lên khu rừng tự nhiên trước mặt rộng chừng 10ha, chúng tôi cùng ông len lỏi dưới tán những cây dẻ, cây trường, cây gội và một vài cây gụ lau tái sinh. Vốn là đại ngàn xưa và từng là nơi đã ghi dấu tích "dân Thủy Ba bắt cọp" song do tàn phá của chiến tranh mà rừng chỉ còn gốc cây và xen lẫn những hố bom. Sau giải phóng một số diện tích rừng cây bụi sót lại được hồi sinh và phát triển, với những kiến thức về rừng của mình ông Phương hy vọng sẽ tác động vào những khu rừng như thế để trở thành đại ngàn như trước đây. Tuy ở tuổi lục tuần nhưng ông còn khỏe, vẫn nhanh nhẹn đạp rừng như thời còn mặc áo kiểm lâm, cứ thế ông kéo chúng tôi từ góc rừng này sang góc rừng khác, sau 2 giờ lội rừng, sợ chúng tôi mệt, ông dừng lại trò chuyện:

- Vốn là quân nhân ở đảo Cồn Cỏ, năm 1977 được chuyển ngành vào Kiểm lâm Bình Trị Thiên và từng công tác ở các trạm kiểm lâm Mỹ Chánh, Thạch Hãn, Cam Lộ, Cầu Treo (Gio Linh). Lúc đương nhiệm, ông mơ ước có dịp xin nhận mấy chục hécta rừng để bảo vệ và làm trang trại phát triển kinh tế. Nguyện vọng chính đáng đó đến với ông vào năm 1991 lúc ông bắt đầu nghỉ hưu. Được huyện Vĩnh Linh cấp 16ha đất lâm nghiệp đầu 1992 ông dắt díu vợ và 4 đứa con nhỏ lên rừng lập nghiệp, bỏ mặc ngoài tai bao lời bàn tán, can ngăn. Đã 17 mùa xuân trôi qua, ông bấm ngón tay và kể rành rọt từng sự kiện từ khi đến với rừng. Việc đầu tiên là khai hoang mấy đám ruộng để làm hạt gạo nuôi con, rồi chuyện đào ao nuôi cá, lúc rảnh rỗi lên rừng luỗng phát dây leo bụi rậm xúc tiến tái sinh tự nhiên, rồi mua giống cao su, giống keo lá tràm để trồng mới. Ông cứ kể, cứ kể miên man và dừng lại khi anh bạn trong đoàn chen vào:

- Vậy lúc khó khăn thiếu tiền sao ông không khai thác ít gỗ trong khu rừng của ông bán lấy tiền? Ông chau mày.

- Có phải rừng của mình ưng làm gì thì làm đâu, khai thác phải được phê duyệt, phải xin phép. Tự ý chặt rừng là phạm tội phá rừng sao? Cả đoàn cười và nháy mắt nhau "ông từng là kiểm lâm mà!". Vì để cho phóng viên truyền hình tác nghiệp nên tôi không dám hỏi ông nhiều mà chỉ cầm bút ghi theo lời khi ông đứng trước ống kính.

- Trong 16ha rừng và đất rừng được nhận có 10ha rừng tái sinh bảo vệ, ông đã khai hoang trồng 4ha cao su (1ha đang cạo mủ) một tháng bán tiền mủ được 3 triệu đồng, bình quân một năm hơn 30 triệu. Thu hoạch 6 tấn lúa mỗi năm, lúa chủ yếu để ăn và chăn nuôi. Thu hoặc từ chăn nuôi cá, gà, vịt, lợn và màu mỗi năm 30 triệu. Có tiếng thắc mắc của thành viên trong đoàn: “có lẽ ông còn chưa thống kê thu lợi từ 10ha rừng tự nhiên kia?”. Ông khoát tay nói nhỏ với đoàn:

- Không ai tính được, cả tôi cũng vậy. Bởi lẽ ngoài giá trị cụ thể của hàng chục mét khối gỗ, củi trong rừng được tính bằng tiền còn giá trị to lớn về môi trường môi sinh, giá trị nguồn gen của các loài thực vật quý hiếm. Ông giảng giải đơn giản rằng có cánh rừng này thì hàng chục hécta cao su của mình và bà con được che chắn, cánh rừng này còn góp phần gìn giữ nguồn nước cho công trình thủy lợi La Ngà ở Vĩnh Linh, còn cánh rừng này thì còn... các anh tính hộ, tôi chỉ biết vậy, ông cười. Dường như đoán biết câu hỏi về những dự định sắp tới ông nói ngay:

- Dự định nhiều lắm: nào là muốn hợp tác với các nhà kinh tế, các doanh nghiệp để cung cấp giống mây để trồng dưới tán rừng, che chắn một vùng để nuôi heo rừng, nuôi nhím, nuôi ong, đào thêm ao để nuôi cá... nhưng tuổi đã cao, gối đã mỏi. May sao đứa con trai vừa đi lao động ở Malaysia hết hạn về nó đã đồng ý tiếp quản trang trại này của tôi.

Chia tay ông lúc trời bước sang chiều, vẳng lại bên tai tôi tiếng chim đa đa, tiếng gà rừng gáy vang như xua tan bao ý nghĩ về cuộc sống đời thường. Với tôi gần một ngày gặp người cựu kiểm lâm với tuổi xuân gửi gắm cho rừng nay đã xế chiều vẫn một lòng yêu và khắc khoải với rừng đã toại nguyện. Không biết nói gì thêm chỉ chúc ông cùng những dự định sắp tới trở thành hiện thực.

CAO ĐĂNG VIỆT


Số lượt đọc:  93  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 10:30:01 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH