Số 1

Du lịch Vườn quốc gia Cát Bà

Cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 60km theo đường chim bay, Vườn quốc gia Cát Bà nằm trên địa giới hành chính thuộc 6 xã, bao gồm: Gia Luận, Phù Long, Hiền Hảo, Xuân Đám, Trân Châu, Việt Hải và thị trấn Cát Bà. Vườn quốc gia Cát Bà được thành lập năm 1986, với tổng diện tích 15.200ha, trong đó 9.800ha đất và rừng, 5.400ha là mặt nước biển. Với một quần thể đảo, núi đá vôi gồm 366 hòn đảo lớn nhỏ. Độ cao trung bình từ 100-150m so với mặt nước biển, chỗ cao nhất 322m là đỉnh Cao Vọng, nơi thấp nhất là 9m thuộc thung lũng Trung Trang. Vườn quốc gia Cát Bà năm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu đại dương, mưa nhiều, nóng ẩm, được phân định rõ rệt 2 mùa (mùa mưa và mùa khô). Lượng mưa bình quân 1500-2000mm/năm, độ ẩm 86%, nhiệt độ trung bình năm là 23,60C. Tháng 12 năm 2004, Tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyền quần đảo Cát Bà.

Vườn quốc gia Cát Bà có địa hình đặc trưng các quần đảo, núi đá vôi với địa hình phức tạp, vách núi dốc dựng đứng, lởm chởm đá tai mèo hiểm trở, nơi đây kiến tạo hình thành một số hang động đá vôi giống như một Hạ Long thu nhỏ. Những hang động kỳ vĩ làm say lòng khách du lịch, có những hang động xuyên thông qua cả lòng một quả núi dài đến hàng cây số. Các tùng áng (phần biển ăn sâu vào đất liền) có bờ đá tự nhiên vây quanh các bãi triều rộng lớn, bằng phẳng các bãi cát trắng thơ mộng được phân bố rải rác in hình tự nhiên còn nguyên hình ngàn sóng vỗ. Đan xen những dải rừng ngập mặn dày đặc xanh tốt, những đàn chim, cò bay về quần tụ sinh sống. Hệ thống sông suối không nhiều, thường cố định không phát triển. Trên đảo có suối Treo cơm, Thuồng luồng, Trung trang, nhiều nước vào mùa mưa, về mùa khô suối cạn, ít nước. Theo kết quả thống kê Vườn quốc gia Cát Bà có 1.561 loài thực vật bậc cao, thuộc 842 chi của 186 họ với 5 ngành thực vật khác nhau. Trong đó có 58 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và 29 loài đang bị đe dọa nguy cấp trên thế giới. Thực vật ở đây có 408 loài thuộc nhóm cây cho gỗ, 661 loài nhóm cây làm thuốc, 196 loài nhóm cây ăn được, 203 loài thuộc nhóm cây làm cảnh và cho bóng mát. Thảm thực vật rừng nguyên sinh lá rộng thường xanh quanh năm, có diện tích 1.045,2ha, chiếm 6% tổng diện tích thảm thực vật. Kiểu rừng này phân bố không đồng đều, thực vật chiếm ưu thế thuộc các họ dẻ, dâu tằm, đậu, de, long não, cơm, trám, xoan, mộc lan, cam, cà phê... Nhiều loài quý hiếm nguy cấp như: pơ mu, cà te, gụ mật, gụ lau, chò chỉ, trúc đen, song mật... ở đây còn có nhiều loài thực vật nguồn gốc đặc hữu bản địa và vùng Đông Dương, động vật có 53 loài thú thuộc 18 họ, 8 bộ, 160 loài chim thuộc 46 họ, 16 bộ, 45 loài bò sát thuộc 15 họ, 2 bộ và 21 loài lưỡng cư thuộc 5 họ, 1 bộ. Vùng biển Vườn quốc gia Cát Bà có đến 900 loài cá với 500 loài thân mềm, 400 loài thân giáp. Nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: cá hồng, cá thu, cá chim, cá ngừ, cá gúng, cá dù đối, cá nhám... Hệ động vật biển có 7 loài rắn biển, 4 loài rùa, 1 loài thú, 97 loài động vật phù du, 274 loài côn trùng thuộc 79 họ và 14 bộ, 178 loài san hô. Trong tổng số 279 loài động vật có xương sống trên cạn thì có đến 22 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và 7 loài thuộc danh mục sách đỏ thế giới. Trong số 53 loài thú ở đây, nhiều loài được ghi trong sách đỏ thế giới như voọc Cát Bà, tê tê, khi vàng, sơn dương và các loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như beo lửa, sóc đen, mèo rừng, cầy hương, dơi thùy không đuôi, dơi mũi cánh lông...

Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát bà có 60 cán bộ, chiến sĩ được bố trí tại cơ quan vườn và 12 trạm kiểm lâm địa bàn. Với nhiệm vụ bảo tồn nguyên vẹn nguồn tài nguyên hệ động vật rừng và biển với nguồn tài nguyên đa dạng sinh học. Xây dựng và phát triển các dự án nông lâm nghiệp gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch. Những năm gần đây công tác xã hội hóa bảo vệ rừng được chú trọng. Nhân dân địa phương tự giác, ý thức bảo vệ và phát triển rừng được nâng lên rõ rệt. Nhân dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, tham gia trồng rừng dự án cây bản địa. Quy ước bảo vệ rừng thôn bản được người dân tự giác cam kết, khi phát hiện các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng là họ báo ngay cho kiểm lâm và chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn xử lý.

Đến thăm Vườn quốc gia Cát Bà bạn sẽ được đắm mình cùng thiên nhiên hoang dã thăm quan các khu du lịch như: tuyến đi rừng Kim Giao, đỉnh Ngự Lâm, để chiêm ngưỡng rừng cây gỗ kim giao quý hiếm, leo lên đỉnh núi Ngự Lâm, từ đây bạn có thể chiêm ngưỡng những dãy núi đá vôi các tơ muôn hình, muôn vẻ hùng vĩ của Cát Bà. Tuyến đi động Trung Trung, chỉ cách trung tâm Vườn quốc gia Cát Bà khoảng 1km về phía Nam, trên đường xuống thị trấn Cát Bà, đây là hang động chẳng khác nào động Thiên Cung của Hạ Long, với những nhũ đá lung linh huyền ảo thiên hình vạn trạng kỳ lạ như: Thiếu nữ nằm ngủ, con rắn biển hung dữ, sư tử biển, lão vọng câu cá... Đây là hang động đẹp nhất trong số các hang động trên đảo Cát Bà. Tuyến đi Ao ếch, với diện tích mặt hồ nước rộng khoảng trên 3ha, hồ này là môi trường sống tự nhiên của rừng ngập mặn trên núi đá vôi. Lòng hồ có một loài cây tên là và nước (Salixtetrasp) sống thuần loài hội tụ thành một quần thể. Khu rừng này ở miền Bắc chỉ có ở Vườn quốc gia Cát Bà. Tuyến đi Trung tâm vườn Mây bầu - Khe Sâu, đây là tuyến du lịch đi bộ dã ngoại mất khoảng 3 giờ đồng hồ, bạn sẽ được thỏa thích ngắm nhìn hệ sinh thái rừng tự nhiên nhiều tầng tán còn tương đối nguyên vẹn của vườn, chiêm ngưỡng những cây cổ thụ nhiều năm tuổi. Những thung lũng với vẻ đẹp đầy thơ mộng trữ tình. Tuyến đi làng Việt Hải, cách trung tâm vườn gần 10km, trên đường đi du khách sẽ thỏa thích ngắm nhìn những loài động, thực vật đa dạng sinh học phát triển trên núi đá vôi. Bạn sẽ được hòa mình cùng bà con địa phương tìm hiểu phong tục tập quán sinh hoạt ăn, ở cổ xưa của người dân nơi đây. Tuyến du lịch sinh thái biển, bạn sẽ đi tàu biển hoặc thuyền du lịch để tới thăm quan Vịnh Hạ Long, hoặc tắm biển tại các bãi tắm hoang sơ, độc đáo. Hoặc dạo thuyền để ngắm nhìn những chú voọc, chú khỉ sống hoang dã đang đùa giỡn, đánh đu trên các ngọn cây, các sườn núi đá. Nếu không muốn đi bộ, du khách có thể dùng xe mô tô di dọc bờ biển để ngắm nhìn hệ sinh thái rừng ngập mặn, đan xen các đầm nuôi tôm, cá bên bờ biển. Ngoài ra bạn có thể thăm quan nghiên cứu các di vật lịch sử như đồ đá Nghè Đẽo, các mảnh gốm thời văn hóa Bắc Sơn cách đây 6.000 năm. Các di cốt động vật biển cổ tại Cái Bèo, thăm 4 hang động chứa di tích cổ thời kỳ Pleistocene có hang đá hoa tại xã Gia Luận. Một số hóa thạch động vật như: hươu, nai, tê giác, nhím, đười ươi, di chỉ mộ táng trong các hang động Cát Bà như hang Khẩu Quy (xã Thiên Long), hang áng Giữa (xã Việt Hải) có các di cốt mang đặc điểm của người Australo, Melanesian. Cát Bà hiện nay còn lưu giữ được nhiều công trình di tích độc đáo như đền thờ Cát Bà, Các Ông gắn liền với truyền thuyết “Bảy ngày ba lão” và tên gọi của đền thờ gắn liền với truyền thuyết chống giặc ngoại xâm phương Bắc của dân tộc ta từ thời kỳ đầu dựng nước. Trên đảo còn có các di tích thành cổ thời nhà Mạc ở xã Xuân Đám. Khi xuân về, một số các lễ hội truyền thống còn được duy trì tổ chức như: Lễ hội bơi trải, hội đua thuyền rồng, đua thuyền thúng, lễ hội cúng thủy thần, lễ hội nghề cá...

Dẫu có một lần bạn được đặt chân đến thăm Vườn quốc gia Cát Bà, được đắm mình cùng thiên nhiên hoang dã khám phá các tuyến du lịch sinh thái rừng và biển, với lòng nhiệt tình hiếu khách của con người nơi đây, chắc chắn bạn sẽ hài lòng và ấn tượng với một kỳ nghỉ và thăm quan đầy thú vị.

TRẦN NGỌC SƠN


Số lượt đọc:  2508  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 10:24:37 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH