Số 1

Cuộc chiến gian khó giữ rừng giáp ranh

Huyện Na Rì (Bắc Kạn) hiện có hơn 3.400ha rừng trên núi đá giáp ranh với huyện Bình Gia (Lạng sơn) và Võ Nhai (Thái Nguyên). Đây là diện tích rừng phòng hộ còn khá nhiều động, thực vật quý hiếm, mà chủ yếu là rừng gỗ nghiến tập trung. Trong những năm qua, rừng "vàng" giáp ranh này đã bị " lâm tặc" tấn công thường xuyên và liên tục, đặt lực lượng giữ rừng Na Rì luôn trong tình trạng báo động.

Bất lợi cho người giữ rừng, thuận lợi cho "lâm tặc". Toàn tuyến núi đá liền kề có chiều dài hơn 70km trải dài suốt 5 xã từ Liêm Thủy, Xuân Dương, Dương Sơn, Hảo Nghĩa và Cư Lễ. Địa hình bị chia cắt, độ dốc cao nên di chuyển rất khó khăn, với hàng trăm đường mòn ngang và tuyến tỉnh lộ 279 thông sang tỉnh Lạng Sơn và tuyến đường Hảo Nghĩa - Yên Đĩnh (Chợ Mới) là các tuyến đường chủ yếu bọn "lâm tặc" vận chuyển lâm sản trái phép. Hầu hết đồng bào ở các xã giáp ranh là dân tộc Dao, Tày, Nùng còn nghèo khó, trình độ dân trí chưa cao, sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Cuộc sống phải dựa rất nhiều vào rừng như phát nương làm rẫy, khai thác thu hái lâm sản và các sản phẩm tận thu từ rừng. Việc khai thác gỗ nghiến làm nhà tạo được nhà rất chắc chắn và làm thớt bán mang lại lợi nhuận rất cao nên không tránh khỏi bà con bị bọn đầu nậu lôi kéo dẫn đến khai thác rừng trái phép. Cũng phải nói thêm, việc quản lý và bảo vệ tuyến rừng này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo quyết liệt nhưng lực lượng giữ rừng tỉnh bạn vào cuộc rất thiếu quyết tâm tạo điều kiện cho "lâm tặc" lộng hành. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm Na Rì quá mỏng, với 16 người, quản lý bảo vệ 74.000ha rừng trên toàn huyện. Đồng chí Hà Ngọc Bảo, hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Na Rì cho rằng: Nếu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cần có 74 kiểm lâm. Bên cạnh đó chính quyền các xã có rừng giáp ranh chưa thực sự vào cuộc vì "văn hóa làng xã". Một cán bộ chủ chốt của xã Liêm Thủy cho biết: Biết "lâm tặc" hoạt động đấy nhưng không dám làm mạnh tay vì toàn người trong làng, xã cả, thêm nữa là các đối tượng này sau khi bị bắt gỗ lập tức triệt hạ kinh tế hoặc đe dọa tính mạng chúng tôi ngay. Còn anh Côn, trưởng thôn Bản Cải tiếp tôi trong căn nhà nghiến mới tinh lại khẳng định là có trên 50% hộ ở thôn tham gia khai thác gỗ trái phép. Có thể nói, tất cả những lý do trên là sự bất lợi nghiêng về phía lực lượng kiểm lâm thì đây lại được lực lượng "lâm tặc" khai thác và tận dụng một cách triệt để.

Gian nan cuộc chiến giữ rừng. Tình hình khai thác lâm sản trái phép ở vùng rừng núi đá giáp ranh luôn được coi là vùng trọng điểm, là vùng "nóng" gây bức xúc trên địa bàn huyện Na Rì nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung. Từ đầu năm 2009, tình hình khai thác gỗ nghiến trái phép bùng phát mạnh, hàng loạt cây gỗ nghiến cổ thụ bị đốn hạ hoặc bị đốt đổ và bị khai thác lấy trộm, gây thiệt hại tới nguồn tài nguyên rừng. Các đối tượng khai thác, vận chuyển ngày càng táo bạo với nhiều thủ đoạn tinh vi, bất chấp pháp luật. Các đối tượng chủ yếu hoạt động vào ban đêm, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ tết, những ngày thời tiết xấu... Phương tiện khai thác bằng cưa máy, khi vận chuyển đều tổ chức canh gác chặt chẽ thông tin bằng điện thoại di động, khi phát hiện có lực lượng tuần tra, kiểm soát chúng báo động cho nhau để kịp tháo chạy. Nếu phát hiện lực lượng kiểm lâm ít chúng sẽ liều lĩnh tấn công, chống trả quyết liệt. Bản thân người viết này cũng đã chứng kiến một đoàn 8 người đi xe máy chở thớt từ trong phía thôn Nà Bó ra và vượt qua UBND xã Liêm Thủy ngay giữa buổi trưa. Trước tình hình ngày càng nghiêm trọng cấp ủy, chính quyền huyện Na Rì đã chỉ đạo các lực lượng chức năng huyện Na Rì đề ra nhiều biện pháp như đã tích cực tuần tra, kiểm soát, chủ động tấn công truy quyét "lâm tặc". Song song với các biện pháp mạnh, Hạt Kiểm lâm Na Rì đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nắm tình hình triệt phá các ổ nhóm khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Tổ chức tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng, tổ chức ký cam kết không phá rừng với gần 300 người thuộc các xã vùng giáp ranh... Kết quả đạt được rất khả quan, chỉ tính tới tháng 9/2009 các lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản xử lý hàng trăm vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Tịch thu gần 50m3 gỗ các loại, xử phạt gần một trăm triệu đồng, nhiều vụ đã khởi tố hình sự và nhiều vụ đang trong quá trình điều tra... Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm Na Rì còn tham mưu cho cấp trên phối hợp với huyện Bình Gia (Lạng Sơn) thành lập tổ kiểm lâm cơ động liên ngành quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh Na Rì (Bắc Kạn) - Bình Gia (Lạng Sơn) lập Trạm Thạch Lùng và Nà Đăm, đưa Trạm Kiểm lâm Cư Lễ vào vị trí trọng yếu, tăng cường lực lượng kiểm lâm ở các địa phương khác đến hỗ trợ... góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực giáp ranh.

Máu của các chiến sĩ kiểm lâm đã đổ. Để đạt được kết quả chưa phải là lớn lao đó, máu của các chiến sĩ kiểm lâm đã đổ. Chỉ tính 2 năm qua đã có 11 chiến sĩ kiểm lâm bị "lâm tặc" tấn công hoặc bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Trong 11 chiến sĩ kể trên thì có 3 chiến sĩ là Tô Hữu Phách, Mai Thanh Sang, Trương Bằng Giang bị thương 2 lần. Đồng chí Phách bị "lâm tặc" phá hủy chiếc xe duy nhất dùng làm phương tiện đi lại, đồng chí Sang và Toàn đều bị gẫy tay khi truy đuổi "lâm tặc". Riêng câu chuyện đồng chí Giang bị "lâm tặc" ném đá, thể hiện lòng dũng cảm tấn công "lâm tặc" không khoan nhượng. Đó là vào khoảng 11 giờ đêm ngày mùa đông năm 2008 vừa qua, quá trình đồng chí Giang di chuyển bằng xe máy từ trạm Xuân Dương lên chốt Nà Dăm đã phát hiện 2 đối tượng đi xe máy chở 8 cục thớt nghiến. Mặc dù chỉ có một mình nhưng với tinh thần tấn công tội phạm quyết liệt đồng chí đã lập tức truy đuổi, 2 đối tượng hoảng sợ bỏ chạy nhưng do lúng túng đã tự va quyệt vào nhau và ngã. Khi đứng dậy, chúng dùng đá tấn công đồng chí Giang trước khi chạy thoát thân. Đồng chí Hưởng không chỉ bị "lâm tặc" ném đá thành thương mà nhà của đồng chí ở thôn Thạch Lùng (Cư Lễ) cũng bị ném đã 2 lần, gây hư hỏng mái ngói, vợ con quá sợ hãi chui hết xuống gầm gường... Có thể nói, cuộc chiến giữ rừng giáp ranh ở Na Rì với muôn vàn gian khó vẫn chưa có hồi kết. Giải pháp nào giữ rừng hiệu quả đang là câu hỏi làm đau đầu không chỉ với các cấp chính quyền huyện Na Rì mà còn là của tỉnh Bắc Kạn.

PHAN PHÚC QUÝ


Số lượt đọc:  301  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 10:28:57 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH